Chúng
tôi lên xe rời Sài Gòn lúc chín giờ. Đi xe của Phone Link. Hãng này xe
chạy nhanh và làm thủ tục quá cảnh nhanh hơn hãng Sapaco, chỉ mất chừng
10 phút là xong. Chặng đường từ khẩu Mộc Bài tới Phnom Penh vẫn như xưa,
không có gì mới mẻ. Nhưng cây lá xanh ngăn ngắt và tươi non. Có lẽ đã
có vài trận mưa đầu mùa trút xuống vùng này.
Một số hình ảnh tại bến phà Niek Luong:
Biểu diễn nhấc bánh trước xe tuk tuk
Vài ảnh chụp ở quán cơm trong buổi chiều thứ nhất:
Đêm đầu tiên chúng tôi ngủ lại ở Phnom Penh.
Sau bữa cơm tối, tôi và anh Dũng ghé vào một quán hát với nhau (HAPPY GARDEN) mà tôi đã kể. Các em ca sĩ (khoảng 6 cô) được chủ quán trả lương và cứ thay phiên nhau hát. Tôi tình cờ chú ý tới một cô em, sau đó biết tên là Vy Ri Ja. Ri Ja có một giọng hát thật êm ái dịu dàng. Em hát một bài mà tôi hiểu loáng thoáng được vài câu cuối. Hết bài, tôi nhờ tiếp viên mời em tới. Mời em một chai bia. Và tự nhiên hai đứa ngồi rỉ rả tâm tình đủ thứ. Bên kia bàn, Dũng tây cũng đang tán tỉnh một cô bé xinh xinh. Một đêm say lúy túy vì bia và tiếng hát và mùi tóc con gái thơm thoang thoảng. Chia tay với Ri Ja, tôi nhủ thầm nếu có ghé lại Phnom Penh trên đường về, tôi sẽ ghé thăm em lần nữa. Hôm từ Siem Reap trở về, tôi quay lại quán, Nhưng quán đã đóng cửa nghỉ Tết. Và em gái Ri Ja có lẽ đã về quê... Tạm biệt một tình cảm thoáng qua nhưng quá đỗi êm dịu ngọt ngào....
Sáng hôm sau, chúng tôi thẳng tiến lên Poi Pet theo QL số 5.
Trên
đường, chúng tôi rẽ vào Udon. Tới chỗ địa điểm xưa là ga xe lửa Udon.
Có lẽ nhìn chúng tôi lúi húi chụp hình, rồi lại đi tới đi lui tìm cái
nhà ga cũ, những người dân ở đây tưởng chúng tôi là đoàn CB khảo sát để
dựng lại nhà ga. Một cậu thanh niên hỏi tôi: "Làm nhà ga mới hả anh?"
Tôi cười, Không, tụi tôi là coong tóp VN, ghé thăm lại chốn xưa từng
chiến đấu. Cậu giai cười và vẫy chào khi chúng tôi lên xe tiếp tục hành
trình.
Một số cảnh chụp ở Udon: núi Udon + nơi trước kia là nhà ga Udon
Gốc me già trong sân ga cũ
Đường tàu mãi đợi tiếng xe lăn
Đi
ngang thành phố Batdomboong. Thành phố Mất gậy (bat = mất, domboong hay
tamboong: gậy). Tục truyền xưa ở Batdomboong có một ông già là thủ lĩnh
quân sự chuyên chiến đấu với một cây gậy. Sau không biết cây gậy biến
đâu mất và ông thua trận, bị giết hay tự sát gì đó. Nay ông được tạc
tượng ngay tại bùng binh trung tâm thành phố và được xem như vị thành
hoàng của tỉnh Batdomboong.
Nữ thần với tám món vũ khí ở đầu bắc thành phố Batdomboong.
Chúng
tôi ghé ngang Sisophone, tìm nhà của A Di để chuyển quà tặng của a Dũng
cho Yong Ey, con gái của A Di và hai púc mae già ở phum Ma Kak. Sau đó
lại thẳng hướng lên Ngã ba con voi. Mẹ nuôi của anh Nguyên và cả gia
đình rất vui mừng gặp lại chúng tôi. Ăn một bữa cơm thân mật. sau đó
chúng tôi lại vào xe chạy lên Poi Pet để tìm chỗ ngủ đêm. Sáng hôm sau,
chúng tôi quay lại nhà mae, vào phum So Ja dạo một vòng rồi chào giã từ
mọi người. Ngoặt sang đường 6 về Phnum Srok. Nơi thân thương gắn bó. Nơi
tôi sống, chiến đấu, yêu thương và được yêu thương....
Mae, Sa Rinh, anh Trọng, anh Nguyên
Mẹ nuôi anh Nguyên và cháu nhỏ
Một số cảnh trong phum Soi Ja, cứ cũ của D3, E4, F5:
Con đường từ phum Soi Ja lên Nong Chan
Địa điểm xưa là nhà của D bộ D3
Sa
Rinh và cháu ngoại. Con bé nhát hít. Mãi đến khi gần lên xe, mình ôm và
hun một cái vào má nó, sau đó nó mới chịu cười và vẫy tay chào khi mình
lên xe từ giã.
Về Phrum Srok. Hai bên đường từ ngã ba lộ 6 rẻ vào huyện lị Phnum Srok vẫn như xưa.
Những cánh đồng bát ngát. Đường vào tới hồ Tropien Thmor đã được tráng
nhựa. Hồ nay là một điểm du lịch sinh thái và có những dãy nhà cất lên
để khách vào nghỉ ngơi, ăn uống. Ở đây bán nhiều loại thức ăn, nhưng tiện nhất là gà nướng và cá nướng. Chúng tôi ghé bờ hồ mua một con gà nướng, một con cá lóc nướng và một xâu rắn bông súng nướng rồi trực chỉ về hướng núi đôi Svai.
Ngã ba QL số 6 và đường vào huyện lỵ Phnum Srok
Trên
đường, thinh thoảng chúng tôi lại gặp một nhóm thanh niên nam nữ rất
trẻ đèo ba chạy ngược ra phía hồ. Đang là dịp Tết, các cô các cậu rủ
nhau ra hồ hóng mát tâm tình ăn uống. Ôi, Tuổi trẻ đẹp làm sao!
Lần
này tôi quyết định không ghé vào phum Pos để gặp Tchiete và các con của
nàng nữa. Lần trước đã gặp rồi, vui mừng xen lẫn dau lòng và nuối tiếc.
Nàng thiếu nữ 16 tuổi mắt to đen, lông mi dài cong vút, mà anh em
thường gọi là "mắt huyền" giờ đã trở thành một bà nội già héo hắt. Con
gái của nàng có lẽ sẽ vui lắm khi gặp lại tôi. Nhưng thôi, con gái ạ. Ta
và con chả có chút mối thâm tình nào ngoài mối tình cũ giữa ta và mẹ
của con. Cầu cho các mẹ con được bằng an, mạnh giỏi.
Vài trang nhật ký chiến trường cho em:
Và
trung đội của Nhân đu sết ngày xưa, một nỗi hãi hùng của lính Pot khu
vực bốn huyện Cro Lanh, Phnum Srok, Svai Chek, Thmar Pouk (chụp năm 1986 tại phum Tà Vôn, huyện Phnum Srok)
Boòng
Lương là người anh Khmer kết nghĩa của tôi. Hồi cứ tiểu đoàn bộ D3 đóng
ở rìa phum Tà Vôn, tôi thường ghé vào phum thăm gia đình anh, lúc đó
còn mẹ già (giờ bà đã mất), hai vợ chồng anh và hai cô con gái. Tôi
không gọi tên chúng theo tên cha mẹ đặt mà gọi nhỏ lớn là Cà Mum, nhỏ
nhỏ là Khla (cọp) vì nó hay la hét ỏm tỏi khi gặp chuyện không vừa ý.
Hỏi thăm dân ở rìa phum, họ bảo trong phum có hai nek tên Lương, và
người đầu tiên ở phía tây chùa. Chúng tôi vào phum, hỏi vài lần nữa thì
tới nhà. Tôi bước vào sân. Anh đang nằm ngủ trên cái chỏng nhỏ ở góc
sân. Tôi lay vai anh và nói:
"Boòng Lương, boòng Lương, nức khnhum tê, Nhân đu-sết thngay muôn. Nức tê?"
(Anh Lương, có nhớ tôi không, Nhân 12,7 ly ngày trước. Nhớ không?"
Anh lồm cồm ngồi dậy, mừng rối rít. Nhớ chứ sao không nhớ! Lần trước vào phum Pos thăm Tchiete sao không ghé qua thăm tôi?
Hóa
ra câu chuyện tôi về phum thăm sòn sa cũ đã lan truyền khắp các phum ở
vùng này rồi. Ở vùng này tôi thật sự là một "người nổi tiếng". Suýt chút
đã tự sát vì tình. Ngày em gái lấy chồng bà ngoại nàng không dám mời
tôi dự, dù bà mời hết mọi cán bộ từ cấp trung đội trở lên của D3. Vì sợ
tôi tới uống rượu xỉn lại quậy tưng lên. Đích thân bà ngoại bưng một mâm
thức ăn và một dop rượu ra cứ cho tôi, ngồi chờ tôi ăn xong mới chịu ra
về. Bà ngồi an ủi tôi. Bà bảo: Con với cháu bà không có duyên chồng vợ.
Hôm nay ngày cưới của cháu, con đừng buồn, Hãy mừng cho em nó có chồng
tốt, nghe con!" Tôi gật đầu, lẳng lặng ăn và nốc hết nửa chai rượu
đắng.... Đời tôi sau đó thêm mấy lần nhìn người mình yêu đi lấy chồng,
bởi vậy bài thơ Mừng em xuất giá chia sẻ với anh Nguyễn Trí Tài thấm thía tròn vẹn nỗi đau của chính tôi:
tình ta rơi rụng không lời dưới trăng
đêm ta xé nát sông Ngân
từng sao như đắp mộ phần cho ta
em về bên ấy là xa
là trăm năm đã hóa ra rất gần
từng sao như đắp mộ phần
chôn ta một gã tình chung ngu khờ....
Cha
nàng ngày xưa là tiểu đoàn trưởng para. Có lần tôi hỏi bà ngoại và me
của nàng: "cha đâu rồi?" Họ đáp: " Đã chạy sang Thái hồi thời Pol Pot."
Sau này tôi nghe ai đó nói lại là không phải vậy, ổng là lính para, là
địch thủ của chú đội ta. Hèn chi khi tôi thiết tha hỏi bà ngoại và me
nàng: "Mai mốt con ra quân sẽ ở lại đây cưới em Tchiete nha bà, nha me!
Bà, me có cho con ở lại đây không?" Bà ngoại lắc đầu: "Thôi, về Việt Nam
lấy vợ đi con,. Con gái VN đẹp, ở lại đây làm gì, nguy hiểm lắm..."
Tháng
5/1987 đơn vị tôi chuyển cứ vào sâu hơn, gần mé Svai Chek, khối hỏa lực
tiểu đoàn nằm ở rìa phum Ô, trung đội tôi nằm sát bờ suối phum Ô. Khi
leo lên một cây thốt nốt già trong một phum hoang gần bên để chặt lá lợp
nhà, tôi bị trượt từ độ cao 10m. Cằm, hai cánh tay và hai bắp đùi rách
tươm lúc tôi tuột xuống. Tôi ngất đi giây lát, không biết bao lâu, sau
đó ráng gượng ra tới rìa trảng để gọi thằng em tới cõng về. Lúc tôi đang
nằm dưỡng thương, ngoại rủ thêm một số me già vào cứ thăm tôi. Ôi,
ngoại ơi. Lần trước con về phum ngoại đã không còn nữa. Hai tháng sau
tôi được giải quyết ra quân... Ngoại và mấy me già lại tiễn chân tôi ra
cứ trung đoàn. Những khóe mắt già nua rưng lệ...
Hai
vợ chồng boòng Lương rối rít hỏi han tôi. Tôi nghe mà chả hiểu gì, vì
đã quên mất quá nhiều từ. Ngày trước, tôi nói như con sáo, nghe hiểu mọi
điều nên họ cứ tưởng tôi vẫn nghe nói ngon lành như cũ. Tôi cười, lắc
đầu: "Sdap ot ban tê, phơ lích ten o hơi!" (Nghe không được đâu, quên
hết cả rồi.)
Một
lúc sau, hai cô con gái (đã lấy chồng trong phum) kéo về. Hai đứa giờ
đã là hai phụ nữ trung niên (hơn 30 tuổi) và cả một bầy con lít nhít.
Tụi nó mừng rối rít, hỏi thăm đủ chuyện, nhưng tôi vẫn cứ lắc đầu cười
trừ, nghe không nổi. Con nhỏ nhỏ, Khla (tên do tôi đặt) nói gì đó tôi
chỉ nghe được mấy từ "Tchiete và tặng nhẫn cho con gái..." Lần trước, ở
bến xe lên Batdomboong, tôi có mua một cái nhẫn mạ bạc, giá mấy ngàn
riel tôi cũng không nhớ, đại khái là đồ dỏm, nghĩ bụng sẽ tặng cho đứa
con gái nào nhỏ nhất của nàng. Hóa ra khi gặp nàng có ba đứa, con út lại
là gái. Đúng chóc ý đồ. Tôi tặng và nó nhận, không biết nghĩ gì, nhưng
cứ cười tủm tỉm. Cả chuyện này cũng bị đồn thổi sang tận phum Tà Vôn,
nằm cách phum Pos tới hơn 20 cây số. Tôi quả đã nổi tiếng thật sự ở
vùng này! :)
Bày
thịt cá ra chiếu, boòng Lương xách ra một chai rượu to kềnh cỡ hai lít.
Trước đó, anh Trọng bảo mua một thùng bia mang vào nhưng tôi cản lại.
Vào phum phải uống rượu đế mới đúng điệu, đúng đạo nghĩa giang hồ!
Ngồi
nhậu một hồi, tôi móc máy ra chụp cả đám con cháu của anh. Con nhóc
Khla bảo: 'Pu (chú) Nhân, mai mốt con gái của con lấy chồng, pu có qua
dự không?" Trời đất!
Một
lát lại có thêm hai cô con gái nữa kéo về, cũng đã có chồng. Một đứa
thì lúc tôi còn ở đó còn đang ẳm ngữa, còn đứa kia thì ra đời khi tôi đã
về mất đất. Vậy mà nó vẫn rối ra rối rít mừng tôi. Chuyến đi kể tới đây
cũng đã thành công mỹ mãn. Tôi đã gặp được người anh kết nghĩa và cả
gia đình. Đã nghe chút tin tức của người xưa, dù không tới gặp nàng.
Thiên ký sự này tạm dừng ở đây nhé bạn....
Một số hình ảnh chụp trên đường vào Phum Srok:
Hồ Tropien Thmor và món cá lóc nướng, rắn bông súng nướng:
Hai chị em Cà Mum (chị) và Khla (em):
Cả gia đình lũ khũ cháu con:
A. Nguyên và boòng Lương
Boòng Lương và khnhum
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét