Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

Lại một đêm mất ngủ vì thơ



Đêm nay lại là một đêm mất ngủ.

Bạn của tôi, nếu bạn là một con ma chuyên thức trắng dờ con mắt  để ngày mai nằm ngủ vùi cả một buổi sáng đẹp tươi, bạn sẽ biết thế nào là niềm tiếc nuối khôn khuây. Nhưng dài dòng thế đủ rồi, tôi muốn đi vào vấn đề chính yếu.

Tôi đã lỡ dại tham gia vào vụ thơ tân hình thức, và sẽ còn phải tốn nhiều thời gian cho nó. Nhưng như tôi đã nói từ đầu: tôi không coi đó là một sự cách tân, mà chỉ là một bước lùi của một số nhà thơ Mỹ, khi họ nửa luyến tiếc quá khứ vàng son, nửa xây tham vọng tìm một sự cách tân.

"Tân hình thức" tự bản thân ngôn từ tiếng Việt đã là một diễn giải cực kỳ méo mó so với khái niệm nguyên thủy. New Formalism gợi một cái gì mới mẻ, mà thật sự bản chất của nó, như mục đích của những người chủ soái (Mỹ) là muốn tìm về truyền thống xa xưa. Nhưng vì sao đêm nay tôi mất ngủ? Vì sao tôi phải ngồi kỳ cạch gõ từng con phím khi mắt đã nhòa, đầu óc đã không còn tỉnh táo.

Chừng nào nền (hay phong cách, giọng điệu, thể thơ )của một quốc gia có thể chứng tỏ nó có sức mạnh vượt ra khỏi biên giới ngôn từ, khi đó chúng ta, những người làm thơ ở một quốc gia nhược tiểu, mới có thể tự vỗ ngực xưng tên mình là người sáng tạo. Tôi bùi ngùi nhìn lại. Chúng ta có gì để dám vỗ ngực xưng tên. Thơ Đường luật in hằn dấu ấn của Trung Hoa, thơ Mới in hằn dấu ấn của thơ Pháp (hầu hết). Vậy thơ ca Việt Nam còn có gì đây?

May thay, thơ Việt Nam còn có thể lục bát độc nhất vô song. Có nhiều nhà thơ Việt đã tận dụng thể thơ này làm nên những vần thơ trác tuyệt. Rất buồn là vì tâm hồn, mặc cảm nhược tiểu vốn đã ăn sâu thâm căn cố đế vào đầu óc của đa số những người làm thơ Việt, nhất là ở thời hiện đại. Nên họ không biết tận dụng kho báu quý giá của mình mà lăng xăng vay mượn của thiên hạ. Điều đó cũng tốt phần nào, nếu chúng ta biết dừng ở chỗ hội nhập nhưng không bị đồng hóa. Thơ Haiku của Nhật, tôi đọc cũng có nhiều bài thú vị, thậm chí có nhiều bài rất sâu sắc và đầy sức gợi. Nhưng dù sao đó vẫn là một thể thơ của Nhật. Ta học hỏi, tiếp thu, vâng. Ta hòa đồng, hội nhập, vâng. Nhưng! Dấu chấm than này là một dấu chấm than cho thân phận nhược tiểu của chúng ta; mà dù muốn dù không chúng ta phải công nhận nó. Văn học của chúng ta, thi ca của chúng ta, so với thế giới hình như có một khoảng cách xa xôi quá. Nhưng nếu  chúng ta biết điểm yếu của mình, biết tự trân trọng và phát huy điểm độc đáo của mình, sao ta không thể tiến xa hơn. Theo thiển ý ngụ muội của tôi, đọc thì vẫn đọc, học hỏi thì vẫn học hỏi, nhưng bổn phận của mỗi nhà thơ Việt Nam là làm sao để không phải toàn thế giới. nhưng ít ra cũng có một số quốc gia phải làm thơ lục bát bằng ngôn ngữ của họ. Ơi các nhà thơ Việt Nam, có bao giờ các anh các chị nghĩ tới điều này chưa?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét