Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

CÂU CHUYỆN ĐỜI TÔI - HELEN KELLER (Chương XVI - XVIII)

Nguyễn Thành Nhân dịch






CHƯƠNG XVI


          Trước tháng Mười, 1893, tôi đã một mình nghiên cứu nhiều đề tài khác nhau theo một cung cách ít nhiều có tính rời rạc. Tôi đọc lịch sử của Hy Lạp, La Mã và Hoa Kỳ. Tôi có một cuốn sách văn phạm tiếng Pháp bằng chữ nổi, và vì đã biết một số từ Pháp, tôi thường tự tiêu khiển bằng cách soạn trong đầu những bài tập ngắn, sử dụng những từ mới khi tình cờ bắt gặp chúng, bỏ qua các quy tắc và kỹ thuật càng nhiều càng tốt. Thậm chí tôi đã thử, không có sự trợ giúp, làm chủ cách phát âm tiếng Pháp, vì tôi tìm thấy mọi mẫu tự và âm thanh được mô tả trong cuốn sách. Đương nhiên đây là việc khó thành công; nhưng nó cho tôi một thứ gì đó để làm trong một ngày mưa, và tôi thủ đắc một kiến thức đầy đủ về tiếng Pháp để đọc với niềm vui thú quyển “Truyện ngụ ngôn” của La Fontaine, vở kịch Lang Băm (Le Medecin Malgrè Lui) và những đoạn trong vở kịch Athalie. Tôi cũng dành ra một lượng thời gian đáng kể để nâng cao khả năng nói. Tôi đọc lớn cho cô Sullivan nghe và ngâm những đoạn thơ ưa thích mà tôi lưu giữ trong ký ức; cô giúp tôi sửa cách phát âm, diễn đạt và biến cách. Tuy nhiên, mãi tới tháng Mười, 1893, sau khi hồi phục từ sự mệt mỏi và kích động của chuyến viếng thăm Hội chợ Thế giới tôi mới bắt đầu có những bài học về những chủ đề đặc biệt vào những giờ cố định.
Vào thời điểm đó cô Sullivan và tôi đang ở Hulton, Pennsylvania, thăm viếng gia đình của ông William Wade. Ông Irons, một người láng giềng của họ, là một học giả thông thạo tiếng Latin; tôi được sắp xếp để theo học ông. Tôi nhớ ông là một người có bản tính rất tốt và hiền hậu và có kinh nghiệm sâu rộng. Chủ yếu ông dạy tôi văn phạm tiếng Latin; nhưng ông cũng thường giúp tôi môn số học mà tôi thấy rối rắm và vô vị. Ông Irons cũng đọc với tôi bài thơ “Tưởng niệm” của Tennyson. Tôi đã đọc nhiều sách trước đó, nhưng chưa bao giờ từ một quan điểm mang tính phê bình. Lần đầu tiên tôi học  cách biết một tác giả để nhận ra văn phong của ông ta như nhận ra bàn tay siết chặt của một người bạn.
Thoạt tiên tôi không sẵn lòng học văn phạm Latin cho mấy. Có vẻ như phi lý khi lãng phí thời gian phân tích từng từ tôi tình cờ bắt gặp – danh từ, sở hữu cách, số ít, giống cái – khi ý nghĩa của nó hoàn toàn rõ ràng. Tôi nghĩ tôi cũng có thể mô tả con thú cưng của mình để biết nó – lớp, động vật có xương sống; bộ, động vật bốn chân; họ, động vật có vú; chi, họ, mèo; loài, mèo; cá thể, Tabby. Nhưng khi đi sâu hơn vào môn học này, tôi ngày càng thích thú nó hơn, và vẻ đẹp của ngôn ngữ khiến tôi vui sướng. Tôi thường tự tiêu khiển bằng cách đọc những đoạn văn tiếng Latin, chọn ra những từ tôi hiểu và cố kết nối chúng lại. Tôi chưa bao giờ ngưng thưởng thức thú tiêu khiển này.
Tôi nghĩ không có gì đẹp hơn những hình ảnh và cảm xúc thoáng qua rất vội được thể hiện bởi một ngôn ngữ mà người ta đang trở nên quen thuộc – những ý tưởng vụt ngang qua bầu trời tinh thần, được định hình và tráng lên một lớp vỏ bởi trí tưởng tượng thất thường. Cô Sullivan ngồi cạnh tôi, viết vào tay tôi bất cứ điều gì ông Irons nói, và tìm cho tôi những từ mới. Tôi chỉ bắt đầu đọc cuốn “Cuộc chiến tranh xứ Gô Loa” của Caesar khi trở về nhà mình ở Alabama.

 

 

CHƯƠNG XVII


          Mùa hè năm 1894, tôi dự một cuộc họp của Hiệp hội Xúc tiến Dạy nói cho người điếc Mỹ ở Chautauqua. Tại đó, tôi được sắp xếp để tới trường dạy người điếc Wright-Humason ở thành phố New York.  Tôi tới đó vào tháng 10, 1894, cùng đi có cô Sullivan. Trường này được đặc biệt chọn cho mục đích đạt tới những tiến bộ cao nhất trong văn hóa phát âm và huấn luyện cách đọc môi. Ngoài công việc của mình trong các môn học đó, tôi đã nghiên cứu số học, địa lý, tiếng Pháp và tiếng Đức trong hai năm học ở trường.
Cô Reamy, giáo viên tiếng Đức của tôi, có thể sử dụng bảng chữ cái bằng tay, và sau khi tôi đã học được một số vốn từ vựng nho nhỏ, chúng tôi trò chuyện bằng tiếng Đức bất cứ khi nào có cơ hội, và trong vòng vài tháng tôi có thể hiểu hầu hết những gì cô nói. Trước khi niên học đầu kết thúc, tôi đọc vở kịch "Wilhelm Tell" với niềm vui thích lớn nhất. Thật sự, tôi nghĩ tôi có tiến bộ ở môn tiếng Đức hơn bất cứ môn học nào khác. Tôi thấy tiếng Pháp khó hơn nhiều. Tôi học nó với cô Olivier, một quý cô người Pháp không biết bảng chữ cái bằng tay nên buộc phải hướng dẫn bằng miệng. Tôi không thể đọc môi của cô một cách dễ dàng; vì thế sự tiến triển của tôi chậm hơn nhiều so với khi học tiếng Đức. Tuy nhiên, tôi cũng cố xoay xở để đọc lại vở “Lang băm.” Nó rất thú vị nhưng tôi không thích nó bằng vở "Wilhelm Tell."
Sự tiến bộ của tôi trong việc đọc môi và nói không phải là thứ mà các cô giáo và tôi đã hy vọng. Tham vọng của tôi là nói như những người khác, và các cô giáo của tôi tin rằng có thể thực hiện được điều này; nhưng dù làm việc vất vả và trung thực chúng tôi vẫn không hoàn toàn đạt được mục đích của mình. Tôi cho là chúng tôi đã nhắm tới cái đích quá cao, và do đó sự thất vọng là điều không thể tránh khỏi. Tôi vẫn xem số học là một hệ thống cạm bẫy. Tôi treo người lơ lững bên cái ranh giới nguy hiểm của việc “đoán,” né tránh với vô vàn khó khăn đối với chính tôi và những người khác cái thung lũng rộng lớn của suy lý.  Khi tôi không đoán, tôi nhảy ngay tới những kết luận, và sai lầm này, ngoài sự chậm hiểu của tôi, đã khiến cho những khó khăn của tôi trở nên trầm trọng hơn mức cần thiết.
Nhưng dù những điều gây nản lòng này khiến tôi đôi khi rất phiền muộn, tôi theo đuổi các môn học khác với sự quan tâm không mệt mỏi, nhất là môn địa lý tự nhiên. Thật là một niềm vui khi hiểu được những bí mật của tự nhiên với ngôn ngữ đẹp như tranh của Kinh Cựu ước: những ngọn gió được hình thành và thổi từ bốn góc của bầu trời như thế nào, hơi nước bốc lên như thế nào từ những đầu quả đất, những dòng sông vọt ra thế nào từ giữa những tảng đá, và những ngọn núi bị lật nhào ra sao, và con người làm thế nào để có thể khắc phục nhiều lực lượng hùng mạnh hơn nó. Hai năm ở New York là hai năm hạnh phúc, và tôi nhìn lại chúng với niềm vui chân thật.
          Tôi đặc biệt nhớ những cuộc tản bộ của tất cả chúng tôi mỗi ngày ở Công viên Trung tâm, phần duy nhất của thành phố thích hợp với tôi. Tôi chưa hề đánh mất chút niềm vui nào trong công viên rộng lớn này. Tôi thích nghe mô tả về nó mỗi lần vào đó; vì nó xinh đẹp ở mọi phương diện, và những phương diện này nhiều đến nỗi nó đẹp theo những cách khác nhau vào mỗi ngày trong chín tháng tôi trải qua ở New York.
          Vào mùa xuân, chúng tôi tới tham quan nhiều nơi thú vị khác nhau. Chúng tôi đi thuyền trên sông Hudson và đi lang thang cạnh bờ sông xanh mướt mà Bryant[1] rất thích ngợi ca. Tôi thích vẻ trang nghiêm hoang sơ giản dị của những vách đá dựng đứng. Trong số các nơi tôi tới thăm có West Point, Tarrytown, quê nhà của Washington Irving, nơi tôi đã đi bộ qua “Thung lũng Im lìm (Sleepy Hollow).
          Các giáo viên ở trường Wright-Humason luôn lên kế hoạch để có thể trao cho các học sinh mọi thuận lợi để nghe thấy niềm vui – làm cách nào để có thể tạo nên nhiều khuynh hướng và hồi ức thụ động hơn cho những đứa trẻ - và dẫn dắt chúng ra khỏi những hoàn cảnh tù túng mà cuộc đời của chúng đã định sẵn.
          Trước khi rời New York, những ngày tươi sáng này trở nên u ám bởi nỗi buồn lớn nhất mà tôi từng gánh chịu, trừ cái chết của cha tôi. ÔngJohn P. Spaulding, ở Boston, qua đời vào tháng Hai, 1896. Chỉ những ai biết và yêu quý ông nhất mới có thể hiểu tình bạn của ông có ý nghĩa thế nào đối với tôi. Ông, người luôn luôn làm cho người khác hạnh phúc bằng một cung cách đẹp đẽ, khiêm tốn, rất tốt bụng và dịu dàng đối với cô Sullivan  và tôi. Chừng nào chúng tôi còn cảm thấy sự hiện diện đáng yêu của ông và biết rằng ông đang quan tâm theo dõi công việc của chúng tôi, chúng tôi không thể nào nản chí. Việc ông ra đi để lại một khoảng trống không bao giờ có thể lấp đầy trong cuộc đời của chúng tôi.

 

 


CHƯƠNG XVIII


          Tháng 10, 1896, tôi vào trường Cambridge dành cho các nữ sinh viên, chuẩn bị để nhập học ở trường Radcliffe.
          Khi còn là một bé gái, tôi đã tới Wellesley và làm cho các bạn tôi ngạc nhiên bởi lời tuyên bố: “Một ngày nào đó tôi sẽ học đại học – nhưng tôi sẽ học ở Harvard!” Khi được hỏi vì sao tôi sẽ không tới học ở Wellesley, tôi đáp rằng ở đó chỉ có các cô gái. Cái ý nghĩ về việc học đại học đâm rễ trong tim tôi và trở thành một khát khao nghiêm chỉnh, thôi thúc tôi tham gia cuộc thi để dành một học vị với những cô gái nhìn và nghe được, trước sự chống đối mạnh mẽ của nhiều người bạn chân thật và thông minh. Khi tôi rời New York, ý tưởng này đã trở thành một mục đích xác định; và tôi quyết định sẽ vào học ở Cambridge. Đây là cách tiếp cận gần nhất để tôi có thể vào học ở Harvard và hoàn thành lời tuyên bố trẻ con của mình.
Ở trường Cambridge, kế hoạch là cô Sullivan sẽ dự lớp với tôi và diễn dịch cho tôi những lời giảng.
          Dĩ nhiên các giáo sư của tôi không có kinh nghiệm nào ngoài việc dạy cho những học sinh bình thường, và phương tiện đàm thoại duy nhất giữa tôi và họ là đọc môi của họ. Các môn học của tôi trong năm đầu là lịch sử Anh, văn học Anh, tiếng Đức, tiếng Latin, số học, cách sáng tác bằng tiếng Latin và các chủ đề không thường xuyên. Cho tới lúc đó tôi chưa bao giờ tham dự một khóa học với ý tưởng chuẩn bị cho trường đại học; nhưng tôi đã được cô Sullivan rèn luyện rất tốt tiếng Anh, và các giáo viên của tôi sớm nhận thấy rằng tôi không cần sự hướng dẫn đặc biệt nào ở môn này ngoài một nghiên cứu mang tính phê bình những cuốn sách do trường quy định. Ngoài ra, tôi đã có một khởi đầu tốt ở tiếng Pháp, và đã nhận được sáu tháng hướng dẫn tiếng Latin; nhưng tiếng Đức là môn mà tôi quen thuộc nhất.
          Tuy nhiên, dù có các thuận lợi này, vẫn có những thứ ngăn trở sự tiến triển của tôi. Cô Sullivan không thể viết vào tay tôi tất cả những cuốn sách được yêu cầu, và rất khó có những giáo trình được khắc nổi kịp thời để tôi sử dụng, dù các bạn tôi ở London và Philadelphia sẵn lòng đẩy nhanh công việc. Thật sự, trong một thời gian, tôi phải chép lại tiếng Latin bằng chữ nổi để có thể đọc với những cô gái khác. Các giáo viên của tôi sớm trở nên quen thuộc với phát âm không hoàn hảo của tôi để trả lời các câu hỏi của tôi một cách dễ dàng và chỉnh sửa các sai lầm. Tôi không thể ghi chép trong lớp hay viết các bài tập; nhưng tôi viết tất cả những luận văn và bài dịch ở nhà trên cái máy đánh chữ của tôi.
          Mỗi ngày cô Sullivan tới lớp với tôi và viết vào tay tôi với sự nhẫn nại vô hạn tất cả những điều các giáo viên nói. Trong những giờ học cô phải tìm những từ mới cho tôi, đọc đi đọc lại những ghi chú và những cuốn sách mà tôi không có bản in chữ nổi. Khó mà hình dung nổi sự tẻ nhạt của công việc này. Cô Gröte, giáo viên tiếng Đức của tôi, và thầy  Gilman, hiệu trưởng, là các giáo viên duy nhất trong trường biết bảng chữ cái bằng tay để hướng dẫn tôi. Không ai nhận thức đầy đủ hơn cô Gröte thân mến cách viết của cô chậm và không thích đáng thế nào. Dù sao, với quả tim nhân hậu, cô vẫn nhọc nhằn viết những hướng dẫn ra cho tôi trong những bài học đặc biệt hai lần một tuần, để cô Sullivan có thể nghỉ ngơi chút ít. Nhưng dù mọi người rất tốt và sẵn sàng giúp chúng tôi, chi có một bàn tay duy nhất có thể biến sự lao dịch thành niềm vui thú.
          Năm đó tôi hoàn thành môn số học, ôn lại văn phạm tiếng Latin, và đọc ba chương của cuốn “Cuộc chiến ở Gô Loa” của Caesar. Về tiếng Đức, tôi đọc, một phần với những ngón tay của mình, một phần với sự hỗ trợ của cô Sullivan bài thơ “Thi khúc của chuông” (Lied von der Glocke) và “Tay thợ lặn” (Taucher) của Schiller, cuốn “Chuyến lên núi Harz” (Harzreise) của Heine, cuốn “Từ tình trạng của Đại đế Frederick”  (Aus dem Staat Friedrichs des Grossen) của Freytag, "Lời nguyền của cái đẹp” (Fluch Der Schönheit) của Riehl,  vở kịch “Minna von Barnhelm hoặc niềm hạnh phúc của những chiến binh” (Minna von Barnhelm) của Lessing và hồi ký “Từ cuộc đời tôi” (Aus meinem Leben) của Goethe. Tôi rất vui thú với những cuốn sách tiếng Đức, nhất là những vần thơ tuyệt vời của Schiller, lịch sử về những thành tựu rực rỡ của Đại đế Frederick và mô tả về cuộc đời của Goethe. Tôi rất tiếc khi đọc hết tập “Chuyến lên núi Harz” đầy những nhận xét dí dỏm vui tươi và những mô tả hấp dẫn về những ngọn đồi phủ đầy cây nho dại, những dòng suối reo ca và gợn sóng dưới ánh mặt trời, những miền hoang vu, thiêng liêng đối với truyền thống và truyền thuyết, những người chị em vô danh của một thời kỳ tưởng tượng đã biến mất từ lâu – những mô tả chỉ có thể được đưa ra bởi những người có bản chất  tràn đầy “xúc cảm, tình yêu và một niềm khao khát.”
Thầy Gilman hướng dẫn tôi trong một phần của năm môn văn học Anh. Chúng tôi cùng đọc vở hài kịch “Thích thì chiều” (As you Like it – của William Shakespeare), tập tiểu luận “Nói về sự hòa giải với Hoa Kỳ” (Speech on Conciliation with America) của Burke và  tập tiểu sử “Cuộc đời của Samuel Johnson” (Life of Samuel Johnson) của Macaulay. Tầm hiểu biết sâu rộng của thầy Gilman đối với lịch sử và văn học và những lời giải thích thông minh của thầy khiến công việc của tôi trở nên dễ dàng thú vị hơn là nếu như tôi chỉ đọc những ghi chép một cách máy móc với những giải thích ngắn cần thiết được đưa ra trong lớp.
Ngôn từ của Burke có tính hướng dẫn hơn bất kỳ cuốn sách nào khác về một chủ đề chính trị mà tôi từng đọc. Tâm trí tôi bị khuấy động bởi những thời đại đầy khuấy động, và các nhân vật mà quanh họ cuộc sống của hai quốc gia đối thủ tập trung dường như di chuyển ngay trước mắt tôi. Tôi cứ tự hỏi mãi, trong lúc ngôn từ bậc thầy của Burke chuyển dịch trong những đợt sóng hùng biện, làm thế nào mà Vua George và các cận thần có thể quay lưng lại với lời tiên tri mang tính cảnh báo của ông về chiến thắng của chúng tôi và sự nhục nhã của họ. Rồi tôi bước vào những tình tiết u buồn về mối quan hệ mà trong đó những nguyên thủ quốc gia đại diện cho đảng của họ và cho nhân dân. Tôi nghĩ thật lạ lùng khi những hạt giống quý báu của chân lý và minh triết đó lại có thể rơi vào giữa đám cỏ dại của sự vô minh và đồi bại.
Cuốn “Cuộc đời của Samuel Johnson” của Macaulay lại thú vị theo cách khác. Tim tôi bước ra với người đàn ông đơn độc ăn cái bánh ưu phiền đau khổ trên phố Grub, thế nhưng, giữa những lao dịch và khổ đau tàn nhẫn của thể xác và linh hồn luôn có một từ tốt đẹp, và luôn đưa một bàn tay giúp đỡ ra cho những người nghèo và bị rẻ khinh. Tôi vui mừng với mọi thành công của ông, tôi nhắm mắt lại trước những lầm lỗi của ông, và tự hỏi, không phải vì sao ông có những lỗi lầm mà vì sao chúng không nghiền nát hay bóp nghẹt linh hồn ông. Nhưng dù Macaulay thừa tài hoa lỗi lạc và có khả năng đáng ngưỡng mộ trong việc khiến cho sự tầm thường có vẻ tươi tắn và đẹp đẽ, sự xác quyết của ông đôi khi khiến tôi mệt mỏi, và sự thường xuyên hy sinh sự thật để tạo tác động của ông giữ tôi ở một thái độ chất vấn rất khác với thái độ của tôn trọng mà tôi thể hiện khi lắng nghe những nhà hùng biện của nước Anh.
Ở trường Cambridge, lần đầu tiên trong đời, tôi đã thụ hưởng tình đồng đội của những cô gái nhìn và nghe được cùng độ tuổi với tôi. Tôi sống với nhiều cô gái khác trong một trong số những ngôi nhà vui vẻ nối liền với trường học. ngôi nhà nơi ông Howells từng ở, và tất cả chúng tôi đều hưởng được một cuộc sống trong nhà. Tôi cùng chơi với họ trong nhiều trò chơi, thậm chí cả trò bịt mắt bắt dê và những trò vui trên tuyết; tôi cùng họ đi dạo những quãng đường xa; chúng tôi thảo luận về các môn học và đọc to những thứ khiến chúng tôi thích thú. Một số cô gái học được cách nói với tôi, nhờ thế cô Sullivan không phải lặp lại những lời của họ.

          Vào lễ Giáng sinh, mẹ và em gái tôi tới nghỉ lễ với tôi, và thầy Gilman tốt bụng đề nghị để cho Mildred học trong trường của ông. Thế là Mildred ở lại với tôi tại Cambridge, và trong sáu tháng hạnh phúc chúng tôi hầu như không tách khỏi nhau. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là nhớ tới những giờ khắc chúng tôi đã trải qua để giúp nhau học và chia sẻ thú tiêu khiển cùng nhau.
          Tôi thi các môn sơ khảo vào trường Radcliffe từ ngày 29/6 tới ngày 3/7/1897. Các môn tôi được đề nghị là tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh sơ và trung cấp và lịch sử Hy Lạp và La Mã, tổng cộng mất chín giờ. Tôi thi đậu mọi môn, và nhận giải “danh dự” môn tiếng Đức và tiếng Anh.
          Ở đây, có lẽ một lời giải thích về phương pháp được sử dụng trong kỳ thi chính thức sẽ không thừa thãi. Một sinh viên được yêu cầu thi trong 16 giờ - 12 giờ gọi là sơ cấp và bốn giờ gọi là trung cấp. Anh ta phải thi 5 giờ mỗi đợt để được tính điểm. Đề thi được giao vào lúc 9 giờ tại Harvard và được một sứ giả đặc biệt mang tới Radcliffe. Mỗi thí sinh được biết tới không phải dưới tên của mình mà là dưới một con số. Tôi mang số 233, nhưng vì tôi phải sử dụng một cái máy đánh chữ, nhân thân của tôi không thể bị che đậy.
          Người ta cho rằng tôi nên làm bài thi một mình trong một phòng thi, vì tiếng động của cái máy đánh chữ có thể quấy rầy các cô gái khác. Thầy Gilman đọc tất cả các đề thi cho tôi thông qua bảng chữ cái bằng tay. Một người đàn ông đứng canh ở cửa để ngăn cản sự can thiệp.
          Ngày đầu tiên tôi thi tiếng Đức. Thầy Gilman ngồi cạnh tôi và đầu tiên đọc qua một lượt, sau đó từng câu, trong lúc tôi lớn tiếng lặp lại những từ để chắc rằng tôi hoàn toàn hiểu ông. Các đề thi khá khó, và tôi cảm thấy rất hồi hộp khi viết các câu trả lời trên cái máy đánh chữ. Thầy Gilman đánh vần cho tôi những gì tôi đã viết, và tôi thực hiện những thay đổi mà tôi nghĩ là cần thiết, rồi ông thu bài. Tôi muốn nói ở đây rằng tôi không có sự thuận lợi này trong bất kỳ cuộc thi nào khác kể từ lần đó. Ở Radcliffe không có ai đọc lại bài thi cho tôi sau khi chúng được viết, và tôi không có cơ may nào để sửa lại những sai lầm trừ khi tôi hoàn tất trước khi hết giờ. Trong trường hợp đó tôi chỉ sửa lại những lỗi mà tôi có thể nhớ lại trong vài phút cho phép, và ghi chú những sửa chữa này vào cuối giấy thi. Tôi thi đậu với điểm cao ở các đợt sơ khảo hơn các đợt chung khảo là vì hai lý do. Trong các đợt chung khảo, không có ai đọc lại bài giải cho tôi, và trong các đợt sơ khảo tôi nhận được những đề tài mà trong số đó tôi đã khá quen thuộc trước khi tới học ở Cambridge; vì vào đầu năm tôi đã thi đậu các môn tiếng Anh, lịch sử, tiếng Pháp và tiếng Đức mà thầy Gilman đưa cho tôi từ đề thi năm trước của Harvard.
          Thầy Gilman nộp bài thi của tôi cho ban giám khảo với một xác nhận rằng tôi, thí sinh số 233, đã viết bài thi.


Ảnh: Marshall, 1902
CÔ KELLER LÀM VIỆC TRONG THƯ PHÒNG


          Tất cả các đợt thi sơ khảo khác được tiến hành theo cung cách đó. Không đợt nào khó như đợt đầu. Tôi nhớ rằng hôm đề thi tiếng Latin được mang tới cho chúng tôi, giáo sư Schilling bước vào và thông báo với tôi rằng tôi đã đậu cao môn tiếng Đức. Điều này động viên tôi rất nhiều, và tôi lướt tới cuối cuộc thử thách với một trái tim nhẹ nhõm và một bàn tay nhanh nhẹn.



[1] William Cullen Bryant (1794 – 1878) nhà thơ, nhà báo Mỹ, biên tập viên lâu năm của tờ New York Evening Post.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét