Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Tản mạn chuyện xuất bản sách ở nước ngoài






 


Xuất bản ở nước ngoài khác khá nhiều so với cách thực hiện và cách nghĩ của đại đa số tác giả (nhà văn/ nhà thơ/học giả…) và cả các nhà xuất bản của Việt Nam hiện nay.
Xuất bản ở nước ngoài hầu như tự do tuyệt đối. Biên tập viên muốn chữa văn bạn phải hỏi tới hỏi lui, dò dẫm xem bạn có OK cho họ chữa hay không, chứ không như các BTV người Việt nhà ta, tay kéo tay dao cứ lăm le cắt/chặt/chém…. cho tới khi tác phẩm của bạn trở thành một củ khoai luộc tròn vo theo ý họ… Và bạn có quyền chửi những lãnh tụ cao cấp nhất của nước mình (tức là nước phương Tây nào đó chứ không phải VN) mà chả có ai đụng tới lông chân bạn, với một điều kiện: bạn nói phải có sách, mách phải có chứng; không thì bạn sẽ bị “suit” về cái tội bôi nhọ, phỉ báng hay vu khống “cán bộ” cấp vô cùng bự!
Vấn đề nghiêm trọng nhất là bản quyền. Anh có ăn cắp ý tưởng của ai không? Những thông tin trích dẫn của anh có được tác giả cho phép không? Hay giả dụ anh muốn viết về một nhân vật có thật nào đó trong đời, (quan trọng nhất là khi ông/bà đó còn sống) thì các chi tiết tư liệu mà anh sưu tầm hay tưởng tượng có được nhân vật đó đồng ý hay không.
Hiện nay, theo xu thế chung trên toàn thế giới, có 2 hệ thống chính:
1.     Xuất bản theo kiểu truyền thống: tác giả bán trọn bản quyền hoặc hưởng nhuận bút từ nhà xuất bản.  Nhà xuất bản chịu trách nhiệm toàn bộ mọi thứ từ A- Z (PR, tái bản, chuyển thể…) đối với tác phẩm được công bố, và cả sau đó, và sẽ chuyển giao một phần lợi nhuận từ các hoạt động nầy cho tác giả (theo thỏa thuận).
Hình thức này có từ khi luật bản quyền ra đời cho tới nay. Thông thường, chỉ có những nhà xuất bản có uy tín lâu đời hoặc có phương thức kinh doanh tạo ra siêu lợi nhuận mới làm theo kiểu này. (Dĩ nhiên phải có những chiêu tiếp thị hợp mốt hợp thời mới được.)
2.     Xuất bản theo kiểu tác giả chịu một phần hoặc toàn bộ chi phí:
2a. Tác giả chịu 1 phần chi phí- giả đoán (subsidy publishing):
Hiện có rất nhiều NXB, trong đó Dorald ở Mỹ là điển hình, hoạt động theo kiểu này. Thoạt nhìn, nó tương tự như kiểu đầu nậu liên kết với NXB ở Việt nam, nhưng sâu bên trong, nó hoàn toàn khác hẳn. Ở đây chỉ có mối liên hệ giữa tác giả và NXB, không có thằng đầu nậu (đầu trâu/đầu bò/ăn chặn/ăn cướp cơm chim…) đứng giữa. Ô hô ai tai, chính Luật xuất bản VN đã đẻ ra cái đám quái thai này! Bạn nộp bản thảo cho NXB. NXB thẩm định xem bản thảo có khả năng thành công hay không. Nếu họ thấy tác phẩm của bạn có khả năng bán được, bạn sẽ phải nộp từ 4000 – 6.000 đô cho NXB để họ lo chi phí in ấn và tiếp thị/quảng cáo.  
Xuất bản theo dạng này có 2 kết quả:
* Tác phẩm của bạn bán không chạy. Đương nhiên bạn sẽ thu hồi lại rất ít hoặc không thu hồi được vốn. Ví dụ: bạn trả $4000, Dorald sẽ in cho bạn 1000 cuốn, nhưng sách ra, chỉ bán được vài ba cuốn, số còn lại, là do bạn bỏ tiền túi ra mua để tặng người quen. Coi như bạn bỏ tiền mua vui được một trống canh! (Lưu ý: xuất bản theo dạng này, tác giả chỉ nhận được duy nhất 1 bản in miễn phí sau khi chấp nhận (approved) các mặt thiết kế, dàn trang do NXB đề nghị.)
* Nếu sau đó, tác phẩm của bạn thành công, bán được nhiều hơn số vốn đầu tư ban đầu của bạn, NXB sẽ hoàn lại tiền cho bạn, và trả thêm những thu nhập mới phát sinh sau khi khấu trừ chi phí cho NXB.
Phải nói rằng xác suất thành công này ở mức trung bình kém! (Đa số các tác giả chọn dạng hợp tác này thiếu tài năng thật sự! Thành công phần nào đạt được là do kết quả tiếp thị.) Ngoài ra, các quyết định về nội dung tác phẩm (biên tập), vẽ bìa, phát hành, đối tượng đọc… phụ thuộc vào NXB hơn là tác giả, tương tự như hình thức xuất bản theo truyền thống.
2b. Tác giả chịu 100% chi phí:
Ngày nay, với công nghệ hiện đại, một NXB không nhất thiết phải in ra 1.000 hoặc 500 bản thơ hoặc văn mà con số bán được khả quan nhất chỉ đạt 20-30%, và số còn lại sẽ chất đầy dưới gầm giường tác giả. Công nghệ “print on demand” (in theo yêu cầu) cho phép một tác phẩm khi đã được dàn trang thiết kế hoàn chỉnh có thể in với số lượng cực tối thiểu (1 cuốn) theo nhu cầu, nhưng vẫn có đầy đủ chất lượng của một bản in theo truyền thống.
Điểm đặc biệt ở đây là bạn có toàn quyền để tự thiết kế khổ sách, loại bìa (cứng/mềm), trang trí bìa và các trang trong nếu có khả năng. Công ty sẽ hỗ trợ cho bạn những phần mềm để làm điều này. Nếu không, bạn có thể yêu cầu họ thiết kế theo ý tưởng của mình. Tuyệt nhất là hiện nay lại có thêm một kênh mới là bán sách ebook. Ví dụ Amazon có phương thức kindle direct publishing cho phép bạn tự xuất bản tác phẩm của mình để bán trên kindle, Ipad, Iphone, Android, Blackberry, Mac, and PC… với giá do bạn tùy chọn, càng thấp so với giá sách in thì càng có khả năng nhiều người mua hơn; và nhuận bút cao nhất lên tới 70% giá sách. Nhưng… chỉ với một chữ nếu… “Nếu bạn được lăng-xê và trở nên nổi tiếng, như J. K. Rowling chẳng hạn."
Xem trên mạng, thấy cũng có nhiều tác giả viết bài ca ngợi phương thức này vì đã bán được rất nhiều bản ebook so với hình thức sách in truyền thống, nhưng bản thân tôi thì lâu lâu vài ba tháng mới bán được vài ba cuốn kindle… Hic, kiểu này mà mong làm giàu thì chắc ba đời ba kiếp nữa cũng chưa thu đủ tiền để mua một chiếc ghe bầu! (Tôi hằng mơ sắm được một chiếc ghe bầu để ngao du ba sông bốn bể chơi…Mà mơ cũng chỉ là mơ!!!)


Hiện có khá nhiều nhà xuất bản theo dạng này trên khắp thế giới (tiếng Anh gọi là “self publishing services company”). Vài công ty uy tín như Lulu.com, Authorhouse.com, hay CreateSpace.com… đang kiếm chác khá nhiều từ các tác giả không mơ tới sự nổi tiếng mà chỉ muốn sách được phát hành để tặng bạn bè chơi.
Tất nhiên các công ty xuất bản này có rất nhiều gói hàng với mức giá khác nhau tùy theo nhu cầu và khả năng tài chính của khách hàng. Gói hàng thấp nhất bao gồm: cung cấp mã số IBSN, design nội dung và bìa, phát hành và phân phối trên trang mạng chính, phân phối qua Amazon.com, vv… Nếu bạn đủ sức chơi, bạn có thể chi tới khoảng 10.000 đô để được quảng cáo trên những tạp chí và đài truyền hình uy tín nhất nước Mỹ, được in và phân phối trên hệ thống bán lẻ toàn nước Mỹ, vv…; chỉ với một điều kiện là bạn viết không quá tồi và vấn đề bạn viết có khả năng phổ cập. Tất cả những gì còn lại là “TIẾP THỊ”! Có một câu châm ngôn của mấy công ty đóng vai mẹ đỡ đầu cho các “nhân-tài-còn-nằm-trong-lá-ủ” này là: “Bạn đã hoàn thành tác phẩm của mình ư? Bạn vừa đi được 10 phần trăm con đường rồi đó; 90% còn lại là quảng bá và phân phối!” (Vậy bạn còn chờ gì nữa mà không móc bóp đi!)
Câu nói này không phải không có lý. Dẫn chứng: Harry Potter không ngẫu nhiên trở thành hiện tượng đâu bạn ạ. Nếu bạn có đọc qua cuốn Free Gift Inside của Stephen Brown (xuất bản năm 2003) bạn sẽ hiểu hơn những chiêu xuất thần nhập hóa của mấy tay trùm sách, để biến Cô bé lọ lem J.K. Rowling thành một nữ hoàng không ngôi báu.
Lulu.com hiện nay, có vài tựa sách nổi tiếng, điển hình như Giết con chim nhại – To Kill a Mockingbird (NXB Harper Lee). Tôi thật không hiểu vì sao tựa sách này lại có mặt ở đây vì tác phẩm này đã quá nổi tiếng và Amazon.com vẫn còn đang bán nó trên mạng. Hoặc có thể Lulu.com là một kênh phát hành hữu hiệu khác của tác phẩm này chăng?  
Điểm qua trang mạng của Lulu.com (và tất nhiên, thông qua Lulu, cũng có mặt trên Amazon.com) hiện có một số tác phẩm tiếng Anh dịch từ các nguyên tác của các tác giả Việt Nam cận đại hoặc đương thời như: Dumb Luck (Số đỏ) của Vũ Trọng Phụng; Love after War (Tình yêu thời hậu chiến) Behind the Red Mist (Trong sương hồng hiện ra) của Hồ Anh Thái; Crossing the River (Chảy đi sông ơi) của Nguyễn Huy Thiệp; The Eaves of Heaven (Hiên nhà trời) của Andrew X. Phạm, người đã dịch Nhật ký Đặng Thùy Trâm sang tiếng Anh với tựa đề: Last Night I Dreamed of Peace: A Diary of Dang Thuy Tram; An Insignificant Family (Gia đình bé mọn) của Dạ Ngân; Away From Home Season (Mùa xa nhà) của Nguyễn Thành Nhân, v.v.…

Nói tóm lại…. xuất bản tác phẩm là giấc mơ của mỗi người cầm bút không chỉ để riêng mình đọc, phương thức xuất bản mới trong bối cảnh thế giới phẳng toàn cầu hiện nay dù sao đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho những mầm non [hay tre già? :)] văn nghệ. Xin chúc bạn, người mơ giấc mơ trở thành tác giả có sách in, sớm biến giấc mơ của mình thành sự thật.

  
Viết vào khoảng năm 2011, có bổ sung vài chi tiết.


Link tới trang đã trích dẫn về lulu.com:

Vũ Trọng Phụng:

Nguyễn Huy Thiệp:

Andrew X. Phạm:


Dạ Ngân:

Hồ Anh Thái:
Trong sương hồng hiện ra:
Tình yêu thời hậu chiến:

Nguyễn Thành Nhân:



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét