Dịch từ nguyên tác
Collected Stories for Children [1947]
của Walter de la Mare
Dịch giả giữ bản quyền bản Việt ngữ
Copyright © Nguyễn Thành Nhân 2009
Trong
một căn phòng dài, trần thấp, quét vôi trắng, ở tầng trên của một tòa nhà gạch
đỏ ở phố Pleasant, Cheriton, nằm xếp theo loại trong những cái hộp, là một bộ
sưu tập các thứ vỏ sò, ốc xà cừ, rong biển, hải quỳ, san hô, những vật hóa
thạch, cá thòi lòi, chim nhồi rơm – dưới biển và trên mặt đất – và “những người
cá”. Những két đựng tiền, rương hòm, mỏ neo, những khẩu súng xưa cũ và những
tảng hổ phách, quặng sắt và thạch anh. Ngoài ra, còn có mọi loại đồ vật lạ
lùng, kỳ dị, hiếm quý khác. Những cánh cửa sổ hẹp, trên đó chạm trổ hình những
trái cây, bông hoa, và những ống máng bằng chì cũ kỹ, tiếp tục đón nhận ánh
sáng ban ngày đổ lên chốn ẩn dật lặng lẽ của các món đồ đó. Và trong suốt
nhiều, rất nhiều năm, Ba Cậu Bé xứ Warwickshire[1] vẫn nằm ngủ
trong cái hòm thủy tinh lớn của họ. Câu chuyện kể về họ phải lùi lại một quãng
thời gian dài. Nhưng hầu hết những câu chuyện, buồn hay vui, đều như thế cả,
nếu bạn sẵn lòng theo dõi chúng.
Vào
khoảng năm 1600, khi Nữ hoàng Elizabeth được sáu mươi bảy tuổi, và William
Shakespeare đang viết vở kịch có tựa đề “Julius Caesar”, một ông chủ cối xay
lúa giàu có tên là John Nollykins đã lìa đời ở một nơi cách vùng Stratford-on-Avon
chừng hai mươi bốn dặm. Cái cối xay của ông là cái cối xay đẹp nhất ở
Warwickshire. Nhưng không có người hàng xóm nào của ông - hay ít nhất không có
ai trong số những người hàng xóm nghèo hơn của ông – có thể chịu đựng được khi
nhìn thấy mặt ông ta. Ông là một lão già khinh người, bủn xỉn và không có lòng
trắc ẩn. Ông lừa bịp khách hàng và không hề thương xót đối với những người mà
ông đã dụ dỗ lọt vào nanh vuốt của mình.
Càng
già, ông càng trở nên ti tiện và bủn xỉn hơn. Cuối cùng, thậm chí ông bắt đầu
bỏ đói cả những con ngựa của chính mình. Dù ông chết trong giàu có, ít có người
láng giềng nào than khóc vì ông. Ngay sau khi ông chết, tiền bạc của ông cũng
bắt đầu đội nón ra đi. Ba người con trai của ông ngấu nghiến những gì ông để
lại sau lưng như những con chó rừng ngấu nghiến bữa ăn còn thừa của một con sư
tử. Nó lọt qua kẻ tay của họ như cát lọt qua một cái sàng. Họ cờ bạc, rượu chè
đủ kiểu. Họ nhảy nhót, múa may và tiệc tùng trong những bộ áo quần lòe loẹt;
nhưng họ hầu như không phân biệt được cám và thóc. Họ nhanh chóng đánh mất
không chỉ công việc làm ăn mà cả toàn bộ những gì cha họ dành dụm được. Khách
hàng của họ nói rằng trong bột không chỉ có bụi mà còn có đá, và cả cỏ dại. Nó
ẩm mốc. Nó hôi mùi chuột. Họ quan tâm tới chuyện gì? Họ cùng lũ chó đi săn
chuột, nhưng là vì mục đích thể thao chứ không phải vì bột. Mọi thứ của cối xay
ngày càng tàn tạ và đang đi tới chỗ tiêu tan. Những tấm buồm toàn là vải vá
víu, chúng bị xé toạt trong cơn gió. Mưa tạt vào nhà. Cỏ dại mọc đầy trong dòng
nước chạy máy xay và tạo thành vật chắn ở nơi lẽ ra không được có gì khác ngoài
dòng nước trong veo. Khi những người khách hàng nghèo khổ than phiền, họ được
chào đón bằng giọng cười say xỉn và những lời chế nhạo.
Rốt
cuộc, ba bốn năm gì đó sau cái chết của con ngựa đực khốn khổ cuối cùng, luôn
bị bỏ đói gần chết của người chủ cối xay, các con của ông bị phá sản. Lẽ ra họ
cũng chết đói theo cách đó nếu như một đêm nhiều gió nọ, khi họ cùng ngồi uống
rượu và ca hát với nhau trong ngôi nhà cối xay, người em út không đánh đổ cái
đèn dầu đang tỏa khói trên bàn và do đó đã thiêu rụi cái cối xay.
Người
anh cả, với những gì có thể nhặt nhạnh được, lên đường ra biển, lưu lạc ở những
vùng đất ngoại quốc, rồi chết vì bệnh sốt vàng da ở Tobago. Người con trai thứ hai được một
ông chú làm nghề kim hoàn đưa tới London.
Nhưng anh ngốc nghếch và lười biếng tới mức phá hỏng nhiều hơn là sửa chữa.
Cuối cùng, do nuốt phải một viên đá khắc hình quả đào rất thanh nhã do chính Marco Polo mang về Ý, anh khiến cho ông chú nổi cơn
thịnh nộ đến nỗi ông đã tống cổ anh ra khỏi nhà ngay sau đó. Anh ta đi tới khu
Đông London,
trở thành một người buôn cá ở Đại lộ Ratcliff, có một cửa hàng giống như cái
rạp với một cái bảng dài đằng trước. Nhưng anh cũng chẳng quan tâm gì tới công
việc này, và cuối cùng trở thành một người làm đủ thứ nghề (hay chẳng có nghề
nào hết) trong cái nhà hát Địa cầu cũ kỹ ở Southwalk. Ở đó, anh đã từng trông
thấy Shakespeare phục trang như một con ma
trong vở “Hamlet” và bị chết do sự cố khi đóng vai tên Sát thủ Thứ hai trong vở
“Macbeth”.
Người
con trai út, tên là Jeremy, kết hôn với một góa phụ giàu có của một người thợ
làm yên cương. Cô là chủ của một ngôi nhà xinh đẹp trên phố High của thị trấn
Cheriton thịnh vượng – cách Tòa Giám mục Hitchingworth khoảng tám dặm đường.
Anh thừa hưởng được tất cả vẻ dễ nhìn ít oi của gia đình, nhưng anh ranh mảnh,
gian giảo và khó chịu. Điều đầu tiên anh làm sau khi trở về từ chuyến đi hưởng
tuần trăng mật là vẽ một cái mũi dài đỏ choét lên bức chân dung của người thợ
đóng yên ngựa. Việc tiếp theo là nhấn nước con mèo của vợ mình trong một cái
chậu, vì anh bảo rằng con mèo đói đó đã ăn vụng pho mát. Việc thứ ba là đốt cái
mũ đội vào ngày Chủ nhật đẹp nhất của cô vợ, rồi sau đó là bộ tóc giả, để cho
chúng có đôi có bạn. Làm thế nào để cô vợ có thể cắn răng tiếp tục sống với anh
là một điều bí mật. Tuy nhiên, cô đã làm như thế.
Anh
chàng Jeremy này có ba cậu con trai: Job, John và Jeremy (con). Nhưng anh không
hề nuôi nấng gì chúng cả. Trái lại là khác. Gia đình này ngày càng xuống dốc
cho tới khi cuối cùng nó đã xuống tận đáy. Rồi nó bắt đầu trèo lên trở
lại. Nhưng đó là nhờ mấy đứa con của Jeremy. Đứa con gái út của anh cưới một
tay buôn ngựa làm ăn phát đạt, và đứa con trai duy nhất của họ (lại có tên là
Jeremy), dù bỏ nhà ra đi vì anh ta ghét món cháo loãng như nước và món bánh
pút-đinh mỡ thận, đã kiếm được công việc làm ăn với tư cách là phụ tá cho
Trưởng ban Quét ống khói ở Cheriton. Cuối cùng, nhờ sự gian manh, độc ác, dễ
hồi phục tinh thần và sự lao động cần cù thừa hưởng từ sếp của mình, anh
ta đã mua lại căn nhà xinh đẹp của người ông cậu, trở thành Ông chủ Dịch vụ
Quét ống khói và “Quét theo phân công” cho ông thị trưởng, Phường hội và các
ông chủ đất của ba trang viên lân cận. Anh ta chưa bao giờ lấy vợ. Bất chấp
tuổi thơ vất vả, bất chấp lòng tốt của ông chủ, và bất chấp tương lai tốt đẹp
của mình với ba chủ nhân của các trang viên, anh ta là một kẻ bủn xỉn và thu
nhặt chắt bóp từng đồng xu một. Anh ta có một cây chổi khổng lồ đặt trước cửa,
một cái vòng đập cửa đẹp bằng đồng, và là thợ quét ống khói giỏi nhất, nổi
tiếng nhất trong vùng.
Nhưng
phần lớn tiền bạc anh ta thu được, và trong những năm sau đó, phần lớn những
lời ca tụng tán dương anh ta, là nhờ vào ba đứa trẻ mồ côi của anh ta – Tom,
Dick và Harry. Thời đó, những cái lò sưởi rộng lớn như một căn phòng nhỏ, hoặc,
với bất cứ giá nào, cũng phải to như những cái tủ ngăn to lớn hoặc những phòng
chứa đồ. Chúng có những cái góc lò tiện nghi ấm áp, và những cái ống khói giống
như những cái giếng sâu chạy thẳng lên mái nhà, đôi khi hẹp lại hay uốn khúc về
phía đỉnh. Và những chiếc ống khói này được lau quét bằng tay.
Vậy là
những chú thợ học việc của Jeremy phải trèo lên, trèo lên mãi, từ viên gạch ám
bồ hóng này tới viên khác, với một cái chổi, và quét cho tới khi chúng cũng trở
nên đen thui như những người da đen đen nhất, ở cả bên ngoài lẫn bên trong. Đâu
đâu cũng toàn là bồ hóng! Bồ hóng tràn ngập mắt, mũi, miệng, tai. Đôi khi gạch
trong lò sưởi vẫn còn nóng rực, và đôi tay của chúng bị bỏng giộp hoàn toàn.
Đôi khi tất cả bọn chúng bị ngạt thở trong những khúc ống khói nhỏ hẹp. Đôi
khi, chúng suýt kẹt cứng ở đó để bị sấy khô như những xác ướp trong bóng tối.
Và cũng đôi khi, ở giữa màn khói mù mịt, một cái chân có thể bị trượt, và chúng
rơi tòm xuống như những quả táo rời khỏi thân cây hay như những hạt mưa đá rơi
khỏi một đám mây tháng Tư.
Sau
khi vét sạch mọi tiền bạc bọn trẻ đem về gói trong những tấm vải dầu rồi bỏ vào
những cái túi bằng da, Jeremy Nollykins [lúc này đã cao tuổi] cho chúng thưởng
thức những bữa ăn toàn là cháo loãng. Cả những bữa điểm tâm cũng chỉ cháo loãng
thế thôi. Vào các bữa tối ngày thứ Ba và thứ Năm, lão cho chúng những tấm bánh
pút-đinh mỡ thận với những tảng mỡ thận bên trong giống như những hạt hổ phách
xanh nhợt; cho chúng cái thứ mà lão gọi là món xúp vào ngày thứ Hai, thứ Tư và
thứ Sáu; và một ít thịt mèo (mua giá rẻ từ người anh họ thứ hai của lão) vào
ngày Chủ nhật. Nhưng bạn không thể trèo ống khói mà không có thịt. Thứ Bảy
chúng được thưởng thức món đậu hầm và thịt hầm nóng sốt, vì ngài thị trưởng có
thể ghé qua vào hôm đó.
Bạn
khó mà tin nổi chuyện này, nhưng bất chấp điều kiện sinh hoạt khốn khổ thiếu
thốn đó, bất chấp những vết bỏng, vết bầm tím trên người và bồ hóng trong đôi
mắt, trong buồng phổi và trong mái tóc xác xơ của chúng, ba cậu bé này, Tom,
Dick và Harry, đã xoay xở để tự vực dậy tinh thần. Thậm chí chúng còn chà xát
cho đôi má chúng hồng lên sau khi bồ hóng của một tuần làm việc đã được rửa
sạch bên dưới vòi nước vào tối thứ Bảy.
Chúng
cũng giống như Tom Drace trong bài thơ sau:
Thằng nhóc Tom khóc om xòm
Khi người ta cạo sạch trơn mái đầu
Mà hàng ngày nó tự hào:
Loăn xoăn như cuộn len nâu lưng cừu.
Thương nó, tôi bảo: “Đừng lo
Khi đầu cháu trọc như là bình vôi!
Bởi vì bồ hóng đen thui
Sẽ không làm hỏng sắc tươi tóc mềm!”
Thế là nó nín khóc liền,
Và đêm, gặp những bạn hiền trong mơ:
Hàng ngàn những đứa trẻ thơ
Dick, Joe, Jack, Ned… bấy giờ ngủ say
Bên trong những cỗ quan tài
Đen thui như mực, ôi Trời, quá đen…
Chúng
luôn luôn gọi những phụ nữ lớn tuổi là “mẹ” và các chị hầu gái là “cô”, và luôn
tỏ ra đàng hoàng đúng mực, ngay cả khi một bà già cáu kỉnh nào đó bảo chúng là
đồ tai quái, nghịch ngợm. Và đôi khi, một bà vợ tốt tặng cho chúng một lát bánh
pút-đinh, một ca sữa, một củ khoai nướng, một túi đầy bánh dẹt hoặc một lát
bánh mì trắng (sẽ không còn trắng trong chốc lát). Thỉnh thoảng, thậm chí chúng
còn được thưởng thức một ngụm rượu vang làm từ quả cơm cháy. Nói cho cùng, ngay
cả những con chim sẻ đói gần chết cũng thỉnh thoảng tìm được dăm ba món ăn lặt
vặt, và người đói không phải là không biết thưởng thức các món ngon.
Khi
nào có thể trốn đi chơi chút đỉnh, chúng thường chuồn ra ngoài sông để chèo
thuyền, săn lùng tổ chim trong những khu rừng, hay trèo lên một cái mỏ đá cũ
cách thị trấn không xa lắm. Quanh đấy đều là những miền quê có rừng cây xinh
đẹp đáng yêu, gần thị trấn cổ Cheriton.
Dù
chúng có trốn việc đi chơi hay không, Jeremy Nollykins Đệ Tứ – Già Noll, như những
người hàng xóm gọi lão – thường đánh đập chúng suốt, bất kể sáng, trưa, chiều,
tối. Lão tin vào roi vọt. Lão chẳng chừa ai cả, dù đó là người hay thú. Tom,
Dick và Harry ghét Già Noll, và đó là điều khá tệ hại. Nhưng, mặt khác, chúng
cũng rất linh hoạt, vui vẻ và hạnh phúc khi không bị đánh đòn. Chúng cũng luôn
quá đói, thậm chí cả khi vừa ăn xong món cháo loãng, nên không thể suy tư ngẫm
nghĩ xem chúng ghét lão đến mức nào.
Thật
ra, với những cặp mắt long lanh sáng, những cặp má tròn trĩnh và những hàm răng
trắng bóng, chúng là một bộ ba vui vẻ, dù ngực chúng gầy giơ xương và đôi bàn
tay của chúng đầy vết bỏng. Ngay khi hàm răng chúng vừa thôi gõ vào nhau lộp
cộp vì cơn lạnh, thân thể chúng vừa thôi đau đớn vì món nước chấm bằng roi vọt
của Già Noll, và khi mắt chúng đã trôi sạch hoen bồ hóng, chúng bắt đầu cười
to, chuyện trò, huýt sáo, như những con cào cào tháng Sáu hay những con chim
sáo tháng Chín. Và dù thỉnh thoảng chúng cũng cãi vã, đánh nhau, cả cào cấu hay
cắn nữa, vì chưa bao giờ chúng được dạy cách đánh nhau một cách cao thượng,
chúng là những người bạn rất tốt của nhau. Thỉnh thoảng chúng cũng lén trèo lên
những cây táo của các ông chủ trại để nếm trộm vài quả táo xanh. Thỉnh thoảng
chúng cũng chọc phá những bà cụ già. Nhưng có gì mà những chú thợ quét ống khói
bé nhỏ ấy lại không làm?
Chúng
là ba đứa trẻ lê la đầu đường xó chợ, hoang dã như những con ngựa non, nhanh
nhẹn như bao đứa trẻ khác, dù đen đúa hơn nhiều. Và dù có cố gắng cỡ nào, già
Noll chưa bao giờ đưa được chúng vào khuôn phép. Chưa bao giờ. Vào ban đêm,
chúng nằm ngủ yên lặng như những em bé nằm trong nôi – cả ba đứa nằm thành một
dãy trên một tấm nệm rơm to rộng, trong một căn gác áp mái, mỗi đứa ôm một cái
gối rơm và đắp một tấm bao tải thay cho chăn.
Lúc
bấy giờ Già Noll, do cả bản tính lẫn sự thực hành thói quen lâu ngày, là một
ông già keo kiệt, bủn xỉn và thô lỗ. Lão không ưa nhìn thấy một ai vui vẻ, sung
sướng hay thậm chí tròn trịa đôi chút. Có lúc lão chỉ muốn lột tươi lớp da của
ba cậu bé học việc. Nhưng rồi lão lại muốn bòn rút công sức của chúng càng
nhiều càng tốt. Vì vậy lão buộc phải cho chúng ăn nhiều hơn một chút. Lão phải
giữ gìn mạng sống của chúng, kẻo không ngài thị trưởng sẽ hỏi lý do. Tuy nhiên,
việc không thể nào làm chúng suy sụp tinh thần khiến cho lão vô cùng cay cú. Dù
bị đánh đập cỡ nào, chúng vẫn tiếp tục mỉm cười. Lão điên tiết khi biết rõ từ
tận đáy tim (hoặc bất kỳ cái gì chiếm vị trí của nó) rằng chúng ghét cay ghét
đắng mình – khi chúng không có việc gì tốt hơn để làm, hoặc khi sắp nhận một trận
đòn đau. Thế nhưng chúng chưa bao giờ đối xử tệ với lão.
Hàng
ngày, khi chúng đang xì xụp ăn món cháo loãng, lão nhìn chúng hau háu như gã
khổng lồ Despair nhìn Faithful và Christian[2] trong căn
ngục. Thỉnh thoảng, vào ban đêm, lão thường bò lên căn gác trống trải lộng gió
của chúng. Ánh sao hoặc ánh trăng soi cho lão thấy ba đứa bé đang nằm đó, ngủ
ngon lành trên những tấm nệm rơm, tấm bao tải bị hất sang bên, và trên mặt
chúng hiện lên một nụ cười mỉm xa xôi mơ hồ như thể những giấc mơ của chúng
cũng an bình như những con thiên nga ở những hòn đảo của Chúa Trời. Điều đó làm
lão nổi giận. Mấy thằng nhóc bé nhỏ xấu xa này có thể mơ thấy cái gì? Cái gì
khiến cho bọn da đen bé nhỏ xấu xa này nhếch mép cười ngay cả trong khi đang
ngủ? Bạn có thể đánh một đứa bé đang thức, nhưng bạn không thể đánh một kẻ nằm
mơ; ít nhất là trong lúc nó đang mơ. Thế nên già Noll cảm thấy bất lực. Lão chỉ
có thể nghiến răng khi nhìn thấy chúng. Thật khốn khổ cho Già Noll.
Lão
còn nghiến răng nhiều hơn khi nghe thấy tiếng nhạc trong đêm lần đầu tiên. Lẽ
ra lão không bao giờ có thể nghe thấy nó nếu như cơn đói không làm cho lão trằn
trọc khó ngủ. Nhiều lắm, mỗi đêm lão chỉ chợp mắt được vài giờ, ngay cả trong
mùa đông. Và nếu có bao giờ Tom, Dick hay Harry có dịp nhìn thấy lão khi lão
đang nằm trên giường, chúng sẽ chẳng nhìn thấy nụ cười nào trên gương mặt già
hóp đó, với cái mũi dài, cái cằm dài và mái tóc xác xơ – mà chỉ là một loại bóng
tối dễ sợ. Thậm chí ắt hẳn chúng có thể cảm thấy thương hại cho lão nữa – cái
con người đang nằm duỗi dài ở đó, với cơn ác mộng làm những đường nét khắc
nghiệt trên mặt méo mó đi, nhăn nhó, và những ngón tay xương xẩu cứ co giật
liên hồi.
Bởi lẽ
Già Noll không thể ngủ vào ban đêm, đôi khi lão rời khỏi ngôi nhà im lặng để đi
dạo trên đường phố. Và trong lúc đang thả bước, lão thường nhìn lên cửa sổ các
nhà hàng xóm đang đen kịt lại dưới bầu trời đêm, rồi lão nguyền rủa họ vì họ
được thoải mái ấm cúng hơn lão. Như thể thay vì tủy, trong xương lão chỉ có
toàn ác ý và chẳng có chút mỡ nào trên đó.
Một
đêm nọ, lần đầu tiên trong đời lão, ngoại trừ lần bị gãy chân hồi mười tám
tuổi, Già Noll không ngủ được chút xíu nào. Đó là một đêm thanh vắng, không có
gió, một mảnh trăng êm đềm tỏa sáng ở hướng tây và những vì sao lấp lánh. Bầu
không gian ở Cheriton luôn có một mùi thơm dịu tỏa ra từ những đồng cỏ ven thị
trấn. Và vào giờ đó, mọi thứ yên lặng đến nỗi bạn gần như có thể nghe thấy
tiếng sóng rì rầm của con sông chảy giữa những rặng liễu phía xa xa.
Bấy
giờ, khi Già Noll đang ngồi một mình như một cái bóng cằn cỗi ở cột đánh dấu
dặm đầu tiên đi vào thị trấn – và lão keo kiệt đến mức thậm chí không dám hút
một hơi ống píp – một làn gió nhẹ xuất hiện lướt dọc theo con phố. Và rồi, cùng
với làn gió là một tiếng nhạc mơ hồ – một tiếng nhạc mà thoạt tiên có vẻ như
không phải là tiếng nhạc chút nào. Dù sao đi nữa, nó vẫn tiếp tục, rồi cuối
cùng lan chảy và run rẩy trong bầu không khí đến nỗi ngay cả Già Noll,
một người khá nặng tai, cũng nghe thấy nó và nhận ra giai điệu nhạc. Nó trôi
dần tới gần hơn, cái giai điệu nhạc đó – tiếng đàn dây, tiếng sáo, tiếng tù và,
và tiếng kèn hơi – ngày càng trở nên vui nhộn hơn trong bầu không khí êm dịu
tháng Mười:
Ơi này các bé gái trai
Ánh trăng sáng quá, ra ngoài chơi thôi!
Bữa ăn ngon, giấc ngủ vùi
Đáng chi mà tiếc ra ngoài chơi đi!...
“Ơi
này các bé gái trai, Ánh trăng sáng quá, ra ngoài chơi thôi!” Điệu nhạc cứ tiếp nối, khi xa khi
gần, khi vỡ òa đột ngột như từ bầu trời vọng xuống. Ánh trăng đêm ấy không sáng
lắm, vì chỉ mới vào thượng tuần. Vầng trăng giống như một mảnh đồng xu lấp lánh
nằm thấp bên dưới những vì sao. Hoặc như rìa của một cái chậu vàng nằm nghiêng.
Nhưng dù ánh trăng chỉ sáng lờ mờ hay không có ánh trăng đi chăng nữa, những
bóng người – lúc ấy đang hối hả đi, chạy, nhảy lò cò hay khiêu vũ trên con phố –
đã nghe thấy lời kêu gọi và tuân theo nó. Từ các ngỏ hẻm, con phố, mảnh sân,
cổng, cửa nhà, lũ trẻ ở Cheriton ùa ra như những dòng suối mùa xuân. Chúng đua
nhau chạy nhảy múa may theo nhịp điệu của khúc nhạc. Già Noll thở hổn hển vì
kinh ngạc trong khi quan sát chúng. Thật là một câu chuyện đáng sợ nếu kể lại
với người khác – và tất cả những cư dân đáng kính ở Cheriton thì vẫn đang ngủ
ngon trên giường của họ! Không thể tưởng nổi những đứa trẻ ngây thơ như thế lại
là những đứa lừa dối xấu xa! Không thể tưởng nổi những thằng nhóc phàm ăn và
bẩn thỉu chuyên chạy việc vặt cho các cửa tiệm này kia lại có thể trông sạch
sẽ, lanh lợi, vui sướng và tự do như thế. Lão rùng mình, một phần do tuổi tác
và bầu không khí ban đêm, một phần do điên tiết.
Nhưng
dù những đứa trẻ đang nhảy nhót trong đêm này trông có vẻ rất thật, ở chúng vẫn
có ba điều kỳ quặc. Thứ nhất, không có một âm thanh cực kỳ mơ hồ nào của việc
mở hay đóng cửa ra vào, hay tiếng ken két của những khung cửa sổ bị mở tung.
Thứ hai, thậm chí không có cả một tiếng bước chân khẽ nhất, dù có ít nhất phân
nửa số trẻ con ở Cheriton lúc này đang nhảy nhót trên con phố như những chiếc
lá mùa thu trong cơn gió, và tất cả đều hướng mặt về hướng đông nơi có cánh
đồng cỏ phì nhiêu. Và cuối cùng, dù Già Noll có thể nhìn thấy từng đôi mắt trên
mặt chúng trong ánh sáng lờ mờ của những vì sao và vầng trăng khuyết, chẳng hề
có một đứa nào trong cái đám trẻ điên khùng đó quay đầu lại nhìn lão, hay tỏ ra
một dấu hiệu nhỏ nhất nào rằng nó biết lão đang ở đó. Những hình nộm bằng gỗ
hay sáp trên một cái đồng hồ treo tường cũng không thể phớt lờ lão hoàn hảo hơn
thế được.
Sau
khi cảm thấy kinh ngạc, nhủn người ra, thậm chí hơi sợ hãi vào lúc đầu, bây giờ
Già Noll bắt đầu nổi giận. Mấy cái răng già thưa thớt của lão nghiến vào nhau
một cách mạnh mẽ như chiếc cối xay của Jeremy Đệ Nhất khi ông ấy còn giàu có và
thịnh vượng. Cơn giận dữ của lão càng bùng lên khi, lạ lùng chưa, ngay vừa lúc
lão quay đầu lại, nhảy vọt ra từ cánh cổng hẹp với ba bậc thềm gỗ tròn có xẻ
rãnh của nhà lão là ba đứa nhóc học việc gần chết đói của chính lão, Tom, Dick
và Harry. Lúc này trông chúng như những thằng bé chín tuổi béo tròn và xinh
xắn; như thể chúng được nuôi nấng toàn bằng thịt mỡ; như thể trong đời chúng
chưa hề được nếm món súp roi vọt nhiều như thế chúng bao giờ. Mồm chúng há ra
rồi khép lại, như thể đang hú gọi nhau và hú gọi các bạn bè khác trên phố, dù
không có âm thanh nào phát ra từ chúng. Chúng búng ngón tay trong không khí.
Chúng nhún nhảy hướng về phía tiếng nhạc trên đôi chân trần, như thể những cái
cùi chỏ bầm tím, những cái cằm bị cháy sém, những bắp thịt bị chuột rút và
những đôi guốc quai sắt chưa từng một lần làm phiền đến linh hồn trẻ thơ của
chúng. Thế nhưng lão già lãng tai không hề nghe thấy một âm thanh, một tiếng
thì thầm hay một tiếng chân nào – không có gì khác ngoài giai điệu nhạc ngọt
ngào khiến cho lão chói tai và điên tiết đó.
Trong
vòng vài phút, đường phố đã trở nên trống vắng, một đám mây mỏng đã lướt qua
vầng trăng, và chỉ còn một đứa bé đi tụt lại phía sau trong tầm mắt, một đứa
cháu nội của ông thị trưởng. Nó là đứa đi chót chỉ vì nó bé nhất và chẳng có ai
chú ý tới nó. Già Noll nhìn theo cho tới khi thằng bé đi khuất tầm mắt với đôi
mắt như hai hòn bi bên dưới cặp lông mày gồ lên của lão, rồi tập tễnh quay trở
về nhà. Sau khi đứng một lát ở trụ cửa gần nhất để vò bộ râu và suy nghĩ xem
nên làm gì kế tiếp, lão trèo lên cái thang gác ba tầng bằng gỗ sồi, tới căn
phòng cao nhất nằm áp sát mái nhà. Cuối cùng, lão thận trọng nhấc cái chốt cửa
phòng rồi nhìn vào nơi mà lão cho rằng phải là một cái giường trống rỗng. Trống
rỗng à? Không trống rỗng chút nào hết! Dưới ánh sao mờ nhạt rọi xuống từ cánh
cửa sổ mái nhà phủ bụi, lão có thể nhìn thấy rõ ràng thân hình bất động của ba
đứa bé học việc đang nằm đó. Chúng nhẹ nhàng thở trong giấc ngủ say sưa
nhất. Lão mang vào phòng một cây nến mỡ trên một cái giá nến bằng thiếc
để có thể kiểm tra chúng gần hơn.
Trong
ánh nến mờ mịt khói, lão quan sát nét mặt của ba đứa bé đang ngủ. Chúng không
biểu lộ dấu hiệu nào khi lão già keo kiệt đang cúi xuống sát chúng như một
người đánh bẫy chim trên tấm lưới của hắn ta. Thậm chí trên mí mắt chúng
vẫn còn những đốm bồ hóng và lớp bụi bồ hóng vẫn đóng dày trên mái tóc cắt ngắn
màu vàng hoe như lông cừu của chúng. Chúng đang mỉm cười xa vắng như thể đang
ngồi trong một khu vườn kỳ diệu nào đó trong mơ để nhấm nháp những quả dâu tây
và món kem sữa; như thể tấm linh hồn trong người chúng đang hạnh phúc không thể
tả dù thân thể chúng đang say sưa trong giấc ngủ như những con ong mật mùa
đông.
Già
Noll lần từng bước xuống thang, thổi tắt ngọn nến rồi ngồi lên giường ngẫm
nghĩ. Lão là một ông già ti tiện độc ác, không có chút tính phóng khoáng và sự
thông minh nào cũng như một đồng xu ngâm nước khác rất xa với vầng trăng đêm
rằm. Những ngón tay của lão ngứa ngáy muốn quật cho ba đứa bé quét ống khói
đang ngủ một trận nên thân, chỉ để “dạy cho chúng một bài học”. Lão không ưa
khi nghĩ tới nụ cười hạnh phúc lặng lẽ hiện lên trên nét mặt chúng trong lúc
hồn vía chúng đang rong chơi nô đùa đâu đó bên ngoài, trong những đồng cỏ xanh
rì ở ngoại ô thị trấn. Làm sao lão biết được đôi mắt tù mù của lão có đánh lừa
lão hay không? Giả sử sáng ra lão tới nhà ông thị trưởng và kể cho ông ta nghe
câu chuyện nửa đêm của lão, ai mà tin cho nổi? Mọi người, từ nghèo khó đến sang
giàu đều ghét lão, và rất có khả năng họ sẽ tống lão vào nhà giam như là một gã
điên, hoặc nói xấu lão vì cho rằng lão là một tên phù thủy. “Không, không,
không!” lão tự lẩm bẩm với chính mình. “Chúng ta phải theo dõi và chờ đợi, anh
bạn Jeremy ạ, để xem chúng ta sẽ thấy điều gì.”
Sáng
hôm sau, trước lúc bình minh khoảng một giờ, Tom, Dick và Harrry thức dậy một
cách hoạt bát như thường lệ. Bạn có thể cho rằng với đôi mắt long lanh và đôi
má ửng hồng như táo chín của chúng, chúng vừa trở về nhà sau một kỳ nghỉ dài
ngày ở những đồng cỏ hạnh phúc ở thiên đường. Chúng nháo nhào bắt tay vào công
việc – vui vẻ như những chú ếch con – với những cái chổi, những cái túi, vẫn
còn nhai nhóp nhép món bánh yến mạch đầy sạn, trong đó một phần là lúa mạch và
ba phần là cám.
Già
Noll quá tập trung vào việc quan sát từ góc ống khói để xem lão có thể tìm thấy
gì trên nét mặt chúng vào bữa điểm tâm và cố nghe lỏm những lời chúng thì thào
với nhau đến nỗi lão quên tặng cho chúng liều roi vọt thường lệ vào mỗi buổi
sáng. Nhưng chẳng có lời nào nói về điệu nhạc, cuộc nhảy múa hay những trò
chơi đùa vui vẻ ở ngoài đồng cỏ. Chúng chỉ trao đổi với nhau những câu
chuyện lắp bắp vớ vẩn thông thường của chúng – ngoại trừ lúc chúng thấy rằng
lão già đang quan sát chúng. Và lão nhanh chóng tin chắc rằng dù ba hồn bảy vía
trong mơ của chúng có những cuộc phiêu lưu nào đó trong đêm, những cuộc phiêu
lưu này cũng không để lại một ấn tượng nào trong đầu óc tỉnh thức của
chúng.
Già
Noll khốn khổ! Tiếng vọng của điệu nhạc đó và cảnh tượng mà lão từng nhìn thấy
khiến lão thao thức suốt nhiều đêm sau đó. Thân thể lão teo tóp lại vì tuổi tác
và vì những thói quen ti tiện, trở thành một cái túi đựng xương di động. Thế
nhưng việc quan sát của lão chỉ tốn công vô ích. Lão trở nên mệt mỏi và thèm
được ngủ đến nỗi cuối cùng khi vầng trăng của người thợ săn tỏa ra ánh sáng
chói lọi hoàn hảo nhất của nó trên những mái nhà của thị trấn Cheriton, lão lại
ngồi ngủ gật trong chiếc ghế. Lão bị đánh thức vài giờ sau đó bởi một quầng
sáng mờ mờ trong phòng, chắc chắn đó không phải là ánh trăng, vì nó đến từ hành
lang cầu thang tối mịt. Lão tỉnh táo lại ngay lập tức, nhưng đã quá muộn. Bởi
lẽ, ngay đúng lúc lão nhìn qua khe cửa ra vào, ba đứa bé học việc của lão đã
nhẹ nhàng lướt nhanh qua – như những bóng ma, những linh hồn hay những hình
dáng trong mơ của chúng – rồi vui sướng chạy vụt ra xa. Chúng lướt qua lão êm
hơn cả một cơn gió nhẹ lướt qua một cây liễu và biến mất khỏi tầm mắt bên dưới
chân cầu thang trước khi lão có thể cục cựa thân mình.
Sáng
ngày thứ hai sau hôm đó, khi Tom, Dick và Harry thức giấc trên tấm nệm rơm của
chúng, một mùi thơm tuyệt diệu đang lan tỏa trong bầu không khí. Chúng hít ngửi
mùi thơm đó một cách thèm thuồng khi nhìn nhau trong làn ánh sáng rạng dần của
buổi bình minh. Và dĩ nhiên, ngay khi chúng xuống ăn bữa điểm tâm với những
chiếc áo khoác rách rưới trên người, bà cụ già thường đến vào mỗi sáng để giúp
việc lặt vặt cho Già Noll khệ nệ đi tới bàn ăn trong bếp với một cái chảo rán
đầy thịt lợn xông khói đang kêu xèo xèo trong lớp mỡ.
“Nào,
các cậu bé của ta,” Già Noll nói, chà xát hai bàn tay vào nhau với một nụ cười
xu nịnh, “có một lát mỡ lợn xông khói dành cho tụi bay đây, hãy xóc nĩa vào cái
chảo để đẩy lùi cái lạnh ra ngoài, sau một đêm dài chạy nhảy dưới ánh trăng.”
Lão
nháy mắt với chúng và đưa một ngón tay lên mũi. Nhưng cả ba đứa bé, đang ngồi
trên những chiếc ghế đẩu bằng gỗ ở mé kia chiếc bàn, chỉ ngưng lại một giây
trong lúc đang chùi đĩa của chúng bằng một mẩu ruột bánh mì để nhìn chòng chọc
vào lão với một vẻ kinh ngạc ngây thơ đến nỗi lão hoàn toàn chắc chắn rằng
chúng chẳng hiểu lão muốn nói tới chuyện gì.
“Aha,”
lão nói, “tụi bay có bao giờ nằm mơ không, bọn nhóc, khi chui rúc trên cái
giường dưới mái nhà của tụi bay một cách ấm cúng? Tụi bay có bao giờ nằm mơ
không? – có bao giờ nghe thấy tiếng gọi của một điệu nhạc, hay có thể nằm mơ
thấy cái thứ mà người ta gọi là một cơn ác mộng? Ôi dào, khi tao còn trẻ chưa
bao giờ có một đêm nào mà tao lại chẳng nằm mơ.”
“Nằm
mơ!” Bọn trẻ nói, và há to miệng nhìn nhau. “Ồ, nếu ông hỏi tôi, ông chủ ạ,”
Tom nói, “đêm qua tôi nằm mơ thấy trời sáng rực ánh trăng, còn tôi ngồi ăn tối
với ông địa chủ.”
“Còn
tôi,” Dick nói, “tôi mơ thấy tôi nhảy múa dưới những gốc cây, còn những bụi cây
thì nở đầy hoa. Và tôi có thể nghe thấy tiếng người ta chơi đàn hạc và thổi
sáo.”
“Còn
tôi,” Harry nói, “tôi mơ thấy tôi ngồi bên bờ sông, và một phu nhân bước ra
khỏi một bụi cây xanh gần dòng nước và nắm lấy tay tôi. Ông chủ ạ, tôi đoán
người đó ắt hẳn là mẹ yêu của tôi, dù tôi chưa bao giờ nhìn thấy bà từ lúc bắt
đầu hiểu biết.”
Nghe
thấy thế, một nụ cười nở ra trên mặt Già Noll như mỡ loang trong một cái dĩa,
vì cơn giận trong tâm trí lão đã chìm xuống dưới. Và lão đứng lên, bên cạnh
ngọn lửa nhỏ mong manh trong cái lò sưởi rộng lớn. “Ông địa chủ!” “Đàn hạc!”
“Mẹ yêu!” Lão nói to, “lũ quỹ con trơ tráo, vô ơn, tham lam tụi bay. Cút xéo
đi, không tụi bay sẽ được cho ăn gậy và ngủ một giấc mãi mãi.”
Hầu
như trước khi chúng có đủ thời gian để vớ lấy túi và chổi, lão đã đuổi chúng ra
khỏi nhà. Vì thế, chúng phải đứng nép sát người hết mức vào những bức tường
trong một con hẻm nhỏ cạnh khu vườn như những con quạ ướt sũng để tránh cơn mưa
đang trút xuống. Chúng trò chuyện với nhau, chờ đợi ông lão đang giận dữ bước
ra và cử chúng đi làm công việc của ngày hôm đó.
Dĩa mỡ
lợn xông khói của Già Noll không uổng phí chút nào. Giờ đây lão đã biết rằng lũ
nhóc vô dụng đó chỉ mơ thấy những chuyến phiêu lưu về đêm của chúng, và chẳng
hề biết chút gì về việc chính bản thân chúng trong những hình dáng trong mơ đã
thật sự ra khỏi nhà trong đêm để đi tới nơi hẹn hò của tất cả bọn trẻ ở
Cheriton để nhảy múa, hội hè tìm vui. Nhưng lão vẫn tiếp tục theo dõi, và thỉnh
thoảng lại lẻn nhìn vào ba đứa bé đang nằm ngủ với nhau trên tấm ván trên căn
gác áp mái, với hy vọng sẽ bắt quả tang chúng đã trốn ra khỏi nhà. Nhưng dù có
đôi lúc lão lại nhận ra cái nụ cười nhẹ mơ hồ trên mặt chúng, và ánh sao soi
sáng những vệt nước mắt trăng trắng trên những đôi má nhuộm đen bồ hóng, nhiều
tuần liền lão vẫn không nghe thấy lại điệu nhạc lạ lùng hay một tiếng thì thầm
mơ hồ nhất của những hình dáng trong mơ của chúng lướt qua những bậc thang gác
gỗ.
Tuy
nhiên, càng nghĩ tới những gì từng trông thấy, lão càng ghét ba thằng nhóc tì
đó, và càng ghét cay ghét đắng cái cung cách vui vẻ của chúng. Có một điều mà
lão không thể quyết định trong đầu được là lần tới, nếu lão bắt quả tang trò
lừa lọc ban đêm của chúng, lão có nên quật gậy vào thân hình đang say ngủ của
chúng không, hay là nên đợi cho tới khi những hồn vía trong mơ của chúng đã đi
khỏi an toàn rồi sẽ cố ngăn không cho những hồn vía đó quay trở lại. Khi đó,
chúng sẽ thật sự phụ thuộc vào lòng thương xót của lão.
Lúc
bấy giờ ở Cheriton có một bà cụ rất già nổi tiếng về ma thuật phù thủy. Bà ta
sống trong một mái che bằng đá ở đầu kia của một con hẻm quanh co nằm ngay bên
cạnh những bức tường của già Noll. Và già Noll, gần như đã trở thành một cái
bóng, một buổi chiều tối nọ đã tới gõ cửa nhà bà ta. Bà ta có thể già bằng bà
nội của lão khi bà ngồi ở đó, co rúm người trong góc nhà bên cạnh cái nồi sắt
to lớn đang sôi sùng sục trên bếp lửa. Lão lầm bầm kể lại câu chuyện về ba đứa
nhóc láo xược, vô thần của mình, rồi ngồi mặc cả về số tiền mà lão phải trả cho
bà ta để nhận được lời tư vấn. Ngay cả khi đó lão vẫn hy vọng bịp được bà ta.
Cuối cùng, lão đặt đồng crown của mình vào bàn tay teo quắt của bà ta.
Việc
đánh thức một người đang ngủ, bà ta bảo lão, trước khi hồn vía trong mơ của nó
có thể quay về trong cái khung xác thân phàm tục, chẳng khác nào việc đem đến
cho nó một cái chết bất ngờ. Nhưng giữ cho cái vía trong mơ ở bên ngoài mà
không đánh thức thân thể đang ngủ của nó, khi đó nó có thể là nô lệ cho anh mãi
mãi, và chẳng bao giờ lớn lên thêm. Và cái có thể giữ một hồn vía trong mơ của
một người – hay của một con thú - ở bên ngoài là một cái nơ sắt hình số 8 lộn
ngược, hay một cái móng ngựa han rỉ lật úp xuống, hay một cái vòng hoa làm bằng
nhánh cây cơm cháy và cây tần bì xoắn lại và được treo lên trên một cây đinh
sắt đóng bên trên ổ khóa – và phải đóng mọi cửa sổ lại. Tường gạch, đá và gỗ
chẳng có nghĩa lý gì với những linh hồn lang thang đó. Nhưng chúng không thể
chịu được sắt. Và điều bà ta nói có nửa phần đúng và nửa phần sai; nó có nửa
phần sai là vì lão già ngu xuẩn không chịu trả cho bà ta đúng giá tiền.
Lão
biết rõ, cả bà ta cũng thế, rằng chỉ có một cái then gỗ trên cửa nhà của lão,
vì lão hà tiện đến mức không bao giờ nghĩ tới việc mua một cái ổ khóa bằng sắt
để lắp vào đó. Lão không sợ lũ trộm, vì lão giấu tiền của mình kín đáo đến nỗi
không có tên trộm nào trên đời có thể tìm ra nó, dù cho hắn ta có tìm suốt cả
một tuần. Vì thế lão hỏi lại bà cụ, để chắc chắn gấp đôi, rằng một con người tự
nhiên có thể sống và làm việc bao lâu nếu hồn vía trong mơ của anh ta không bao
giờ quay lại. “Sao chứ,” bà cụ chép môi, ngẩng gương mặt già nua khô đét liếc
nhìn lão, “điều đó tùy thuộc vào chúng trẻ như thế nào, dòng máu gì và trái tim
gì. Hãy tiến hành khi chúng còn trẻ dại, và chúng sẽ sống mãi.” Từ lâu, bà ta
đã nhìn thấy lão đang theo đuổi điều gì, và chẳng hề ưa gì lão hơn là ba đứa
nhóc quét ống khói ồn ào của lão.
Rất
miễn cưỡng, lão thả một đồng tiền khác vào lòng bàn tay xương xẩu của bà ta rồi
quay trở về nhà, không biết rằng để trả thù sự keo kiệt của lão, bà cụ già đó
chỉ nói cho lão nghe phân nửa câu chuyện. Tối hôm ấy ba đứa bé học việc của lão
được hưởng cái thú nô đùa hiếm hoi với trò chơi “trốn tìm” trong ngôi nhà cũ
nhiều phòng và nhiều hang chuột của lão, vì chủ của chúng vắng nhà. Lúc nghe
thấy tiếng bước chân lệt bệt của lão, chúng chạy vụt trở về giường, và làm ra
vẻ đang nằm ngủ trước khi lão có thể nhìn thấy chúng.
Lão đã
xách về một bó cành cây cơm cháy và tần bì, một cây đinh giá mười xu, một chiếc
chìa khóa lớn và một cái móng ngựa rạn nứt. Và, lạ lùng thay, chiếc chìa khóa
mà lão đã mua từ một nhà buôn hàng đồng nát trước kia từng là chìa khóa cái cối
xay lúa của ông già Jeremy Đệ Nhất giàu có ở Stratford-on-Avon! Lão ngẫm nghĩ
suốt gần phân nửa đêm hôm đó về điều mà bà cụ đã nói, và “chắc chắn”, lão tự
nhủ, “máu chúng khá là tươi, cái roi cũ của ta đã ngăn chúng khỏi điều ác, và
còn gì tốt cho một thân thể tươi trẻ thanh xuân hơn là một ngày dài lao động và
không có chi nhiều để ăn, và một nơi thoáng khí để ngủ ban đêm? Lão già độc ác
thật sự cho rằng nếu bằng trò ma thuật này lão có thể ngăn hồn vía trong mơ của
lũ nhóc khỏi thân thể chúng mãi mãi, ba đứa nhỏ học việc trẻ trung của lão sẽ
không bao giờ già, không bao giờ đau yếu, mà có lẽ sẽ sống mạnh khoẻ, nhanh nhẹn
đến một thế kỷ.
Chà,
lão sẽ sử dụng chúng chừng nào còn cần tới chúng, và bán chúng đi trước khi lão
chết. Lão sẽ dạy cho chúng biết thế nào là trốn đi chơi trong đêm khi những
người dân chân chính đang nằm ngáy trên giường họ. Lần đầu tiên trong suốt nhiều
tuần, bữa ăn hà tiện của lão, gồm một mẩu vỏ bánh, một cái xương đùi lợn và một
ca nước, có mùi vị ngon lành như những sơn hào hải vị của nhà Trời.
Ngày
hôm sau đó cũng chính là ngày kỷ niệm Thánh Nicholas. Và thời điểm đó đang là
mùa đông của nước Anh già nua. Một lớp tuyết mỏng đã rải khắp mặt đất như những
tảng bột sago, và những dòng sông, ao hồ đã đóng băng cứng như sắt. Hay hơn nữa
là đêm đó trăng đang độ vào rằm, và những vũng nước nhỏ trên Đại lộ Cheriton
sáng lên lấp lánh như đồ pha lê Trung Quốc trong những tia sáng đổ xuống chúng
từ giữa những mái hiên của các ngôi nhà.
Suốt
năm giờ ban tối dài dằng dặc, sau bữa ăn lúc bảy giờ, già Noll cố tìm cách để
không bị ngủ quên. Thế rồi, sau nửa đêm một chút, sau khi đã chắc chắn rằng ba
đứa bé học việc của lão đang ngủ say trên giường, lão dò dẫm xuống thang, khẽ
nhấc cái then cửa lên và nhìn ra. Không bao giờ từng có một quang cảnh sáng
trưng rực rỡ như thế trước đó. Tuyết trên những mái nhà, những đầu hồi và những
phần công trình bằng đá có chạm trổ của những ngôi nhà trắng lóng lánh và mịn
như thứ bột xay tốt nhất của những ông chủ cối xay. Không có một bóng người
nào, hay thậm chí một con mèo, hiện ra trên suốt quãng đường dài thiếu ánh đèn.
Và những vì sao trên bầu trời xanh xám lấp lánh như những giọt sương trên một
cây táo gai.
Tất
nhiên, ngay đúng lúc tiếng chuông nửa đêm cuối cùng phát ra từ tháp chuông nhà
thờ Thánh Andrew, giai điệu nhạc cổ xưa quyến rũ lại mơ hồ vẳng đến từ phía xa
xa. Lạy Chúa, giá mà trong những huyết mạch của Già Noll còn sót lại dù chỉ một
giọt máu duy nhất của tuổi thanh xuân, lão sẽ không thể cưỡng lại việc nhún
nhảy thân hình chỉ còn như bộ xương của lão xuống những bậc thềm, đi vào con
phố thênh thang khi nghe thấy âm thanh của nó:
Ơi này các bé gái trai
Ánh trăng sáng quá, ra ngoài chơi thôi!
Bữa ăn ngon, giấc ngủ vùi
Đáng chi mà tiếc ra ngoài chơi đi!...
Nhưng,
thay vì thế, lão vội vã lê chân vào trong nhà trở lại như một con chuột; nép
mình vào bên dưới lồng cầu thang và chờ đợi, vẫn để mở hé cánh cửa ra vào.
Ô, cái
gì thế kia? Những quầng sáng xa xôi mơ hồ lúc này đang hiện ra trên con phố, và
một âm thanh giống như tiếng kêu của những loài thú nhỏ. Trong giây lát, tiếng
nhạc trở nên lớn đến nỗi một cái hộp thủy tinh trên một cái bàn gần đó – bên
trong đựng mô hình một chiếc thuyền hai buồm trước kia từng thuộc về người ông
xấu xa của già Noll, kẻ đã chết ở Tobago – cũng khẽ ngân lên vì sự rung động
phi thường của bầu không khí. Và hồn vía của ba đứa nhóc học việc của già Noll
nháo nhào lao ra khỏi giường, giống như chúng vừa trượt ra khỏi tấm bao tải,
trong những chiếc áo sơ-mi và quần ống túm rách tả tơi mặc lúc ban ngày. Với
những đôi chân trần, chúng lướt nhẹ từ bậc thang này xuống bậc thang khác. Già
Noll hầu như không có đủ thời gian để nhìn thấy nụ cười tuyệt diệu trên mặt
chúng hay để bắt gặp ánh sáng lấp lánh của những hàm răng trắng bóng bên dưới
đôi môi hé mở của chúng, trước khi chúng lướt ra khỏi nhà và biến mất.
Run
lẩy bẩy cả người, như thể bị tê liệt, lão già vội vã lao lên cầu thang, và
trong giây lát ngôi nhà trống vang lên tiếng gõ búa khi lão đóng chiếc đinh giá
mười xu vào cái ổ khóa bên trên cánh cửa của căn phòng áp mái, rồi treo lên đó
cái vòng hoa, chiếc chìa khóa và cái móng ngựa. Khi làm xong việc này, lão hạ
chiếc búa xuống và lắng nghe. Không có một tiếng thì thào, thở dài hay tiếng
kêu nhỏ nhất nào phát ra từ bên trong. Nhưng do sợ cái mà lão có thể trông
thấy, lão không dám mở cánh cửa ra.
Thay
vì thế, sự tò mò thôi thúc lão. Khoác một tấm áo choàng rộng lên đôi vai xương
xẩu, lão vội vã bước xuống đường. Dĩ nhiên, đây đó khắp nơi trên mặt tuyết và
sương muối là những dấu chân – những dấu vết mà ở bất kỳ giá nào cũng đủ để cho
đôi mắt đố kỵ của lão có thể nhận ra, dù chúng hầu như chỉ rõ hơn một chút so
với những vết cánh của một con chim đói quét nhẹ lên mặt tuyết.
Với
đầu óc đơn giản của lão, già Noll cho rằng lúc này mình đã lừa được bọn trẻ học
việc một cách an toàn, rằng những thân hình trẻ trung trống rỗng của chúng sẽ
phải ngoan ngoãn nghe theo sự sai khiến của lão mãi mãi. Lão quyết định đi theo
những hồn vía trong mơ của bọn trẻ, lúc này đã khuất khỏi tầm mắt, ra khỏi thị
trấn và đi vào đồng cỏ. Lão đi, đi mãi cho tới khi hơi thở của lão kêu khò khè
trong buồng phổi và lão hầu như không thể lê thêm một bước nào.
Cuối
cùng, lão đi tới một nhánh của dòng sông Itchen. Trên mặt nước lóng lánh như
gương dưới ánh trăng của nó có một vòng tròn những cây liễu còi và bị cắt
cụt ngọn. Ở đó, trong những bãi cỏ tươi xanh và phủ đầy sương, khúc nhạc giao
hưởng tuyệt vời, thần bí vút cao lên, dường như từ trong lòng của một gò đất
gần đó, gọi là Trại của Caesar. Và lão nghe thấy tiếng của nhiều giọng khác
nhau đang đồng ca trong đó. Và lang thang trên khắp đồng cỏ là những hình bóng
trong mơ của lũ trẻ, không chỉ ở Chriton, mà cả từ những nông trại, những ngôi
nhà, những khu cắm trại của người Gip-xy cách nhiều dặm quanh đó. Ở đó có cả
những đàn cừu, những đôi mắt vàng của chúng lóng lánh dưới ánh trăng khi lão
bước qua chúng. Nhưng không có con nào để ý tới lũ trẻ hay tới “những kẻ lạ
lùng”, những người đã kêu gọi chúng đi ra từ những giấc mơ của chúng.
Những
kẻ lạ lùng này thật sự kỳ quặc: chiều cao ở mức trung bình, quần áo trông giống
như mạng nhện; mái tóc thẳng màu vàng rơm của họ rũ xuống hai bên má, khiến cho
khi mới thoạt nhìn thoáng qua lần đầu trông chúng như là những bộ râu quay nón.
Và khi họ bước đi, những lớp cỏ đóng băng hầu như không hề lay động dưới bàn
chân của họ. Họ quay mặt từ phía này sang phía khác, nhìn vào bọn trẻ. Trên nét
mặt của họ hiện lên một vẻ ngay thẳng không hề thay đổi, và đôi mắt họ có một
ngọn lửa mơ hồ giống như mặt nước vào những đêm trời có sấm chớp khi thủy triều
nhẹ nhàng ập những lượn sóng vỗ bờ của nó lên bờ cát rộng của biển khơi.
Khi
nhìn thấy họ, Già Noll bắt đầu cực kỳ sợ hãi. Ở đó không có dấu hiệu nào của
Tom, Dick và Harry. Ắt hẳn chúng đã đi vào gò đất đang vang vang tiếng nhạc –
có thể đang có tiệc tùng ở đó, nếu những hồn vía trong mơ cũng biết ăn tiệc.
Tiếng nhạc liên miên không dứt khiến cho đầu óc lão quay cuồng. Lão nhìn quanh
để tìm một nơi ẩn nấp, rồi cuối cùng đi tới một trong những cây liễu già nhiều
mấu bên cạnh dòng nước đóng băng. Lẽ ra lão có thể ở đó an toàn và bình ổn cho
tới sáng, nếu khi lão đu người lên một cành thấp của cây liễu sương muối không
lọt vào lỗ mũi của lão và khiến lão hắt hơi. Lẽ ra lão vẫn có thể ở đó an toàn
và bình ổn nếu lão chỉ đơn giản hắt hơi, vì tiếng hắt hơi của một ông già không
khác gì tiếng thở khò khè vào mùa đông của một con cừu đực. Nhưng lão già khốn
khổ này quá cảnh giác và hoảng sợ đám người kia đến nỗi lão kêu lên, “Thượng đế
phù trợ chúng con!” sau cái hắt hơi – như mẹ lão từng dạy lão.
Đó là
sự kết thúc của lão già xấu xa Nollykins. Vì đó là bước đầu tiên của lão trên
con đường dài của sự ăn năn. Vì điều kế tiếp mà lão nhớ lại được là lão đã mở
mắt ra trong ánh rạng đông còn chưa sáng hẳn và nhận ra mình đang nằm vắt vẻo
trên cành của một cây liễu trơ trụi lá. Một làn sương mù mỏng manh trùm
lên cánh đồng cỏ thấp. Đàn cừu đang thong dong gặm cỏ, để lại những vệt xanh
xanh trên mặt cỏ đọng sương muối khi chúng bước lên phía trước mặt. Lão cảm
thấy trong bộ xương mình một cơn đau nhức cực kỳ mà kể từ lúc còn quấn tã, lão
chưa bao giờ nếm trải. Như thể mỗi nhánh mềm đọng đầy sương muối của cái cây
liễu không bị xén ngọn trong cái vòng tròn cây liễu thần kỳ nằm kề bên nhánh
sông Itchen đã nện lên người lão một cách tùy thích trong suốt cái đêm dài đó.
Nhiệt tâm và lòng can đảm của lão đã mất hết. Thở dài và rên rỉ, lão trèo xuống
khỏi cây liễu, nhặt một nhánh cây khô rơi xuống để làm gậy chống rồi lên đường
quay lại thị trấn.
Trời
vẫn còn rất sớm ngay cả đối với những cô gái vắt sữa, dù những con gà trống
đang gáy rộ lên từ chỗ đậu đầy sương muối của chúng và màu đỏ của mặt trời đang
mọc đã cháy rực lên ở chân trời hướng đông. Lão dò dẫm bước vào nhà và đóng cửa
lại. Với nhiều lần nghỉ giữa chặng, lão lần mò leo từ bậc thang này lên bậc
thang khác cho tới khi tới cánh cửa của căn gác áp mái. Lão áp tai vào bức vách
và lắng nghe một lúc. Không có một âm thanh nào hết. Rồi len lén đẩy cánh cửa nhích
ra từng phân một, lão thò cái đầu đang run bắn của mình về phía trước và nhìn
vào bên trong.
Ánh
sáng tươi hồng ở hướng đông đang rạng rỡ dần, thậm chí đã luồn qua những tấm
kính cáu bẩn của cánh cửa sổ ở mái nhà như để soi sáng giấc ngủ của những đứa
trẻ học việc nhỏ bé của lão. Đó là một buổi sáng Chủ nhật. Làn da hồng hào và
những búp tóc xoăn như len cừu không để lại dấu vết gì của bồ hóng trong tuần.
Nhưng đối với Già Noll, vào những lần khác khi lão đang nhìn trộm, những nụ
cười của chúng trông như làm bằng sáp; còn bây giờ thì trông chúng như làm bằng
thạch cao. Vì mỗi đứa bé trong số đó – Tom, Dick, Harry – đều đang nằm ngửa,
những bàn tay nứt nẻ, ám đen bồ hóng với những móng tay sứt sẹo đặt hai bên
hông chúng. Không có một nét cười nào trên mặt chúng, mà chỉ duy nhất một vẻ
bình thản nghiêm trang như hình ảnh của những người đã nghỉ ngơi vĩnh viễn.
Tình trạng đó của ba đứa trẻ khiến cho ngay cả Già Noll cũng không dám cố đánh
thức chúng vì lão biết rõ rằng giờ đây không có một cây roi trần tục nào có thể
khuấy động chúng khỏi giấc ngủ say này. Ít nhất là cho tới khi linh hồn của
chúng đã quay trở về nhà. Và hẳn là bà cụ chua ngoa sẽ không giúp lão trong
chuyện đó.
Lão
nguyền rủa bà cụ già nua, đập liên hồi vào cửa của bà ta, nhưng bà ta không hề
chú ý tới lão. Cuối cùng, khi những hồi chuông nhà thờ Cheriton bắt đầu kêu gọi
mọi người đi dự lễ buổi sáng, lão chẳng còn biết làm gì khác, nếu như có bất kỳ
hy vọng nào để thoát thân, ngoài việc lê tấm thân tới nhà ông thị trưởng để báo
với ông ta rằng mấy đứa trẻ học việc của lão đã chết.
Tuy
nhiên chúng không chết. Người nhà ông thị trưởng cho gọi một bác sĩ. Sau khi
đặt một loại ống gỗ nào đó lên ngực chúng, vị bác sĩ đoan chắc rằng lồng ngực
chúng vẫn còn động đậy. Chúng đã rơi vào một trạng thái hôn mê, ông ta bảo.
Tình trạng đó gọi là triệu chứng giữ nguyên thế[3]. Đó là
một cơn tai biến não giống như một trạng thái mơ màng sẽ qua đi nhanh chóng.
Nhưng dù bà mụ già mà vị bác sĩ gọi tới đã rang nóng muối để làm những cái túi
muối, và suốt mấy giờ liền đặt một hòn gạch ủ nóng lên bàn chân lạnh cóng như
đá của từng đứa trẻ học việc, chẳng có đứa nào chứng tỏ là nó còn sống hay có
thể chú ý bằng cách chớp mắt hay thở dài thật nhẹ một cái.
Chúng
nằm đó, trên tấm nệm rơm, bất động như những cái xác ướp, lặng im và thanh
thản, đáng yêu như bất kỳ bà mẹ nào luôn mong muốn, với những đôi má, những
chiếc mũi, những cái cằm và những vầng trán nghiêm nghị đã được cọ rửa bằng xà
bông cho ngày Chủ nhật, và không hề đáp lại như những tiểu thiên sứ làm bằng
đá.
Thị
trưởng của thị trấn, sau khi lắng nghe toàn bộ những gì Già Noll có thể kể,
phạt lão năm túi tiền vàng ghi-nê vì đã để cho ba đứa bé học việc của lão rơi
vào trạng thái hôn mê do mong muốn có thức ăn và dinh dưỡng kha khá. Và do cơn
đau khớp, cùng nỗi thống khổ của việc có những người lạ đi lại rầm rầm khắp nhà
mình, của việc phải van nài ông thị trưởng và của việc nhìn thấy tiền của mình
bị lấy ra khỏi nơi cất giấu và tính đếm trên bàn, lão già bất hạnh quá đỗi
choáng váng và rối trí đến mức lão không bao giờ nghĩ tới việc gỡ cái vòng hoa
làm bằng nhánh cây cơm cháy và tần bì, chiếc chìa khóa và cái móng ngựa khỏi
cánh cửa. Đó là lý do vì sao một tuần rồi hai tuần trôi qua nhưng chẳng có dấu
hiệu nào cho biết là tình trạng hôn mê này sẽ kéo dài thêm bao lâu nữa. Ông thị
trưởng và Hội đồng thị trấn quyết định rằng vì Tom, Dick và Harry không thể
phục vụ cho thị trấn với tư cách thợ quét ống khói nữa, có lẽ chúng sẽ giúp cho
thị trấn kiếm tiền một cách lương thiện với tư cách là “Những Kỳ nhân của Thời
đại”.
Thế là
người hầu của ông thị trưởng, với một dải băng bằng vải muslin trắng cột phấp
phới trên cái nón đen, và hai người khóc mướn của anh ta – trên tay cầm những
bó hoa loa kèn – đi tới nhà Già Noll với một chiếc xe kéo và đưa ba thân hình
bất động đó đi. Người ta làm cho chúng một cái hòm có nắp thủy tinh rộng rãi
bằng loại gỗ sồi Warwickshire chắc chắn, với một ổ khóa chạm trổ đẹp đẽ và một
chiếc chìa khóa. Và trước lúc những kẻ chờ đợi bắt đầu hát những bài ca Giáng
sinh trong màn tuyết trắng, ba đứa bé đã được đặt vào cái hòm này trên tầng lầu
của Viện bảo tàng Cheriton. Chúng nằm đó mãi, lặng lẽ như nàng Bạch Tuyết trong
cỗ quan tài của những chú lùn. Ánh sáng ban ngày êm đềm rọi xuống gương
mặt lặng lẽ của chúng dù thông thường trong những ngày hè dài có một bức màn
màu sẫm được phủ lên trên mặt kính khi nào mặt trời rọi nắng quá gắt vào cửa
sổ.
Tin
tức về điều kỳ diệu này lan nhanh, và trước mùa xuân tiếp đó, du khách từ khắp
nơi trên thế giới – thậm chí từ những thành phố xa xôi như Guanojuato và Seringgapatam – đến chật cứng
Warwickshire chỉ để ngắm nhìn một lát ba cậu bé quét ống khói đang nằm ngủ, với
giá 6 hào một lượt nhìn. Sau đó, một phần lớn trong số họ sẽ đi tới Stratford để tham quan
ngôi nhà thờ đặt bộ xương được vinh danh của William Shakespeare. Thật sự, bà
Giles, một bà cụ dựng một quầy bán táo và bánh gừng bên cạnh viện bảo tàng, chỉ
trong vài năm đã kiếm được nhiều tiền từ hàng hóa của mình đến nỗi bà ta có thể
nuôi dưỡng đến lớn toàn bộ chín đứa cháu mồ côi của mình một cách thoải mái, và
cuối cùng nghỉ hưu ở tuổi sáu mươi tại một ngôi nhà bốn phòng cách nhà của Anne Hathaway[4] không
đầy một trăm mét.
Theo
thời gian, viên trung úy chỉ huy quân đội, các vị quận trưởng, các vị thẩm phán
hòa giải, ngài giám mục và thị trưởng các thị trấn lân cận, chắc chắn là do
ghen tỵ về danh vọng và sự nhiệm màu ở giữa vùng này, đã cố hết sức thuyết phục
và thúc ép ông thị trưởng và Hội đồng thị trấn dời các cậu bé tới thị xã. Bản
thân ngài Bá tước cũng hứa sẽ đặt chúng vào một ngôi nhà cũ cách nơi thờ tổ
tiên của ông ta, nhà nguyện Beauchamp Chapel, chưa đầy một tầm ném đá. Nhưng
tất cả đều uổng công vô ích. Nhân dân Cheriton giữ chặt quyền lợi của họ: và
ngài chánh án sau khi điềm tĩnh lắng nghe cả hai bên một cách trọn vẹn đã lắc cái
đầu mang tóc giả của mình để ủng hộ họ.
Mấy
cậu bé nằm ngủ cứ tiếp tục ngủ trong suốt năm mươi năm. Trong thời gian này,
Hội đồng thị trấn đã nhận được chỉ riêng số lệ phí tham quan là Một trăm hai
mươi ba ngàn năm trăm năm mươi lăm đồng tiền sáu xu (tương đương £3,088 17s.
6d.). Và gần như mỗi xu trong số tiền lớn này đều là lợi nhuận minh bạch. Họ
cũng sử dụng chúng một cách rộng rãi – mở rộng những cái ống khói hẹp, trồng
những hàng cây chanh trên Đại lộ và rừng cây tần bì, liễu cạnh dòng sông, xây
một vòi phun nước và một cái chuồng chim bồ câu lớn bằng đá, và cách ly một
vùng đồng cỏ có rừng với mọi tiện nghi mà mọi sinh vật hoang dã có thể hy vọng
được ban tặng cho bởi người đốc công của chúng – Con người.
Thế
rồi, một ngày đẹp trời nọ, viên phụ trách viện bảo tàng, người trong suốt bốn
mươi năm chưa một lần bỏ qua công việc đầu tiên trong buổi sáng là lau sạch bụi
cái hòm thủy tinh của “các cậu bé học việc”, lăn ra ốm và phải nằm dưỡng bệnh.
Cháu gái của ông, một cô gái xinh xắn, lanh lợi và cao quý, đến đó với tư cách
trợ lý của ông trong một thời gian để coi sóc viện bảo tàng, bán vé và theo dõi
khách tham quan thay cho ông. Cô chỉ mới mười bảy tuổi; và là người đầu tiên
cất tiếng hát trong viện bảo tàng – dù dĩ nhiên là chỉ hát ậm ừ trong cổ họng,
và không bao giờ trong lúc đang mở cửa.
Bấy
giờ đang là mùa hè, nói đúng hơn là ngày đầu của tháng Năm. Và cũng như mọi
buổi sáng, cô mở cánh cửa lớn của viện bảo tàng, bước lên cái cầu thang lớn có
nhiều hình chạm trổ và kéo những tấm màn cửa sổ ở tầng trên lên, rồi quay lại –
như thường lệ – nhìn chăm chú vào Ba Cậu Bé đang ngủ (mà chẳng phải trả một
đồng xu nào cả). Cô thở ra một hơi dài như thể vừa thoát khỏi một giấc mơ hạnh
phúc.
“Các
cậu bé đáng yêu!” Cô thường thì thầm với chính mình. “Các cậu bé đáng yêu, rất
đáng yêu!” Cô có một tấm lòng của mẹ hiền và những lọn tóc của cô trở nên trong
suốt trong ánh ban mai. Đôi mắt xanh lơ của cô hạ xuống cái hòm thủy tinh với
một sự trắc ẩn và nhạy cảm đến nỗi nếu một cái nhìn đơn giản có thể đánh thức
ba đứa trẻ, hẳn là chúng sẽ cùng khiêu vũ điệu jig của Ái Nhĩ Lan với cô vào
mỗi buổi sáng vui tươi.
Vì còn
trẻ, cô có xu hướng hơi bất cẩn, và thậm chí có khi còn bẻ một nhánh san hô hay
gỡ một cái vảy từ đuôi của một nàng tiên cá để tặng cho bất kỳ một người trẻ
tuổi xa lạ nào mà cô đặc biệt có cảm tình như là một món quà lưu niệm của xứ
Cheriton. Ngoài ra, cô chưa bao giờ được nghe kể về tính chất ma thuật của
những chiếc chìa khóa, móng ngựa hay cây cơm cháy và cây tần bì. Cô lớn lên
dưới một mái trường nơi ma thuật và phép thuật phù thủy chưa bao giờ được nhắc
tới nhiều trong những giờ học. Làm sao cô có thể nhận ra rằng chiếc chìa khóa
nhỏ của cái hòm thủy tinh và chiếc chìa khóa lớn của cửa viện bảo tàng (mà, sau
khi mở cả hai, cô đã đánh rơi khỏi túi khi bất ngờ rơi tỏm xuống cái giếng
trong vườn) có thể giữ được một kẻ bất kỳ nào đó hay một vật bất kỳ nào đó ở
ngoài hay ở bên trong nhà, ngay cả khi những cánh cửa đang mở rộng? Hay rằng
nước có thể rửa sạch ngay cả ma thuật của phù thủy?
Chính
trong buổi sáng hôm ấy, bầu trời tỏa ra một ánh nắng vô cùng tráng lệ, và những
con chim hét cứ hót véo von trong những cây chanh vừa thay lá mới khi cô đi tới
nơi làm việc, đến nỗi cô không thể cưỡng lại lòng thương cảm và niềm ao ước
thêm phút giây nào nữa. Sau khi kéo những tấm màn ở tầng trên lên, cô thận
trọng nhấc ba cái nắp thủy tinh của cái hòm lớn lên trong sự im lặng, rồi dựng
chúng lên. Và với từng người một – sau khi trước hết là lén lút áp tai lắng
nghe ở đôi môi của chúng như thể với niềm hy vọng sẽ nghe thấy những điều chúng
thì thầm nói nhỏ trong mơ – cô hôn lên đôi môi lạnh lẽo như đá của những cậu bé
đang ngủ. Khi hôn Harry xong, cô tưởng như cô nghe có tiếng chân trên bậc cầu
thang. Và cô chạy ra ngay để xem có ai không.
Không
có ai cả. Thay vì thế, khi cô đứng trên cái cầu thang rộng để lắng nghe, gương
mặt tươi trẻ của cô hơi nghiêng đi và tập trung chú ý, bỗng xuất hiện một mùi
gì đó thoang thoảng như những làn gió mang mùi gia vị đến từ những vùng đất
mênh mông của Damascus. Không một âm thanh, không có gì hơn ngoài một hơi thở,
mơ hồ xa xăm thế nhưng hầu như ngọt ngào không chịu nổi của Mùa xuân – băng qua
những đồng cỏ nằm men theo dòng sông uốn lượn, nơi loài chim lui tới, nơi những
đàn cừu gặm cỏ: mùi thơm của một tiếng thầm thì. Như thể một ký ức xa xăm đã
hiện lên và lướt qua mắt cô trong niềm hân hoan vui sướng. Rồi sự tĩnh lặng lại
một lần nữa bị phá vỡ bởi âm thanh của một giọng nói nhỏ hơn cả tiếng kêu của
một con muỗi mắt. Rồi tiếng thủy tinh vỡ loảng xoảng đến ghê tai. Rồi ba người
bạn nhỏ của chúng ta – ba cậu bé quét ống khói – chạy ùa ra, những linh hồn
trong mơ của chúng rốt cuộc đã về nhà.
Lúc
bấy giờ Già Nollykins đã nằm dưới mộ từ lâu. Vì thế, thậm chí nếu có ai đó có
thể bắt được chúng, Tom, Dick và Harry cũng không quét thêm cái ống khói nào
cho ông ta nữa. Ngay cả ông thị trưởng mới cũng không thể làm được điều đó. Cả
toàn thể Hội đồng thị trấn cũng không. Cả anh mõ của thị trấn cũng không, dù anh
ta có hét lên mỗi ngày hai lần cho đến cuối năm đó: “Ồ – phải! Ồ – phải! Ồ –
phải!!! Đã mất tích, bị đánh cắp hay thất lạc: Ba Cậu Bé Nằm Ngủ của xứ
Warwickshire lừng danh và nổi tiếng toàn thế giới của chúng ta!” Ngay cả viên
trung úy chỉ huy quân đội cũng không. Ngay cả ngài Bá tước giàu mạnh cũng
không.
Còn về
phần cái gò đất nằm cạnh những cây liễu bị cắt cụt ngọn – chà, có một kẻ tỉnh
thức thông minh nào có thể cung cấp bất kỳ thông tin nào về nó hay không nhỉ?
[1] Warwickshire:
một quận nằm ở phía tây miền Trung nước Anh. Thường được gọi tắt là Warks
hoặc Warwicks.
Có lẽ Warwickshire nổi tiếng là vì đây chính là nơi sinh
trưởng của đại thi hào Anh William Shakespeare (ở Stratford-upon-Avon). Hiện nay, bảng chỉ đường
ở ranh giới quận vẫn ghi là “Quận của Shakespeare".
[2] Ba nhân vật trong truyện ngụ ngôn Thiên Chúa
giáo Tiến trình hành hương từ Thế giới này đến Thế giới khác sẽ tới (The Pilgrim's Progress from This World to That Which Is to Come) của nhà văn Anh John Bunyan (xuất bản 2-1678). Quyển sách này được xem là một
trong những tác phẩm quan trọng nhất trong nền văn học Anh và đã được dịch ra
hơn 200 thứ tiếng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét