Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

THĂM LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA - KỲ II


Chào từ giã gia đình boòng Lương, chúng tôi lại lên xe quay về theo đường cũ. Ra đến phum Poi Snoun, nơi D 3 đóng quân từ đầu 1984 đến cuối 1985, nơi chúng tôi, những người lính giai đoạn 1980 đến 1985 có rất nhiều người thân quen trong phum. Cứ tiểu đoàn bộ D3 khi đó đóng trong một vườn xoai ở rìa phía đông phum. Các C 11, 12, 13 nằm tỏa ra ba hướng nhưng cũng gần kề D bộ, chỉ cách chừng 500 mét, không phải như sau này khi chúng tôi dời cứ vào sâu hơn, D bộ ở gần phum Tà Vôn, C 12 ở gần phum Ponley, C13 ở gần phum Chanle Đai, C11 ở gần phum Tà Trai... mỗi nơi cách nhau xấp xỉ 10 cây số, và cách E bộ khoảng 15 km. Ở Poi Snoun, tôi có hai bà mẹ. Mẹ thứ nhất là mẹ của Soun (mà tôi lấy tên để đặt cho nhân vật trong Mùa xa nhà, có một số chi tiết thật hồi tôi mới quen em cũng được đưa vào truyện, như việc gặp em ở đám cưới, em vào cứ bộ đội gánh nước.., và hồi đầu khi chưa biết tên tôi vẫn luôn gọi em là Ao So - Áo trắng, vì em thường mặc áo trắng.) Mẹ thứ hai là mẹ của Cà Nhệ. Cà Nhệ là người yêu của Tiến chuột quân khí D3, lính 82. Tiến chuột ra quân, Cà Nhệ vào cứ tôi mấy lần để nhờ tôi viết thư giùm để gửi cho Tiến. Cô cứ nói những suy nghĩ của mình, và tôi ghi lại bằng tiếng Việt. Có nhiều câu thật ngô nghê nhưng cảm động lắm. Đại khái tôi còn nhớ có câu như: "Em chỉ là hoa đu đủ ở giữa rừng (ý từ bài hát Op ca la hong- hoa đu đủ) nhưng em yêu thương anh thật lòng. Anh về thu xếp rồi sớm qua. em mong nhớ anh nhiều lắm..."

Sau chiến dịch mùa khô 84-85 đánh chiếm các cứ Ampil, Tà La Tà Lốc, cuối tháng 3 D3  từ biên giới trở về cứ ở Poi Snun, Rồi sang đầu tháng 4 lại ngồi xe lên Pai Lin. Tôi nhớ anh Thạch Văn Vê, D trưởng lúc đó, đi bám với trinh sát về áo quần rách hết, anh xuống B thăm tôi và bảo: "Phen này toi rồi! Hướng D3 vào gay quá!"

Quanh thị trấn Pai Lin toàn là rừng tre gai. Còn suối thì nước trong vắt và lạnh như nước đá, nhìn rất thích nhưng chỉ cần nhúng người xuống là mắc bệnh sốt ngã nước ngay. Cả D3 có tới 99% bị sốt rét sau đợt đó, dù chỉ ở đó 1 tuần rồi lại rút quân, do Mặt trận cử một đơn vị khác vào thay thế, không biết có đánh đấm gì chăng. Lần đó tôi cũng mắc sốt rét, dù nhẹ hơn một số anh em khác. Tôi nhớ An B vận tải, 84 đợt cuối đã mắc phải sốt rét ác tính, và đã chết khi chuyển lên K23 vài hôm. Số lính còn lại thì ngắc ngoải, ký ninh dầu tiêm khắp hai mông đến độ chân gần như tê liệt, đi đâu cũng phải chống "chiếc gậy Trường Sơn".

Sau khi từ Pai Lin trở về ít lâu, Nguyễn quân lực D, lính 82 Thanh Hóa, xuống gặp tôi bảo: "Tớ rà mãi trong sổ lý lịch quân nhân, chỉ có cậu hết lớp 12, cậu lên D bộ thế tớ để tớ ra quân nhá." Lúc đầu tôi cũng khoái, vì ở B cực nhọc quá, hành quân lúc ấy tôi vác cái nòng 12.7 vòng xoắn tản nhiệt của Liên Xô nặng 15 kg (nòng trơn chỉ nặng 11kg) và đeo cái túi đựng bệ tiếp đạn 4 kg bên hông nữa. Chỉ tính vũ khí tôi đã mang trên người 19 kg rồi!

Tôi nghĩ, thôi thì làm quân lực đi tác chiến cho nó nhàn, chỉ vác mỗi khẩu AK, đeo thêm cái bao se 3 băng đạn và chút ít tư trang, khỏe re như con bò tháo khỏi xe! Nhưng chữ tôi khi ấy xấu lắm, vì tôi hay viết dối. Nguyễn bảo: "Cậu yên tâm, lên luyện vài tuần với tớ là chữ khắc đẹp ngay!"

Quả thật, anh chỉ cho tôi cách viết hoa hòe hoa sói, theo kiểu chữ viết trên những bằng khen. Và tôi ráng viết thật chậm, gò từng chữ hơn 1 tuần, thấy cũng có nhiều tiến bộ. Còn mẫu báo cáo thì tôi chỉ đọc qua 1 lần là biết làm rồi, chẳng qua chỉ cộng trừ nhân chia. Thế là Nguyễn ra quân, và tôi lên thế chỗ quân lực D của anh. Chính thời gian này tôi ở chung nhà với Tiến chuột quân khí và Tiến ruồi nhân viên chính trị D. Tiến chuột đi lính lúc mới 17 tuổi nên hai chúng tôi coi nhau ngang hàng, dù tôi nhập ngũ sau 2 năm. Tiến hay dẫn tôi ra phum chơi, và ở đó, tôi đã quen me của Cà Nhệ, người yêu của Tiến. Me, Cà Nhệ, và Tiến chuột là nguyên mẫu cho nhân vật me Sa Rinh, Sa Pien và Lý trong MXN. Me rất thương tôi, tôi cũng rất thương me.

Tôi làm quân lực D được chừng 9 tháng, thấy quá chán cuộc sống ở khối "tiêu hao nước chấm" và càng gần cấp trên, tôi càng chán ngán tình đời, bao nhiêu thứ như sữa ong chúa, mật ong, về tới D bộ đều biến thành món pha rượu cho quý anh D bộ. Tôi thèm được trực  tiếp đánh đấm, nên lại xin xuống trung đội trở lại. Nhì nhằng mãi ông Ma Thành Vi lúc đó là D trưởng vẫn không chịu, tôi cáu sườn lên trung đoàn nhận sĩ quan luôn, Sau đó về nắm B trưởng cho tới lúc ra quân.

Quay lại chuyện tình của Tiến chuột. Tiến về rồi là bặt tăm tin tức luôn. Và từ ấy tôi là người thân nhất đối với gia đình của mẹ con Cà Nhệ. Lần về Phnom Srok năm ngoái, tôi có ghé tìm Cà Nhệ, nhưng Soun bảo Cà Nhệ vẫn ở vậy tới giờ, không lấy chồng và ít khi ra khỏi cửa. Lần này, tôi dự tính phải gặp cô cho bằng được. Nhưng rốt cuộc cũng chỉ gặp lại một số người quen cũ, trong đó có Soun. Tôi bảo Soun đưa tôi tới gặp Cà Nhệ, Soun lắc đầu, Cà Nhệ không muốn gặp lại boòng đâu!

Soun  dẫn theo con gái ra, nói đùa với tôi: "Boòng Nhân, a nis chia côn cắt." (Boòng N, nhỏ này là con lai đó."

Tôi cũng nói đùa: "Cháu gái có theo bác về Việt Nam không?" Nhưng xem ra nó sợ, nó co cả thân hình bé nhỏ nép vào chân mẹ. Tôi bật cười và hỏi lớn: "Na côn robos khnhum?" (Con của tôi đâu?)




                                     Ngã ba QL số 6 và đường vào huyện lỵ Phnum Srok





                                                        Một gia đình người quen cũ









                                                         Soun với con gái và cháu trai


Sau khi thăm hỏi người quen ở phum Poi Snun và chia ít kẹo bánh cho lũ trẻ con, chúng tôi lại lên xe đi tiếp về Siem Reap. Lòng tôi rất đỗi bùi ngùi. Vì sao Cà Nhệ không chịu lấy chồng? Vì sao không chịu gặp lại tôi?... Đang là dịp Tết Năm Mới. Phải chi có vài anh em lính 82 cùng đi, tôi nhất quyết ở lại một hai đêm để tìm lại không khí ngày xưa. Đêm lễ hội có đèn chạy bằng máy phát điện, có múa lăm thôn nhộn nhịp, đàn trống vang lừng. Những nàng thôn nữ đen đúa lúc ban ngày dưới ánh đèn điện ban đêm bỗng hóa thành tiên nữ... Nhưng anh Trọng, anh Nguyên không quen dân ở đây, và cũng ngại không dám ngủ lại trong phum....

Bao nhiêu năm rồi mà dân ở vùng này vẫn còn nghèo khổ quá. Cuộc sống đô thị thay đổi từng giờ, nhưng những người dân ở đây vẫn vậy, vẫn chỉ biết cây lúa ngoài đồng, con cá con tôm dưới suối dưới hồ... Trẻ con thì bẩn thỉu, gầy ốm... Nhưng mọi người ở đây hạnh phúc, vì họ không có gì để so sánh, để cảm thấy mình bất hạnh. Hạnh phúc, thứ quả cao xa đó, ở đây là thứ người dân có thể hái lấy mỗi ngày....

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét