Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

NHỮNG LÁ THƯ HẬU PHƯƠNG CỦA MỘT THỜI ÁO LÍNH

Buồn quá hôm nay... lò mò đọc lại những lá thư cũ một thời xa vắng. Đây là một trong số ít thư gửi từ quê hương đã may mắn thoát khỏi lửa khói thuốc, được che chở hết lòng trong bao ngày nắng hạ mưa giông.




















Hồi đó, thư con gái gửi qua hay bị mấy thằng lính thông tin ở trung đoàn hay tiểu đoàn tìm cách mở ra đọc trước. Lính mờ! Nhưng nếu bạn không muốn thư mình bị bóc tem sớm, bạn phải dặn cô gái của mình vài chiêu để né sự tò mò soi mói của đám lính thông tin trời ơi đất hỡi! Đó là bạn phải ngụy trang, như phong bì bên dưới, bạn chú ý tới chữ : Gửi em! (gạch dưới):

Một bài thơ cũ cho mối tình sâu đậm nhất đời tôi:

Tặng Huỳnh Thị Thúy Hà

DÒNG SÔNG TÊN EM

tên em mênh mông dòng sông
tên em ngọt dịu trên tầng yêu thương
sông Thúy, con sông là em
chỉ tên em đã đủ thành sóng khơi
ru tôi suốt cả một đời
cánh buồm khát vọng tìm nơi cắm hồn
tên em tôi mãi gọi thầm
tên em trang vở còn mang nỗi niềm
hãy cho tôi ngủ triền miên
cát sông em mịn tìm quên tủi hờn
ơi dòng sông nhỏ mến thương
cho tôi chết đắm trong lòng nước em
cho tôi chết thật êm đềm
cho tôi chết - chết ngậm buồn nghìn năm

1984


Và đây là một lá thư đặc biệt, có nét chữ của má tôi, và ba em nhỏ của tôi, bé Sáu, bé Bảy, bé Tám (Út) lá thư mà trước mỗi lần sắp đặt ba lô để hành quân tác chiến, tôi lại giở ra đọc lại, như một con chiên hay Phật tử cầu kinh. 




Bình Thạnh, ngày tết, năm Đinh Mão

Nhân thương nhớ

Má nhận được thư con cả tháng nay má mới hồi âm cho con, phần thì công việc, phần thì tới tết coi ra sao má mới viết lên cho con.

Nhân thương! Ở đó con hưởng tết như thế nào thơ về kể tỉ mỉ cho má nghe với. Tết đến con và đồng đội trên đó chắc là nhớ quê hương lắm phải không con, nhất là đóng quân trong rừng chắc lạnh lắm. Con ráng giữ gìn sức khỏe lỡ có đau yếu gì thì khổ lắm con ơi! Ba má, mấy em con đều khỏe cả. Việc học hành của tụi nó cũng khá. bé Sáu thi kỳ này hạng 2, học sinh xuất sắc, bé 7 hạng 3 học sinh giỏi, bé Tám hạng 2 học sinh giỏi, còn Siêu Bể (em thứ ba của tôi) thì vẫn làm ở hãng gòn, tết này được ông chủ cho một ngàn, 1 con vịt và nửa thước củi.

Kể từ ngày con đi NV đến nay, tết này mới thấy tạm khá hơn những năm rồi, để má kể cho con nghe. Ngày 24/12/86 khách sạn cho mỗi nhân viên được 7,5 mét vải ka tê Nhật và 2 khúc quần tây, đầu tháng 1 công ty cho được 3000, khách sạn cho 3000, 10 ký dưa hấu, 4 ký thịt heo, 1 ký mì khô, 1 ký lạp xưởng, 20 trứng gà, 1 kí xà bông bột, 1 ký bột ngọt và 2 ký đường cát trắng. Ngày 30 tết bồi dưỡng cho má 1 gói 555 bán được 500. Mùng 1,2 má nghỉ, trưa mùng 3,4 về ngoại, mùng 5 làm lại như thuòng7. Ba ngày tết mà trực như vầy thì ông giám đốc cho má 2 cây thuốc ra bán được 2800$, đến trưa Gà (em thứ tư của tôi) ra chở má về ghé qua Lê Lợi mua cho con cây kèn, chỉ đợi có ai về nước má gửi qua con. Ở bên này con yên tâm làm tròn nhiệm vụ đợi ngày xuất ngũ để sớm về với gia đình. Kinh tế gia đình mình thì đỡ lắm rồi, con đừng quá lo cho gia đình nữa nha con. Ở nhà ba má có cực nhưng chưa bằng nỗi khổ cực của con và các đồng đội.

Thư đến đây tạm ngừng bút. Má cầu chúc cho con và các đồng đội hưởng một mùa xuân vui vẻ, đạt được nhiều chiến thắng. Má của con.

Ngày mùng 5 tết Đinh Mão 1987

 



Anh Nhân thương nhớ

Đã từ lâu em không viết thư cho anh. Hôm nay em mới có dịp gởi thư thăm hỏi sức khỏe của anh. Đầu thư em chúc anh mạnh khỏe đạt được nhiều thắng lợi trong mọi nhiệm vụ. Về phần em cũng bình thường, học tập cũng tốt. Viết vài hàng thăm anh và mong anh công tác thật tốt đê được xum họp với gia đình.
Em của anh. Bé Sáu.





Anh hai thương nhớ
Mấy tháng nay em không viết thư cho anh, nay thấy má viết thư cho anh nên em viết vài hàng thăm anh. Đầu năm mới chúc đơn vị được nhiều may mắn thắng lợi trong năm mới.

Anh hai thương, năm nay em được mười tuổi rồi, anh đi bộ đội đã ba năm rồi ba cái tết đến đều vắng anh.

Mỗi lần tết đến nhất là ngày ba mươi tết rước ông bà xong cả nhà quây quần bên nhau chỉ thiếu anh làm cho ba má và các em... em chúc anh hưởng cả mùa xuân vui vẻ. Em của anh. Bé bảy.



anh nhân thương nhớ hôm nay em viết được rồi gởi thư thăm anh được nhiều sức khỏe mong ngày anh về nhớ anh nhiều lắm em của anh./.
bé tám
 

MỘT BẢN DỊCH BÀI "ACQUAINTED WITH THE NIGHT" CỦA ROBERT FROST

"I have been one acquainted with the night." Ta, người bạn với đêm dài từ lâu.... câu thơ sao mà buồn, xót xa, tê tái! Câu thơ kết thúc, lặp lại câu đầu, và mở ra cả một trời thê lương hiu quạnh, một mình một bóng trong đêm. Thank you very much, Robert Frost!

LÀM BẠN VỚI ĐÊM THÂU

Ta từng làm bạn đêm thâu
Bước ra rồi lại trở vào dưới mưa
Mình ta đơn lẻ ơ thờ
Lang thang khỏi ánh đèn mờ ngoại ô

Ta nhìn đường phố buồn so
Lướt qua một gã tuần tra trên đường
Hàng mi hạ xuống âm thầm
Vì ta chẳng muốn thanh minh chút gì

Lặng im ta đứng, mà nghe
Tiếng kêu đứt đoạn vọng về từ xa
Vượt qua nóc những dãy nhà
Từ bên phố nọ luồn qua phố này

Nhưng không để gọi ta về
Cũng không phải để tiễn ta dặm ngàn
Và từ cao thẳm mênh mang
Chiếc đồng hồ ấy sáng choang góc trời
tuyên: giờ chẳng đúng chẳng sai.

Ta, người bạn với đêm dài từ lâu.

 26/4/2014


Nguyên tác:

Acquainted with the Night

By Robert Frost

I have been one acquainted with the night.
I have walked out in rain—and back in rain.
I have outwalked the furthest city light.

I have looked down the saddest city lane.
I have passed by the watchman on his beat
And dropped my eyes, unwilling to explain.

I have stood still and stopped the sound of feet
When far away an interrupted cry
Came over houses from another street,

But not to call me back or say good-bye;
And further still at an unearthly height,
One luminary clock against the sky

Proclaimed the time was neither wrong nor right.
I have been one acquainted with the night.

MỘNG HAY MỊ



đêm rên những tiếng âm thầm
âm u có bóng ai chầm chậm qua
trắng, xanh, xanh lượt xanh là
hiu hiu gió thoảng, la đà trăng rơi
người đâu sương khói lên trời
da thơm và tóc tơi bời hồn anh
môi mềm sao chợt lạnh tanh
tay mềm chốc đã trở thành xương khô
đêm rên, hư ảnh lõa lồ
mông lung tóc biếc bên bờ mộng du
đêm rên và mắt anh mù
tai nghe gió vút lời ru âm hồn...

27/4/2014

VIẾNG MỘ ĐỒNG ĐỘI TẠI NTLS TP.HCM


Lát nữa phải vù lên NTLS để viếng mộ, và chắc chắn sẽ có đụng độ tưng bừng khói lửa mà sao nằm lăn qua lăn lại hoài ngủ không được. Phải lồm cồm ngồi dậy viết vài chữ giết thì giờ. Và chắc tới trưa mắt mình sẽ híp lại trên bàn nhậu quá. Tâm hồn này, trái tim này dường như không phải của mình nữa rồi, lý trí lệnh gì mặc lý trí, tụi nó cứ dửng dưng. Vài câu nhớ bạn:

CHUYỆN TRÒ VỚI BẠN

bạn nằm đó cũng vui
sương đêm là rượu ngọt
sao đêm là ánh đuốc
soi sáng cuộc đàn ca

quanh bạn những anh già
và nhiều anh rất trẻ
quây quần nhau ở đó
chắc bạn không quạnh hiu

nơi bạn nằm cũng nhiều
hoa dại và cỏ dại
thơm như ngày xưa ấy
mái tóc mềm gái ngoan

nhớ nhau thì nói thế
chắc bạn đi lâu rồi
bao xuân qua thu lại
nơi bạn nằm là nơi

để những người còn sống
tới nhớ và răn mình
sống sao cho xứng đáng
với những người hy sinh

các bạn còn sống mãi
chừng nào bọn mình còn
mai mốt bọn mình chết
biết ai người nhớ tên....

27/4/2014






































Một thông lệ: Chút rượu ấm nồng và những hỏi han chuyện trò sau khi viếng mộ thắp nhang cho đồng đội.






























Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

THĂM LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA - KỲ 3


Trong chuyến đi này có một nhân vật khá quan trọng mà tôi chưa nhắc tới. Đó là Phát, một người Việt lai Khmer (cha Việt mẹ Khmer). Phát là tài xế đưa chúng tôi đi tới mọi nơi cần đến kể từ Phnom Penh, và kết thúc nhiệm vụ khi anh đưa chúng tôi trở về lại PP. Tiếng Việt của anh chỉ vừa đủ giao tiếp bình thường. Có những từ mà anh chỉ nêu khái niệm hoặc diễn tả nó bằng từ tiếng Anh, và tôi phải nói từ tiếng Việt tương đương cho anh biết. Ví dụ từ asssistant, hay consult, Phát hiểu khái niệm của những từ này, nhưng anh không biết từ tiếng Việt tương ứng. Có Phát, chúng tôi cũng đỡ vất vả chút ít khi hỏi đường, có thêm chuyện để tán dóc khi ngồi giải lao uống cafe...

Quay lại chuyện chuyến đi. Chúng tôi rời phum Poi Snoun khoảng hơn bốn giờ chiều. Và Phnum Srok thân yêu lùi dần, lùi dần, cho tới khi núi Svai hai ngọn đã chìm khuất hẳn ở phía chân trời. Chặng đường còn lại là ở Siem Reap, và tôi, anh Nguyên, anh Trọng không còn cần gặp ai khác nữa. Chỉ có anh Trung, xưa đóng quân ngay tại Angkor, đã lên xe một mình về Siem Reap trước vào đầu buổi sáng từ Sisophon, anh có gia đình nguời quen cũ ở đó, và nôn nóng muốn về đó trước.

Về tới Siem reap lúc trời còn nắng. Nhưng việc dò tìm một KS ngốn mất cả tiếng đồng hồ nữa. Xe cộ đông nghịt đổ về từ Phnom Penh và các tỉnh. Khi chúng tôi xách hành lý vào phòng, bóng chiều đã ngã sang bóng hoàng hôn chạng vạng. Khách sạn dọc theo đường lớn đều hết chỗ. Chúng tôi phải lộn lên lộn xuống mấy lần mới tìm được một KS với giá trên trời 40 đô/đêm/phòng đôi. Nhưng ngày Tết mà, phải chịu thôi! Lại còn việc mai phải nhổ neo tìm chỗ khác, vì phòng đã có khách đặt trước. Kinh thế chứ lỵ!

Tắm rửa xong xuôi chúng tôi sang chỗ nhà người quen của anh Trung ăn cơm chiều.

Một bữa cơm thân mật gia đình nữa trôi qua. Tôi háo hức muốn đi bộ chơi một vòng quanh khu vực gần KS, nhưng mấy ông anh lớn tuổi lười biếng quá. Đi một mình thì chán và buồn, rốt cuộc tôi lên phòng mở đt vào facebook. Cả đêm thao thức. Cảm giác chao chao. Cứ nghĩ tới những ngày xưa cũ...



                                                         Đèn và trăng đêm Chol Snam Thmei


                Bữa cơm tại nhà người quen của anh Trung. Chị mặc áo hoa đen rất rành tiếng Việt

Trong số mấy bà chị quen với anh Trung có một bà rất rành tiếng Việt, bả phân biệt được giọng người Bắc và người Nam, và đưa vài ví dụ khá vui. Như người Bắc sẽ nói: Có gì thế? trong khi người Nam nói: Có gì zậy? Cách phát âm của bả nghe ngồ ngộ nhưng khá chuẩn.

Sáng hôm sau, chúng tôi ngồi xe dạo quanh khắp khu vực Angkor, chỉ đi vòng vòng bên ngoài ngắm cảnh chụp hình chứ không vào trong các khu đền. Trừ anh Nguyên ra, cả bọn chúng tôi đều đã đặt chân vào những khu đền đó.

Dân từ các nơi và tại địa phương lũ lượt đi chơi dã ngoại dọc theo những con đường quanh khu Angkor. Họ trải chiếu, trải bạt, giăng võng, ngồi ăn uống chơi đùa dưới những hàng cây ven đường. Các sạp bán thức ăn đủ thứ cũng mọc lên như nấm ven đường. Cảnh tượng thật nhộn nhịp đông vui. Nhưng tôi vẫn đau đáu ước gì giờ này mình đang ở trong một phum ở Phnum Srok, cùng người dân chuẩn bị các thứ để chờ đêm xuống và một cuộc ca múa tưng bừng, thân ái...

Những hình ảnh dọc theo các con đường quanh khu Angkor:
















                              Sau lưng là phế tích hoàng tàn của một thời:
























                                             
                                Trước mặt là cuộc sống sinh sôi vĩnh cữu:







 



























Trên đường đi, tôi sực nhớ tới Aki Ra và tìm số đt để gọi cho anh. Aki Ra trước kia là lính Pot, bị bộ đội VN bắt được và gia nhập luôn vào đội ngũ quân tình nguyện VN ở Siem Reap đánh lại lính Pot. Sau khi quân VN rút về nước, Aki Ra tiếp tục công việc tháo gỡ những mìn, đạn pháo còn sót với tư cách một thành viên của UNTAC. Những vỏ bom mìn mang về anh chất đầy nhà. Lâu dần, cả nhà anh trở thành một viện bảo tàng mini. Du khách khi tới tham quan Angkor hỏi những guide, lái xe tuk tuk ở đó xem có còn nơi nào thú vị để tới tham quan không, và họ đã được đưa tới nhà của Aki Ra. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xe. Chính quyền cấm cửa cái bảo tàng mìn mini của anh. Buộc anh nếu muốn tiếp tục triển lãm những thứ ác ôn đó thì phải dời ra khỏi thành phố. Trong thời gian đó, Aki Ra được một số tổ chức và cá nhân nước ngoài biết tới và họ đã giúp anh hình thành nên Landmine Museam và Quỹ tháo gỡ mìn. Thành lập một đội chuyên tháo gỡ mìn. Aki Ra còn mở một trường học để nuôi dạy nhiều trẻ em bị thương tật do bom mìn hay mồ côi cha mẹ vì mìn. Năm 2010, Aki Ra được vinh dự bầu chọn trong Top Ten CNN Hero, trở thành người hùng của Campuchia do thành tích hoạt động vì nhân loại và hòa bình.

Khi tôi viết phần bổ sung của MXN, tôi đã nghĩ tới việc đưa Aki Ra vào truyện, biến anh thành một nhân vật của mình. Tôi mail cho Aki Ra, xin phép được lấy một số tư liệu đời thật mà anh đã công bố để đưa vào truyện.  Aki Ra rất hồ hỡi đồng ý khi đọc phần nói về anh mà tôi đã dịch sang tiếng Anh. Chúng tôi trở thành bạn. Và trong chuyến đi sang K năm 2011 với nhà văn Trần Nhã Thụy, chúng tôi đã ghé thăm Aki Ra tại nhà bảo tàng mìn của anh và để tặng anh cuốn MXN bản tiếng Anh.

Tôi gọi hỏi xem Aki Ra có nhà bảo tàng mìn không, hay đang ở đâu. Anh đáp anh đang ở Siem Reap nghỉ Tết, và bảo khi tìm được KS cứ báo địa chỉ cho anh, anh sẽ tới gặp tôi. Vậy là sau ba năm, tôi gặp lại Aki Ra, và một người phụ nữ trẻ xinh đẹp 23 tuổi, Net, vợ mới của Ra. Vợ trước của Akia Ra đã mất vì bạo bệnh trong lúc cùng hoạt động trong đội dò gỡ mìn của anh, để lại ba con nhỏ. Net là người chăm sóc các con của anh. Và tình yêu tới. Aki Ra chỉ mới cưới Net được hơn 6 tháng. Khi anh tới, tôi hỏi: "Đã ăn cơm chưa?" Ra đáp: chưa. Thế là chúng tôi cùng bước sang nhà hàng kế bên KS để ăn bữa trưa hơi muộn (3h chiều). Anh Nguyên có một câu nghĩ cũng thú vị. Khi anh hỏi Ra về cô vợ mới, Ra cũng tình thật trả lời: Cổ chăm sóc cho các con tôi, rồi thương nhau, lấy nhau. Anh Nguyên cười lớn: "Vậy là chêm côn muôn chêm púc croi (nuôi con trước rồi tới nuôi cha)!"

Tôi móc máy dt có lưu những hình lần trước. Có một tấm tôi chụp chung với một cô bé làm việc ở bảo tàng mìn, hỏi cô có còn làm hay không. Aki Ra đáp còn. Tôi hỏi tiếp: Tên của cô bé đó là gì? Lần trước tôi quên hỏi tên. Đáp: A Yun.


                                                      Phát tài xế, Khnhum, Aki Ra, Net


Cơn mước xong xuôi, anh Nguyên và anh Trọng lên phòng nghỉ trước. Tôi, Phát và vợ chồng Akia ra ngồi chuyện vãn thêm một hồi rồi về phòng chuẩn bị để đi cùng với mấy bà chị của anh Trung tới một quán bán bánh xèo ở gần sân bay Siem Reap. Vì mới ăn cơm xong, tôi và anh Nguyên cũng chẳng ăn uống được gì thêm. Anh Trọng thì không tới vì mệt. Một cuộc vui hơi kéo dài và buồn chán. Rốt cuộc, tôi và anh Nguyên với tài xế Phát về trước. Anh Trung ngồi lại về sau.

Một đêm nữa trôi qua ở Siem Reap. Không có gì vui. Sáng hôm sau chúng tôi lên xe quay trở về Phnom Penh. Ngủ lại một đêm nữa. Đêm ở Phnom Penh trong không khí lễ hội tưng bừng nhưng tìm không được Ri Ja cũng trở nên vô vị. Lại một đêm trằn trọc nữa trôi qua. Năm giờ sáng, chúng tôi ra xe về lại SG. Chuyến đi kết thúc. Vui buồn lẫn lộn như mọi chuyến đi. Nhưng tôi vẫn mong lại có dịp lặp lại những chuyến đi như thế. 

còn đi, đi mãi về đâu đó
những dáng buồn nghiêng những giấc say
mộng thắp chập chùng quanh cõi lạ
mai bừng tỉnh dậy buốt hồn ngây....

18/4/2014