Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Virginia Woolf - Ba đồng ghi-nê - Phần Một (edited)

Virginia Woolf

 

THREE GUINEAS

 

 Nguyễn Thành Nhân dịch 

 

 

 

Một

 

Ba năm là một thời gian dài để gác lại việc hồi đáp một lá thư, và thư của ông đã nằm đó không có hồi âm thậm chí còn lâu hơn thế. Tôi đã hy vọng rằng nó có thể tự giải đáp, hoặc những người khác sẽ giải đáp cho tôi. Nhưng lá thư và câu hỏi của nó – Theo ý bà, chúng ta ngăn ngừa chiến tranh bằng cách nào? – vẫn chưa được giải đáp.
Đúng là có nhiều giải đáp đã nảy sinh, nhưng không giải đáp nào không cần sự lý giải, và lý giải thì mất thời gian. Trong trường hợp này cũng vậy, có những lý do vì sao việc tránh hiểu lầm lại đặc biệt khó khăn. Trọn một trang có thể đầy những lý do biện bạch và lời xin lỗi; những tuyên bố về tình trạng vô tài, bất lực, thiếu kiến thức và kinh nghiệm: và hẳn là thật thế. Nhưng ngay cả khi những điều đó được nói ra, vẫn còn có một số khó khăn cơ bản đến độ việc giải thích hay làm cho ông hiểu được chúng tôi rõ ràng là bất khả. Nhưng người ta không muốn gác lại không hồi đáp một lá thư đáng chú ý như thư của ông – một lá thư có lẽ là độc nhất vô nhị trong lịch sử thư tín của loài người, vì trước đó, đã có khi nào một người đàn ông trí thức hỏi một phụ nữ rằng theo ý của cô ta, có thể ngăn ngừa chiến tranh bằng cách nào? Vì thế chúng ta hãy cố một lần; ngay cả khi việc này tất phải thất bại mà thôi.
Trước hết chúng ta hãy vạch ra thứ mà tất cả mọi kẻ viết thư đều vạch ra theo bản năng, một phác họa về cá nhân nhận lá thư. Nếu không có hơi ấm và hơi thở của một ai đó ở phía bên kia trang giấy, những ngôn từ là vô giá trị. Hồi ấy, ông, người đưa ra câu hỏi, đã lún phún tóc bạc ở hai bên thái dương; tóc trên đỉnh đầu ông không còn dày nữa. Ở tuổi trung tuần, ông đã trở thành một luật sư, không phải không nỗ lực; nhưng nhìn chung hành trình của ông đều thuận lợi. Không có chút cằn cỗi, tiều tụy hay bất mãn trên nét mặt ông. Và, không muốn tâng bốc ông đâu nhé, sự thành đạt của ông – vợ con, nhà cửa – là xứng đáng. Ông không hề chìm vào sự thờ ơ thỏa mãn của cuộc sống tuổi trung tuần, vì, như thư của ông từ một văn phòng ở trung tâm London cho thấy, thay vì trở trăn trên gối, thúc đuổi đàn heo và cắt tỉa những cây lê của mình – ông có vài mẫu Anh ở Norfolk – ông đang viết những lá thư, dự những cuộc họp, điều hành chuyện này chuyện khác, đưa ra những câu hỏi, với âm thanh của súng đạn trong tai. Đối với số người còn lại, ông bắt đầu học vấn của mình ở một trong những trường tư thục lớn và kết thúc ở trường đại học.
Chính lúc này khó khăn đầu tiên trong việc giao tiếp giữa chúng ta xuất hiện. Chúng ta hãy nhanh chóng chỉ ra nguyên do. Trong thời đại lai tạp này, khi mà dù con cái có dòng máu pha trộn, các giai tầng vẫn cố định, cả hai chúng ta đều xuất thân từ chỗ có thể gọi một cách thuận tiện là tầng lớp trí thức. Khi gặp mặt nhau, chúng ta nói cùng một giọng; dùng dao nĩa theo cùng một cách; mong đợi những cô hầu nấu ăn và dọn rửa sau bữa ăn; và có thể trò chuyện không chút khó khăn về chính trị và mọi người trong bữa ăn; chiến tranh và hòa bình; man rợ và văn minh – tất cả những vấn đề mà thật ra lá thư của ông đã nêu lên. Ngoài ra, cả hai chúng ta đều làm ăn kiếm sống. Nhưng… ba dấu chấm đó đánh dấu một vách dựng, một vực nước giữa chúng ta, sâu đến độ trong suốt hơn ba năm tôi đã ngồi bên phía của mình tự hỏi có ích lợi gì không khi cố nói xuyên qua nó. Chúng ta hãy đề nghị một người khác nói thay cho chúng ta vậy – đó là Mary Kingsley.
“Tôi không biết đã bao giờ tôi tiết lộ với bạn sự thật rằng được phép học tiếng Đức là TẤT CẢ nền học vấn phải trả tiền mà tôi từng có hay chưa. Tôi đã tiêu của em tôi hai ngàn bảng mà tôi vẫn còn hy vọng là không uổng phí.”I Mary Kingsley không chỉ nói cho riêng bản thân mình, bà đang nói thay cho nhiều cô con gái của những người đàn ông trí thức. Và bà không chỉ nói thay cho họ; bà cũng đang chỉ ra một thực tế rất quan trọng về họ, một thực tế hẳn phải tác động sâu xa tới tất cả mọi thứ theo sau: thực tế về Quỹ Giáo dục Arthur[1]. Ông, người từng đọc Pendennis[2], sẽ nhớ ba mẫu tự bí ẩn A.E.F. được hiểu như thế nào trong những cuốn sổ tay nội trợ. Kể từ thế kỷ 13, các gia đình Anh vẫn đang chi trả cho khoản tiền đó. Từ gia tộc Paston tới gia tộc Pendennis, tất cả những gia tộc trí thức từ thế kỷ 13 cho tới nay đã chi trả cho khoản tiền đó. Đó là một cái bụng phàm ăn. Ở nhà nào có nhiều con trai, gia đình phải có một nỗ lực lớn lao để giữ cho nó được đầy. Vì việc học của ông không chỉ là học trong sách vở; những trò chơi trui rèn cơ thể ông; bằng hữu dạy cho ông nhiều hơn những cuốn sách hay những trò chơi. Việc trò chuyện với họ mở rộng tầm nhìn của ông và làm phong phú tâm trí ông. Ông đi du lịch vào những kỳ nghỉ lễ; thủ đắc một thị hiếu về nghệ thuật; một tri thức về chính trị ở hải ngoại; và rồi, trước khi ông có thể tự kiếm sống, cha ông cấp cho ông một khoản chi tiêu để ông có thể sống trong lúc học ngành nghề chuyên môn mà giờ đây cho phép ông bổ sung hai chữ K.C[3] vào tên mình. Tất cả đến từ Quỹ giáo dục Arthur. Và như Mary Kingsley chỉ ra, các chị em gái của ông đã góp phần vào đó. Không chỉ nền học vấn của chính bản thân họ, ngoài những khoản nhỏ để trả cho giáo viên tiếng Đức, đều đi vào đó; mà còn nhiều thứ trong những khoản xa hoa và thêm thắt, mà nói cho cùng, là một phần chủ yếu của nền học vấn, chẳng hạn như du lịch, xã hội, trạng thái cô đơn, ăn ở xa nhà –  những thứ này đều cần được thanh toán. Nó là một cái bụng phàm ăn, một thực tế sờ sờ – Quỹ Giáo dục Arthur – một thực tế thật sự sờ sờ trước mắt đến nỗi nó phủ bóng lên toàn thể bức tranh phong cảnh. Và kết quả là dù chúng ta nhìn vào cùng những điều như nhau, chúng ta nhìn thấy chúng một cách khác biệt nhau. Cái tập hợp công trình xây dựng đó là gì, với một phong cách bán tu viện, với những tiểu giáo đường, đại sảnh và những sân chơi xanh cỏ? Với ông, nó là trường trung học cũ của ông: Eton hoặc Harrow; đại học cũ của ông, Oxford hoặc Cambridge; nguồn cội của vô số hồi ức và truyền thống.
Nhưng với chúng tôi, những người nhìn nó qua cái bóng của Quỹ Giáo dục Arthur, nó là một cái bàn trong lớp học, một chiếc xe buýt hai tầng chạy tới trường, một người phụ nữ nhỏ bé với một cái mũi đỏ, bản thân không có mấy học thức, nhưng có một người mẹ bệnh tật cần trợ giúp; một khoản trợ cấp hàng năm 50 bảng, để mua sắm quần áo, tặng quà và thực hiện những hành trình tới sự trưởng thành. Đó là những tác động của Quỹ Giáo dục Arthur đối với chúng tôi. Nó thay đổi bức tranh một cách nhiệm mầu đến nỗi những khoảnh sân và khuôn viên cao quý của Oxford và Cambridge thường xuất hiện trước mắt các cô con gái của những người đàn ông trí thứcII như những chiếc váy lót dài nhiều lỗ rách, những chiếc chân cừu lạnh, và con tàu khởi hành tới bến cảng đi nước ngoài trong lúc những người gác cửa đóng sập cửa lại trước mặt họ.
Thực tế rằng Quỹ Giáo dục Arthur làm biến chuyển bức tranh phong cảnh – những sảnh đường, sân chơi, những dinh thự thiêng liêng – là một thực tế quan trọng; nhưng khía cạnh đó phải được gác lại cho cuộc thảo luận trong tương lai. Ở đây chúng ta chỉ quan tâm tới tới thực tế hiển nhiên, khi xét tới câu hỏi hệ trọng này – chúng tôi sẽ giúp các ông ngăn ngừa chiến tranh bằng cách nào – nền học vấn đó tạo nên sự khác biệt. Một số tri kiến về chính trị, về quan hệ quốc tế của nền kinh tế, hiển nhiên là cần yếu để thấu hiểu những nguyên do dẫn tới chiến tranh. Triết học, thậm chí học thuyết, có thể góp phần đắc lực. Ông, kẻ thất học, ông, kẻ có trí tuệ chưa được trui rèn, không thể có khả năng giải quyết những câu hỏi đó một cách thỏa đáng. Chiến tranh, với tư cách kết quả của những lực lượng phi cá nhân, là điều, ông sẽ đồng ý, nằm ngoài tầm thấu hiểu của một trí tuệ chưa rèn luyện. Nhưng chiến tranh với tư cách bản chất con người là một chuyện khác. Nếu ông không tin rằng bản chất con người, những nguyên do, những cảm xúc của đàn ông và phụ nữ bình thường, dẫn tới chiến tranh, thì hẳn ông đã không viết thư yêu cầu sự giúp đỡ của chúng tôi. Ông ắt phải lý luận rằng, đàn ông và phụ nữ, tại đây và vào lúc này, có thể vận dụng ý chí của họ; họ không phải là những con tốt và những con rối nhảy múa trên một sợi dây do những bàn tay vô hình điều khiển. Họ có thể hành động và tư duy cho chính họ. Có lẽ thậm chí họ có thể tác động tới những ý tưởng và hành động của nhiều người khác. Một số lập luận như thế ắt phải dẫn ông tới việc liên hệ tới chúng tôi; và với sự biện minh. Bởi lẽ thật là vui khi có một nhánh giáo dục đến từ cái tên gọi “giáo dục không phải trả tiền” – sự thấu hiểu về con người và những động cơ của họ mà, nếu từ này loại bỏ những liên kết khoa học của nó, có thể được gọi là tâm lý học. Hôn nhân, cái nghề nghiệp lớn lao mở ra cho giai tầng của chúng tôi kể từ thuở hồng hoang cho tới năm 1919; hôn nhân, nghệ thuật chọn lựa một người để sống một đời sống vẹn toàn, hẳn đã dạy chúng ta một kỹ năng trong điều đó. Nhưng ở đây lại có một khó khăn khác đối mặt với chúng ta. Bởi dù cả hai giới ít nhiều gì đều có những bản năng chung, đấu tranh luôn là thói quen của đàn ông chứ không phải của phụ nữ. Pháp luật và thực hành đã phát triển sự khác biệt đó, dù là bẩm sinh hay ngẫu nhĩ. Trong quá trình lịch sử, hiếm khi một con người gục ngã dưới khẩu súng của một phụ nữ; đại đa số các loài chim và thú đều bị giết bởi các ông chứ không phải bởi chúng tôi; và khó mà phán xét điều chúng tôi không chia sẻ.III
Vậy thì chúng tôi phải hiểu vấn đề của các ông thế nào đây, và nếu chúng tôi không thể, làm sao chúng tôi có thể trả lời câu hỏi của ông, làm cách nào để ngăn chận chiến tranh? Câu trả lời dựa trên kinh nghiệm và tâm lý của chúng tôi – Vì sao đánh nhau? – là một câu trả lời không có chút giá trị nào. Hiển nhiên với các ông có một sự vinh quang nào đó, một nhu cầu thiết yếu nào đó, một cảm giác thỏa mãn nào đó trong việc chiến đấu mà chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy hay thích thú. Sự thấu hiểu trọn vẹn chỉ có thể đạt được thông qua sự truyền máu và truyền ký ức – một phép mầu vẫn còn nằm ngoài tầm với của khoa học. Nhưng chúng tôi, những kẻ hiện đang sống có một cái để thay thế cho việc truyền máu và truyền ký ức; và nó phải phục vụ trong tình thế ngặt nghèo. Có sự trợ giúp tuyệt trần, luôn không ngừng đổi mới , thế nhưng lại không được khai thác một cách rộng rãi trong việc thấu hiểu những động cơ của con người, được cung cấp trong thời đại của chúng ta bởi tiểu sử và tự truyện. Còn có nhật báo nữa, lịch sử ở thể thô sơ. Như vậy không còn bất cứ lý do nào để bị giới hạn trong quãng thời gian một phút của kinh nghiệm thật sự, thứ mà với chúng tôi vẫn còn quá hẹp, quá hạn chế. Dĩ nhiên đây chỉ là một bức tranh hiện tại, nhưng nó phải phục vụ ở mức đó. Vậy chính tiểu sử là thứ chúng tôi sẽ quay sang trước nhất, một cách nhanh chóng và ngắn gọn, để cố thấu hiểu chiến tranh có ý nghĩa gì đối với các ông. Chúng ta hãy trích dẫn vài câu từ một tiểu sử. Đầu tiên, đoạn này từ cuộc đời của một người lính:
Tôi đã có một cuộc sống khả dĩ là hạnh phúc nhất, và luôn làm việc cho chiến tranh, và hiện đang bước vào thời kỳ lớn lao nhất của một đời chiến sĩ… Tạ ơn Thượng đế, một giờ nữa chúng tôi xuất quân. Thật là một trung đoàn tuyệt phách! Những con người như thế, những con ngựa như thế! Trong vòng mười ngày, tôi hy vọng Francis và tôi sẽ phi ngựa cạnh nhau thẳng vào bọn Đức.IV
Ở đây, người viết tiểu sử bổ sung thêm:
Từ giờ đầu tiên anh ta đã cực kỳ hạnh phúc, vì anh ta đã tìm ra tiếng gọi thật sự của mình.
          Với nhận định đó, chúng ta hãy bổ sung thêm đoạn này từ cuộc đời của một phi công:
Chúng tôi nói về Hội Quốc Liên[4] và những viễn cảnh về hòa bình và giải trừ quân bị. Về chủ đề này ông ta tỏ ra có tính thượng võ hơn là quân phiệt. Sự khó khăn mà ông ta không thể tìm ra lời giải đáp cho nó là nếu đạt được hòa bình thường xuyên, và các quân đội cùng hải quân thôi tồn tại, sẽ không có lối thoát cho những phẩm chất đàn ông mà việc chiến đấu đã phát triển, và thể chất con người, tính cách con người đó sẽ trở nên sa đọa.V
          Ở đây, ngay lập tức, có ba nguyên do dẫn giới tính của các ông tới chỗ đánh nhau; chiến tranh là một nghề nghiệp; một nguồn hạnh phúc và phấn khích; và nó còn là lối thoát cho những phẩm chất đàn ông, mà nếu không có nó những người đàn ông sẽ trở nên tồi tệ. Nhưng việc những cảm giác và ý kiến này không hề có chút tính phổ quát nào đối với giới tính của các ông đã được chứng minh bởi đoạn trích sau từ một tiểu sử khác, cuộc đời của một thi sĩ đã bị giết trong cuộc chiến châu Âu. Wilfred Owen.
Tôi đã thấu hiểu một thứ ánh sáng sẽ không bao giờ ngấm vào tín điều của bất kỳ nhà thờ quốc gia nào: cụ thể, một trong những chỉ thị chủ yếu của Chúa Ky-tô là: Thụ động ở bất cứ giá nào! Hãy gánh chịu sự ô nhục và bị ghét bỏ, nhưng đừng bao giờ viện tới vũ khí. Bị ức hiếp, bị lăng nhục, bị giết chết; nhưng đừng giết chóc… Bạn thấy giáo lý Cơ đốc thuần túy sẽ không phù hợp với chủ nghĩa ái quốc thuần túy ra sao rồi đó.
          Và trong một số ghi chú đối với những bài thơ mà ông ta không còn sống để viết là những đoạn sau:
Sự phi tự nhiên của các thứ vũ khí… Sự phi nhân của chiến tranh… Tính chất không thể chịu nổi của chiến tranh… Sự tham lam kinh khủng của chiến tranh… Sự ngu xuẩn của chiến tranh…VI
          Từ những trích dẫn này. Rõ ràng là cùng một giới tính lại có những ý kiến rất khác nhau về cùng một thứ. Nhưng cũng rõ ràng, từ nhật báo ngày nay, rằng bất kể có nhiều người không tán thành quan điểm đa số đến mấy, đại đa số giới tính của ông ngày nay ủng hộ chiến tranh. Cả Hội thảo Scarborough của những người đàn ông trí thức lẫn Hội thảo Bournemouth của giới lao động đều nhất trí rằng việc sử dụng 300.000.000 bảng hàng năm là một sự cần thiết. Họ cho rằng Wilfred Owen đã sai lầm; rằng giết vẫn tốt hơn là bị giết. Thế nhưng vì tiểu sử cho thấy rằng có nhiều khác biệt về ý kiến, rõ ràng là hẳn phải có một lý do nào đó thắng thế để mang tới sự nhất trí hoàn toàn áp đảo này. Chúng ta sẽ gọi nó, vì tính khúc chiết, là “lòng yêu nước”? Vậy thì, tiếp đó chúng ta phải hỏi, phải chăng cái “lòng yêu nước” này dẫn các ông tới chiến tranh? Hãy để ngài Chánh án tối cao của nước Anh diễn dịch điều này cho chúng ta:
Người Anh tự hào về nước Anh. Với những người đã được đào tạo trong các trường trung học và đại học Anh, và những người đã kiếm sống ở nước Anh, ít có tình yêu nào mạnh mẽ hơn tình yêu chúng ta dành cho đất nước của chúng ta. Khi chúng ta xét tới những quốc gia khác, khi chúng ta phán xét những phẩm chất của chính sách của nước này hay nước nọ, chúng ta áp dụng chính chuẩn mực của đất nước mình… Tự do đã chọn nơi cư ngụ ở nước Anh. Nước Anh là quê hương của những thể chế dân chủ… Đúng là giữa chúng ta có nhiều kẻ thù của nền tự do – một số trong đó, có lẽ, ở những khu vực khá bất ngờ. Nhưng chúng ta đang đứng vững. Người ta đã bảo rằng nhà của một người Anh là tòa lâu đài của anh ta. Ngôi nhà của Tự do nằm ở nước Anh. Và nó thật sự là một tòa lâu đài – một tòa lâu đài sẽ được phòng vệ cho tới lúc cuối cùng… Vâng, chúng ta, những người Anh, thật rất đỗi hạnh phúc.VII
          Đó là một phát biểu chung khá rõ về ý nghĩa của lòng yêu nước đối với một người đàn ông trí thức và những bổn phận anh ta phải gánh vác. Nhưng còn cô em gái của người đàn ông trí thức – với cô ta, “lòng yêu nước” có nghĩa là gì? Cô ta có cùng những lý do để tự hào về nước Anh, để yêu mến nước Anh, để bảo vệ nước Anh hay không? Cô ta có “rất đỗi hạnh phúc” ở nước Anh hay không? Có vẻ như khi bị chất vấn, lịch sử và tiểu sử sẽ chỉ ra rằng địa vị của cô ta trong ngôi nhà của nền tự do khác với địa vị của “anh cô ta” và dường như tâm lý học sẽ gợi ý rằng lịch sử không phải không tác động lên tâm trí và cơ thể. Do đó, diễn dịch của cô ta về từ “lòng ái quốc” có thể rất khác với diễn dịch của anh ta. Và sự khác biệt đó có thể khiến cho cô ta cực kỳ khó khăn trong việc thấu hiểu định nghĩa của anh ta về lòng yêu nước và những bổn phận mà nó đưa tới. Nếu vậy, câu trả lời của chúng tôi cho câu hỏi của ông, “Theo ý bà chúng ta sẽ ngăn chận chiến tranh bằng cách nào?” tùy thuộc vào việc thấu hiểu các nguyên do, các cảm xúc, lòng trung thành đã dẫn những người đàn ông tới chỗ chiến tranh, và lá thư này tốt hơn nên bị xé ngang và vất vào sọt giấy vụn. Vì dường như rõ ràng là chúng ta không thể hiểu nhau do những khác biệt này. Dường như rõ ràng rằng chúng ta tư duy khác nhau là do chúng ta sinh ra khác nhau; có một quan điểm của Grenfell; một quan điểm của Knebworth; một quan điểm của Wilfred Owen; một quan điểm của ngài Chánh án tối cao và quan điểm của con gái một người đàn ông trí thức. Tất cả đều khác biệt. Nhưng có một quan điểm tuyệt đối hay không? Chúng ta có thể tìm được một phán xét đạo đức được viết ra đâu đó trong những lá thư của lửa hay vàng rằng “Điều này đúng. Điều này sai.” – một phán xét đạo đức mà bất kể các khác biệt của chúng ta có ra sao, tất cả chúng ta phải chấp nhận hay không? Vậy thì chúng ta hãy tham chiếu vấn đề về tính chất đúng hay sai của chiến tranh tới những những người  tạo ra đạo đức cho nghề nghiệp của họ – giới tăng lữ. Chắc chắn nếu chúng ta hỏi giới tăng lữ câu hỏi đơn giản: “Chiến tranh đúng hay sai?” họ sẽ đưa ra cho chúng ta một câu trả lời minh bạch mà chúng ta không thể chối bỏ. Nhưng không – Giáo hội của nước Anh, có thể được cho là có khả năng trừu tượng hóa câu hỏi từ những rối rắm trần tục của nó, cũng ngần ngừ lưỡng lự. Ông Giám mục thành London khăng khăng rằng “mối nguy thật sự đối với hòa bình thế giới ngày nay là những người theo chủ nghĩa hòa bình. Chiến tranh xấu là thế nhưng mất danh dự còn tệ hơn nhiều.”VIII Mặt khác, ông Giám mục thành BirminghamIX đã tự mô tả bản thân như là một “người theo chủ nghĩa hòa bình cực đoan… tôi không thể tự mình nhìn ra rằng chiến tranh có thể được xem là hòa hợp với tinh thần Cơ đốc.” Vậy là bản thân Giáo hội đã cho chúng ta một lời tư vấn nước đôi – trong một số hoàn cảnh chiến đấu là đúng; trong bất kỳ hoàn cảnh nào chiến đấu là đúng. Thực tế này thật đáng lo, gây trở ngại và làm người ta rối trí, nhưng phải được đối mặt; không hề có sự chắc chắn ở trời cao hay mặt đất. Thật sự càng đọc về nhiều cuộc đời, càng nghe nhiều phát biểu, càng tham khảo nhiều ý kiến, sự rối rắm càng trở nên lớn lao hơn và nó càng có vẻ ít khả năng hơn, vì chúng tôi không thể hiểu những thôi thúc, những động cơ, hay đạo đức dẫn các ông tới việc tham gia chiến tranh, để đưa ra bất kỳ đề xuất nào có thể giúp ông ngăn chận chiến tranh.
          Nhưng ngoài những bức tranh này về cuộc đời và tâm trí của những người khác – nhũng tiểu sử và lịch sử này – còn có những bức tranh khác – những bức tranh về các sự kiện thực tế; những tấm ảnh. Những tấm ảnh, tất nhiên, không phải là những lập luận hướng tới nguyên do; đơn giản chúng là những phát biểu về sự thật được đưa tới con mắt. Nhưng chính tính chất giản đơn đó có thể có đôi chút dụng ích. Chúng ta hãy xét xem khi nhìn vào cùng những tấm ảnh, chúng ta có cùng một cảm nhận hay chăng. Tại đây, trên mặt bàn trước mắt chúng ta có những tấm ảnh. Chính phủ Tây ban Nha đã gửi chúng tới với sự ngoan cố đầy nhẫn nại khoảng hai lần một tuần.[5] Chúng không phải là những tấm ảnh thú vị để nhìn. Đa số, chúng là ảnh chụp những thi thể. Bộ sưu tập sáng nay bao gồm ảnh của thứ có thể là thi thể của một người đàn ông hay một người phụ nữ; nó bị thương tổn đến mức có thể là, mặt khác, thi thể của một con lợn. Nhưng chắc chắn những tấm kia là lũ trẻ con đã chết, và tấm đó không còn ngờ gì là một phần của một ngôi nhà. Một quả bom đã phá tung một phía; vẫn còn một cái lồng chim treo trong cái có thể giả đoán là phòng khách, nhưng phần còn lại của ngôi nhà trông không khác gì một bó thẻ gỗ treo giữa không trung.
          Những tấm ảnh này không phải là một lập luận; đơn giản chúng là một phát biểu thô bạo về sự thật được gửi tới con mắt. Nhưng con mắt kết nối với bộ não; bộ não có hệ thần kinh. Hệ thống đó gửi những thông điệp của nó trong một chớp mắt qua mọi ký ức quá khứ và cảm giác hiện tại. Khi nhìn những tấm ảnh đó, trong lòng chúng ta như có gì đó chảy tan ra, bất chấp sự khác biệt về học vấn và các truyền thống giữa chúng ta, những tri giác của chúng ta giống như nhau; và chúng tàn bạo. Ông, chính ông, gọi chúng là “khủng khiếp và ghê tởm”. Chúng tôi cũng gọi chúng là khủng khiếp và ghê tởm. Và những từ giống nhau vọt lên môi chúng ta. Chiến tranh, ông nói, là một điều kinh tởm; một sự dã man; phải chăn chận chiến tranh ở bất cứ giá nào. Và chúng ta đồng thanh cất tiếng. Chiến tranh là một điều kinh tởm; một sự dã man; phải ngăn chận chiến tranh. Vì cuối cùng giờ đây chúng ta đang nhìn vào cùng một bức tranh; chúng tôi và ông đang nhìn thấy cùng những thi thể, cùng những ngôi nhà bị tàn phá.
          Vậy chúng ta hãy, trong giây lát, từ bỏ nỗ lực giải đáp câu hỏi của ông, chúng tôi có thể giúp ông ngăn chận chiến tranh như thế nào, bằng cách thảo luận về những nguyên do chính trị, yêu nước hay tâm lý đã đưa ông tới cuộc chiến. Cảm xúc quá xác thực để có thể chịu đựng sự phân tích nhẫn nại. Chúng ta hãy tập trung vào những đề xuất mang tính thực tế mà ông đã đặt ra cho chúng tôi cân nhắc. Có ba đề xuất. Trước tiên là ký một lá thư gửi cho những tờ báo; thứ hai là tham gia một hội đoàn cụ thể; thứ ba là đóng góp cho ngân quỹ của nó. Trên  bề mặt, không còn gì có thể đơn giản hơn thế. Viết nguệch ngoạc một cái tên trên một tờ giấy thật dễ dàng; tham gia một cuộc họp nơi những ý kiến yêu chuộng hòa bình ít nhiều  đã được lặp lại một cách cường điệu với những người đã sẵn lòng tin vào chúng; và viết một tấm chi phiếu để ủng hộ cho những ý kiến có thể chấp nhận một cách mơ hồ đó, dù không phải dễ, là một phương cách rẻ tiền để xoa dịu cái có thể gọi một cách thuận tiện là lương tâm của một người. Thế nhưng có những lý do khiến chúng tôi do dự; những lý do mà chúng tôi phải đi sâu hơn vào nó sau đây. Tới đây đã đủ để nói rằng dù ba phương thức mà ông đề xuất có vẻ hợp lý, thế nhưng cũng có vẻ như nếu chúng tôi làm theo những gì ông yêu cầu, cảm xúc gây ra bởi những tấm ảnh vẫn còn đó chẳng thể nguôi ngoai. Cảm xúc đó, chính cái cảm xúc xác thực đó, đòi hỏi một điều gì đó tích cực hơn là một cái tên viết trên một tờ giấy; một giờ lắng nghe những lời phát biểu; một tấm chi phiếu viết ra bất cứ khoản tiền nào chúng tôi có thể đáp ứng – cứ cho là một đồng ghi-nê. Dường như cần phải có một phương thức mạnh mẽ hơn, tích cực hơn  để thể hiện niềm tin của chúng tôi rằng chiến tranh là dã man, chiến tranh là phi nhân, rằng chiến tranh, như Wilfred đã nhận định, là không thể chịu nổi, khủng khiếp và đầy thú tính. Nhưng, gạt bỏ sự hoa mỹ sang bên, phương thức tích cực nào mở ra cho chúng tôi đây? Chúng ta hãy cân nhắc và so sánh. Ông, dĩ nhiên, có thể đã hơn một lần cầm vũ khí – ở Tây Ban Nha, như trước đó ở Pháp – để bảo vệ hòa bình. Nhưng có thể giả định đó là một phương thức mà sau khi thử ông đã khước từ. Ở bất cứ giá nào, phương thức đó không mở ra cho chúng tôi; cả lục quân và hải quân đều khép lại trước giới tính của chúng tôi. Chúng tôi không được phép chiến đấu. Chúng tôi cũng không được phép là thành viên của sàn chứng khoán. Như vậy chúng tôi không thể sử dụng áp lực của sức mạnh lẫn áp lực của đồng tiền. Những vũ khí ít trực tiếp hơn nhưng vẫn hữu hiệu mà các anh em trai của chúng tôi, với tư cách là những người trí thức, đoạt được trong hoạt động ngoại giao, trong nhà thờ, cũng chối bỏ chúng tôi. Chúng tôi không thể giảng đạo hay đàm phán những hòa ước. Vậy, một lần nữa, dù đúng là chúng tôi có thể viết những bài báo hay gửi những lá thư tới báo giới, sự kiểm soát của báo giới – quyết định in cái gì và không in cái gì – hoàn toàn nằm trong tay của giới tính các ông. Đúng là trong hai mươi năm qua chúng tôi đã được chấp nhận cho hành nghề công chức và hành nghề luật; nhưng vị thế của chúng tôi vẫn rất bấp bênh và thẩm quyền của chúng tôi ở mức thấp nhất. Như vậy tất cả những thứ vũ khí mà với chúng một người đàn ông trí thức có thể thực thi ý kiến của mình hoặc ngoài tầm tay hoặc gần như nằm ngoài tầm tay chúng tôi đến độ ngay cả khi chúng tôi sử dụng chúng, chúng tôi vẫn hầu như không thể tạo được một vết xước nào. Nếu những người đàn ông trong nghề của ông đoàn kết lại trong bất kỳ đòi hỏi nào và nói: “Nếu việc này không được cho phép, chúng tôi sẽ ngưng làm việc,” luật pháp nước Anh sẽ không còn ai điều hành nữa. Nếu những người phụ nữ trong nghề của ông nói giống hệt như vậy, việc đó không tạo nên bất kỳ khác biệt nào đối với luật pháp nước Anh. Chúng tôi không chỉ yếu hơn những người đàn ông thuộc giai tầng của chính chúng tôi một cách không tài nào so sánh được; chúng tôi còn yếu hơn những người phụ nữ thuộc giai cấp lao động. Nếu những phụ nữ đang lao động trong nước nói: “Nếu các anh tham gia chiến tranh, chúng tôi sẽ từ chối việc chế tạo đạn dược hay giúp sản xuất hàng hóa,” sự khó khăn trong thực hiện chiến tranh sẽ gia tăng nghiêm trọng. Nhưng nếu tất cả những cô con gái của những người đàn ông trí thức vất bỏ công cụ làm việc vào ngày mai, không có gì chủ yếu trong cuộc sống hoặc trong việc thực hiện chiến tranh của cộng đồng trở nên rối rắm. Giai cấp của chúng tôi là giai cấp yếu ớt nhất trong tất cả mọi giai cấp trong nước. Chúng tôi không có vũ khí nào để thực thi ý chí của chúng tôi.X
          Câu trả lời cho điều đó quen thuộc đến độ chúng ta có thể dễ dàng đoán ra. Con gái của những người đàn ông trí thức không có ảnh hưởng trực tiếp, điều đó đúng; nhưng họ có một sức mạnh lớn hơn hết; đó là tầm ảnh hưởng mà họ có thể tạo nên đối với những người đàn ông trí thức. Nếu điều này đúng, nghĩa là, nếu tầm ảnh hưởng vẫn là thứ vũ khí mạnh nhất của chúng tôi và là thứ vũ khí duy nhất có thể hữu hiệu trong việc giúp các ông ngăn chặn chiến tranh, chúng ta hãy, trước khi chúng tôi ký vào bản tuyên ngôn của các ông hay gia nhập đoàn thể của các ông, cân nhắc xem ảnh hưởng đó quan trọng tới mức nào. Rõ ràng nó không có tầm quan trọng lớn lao để xứng với một sự thâm cứu sâu sắc và kéo dài. Ảnh hưởng của chúng tôi không thể sâu sắc; nó cũng không thể kéo dài; nó phải nhanh chóng và không hoàn hảo – tuy nhiên chúng ta cứ cố thử xem sao.
          Vậy trong quá khứ chúng tôi đã có ảnh hưởng ra sao đối với nghề nghiệp nối kết gần nhất với chiến tranh – đối với chính trị? Một lần nữa, có nhiều vô số các tiểu sử vô giá trị, nhưng một nhà giả kim có thể rối trí khi trích ra từ khối đông cuộc đời của những nhà chính khách cái sức căng cụ thể đó, tầm ảnh hưởng của phụ nữ đối với họ. Phân tích của chúng tôi có thể khinh suất và nông cạn; tuy nhiên nếu chúng tôi thu hẹp yêu cầu vào những giới hạn có thể kiểm soát, và lược qua những cuốn hồi ức của một thế kỷ rưỡi, chúng tôi hầu như không thể từ chối rằng có những phụ nữ đã tác động tới chính trị. Nữ công tước xứ Devonshire, phu nhân Palmerston, Phu nhân Melbourne, Madame de Lieven, Phu nhân Holland, Phu nhân Ashburton nổi tiếng – lướt từ cái tên nổi tiếng này tới cái tên khác – tất cả, không ngờ gì nữa, đều có một tầm ảnh hưởng chính trị to lớn. Những ngôi nhà và những bữa tiệc nổi tiếng của họ đóng một vai trò lớn trong các cuốn hồi ức chính trị của thời đó đến độ chúng ta hầu như không thể chối bỏ rằng chính trị nước Anh, thậm chí có lẽ cả những cuộc chiến của Anh, hẳn sẽ khác đi nếu những ngôi nhà và những bữa tiệc đó chưa bao giờ tồn tại. Nhưng có một đặc điểm chung trong tất cả những cuốn hồi ức đó; tên của những lãnh tụ chính trị lớn – Pitt, Fox, Burke, Sheridan, Peel, Canning, Palmerston, Disraeli, Gladstone – nằm rải rác trên mọi trang; nhưng ông sẽ không tìm thấy dù là ở đầu cầu thang để đón tiếp quan khách hoặc trong những gian phòng riêng tư hơn của ngôi nhà, bất kỳ cô con gái nào của một người đàn ông trí thức.
Có thể là họ kém cỏi về vẻ duyên dáng, trí thông minh, tầng lớp hay trang phục. Dù nguyên do là gì đi nữa, ông có thể lật từ tờ này sang tờ khác, cuốn này sang cuốn khác, và dù ông sẽ tìm thấy những anh em trai và những ông chồng của họ – Sheridan ở tòa nhà Devonshire, Macaulay ở tòa nhà Holland, Mathew Arnold ở tòa nhà Lansdowne, Carlyle ở tòa nhà Bath, những cái tên của Jane Austen, Charlotte Brontë, và George Eliot không xuất hiện; và dù bà Carlyle có xuất hiện, dường như bà cũng tỏ ra cảm thấy không thoải mái.
Nhưng, như ông sẽ chỉ ra, con gái của những người đàn ông trí thức có một loại ảnh hưởng khác – một thứ ảnh hưởng độc lập với sự giàu có và địa vị, rượu vang, thực phẩm, quần áo và tất cả những thứ tiện nghi khác khiến cho những ngôi nhà lớn của các vị đại phu nhân trở nên quyến rũ. Thật sự, ở đây chúng ta đứng trên nền đất cứng, vì dĩ nhiên có một chính nghĩa chính trị mà con gái của những người đàn ông trí thức luôn để tâm tới trong suốt 150 năm qua: quyền bầu cử. Nhưng khi chúng ta xét tới việc họ đã mất bao lâu để giành thắng lợi cho chính nghĩa đó, và mất bao nhiêu công sức, chúng ta chỉ có thể kết luận rằng ảnh hưởng này phải kết hợp với sự giàu có để có thể trở nên một vũ khí chính trị hữu hiệu, và loại ảnh hưởng có thể được vận dụng bởi con gái của những người đàn ông trí thức này rất yếu về sức mạnh, rất chậm trong hành động, và rất đau khổ trong sử dụng.XI
Hẳn nhiên thành tựu chính trị to lớn này của con gái một người đàn ông trí thức bắt cô ta phải trả giá hơn một thế kỷ lao động kiệt sức như con ở; khiến cô ta lê bước trong những đám diễu hành, làm việc trong những văn phòng, phát biểu ở những góc phố; cuối cùng, vì đã sử dụng vũ lực, cô ta bị tống giam, và có khả năng vẫn còn bị giam ở đó, nếu sự tình không diễn ra rằng, khá là nghịch lý, sự trợ giúp cô trao cho những anh em trai của mình khi họ dùng vũ lực rốt cuộc đã cho cô ta cái quyền để tự gọi mình, nếu không phải là một đứa con ruột thì cũng là một đứa con ghẻ của nước Anh.XII
Như vậy, khi kiểm tra lại, dường như tầm ảnh hưởng này chỉ đạt được hiệu quả trọn vẹn khi kết hợp với địa vị, sự giàu có và những ngôi nhà lớn. Những kẻ có thế lực là con gái của những người quí tộc chứ không phải con gái của những người trí thức. Và ảnh hưởng đó là loại ảnh hưởng đã được mô tả bởi một thành viên xuất chúng trong nghề nghiệp của ông, Sir Ernerst Wild quá cố.
Ông khẳng định rằng ảnh hưởng lớn mà những người phụ nữ đã tạo nên đối với những người đàn ông đã là, và luôn phải là, một ảnh hưởng trực tiếp. Đàn ông thích nghĩ anh ta đang tự làm công việc của mình khi, trên thực tế, anh ta chỉ đang làm điều mà người đàn bà muốn, nhưng người đàn bà thông minh luôn để cho anh ta nghĩ rằng anh ta đang điều hành vở diễn trong khi không phải vậy. Bất cứ phụ nữ nào quan tâm tới chính trị đều có một quyền lực lớn hơn nếu không bầu cử so với bầu cử, vì cô ta có thể tác động tới nhiều cử tri. Cảm giác của ông là việc đưa phụ nữ xuống tầm mức của đàn ông là điều không đúng. Ổng ngẩng lên nhìn những người phụ nữ, và muốn tiếp tục làm như thế. Ông ước ao rằng thời đại của tinh thần mã thượng sẽ không trôi qua, vì mọi gã đàn ông có một người phụ nữ chăm sóc cho mình đều thích được tỏa sáng trong đôi mắt của nàng ta.XIII
Vân vân.
          Nếu đó là bản chất thật sự của tầm ảnh hưởng của chúng tôi, và tất cả chúng tôi đều công nhận sự mô tả đó và đã lưu tâm tới những hiệu quả, hoặc nó nằm ngoài tầm với của chúng tôi, vì nhiều người trong số chúng tôi đơn giản, nghèo và già; hoặc ở dưới mức sự khinh thị của chúng tôi, vì nhiều người trong số chúng tôi thích tự gọi mình một cách đơn giản là những cô gái điếm và đứng công khai dưới những ngọn đèn ở giao lộ Piccadilly Circus hơn là sử dụng nó. Nếu đó là bản chất thật sự, bản chất gián tiếp, của thứ vũ khí trứ danh này, chúng tôi phải hành động mà không có nó; bổ sung sự thúc đẩy nhỏ bé của chúng tôi vào những lực lượng đáng kể hơn của các ông, và trông cậy vào, như ông đề nghị, việc ký tên vào những lá thư, gia nhập đoàn thể và thỉnh thoảng rút ra một tấm chi phiếu eo hẹp. Những việc như thế dường như là kết luận không thể tránh khỏi, dù gây khó chịu, của cuộc điều tra đi sâu vào bản chất của tầm ảnh hưởng của chúng tôi, mà vì một nguyên do nào đó không bao giờ được giải thích một cách thỏa đáng; quyền bầu cử,XIV tự nó hoàn toàn không phải không đáng kể, đã được nối kết một cách bí ẩn với một quyền khác có giá trị lớn lao đối với con gái của những người đàn ông trí thức đến nỗi hầu như mỗi từ trong cuốn tự điển đều đã bị nó làm cho thay đổi, bao gồm từ “tầm ảnh hưởng”. Ông sẽ không nghĩ những lời này là cường điệu nếu chúng tôi giải thích rằng chúng ám chỉ tới quyền kiếm sống.
          Thưa ông, đó là cái quyền đã được trao cho chúng tôi hồi chưa đầy hai mươi năm trước, vào năm 1919, bởi một đạo luật bãi bỏ sự cấm đoán về nghề nghiệp. Cánh cửa của ngôi nhà riêng đã được mở toang. Trong mọi cái ví đều có, hoặc có thể có, một đồng sáu xu mới kẻng mà dưới ánh sáng của nó mọi ý nghĩ, mọi cảnh tượng, mọi hành động, đều trông có vẻ khác đi. Hai mươi năm, như diễn tiến thời gian, không phải là một quãng thời gian dài; một đồng sáu xu cũng không hề là một đồng xu rất quan trọng; chúng ta cũng chưa thể rút ra từ tiểu sử được cung cấp cho chúng ta một bức ảnh về cuộc sống và tâm hồn của những người chủ của đồng sáu xu mới. Nhưng có lẽ trong trí tưởng tượng, chúng ta có thể nhìn thấy con gái của người đàn ông trí thức, khi cô ta bước ra từ bóng râm của ngôi nhà riêng, và đứng trên chiếc cầu nằm giữa thế giới cũ và thế giới mới, và hỏi, trong lúc cô ta xoay tròn đồng xu thiêng liêng trong tay mình, “Tôi sẽ làm gì với nó? Tôi thấy gì với nó?” Qua ánh sáng đó chúng ta có thể đoán được mọi thứ cô ta nhìn trông khác hẳn đi – những người đàn ông và những người phụ nữ, những chiếc xe hơi và những giáo đường. Thậm chí cả mặt trăng, vốn đang sợ hãi vì thật ra nó và những miệng núi lửa đã bị bỏ quên, dường như đối với cô là một đồng sáu xu trắng, một đồng sáu xu trinh bạch, một bàn thờ mà trên đó cô ta nguyện thề không bao giờ đứng cùng phía với kẻ nô lệ, những kẻ ký kết, vì nó là của cô ta để làm những gì mà cô ta thích – đồng sáu xu thiêng liêng mà cô ta đã tự kiếm được với đôi tay của chính mình. Và nếu kiểm tra trí tưởng tượng với sự phán đoán thực tế tầm thường, ông phản đối rằng phụ thuộc vào một nghề nghiệp chỉ là một hình thức nô lệ khác, ông sẽ thừa nhận từ kinh nghiệm của riêng mình rằng phụ thuộc vào một nghề nghiệp là một hình thức nô lệ ít đáng ghét hơn phụ thuộc vào một ông bố. Hãy nhớ lại niềm vui mà với nó ông nhận đồng ghi-nê đầu tiên cho bản tóm lược hồ sơ đầu tiên của mình, và hơi thở sâu của sự tự do mà ông hít vào khi ông nhận ra rằng những ngày mình phụ thuộc vào Quỹ Giáo dục Arthur đã kết thúc. Từ đồng ghi-nê đó, như từ một trong những hòn bi mầu nhiệm mà lũ trẻ con đốt cháy và một cái cây mọc lên, tất cả những gì ông đánh giá cao nhất – vợ con, nhà cửa – và trên tất cả, tầm ảnh hưởng mà hiện giờ cho phép ông tác động tới những người đàn ông khác, đã xuất hiện. Tầm ảnh hưởng đó sẽ là gì nếu ông vẫn rút ra từ cái ví của gia đình 40 bảng mỗi năm, và bất kỳ sự bổ sung nào cho khoản thu nhập đó phụ thuộc thậm chí vào sự rộng lượng nhất của các ông bố? Nhưng không cần thiết phải bàn luận dông dài. Bất kể nguyên do là gì, dù là lòng tự hào, tình yêu tự do, hay sự căm ghét thói đạo đức giả, ông sẽ hiểu sự phấn khích mà với nó năm 1919 những người chị em gái của ông đã bắt đầu kiếm được không phải một đồng ghi-nê mà là một đồng sáu xu nhỏ nhoi, và sẽ không khinh rẻ niềm tự hào đó, hoặc không thừa nhận rằng nó đã được bố trí một cách công bằng, vì nó có nghĩa là họ không còn cần dùng tới tầm ảnh hưởng mà Sir Ernest Wild đã mô tả nữa.
Vậy là từ “tầm ảnh hưởng” đã đổi thay. Lúc này con gái của người đàn ông trí thức có quyền tùy nghi sử dụng một tầm ảnh hưởng khác với bất kỳ tầm ảnh hưởng nào cô ta đã có trước đó. Nó không phải là tầm ảnh hưởng mà quý cô vĩ đại, nàng Mỹ nhân ngư, đã sở hữu; nó cũng không phải là tầm ảnh hưởng mà cô con gái của người đàn ông trí thức sở hữu khi cô ta không có quyền bầu cử; nó cũng không phải là tầm ảnh hưởng mà cô ta sở hữu khi cô ta có quyền bầu cử nhưng bị ngăn cấm khỏi quyền kiếm sống. Nó khác, vì nó là tầm ảnh hưởng mà từ đó yếu tố quyến rũ đã bị loại bỏ; nó là một tầm ảnh hưởng mà từ đó yếu tố tiền bạc đã bị loại bỏ. Cô ta không còn cần dùng tới sự quyến rũ của mình để kiếm tiền từ cha mình hay anh mình. Vì nó nằm ngoài quyền lực trừng phạt về mặt tài chính của gia đình, cô ta có thể bày tỏ những ý kiến của mình. Thay vì những cảm xúc ngưỡng mộ và ác cảm thường bị sai khiến một cách vô thức bởi nhu cầu tiền bạc, cô ta có thể tuyên bố những thứ thích và không thích đích thực của mình. Nói tóm lại, cô ta không cần chấp nhận; cô ta có thể phê phán. Rốt cuộc cô ta đã sở hữu được một tầm ảnh hưởng bất vụ lợi.
Những điều như thế trong những nét phác thảo nhanh và thô sơ là bản chất của thứ vũ khí mới của chúng tôi, tầm ảnh hưởng mà lúc này con gái của người đàn ông trí thức có thể vận dụng để có thể kiếm sống. Câu hỏi sẽ được thảo luận kế tiếp, do đó, là cô ta có thể dùng thứ vũ khí mới để giúp ông ngăn chận chiến tranh như thế nào? Và hiển nhiên ngay lập tức rằng nếu không có sự khác biệt giữa những người đàn ông có thể kiếm sống nhờ các nghề nghiệp và những người phụ nữ kiếm sống, thì lá thư này có thể kết thúc; vì nếu quan điểm của chúng tôi cũng hệt như quan điểm của ông thì chúng tôi phải cộng sáu xu của chúng tôi vào đồng ghi-nê của ông; làm theo những phương thức của ông và lặp lại những lời lẽ của ông. Nhưng, dù là may hoặc không may, điều đó không đúng. Hai nhóm vẫn khác biệt một cách lớn lao. Và để chứng minh điều này, chúng tôi không cần phải viện tới những học thuyết nguy hiểm và không chắc chắn của những nhà tâm lý học và những nhà sinh học; chúng tôi có thể dựa vào những thực tế. Hãy chọn thực tế về giáo dục. Nhóm của ông đã được giáo dục ở những trường trung học tư thục và trường đại học trong năm hoặc sáu năm, chúng tôi trong suốt sáu mươi năm. Hãy chọn thực tế về tài sản.XV Nhóm của ông sở hữu do quyền làm chủ thực tế chứ không phải thông qua hôn nhân tất cả mọi vốn liếng, mọi đất đai, mọi thứ châu báu, và mọi quyền bổ nhiệm chức vụ ở nước Anh. Nhóm của chúng tôi sở hữu do quyền làm chủ thực tế chứ không phải thông qua hôn nhân không một vốn liếng nào, không mảnh đất nào, không thứ châu báu nào, không quyền bổ nhiệm nào ở nước Anh. Không nhà tâm lý học hay nhà sinh học nào không thừa nhận rằng những khác biệt đó tạo ra những khác biệt rất đáng kể trong tâm trí và cơ thể. Dường như theo sau điều này là một thực tế không thể tranh cãi rằng “chúng tôi” – “chúng tôi” với ý nghĩa một tổng thể được đào tạo và chịu ảnh hưởng một cách rất khác biệt bởi ký ức và truyền thống – vẫn phải khác biệt ở vài phương diện chủ yếu với “các ông”, những kẻ mà cơ thể, bộ não và tinh thần đã được đào tạo rất khác biệt và chịu ảnh hưởng rất khác biệt bởi ký ức và truyền thống. Dù chúng ta nhìn thấy cùng một thế giới, chúng ta nhìn thấy nó qua những đôi mắt khác nhau. Bất kỳ sự trợ giúp nào chúng tôi có thể trao cho các ông phải khác với sự trợ giúp các ông có thể trao cho chúng tôi, và có lẽ giá trị của sự trợ giúp đó nằm trong thực tế của sự khác biệt đó. Do vậy, trước khi chúng tôi đồng ý ký vào bản tuyên ngôn của các ông hay gia nhập  đoàn thể của các ông, có lẽ cũng nên khám phá xem những khác biệt nằm ở đâu, vì khi đó chúng tôi cũng có thể phát hiện ra sự trợ giúp nằm ở đâu. Vậy chúng ta hãy, thông qua một phương cách rất cơ bản, bắt đầu đặt trước mặt ông một bức ảnh – một bức ảnh màu thô kệch – về thế giới của ông theo cách nó xuất hiện trước chúng tôi, những kẻ nhìn thấy nó từ ngưỡng cửa của ngôi nhà riêng; xuyên qua bóng của tấm voan mà nhà thờ St Paul vẫn còn đặt trên mắt chúng tôi; từ chiếc cầu nối liền ngôi nhà riêng với thế giới của đời sống công cộng.
Thế giới của các ông, thế giới của tầng lớp chuyên nghiệp, của đời sống công cộng, chắc chắn trông rất lạ lùng khi nhìn từ góc độ này. Thoạt nhìn, nó cực kỳ gây ấn tượng. Chen chúc nhau trong một phạm vi không gian hoàn toàn nhỏ bé là Nhà thờ St Paul, Ngân hàng Anh, nhà của Thị trưởng London, những bức tường có lỗ châu mai đồ sộ buồn thảm của Tòa án Hoàng gia; và ở phía kia là tu viện Westminster và Tòa nhà Quốc hội. Chúng tôi tạm dừng, tự nhủ, trong khoảnh khắc chuyển tiếp trên chiếc cầu, cha anh của chúng tôi đã dành hết cuộc đời của họ ở đó. Suốt mấy trăm năm qua họ đã bước lên những bậc thềm đó, vào ra những cánh cửa đó, bước lên những cái bục đó, rao giảng, kiếm tiền, điều hành công lý. Ngôi nhà riêng (nói đại khái, ở đâu đó trong khu West End) đã thu nhận những tín điều, luật pháp, y phục và những tấm thảm, thịt bò và thịt cừu chính từ thế giới này. Và rồi, vì giờ đây đã được phép, chúng tôi thận trọng đẩy những cánh cửa xoay của những ngôi đền đó sang một bên, rón rén bước vào và tỉ mỉ khảo sát từng chi tiết của quan cảnh. Cảm giác đầu tiên về kích thước khổng lồ, về công trình xây dựng nguy nga tráng lệ vỡ tan thành vô số điểm kinh ngạc hòa lẫn với sự tra vấn. Ngay từ đầu, y phục của các ông đã khiến chúng tôi há hốc mồm kinh ngạc.XVI Chúng phong phú, tuyệt diệu, lộng lẫy cực kỳ – những bộ y phục được mặc bởi người đàn ông trí thức trong năng lực công cộng của ông ta! Khi thì ông mặc màu tím; một chiếc thánh giá nạm ngọc đong đưa trên ngực; khi thì đôi vai của ông bao phủ bởi những dải đăng ten; khi thì những chiếc áo khoác lông chồn; khi thì quàng lên những bộ dây chuyền với những viên đá quý kết nối với nhau. Khi thì các ông đội tóc giả trên đầu; những lọn tóc xoăn xòa xuống cổ. Mũ của các ông khi thì mang hình con thuyền, hay có vành bẻ hất lên; khi thì chúng vươn cao trong những hình chóp bằng da thú đen; khi thì chúng làm bằng đồng thau và có hình dáng con thoi; bao phủ lên chúng khi thì những chiếc lông chim đỏ, khi thì những túm lông xanh. Đôi khi những cái áo choàng che phủ đôi chân của các ông, đôi khi là đôi ghệt. Những chiếc áo khoác ngắn đính huy hiệu thêu hình sư tử và kỳ lân rủ xuống từ vai các ông; những vật thể kim loại hình ngôi sao hay nằm trong những vòng tròn lấp la lấp lánh trên ngực các ông. Những dải ruy băng đủ màu đủ sắc – xanh dương, tím đỏ, đỏ tươi – cắt chéo từ bờ vai này sang bờ vai kia. Sau sự giản dị tương đối của y phục trong nhà của các ông, sự lộng lẫy của y phục công cộng của các ông thật là chói lọi.
Nhưng còn có hai thực tế khác dần dà tự hé lộ bản thân chúng khi mắt của chúng tôi đã hồi phục lại sau cơn kinh ngạc đầu tiên. Trang phục toàn thân của những người đàn ông không chỉ giống nhau vào mùa hè và mùa đông – một đặc điểm lạ lùng đối với một giới tính vốn thay đổi y phục của nó theo mùa, vì những nguyên do về sở thích và sự thoải mái riêng tư – mà dường như từng cái cúc áo, từng cái nơ hoa hồng và phù hiệu đều có một ý nghĩa biểu tượng nào đó. Một số chỉ được quyền có những chiếc cúc áo đơn giản; số khác những cái nơ hoa hồng; một số có thể đeo một cái phù hiệu duy nhất; số khác ba, bốn, năm hoặc sáu. Và mỗi lọn tóc xoăn hay mỗi cái huy hiệu được may cách nhau một khoảng chính xác; nó có thể là một in-sơ đối với người này; một in-sơ và một phần tư đối với người khác. Một lần nữa các quy tắc quy định rằng dây vàng phải ở trên vai áo, dải viền trên quần, phù hiệu mũ ở trên mũ – nhưng không đôi mắt duy nhất nào có thể quan sát được tất cả những khác biệt này, đừng nói tới chuyện giải thích chúng một cách chính xác.
Tuy nhiên, còn lạ lùng hơn cả sự lộng lẫy mang tính biểu tượng ở y phục của các ông là những nghi thức diễn ra khi các ông mặc chúng. Ở đây các ông quỳ gối; ở kia các ông cúi chào; ở đây các ông đi trong đám diễu hành sau một người đàn ông cầm một chiếc que bạc; ở đây các ông ngồi lên một cái ghế chạm trổ; ở đây các ông tỏ ra tôn kính một mảnh gỗ sơn; ở đây các ông tự hạ mình trước những cái bàn che phủ bởi những tấm thảm thêu công phu. Và bất kể những nghi thức đó có nghĩa là gì, các ông luôn cùng nhau thực hiện chúng, luôn đi đều bước, luôn trong bộ đồng phục xứng hợp với con người và sự kiện.
Ngoài những nghi thức, những thứ y phục trang trí như thế là cực kỳ lạ lùng đối với chúng tôi ở thoáng nhìn đầu tiên. Đối với y phục, như cách chúng tôi sử dụng nó, thì tương đối giản dị. Ngoài chức năng cơ bản là che phủ cơ thể, nó có hai chức năng khác – đó là nó tạo ra vẻ đẹp cho con mắt, và nó thu hút sự ngưỡng mộ của giới tính các ông. Vì cho tới năm 1919 – cách nay chưa đầy hai mươi năm – hôn nhân là nghề nghiệp duy nhất mở ra đối với chúng tôi, tầm quan trọng lớn lao của y phục đối với một người phụ nữ hầu như không thể cường điệu lên thêm được. Nó đối với cô ta cũng như các thân chủ đối với các ông – y phục là phương pháp chính của cô ta, có lẽ chỉ của cô ta, để trở thành Đại pháp quan. Nhưng y phục của các ông, với sự chuẩn bị công phu ghê gớm, hiển nhiên là có một chức năng khác. Nó không chỉ che phủ tình trạng trần truồng, thỏa mãn tính phù phiếm, và tạo lạc thú cho con mắt, mà còn phục vụ để quảng bá vị trí xã hội, nghề nghiệp hay trình độ tri thức của người mặc. Nếu ông thứ lỗi cho sự minh họa khiêm tốn, y phục của các ông thực hiện cùng một chức năng với những tấm nhãn ghi giá hàng hóa trong một cửa hiệu tạp hóa. Nhưng, ở đây, thay vì nói “Đây là bơ thực vật; đây là bơ đơn thuần; đây là loại bơ tốt nhất trong chợ,” nó nói, ‘Người đàn ông này là một người thông minh – ông ta là Bậc thầy các môn nghệ thuật; người đàn ông này là người thông minh nhất – ông ta là Thành viên của nhóm Order of Merit.[6]” Dường như đối với chúng tôi, chức năng này – chức năng quảng cáo – của y phục của các ông là nổi bật nhất. Theo quan điểm của nhà thờ St Paul, sự quảng cáo như thế, ở bất kỳ mức độ nào, đối với chúng tôi cũng đều không thích đáng và khiếm nhã; cho tới chỉ vài năm trước đây chúng tôi vẫn khước từ không sử dụng nó. Và truyền thống, hay niềm tin đó vẫn còn tồn tại lây lất trong số chúng tôi, rằng việc thể hiện giá trị ở bất cứ dạng nào, dù là về tri thức hay đạo đức, bằng cách đeo hay mặc những mẩu kim loại hay ruy băng, những chiếc áo  trùm đầu hay áo choàng màu mè, là một sự thô tục xứng đáng với sự nhạo báng mà chúng tôi dành cho những nghi thức man rợ. Một người phụ nữ quảng cáo cương vị làm mẹ của mình bằng một túm lông ngựa trên vai trái thì rất hiếm khi, ông sẽ đồng ý, là một đối tượng khả kính.
Nhưng sự khác biệt giữa chúng ta ở đây gieo thứ ánh sáng nào lên vấn đề đặt ra trước mặt chúng ta? Có mối liên kết nào giữa những thứ y phục lộng lẫy của người đàn ông học thức và bức ảnh chụp những ngôi nhà đổ nát và những thi thể? Rõ ràng mối liên kết giữa y phục và chiến tranh không quá xa để tìm kiếm; những thứ quần áo đẹp nhất của các ông là những thứ y phục các ông mặc với tư cách những người lính. Vì đỏ và vàng, đồng thau và lông chim bị loại bỏ trong quân ngũ, đơn giản là người ta có thể giả sử rằng dù chúng có đắt tiền hay không, sự lộng lẫy hợp vệ sinh được phát minh một phần là để gây ấn tượng cho người chứng kiến với vẻ uy nghiêm của chức vụ quân sự, một phần là để thông qua sự phù phiếm của nó quyến dụ những người đàn ông trẻ trở thành những người lính. Như vậy, ở đây ảnh hưởng và sự khác biệt của chúng ta có thể có một hiệu quả nào đó; chúng tôi, những kẻ bị cấm đoán mặc những thứ y phục đó, có thể bày tỏ ý kiến rằng đối với chúng tôi, người mặc không phải là một cảnh tượng làm hài lòng hay tạo ấn tượng. Trái lại anh ta là một hình ảnh lố bịch, man rợ, gây khó chịu. Nhưng với tư cách con gái của những người đàn ông trí thức chúng tôi có thể sử dụng ảnh hưởng của mình một cách hiệu quả hơn ở một chiều hướng khác, đối với chính giai tầng của chúng tôi – giai tầng của những người đàn ông trí thức. Vì ở đó, trong các tòa án và các trường đại học, chúng tôi tìm thấy cùng một tình yêu về y phục. Ở đó, cũng có nhung và lụa, áo da và lông chồn. Chúng tôi có thể nói rằng việc những người đàn ông trí thức nhấn mạnh tính ưu việt của mình đối với những kẻ khác, dù là về xuất thân hay tri thức, bằng cách ăn mặc một cách khác biệt, hoặc thêm những tước vị vào phía trước hay những mẫu tự vào phía sau tên họ của mình là những hành động khơi gợi sự cạnh tranh và lòng ganh ghét – những cảm xúc, mà chắc chắn là chúng tôi không cần rút ra từ tiểu sử để chứng minh, cũng không cần phải yêu cầu tâm lý học chỉ ra, có phần chia của chúng trong việc khuyến khích một thiên hướng đối với chiến tranh. Vậy nếu chúng tôi bày tỏ quan điểm rằng sự những phân biệt như thế khiến cho những người sở hữu chúng trở nên lố bịch và đáng khinh, chúng tôi phải làm một điều gì đó, một cách gián tiếp, để ngăn trở những cảm giác dẫn tới chiến tranh. Hạnh phúc thay, giờ đây chúng tôi có thể hành động chứ không phải chỉ bày tỏ một ý kiến; chúng tôi có thể khước từ tất cả những phân biệt như thế và tất cả những bộ đồng phục như thế dành cho chúng tôi. Đây sẽ là một đóng góp tuy không đáng kể nhưng xác định đối với vấn đề trước mặt chúng ta – làm thế nào để ngăn cản chiến tranh; và là một đóng góp mà một sự đào tạo khác và một truyền thống khác đặt vào tầm với của chúng tôi dễ dàng hơn là vào tầm với của các ông.XVII
Nhưng tầm nhìn từ trên cao của chúng tôi tới bên ngoài các sự vật không hoàn toàn đáng khích lệ. Bức ảnh màu mà chúng ta đã nhìn thấy đưa ra một số điểm đáng chú ý, điều đó đúng; nhưng nó giúp nhắc nhở cho chúng tôi rằng có nhiều căn phòng bí mật bên trong mà chúng tôi không thể bước vào. Chúng tôi có thể mang tới ảnh hưởng thực sự nào để tác động đến luật pháp hay hoạt động kinh doanh, tôn giáo hay chính trị – chúng tôi, những kẻ mà với họ nhiều cánh cửa vẫn còn khóa kín, hay cùng lắm chỉ hé mở, chúng tôi, những kẻ không có cả tư bản lẫn lực lượng ở phía sau lưng mình? Có vẻ như tầm ảnh hưởng của chúng tôi phải chựng lại ngay ở bề mặt. Khi bày tỏ một quan điểm chỉ nằm trên bề mặt, chúng tôi đã thực hiện tất cả những gì chúng tôi có thể. Đúng là bề mặt đó có thể có một nối kết nào đó với những độ sâu, nhưng nếu muốn giúp các ông ngăn ngừa chiến tranh, chúng tôi phải cố thâm nhập sâu hơn vào bên dưới lớp da. Vậy chúng ta hãy nhìn sang một hướng khác – sang một hướng có tính chất tự nhiên đối với con gái của những người đàn ông trí thức, sang hướng của chính bản thân nền giáo dục.
Ở đây, may thay, một năm, cái năm 1919 thiêng liêng, đã đến để trợ giúp chúng tôi. Vì cái năm đó đã trao quyền kiếm sống cho con gái của những người đàn ông trí thức, cuối cùng họ cũng đã có một ảnh hưởng thật sự nào đó đối với nền giáo dục. Họ có tiền. Họ có tiền để quyên góp cho những chính nghĩa. Những vị thủ quỹ danh dự cầu khẩn sự giúp đỡ của họ. Để chứng minh điều này một cách đúng lúc, ở đây, ngay kế bên lá thư của ông, là một lá thư từ một vị thủ quỹ như thế yêu cầu quyên góp tiền để xây dựng lại một trường cao đẳng dành cho nữ giới. Và khi các vị thủ quỹ danh dự kêu gọi sự giúp sức, có khả năng là người ta có thể mặc cả với họ. Chúng tôi có quyền nói với bà ta, “Bà sẽ có chỉ một đồng ghi-nê của chúng tôi để giúp bà xây dựng lại trường của bà nếu bà chịu giúp quý ông này, người mà lá thư của ông ta cũng đang nằm trước mặt chúng tôi, ngăn cản chiến tranh.” Chúng tôi có thể nói với bà ta, “Bà phải giáo dục để giới trẻ căm ghét chiến tranh. Bà phải giáo dục để họ cảm nhận được sự phi nhân, sự thú tính, tính chất không thể chịu đựng nổi của chiến tranh.” Nhưng chúng tôi sẽ mặc cả cho loại hình giáo dục nào đây? Loại giáo dục nào sẽ dạy cho giới trẻ biết căm ghét chiến tranh?
Đó là một câu hỏi mà tự thân nó đã đủ khó khăn; và dường như cũng có khả năng không thể giải đáp bởi những kẻ đặt niềm tin vào Mary Kingsley – những kẻ mà tự thân họ không có một kinh nghiệm trực tiếp về nền giáo dục đại học. Thế nhưng vai trò của giáo dục trong cuộc sống của con người rất quan trọng, và vai trò mà nó có thể giữ trong việc trả lời câu hỏi của ông lớn lao đến độ việc thu nhỏ lại bất kỳ nỗ lực nào để nhìn thấy làm thế nào chúng tôi có thể tác động tới giới trẻ thông qua giáo dục để chống lại chiến tranh có thể là sự hèn nhát. Do vậy chúng ta hãy quay lưng khỏi vị trí của chúng ta trên chiếc cầu bắc qua sông Thames để đi tới một chiếc cầu khác bắc qua một con sông khác, lần này là một trong những trường đại học lớn; vì cả hai đều có những dòng sông, và cả hai đều có những chiếc cầu để chúng ta đứng bên trên. Một lần nữa, trông nó lạ lùng làm sao, cái thế giới này của những mái vòm và chóp nhọn, của những giảng đường và phòng thí nghiệm, từ cao điểm của chúng ta! Với chúng tôi, trông nó khác biệt biết bao với dáng vẻ mà nó phải có đối với các ông! Đối với những kẻ nhìn thấy nó từ góc độ của Mary Kingsley – “được phép học tiếng Đức là tất cả nền giáo dục phải trả tiền mà tôi từng có” – nó cũng có thể có vẻ như một thế giới xa xôi, ghê gớm, rối rắm trong những nghi thức và truyền thống của nó đến nỗi bất kỳ sự chỉ trích hay phê phán nào cũng dường như vô hiệu quả. Tại đây, cũng vậy, chúng tôi kinh ngạc với y phục rực rỡ của các ông; tại đây, cũng vậy, chúng tôi quan sát những người cầm gậy chỉ huy vươn thẳng thân hình của họ và những đám diễu hành hình thành, và ghi nhận với những đôi mắt ngạc nhiên để ghi chép lại những khác biệt, chưa nói đến việc lý giải chúng, những khác biệt tinh tế của những cái mũ và những chiếc áo thụng, của những sắc tím và sắc đỏ, của nhung và vải, của mũ miện áo choàng. Đó là một cảnh tượng trang nghiêm. Những ca từ trong bài ca của Arthur trong quyển Pendennis vọt lên môi chúng tôi:
Dù tôi không bước vào
Nhưng vòng quanh chỗ đó
Đôi khi tôi lảng vảng
Ở cánh cổng thiêng liêng.
Với đôi mắt khát khao
Tôi đợi chờ, kỳ vọng
Và thêm một lần nữa
Tôi vẫn không vào đó
Kẻo sẽ làm nhuốc nhơ 
Lời nguyện cầu thanh khiết (của bạn)
Với những ý nghĩ phóng túng.
Nhưng tôi đau khổ cất bước
Quanh nơi chốn cấm vào
Nấn ná lại một phút
Như những linh hồn lang thang,
Những kẻ chờ đợi
Và qua cổng Thiên đường
Thấy các thiên sứ bên trong.
Nhưng, vì cả ông, thưa ông, lẫn vị thủ quỹ danh dự của ngân quỹ tái xây dựng trường cao đẳng đều đang đợi những câu trả lời cho thư của quý vị, chúng tôi phải thôi la cà trên những chiếc cầu cũ kỹ, ngâm nga những bài hát cũ; chúng tôi phải cố gắng giải quyết câu hỏi về giáo dục, cho dù không hoàn hảo đến đâu.
Vậy thì, “Nền giáo dục đại học” – mà chị em của Mary Kingsley đã nghe nói nhiều về nó và đã đóng góp cho nó một cách rất khó khăn – này là gì? Tiến trình bí ẩn mất tới khoảng ba năm để hoàn thành và tốn một khoản tiền mặt lớn, và biến những con người non nớt, thô thiển thành sản phẩm hoàn thiện – một người đàn ông hoặc phụ nữ trí thức –  này là gì? Ngay từ đầu, không thể có ngờ vực nào về giá trị tối cao của nó. Bằng chứng của tiểu sử – loại bằng chứng mà bất kỳ một ai có thể đọc tiếng Anh có thể tham khảo trên các kệ sách của bất kỳ thư viện công cộng nào đều đồng ý về điểm này; giá trị của giáo dục nằm trong số những giá trị lớn nhất của con người. Tiểu sử chứng minh điều này theo hai cách. Thứ nhất, có một thực tế là đại đa số đàn ông, những kẻ từng cai trị nước Anh trong suốt 500 năm qua, và những kẻ hiện đang điều hành nước Anh trong Quốc hội và các cơ quan chính phủ, đã nhận được một nền giáo dục đại học. Thứ hai, có một thực tế thậm chí còn ấn tượng hơn nếu ông xét tới những lao khổ, những thiếu thốn mà nó bao hàm – và về điều này, cũng có dư bằng chứng trong tiểu sử – thực tế về khoản tiền to lớn đã chi tiêu cho giáo dục trong 500 năm qua. Thu nhập của trường Đại học Oxford là 435.656 bảng (1933-4), thu nhập của trường Đại học Cambridge là 212.000 bảng (1930). Ngoài tổng thu nhập của trường đại học, mỗi trường cao đẳng còn có thu nhập riêng của nó, mà, chỉ xét từ những món quà và di sản để lại theo chúc thư từ thời này sang thời khác đã nêu trong báo, trong vài trường hợp phải ở một tỷ lệ khó tin.XVIII Nếu chúng ta cộng thêm những thu nhập có được ở các trường tư thục lớn – Eton, Harrow, Winchester, Rugby, chỉ kể tới những trường lớn nhất – chúng ta đạt tới một khoản tiền lớn đến độ không thể ngờ vực gì về giá trị lớn lao mà con người đặt vào giáo dục. Và việc nghiên cứu tiểu sử – cuộc đời của những người nghèo khổ, những kẻ vô danh tiểu tốt, những người thất học – chứng tỏ rằng họ sẽ thực hiện bất kỳ nỗ lực nào, bất kỳ sự hy sinh nào để có được một nền giáo dục ở một trong những trường đại học.XIX
Nhưng có lẽ sự chứng thực lớn nhất cho giá trị của giáo dục mà tiểu sử cung cấp cho chúng ta là thực tế rằng các chị em gái của những người đàn ông trí thức không chỉ có những hy sinh về sự tiện nghi và lạc thú, vốn cần thiết để giáo dục anh em của họ, mà chính bản thân họ cũng thật sự khao khát được giáo dục. Khi chúng ta xét tới quy định của Giáo hội về vấn đề này, một quy định mà chúng ta biết từ tiểu sử rằng chỉ mới có hiệu lực cách đây vài năm –  “…người ta nói với tôi rằng khát khao học hỏi ở những người phụ nữ là chống lại ý Chúa…”XX – chúng ta phải công nhận rằng niềm khao khát của họ hẳn là rất mãnh liệt. Và nếu chúng ta suy ngẫm rằng tất cả những nghề nghiệp chuyên môn mà một nền giáo dục đại học đã điều chỉnh cho phù hợp với những anh em trai của cô ta cũng gần gũi với cô ta, niềm tin của cô ta vào giá trị của giáo dục phải tỏ ra mãnh liệt hơn, vì cô ta phải tin vào bản thân nền giáo dục. Và nếu chúng ta ngẫm nghĩ xa hơn rằng chính thứ nghề nghiệp mở ra với họ – hôn nhân – đã được duy trì để không cần tới học vấn và thật sự có cái bản chất khiến học vấn không được điều chỉnh cho phù hợp để những người phụ nữ có thể thực hành nó, vậy không có gì phải ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng cô ta đã từ bỏ bất kỳ ước muốn hay nỗ lực nào để được đào tạo học vấn, nhưng tự mãn nguyện với việc cung cấp học vấn cho các anh em trai của cô ta; với đại đa số những phụ nữ, những kẻ vô danh, những kẻ nghèo khổ: bằng cách cắt giảm các chi tiêu trong nhà; với thiểu số những phụ nữ, những kẻ có tước vị, những kẻ giàu có: bằng cách thành lập trường đại học hoặc trợ cấp học phí cho những người đàn ông. Họ đã thật sự làm điều này. Nhưng niềm khao khát đối với học vấn có tính chất bẩm sinh trong bản chất con người đến mức bạn sẽ phát hiện ra, nếu bạn tham khảo tiểu sử, rằng niềm khao khát đó cũng tồn tại trong số những người phụ nữ, bất chấp mọi ngăn trở mà truyền thống, sự nghèo khó và sự nhạo báng có thể đặt ra trên con đường của nó. Để chứng minh điều này, chúng ta hãy kiểm chứng một cuộc đời duy nhất – cuộc đời của Mary Astell.XXI Người ta không biết gì nhiều về bà, nhưng đủ để chỉ ra rằng gần 250 năm trước niềm khao khát ngoan cố và có lẽ phi tín ngưỡng này đã hiện hữu trong bà; bà đã thật sự đề nghị thành lập một trường cao đẳng cho phụ nữ. Điều cũng đáng chú ý không kém là Công chúa Anne đã sẵn sàng tặng cho bà 10.000 bảng – một khoản tiền rất lớn vào thời bấy giờ, và, thật sự, ngay cả hiện nay, đối với bất kỳ người phụ nữ nào, để tùy nghi sử dụng – để thanh toán các khoản chi phí. Và rồi – lúc này chúng ta gặp một thực tế cực kỳ đáng chú ý, cả về mặt lịch sử và về mặt tâm lý học: Giáo hội đã can thiệp. Giám mục Burnet có ý kiến rằng giáo dục những người chị em của những người đàn ông trí thức sẽ là sự cổ vũ cho nhánh giáo phái đi chệch đường lối của niềm tin Ky-tô giáo, nghĩa là nhánh Công giáo La Mã. Số tiền đó được chi cho chuyện khác; ngôi trường không bao giờ được thành lập.
Nhưng các thực tế này, như các thực tế thường vẫn vậy, chứng tỏ là có tính chất hai mặt; vì dù chúng xác lập giá trị của giáo dục, chúng cũng chứng minh rằng giáo dục không hề là một giá trị tích cực chút nào; nó không tốt trong tất cả mọi hoàn cảnh, và không tốt cho tất cả mọi người; nó chỉ tốt đối với một số người và đối với một số mục đích. Nó tốt nếu nó sản sinh ra một niềm tin vào Giáo hội Anh; xấu nếu nó sản sinh ra một niềm tin vào Giáo hội La Mã; nó tốt đối với một giới tính và một số ngành nghề, nhưng tệ hại đối với giới tính kia và một ngành nghề khác.
Chí ít đó dường như là câu trả lời của tiểu sử – lời sấm truyền không câm lặng, nhưng khá đáng ngờ. Tuy nhiên, vì việc chúng tôi phải sử dụng tầm ảnh hưởng của mình thông qua giáo dục để tác động giới trẻ chống lại chiến tranh có một tầm quan trọng lớn lao, chúng tôi không được để cho những sự lãng tránh của tiểu sử ngăn cản hay bị quyến rũ bởi sức mê hoặc của nó. Chúng tôi phải cố nhìn ra đâu là loại giáo dục mà hiện nay em gái của một người đàn ông trí thức nhận được, để có thể cố hết sức vận dụng tầm ảnh hưởng của chúng tôi trong các trường cao đẳng, nơi đích xác nó thuộc về, và nơi nó sẽ có nhiều cơ hội nhất để thâm nhập vào bên dưới lớp da. Hạnh phúc thay, hiện giờ chúng ta không còn cần phải phụ thuộc vào tiểu sử nữa, điều này là không thể tránh khỏi, vì nó liên quan tới cuộc sống riêng tư, đầy dẫy vô số xung đột về quan điểm riêng. Hiện giờ chúng tôi phải tự giúp mình ghi chép lại đời sống công cộng, vốn là lịch sử. Ngay cả những kẻ ngoại cuộc cũng có thể tham khảo những quyển biên niên sử về các nhân vật của công chúng mà trong đó ghi chép lại không phải những ý kiến hàng ngày của những cá nhân riêng lẻ, mà sử dụng một giọng nói lớn hơn và chuyên chở qua các phát ngôn của những Quốc hội và những Thượng viện những ý kiến đã cân nhắc về các nhóm đàn ông trí thức.
Ngay lập tức, lịch sử thông báo với chúng tôi rằng hiện giờ, và từ khoảng năm 1870, có những trường cao đẳng dành cho chị em của những người đàn ông trí thức cả ở Oxford lẫn Cambridge. Nhưng lịch sử cũng thông báo với chúng tôi những thực tế của  một bản chất về các trường cao đẳng đó, rằng mọi nỗ lực để tác động giới trẻ chống lại chiến tranh thông qua sự giáo dục mà họ tiếp nhận ở đó phải bị từ bỏ. Đứng trước chúng,  việc nói về “sự tác động tới giới trẻ” chỉ tổ lãng phí thời gian và hơi sức; việc nêu ra những thuật ngữ chỉ tổ vô ích, trước khi cho phép vị thủ quỹ danh dự có được đồng ghi-nê của bà ta; tốt hơn nên đón chuyến tàu đầu tiên tới London thay vì la cà ở những cánh cổng thiêng liêng. Nhưng, ông sẽ ngắt lời, những thực tế này là gì? Vì vậy hãy để chúng tôi đặt chúng ra trước mặt ông, xin cảnh báo ông rằng chúng chỉ được thu thập từ những ghi chép sẵn có cho một kẻ ngoại cuộc và từ những biên niên sử của trường đại học không phải là trường của chính ông – Cambridge. Phán xét của ông, do đó, sẽ không bị bóp méo bởi lòng trung thành đối với những mối ràng buộc cũ, hay lòng biết ơn vì những lợi ích đã nhận được, mà nó sẽ vô tư và bất vụ lợi.
Vậy hãy bắt đầu từ chỗ chúng ta đã rời khỏi: Nữ hoàng Anne đã chết, Giám mục Burnet đã chết và Mary Astell cũng đã chết; nhưng niềm khát khao của bà, thành lập một trường cao đẳng cho chính giới tính của mình, thì không chết. Thật ra, nó ngày càng trở nên mãnh liệt hơn. Tới giữa thế kỷ mười chín nó trở nên mạnh mẽ đến độ một ngôi nhà ở Cambridge đã bị lấy làm nơi ở cho các sinh viên. Đó không phải là một ngôi nhà đẹp; nó là một ngôi nhà không có vườn cây, ở giữa một đường phố ồn ào. Rồi tới ngôi nhà thứ hai bị lấy, lần này là một ngôi nhà tốt hơn, dù thật ra nước chảy ào ào qua phòng khách trong thời tiết mưa bão và không có sân chơi. Nhưng ngôi nhà đó không đủ; niềm khao khát đối với học vấn khẩn thiết đến nỗi cần phải có thêm nhiều phòng, một khu vườn để tản bộ, một sân chơi để chơi đùa. Do đó cần phải có một ngôi nhà khác. Lúc này lịch sử báo cho chúng ta biết rằng để xây dựng ngôi nhà này cần có tiền. Ông sẽ không thắc mắc về thực tế này nhưng có thể ông sẽ thắc mắc về thực tế tiếp theo – rằng số tiền đó đã được cho mượn. Với ông dường như có khả năng số tiền đó được hiến tặng nhiều hơn. Các trường cao đẳng khác, ông sẽ nói, đều giàu; tất cả đều thu được các khoản thu một cách gián tiếp, một số thì trực tiếp, từ các chị em của họ. Có bài tụng ca của Gray để chứng minh điều này. Và ông sẽ trích dẫn bài ca mà với nó ông ta đã ca ngợi những nhà hảo tâm: Nữ Bá tước hạt Pembroke, người đã sáng lập trường Pembroke; Nữ Bá tước xứ Clare, người đã sáng lập trường Clare; Margaret xứ Anjou, người đã sáng lập trường Queen’s; Nữ Bá tước xứ Richmon và Derby, người đã sáng lập trường St John’s và Christ’s.
Sự vĩ đại là gì, sức mạnh là gì?
Công việc nặng nhọc hơn, đau khổ cao hơn
Chúng ta đạt được phần thưởng rạng ngời nào?
Ký ức biết ơn của người tốt
Hơi thở ngọt ngào của cơn mưa xuân
Con ong hút chất mật ngọt quý báu
Âm nhạc ngọt ngào đang tan loãng, thế nhưng càng ngọt ngào hơn
Giọng nói bé nhỏ lặng lẽ của lòng biết ơn.XXII
Đây, ông sẽ nói với bằng giọng đều đều tỉnh táo, là một cơ hội để trả lại món nợ. Vì người ta đã cần tới khoản tiền nào? Một khoản tiền nhỏ xíu 10.000 bảng – chính số tiền mà vị giám mục đã ngăn chặn hồi khoảng hai thế kỷ trước. Chắc chắn là số tiền 10.000 bảng đó đã bị nôn ra bởi Giáo hội, vốn đã nuốt chửng nó? Nhưng các nhà thờ không dễ nôn ra những gì họ đã nuốt vào. Vậy thì các trường cao đẳng, ông sẽ nói, những nơi đã được trợ giúp, họ phải vui mừng cho nó đi để tưởng nhớ những nhà nữ hảo tâm cao quý của họ chứ? Số tiền 10.000 bảng thì có nghĩa lý gì với trường St John’s, trường Clare hay trường Christ’s? Và mảnh đất thuộc về trường St John’s. Nhưng mảnh đất, lịch sử bảo, đã được cho thuê; và số tiền 10.000 bảng không được hiến tặng; nó được gom góp một cách cần cù từ những cái ví riêng. Trong số đó, người ta phải nhớ mãi tới một quý bà vì bà đã hiến tặng 1.000 bảng; và kẻ ẩn danh phải nhận bất cứ lời cảm ơn nào mà kẻ ẩn danh sẽ hài lòng nhận lấy, vì bà đã tặng những khoản tiền từ 20 bảng cho đến 100 bảng. Và một quý bà khác có khả năng, nhờ khoản thừa kế từ mẹ mình, hiến tặng sự phục vụ của mình với tư cách một cô giáo không hưởng lương. Và bản thân các sinh viên cũng đã quyên góp – trong chừng mực khả năng của họ – bằng cách đóng những cái giường và rửa bát đĩa, bằng cách từ bỏ những thú vui và sống với thức ăn đơn giản. Mười ngàn bảng không hề là một số tiền nhỏ xíu khi nó phải được gom góp từ những cái ví của người nghèo, từ những đoàn thể thanh niên. Cần có thời gian, năng lượng, những bộ não, để gom góp nó, và sự hy sinh để hiến tặng nó. Tất nhiên, nhiều người đàn ông trí thức rất tốt bụng; họ giảng dạy cho chị em của họ; một số khác không tốt đến thế; họ từ chối không chịu dạy cho chị em của họ. Một số đàn ông trí thức rất tốt bụng và cổ vũ chị em của họ; một số không tốt đến thế, họ khiến cho chị em của họ nản lòng.XXIII Dù sao đi nữa, bằng đủ mọi cách, rốt cuộc ngày đó đã tới, lịch sử nói với chúng ta, khi một ai đó đã thi đậu. Và rồi những cô giáo, những vị hiệu trưởng hay bất cứ thứ gì họ tự gọi mình – vì cái danh hiệu nên được mang bởi một người phụ nữ vốn sẽ không nhận tiền lương phải là một nghi vấn – đã hỏi những vị hiệu trưởng danh dự và những thầy giáo mà danh hiệu của họ không cần phải đặt vấn đề nghi vấn, rằng ở bất cứ giá nào với điểm số đó, các cô gái đã thi đậu có thể công khai thông báo sự kiện đó, như những quý ông đã làm, bằng cách đặt những mẫu tự sau tên họ của mình hay không. Điều này đáng được làm, bởi lẽ, như giảng viên hiện tại của trường Trinity, Sir J.J. Thomson, O.M.[7], F.R.S[8], sau khi chế giễu tí chút một cách chính đáng “sự phù phiếm có thể bỏ qua” của những người đặt các mẫu tự sau tên của họ, thông báo với chúng tôi, “công chúng, những kẻ không tự mình đạt được một bằng cấp gắn một tầm quan trọng lớn hơn nhiều vào mẫu tự B.A. sau tên của một cá nhân so với những người có bằng cấp. Do đó, các cô hiệu trưởng của các trường thích một ban giảng huấn có các mẫu tự theo sau họ tên hơn, khiến cho các sinh viên của trường Newnham và Girton, vì họ không thể đặt mẫu tự B.A sau tên mình, gặp bất lợi trong các đợt bổ nhiệm.” Và trong số các khả năng, cả hai chúng ta có thể hỏi, có thể có nguyên do có thể nhận thức nào ở đó để ngăn cản không cho họ đặt chữ B.A sau tên của mình nếu nó giúp cho họ được bổ nhiệm hay không? Với câu hỏi đó, lịch sử không cung cấp một lời giải đáp nào; chúng ta phải tìm kiếm nó trong tâm lý học; nhưng lịch sử cung cấp cho chúng ta một thực tế. “Tuy nhiên, đề xuất đó,” vị giảng viên của trường Trinity nói tiếp – đề xuất đó, tức là, việc những người đã thi đậu có thể tự gọi mình là B.A. – “đã gặp phải sự chống đối cực kỳ dứt khoát… Vào ngày bỏ phiếu, có một đám rất đông những sinh viên ngoại trú và đề xuất đã bị loại bỏ do tỷ số bỏ phiếu áp đảo 1707/661. Tôi tin là con số những người bỏ phiếu không bao giờ ngang nhau… Hành vi của một số người trong số những sinh viên sau đại học sau khi cuộc bỏ phiếu được thông báo trong Văn phòng Trung tâm là cực kỳ tệ hại và đáng hổ thẹn. Một nhóm lớn trong số họ đã rời khỏi Văn phòng Trung tâm, tiến về trường Newnham và phá hoại những cánh cổng bằng đồng đã được dựng lên để tưởng niệm Cô Clough, vị hiệu trưởng đầu tiên.”XXIV
Điều đó đã đủ chưa? Chúng tôi có cần thu thập thêm các sự thật từ lịch sử và tiểu sử để chứng minh cho phát biểu của chúng tôi rằng mọi nỗ lực để tác động giới trẻ chống lại chiến tranh thông qua nền giáo dục mà họ nhận được ở các trường đại học phải bị từ bỏ? Bởi không phải chúng đã chứng minh rằng giáo dục, nền giáo dục tốt đẹp nhất trên thế giới, không dạy mọi người căm ghét vũ lực, mà dạy cách sử dụng nó hay sao? Không phải chúng đã chứng minh rằng giáo dục, thay vì dạy dỗ sự bao dung và lòng cao thượng, trái lại khiến cho họ rất nôn nóng duy trì những thứ mà họ chiếm hữu, rằng “sự vĩ đại và sức mạnh” mà nhà thơ đã nói, đang nằm trong tay họ, rằng họ sẽ sử dụng không phải vũ lực mà những phương pháp tinh tế hơn vũ lực nhiều khi họ được yêu cầu chia sẻ chúng hay sao? Và không phải vũ lực và sự chiếm hữu liên kết rất gần gũi với chiến tranh hay sao? Vậy thì một nền giáo dục đại học có dụng ích gì trong việc tác động tới mọi người để ngăn ngừa chiến tranh? Nhưng dĩ nhiên lịch sử vẫn tiếp tục; năm này nối tiếp năm kia. Những năm tháng thay đổi mọi điều; chúng thay đổi mọi sự một cách nhẹ nhàng nhưng không thể nhận thấy. Và lịch sử nói cho chúng ta biết rằng cuối cùng, sau khi tiêu phí thời gian và sức mạnh mà giá trị của chúng là bất khả đo lường cho việc khẩn nài lặp đi lặp lại giới có thẩm quyền với sự khiêm tốn được kỳ vọng ở giới tính của chúng tôi và sự thích đáng đối với những kẻ ban phát, cái quyền để tạo ấn tượng cho những cô hiệu trưởng bằng cách đặt các mẫu tự B.A. sau tên mình đã được ban tặng. Nhưng quyền lợi đó, như lịch sử nói với chúng ta, chỉ là một quyền lợi trên danh nghĩa. Ở Cambridge, năm 1937, các trường nữ – ông sẽ gần như không tin nổi, thưa ông, nhưng một lần nữa tiếng nói của sự thật đang nói, chứ không phải của sự hư cấu – các trường dành cho phụ nữ không được phép là thành viên của trường đại học;XXV và số lượng con gái của những người đàn ông trí thức được phép tiếp nhận một nền giáo dục đại học vẫn còn bị giới hạn nghiêm ngặt; dù cả hai giới tính đều đóng góp cho các ngân quỹ của trường.XXVI Còn về sự nghèo khổ, tờ Times cung cấp cho chúng ta những con số; bất kỳ người buôn đồ sắt nào cũng sẽ cung cấp cho chúng ta một cây thước đo foot; nếu chúng ta đo số tiền sẵn có cho các học bổng ở các trường nam với số tiền sẵn có cho các chị em của họ ở các trường nữ, chúng ta sẽ tránh cho mình mối phiền toái của việc cộng thêm; và đi tới kết luận rằng các trường trung học cho chị em của những người đàn ông trí thức nghèo nàn một cách đáng xấu hổ và không thể tin nổi so với các trường của những anh em trai của họ.XXVII
Chứng cứ của thực tế cuối cùng này đến một cách kịp thời trong lá thư của vị thủ quỹ danh dự; đang yêu cầu tiền để xây dựng lại trường của bà ta. Bà ta đã yêu cầu trong một thời gian; và có vẻ như bà ta vẫn tiếp tục yêu cầu. Nhưng, sau những gì đã nói bên trên, không có gì khiến chúng ta phải cảm thấy khó hiểu, cả ở thực tế rằng bà ta nghèo, lẫn ở thực tế rằng trường của bà ta cần được xây dựng lại. Điều gây khó hiểu, và vẫn đang trở nên ngày càng khó hiểu, khi xét tới những thực tế đưa ra bên trên, là điều này: Chúng tôi nên trả lời bà ta thế nào đây khi bà ta yêu cầu chúng tôi giúp bà ta xây dựng lại trường của mình? Lịch sử, tiểu sử, và nhật báo nằm giữa chúng khiến cho việc trả lời những lá thư của bà ta hay đưa ra những điều kiện đều trở nên khó khăn. Vì chúng đã đặt ra nhiều câu hỏi giữa chúng. Đầu tiên, có lý do gì để nghĩ rằng một nền giáo dục đại học khiến cho người được đào tạo chống lại chiến tranh? Một lần nữa, nếu chúng tôi giúp con gái của một người đàn ông học thức vào học ở Cambridge, chúng tôi có ép buộc cô ta phải nghĩ về chiến tranh chứ không phải về giáo dục hay chăng? – không phải  việc cô ta có thể học tập thế nào, mà là việc cô ta có thể chiến đấu thế nào để có thể có được những thuận lợi như các anh em của mình? Ngoài ra, vì con gái của những người đàn ông trí thức không phải là thành viên của trường đại học Cambridge, họ không có tiếng nói gì trong nền giáo dục đó, thế nên làm sao họ có thể thay đổi nền giáo dục đó ngay cả khi chúng tôi yêu cầu họ làm điều đó? Và khi ấy, dĩ nhiên, các câu hỏi khác nảy sinh – các câu hỏi về một bản chất thực tế, vốn dễ hiểu đối với một người đàn ông bận rộn, một vị thủ quỹ danh dự, như chính bản thân ông, thưa ông. Ông sẽ là người đầu tiên đồng ý rằng yêu cầu những người vốn đang cực kỳ mê mãi với việc kêu gọi các quỹ đóng góp để xây dựng lại một trường trung học phải xem xét bản chất của nền giáo dục và tác động nào nó có thể có đối với chiến tranh là chất thêm một bó rơm khác lên một cái lưng đã vác một gánh nặng quá sức. Thêm nữa, từ một người ngoại cuộc, kẻ không có quyền lên tiếng, một yêu cầu như thế có thể xứng đáng với, và có lẽ cũng nhận được, một câu trả lời thuyết phục đến độ không thể trích dẫn ra. Nhưng chúng tôi đã nguyện thề rằng chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để giúp các ông ngăn ngừa chiến tranh bằng cách sử dụng tầm ảnh hưởng của chúng tôi – tầm ảnh hưởng của tiền bạc kiếm được của chúng tôi. Và giáo dục là một phương thức hiển nhiên. Vì bà ta nghèo, vì bà ta đang yêu cầu tiền, và vì kẻ hiến tặng tiền được quyền đưa ra những điều kiện, chúng tôi cứ thử đánh liều thảo một lá thư cho bà ta, đặt ra những điều kiện mà theo đó bà ta sẽ nhận được tiền của chúng tôi để giúp xây dựng lại trường của bà ta. Sau đây là một cố gắng như vậy:
“Thưa bà, thư của bà đã chờ đợi một thời gian mà chưa có hồi âm. Nhưng có những hoài nghi và câu hỏi đã nảy sinh. Chúng tôi có thể đặt ra với bà, một cách dốt nát như một kẻ ngoại cuộc phải thế, nhưng thẳng thắn như một kẻ ngoại cuộc nên xử sự khi được đề nghị đóng góp tiền, hay không? Bà bảo rằng bà đang yêu cầu 10.000 bảng để xây dựng lại trường của mình. Nhưng làm sao bà có thể ngốc nghếch như thế? Hay phải chăng bà đang sống quá ẩn dật giữa những con chim họa mi và những rặng liễu, hoặc quá bận bịu với những vấn đề sâu sắc về áo choàng mũ miện, và việc con vật nào đầu tiên bước vào phòng khách của Hiệu trưởng – con chó púc của Thầy giáo hay con chó pomeran của Cô giáo – đến độ bà không còn thì giờ để đọc những tờ nhật báo? Hay bà bị quấy rầy với vấn đề kêu gọi một cách nhã nhặn số tiền 100.000 bảng từ một công chúng thờ ơ đến độ bà chỉ có thể nghĩ tới những lời thỉnh nguyện và những ủy ban, những cửa hàng phúc thiện và nước đá, dâu tây và kem?
“Chúng tôi xin thông báo với bà: chúng tôi đang chi tiêu ba trăm triệu bảng mỗi năm cho lục quân và hải quân; bởi, theo một lá thư đang nằm sát cạnh lá thư của bà, đang có một nguy cơ chiến tranh nghiêm trọng. Vậy làm sao bà có thể nghiêm túc yêu cầu chúng tôi cung cấp tiền để bà xây dựng lại trường học của mình? Nếu bà trả lời rằng ngôi trường đã được xây dựng với quá ít tiền, và cần được xây dựng lại, điều đó có thể đúng. Nhưng khi bà tiếp tục nói rằng công chúng rất hào phóng, và rằng công chúng vẫn còn có khả năng cung cấp những khoản tiền lớn để xây dựng lại các trường cao đẳng, chúng tôi xin hướng sự chú ý của bà tới một đoạn quan trọng trong Hồi ký của Giáo sư trường Trinity. Nó như thế này: “Tuy nhiên, may thay, ngay sau đầu thế kỷ này trường đại học bắt đầu liên tiếp nhận được những khoản di sản theo chúc thư và những khoản quyên góp hậu hĩ, và những khoản này, được bổ sung thêm bởi một khoản trợ cấp hào phóng từ Chính phủ, đã đưa tài chính của trường đại học lên một vị trí tốt đến mức hoàn toàn không cần phải yêu cầu bất kỳ một mức gia tăng nào trong sự đóng góp từ các trường cao đẳng. Thu nhập của trường đại học từ tất cả các nguồn đã tăng từ khoảng 60.000 bảng năm 1900 lên 212.000 bảng năm 1930. Không hề là một giả đoán điên rồ khi cho rằng điều này, ở một mức độ lớn, là nhờ những khám phá quan trọng và rất thú vị đã được thực hiện ở trường đại học, và trường Cambridge có thể được trích dẫn như là một ví dụ cho những kết quả thực tế vốn xuất phát từ Công tác nghiên cứu vì chính bản thân nó.”
“Hãy xem xét câu cuối đó. “Trường Cambridge có thể được trích dẫn như là một ví dụ cho những kết quả thực tế vốn xuất phát từ Công tác nghiên cứu vì chính bản thân nó.” Trường của bà đã làm gì để khuyến khích những nhà sản xuất lớn trợ cấp cho nó? Bà có giữ một vai trò lãnh đạo trong việc phát minh ra những công cụ chiến tranh hay không? Sinh viên của bà đã thành công tới mức nào trong kinh doanh với tư cách những nhà tư bản? Vậy làm sao bà có thể mong đợi “những khoản di sản theo chúc thư và những khoản quyên góp hào phóng” xuất hiện trên con đường của bà? Xin hỏi lại, bà có phải là một thành viên của Đại học Cambridge hay không? Bà không phải. Vậy làm sao bà có thể yêu cầu một cách chính đáng bất kỳ sự phân phối nào của họ? Bà không thể. Do đó, thưa bà, rõ ràng là bà phải đứng ở cửa, mũ trong tay, tổ chức những bữa tiệc, tiêu tốn sức lực và thời gian của mình trong việc nài xin những khoản đóng góp. Điều đó rất rõ ràng. Nhưng cũng rõ ràng là những kẻ ngoại cuộc, đã phát hiện ra bà bận bịu như thế, phải tự hỏi, khi họ nhận được một yêu cầu đóng góp cho việc xây dựng lại trường học của bà, Mình có nên gửi nó đi hay không? Nếu mình gửi nó đi, mình sẽ yêu cầu họ làm điều gì với nó? Mình có nên yêu cầu họ xây dựng lại trường trên những ranh giới cũ? Hay mình nên yêu cầu họ xây dựng lại nó theo cách khác? Hoặc mình có nên yêu cầu họ mua giẻ rách và xăng và diêm quẹt của hãng Bryant & May’s rồi thiêu rụi ngôi trường hay không?
“Chính những câu hỏi này, thưa bà, đã khiến cho lá thư của bà không được hồi âm lâu đến thế. Chúng là những câu hỏi rất khó giải đáp và có lẽ là những câu hỏi vô ích. Nhưng chúng tôi có thể mặc cho chúng không được giải đáp khi xét tới những câu hỏi của quý ông này được không? Ông ta đang hỏi chúng tôi có thể giúp ông ta ngăn ngừa chiến tranh bằng cách nào? Ông ta đang hỏi chúng tôi có thể làm gì để bảo vệ nền tự do; để bảo vệ nền văn hóa? Cũng nên xét tới những bức ảnh này nữa: chúng là những bức ảnh chụp những thi thể và những ngôi nhà đổ nát. Chắc chắn khi xét tới những câu hỏi và những bức ảnh này bà phải cân nhắc thật thận trọng trước khi bắt đầu xây dựng lại trường học của mình rằng mục đích của giáo dục là gì, nó nên tìm cách sản sinh ra loại xã hội nào, loại con người nào. Ở bất cứ giá nào, tôi sẽ chỉ gửi cho bà một đồng ghi-nê để giúp xây dựng lại trường học của bà nếu bà có thể đáp ứng với tôi rằng bà sẽ dùng nó để tạo ra loại xã hội, loại con người mà sẽ giúp ngăn ngừa chiến tranh.
“Vậy chúng ta hãy cố thảo luận hết sức nhanh về loại giáo dục cần thiết. Lúc này, vì lịch sử và tiểu sử – chứng cứ duy nhất sẵn có đối với một kẻ ngoại cuộc – dường như chứng minh rằng nền giáo dục cũ của những trường cao đẳng cũ đã không sản sinh ra một sự tôn trọng đặc biệt đối với tự do lẫn một sự căm ghét đặc biệt đối với chiến tranh, rõ ràng là bà phải xây dựng lại trường của mình một cách khác hẳn. Nó còn trẻ và nghèo; do đó hãy để cho nó tận dụng những phẩm chất đó và được xây dựng trên nền tảng nghèo khó và trẻ trung. Khi đó, hiển nhiên nó phải là một ngôi trường mang tính thể nghiệm, một ngôi trường có tính mạo hiểm. Hãy xây dựng nó trên những ranh giới của chính nó. Nó phải được xây dựng không bằng đá chạm và kính màu, mà bằng một chất liệu rẻ tiền, dễ cháy nào đó, không tích tụ bụi và xâm phạm các truyền thống. Không có những nhà nguyện.XXVIII Không có những viện bảo tàng và những thư viện với những cuốn sách bị buộc chặt và những xuất bản phẩm đợt đầu tiên nằm dưới những hòm thủy tinh. Hãy để cho những bức tranh và những cuốn sách được mới mẻ và luôn thay đổi. Hãy  để cho nó được trang trí lại bởi mỗi thế hệ với chính đôi tay của mình một cách ít tốn kém. Công lao động của người đang sống thì ít tốn kém; thông thường họ sẽ cho nó vì được phép thực hiện nó. Kế tiếp, những gì nên được dạy ở ngôi trường mới, ngôi trường nghèo nàn? Không phải là những nghệ thuật thống trị người khác; cũng không phải các nghệ thuật về cai trị, giết chóc, chiếm hữu đất đai và tư bản. Chúng đòi hỏi quá nhiều tổng chi phí; các khoản tiền lương, đồng phục và các nghi lễ. Ngôi trường nghèo này phải dạy duy nhất những nghệ thuật có thể được dạy một cách ít tốn kém và được thực hành bởi những người nghèo; chẳng hạn y học, toán học, âm nhạc, hội họa và văn học. Nó phải dạy những nghệ thuật về giao tiếp giữa con người; nghệ thuật thấu hiểu cuộc sống và tâm hồn của những người khác, và những nghệ thuật nhỏ về cách chuyện trò, ăn mặc, nấu nướng vốn có mối liên kết với chúng. Mục đích của ngôi trường mới, ngôi trường rẻ tiền này, không nên hướng tới sự cô lập và chuyên biệt hóa, mà hướng tới sự kết hợp. Nó phải khai thác những phương cách mà trong đó tâm trí và cơ thể có thể được tạo ra để hợp tác; phát hiện ra những cách kết hợp mới mẻ để tạo nên toàn điều tốt đẹp trong đời sống con người. Các thầy cô nên được rút ra từ những người sống có đạo đức cũng như từ những người có tư tưởng tốt. Sẽ không có khó khăn gì trong việc thu hút họ. Vì sẽ không có một rào chắn nào của sự giàu có và nghi thức, của sự quảng cáo và cạnh tranh mà hiện đang biến những trường đại học già nua và giàu có trở thành những nơi ngụ cư khó chịu – những thành phố của sự xung đột, những thành phố nơi thứ này bị nhốt chặt, thứ kia bị trói buộc; nơi không một ai có thể bước đi một cách tự do vì nỗi e sợ sẽ vượt quá một vạch phấn đánh dấu nào đó, sẽ làm mất lòng một kẻ quyền cao chức trọng nào đó. Nhưng nếu ngôi trường nghèo, nó sẽ không có gì để đưa ra; sự cạnh tranh sẽ bị thủ tiêu. Cuộc sống sẽ cởi mở và dễ chịu. Mọi người yêu thích việc học tập vì chính bản thân nó sẽ vui mừng được tới đó. Những nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn, sẽ dạy ở đó, vì họ sẽ học. Đối với một nhà văn, còn có sự trợ giúp nào lớn hơn là được thảo luận về nghệ thuật viết văn với những người đang suy nghĩ không phải về những cuộc thi hay những bằng cấp hay danh dự hay quyền lợi nào họ có thể buộc văn học trao cho họ mà chỉ về chính bản thân nghệ thuật đó?
“Và các nghệ thuật và nghệ nhân khác cũng thế. Họ sẽ tới ngôi trường nghèo và thực hành những nghệ thuật của họ vì nó sẽ là một địa điểm nơi xã hội được tự do; không bị phân chia thành những sự phân biệt khốn khổ giữa giàu và nghèo, giữa thông minh và ngu ngốc; mà là nơi tất cả những mức độ và loại lợi ích về trí tuệ, cơ thể và tâm hồn khác nhau kết hợp lại. Vậy chúng ta hãy thành lập ngôi trường mới này; ngôi trường nghèo này; trong đó người ta tìm kiếm sự học tập vì chính bản thân nó; nơi sự quảng cáo bị thủ tiêu; và không có bằng cấp nào cả; và những bài giảng không được đưa ra, những bài thuyết giáo không được rao giảng, và những thói phù phiếm, những sự phô trương xưa cũ đã bị nhiễm độc vốn sản sinh ra sự cạnh tranh và lòng ganh ghét…”
Lá thư ngưng ở đó. Không phải vì thiếu chuyện để nói; thật ra đoạn kết chỉ vừa mới bắt đầu. Đó là vì mặt sau của tờ giấy – cái mặt mà người viết thư luôn luôn nhìn thấy – có vẻ như bị ấn định với một nỗi buồn cụ thể, dựa theo một đoạn văn trong cuốn sách mà từ đó sự trích dẫn đã được thực hiện. “Do đó, các cô hiệu trưởng của các trường thích một ban giảng huấn có các mẫu tự theo sau họ tên hơn, khiến cho các sinh viên của trường Newnham và Girton, vì họ không thể đặt mẫu tự B.A. sau tên mình, gặp bất lợi trong các đợt bổ nhiệm.” Vị thủ quỹ danh dự của Quỹ tái xây dựng trường học đã dán mắt mình vào câu đó. Dường như bà ta đang nói: “Đâu là ích lợi của việc suy nghĩ làm thế nào để một ngôi trường có thể khác biệt, khi nó phải là một địa  điểm nơi các học sinh được giáo dục và giành được sự bổ nhiệm?” “Cứ mơ giấc mơ của bà,” dường như bà ta nói thêm, quay với vẻ khá mệt mỏi về phía cái bàn nơi bà ta đang chuẩn bị cho một lễ hội nào đó, có lẽ là một cửa hàng phúc thiện, “nhưng chúng tôi phải đối mặt với những thực tế.”
Vậy đó là “thực tế’ mà đôi mắt bà ta dán vào; học sinh phải được dạy cách kiếm sống. Và vì thực tế đó có nghĩa là bà ta phải xây dựng lại ngôi trường của mình trên cùng những ranh giới như các ngôi trường khác, nó kéo theo rằng ngôi trường của con gái của những người đàn ông học thức cũng phải thực hiện Nghiên cứu sẽ sản sinh ra những kết quả thực tế mà từ đó mang tới những khoản di sản theo thừa kế và những khoản quyên góp từ những người giàu có; nó phải cổ vũ cho sự cạnh tranh; nó phải chấp nhận những bằng cấp và những chiếc áo choàng nhiều màu sắc; nó phải tích lũy sự giàu có lớn; nó phải loại trừ những kẻ khác khỏi một phần chia sự giàu có của nó; và do đó, trong khoảng 500 năm, cả ngôi trường đó cũng phải hỏi cùng câu hỏi mà ông, đang hỏi hiện giờ, thưa ông: “Theo ý bà thì làm thế nào để ngăn chận chiến tranh?”
Đó dường như là một kết quả không đáng ao ước; vậy thì tại sao phải đóng góp một đồng ghinê để chuốc lấy nó? Ở bất kỳ giá nào, câu hỏi đó đã được trả lời. Không một đồng ghi-nê kiếm được nào nên được đóng góp cho việc xây dựng lại ngôi trường dựa trên kế hoạch cũ; cũng chắc chắn là không một đồng ghi-nê nào có thể được chi cho việc xây dựng một ngôi trường dựa trên một kế hoạch mới; do đó đồng ghi-nê này nên được đánh dấu riêng: “Giẻ rách. Xăng. Diêm quẹt.” Và nên đính kèm với nó chú thích này: “Hãy nhận đồng ghi-nê này và với nó hãy thiêu rụi ngôi trường. Đốt sạch những hành động đạo đức giả cũ kỹ. Để cho ánh sáng của tòa nhà đang cháy làm cho lũ chim họa mi hoảng sợ và nhuộm hồng những cây liễu. Và hãy để cho con gái của những người đàn ông học thức nhảy múa quanh ánh lửa và chất hết ôm lá chết này tới ôm lá chết khác lên ngọn lửa. Và hãy để cho mẹ của họ nghiêng người từ những cửa sổ tầng trên và kêu lên ‘Cứ để nó cháy bùng! Cứ để nó cháy bùng! Vì chúng tôi đã xong việc với “nền giáo dục” này!’”
Đoạn văn đó, thưa ông, không hề khoa trương trống rỗng, vì nó dựa trên ý kiến đáng tôn trọng của cựu hiệu trưởng trường Eton, hiện là Khoa trưởng ở trường đại học Durham.XXIX Tuy nhiên, có gì đó chưa xác thực lắm ở đoạn văn này, vì nó được chỉ ra bởi sự xung đột với thực tế của một khoảnh khắc. Chúng tôi đã nói rằng tầm ảnh hưởng duy nhất mà con gái của những người đàn ông học thức hiện tại có thể vận dụng để chống lại chiến tranh là tầm ảnh hưởng bất vụ lợi mà họ thủ đắc thông qua việc kiếm sống của mình. Nếu không có phương tiện đào tạo nào cho họ để họ kiếm sống, tầm ảnh hưởng đó sẽ kết thúc. Họ không thể giành được những sự bổ nhiệm. Nếu họ không giành được sự bổ nhiệm, họ sẽ một lần nữa phụ thuộc vào cha và anh em của họ; và nếu một lần nữa họ phụ thuộc vào cha và anh em của họ, họ sẽ một lần nữa, một cách ý thức và vô ý thức, ủng hộ cho chiến tranh. Có vẻ như lịch sử sẽ đặt điều đó ra khỏi vòng nghi vấn. Do đó chúng tôi phải gửi một đồng ghi-nê cho vị thủ quỹ danh dự của quỹ tái xây dựng trường học, và để mặc cho bà ta làm điều có thể làm với nó. Việc kèm theo những điều kiện cũng vô ích như cách thức mà trong đó đồng ghi-nê đó được sử dụng.
Vậy những thực tế đó là câu trả lời khá khập khiễng và gây thất vọng cho câu hỏi của chúng tôi rằng chúng tôi có thể yêu cầu giới thẩm quyền của các trường trung học cho con gái của những người đàn ông trí thức sử dụng tầm ảnh hưởng của họ thông qua giáo dục để ngăn ngừa chiến tranh hay không. Có vẻ như chúng tôi không thể yêu cầu họ làm bất cứ điều gì; họ phải đi theo con đường cũ tới kết thúc cũ; ảnh hưởng của chúng tôi với tư cách những kẻ ngoại cuộc chỉ có thể là một loại ảnh hưởng gián tiếp nhất. Nếu chúng tôi được yêu cầu đứng ra giảng dạy, chúng tôi có thể thử nghiệm rất thận trọng mục đích của công tác giảng dạy đó, và từ chối dạy bất kỳ nghệ thuật hay khoa học nào cổ động chiến tranh. Thêm nữa, chúng tôi có thể trút sự khinh miệt nhẹ nhàng lên những nhà nguyện, lên những bằng cấp, và lên giá trị của các cuộc thi cử. Chúng tôi có thể kín đáo bày tỏ rằng một bài thơ đoạt giải vẫn có thể có phẩm chất xứng đáng bất chấp thực tế rằng nó đã chiếm được một giải thưởng, và xác nhận rằng một cuốn sách vẫn đáng đọc bất chấp thực tế rằng tác giả của nó đã đạt hạng nhất với những bằng danh dự ở cuộc thi sinh viên giỏi của nước Anh. Nếu chúng tôi được yêu cầu thuyết trình, chúng tôi có thể từ chối ủng hộ hệ thống thuyết trình “rỗng tuếch và không hợp cách”XXX bằng cách từ chối thuyết trình. Và, dĩ nhiên, nếu chúng tôi được cung cấp những chức vụ và những vinh dự cho bản thân, chúng tôi có thể từ chối chúng – thật sự, xét tới các thực tế, làm sao chúng tôi có thể làm khác được? Nhưng không hề có sự nhắm mắt làm ngơ thực tế rằng trong tình trạng hiện tại của các sự vật, phương cách hiệu quả nhất mà trong đó chúng tôi có thể giúp ông ngăn ngừa chiến tranh thông qua giáo dục là đóng góp càng hào phóng càng tốt cho các ngôi trường dành cho con gái của những người đàn ông trí thức. Bởi, xin lặp lại, nếu những cô con gái đó không được giáo dục, họ sẽ không kiếm sống được, nếu họ không kiếm sống được, một lần nữa họ sẽ bị giới hạn với sự giáo dục ở tư gia; và nếu họ bị giới hạn với sự giáo dục ở tư gia họ sẽ, một lần nữa, vận dụng mọi ảnh hưởng của họ một cách có ý thức hay vô ý thức để ủng hộ chiến tranh. Không có chút nghi ngờ nào về điều đó. Nếu như ông hoài nghi nó, nếu như ông yêu cầu bằng chứng, chúng ta hãy một lần nữa tham khảo tiểu sử. Sự chứng thực của nó ở điểm này rất thuyết phục, nhưng dài dòng đến nỗi chúng tôi phải cố nén nhiều bộ sách lại thành một câu chuyện. Vậy dưới đây là chuyện kể về cuộc đời của con gái một người đàn ông trí thức đã phụ thuộc vào cha và anh trai trong ngôi nhà riêng của thế kỷ mười chín.
          Ngày hôm đó nóng bức, nhưng cô không thể ra ngoài. “Mình đã trải qua biết bao mùa hè dài tẻ ngắt bị giam hãm trong nhà vì không có chỗ cho mình trong cỗ xe ngựa của gia đình và không có nàng hầu của phu nhân nào có thì giờ để đi dạo với mình”. Mặt trời lặn; và cô ra khỏi nhà, mặc một bộ y phục coi được nhất trong khả năng xoay xở dựa trên khoản trợ cấp từ 40 tới 100 bảng mỗi năm.XXXI Nhưng “với bất kỳ loại hình tiêu khiển nào, cô cũng phải được hộ tống bởi cha hay mẹ hay một người phụ nữ đã kết hôn.” Cô gặp ai ở những khu giải trí đó khi ăn mặc như thế, được hộ tống như thế? Những người đàn ông học thức – “các ông bộ trưởng, các ông đại sứ, những người lính nổi tiếng và những kẻ đại loại như thế, tất cả đều ăn mặc thật tuyệt vời, đeo những thứ đồ trang sức.” Họ trò chuyện về điều gì? Bất cứ điều gì làm tươi tỉnh lại tâm trí của những người đàn ông bận rộn, vốn muốn quên đi công việc của mình – “chuyện tầm phào về thế giới khiêu vũ” rất có tác dụng. Những ngày trôi qua. Thứ bảy tới. Hôm Thứ bảy, “các ông nghị sĩ và những quý ông bận rộn khác có thời giờ rỗi để hưởng thụ cuộc sống xã hội”; họ tới dự các buổi tiệc trà và những bữa ăn tối. Ngày kế là Chủ nhật. Vào những ngày Chủ nhật “đại đa số chúng tôi dĩ nhiên là đi lễ buổi sáng ở nhà thờ.” Các mùa chuyển dịch. Giờ là mùa hè. Vào mùa hè “họ nghiên cứu lịch sử, văn học và âm nhạc, và thử vẽ tranh bằng màu nước và sơn dầu. Nếu họ không tạo được thứ gì nổi bật họ cũng học hỏi được nhiều thứ trong quá trình này”. Và cứ thế, cùng vài cuộc thăm viếng người ốm và dạy học cho người nghèo, những năm trôi qua. Và đâu là kết thúc và mục đích lớn lao của những năm tháng đó, của nền giáo dục đó? Hôn nhân, tất nhiên. “…đây không phải là vấn đề chúng ta có nên kết hôn hay không, mà đơn giản là vấn đề chúng ta nên kết hôn với ai,” một trong số bọn họ nói. Tâm trí của cô được giáo dục chính là nhờ ở một quan điểm về hôn nhân. Nhờ ở một quan điểm về hôn nhân mà cô ngồi gõ phím dương cầm, nhưng không được phép tham gia một ban nhạc; phác họa những cảnh tượng không có hại trong nhà, nhưng không được phép nghiên cứu tranh khỏa thân; đọc cuốn sách này, nhưng không được phép đọc cuốn kia, quyến rũ và trò chuyện. Nhờ ở một quan điểm về hôn nhân mà cơ thể của cô được giáo dục; gia đình cung cấp cho cô một nàng hầu; mà những đường phố khép lại đối với cô; mà những cánh đồng khép lại đối với cô; mà sự lẻ loi khước từ cô – tất cả những điều này được áp đặt lên cô để cô có thể giữ gìn nguyên vẹn cơ thể cho đức ông chồng của mình. Nói tóm lại, cái ý nghĩ về hôn nhân ảnh hưởng tới những gì cô nói, những gì cô làm. Làm sao có thể khác đi được? Hôn nhân là nghề nghiệp duy nhất mở ra cho cô.XXXII
          Cảnh tượng này kỳ lạ thông qua những gì mà nó cho thấy về người đàn ông trí thức cũng như cô con gái của ông ta đến độ nó có xu hướng tồn tại lây lất [trong tâm trí chúng ta]. Bản thân ảnh hưởng của con gà lôi đối với tình yêu đáng được viết một chương.XXXIII Nhưng lúc này chúng ta đang đặt ra một câu hỏi thú vị, ảnh hưởng của nền giáo dục đó đối với chủng tộc là gì? Chúng ta đang hỏi vì sao một nền giáo dục như thế lại khiến cho một cá nhân được giáo dục một cách có ý thức và vô ý thức để ủng hộ chiến tranh? Vì một cách có ý thức, điều này rất hiển nhiên, cô bị ép buộc phải sử dụng bất kỳ ảnh hưởng nào của mình để ủng hộ cho cái hệ thống đã cung cấp cho cô những nàng hầu; những cỗ xe ngựa; quần áo đẹp, những bữa tiệc tuyệt vời – chính nhờ những phương tiện đó mà cô đạt được hôn nhân. Một cách có ý thức, cô phải sử dụng bất kỳ sức quyến rũ hay vẻ đẹp nào mà cô sở hữu để tâng bốc và phỉnh phờ những người đàn ông bận rộn, những người lính, những luật sư, những ông đại sứ, những ông bộ trưởng vốn muốn có sự tái tạo sau công việc trong ngày của họ. Một cách có ý thức, cô phải chấp nhận những quan điểm của họ, và đồng tình với những sắc lệnh của họ vì chỉ có thế cô mới có thể dỗ ngọt họ cho cô những phương tiện để kết hôn hay chính bản thân hôn nhân.XXXIV Nói tóm lại, tất cả những nỗ lực có ý thức của cô phải ủng hộ cho cái mà phu nhân Lovelace đã gọi là “Đế chế tuyệt vời của chúng ta”… “cái giá của điều đó,” cô viết thêm, “chủ yếu được trả bởi những người phụ nữ.” Và ai có thể ngờ vực cô, hay ngờ rằng cái giá đó quá cao?
Nhưng có lẽ ảnh hưởng vô ý thức của cô thậm chí còn ủng hộ chiến tranh mạnh mẽ hơn. Chúng ta còn có thể lý giải theo cách nào khác sự bùng nổ hồi tháng Tám năm 1914, khi con gái của những người đàn ông trí thức, những kẻ đã được giáo dục như thế, đổ xô vào những bệnh viên, một số vẫn còn được hộ tống bởi các nàng hầu, lái những chiếc xe tải, làm việc trên những cánh đồng và những nhà máy sản xuất đạn dược, và sử dụng mọi kho chứa sự quyến rũ, sự cảm thông mênh mông của họ để thuyết phục những người đàn ông trẻ rằng chiến đấu là anh hùng, rằng bị thương trong chiến trận xứng đáng với mọi sự chăm sóc và mọi lời ca ngợi của các cô? Các nguyên nhân nằm trong cùng một nền giáo dục đó. Sự căm ghét vô ý thức của cô đối với nền giáo dục của ngôi nhà riêng với sự tàn ác của nó, sự nghèo nàn của nó, sự đạo đức giả của nó, sự vô đạo đức của nó, sự trống rỗng của nó sâu sắc đến độ cô sẽ thực hiện bất kỳ công việc thấp hèn nào, thực hành bất kỳ sự mê hoặc có tính chất định mệnh nào có thể cho phép cô trốn thoát. Như vậy cô đã ước ao một cách có ý thức “Đế chế tuyệt vời của chúng ta”; cô đã ước ao một cách vô ý thức cuộc chiến tranh tuyệt vời của chúng ta.
Do vậy, thưa ông, nếu ông muốn chúng tôi giúp ông ngăn ngừa chiến tranh, lời kết luận có vẻ như không thể tránh khỏi; chúng tôi phải giúp xây dựng lại ngôi trường cao đẳng mà, dù có thể không hoàn hảo tới đâu, vẫn là khả năng thay thế duy nhất cho nền giáo dục tư gia. Chúng tôi phải hy vọng rằng khi tới đúng thời điểm, nền giáo dục đó có thể đổi thay. Đồng ghi-nê đó phải được cho đi trước khi chúng tôi cho ông đồng ghi-nê mà ông yêu cầu cho xã hội của chính ông. Nhưng nó được đóng góp cho cùng một chính nghĩa – để ngăn ngừa chiến tranh. Những đồng ghi-nê thì hiếm hoi; những đồng ghi-nê thì có giá trị, nhưng cứ để chúng tôi gửi một đồng mà không có bất kỳ điều kiện nào kèm theo cho vị thủ quỹ danh dự của quỹ tái xây dựng, bởi bằng cách làm như thế chúng tôi đang thực hiện một sự đóng góp tích cực cho việc ngăn ngừa chiến tranh.


 

Chú giải và tham khảo

 

I. The Life of Mary Kingsley của Stephen Gwynn, trang 15.  Khó mà có được các con số chính xác về những khoản tiền đã chi cho việc giáo dục các cô con gái của những người đàn ông trí thức. Có lẽ khoảng 20 tới 30 bảng để chi cho toàn bộ chi phí giáo dục của Mary Kingsley (1862-1900). Có thể xem khoản tiền 100 bảng là con số trung bình trong thế kỷ 19 và ngay cả sau này. Những người phụ nữ được giáo dục như vậy thường cảm thấy rất sâu sắc sự thiếu thốn của học vấn. “Tôi luôn cảm thấy những khiếm khuyết trong học vấn của tôi gây đau khổ nhất khi tôi ra khỏi nhà,” lời của Anne J. Clough, Nữ Hiệu trưởng đầu tiên của trường Newnham. (Life of Anne J. Clough của B.A. Clough, trang 60.) Elizabeth Haldane, như cô Clough, xuất thân từ một gia đình văn học thượng lưu, nhưng được giáo dục theo cách rất giống như thế, nói rằng khi cô trưởng thành, “Điều tin chắc đầu tiên của tôi là tôi không được giáo dục, và tôi đã nghĩ làm sao để có thể chỉnh đốn điều này. Lẽ ra tôi rất thích đi học ở trường cao đẳng, nhưng với các cô gái thời bấy giờ, trường cao đẳng là rất khác thường, và ý tưởng này không được khuyến khích. Nó cũng rất đắt tiền. Với một cô con gái độc nhất việc rời khỏi một bà mẹ góa phụ thật sự được xem là ngoài phạm vi cân nhắc, và không một người nào có thể khiến cho kế hoạch đó trở nên khả thi. Hồi thời ấy có một phong trào thực hiện những lớp học hàm thụ…” (From One Century to Another của Elizabeth Haldane, trang 73.) Nỗ lực để che đậy sự dốt nát của những người phụ nữ được giáo dục như thế thường rất quả quyết, nhưng không luôn luôn thành công. “Họ trò chuyện một cách thú vị về những đề tại hiện tại, cẩn thận né tránh các chủ đề gây tranh cãi. Điều gây ấn tượng cho tôi là sự dốt nát và thờ ơ của họ liên quan tới bất cứ điều gì ở bên ngoài tầng lớp của chính họ… một nhân vật có vai vế, mẹ của Phát ngôn viên của Hạ viện Anh tin rằng California thuộc về chúng ta, là một phần của Đế quốc của chúng ta!” (Distant Fields của H.A. Vachell, trang 109.) Việc sự dốt nát thường được khơi gợi ra trong thế kỷ mười chín la do niềm tin đương thời rằng những người đàn ông trí thức thích thú nó đã được chỉ ra bởi sức mạnh mà với nó Thomas Gisborne, trong tác phẩm có tính hướng dẫn On the Duties of Women (trang 278) đã khiển trách những kẻ cố tình khuyên những người phụ nữ “tự kềm chế không khám phá tới mức độ trọn vẹn về khả năng và những thành tựu của người đối ngẫu trong hôn nhân của họ.” “Đây không phải là sự tự do làm theo ý mình mà là nghệ thuật. Nó là sự che đậy, nó là sự áp đặt chủ tâm… Nó hầu như không thể được thực hành lâu mà không bị phát giác.”
Nhưng con gái của người đàn ông trí thức ở thế kỷ 19 thậm chí còn dốt nát về đời sống hơn là về những cuốn sách. Một nguyên nhân cho sự dốt nát đó được đề xuất bởi câu trích dẫn sau: “Người ta cho rằng hầu hết đàn ông đều không ‘có đạo đức tốt’, nghĩa là, hầu như tất cả đều có khả năng gạ chuyện tán tỉnh hay gây bực mình – hay còn tệ hơn – cho bất kỳ một phụ nữ trẻ tuổi không có người hộ tống nào mà họ gặp.” (‘Society and the Season’, của Mary, Nữ Bá tước xứ Lovelace, trong cuốn Fifty Years, 1882-1932, trang 37.) Do đó cô ta bị giam hãm trong một vòng tròn rất hẹp; và “sự dốt nát và thờ ơ” của cô ta đối với bất cứ thứ gì ở bên ngoài là có thể tha thứ. Mối liên kết giữa sự dốt nát đó và nhận thức của thế kỷ 19 về nam tính – bằng chứng là anh hùng thời đại Victoria – mà đã khiến cho “đạo đức” và nam tính trở nên không tương hợp là rất hiển nhiên. Trong một đoạn văn nổi tiếng của mình, Thackeray than phiền về những hạn chế nằm giữa đạo đức và nam tính đã áp đặt lên nghệ thuật của ông.
II. Ý thức hệ của chúng ta vẫn còn tính chất lấy con người làm trung tâm một cách thâm căn cố đế đến nỗi cần thiết phải đặt ra thuật ngữ dài dòng này – các cô con gái của những người đàn ông trí thức – để mô tả tầng lớp có cha là người đã được giáo dục ở các trường tư thục và trường đại học. Rõ ràng, nếu từ “giai cấp tư sản” thích hợp với anh trai của cô ta, sẽ cực kỳ không chính xác nếu sử dụng nó cho một người khác biệt rất sâu xa ở hai đặc tính chủ yếu của giai cấp tư sản – tư bản và môi trường.
III. Con số thú vật bị giết ở Anh cho thú vui thể thao trong suốt thế kỷ vừa qua vượt khỏi ước tính. 1212 đầu thú săn được xem là trung bình cho một ngày săn bắn ở Chatsworth vào năm 1909. (Men, Women and Things của Công tước xứ Portland, trang 251). Có ít lời nhắc tới việc săn bắn của phụ nữ trong những cuốn hồi ký thể thao, và sự xuất hiện của họ ở khu săn bắn là nguyên nhân của nhiều lời phê phán chua cay. “Skittles” [biệt danh của Catherine Walters, 1839 – 1920)], người nữ kỵ sĩ nổi tiếng ở thế kỷ 19, là một quý bà có đạo đức dễ dãi. Rất có khả năng rằng có một sự nối kết nào đó giữa thể thao và tính dâm dật ở phụ nữ của thế kỷ 19.
IV. Francis and Riversdale Grenfell, của John Buchan, trang 189, 205.
V. Antony (Viscount Knebworth), của Bá tước xứ Lytton, trang 355.
VI. The Poems of Wilfred Owen, do Edmund Blunden biên tập, trang 25, 41.
VII. Lord Hewart, đề xuất khi nâng cốc chúc mừng nước Anh trong bữa tiệc của Hội của Thánh George ở Cardiff.
VIII. IX. The Daily Telegraph, 5-3-1937.
X. Dĩ nhiên có một thứ chủ yếu mà một phụ nữ trí thức có thể cung cấp: trẻ con. Và một phương pháp mà nhờ đó cô ta có thể giúp ngăn ngừa chiến tranh là từ chối sinh con. Do vậy bà Helena Normanton có ý kiến rằng “Điều duy nhất phụ nữ ở bất kỳ quốc gia nào có thể làm để ngăn ngừa chiến tranh là ngưng cung cấp “bia đỡ đạn” (Báo cáo của Hội đồng thường niên cho Quyền bình đẳng công dân, Daily Telegraph ngày 5-3-1937) Những lá thư trên báo chí thường xuyên ủng hộ quan điểm này. “Tôi có thể nói với ông Harry Campbell vì sao phụ nữ khước từ việc sinh con vào những thời điểm này. Khi đàn ông đã học được cách điều hành những vùng đất họ cai trị khiến các cuộc chiến chỉ sẽ chạm tới những ai gây ra tranh chấp, thay vì tàn sát những kẻ không làm gì cả, khi đó phụ nữ có thể một lần nữa cảm thấy giống như có những đại gia đình. Vì sao phụ nữ phải sinh con trong một thế giới như thế giới ngày nay?” (Edith Maturin-Porch, trên tờ Daily Telegraph, 6-9-1937) Thực tế rằng sinh suất ở tầng lớp trí thức đang giảm đi dường như chỉ ra rằng những người phụ nữ trí thức đang làm theo lời khuyên của bà Normanton. Điều này đã được Lysistrata đưa ra trong những tình huống rất tương tự cách nay hai ngàn năm.
XI. Dĩ nhiên có vô số loại ảnh hưởng ngoài những ảnh hưởng xác định trong văn bản. Nó khác biệt nhau từ loại đơn giản được mô tả ở đoạn văn sau: “Ba năm sau… chúng tôi phát hiện ra bà ta đang viết cho ông ta, là một Bộ trưởng, để khẩn nài sự quan tâm của ông ta đối với đồng Curon để sống với tư cách đại diện cho một mục sư được yêu thích…” (Henry Chaplin, a Memoir, của Phu nhân Londonderry, trang 57) cho tới loại rất tinh tế được áp dụng bởi phu nhân Macbeth đối với chồng của bà ta. Ở đâu đó giữa hai loại này là ảnh hưởng được mô tả bởi D. H. Lawrence: “Với tôi thật là vô vọng khi cố làm bất cứ điều gì nếu tôi không có một người phụ nữ ở sau lưng tôi… Tôi không dám ngồi trong thế giới nếu tôi không có một phụ nữ đằng sau tôi… Nhưng một người phụ nữ mà tôi yêu phần nào đó giữ tôi trong sự giao tiếp trực tiếp với điều chưa biết, trong đó nếu khác đi tôi sẽ mất mát chút ít.” (Letters of D. H. Lawrence, trang 93, 94), mà chúng ta có thể so sánh với, dù sự sắp đặt theo trật tự khá lạ lùng, định nghĩa nổi tiếng và rất tương tự do cựu vương Edward VIII đưa ra trong lễ thoái vị của mình. Các điều kiện chính trị hiện thời ở nước ngoài dường như ủng hộ cho một sự quay lại với việc sử dụng ảnh hưởng vụ lợi. Ví dụ: “Một câu chuyện minh họa cho mức độ ảnh hưởng hiện tại của phụ nữ ở Vienna. Trong mùa thu vừa rồi, nhà nước dự định đề ra một biện pháp để giảm bớt hơn nữa các cơ hội nghề nghiệp của phụ nữ. Những kháng nghị, những khẩn nguyện, những lá thư, tất cả đều không có chút hiệu quả nào. Cuối cùng, trong sự tuyệt vọng, một nhóm các quý bà nổi tiếng của thành phố… tập hợp lại với nhau và lên kế hoạch. Trong nửa tháng kế tiếp, trong một số giờ cụ thể hàng ngày, nhiều người trong số các quý bà này gọi điện thoại cho các ông bộ trưởng mà họ quen biết riêng, bề ngoài là mời họ tới ăn tối ở nhà mình. Với tất cả sức quyến rũ của những phụ nữ thành Vienna, họ khơi gợi cho các ông bộ trưởng nói chuyện, hỏi han chuyện này chuyện nọ, và cuối cùng nhắc tới vấn đề khiến họ quá đỗi phiền lòng. Khi các ông bộ trưởng bị gọi điện bởi nhiều quý bà, tất cả đều là những người mà họ không muốn xúc phạm, và bị ngăn trở khỏi những công vụ khẩn cấp của nhà nước bởi chiêu thức này, họ quyết định thỏa hiệp – và thế là biện pháp đó bị hoãn lại.” (Women Must Choose của Hilary Newitt, trang 129) Cách sử dụng tầm ảnh hưởng tương tự thường được chủ tâm thực hiện trong cuộc đấu tranh cho quyền bầu cử. Nhưng người ta bảo tầm ảnh hưởng của phụ nữ đã bị làm cho suy yếu bởi sự chiếm hữu một lá phiếu. Do vậy Đô đốc von Bieberstein có ý kiến rằng “Những người phụ nữ luôn dẫn dắt những người đàn ông… nhưng ông không muốn họ đi bầu cử.” (From One Century to Another của Elizabeth Haldane, trang 258.)
XII. Phụ nữ Anh bị chỉ trích nhiều vì sử dụng vũ lực trong đấu tranh đòi quyền bầu cử. Năm 1910, khi ông Birrell bị “đập nát mũ” và bị đá vào hai ống quyển bởi những người đòi quyền bầu cử, Sir Almeric Fitzroy nhận xét, “một sự tấn công theo tính cách này đối với một ông già vô phương tự vệ bởi một băng nhóm có tổ chức của “những tên lính Thổ Nhĩ Kỳ” sẽ, người ta hy vọng, thuyết phục nhiều người mất trí và có tinh thần vô chính phủ phát động phong trào.” (Memoirs of Sir Almeric Fitzroy, tập II, trang 425.) Những nhận xét này rõ ràng không được áp dụng cho vũ lực trong cuộc chiến châu Âu. Thật ra, quyền bầu cử được trao cho phụ nữ Anh phần lớn là vì sự trợ giúp của họ đối với đàn ông Anh trong việc sử dụng vũ lực trong cuộc chiến tranh đó. “Ngày 14 tháng 8 (1916), bản thân ông Asquith đã thôi chống đối (quyền bầu cử của nữ giới). Ông nói, ‘Đúng là (phụ nữ) không thể chiến đấu theo ý nghĩa tiến ra với súng đạn vân vân, nhưng… họ đã trợ giúp bằng cách thức hiệu quả nhất trong việc theo đuổi chiến tranh.’” (The Cause of Ray Strachey, trang 354.) Điều này làm nảy sinh câu hỏi khó trả lời là những người không trợ giúp cho việc theo đuổi chiến tranh mà đã làm những gì họ có thể để ngăn cản việc theo đuổi chiến tranh có nên sử dụng quyền bầu cử mà họ đã được trao cho chủ yếu là vì những người khác “đã trợ giúp cho việc theo đuổi chiến tranh”hay không? Việc họ là những cô con ghẻ chứ không phải là con đẻ của nước Anh được chỉ ra bởi thực tế là họ thay đổi quốc tịch khi kết hôn. Một người phụ nữ, dù có giúp đánh bại nước Đức hay không, trở thành một người Đức nếu cô ta lấy một người Đức. Các quan điểm chính trị của cô ta khi đó phải hoàn toàn đảo ngược, và lòng hiếu thảo của cô ta đã chuyển biến.
XIII. Sir Ernest Wild, K.C. của Robert J. Blackburn, trang 174, 175.
XIV. Việc quyền bầu cử không phải là không đáng kể được chỉ ra bởi những thực tế được xuất bản rải rác theo thời gian bởi Hiệp hội Quyền bình đẳng công dân Quốc gia. “Xuất bản phẩm này (What the Vote Has Done) ban đầu chỉ là một tờ truyền đơn một trang; hiện giờ (1927) nó đã tăng trưởng một thành một cuốn sách mỏng sáu trang, và phải thường xuyên được mở rộng thêm.” (Josephine Butler của M. G. Fawcett và E. M. Turner, chú giải, trang 101)
XV. Không có sẵn những con số để kiểm chứng lại những thực tế mà hẳn phải có một phương diện rất quan trọng đối với tiểu sử và tâm lý của hai giới tính. Có thể thực hiện một sự bắt đầu trong bước mở đầu chủ yếu nhưng lại bị bỏ qua một cách lạ lùng này bằng đánh dùng phấn đánh dấu lên một tấm bản đồ cỡ to của tài sản nước Anh do những người đàn ông làm chủ, màu đỏ; do phụ nữ, màu xanh. Khi đó số lượng cừu và gia súc lớn được tiêu thụ bởi mỗi giới tính phải được so sánh; số thùng lớn đựng rượu vang và bia; những thùng thuốc lá; sau đó chúng ta phải cẩn thận kiểm tra những áp dụng về vật chất của chúng; người lao động nội địa; các tiện nghi cho giao tiếp giới tính, vân vân. Các nhà sử học dĩ nhiên quan tâm chủ yếu tới chiến tranh và chính trị; nhưng đôi khi cũng rọi sáng lên bản chất con người. Khi Macaulay giao dịch với những quý ông miền quê nước Anh hồi thế kỷ 17 ông đã nói như vầy: “Vợ và con gái của ông ta có những thị hiếu và tài năng dưới mức của một quản gia hay một nàng hầu trong phòng dạy kỹ năng của ngày nay. Họ may và se sợi, ủ rượu lý gai, chế thuốc chữa bệnh bằng hoa cúc vạn thọ và làm vỏ cho món thịt hươu nướng bọc bột.”
Một lần nữa, “Các bà chủ nhà mà công việc của họ thông thường là nấu ăn, rút lui để nghỉ ngơi ngay sau khi bữa ăn kết thúc, bỏ mặc các ông với cuộc chè chén bia bọt và thuốc lá của họ.” (Macaulay, History of England, Chương Ba) Nhưng các ông vẫn đang nhậu nhẹt và các bà vẫn rút lui sau đó khá lâu. “Vào thời mẹ tôi còn trẻ trước khi bà kết hôn, thói quen uống đến mềm môi lâu đời của Thời kỳ Nhiếp chính và của thế kỷ 18 vẫn còn tồn tại dai dẳng. Người quản gia già được tin cậy của gia đình ở Woburn Abbey có thói quen báo cáo hàng đêm cho bà tôi trong phòng khách. ‘Đêm nay các quý ông đã uống khá nhiều; đã tới lúc các tiểu thư nên đi nghỉ,’ hoặc “Đêm nay các ông uống rất ít,’ được thông báo theo hoàn cảnh bởi người hầu cận trung thực của gia đình này. Nếu các cô gái trẻ bị tống lên gác, họ thích đứng ở một hành lang phía trên của cầu thang để ‘quan sát đám đông đang hò hét om xòm từ dưới phòng khách.’” (The Days Before Yesterday của Lord F. Hamilton, trang 322) Việc nói cho chúng ta biết hiệu quả của tài sản và việc chè chén đối với các nhiễm sắc thể là gì phải được để lại cho các nhà khoa học trong tương lai.
XVI. Thực tế rằng cả hai giới tính đều có một tình yêu đối với y phục rất đáng chú ý dù khác biệt nhau dường như đã thoát khỏi sự chú ý của giới tính thống trị, phần lớn là vì người ta cho rằng nó là quyền lực thôi miên của phe thống trị. Do vậy ông Justice MacCardie quá cố, khi tổng kết trường hợp của bà Frankau đã nhận xét: “Người ta không thể mong đợi những người phụ nữ từ bỏ một đặc tính chủ yếu của nữ tính hay từ bỏ một trong những niềm an ủi của bản chất vì một nhược điểm thể chất thường xuyên và không thể vượt qua… Y phục, nói cho cùng, là một trong những phương pháp chủ yếu của sự tự thể hiện của phụ nữ… Về vấn đề y phục, phụ nữ thường vẫn là trẻ con cho tới phút cuối. Người ta không được bỏ qua khía cạnh tâm lý của vấn đề này. Nhưng trong khi vẫn ghi nhớ những vấn đề bên trên, pháp luật đã quy định một cách đúng đắn rằng nguyên tắc về sự thận trọng và tính cân xứng phải được tuân thủ.” Vị quan tòa đã phát ngôn như vậy đang mặc một cái áo choàng đỏ thắm, đội một cái mũ lông chồn, và một bộ tóc xoăn giả to tướng. Dù ông ta có tận hưởng “một trong những niềm an ủi của bản chất vì một nhược điểm thể chất thường xuyên và không thể vượt qua” hay không, một lần nữa, phải hoài nghi về việc bản thân ông ta có tuân thủ “nguyên tắc về sự thận trọng và tính cân xứng” hay không. Nhưng “người ta không được bỏ qua khía cạnh tâm lý của vấn đề này”; và thực tế rằng sự lập dị của ngoại hình của chính ông ta cùng với của những ngài đô đốc, tướng lĩnh, truyền lệnh sứ, kỵ binh hoàng gia, những kẻ ngang hàng, những người canh gác tháp London, vân vân, hoàn toàn vô hình đối với ông ta thế nên ông ta mới có thể lên lớp cho quý bà đó mà không có chút ý thức nào về việc chia sẻ nhược điểm của bà ta đã gợi ra hai câu hỏi: một hành vi phải được thực hiện thường xuyên đến thế nào trước khi nó trở thành truyền thống, và do đó đáng được tôn trọng; và mức độ nào của uy tín xã hội tạo nên sự mù lòa trước bản chất nổi bật của y phục của chính một người? Sự lập dị của y phục, khi không gắn liền với chức vị, hiếm khi thoát khỏi sự nhạo báng.
XVII. Trong Danh sách vinh danh Năm mới cho năm 1937, 147 người đàn ông đã nhận được sự vinh danh so với bảy phụ nữ. Vì những nguyên do hiển nhiên, không thể xem điều này như là một thước đo của niềm khao khát tương đối của họ đối với một sự quảng cáo như thế. Nhưng việc về mặt tâm lý, việc một phụ nữ sẽ dễ dàng khước từ những danh dự hơn một người đàn ông dường như là điều không thể tranh cãi. Bởi thực tế rằng trí tuệ (nói đại khái) là tài sản chuyên môn chủ yếu của đàn ông, và rằng những ngôi sao và những dải ruy băng là những phương tiện quảng cáo trí tuệ chủ yếu của anh ta đã đề xuất rằng những ngôi sao và những dải ruy băng đồng dạng với phấn và son môi, phương pháp chủ yếu của một người phụ nữ để quảng cáo tài sản chuyên môn chủ yếu của cô ta: vẻ đẹp. Do vậy sẽ là phi lý khi yêu cầu ông ta từ chối một tước hiệu Hiệp sĩ tương đương như khi yêu cầu cô ta từ chối một chiếc váy. Số tiền phải trả cho một tước hiệu Hiệp sĩ năm 1901 có vẻ như sẽ cung cấp được một khoản trợ cấp y phục rất hậu hĩnh; “21-4 (Chủ nhật) – Đi thăm Meynell, người thường có đầy những chuyện tầm phào. Có vẻ như những khoản nợ của nhà vua đã được thanh toán theo cách riêng tư bởi những bạn bè của ông ta, người ta bảo một trong số đó đã cho mượn 100.000 bảng, và tự hài lòng một khoản trả lại 25.000 bảng cộng thêm một tước hiệu Hiệp sĩ.” (My Diaries của Wilfrid Scawen Blunt, Phầnt II, trang 8)
XVIII. Một kẻ ngoại cuộc khó mà biết được những con số chính xác là bao nhiêu. Nhưng việc những khoản thu nhập đó là có thật có thể ước đoán từ một nhận định vui vẻ cách nay vài năm của ông J. M. Keynes trong cuốn Nation of a history of Clare College, Cambridge. Cuốn sách “mà người ta đồn là phải tốn sáu ngàn bảng để xuất bản.” Cũng có lời đồn đại rằng một nhóm học sinh đã quay về vào lúc bình minh từ một cuộc hội hè nào đó vào khoảng thời gian đó đã nhìn thấy một đám mây trên bầu trời; mà khi họ nhìn lên trông như hình dáng của một phụ nữ; người mà khi được cầu khẩn đưa ra một dấu hiệu, đã thả xuống trong một trận mưa đá sáng lòa hai từ “Giẻ rách”. Câu chuyện này được diễn dịch để định nghĩa điều mà từ một trang khác cùng số của cuốn Nation có vẻ như là sự thật; rằng những học sinh của một trong những trường nữ trung học đã chịu đựng rất nhiều đau khổ từ “những căn phòng lạnh lẽo ảm đạm dưới tầng trệt đầy nhóc chuột”. Người ta cho là sự hiện hình này có ý nghĩa đề xuất rằng nếu các quý ông của trường Clare muốn vinh danh bà ta, một tấm chi phiếu 6.00 bảng gửi tới bà Hiệu trưởng sẽ tôn vinh bà ta hơn là một cuốn sách ngay cả khi nó “được bọc trong lớp áo giấy và vải hồ cứng màu đen tốt nhất …” Tuy nhiên, không có gì huyền hoặc về thực tế được ghi nhận trong cùng số trang của cuốn Nation rằng “Trường Somerville đã nhận với lòng biết ơn vô kể số tiền 7.000 bảng được gửi tới hồi năm ngoái từ quà mừng Lễ kỷ niệm và một khoản di sản tư nhân theo thừa kế.”
XIX. Một sử gia lớn đã mô tả thế này về nguồn gốc và đặc điểm của các trường đại học, một trong số đó là nơi ông đã theo học: “Hai trường Oxford và Cambridge được thành lập trong một kỷ nguyên đen tối của nền khoa học giả trá và man rợ; và chúng vẫn còn mang vết nhơ của những điều xấu xa của nguồn gốc của chúng… Sự sáp nhập về mặt pháp lý của các tổ chức này bởi những hiến chương của các giáo hoàng và các vị vua đã trao cho chúng một sự độc quyền hướng dẫn công chúng; và tinh thần của những kẻ độc quyền thì hẹp hòi, lười nhát và có tính chất áp đặt: hoạt động của chúng tốn kém hơn và ít năng suất hơn hoạt động của những nghệ sĩ độc lập; và những cải cách bị tóm lấy một cách nôn nóng bởi sự cạnh tranh của tự do, được thừa nhận với sự miễn cưỡng dần dà và sưng sỉa trong các tổ chức tự hào đó, bên trên nỗi e sợ một đối thủ, và bên dưới sự tự thú về một sai lầm. Chắc chắn là chúng ta không thể hy vọng rằng bất kỳ cải cách nào sẽ là một hành động tự nguyện; và chúng cắm rễ sâu vào luật pháp và thành kiến đến mức ngay cả quyền năng tuyệt đối của Quốc hội cũng sẽ co vòi trước một cuộc thẩm tra tình trạng và những sự lạm dụng của hai trường đại học này. (Edward Gibbon, Memoirs of My Life and Writings) Tuy nhiên, “quyền năng tuyệt đối của Quốc hội” cũng đã mở một cuộc điều tra vào giữa thế kỷ 10 về “tình trạng của trường đại học (Oxford), ngành học của nó, các bộ môn nghiên cứu, và tổng thu nhập. Nhưng có nhiều cưỡng kháng tiêu cực từ các trường đến độ hạng mục cuối cùng phải bị ủy ban cho qua. Tuy nhiên, chắc chắn rằng trong số 542 khoản học bổng trong tất cả các trường của Oxford chỉ có 22 khoản thật sự mở rộng cho sự cạnh tranh mà không có những điều kiện hạn chế về sự đỡ đầu, địa điểm hay dòng họ… Các ủy viên hội đồng… phát hiện ra rằng bản cáo trạng của Gibbon là có lý…” (Herbert Warren of Magdalen của Laurie Magnus, trang 47, 49) Tuy nhiên, uy tín của một nền giáo dục đại học vẫn còn cao; và các khoản học bổng được xem là rất đáng ao ước. Khi Pusey trở thành một Ủy viên Ban giám hiệu của Oriel, “những cái chuông của nhà thờ giáo xứ ở Pusey thể hiện sự mãn nguyện của cha ông và gia đình ông.” Một lần nữa, khi Newman được chọn làm một Ủy viên “tất cả những cái chuông của ba tháp chuông đều ngân vang – với chi phí của Newman.” (Oxford Apostles của Geoffrey Faber, trang 131, 69) Thế nhưng cả Pusey lẫn Newman đều là những người đàn ông có một bản chất tinh thần riêng biệt.
XX. The Crystal Cabinet của Mary Butts, trang 138. Nguyên văn toàn câu thế này: “Vì ngay khi người ta nói với tôi rằng niềm khát khao học hỏi ở phụ nữ chống lại ý chí của Thượng đế, có rất nhiều sự tự do ngây thơ, niềm vui ngây thơ, đã bị khước từ nhân danh cùng một điều.” – một nhận xét khiến người ta phải ao ước rằng chúng ta nên có một tiểu sử từ ngòi bút của con gái của một người đàn ông trí thức của Thượng đế mà nhân danh ngài những hành động tàn bạo như thế đã được thực thi. Ảnh hưởng của tôn giáo đối với học vấn của phụ nữ, cách này hay cách khác, chắc chắn là không bị đánh giá quá cao. Nếu, ví dụ, theo lời Thomas Gisborne, “những cách sử dụng âm nhạc được giải thích, đừng để cho hiệu quả của nó trong lòng mộ đạo được gia cố bị bỏ qua. Nếu vẽ tranh là chủ đề của nhận xét, hãy để cho các sinh viên được giáo huấn thường xuyên để chiêm nghiệm trong những tác phẩm sáng tạo sức mạnh, sự minh triết và tinh chất của tác giả của chúng.” (The Duties of the Female Sex của Thomas Gisborne, trang 85) Thực tế rằng ông Gisborne và những người giống như ông – một nhóm đông đảo – đặt các lý thuyết giáo dục của họ dựa trên nền tảng việc giảng dạy của trường St Paul dường như sẽ gợi ý rằng giới tính nữ phải được “giáo huấn thường xuyên để chiêm nghiệm trong những tác phẩm sáng tạo sức mạnh, sự minh triết và tinh chất” không phải là của Thượng đế, mà của ông Gisborne. Và từ đó chúng ta được dẫn tới kết luận rằng một tiểu sử của Thượng đế sẽ tự nó chuyển thành một Quyển từ điển về Tiểu sử Tăng lữ.
XXI. Mary Astell của Florence M. Smith. “Thật không may, sự phản đối một ý tưởng mới mẻ đến thế (một trường cao đẳng cho phụ nữ) lại lớn hơn mối quan tâm tới nó, và xuất phát không phải từ những nhà văn châm biếm của thời đó, những kẻ, giống như những người hóm hỉnh của mọi thời, tìm ra từ người phụ nữ tiến bộ này một nguồn để chế giễu và biến Mary Astell thành chủ đề của những kho chuyện cười trong các vở hài kịch về kiểu mẫu Các Nữ học giả, mà là từ những người trong Giáo hội, những kẻ nhìn thấy trong kế hoạch đó một nỗ lực để mang lại chế độ giáo hoàng La Mã. Đối thủ mạnh nhất của ý tưởng này là một giám mục nổi tiếng, người mà, như Ballard đánh giá, đã ngăn cản không để cho một phu nhân lỗi lạc đóng góp 10.000 bảng cho kế hoạch này. Elizabeth Elstob đã cho Ballard biết tên của vị giám mục nổi tiếng này để đáp lại một yêu cầu từ ông ta: “Theo Elizabeth Elstob... chính Giám mục Burnet đã ngăn cản thiết kế tốt đẹp đó bằng cách khuyên can phu nhân đó đừng cổ vũ nó.” (đã dẫn, trang 21, 22) “Phu nhân đó” có thể là Công chúa Ann, hay Phu nhân Elizabeth Hastings; nhưng dường như có lý do để nghĩ rằng đó chính là Công chúa. Việc Giáo hội đã nuốt trọn số tiền đó là một giả thiết, nhưng có lẽ là một giả thiết được phán xét bởi lịch sử Giáo hội.
XXII. Tụng ca cho Âm nhạc (Ode for Music), biểu diễn ở Hội trường của Cambridge ngày 1-7-1769.
XXIII. “Tôi bảo đảm với bà tôi không phải là một kẻ thù của những người phụ nữ. Tôi rất ủng hộ việc tuyển dụng họ với tư cách là những người lao động hay trong một khả năng làm người giúp việc khác. Tuy nhiên, tôi có những ngờ vực về khả năng thành công của họ trong hoạt động kinh doanh với tư cách là những nhà tư bản. Tôi chắc chắn dây thần kinh của đa số phụ nữ sẽ đứt tung dưới sự lo âu, và rằng đa số bọn họ cực kỳ thiếu hụt tính trầm lặng có kỷ luật cần thiết cho mọi loại hợp tác. Có thể sau hai ngàn năm nữa các bà có thể thay đổi tất cả những điều này, nhưng phụ nữ hiện tại chỉ ve vãn đàn ông, và gây gỗ với nhau.” Đoạn trích từ một lá thư của Walter Bagehot gửi cho Emily Davies, người đã yêu cầu ông giúp đỡ để thành lập trường Girton.
XXIV. Recollections and Reflections của Sir J. J. Thomson, trang 86-8, 296-7.
XXV. “Đại học Cambridge vẫn thừa nhận toàn quyền trở thành thành viên của những người phụ nữ; nó chỉ ban cho họ những bằng cấp danh nghĩa và do đó họ không có phần chia trong Ban điều hành của trường đại học.” (Memorandum on the Position of English Women in Relation to that of English Men của Philippa Strachey, 1935, trang 26) Tuy nhiên, Chính phủ đã ban một “khoản trợ cấp hào phóng” từ tiền công cộng cho Đại học Cambridge.
XXVI. “Tổng số sinh viên ở các học viện được công nhận cho nền giáo dục cao hơn của những người phụ nữ hiện đang được hướng dẫn ở trường đại học hay đang làm việc trong các thư viện hay viện bảo tàng của trường đại học ở bất kỳ thời điểm nào sẽ không vượt quá năm trăm.” (The Student’s Handbook to Cambridge, 1934-5, trang 616.) Whitaker thông báo với chúng ta rằng con số nam sinh viên nội trú ở Cambridge hồi tháng 10- 1935 là 5.328. Có vẻ như con số đó không có bất kỳ giới hạn nào.
XXVII. Danh sách học bổng cho nam sinh viên ở Cambridge được in trong tờ The Times ngày 20-12-1937, đo đại khái chừng 32 in-sơ; danh sách học bổng cho nữ sinh viên ở Cambridge đo đại khái chừng 5 in-sơ. Tuy nhiên. Có 17 trường cao đẳng dành cho nam và danh sách được đo ở đây chỉ bao gồm 11 trường. Do đó độ dài 31 in-sơ phải được tăng thêm. Chỉ có hai trường cao đẳng dành cho nữ sinh viên; cả hai đều được đo ở đây.
XXVIII. Cho tới khi Phu nhân Stanley xứ Alderley qua đời, không có nhà nguyện nào ở trường Girton. “Khi có người đề nghị xây dựng một nhà nguyện, bà đã phản đối, với lập luận rằng tất cả những nguồn quỹ đang có nên chi tiêu cho giáo dục. “Chừng nào tôi còn sống, sẽ không có nhà nguyện nào ở Girton,” tôi từng nghe bà nói thế. Ngôi nhà nguyện hiện tại được xây dựng ngay sau khi bà mất.” (The Amberley Papers của Patricia và Bertrand Russell, tập I, trang 17) Giá mà vong hồn của bà cũng có cùng ảnh hưởng như thân thể của bà! Nhưng những hồn ma, như người ta nói, không có những cuốn sổ chi phiếu.
XXIX. Tôi cũng có một cảm giác rằng những trường nữ, nói chung, đã vui lòng chọn những phạm vi chung của nền giáo dục của chúng từ những thể chế được thiết lập lâu hơn cho chính tôi, giới tính yếu hơn. Cảm giác của riêng tôi là vấn đề nên bị tấn công bởi một thiên tài độc đáo nào đó trên những phạm vi hoàn toàn khác…” (Things Ancient and Modern của C. A. Alington, trang 216-17) Hầu như không cần phải có thiên tài hay sự độc đáo để nhìn thấy “những phạm vi”, ngay từ đầu, phải rẻ tiền hơn. Nhưng sẽ thú vị khi biết ý nghĩa nào chúng tôi đã gắn cho từ “yếu hơn” trong ngữ cảnh này. Vì từ khi Tiến sĩ  là Alington một cựu Hiệu trưởng của trường Eton, ông phải nhận thức rằng giới tính của ông đã không chỉ giành được mà còn giữ lại số tổng thu nhập lớn lao của ngôi trường lâu đời đó – một chứng cứ, người ta sẽ nghĩ, không phải về sự yếu kém giới tính mà của sức mạnh giới tính. Việc Eton không hề “yếu” chí ít từ quan điểm thực dụng, được chỉ ra bởi trích dẫn sau đây từ Tiến sĩ Dr Alington: “Trong lúc theo đuổi đề nghị của một trong các Ủy ban Giáo dục của Thủ tướng, Hiệu trưởng và các ủy viên ban giám hiệu vào thời của tôi đã quyết định rằng tất cả học bổng ở Eton nên có một giá trị cố định, có thể tự do tăng lên trong trường hợp cần thiết. Sự tăng thêm này đã hào phóng đến nỗi có nhiều sinh viên Cao đẳng mà bố mẹ họ không hề chi trả gì cho việc ăn ở hay giáo dục của họ.” Một trong những nhà hảo tâm là Lord Rosebery quá cố. “Ông ấy là một nhà hảo tâm rộng rãi đối với trường,” Tiến sĩ Dr Alington thông báo với chúng tôi, “và đã cung cấp một học bổng lịch sử, liên kết với nó là một hồi kịch tiêu biểu đã diễn ra. Ông ấy hỏi tôi khoản tài trợ có thích đáng không và tôi đề nghị rằng một khoản thêm 200 bảng nữa sẽ dùng để thanh toán cho người chấm thi. Ông ấy gửi một chi phiếu cho số tiền 2000 bảng: sự chú ý của ông ấy đã hướng tới sự khác biệt, và tôi còn giữ trong cuốn sổ của tôi lá thư trả lời trong đó ông ấy nói rằng ông ấy nghĩ một khoản tiền khá lớn sẽ tốt hơn là một phần nhỏ.” (đã dẫn, trang 163, 186.) Tổng chi phí ở trường Cheltenham cho các cô gái năm 1854 về các khoản lương và thăm viếng thầy cô là 1.300 bảng, “và con số kế toán trong tháng 12 chỉ ra một khoản bội chi 400 bảng.” (Dorothea Beale of Cheltenham của Elizabeth Raikes, trang 91)
XXX. Những từ “rỗng tuếch và không hợp cách” đòi hỏi sự định phẩm. Sẽ không ai xác nhận rằng những giảng viên và tất cả những bài giảng là “rỗng tuếch và không hợp cách”; nhiều chủ đề chỉ có thể được dạy với những biểu đồ và những chứng minh mang tính cá nhân. Những từ trong văn bản chỉ nói tới các cậu con trai và các cô con gái của những người đàn ông học thức đã giảng giải cho anh chị em của họ về văn học Anh; và vì những lý do rằng có một thực hành cổ xưa từ thời Trung cổ khi những cuốn sách còn hiếm hoi; rằng nó còn sống sót là nhờ ở những động cơ thuộc về tiền bạc; hay nhờ ở sự hiếu kỳ: rằng việc xuất bản dưới hình thức sách là chứng cứ đầy đủ về hiệu quả xấu xa của một lượng thính giả đối với một giảng viên về mặt trí tuệ; và rằng sự nổi tiếng về mặt tâm lý bên trên bục giảng khuyến khích sự phù phiếm và niềm khao khát thi thố quyền lực. Thêm nữa, sự giảm thiểu văn học Anh xuống thành một đề tài thi cử phải được xem xét với sự ngờ vực bởi tất cả những ai có kiến thức trực tiếp về độ khó của nghệ thuật này, và do đó của chính cái giá trị giả tạo của một sự chấp nhận hay không chấp nhận của một người chấm thi; và với niềm tiếc nuối sâu sắc bởi tất cả những ai mong muốn giữ gìn nghệ thuật của mình, ít ra là ngoài bàn tay của những người đàn ông giai cấp trung lưu, và tự do nằm ngoài, càng lâu càng tốt, mọi mối liên kết với sự cạnh tranh và kiếm tiền. Một lần nữa, bạo lực mà với nó hiện nay một trường phái văn học chống đối một trường phái khác, tốc độ nhanh chóng mà với nó một trường phái về thị hiếu thành công so với trường phái khác có thể bị truy nguyên một cách phi lý tới sức mạnh mà với nó một trí tuệ trưởng thành đang thuyết giảng cho những trí tuệ còn non nớt phải làm cho họ tiêm nhiễm bởi những ý kiến mạnh mẽ, nếu ngẫu nhiên, và pha màu cho các ý kiến đó với xu hướng cá nhân. Cũng không thể xác nhận rằng tiêu chuẩn của văn học sáng tạo hay phê bình đã được nâng cao. Một chứng cứ thê thảm về việc giới trẻ bị giảm thiểu thành những kẻ ngoan ngoãn về mặt tâm thần bởi các giảng viên là việc yêu cầu đối với những bài giảng về văn học Anh dần dần tăng lên (như mọi nhà văn có thể chứng kiến) và từ chính tầng lớp mà lẽ ra phải học đọc ở nhà – tầng lớp học thức. Nếu, như đôi khi cần có lý do, điều mà các tổ chức văn học trong trường cao đẳng khao khát không phải là kiến thức về văn học mà là sự quen biết với những nhà văn, có những ly cốc-tai, và có rượu nâu; cả hai tốt hơn đừng bị pha với Proust. Dĩ nhiên không điều nào trong đây áp dụng cho những kẻ mà nhà họ không có đủ sách. Nếu giai cấp lao động thấy dễ tiêu hóa văn học Anh qua truyền khẩu hơn, họ hoàn toàn có quyền yêu cầu tầng lớp học thức giúp họ làm điều đó. Nhưng đối với những cậu con trai và những cô con gái của tầng lớp đó sau tuổi mười tám, việc tiếp tục nhấm nháp văn học Anh qua một cọng rơm là một thói quen dường như xứng đáng với mấy từ rỗng tuếch và không hợp cách; các từ đó có thể được áp dụng một cách chính xác với sức mạnh lớn hơn đối với những kẻ cố thỏa mãn cho họ.
XXXI. Khó mà kiếm được những con số chính xác về các khoản đã trợ cấp cho con gái của những người đàn ông trí thức trước hôn nhân. Sophia Jex-Blake có một khoản trợ cấp từ 30 tới 40 bảng hàng năm; cha cô là một người thuộc tầng lớp trung lưu cao hơn. Phu nhân Lascelles, có cha là một bá tước, hình như được trợ cấp khoảng 100 bảng năm 1860; ông Barrett, một thương nhân giàu có, trợ cấp cho Elizabeth con gái ông “từ 40 tới 45 bảng… mỗi ba tháng, thuế thu nhập đã bị khấu trừ từ đầu.” Nhưng đây dường như là khoản lãi suất trên 8.000 bảng, “hoặc hơn hoặc kém… khó mà hỏi về nó,” mà cô ta có “trong các khoản ngân quỹ”, “số tiền được chia thành hai tỷ lệ phần trăm khác nhau” và rõ ràng, dù thuộc về Elizabeth, vẫn nằm dưới sự kiểm soát của ông Barrett. Nhưng đây là những phụ nữ chưa kết hôn.
Những phụ nữ đã kết hôn không được trợ cấp cho tài sản riêng cho tới khi thông qua Đạo luật về tài sản của phụ nữ đã kết hôn năm 1870. Phu nhân St Helier ghi lại rằng vì các điều khoản hôn nhân của bà đã được soạn thảo theo luật cũ, “Số tiền tôi có nằm trong tài sản của chồng tôi, và không phần nào của nó được giữ lại cho việc tiêu dùng riêng của tôi… Thậm chí tôi không có một cuốn sổ chi phiếu nào, tôi cũng không thể có chút tiền nào trừ phi hỏi xin chồng tôi. Ông tốt bụng và phóng khoáng nhưng ông mặc nhận với vị trí khi ấy đang tồn tại rằng tài sản của một phụ nữ thuộc về chồng của cô ta… ông trả mọi hóa đơn của tôi, ông giữ cuốn sổ ngân hàng của tôi, và cho tôi một khoản trợ cấp nhỏ để chi tiêu những việc cá nhân. (Memories of Fifty Years của Phu nhân St Helier, trang 341) Nhưng bà không nói chính xác số tiền là bao nhiêu. Những khoản tiền trợ cấp cho các cậu con trai của những người đàn ông trí thức lớn hơn một cách đáng kể. Một khoản trợ cấp 200 bảng được xem là chỉ vừa đủ cho một sinh viên chưa tốt nghiệp ở Balliol, “vốn vẫn có những truyền thống tiết kiệm”, vào khoảng năm 1880. Trên khoản trợ cấp đó “họ không thể đi săn và chơi cờ bạc… Nhưng với sự quan tâm và với một ngôi nhà để quay về vào những kỳ nghỉ lễ, họ có thể thực hiện điều đó.” (Anthony Hope and His Books của Sir C. Mallet, trang 38)  Số tiền cần tới hiện nay nhiều hơn đáng kể. Gino Watkins không bao giờ tiêu hơn 400 bảng trợ cấp mỗi năm mà với nó anh trả mọi hóa đơn cao đẳng và nghỉ lễ của mình.” (Gino Watkins của J. M. Scott, trang 59) Người này học ở Cambridge, cách đây vài năm.
XXXII. Các độc giả tiểu thuyết đều biết những người phụ nữ đã bị nhạo báng liên miên ra sao suốt thế kỷ 19 do nỗ lực tiến vào nghề nghiệp duy nhất của họ, vì những nỗ lực đó cung cấp nửa phần kho dữ liệu cho văn học hư cấu. Nhưng tiểu sử cho thấy nó tự nhiên như thế nào, thậm chí trong thế kỷ hiện tại, vì đa số những người đàn ông có học đều quan niệm về tất cả những người phụ nữ như là những bà cô quá lứa lỡ thì, tất cả đều khao khát hôn nhân. Do vậy, có lần ông (G.L. Dickinson) đã buồn bã lẩm bẩm “Ôi chao, chuyện gì xảy ra với họ vậy?” khi một dòng lũ lượt những bà cô quá lứa đầy khao khát nhưng không gây được xúc động lượn quanh trước hoàng cung của nhà vua; “Tôi không biết và họ cũng không biết.” Và rồi với một giọng trầm hơn, như thể những kệ sách của ông có thể nghe lén ông, “Ôi Trời! Cái họ muốn là một ông chồng! (Goldsworthy Lowes Dickinson của E. M. Forster, trang 106) “Cái họ muốn” có thể là quán rượu, sàn chứng khoán hay những căn phòng trong những tòa nhà của Gibbs, nếu sự lựa chọn mở ra với họ. Nhưng nó không mở ra; và do đó nhận xét của ông Dickinson là một nhận xét rất tự nhiên.
XXXIII. “Thi thoảng, ít nhất là trong những ngôi nhà lớn, sẽ có một đám quan khách tới dự tiệc, được chọn lọc và mời trước từ lâu, và trong những bữa tiệc đó luôn có một thần tượng nổi trội – con gà lôi. Săn bắn đã được sử dụng như một sự cám dỗ. Vào thời ấy, người cha trong gia đình có xu hướng cố gắng. Nếu ngôi nhà của ông ta tràn ngập khách, rượu vang của ông ta được uống thả dàn, và ông đã cung cấp một khu vực săn bắn tốt nhất, vậy thì ông sẽ có những tay súng tốt nhất có thể có cho cuộc săn bắn. Bà mẹ của những cô con gái sẽ thất vọng biết bao nếu nghe nói rằng một người khách, kẻ mà trong tất cả những người khác bà mong mỏi mời cho được lại là một tay súng tồi và hoàn toàn không thể chấp nhận!” (‘Society and the Season,’ của Mary, Nữ bá tước xứ Lovelace, trong Fifty Years, 1882-1932, trang 29)
XXXIV. Một ý tưởng về điều mà những người đàn ông hy vọng rằng vợ của họ có thể nói hay thực hiện, ít ra là trong thế kỷ 19, có thể thu thập từ những gợi ý sau đây trong một lá thư “gửi cho một tiểu thư, người mà anh ta đã có một quan tâm lớn không lâu trước khi cô ta kết hôn” của John Bowdler. “Trên tất cả, tránh mọi thứ có xu hướng nhỏ nhất tỏ ra khiếm nhã hay bất lịch sự. Chỉ một ít phụ nữ biết rằng những người đàn ông ghét thậm tệ tới mức nào sự tiếp cận nhẹ nhàng nhất với những điều đó ở bất kỳ người phụ nữ nào, nhất là ở một người mà họ gắn bó. Bởi việc chăm sóc phòng dành riêng cho trẻ con hay người đang nằm trên giường bệnh, những người phụ nữ quá có khuynh hướng thụ đắc một thói quen trong việc trò chuyện về những đề tài như thế bằng thứ ngôn ngữ khiến cho những người đàn ông lịch sự phải bị sốc.” (Life of John Bowdler, trang 123)
Nhưng dù sự duyên dáng có tính chất thiết yếu, nó có thể, sau hôn nhân, bị ghét cay ghét đắng. “Trong những năm bảy mươi của thế kỷ trước, cô Jex-Blake và các bạn đồng sự đã đấu tranh sôi nổi cho sự chấp nhận phụ nữ trong nghề nghiệp y khoa, và các vị bác sĩ vẫn mạnh mẽ chống đối sự lấn sân của họ, tuyên bố rằng thật không thích hợp và đồi phong bại tục khi một phụ nữ phải nghiên cứu và xử lý những vấn đề y khoa tinh tế và sâu sắc. Vào thời điểm đó, Ernest Hart, biên tập viên của Tạp chí Y khoa Anh Quốc có nói với tôi rằng đại đa số những đóng góp được gửi tới ông ta để xuất bản trong tạp chí đều dính dáng tới những vấn đề y khoa tinh tế và sâu sắc với nét chữ viết tay của vợ những ông bác sĩ, rõ ràng là họ đã đọc để các bà ấy viết lại. Vào thời đó không có máy đánh chữ hay người viết tốc ký. (The Doctor’s Second Thoughts của Sir J. Crichton- Browne, trang 73, 74)
Tuy nhiên, tính chất nước đôi của sự duyên dáng đã được quan sát từ lâu trước chuyện này. Mandeville đã nói thế này trong The Fable of the Bees (1714):“Lẽ ra trước hết tôi phải cho rằng sự khiêm tốn của phụ nữ là kết quả của tập quán và sự giáo dục, qua đó tất cả những sự lột trần không đúng mốt và những cách diễn tả bẩn thỉu là sự thể hiện đáng sợ và kinh tởm đối với họ, và rằng dù có như thế, người phụ nữ trẻ đức hạnh đang còn sống thường thường sẽ có, bất chấp bộ răng của cô ta, những ý nghĩ và ý tưởng ngượng ngùng về những sự vật nảy sinh trong trí tưởng tượng của mình, mà cô ta sẽ không tiết lộ cho một số người nào đó vì một ngàn thế giới.”


[1] Quỹ Giáo dục Arthur (Arthur’s Education Fund) là một lý thuyết về bất bình đẳng giới của Virginia Woolf, xuất phát của cụm từ này là cuốn tiểu thuyết Pendenis.
[2] Tiểu thuyết của tác giả Anh William Makepeace Thackeray. Bối cảnh là nước Anh thế kỷ 19, đặc biệt ở London. Nhân vật chính là Arthur Pendennis, một chàng quý tộc trẻ tuổi.
[3] King’s Counsel: một địa vị tư pháp của giới luật sư Anh.
[4] League of Nations, viết tắt là LON, một tổ chức liên chính phủ được thành lập như là một kết quả của Hội nghị Hòa bình Paris sau khi Thế chiến I kết thúc. Đây là tổ chức quốc tế thường trực đầu tiên có nhiệm vụ chủ yếu là duy trì hòa bình thế giới.
[5] Phần này được viết trong mùa đông 1936 -7.
[6] Order of Merit: Huân chương công trạng, do triều đình ban tặng để ghi nhận công trạng cho những cá nhân có đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực quân sự, khoa học, văn học, nghệ thuật và quảng bá văn hóa. Trình tự của các loại O.M. tùy thuộc vào từng quốc gia áp dụng.
[7] Order of Merits.
[8] Fellow of Royal Society.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét