Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI - HELEN KELLER - PHẦN V (Chương XII & XIII)

Nguyễn Thành Nhân dịch








CHƯƠNG XII


Sau chuyến viếng thăm Boston, tôi trải qua hầu hết mùa đông ở miền Bắc. Có lần tôi tới thăm một ngôi làng New England có những hồ nước đóng băng và những đồng tuyết mênh mông. Chính lúc ấy tôi đã có những cơ hội thâm nhập vào những kho tàng của tuyết.
Tôi nhớ lại sự ngạc nhiên của mình khi phát hiện ra rằng một bàn tay bí ẩn đã vặt trụi những cây cối và lùm bụi, chỉ để sót lại đó đây một chiếc lá úa khô. Lũ chim đã bay đi, và những cái tổ trống rỗng của chúng trên những thân cây trơ trụi đóng đầy tuyết. Mùa đông ngự trị  ngọn đồi và cánh đồng. Mặt đất dường như bị làm cho rét cóng bởi cái chạm tay băng giá của nó và những linh hồn của các loài cây cối đã rút ra khỏi gốc rễ của chúng, co mình trong bóng tối và thiếp ngủ . Mọi sự sống dường như lịm tắt, ngay cả khi mặt trời chiếu sáng, ngày vẫn
          co quắp và lạnh giá
          Như thể những huyết mạch của nàng
đã cạn nguồn nhựa sống và già cỗi,
          Và nàng yếu ớt bừng lên
để nhướng mắt nhìn lần cuối
mặt đất và biển cả.

Những thảm cỏ và lùm bụi khô héo biến thành một cánh rừng băng.
Rồi một hôm nọ bầu không khí lạnh báo hiệu một cơn bão tuyết. Chúng tôi chạy ra ngoài để cảm nhận những bông hoa tuyết tí hon đầu tiên rơi xuống. Bông tuyết lặng lẽ, dịu dàng rơi xuống đất hết giờ này sang giờ khác từ trên cao, và miền quê ngày càng trở nên bằng phẳng. Một đêm tuyết rơi khép kín toàn thế giới, và sáng ra người ta hầu nhưng không thể nhận ra một đặc điểm nào của cảnh vật. Mọi con đường đều bị phủ kín, không còn thấy được một dấu vết nào, chỉ còn lại một sa mạc tuyết với những thân cây ló lên.
Vào chiều tối, một cơn gió dậy lên từ hướng đông bắc, và những bông tuyết bay phấp phới đó đây trong cuộc hỗn chiến cuồng nộ. Chúng tôi ngồi quanh ngọn lửa, kể nhau nghe những chuyện vui và cảm thấy sung sướng, hoàn toàn quên rằng chúng tôi đang ở giữa một tình trạng cô độc quạnh hiu, bị tách khỏi mọi giao tiếp với thế giới bên ngoài. Nhưng trong đêm, cơn điên giận của gió tăng lên tới một mức độ khiến chúng tôi vô cùng kinh hãi. Những rui nhà kêu kẽo kẹt và căng ra, những cành cây quanh nhà kêu răng rắc và đập vào cửa sổ trong lúc những cơn gió hoành hành quăng quật khắp miền quê.
Vào ngày thứ ba sau khi cơn bão tuyết bắt đầu, tuyết ngừng rơi. Mặt trời thoát khỏi những đám mây và soi sáng cả một vùng đất trắng nhấp nhô rộng lớn. Những gò đống nhô lên trong những hình dáng dị thường, và những đống tuyết không thể đi qua nằm rải rác khắp mọi hướng.
Những con đường mòn được dọn bằng xẻng xuyên qua những đống tuyết. Tôi mặc áo choàng vào và bước ra ngoài. Không khí chích vào đôi má tôi như một ngọn lửa. Vừa đi theo những đường mòn vừa len lách qua những đống tuyết nhỏ hơn, chúng tôi tới được một rừng thông ngay ở mé ngoài một đồng cỏ rộng. Những thân cây đứng yên bất động và trắng toát như những hình thù trong một trụ đá hoa. Không có chút mùi lá thông nào hết. Những tia nắng rơi lên cây cối khiến những nhành cây sáng lấp lánh như những hạt kim cương và rơi xuống như mưa khi chúng tôi chạm vào chúng. Ánh sáng thật chói lọi, nó xuyên qua ngay cả bầu bóng tối trùm lên đôi mắt của tôi.
Sau nhiều ngày, những đống tuyết dần dà co lại, nhưng trước khi chúng hoàn toàn biến mất lại có một trận bão khác, khiến tôi một lần nữa hầu như không thể cảm thấy mặt đất mùa đông dưới chân mình. Vào những lúc bão ngưng hoạt động, cây cối mất đi lớp băng bao phủ, và những cây hương bồ cùng những lùm cây thấp lộ ra; nhưng cái hồ vẫn đóng băng và cứng dưới ánh mặt trời.
 Niềm vui thích nhất của chúng tôi trong mùa đông ấy là đi xe trượt băng. Có nhiều nơi bờ hồ bất ngờ ló lên khỏi mép nước. Chúng tôi thường trượt xuống những con dốc ấy. Chúng tôi ngồi vào xe trượt, một cậu bé đưa cho chúng tôi một cái xẻng, và thế là chúng tôi đi! Chúng tôi lao qua những đống tuyết, phóng qua những chỗ trũng, hướng về phía hồ nước, rồi băng qua mặt hồ lấp lánh tới bờ bên kia. Thật là vui thú biết bao! Thật điên rồ hồ hỡi biết bao! Trong một khoảnh khắc cuồng dại sướng vui, chúng tôi bứt rời sợi xích ràng buộc chúng tôi vào mặt đất, và khi với tay chạm vào những luồng gió, chúng tôi cảm thấy mình thật siêu phàm!

 

CHƯƠNG XIII


          Chính mùa xuân năm 1890 là khi tôi học nói.[1] Niềm thôi thúc được thốt lên những âm thanh có thể nghe thấy luôn rất mạnh mẽ trong tôi. Tôi thường tạo ra những tiếng động, đè một tay lên cổ họng trong lúc tay kia cảm nhận những chuyển động của đôi môi. Tôi hài lòng với bất cứ thứ gì tạo ra một tiếng động, và thích cảm nhận tiếng rừ rừ của mèo và tiếng chó sủa. Tôi cũng thích đặt một bàn tay lên cổ một ca sĩ, hay trên một chiếc dương cầm đang được chơi. Trước khi mất đi thính giác và thị giác, tôi học nói rất nhanh, nhưng sau trận bệnh, mọi người phát hiện ra tôi đã ngưng nói vì tôi không nghe thấy được, Tôi thường ngồi trong lòng mẹ suốt ngày dài và đặt hai tay lên mặt bà vì tôi vui sướng khi cảm nhận những chuyển động của đôi môi; và tôi cũng cử động đôi môi của mình, dù tôi đã quên nói chuyện là gì. Những bạn hữu của tôi bảo rằng tôi cười và khóc một cách tự nhiên, và trong một thời gian tôi tạo ra nhiều âm thanh và những thành tố-từ, không phải vì chúng là những phương tiện giao tiếp, nhưng vì nhu cầu sử dụng những cơ quan phát âm của tôi rất khẩn thiết. Tuy nhiên có một từ mà tôi vẫn còn nhớ ý nghĩa của nó: nước (water). Tôi phát âm nó “wa, wa”. Ngay cả từ này cũng ngày càng trở nên khó nhận thức cho tới thời điểm khi cô Sullivan bắt đầu dạy tôi học. Tôi chỉ dừng sử dụng nó sau khi tôi đã học được các đánh vần từ đó trên những ngón tay của mình.
          Tôi đã biết từ lâu rằng mọi người quanh tôi sử dụng một phương pháp giao tiếp khác với cách của tôi; và thậm chí trước khi biết rằng một đứa bé khiếm thính có thể học nói, tôi vẫn ý thức về một sự bất mãn với những phương tiện giao tiếp mà tôi đã thủ đắc. Một người hoàn toàn phụ thuộc vào cách viết chữ cái bằng tay luôn có một cảm giác bị ức chế, bị thu hẹp. Cảm giác này bắt đầu khuấy động tôi với một ý thức bực dọc, kiếm tìm về sự khiếm khuyết cần được lấp đầy. Ý nghĩ của tôi thường nổi lên và chống đối như những con chim chống chọi với một cơn gió; và tôi khăng khăng cố sử dụng đôi môi và giọng nói của mình. Các bạn tôi cố cản trở khuynh hướng này vì e rằng nó sẽ dẫn tới sự thất vọng. Nhưng tôi vẫn khăng khăng, và ít lâu sau đó một sự cố đã xảy ra với kết quả là cái rào chắn to lớn này bị sụp đổ - tôi nghe kể câu chuyện về Ragnhild Kaata.
          Năm 1890, bà Lamson, người từng là một trong các cô giáo của Laura Bridgman, cũng là người vừa trở về sau một chuyến du lịch ở Na Uy và Thụy Điển đã tới thăm tôi và kể cho tôi nghe về Ragnhild Kaata, một bé gái mù và điếc ở Na Uy, người đã thật sự được dạy cách nói. Bà Lamson hầu như chưa kể hết câu chuyện khi người tôi nóng bừng với sự nôn nao. Tôi quyết định rằng cả tôi cũng sẽ học cách nói. Tôi không thể thư thái trong lòng cho tới khi cô giáo của tôi đưa tôi tới gặp cô Sarah Fuller, hiệu trưởng trường Horace Mann, để được tư vấn và hỗ trợ. Quý bà đáng mến, nhân hậu này đã đề nghị tự đứng ra dạy tôi, và chúng tôi bắt đầu vào ngày 26 tháng 3 năm 1890.
          Phương pháp của cô Fuller là vầy: cô đẩy nhẹ bàn tay của tôi qua mặt mình, và để cho tôi cảm nhận vị trí của lưỡi và đôi môi cô khi cô tạo ra một âm thanh. Tôi nôn nóng muốn bắt chước mọi cử động và trong một giờ đã học được sáu thành tố của ngôn ngữ: M, P, A, S, T, I. Cô Fuller dạy tôi tổng cộng mười một bài học. Tôi sẽ không bao giờ quên được sự ngạc nhiên và niềm vui sướng khi tôi thốt ra câu nói trọn vẹn đầu tiên: “Trời ấm.” Đúng, chúng là những nguyên âm lắp bắp và rạn vỡ; nhưng chúng là tiếng nói của con người. Tâm hồn tôi, ý thức về sức mạnh mới này, đã vượt ra khỏi sự câu thúc, và đang tìm đường đi qua những biểu tượng rạn vỡ của ngôn từ tới mọi kiến thức và mọi niềm tin.
          Không đứa trẻ nào vốn cố gắng một cách nôn nóng để nói những từ mà nó chưa từng nghe thấy – để thoát ra khỏi căn ngục tù câm lặng, nơi không một giọng nói của tình yêu, không một tiếng chim, không một điệu nhạc nào xuyên thủng sự thinh lặng – có thể quên được sự chấn động của nỗi ngạc nhiên và niềm hân hoan của sự khám phá tràn ngập cõi lòng của nó khi nó thốt ra từ đầu tiên. Chỉ một người như thế mới có thể đánh giá hết sự nôn nao của tôi khi tôi trò chuyện với những đồ chơi của mình, với những tảng đá, với lũ chim chóc và những con vật câm lặng, hay niềm vui mà tôi cảm thấy khi tôi gọi và Mildred chạy tới bên tôi hay khi lũ chó tuân theo những mệnh lệnh của tôi. Việc có thể nói ra những từ có cánh mà không cần sự diễn dịch nào là một ân huệ vô tả đối với tôi. Khi tôi nói, những ý nghĩ hạnh phúc vỗ cánh bay ra từ những từ ngữ vốn có lẽ đã chiến đấu một cách vô vọng để thoát khỏi những ngón tay của tôi.
          Nhưng không nên cho rằng tôi có thể thật sự nói được trong khoảng thời gian ngắn ngủi này. Tôi chỉ mới học được những nguyên tố của lời nói. Cô Fuller và cô Sullivan có thể hiểu tôi, nhưng hầu hết mọi người đều không hiểu nổi một từ trong số một trăm từ. Cũng không phải sau khi đã học những nguyên tố này tôi đã tự mình làm phần công việc còn lại. Nếu không có thiên tài, sự kiên trì và tận tâm không mệt mỏi của cô Sullivan, tôi không thể tiến bộ tới mức nói năng một cách tự nhiên. Thứ nhất, tôi học hành vất vả cả đêm ngày trước khi ngay cả những ngườ bạn thân nhất của tôi có thể hiểu tôi; thứ hai, tôi cần sự hỗ trợ của cô Sullivan một cách thường xuyên trong những nỗ lực để nói lưu loát rõ ràng từng âm thanh và để kết hợp mọi âm thanh theo hàng ngàn cách. Ngay cả bây giờ, cô vẫn kêu gọi sự chú ý hàng ngày của tôi tới những từ phát âm sai.
          Mọi thầy cô của người khiếm thính biết điều này có nghĩa là gì, và chỉ có họ mới đánh giá được những khó khăn lạ thường mà tôi phải đấu tranh để vượt qua. Khi đọc đôi môi của cô giáo, tôi hoàn toàn phụ thuộc vào những ngón tay của mình: tôi phải sử dụng xúc giác để nắm bắt những rung động của cổ họng, những chuyển động của miệng và sự thể hiện trên nét mặt; và thường thường cảm giác này sai lệch. Trong những trường hợp đó tôi buộc phải lặp đi lặp lại các từ hay các câu, đôi khi trong suốt nhiều giờ, cho tới khi tôi cảm nhận sự chính xác trong giọng nói của chính tôi. Công việc của tôi là tập luyện, tập luyện, tập luyện. Thường thường tôi cảm thấy nản lòng và mệt mỏi; nhưng ở khoảnh khắc kế tiếp cái ý nghĩ rằng tôi sẽ sớm trở về nhà và chỉ cho những người thân yêu của tôi những gì tôi đã thực hiện được thôi thúc tôi tiến tới, và tôi nôn nao mong đợi được thấy niềm vui của họ đối với thành tựu của tôi.
          “Giờ đứa em gái của mình sẽ hiểu mình,” là một ý nghĩ mạnh hơn mọi trở lực. Tôi thường lặp đi lặp lại một cách ngây ngất, “Giờ tôi không còn câm lặng nữa.” Tôi không thể ngã lòng thoái chí trong khi tôi dự đoán được niềm vui của việc trò chuyện với mẹ tôi và đọc những phản ứng từ đôi môi của bà. Tôi kinh ngạc khi phát hiện ra nói dễ hơn viết với những ngón tay biết bao nhiêu, và tôi loại bỏ cách viết từng vần như là một phương tiện giao tiếp về phần của tôi; nhưng cô Sullivan và vài người bạn vẫn dùng nó để nói với tôi, vì nó thuận tiện và nhanh hơn là đọc môi.
          Ngay tại đây, có lẽ tôi nên giải thích rõ hơn cách sử dụng bảng chữ cái bằng tay của chúng tôi, điều mà dường như sẽ làm những người không biết chúng tôi bối rối. Tôi đặt bàn tay của mình lên bàn tay của người nói thật nhẹ nhàng để không cản trở những chuyển động của nó. Vị trí của bàn tay dễ cảm thấy ngang với dễ nhìn thấy. Tôi không cảm nhận được từng mẫu tự tốt hơn tí nào so với việc bạn nhìn thấy từng mẫu tự riêng biệt khi viết. Sự luyện tập thường xuyên khiến cho những ngón tay rất linh hoạt, và một số bạn của tôi đánh vần rất nhanh – nhanh ngang với một chuyên viên đánh chữ trên một cái máy đánh chữ. Dĩ nhiên việc đánh vần trên bàn tay không phải là một hành động có ý thức gì hơn việc viết nó lên giấy.
          Khi tôi đã tự nói được, tôi rất nôn nóng muốn về nhà. Cuối cùng niềm hạnh phúc nhất trong những khoảnh khắc hạnh phúc đã đến. Tôi đã thực hiện cuộc hành trình trở về nhà, thường xuyên trò chuyện với cô Sullivan, không chỉ vì mục đích trò chuyện, mà vì quyết tâm để hoàn thiện cho tới phút cuối cùng. Hầu như trước khi tôi nhận ra, con tàu dừng lại ở nhà ga Tuscumbia, và cả gia đình đang đứng ở sân ga. Lúc này mắt tôi nhòa lệ khi tôi nghĩ mẹ tôi sẽ ôm chặt lấy tôi như thế nào, không nói nên lời và run rẩy với niềm vui, đón lấy từng nguyên âm mà tôi thốt ra, trong lúc em gái Mildred bé bỏng nắm lấy bàn tay để không của tôi, hôn nó và nhảy múa, và cha tôi thể hiện niềm tự hào và tình cảm của mình trong một sự im lặng lớn lao. Cứ như thể lời tiên tri của Isaah đã thành tựu trong tôi: “Những ngọn núi và những dãy đồi sẽ sụp đổ trước khi con cất lên tiếng hát, và mọi cây cối trên những cánh đồng sẽ vỗ tay!”



[1]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét