Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2013

Tuyển tập truyện thiếu nhi - Walter de la Mare - MỘT XU MỘT NGÀY

Dịch từ nguyên tác
Collected Stories for Children [1947]
của Walter de la Mare 
Dịch giả giữ bản quyền bản Việt ngữ
Copyright © Nguyễn Thành Nhân 2009



 



Giới thiệu


Walter de la Mare (1873-1956) là một tiểu thuyết gia, tác giả truyện ngắn kiêm nhà thơ nổi tiếng người Anh. Tuyển tập thơ đầu tay của ông được xuất bản vào năm 1002. Năm 1904, ông xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tiên Henry Brocken. Dù ở thể loại tiểu thuyết hay truyện ngắn, văn xuôi hay thơ, dành cho độc giả trẻ em hay người lớn, các tác phẩm của de la Mare luôn hé mở ra một thế giới vô hình có khi diễm lệ nên thơ, có khi kinh hoàng rùng rợn, nhưng lúc nào cũng thấm đẫm một không khí u huyền bí ẩn. Trong cuốn tiểu thuyết The Return (Trở về - 1910), ông kể về linh hồn của một người chết ám vào một người đang sống. Ngược lại, quyển Memoirs of a Midget (Hồi ức của một người lùn- 1921) lại chứa đựng những khoảnh khắc của ngẫu tượng đầy chất thi ca.
Tuyển tập Truyện Thiếu nhi này dịch từ tập Collected Stories for Children xuất bản năm 1947, bao gồm những truyện ngắn hay nhất của ông dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Có những câu chuyện thật ngọt ngào thơ mộng và đưa đến một kết thúc “happy ending” như Một xu một ngày, Chiếc áo khoác thần kỳ, Vua Cá, Dick và cây đậu thần, vv… nhưng cũng có những truyện đẫm màu huyền hoặc như Điều bí ẩn, Cô Jemima, Gã bù nhìn, Ba cậu bé nằm ngủ của xứ Warwickshire… Với giọng văn kể khi êm đềm khi thôi thúc và vô cùng quyến rũ, de la Mare đưa người đọc lạc vào những cảnh tượng lạ thường, gặp gỡ những phù thủy, những nàng tiên, những thần lùn, những người khổng lồ… thân thiện hay hung ác và đáng sợ. Người đọc có lúc hầu như nín thở vì một chi tiết hồi hộp ghê rợn, rồi sau đó lại thở dài khoan khoái. Các câu chuyện của ông không đưa ra những lời giáo huấn lộ liễu, khô khan và vô vị. Trái lại, các bài học luân lý nằm tiềm ẩn một cách tự nhiên trong từng chi tiết hay lời thoại nhỏ, và cũng tự nhiên như vậy, chúng sẽ dần dần ngấm vào tiềm thức tuổi thơ những ý nghĩa sâu xa.
Xin nói thêm, dù là truyện viết cho thiếu nhi, nhưng ngay cả những người lớn – vốn đã chai sạn, cằn cỗi đi nhiều với những thăng trầm trong cuộc sống - vẫn có thể lãng quên đi trong khoảnh khắc rằng mình đã lớn tuổi khi đọc những câu chuyện hấp dẫn này. Trong khoảnh khắc, có thể họ lại trở thành một cô bé, chú bé thơ ngây, hồi hộp lần giở từng trang sách, trán rịn mồ hôi và tim đập dồn dập từng hồi. Đó chính là trạng thái của tôi, một người không còn trẻ nữa, khi đọc những câu chuyện của de la Mare.
Cuối cùng, tôi rất mong các bạn đọc tìm được những giây phút thú vị qua bản dịch này.
Sài Gòn, 3-2009
Nguyễn Thành Nhân







       Một xu một ngày

Ngày xưa, có một bà cụ và đứa cháu gái cùng sống trong một căn nhà được xây từ những viên gạch của một tòa lâu đài sụp đổ. Cả hai bà cháu đều tên là Griselda. Ở đây, họ sống rất đơn độc. Họ là hai người còn sót lại của một gia đình chủ trang trại trước kia từng làm chủ cả vùng đất rộng xung quanh – những cánh đồng, những bãi cỏ và những vùng hoang địa mọc đầy cây thạch nam chạy men theo các vách núi và bờ biển.
Nhưng đó là chuyện đã lâu. Giờ thì cụ Griselda và đứa cháu của bà chỉ còn một mái nhà trên đầu và một mảnh vườn, nơi những cây táo, anh đào và mận nở hoa bên dưới những bức tường của tòa lâu đài. Có nhiều chim chóc làm tổ trong cái thung lũng lặng lẽ này; còn ở phía ngoài bãi xa kia, tiếng rì rầm của biển không bao giờ ngơi nghỉ.
Bé Griselda cần cù chăm nom mảnh vườn. Vì thế nó có rất ít thì giờ rảnh rỗi. Sau một ngày làm lụng ở nông trại và đồng ruộng, nó mệt mỏi lên giường, và dù cố gắng thức để theo đuổi những suy nghĩ miên man, nó mau chóng rơi vào giấc ngủ trước khi bấc nến lụi tàn. Thế nhưng vì những nguyên do mà ngay cả chính nó cũng không rõ, nó sống hạnh phúc và có bản tính hiền hòa. Vẻ ngoài của nó giống như một nữ thủy thần. Nét mặt nó hòa nhã và nghiêm trang một cách khác thường, có lẽ một phần là vì tình yêu và niềm vui của nó khi ngắm nhìn và lắng nghe biển cả.
Lúc rảnh rỗi, điều này khá hiếm hoi, nó thường trèo lên những bậc thang nứt nẻ trổ đầy cỏ dại để lên ngọn tháp của lâu đài, rồi ngồi đó – như một bà sơ dòng Đức Mẹ đồng trinh – nhìn ra phía những vách núi xanh lam và khoảng không gian màu xanh trời rộng bao la của biển. Nó ngồi đó, bé nhỏ như một con búp bê. Khi những cơn gió biển cất lên, nó thường ra bãi biển nhặt củi vụn giạt vào bờ, thân hình lẫn trong màn bụi nước mỏng ập vào theo cơn gió. Những con chim hải âu kêu ré quanh nó trong lúc những lượn sóng Đại Tây Dương chậm rãi đang làm mặt đất rúng động với những tiếng rền rền của chúng. Vào những buổi chiều êm ả, khi những cơn bão đã cuốn xa khỏi đại dương, và chỉ có một lượn sóng to chậm chạp đổ vào bờ, dường như có những tiếng chuông đang ngân vang lanh lảnh từ một cái tháp chuông bị nhấn chìm và che giấu mãi mãi dưới lòng biển sâu thẳm.
Nhưng trừ bé Griselda chẳng có ma nào ở đó để lắng nghe. Ngay cả những người dân ở thôn gần nhất cũng hiếm khi đi xuống mé bờ biển, và không bao giờ họ làm thế khi đêm xuống. Vì tòa lâu đài là một nơi bị ngăn cấm. Người ta bảo nó bị Dị Nhân ám. Và vào những buổi xế chiều của mùa hè ấm áp, người ta hay nhìn thấy những vũ công kỳ bí nhảy múa dưới ánh trăng mờ, trên thảm cỏ xanh ở rìa bãi cát, nơi những cây lưỡi bò và hải-oải hương trổ hoa, và những con chim mòng biển họp mặt nhau ở đó, khẽ kêu quàng quạc với nhau trong lúc đang rỉa cánh dưới ánh hoàng hôn.
Bé Griselda thường nghe những câu chuyện này. Nhưng, vì đã sống dưới những bức tường của tòa lâu đài và đã chơi đùa một mình trong sự suy tàn của nó từ khi bắt đầu biết ghi nhớ mọi sự, cô bé lắng nghe chúng với niềm thích thú. Có gì đáng sợ ở đó đâu nhỉ? Nó mong được nhìn thấy những vũ công và luôn quan sát. Khi vầng trăng tròn tỏa sáng trên bầu trời, nó thường lẻn đi khỏi ngôi nhà của bà và nhảy múa một mình trong ánh trăng huy hoàng bên trên lớp cát cứng, ướt đẫm nước biển của bãi cát; hoặc ngồi mơ màng ở một ngọn đồi xanh nào đó gần vách núi. Nó thường lắng nghe những âm thanh của biển giữa những tảng đá và trong các hang núi; và không thể tin rằng những gì nó nghe thấy chỉ là tiếng nhạc ru của nước.
Thường thường, khi ngồi vá áo, gọt khoai, gỡ vỏ sò hay cọ rửa một cái nồi đồng cũ trên bậc thềm ấm áp ánh nắng vào buổi sáng hoặc chiều, cô bé cảm thấy, trong khoảnh khắc, dường như không phải chỉ có một mình nó ở đó. Khi ấy nó thường hơi cúi đầu xuống thấp, hướng vào cây kim hay cái chậu, vờ như không nhận thấy có gì khác lạ. Như bạn có thể nghe thấy những tiếng hót mơ hồ của một con chim không thể nhìn thấy trong bóng tối hay có thể ngửi thấy một bông hoa lẩn khuất, mọi việc đối với Griselda cũng thế. Cô bé có những người bạn không thể nghe thấy, chạm vào hay nhìn thấy được.
Thỉnh thoảng, khi liếc đôi mắt đang nhìn xuống sang bên phải hay bên trái, nó thật sự thoáng trông thấy một hình dáng, có lẽ không hoàn toàn có thật, nhưng vẫn thật hơn là không có gì cả - dù có thể hình dáng đó nằm ẩn nấp sau những bụi rậm hay đang nhìn xuống phía nó từ một hốc sâu phủ đầy dây trường xuân nào đó bên trên những bức tường dầy.
Những điều như thế không làm Griselda hoảng hốt – không khác gì tiếng gió thổi luồn qua lỗ khóa hay tiếng kêu của những con ngỗng trời đánh nhau lúc đêm về. Chúng là một phần đời của cô bé, cũng giống như những chú chim, bọ, bướm đêm, bướm ngày là một phần của sự sống trên trái đất. Và dù cho những sinh vật thoáng hiện đó là gì chăng nữa, nó tin chắc là chúng sẽ không làm hại nó.
Những ngày hạnh phúc trôi qua như thế, mùa xuân tiếp nối mùa đông, dù Griselda phải làm việc hầu như luôn tay trong suốt thời gian thức gian thức giấc để nó và bà có đủ dùng. Thế rồi, một ngày nọ, bà cụ ngã bệnh. Bà bị té từ cái cầu thang hẹp khi đang dò dẫm đi xuống, và nằm ở đó, dưới chân thang, trông chẳng khác gì một đống quần áo cũ. Griselda tìm thấy bà nằm đó khi nó bước vào nhà với ôm củi giạt trên tay.
Bà cụ đã già yếu hom hem, và Griselda biết rất rõ nếu không chăm sóc cho bà thật tốt, bà có thể tệ hơn, thậm chí có thể chết. Ý nghĩ này làm nó hoảng kinh. “Ôi, bà ơi, bà ơi!” Nhưng nó lấy lại bình tĩnh ngay, và cố giữ một vẻ mặt vui tươi để bà cụ không nhận ra cái đầu bé nhỏ của nó đã nhức nhối đến thế nào với việc chăm nom và sự linh cảm về điềm gở, hay trái tim nó đã gần như tuyệt vọng ra sao.
Giờ đây, nó gần như không có thời gian để rửa mặt hay chải tóc, thậm chí cả để ăn và ngủ. Nó ít khi ngồi xuống trong bữa ăn, và ngay cả khi đó, nó cũng chỉ ngồi được chừng một hai phút. Nó mệt mỏi đến mức gần như không thể lê nổi chân lên những bậc cầu thang hẹp; màu hồng biến khỏi đôi má nó, và gương mặt nó trở nên hốc hác xanh xao.
Thế nhưng nó vẫn siêng năng lam lũ, vẫn hát nghêu ngao trong khi làm việc, và cố chối bỏ sự bất hạnh. Dù nó cảm thấy ốm yếu, đói hay lo lắng cỡ nào, nó vẫn không hề để cho bà nó nhận ra điều đó. Bà cụ nằm bất lực và đau đớn trên giường, và cũng đã khốn khổ lắm rồi. Vì thế Griselda chẳng có ai để chia sẻ nỗi niềm, và thay vì tốt hơn lên, mọi sự lại ngày càng xấu đi.
Một đêm trời oi bức kinh khủng, Griselda nằm nửa tỉnh nửa mơ trong lúc những tia chớp loé lên bên ngoài cửa sổ và tiếng sấm ì ầm ở phía biển xa. Sáng hôm sau, nó xuống nhà rất sớm và phát hiện ra rằng những con chuột đói đã xơi trộm hơn nửa phần cháo yến mạch mà nó để trong cái tủ chạn, và sữa trong cái lọ sành nhỏ đã hóa chua. Trái tim nó rụng rời. Nó ngồi xuống bậc cửa và bật khóc.
Lúc đó là vào đầu tháng Năm, biển cả xanh thẳm chập chùng giữa những tảng đá trên bờ biển và cuộn sóng lên như tuyết. Mặt trời sáng rực rỡ ở hướng đông, và quanh nó, cây cối đang trổ những cành lá mới xum xuê, chim chóc hót líu lo, không khí mát mẻ và thơm ngát hương hoa sau trận mưa rào.
Trong thoáng chốc, Griselda nín khóc, và chỉ còn vài giọt nước mắt đọng lại trên khóe mắt nó. Nó đưa hai bàn tay chống vào cằm, nhìn ra thảm cỏ xanh mơn mởn. Đôi mắt nó hững hờ dừng lại ở ba cánh bướm đang rượt đuổi nhau trong bầu không gian thơm dịu. Chúng bay lên lượn xuống, rồi đột nhiên bay vọt lên bầu trời xanh thẳm ở phía trên bức tường cao đổ nát và biến mất khỏi tầm nhìn.
Griselda thở dài. Dường như cả lũ bướm này cũng đang chế nhạo nó. Và với cái thở dài đó, trong người nó chẳng còn chút không khí nào. Thế là nó phải hít một hơi thật sâu để lấy lại hơi thở. Sau đó, nó không thở dài nữa vì chợt nhận ra nó lại đang bị ai đó quan sát. Và lần này thì nó biết đó là ai. Đứng cách nó chưa đầy chục bước chân, trên đỉnh của một dãy bậc thang đá xiêu vẹo uốn thành hình xoắn ốc dẫn đến một trong những cái tháp canh của tòa lâu đài, là một ông già nhỏ bé, nhăn nheo, lưng gù.
Ông ta chỉ cao bằng một đứa trẻ lên năm; có một cặp tai nhọn, đôi vai hẹp, và một cái bướu trên lưng, mặc một cái áo may từ nhiều mảnh da chuột chũi. Ông ta đứng đó - bất động y như những tảng đá – đôi mắt sáng không màu sắc bên dưới cái mũ bằng da chuột chũi đang dán lên người nó, như thể nó là một vật thể kỳ lạ gì đó, chẳng khác nào cảm giác của nó đối với ông ta.
Nó nhắm mắt lại một lúc, cho rằng ông ta sẽ biến ra khỏi trí tưởng tượng của nó; rồi lại mở mắt ra. Nhưng vị thần lùn đó, với một cây gậy cù móc trên tay, đã nhanh nhẹn đi lướt qua thảm cỏ tới gần nó. Thế rồi ông ta dừng lại, cách nó vài bước. Đôi mắt vẫn nhìn chòng chọc vào nó, bằng một giọng nói chói tai, ồ ề, khàn khàn, ông ta hỏi nó vì sao mà khóc. Và khi nhìn ông ta, Griselda ngạc nhiên tự hỏi mình sao trên đời lại có một sinh vật trông già nua đến thế.
Những cây táo gai khẳng khiu, bị gió làm cho vặn vẹo và những cây sồi già cỗi - mọc đây đó trong đồng cỏ bên trên bờ biển - đã đứng đó suốt mấy trăm năm giữa những lùm kim tước hoa và hải oải hương, nhưng trông ông ta còn già hơn cả chúng. Nó bảo rằng nó không khóc vì cái gì cả, chỉ trừ một điều là lũ chuột đã ăn trộm cháo yến mạch của nó và sữa đã bị chua, và nó chẳng còn biết xoay xở ra sao nữa. Ông ta hỏi nó đã phải làm những gì và nó bảo cho ông ta biết.
Nghe thấy thế, ông ta nheo mắt suy nghĩ và liếc về hướng cái tháp canh mà từ đó ông ta đã xuất hiện. Rồi như đã quyết định, ông ta bước tới gần hơn và hỏi Griselda nó sẽ trả công thế nào nếu ông ta làm việc cho nó trong chín ngày. “Trong ba ngày, rồi ba ngày nữa, rồi ba ngày nữa,” ông ta bảo, “và chỉ thế thôi. Bao nhiêu?”
Griselda không biết làm gì hơn ngoài việc phá ra cười. Nó bảo vị thần lùn rằng chẳng những nó không thể trả công cho bất cứ ai để làm việc cho nó, mà trong nhà cũng chả có gì đáng giá, ngay cả thức ăn cũng chẳng đủ làm một bữa điểm tâm cho ông ta. “Trừ phi,” nó nói, “ông bằng lòng ăn khoai nguội. Còn sót một hai củ gì đó từ bữa tối qua.”
“Chà, không, không,” thần lùn nói. “Ta không làm việc mà không có tiền công, và ta có thể tự nấu ăn được. Nhưng nghe này: nếu cô hứa trả cho ta mỗi ngày một xu trong chín ngày, ta sẽ tới đây làm công cho cô từ sáng tới tối. Khi đó, bản thân cô có thể tới các trang trại và cánh đồng. Nhưng phải đúng một xu một ngày, không thêm bớt gì hết; cô phải trả tiền công vào mỗi buổi chiều tà trước khi ta quay về chỗ ở của ta; và bà cụ trên gác không được trông thấy ta, và không biết rằng ta tới.”
Griselda ngồi nhìn ông ta, dịu dàng và thoải mái như thường lệ, nhưng trong đời, nó chưa bao giờ nhìn thấy một người nào như vậy trước đó. Mặt ông ta nhăn nheo dúm dó như một quả táo mùa đông; thế nhưng dường như ông ta chưa bao giờ có một vẻ mặt nào khác. Trông ông ta già như những phiến đá xung quanh; thế nhưng lại chẳng già hơn những cây hoa mõm chó mọc lên trong những kẻ đá đó chút nào. Nhìn vào mắt ông ta giống như nhìn qua một cái lỗ khoá bị han rỉ vào một căn phòng trống. Nó chờ đợi ông ta sẽ biến mất vào bất cứ lúc nào hoặc sẽ biến thành một vật kỳ lạ khác - một khóm cúc tím đang đơm hoa hoặc một đống đá chẳng hạn!
Thật sự, từ rất lâu trước buổi sáng hôm đó, Griselda thường thoáng nhìn thấy một cái gì đó giống như bóng dáng của những sinh vật trong đồng cỏ bên bờ biển. Khi nó nhìn lại, vật đó đã biến đi; hoặc, khi nó tới gần hơn, thì đó chỉ là một bụi kim tước hoa, một tảng đá nhô lên mặt cỏ, hay một nhúm lông cừu dính vào một bụi gai. Luôn là như thế. Lúc này, trong khi nó không hề sợ thần lùn, nó vẫn thấy khó chịu và bối rối khi đứng cạnh ông ta.
Nhưng nó vẫn mỉm cười với ông ta, và đáp rằng dù nó không thể hứa trả cho ông ta một xu cho tới khi nó kiếm được một xu để trả, nó sẽ gắng hết sức để kiếm vài xu. Bây giờ thì chẳng còn gì. Và nó đã quyết định sẽ đi ngay tới một trang trại nằm ven vách đá, nơi mà nó chắc là sẽ tìm được việc làm. Nếu thần lùn bằng lòng chờ chỉ một ngày thôi, nó bảo, nó sẽ yêu cầu người chủ trại trả tiền công cho nó trước lúc nó trở về. “Khi đó cháu có thể trả cho ông một xu,” nó nói.
Ông già mặc áo da chuột chũi vẫn nheo mắt nhìn nó. “Được,” ông ta nói, “hãy đi đi. Và quay về trước lúc mặt trời lặn.”
Nhưng trước hết Griselda nấu cho bà nó một chén cháo yến mạch, với tất cả những món còn sót lại trong nhà. Nó bưng chén cháo lên cho bà, cùng với một nhánh hoa táo cắm trong chiếc lọ sứ để giúp bà nó ăn ngon miệng hơn. Vì đã hứa với thần lùn, và chắc là ông ta không làm gì có hại, nó không nói gì về ông ta với bà nó cả. Nó dọn dẹp phòng, trải lại ra giường, mang cho bà ít nước để rửa, xếp lại gối của bà và choàng một tấm khăn quanh vai bà, giúp cho bà thật thoải mái trong khả năng của nó, rồi nó chuẩn bị lên đường, tự hứa sẽ về nhà càng sớm càng tốt.
“Bà ơi,” nó nói, “dù có chuyện gì, cũng đừng rời khỏi giường, bà nhé.”
Thật may mắn, vợ của ông chủ trại ở mép vách đá mà nó tìm tới đang làm bơ vào sáng hôm đó. Người chủ trại biết nó rất rõ, và khi nó đã hoàn tất việc giúp vợ ông ta và cô gái vắt sữa đánh sữa làm bơ, ông ta không chỉ trả cho nó hai xu tiền công, mà còn cho thêm một xu nữa. “Đó là vì những lọn tóc vàng óng của cháu, cháu thân mến,” ông chủ trại bảo, “và chúng xứng với món tiền để chuộc một ông vua! Con bảo sao hả Si?” Ông ta gọi đứa con trai, người vừa về tới với lũ gia súc. Simon, mặt đỏ ửng, và xấu trai hơn ba nó nhiều (dù nó có nét mặt vui vẻ), liếc nhìn Griselda, nhưng chắc là màu tóc vàng óng đã làm cu cậu hoa mắt, thế nên cu cậu quay đi mà chẳng nói lời nào.
Ngay lúc đó bà chủ trại vội vã quay ra sân. Bà ta mang cho Griselda một bình sữa và hai quả trứng để biếu bà nó, và còn thêm vài cái bánh rán và một chai mật ong cho chính nó. Thế là Griselda vội vã ra về, lòng đầy vui sướng.
Trên đường nó về nhà có một cái ao vịt nằm dưới bóng một cây liễu, và khi đi tới đó, nhớ lại lời của ông chủ trại, nó dừng chân, nghiêng người nhìn xuống bóng mình dưới làn nước đục. Nhưng vì bầu trời đang sáng chói bên trên đầu nó, và có rất nhiều gợn dầu trên mặt nước do lũ vịt tạo nên khi chúng bơi lội, rỉa lông và chuyện gẫu với nhau, nên Griselda không thể nhìn thấy rõ hay chắc chắn là mái tóc của mình vẫn còn vàng óng hay không từ cái bóng phản chiếu! Nó đứng lên, tự cười chế giễu mình, vẫy tay chào lũ vịt rồi nhanh chân quay về nhà.
Khi nó đã về tới bên dưới cái cửa ngõ phủ đầy những bụi hoa mõm chó của tòa lâu đài, nghĩa là đã tới nhà, nó nhìn thấy một điều kỳ diệu. Căn bếp sạch như một cây kim gút mới toanh. Cái bàn ăn đã được cọ rửa; cái lò sắt nấu bếp sáng choang như được làm bằng bạc, những cái chén sành nằm trên kệ trông như vừa được tráng men; một cái chậu nâu mà trong đó là một bụi hoa quế trúc thơm ngát nằm trên ngưỡng cửa, và ngay cả con lắc bằng đồng của cái đồng hồ đánh chuông cúc cu, vốn đã nhiều năm xỉn đi, giờ sáng loáng như mặt trời lúc đứng bóng, và đang đu đưa qua lại như thể nó muốn vơ lấy mọi thời gian mà nó đã đánh mất trước khi đêm xuống.
Còn nữa, bên cạnh lò sưởi là một đống củi, một ngọn lửa đang vui vẻ nhún nhẩy trong lò; một con cá đang được nấu trong cái nồi bắc bên trên bếp gạch; cái vòi của chiếc ấm sắt đang reo lên bài hát nước sôi; và một cái chảo, đầy ắp những lát khoai đang nằm trong lò bên dưới cái ấm để cả hai cùng có đôi có bạn. Và không chỉ có thế, trên bàn ăn là một đĩa sà lách đầy vun tươi rói – rau diếp, củ cải, những nhánh lá bồ công anh và lá me đất chua non xanh mơn mởn. Nhưng ông già mặc áo da chuột chũi thì mất tăm mất tích.
Bản thân Griselda cũng là một tay nội trợ cừ khôi, nhưng cả đời nó, nó chưa bao giờ nhìn thấy căn nhà bếp nào giống như thế bao giờ - tươi tắn như một đóa hoa cúc dại. Thế là Griselda cất tiếng véo von- để cùng hòa giọng đồng ca với cái ấm. Sau khi nấu xong món sữa trứng với một quả trứng và sữa, nó mang vào nhà, leo lên gác để thăm bà.
“Bà ơi, giờ bà thấy thế nào?” nó nói, “Cháu vừa đi ra ngoài về và không để phí một phút nào, nhưng hẳn là bà đang đói lắm.”
Bà cụ bảo với nó rằng bà đã trải qua buổi sáng với một giấc ngủ chập chờn và từ giường, bà đã nhìn biển cả qua cửa sổ. Bà có thể thực hiện việc này vì ngay đối diện cửa sổ của bà là khoảng trống bị vỡ của cái mà trước đây từng là bức tường của tòa lâu đài. Nó giống như một loại khe nhòm nhìn vào thế giới đối với bà.
“Và bà còn có chuyện gì khác kể cho cháu nghe không?” Grieselda hỏi.
Bà cụ nhìn quanh từ chiếc gối như thể e rằng mình có thể bị nghe trộm. Rồi bà cảnh báo Griselda rằng lần sau khi đi ra ngoài nó phải chắc chắn là đã cài then cửa. Chắc hẳn một con thú lạ lùng nào đó đã lảng vảng kiếm thức ăn trong nhà, bà bảo. Bà đã nghe thấy tiếng nó lục đục đi lại không chỉ bên dưới khung cửa sổ mở, mà ngay cả trong căn phòng bên dưới. “Dù bà phải nói rằng bà đã cố lắm mới nghe được.” Bà cụ nói thêm.
Griselda nhìn ra bên ngoài cái cửa sổ rào mắt cáo, và vì đầu nó ở một vị trí cao hơn chiếc gối của bà cụ nhiều, nó có thể nhìn xuống mảnh sân vườn xanh xanh bên dưới. Và ở đó, ông già áo da chuột chũi đang đứng nhìn lên nó.
Khoảng một, hai giờ sau đó, khi mặt trời đã khuất hẳn sau dãy đồi xanh phía ngoài thôn và Griselda đang ngồi một mình bên bếp lửa, bộ đồ nghề may vá đặt trên đùi, nó nghe thấy tiếng bước chân lệt sệt trên lớp sỏi bên ngoài, rồi thần lùn xuất hiện ở cửa sổ. Griselda cám ơn ông ta một cách chân thành vì những gì ông ta đã làm cho nó, rồi nó móc ra từ cái ví da của bà nó một trong ba đồng xu mà nó đã kiếm được ở trang trại.
Thần lùn nhìn đồng xu một cách thèm khát, rồi đưa tay chỉ vào một cái lọ thiếc cũ nằm trên kệ ống khói, ông ta bảo Griselda bỏ đồng xu vào đó, giữ giùm cho tới lúc ông ta yêu cầu.
“Chín ngày,” ông ta nói, “Ta sẽ làm việc cho cô – ba và ba và ba – và chỉ thế thôi, với cùng một giá tiền. Và cô phải trả cho ta tất cả món tiền cô nợ ta. Ta sẽ tới vào mỗi tối để nhìn vào cái lọ.”
Thế là Griselda rón rén trèo lên tấm chắn nhà bếp, bỏ đồng xu vào cái lọ rồi đóng nắp lọ lại. Khi nó quay ra, ông già áo lông chuột đã bỏ đi.
Đêm đó, trước lúc đi ngủ, nó nhìn ra cửa. Trên bầu trời không còn màu sắc nào ngoại trừ màn đêm xanh đen thăm thẳm; nhưng một mảnh trăng, mỏng như vỏ trứng, đang treo lơ lửng trên ngọn đồi phía tây, và chẳng bao lâu nữa cũng sẽ đi theo mặt trời ở bên ngoài nó. Griselda nghiêm trang cúi đầu chào vầng trăng bảy lần, và lắc lắc cái ví cũ trong túi nó.
Khi nó xuống nhà vào sáng hôm sau, căn bếp đã được quét dọn. Một ngọn lửa nhảy múa chập chờn bên dưới ống khói. Chén bát, đĩa muỗng của nó đã được bày sẵn trên bàn, và một chén cháo sữa bốc khói đang sưởi mình trên bếp. Khi Griselda mang chén cháo lên cho bà nó, đôi mắt của bà cụ mở to kinh ngạc, vì Griselda chỉ vừa rời khỏi đó một phút trước. Bà húp một ngụm cháo, liếm môi, húp thêm ngụm nữa, rồi hỏi Griselda rằng nó đã nêm thứ gì vào cháo. Nó có một mùi vị mà bà chưa bao giờ nếm trước đó. Và Griselda bảo với bà nó rằng đó là một bí mật.
Hôm đó người chủ trại trao cho Griselda vài con gà mái tàu già lông vàng để nhổ lông mang ra chợ bán. “Chúng đã sống những ngày tốt đẹp, nhưng đã tới lúc phải vào nồi,” ông ta bảo. Sau khi nghe rằng bà của nó đã khoẻ hơn, ông ta giữ nó lại làm việc cho tới tận xế chiều. Thế là Griselda vừa nhổ lông gà vừa ca hát. Nó thương xót cho lũ gà mái già, nhưng lại sung sướng khi nghĩ tới khoản tiền công. Thế rồi một lần nữa người chủ trại trả cho cô bé hai xu, cộng thêm một xu tiền thưởng, lần này không phải vì màu tóc óng vàng, mà vì “đôi mắt xám long lanh” của nó. Vậy là lúc này trong ví nó đã có năm xu, thế nhưng lại chẳng cần dùng tới xu nào trong số đó, ngoài một xu đã trả cho thần lùn đêm qua.
Khi Griselda về tới nhà, không chỉ mọi thứ trong bếp được cọ rửa bóng lộn hơn bao giờ hết, mà trên cái ngăn bên của lò sưởi còn có một nồi nước xuýt đang sôi sùng sục. Qua mùi thơm của nó, có thể đoán trong nồi không chỉ củ cải đỏ, hành tây và những thứ rau thơm, mà còn có cả một con thỏ non. Ngoài ra, một dãy vườn mới vừa đánh luống xong; ba luống cải bắp non vừa nhú mầm, và như Griselda đoán, hai luống khác là đậu ván và đậu Hà Lan. Bất kể thần lùn làm cách nào, ông ta đã thực hiện thật tốt công việc của mình.
Thật đúng giờ - mặt trời vừa lặn sau dãy đồi – ông ta đã có mặt ở cửa bếp để lấy tiền công. Griselda mỉm cười chào, cảm ơn ông ta và lấy ra một đồng xu. Ông ta nhìn nó một cách khao khát; rồi lại nhìn cô bé. Và ông ta bảo, “Bỏ đồng xu đó vào lọ luôn đi.” Thế là lúc này trong cái lọ thiếc của ông ta đã có hai xu, và trong ví của Griselda có bốn xu.
Cứ thế, mấy ngày trôi qua. Bà cụ dần dà bình phục, và vào Chủ nhật kế đó - quấn mình trong một cái khăn giống như một con mèo già lông đốm – bà ngồi lên một lúc bên cạnh chiếc cửa sổ. Trong phần lớn những buổi sáng đó, Griselda ra ngoài để làm việc ở nông trại hay trong thôn; và trong một hai buổi sáng, nó ở nhà, ngồi với bà nó để hoàn tất công việc may vá hoặc những việc khác mà nó thấy cần làm.
Lúc ở nhà, nó không hề nhìn thấy thần lùn, dù có thể ông ta đang nấp đâu đó trong vườn. Nhưng bà nó vẫn nói về những tiếng lục đục lạ lùng mà bà nghe thấy khi nó đi khỏi. “Cháu có thể nghĩ rằng có cả một bầy heo con trong bếp, và cả một con heo nái già nữa.” Bà cụ bảo.
Vào ngày thứ tám, người chủ trại không chỉ trao cho Griselda hai xu tiền công mà còn thưởng thêm một xu khác vì “cái lúm đồng tiền trên má cháu”. Nhưng đồng xu này có một cái lỗ ở giữa. “Và cái lỗ đó sẽ đem lại may mắn,” người chủ trại nói. Cô bé hân hoan trở về nhà. Và thấy rằng không có lý do gì để không chia sẻ sự may mắn với thần lùn, nó bỏ đồng xu có lỗ vào cái lọ thiếc khi ông ta tới đó lúc chập tối. Và như thường lệ, ông ta chẳng nói câu nào, chỉ vui vẻ quan sát nét mặt của Griselda với đôi mắt không màu sắc của mình khi nó tỏ lời cám ơn, và nhìn nó bỏ đồng xu vào cái lọ. Rồi ông ta bỏ đi ngay sau đó.
Đêm đó, người chủ trại nói với vợ mình khi cả hai đang cầm nến trong tay để đi lên buồng ngủ, “Cái con bé Griselda ở mé tòa lâu đài cổ đó, theo tôi vừa có tính hay giúp người, vừa giản dị và xinh xắn. Và nếu nó cẩn trọng với những đồng xu giống như nó đã tỏ ra, bà nó ạ, không còn ngờ gì nữa, tôi bảo đảm nó cũng sẽ cẩn trọng với những đồng bảng Anh!”
Và ông ta nói đúng. Griselda rất cẩn trọng với những đồng xu đến nỗi ngay vào lúc đó nó đang ngồi một mình trong bếp dưới ánh ngọn nến đơn độc, chậm rãi viết ra giấy từng xu mà nó đã được trả công và từng xu mà nó đã chi tiêu:
Bản tính tiền
Đã nhận:
tiền công của chủ trại:     10
tiền thửng[1]:                     5
tiền công của Cô Jakes:    2
tiền công ở trại hieo:         1
_____
  18
Đã tiêu:
yếng mạch:                      2
xươn nấu súp:                  2
đườn:                                2
băn cột tóc:                       1
sợi leng:                            1
búp bê:                              1
Tiền công trả ông già
áo lông chuột chuỗi:          8
______
  17
Con búp bê là món quà cho đứa con gái út của người chăn bò. Và dù Griselda đã cộng nhầm khá nhiều lần cho tới khi nó cộng được đúng tổng số, bây giờ tổng số đã đúng; và trong ví nó lúc này đang có một xu để chứng minh.
Buổi xế chiều tiếp theo, ngay trước lúc hoàng hôn, Griselda ngồi chờ thần lùn tới. Chưa bao giờ nó cảm thấy sung sướng và nhẹ nhõm đến thế. Hôm đó là ngày làm việc thứ chín của ông ta, nó đã có sẵn chín xu cho ông ta - một trong ví nó và tám trong cái lọ thiếc; người chủ trại đã hứa rằng sức nó làm tới đâu sẽ có công việc cho nó tới đó; bà nó đã gần khoẻ hẳn; cái tủ chạn không còn trống rỗng nữa; và nó biết ơn đến không còn lời để nói. Dường như thân thể nó không còn có thể chứa đựng nổi niềm vui sướng hân hoan.
Những thân cây đứng trong ánh nắng cuối của chiều tà như thể chúng mượn những chiếc áo khoác màu xanh lá của chúng từ chốn thiên đường. Những lối đi đã được dẫy sạch cỏ. Những phiến đá đã được quét một lớp vôi mới tinh khôi. Không còn sót một mảnh đất nhỏ nào chưa được gieo trồng. Dường như từ mỗi cụm trường xuân trên những bức tường cũ của lâu đài có một con chim hét đang cất tiếng hót líu lo; và mỗi con trong số chúng dường như đều hót to hơn những con còn lại.
Với bộ đồ nghề may vá nằm lười nhác trên đùi, Griselda ngồi trên bậc cửa, uống mọi sự vật bằng đôi mắt xám trong veo của nó, đồng thời nghĩ ngợi lan man. Không chỉ về ông già áo lông chuột chũi và những gì ông đã làm cho nó, mà còn về đứa con trai của ông chủ trại, người đã cùng nó đi một phần đường trở về nhà lúc nãy. Và rồi nó bắt đầu mơ mộng.
Dường như tâm hồn nó trong một khoảnh khắc đã vượt ra khỏi thân thể nó bay tới một chốn xa xôi. Âm thanh bé nhỏ của những đá sỏi lạo xạo chạm vào nhau nhắc nó trở về với chính mình, và kia – trong tia nắng cuối cùng của mặt trời đang lặn - thần lùn đang đứng trên lớp sỏi trải đường của khu vườn. Ông ta bảo Griselda rằng chín ngày làm việc đã hết, và ông ta đến để lấy tiền công.
Griselda ra hiệu cho ông ta đi vào bếp, và ở đó, nó thì thào lặp đi lặp lời cám ơn sự giúp đỡ và lòng tốt của ông ta. Nó móc đồng xu cuối cùng ra khỏi ví và đặt nó lên bàn, rồi rón rén với tay lên kệ ống khói để lấy cái lọ thiếc. Ngay khi đó, trái tim nó chợt lạnh đi. Không có một tiếng lanh canh nhỏ nhất nào vang lên khi cô bé lắc cái lọ. Nó nhẹ như thể một cọng lông chim. Cuối cùng, với những ngón tay run lẩy bẩy, cô bé cố nhấc cái nắp lọ ra và nhìn vào. “Ôi,” nó thì thầm, “Có ai đó…” Một làn mây xám che mờ đôi mắt nó. Cái lọ trống không.
Thần lùn đứng ở lối ra vào, đôi mắt nôn nao, lạnh lẽo và sáng rực của ông ta dán vào gương mặt nó. “Sao,” ông ta càu nhàu. “Tiền của ta đâu? Sao ta phải chờ nữa, cô gái? Trả lời ta đi!”
Griselda chỉ có thể đăm đăm nhìn lại ông ta, cái lọ rỗng nằm trên tay nó. Đôi lông mày của ông ta bắt đầu giần giật lên xuống như thể đang trong cơn giận dữ, giống như đôi mày của một chú đười ươi. “Thế đã mất rồi, hử? Những đồng xu của ta đã mất rồi, hử? Thế là cô đã bịp ta! Hử? Hử? Đã bịp ta?”
Dù Griselda có thể nói được gì đi nữa thì cũng chẳng ích chi. Ông ta không muốn nghe nó nói. Nó càng van nài ông ta hãy kiên nhẫn và rồi nó sẽ trả lại món nợ thì ông ta càng gắt gỏng và giận dữ. Và việc nhìn những dòng nước mắt lăn tròn trên đôi má dọc theo hai cánh mũi bé nhỏ của nó chỉ làm ông ta thêm nổi trận lôi đình.
“Ta sẽ chờ cô thêm một ngày nữa,” cuối cùng ông ta nói oang oang. “Một! Ta sẽ quay lại vào ngày mai lúc hoàng hôn, và từng xu một phải có sẵn cho ta. Những gì ta làm, ta có thể xóa đi! Những gì ta thực hiện, ta có thể phá tan! Ha ha! Để rồi xem!” Nói xong, ông ta đùng đùng đi ra vườn và biến mất.
Griselda thấy thật khốn khổ và đầu óc nó rối bời đến nỗi nó không thể làm được gì một lúc lâu ngoài việc ngồi thừ người, lạnh cóng và trống rỗng, nhìn ra ngoài khung cửa mở. Những đồng xu có thể đi đằng nào? Chuột không ăn những đồng xu. Hay là nó bị mộng du? Ai có thể lấy trộm chúng? Và làm thế nào nó kiếm được số tiền nhiều như thế chỉ trong một ngày làm công?
Trong khi nó đang ngồi ủ ê suy ngẫm, từ tầng gác trên đầu nó vọng xuống tiếng đập bum, bum, bum. Nó đứng bật dậy, đốt một cây nến từ lửa trong bếp lò, nhúng đôi mắt nó vào cái thùng nước lạnh mà ông già mặc áo lông chuột chũi đã lấy từ giếng nước vào, và mang buổi ăn tối lên cho bà nó.
“Hôm nay bà có nghe tiếng động nào trong nhà không bà?” Nó hỏi một cách cảnh giác khi nó đặt chén nước hầm thịt vào đôi tay xương xẩu của bà nó. Nghe câu hỏi này, bà nó, dù đang đói bụng, chợt trở nên bực bội. Chiều nào, bà cụ bảo với Griselda, bà cũng đã cảnh báo với nó rằng có một con vật lạ nào đó đã đột nhập vào dưới nhà lục lọi khi nó đang làm việc ở nông trại. “Cháu chẳng bao giờ để ý tới, thậm chí cháu còn không thèm trả lời bà,” bà cụ nói. “và giờ thì đã muộn rồi. Hôm nay bà chẳng nghe thấy gì cả.”
Sau khi sắp xếp cho bà ngủ yên, Griselda vội vã trở xuống bếp. Lúc này trời đã tối đen. Nó không thể ngồi chờ tới sáng. Nó phải quyết định sẽ phải làm gì. Rời khỏi bà nó đang uể oải và buồn ngủ sau bữa ăn tối, nó rón rén rời khỏi phòng và nhẹ nhàng khép cánh cửa sau lưng lại.
Nó đi mò mẫm đi dưới những bức tường phủ đầy dây trường xuân tới cánh cửa nhỏ, rồi nhanh nhẹn trèo lên sườn dốc phủ đầy cỏ dại ở vách núi, dưới ánh trăng lặng lẽ. Một con cú bỗng rúc lên. Từ phía xa bên dưới, nó có thể nghe thấy tiếng thủy triều vỗ nhẹ vào những tảng đá trên bờ biển; và bên trên mặt biển, bầu trời vô cùng sống động với những vì sao.
Vẫn còn ánh đèn le lói ở một cánh cửa sổ tầng trên khi Griselda tới trang trại. Nó theo dõi ánh đèn và những cái bóng tới lui xuyên qua khoảng tối đen một lúc, rồi cuối cùng rụt rè nhấc cái vòng sắt lên và gõ cửa. Chính ông chủ trại đi ra. Ông ta đứng đó, khoác áo ngủ, một cái giá nến trong tay, nhìn nó qua ánh nến, ngạc nhiên khi thấy một người khách quá muộn đang đứng đó dưới ánh sao, người quấn trong một chiếc khăn choàng. Nhưng ông ta nói chuyện với nó một cách từ tốn. Và rồi Griselda tuôn ra câu chuyện của mình, chỉ không nhắc một lời nào đến thần lùn.
Nó bảo ông chủ trại rằng nó đang gặp rắc rối to; rằng, dù nó không thể nói lý do với ông được, nó cần phải có tám xu vào trước chiều tối hôm sau. Và nếu như ông ta có thể cho nó mượn số tiền đó và tin tưởng nó, nó xin hứa rất chân thành rằng nó sẽ làm việc bao lâu cũng được theo ý của ông ta để bù lại số tiền.
“Chà,” ông chủ trại nói. “Thật là một câu chuyện lạ lùng! Nhưng sao không làm việc bốn ngày, rồi ta sẽ trả cho cháu tám xu.” Nhưng Griselda lắc đầu. Nó bảo ông ta rằng điều đó không thể được; rằng nó không thể chờ, dù chỉ là một ngày.
“Vậy thì thế này,” ông chủ trại nói, tự cười thầm, vì ông ta rất tò mò muốn biết nó sẽ dùng số tiền đó vào việc gì. “Ta không thể giao cho cháu việc nào vào ngày mai, và ngày hôm sau nữa cũng chưa chắc chắn. Nhưng giả sử như không có việc nào trong suốt tuần, nếu cháu hứa sẽ cắt mái tóc vàng của cháu cho ta, thì ngay bây giờ cháu sẽ có tám xu, và không cần phải làm gì cả.”
Griselda đứng ngây người ở cửa, mặt nó tái nhợt và xạm đi dưới ánh sáng của ngọn nến trong tay ông chủ trại. Dường như từng sợi tóc một đang ngọ nguậy trên đầu nó. Mọi thứ đã xảy ra thế đó. Nó suy nghĩ về việc tự ngắm nghía mình ở cái ao vịt, về việc không cẩn thận với số tiền; và đã làm theo lời của ông già bảo nó thay vì phải làm điều nó thấy là tốt nhất. Nhưng vì hình như ông chủ trại có thể chạy tới bất kỳ lúc nào và đưa ra một cây kéo xén lông cừu để cắt béng đi mái tóc của nó, nó hứa. Thế là ông ta quay về, cười to với bà vợ, kể cho bà ta nghe chuyện gì đã xảy ra. “Con bé quay đi, mặt không còn chút máu,” ông ta nói, “Và điều mà tôi rất muốn biết là con bé đang lo lắng chuyện gì. Nó là một con bé dịu dàng, và lời nói của nó còn hơn cả một lời cam kết. Ồ, tôi phải chờ xem. Và chúng ta sẽ có món tóc đó, chỉ để làm lưu niệm.”
“Theo tôi thấy,” bà vợ bảo, “câu đó phải để thằng Simon của chúng ta nói.”
Khi Griselda về tới nhà – sau một cuộc đi bộ buồn bã và lẻ loi băng qua những cánh đồng mờ sương bên bờ biển – nó đi tới một cái rương gỗ trong đó nó cất giữ một vài “bảo vật” của mình. Đa số là những vật kỷ niệm của mẹ nó. Và nó lấy ra một tấm lưới bao tóc mà mẹ nó từng mang khi bà còn là một cô bé gái trạc lứa tuổi của nó bây giờ. Rồi nó ngồi xuống trước một tấm gương hình vuông nhỏ, thắt bím mái tóc nó lại thật chặt, phủ tấm lưới lên trên. Rồi nó đặt cái ví trong có chín đồng xu vào dưới gối, rì rầm cầu nguyện và lên giường ngủ.
Nó nằm hàng nhiều giờ, lắng nghe tiếng rì rầm của sóng đang vỗ nhịp cho đêm, ngắm nhìn ngôi sao bản mệnh của nó lung linh chuyển dịch từ ô này sang ô khác trên cánh cửa sổ đan mắt cáo. Nhưng cuối cùng, khi nó ngủ, những giấc mơ của nó ít khi buồn bã như lúc nó đang thức giấc.
Ngày hôm sau, nó ở nhà phòng khi thần lùn đến sớm, nhưng chỉ tới lúc hoàng hôn nó mới nghe tiếng giày lệt xệt như thường lệ của ông ta dẫm lên lớp sỏi. Nó móc từ trong ví ra chín đồng xu để trả ông ta. Ông ta hỏi nó số tiền này từ đâu mà có. “và tại sao,” ông ta nói, “cô thắt bím tóc lại chặt thế và còn che nó lại với tấm lưới nữa? Cô sợ lũ chim sẽ bay theo nó hay sao?”
Nghe thấy thế, Griselda bật cười dù đang rất buồn. Và nó bảo ông ta rằng nó đã hứa cắt mái tóc này cho một người bạn, và nó phải cột tóc lại thật chặt để tự nhắc rằng mái tóc không còn là của nó nữa, và để giữ cho mái tóc an toàn. Ông già mặc áo da chuột chũi đang đứng dưới một bụi lý gai xanh rờn cũng phá ra cười khi nghe điều đó – vì Griselda đã dẫn ông ta ra vườn để bà nó không nghe thấy tiếng họ trò chuyện.
“Thật là một vụ làm ăn khấm khá!” ông ta nói, “Nhưng ta biết một vụ khác còn ngon lành hơn!” Và ông ta hứa với Griselda rằng nếu nó cho ông ta cắt, dù chỉ một lọn tóc nhỏ của nó thôi, ông ta sẽ đưa nó tới hang động của những Người Nhím dưới đáy biển. “Ở đó,” ông ta nói, “nếu cô làm việc cho chúng tôi chỉ một giờ thôi trong bảy ngày liền, cô sẽ có một số vàng ròng nặng gấp bảy lần mái tóc của cô. Nếu sau đó, ý tôi là,” ông ta ranh mảnh nháy mắt với nó, “cô hứa là sẽ luôn quay lại với chúng tôi. Và khi đó cô sẽ có một giỏ trái cây từ khu vườn bí mật của chúng tôi.”
Griselda nhìn thần lùn, rồi nhìn những lên những trái lý gai xanh xanh đang sắp chín trên cành, rồi lại lặng lẽ nhìn những bụi hoa cúc trên mặt đất một lúc lâu. Rồi nó bảo thần lùn rằng nó không thể cho ông ta một lọn tóc vì tất cả mái tóc của nó đã được hứa cho người khác. Thay vào đó, nó sẽ làm việc cho ông ta trong chín ngày liền, miễn phí. Đó là điều tối thiểu mà nó có thể làm, nó nghĩ, để đền đáp lại những gì ông ta đã làm cho nó.
“Thôi được,” ông già mặc áo da chuột bảo, “nếu không có tóc thì một sợi lông mi vậy. Nếu không, cô sẽ không bao giờ được nhìn thấy những hang động. Một sợi lông mi để làm lộ phí cho chuyến du lịch của cô!”
Cô bé đồng ý với điều kiện đó, và quỳ xuống dưới gốc lý gai, nhắm chặt mắt lại để ông già có thể nhổ dễ dàng một sợi lông mi của nó. Nó cảm thấy những ngón tay mập mạp khác thường của ông ta cọ nhẹ qua hàng lông mi, và chỉ có thế mà thôi.
Nhưng khi nó mở mắt ra nhìn quanh, quang cảnh đã đổi thay – khu vườn, ngôi nhà, những bức tường lâu đài, những tháp canh đổ nát, những vách đá, biển cả và hang núi - tất cả đã biến mất. Ở nơi này không có một tia nắng ban chiều nào, không có một làn gió biển mơ hồ nào khuấy động bầu không khí. Đó là một nơi yên tĩnh lạ lùng, nằm tắm mình trong một làn ánh sáng màu xanh nhạt mà nó không biết phát ra từ đâu. Xung quanh và trên đầu nó, ánh sáng nhợt nhạt lóe lên trong những phiến đá thạch anh của hang động. Và âm thanh duy nhất có thể nghe thấy được là một tiếng thở dài xa xăm, giống như là tiếng sóng thủy triều.
Ở đây, trong khu vườn cây ăn quả của những Người Nhím có rất nhiều cây, thân chúng cắm sâu vào lớp cát trắng mịn như sương muối. Những cành cây trĩu nặng những quả nhiều màu sắc như đá quý. Và có tiếng chim hót rất du dương dù Griselda chẳng nhìn thấy con nào. Bầu không khí có vẻ mong manh và dịu dàng trong ánh sáng biển xanh mờ. Nó có thể nghe thấy một âm thanh duy nhất khác là tiếng nước chảy róc rách mơ hồ giữa những tảng đá. Dòng nước đã tự vùi mình dưới những lớp cát của khu vườn.
Thần lùn mang tới một số giỏ cói nhỏ, và bảo cho Grisleda biết những gì nó phải làm. “Nhặt những trái đã rụng xuống,” ông ta nói, “không được hái trái nào trên cành, và xếp chúng vào giỏ theo màu sắc và loại trái, mỗi loại vào một giỏ. Nhưng phải chắc là không được trèo lên hay rung cành cây. Khi hết giờ làm việc của cô, ta sẽ quay lại đây.”
Griselda bắt tay vào việc ngay. Dù những cành trên đầu đầy trái, chỉ có một ít trái rụng xuống, và lúc đầu, có vẻ như nó chỉ cần vài phút để nhặt chúng xếp vào giỏ. Nhưng bầu không khí loãng và tối của hang động khiến cho nó buồn ngủ, và vì nó cứ phải khom người liên tục để nhặt, mí mắt nó nặng trĩu đến nỗi nó e rằng nó có thể ngủ quên bất cứ lúc nào. Và nếu nó ngủ thiếp đi, chuyện gì sẽ xảy ra? Nó có trở lại mặt đất được hay không? Tất cả những chuyện này phải chăng chỉ là một giấc mơ? Nó rửa đôi mắt với làn nước lạnh như tuyết nhỏ xuống từ những tảng đá; và lúc này nó tưởng như mình nghe thấy một tiếng kim khí loảng xoảng mơ hồ như thể tiếng gõ, đập và những giọng nói nho nhỏ ở phía xa. Nhưng ngay cả khi tất cả những trái rụng - màu xanh ngọc, màu cam, màu tím thạch anh, trong suốt như pha lê và màu xanh biển - đã được xếp theo từng loại trong mấy cái giỏ, công việc của nó vẫn chưa xong. Trong lúc nó ngồi xuống nghỉ mệt, một số trái khác đã nhẹ nhàng rơi xuống lớp cát bên dưới giống như một trái táo rơi êm xuống cỏ, và nó phải nhanh chóng bỏ chúng vào giỏ.
Khi thần lùn quay lại, ông ta nhìn quanh để xem còn trái nào sót lại trên cát hay không. Ông ta nhìn liếc chỗ này, ngó ngang chỗ khác, thậm chí còn đảo tung số trái cây trong giỏ lên để xem chúng có được xếp đúng theo từng loại không. “Tốt, Griselda,” cuối cùng ông ta bảo, và đó là lần đầu tiên ông ta gọi tên nó, “đã làm điều gì tốt thì phải làm tốt cho tới cùng. Đây là một xu tiền công của cô.”
Có một tia nhìn lén lút trong ánh mắt của ông ta khi ông ta nhẹ nhàng đưa những ngón tay sờ soạng cái túi da chuột dắt bên hông và móc ra một đồng xu. Griselda giơ tay ra, và ông ta đặt đồng xu vào lòng bàn tay nó, vẫn nhìn nó chăm chú. Cô bé nhìn đồng xu, rồi lại nhìn lần nữa. Đó là một đồng xu cũ, dầy, mòn vẹt, và hình đức vua trên đó đã bị mờ đi. Mép của nó hơi cong, và ở giữa có một cái lỗ. Không còn ngờ gì nữa – đây là đồng xu mà ông chủ trại đã đưa cho nó “để đem lại sự may mắn”. Cho tới lúc đó Griselda không hề có chút ngờ vực nào về việc chính ông già mặc áo da chuột chũi đã lấy trộm những đồng xu của ông ta. Giờ thì nó đã chắc chắn về điều đó. Nó tiếp tục nhìn đồng xu đăm đăm nhưng không nói một lời nào. Nói cho cùng, nó thầm nghĩ, số tiền trong lọ là của ông ấy. Ông ta có quyền với chúng. Bạn không thể lấy cắp cái đã là của bạn! Nhưng mà, một sự dối trá cũng tồi tệ như trộm cắp. Có lẽ ông ấy không có ý định dối trá. Có lẽ ông ấy chỉ muốn xem nó sẽ nói gì và làm gì. Đó vẫn là một sự dối trá nhưng không phải là một sự dối trá quá tệ hại. Có lẽ vì ông ta không hoàn toàn là con người nên ông ta không thể nói một lời dối trá hoàn toàn trong bất kỳ tình huống nào. Có lẽ đây chỉ là một sự dối trá của dòng giống thần lùn, dù lòng tốt của ông ta đối với nó không chỉ là lòng tốt của dòng giống thần lùn! Nó tự cười thầm với mình khi nghĩ tới đây; rồi ngẩng mặt lên, nó nhìn thấy thần lùn vẫn đang nhìn nó. Và nó cảm ơn ông ta.
Lúc này, ông ta phá ra cười, cho tới khi vòm động và vách động vang dội lại những tiếng cười, và ít nhất cũng có tới hơn chục trái cây rời khỏi cành và nhẹ nhàng rơi xuống cát. “À, ta đã nói gì với cô nhỉ,” ông ta nói to, “Đừng khóc nữa, Griselda. Đó là một xu, còn đây là những đồng xu khác.” Ông ta móc chúng ra khỏi cái túi da, đếm từng đồng đặt vào tay cô bé, và cả tám đồng xu mà nó vừa trao cho ông ta trước đó không lâu; và khi làm điều đó, ông ta hát với một giọng the thé như giọng trẻ con:
“Dù loài người có nói gì
Chúng ta - Người Nhím - chưa hề xắn tay
Làm cho bất cứ một ai
Thuộc loài người để rồi đòi tiền công.”
“Chà, Griselda,” ông ta nói, ‘nếu chúng ta có thể giữ cô lại, cô sẽ không phải làm việc gì cả. Chẳng phải đánh sữa làm bơ hay nhổ cỏ, chẳng phải may vá hay chùi nồi, chẳng phải nấu bếp hay rửa chén, chẳng phải thở dài hay khóc lóc; cô sẽ hạnh phúc mãi và trẻ mãi. Và cô sẽ không bị ai đó lấy kéo cắt đi dù chỉ một lọn tóc con óng ánh của cô.”
Griselda nhìn ông ta dưới ánh sáng im lìm xanh nhạt và khẽ lắc đầu. Nhưng nó hứa với ông ta rằng dù sao đi nữa, mỗi năm nó sẽ làm việc trong hang động cho Người Nhím trọn một ngày hè, nếu ông ta đến để đưa nó tới đây. Và cả hai đồng ý với cuộc làm ăn đó.
Ông già móc ra từ cái túi quần ống túm của mình một mảnh vàng dầy, bằng cỡ một đồng cu-ron Anh, đặt vào tay nó. Trên một mặt của nó có khắc hình một nữ thủy thần, và mặt kia là một thân cây ăn quả nhỏ mọc trên một gò cát, trĩu đầy những quả. “Đó là để làm lưu niệm,” ông ta bảo. Và ông ta tự mình lấy ra từ mấy cái giỏ mỗi loại một trái, bỏ vào một cái giỏ khác. “Vì không lấy tiền công là không lấy tiền công, ông ta nói tiếp, “khom lưng xuống, Griselda, và ta sẽ trả lại cho cô sợi lông mi.”
Griselda quỳ xuống mặt cát, và một lần nữa những ngón tay khác thường quét qua mí mắt nó. Trong khoảnh khắc kế tiếp tất cả đều tối đen, và một luồng gió lạnh lướt qua má nó. Nó mở mắt ra và thấy nó còn lại một mình dưới bầu trời đêm đầy sao sáng, đang quỳ gối trên lớp đất đẫm sương của khu vườn nhà quen thuộc – như thể nó vừa trải qua một giấc mơ kỳ lạ. Nhưng để làm bằng chứng rằng những gì đã xảy ra không phải là mơ, trong tay nó vẫn còn cầm mảnh vàng có khắc hình nữ thủy thần và thân cây xum xuê, và trên tay kia là giỏ trái cây.
Về phần sợi lông mi, vì Griselda chưa bao giờ đếm xem nó có bao nhiêu sợi trước khi thần lùn nhổ đi một sợi, nó không bao giờ có thể chắc rằng nó có được gắn trả lại hay không. Nhưng khi nó bảo với Simon, con trai ông chủ trại, rằng có thể đã mất đi một sợi – nó không thể nói gì thêm vì lời hứa với thần lùn – cu cậu đã đếm đi đếm lại mấy sợi lông mi. Và dù cu cậu chưa bao giờ đưa ra được cùng một con số trong những lần đếm, nó bảo đảm với Griselda rằng không thể còn chỗ trống nào cho một sợi lông mi khác. Và Griselda đưa cho cho cậu bé một trái màu xanh lá trong số những trái cây nhặt trong hang động mà nó đã mang tới để tặng cho cu cậu. Trái này cũng là để làm lưu niệm. “Nó cứng như đá vậy,” cậu bé nói, “chúng ta ăn nó chứ, Griselda?” Nhưng dù là cứng, hẳn bên trong trái đó phải có một phép màu kỳ lạ, vì khi hai đứa trẻ ngồi với nhau dưới gốc liễu cạnh cái ao vịt, dường như chúng đã được đưa tới, không phải là những hang động của giống Người Nhím dưới đáy biển, mà là vườn Địa đàng.
Về phần Griselda, mái tóc của nó vẫn dầy và óng ánh mãi trên đầu cô bé. Và về phần ông chủ trại, ông ta khước từ không nhận lại đồng nào trong số tám xu.
“Đây là một điều lạ lùng đối với tôi, bà nó ạ,” ông ta nói với vợ mình khi cả hai cùng ngồi bên nhau cạnh bếp lửa. Họ vẫn thường ngồi như thế, ngay cả trong thời tiết nóng bức của mùa hè. “Thật lạ lùng là trang trại này của chúng ta đã từng thuộc về ông cố, ông sơ, ông sờ, ông sẫm gì đó của cô bé đó!” Ông ta rít một hơi thuốc sâu từ cái ống píp. “Và cái mà tôi muốn nói là họ, những người đã từng giàu có, khi họ giàu có trở lại, sẽ biết cách gìn giữ nó.”
“Phải đấy, George,” bà vợ nói, và bà chẳng nói gì thêm.



[1] Những chữ in nghiêng viết sai chính tả - dịch theo bản gốc



 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét