Thứ Năm, 3 tháng 10, 2013

ORLANDO - VIRGINIA WOOLF - Kỳ 1

Nguyễn Thành Nhân dịch




Tôi dịch Orlando là vì tình yêu với những tác phẩm của Virginia Woolf. Thú thật, đọc những trang đầu của tác phẩm này, tôi thấy chán ngán, không như khi đọc To the lighthouse hay Mrs Dalloway hay The waves.... Nhưng tôi vẫn cố tìm xem vì lẽ gì mà tác phẩm này được coi là một trong những tác phẩm nổi bật của Woolf. Đọc được một phần, tôi nhận ra đó là vì câu chuyện này Woolf viết với nỗi rung động sâu xa với mối tình ngang trái giữa bà và V. Sackville-West .

(Đây không phải là lời giới thiệu, vì theo thói quen làm việc của tôi, khi tôi hoàn tất bản dịch một tác phẩm nào rồi, đã nắm chắc tinh thần của nó rồi, tôi mới tìm thêm những tư liệu để viết một lời giới thiệu. Orlando vẫn còn nằm trên con đường dò dẫm của tôi.)



VIRGINIA WOOLF

ORLANDO





Tặng V. Sackville-West




LỜI NÓI ĐẦU


Nhiều người bạn đã giúp tôi viết cuốn sách này. Một số đã qua đời và lừng lẫy tiếng tăm đến độ tôi hầu như không dám viết tên họ ra đây, thế nhưng không ai có thể đọc hoặc viết mà không vĩnh viễn mang ơn của Defoe, Sir Thomas Browne, Sterne, Sir Walter Scott, Lord Macaulay, Emily Bronte, De Quincey, và Walter Pater – những cái tên đầu tiên nảy ra trong đầu tôi. Số khác còn sống, và dù cũng nổi tiếng theo cách riêng của họ, ít ghê gớm hơn vì chính lý do đó.
Tôi đặc biệt mang ơn ông C.P. Sanger, không có kiến ​​thức về luật bất động sản của ông, có thể cuốn sách này sẽ không bao giờ được viết ra. Học vấn uyên bác và riêng biệt của ông Sydney-Turner đã giúp tôi, tôi hy vọng, tránh được một số sai lầm đáng tiếc. Tôi đã tận dụng được – tôi có thể tự mình ước tính lớn đến mức nào – kiến ​​thức của ông Arthur Waley về Trung Quốc. Madame Lopokova (Bà J.M. Keynes) đã có mặt tại chỗ để chỉnh sửa lại tiếng Nga giùm tôi. Về sự đồng cảm và trí tưởng tượng vô song của ông Roger Fry, tôi mang ơn bất kỳ hiểu biết nào về nghệ thuật hội họa mà tôi đã thủ đắc. Tôi đã, tôi hy vọng, hưởng lợi trong một lĩnh vực khác bởi sự phê bình đặc biệt sắc sảo, nếu nghiêm khắc, của Julian Bell cháu họ tôi. Những công trình khảo cứu không biết mệt các hồ sơ lưu trữ của Harrogate và Cheltenham của cô M.K. Snowdon đã không phí công vô ích.
Những người bạn khác đã giúp tôi theo nhiều cách khác nhau đến độ khó mà xác định. Tôi phải thỏa mãn với việc chỉ ra ông Angus Davidson; bà Cartwright; cô Janet Case; ngài Berners (kiến ​​thức của ông về âm nhạc thời kỳ Nữ hoàng Elizabeth đã chứng tỏ là vô giá); ông Francis Birrell; Tiến sĩ Adrian Stephen anh trai tôi, ông F.L. Lucas, ông bà Desmond MacCarthy, Clive Bell em rể tôi, người cổ vũ tôi nhiều nhất; ông G.H.Rylands; Lady Colefax, cô Nellie Boxall, ông JM Keynes, ông Hugh Walpole, cô Violet Dickinson, ngài Edward Sackville West, ông bà St. John Hutchinson, ông Duncan Grant; ông bà Stephen Tomlin; ông bà Ottoline Morrell; bà Sydney Woolf mẹ chồng tôi, ông Osbert Sitwell; Madame Jacques Raverat, Đại tá Cory Bell; cô Valerie Taylor; ông J.T. Sheppard, ông bà TS Eliot, cô Ethel Sands, cô Nan Hudson, Quentin Bell cháu họ tôi (một cựu cộng tác viên quý giá trong lĩnh vực văn học hư cấu), ông Raymond Mortimer; phu nhân Gerald Wellesley, ông Lytton Strachey; Tử tước phu nhân Cecil; cô Hope Mirrlees, ông E.M. Forster, ngài Harold Nicolson và Vanessa Bell em gái của tôi - nhưng danh sách này đe dọa sẽ kéo quá dài và đã khó mà phân biệt.
Bởi trong khi nó gợi lên trong tôi những ký ức thú vị nhất, chắc chắn nó sẽ đánh thức ở người đọc những kỳ vọng mà bản thân cuốn sách chỉ có thể gây thất vọng. Vì vậy, tôi sẽ kết thúc bằng việc cảm ơn các quan chức của Viện Bảo tàng và Văn phòng Lưu trữ nước Anh về sự lịch thiệp thường xuyên; Angelica Bell cháu gái tôi, về sự phục vụ mà ngoài cô ra không ai có thể đáp ứng được; và chồng tôi vì sự nhẫn nại mà với nó anh đã giúp cho những nghiên cứu của tôi theo nhiều cách khác nhau và vì kiến thức lịch sử sâu sắc mà các trang này mang ơn bất kể chúng có thể chính xác đến đâu. Cuối cùng, tôi sẽ xin cám ơn, nếu như tôi không đánh mất tên và địa chỉ của ông ta, một quý ông ở Mỹ, người đã chỉnh sửa một cách rộng lượng và miễn phí phép chấm câu, thực vật học, côn trùng học, địa lý, và niên đại của các tác phẩm trước đây của tôi, và sẽ, tôi hy vọng, không ngại cung cấp sự phục vụ của mình cho dịp hiện tại này.
Virginia Woolf




CHƯƠNG 1

          Chàng – vì không thể có ngờ vực nào về giới tính của chàng, dù thời trang của thời đại đó đã phần nào che đậy nó – đang bổ dao vào đầu của một người Ma-rốc treo lủng lẳng dưới xà nhà. Nó có màu của một quả bóng đá cũ, và ít nhiều có hình dáng của một quả bóng, trừ đôi gò má trũng sâu và một hai món tóc khô thô kệch, như xơ trên một quả dừa.
          Cha của Orlando, hay có lẽ ông nội của chàng, đã chặt nó khỏi vai của một gã Pagan to lớn, kẻ đã xuất hiện dưới ánh trăng trong những cánh đồng man rợ của châu Phi; và lúc nầy nó đung đưa khe khẽ, liên tục, trong làn gió nhẹ không bao giờ ngưng thổi qua những căn phòng áp mái của ngôi nhà to lớn của vị tướng công đã giết hắn ta.
          Tiền nhân của Orlando đã phi ngựa trong những cánh đồng lan nhật quang, những cánh đồng đá, và những cánh đồng ngập nước của những dòng sông xa lạ, và họ đã chặt  nhiều cái đầu của nhiều màu da khỏi nhiều đôi vai, mang chúng về để treo dưới những xà nhà. Orlando cũng sẽ làm như thế, chàng đã thề nguyền. Nhưng vì chàng chỉ mới mười sáu tuổi, còn quá trẻ để phi ngựa với họ ở châu Phi hay Pháp, chàng thường lén chuồn khỏi mẹ mình và những con công trong vườn, đi lên căn phòng áp mái của mình và ở đó đâm, chém, chặt vào không khí với lưỡi dao của chàng. Đôi khi chàng cắt phải sợi dây khiến cái sọ rơi ầm xuống sàn và chàng phải treo nó lên lại, cột nó với một tác phong mã thượng hầu như thái quá khiến kẻ thù của chàng nhe răng cười thắng lợi với chàng qua đôi môi đen co rúm. Cái sọ đu đưa lui tới, vì ngôi nhà mà chàng sống trên tầng cao nhất rộng lớn đến độ dường như cơn gió bị mắc kẹt bên trong nó, thổi theo hướng này, thổi theo hướng khác, suốt mùa đông và mùa hè. Tấm thảm hoa sặc sỡ với những người thợ săn bên trên nó di chuyển không ngừng. Các bậc tiền nhân của chàng là quý tộc vì họ không hề là quý tộc chút nào. Họ xuất thân từ những vùng miền bắc mù sương, đội những chiếc mũ miện trên đầu. Phải chăng những thanh chấn song của bóng tối và những vũng hình ca rô màu vàng trên sàn đã được tạo thành bởi mặt trời rọi qua lớp kính ố mờ của một tấm huy hiệu lớn trên cửa sổ? Lúc này Orlando đứng giữa thân hình màu vàng của một con báo trên tấm huy hiệu. Khi chàng đặt tay lên bệ cửa sổ để đẩy cánh cửa mở ra, ngay lập tức nó nhuốm màu đỏ, xanh trời và vàng như cánh của một con bướm. Do đó, những ai thích các biểu tượng, và có cơ hội giải mã chúng, có thể nhận xét rằng qua những cái chân cân đối, thân hình xinh đẹp, và những đôi vai vững trải, tất cả đều được trang trí với những màu sắc khác nhau của ánh sáng mang tính biểu tượng, gương mặt của Orlando, khi chàng mở rộng cánh cửa, chỉ được rọi sáng bởi chính mặt trời. Nó không thể tìm được gương mặt nào chính trực, u buồn hơn. Người mẹ đã sinh ra một con người như thế hạnh phúc biết bao, tuy nhiên nhà viết tiểu sử ghi lại cuộc đời của con người đó còn hạnh phúc hơn! Bà không bao giờ phải nhọc lòng, chàng cũng không bao giờ cần tới sự giúp đỡ của tiểu thuyết gia hay nhà thơ. Chàng phải đi từ hành động này tới hành động khác, từ vinh quang này tới vinh quang khác, từ chức vị này tới chức vị khác, người chép thuê của chàng theo sau, cho đến khi họ tới bất kỳ chỗ ngồi nào có thể là đỉnh cao khao khát của họ. Trông Orlando phù hợp một cách chính xác với một sự nghiệp như vậy. Màu đỏ của đôi má được phủ bởi màu hồng của quả đào; lông măng ở đôi môi chỉ dày hơn lông măng ở đôi má chút xíu. Đôi môi ngắn hơi hé mở để lộ những chiếc răng trắng đẹp hình quả hạnh. Sóng mũi dọc dừa; mái tóc đen nhánh, đôi vành tai nhỏ nhắn ép sát vào đầu. Nhưng, chà, không thể kết thúc về những chi tiết của vẻ đẹp trẻ trung này nếu không nhắc tới vầng trán và đôi mắt. Chà, mọi người hiếm khi chào đời mà thiếu cả ba thứ này; vì khi nhìn thẳng vào Orlando đang đứng cạnh cửa sổ, chúng ta phải thừa nhận rằng chàng có đôi mắt như hai đóa hoa cúc tím đẫm sương, to đến nỗi dường như nước đầy ắp bên trong chúng và mở rộng chúng ra; và một vầng trán giống như một mái vòm cẩm thạch nằm giữa hai tấm huy chương để trống là hai thái dương của chàng. Ta nhìn thẳng vào đôi mắt và vầng trán, và cứ thế ngâm thơ ca tụng. Ta nhìn thẳng vào đôi mắt và vầng trán, và phải chấp nhận một ngàn điều không vừa ý vốn là mục tiêu làm ngơ của mọi người viết tiểu sử giỏi.
Những cảnh tượng quấy rầy chàng, như cảnh tượng mẹ chàng, một phu nhân rất xinh đẹp trong xiêm áo màu xanh lá bước ra cho những con công ăn cùng với Twitchett, nàng hầu của bà, ở sau lưng; những cảnh tượng khiến chàng phấn chấn – lũ chim chóc và cây cối; và khiến chàng yêu cái chết – bầu trời ban chiều, những con quạ trở về nhà; và cứ thế, trèo lên chiếc cầu thang xoắc ốc đi và não bộ chàng – nó là một bộ não rộng rãi – tất cả nhưng cảnh tượng đó, và cả những âm thanh trong vườn. tiếng gõ búa, chặt cây, bắt đầu cho sự náo động và bối rối của những tình cảm và cảm xúc nồng nàn mà mọi người viết tiểu sử đều ghét cay ghét gắng. Nhưng xin thuật tiếp – Orlando chậm rãi cúi đầu, ngồi xuống cạnh cái bàn, và với dáng vẻ chỉ ý thức nửa phần của một người đang làm thứ việc họ làm mỗi ngày trong cuộc sống của mình vào giờ này, chàng lấy ra một cuốn vở dán nhãn “Aethelbert: Một bi kịch năm hồi”, và nhúng một cây bút lông ngỗng cũ lấm lem vào lọ mực.
          Chẳng bao lâu chàng đã viết được hơn mười trang thơ. Chàng viết trôi chảy, rõ ràng là thế, nhưng chàng lơ đãng. Sự trụy lạc, Tội ác, Bất hạnh là những vai trong vở kịch của chàng; có những ông vua và những bà hoàng hậu của những lãnh địa không có thật; những cốt truyện kinh khủng khiến họ bối rối; những tình cảm cao quý tràn ngập lòng họ; không hề có lời nào thốt ra với tư cách bản thân chàng, nhưng tất cả đều hướng tới, với một sự trôi chảy và ngọt ngào, suy tư về lứa tuổi của chàng – chàng chưa tới mười bảy – và việc thế kỷ mười sáu vẫn còn vài năm nữa mới kết thúc, cũng đủ đáng kể rồi. Tuy nhiên, cuối cùng chàng dừng bút. Chàng đang mô tả thiên nhiên, như tất cả mọi nhà thơ trẻ tuổi xưa nay luôn mô tả, và để tìm một sắc xanh chính xác, chàng nhìn vào (và ở đây chàng tỏ ra táo bạo hơn hầu hết mọi người) chính bản thân sự vật đó, ấy là một bụi nguyệt quế mọc bên dưới cửa sổ. Sau đó, dĩ nhiên, chàng không thể viết nữa. Màu xanh trong tự nhiên là một chuyện, màu xanh trong văn chương lại là chuyện khác. Dường như thiên nhiên và những con chữ có một ác cảm tự nhiên; cứ đưa chúng lại với nhau và chúng sẽ xé nhau thành từng mảnh. Sắc xanh lúc này Orlando trông thấy đã phá hỏng mất vần và nhịp của chàng. Ngoài ra, thiên nhiên còn có những trò chơi khăm của nó. Khi nhìn ra cửa sổ vào những con ong giữa đám hoa, một con chó đang ngáp, mặt trời đang lặn, khi suy nghĩ mình sẽ trông thấy mặt trời lặn thêm bao nhiêu lần nữa, vân vân, (ý nghĩ đó phổ biến đến nỗi không đáng để viết ra) chàng buông bút xuống, cầm lấy cái áo choàng, sải bước ra khỏi phòng, vấp chân vào một cái tủ sơn như thường lệ. Vì Orlando là một người khá vụng về.
Chàng thận trọng để tránh gặp bất cứ một ai. Stubbs, người thợ làm vườn, đang đi dọc lối mòn. Chàng nấy sau một thân cây cho tới khi ông ta đi qua. Chàng để cho bước chân dẫn lối tới một cánh cổng nhỏ ở tường rào của khu vườn. Chàng men theo những cái chuồng ngựa, cũi chó, nhà ủ bia, xưởng mộc, chỗ giặt đồ, những địa điểm nơi người ta làm ra những cây nến bằng mỡ động vật, giết bò, rèn móng ngựa, khâu áo chẽn – bởi ngôi nhà là cả một trị trấn ồn ào với những người đàn ông đang làm những công việc thủ công khác nhau – và đi tới con đường mòn mọc đầy dương xỉ dẫn lên đồi qua vườn hoa mà không bị ai nhìn thấy. Có lẽ có một quan hệ họ hàng dây dưa giữa những phẩm chất; thứ này kéo theo thứ khác; và người viết tiểu sử ở đây nên chú ý tới thực tế rằng sự lúng túng này thường kết bạn tâm tình với trạng thái cô đơn. Sau khi vấp phải một cái tủ, lẽ tự nhiên Orlando thấy yêu mến những chốn quạnh hiu, những cảnh bao la, và cảm thấy mình mãi mãi, mãi mãi cô đơn.
          Vì vậy, sau một hồi lâu im lặng, cuối cùng chàng thở một hơi, hé mở đôi môi lần đầu tiên trong bản ghi chép này: “Mình cô đơn”. Chàng đã đi rất nhanh lên đồi qua những làm dương xỉ và những gốc táo gai, làm lũ nai và chim chóc giật mình, tới nơi có một cây sồi độc mộc cao chót vót. Nó rất cao, cao đến nỗi người ta có thể thật sự nhìn thấy mười chín hạt của nước Anh ở bên dưới; và vào những hôm trời trong tới ba mươi hay có lẽ bốn mươi, nếu thời tiết rất đẹp. Đôi khi người ta có thể nhìn thấy eo biển Anh, sóng gối đầu lên sóng. Người ta có thể nhìn thấy những dòng sông và những con thuyền vui vẻ lướt bên trên; và những chiếc thuyền ga-lê đang tiến ra biển cả; và những hạm đội với những cụm khói mà từ đó vọng tới tiếng đại bác nổ rền rền; và những pháo đài trên bờ biển; và những lâu đài giữa những đồng cỏ; đây một cái tháp canh, kia một cái pháo đài; và một lần nữa một tòa dinh thự to lớn giống như dinh thự của cha Orlando, đồ sộ như một thị trấn trong cái thung lũng bao quanh bởi những bức tường. Ở phía đông là những ngọn tháp của London và khói tỏa từ thành phố; và có lẽ ở ngay đường chân trời, khi gió thổi qua đúng chỗ, cái đỉnh cheo leo và những sườn lởm chởm của ngọn núi Snowdon hiện lên sừng sững giữa những đám mây. Trong khoảnh khắc, Orlanso đứng đếm, nhìn, tán thưởng. Đó là nhà của cha chàng; đó là nhà của chú chàng. Cô của chàng là chủ nhân của ba cái tháp canh lớn giữa đám cây cối đằng kia. Cánh đồng thạch nam và khu rừng là của họ; lũ gà lôi và đàn nai, lũ cáo, đàn lửng, và đàn bướm là của họ.
          Chàng thở dài sâu lắng, và quăng mình – có một sự đam mê trong những cử động của chàng xứng đáng với từ đó – xuống mặt đất bên dưới gốc cây sồi. Chàng thích, dưới tất cả những thứ phù du của mùa hạ này, cảm thấy xương sống của quả đất bên dưới chàng; chàng xem bộ rễ cứng của cây sồi là vậy; hoặc, hình ảnh này theo sau hình ảnh khác, nó là lưng của một con ngựa lớn mà chàng đang cưỡi, hoặc là boong của một chiếc tàu đang nghiêng ngả – thật sự nó là bất cứ thứ gì, miễn là nó cứng, vì chàng cảm thấy nhu cầu về một thứ gì đó mà chàng có thể gắn quả tim đang bềnh bồng của chàng vào; quả tim đang đập mạnh ở sườn chàng; quả tim mà dường như phủ đầy những cơn bão nồng nàn say đắm vào khoảng giờ này mỗi hoàng hôn khi chàng cất bước ra ngoài. Chàng cột nó vào cây sồi và khi chàng nằm đó, dần dần sự run rẩy trong và quanh chàng tự lắng xuống; những chiếc lá nhỏ đu đưa, con nai dừng bước; những vầng mây sáng mùa hè nán lại; tứ chi chàng trở nên nặng nề trên mặt đất; và chàng nằm yên đến nỗi con nai bước tới gần hơn, những con quạ bay vòng vòng quanh chàng và đàn chim nhạn sà xuống, lượn vòng, đám chuồn chuồn bay vèo qua, như thể toàn bộ hoạt động sinh sôi và say đắm của một chiều hè đã dệt quanh thân thể của chàng như một tấm mạng nhện.
Khoảng một giờ sau – mặt trời đang xuống nhanh, những vầng mây trắng đã chuyển sang màu đỏ, những ngọn đồi tím ngát, cánh rừng tím đỏ, những thung lũng đen – vang lên một hồi kèn trompet. Orlando đứng dậy. Âm thanh chói tai xuất phát từ thung lũng. Nó đến từ một chỗ tối dưới kia; một chỗ chen chúc và trải ra; một mê cung; một thị trấn, tường bọc xung quanh; nó đến từ trung tâm ngôi nhà lớn của chính chàng trong thung lũng; tối tăm trước đó, ngay trong lúc chàng nhìn và tiếng kèn đơn lẻ tự nhân đôi và nhân đôi lần nữa với những âm thanh nhức óc khác,  giờ đây nó đánh mất bóng tối và bị những ánh sáng xuyên qua.
Một số là những ánh sáng nhỏ vội vàng, như thể những người hầu đang chạy ào theo những hành lang để đáp lại lời triệu tập; số khác là những ánh sáng cao và chói ngời, như thể chúng bốc cháy trong những sảnh đường thết tiệc trống rỗng để sẵn sàng nghênh đón những vị khách không đến; và số khác chìm xuống, chao động, lung linh và lại cất cao, như thể được giữ trong tay của một đoàn quân người giúp việc đang khom xuống, đang quỳ gối, đứng lên, tiếp nhận, canh gác và hộ tống với mọi phẩm giá một nàng công chúa tuyệt vời rạng rỡ từ cỗ xe của nàng bước vào nhà. Những cỗ xe vòng lại, tiến theo một đường tròn trong sân. Những con ngựa tung bờm. Nữ hoàng đã tới.
Orlando không nhìn nữa. Chàng lao xuống đồi. Chàng vào nhà qua một cổng ngách. Chàng vọt như tên bắn lên chiếc cầu thanh uốn lượn. Chàng tới phòng mình. Chàng vất đôi vớ sang một phía, cái áo chẽn sang phía khác. Chàng nhúng ướt đầu mình. Chàng cọ rửa đôi tay. Chàng cắt tỉa những cái móng tay. Với sự trợ giúp của một tấm gương không hơn sáu in-sơ và một cặp nến, chàng xỏ chân vào cái quần ống túm đỏ thẫm, đeo cái cổ áo đăng-ten, mặc cái áo chẽn bằng vải bóng, và mang đôi giày trên có những cái nơ hoa hồng to gấp đôi những đóa hoa thược dược trong chưa đầy mười phút theo cái đồng hồ treo tường ổn định. Chàng đã sẵn sàng. Chàng đỏ mặt. Chàng rất phấn khích. Nhưng chàng đã muộn khủng khiếp.
Chàng lần qua những khối phòng và cầu thang theo những đường tắt mà chàng biết tới đại sảnh thết tiệt, nằm ở phía kia ngôi nhà, cách xa năm mẫu Anh. Nhưng giữa đường đi, ở sau khu nhà ở của những người hầu, chàng dừng lại. Cửa phòng khách của bà Stewkley đang mở rộng – bà ta đã đi, chắc chắn, với tất cả những chiếc chìa khóa đang chờ bà chủ. Nhưng ở đó, ngồi cạnh chiếc bàn ăn tối của người hầu, với một cái cốc vại bên cạnh và một tờ báo trước mặt, là một người đàn ông mập mạp, ăn mặc tồi tàn, cổ áo của ông ta hơi bẩn, và bộ đồ làm bằng loại vải len thô màu nâu. Ông ta đang cầm trong tay một cây bút, nhưng không viết. Có vẻ như ông ta đang trầm tư cân nhắc, lăn vần một ý nghĩ nào đó trong đầu lên xuống, tới lui, cho tới khi nó tập hợp được hình dáng hay động lượng mà ông ta thích. Đôi mắt của ông ta, tròn và mờ mịt như một hòn đá xanh có kết cấu lạ lùng, đang tập trung. Ông ta không trông thấy Orlando. Dù đang rất vội, Orlando đứng phắt lại. Phải chăng đây là một thi sĩ? Phải chăng ông ta đang làm thơ? Chàng muốn nói: “Hãy nói cho tôi biết mọi thứ trong toàn cõi thế.” vì chàng có những ý tưởng ngông cuồng, phi lý, rồ dại nhất về thi ca và những thi sĩ – nhưng làm sao nói với một người không trông thấy bạn? người chỉ nhìn thấy những yêu tinh, thần rừng, có lẽ thay vì thế là những chiều sâu của biển? Vậy là Orlando đứng nhìn chằm chặp trong lúc người đàn ông xoay cây bút trong mấy ngón tay, theo cách này cách khác; ánh mắt đăm đăm và câm lặng; và rồi, rất nhanh, viết khoảng nửa chục dòng và ngẩng lên. Kia là Orlando, bị xâm chiếm bởi sự ngượng ngùng, chạy vọt đi và tới đại sảnh thết tiệc vừa kịp lúc để quỳ gối xuống, đầu lắc lư vì lúng túng, dâng một bát nước hoa hồng lên chính Nữ hoàng vĩ đại.
Chàng ngượng đến nỗi không nhìn thấy gì hơn ngoài những ngón tay đeo nhẫn của bà trong chén nước, nhưng thế đã đủ rồi. Đó là một bàn tay đáng nhớ; một bàn tay gầy guộc với những ngón dài luôn co lại như thể đang nắm lấy một quả cầu tròn hay chiếc vương trượng; một bàn tay bồn chồn, cáu kỉnh, xanh xao; cũng là một bàn tay đầy quyền lực; một bàn tay chỉ giơ lên để một cái đầu rơi xuống; một bàn tay, chàng đoán, gắn với một thân thể già nua có mùi của một cái tủ chạn mà trong đó những bộ đồ lông thú được giữ trong long não, nhưng lại là một thân thể được trang sức trong mọi loại vải thêu kim tuyến và châu báu; và tự giữ chính nó thật thẳng dù có lẽ phải chịu đau đớn vì chứng thần kinh tọa; và không bao giờ nao núng dù bị kéo căng bởi một ngàn nỗi sợ; và đôi mắt của Nữ Hoàng màu vàng nhạt. Chàng cảm thấy tất cả những điều này khi những chiếc nhẫn lớn lóe lên trong lớp nước và rồi có cái gì đó áp lên mái tóc của chàng – mà, có lẽ, lý giải cho việc chàng chẳng nhìn thấy thứ gì có khả năng có ích hơn cho một nhà sử học. Và quả thật, tâm trí chàng là một mớ lộn xộn những điều trái ngược – về đêm nay và những ngọn nến cháy bùng, về nhà thơ ăn mặc lôi thôi và Nữ Hoàng vĩ đại, về những cánh đồng im lặng và tiếng lanh canh loảng xoảng của những người phục vụ – đến độ chàng không thể nhìn thấy thứ gì; hoặc chỉ một bàn tay.  
Cũng bởi cung cách đó, bản thân Nữ Hoàng chỉ có thể nhìn thấy một cái đầu. Nhưng nếu từ một bàn tay có thể suy diễn ra một thân hình, nhận ra được tất cả những thuộc tính của một bà hoàng vĩ đại, tính tình gắt gỏng, lòng can đảm, sự mong manh và nỗi kinh khiếp của bà, chắc chắn một cái đầu có thể vô cùng phong phú, khi được nhìn xuống từ một cái ghế dành cho người đứng đầu nhà nước bởi một phu nhân mà đôi mắt luôn luôn mở to, nếu người ta tin được những bức tượng sáp ở Abbey. Mái tóc dài, xoăn, mái đầu màu sẫm cúi gầm một cách rất đỗi cung kính, rất đỗi vô tội trước mặt bà, gợi ra một đôi chân đẹp nhất mà một chàng thanh niên quý tộc từng đứng thẳng bên trên chúng; và đôi mắt tím thẫm; và một quả tim vàng’ và vẻ quyến rũ một cách nam tính và trung thành – tất cả những phẩm chất mà người phụ nữ già này càng yêu mến thì chúng càng làm bà thất vọng. Vì bà đang già đi, héo hắt và oằn xuống trước thời gian của mình. Tiếng đại bác luôn rền vang trong tai bà. Bà luôn nhìn thấy giọt thuốc độc lấp lánh và con dao găm dài; bà sợ hãi – phải chăng đó là một lời nguyền rủa, phải chăng đó là một tiếng thì thầm? Sự vô tội, sự giản đơn, tất cả đều đáng mến trên cái nền sẫm tối mà bà đặt chúng lên . Và cũng chính đêm đó, truyền thống vốn thế, khi Orlando đã ngủ say, bà đã thực hiện việc đặt tay lên và cuối cùng niêm phong một cách cực kỳ nghi thức bản viết trên giấy da từng thuộc về đức Tổng Giám mục và sau đó thuộc về Hoàng đế của cha Orlando.
Orlando ngủ li bì suốt đêm trong sự vô tri. Chàng đã được một nữ hoàng hôn mà không hề hay biết. Và có lẽ, vì trái tim phụ nữ vốn rắc rối, chính sự vô tri của chàng và sự thảng thốt mà chàng mang tới khi đôi môi bà chạm vào chàng khiến hồi ức còn lưu giữ về người em trai họ trẻ tuổi (vì họ có chung huyết thống) vẫn xanh ngắt trong tâm trí của bà. Ở bất cứ giá nào, hai năm của đời sống nông thôn lặng lẽ này không trôi qua mất hút, và khi Orlando đã viết được đủ hai mươi vở bi kịch, một chục tiểu sử và vài mươi bài thơ sonnet thì có một thông điệp đưa tới nói rằng chàng sẽ được diện kiến Nữ Hoàng ở Whitehall.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét