Sáng nay, tôi ghé trường Đại học Hoa Sen vì có chuyện
cần trao đổi với nhà văn, dịch giả Mai Sơn, trưởng Ban tu thư của trường, tình
cờ sao lại trùng hợp với ngày đạo diễn Việt Linh có buổi ra mắt bộ sách điện
ảnh của chị. May mắn hơn nữa, tôi đã gặp được cô hiệu trưởng Bùi Trân Phượng,
một ân nhân mà lâu nay tôi vẫn thầm mong có dịp gặp gỡ để bày tỏ lòng biết ơn
sâu sắc của tôi và gia đình tôi đối với cô. Bao cảm xúc dồn dập đến, tôi xin cố
ghi lại trong vài dòng vắn tắt dưới đây để chia sẻ cùng các vị thầy cô và các
em sinh viên trường Hoa Sen.
Nhà tôi có tất cả bảy anh em, tôi là anh cả. Và trong
số những người em của tôi, có hai đứa đã vinh hạnh nhận được sự giáo dục rất ân
cần và thực tiễn của trường. Người em thứ sáu của tôi tên là Nguyễn Trọng Đức.
Em học trường Đại học KHXNNV khoa Pháp Văn, và đồng thời cũng ghi danh học ở
trường Cao đẳng Hoa Sen (khi đó chưa nâng cấp thành trường đại học). Đức là đứa
em giỏi giang thông minh nhất trong gia đình tôi. Cả nhà đặt rất nhiều kỳ vọng
vào em. Rất tiếc, khi đã tốt nghiệp cả hai trường, và nhận được học bổng của
trường Hoa Sen để sang Pháp tu nghiệp thêm thì em bất ngờ bị đột tử trước ngày
lên đường xuất dương không lâu (năm 1998). Nhà trường và bản thân cô Bùi Trân
Phượng đã cùng chia sẻ nỗi đau buồn đó cùng gia đình chúng tôi, xin chân thành
cám ơn cô và nhà trường. Sau khi Đức mất, cô Phượng vẫn quan tâm tới gia đình
tôi. Trong nhà, đứa em thứ bảy của tôi, Nguyễn Trọng Nghĩa, là thằng em mà tôi
lo lắng nhất, vì nó học hành không tốt lắm, học tới hai năm lớp một vì cứ vào
lớp là… ngủ gật! May sao, dù học hành ì ạch, nó vẫn cố học tới tốt nghiệp PTTH.
Hồi đó, tôi khuyên nó đi học thêm để cố thi đại học lần nữa sau lần thi đầu
thất bại, nhưng thâm tâm tôi vẫn không có chút gì hy vọng, vì biết sức học của
em mình quá yếu. Chuyện qua lâu rồi nên tôi không còn nhớ rõ chi tiết, nhưng
chỉ nhớ là cô hiệu trưởng Bùi Trân Phượng đã thu nhận em tôi vào học tại trường,
miễn đóng học phí. Và nhờ sự đào tạo của trường, từ một đứa học hành lem nhem,
em tôi đã có một trình độ nhất định để chen chân giữa cuộc đời. Hiện nay Nghĩa
là phóng viên ảnh của tờ Mực Tím, đã lập gia đình, nói chung là có một cuộc
sống ổn định bình an…
Lúc sáng này, tôi đã mạo muội ngõ lời cám ơn cô
Phượng và các thầy cô của trường, nhưng lời nói không thể nào bộc lộ được hết
những tình cảm biết ơn và trân trọng của tôi và gia đình tôi đối với cô Phượng
và nhà trường. Tôi càng cảm động hơn với những lời cô phát biểu vào cuối buổi
ra mắt sách. Tâm niệm của cô không chỉ là dạy cho học sinh về tri thức mà còn
là cách học, cách sống. Học không chỉ để đạt lấy mảnh bằng, mà quan trọng nhất
là luôn cần cù thu lượm, học hỏi mọi tri thức đến từ nhà trường, thầy cô, bạn
hữu và mọi người xung quanh, từ những quyển sách hay. Và mục đích của việc học
không chỉ để vinh thân phì gia mà còn để chung tay góp sức dựng xây đất nước. Tâm niệm đó thật là cao quý.
Tôi xin một lần nữa chân thành cám ơn cô hiệu trưởng
Bùi Trân Phượng cùng toàn thể các vị thầy cô của trường. Xin cầu chúc trường
Hoa Sen ngày càng mở rộng và thành công trong việc giáo dục đào tạo các thế hệ
sinh viên, những mầm non tài năng của đất nước trong tương lai. Cầu chúc các
quý thầy cô của nhà trường luôn mạnh khỏe, hạnh phúc để truyền đạt những kiến
thức quý báu cho các đàn em.
Sài Gòn, 12/10/2013
Nguyễn Thành Nhân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét