Dịch từ nguyên tác
Collected Stories for Children [1947]
của Walter de la Mare
Dịch giả giữ bản quyền bản Việt ngữ
Copyright © Nguyễn Thành Nhân 2009
Sáng
hôm ấy –- cách nay đã rất nhiều năm – bé Maria mặc một chiếc váy yếm màu đen và
trắng có viền ren. Mái tóc của bé được cột ở phía sau đôi vành tai nhỏ nhắn
bằng một sợi ruy-băng trắng. Bé ngồi trong phòng khách, trên một cái ghế bành
tô thấp có trải đệm. Đôi chân mang vớ dài đong đưa về phía trước. Bé chỉ
có một mình. Bé đã đi lang thang vào đó, không có ai đi cùng; sau khi đi vòng
vòng một lúc để nhìn ngắm mọi vật trong phòng và đưa mũi ngửi cái bát đựng mấy
đóa hoa hồng Damas, bé ngồi xuống đó, trông rất xinh xắn, và từ tốn đến nỗi bạn
gần như có thể cho rằng có một người nào đó đang hiện diện và bé đang “đóng
kịch.”
Nhưng
không phải thế, chỉ là bé đang suy nghĩ. Đó là một buổi sáng yên tĩnh. Căn
phòng khá dài, với hai khung cửa sổ vòm lắp kính vuông. Ánh nắng rọi vào căn
phòng im lặng và dù trông như thể không còn một sinh vật nào khác giữa những
bức tường ngoại trừ chính bé, cả căn phòng cũng trông có vẻ rất hạnh phúc. Và
Maria bắt đầu suy nghĩ – nói đúng hơn, không chính xác là suy nghĩ mà cũng
không chính xác là mơ mộng, mà là (nếu có thể là như thế) bé thực hiện cả hai
điều cùng một lúc; dù bé không thể nói với bất cứ người nào rằng bé đang suy
nghĩ và mơ mộng về cái gì.
Bé
đã ăn điểm tâm một chén bánh mì chấm sữa, nửa trái táo và hai lát bánh mì kẹp
mứt. Bé cảm thấy thoải mái. Giờ tập đàn dương cầm của bé ở căn phòng cũ kế bên
phòng dành cho trẻ con đã qua rồi, và giờ chỉ có một mình bé. Nhưng bé thấy lẻ
loi hơn bình thường. Như thể bé không chỉ đang ngồi đó đong đưa chân trong
chiếc ghế bành tô trải đệm màu xanh dương mà còn có thể nhìn thấy chính bản
thân bé đang ngồi đó. Khi chợt nghĩ ra ý tưởng này, bé hơi giật mình chút xíu.
Như thể ắt hẳn vào lúc ấy bé đã trượt vào trong một giấc mơ. Bé ngẩng nhanh
gương mặt tròn trĩnh, trong sáng lên, chớp chớp mắt để chắc chắn điều đó. Và bé
nhìn thấy một con ruồi đậu trên lớp sơn trắng ở cạnh cánh cửa ra vào, cách đó
không xa lắm.
Đó
chỉ là một con ruồi. Nhưng chỉ vì vào lúc ấy mọi thứ trên đời đều quá yên tĩnh,
và cũng có lẽ vì khác với những bộ bàn ghế xung quanh nó, con ruồi là một vật
sống động, nên Maria dán mắt vào nó. Tuy nhiên đó chỉ là một con ruồi hoàn toàn
bình thường – một con ruồi nhà. Nó đứng đó một mình trên sáu cái chân lông lá
và những bàn chân có vuốt, những cái gan bàn chân bé tí ti, lanh lợi của chúng
dính chặt vào lớp sơn bóng láng. Nhưng dù bình thường, nó khá là nổi bật – như
cảnh tượng một người đàn ông mặc quần áo đen với đôi ủng to tướng và một cái
nón chóp cao trên một sườn núi rộng phủ tuyết cheo leo cũng khá là nổi bật. Và
có vẻ như Maria đang nhìn con ruồi một cách rõ ràng và tỉ mỉ hơn là bạn nghĩ,
để đo lường khoảng cách giữa nó và bé.
Mặt
khác, không phải con ruồi chỉ đậu ở đó và không có chi để làm giống như bé
Maria ngồi đó không có chi để làm. Ví dụ, nó không chỉ đơn giản đậu trên lớp
sơn trong căn phòng khách của nó và nhìn vào một con ruồi khác bé tí hơn nhiều
trên lớp sơn trắng của một cánh cửa tí hon của căn phòng đó. Nó bận rộn như
những con ruồi vẫn luôn bận rộn trong những tháng hè ấm áp.
Bé Maria đã thức dậy và tự mặc quần áo nhiều giờ trước đó;
nhưng những con ruồi dường như lúc nào cũng đang mặc quần áo, hay ít nhất cũng
đang làm vệ sinh và tự chải chuốt khi chúng không bay lảng vảng trên một cái
bàn để tìm thức ăn, hay bay lang thang khắp chốn, hay hút nước, hay đậu như
những con ruồi giả vờ ngủ, hay lượn vòng trong không khí bên dưới một ngọn đèn
chùm, hay rủ rê một con ruồi khác cùng kết bạn.
Không
phải là Maria yêu thích những con ruồi, dù với bất kỳ lý do nào. Bé đã xua
chúng đi nơi khác bằng cái muỗng khi chúng bay vo ve trên cái bánh flăng hay
bánh tạc nhân nho đỏ và quả mâm xôi của bé, hay đáp lên trên cánh tay trần của
bé, hay đang bò nhanh vòng quanh trên tấm ra trải giường. Có lần bé đã rứt đôi
cánh của một con ruồi khỏi thân hình nó, và không thể nào quên được bé đã cảm
thấy hôi đến ngạt mũi và nóng như thế nào sau khi làm điều đó.
Và có một điều mà bé Maria không thể nào chấp nhận được, đó
là việc một con ruồi nổi bập bềnh trong cái bồn tắm của bé. Việc đó khác thường
ở chỗ dù cái xác của nó chỉ là một vật bé tí ti, ngay lúc ấy bạn hoàn toàn
không thể nhìn thấy một thứ gì khác hơn được. Nó khác thường ở chỗ toàn bộ số nước
ngay lúc ấy dường như biến thành “nước-ruồi”.
Bé thường yêu cầu bà vú vớt cái xác của con vật không may
ra khỏi bồn tắm và đặt nó lên ngưỡng cửa sổ để nhỡ khi nó chưa chết hoàn toàn
và có thể hồi phục lại.
Và sáng hôm sau nếu bé nhớ
ra và tới thử nhìn xem, có thể nó không còn, cũng có thể nó vẫn còn ở đó
– nhưng chỉ thân hình của nó. Bé cũng từng nghe thấy nhiều lần tiếng vo ve buồn
thảm yếu ớt của một con ruồi khi nó bị vướng vào một tấm mạng nhện và nhìn thấy
con nhện từ chỗ ấn nấp hình tròn óng bạc của nó ở một góc chạy ra tấn công.
Việc đó khiến cho lòng bé tràn ngập niểm kinh hãi, căm ghét và sự xót thương.
Thế nhưng nó không khiến cho bé thấy thích những con ruồi hơn chút nào vì chính
bản thân của chúng. Nhưng không phải lúc nào người ta cũng luôn luôn có cảm
giác chính xác y như thế về bất cứ vật gì. Nó tùy thuộc vào việc bạn đang ở
đâu, bạn đang trong tâm trạng như thế nào và vật kia đang ở đâu và tâm trạng
của nó ra sao.
Sáng nay cũng thế. Vì một lý do nào đó, con ruồi cụ thể này
rất khác biệt; và bé Maria ngồi nhìn nó thật chăm chú. Dường như cũng giống như
bản thân bé Maria là một cô bé cụ thể, nó là một con ruồi cụ thể. Một con ruồi
lẻ loi một mình. Một con ruồi đang sống cuộc đời của nó, tự tin, lanh lẹ, một
mình, trong Thế giới Ruồi của nó.
Xét từ sự lẻ loi và cung cách con ruồi sử dụng thời gian
của nó một cách thoải mái, bất cẩn và bận rộn, thật sự có thể cho rằng nó có
toàn thể vũ trụ riêng của nó. Nó có thể cho rằng nó là sao Thiên Lang (Sirius)
chứ không phải là ngôi sao nào khác trên bầu trời. Một lúc sau đó, bé Maria trở
nên tập trung chú ý đến nỗi dường như bé đang làm gì đó nhiều hơn là chỉ đơn
thuần quan sát con ruồi. Bé như bị thôi miên.
Lúc
này bé cúi rạp người trên chiếc ghế như thể bé là một cái gối cắm kim còn đôi
mắt của bé là hai cây kim có cái đầu đen cắm trong đó. Dường như bé gần như trở
thành một con ruồi: Maria-Ruồi. Nếu có thể như thế, bé đã trở thành hai thứ
cùng một lúc. Đó là một trải nghiệm lạ lùng, và nó kéo dài ít nhất ba phút theo
cái đồng hồ nhỏ bằng vàng, với con cá mắt lồi mạ vàng ở hai bên mặt đồng hồ,
nằm bên dưới cái hộp thủy tinh trên bệ lò sưởi. Ba phút, nghĩa là theo thời
gian bình thường của cái đồng hồ.
Vì khi bản thân bé Maria hồi tỉnh lại, dường như bé đã đi
xa ít nhất là ba thế kỷ - như thể, như kẻ xa lạ trong một bài thơ, bé đã cùng
với cây nến của mình đi hết quãng đường tới Babylon: như thể bé đã ra đi khi là
Maria, trở lại là Maria-Ruồi và bây giờ lại chỉ là Maria. Thế nhưng, khi bé đã
hồi tỉnh, mọi thứ hơi khác đi chút xíu.
Bé không thể giải thích vì sao, nhưng bé cảm thấy vô cùng
vui vẻ. Như thể có một giọng hát, ngọt ngào và vang vọng như giọng hát của
thiên thần Israfel, đang cất lên trong tâm trí bé từ một nơi rất xa xăm. Bé
nhìn quanh mình với sự kinh ngạc lạ lùng. Mọi vật trong phòng yên tĩnh hơn bao
giờ hết, thế nhưng bé gần như có thể cho rằng một khoảnh khắc trước đó chúng đã
sống động và quan sát bé, và bây giờ lại giả vờ như không hề sống động.
Bé nhìn những bông hồng trong cái bát. Chúng đang nổi bập
bềnh trong bát, tỏa ra mùi hương và vẻ đẹp như một giọt sương được ánh sáng rọi
lên. Những con cá ở hai bên cái đồng hồ nhỏ dường như được làm bằng lửa thay vì
bằng nhựa mạ vàng. Có cả một khoảnh nắng nữa – chỉ là một khoảnh nắng hình chữ
nhật đang nằm trên tấm thảm và một phần của một cái ghế. Dường như trông nó
đáng yêu hơn là ngôn từ có thể nói lên và nó nằm ở đó như thể đang tôn thờ vẻ
đẹp của chính nó. Bé Maria nhìn thấy tất cả những điều này với đôi mắt trẻ thơ
của mình, và không thể nhận ra chuyện gì đã xảy ra cho bé. Bé mừng vì được ở
một mình. Bé chưa bao giờ cảm thấy như thế trước đó. Như thể bé đã ngưng không
còn là chính bản thân bé, trong bộ váy đen và trắng, và đã trở thành một gói đồ có dán nhãn “Hạnh phúc Thuần túy” với
ngày tháng bên trên.
Khi bé dần nhận ra rằng căn phòng yên tĩnh như thế nào – và
tất cả mọi sự vật yên lặng, dĩ nhiên, dường như đang nhòm ngó – bé cảm thấy bé
phải đi ra khỏi phòng. Bé cảm thấy bé phải đi ra khỏi nó ngay lập tức. Thế là
bé trườn xuống khỏi cái ghế. Một cách cố tình, thậm chí bé không nhìn lại con
ruồi bạn của bé. Bé đặc biệt không muốn nhìn lại nó một lần nữa (dù bé không
biết vì sao). Bé đi hơi nghiêng qua một bên, đầu bé quay sang một phía, để
không phần nào của mắt bé có thể tình cờ nhìn thấy lại con ruồi.
Bé đi ra khỏi phòng, băng qua đại sảnh rồi đi xuống những
bậc cầu thang tối để vào nhà bếp. Có một ngọn lửa đang cháy trên mặt bếp lớn
được lau chùi bóng loáng. Một cây xanh hiện ra ở cửa sổ, và một vại thủy tinh
còn lưng nửa phần bia với những con tò vò bay vòng quanh đang sáng lấp lánh
trên ngưỡng cửa sổ. Bà Poulton, đầu bếp, đang lăn một cục bột trên tấm ván nhồi
bột, với một cái tạp dề được cột chặt quanh eo. Có một cái lọ rắc bột to tướng
bên cạnh tấm ván nhồi và một con thỏ có bộ lông mềm như len màu nâu và trắng
tuyết đang nằm ở đầu bàn phía bên kia. Bộ răng dài trắng tinh của nó sáng lấp
láng như ngà voi giữa đôi môi hé mở.
“Bà Poulton ơi,” bé Maria nói, “cháu đã nhìn thấy một con
ruồi.”
“Ổ, vậy sao?” bà đầu bếp nói. Và chữ “vậy sao” giống như
một thung lũng hay một đồng cỏ uốn lượn lên xuống với những bông hoa dại nở
khắp nơi trong đó. “Thế con ruồi có nhìn thấy cháu không?”
Bé Maria chưa hề nghĩ tới điều này. Bé hơi nhíu mày. “Nó có
rất nhiều mắt, bà biết đó,” bé nói. “Nhưng ý của cháu là cháu đã nhìn thấy nó.”
“Đó là một điều lạ lùng,” bà đầu bếp nói, khéo léo nhấc cục
bột lên và trùm nó lên những trái mận ngọt, thẫm màu, tròn trịa trong cái dĩa
bánh nông, với một cái chén đựng trứng lật úp nằm ở giữa. Bà nhìn nó rồi cầm
con dao làm bếp lên và, khéo léo như một người thợ cạo, liếc lưỡi dao quanh rìa
của cái dĩa để cắt bỏ những phần thừa. ‘Cháu có thích một con búp bê không,
cháu cưng?” Bà nói.
“Không, cám ơn bà,” bé Maria nói, hơi nghiêm nghị, vì không
muốn đề tài bị thay đổi. “Cháu đã kể cho bà nghe về con ruồi,” nó lặp lại, “thế
mà dường như bà không hề chú ý gì tới nó.”
Bà đầu bếp nhấc con dao cắt bột lên, quay gương mặt tròn
của bà lại và nhìn cô gái bé tí. Bà có một đôi mắt nhỏ, linh hoạt màu xanh trời
nhạt, còn mái tóc bên dưới cái mũ trùm của bà thì vàng hoe như màu của rơm mới
cắt. Đó là một gương mặt hơi phinh phính, thế nhưng có nét. “Thế bà có thể hỏi
ý của cháu là gì hay không?” bà nói, nhìn bé Maria.
‘Ý cháu là,” Maria nói một cách bướng bỉnh, “cháu đã nhìn
thấy một con ruồi. Nó đậu trên lớp sơn của cánh cửa phòng khách, và nó chỉ lẻ
loi một mình.”
“Ở đâu nào?” Bà Poulton nói, cố nghĩ ra điều gì đó để nói.
“Cháu đã nói là trên cánh cửa.” Maria nói.
“Vâng, nhưng ở chỗ nào trên cánh cửa?” Bà đầu bếp khăng
khăng.
“Ở bên phía nó bị cắt và có một phần khác gắn vào.”
“Ồ, trên thanh dọc của khung cửa [jamb],” bà Poulton nói.
“Mứt à! [jam]” Bé
Maria nói. ‘Làm sao mứt lại có thể ở trên cánh cửa?”
‘Ồ, bà không chắc về chuyện đó, cô bé hay ăn vụng à,” bà
đầu bếp nói. “Nhưng ý bà nói là jamb,
có nghĩa là thanh dọc của khung cửa, chí ít là bà nghĩ rằng nó đánh vần khác
hơn. Thế con ruồi - những con vật xấu tính ấy- đang làm gì?”
Bé Maria nhìn bà. “Đó là điều mà mọi người nói,” bé nói.
“Con ruồi của cháu không làm bất cứ điều gì xấu cả.” Thật ra điều này không chính
xác lắm, và cảm thấy hơi khó chịu về nó, bé Maria nhận xét với một giọng rất
khẽ. “Nhưng giờ thì cháu đi đây, cám ơn bà.”
“Đúng đấy,” bà đầu bếp nói. “Hãy cẩn thận và chú ý tới
những bậc thang nhé, cháu yêu quý của bà.”
Bé Maria liếc nhìn những con tò vò đang bay lượn trên cái
chai, liếc nhìn bà Poulton, ngọn lửa trên mặt bếp, những cái úp đĩa treo trên
tường. Rồi bé đi ra cửa.
Bé vẫn lưu ý tới những bậc thang nhà bếp nhiều như thường
lệ, dù bé hơi phẫn nộ sau cuộc trò chuyện với bà đầu bếp. Khi lên tới đầu cầu
thang, bé tiếp tục đi dọc theo tòa đại sảnh trơn trợt, đi qua cái đồng hồ của
ông nội, với gương mặt vầng trăng màu trắng trên nền xanh của những chiếc kim,
đi qua cái bàn với chậu quỳ thiên trúc hoa màu hồng thắm bên trên, rồi trèo lên
cái cầu thang rộng, hơi cạn, lần lượt vịn vào từng chiếc tay nắm của lan can,
nhưng cố bước gần vào khoảng giữa tấm thảm cầu thang mềm có in hình những bông
hồng.
Lên tới đầu cầu thang, bé đi tới một căn phòng mà bé biết
bé sẽ tìm thấy một người khách đang cư ngụ trong nhà. Tên của ông là Kittleson.
Ông là một mục sư, và sáng thứ Bảy ấy ông đang viết một bài giảng đạo cho ngày
Chủ nhật. Bài giảng của ông có tựa là “Hãy xem xét những cây hoa loa kèn trên
cánh đồng… Chúng không lao động mà cũng không dạo chơi.”
Sau khi sờ soạng cái tay nắm cửa một lúc, bé Maria đẩy cửa
mở ra và nhìn vào. Ông cụ đang ngồi đó, trong một cái ghế da tròn, bộ râu bạc
phơ rũ xuống ngực, tờ bài giảng của ông đặt trên quyển sổ giấy thấm trước mặt
ông, bên cạnh là một cái giá để bút mực bằng đồng. Đôi môi ông động đậy trong
lúc ông viết. Nhưng khi nghe tiếng cửa mở ông dừng bút, quay cái đầu đang cúi
xuống lại và nhìn bé Maria qua đôi kính gọng vàng.
“Ồ, ồ, cháu thân mến, thật là một cảnh tượng rất thú vị,
ông có thể làm gì cho cháu nào?” Ông nói. Ông là một trong những quý ông lớn
tuổi đặc biệt, không bao giờ lưu tâm tới việc bị cắt ngang thậm chí cả khi họ
đang viết những bài giảng đạo.
“Cháu,”
bé Maria nói, hơi nhích thêm một chút vào trong căn phòng, “cháu vừa nhìn thấy
một con ruồi! Nó đậu một mình trên… thanh dọc của cánh cửa phòng khách.”
“Trong phòng khách? Thật thế!” ông cụ nói, vẫn còn nhìn nó
qua đôi kính gọng vàng. “Nó là một con ruồi rất may mắn khi được cháu kết bạn,
cháu thân mến của ông. Và cháu thật là tốt bụng khi tới đây nói cho ông biết.”
Bé
Maria gần như không hài lòng với sự nhã nhặn của ông cụ y hệt như với cuộc trò
chuyện với bà nấu bếp. “Vâng,” bé nói, “nhưng đây không phải là một con ruồi
bình thường. Nó chỉ có một mình, và cháu nhìn thấy nó.”
Ông cụ nhìn một cách lơ đãng xuống dòng chữ rõ ràng, hơi
nghiêng của mình trên tờ giấy. “Thế ư?” Ông nói. “Nhưng Maria bé bỏng của ông
ạ, không có con ruồi nào thật sự bình thường. Chúng là những sinh vật rất đáng
chú ý nếu cháu nhìn chúng một cách chăm chú. Nhất là khi qua một cái kính hiển
vi. Cuốn sách nói: ‘được tạo ra một cách đáng sợ và kỳ diệu’ là nghĩa làm sao?
Chúng có cái mà người ta gọi là một cái vòi – cái mũi dài, cháu biết đó, giống
như những con voi. Và chúng có thể đi ngược xuống. E hèm, chuyện đó thế nào?”
Ngay lúc ấy, từ trong cái tổ tối tăm của nó, một con bướm
đêm có lớp vỏ ánh bạc bay lướt qua ánh nắng bên trên bàn viết của ông. Ông cụ
vung tay về phía nó, nhưng nó đảo người bay vút lên và thoát khỏi nắm tay của
ông.
“Bà bếp bảo những con ruồi là những sinh vật xấu tính,” bé
Maria nói.
“À,”
vị mục sư đáp, “ông không nghi ngờ gì rằng bà bếp phải tránh có chúng trong
thức ăn của chúng ta. Nhưng chúng có cách sống của chúng, điều có thể không làm
cho chúng ta hài lòng, cũng như chúng ta có cách sống riêng của chúng ta và có
thể không làm cho một người nào đó hài lòng. Nhưng ngay cả một con ruồi, cháu
cưng ạ, cũng hưởng thụ cuộc đời bé nhỏ của riêng nó và làm điều mà nó muốn làm.
‘Chú ruồi bé nhỏ, bận rộn và đang đói,”
ông cụ bắt đầu, nhưng bé Maria, người đang chăm chú nhìn ông như lúc nãy nhìn
con côn trùng (nghĩa là trước khi bé trở thành một bé Maria-Ruồi), cắt ngang
câu thơ của ông ngay lập tức.
“Đó là một bài thơ đẹp,”
bé nói, gật đầu. “Cháu biết rất rõ bài thơ đó, cám ơn ông. Nhưng đó là tất cả
những gì cháu muốn nói. Rằng cháu đã nhìn thấy nó. Cháu không nghĩ cháu có thể
nói cho ông nghe điều gì khác – vì thế, cháu muốn nói rằng cháu giải thích cho
ông nghe.”
Ông cụ, với cây bút trong tay, tiếp tục mỉm cười với vị
khách của mình qua chòm râu theo một cách thức dịu dàng đầy thận trọng mà ông
luôn giữ, cho tới khi cô bé đã vòng ra sau cánh cửa, ra khỏi tầm mắt của ông và
khép chặt nó lại.
Trên đường quay về dọc theo hành lang, bé Maria đi qua cửa
phòng làm việc. Nó đang mở hé. Bé nhìn vào. Cô Salmon, trong chiếc váy đen,
đang ngồi bên cái bàn mà trên đó là một cái máy may. Lúc này cô đang bận may.
Cô luôn tỏa ra mùi thơm tươi mát, nhưng hơi thoang thoảng; dù cũng có cả mùi
long não nữa. Cô có một khuôn mặt dài trắng trẻo – trán cao và cằm nhọn – với
đôi mắt hơi lồi và đôi cùi chỏ hơi nhô ra. Cô và bé Maria là bạn cũ với nhau.
“Sáng nay cô có thể làm gì cho cháu, tiểu thư?” cô kêu lên
với một giọng trầm như giọng đàn ông.
“Ồ cháu chỉ ghé vào thôi, cô ạ, để nói với cô rằng cháu đã
nhìn thấy một con ruồi.”
“Nếu cháu nhìn qua cái lỗ của cây kim nhỏ nhất trong cái
túi đựng đồ kia, cháu sẽ thấy những cái cổng thiên đường,” cô Salmon nói, lại
tiếp tục may với một tiếng lách cách nghe lớn như thể có một ông thợ mộc đang
làm việc trong phòng.
“Đưa nó cho cháu,” bé Maria nói.
“Ah ha!” cô Salmon kêu lên, “những vật như thế cần phải tìm
kiếm chúng.”
“Ah ha!” bé Maria kêu nhỏ, “và thế có nghĩa là sẽ làm rối
tung cả cái giỏ lên.”
“Không tìm gì thì không thấy gì,” cô Salmon nói to, “như
con mèo nói với con cá gai, câu này tốt hơn tiếng Latin nhiều, tiểu thư ạ. Và,
cô xin phép được hỏi, tên của ngài Ruồi Xanh đó là gì? Nếu cháu vui lòng đề
nghị quý ông đó quá bộ qua đây, cô sẽ làm cho ông ta một cái nhà bằng giấy có
chấn song, và chúng ta sẽ cho ông ta ăn dâu tây và kem.”
Tâm hồn của bé Maria dường như chìm xuống đôi giày của nó.
“Nó không phải là loại ruồi đó,” bé nói, “và… và cháu không muốn nói cho cô
nghe cái tên, cám ơn cô nhiều.”
‘Buổi sáng tốt lành,” cô Salmon nói, nhấc cây kim lên và mở
to đôi mắt, “và đừng quên giờ đóng cửa là lúc bảy giờ nhé.”
Điều lạ lùng là bé Maria cảm thấy rất thất vọng với sự biến
chuyển trong câu chuyện này khi xét tới việc bé và cô Salmon là những người bạn
cũ đến thế và luôn có chuyện nho nhỏ gì đó để vui thú cùng nhau. Bé Maria nhìn
người bạn đang ngồi thẳng lưng ở đó trong chiếc váy đen cổ cao, với mái đầu
ngẩng cao của cô ta.
“Buổi sáng tốt lành, tiểu thư,” cô Salmon nói.
Và
bé Maria rút lui.
Đối diện với phòng làm việc có một bức chân dung trong một
cái khung mạ vàng lớn treo trên đầu cầu thang. Bé Maria nhìn vị phu nhân được
vẽ trong đó, trong bộ quần áo kỳ lạ của bà ta, với một cái mũ trùm bằng vải
muslin xếp nếp cao trên đầu, và bé nói qua
hơi thở, dù không phát ra tiếng, “Phu nhân, bà không biết cháu đã nhìn
thấy một con ruồi.” Rồi nó chạy xuống cầu thang và gặp cha nó lúc ấy đang bước
ra khỏi căn phòng làm việc nhỏ của ông với cái khúc nối cuối cùng của một chiếc
cần câu cá trong tay. Ông mặc một bộ vét nâu xấu xí và mang một đôi giày nâu đế
dày.
“Cha ơi,” bé Maria gọi ông, “con vừa nói với ông ấy con đã
nhìn thấy một con ruồi.”
“Vậy sao,” ông nói, “cái con bé nhếch nhác mắt đen của cha.
Và có việc gì mà con phải lén lút tới phòng của ông ấy vào giờ này buổi sáng,
cha muốn biết đấy? Còn nói về những con ruồi, cô bé áo trắng đen ạ, con sẽ đề
nghị món gì cho buổi chiều nay, để cha hoàn toàn chắc chắn rằng cha sẽ câu được
một con cá hồi béo ngậy?”
“Cha biết đó, cha yêu.” Bé Maria nói một cách kiên quyết,
“cha luôn luôn quay ngoắt mọi thứ đi như thế. Đó là một chuyện rất đặc biệt mà
con muốn nói với cha.”
“Nhìn xem này,” cha của bé nói, gõ nhẹ cái chóp đầu của
chiếc cần câu thanh mảnh, “cái mà chúng ta sẽ làm là cái này, chúng ta sẽ làm.
Con sẽ kể cho cha nghe mọi thứ về con ruồi đó khi cha vào phòng con để chúc ngủ
ngon tối nay. Và có lẽ cho tới lúc đó con sẽ nhìn thấy nhiều thứ khác. Con sẽ
có một xu cho mỗi thứ bắt đầu bằng chữ Q. Có rất nhiều ruồi,” ông nói thêm.
“Con không nghĩ là con sẽ quan tâm tới việc nhìn thấy nhiều
thứ khác,” bé Maria nói, “nhưng cứ để xem!” Rồi bé bước vào khu vườn một cách
bình thản, thậm chí còn bình thản hơn cả Nữ hoàng Victoria già bé nhỏ.
Cho tới lúc đó, buổi sáng giống như một tấm gương soi có
khung màu xanh dương, nhưng giờ đây một đám mây đang trải ra trên bầu trời mênh
mông. Ở phía xa của khu vườn nhà bếp, bé Maria tình cờ gặp ông Pratt, người thợ
làm vườn. Với hai tay áo sơ mi vải coton sọc xắn cao bên trên khuỷu tay, ông ta
đang phun nước cho một cây hoa hồng rực rỡ đến nỗi giá như mặt trời hôm ấy lại
hiện ra lần nữa với tất cả vẻ huy hoàng, nó cũng không thể làm cho cây hoa hồng
đó thêm rực rỡ được. Bé Maria quan sát ông ta.
“Ông đang làm việc đó để làm chi vậy? Đưa cho cháu,” bé
Maria nói.
“Bình tĩnh, bình tĩnh, cháu thân yêu,” ông Pratt nói, “cháu
không thể tự một mình xoay xở với cái thứ to lớn này được.” Nhưng ông cũng đặt
cái bình phun nước còn đọng lại một giọt nước bé xíu trên cái vòi bằng đồng vào
đôi tay của bé. “Nào, ấn đi,” ông nói, “với tất cả sức của cháu.”
Maria ấn thật mạnh, cho tới khi những khớp ngón tay trên
hai bàn tay mũm mĩm của bé trở nên trắng bệch, còn mặt của bé thì đỏ bừng như
mận chín. Nhưng chả có gì phun ra cả. Thế là ông Pratt đặt đôi tay to bè màu
nâu lên đôi tay của nó, nắm lấy cái ống tuýp, rồi cả hai cùng ấn. Và một chùm
tia nước nhỏ mảnh mai như một đám mây nhỏ phun ra khỏi miệng vòi.
“Nó
phun ra rồi, bé Maria reo lên đắc thắng. “Cháu có thể làm nếu cháu thật sự cố
gắng. Xin nói cho cháu biết, ông làm thế để làm gì?”
“À,
đó là những bí mật,” ông Pratt đáp.
“Ồ,”
bé Maria nhại theo ông, “cháu cũng có một bí mật đây.”
“Đó
là gì thế?” Người thợ làm vườn hỏi.
Cô
bé giơ một ngón tay về phía ông. “Cháu-vừa-nhìn-thấy-một-con-ruồi. Nó có đôi
cánh giống như ông nhìn thấy dầu loang trên mặt nước, và một cái mặt đỏ với đôi
mắt màu bạc, và nó không bay vo ve hay làm chi hết, mà chỉ đưa hai chân trước
lên cào vào đôi cánh, rồi chà chà chúng. Rồi nó lắc lư cái đầu, và rồi bắt đầu
lại một lần nữa – nhưng cháu không có ý nói tới tất cả những chuyện đó. Ý cháu
là cháu đã nhìn thấy con ruồi – đã nhìn thấy nó, ý cháu là vậy.”
“À,”
ông Pratt nói, mồ hôi lấp lánh trên gương mặt nâu sậm của ông, và đôi mắt ông
xanh thẫm hơn mắt của bà Poulton, dù mặt trời và bầu trời ghen tỵ đã tẩy đi
phần lớn màu sắc của chúng. “À, một con ruồi? Và đó cũng là một thứ gì đó để
nhìn thấy. Nhưng còn những con bướm Meadow Browns bé nhỏ xinh xắn ở đằng kia
thì sao, và con bướm Painted Lady kia nữa – im lặng, nào, nhìn kìa – trên cụm
hoa cẩm quỳ đằng kia! Đó là một vẻ đẹp. Và hãy nhìn tất cả những kẻ lang thang
trên luống cải bắp mùa đông đằng kia nữa. Chúng ta sẽ không có nhiều rau, cô
chủ ạ, nếu cháu có thể tiêu thụ dưới mức trung bình, nếu chúng có cái cách bé
nhỏ của chúng.”
Bé Maria hoàn toàn có thể tiêu thụ dưới mức trung bình.
Nhưng bé ghét rau xanh. Bé ghét chúng nhiều như thể bé đã từng ăn chúng trên
những cái đĩa lạnh ở một thế giới khác. Thật kỳ lạ là không một ai có một nhận
thức nhỏ nhất nào về điều mà bé muốn nói về con ruồi. Không ai cả. Thật ngu
ngốc. Nhưng dù sao thì bé cũng nhìn con bướm Painted Lady. Nó đang đậu một cách
ẻo lả trên một bông hoa cẩm quỳ trắng nhợt như màu giấy, với đôi râu dài có
chóp tròn, và đang hút thứ mật hoa bí mật của nó cho toàn thế giới như Nữ hoàng
đang thưởng thức lát bánh mì dày với mật ong của bà trong phòng. Và rồi ánh
nắng lại hiện ra trên bầu trời, và tự kéo chính nó lướt qua khu vườn mờ mờ như
một tấm voan vàng óng ả. Đôi cánh của con bướm Painted Lady, với những đường
sọc và đốm màu cam, đen, và trắng, khẽ rung lên trong sức nóng êm dịu của ánh
nắng, như thể với một niềm hạnh phúc và khát khao không thể tả.
Nhưng dù bé Maria ngưỡng mộ con vật trong vẻ đẹp phô phang
của nó hơn là bé có thể nói ra, đây không phải là con ruồi của bé. Ít nhất, đây
không phải là Maria-Ruồi. Nó chỉ đơn giản là một con bươm bướm – nó đang chuyển
động một cách thanh nhã, một cách đáng yêu như ánh sáng, một cách đáng yêu như
một sự ảo huyền rực rỡ sắc màu đang trôi giạt bềnh bồng, mấy cái chân của nó
gập lại bên dưới thành bụng mỏng và giúp nó nhẹ nhàng lấy thăng bằng cho thân
hình mong manh nhẹ như lông chim trên cái bệ hoa đang đong đưa đó như thể thế
giới mà nó biết cũng thuần nhất như đá cẩm thạch và không có bất kỳ thay đổi
nào; dù lúc này đây nó hiện ra êm đềm như một giấc mơ.
Bé Maria thậm chí không suy nghĩ khi đang ngắm nhìn con
bướm, ngoại trừ một điều bé đang tự nhủ thầm, dù không sử dụng một lời nào,
rằng ngay bây giờ bé không muốn đi vào phòng khách chút nào; rằng bé không muốn
nhìn thấy lại con ruồi của bé; rằng bé không còn muốn trở thành người lớn nữa;
rằng người lớn không bao giờ có thể tiêu thụ dưới mức trung bình với ý nghĩa
tối thiểu nhất của điều mà bạn thật sự đang nói; rằng giá như họ đừng cố gắng
mỉm cười và nhẫn nại như thể một hơi thở lạnh lẽo nhẹ nhất cũng có thể thổi
văng bạn đi, bạn có thể chứng minh rằng cả bạn cũng đã trưởng thành và còn già
hơn họ nhiều – mặc dù bạn phải ăn rau xanh và làm những điều họ bảo và không
được phá ngang ông cụ đang viết những bài giảng đạo, và phải chờ cho tới giờ đi
ngủ - không, bé không thật sự suy nghĩ bất kỳ điều nào trong những thứ trên.
Nhưng lồng ngực nhỏ nhoi của bé phồng lên rồi xẹp xuống với một hơi thở dài
dằng dặc khi bé liếc nhìn lên ông Pratt một lần nữa.
Ông đang cần mẫn làm việc trở lại với cái bình phun nước,
và bấy giờ, vì mặt trời đang chiếu sáng, nó tạo thành một cái cầu vồng nhỏ rực
rỡ trong bầu không gian, gần như là hình tròn, với màu xanh lá đậm đà như màu
xanh của vô số con rệp vừng kết vào nhau như những chuỗi hạt sinh động xung
quanh cuống của những nụ hoa hồng.
“Cháu đã nói với ông,” giọng bé Maria rung lên buồn bã, dù
bé cố gắng nói một cách bình thường, “Cháu đã nói với ông về một điều gì đó
nhưng ông không chú ý chút nào.”
‘Ờ, ờ, ờ,” người thợ làm vườn nói. Nhưng ông không có thời
gian để hoàn tất câu nói của mình trước khi bé Maria bước xuống con đường mòn,
và trong giây lát đã biến mất sau góc khu nhà kính.
Sau đó một lúc, cô bé tình cờ gặp Job, con trai của người
thợ làm vườn. Job là một thằng bé vụng về đần độn, với mái tóc rậm, cái mũi
hếch và cái miệng ngốc nghếch. Nó là một dạng trẻ con mà dân làng gọi là người
ngây dại. Nó cười to với bất cứ điều gì bạn nói với nó, ngay cả khi bạn cau đôi
lông mày nhìn nó. Nhưng không có một đứa bé trai con nhà làm vườn nào giống
như nó; những cọng rễ cây nó sờ vào
dường như muốn tự đan lấy chúng quanh những ngón tay của nó; và nó là một “nhà
ảo thuật tài ba” với lũ ong. Trên lớp sỏi cạnh chỗ nó đang quỳ gối là ba cái
bẫy chuột chũi nhỏ bằng thép, và nó đang cọ rửa những cái chậu hoa với một cái
bàn chải cứng. Khi bé Maria xuất hiện, nó nhìn lên với một khuôn mặt giống như
một quả bí ngô vui vẻ, và nó nhe răng cười toe toét với bé.
“Chào buổi sớm, cô chủ.”
“Chào buổi sáng, anh Job” bé Maria nói. Bé đứng nhìn nó,
nhìn đôi mắt ti hí như mắt lợn trong khuôn mặt to bự vui vẻ của nó, và ngần
ngừ. Rồi bé cúi xuống một chút và thì thầm vào tai nó.
“Anh có bao giờ nhìn thấy một con ruồi chưa?”
“Ồ, nhìn thấy một con gùi hả, cô chủ?” Nó đáp, há miệng ra,
“Ồ, cô chủ à, tui đã nhìn thấy một con gùi
gồi.”
“Nhưng anh có,” và bé Maria đã mất hết cả hơi – chỉ với ba
từ đầu tiên đó, “Nhưng Job à, anh có bao giờ nhìn thấy một con ruồi nhỏ xíu xiu
hơn hết thảy: con ruồi của anh chưa?
Job gãi đầu và trông có vẻ rất nghiêm nghị trong một lúc
khiến bé Maria e rằng nó sắp sửa khóc òa lên. “Ờ, cô chủ,” cuối cùng nó đột
ngột hét lên với một tràng cười hô hố, “có gồi,
cô chủ à, tui còn có thể bắt một con ong cho nó phóng thẳng vào cổ họng như một
lưỡi dao. Ờ, ong là một loài gùi,
đúng thế.”
Bé
Maria bật cười. Cả hai đồng thanh cười lớn; rồi bé nhận ra đôi mắt mình đang
rưng rưng nước mắt và đột nhiên bé trở nên im lặng và buồn bã. “Bây giờ,” bé
nói, “tốt hơn anh nên tiếp tục với mấy cái chậu hoa.”
Bé quay đi, trái tim nhỏ bé của bé như tràn ngập một giai
điệu cổ xưa, buồn như những âm thanh của thủy triều trên những bờ cát không
người thăm viếng của đại dương. Cách đó không xa có một cái nhà hóng mát luôn
luôn có mùi hơi nước ngay cả sau nhiều tuần thời tiết oi nồng – dù lúc đó nó có
mùi hơi nước bị khô.
Bé Maria đi vào bóng râm của nhà hóng mát và đứng đó một
mình trong giây lát. Bé không biết vì sao bé lại đi vào đó. Nó rất yên tĩnh.
Nhưng là một sự yên tĩnh ẩm mốc, ngột ngạt và u ám – hoàn toàn khác với sự yên
tĩnh rực rỡ sắc màu ánh sáng của phòng khách. Có tiếng vo ve inh tai ở bầu
không khí bên ngoài. Hàng ngàn giọng kêu nhỏ xíu hòa vào nhau như tiếng réo rắt
của những sợi dây đàn vi-ôn khổng lồ. Một con chim nhảy lên trên mái nhà; bé
Maria có thể nghe thấy tiếng những chiếc vuốt của nó trên lớp gỗ. Sự va chạm đó
làm rơi ra một đám bụi nhỏ. Nó rơi xuống lớp bụi mịn dưới chân bé. Các góc của
nhà hóng mát bám đầy mạng nhện.
Bé Maria thở
ra một hơi dài khác, rồi nhìn quanh như thể hy vọng rằng có một ai đó mà với họ
bé có thể kể ra câu chuyện bí mật của mình – về con ruồi; về Maria-Ruồi. Bé
ngừng lại – nhìn chăm chú. Và rồi, như thể làm theo một ám hiệu, bé đột ngột
nhảy ra khỏi nhà hóng mát, hầu như nhẹ nhàng như một con chim, và bay lên bên
trên thảm cỏ xanh màu ngọc lục bảo, hướng về phía ánh nắng vui tươi chói lọi mà
không biết chút gì về lý do, hay nơi sẽ tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét