Thứ Tư, 15 tháng 5, 2013

Walter de la Mare - Lucy


Dịch từ nguyên tác
Collected Stories for Children [1947]
của Walter de la Mare 
Dịch giả giữ bản quyền bản Việt ngữ
Copyright © Nguyễn Thành Nhân 2009
 
 
 

Cách nay lâu rồi có ba chị em nhà MacKnackery. Họ sống trong một ngôi nhà trắng hình vuông rộng lớn gọi là Stoneyhouse. Tên của họ là Euphemia, Tabitha và Jean Elspeth. Khắp nhiều dặm trên đất nước Tô Cách Lan ai cũng biết họ, từ dòng sông Tay[1] cho tới  dãy núi Grampians[2] từ Tay cho tới Grumpy Ones – như một người anh họ không ưa Euphemia và Tabitha thường nói. 
Ngôi nhà Stoneyhouse do ông nội của các cô, cụ McKnackery xây nên. Ông cụ, từ một cậu bé nghèo khổ gần như không xu dính túi, đã vươn lên thành một nhà sản xuất giàu có chuyên làm ra loại vải bao bì tốt nhất Tô Cách Lan. Ông cũng sản xuất dây bện để cột các gói hàng. Ông làm hầu như mọi thứ để kiếm tiền. Nhưng rốt cuộc, khi được sáu mươi sáu tuổi, ông muốn trở thành một quý ông sống ở vùng nông thôn với một khu vườn rộng để thả bước dạo chơi, trong đó có những luống hoa, những giàn dưa leo, những chuồng heo, một hai con bò để vắt sữa làm kem và bơ.
Thế là ông bán những căn nhà xưởng to lớn, mù mịt khói và cái nhà kho, cùng tất cả dây nhợ, vải bao bì, sợi đay và phiến sừng ở hàm cá voi còn lại trong đó với giá  80.000 bảng Anh. Với số tiền này, ông đã xây dựng Stoneyhouse, mua một ít đồ nội thất đẹp đẽ, vài cỗ xe ngựa và vài con ngựa, và đầu tư số còn lại.
Khi Jean Erlspeth đang học số học, cô bắt đầu chú ý tới việc đầu tư của ông nội – sau khi thỉnh thoảng nghe cha mẹ nó nói về ông nội và cơ nghiệp của ông, và cách ông đầu tư. Để làm hài lòng cô giáo của mình, cô Gimp, cô nghĩ rằng cô nên cộng tất cả số đó lại. Thế là cô viết những con số khá rời rạc vào một cuốn vở bài tập:
£80,000 và £4 phần trăm mỗi năm
= £80,000 x 4 ÷ 100 = £3,200.
Đó là tổng số thực sự thú vị đầu tiên mà cô từng thực hiện. Thế nhưng cô Gimp khá bối rối khi Jean Elspeth đưa con số đó cho cha của cô xem.
Cụ MacKnackery, vốn đã từng là một người thật sự giàu có, lấy làm tiếc rằng người mua lại cái nhà máy của ông đã không bao giờ sau đó làm ra được những loại vải bao bì tốt như ông, và cả những dây bện cũng không bền bằng.
Ông sống đến tám mươi tuổi và qua đời, để tiền của lại cho con trai ông, Robert Duncan Donald David, cha của Jean Elspeth. Và khi ông này chết, bà vợ Euphemia Tabitha thân yêu của ông cũng chết theo, để lại trên 80.000 bảng Anh (bởi vì, chao ôi, ông đã đánh mất một phần khá lớn trong số đó) cho ba cô con gái của ông, Euphemia, Tabitha và Jean Elspeth.
Khi Jean Elspeth đã đủ lớn để ăn điểm tâm với cả nhà trong căn phòng ăn rộng lớn có bốn cánh cửa sổ to đùng, cô thường ngồi đối diện với những bức chân dung của ông nội, cha cô và mẹ cô. Chúng được treo trong những cái khung nặng mạ vàng xinh đẹp trên bức tường đối diện với cửa sổ. Và trong lúc Jean Elspeth đang ngồi trong chiếc ghế cao húp xì xụp món cháo yến mạch một cách hối hả cho chóng hết – không phải là vì cô thích món này mà là vì cô ghét bị phạt đứng ở góc tường nếu không ăn – cô thường nhìn lên chúng.
Bức chân dung của ông nội to nhất trong số ba bức đó, và nó được treo ngay chính giữa bức tường cao ngất, bên dưới đường gờ của trần nhà. Ông là một người to lớn và bệ vệ, với bộ ria rậm và đôi mắt xanh sáng ngời, lạnh lẽo. Ngón cái và ngón trỏ tay phải của ông cầm một sợi dây đồng hồ dầy hiệu Albert, mà người họa sĩ đã thể hiện tài đến nỗi chỉ cần nhìn thoáng qua, bạn có thể biết ngay đó là loại vàng mười tám cara. Ông được treo như thế: luôn nhìn chòng chọc xuống căn phòng ăn rộng lớn và mọi thứ có trong đó, thế nhưng có vẻ không thích thú gì nó cho lắm.
Thêm nữa, ông nội nó luôn luôn có vẻ như thể đang sắp sửa đưa cái đồng hồ lên để coi giờ; và Jean Elspeth có một ý tưởng lạ lùng rằng, nếu có bao giờ ông làm được việc đó, những chiếc kim đồng hồ chắc chắn phải chỉ mười hai giờ kém mười lăm. Nhưng cô không thể nói thêm với bạn là vì sao. Cô chỉ có thể nói với bạn lý do vì sao cô thường đếm từng muỗng cháo yến mạch, hay vì sao cô cảm thấy sung sướng hơn khi muỗng cháo cuối cùng là một con số lẻ.
Chân dung của cha cô vẽ một người đàn ông ít to lớn bệ vệ hơn ông nội cô. Ông có nước da ngăm, đang mỉm cười, và không có ria. Jean Elspeth rất yêu ông. Mỗi sáng khi cô ăn điểm tâm xong (và nếu không có ai nhìn) cô sẽ kín đáo vẫy cái muỗng về phía ông, như thể ông sẽ hài lòng khi nhìn thấy cái đĩa trống của cô.
Chân dung mẹ cô được treo ở một bên chân dung ông nội. Và điều lạ lùng ở bức tranh này là nếu bạn nhìn đủ lâu, bạn không thể không nhìn thấy – như thể đó là một hồn ma – khuôn mặt nhỏ nhắn của bà đang nhìn vào bạn từ bức tranh, giống như một con khỉ đuôi sóc trong sở thú nhìn ra khỏi cái chuồng. Jean Elspeth đã khám phá ra điều này khi cô mới lên bảy, nhưng Euphemia và Tabitha thì chẳng bao giờ chú ý tới chuyện đó.
Họ biết họ ít giống mẹ (bà từng là Hoa khôi trường Reeks MacGillicuddy ở thị trấn Kelso) hơn là giống ông nội. Và họ cực kỳ tự hào về điều đó.  Còn về phần Jean Elspeth, họ nghĩ cô không giống bất cứ người nào trong gia đình. Thật ra, Euphemia đã từng nhiều lần nhận xét rằng Jean Elspeth có “phẩm cách cao đẹp”, còn Tabitha thì bảo “nó hẳn phải là một “đứa bé đánh tráo”[3]. Ngay cả bây giờ, khi họ đã là những quý cô lớn tuổi, họ vẫn luôn luôn đối xử với cô như thể cô chỉ là một đứa trẻ con, dù, nói cho cùng, Jean Elspeth chỉ kém Tabitha có năm tuổi.
Nhưng trông cô thật là khác biệt! Vì trong khi Tabitha có một gương mặt dài giống như mặt của một con kỳ lân, với mái tóc màu lông chuột và đôi mắt xanh xám, Jean Elspeth lại ngăm ngăm và nhỏ nhắn, với đôi má hồng hồng và cái mũi hơi nhọn. Và trong lúc nét mặt của Tabitha ít khi thay đổi, nét mặt của Jean Elspeth giống như một hồ nước nhỏ thẫm màu trong một buổi sáng tháng Tư. Đôi khi trông cô già hơn bất cứ ai trong số hai người chị gần như cả vài thế kỷ, rồi có lúc trông cô  như chẳng có tuổi tác gì hết.
Điều đó tùy thuộc vào việc cô đang làm gì – đang ngồi ăn tối vào lúc bảy giờ trong những bữa tiệc lớn, với những vị khách như gia đình Bult, gia đình McGaskin và bác sĩ Menzies, hay đang đơn giản tắm nắng một cách lười nhát bên cửa sổ phòng ngủ. Đôi khi Jean Elspeth còn đi lang thang một mình lên những ngọn đồi cách nhà chừng một hai dặm. Và trông cô không có vẻ gì già hơn một bông hoa chuông hay hoa kim tước, khi cô đang ngồi đong đưa trên bụi cây gần một tảng đá phủ địa ý nhú ra phân nửa khỏi đám thạch nam.
Tuy nhiên, nét mặt cô hơi buồn, chưa bao giờ cô có vẻ tươi cười. Và mặc dù (trong các bữa tiệc tối) cô chẻ đường ngôi thật thẳng ngay chính giữa, và chải thật mượt mái tóc óng ánh như satin, đơn giản là cô không thể nhìn vào những người được gọi là “thượng đẳng”. Ngoài ra, cô có một đôi môi đỏ màu anh đào và đôi bàn tay táy máy nhanh nhẹn mà đôi khi cô buộc phải nắm chặt vào nhau kẻo không chúng sẽ nói chuyện thậm chí còn nhanh hơn cái lưỡi của cô.
Lúc bấy giờ trong ngôi nhà có lẽ không có ai nói nhiều, ngoại trừ hai người hầu gái Sally và Nancy McGullie, cả hai là chị em họ với nhau. Thật khó mà nói một cách chính xác là Eyphemia và Tabitha có khôn ngoan, minh mẫn và có đầy những hiểu biết hữu ích hay không, chỉ đơn giản vì ngoài những bữa ăn, họ rất ít khi mở miệng. Và không bao giờ hát. Điều này có lẽ chỉ vì không thể nào giữ được tôn ti trật tự khi cái lưỡi của mọi người cứ động đậy liên tục.
Nói nhiều còn lãng phí thời gian nữa, vì có rất ít người có thể đồng thời vừa làm việc cần cù và vừa ba hoa lắm chuyện. Trong ngôi nhà này, mọi thứ đều gọn gàng ngăn nắp (trừ những cái giường), và không có ai lãng phí chút thời gian nào (trừ thời gian hôn nhau).
Thế nhưng cho dù thời gian không bao giờ bị lãng phí, dường như không có một ai sử dụng tốt hơn bất kỳ khoản thời gian nào đã “tiết kiệm” được. Không có một ai từng gói một ít thời gian ấy vào những hộp giấy nâu gọn ghẽ, hay cất nó vào nhà băng như ông MacKnackery đã cất tiền của mình, hoặc đổ nó vào những cái lọ như món mức làm tại nhà. Nó cứ việc trôi đi. Và ở Stoneyhouse (ít nhất cho tới một buổi sáng kia, khi Euphemia nhận được một lá thư) nó trôi qua rất chậm rãi, từ từ. Những cây kim lớn của chiếc đồng hồ dường như đố kỵ với những cây kim nhỏ. Chúng bò như những cái bóng. Và đôi khi giữa tiếng “tích” và “tắc” của chúng có cả một lổ hổng to tướng, tối như một cái hầm chứa rượu. Ít nhất, Jean Elspeth cũng nghĩ thế.
Chỉ cần thoáng nhìn thoáng vào Stoneyhouse, thậm chí từ bên ngoài, bạn cũng đủ biết nó ngăn nắp trật tự thế nào. Bốn bức tường trắng cao, với cái mái ngói bằng đá đen hình vuông to rộng bên trên, đứng nghiêm nghị như những khẩu pháo đặt trên những cái đế cực kỳ vững chắc, và chúng đứng trên một cái nền đá thậm chí còn vững chắc hơn. Không có thân cây nào dám đổ bóng râm lên chúng, không có dây leo nào dám bò lên. Những cánh cửa sổ bóng loáng, với những nếp màn phía sau, cứ nhìn trừng trừng vào bạn như muốn nói, “Cứ tìm một hạt bụi hoặc một vết bẩn, hoặc một chỗ rạn trên chúng tôi nếu anh có thể!” Và thậm chí bạn không có can đảm để thử xem sao.
Ở bên trong nhà cũng thế. Mọi thứ đều đóng băng ở vị trí của chúng. Không chỉ những thứ đồ đạc to kềnh mà cụ MacKnackery đã mua bằng tiền làm vải bao bì của ông – những cái tủ quần áo, những cái két tiền, những cái tủ ngăn, những cái giường bốn cọc, những tủ com-mốt cao, những cái tủ búp phê, bàn, ghế xô pha và những bộ ghế gỗ sồi – mà ngay cả những thứ bé nhỏ linh tinh như thảm, ghế để chân, giá nến, những cái nông giày ống, đồ trang trí, đồ lặt vặt, những xấp lụa của Euphemia và những bức tranh màu nước của Tabitha. Có đủ chỗ cho mọi thứ, và mọi thứ đều nằm trong vị trí của chúng. Vâng, và chúng cứ nằm ở đó.
Ngoại trừ trong phòng của Jean Elspeth. Cô chưa bao giờ học được thói quen ngăn nắp, ngay cả trong những bài toán đố cũng thế. Cô thường moi mọi thứ ra, rồi hoặc quên cất chúng vào hoặc lại cất chúng vào sai chỗ. Và bạn thử nghĩ xem cô có tự trách mình vì điều đó hay không? Không hề. Khi cô để thất lạc bất cứ thứ gì và đã tìm kiếm hàng giờ - một cuốn sách, một cây trâm cài đầu, hay một sợi ruy-băng – cô thường vừa tự nói với mình vừa phá ra cười, “Thế đấy! Hẳn là cái con nhóc Lucy đó đã giấu nó rồi!” Và ngay sau đó món đồ lại xuất hiện, ngay ở giữa bàn trang điểm hay bên dưới một cái ghế, như thể nó vừa được đặt trở lại vài giây trước đó.
Thế “Lucy” là ai? Không thể có câu hỏi nào khó hơn; và Jean Elspeth chưa bao giờ cố gắng trả lời nó. Đó là một trong số các câu hỏi mà thậm chí cô chưa bao giờ tự hỏi chính mình.
Ít nhất là không hỏi lớn thành tiếng. Có lẽ chỉ vì cô ghét cái ý nghĩ sẽ làm tổn thương cảm xúc của bất kỳ một ai. Như thể Lucy… nhưng đừng để ý!
Dù sao đi nữa, chính Lucy, người rất đỗi không may mắn, đã đi vào câu chuyện đáng sợ trong bữa điểm tâm sáng hôm ấy khi lá thư định mệnh đến tay Euphemia. Nó cũng đến giống như bất kỳ lá thư nào khác. Người quản gia, với đôi môi luôn khép kín như thường lệ, đã đặt nó bên cạnh đĩa của Euphemia. Xét theo cái bì thư lớn màu trắng, không ai ngờ rằng nó lại gây chết chóc như thuốc độc và sắc bén hơn cả chiếc nanh của một con rắn. Euphemia cũng mở nó ra như thường lệ – với ngón tay trỏ dài, thanh mảnh của mình, và đôi lông mày của cô hơi nhướng lên bên dưới mái tóc xám tro trước trán. Rồi cô đọc nó – và biến thành băng.
Lá thư đến từ người luật sư, hay nói đúng hơn từ bốn người luật sư của cô, vì bọn họ cùng làm việc trong một văn phòng; và ở cuối thư một người trong số họ đã ký thay cả bốn cái tên. Nó là một lá thư tối đen như mực – một tia sét. Nó nói ngay từ đầu rằng trong tương lai, các cô nhà MacKnackery sẽ phải sống eo hẹp hơn so với lúc trước, và nó nói ở cuối thư rằng họ đã bị phá sản.
Bạn biết đó, ông nội của Euphemia đã cho chính phủ Anh vay số còn lại trong 80.000 bảng của ông, để dùng vào việc quốc gia. Chính phủ Anh thời đó đã gửi số tiền vào cái gọi là Quỹ trả lãi công trái quốc gia. Và để chứng tỏ họ rất biết ơn cụ MacKnackery về việc cho mượn số tiền, họ từng trả hàng năm một khoản tiền lãi suất trên số tiền đó – khá nhiều si-ling trên mỗi một trăm bảng. Không tới 4 bảng một năm như Jean Elspeth đã đưa vào phép tính của cô, nhưng cũng đủ để họ chi dùng – và con số đó ít nhất là 1.000.000 dồng trinh.
Không thể nào có một cái hộp tiết kiệm an toàn hơn. Và thu nhập của cụ MacKnackery cũng không thể nào được “rót vào” thường xuyên hơn thế ngay cả khi khi nó được rót vào bằng một bộ máy đồng hồ. Nhưng hiện nay chính phủ Anh cũng giống như bản thân Stoneyhouse.
Nhưng cha của các tiểu thư nhà MacKnackery không chỉ kém bệ vệ hơn ông họ, mà ông cũng ít thận trọng về tiền bạc hơn nhiều. Ông thích thú giúp đỡ quốc gia sử dụng khoản ngân quỹ đó. Ông vui sướng khi mua sắm đồ đạc và tặng quà, và càng mua thì ông lại càng muốn mua thêm nhiều hơn nữa.
Vì thế, dần dần ông đã đòi lại số tiền từ chính phủ Anh, tiêu xài hết phần lớn và cho những kẻ làm đường sắt, những kẻ làm nhà máy nước và đường ống dẫn khí ở các vùng hải ngoại, những kẻ đào vàng và kim cương, và  những kẻ chuyên vẽ vời hoang tưởng vay số còn lại, và lớp sơn mà họ vẽ ra không bao giờ phai nhạt hay đổi màu, mọi chuyện đại loại như thế.
Những người này trả cho ông một khoản lãi suất lớn hơn nhiều so với Quỹ công trái quốc gia. Nhưng sản xuất khí đốt không phải lúc nào cũng an toàn như quốc gia Anh. Người ta gọi việc cho những người kinh doanh vay tiền để giúp họ đào kim cương hay mở nhà máy nước ở Armenia là một sự đầu cơ. Có nghĩa là bạn không thể chắc chắn có thu hồi lại nó được hay không. Thật sự, thường là cha của các tiểu thư nhà MacKnackery không lấy lại tiền của mình được.
Và bây giờ – nhiều năm dài sau cái chết của ông – điều tệ hại nhất đã ập tới. Bốn viên luật sư buộc phải đột ngột báo cho các tiểu thư MacKnackery rằng hầu như mọi khoản tiền dành dụm được của người ông đã đội nón ra đi; rằng vàng ròng của họ đã biến mất như một đám sương mù trong một buổi bình minh tháng Sáu.
Họ phải làm quen với việc ngày càng ít giàu hơn; nhưng đó là một việc rất khác với việc đang trở nên nghèo một cách đáng báo động. Đó là sự khác biệt giữa một con chuột có một mẩu pho mát béo ngậy và một con chuột chỉ có một mẩu vỏ bánh mì.
Trước khi đọc, Euphemia đã đeo cặp kính kẹp mũi lên. Khi cô đọc, cuộc sống dường như thoát dần khỏi gương mặt già nua tội nghiệp của cô, chỉ để lại sự lạnh giá và màu xám xịt. Cô đọc cho tới từ cuối cùng, rồi với một bàn tay run lẫy bẫy cô tháo cặp kính khỏi mũi và đưa lá thư cho Tabitha. Tabitha vẫn còn có thể đọc với mắt trần. Đôi mắt long lanh của cô nhanh chóng đảo qua lại trên lá thư, rồi cô đặt nó xuống. Gương mặt cô không tái đi, mà đỏ bừng và hơi sưng lên. “Thế là hết, Euphemia,” cô nói.
Sáng hôm ấy, Jean Elspeth ngồi quay lưng vào những bức chân dung, và lúc này đang tóp tép nhai một lát bánh mì nướng trét mứt cam Tô Cách Lan (do bà O’Phrump, đầu bếp làm). Cô đã quan sát một con chim chìa vôi đuổi theo những con ruồi qua thảm cỏ xanh mượt trên hàng hiên đá trắng. Rồi ánh mắt cô lạc tới đường vạch xanh mờ của những dãy đồi xa xinh đẹp, dãy Grumpy, và tâm trí cô đã trượt vào một giấc mơ ngày.
Những lời của Tabitha, “Thế là hết, Euphemia,” đã phá vỡ giấc mơ ngày hôm đó, như thể tiếng kêu vang của một cây kèn trompet.
Cô nhìn quanh với sự kinh ngạc, và nhìn thấy hai người chị, Euphemia và Tabitha, đang ngồi đó trên ghế, cứng đờ và lạnh giá như hai pho tượng đá. Không chỉ thế, chuyện này không phải bất thường cho lắm, mà cả hai còn trông có vẻ rất là không ổn. Rồi cô chú ý tới lá thư. Và biết ngay đó chính là con rắn đã đột ngột cắn vào tâm trí hai người chị. Máu dồn lên đôi má cô, và cô nói – cảm thấy cực kỳ tiếc cho cả hai người hơn là cô có thể nói ra lời – “Có chuyện gì không ổn vậy, chị Euphemia?”
Và Euphemia, với một giọng nói mà Jean Elspeth chắc chắn sẽ không thể nhận ra nếu cô nghe thấy nó từ bên ngoài cửa. “Em hỏi thế là hay đấy.” Thế rồi Jean Elspeth sực nhớ ra giấc mơ lạ lùng trong đêm hôm trước và ngay lập tức nói một hơi, “Ồ, chị biết không, Euphemia, tối qua em đã nằm mơ, tất cả đều tối đen và đáng sợ, và Lucy ngồi đó nhìn ra từ trong một cánh cửa sổ đá xuống một mặt nước. Và nó nói với em…”
Nhưng Tabitha đã cắt ngang lời cô, “Chị nghĩ, Elspeth, lúc này cả chị lẫn Euphemia không muốn điều mà Lucy, như em gọi, nói với em trong giấc mơ của em. Sáng nay chúng ta đã nhận được tin rất xấu, và có liên quan mật thiết không chỉ tới chị và chị Euphemia mà cả em nữa. Và đây không phải là lúc để nói chuyện lông bông.” Những sự việc nghe còn bi thương hơn nhiều với giọng Tô Cách Lan của cô ta. 
Jean Elspeth không có ý nói chuyện lông bông vớ vẩn. Cô chỉ đơn giản hy vọng có thể lái tâm trí của hai người chị ra khỏi tin tức đáng sợ tới cùng với người đưa thư này một lúc, và để giải thích điều mà dường như giấc mơ của cô hứa hẹn. Nhưng không. Đó chỉ là do cái cách của cô. Bất kỳ lúc nào cô nói điều gì với ai đó – bất kỳ điều gì đến từ đáy lòng cô – cô luôn luôn làm cho nó rối tung lên. Nó có vẻ bé nhỏ và vô nghĩa như tiếng vọng của tiếng kêu chiêm chiếp của một chim sẻ chạm vào một bức tường đá trống rỗng. Họ thường nhìn cô với đôi mắt xanh xám của họ với một biểu hiện hoặc dữ tợn, hoặc kẻ cả bề trên, hoặc cả hai. Dĩ nhiên, vào một lúc như thế này, bất kỳ lời nào nhắc tới Lucy sẽ là một sai lầm vô cùng ngớ ngẩn. Ngay cả những lúc vui vẻ nhất họ vẫn coi thường Jean Elspeth vì cái “tính trẻ con” của cô. Lúc này, hẳn họ phải nghĩ về cô như thế!
Vì chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có bất kỳ một Lucy thật sự nào. Đó chỉ là một cái tên. Thế nhưng Jean Elspeth vẫn mong muốn tìm một từ nào đó của niềm hy vọng hay sự an ủi có thể đem lại chút sắc màu trên đôi má của Euphemia tội nghiệp, và làm cho chị cô trông đỡ giống với một hình ảnh trên mặt đá cẩm thạch hơn. Nhưng không có từ nào nảy ra trong đầu cả. Thậm chí cô còn không nghe thấy những gì mà hai người chị đang nói. Cuối cùng, cô không thể dằn lòng được nữa.
“Chị Euphemia, em chắc rằng chị muốn nói chuyện lá thư với chị Tabitha trong yên lặng, và chị sẽ bảo cho em biết nếu em có thể giúp được gì. Em nghĩ em sẽ đi ra ngoài vườn.”
Euphemia gật đầu. Và do cố dời cái ghế nặng càng ít ồn ào càng tốt, Jean Elspeth làm cho nó kêu rít lên trên sàn nhà bóng loáng, nhưng cuối cùng cô cũng thoát được ra ngoài.
Đó là một buổi sáng mùa xuân lạnh, trong trẻo, và những hàng cây ở phía xa lúc này đang nhú lên những chồi lá xanh đầu tiên. Những người làm vườn đã vạch sơ đồ những hàng cây của họ để chuẩn bị cho mùa hè. Không bao giờ có khu vườn nào được ‘duy trì” tốt đến thế. Những góc của các luống hoa trên thảm cỏ – hình thoi, hình bát giác, vuông và chữ nhật – sắc sảo như thể chúng được cắt ra từ một mảnh ván ép bằng một cây kéo. Không có một lá cỏ nào nhú ra khỏi vị trí.
Thậm chí nếu có viên sỏi nào đó ló lên trên con đường lát sỏi, sẽ có ngay một chiếc xe lăn to lớn xuất hiện để đè nó trở vào vị trí. Đối với lũ cỏ dại cũng thế, cứ để cho một bụi cỏ nhú cái mầm xanh của nó lên trên mặt đất đen, nó sẽ sớm thấy chuyện gì sẽ xảy ra.
Ánh sáng tỏa rộng từ bầu trời đổ xuống ngôi nhà, và mỗi một cánh cửa sổ trong bức tường trắng cao ngất dường như đang cau mày nhìn Jean Elspeth khi cô bước tới một chỗ ngồi bên dưới mái hiên. Ít ra, ở đây cô sẽ thoát khỏi tầm quan sát của chúng.
Cô ngồi xuống, úp đôi tay lên đùi, và nhìn thẳng ra phía trước. Cô luôn luôn ngồi như thế khi gặp rắc rối. Cô cố gắng một cách vô ích để lấy lại bình tĩnh và ổn định lại tâm trí để suy nghĩ. Không thể được. Vì sau khi tới đó chẳng bao lâu, trái tim cô đã mách bảo rằng Lucy đang lai vãng đâu đó cạnh bên cô; có vẻ như rất gần và có một mục đích rõ ràng đến nỗi cô hầu như muốn thì thầm đôi điều gì đó vào tai nó…
Chúng ta đã nói rằng Lucy chỉ là một cái tên. Thế nhưng, rốt cuộc nó không chỉ là như thế. Nhiều năm trước, khi Jean Elspeth mới bảy tuổi, cô đã bịa ra Lucy. Chỉ đơn giản là do không có ai chơi cùng, vì Tabitha lớn hơn cô năm tuổi, và ít nhất cũng thông minh, hiểu biết và chững chạc hơn cô gấp năm mươi lăm lần. Vì thế Jean Elspeth đã ngụy tạo ra nó.
Hồi ấy, cô thường ngồi trên một cái chậu hoa trước mái hiên dài nóng bức hay lộng gió, và thường dành một chậu hoa khác cho Lucy. Và họ chuyện trò, hay nói đúng hơn là cô nói, còn Lucy thì nhìn. Đôi khi, họ ngồi với nhau ở một góc căn phòng dành cho trẻ con trống trải. Và đôi khi Jean Elspeth vờ như cô đang nắm bàn tay của Lucy khi cô đang thiếp ngủ.   
Điều thật sự kỳ lạ là hồi ấy cô càng ít cố “giả vờ” thì Lucy lại càng đến nhiều hơn. Và dù Jean Elspeth chưa bao giờ nhìn thấy nó với cái gọi là đôi mắt trần của mình, ắt hẳn cô đã nhìn thấy nó với một loại mắt nào đó, vì cô biết rằng mái tóc và nước da của nó mượt mà đẹp đẽ hơn cả loại lanh mượt mà đẹp đẽ nhất, và rằng nó mặc một loại quần áo rất nhẹ và kỳ lạ, dù cô không thể nói là kỳ lạ thế nào.
Một điều lạ lùng khác là dường như Lucy luôn luôn xuất hiện không hề báo trước từ đâu không rõ, khi có một điều gì đó bí mật, bất ngờ, buồn hay rất đẹp xảy ra, và đôi lúc trước khi nó xảy ra. Đó là lý do vì sao cô nói với Euphemia về giấc mơ của mình vào đêm trước. Vì dù mọi thứ khác trong giấc mơ đều tối tăm thảm đạm, và dòng nước gầm lên giận dữ qua những tảng đá, tan vỡ thành những lớp bọt trắng như tuyết, và Jean Elspeth đã run lên vì kinh hãi, nhưng bản thân Lucy hiện ra ở cửa sổ trông xinh đẹp hơn cả ánh trăng và đầy an ủi như một vì sao.
Đáng tiếc là Jean Elspeth chưa bao giờ nhắc nhiều tới Lucy. Nhưng chuyện đó cách đây đã rất nhiều năm, và khi đó cô thật sự không thể không làm như thế. Vì Tabitha đã len lén tới sau lưng cô một buổi sáng kia – đó là ngày sinh nhật lần thứ tám của cô – trong khi cô đang ngồi trong một góc cạnh cái tủ ngăn lớn, quay lưng về phía phòng dành cho trẻ con, và đã nghe hóng thấy cô nói chuyện với ai đó.
“Aha! Nàng Cóc nhỏ trong hang! Em đây rồi! Em đang nói chuyện với ai thế?” Tabitha hỏi.
Jean Elspeth lạnh toát cả người. “Không ai cả,” cô đáp.
“Ồ, Không ai cả, phải không? Vậy em cứ nói cho chị biết tên của Không ai cả đi, cô nàng hay lỉnh vào một góc!”
Và Jean Elspeth đã từ chối. 
Không may là sáng hôm ấy cô đã mặc một cái vái yếm lưng cao, với hai ống tay áo chỉ tới trên cùi chỏ, và dù Tabitha, với những cú cấu véo vào cánh tay để trần của cô, không thể làm cho Jean Elspeth khóc, ít ra cũng đã làm cho cô phải nói.
“Ồ, vậy tên của nó là Lucy, phải không?” Tabitha nói. “Em là một cô bé lôi thôi lếch thếch kinh khủng. Vậy em hãy bảo nó rằng nếu chị bắt được nó ở bất kỳ chỗ nào, chị sẽ cào mắt nó ra.”
Sau một hai cú véo nữa và cú “giật chuông” vào bím tóc của Jean Elspeth, Tabitha xuống gác để tìm cha.
“Papa,” cô nói, “con xin lỗi đã cắt ngang, nhưng con nghĩ bé Elspetht khốn khổ hẳn đã bị ốm hay đang sốt. “Nó đang “nói nhảm”. Cha có nghĩ rằng tốt hơn chúng ta nên cho nó uống một ít thuốc bột của Gregory, hay ít dầu thầu dầu?” 
Sáng hôm ấy ông MacKnackery cũng đang lo lắng vì một lá thư nói về một mỏ vàng, giống như kiểu lá thư mà Euphemia tội nghiệp đã nhận từ bốn viên luật sư. Nhưng khi vừa thấy lo lắng là ông cố gắng quên nó đi ngay. Thật sự ngay khi vừa nhìn thấy một lá thư có vẻ không hay ho, ông thường bắt đầu huýt sáo nho nhỏ và mỉm cười. Vì thế, đó là một dấu hiệu của sự nhẹ nhõm khi ông đút lá thư khó chịu vào một ngăn kéo và đi lên cầu thang tới căn phòng dành cho trẻ con.
Sau khi khóc một chút trong lúc ngồi trên đầu gối của ông, Jean Elspeth đã kể cho ông nghe về Lucy. Ông chỉ mỉm cười bằng đôi mắt đen, và đưa tay vào túi áo khoác rút ra một  trái tim nhỏ xíu bằng vàng, với một bức ảnh chụp một bông hồng bên trong, như thể nó đã nằm sẵn ở đó để chờ đợi dịp này. Ông bảo Jean hãy đưa nó cho Lucy lần sau khi nó lại tới. “Con cưng,” ông nói, “cha cũng có Lucy của cha nữa, dù cha không bao giờ nói về cô ấy. Cha để dành cô ấy.”
Về phần Tabitha, ông cám ơn cô ta vào bữa ăn trưa vì đã quan tâm tới em gái. “Nhưng cha e là, con gái à,” ông nói, “ắt hẳn con đã tự làm mình lo buồn một cách không cần thiết. Và đối với sự phiền muộn không có gì tốt cho bằng thứ thuốc bột của Gregory. Vì thế cha đã kêu Alixon pha cho con một liều vào giờ ngủ, và nếu con hào phóng, có thể con mèo Jenny sẽ muốn liếm cái muỗng.”
Ngay khi ông quay mặt đi, Tabitha nhăn mặt và thè lưỡi ra nhát Jean Elspeth. Việc này cũng có tác dụng ngang với việc cô thè lưỡi ra nhát vị bác sĩ già của họ, ông Menzies, khi ông ấy đã đi ra khỏi phòng…
Thậm chí đến bây giờ, đã nhiều năm, rất nhiều năm sau khi cô đã hoàn toàn trưởng thành, bất cứ khi nào Jean Elspeth nghĩ tới những khoảng thời gian xa lắc đó, cô luôn luôn bắt đầu lơ đãng. Và bất cứ khi nào Jean Elspeth lơ đãng, Lucy chắc chắn là có vẻ như thật hơn đối với cô hơn những lúc khác. Con đường mòn rải sỏi, thảm cỏ xanh, dãy đồi xa đều biến mất trước mắt cô. Như thể cô lạc vào một miền đất của ánh sáng và niềm hạnh phúc. Cô hạnh phúc vì bị lạc vào đó. Nhưng chẳng bao lâu những giọt mưa đã lác đác rơi xuống đôi má cô, kêu gọi cô quay lại với chính mình. Một đám mây đen đang kéo tới, và lần đầu tiên một linh cảm hiện ra trong tâm trí cô về ý nghĩa thật sự trong lá thư của Euphemia.
Cô quay ngoắt lại như thể đang bị nhìn trộm. Và ngay lúc ấy cô có thể thề rằng cô đã thật sự trông thấy – lần này với đôi mắt trần của mình – một đứa bé đang đứng nhìn cô ở mé ngoài, cách chừng vài bước chân. Điều khiến cho Jean Elspeth kinh ngạc nhất là hình như trên gương mặt của đứa bé có một nụ cười rất lạ lùng – như thể nó đang nói: “Đừng bận tâm, bạn thân mến, dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, dù họ nói thế nào, tôi hứa sẽ tới với bạn nhiều hơn trước. Bạn hãy chờ xem!”
Thế rồi, lần đầu tiên trong đời mình, Jean Elspeth cảm thấy xấu hổ về Lucy, và rồi còn xấu hổ hơn nữa vì đã xấu hổ. Khi tất cả bọn họ đang gặp rắc rối như thế, điều này có công bằng không với Euphemia và Tabitha?
Cô đã thật sự đi khá xa khi quay sang hướng ngược lại và lẽ ra đã vội vã quay trở về nhà nếu lúc ấy cô không nghe thấy một sự rung động khe khẽ, lạ lùng sau lưng. Cô liếc nhanh ra phía sau, nhưng chỉ thấy một con chim cổ đỏ đã bay tới bầu bạn với cô, và lúc này đang nhìn cô với đôi mắt đen nhánh từ nơi đậu của nó trên thảm cỏ mà cô vừa bỏ trống.
Và tất nhiên lúc này không có Lucy. Không một tăm hơi. Nó đã bị “đuổi đi” và sẽ không bao giờ quay lại.
Viên quản gia mang vào một cái liễn cháo yến mạch nhỏ cho bữa ăn trưa hôm đó. Khi ông đã chuẩn bị món ăn cho từng người và rút lui, Euphemia giải thích với Jean Elspeth một cách chính xác lá thư của những viên luật sư có ý nói gì. Đó là một lá thư dài, không chỉ nói về những người đã thất bại không tìm ra đủ nước cho nhà máy nước của họ ở Armenia, mà cả về những người khác trồng cây bột sắn và cao su ở Madagasca đã bị dịch sâu bọ tấn công. Jean Elspeth không hoàn toàn nắm được các chi tiết. Cô không hoàn toàn hiểu được vì sao những viên luật sư đó lại có thể có một sở thích về cây cao su như vậy. Nhưng cô hiểu rất rõ câu nói cuối của Euphemia: “Em thấy đó, Elspeth, chúng ta đã bị phá sản!”
Và bạn có tin nổi không? Một lần nữa Jean Elspeth lại nói một điều sai lầm. Hay đúng hơn là giọng nói của cô sai lầm. Vì xa xăm trong giọng nói đó là âm thanh như của một tiếng kèn hân hoan chào đón buổi bình minh. “Và có phải điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ rời khỏi Stoneyhouse không, chị Euphemia?”
“Nó có nghĩa là Stoneyhouse có thể phải rời bỏ chúng ta.” Tabitha nói.
“Dù ở trường hợp nào, chúng ta đều bất lực,” Euphemia nói thêm. Cô đang ngồi rất thẳng lưng, với gương mặt dài tái nhợt và chiếc áo choàng lụa buổi sáng có in những bông hoa màu hoa cà. Và giọng của cô ta khi nói những lời này khiến nước mắt trào ra, không phải trên đôi mắt của Jean Elspeth, mà ở đâu đó sâu thẳm bên trong lòng cô. Như thể ai đó đang rút nước ra khỏi cái giếng của trái tim cô.
“Quay lưng lại và bỏ chạy là một sự ô nhục,” Tabitha nói, “chúng ta sẽ là đề tài đàm tiếu, chế nhạo của quận này.”
“Sao cơ! Chế nhạo chúng ta vì chúng ta bị phá sản!” Jean Elspeth kêu lên.
Nhưng lần này Tabitha phớt lờ cô. “Đây là ngôi nhà mà ông nội cao quý của chúng ta đã xây dựng cho chúng ta,” cô nói. “Và tôi sẽ chết ở đây, trừ khi tôi bị những tên hút máu người có hệ thống này lôi đi.”
“Tabitha!” Euphemia van nài. “Chắc chắn chúng ta không nên hạ mình đến thế khi ngay cả khi gọi họ theo đúng tên của họ.”
“Những tên hút máu người có hệ thống,” Tabitha la lên một cách dữ tợn. “Tôi sẽ bán những chiếc nhẫn trên tay còn hơn là bị trục xuất khỏi ngôi nhà nơi tôi đã chào đời. Và ông ấy – ít nhất là ông ấy sẽ không bao giờ chứng kiến sự sụp đổ mà sự điên rồ của cha chúng ta đã đem tới cho chúng ta.”
Cô ta rời khỏi bàn, leo lên một trong những cái ghế bọc gấm Đa-mát đắt tiền mà trừ khi có khách, thường được xếp dọc theo tường, và sau một vài cố gắng vô ích, đã thành công trong việc lật úp bức chân dung có cái khung mạ vàng to lớn của ông nội cô cùng gương mặt của ông ấy vào tường.
Lúc này nước mắt thật sự ràn rụa trên đôi mắt của Jean Elspeth. Nhưng chúng là nước mắt của sự giận dữ hơn là của sự xót xa. “Em nghĩ,” cô nói, “điều đó thật không công bằng chút nào đối với Cha.”
“Tới lúc này,” Tabitha nói một cách nghiêm khắc. “Chị phải cho rằng em nên từ bỏ cái ý tưởng rằng em có khả năng ‘suy nghĩ’ đi. Xin hỏi em có quyền gì để bảo vệ cho cha của em chỉ đơn giản vì em giống ông ấy?”
Jean Elspeth không trả lời. Dù sao thì cha cô vẫn tiếp tục mỉm cười từ bức chân dung – dù nó không phải là bức tranh đẹp cho lắm, vì người họa sĩ không thể vẽ đúng mái tóc và chiếc áo chẽn. Và nếu – ngay cả ở thời điểm khó chịu này – Jean Elspeth có một cái muỗng trong tay, hẳn cô sẽ kín đáo vẫy khẽ nó về phía ông.
Nhưng ông không mỉm cười được lâu lắm. Cô cháu nội của cụ MacKnackery tiếp tục úp bức chân dung của ông vào tường. Nhưng hai bức tranh khác, cùng với mớ tủ quần áo, những cái két tiền, những cái tủ ngăn, những cái giường bốn cọc, những tủ commốt cao, những cái tủ búp phê, thảm lót sàn và ngay cả hộp đồ khâu vá Ấn Độ đều bị mang đi khỏi nhà trong vòng vài tuần để bán lấy tiền. Và lúc này Euphemia chỉ còn có một chiếc nhẫn thay vì năm, và chiếc đó làm bằng lam ngọc.
Trong một tháng, tất cả những người hầu, từ người quản gia cho đến Sally McGullie, và tất cả những người thợ làm vườn đều ra đi. Chỉ còn lại một mình bà O’Phrump. Trước hết là vì bà quá to béo để có thể thoải mái ở bất kỳ nơi nào khác, và thứ hai là vì bà không đòi hỏi tiền công. Tất cả chỉ có thế. Chỉ bà O’Phrump và Tom Piper, thằng nhỏ làm vườn. Mẹ nó sống trong làng nên nó ngủ ở nhà nó. Nhưng đó là một thằng nhóc lười biếng, và nếu nó không nằm ngủ trong kho để dụng cụ thì cũng đi chơi rong trong cái vườn cây ăn quả hoang phế. Dù sao đi nữa, chính từ thời điểm này trở đi, dường như Jean Elspeth đã trở nên hoàn toàn linh hoạt.
Thật là khác thường khi cô tự nhận ra mình thật sự là bản thân mình trong một căn nhà trống trải như thế. Những tiếng vọng! Sao chứ, nếu bạn bước một mình trong một dãy hành lang, bạn nghe thấy tiếng bước chân của chính mình vẫn rộn rã một hồi sau khi bạn đã qua khỏi đó. Nếu bạn cười to lên một mình trong một căn phòng, nó giống như tiếng rung bị nghẽn lại của một cái chuông lớn. Bây giờ, toàn thể Stoneyhouse dường như vô cùng trống vắng. Và có lẽ nơi trống vắng nhất là nhà để xe ngựa. 
Rồi tới những cái chuồng ngựa. Thật đáng kinh ngạc khi những hạt lúa yến mạch tình cờ rơi rớt vào những vết nứt đã nhanh chóng nảy mầm đến thế giữa những lớp đá sỏi ở phía trước các bức tường. Và nếu bạn đứng một giây lát trong một cái chuồng ngựa, cạnh một trong cái máng cỏ trống rỗng, tiếng hót của một con chim cũng chói tai như tiếng gà gáy sớm. Và bạn hầu như có thể trông thấy những con ma ngựa với đôi mắt tối tăm đang nhìn bạn từ cái đầu dài của chúng, như thể muốn nói: “Vậy đây là điều mà người đã làm đối với chúng tôi!”
Jean Elspeth không có nhiều thời gian dành cho những trải nghiệm như thế. Không. Và dường như cô càng trở nên nhỏ bé hơn trong căn nhà trống rỗng. Nhưng cô đã linh hoạt hơn gấp mười lần. Và, dù cô đã cố không tỏ ra ích kỷ, cô hạnh phúc hơn gấp mười lần. Thật sự, giờ đây cô có thể thú nhận với những cái cột cổng khắc hình chim ưng rằng cô ghét Stoneyhouse. Thật kỳ quặc khi nó không còn là một nơi mà bất kỳ một người tốt nào sẽ tự hào khi được ở lại nghỉ chân, cô bắt đầu trở thành bạn của nó. Cô bắt đầu thương hại nó.
Không còn nghi ngờ gì rằng Tabitha đã nói đúng. Chắc chắn ông nội của họ đã “trở mình trong nấm mộ”, tội nghiệp cho ông, khi nghe thấy tiếng những chiếc xe tải to lớn lăn bánh trên con đường rải sỏi trong ánh hoàng hôn chao động. Thế nhưng, nói cho cùng, ông nội đã sinh ra trong một căn nhà hai phòng chật chội đến mức, nếu bạn có thể đưa nó qua cửa sổ, nó có thể được đặt một cách thoải mái thậm chí trong phòng ăn điểm tâm của ngôi nhà lớn mà ông đã xây nên. Đây là một sự thật khiến cho Tabitha bị sốc ghê gớm bất cứ khi nào cha cô mỉm cười nhắc tới nó.
Cũng có những tiện lợi khác nữa. Bây giờ có thể dễ dàng quét dọn căn phòng khách, và còn dễ hơn khi làm cho nó bẩn đầy những bụi. Một hôm, do lòng tốt hơn là sự tò mò, sau khi quét sạch cái khung mạ vàng với cây chổi lông, Jean Elspeth trèo lên một cái ghế và đứng nghiêng nghiêng ở đó nhìn vào bức chân dung. Một con nhện đã chăng lưới ở một góc tranh, nhưng ngoài ra bức tranh không hề thay đổi. Cụ MacKnackery cũng chưa rút cái đồng hồ ra khỏi túi ông, mặc dù bây giờ đã tới lúc rồi – vâng, đã quá mười hai giờ kém mười lăm.
Jean Elspeth có những ý nghĩ kỳ cục như thế đó trong chừng mực cô có thể nhớ. Nhưng giờ đây chúng ùa vào đầu cô như những con ong mùa hè ùa vào tổ. Dù cố đến mấy, cô không thể giữ tất cả chúng cho riêng mình, và dù riêng về việc này Tabitha có vẻ ghét cô hơn bao giờ hết, Euphemia thỉnh thoảng muốn có cô bầu bạn. Nhưng dạo đó Euphemia không được khoẻ. Lưng cô bắt đầu hơi còng xuống một chút, và đôi lúc cô không nghe thấy những gì người khác nói với mình. Nhìn thấy cô ta già đi rõ rệt như thế Jean Elspeth rất đỗi lo âu. Thế nhưng trong hầu hết mọi chuyện – và cô chỉ có thể nói lớn điều này ra vào mỗi sáng khi nhìn ra cửa sổ – cô hạnh phúc hơn rất nhiều so với khi Stoneyhouse còn trong thời vàng son của nó. Điều này có vẻ khá kỳ quặc, nhưng đúng là như thế.
Không có thời gian dành cho những việc khác. Và thậm chí nếu có cả một cái tủ lớn đựng đầy những gói thời gian đã tiết kiệm được, cô hẳn sẽ tiêu nó hết trong vòng một tuần. Euphemia vì quá ốm yếu nên làm rất ít. Cô ta giúp dọn giường và vá quần áo. Thật may mắn, chỉ phải vá thôi, vì việc may quần áo mới là không cần thiết trong suốt nhiều năm tới. Tabitha làm những thứ cô ta có thể với những công việc nhẹ hơn, nhưng dù cô ta có miệng lưỡi nhanh nhạy, đôi tay cô ta lại rất vụng về. Và rất hiển nhiên, dù không có ai xấu bụng đến mức nói ra điều ấy, cô ta thậm chí không thể kiếm được một số tiền công thấp như của Sally McGullie nếu như có ai đó cần thuê cô ta.
Bà O’Phrump lo việc nấu nướng, nhưng cứ ngồi suốt buổi trong bếp đến nỗi bà gần như trở thành một đống đồ, thứ đồ vật nặng nhất trong nhà. Vì việc nấu cháo yến mạch và khoai không cần nhiều thời gian lắm, và lúc này những thứ đó là món mà các tiểu thư nhà MacKnackery phải ăn nhiều nhất, ngoại trừ  những quả trứng từ ba con gà mái tàu của Jean Elspeth. Và bà O’Phrum cần hầu hết những quả trứng đó vì bao tử của bà to hơn. Còn về phần những trái táo và lê trong vườn, vì bà O’Phrum quá to béo để khom xuống làm món bánh bao nhân táo, Jean Elspeth, với hai hàm răng còn tốt cực kỳ, chia sẻ những món tươi sống đó cùng Tom Piper, dù lúc nào nó cũng đau bụng.
Tất cả những công việc còn lại trút xuống Jean Elspeth. Cô làm việc vất vả từ sáng tới tận đêm. Và để làm việc một cách vui vẻ hơn, cô tập huýt sáo. Cô chưa bao giờ tự hỏi vì sao mình sung sướng thế. Và chắc chắn, nó hoàn toàn trái hẳn với việc phải sống co mình lại, bị kiểm soát và bị làm ngơ của những ngày xưa cũ.
Có những việc giờ đây xảy ra trong Stoneyhouse mà chưa từng xảy ra trước đó, và có một số việc khá hữu ích. Ví dụ như Jean Elspeth luôn luôn sợ “có bạn”. Việc ăn mặc chải chuốt khiến cô thấy ngượng nghịu. Một người lạ đơn giản nhất cũng khiến cô mắc cỡ. Cô thích làm bạn với hai người chị của mình hơn. Lúc này không có ai tới cả trừ bác sĩ Menzies. Do lòng tốt, thỉnh thoảng ông ghé qua để bắt mạch cho Euphemia và lẩm bẩm “Hừm, hừm”, dù ông không tính tiền cho việc đó.
Jean Elspeth cũng chưa bao giờ thích những người giúp việc, không phải vì họ là những người giúp việc, nhưng vì dường như Euphemia và Tabitha nghĩ là họ không nên nói quá nhiều. Hai bà chị của cô chỉ ra lệnh. Bây giờ Jean Elspeth có thể dễ dàng cho mọi thứ trong đời, chỉ trừ việc ra lệnh. Và nếu có một ai đó thú vị trong ngôi nhà, mặc dù cô ta khá ngốc nghếch trong nhiều việc, đó là Sally MacCulie. 
Xin nói lại, Jean Elspeth, do bản tính, rất bừa bãi vô trật tự, nhưng bây giờ cô không bao giờ biểu hiện nó ra. Vì nói chung là không thể bừa bãi trong một căn phòng chỉ có một cái bàn và ba cái ghế!
Cũng xin nói lại, trước khi những quý ông ở Armenia và Madagascar thất bại trong công việc làm đường ống nước và trồng cao su của họ, Jean Elspeth có rất ít việc để làm. Gần như ngay cả việc đọc sách cô cũng không được phép làm. Vì Tabitha tin rằng nói chung việc đọc các thứ sách khác chỉ tổ mất thời gian, và coi thường nó. Trong khi đó những cuốn sách giúp nâng cao nhân cách lại chẳng nâng cao được Jean Elspeth chút xíu nào. Nhưng bây giờ thì cô có nhiều việc để làm đến nỗi làm thế nào để sắp xếp tất cả chúng cũng là một niềm vui tuyệt hảo (như sắp xếp những mảnh rời của trò ghép hình). Và niềm vui hoàn hảo nhất là thả người lên cái giường gầm của cô, trước đây là giường của Sally MacGulie, và với một cây nến mỡ gắn vào cái tay nắm cửa bằng chính sáp của nó, để đọc, đọc và đọc.
Cô sử dụng thời gian như thế, không có sinh vật nào làm bầu bạn ngoài những con chuột lang thang, những con bướm đêm nhẹ nhàng vụt qua. Khi thân người cô lạnh đi trong thời tiết mùa đông, cô trải cái váy của mình lên trên tấm chăn. Thật sự, một tấm chăn mỏng không làm người ta dễ chịu cho lắm trong những đêm trời rét của miền bắc. Còn về phần hai bàn chân, cô thường đun sôi nước trong cái lò lớn và đổ vào một chai rượu để sưởi ấm.
Dĩ nhiên việc này đã đánh vỡ khá nhiều chai, và thật lạ lùng là cho tới khi chỉ còn có một cái chai duy nhất, Tabitha (đôi chân của cô ta như hai mẩu băng) từ chối không muốn nghe nói về bất kỳ việc gì khiếm nhã như thế,  khi đó lại đổi ý. Và những lọ thuốc thì quá nhỏ!
Ngoài tất cả những chuyện đó ra, bây giờ ở Stoneyhouse có nhiều điều kỳ quặc xảy ra. Những điều rất nhỏ nhặt, nhưng thú vị. Ví dụ, những người lái xe tải đã làm vỡ một cánh cửa sổ ở tầng dưới khi họ rinh cái tủ đồ sộ nhất của cụ McKnackery xuống thang. Vào mùa xuân, một cặp chim cổ đỏ nhìn thấy cái lỗ đó và quyết định làm tổ trong một góc của gờ tường. Jean Elspeth (với một khúc huýt sáo nho nhỏ) được chấp nhận là bạn tri kỷ của toàn thể cái gia đình đó.
Ngoài ra còn có một cái tủ đựng giày, nằm hơi cách xa nhà bếp để bà O’Phrum có thể lui tới. Cánh cửa sổ của nó để mở. Tình cờ một buổi chiều nọ Jean Elspeth nhìn vào đó và phát hiện ra một một khóm hoa Traveller’s Joy, màu lá hơi nhợt nhạt, nhưng đã thật sự nở hoa trong đó. Thậm chí còn có cả một con bướm đang hút mật hoa. Sau đó, không ngày nào cô không ghé mắt nhìn vào vị khách xanh xanh thanh tú đó, và hôn tay của nàng ta. Cũng vậy, việc phải nói chia tay với hầu hết những đồ đạc trong nhà mà dường như với cô đã là kẻ thù từ lúc cô lên năm tuổi là cả một sự nhẹ nhõm lớn lao.
Cô đi lang thang vào những căn phòng mà cô chưa từng nhìn thấy trước đó, và nhìn ra ngoài những khung cửa sổ xuống những quang cảnh mà trước đó chưa từng trải ra dưới mắt cô. Cô cũng không chừa thói mơ mộng, nhưng chỉ chìm đắm vào những giấc mơ ngày đến và đi nhanh như chim én giữa hai lần tích tắc của một chiếc đồng hồ. Và mặc dù, dĩ nhiên thôi, Tabitha cực lực phản đối những thứ làm cho Jean Elspeth vui vẻ, giờ đây hầu như không có nhiều thời gian để nói cho cô ta nghe về chúng.
Ngoài ra, Jean Elspeth còn có ích trong cái trại lính to lớn đó hơn cả mười người giúp việc nhà cao cấp. Cô giống một cỗ máy hơi nước hơn là một tiểu thư trong trắng. Và, như một cỗ máy hơi nước, cô  khước từ sự tức giận; cô khước từ sự dỗi hờn; và cô thường khước từ việc đáp trả. Tuy nhiên, khi cô đáp trả, cái lưỡi của cô có một cái ngòi ít nhất cũng bén (dù không có độc) như cái ngòi của một con ong bận rộn.
Cuối cùng, nhưng không kém quan trọng, là ở phía ngoài của ngôi nhà. Ngay sau khi ông McPhizz và những người làm vườn thuộc cấp rời khỏi những cái kéo xén cây, dao, những cái ủi hàng rào và máy xén cỏ, cây cỏ dại bắt đầu xâm lấn khu vườn.
Gió và lũ chim chóc mang những hạt mầm từ rừng tới, và sau hai mùa hè, những thảm cỏ được cắt xén gọn gàng trở thành một cánh đồng rực rỡ những hoa cúc đồng, mao lương vàng, chuối lá, bồ công anh, ngò tây, và rồi cây chút chít, cây kế, các loài cỏ đất và cỏ lông. Cây thường xuân, cây hoa bia, cây nhăng, dây bìm bìm mọc lan ra sân hiên. Những khóm cây nhỏ xíu nở hoa giữa những phiến đá. Và cả rêu, mọc thành từng thảm với màu xanh sống động hơn cả ngọc lục bảo, hay thậm chí hơn cả một chiếc lá sồi non. Những vệt nước mưa tô màu lên những bức tường trắng, như thể một người khách lạ đã tới trong đêm và bắt đầu vẽ những bức tranh lên đó. Và những khóm hoa hồng nằm trong những luống hoa giờ bị che khuất cũng nhanh chóng vươn lên để nở hoa như những chị em hoang dại của chúng.
Và không chỉ có những loài cây cỏ đâm chồi nảy lộc. Jean Elspeth thường rón rén nhìn ra những gia đình thỏ bé nhỏ đang ăn bữa điểm tâm hay bữa trưa của chúng với những chiếc lá bồ công anh trên những phiến đá ngay bên dưới những cánh cửa sổ. Những con sóc nhá quả hạch; những con chuột chũi đào hang; những con nhím đến để săn bọ; những con chuột đủ cỡ chạy nhảy, hấp háy mắt và khiêu vũ nô đùa.
Còn chim chóc thì vô số kể! Và có đủ mọi giống loài, mọi màu sắc và giọng hót đến nỗi cô phải ngồi cho tới nửa đêm để tìm kiếm tên chúng trong cuốn sách khổng lồ về các loài chim mà cha cô đã tặng vào lễ Giáng sinh thứ mười một của cô. Đây là một bảo vật mà cô đã cứu khỏi những người lái xe tải. Cô đã bao nó lại trong hai tờ báo Người Tô Cách Lan, và giấu nó vào ống khói. Đôi khi cô cảm thấy hơi tội lỗi, nhưng rồi lại xác định rằng bốn viên luật sư chưa bao giờ nghe nói về nó.
Thật lạ lùng, cực kỳ lạ lùng, khi cô thấy hạnh phúc đến vậy; và đôi khi Jean Elspeth hầu như không thể che giấu được, cô rất xấu hổ về điều này khi có mặt của hai người chị. Và như họ nói, bây giờ cô không nhắc gì tới Lucy nữa.
Và đó là điều lạ lùng kỳ quặc nhất trong tất cả mọi điều. Sau cú sốc đáng sợ của lá thư, sau sự hành hạ và lo âu và kinh hãi, những người lái xe tải và những kẻ đi buôn, Tabitha và Euphemia tội nghiệp –dù nét mặt họ có can cường đến đâu và lưng họ cứng thế nào – đã rũ xuống như những bông hoa mùa thu bị sương muối làm héo úa. Với lòng kiêu hãnh, họ đã từ bỏ ngay cả những người bạn vẫn trung thành với họ trong cơn khốn khó. 
Họ câm nín âm thầm hơn bao giờ hết, như những con chim trong lồng. Thậm chí, họ hầu như không ngó ra ngoài cửa sổ. Họ chỉ bước ra khỏi cửa vào ngày Chủ nhật. Đôi khi Euphemia nằm liệt trên giường. Và Jean Elspeth thường kêu lên với chính mình, “Ôi chao ơi, chị thân yêu!” khi nhìn thấy Tabitha đi vòng quanh nhà với một cái khăn lau lớn nhưng lại quá yếu ớt không lau nổi bao nhiêu. Và nhìn thấy cô ta húp xì xụp món cháo yến mạch loãng như thể cô ta đang đói cực kỳ, như thể đó là món ăn ngon lành nhất ở Christendom, cũng giống như là có một con dao đang cắm vào lồng ngực Jean Elspeth.
Thế nhưng, “sức mạnh tinh thần” và sự can đảm của Tabitha lớn đến nỗi Jean Elspeth không bao giờ dám an ủi cô ta, làm cho cô ta vui lên hay vẫy cái muỗng về phía cô ta dù chỉ là một phân.
Trong hoàn cảnh này, Jean Elspeth cảm thấy dường như rất không công bằng khi nhắc tới tình bạn với Lucy, ngay cả trong tâm trí của cô. Nó cũng giống như chơi xấu, như người ta nói. Nó giống như lừa gạt. Dù sao đi nữa, nó sẽ làm họ bị tổn thương. Họ sẽ thấy, còn khắc nghiệt hơn trước, họ lẻ loi đến thế nào. Họ có thể nhìn lên và nhận ra qua ánh mắt của cô rằng người bạn cũ của cô vẫn không rời bỏ cô. Không. Cô sẽ đợi. Còn rất nhiều thời gian. Cô sẽ kềm lại những mong ước của mình. Và cánh cửa bí mật trong tâm trí cô sẽ để không mở rộng như trước, mà chỉ he hé.
He hé như thế nào cô không thể nói chính xác. Thế nhưng, bất chấp mọi chuyện đó, bản thân Lucy, như thể nó là một hồn ma thật sự, dường như có mặt ở khắp nơi. Nếu trong lúc đang cọ rửa Jean Elspeth đột ngột nhìn ra cửa sổ - dù đó chỉ là tưởng tượng hay không – gương mặt xinh đẹp đó sẽ đang len lén mỉm cười nhìn vào. Nếu một đêm sáng trăng nào đó cô ngồi tựa bên ngưỡng cửa sổ phòng ngủ để hưởng vài phút giây quý báu, cô có thể nhìn thấy hồn ma đó đang đi lang thang, không có bóng, giữa những đám cây cối rì rào và lớp cỏ của thảm cỏ.
Thông thường, những hồn ma bóng quế khác rất xa với những người bạn được đón chào. Lucy thì lại dịu dàng và xinh xắn. Chỉ cần nhìn thoáng qua nó thôi cũng giống như đang nghe một con chim rừng ca hát – chim két hay chim đầu đen, khác xa với tiếng cú kêu: những tiếng rúc buồn thảm của nó dường như càng làm đen kịt thêm bóng tối. Tuy nhiên, khi đã kết bạn với con ma này, bất kể cô cố không để ý tới nó như thế nào, tất cả những gì Jean Elspeth phải làm để tỏ ra công bằng – và cô làm với hết khả năng – là không tìm kiếm Lucy, không tỏ ra là cô nhìn thấy nó khi nó đang ở đó và có thể nhìn thấy một cách rõ ràng ngay trước mắt cô. Và khi cuối cùng cô nhận ra rằng kế hoạch của cô đã thành công, rằng Lucy đã rời khỏi cô, trái tim cô như muốn nhảy cẩng lên.
Nhiều năm cứ thế trôi qua. Ba chị em ngày càng già hơn, và cả Stoneyhouse cũng ngày càng già hơn. Những bức tường, những dãy hàng rào, chuồng ngựa, nhà để xe ngựa, chuồng gà và ngôi nhà vuông dần dần tàn tạ, đổ nát. Tabitha ngày càng khép kín, và ba chị em hiếm khi nói chuyện trong những bữa ăn.
Thế rồi cuối cùng Euphemia ngả bệnh. Trong một khoảng thời gian, mọi thứ khác hoàn toàn tách ra khỏi đời sống và ký ức của Jean Elspeth. Bà thậm chí không có một khoảnh khắc nào để tựa người bên cửa sổ hay nằm đọc sách trên giường. Không may là phòng ngủ của Euphemia nằm ở tận tầng ba. Đôi chân của Jean Elspeth mỏi rã rời vì phải đi lên những bậc thang dài đó, còn Tabitha thì không làm được gì ngoài việc ngồi ở cửa sổ và đan lại những chiếc vớ và khăn choàng rách. Bà ta cứ ngồi như hàng giờ, không hề ngước mắt lên khỏi đôi kính gọng sừng của ông nội trước kia và bây giờ đang nằm trên sống mũi của bà. Bác sĩ Menzies giờ cũng đã già và chỉ có thể ghé thăm họ một cách hiếm hoi.
Bản thân Jean Elspeth ít khi vào giường ngủ. Bà ngồi trên một cái ghế trong phòng Euphemia và tranh thủ những giấc ngủ ngắn ngủi, như một con chó đói tranh thủ đớp những miếng thịt vụn trên cái mâm của người hàng thịt. Vào một đêm như thế, đang ngủ gà gật trên chiếc ghế, rơi vào một cái hố sâu ác mộng cực kỳ giá lạnh và tăm tối, và đã ở đó hàng thế kỷ mà không có một chút ánh sáng hay âm thanh nào, bà chợt bị đánh thức bởi giọng nói của Euphemia.
Đó không phải là giọng nói bình thường của Euphemia, và những từ nối tiếp nhau nhanh hơn thường lệ, giống như một đàn cừu chạy qua một cánh cổng. Ánh bình minh đang rọi vào cửa sổ. Và làn ánh sáng hướng đông đầu tiên lạnh lẽo đó cho thấy Euphemia đang ngồi trên giường – một điều mà bà ta không thể thực hiện suốt nhiều tuần nay. Và bà ta đang yêu cầu Jean Elspeth nói cho bà ta biết đứa bé đang đứng ở đầu giường bà ta là ai.
Euphemia cũng mô tả nó, “Một đứa bé xinh đẹp với mái tóc thẳng. Và nó cầm một bó hoa kim tước và những bông hoa đang nở lớn. Chị có thể ngửi thấy mùi quả hạnh. Và nó cứ nhìn rồi mỉm cười, đầu tiên với chị, rồi với em. Em có thấy không, Elspeth? Hãy bảo nó đi đi. Bảo nó chị không muốn vui vẻ như thế. Nó đang làm chị sợ. Xin hãy bảo nó đi ngay đi.”
Jean Elspeth ngồi run rẩy, lạnh hơn cả một con ốc sên trong cái vỏ mùa đông của nó. Điều đáng sợ là bà biết người khách đó hẳn phải là Lucy, thế nhưng bà không thể nhìn thấy nó – không một dấu vết, không có gì khác ngoài cái giường sắt và cái cột giường, và Euphemia ngồi đó nhìn đăm đăm. Vậy làm thế nào bà bảo Lucy đi cho được?
Bà nhìn kỹ quanh phòng, và cầm lấy đôi bàn tay lạnh lẽo của Euphemia. “Chị đang nằm mơ đó, Euphemia. Em không thấy gì cả. Và nếu nó là một giấc mơ thú vị, tại sao lại xua đuổi nó đi?”
“Không,” Euphemia nói, vẫn với giọng lạ lùng, khẽ và rõ ràng. “Đây không phải là mơ. Em đang gạt chị, Elspeth. Nó đến chỉ để chế nhạo chị. Đuổi nó đi đi!”
Jean Elspeth nhìn vào đôi mắt sáng mở to của bà chị, lúc này dường như sâu hơn cả cái giếng sâu nhất trên trái đất, bắt buộc phải đáp lời bà ta.
“Chị Euphemia, xin chị đừng nghĩ tới nó nữa. Không có gì phải sợ cả, hoàn toàn không có gì. Sao vậy, nghe giống như Lucy, câu chuyện xưa ngớ ngẩn, chị có nhớ không? Nhưng bản thân em không nhìn thấy nó từ rất lâu rồi. Em không thể trong lúc chị đang ốm.”
Đôi mí mắt khẽ khép lại trên đôi mắt to, nhưng Euphemia vẫn nắm chặt bàn tay thô nháp vì công việc của Jean Elspeth. “Vậy thì đừng bận tâm,” bà ta thầm thì, “nếu chỉ có thế. Chị không muốn bắt nó xa rời em, Elspeth. Hãy ngồi sát bên chị. Có một điều, là bây giờ chúng ta đang hạnh phúc hơn, em và chị.”
“Ồ, Euphemia, ý của chị là thế thật sao?” Jean Elspeth hỏi.
“Ừ,” Euphemia đáp; và như thể lúc này có hai giọng đang nói: giọng nói cũ của Euphemia và một giọng khe khẽ, giống như đang nằm mơ. “Ý chị là vậy. Lúc này có thật nhiều không khí – một nơi khác. Chị hy vọng bạn của em sẽ đến thường xuyên theo ý thích. Có đủ chỗ cho tất cả chúng ta.”
Với từ “chỗ” đó và một nụ cười khắc khổ kèm theo, toàn bộ Euphemia cũ dường như đã quay trở lại, dù chỉ giây lát sau bà ngả người lên gối và có vẻ đã ngủ thiếp đi.
Khi thấy bà ta đã yên lặng, Jean Elspeth quay đầu lại một cách rất thận trọng. Những tia nắng đầu tiên đang rọi lên cửa sổ. Không có một mùi quả hạnh mơ hồ nhất nào thoáng qua mũi bà. Không có bất kỳ dấu hiệu nào của một người bạn. Trán bà nhăn lại. Bà thấy ớn lạnh khắp người, và thân thể đau như dần; nhưng bà cố mỉm cười, và gần như vô ý thức nhấc một ngón tay lên như thể đang cầm một cái muỗng uống trà và bà đang vẫy nhẹ cái muỗng theo cái cách thức kín đáo trẻ con cũ của bà về phía bức chân dung của cha bà trên tường.  
Sau đó, thỉnh thoảng Jean Elspeth lại ngắm nhìn cái vẻ xa vắng trên gương mặt của Euphemia, và nụ cười như lúc nãy, nghiêm nghị, khắc khổ, nhưng hạnh phúc – như lòng nước sâu bên dưới những đợt sóng. Gần như thể Euphemia cảm thấy hài lòng vì Lucy đã bỏ đi.
Một buổi sáng nọ, bà ta đột nhiên nói, như thể tiếp tục một cuộc nói chuyện dài sau một khoảng thời gian im lặng. “Em biết đó, em thân mến, nó chỉ chứng tỏ rằng tất cả chúng ta đều cùng đi trên một con đường về nhà.”
“Euphemia, xin chị đừng nói như vậy,”Jean Elspeth thì thầm.
“Nhưng tại sao lại không?” Euphemia nói. “Là vậy đó. Và nó gần như cười nhạo chị. Cái con bé xấc xược đó!...”
Khi Euphemia chết, không có ai trong số bạn cũ của họ biết, vì thế chỉ có bác sĩ Menzies và chị của ông tới dự tang lễ ở Stoneyhouse. Và dù lúc bấy giờ Jean Elspeth sẵn lòng làm tất cả mọi việc trong nhà và chăm sóc cho Tabitha, rốt cuộc họ đã thuyết phục được bà rằng điều này không thể được. Thế là, vào một buổi sáng nắng chói chang, sau khi đã tặng cho Tom Piper một món quà nhỏ chia tay và khóc giây lát trên bờ vai to lớn của bà O’Phrump, Jean Elspeth và Tabitha leo lên một chiếc xe ngựa. Chiều hôm đó, bà nhận ra mình đã cách xa Stoneyhouse hàng trăm dặm, đang ở trong một tầng gác hai phòng mà Sally McGullie dành riêng cho hai vị phu nhân. Sally đã kết hôn với một người ngư phủ và bây giờ là bà John Jones.  
Jean Elspeth không thể tưởng tượng ra một cuộc sống khác biệt đến thế. Như thể bà đã bị bứng lên cả gốc lẫn rễ. Bất cứ lúc nào Tabitha để cho bà rảnh rỗi – và giờ đây điều này khá hiếm hoi – bà thường ngồi ở cửa sổ, nhìn ra cái cảng đá vuông và biển cả, hay căn nhà kính ở mặt trước cảng. Nhưng giờ đây thời gian trải ra trống rỗng trước mặt bà, và bà được tự do nếu bà sẵn lòng “giả vờ” bất kỳ lúc nào bà muốn, để rơi vào hết giấc mơ ban ngày này sang giấc mơ khác. Kỳ lạ một điều là bây giờ hầu như bà không thể hình dung ra Lucy, ngay cả bằng đôi mắt nội tâm của bà, và không bao giờ bằng đôi mắt trần.
Ngoài ra, cũng chính do cái cung cách của thế giới lạ lùng này mà bà khát khao và mong nhớ Stoneyhouse không thể tả. Đôi khi bà cảm thấy bà phải chết – vì nghẹt thở hay vì nỗi nhớ quê nhà, và thường cau mày nhìn ra mặt biển xám ngắt đang nhấp nhô, như thể chính nó là kẻ thù đã khiến bà phải cách xa quê nhà. Bà bỏ vào một cái hộp thiếc dựng tiền từng đồng trinh mà bà dành dụm được từ khoản tiền nhỏ nhoi mà bốn viên luật sư cố xoay xở từ những cây cao su. Và tất cả là vì một mục đích xa xăm.
Cuối cùng, nhiều năm sau đó, bà bảo với bà Jones rằng bà không thể nén lòng được nữa, rằng – như con mèo trong truyện cổ tích – bà phải về thăm nhà, và phải đi một mình…
Đó là một buổi chiều thu, vào khoảng năm giờ. Những cái bóng dài đang bò qua lớp cỏ của khu vườn hoang khi Jean bước tới gần Stoneyhouse. Bà nhận ra mình đang đứng gần bên những bức tường hoang phế, cạnh một hồ nước cạn mà giờ đây chỉ còn là một cái hố nông trong vườn. Cha bà rất thích nước và đã dùng một dòng suối nhỏ chảy qua gần đấy để làm một vòi phun nước và một ao cá. Cái vòi phun đã ngưng chảy từ lâu, còn cái ao đã bị nghẽn cứng bởi những rong rêu. Dòng suối chảy tràn qua những chỗ trũng,và tự biến nơi đây thành chỗ nghỉ ngơi cuối cùng của nó. Bạn hầu như có thể nghĩ rằng nó đang cố sao chép lại cuộc đời của Jean Elspeth trong căn nhà ven biển của Sallie Jones. Mặt khác, những cánh cửa sổ của ngôi nhà lớn giờ đây không còn nhìn trừng trừng một cách dữ dợn nữa, chúng nhạt nhòa và trống rỗng như đôi mắt của một người đang bước đi trong giấc ngủ. Một trong những cái ống khói đã đổ xuống, và những loài dây leo đã bò khắp bề mặt của những bức tường.
Jean Elspeth, giờ đây là một bà cụ già nua lưng còng lọm khọm, với cái mũ đen cáu bẩn và cái áo choàng điểm hột của Euphemia lúc trước, đứng đó để uống bằng mắt cái quang cảnh tĩnh lặng lớn lao như một người vớt bọt biển khát nước uống bừa nước biển.
Sau khi ngần ngừ giây lát, bà quyết định tới gần hơn. Bà len lỏi qua những cây cỏ hoang dại của khu vườn, băng qua sân trước, và sau đó nhìn qua một trong những cánh cửa sổ xám xịt của phòng ăn. Tình cờ, có một nửa cánh cửa chớp còn để mở. Khi đôi mắt bà bắt đầu quen với ánh sáng mù mờ bên trong, bà phát hiện ra rằng bức tường đối diện giờ hoàn toàn trống trải. Bức chân dung của ông nội bà hẳn đã dần dần tuột khỏi sợi dây treo. Nó đã rơi úp xuống những tấm ván bên dưới.
Bà buồn lắm khi nhìn thấy cảnh này. Bà đã để bức tranh treo ở đó vì bà chắc rằng Euphemia cũng muốn như vậy. Nhưng dù bà đã mệt nhoài khi tìm lối vào trong nhà, để ít ra có thể dựng bức chân dung của ông nội bà lên và để dựa vào tường, bà chỉ luống công vô ích. Những cái then cài cửa đã han rỉ, những cánh cửa sổ thấp đóng kín. Và trời bắt đầu tối nhập nhoạng khi bà nhận ra mình lại một lần nữa đứng bên cạnh cái ao nước tù đọng lạnh lẽo. 
Tất cả những điều này xảy ra trong khi bà đã cực kỳ cô độc. Việc nhìn thấy một ngôi nhà lớn bị suy tàn đổ nát như thế trong sự bỏ mặc là một điều thật đáng sợ và đáng buồn. Thế nhưng không phải là bà không hạnh phúc, vì dường như với những cây cối và hoa cỏ trong cái chốn quạnh hiu này không hề than van và đang ngơi nghỉ. Và cả bà cũng vậy. Như thể toàn bộ cuộc đời bà đã tan biến và trôi đi như một giấc mơ, chỉ còn để lại thân thể bà đang đứng đó trong ánh hoàng hôn chạng vạng dưới những cành lá của cây hạt dẻ cao lớn trên đầu.
Và rồi tình cờ, trong sự im lặng sâu thẳm đó, đôi mắt bà lướt qua mặt nước dưới chân, và toàn bộ tâm trí bà chợt gắn chặt vào đó với một sự bối rối bất ngờ. Vì dưới ánh sáng lờ mờ, bà nhìn thấy, đang nhìn lại bà chăm chú từ bên dưới cái mũ bằng nhiễu đen, với cái khăn choàng của Euphemia khoác trên vai, là một gương mặt không giống chút nào với gương mặt của bà cụ già bé nhỏ bên trong chúng, mà là gương mặt xinh đẹp và tươi cười của một kẻ vĩnh viễn trẻ trung, hạnh phúc và vui vẻ, gương mặt của Lucy. Nó chăm chú nhìn bà, nhìn mãi, trong ánh hoàng hôn sẫm tối. Một sự bình an nằm ngoài khả năng thấu hiểu vỗ về tâm hồn bà. Cho tới lúc này, đó là điều lạ lùng nhất từng xảy ra với Jean Elspeth trong suốt cuộc đời lạ lùng dài tám mươi năm của bà trên trái đất. 





[1] River Tay: con sông dài nhất Tô Cách Lan và dài thứ bảy của Vương quốc Anh.
[2] Grampian Mountains hoặc Grampians:  một trong ba dãy núi chính ở Tô Cách Lan, chiếm một phần đáng kể trong vùng Cao nguyên Tô Cách Lan (Scottish Highlands)  ở miền đông bắc Tô Cách Lan.
[3] A Changeling: Theo truyền thuyết dân gian Tây Âu và tôn giáo dân gian, một “đứa bé đánh tráo” được mô tả là con của một vị tiên, người khổng lồ, yêu tinh hay một sinh vật truyền thuyết nào đó khác đã bị bí mật tráo đổi cho một em bé con của loài người. Những đứa bé đánh tráo nói chung thường thiểu chức năng, bị dị tật bẩm sinh hay chết yểu. Cũng theo truyền thuyết, đứa bé con của con người bị đánh tráo là vì nhiều lý do: để làm nô lệ, do tình yêu đối với trẻ con của loài người. Đa số các trường hợp được xem là do các bà tiên đánh tráo. Theo một số truyền thuyết dân gian Na Uy, việc tráo đổi là nhằm ngăn ngừa sự hôn phối giữa những người cùng huyết thống, để tạo dòng máu mới cho người khổng lồ (troll) và loài người. Những em bé đánh tráo được trao cho loài người thường có sức mạnh phi thường. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét