Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Walter de la Mare - Điều bí ẩn


Dịch từ nguyên tác
Collected Stories for Children [1947]
của Walter de la Mare 
Dịch giả giữ bản quyền bản Việt ngữ
Copyright © Nguyễn Thành Nhân 2009
 




Một hôm, bảy đứa bé, Ann, Matilda, James, William, Henry, Harriet và Dorothea, cùng đến sống với bà của chúng. Bà cụ đã sống trong ngôi nhà đó suốt thời thơ ấu của mình, và nó đã được xây dựng từ rất lâu trước đó. Đó không phải là một ngôi nhà đẹp, nhưng có nhiều phòng, chắc chắn và vuông vắn; và có một cây tuyết tùng to lớn vươn cành lá tới sát bên những cánh cửa sổ.
          Khi bọn trẻ bước ra khỏi chiếc xe ngựa (năm đứa ngồi trong thùng xe và hai đứa ngồi bên cạnh người đánh xe), chúng được đưa tới gặp bà của chúng. Chúng đứng thành một nhóm nhỏ lố nhố trước mặt bà cụ già nua đang ngồi sau cánh cửa sổ xây lồi ra khỏi tường. Bà hỏi tên từng đứa một rồi lặp lại với giọng run run hiền hậu. Rồi bà tặng cho Ann hộp đồ khâu vá, William một con dao xếp, Dorothea một quả bóng sơn màu… Mỗi đứa đều có một quà tặng hợp với lứa tuổi của chúng. Sau đó bà hôn từng đứa một cho tới đứa bé nhất.
          “Các cháu yêu của bà,” bà bảo, “bà muốn nhìn thấy tất cả các cháu vui vẻ và tươi cười rạng rỡ trong nhà bà. Bà già rồi nên không thể chơi đùa với các cháu, nhưng Ann sẽ trông nom các cháu, cả bà Fenn nữa. Mỗi sáng sớm và chiều tối tất cả các cháu phải đến thăm bà, mang tới cho bà những gương mặt tươi cười để nhắc cho bà nhớ tới con trai Harry của bà. Suốt thời gian còn lại trong ngày, khi đã học hành xong, các cháu có thể làm gì tùy thích, các cháu cưng à. Bà chỉ muốn các cháu ghi nhớ một điều, chỉ một điều thôi. Trong góc của căn phòng ngủ trống rộng lớn nhìn ra mái ngói có một cái rương cũ kỹ làm bằng gỗ sồi. Phải, nó già hơn cả bà nữa, các cháu yêu quý, già hơn rất nhiều, già hơn cả bà của bà. Các cháu có thể chơi đùa ở bất cứ nơi nào khác trong nhà trừ chỗ đó.” Bà nói với chúng một cách hiền từ, mỉm cười nhìn chúng. Nhưng bà đã rất già, và mắt bà dường như không còn nhìn thấy cái gì của thế gian này nữa.
          Dù lúc đầu bọn trẻ hơi thấy buồn và lạ lẫm, chẳng bao lâu chúng đã trở nên vui sướng và thoải mái trong căn nhà rộng lớn. Ở đây có nhiều thứ thú vị và vui vẻ, tất cả đều mới mẻ đối với chúng. Mỗi ngày hai lần, sáng sớm và chiều tối, chúng đến thăm bà chúng. Dường như mỗi ngày bà một trở nên già yếu hơn. Nhưng bà luôn vui vẻ kể cho chúng nghe về mẹ của bà, về tuổi thơ của bà, và chúng không bao giờ quên cái hũ đựng kẹo bi của bà. Và nhiều tuần cứ thế trôi qua…
          Trời nhập nhoạng tối khi Henrry leo lên gác một mình để xem xét cái rương bằng gỗ sồi. Nó ấn mấy ngón tay của mình lên những hình hoa quả chạm khắc trên nắp rương và nói chuyện với những gương mặt tối tăm đang mỉm cười ở bốn góc rương, rồi, sau khi liếc nhanh ra sau lưng, nó mở nắp rương và nhìn vào bên trong. Nhưng cái rương chả chứa đựng vật gì quý báu cả, không có vàng, không có những thứ đồ trang sức, cũng chẳng có món gì bắt mắt. Bên trong rương trống rỗng, ngoại trừ một lớp hoa hồng khô héo, dường như sẫm màu hơn trong bóng tối, đang tỏa ra một mùi thơm thoang thoảng. Trong khi Henry đang nhìn vào rương, nó nghe thấy tiếng cười khe khẽ và tiếng ly tách lanh canh va chạm ở phòng bên dưới; và khi nhìn ra bên ngoài, nó thấy đêm đã buông xuống. Những điều này gợi cho nó nhớ tới mẹ nó một cách lạ lùng. Mẹ thường mặc bộ váy trắng và đọc truyện cho nó nghe trong bóng tối. Thế là nó trèo vào trong rương. Và cái nắp rương nhẹ nhàng đóng lại bên trên nó.
          Khi sáu đứa bé kia chơi đùa đã mệt, chúng kéo nhau vào phòng bà chúng để chúc bà ngủ ngon và nhón ít viên kẹo bi của bà. Bà cụ nhìn chúng qua những cây nến như thể bà không chắc lắm về một điều gì đó trong ý nghĩ của mình. Ngày hôm sau, Ann bảo với bà nó rằng không ai thấy Henry đâu cả.
          “Cháu cưng. Vậy là nó phải đi xa một một thời gian.” Bà cụ bảo. Bà ngưng một lúc rồi nói tiếp. “Nhưng hãy nhớ nhé, tất cả các cháu không được léo hánh tới gần cái rương gỗ sồi.”
          Nhưng Matilda không thể quên được cậu em Henry của nó, thế nên nó không còn thấy vui thú gì khi chơi đùa mà không có em nó. Nó tha thẩn khắp nhà, suy nghĩ xem em nó có thể ở đâu. Nó bế con búp bê bằng len của mình trên tay, hát khẽ tất cả những câu nghêu ngao nó có thể nghĩ ra. Một buổi sáng nắng đẹp, nó nhìn vào rương, mùi thơm ngọt ngào thoang thoảng và cái rương có vẻ bí ẩn đến nỗi con bé ẳm theo con búp bê leo vào trong đó, như Henry hôm trước.
          Thế là trong nhà chỉ còn lại Ann, James, William, Harriet và Dorothea chơi với nhau. “Một ngày nào đó có thể chúng sẽ quay lại với chúng ta, các cháu cưng,” bà chúng nói, “hoặc là các cháu sẽ đi tới chỗ chúng. Hãy nhớ kỹ lời nhắc nhở của bà.”
          Lúc này Harriet và William kết thân với nhau, giả vờ làm một đôi tình nhân; trong khi đó James và Dorothea thích những trò đi săn, câu cá và đánh trận giả.
          Một buổi chiều lặng lẽ tháng 10, Harriet và William đang vừa ngồi nói chuyện khe khẽ với nhau vừa nhìn ra bên ngoài mái ngói tới những cánh đồng xanh, chúng chợt nghe tiếng kêu chít chít nô giỡn của một con chuột trong phòng sau lưng chúng. Chúng cùng đi vào và tìm kiếm cái hang nhỏ tối tăm nơi từ đó con chuột đã chui ra. Nhưng khi không tìm ra cái hang nào cả, chúng bắt đầu sờ vào những hình chạm khắc trên cái rương, và tán gẫu với những gương mặt tối tăm đang mỉm cười như Henry đã từng làm. “Anh biết rồi! chúng ta hãy giả vờ như em là Người đẹp ngủ trong lâu đài, Harriet nhé,” William nói, “còn anh sẽ là Hoàng tử băng qua những bụi gai và đi vào lâu đài.” Harriet nhìn anh nó một cách dịu dàng và lạ lùng nhưng nó vẫn leo vào trong rương và nằm xuống giả vờ ngủ, thế là William rón rén tới bên nhìn xem cái rương lớn cỡ nào. Nó bước vào để hôn Người đẹp và để đánh thức nàng khỏi giấc ngủ dài. Cái nắp rương chạm trổ chậm rãi và im lìm khép lại. Và chỉ còn tiếng trò chuyện ồn ào của James và Dorothea thỉnh thoảng lọt vào phòng để nhắc Ann rời mắt khỏi quyển sách một lúc.
          Nhưng người bà già nua của chúng đã quá yếu, mắt bà kèm nhèm và  bà nghe rất khó khăn.
Tuyết đang rơi qua bầu không gian lặng lẽ xuống mái nhà; và Dorothea trở thành một con cá trong cái rương bằng gỗ sồi, còn James đứng trên cái lỗ trong lớp băng, vung một chiếc gậy chống thay cho một cái lao có ngạnh, giả làm một người Esquimo. Mặt Dorothea đỏ bừng và đôi mắt man dại của nó lóe lên qua mái tóc rối. James có một vết xước trên má. “Em phải vùng vẫy, Dorothea, rồi anh sẽ bơi trở lại và kéo em ra. Nhanh lên nào!” Nó la lớn với một tràng cười khi nó chui vào chiếc rương mở rộng. Và cái nắp rương êm ái đóng lại như thường lệ.     

 
Ann, chỉ còn lại một mình, đã quá lớn nên không thích những viên kẹo bi lắm, nhưng nó vẫn tới chúc bà ngon giấc. Bà cụ đăm chiêu nhìn nó qua đôi kính. “Chà, cháu yêu,” bà nói với mái đầu run rẩy, và bà nắm chặt những ngón tay của Ann trong bàn tay xương xẩu của mình. “Những người lớn tuổi thật là đơn độc, hai chúng ta là vậy đó, chắc rồi!” Ann hôn lên gò má mềm nhũn của bà nó. Nó đặt bà cụ ngồi trong chiếc ghế dễ chịu của bà, nó chắp hai tay lên đầu gối và đầu nó nghiêng về phía bà.
Khi Ann lên giường ngủ, nó thường ngồi đọc sách dưới ánh nến. Nó co gối bên dưới tấm chăn, đặt cuốn sách lên trên. Câu chuyện nó đang đọc nói về những nàng tiên và  những thần lùn, và ánh trăng êm đềm lan tỏa trong câu chuyện dường như đang rọi lên những trang giấy trắng. Nó có thể nghe thấy trong tưởng tượng những giọng nói thần tiên, ngôi nhà rộng có nhiều phòng quá im lìm và những dòng chữ của câu chuyện quá êm đềm dịu nhẹ. Nó  thổi tắt nến, và với những giọng nói mơ hồ sát bên tai, những hình ảnh lờ mờ lướt nhanh qua trước mắt, nó đi vào giấc ngủ.
          Trong đêm sâu tĩnh mịch, Ann rời khỏi giường nó trong lúc đang mơ, và với đôi mắt mở to nhưng chẳng nhìn thấy chút gì của thực tại, nó lặng lẽ đi qua ngôi nhà trống vắng. Nó bước nhẹ nhàng và chắc chắn qua căn phòng nơi bà nó đang cất những tiếng ngáy ngắn, nặng nề rồi đi xuống cầu thang. Vì sao Bạch Minh (Vega) đang lung linh chiếu sáng ngoài cửa sổ bên trên mái ngói. Ann đi vào căn phòng kỳ lạ bên dưới như thể nó được một bàn tay dẫn dắt tới bên cái rương bằng gỗ sồi. Ở đó, như thể nó vẫn đang mơ, là cái giường của nó, nó ngả mình lên lớp hoa hồng khô héo, nơi đang tỏa ra mùi hương ngan ngát. Trong phòng tối đến nỗi người ta không thể nào nhìn thấy chuyển động của cái nắp rương.
          Suốt ngày dài, bà cụ ngồi sau khung cửa sổ xây lồi ra khỏi vách tường. Môi bà mím chặt, và đôi mắt mờ của bà nhìn đăm đăm ra phía con đường, nơi mọi người và xe cộ qua lại, tới lui. Khi chiều xuống, bà dò dẫm đi lên thang gác và đứng ở lối ra vào của căn phòng ngủ rộng trống không. Chuyến lên gác đã làm bà thở hổn hển nặng nhọc. Đôi kính của bà trễ xuống sống mũi. Tựa tay lên cạnh cửa, bà nhìn về phía cánh cửa sổ hình vuông lờ mờ sáng trong bầu không khí im lìm ảm đạm. Nhưng bà không thể nhìn xa, vì mắt bà đã mờ và ánh sáng ở đây quá yếu ớt. Bà cũng không phát hiện ra mùi thơm mơ hồ như những chiếc lá mùa thu. Nhưng trong đầu bà là cả một chuỗi ký ức rối bời – những tiếng cười và những giọt nước mắt, và những đứa trẻ đã trở thành xưa cũ từ lâu, những chuyến thăm viếng của bạn bè và những lời giã biệt cuối cùng. Và vừa tự trò chuyện một cách rối rắm rời rạc với chính mình, bà cụ già vừa lò dò đi trở xuống chỗ ngồi cạnh cửa sổ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét