Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

THĂM LẠI CHIẾN TRƯỜNG XƯA - KỲ 3


Trong chuyến đi này có một nhân vật khá quan trọng mà tôi chưa nhắc tới. Đó là Phát, một người Việt lai Khmer (cha Việt mẹ Khmer). Phát là tài xế đưa chúng tôi đi tới mọi nơi cần đến kể từ Phnom Penh, và kết thúc nhiệm vụ khi anh đưa chúng tôi trở về lại PP. Tiếng Việt của anh chỉ vừa đủ giao tiếp bình thường. Có những từ mà anh chỉ nêu khái niệm hoặc diễn tả nó bằng từ tiếng Anh, và tôi phải nói từ tiếng Việt tương đương cho anh biết. Ví dụ từ asssistant, hay consult, Phát hiểu khái niệm của những từ này, nhưng anh không biết từ tiếng Việt tương ứng. Có Phát, chúng tôi cũng đỡ vất vả chút ít khi hỏi đường, có thêm chuyện để tán dóc khi ngồi giải lao uống cafe...

Quay lại chuyện chuyến đi. Chúng tôi rời phum Poi Snoun khoảng hơn bốn giờ chiều. Và Phnum Srok thân yêu lùi dần, lùi dần, cho tới khi núi Svai hai ngọn đã chìm khuất hẳn ở phía chân trời. Chặng đường còn lại là ở Siem Reap, và tôi, anh Nguyên, anh Trọng không còn cần gặp ai khác nữa. Chỉ có anh Trung, xưa đóng quân ngay tại Angkor, đã lên xe một mình về Siem Reap trước vào đầu buổi sáng từ Sisophon, anh có gia đình nguời quen cũ ở đó, và nôn nóng muốn về đó trước.

Về tới Siem reap lúc trời còn nắng. Nhưng việc dò tìm một KS ngốn mất cả tiếng đồng hồ nữa. Xe cộ đông nghịt đổ về từ Phnom Penh và các tỉnh. Khi chúng tôi xách hành lý vào phòng, bóng chiều đã ngã sang bóng hoàng hôn chạng vạng. Khách sạn dọc theo đường lớn đều hết chỗ. Chúng tôi phải lộn lên lộn xuống mấy lần mới tìm được một KS với giá trên trời 40 đô/đêm/phòng đôi. Nhưng ngày Tết mà, phải chịu thôi! Lại còn việc mai phải nhổ neo tìm chỗ khác, vì phòng đã có khách đặt trước. Kinh thế chứ lỵ!

Tắm rửa xong xuôi chúng tôi sang chỗ nhà người quen của anh Trung ăn cơm chiều.

Một bữa cơm thân mật gia đình nữa trôi qua. Tôi háo hức muốn đi bộ chơi một vòng quanh khu vực gần KS, nhưng mấy ông anh lớn tuổi lười biếng quá. Đi một mình thì chán và buồn, rốt cuộc tôi lên phòng mở đt vào facebook. Cả đêm thao thức. Cảm giác chao chao. Cứ nghĩ tới những ngày xưa cũ...



                                                         Đèn và trăng đêm Chol Snam Thmei


                Bữa cơm tại nhà người quen của anh Trung. Chị mặc áo hoa đen rất rành tiếng Việt

Trong số mấy bà chị quen với anh Trung có một bà rất rành tiếng Việt, bả phân biệt được giọng người Bắc và người Nam, và đưa vài ví dụ khá vui. Như người Bắc sẽ nói: Có gì thế? trong khi người Nam nói: Có gì zậy? Cách phát âm của bả nghe ngồ ngộ nhưng khá chuẩn.

Sáng hôm sau, chúng tôi ngồi xe dạo quanh khắp khu vực Angkor, chỉ đi vòng vòng bên ngoài ngắm cảnh chụp hình chứ không vào trong các khu đền. Trừ anh Nguyên ra, cả bọn chúng tôi đều đã đặt chân vào những khu đền đó.

Dân từ các nơi và tại địa phương lũ lượt đi chơi dã ngoại dọc theo những con đường quanh khu Angkor. Họ trải chiếu, trải bạt, giăng võng, ngồi ăn uống chơi đùa dưới những hàng cây ven đường. Các sạp bán thức ăn đủ thứ cũng mọc lên như nấm ven đường. Cảnh tượng thật nhộn nhịp đông vui. Nhưng tôi vẫn đau đáu ước gì giờ này mình đang ở trong một phum ở Phnum Srok, cùng người dân chuẩn bị các thứ để chờ đêm xuống và một cuộc ca múa tưng bừng, thân ái...

Những hình ảnh dọc theo các con đường quanh khu Angkor:
















                              Sau lưng là phế tích hoàng tàn của một thời:
























                                             
                                Trước mặt là cuộc sống sinh sôi vĩnh cữu:







 



























Trên đường đi, tôi sực nhớ tới Aki Ra và tìm số đt để gọi cho anh. Aki Ra trước kia là lính Pot, bị bộ đội VN bắt được và gia nhập luôn vào đội ngũ quân tình nguyện VN ở Siem Reap đánh lại lính Pot. Sau khi quân VN rút về nước, Aki Ra tiếp tục công việc tháo gỡ những mìn, đạn pháo còn sót với tư cách một thành viên của UNTAC. Những vỏ bom mìn mang về anh chất đầy nhà. Lâu dần, cả nhà anh trở thành một viện bảo tàng mini. Du khách khi tới tham quan Angkor hỏi những guide, lái xe tuk tuk ở đó xem có còn nơi nào thú vị để tới tham quan không, và họ đã được đưa tới nhà của Aki Ra. Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xe. Chính quyền cấm cửa cái bảo tàng mìn mini của anh. Buộc anh nếu muốn tiếp tục triển lãm những thứ ác ôn đó thì phải dời ra khỏi thành phố. Trong thời gian đó, Aki Ra được một số tổ chức và cá nhân nước ngoài biết tới và họ đã giúp anh hình thành nên Landmine Museam và Quỹ tháo gỡ mìn. Thành lập một đội chuyên tháo gỡ mìn. Aki Ra còn mở một trường học để nuôi dạy nhiều trẻ em bị thương tật do bom mìn hay mồ côi cha mẹ vì mìn. Năm 2010, Aki Ra được vinh dự bầu chọn trong Top Ten CNN Hero, trở thành người hùng của Campuchia do thành tích hoạt động vì nhân loại và hòa bình.

Khi tôi viết phần bổ sung của MXN, tôi đã nghĩ tới việc đưa Aki Ra vào truyện, biến anh thành một nhân vật của mình. Tôi mail cho Aki Ra, xin phép được lấy một số tư liệu đời thật mà anh đã công bố để đưa vào truyện.  Aki Ra rất hồ hỡi đồng ý khi đọc phần nói về anh mà tôi đã dịch sang tiếng Anh. Chúng tôi trở thành bạn. Và trong chuyến đi sang K năm 2011 với nhà văn Trần Nhã Thụy, chúng tôi đã ghé thăm Aki Ra tại nhà bảo tàng mìn của anh và để tặng anh cuốn MXN bản tiếng Anh.

Tôi gọi hỏi xem Aki Ra có nhà bảo tàng mìn không, hay đang ở đâu. Anh đáp anh đang ở Siem Reap nghỉ Tết, và bảo khi tìm được KS cứ báo địa chỉ cho anh, anh sẽ tới gặp tôi. Vậy là sau ba năm, tôi gặp lại Aki Ra, và một người phụ nữ trẻ xinh đẹp 23 tuổi, Net, vợ mới của Ra. Vợ trước của Akia Ra đã mất vì bạo bệnh trong lúc cùng hoạt động trong đội dò gỡ mìn của anh, để lại ba con nhỏ. Net là người chăm sóc các con của anh. Và tình yêu tới. Aki Ra chỉ mới cưới Net được hơn 6 tháng. Khi anh tới, tôi hỏi: "Đã ăn cơm chưa?" Ra đáp: chưa. Thế là chúng tôi cùng bước sang nhà hàng kế bên KS để ăn bữa trưa hơi muộn (3h chiều). Anh Nguyên có một câu nghĩ cũng thú vị. Khi anh hỏi Ra về cô vợ mới, Ra cũng tình thật trả lời: Cổ chăm sóc cho các con tôi, rồi thương nhau, lấy nhau. Anh Nguyên cười lớn: "Vậy là chêm côn muôn chêm púc croi (nuôi con trước rồi tới nuôi cha)!"

Tôi móc máy dt có lưu những hình lần trước. Có một tấm tôi chụp chung với một cô bé làm việc ở bảo tàng mìn, hỏi cô có còn làm hay không. Aki Ra đáp còn. Tôi hỏi tiếp: Tên của cô bé đó là gì? Lần trước tôi quên hỏi tên. Đáp: A Yun.


                                                      Phát tài xế, Khnhum, Aki Ra, Net


Cơn mước xong xuôi, anh Nguyên và anh Trọng lên phòng nghỉ trước. Tôi, Phát và vợ chồng Akia ra ngồi chuyện vãn thêm một hồi rồi về phòng chuẩn bị để đi cùng với mấy bà chị của anh Trung tới một quán bán bánh xèo ở gần sân bay Siem Reap. Vì mới ăn cơm xong, tôi và anh Nguyên cũng chẳng ăn uống được gì thêm. Anh Trọng thì không tới vì mệt. Một cuộc vui hơi kéo dài và buồn chán. Rốt cuộc, tôi và anh Nguyên với tài xế Phát về trước. Anh Trung ngồi lại về sau.

Một đêm nữa trôi qua ở Siem Reap. Không có gì vui. Sáng hôm sau chúng tôi lên xe quay trở về Phnom Penh. Ngủ lại một đêm nữa. Đêm ở Phnom Penh trong không khí lễ hội tưng bừng nhưng tìm không được Ri Ja cũng trở nên vô vị. Lại một đêm trằn trọc nữa trôi qua. Năm giờ sáng, chúng tôi ra xe về lại SG. Chuyến đi kết thúc. Vui buồn lẫn lộn như mọi chuyến đi. Nhưng tôi vẫn mong lại có dịp lặp lại những chuyến đi như thế. 

còn đi, đi mãi về đâu đó
những dáng buồn nghiêng những giấc say
mộng thắp chập chùng quanh cõi lạ
mai bừng tỉnh dậy buốt hồn ngây....

18/4/2014


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét