Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2013

Walter de la Mare - Chiếc áo khoác thần kỳ

Dịch từ nguyên tác
Collected Stories for Children [1947]
của Walter de la Mare 
Dịch giả giữ bản quyền bản Việt ngữ
Copyright © Nguyễn Thành Nhân 2009
 
 
 
 
 

Một sáng tháng Năm nọ, đô đốc Rumbold bước ra khỏi chiếc xe ngựa bốn bánh ở góc đường Pall Mall, mang theo một gói giấy nâu nhỏ. Ông chẳng biết vì sao ông không bảo người đánh xe trông còn già hơn cả con ngựa của ông ta, lúc này đang khom người trên cái gói, đưa ông tới chính xác nơi mà ông muốn đến. Ông trả tiền xe cho ông già, rồi trả thêm sáu xu tiền thưởng nữa.
“Cám ơn.” Ông già đánh xe nói với một cái gật đầu khẽ, rồi quay xe lại tiếp tục đi. Đô đốc Rumbold không hẳn là một người to béo, nhưng trong bộ đồng phục hải quân xanh biển, đôi giày sạch sẽ và cái mũ quả dưa nâu, trông ông cũng khá tròn trịa. Gương mặt to lớn của ông đỏ ửng như một quả cà chua bên trên cái cổ cồn linen trắng và cái nơ thủy thủ trắng sọc xanh. Ông ôm chặt cái gói vào hông rồi bước nhanh, xuôi xuống đường Pall Mall.
Ông không nhìn nghiêng liếc dọc gì cả, chỉ hướng thẳng đôi mắt xanh biếc về phía trước. Ông cũng không biểu lộ một dấu hiệu nào khi thoáng nhìn thấy một người bạn già đang khua một cái gậy đầu bịt bạc về phía ông từ bên dưới cái mui của một cỗ xe ngựa hai bánh rằng mình nhận ra ông ta. Vào buổi sáng đặc biệt này – khi những ngôi nhà và cửa hiệu trông có vẻ vui tươi trong ánh nắng xuân – Đô đốc Rumbold muốn được để yên. Ông đi tiếp về phía trước, mắt nhìn thẳng, môi mím chặt, như thể ông đang bước trong giấc ngủ.
Ông quay ngoặt sang phố Thánh James, đi qua tiệm bán yên cương với những cái mũ dô kề và những cái áo khoác nằm phía sau lớp kính, qua cái tiệm nhỏ bán thuốc lá và đèn nến có cửa sổ lồi, rồi bước vào phố Thánh Ann. Tiếng ngựa xe huyên náo đã tụt lại sau lưng ông, ánh mặt trời lặng lẽ và bóng mát của nhà thờ Thánh Ann giống như một bến cảng nằm sau lưng những biển cả đầy giông bão.
Qua khỏi tiệm làm mũ nằm ở góc nhà thờ Thánh Ann chừng vài bước là một dải vỉa hè lát đá rộng và bằng phẳng, nằm bên dưới một bức tường gạch cũ khá cao. Một tay họa sĩ vỉa hè đã chiếm nơi này làm chỗ bày tranh của mình, và Đô đốc Rumbold dừng lại tại đó, nhìn quanh quẩn.
Con phố lặng im, và vào một buổi ban mai thế này, hầu như vắng vẻ. Ông tiếp tục đứng im như một tảng đá khá lâu. Nhưng sau một hồi nhìn quanh mà vẫn không bắt gặp điều mình đang tìm kiếm, ông bắt đầu ngắm nhìn một cách lơ đãng những bức tranh vẽ bằng phấn trên những phiến đá dưới chân.
Bức đầu tiên vẽ một con tàu với những cột buồm trống trơn, cao nghệu, đang chòng chành trên một mặt biển xanh màu chàm và những đỉnh sóng ngầu bọt. Kế bên là một bức vẽ cối xay gió trong một vùng quê xanh ngắt, bản thân ông chủ cối xay đang đứng ở cái cửa tròn bên trên cái thang gỗ rộng. Kế nữa, là một dải màu cầu vồng, hay đúng hơn là một con cá thu trông có vẻ mềm nhũn. Kế nữa, một ổ bánh mì, một mẩu phó mát, và một cô chuột đuôi dài xinh xẻo đang dùng bữa. Và cuối cùng ở khía cạnh nào đó là bức đẹp nhất – một ngôi nhà thôn dã nằm lẻ loi giữa hàng cây ảm đạm, một vầng trăng tròn hoang dại đang tỏa bóng xuống những bức tường. Bên dưới bức tranh, một dòng chữ viết hoa nguệch ngoạc với hai từ duy nhất: “ÁM ẢNH”.
Ngay chiều hôm trước, đô đốc Rumbold đã nhìn những bức tranh này một lúc lâu. Dưới ánh ban mai, chúng có vẻ sống động hơn chút ít. Tuy nhiên, ông quay lại không phải để ngắm nhìn chúng một lần nữa, mà để nói một đôi lời với chàng họa sĩ nhỏ tuổi. Ít có tay họa sĩ lang thang nào mà đô đốc từng gặp khi ra phố lại dưới tuổi bốn mươi. Nhưng người mà ông đang nghĩ tới thì không thể hơn mười bốn tuổi. Ông đã thấy mến nó ngay từ cái nhìn đầu tiên, và đã bỏ nhiều đồng hai xu vào cái nón vải nằm thường xuyên bên cạnh những bức tranh (như thể với một cái mồm há rộng). Bây giờ, ông muốn nói chuyện với nó.
Với một ông già tính tình nóng nảy như ngài đô đốc, dĩ nhiên việc ông không nhìn thấy cậu bé đâu cả khi cần gặp nó là một điều khá bực mình. Ngoài ra, ông còn nôn nóng muốn tống khứ cái gói giấy nâu kẹp dưới nách mình nữa. Ông có thói quen không ưa mang theo bất cứ vật gì – ngay cả một cây dù to đến nỗi trông như một cái dùi cui. Mặt khác, ông vốn là người khi đã quyết điều gì thì cứ phải làm cho bằng được mới nghe.
Ông băng ngang con phố, và trong vòng vài phút tiếp tục đi lên đi xuống một cách nghiêm nghị, thỉnh thoảng lại liếc xuống những dải hàng rào hoặc nhìn lên cửa sổ những ngôi nhà bên vệ đường, để vờ như không phải mình đang ngóng đợi. Và mỗi khi quay gót lại, ông nhìn dọc theo con phố trước tiên, rồi nhìn xuôi, rồi ngước lên bầu trời xanh thẳm vắng lặng.
Cuối cùng, ông cũng được thưởng công. Lê gót dọc theo dải bờ rào từ một con hẻm kế bên, với một đôi giày mà ngay cả ở khoảng cách này cũng có thể thấy là nó quá rộng, cậu bé mà ngài đô đốc đang chờ đợi hiện ra. Cái áo khoác to hơn ít nhất là hai số rủ xuống đôi vai gầy guộc của nó. Nhưng nó đã xăn hai ống tay áo lên, thế nên hai bàn tay trông như vuốt mèo của nó thò ra bên dưới hai tay áo.
Gương mặt gần như xấu xí của nó nhợt nhạt và không sạch sẽ lắm. Mái tóc nâu của nó rối bù. Nhưng như đô đốc đã nhận thấy trước đó, cái đầu bên dưới mái tóc tròn trịa và dễ coi, với vầng trán cao và rộng. Có vẻ như nó xứng để chứa đựng bên trong một thứ gì đó có giá trị. Ngoài ra, trên gương mặt tím tái bên dưới cái đầu đó, thằng bé có một đôi mắt mà một khi đã nhìn thấy, người ta không dễ quên ngay.
Khi nhìn thấy nó, đô đốc Rumbold đã lẩn vào bên dưới một cái cổng cao hình vỏ sò của một trong những ngôi nhà lân cận. Từ đó, ông có thể nhìn ra mà không bị nhìn thấy.
Trước hết, thằng bé liếc nhìn bên trong cái nón, nhặt nó lên, lật ngược lại, lúc lắc vài cái, rồi đặt nó lại xuống vỉa hè. Sau đó nó móc từ trong túi ra một miếng giẻ to bẩn thỉu mà trước kia có lẽ là một vạt áo sơ mi đàn ông hoặc vạt áo dài phụ nữ. Nó dùng cả hai tay vung vẫy miếng giẻ qua lại bên trên những bức tranh để phủi bụi, rơm và bồ hóng. Sau đó, nó nhét miếng giẻ vào túi trở lại, rồi đăm đăm nhìn những bức tranh, như thể nó chưa bao giờ trông thấy chúng trước đó và không thể quyết định được là có nên cho chính bản thân nó một xu hay không. Rồi nó thở dài – một tiếng thở có thể nghe thấy rõ ràng trong sự yên tĩnh của buổi sớm mai. Lúc này Đô đốc Rumbold bước ra khỏi nơi ẩn nấp, băng qua đường và tới gần nó để bắt chuyện.
“Xin chào, cậu nhỏ. Công việc làm ăn thế nào rồi?”
Thằng bé nhìn lên gương mặt tròn đỏ ửng, với cái mũi trông như một cái mỏ chim nho nhỏ và đôi mắt xanh lơ của ông cụ, và một nụ cười e thẹn thoảng qua gương mặt nó khi nó lắc đầu.
“Thế đấy, thế đấy!” Đô đốc Rumbold nói. “Không nhiều nhặn gì, hả? Sáng nay gió đã hơi chuyển sang phía đông, có lẽ điều đó ngăn mọi người ra đường. Hay có lẽ… À, chúng ta đã đến đây rồi. Ăn sáng gì chưa? Chưa à? Tốt! Ta muốn nói với cháu một lời. Có chỗ nào để chúng ta có thể ngồi trò chuyện không nhỉ?”
Thằng bé đỏ mặt, liếc nhanh từ phải sang trái, và nói cho vị đô đốc nghe về một tiệm cà phê gần đó, nơi nó đôi khi ghé vào. Rồi nó lại ngước nhìn ông cụ, mặt càng đỏ bừng hơn trước và im bặt.
“Hăng hái lên nào,” người bạn của nó bảo. “Cháu hãy dẫn đường đi.”
Thằng bé cài nút áo lại, cả hai cùng sánh bước. Và vài phút sau, họ đã ngồi đối diện nhau trên hai cái băng dài đặt giữa những gian phòng ngăn bằng vách ván – như những gian phòng trong các nhà thờ cổ ở hai phía của một cái bàn trong một quán ăn nằm ở giữa con hẻm kế bên. Vị đô đốc hỏi thằng bé muốn kêu món gì. Nó bảo một “vại đặc”.
Nghe thấy thế, vị đô đốc nheo mắt, và hỏi nó có muốn kêu thêm món gì để ăn không. Thằng bé ngần ngừ, rồi đề nghị một cái “ngạch cửa”.
“Hừm!” Đô đốc bảo, “và thêm món gì ngòn ngọt chứ?”
Thằng bé nói nó muốn một cái “mắt mèo”. Tới đây, đô đốc Rumbold vỗ mạnh lên bàn. Một người đàn ông tóc đen nhờn, nét mặt ảm đạm, đeo một cái tạp dề bẩn thỉu xuất hiện từ căn phòng phía sau cửa tiệm.
“Buổi sáng tốt lành!”, đô đốc nói. “hai vại đặc, một ngạch cửa và một mắt mèo.” Ông nói như thể ông đã từng nói thế cả đời và biết chính xác chúng có nghĩa là gì.
Hai vại đặc hóa ra là những cốc ca-cao; “ngạch cửa” là một miếng bánh có trét chút xíu bơ; và “mắt mèo” là một cái bánh sữa với một trái nho khô quắt đính lên chỏm bánh. Trong lúc cả hai nhấm nháp món ca-cao và thằng bé tiếp tục nhai nhóp nhép món ngạch cửa, Đô đốc giải thích điều ông muốn.
Nhưng trước hết ông hỏi thằng bé đôi điều về bản thân và công việc của nó. Ông biết rằng nó khá đơn độc trong thế giới này. Cha nó, từng là một thợ sơn xe ngựa, đã chết năm nó lên sáu. Việc làm ăn của nó cũng kha khá vào lúc đẹp trời, nhưng khó mà kiếm chút cháo khi không có hoặc có rất ít khách qua đường. “Và rồi còn có những tay cớm nữa,” thằng bé nói. Mùa hè khá hơn mùa đông, nhưng một hai tuần qua trời mưa nhiều quá nên nó chẳng kiếm chác được gì.
“Đúng, đúng,” Đô đốc bảo, nhìn nó qua vành ly dày khi ông nhấp thêm một ngụm ca-cao, “một công việc làm ăn chỉ thích hợp vào lúc đẹp trời, ta hiểu rồi.” Và ông hỏi nó tên gì. Tên nó là Mike.
“Thôi được, bây giờ, Mike à,” cuối cùng Đô đốc nói, “ta đã để ý đến cháu ít lâu nay. Ta đã mong mỏi để mắt đến ai đó trạc tuổi cháu và đã tìm kiếm một thời gian khá lâu. Ta thích những bức tranh của cháu. Thật ra, ta ngưỡng mộ chúng. Giả sử như ta ngồi dưới bức tường đó với những mẩu phấn mà cháu kiếm được và vẽ hết khả năng, dù có mưa hay không mưa, ta dám bảo đảm ta không thể kiếm được bốn xu mỗi tháng. Đó là tài năng mà cháu muốn có. Và nhóc ạ, là tài năng mà cháu đã có.”
“Cháu nên biết,” ông nói tiếp, “ta chẳng biết gì về tranh ngoài thứ mà ta thích. Các thứ còn lại cứ để cho người khác. Nhưng ta đã sống trên đời khá nhiều năm, và ta tin rằng mỗi bước đi trong đời bắt đầu với một con đường khá dốc. Khi ta còn là một thằng nhóc – chúng ta không bàn tới việc giờ đây hành trình của ta đã đưa ta tới đâu – ta đã phải đương đầu với con đường dốc của ta. Và trong cái gói này đây, hà, chính là cái đã giúp ta leo lên dốc.”
“Đây,” Đô đốc lặp lại và không nói gì thêm. Vì ông đã vỗ bàn tay vuông to lớn của mình xuống cái gói giấy một cái ầm to tướng, đến nỗi người đàn ông đeo tạp dề vội vã chạy tới để xem khách có cần gì thêm hay không.
“Tôi muốn một vại đặc và hai cái ngạch cửa nữa. Và lần này bỏ thêm một hai miếng thịt bò và thịt lợn xông khói to vào nhé.” Đô đốc nói vắn tắt.
Nhưng mấy miếng bánh sau đó có thịt nhiều ngang với bánh mì, và đôi mắt của Mike rưng rưng ngấn nước khi nó nhận bánh.
“Trong cái gói này, như ta đã nói,” đô đốc nói tiếp, “là câu chuyện về cái mà ta nói với cháu. Một chuyện bịa, cháu sẽ hiểu. Nói cho ta nghe, cháu có biết đọc không?” Mike gật mạnh đầu. Miệng nó đang đầy bánh.
“Tốt lắm!” Đô đốc nói. “Tất cả những gì ta muốn cháu làm là đọc nó – nó kể về một cái áo khoác – có thể gọi đó là một lát cắt trong những ngày đầu đời của ta, cũng như miếng thịt xông khói là một lát thịt của con heo. Không có gì phải vội…” Ông liếc nhìn cái đồng hồ treo tường rồi nhìn cái đồng hồ vàng của mình. “Bây giờ là mười giờ mười bảy phút rưỡi. Hãy ngồi im ở đây và đọc càng nhiều càng tốt. Khi xong, hãy tới gặp ta. Đúng mười một giờ ta sẽ đợi ở gần chỗ cháu ngồi.”
“Cháu hãy nhớ,” ông kết luận khi đứng lên, “trong cái gói này không có cái gì là đúng hoàn toàn. Ta cũng không bảo đảm cho bất kỳ điều gì ngoài những gì đã được viết. Và ta đã in nó từ một trong những cái máy in mới để có thể đọc một cách dễ dàng và đơn giản. Đọc nó một cách lặng lẽ; gọi thêm bất cứ món gì cháu muốn khi ta đi khỏi, nửa tiếng nữa chúng ta sẽ gặp lại nhau.”
Ông đặt một đồng curon lên bàn cho các món đã gọi, đặt tay lên vai Mike một lúc, nhìn nó chăm chú nhưng thân tình. Rồi ông mở cửa tiệm và bước ra phố.
Qua nét mặt, có thể nói lúc này ông già rất hài lòng với bản thân. Ông quay lại chỗ mấy bức tranh, trải qua nửa giờ kế tiếp, cũng đầy cảnh giác như trước, với việc đi đi lại lại trên con đường. Mỗi khi bước ngang mấy bức tranh ông dừng lại nhìn chúng, bỏ một hai xu vào cái mũ, rồi đi tiếp. Khi nhìn thấy thế, một vài khách qua đường hiếu kỳ cũng dừng lại và nhìn ngắm phòng trưng bày tranh dã chiến của Mike. Và, có thể họ sẽ ném một đồng xu vào mũ, cũng có thể không.
Trong lúc đó, Mike ngồi lại một mình và giờ đây là người khách duy nhất trong tiệm. Nó nốc một ngụm ca-cao và cắn một mẩu bánh to tướng trước khi bắt đầu đọc câu chuyện của đô đốc. Và đây là những gì nó đọc:

Để đi thẳng ngay vào các sự kiện, tôi sinh ra cách đây 70 năm, trong một thị trấn ở Shropshire tên gọi là P. Cha tôi là một người bán lẻ tạp hóa. Tiệm của ông nhìn từ bên ngoài chẳng có gì nhiều nhặn, nhưng ít có món gì mà các khách hàng cần đến ở những tiệm tạp hóa lại không có trên quầy.
Cha tôi khoảng bốn mươi tuổi khi tôi chào đời. Mẹ tôi trẻ hơn nhiều, và họ rất vui sướng khi có tôi. Không có gì phải nghi ngờ về điều đó. Họ đặt tên thánh cho tôi là Andrew và gọi tôi là Sandy. Trong người cha tôi có dòng máu Tô Cách Lan. Và nếu làm việc cần cù và đều đặn là một con đường tắt đi đến thành công, thì đó chính là con đường của cha tôi.
Lúc đầu, cha mẹ tôi hài lòng với việc sống trong cửa tiệm – tất cả có ba phòng, chưa kể một phòng nhỏ xíu bằng một cái hộp, gọi là phòng cho con bú. Khi tôi lên sáu, việc buôn bán phát đạt nên họ quyết định dời tới một căn nhà liền vách tiện nghi, cao ráo, ở mé ngoài thị trấn chừng nửa dặm. Ở đó, chúng tôi có một khu vườn, dăm cây táo và mận, vài bụi nho Hy Lạp và lý gai, và những khóm hoa đồng thảo.
Mẹ tôi yêu khu vườn đó lắm, người dành hết thời gian rảnh rỗi cho nó, với tôi sát bên cạnh hoặc đang đào xới một luống đất cách đó chừng ba mét, với những cái vỏ sò làm ranh giới và mẹ cho tôi chơi đùa mặc ý. Đó là khu vườn của tôi. Mẹ gọi nó là vườn của Sandy. Cây hoa thập tự[1], kim ngân hoa và cẩm chướng râu là những cây do chính tôi trồng.
Theo tôi nhớ, mẹ tôi, xin cầu phúc cho linh hồn của người, là một người hay chuyện. Ý tôi không định nói là mẹ nói nhiều, hay gặp ai cũng nói, hay không bao giờ chịu lắng nghe. Ý tôi là mẹ là người nói chuyện với tôi rất nhiều, dù người không nói nhiều thế với cha tôi. Những chuyện mẹ và tôi tán gẫu khi chúng tôi đi mua đồ những buổi sáng, hay khi tôi giúp mẹ dọn giường, có thể viết thành cả cuốn sách.
Tôi không biết mẹ ra sao nữa – mắt nâu, tóc nâu, vân vân. Nhưng có một bức chân dung hồi mẹ còn là một cô gái mười tám tuổi treo bên trên chiếc đàn dương cầm trong căn phòng khách của chúng tôi. Nếu tôi là một chàng trai trẻ ắt tôi phải yêu mẹ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng không phải là ở ngoại hình, mà là cách cư xử của mẹ. Tôi không biết diễn tả làm sao, nhưng mẹ luôn có vẻ như đang trò chuyện với ai đó ở sau lưng mình, cũng như với chính tôi.
Chưa bao giờ và giờ đây tôi đã sống một quãng đời dài – chưa bao giờ tôi gặp một ai có niềm hân hoan trìu mến đến thế với những chim chóc, bông hoa, cây cỏ, những đám mây, những vì sao, những con bướm ngày hay bướm đêm, và tất cả những thứ đại loại như thế. Mẹ biết chúng nằm lòng. Bạn có thể nghĩ rằng người đã góp một tay tạo ra chúng. Ngôn từ không phải là công cụ của tôi và tôi phải viết thẳng mọi thứ ở mức độ tôi có thể. Nhưng là vậy đó. Việc nhìn mẹ ngắm nghía một cây nấm, với cái mũ nấm có màu sặc sỡ, hay ngó vào một cái tổ chim hồng tước hay chim mai hoa, hay đứng quan sát một bầy sẻ ngô đuôi dài đang kêu hót tán gẫu với nhau suốt một hai phút trên một trong những cây táo già của chúng tôi trong đường bay tới một khu vườn khác, giống như… ồ, tôi không biết nó giống như cái gì, ngoại trừ việc nó không giống bất kỳ thứ gì khác trên trái đất trừ mẹ tôi. Mẹ không già tí nào. Chúng tôi giống như một đôi anh em hoặc chị em, một đôi bạn nối khố, như bạn gọi. Chúng tôi hầu như không thể tách rời nhau, trừ khi có cha tôi.
Bây giờ, tôi sẽ không nói điều gì chống lại cha. Cha mất khi tôi chưa đi được một phần tư con đường đến cái thang mà sau đó tôi sẽ trèo lên. Cha làm tất cả vì tôi, và nếu không vì sự bướng bỉnh của tôi ngăn trở, có lẽ cha đã làm cho tôi tốt hơn cả điều mà tôi làm được cho chính bản thân mình. Không thể nói; không biết. Điều tôi muốn là đi con đường riêng của mình, như cuối cùng tôi đã đi. Và con đường riêng của bạn không phải là con đường của bất kỳ ai khác. Chính bản ngã của một con người – những cái ở bên trong – nói một cách thẳng thừng – mới đáng kể; chứ không phải là những manh vải trên người, hay dáng vẻ bên ngoài, hay số tiền trong ngân hàng của anh ta, hay thậm chí điều anh ta đã thực hiện xong.
Nhưng nói thế đã đủ rồi. Thật sự, có lẽ vì chỉ sống với mẹ tôi, mãn nguyện với việc ở cạnh người, ít nhất là trong vài năm đầu tiên đó, như một con bướm với một đóa hoa, tôi trở thành một đứa bé cứ bám bên váy mẹ. Người không quan tâm mấy tới việc đi khỏi nhà, và người không ngó ngàng gì tới bất kỳ một chàng trai trẻ nào ngoài phố ngoại trừ đứa con mà người đã sinh ra, vì thế, tôi được phép chơi đùa với bất kỳ thằng nhóc Tom, Dick hay Harry nào ở cạnh nhà, miễn sao tôi đừng đi khỏi tầm mắt người nhìn ra từ cửa sổ căn phòng ngủ. Đó không phải là một sân chơi tốt cho lắm đối với một đứa bé gầy nhưng khoẻ mạnh và cần phải biết biển cả bao la trông như thế nào.
Sống một mình bên người một cách bình an, tôi không mong muốn gì khác nữa và có thể lăng xăng rối rít như một con cào cào. Cách xa người, tôi thường tỏ ra khá ngờ nghệch và kín miệng, đỏ mặt tới tận mang tai trước một lời của một người xa lạ, và e dè nhút nhát như một con cáy – ngay cả với con cáy trong chiếc gương soi của chính tôi! Vâng, ngờ nghệch như những thằng nhóc ngờ nghệch, và như lời của người thủy thủ già chân gỗ nói:
“Bạn có gì để làm
Với đôi chân bằng gỗ?
Có gì để làm đâu,
Trừ việc đi lớ ngớ!”

Cha tôi không thể nhìn sự việc theo cách đó. Ông bắt đầu cho rằng tôi vờ tỏ ra ngốc nghếch. Trong thị trấn không có một người chủ tiệm nào nhạy bén hơn ông, và cũng không ai trung thực hơn ông, mặc dù ông rất nhanh nhạy. Tất cả trí thông minh của ông nằm ở mấy đầu ngón tay ông. Ông có một trí nhớ phong phú như một quyển tự điển. Ông biết mọi vật ở đâu hoặc phải ở đâu. Ông có thể mặc cả rất giỏi và tính toán đâu ra đấy ngay trước khi mở miệng. Ông sống khá lâu, đủ để xây dựng nên ba cửa hiệu khang trang từ cái cửa hiệu nhỏ hẹp đầu tiên – cửa sổ gắn kính, sơn vàng, ba chiếc xe chở hàng trang trọng và khoảng một chục người giúp việc với tóc tai chải chuốt và những chiếc tạp dề trắng bóc. Ông bày biện các thùng trà, các cối đường, các lọ mứt và lọ kim chi sau cửa sổ đẹp hơn bất kỳ tiệm tạp hóa nào khác trong thị trấn. Tôi nợ cha nhiều hơn là cơ đồ nhỏ bé mà ông để lại cho tôi.
Nhưng dù là thế, ông rất nôn nóng với mọi thứ khác, nhất là với tôi, con trai của ông. Giờ đây, tôi đã hiểu ra. Còn hồi đó, khi nhìn thấy cái nón đen của ông bên trên hàng rào hay nghe thấy tiếng ông tra chìa vào ổ khóa, tôi thường lẩn ra xa như một con thỏ đầy sợ sệt. Nếu chỉ có hai người chúng tôi, tôi thường ngồi ủ rũ như một cái bánh pút-đinh nhân nho khô lạnh cứng – và chả có một hạt nho khô nào trong đó cả! Nếu ông hỏi tôi câu gì đó, mọi từ ngữ bay biến khỏi đầu tôi như những con quạ nghe thấy hơi rắn. Chỉ cần trông thấy tôi lúc ấy – lóng nga lóng ngóng và cà lăm cà lặp – đủ khiến ông nổi giận. Ông càng giận thì tôi càng trở nên kín tiếng và đần độn, và điều đó thường khiến mẹ tôi phải khóc. Tôi chưa bao giờ gặp một người cha thích thú khi bị cho là ông ta không thể hiểu được con trai của chính mình. Không phải là cha không yêu tôi chút nào, hoàn toàn ngược lại. Nhưng yêu, bạn tôi ơi, như yêu một hòn than. Bạn có thể đốt nó lên, sưởi ấm và thưởng thức ánh sáng và sức nóng của nó. Hoặc bạn có thể cất nó trong hầm rượu. Cha tôi giữ tình yêu của ông trong một hầm rượu – và chính tôi là người đã giúp ông làm điều đó!
Về phần mẹ tôi, như đã nói, mọi sự khác hẳn. Chúng tôi thường tán chuyện với nhau hàng giờ. Và khi người không ở cạnh tôi, tôi thường nói chuyện với chính mình. Tôi có nhiều quyển sách trong căn phòng ngủ sát dưới mái nhà của mình – những quyển sách trước kia thuộc về người em trai của mẹ tôi, đã chết ngoài biển khơi. Và tôi đọc như một con mọt sách. Những ngày đó, khi tôi mở một quyển sách có vẻ thú vị ra – những cuộc du hành, những chuyến đi, đại loại thế - giống như việc khám phá ra một thế giới khác. Tôi không thích những chuyện thần tiên – ngoại trừ những cuộc du hành lên mặt trăng hay vào giữa lòng đất chẳng hạn – và ngay cả mẹ tôi cũng không thể ép tôi đọc thơ được.
Có lẽ tất cả những thứ sách vở, sự cô đơn quạnh quẽ và không có ai để chơi cùng này đã tạo cho tôi một thói quen kỳ cục là tự trò chuyện với chính mình khi tôi ở một mình. Và chính thói quen này đã dẫn tôi tới một phát hiện lớn lao. Tôi nhớ một tối nọ, khi đang đọc về bữa ăn mà ngài Francis Drake[2] dành cho viên sĩ quan trên con tàu của ông. Người này đã khuấy động một cuộc nổi loạn chống lại ông và đã bị ông treo cổ vào sáng hôm sau. Khi đang lắng nghe chính mình trò chuyện với tư cách viên sĩ quan đó, tôi chợt im thin thít khi nghĩ tới viễn cảnh một bữa điểm tâm kinh hoàng đến thế, đột nhiên tôi chợt khám phá ra rằng không chỉ có mỗi một tôi mà có tới hai. Tôi đã phát hiện ra cái gọi là một bản ngã thứ hai – dù dĩ nhiên nó đã luôn có mặt ở đó trong mọi lúc. Để cho mọi chuyện đơn giản và dễ hiểu, chúng ta hãy gọi người thứ nhất trong hai bản ngã này là Sandy Một; và người thứ hai là Sandy Hai.
Đầu tiên, có một thằng nhóc Sandy Một, là con trai của cha tôi, sống với mẹ nó trong một căn phòng hình chữ nhật của ngôi nhà nằm trên một ngọn đồi cao cùng với những ngôi nhà lân cận. Thằng nhóc Sandy này hay lo lắng, rụt rè nhút nhát và mắc tật nói lắp, không biết cái lưỡi của mình cất ở chỗ nào, kẻ hay lẩn tránh, ngốc nghếch mà cha tôi không thể hiểu nổi. Kế tiếp, có một thằng nhóc Sandy khác mà khi ở một mình ít nhiều làm được những điều mà nó thích và có thể đi tới bất kỳ nơi nào, gặp những ai mà nó muốn – những ốc đảo trong sa mạc, thổ dân Da đỏ, những con sư tử và cọp, những kẻ bị đắm tàu, những tên mọi ăn thịt người, những cái tên đẹp đẽ (bonum omens)[3] – tất cả những thứ đại loại như thế. Vâng, có cả một thế giới những thứ đó. Nó yêu thích tự do. Nó muốn và dám làm mọi thứ. Nó muốn ăn cái bánh của mình và sau đó đánh liều với những cái vỏ bánh mì ôi mốc. Tên quỷ sứ vô tư lự, mau quên, tiềm ẩn trong con người tôi này là Sandy Hai. Chúng ta sẽ gọi nó là Sandy Hai, như tôi nói, và xin chúc nó gặp may! - vì nó cần điều đó!
Bạn biết không, mẹ tôi cũng biết đôi điều về cả hai thằng nhóc Sandy này dù biết nhiều về Một hơn là Hai. Còn cha tôi thì chẳng bao giờ tưởng tượng nổi về thằng nhóc Sandy Hai và cũng chẳng biết nhiều nhỏi gì về thằng nhóc Sandy Một. Và Sandy Hai, với sự táo bạo gan liều nhất, lúc bấy giờ nằm trong đầu tôi và giữ cho bản thân tôi và những cuốn sách của tôi được yên ổn một mình.
Bây giờ là chuyện tới trường….”


Mike nhìn vào từ này một hồi lâu trước khi đọc tiếp. Nó đã thấy hơi mệt vì việc đọc. Nó muốn biết ngay về cái áo khoác. Tuy nhiên, nó đã hứa với cụ già đó. Ông ấy có vẻ là một quý ông lớn tuổi tốt bụng và mong muốn nó giữ lời hứa, nó phải cố gắng hết sức mình, ngoài ra nó đã được ăn một bữa điểm tâm ngon lành hiếm có. Vì thế, nó nốc thêm một ngụm nước ca-cao ấm, cắn thêm một mẩu “ngạch cửa” to tướng rồi tiếp tục công việc khó nhọc đó.

Bây giờ là chuyện tới trường. Vâng, tôi cũng đi học như hầu hết những đứa con trai trạc tuổi tôi. Đó là một trường tư thục, và tên của thầy hiệu trưởng là Smiles (Những nụ cười); và cái tên đó không chỉ là nơi bắt đầu những nụ cười của ông ấy mà còn là nơi kết thúc. Ngay từ lúc cha tôi đưa tôi vào căn phòng ngột ngạt của ông ấy, ngài Smiles này đã xem tôi là một thằng bé tối dạ. Chỉ một cái liếc mắt thoáng qua gương mặt bẽn lẽn rụt rè của tôi – của thằng nhóc Sandy Một – cũng đã đủ để kết luận cho điều đó. Và ông ấy tiếp tục đối xử với tôi như là một thằng bé tối dạ cho tới khi chúng tôi chia tay nhau. Từ đầu tới cuối, đó là món ăn mà ông ta đã thết đãi tôi, với khá nhiều món nước chấm bằng gậy ba-toong.
Tôi ghét trường học. Tôi ghét việc học. Và vì tôi đã được dặn bảo rằng phải đi thẳng về nhà ngay sau giờ học, tôi không được những đứa bé khác ưa thích cho lắm. Chúng xem tôi là một thằng nhóc ẻo lả và gọi tôi là Kẹo Mỡ. Dĩ nhiên, cái tên đó đúng với Sandy Một. Và trong suốt thời gian ít ỏi đó chúng chưa bao giờ nhìn thấy Sandy Hai. Điều này xảy ra sau đó.
Bây giờ, để tóm tắt câu chuyện gọn lại, tâm hồn cha tôi, như đã nói, đặt vào những cửa tiệm của ông. Công việc làm ăn của ông ngày càng phát đạt; ông trở nên to béo nặng nề; chẳng bao lâu ông trở thành thị trưởng; và vì chỉ có một đứa con trai độc nhất, ông hy vọng và mong muốn rằng đứa con trai đó cũng phải đi theo nghề bán tạp hóa, và có lẽ một ngày nào đó sẽ nhân đôi sản nghiệp của ông, mua một cỗ xe ngựa và trở thành ngài thị trưởng. Ông muốn con của mình “thành công”, và có người cha nào lại không muốn thế?
Thế là, vào những ngày xa xưa đó, để mài giũa trí khôn của tôi, ông thường hỏi tôi những câu hỏi như nho khô là gì,  nho Hy lạp từ đâu mà có, hay vì sao vỏ chanh lại được gọi là mứt vỏ; và rồi với một ánh sáng lóe lên trong mắt của ông – ai là người đã phát hiện ra Cây Mì ống, hay có bao nhiêu thịt tươi trong một cân thịt muối, những người thổ dân thu hoạch hạt nhục đậu khấu ở đâu, độ cay của ớt Cayenene như thế nào, hay giá của một thùng mật đường là bao nhiêu. Vấn đề là tôi không bao giờ muốn biết những chuyện như thế. Và điều tệ nhất là thậm chí tôi không thể cười phì vào chúng!\
Nếu cha tôi hỏi tôi rằng tôi có thể nhìn thấy loại chim nào bay quanh những miệng núi lửa trên mặt trăng; hay hiệu lệnh xung phong và những tập quán lột da đầu của người Objibwas hay Cherokees[4] là gì; hay vua Abimelech[5] có bao nhiêu anh em cưỡi trên những con lừa trắng; tôi tin rằng thằng Sandy Hai sẽ đồng ý trả lời. Nhưng Sandy Hai (ngoài kẹo bơ cứng) không có chút xíu quan tâm nào tới đường mía nâu hay đường Barbados; còn Sandy Một thì chẳng khá gì hơn một thằng đần với bất kỳ câu hỏi nào, ngoại trừ  những câu hỏi của mẹ nó, hay khi nó đang ở một mình.
Một buổi sáng Chủ nhật, sau khi trước hết bảo rằng tôi không thể trả lời, và rồi từ chối không chịu cố tìm cách trả lời một số câu hỏi loại đó, tôi ngẩng lên và nói với cha tôi rằng tôi ghét những tiệm tạp hóa. Tôi nói tôi ghét những tạp hóa nhất trong số tất cả các loại cửa tiệm. Tôi nói rằng tôi đã bỏ học, và điều duy nhất tôi muốn là bỏ trốn ra biển. Rồi tôi khóc òa lên. Ngay lúc ấy mẹ tôi bước vào, nhờ vậy tôi thoát khỏi trận đòn mà tôi rất đáng nhận được.
Nhưng hẳn cha tôi đã phải suy nghĩ cân nhắc nhiều thứ, vì sau đó, Tiến sĩ Smiles đã đặc biệt quan tâm tới khía cạnh tạp hóa của môn lịch sử, địa lý, số học và chính tả. Ngay cả môn tiếng Pháp: “Người làm vườn láng giềng của em có trồng những cây cam có nguồn gốc từ Jaffa[6], cây sắn có nguồn gốc từ Brazil và cây rau diếp xoăn[7] để pha cà phê cho cô của anh ta không?” – đại loại như thế.
Thế rồi một đêm nọ tôi tình cờ nghe lỏm mẹ và cha nói chuyện. Sandy Hai đã lẻn xuống nhà vào khoảng chín giờ rưỡi tối để xem nó có thể  tìm thấy cái gì trong chạn thức ăn hay không. Cửa phòng khách hé mở, và tôi nghe cha nói: “Nó không chỉ ngốc nghếch mà còn ẻo lả ủy mị như một con búp bê nhồi giẻ - và còn hơn thế, ông hiệu trưởng Smiles cũng nói y như vậy. Thế mà bà…” Nghe tới đó Sandy Một chạy vù trở lại giường – mang theo Sandy Hai. Và sáng hôm sau, khi thức giấc, tôi nhớ những gì cha đã nói thật rõ ràng như thể nó đã được xăm vào da tôi. Sandy Hai chưa bao giờ nhúng mũi vào ngôi nhà nhiều như thế trong suốt những ngày sau đó.
Một chiều nọ, trên đường đi học về, tôi mạo hiểm đi vào một con phố ngang lụp xụp, vì nghe thấy ở đầu kia tiếng ồn ào của một cuộc trình diễn vở múa rối truyền thống Punch và Judy. Tôi có thể nghe thấy tiếng lũ trẻ con cười nói và tiếng nói the thé, tiếng thụi uỳnh uỵch và tiếng nhại gà gáy ò ó o của ông Punch. Sandy Hai bảo Sandy Một rằng nó muốn tới đó xem. Thế là nó đi.
Khi quay về, chúng tôi đi ngang qua một cửa tiệm nhỏ bẩn thỉu mà tôi chưa bao giờ chú ý tới trước đó, và chúng tôi đã dừng lại nhìn vào cửa sổ. Dòng chữ Tiệm đồ hàng hải được in bằng chữ trắng trên nền xanh. Có một số món đồ lạ lùng sau cánh cửa sổ đó: những đôi giày, khăn choàng và nón cũ kỹ, một con tàu trong một cái chai, một cái trục cán thủy tinh màu xanh, một cái ống nhòm cũ tới mức hẳn nó từng thuộc về Noah[8], một cái la bàn đặt trên tàu biển, một khẩu đại bác bằng đồng, một cái lồng ủ chân, một bức tranh làm bằng lông chim ruồi – những món đồ cổ xưa kỳ quặc như người ta nói. Trông như chúng đã ở đó suốt nhiều thế kỷ - han rỉ, mốc meo, xù xì và phủ đầy bụi. Hầu hết những món này đều có đính một mảnh giấy ghi giá tiền: “Vĩ lò, 3 hào 6 xu”.
Vân vân.
Có một thứ trang phục mà tôi không thể xác định hoàn toàn tên gọi là gì treo trên một cây đinh ở một góc cửa sổ và hầu như khuất khỏi tầm mắt, bên trên nó có một mẩu giấy nguệch ngoạc mấy chữ: Áo khoác thần kỳ. Chỉ thế thôi, không còn gì khác. Nhưng chỉ thế là đã đủ. Tôi đã nhìn hau háu cái ống nhòm, con tàu và khẩu đại bác bằng đồng. Nhưng mấy từ ‘Áo khoác thần kỳ’ khiến cho tôi thấy khó thở. Như thể có một cái thìa đang khuấy động trong lòng tôi – bản ngã của tôi, Sandy Hai, và ngay cả Sandy Một. Cuối cùng, tôi không nén lòng được nữa.
Tôi đẩy cánh cửa ra vào nhỏ tróc sơn loang lổ thậm chí tới bây giờ tôi vẫn còn có thể nghe thấy tiếng quả chuông han rỉ của nó kêu leng keng – và bước vào trong. Chỗ này có mùi như trong một gian miếu cổ và im lặng như một căn hầm mộ. Trong một khoảng thời gian dường như có tới hàng giờ không có gì xảy ra, ngoại trừ tiếng hót của một con chim hoàng yến ở xa xa; thế rồi Sandy Một bắt đầu cảnh báo, và tôi rón rén bước về phía cửa.
Vừa đúng lúc tôi định mở cửa và vọt trở ra ngoài phố, một ông già, với một đôi kính dày trên sống mũi và một chòm râu dê, lê bước ra khỏi gian phía sau cửa tiệm và hỏi tôi muốn thứ gì.
          Tôi bảo ông ta cho tôi biết giá của khẩu đại bác đồng – dù tôi đã biết rồi. Rồi tôi đề nghị xem con tàu trong cái chai. Và rồi, cuối cùng, hầu như không còn một hơi thở nào trong người, tôi cố gắng chỉ lên cái áo khoác.
“Cái đó,” ông ta nói, đầu tiên nhìn lên nó rồi nhìn qua tôi, “cái đó giá mười si-ling”.
Mặt tôi đỏ lên như gấc chín, tôi bật ho khúc khắc, quay lưng và mở cửa.
“Tôi bảo này, bảo này, cậu bé!” ông ta gọi giật tôi. “Sao cậu lại bỏ đi? Hãy quay lại và xem nó. Quay lại nhìn nó – sờ vào nó. Chẳng có hại gì khi làm điều đó!” Ông ta đã trèo lên trên một cái ghế đẩu. Rồi ông ta chúi đầu vào trong mớ giẻ và vải vóc bên trong cửa sổ, lấy cái áo khoác xuống và đặt nó lên quầy. Và khi nhìn gần như thế này, tôi phải nói rằng nó chẳng có gì đáng để nhìn.
Nó được làm bằng một thứ tơ ngoại quốc sẫm màu trông như của Trung Quốc, có những đường lượn sóng và những cái nút áo bằng đá tròn chạm những con cá sấu màu xanh uốn éo xung quanh. Lớp vải viền ở cổ và cổ tay đã sờn. Tôi nhìn nó thật kỹ, nhưng không chạm vào nó. Rồi tôi buộc miệng hỏi: ‘Ai làm ra nó?’
Làm ra nó à?”, ông già đáp, đó là một cái áo thần kỳ. “Nó đến từ Bắc Kinh, Madagascar hay Seringapatam[9], tôi không biết chắc từ đâu, nếu cậu tròng nó vào cậu sẽ không bao giờ muốn cởi nó ra nữa.”
Tôi nuốt nước bọt. “Ông có bao giờ mặc nó chưa?” Tôi hỏi.
“Tôi ư?” ông ta gần như gầm lên. “Tôi ư! Với mọi thứ quái quỷ này quanh mình! Tôi sẽ tới đâu nếu khoác tất cả chúng lên người? Việc buôn bán sẽ tới đâu?”
Lúc bấy giờ, tôi muốn có cái áo khoác với những cái nút áo chạm cá sấu hơn bất kỳ thứ gì trong quá khứ, hiện tại hay tương lai trên khắp thế giới này. Nhưng tôi chỉ có hai si-ling chín xu trong túi – và với tôi thế cũng đã giàu lắm rồi. Để nắm lấy phần an toàn, tôi bảo với ông già điều này. Ông ta nhìn chòng chọc vào tôi qua đôi mắt kính dày.
“Nhìn này! Ông ta nói, như thể đang nổi trận lôi đình, và lôi từ bên dưới quầy ra một một mảnh báo: “Nhìn này, vớ lấy nó đi!” Rồi nhanh như chớp ông ta gói nó lại. ‘Đưa cho tôi tất cả số tiền cậu có, rồi quay lại trả số còn lại sau. Trong mắt cậu có cái gì đó không bao giờ đi cùng với một tên lừa đảo.”
Lúc đó tôi biết rằng ông lão đã tính tiền tôi ít nhất là gấp đôi giá tiền thật sự mà ông ta muốn bán cái áo khoác đó. Nhưng tôi cũng móc túi trao cho ông ta hai si-ling sáu xu rồi rời tiệm. Trước khi cái chuông cửa của ông ta rung lên leng keng, tôi đã nhét cái gói vào bên dưới cái áo chẽn của tôi, rồi bước đi, tay giữ chặt bụng, vì tôi không muốn bị bất kỳ ai hỏi han gì cả.
Khi đã về tới nhà an toàn, tôi trèo lên gác và cất cái gói vào phía trong một ngăn kéo, và nó nằm ở đó suốt đêm hôm ấy. Tôi không dám đụng tới nó, một phần vì sợ điều có thể xảy ra, nhưng phần lớn là vì sợ điều sẽ không thể xảy ra!
Suốt buổi sáng hôm sau, tôi vô cùng khốn khổ. Tôi sợ mẹ sẽ tìm thấy cái áo khoác và có thể đổi nó cho một gã lang thang nào đó để đổi lấy một cây dương xỉ hay một chậu phong lữ thảo. Mỗi khi nghĩ tới nó tôi hầu như không thể thở được và điều này không hay lắm cho việc làm bài tập ở trường. Tôi bị phạt ở lại sau giờ học. Khi về tới nhà tôi bảo với mẹ rằng tôi bị nhức đầu – điều này có thật – nhưng cuối cùng cũng thuyết phục được người đi ra và để cho tôi được ở yên một mình. Rồi tôi đi lên phòng ngủ, đóng cửa lại, mở ngăn kéo ra, và vừa hồi hộp thở vừa sờ vào cái gói. Tất cả an toàn! Tất cả đều an toàn! Tôi lôi nó ra, tháo dây và mở lớp giấy báo ra, và cái khoác kia rồi – với những đường lượn sóng, với những cái nút chạm hình cá sấu, với cái cổ sờn và các thứ.
Tôi liếc vội ra cửa sổ rồi cởi cái áo khoác đang mặc và mặc nó vào. Chẳng có gì xảy ra cả. Chẳng có bất kỳ điều gì. Ý tôi là lúc đầu. Ngoại trừ việc tôi chợt nhận ra rằng căn phòng tràn ngập ánh nắng và một con chim sơn ca đang hót líu lo trên một cây lê ở cuối vườn. Tôi chú ý tới nó vì nó hót rất lớn và rõ ràng, như thể hướng thẳng tới tôi. Giả sử bạn có thể nhìn thấy âm thanh thì  dường như lúc này tôi đang lắng nghe con chim qua một cái ống dòm. Tôi còn có thể nhìn thấy nó, những đốm hoa trên ngực nó và cái mỏ nó mở ra khép lại – nó hót như một thiên thần.
Trong khi đang lắng nghe tôi nhận ra trong ánh sáng tràn vào qua cửa sổ những màu sắc của tấm thảm in hoa hồng đã nhạt phai và một chiếc ủng cũ. Nói nghe có vẻ xuẩn ngốc, nhưng tôi chưa bao giờ trông thấy một chiếc ủng cũ nào như thế, nhưng vấn đề ở đây là chiếc ủng cũ nằm trên thảm này trông tuyệt đẹp – ánh sáng trên lớp da cũ, cái lưỡi giày nhú ra và những lỗ xỏ dây bằng kim loại lấp lánh sáng. Nói tóm một câu là tuyệt đẹp.
Ồ, chẳng bao lâu tôi trở nên mất kiên nhẫn với mọi thứ này – dường như một đời sống mới đã len dần vào vạn vật, hay ít nhất vào tôi. Rất lạ thường. Vì thế, để lấy lại trạng thái bình thường, tôi bắt đầu những bài tập thể dục của Sandy Một. Những bài thể dục! Sao thế nhỉ, như thể đột nhiên tôi đã trở thành một sợi dây xoắn làm bằng ruột mèo. Tôi uốn lượn nhảy nhót như thể phát rồ. Rồi tôi thử những trò mà trước đây chỉ có thể xảy ra trong mơ – nhảy lò cò dọc theo thành giường, trồng chuối đầu tiên với hai tay, rồi một tay – trên lưng một cái ghế. Bất kỳ điều gì, trong phạm vi tôi có thể nghĩ ra, tôi đã làm được một cách dễ dàng. Giống như con chim sơn ca hót. Có lẽ không có gì nhiều lắm, nhưng với tôi lại rất mới mẻ! Bạn nhớ không, tôi hoàn toàn không phải là cậu bé ẻo lả như cha tôi đánh giá. Và Sandy Hai không hề lười nhác, về mặt thân thể hay trí khôn. Nhưng cái bạn cần chỉ là một chút ít lòng tự tin. Một lúc sau tôi bắt đầu nhận ra những tác động của cái áo khoác.
Thế là, nóng rực và thở không ra hơi, tôi ngồi vào bàn và bắt đầu “tác phẩm’ của tôi. Đề tài là trận đánh Trafalgar[10]. Tôi đã viết khoảng mười bốn trang về trận đánh Trafalgar! Tôi đã miêu tả con tàu Chiến thắng đi ra biển như thế nào, và Đô đốc Nelson đã cảm thấy ra sao khi ngày cuối cùng đó đã tới, và vì sao ông ấy lại đeo những chiếc huy chương lên ngực, và tất cả mọi chuyện về đại úy Hardy. Rồi tôi nói thêm về thời tiết, không quên nhắc tới già Froggy Villeneuve – một thủy thủ dũng cảm và một kết thúc không hay. Khi tôi nhìn lên tôi hầu như không thể nhìn thấy gì nữa. Như thể tôi đã ra khỏi thánh địa Jerusalem! Và rồi, hầu như ngay lúc ấy, tôi nghe tiếng mẹ bước vào nhà rồi cánh cửa trước đóng sập lại.
Tôi cảm thấy hồi hộp, trống ngực đập thình thịch. Tôi cởi áo ra, nhanh hơn một con thằn lằn rủ bỏ cái đuôi của nó, rồi nhào lên giường, nhét cái áo khoác Trung Hoa xuống dưới nệm giường.
Chắc chắn là trông tôi có vẻ như đang nhức đầu khi mẹ vào để chúc ngủ ngon. Mẹ sờ trán tôi; nó nóng bừng bừng. Rồi mẹ lẩm bẩm gì đó với giọng rất khẽ về dầu hương hải ly! Nhưng lần này tôi không muốn làm to chuyện. Tôi nói, “Mẹ cho con xin một ly nước nóng và nặn thật nhiều nước chanh vào đó.” Tôi nốc cạn ly nước. Rồi tôi bắt đầu nói những lời an ủi mẹ – rất nhanh, khi có cảm giác rằng mẹ tôi đang nghĩ tới chuyện mời một vị bác sĩ. Và tôi đã làm mẹ bình tĩnh lại.
Mọi chuyện đều êm xuôi vào hôm sau, nhưng tôi không tới trường. Ngày hôm sau nữa tôi xuất hiện trong lớp học, dù không mặc cái áo khoác thần kỳ trên người! Nhưng tôi đã cắt một chiếc nút áo cá sấu màu xanh lá bỏ vào túi áo chẽn như là một hình thức bùa hộ mệnh. Tôi bị một trận đòn vì bài tập tiếng Pháp mà tôi không thực hiện, và một trận đòn khác vì môn số học. Ngài hiệu trưởng Smiles tự mình đọc bài Tiểu luận về trận đánh Trafalgar của tôi ngay lúc đó và tại đó. Ông ta lại lôi tôi lên trước cả lớp một lần nữa, rồi hỏi cái gì đã giúp tôi viết được như thế. Tôi đáp không có gì cả. Ông ta nhìn tôi đăm đăm: “Em chắc thế chứ? Ngay cả về chính tả?”
“Không có ai cả, thưa thầy, không có ai cả,” tôi đáp. Thật lạ, ông ta đã tin tôi.
Ông ta còn trò chuyện với tôi đôi ba lần về biển cả và Hải quân. Và cả tôi cũng đặt ra cho ông ta nhiều câu hỏi, vì trong khi tôi vẫn đang nghĩ về chúng, tôi rất sợ ông ta. Ngoài ra, khi nhìn lại, tôi tin rằng ông ta thật sự chẳng ưa gì những tiệm tạp hóa hơn tôi. Dù sao đi nữa, ông ta đã cho điểm tối đa về bài tiểu luận, nhưng cảnh cáo tôi rằng lần sau tôi không được “huênh hoang” như thế nữa.
Tôi về nhà, lòng đầy ắp tự hào, đi thẳng lên gác, ngồi cạnh cửa sổ và mặc chiếc áo khoác vào. Nhưng khi hầu như tôi đã đút hai tay vào hai tay áo, tôi nghe thấy tiếng mẹ gọi tôi. Tôi mặc thêm một chiếc áo bên trên chiếc áo thần kỳ - điều này khá khó khăn vì chiếc áo Trung Hoa rất chật, nhất là ở nách – rồi xuống nhà gặp mẹ. Mẹ trắng nhợt như tờ giấy và gần như không thể nói ra hơi. Mẹ bảo cha muốn gặp tôi ngay, và rằng cha đang ngồi với một người bạn, một ông Turner nào đó.
“Ồ, con yêu của mẹ,” mẹ nài nỉ tôi, “hãy cố trả lời những câu hỏi của cha con. Chỉ cần lắng nghe thôi, Sandy. Rồi có lẽ con sẽ nghe thấy. Và nói với ông Turner nữa, nếu ông ấy nói với con. Hãy nghĩ đó là mẹ. Đừng sợ hãi; đừng lầm lì. Không có ai ăn thịt con đâu. Hãy tưởng tượng rằng chỉ có mẹ và con nói chuyện. Hãy vì mẹ, Sandy ạ.”
“Vâng, thưa mẹ!” Tôi nói, rồi tuột từ đầu cái lan can cầu thang ba tầng xuống tới mặt đất gần như trước khi mẹ kịp cất bước đi theo tôi. Tôi gom hết can đảm lại rồi bước vào phòng khách.
Cha tôi đang ngồi ở mé bên kia lò sưởi, trò chuyện với một người khách lạ. Tôi thích vẻ ngoài của người lạ này. Ông ta thấp và vạm vỡ, gương mặt sạm nắng; với một mái tóc cắt ngang trán hoe hoe đỏ, và mang một đôi giày đế dầy. “Nó đây rồi,” cha nói với người khách lạ, rồi quay sang tôi. “Quý ông này là ông Turner, Andrew à. Nếu con muốn biết bất kỳ điều gì về biển, ông ấy sẽ nói cho con nghe.” Tôi chìa tay ra: “Ta nghe nói rằng cháu không ưa những món khô khan,” ông Turner bảo, nhìn tôi chòng chọc, nhưng với một vẻ thân thiện. “Cháu thích nước mặn hử?”
“Vâng, Hải quân ạ,” tôi nói. Từ khóe mắt, tôi nhìn thấy cha giật nảy người khi nghe thấy thế. Ông chưa bao giờ nghe tôi trực tiếp trả lời một câu hỏi mà không lắp ba lắp bắp hay đỏ ửng mặt mày, hay cứ trợn tròn đôi mắt như một con cá trích với cái mồm há rộng.
“Thế cháu biết gì về biển?” ông Turner nói, nhìn tôi đăm đăm. “Nó rất sâu!’
Tôi cũng nhìn ông đăm đăm. Càng lúc tôi càng thích ông ta và nghĩ rằng tôi sẽ thử ông ta với một vài đoạn nhỏ trong mười bốn trang viết về trận đánh Trafalgar. Có một sự lặng im lạ lùng khi tôi nói xong. Và tôi nhận ra rằng lúc đó mẹ đã lẻn đi ra chỗ khác sau khi đứng nghe ở cửa. Còn cha thì ngồi lặng trên ghế với sự kinh ngạc. Ông nhắm mắt lại một chút xíu, rồi bắt đầu giải thích có lẽ tôi không quá chậm hiểu ở một số lĩnh vực so với các lĩnh vực khác. Nhưng ông Turner có nghĩ rằng, ngoài kiến thức sách vở, tôi cũng có thân hình, sức chịu đựng, sức khỏe cho một cuộc sống ngoài trời? “Anh biết đó, mẹ nó…”
“Trông nó hơi ốm yếu,” ông Turner bảo, vẫn lặng lẽ mỉm cười với tôi. “Nhưng anh không thể chỉ luôn dựa vào bề ngoài. Mấy bắp tay của cháu thì sao, chàng trai trẻ?’
Tôi chìa cánh tay ra, và ông bóp chặt phía trên cùi chỏ, có lẽ không nhận ra rằng tôi mặc tới hai cái áo khoác. Rồi ông ta nói, “Khá tốt. Ở trường họ có trui rèn cháu nhiều không? Hay chẳng có gì ngoài việc học hành sách vở? Tôi gật đầu và nói, “Có ạ, và cả ở nhà nữa.”
“Cháu làm gì ở nhà?” ông ta hỏi.
Lúc này, tôi cảm thấy sôi lên sùng sục như một chai bia gừng trước khi bật nắp. Vì thế trước khi ông ta mở lời, phải nói thế, tôi trồng chuối ngược và gần như chạy qua căn phòng với hai lòng bàn tay.
“Hoan hô,” ông Turner nói. “Hãy thử đi trên bàn xem nào.”
Đó là một cái bàn tròn kiểu cổ chắc chắn bằng gỗ gụ, được đóng từ khi Nữ hoàng Victoria còn là một cô gái, và tôi đi vòng quanh nó trên những ngón tay một cách nhanh nhẹn như một con mèo. Nhưng lúc này máu tôi đã nóng lên. Để dành chỗ trống cho tôi, hai cái cốc vại, một chai nước và một cái chai cổ thon đựng rượu uýt-xki đã được dời vào giữa bàn. Giữ thăng bằng với một tay, tôi rót một ít nước bằng tay kia – vì tôi không dám mạo hiểm với chai rượu – vào một trong hai cái cốc vại, và hát to lên, “Nelson muôn năm!” rồi nốc cạn cốc nước. Thế rồi, thở phì phì và gần như mắc nghẹn, tôi nhảy xuống khỏi bàn, và cuối cùng nhìn vào cha.
Ông xanh nhợt như tàu lá. Trông như thể ông bị say sóng. Ông hỏi, “Mẹ con có bao giờ nhìn thấy con làm những việc này không?” Tôi lắc đầu. Nhưng ông Turner phá ra cười. Hơn nữa, ông ta còn chưa muốn kết thúc với tôi.
“Anh có một sợi dây thừng nào không, William – dài khoảng mười sải[11]?” Ông ta hỏi cha. Có rất ít thứ mà cha không có. Chúng tôi đi ra vườn, và ông Turner nhanh chóng tung một vòng thòng lọng qua một nhánh cao trên một cây ngô đồng râm mát mọc sát ngôi nhà đến mức vào mùa hè những cành lá của nó có thể thật sự chạm vào những cánh cửa sổ.
“Hãy thử xem nào, chàng trai trẻ,” người bạn của cha tôi nói, khi đã cột xong vòng dây.
Không biết là do tên quỷ sứ trong Sandy Hai hay chỉ là tác dụng của chiếc áo thần kỳ, nhưng tôi trèo lên sợi thừng không thắt nút đó như một con khỉ leo lên cây dừa. Và khi tôi đã lên tới đầu sợi dây, tôi lê người trên bụng cho tới khi gần như tôi đã ở đầu nhánh cây. Rồi tôi bắt đầu đu đưa lên xuống trên nhánh cây như một con khỉ trên một sợi dây cao su trong khoảng chiều dài một cánh tay. Khi đã đủ độ đu đưa và sức đẩy – cái được gọi là động lượng – tôi phóng người qua cánh cửa sổ – và nhẹ nhàng đáp xuống sàn gác, cách mặt đất khoảng bốn mét.
Khi tôi quay xuống vườn trở lại, cha và ông Turner đang trò chuyện một cách thân mật, nôn nao bên dưới bóng cây ngô đồng. Cha nhìn tôi như thể tôi vừa quay về từ quần đảo Andaman.[12]
“Thế có ổn không cha?” tôi hỏi.
Nhưng ông không trả lời, chỉ vỗ vào vai tôi, rồi quay đầu bước đi. Và từ giây phút đó cho tới mãi mãi về sau, chúng tôi là những người bạn thân nhất, cha tôi và tôi; dù ông không bao giờ biết chút gì về cái đã khiến cho Sandy Hai – người mà, bạn nhớ chứ, ông chưa bao giờ nhận ra trước đó – xuất hiện như thế!
Mọi chuyện là vậy. Và – để vắn tắt lại – bằng cách nào đó, cha đã thay đổi ý kiến, và cuối cùng tôi đã thoát khỏi những cửa tiệm tạp hóa, một lần và mãi mãi. Mùa xuân năm sau, tôi ra biển cho một chuyến đi thực tập. Và sau đợt thực tập, phải nói là rất khó nhọc, tôi đã gia nhập Hải quân.
Và bây giờ tôi lại ở đây, trên đất liền, một lần và mãi mãi, Chưa đến mức là một ông già cho lắm, mà vẫn còn, tạ ơn Thượng đế, mạnh mẽ và tráng kiện, có khả năng và ý chí. Tôi hy vọng sẽ giúp được một ai đó cần tới một bước ngoặt trong đời. Và cậu bé của tôi, chính lúc ấy cậu xuất hiện.
Vấn đề thật sự là tôi đã theo dõi cháu vẽ nguệch ngoạc với mấy viên phấn ở chỗ ngồi thường lệ của cháu ở phố Thánh Ann khá nhiều ngày trước khi cháu biết điều này. Và tôi đã rút ra hai kết luận. Thứ nhất, là những bức vẽ của cháu chứng tỏ rằng cháu có thể vẽ rất đẹp. Và thứ hai là cháu có thể vẽ tốt hơn nhiều. Điều mà tôi cảm thấy là cháu đã tự cản trở bản thân mình, cháu có nhận thấy điều đó hay không? Đó chính là câu chuyện cũ của Sandy Một và Sandy Hai. Cháu không có lòng tự tin, một cú phóng, sự quyết tâm (nói tóm gọn một lời), để tiến lên theo con đường của cháu.
Tôi đã nhìn thấy cháu bắt đầu làm việc vào buổi sáng như một thần long dũng mãnh, nhưng hiện  nay cháu bắt đầu dao động, trở nên uể oải và mất tinh thần. Một tai họa nhỏ nhất – một viên phấn bị gãy, một tên ngốc nào đó bước lên những bức tranh, hay thậm chí chỉ một đám mây lướt qua che khuất mặt trời – đủ làm cho cháu lo âu. Vào những lúc như thế có vẻ như cháu thậm chí không chắc chắn được cháu đang muốn làm gì, chưa nói tới việc làm nó như thế nào. Đầu tiên cháu bực dọc với một bức tranh một vì lý do gì đó, rồi vì một lý do khác, và cuối cùng từ bỏ nó trong thất vọng, sự thú vị mất đi, cảm hứng mất đi, và tinh thần – cái mà tôi gọi là những thứ bên trong nội tâm – cũng mất đi nốt. Khi có bất kỳ người lạ nào nói với cháu, hay bỏ một đồng xu vào cái mũ của cháu, cháu đỏ bừng mặt, trở nên chán nản, ủ rủ và câm lặng, và mất hết sinh khí.
Bây giờ, trước hết, cậu bé của tôi, đừng quan tâm tới những gì tôi đang nói. Đó là vì chính cháu. Tôi sẽ không rước lấy rắc rối trừ phi và duy nhất với niềm hy vọng và mong ước trợ giúp cho cháu chút ít. Và hãy nhớ điều này, tôi từng trải qua tất cả những chuyện này trước cháu – và có thể lại trải qua lần nữa, khi ngày cuối cùng tới. Tôi đã biết thế nào là run như cầy sấy, cảm thấy mặt mình giống như một cái mặt nạ bằng giấy phết và đầu óc mình trống rỗng như một cái kho hàng cũ trên bãi cát. Tôi biết rõ Sandy Một là người như thế nào. Và, cháu biết đó, chính vì về mặt tinh thần tôi chắc chắn trong cháu có một Sandy Hai – có thể là một con người vượt ra khỏi bất cứ điều gì mà tôi có thể ước đoán – mà tôi viết những dòng này.
Tôi thích dáng vẻ của cháu, và cái cách cháu đắm mình vào công việc bất chấp mọi sự chán nản và thất vọng. Tôi muốn giúp cháu một tay trong con đường của chính cháu, và thấy không còn cách nào tốt hơn là cho cháu mượn chiếc áo thần kỳ của tôi một thời gian. Bây giờ, cháu nghĩ sao về việc đó?
Có thể nó không có tác dụng. Có thể sự mầu nhiệm của nó đã mất đi. Có thể tôi đã tưởng tượng nhiều quá khi nhớ tới nó. Nhưng tôi có thể nói điều này – lần cuối cùng tôi mặc nó vào trước cuộc giao chiến long trời lở đất nhất trong đời, tôi cho là nó đã thổi tung con tàu của kẻ thù ít nhất là hai giờ trước khi con tàu này chìm xuống đáy biển theo cách thông thường. Cháu nên nhớ, tôi không thường sử dụng nó. Khi tôi trạc tuổi cháu, một hay giờ mặc nó khiến cho tôi mệt nhoài cả nửa tuần kế tiếp. Mặc nó một hai ngày cháu có thể mất trọn một tháng để hồi phục lại. Ngoài ra, nếu cháu có thể nhìn vào vấn đề một cách thẳng thắng, cháu có thể thấy rằng nó không có hiệu quả. Về lâu dài chúng ta phải tin vào cái mà chúng ta có trong bản thân chúng ta, một cái gì đó có tính chất tự nhiên và thường xuyên, có thể nói thế, và phải làm việc hết sức cùng với nó. Chỉ ở những góc hẹp chúng ta mới cần thêm một chút lửa và sự điên rồ. Khi đó có lẽ Nữ thần May mắn sẽ thấy đã tới lúc nên chìa tay ra trợ giúp.
Vì vậy, tất cả những gì tôi muốn nói là hãy mặc thử chiếc áo. Có đủ chỗ cho hai người như cháu bên trong nó – vì thế nếu cháu không muốn bị để ý, hãy mặc nó bên dưới cái áo của cháu và chờ xem mọi việc diễn ra như thế nào. Và cuối cùng, hãy nhớ điều này, cậu bé của tôi; dù xảy ra bất cứ điều gì, tôi vẫn luôn theo dõi chăm lo cho cháu. Như mẹ yêu dấu của tôi thường nói, “Có thể có nhiều hơn một con đường để về nhà, Sandy – nhưng thực hiện nó là chuyện khó khăn.” Và đây là vận may; Thượng đế phù hộ cho cháu; và Chấm hết.”

****
Đó là trang cuối của “câu chuyện bịa” của đô đốc Rumbold. Mike gấp nó lại, nhìn vào cái bìa, ho húng hắng, và uống cạn ly ca-cao đã nguội. Nó đưa mu bàn tay lên chùi miệng và ngước lên nhìn cái mặt kiếng vàng hình tròn của chiếc đồng hồ treo trên bức tường ở đầu kia quán. Dường như vào đúng lúc đó nó bắt đầu kêu tích tắc. Cây kim dài chỉ mười một giờ kém hai phút. Bây giờ chắc là cụ già đang mong chờ nó – ngay phút này đây! Có phải ông muốn nó mở cái gói giấy ra và mặc cái áo khoác đó vào, ở đó và lúc đó? Mặt nó đỏ lên, rồi tái đi – nó không thể quyết định được. Đầu óc nó rối bời; tim nó đập thình thịch bên trong lồng ngực; nó cảm thấy thân thể nóng bừng và ướt đẫm mồ hôi.
Trong khi đang lưỡng lự chưa biết phải làm gì, nó nhận thấy người đã mang thức ăn vào cho nó – với gương mặt dài loáng màu mỡ và đôi mắt xám – đang len lén theo dõi nó. Mike vội vã đứng lên, nhét phần bánh mì kẹp thịt còn lại vào túi, vớ lấy tập bản thảo và cái gói giấy nâu của vị đô đốc và rời khỏi quán.  
Trước khi thật sự ngoặt qua góc phố dẫn tới chỗ ngồi thường lệ của nó, nó nhìn quanh để xem có nhìn thấy ông cụ ở đâu đó không. Và tất nhiên là có. Vào lúc này ông đang bước về phía ngược chiều với Mike – đôi vai rộng rắn chắc, cái mũ quả dưa nâu, và bước đi vững chãi. Khi đi đến chỗ mấy bức tranh ông dừng lại, nhìn lần lượt từng bức, bỏ cái gì đó vào cái nón, rồi tiếp tục đi. Trong vòng hơn kém một phút ông lại quay về, nhìn mấy bức tranh một lần nữa, bỏ thêm tiền một lần nữa.
Có vẻ như đô đốc Rumbold đã làm như thế kể từ khi ông rời khỏi Mike ở quán cà phê; và không còn ngờ gì rằng bằng cách này ông đã thu hút những khách qua đường làm theo gương của ông và ngắm nhìn những bức tranh. Đúng là có nhiều người chỉ liếc thoáng qua rồi đi tiếp; nhưng cũng có một vài người bỏ tiền vào cái nón. Lúc này ông cụ đang tới gần góc đường nơi Mike đang nấp, vì thế Mike bước ra, nét mặt hơi bẽn lẽn; và gặp ông ở đó.
“À há!” Đô đốc Rumold kêu lên. “Cháu đây rồi! Tốt! Và rất đúng giờ. Cháu đọc nó xong chưa? Tốt! Cháu có mặc nó vào chưa?”
Mặt Mike đỏ lên rồi trắng bệch. Nó nói, “Cháu đã đọc nó, từng trang, thưa ông, nhưng cái áo vẫn còn trong gói, bởi vì….”
“Quên chữ ‘bởi vì’ đi! vị đô đốc la lớn. “Hãy đi vài bước tới cái ngõ đằng kia. Chúng ta sẽ sớm thu xếp ổn thỏa thôi.”
Thế là họ cùng nhau đi tới một chỗ kín đáo trong con hẻm gần đó. Bên trên nó là những cành lá xanh rì của một cây tiêu huyền mọc xòa qua bức tường gắn mảnh chai; sau khi cởi cái áo cũ rộng thùng thình của nó ra, Mike tròng cái áo Trung Hoa vào một cách dễ dàng, rồi mặc lại cái áo cũ của nó bên ngoài. Đô đốc Rumbold vo mảnh giấy thành một trái banh, cột sợi dây quanh nó rồi nhẹ nhàng tung nó lên bức tường. “Chúc nó may mắn” ông nói.
“Bây giờ,” ông nói, nhìn Mike- rồi ngưng lời. Cậu bé đứng bất động như thể đã bị đóng băng, thế nhưng nó run lẩy bẩy. Đôi môi nó cũng run run. Dường như nó đang cố nói một điều gì đó nhưng không tìm ra từ để nói. Cuối cùng nó ngẩng mặt nhìn lên. Vị đô đốc già rất kinh ngạc vì màu xanh thẫm trong đôi mắt nó. Đó là màu xanh thẫm chói lọi của những vùng biển sâu. Đô đốc không thể nhớ ra ông đã từng nhìn thấy một đôi mắt nào giống như thế. Chúng không giống như mắt của một cậu bé, một người đàn ông, một đứa trẻ hay một người phụ nữ, thế nhưng ông đã từng thấy có một nét nào tương tự ở họ. Mike đang mỉm cười.
“Những con cá sấu xanh lá cây, ông ạ,” nó nói, chỉ ngón tay vào một trong những cái nút áo. “Chúng không lớn hơn phân nửa đồng xu, nhưng ông có thể cảm thấy tất cả những lớp vảy, thậm chí cặp mắt của chúng cũng lồi ra bên trên đầu nữa.”
“Ừ, ừ,” vị đô đốc nói. “Đó là tác phẩm của người Trung Quốc. Đó là cách của họ - ít nhất là vào những thời đã xa xưa. Nhưng cháu cảm thấy thế nào, cháu cảm thấy thế nào, cậu bé của tôi?”
Mike nhìn đăm đăm người bạn già của nó một lúc lâu; rồi ánh mắt nó chuyển sang phía trên, tới những chiếc lá tiêu huyền xanh xanh hình ngũ giác trên đầu và bầu trời xanh lơ ngập nắng bên ngoài. Một cơn gió tây bắc mát rượi đang thổi lướt qua và một đám mây to như ngọn núi đang di động lên phía giữa bầu trời.
“Cháu muốn quay trở lại chỗ bày tranh, thưa ông.” Nó đáp, với giọng khàn khàn.
Được, được! Vị đô đốc bảo. Và lặp lại. “Được, được, chúng ta quay lại đi.” Và cả hai cùng cất bước.
Dù vẻ ngoài của ông cụ có gương mặt đỏ như gấc chín tỏ ra rất mực hòa nhã, ông vô cùng xúc động khi bước đi bên cạnh người bạn trẻ của mình. Bây giờ chính Mike mới là người dẫn đường. Vị đô đốc chỉ việc cất bước theo nó. Dường như thằng bé đã thay đổi một cách lạ lùng. Ngay cả trong lúc đang bước đi, ở nó vẫn có một nét gì đó thật sống động như một hồi chuông đang reo vui lanh lảnh. Như thể vầng mặt trời rực rỡ của nó đã bất chợt hiện ra giữa những đám mây lạnh lẽo như đá hoa cương, soi sáng toàn vũ trụ. Điều gì sẽ xảy ra kế tiếp?
Trước tiên, Mike nhặt cái nón của nó lên, thậm chí không đưa mắt liếc qua xem có gì bên trong mà chỉ trút tất cả vào túi áo khoác. Rồi nó chậm rãi bước từ bức tranh này sang bức kế bên cho tới khi nó đã nhìn ngắm thật cẩn thận toàn bộ bảy bức tranh. Nó móc ra từ trong túi - trong đó vẫn còn mẩu bánh “ngạch cửa” - một mảnh giẻ lau lớn,  rồi vội vã bước tới cái vòi nước hình đầu báo đang chảy ri rỉ cách đó chừng hai mươi mét. Nó nhúng thật ướt mảnh giẻ, quay lại chỗ mấy bức tranh và trong nháy mắt lau sạch toàn bộ tất cả. Trên những phiến đá lát đường đã từng mất đi màu xám bình thường không còn sót lại gì ngoài những vệt mờ nhạt màu hồng và vàng, và trong vòng ba phút sau những vệt này cũng bị nước rửa sạch.
Khi nó đã hoàn tất cuộc phá hủy này, và bầu không khí ấm áp ban mai đã hong khô mặt đường trở lại, nó quỳ xuống và bắt đầu vẽ. Dường như nó đã quên bẵng đi vị đô đốc già, chiếc áo khoác Trung Hoa và mọi điều đã diễn ra vào buổi sáng hôm đó. Dường như nó hoàn toàn không nhận biết gì về những người qua lại, những tia nắng mặt trời lỗ chỗ, những tiếng lanh canh ồn ào của con phố, thậm chí ngay cả việc nó là ai, đang ở đâu và đang làm gì. Gầy gò và mê mải, nó ngồi xổm ở đó, co mình lại bên dưới bức tường, và làm việc.
Khi theo dõi nó, đô đốc Rumbold kinh ngạc với tốc độ mọi thứ đang xuất hiện trên những phiến đá lát đường. Như thể bằng ma thuật, trước mắt ông hiện ra một con tàu với đầy đủ mọi thứ cột buồm, dây và buồm, đang nổi trên mặt nước xanh lơ như một con chim thiên nga. Những cột buồm chọc thẳng lên bầu trời, những cánh buồm căng phồng như những đám bông tuyết, và từ những lỗ đặt nòng súng thò ra những cái nòng đại bác bằng kim loại. Không phải là sự giống hệt của bức tranh này với một con tàu thật sự, trên một mặt biển thật sự, bên dưới một bầu trời thật sự đã khiến cho ông phải lẩm bẩm thốt lên, “Ôi trời, ôi trời!” mà là một cái gì đó trong dáng vẻ của nó, một linh hồn sống động, đáng yêu đang hiện hữu phía sau tất cả mọi thứ, một cái gì đó mà ông không thể gọi tên, nhưng nó nhắc cho ông nhớ tới đôi mắt đã ngước nhìn ông vài phút trước đó bên dưới những cành lá tiêu huyền trong cái hẻm nhỏ sau khi nhìn đăm đăm vào những cái nút chạm hình cá sấu. Vâng, và nó cũng nhắc cho ông nhớ tới một buổi tối cách đây nhiều năm khi ông làm xiếc trên cái bàn ăn bằng gỗ gụ với những ngón tay của mình.
Lúc này, một vài khách qua đường khác bắt đầu tụ tập lại và quan sát chàng họa sĩ lang thang trẻ tuổi đang làm việc như thể việc cái nón chưa được đặt lại vào vị trí quen thuộc và trên thực tế vẫn còn đang nằm trên đầu nó không có gì là quan trọng. Thật lạ lùng, dù mỗi người trong số những người rảnh rỗi đó đều có vẻ kinh ngạc với tốc độ và kỹ năng của cậu bé, dường như tất cả đều nôn nóng bỏ đi và không ai cho nó một đồng nửa xu nào cả.
Đô đốc Rumbold không kềm lòng được nữa. Ông chậm rãi đặt một đồng nửa crown[13] bên cạnh mấy viên phấn màu, ho lớn tiếng, ngưng lại một chút, rồi sau khi nhận ra rằng Mike vẫn không chú ý tới mình, ông len lén bước đi, để yên cho nó làm việc.
Điều tệ hại nhất trong những mối ngờ vực của vị đô đốc đã đi qua. Không còn ngờ gì rằng chiếc áo khoác thần kỳ đã chẳng mất đi một chút xíu quyền năng nào kể từ lần đầu ông khoác nó vào người cách đây sáu mươi năm. Điều duy nhất làm ông khó chịu là chàng họa sĩ trẻ chẳng nhận được một xu teng nào trong suốt mười lăm phút qua. Tuy nhiên, ông nghĩ ông hiểu được nguyên nhân của điều này.
“Họ sợ!” Ông thì thầm với chính mình. “Họ không biết phải làm gì. Họ xem đây là một chuyện khác thường, một điều kỳ diệu, vượt khỏi tầm hiểu biết của họ. Họ không thích cái mùi của nó. Họ nghĩ là nó nguy hiểm. Họ chỉ ngắm nhìn, thắc mắc rồi lẻn bỏ đi. Ồ, anh bạn Rumbold thân mến của tôi, vì sao không chứ? Hãy kiên nhẫn. Đừng để ý tới điều đó. Hãy chờ xem!”
Sáng sớm hôm sau, ông bỏ những đồng xu vào đầy túi rồi quay lại khoảng đất trống nhỏ hẹp ở phía sau phố Thánh Ann. Đêm hôm trước trời không mưa; chỉ có chút ít sương rơi. Trời cũng không có có gió, và đêm qua trời có trăng; thế nên những bức tranh mà Mike còn chưa hoàn thành trên mặt đường ắt hẳn đã bừng sáng dưới ánh trăng suốt đêm dài, và lúc này trông tươi rói như vừa mới được vẽ ra. Đô đốc Rumbold đã cố tình đi dạo vào cái giờ khác thường này để nhìn trộm chúng một mình; nhưng Mike đã tới đó trước ông.
Nó đã lại đang ngồi xổm ở đó – dường như mù và điếc đối với mọi sự vật trong thế giới bên ngoài, chỉ tập trung vào những bức tranh. Người bạn già của nó không quấy rầy nó, để cho nó được yên, và rời gót tới câu lạc bộ của ông để dùng chút điểm tâm. Khi ông quay lại, thằng bé đã biến mất. Năm trong số bảy bức tranh đã được hoàn thành.
Vị đô đốc nhìn chúng trừng trừng, phần vì kinh ngạc, phần vì vui mừng không thể tả, và phần nữa vì hoàn toàn mất hết can đảm. Hai trong số chúng – bức con tàu “Chiến thắng” và bức “Ám ảnh” mới – trông sống động và khác thường (với những viên phấn Pháp trên nền đường) hơn mức ông có thể tưởng tượng ra. Các bức còn lại khiến cho ông thấy hơi khó chịu vì chúng nằm ngoài khả năng thấu hiểu của ông. Ông hầu như không thể hiểu mô tê gì về chúng.
Một bức được đặt tên là “Cây đa lúc hoàng hôn”. Nó nhắc cho ông nhớ tới tới hình ảnh Shadrach, Meshech, and Abednego[14] đang bước đi giữa lò lửa đang cháy đỏ. Một bức khác có tên là “Người mù”; nó thể hiện một cái ghế, một cái bàn trên đặt một bình hoa và một đĩa trái cây. Và một cánh cửa sổ để mở. Dường như nó đang lung linh tỏa sáng một cách rực rỡ như những viên đá quý. Nhưng theo mắt của vị đô đốc, cái ghế có vẻ như liêu xiêu vẹo vọ, còn những bông hoa trông rất kỳ lạ nửa phần giống như con người. Từ lúc cha sinh mẹ đẻ đến giờ ông chưa bao giờ nhìn thấy một bức tranh vẽ một cái ghế giống như thế. Ngoài ra, chả có dấu hiệu gì của một con người, đừng nói gì tới một người mù! Ông cựa quậy, khẽ ho. Ông thở dài và liếc nhìn cái nón tả tơi. Lúc này đã mười giờ kém mười lăm phút; trong cái nón có một đồng xu Pháp, một đồng nửa pen-ni Anh và một đồng ba pen-ni có một cái lỗ ở giữa. Vị đô đốc moi trong túi ra một nắm tiền xu và bỏ vào nón. Trong suốt ngày hôm đó, ông luôn ngó chừng chàng họa sĩ trẻ lang thang. Cuối cùng ông chắc chắn được hai điều: thứ nhất, Mike vẫn đang mặc cái áo khoác; thứ hai, thật sự nó chẳng kiếm chác được nhiều lắm (trừ khoản tiền lạc quyên của chính ông). Bởi lẽ người ta không thể nhặt được phấn màu trong rãnh nước hay vá lại cái quần rách gối bằng không khí! Thằng bé hầu như không tự kiếm được tới sáu xu. 
Đô đốc Rumbold bắt đầu hơi lo lắng khi nghĩ tới thực tế ảm đạm này, nhưng quyết định không can thiệp. Sáng sớm hôm sau, ông gõ cửa một nhà trọ gần đối diện với khoảng đất của Mike.
“Chào buổi sáng,” ông nói, khi cánh cửa mở ra. Nếu bà không phiền, tôi muốn ngồi cạnh cửa sổ một lần nữa, nó có trống không?
“Dĩ nhiên, thưa ông,” người phụ nữ đã mở cửa nói. “Tôi mừng là ông thích ngắm cảnh ở đó, thưa ông. Tiếc là tường nhiều quá.”
“Không phải là chuyện mấy viên gạch, thưa bà, mà là về con người,” vị đô đốc đáp khi ông đi theo bà ta bước lên thang gác vào một căn phòng nhìn thẳng ra đường.
Ở đó – sau những bức mành Brussel ở cửa sổ, ngồi trên một cái ghế bành hơi lồi lõm – vị đô đốc dành ra phần lớn buổi sáng để quan sát mọi người qua lại trên con đường bên dưới, nhưng đặc biệt là cậu bé. Và một lần nữa ông rút ra hai kết luận: thứ nhất, lúc này Mike không mặc cái áo khoác; thứ hai, thậm chí nó còn kiếm được ít tiền hơn hôm qua. Dường như cuộc sống đã rời khỏi nó. Nó ngồi co ro bên cạnh những viên phấn và cái nón trống không. Gương mặt gầy guộc của nó trắng nhợt như sáp. Hầu như nó không dám ngước mắt lên khi có ai đó dừng lại ngắm nhìn những bức tranh. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nó lại liếc nhìn xuôi ngược con phố một cách nôn nao như đang kiếm tìm ai đó.
“Nó đang tìm ta,” vị đô đốc tự nhủ. “Nó muốn trả lại cái áo khoác. Cầu Trời phù hộ cho con! Nhưng cứ từ từ, cứ từ từ.”
Ông quay lại chỗ cửa sổ vào đầu giờ chiều. Thằng bé trông thậm chí còn khốn khổ và thất vọng hơn bao giờ hết, tuy nhiên nó đã bắt đầu sửa chữa đôi chút trên bức tranh  con tàu “Chiến thắng”. Trong trường hợp này vị đô đốc phải dùng tới chiếc ống nhòm. Bây giờ ông có thể quan sát thật gần người bạn trẻ của mình tới mức hầu như có thể nghe thấy tiếng thở của nó. Thật sự, thậm chí ông còn có thể nhìn thấy một con kiến càng đang bò dọc theo khe hở giữa hai phiến đá; và những mẩu phấn trông như những viên cuội có màu.
Mike tiếp tục làm việc, lúc bôi xóa, lúc thêm vào, và vị đô đốc có thể dõi theo mỗi sắc màu, mỗi nét phấn. Cuối cùng, như thể đã hài lòng, thằng bé đứng lên và kiểm tra lại điều nó đã thực hiện. Khi nhìn xuống, dường như nó rũ người và co quắp lại. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi vị đô đốc gần như muốn khóc òa lên. Bức tranh đã bị phá hỏng. Vẫn con tàu, vẫn biển cả, vẫn bầu trời, nhưng toàn bộ ánh sáng và không khí, sự lãng mạn, sự kỳ diệu đâu rồi? Bức tranh đâu rồi?
Vị đô đốc cảm thấy bế tắc vô phương kế. Ngày đang trôi qua. Ông bắt đầu nghĩ rằng lòng tốt của mình đã hủy hoại cậu bé  mãi mãi. Ông ngồi lại xuống ghế và hoàn toàn không biết phải làm gì kế tiếp. Có một điều chắc chắn. Đó là ông phải đi xuống đó ngay để nói với cậu bé một lời – an ủi nó, động viên nó. Ông phải cho nó một bữa ăn ngon, nhồi vào bụng nó ít thịt bò và – có lẽ thế - lấy lại chiếc áo khoác. Nó chẳng là gì khác hơn một sự lừa dối và thất bại. Ông phải lấy lại chiếc áo khoác, rồi mọi chuyện sẽ qua đi. 
Ông khom người về trước để đứng lên, đồng thời thả cái nhìn thất vọng cuối cùng xuống phía đối diện của con đường. Và ông dừng lại. Tiết trời vẫn đẹp. Những màu sắc đầu tiên của buổi xế chiều bắt đầu trải xuống bầu trời London – những tia nắng vàng nhạt, óng ánh và đỏ thắm đang rọi sáng những vách nhà, tràn xuống phố xá. Và Mike không còn đơn độc nữa. Nó vẫn đang ngồi xổm bên dưới bức tường và bất động như thể được chạm ra từ một mảnh gỗ mun, nhưng cách nó chừng một bước chân là một ông già trông có vẻ khác thường đang đứng, trên người khoác một cái áo choàng Ulster[15] màu cà-ri. Ông già này có một chòm râu và đội một cái nón chóp cao màu đen có vành rộng. Bên dưới cánh tay ông khoác một cây dù, không sạch sẽ bằng nhưng trông còn ghê gớm hơn cả cây dù của đô đốc.
Ông ta không chỉ nhìn, ông ta đang chăm chú thả hồn vào những bức tranh. Ông lần lượt khom người trên từng bức, dành cho mỗi bức ít nhất từ hai đến ba phút, ngoại trừ bức con tàu “Chiến thắng” mà ông chỉ liếc thoáng qua rồi chuyển sang bức khác.
Khi thấy mình đã đến cuối dãy tranh, ông quay lại và  ngắm kỹ chúng một lần nữa. Đô đốc Rumbold hồi hộp quan sát những hành động này. Ông già mặc áo choàng Ulster lúc này đã quay sang Mike. Nó đứng lên ngay lập tức, bỏ rơi những viên phấn, cái nón và một gói giấy báo nhỏ trên mặt đường. Dưới ánh sáng hoàng hôn rực rỡ, chẳng bao lâu sau cả hai đã trò chuyện với nhau như thể họ là hai cha con. Họ đang nói chuyện về những bức tranh. Thỉnh thoảng người bạn mới của Mike lại khom xuống, chỉ mũi dù vào một trong số các bức tranh, lướt theo một nét vẽ, hay khua khua trên một mảng màu. Đồng thời, chòm râu của ông ta hướng về phía Mike, như thể ông ta đang  khen ngợi, phê bình, giải thích hay hỏi han gì đó. Có lần ông ta còn khom người xuống nhặt một mẩu phấn và vạch một vài nét trên mặt đường như muốn chỉ cho cậu bé chính xác ông ta định nói gì. “Thế đấy!” đô đốc nghe ông ta kết luận, những ngón tay phe phẩy.
Không còn ngờ gì rằng ông già lạ lùng đội nón chóp đen này không chỉ chú ý tới những bức tranh mà cả Mike nữa. Trông như thể với sự xúc động của mình ông ta có thể nói chuyện cho tới nửa đêm. Nhưng không; chính ngay lúc ấy dường như ông ta đang đề nghị một điều gì đó với Mike. Ông ta đã đặt bàn tay lên vai nó như để động viên. Mike ngần ngừ, rồi nhìn một lúc lâu lên bầu trời, như đang nhờ thời tiết góp ý cho nó. Sau đó hình như nó đã quyết định. Nó vội vã nhặt cái nón, những viên phấn và gói giấy lên, rồi cả hai cùng cất bước xuôi theo phố Thánh Ann.
Lúc này đô đốc Rumbold không còn chờ đợi gì nữa. Ông vớ lấy cái nón, cái ống nhòm và cây gậy của mình rồi lập cập bước xuống thang đi ra phố. Đi cách sau lưng Mike và ông già một quãng, ông theo họ ra khỏi phố Thánh Ann vào điện Ashley, rồi băng qua phố Jermyn. Ở góc đường này, do quá tập trung vào việc bám theo, suýt nữa ông đã bị cán phải bởi một cỗ xe hai ngựa chở hàng.
Mike và ông già lúc này đang ở gần trong tầm mắt đến mức đô đốc có thời giờ để dừng lại và trò chuyện với một viên cảnh sát.
“Chào anh cảnh sát,” ông nói. “Nếu như anh tình cờ biết được tên ông già đội nón đang đi cùng với cậu bé ở đằng kia, anh có thể cho tôi biết hay không?”
Viên cảnh sát nhìn kỹ hai người.
“Ồ, thưa ông,” cuối cùng anh ta nói, “thật sự tôi có gặp ông ấy ở đâu đó dù tôi không thể nói chính xác là ở đâu. Thậm chí tôi còn được người ta nói cho biết ông ta là ai. Nhưng tôi không thể nhớ ra, tôi ước gì có thể nhớ ra, thưa ông. Trông ông ta có vẻ đáng để bỏ công nhớ ra.” Đô đốc Rumbold cám ơn viên cảnh sát rồi vội vàng đi tiếp.
Ngay vào lúc một lần nữa ông nhìn thấy lại hai người bọn họ, một chàng trai trẻ tóc dài mặc một chiếc áo choàng không tay sẫm màu vừa bước ngang qua họ. Chàng trai này cũng đội một cái nón chóp cao màu đen. Ngay khi bước qua, trong phạm vi phép lịch sự cho phép, anh ta không chỉ đứng sững lại mà còn nhìn chăm chú theo hai người cho tới khi đô đốc Rumbold bước tới chỗ anh ta. Vị đô đốc liếc nhìn anh ta.
“Xin thứ lỗi cho tôi, thưa anh,” ông nói, nhưng nếu tôi không lầm, anh cũng chú ý tới ông cụ ở đằng kia không kém gì tôi. Một nhân vật rất ấn tượng! Anh có thể cho tôi biết tên của ông ta hay không?”
“Tên của ông ta sao, thưa ngài,” chàng trai kêu lên. “Ôi trời! sao, đó là ngài B. Cái ngài B. kỳ quặc, điên khùng nhất trên quần đảo Anh. Nhưng đừng hiểu lầm thưa ngài. Ông cụ đó rất am tường về tranh và hội họa. Ông ta là một bậc thầy. Hãy chờ cho tới khi ông ta chết, chỉ có thế. Khi đó toàn thế giới sẽ nhắc tới ông ta.” 
“Anh đừng nói thế!” đô đốc kêu lên. “Một bậc thầy! Hội họa! Hử? Rất cám ơn anh, rất cám ơn. Và anh có nghĩ rằng ông ta đã nhận ra ở cậu bé đó một cái gì đó – ý tôi là thấy ở nó những điều hứa hẹn – vâng, rằng nó đang trên con đường may mắn.”
”Nghĩ ư?” chàng trai đáp. “Cầu trời phù hộ cho ngài, tôi biết, thưa ngài.”
Đô đốc không giữ chân anh ta thêm nữa. Ông chào anh ta rồi đi tiếp. Ông không thể nói gì được nữa. Ông rất hài lòng. Tất cả đều tốt đẹp. Vậy là chiếc áo khoác thần kỳ đã không chơi xỏ ông. “Những bước trèo lên con dốc” của Mike đã khởi đầu tốt đẹp. Ông phát hiện ra mình đang ở đầu kia của phố Jermyn, trong dòng xe cộ của phố Haymarket. Ông già mặc áo choàng rộng đã biến mất. Nhưng không, ông ta kia rồi, Già B. đang đứng cách ông một quãng ở mé đối diện của con đường, cạnh cửa sổ của một tiệm bán tranh khắc. Ông ta đang nói chuyện với cậu bé đứng bên cạnh – chỉ trỏ, ra hiệu, chòm râu rậm của ông ta đong đưa. Và Mike đang lắng nghe, nhìn chăm chú, tiếp nhận. Đô đốc Rumbold quay gót. Ông chưa bao giờ tự nhận là hiểu biết nhiều về những bức tranh. Vậy thì vì sao lúc này ông đột nhiên cảm thấy chán chường và phiền muộn? Ông cũng mệt nhoài nữa, và rất khát nước. Gần như ông thấy nhớ cái áo khoác của mình.





[1] cadytuff
[2] Phó Đô đốc Sir Francis Drake, (1540 - 1596) là một nhà thám hiểm hàng hải, thuyền trưởng người Anh.
[3] Bonum nomen bonum omen: một thành ngữ Latin phổ biến có nghĩa là “Một cái tên đẹp đẽ là một điềm báo tốt lành”.
[4] Hai chủng tộc thổ dân da đỏ ở châu Mỹ
[5] Theo Thánh kinh, Abimelech là vua xứ Gerar, nay thuộc miền nam trung tâm Israel.
[6] Một thành phố cảng cổ, nằm tại khu vực nam Tel-Aviv, Israel ngày nay.
[7] Chicory: rễ rau diếp xoăn (sao và xay ra để trộn với cà phê hoặc thay cà phê).
[8] Theo Thánh Kinh, Noah là người đã đóng con tàu để duy trì nòi giống loài người và muông thú trong trận Đại hồng thủy.
[9] Tên một thành phố cảng cổ nay thuộc Ấn Độ.
[10] Trận Trafalgar (21-10- 1805) là một trận thủy chiến giữa Hải quân Hoàng gia Anh và một đoàn tàu của liên minh Hải quân Pháp và Hải quân Tây Ban Nha. Đây là trận đánh có tính quyết định nhất cho thắng lợi của Anh trong cuộc chiến tranh với Napoleon và là một trận đánh hải quân then chốt của thế kỷ 19.
[11] Fathom: Đơn vị đo chiều sâu của Anh, bằng 1,82 mét.
[12] Quần đảo nằm trong vịnh Bengal.
[13] Crown: đồng curon Anh, trị giá bằng 5 si-ling.
[14] Tên ba nhân vật trong Thánh Kinh.
[15] Áo choàng rộng, thường là có đai thắt lưng, xuất xứ ở vùng Ulster, Ireland.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét