Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Walter de la Mare - Mẹ đỡ đầu của Alice

Dịch từ nguyên tác
Collected Stories for Children [1947]
của Walter de la Mare 
Dịch giả giữ bản quyền bản Việt ngữ
Copyright © Nguyễn Thành Nhân 2009
 


Dù Alice nhìn chăm chú ra phía ngoài ô cửa kính vuông trên toa xe, cô không thật sự nhìn thấy cây cỏ xanh rì và miền quê chập chùng đồi núi mà con tàu đang xình xịch chạy qua. Trong khi mọi vật ở gần đang lướt nhanh qua mắt– những bờ giậu, những đàn gia súc gặm cỏ, những con bê chạy tung tăng, rừng cây, nông trại và dòng suối đầy đá tảng ngầu bọt sóng; mọi thứ ở xa xa – ngọn đồi, cây cỏ – dường như đang len lén chạy về phía trước, như thể để mai phục con tàu đang xì khói và ngăn không cho nó đi tới điểm cuối chặng hành trình.
“Giá mà được thế!” Alice thở dài tự nhủ. “Mình sẽ hạnh phúc hơn biết dường nào!” Đôi mắt xanh lơ của cô mở to với ý nghĩ đó. Rồi một lần nữa đôi mày cô cau lại vì lo lắng, nhưng cô không thốt ra một lời nào cả. Cô ngồi nép ở một góc toa tàu, nhẹ nhàng nắm bàn tay của mẹ cô và ngẫm nghĩ một cách hốt hoảng về điều có thể xảy ra với cô trong vài tiếng nữa.
Alice và mẹ cô hơi tự hào về bản thân về việc chỉ là “hai người bình thường lặng lẽ” đang hạnh phúc khi ở bên nhau, và hiếm khi ra ngoài để ghé chơi thăm viếng một ai. Và Alice phải một mình thực hiện chuyến viếng thăm đặc biệt này khi họ tới cái sân ga nhỏ miền quê ở Freshing. Chính điều này khiến cho cô lo âu. Lá thư mời lạ lùng viết tay nguệch ngoạc chỉ mời mỗi một mình cô. Vì thế, dù là bây giờ mẹ cô đang ngồi cạnh cô, họ sẽ sớm phải chia tay nhau. Thỉnh thoảng Alice lại khẽ khàng xiết chặt bàn tay nằm trong đôi tay của mình để tự trấn tĩnh tinh thần. Chính việc phải tạm biệt mẹ – dù chỉ kéo dài vài giờ – làm cho cô sợ hãi.
Thế nhưng kế hoạch của họ đã được bàn thảo và ấn định nhiều lần. Tất nhiên Alice phải đón một cỗ xe ngựa từ nhà ga, dù giá tiền mắc đến đâu. Sau khi bảo với người đánh xe khi nào cô sẽ lại cần tới ông ta, cô sẽ chui vào xe và mẹ cô sẽ chờ cô trong một căn phòng của quán trọ làng quê cho tới khi cô quay lại vào lúc xế chiều. Khi đó mọi việc sẽ an toàn qua đi. Và việc hình dung ra niềm vui được trông thấy lại tất cả những đồng cỏ, rừng cây lướt ngược lại trên chuyến quay về khiến Alice gần như muốn bệnh.
Lo lắng như thế thật là phi lý. Alice đã tự nhủ với mình hàng trăm lần như thế. Nhưng chẳng ích gì. Cái ý nghĩ về người bà – cố, sơ, sờ, sẫm gì đó – tám đời của cô phủ đầy trái tim cô một linh cảm lạ lùng. Giá mà cô cứng cỏi một tí; giá mà bà cụ già khú đế, cũng là người mẹ đỡ đầu của cô, mời cả mẹ cô cùng đi; giá mà trái tim cô đừng đập rộn lên như thế; giá mà có một cái bánh xe văng ra khỏi con tàu!
Nói cho cùng, Alice chưa bao giờ gặp mẹ đỡ đầu của mình trước đó. Thậm chí ngay cả lúc này cô cũng không thể hoàn toàn chắc chắn rằng mình có tính đúng về số đời của người bà này hay không nữa. Ngay cả những người cứng cỏi nhất, cô cho là thế, cũng không thường xuyên được mời dùng trà một cách đột ngột bởi một người bà có tới ba trăm bốn mươi chín tuổi đời. Và không chỉ có thế, vì ngày hôm nay – chính cái ngày thứ Bảy này – cũng là ngày sinh nhật của mẹ đỡ đầu của cô: ngày sinh nhật thứ ba trăm năm mươi!
Bất cứ khi nào Alice nhớ tới điều này, một nụ cười mơ hồ len lén hiện ra trên nét mặt của cô. Ở tuổi mười bảy, một ngày sinh nhật thật sự là một “sự kiện”. Cuộc đời trôi nhanh. Bạn đang nhổ giò lớn lên như một dây đậu. Tóc bạn được “bới lên”, những cái váy của bạn bị “kéo dài xuống”, và chẳng bao lâu bạn sẽ “hẹn hò”. Nói cách khác là bạn bắt đầu thật sự trở thành “người lớn”. Nhưng ba trăm năm mươi tuổi! Chắc chắn là trước khi tới lúc đó… Thậm chí cũng khó mà xác định bạn hoàn toàn có quyền hay không. Chắc chắn là không thể có bất kỳ kiểu thay đổi nào vào lúc đó! Chắc chắn là không!
Có lẽ chủ yếu là do cái tên của con số, Alice nghĩ. Bản thân cô từng biết tới một cú sốc kỳ lạ ở lứa tuổi dậy thì, và có thể đoán được những điều đáng sợ nào khi cô bước vào lứa tuổi hai mươi. Thế nhưng thậm chí cho dù đó chỉ là do cái tên của con số thì sao chứ, vào cuối quãng thời gian dài tới ba thế kỷ bạn phải bắt đầu trở nên quen với những ngày sinh nhật.
Lạ một điều là mẹ đỡ đầu của cô chưa bao giờ yêu cầu gặp mặt cô trước đó. Cách đây nhiều năm bà từng gửi tặng cô một cái ca mạ vàng thấp lè tè – cái ca mà chính bản thân bà từng dùng để uống bia khi bà còn là một bé gái lên mười dưới triều đại của Nữ hoàng Elizabeth; một cuốn kinh cầu nguyện có hình minh họa bìa da cừu mà chính vua Charles đệ nhất đã tặng cho bà, và một món nữ trang thanh nhã bằng vàng. Nhưng việc nhận quà tặng không giống như việc thật sự gặp gỡ và trò chuyện với người tặng quà đầy bí ẩn. Tưởng tượng ra một điều chưa biết là một chuyện; gặp gỡ mặt đối mặt với điều đó lại hoàn toàn là một chuyện khác. Mẹ đỡ đầu của cô có thể trông như thế nào? Alice không thể có được một sự hình dung nào dù là mơ hồ nhất. Những bà cụ từ tám mươi tuổi trở lên không phải là điều khác thường; nhưng bạn không thể chỉ đơn giản nhân tám mươi với bốn như thể già đi chỉ đơn giản là một tích số trong toán học.
Có lẽ khi bạn thật sự già, Alice phỏng đoán, bạn sẽ không muốn ngồi để cho người ta vẽ chân dung hay chụp hình. Đó là một kinh nghiệm đáng sợ ngay cả khi bạn còn trẻ. Vâng, khi bạn thật sự già, rất già, bạn có thể thích được để yên hơn. Bà ấy cũng vậy.
“Mẹ yêu,” cô đột ngột quay người lại, mái tóc cột nơ màu vàng rơm của cô xõa một nhánh xuống vai. “Mẹ yêu, thậm chí bây giờ con cũng không thể nghĩ ra con nên làm gì khi bước vào phòng. Có ai trong đó không, mẹ nghĩ xem? Con có nên bắt tay không? Con cho là bà ấy sẽ không hôn con? Đơn giản là con không biết mình nên làm gì. Con ghét phải rời xa mẹ, ý con là bị bỏ lại một mình.”
Mấy ngón tay của cô vuốt mạnh bàn tay đang nằm trong tay mình khi cô nhìn vào gương mặt của bà mẹ với nỗi lo lắng đang tăng dần, biết rằng nụ cười trên đó chỉ là một bức màn xinh xắn bên trên một khung cửa sổ, và rằng trong lòng mẹ cô cũng đang lo lắng về cuộc viếng thăm này không kém gì cô.
“Con cưng à, dù sao thì cũng sắp tới rồi, phải không?” Mẹ cô thì thào. “Vì thế nó sẽ qua chóng thôi.” Lúc này người nông dân to béo ở góc xa của toa xe ngáy to lên một tiếng. Ông ta đang ngủ gật. “Mẹ nghĩ,” bà mẹ khẽ nói tiếp, “đầu tiên mẹ sẽ hỏi người hầu về mẹ đỡ đầu của con xem bà có mạnh khỏe không, chẳng hạn nói, “Bà có nghĩ là bà Cheyney đủ khoẻ để gặp tôi không?’ Bà ta sẽ biết con nên làm gì. Thậm chí mẹ không thể chắc là bà cụ già khốn khổ có thể nói chuyện được hay không, dù chữ viết của bà khá là ổn.”
“Nhưng mẹ à, làm sao chúng ta biết được là ở đó có một người hầu gái hay không? Không phải là vào thời của mẹ đỡ đầu luôn có những ông lão bộc hay sao? Giả sử họ đứng cả một hàng trong phòng! Và khi nào thì con nên đứng lên chào từ biệt? Nếu bà ấy bị điếc, mù và câm thì con thật sự không biết phải làm gì nữa!”
Có khoảng một tá câu hỏi như thế đã được đưa ra trong suốt mấy ngày qua nhưng vẫn chưa có câu trả lời, và dù đôi má của Alice, với màu tóc sáng đó, trông nhợt nhạt một cách tự nhiên, mẹ cô thấy nó trở nên nhợt nhạt hơn khi toa xe kiểu cổ mà họ đang ngồi tiếp tục chạy rì rì trên con đường sắt.
“Bất cứ khi nào mẹ gặp khó khăn, con yêu ạ,” bà thì thầm sát vào tai của cô con gái, “mẹ luôn luôn cầu nguyện đôi câu.”
“Vâng, vâng, mẹ thân yêu,” Alice nói, nhìn chăm chú ông nông dân béo mập đang ngủ. “Nhưng giá mà con không phải đi một mình! Mẹ biết không, con không nghĩ rằng bà có thể là một mẹ đỡ đầu tốt; bà không hề nói một lời nào trong thư về lời xác nhận của con. Ít nhất bà cũng đủ già để hiểu biết tốt hơn thế”. Một lần nữa bóng dáng mơ hồ của một nụ cười hiện ra trên mặt cô. Nhưng cô thậm chí xiết chặt những ngón tay của mẹ cô hơn chút nữa, và những hàng giậu và những cánh đồng cỏ tiếp tục lướt qua.
Thật sự là họ đã chào tạm biệt nhau ngay trong chiếc xe, để không bị những người trong quán trọ và người đánh xe nhìn thấy.
“Mẹ mong là, con yêu,” bà mẹ thở mạnh, giữa một cái ôm kéo dài, “chúng ta sẽ sớm mỉm cười như hai con chim cu gáy khi nghĩ tới mọi nỗi lo lắng của chúng ta. Chúng ta không thể nói là bà ấy có thể nghĩ tới kiểu chuyện gì, phải không?  Và đừng quên là mẹ sẽ chờ con trong quán “Sư tử đỏ” – có một tấm bảng hiệu, như con thấy đó, con yêu. Và nếu có thời giờ, có lẽ chúng ta sẽ ăn chút gì đó, một chén xúp, nếu như họ có bán, hay ít nhất là một quả trứng. Mẹ không cho là con sẽ có một tách trà rất chất lượng. Không thể có trong những hoàn cảnh thế này. Nhưng dù sao thì mẹ đỡ đầu của con cũng không mời con tới thăm nếu bà ấy không thật sự muốn gặp con. Chúng ta không nên quên điều ấy, con yêu ạ.”
Alice thò đầu ra khỏi cửa sổ cho tới khi mẹ cô đã khuất sau hàng giậu. Chiếc xe ngựa nhẹ nhàng lăn bánh dọc theo những con đường mờ bụi về hướng trang trại. Lăn mãi, lăn mãi. Cuối cùng Alice nghĩ, “chắc chắn là chúng ta đã đi rất nhiều dặm rồi”. Khi nghĩ tới đây cô lao tới thò đầu ra cửa sổ và gọi người đánh xe. “Ông biết Trang trại chứ, thưa ông.”
“Đúng là nó đấy, cô ạ,” ông ta hét lên đáp lại, với một tiếng roi xé gió. “Nhưng tôi sẽ không đưa cô vào trong vườn, thưa cô. Điều đó không được phép.”
“Xin thương giùm tôi,” Alice thở dài khi cô buông tấm rèm xanh ẩm mốc xuống. Giả sử con đường đó dài tới mấy dặm và cái cửa trước thì lại nằm tít ở phía sau!”
Đó là một buổi chiều nắng đẹp vui tươi. Những hàng giậu được cắt tỉa đang đâm chồi non xanh ngắt, và những bông hoa mùa xuân – hoa anh thảo, hoa vi-ô-lét – với những chùm hoa tươi tắn lấp ló trên bờ đất. Chiếc đồng hồ nhỏ bằng bạc của Alice mới chỉ ba giờ rưỡi. Cô sẽ đến vào giờ tốt. Trong vài phút, cỗ xe đi tới bên cạnh những cánh cổng to lớn bằng sắt đã han rỉ nằm trên bốn cây cột lớn có bệ đá tạc hình những con chim đang cúi thấp đầu ấp trứng với đôi cánh dang rộng.
“Ông chắc là sẽ quay lại đón tôi lúc sáu giờ chứ?” Alice van nài người đánh xe, dù cố gắng giữ cho giọng nói của mình được bình thường và tự nhiên. “Đúng sáu giờ và xin đừng trễ một phút nào. Và đợi ở đây cho đến khi tôi tới.”
Người đánh xe cúi đầu và đưa tay lên nón; đánh chiếc xe của ông ta vòng lại, rồi đi mất. Alice còn lại một mình.
Với một cái nhìn mong mỏi cuối vào con đường quê thân thiện nhưng xa lạ – và chẳng có một ngôi nhà nào trong tầm mắt – Alice đẩy cánh cổng nhỏ ở bên hông hai cánh cổng lớn ra. Nó kêu rít lên một tiếng nho nhỏ đầy chế nhạo khi nó chậm chạp quay trên tấm bản lề. Ở phía trong là một hàng giậu bằng cây thủy tùng cao ít nhất sáu mét, và ở một góc là một ngôi nhà nhỏ hình vuông, cửa sổ đóng kín, những chiếc lá khô nằm rải rác trên cái cổng thềm xưa cũ. Alice đứng lặng người. Đây là một nỗi khó khăn mà cả cô lẫn mẹ cô không hề đoán trước được. Cô có nên gõ cửa hay đi thẳng? Ngôi nhà trông bí ẩn quá. Cô lui lại, và nhìn lên những cái ống khói. Không hề có một làn khói mong manh nào trên tán lá sồi bên cạnh ngôi nhà. Một con chim nào đó bay vụt vào bóng râm với một tiếng kêu báo động.
Chắc chắn là ngôi nhà trống rỗng. Tuy nhiên, tốt nhất là nên chắc chắn, vì thế cô bước vào cổng và gõ cửa – nhưng gõ một cách vô ích. Sau khi dừng lại khoảng một hai phút, nhìn một lần nữa những cánh cửa sổ im lìm, trong bầu không khí im lặng chỉ bị phá vỡ bởi tiếng kêu xa xa của một con chim gõ kiến. Alice quyết định đi tiếp. Những túm rêu xen giữa lớp sỏi của con đường mọc dầy và sát đến nỗi những bước chân của cô không hề phát ra tiếng động. Bóng những hàng cây cao lớn ở hai bên đường rậm rạp đến nỗi cô tưởng như buổi xế chiều đang tới, dù lúc đó chỉ mới xế trưa. Những cây sồi cổ thụ chĩa những tàng lá to lớn của chúng vào không gian; những hốc tối trên thân cây già cỗi của chúng đủ rộng để chứa một ngôi nhà của cả một gia đình. Xa xa, Alice có thể nhìn thấy giữa những nhánh của chúng những cây tuyết tùng khổng lồ ở đằng xa, bên dưới là những con gì đó mà cô đoán là một đàn nai đang gặm cỏ, dù không thể hoàn toàn chắc chắn từ khoảng cách quá xa này.
Những con vật hoang dã mà trước đó khá lâu đã phát hiện ra cô ở cái chốn này được thuần hóa một cách lạ lùng. Chúng chẳng buồn bỏ chạy mà chỉ quay nghiêng lại quan sát cô khi cô bước qua, những con chim chỉ cách cô hơn tầm tay với chút ít vẫn tiếp tục nhảy loi choi kiếm mồi. Với một sự tò mò lạ lùng, Alice cố tới càng gần càng tốt một con thỏ đực to lớn đang ngồi nhai nhóp nhép bên dưới một chỗ hổng của hàng rào. Cô thành công tới mức nó thật sự cho cô cào lên cái đầu và vuốt ve đôi tai dài của nó.
“Chà,” cô nghĩ với một tiếng thở dài khi đứng lên, “không cần phải sợ lắm trong ngôi nhà của người bà tám đời này nếu như những con thỏ quen người đến thế. Tạm biệt nhé,” cô thì thầm với con vật. “Tao hy vọng sẽ chóng gặp lại mày.” Và cô tiếp tục đi.
Thỉnh thoảng một cây táo gai lưng gù xuất hiện trong tầm mắt, và thỉnh thoảng là một cây nhựa ruồi. Cách đây lâu rồi, Alice có nghe nói rằng những cây nhựa ruồi thông minh đến mức chúng không mọc gai ở những chỗ mà thú vật không thể làm hại đến lá non của chúng. Những cây nhựa ruồi này dường như chẳng có một cái gai nào, còn những cây táo gai, bất chấp lớp áo lá xanh sáng của chúng vẫn đang lấp ló những chồi non, đều có một thân hình vặn vẹo như thể có những đứa bé nghịch ngợm nào đó đã thắt những nút dây lên chúng khi chúng còn non. Nhưng không khí yên tĩnh này mới dịu ngọt làm sao. Thật sự dịu ngọt, đến nỗi con đường lặng lẽ này, với những cành lá to lớn và những khoảng trống xanh màu mắt trẻ thơ trên đầu, đã làm cô yên lòng trở lại, và cô hầu như đã quên khuấy mất người mẹ đỡ đầu của mình khi một cỗ xe ngựa đột ngột hiện ra giữa những hàng cây.
Có lẽ đó không thật sự là một cỗ xe ngựa mà chỉ là một cái thùng xe lớn sơn màu đỏ son và vàng đã phôi phai do hai con ngựa màu kem kéo. Trên thùng xe là người đánh xe trong một bộ chế phục màu dâu, và bên cạnh ông ta là một người hầu. Điều thật sự kỳ lạ là chiếc xe này đang êm ru lăn  bánh trên một con đường vòng cung mọc đầy rêu và cỏ dại đến mức hầu như không phân biệt được với màu xanh của thảm cỏ. Alice không biết làm gì khác ngoài việc nhìn nó tiến tới gần chỗ cô đang đứng, sát bên một thân sồi có lớp vỏ nhăn nheo đang xòa nhánh trên đầu. Đây hẳn là chiếc xe của người mẹ đỡ đầu. Hẳn là hàng ngày bà ngồi trên xe để dạo chơi trong cái chốn ẩn lánh khỏi thế giới bao la này. Nhưng không: nó đã tới gần, bên trong thoáng hiện một cái ghế da dê đỏ bạc màu. Nó đã đi qua và bên trong trống rỗng. Chỉ có cái lưng của người đánh xe và người hầu lúc này hiện ra bên trên những vách ván bị nắng làm bạc màu – mái tóc rắc bột của họ, những cái mũ có đeo phù hiệu của họ.
Mọi nỗi lo âu của Alice quay trở lại trong tâm trí cô khi nhìn thấy quanh cảnh lạ lùng này. Cô rón rén đi ra khỏi nơi ẩn nấp, và chạy vội. Ước ao duy nhất của cô lúc này là tới điểm cuối của chặng hành trình. Thật sự ngay sau đó ngôi nhà đã hiện ra trong tầm mắt. Một thảm cỏ được cắt gọn trải dài tới tận những bức tường thấp và những chiếc ống khói xam xám. Bên phải là một cái hồ nước bằng phẳng như một tấm gương soi lớn nằm giữa cái khung là những thân cây. Phía sau ngôi nhà là một ngọn đồi xanh thoai thoải.
Alice dừng lại lần nữa ngay phía sau một thân cây to màu xám để nhìn kỹ nó hơn trước khi cô có thể bị nhìn trộm từ bất kỳ một cánh cửa sổ nào. Trông như thể nó đã đứng đó từ tận thuở xưa nào. Trông như thể những tảng đá to tướng của nó đã tự chìm xuống mặt đất dưới sức nặng của chính chúng sau hàng bao nhiêu thế kỷ. Không có một lùm cây nở hoa nào gần đó – trừ một bụi cúc và vài bụi bồ công anh.
Chỉ có thảm cỏ xanh và những thân cây, và con đường cổ xưa mà cô đứng trên đó êm đềm dẫn thẳng tới lối vào có bậc thềm thâm thấp của ngôi nhà. “Chà,” cô thở dài tự nhủ, “mình rất biết ơn vì không sống ở đây, chỉ có thế - thậm chí dù cho mình có sống tới một ngàn lẻ một tuổi!” Cô đứng thẳng người lên, liếc nhìn xuống đôi giày của mình, đưa tay sửa lại cái nón rơm cài nơ, và với tất cả phẩm giá có thể tỏ ra, cô bước thẳng về phía trước.
Sau một giây im lặng có tiếng chuông rè rè đáp lại cái giật nhẹ vào sợi dây sắt kéo chuông treo trên cổng. Nó kêu lên: “Keng keng! rồi lại im lặng. Và Alice tiếp tục nhìn vào cái đấm cửa bằng sắt to lớn mà cô không có can đảm đụng tới.
Cuối cùng cánh cửa mở ra không một tiếng động, và như cô đã e sợ, không phải là một người nữ hầu phòng thân thiện với một cái nón được ủi thẳng thóm mà là một ông già mặc bộ áo đuôi tôm đen đang đứng đó nhìn cô với đôi mắt xám nhạt như thể cô là một con chim nhồi đựng trong một cái hộp thủy tinh. Không biết là do thân hình ông ta đã co lại theo thời gian, hay là vì ông ta mặc quần áo của một người khác, mà chúng treo trên vai ông ta một cách rất lỏng lẻo.
“Tôi là cô Alice Cheyney… cô Alice Cheyney,” cô nói, “tôi nghĩ là bà, bà…Cheyney đang mong tôi, nghĩa là, tất nhiên, nếu bà ấy hoàn toàn khỏe mạnh.” Mấy lời ngắn ngủi đó đã chiếm hết cả một hơi thở dài của cô, còn người quản gia già khọm của bà mẹ đỡ đầu thì vẫn tiếp tục nhìn cô chòng chọc trong lúc những lời đó chìm vào đầu óc ông ta.
“Xin mời cô quá bộ vào trong,” cuối cùng ông ta nói. “Bà Cheyney bảo tôi chuyển lời rằng bà mong cô sẽ tự nhiên thoải mái. Bà hy vọng sẽ gặp cô ngay lập tức.” Nói xong, ông ta dẫn đường, còn Alice thì đi theo sau, băng qua một sảnh đường rộng, được soi sáng bằng những cánh cửa sổ có song đá thấp xanh xanh. Ở hai bên sảnh là những bộ áo giáp được đánh bóng, với những cái mũ ngẩng cao. Nhưng không có gì chỉ ra nơi mà những đôi mắt lấp lánh của những chủ nhân đã ra đi từ lâu của chúng đang hướng tới ngoài một khe tối hẹp. Sau một tia liếc nhìn vội vã vào cả hai phía, Alice gắn mắt vào cái lưng gù của người quản gia già bé nhỏ. Ông ta dẫn cô lên ba tầng thang gác bóng loáng trên trải thảm thêu, rồi cuối cùng, ở cuối một dãy hành lang dài, đưa cô vào một căn phòng mà cô đoán là phòng khách của bà mẹ đỡ đầu. Ở đó, ông ta cúi đầu chào cô rồi bước ra. Alice hít một hơi thật sâu, và sau khi tháo nút ra rồi cài nút lại một trong hai cái găng tay lụa, cô ngồi ghé lên một cái ghế ở gần cửa ra vào.
Đó là một căn phòng dài, thấp, nhưng không rộng lắm, với những bức tường lót ván, và chưa bao giờ trong đời Alice nhìn thấy những thứ đồ đạc như thế. Bất chấp sự e dè sợ sệt dường như toát ra từ cả cái vành mũ của cô, cô suýt nữa bật cười to với ý nghĩ so sánh căn phòng khách nhỏ màu hồng của mẹ mình với căn phòng này.
“Cứ tự nhiên thoải mái! Sao chứ, bất kỳ cái tủ ngăn nào trong số đó cũng có thể giấu cô đi mãi mãi, như đứa bé mất tích tội nghiệp trong truyện “Nhánh tầm gửi”. Còn về những bức chân dung trong mấy cái khung to lớn phai màu đang treo kia, dù đoán ngay được rằng chúng phải là chân dung của những vị chủ cũ và do đó cố hết sức nhìn chúng một cách trang nghiêm, cô chưa bao giờ nghĩ rằng con người lại có thể trông kỳ lạ và kém thân thiện đến thế. Không phải ở áo quần của họ – những cái yếm, những cái áo chẽn và những cái mũ nhung rộng – mà là ở nét mặt của họ. Các phu nhân với bộ trán hói cao, những ngón tay búp măng và những chiếc nhẫn đeo trên ngón cái, và cái quý ông thì quắc mắt trừng trừng, đầy vẻ cau có và khắc khổ.
“Úi chà, cô Không ai cả!” dường như chúng đang thốt lên. “Và lạy Chúa, cô đang làm gì ở đây thế?”
Ngoại lệ duy nhất là bức tranh vẽ một cô gái trạc tuổi cô. Một cái mũ xinh xắn che đi mái tóc vàng của cô ta, một cái vòng cổ đong đưa trên ngực, vạt áo trên màu hoa anh thảo uốn sát thân hình cho tới eo. Những nét vẽ của bức tranh rất thanh tú và màu phấn đã phai nhạt đi nhiều, hầu như làm ố cả giấy. Thế nhưng đôi mắt nhìn xuống căn phòng thấp hướng vào Alice dường như rất sống động. Một nụ cười nửa phần chế giễu, nửa phần nghiêm túc lơ lửng trên môi. “Nhìn xem, tôi xinh đẹp đáng yêu không”, dường như nó ngụ ý như vậy, thế nhưng lại qua đi chóng quá! Và dù Alice chưa bao giờ trông thấy một gương mặt mê hồn như thế, cô không thể không thú nhận nó hơi giống với gương mặt của cô. Cô không thể nói được vì sao điều này lại mang tới cho cô một chút tự tin. Dù sao, cô mỉm cười lại với bức tranh một cách cố tình như muốn nói, “Chà, bạn thân mến, tôi sẽ có bạn ở bên cạnh, dù cho bất cứ chuyện gì xảy ra.”
Những phút chậm chạp trôi qua một cách nghiêm trang. Trong cả ngôi nhà to lớn không hề phát ra một âm thanh nào. Nhưng cuối cùng một cánh cửa ở đầu kia của căn phòng nhẹ nhàng hé mở, và trong làn ánh sáng xanh xanh của những cánh cửa sổ chấn song xuất hiện người mà Alice biết là Bà ấy.
Bà ta tựa thân hình bé nhỏ lên cánh tay của người quản gia đã đón Alice vào nhà. Họ vào phòng lặng lẽ như  những cái bóng; rồi dừng lại giây lát, trong lúc đó một người hầu khác chuẩn bị một cái ghế cho bà chủ. Đồng thời, lúc này bà cụ già đang nhìn đăm đăm vào vị khách của mình. Trước kia hẳn bà cũng cao cỡ Alice, nhưng thời gian đã khiến thân hình bà co lại bằng cỡ một đứa trẻ; và dù cái đầu bé nhỏ của bà vẫn gắn chặt trên đôi vai hẹp, đôi vai này cụp xuống như đôi cánh những con chim đá ủ rủ ngoài cổng nhà bà. 
“A, cháu đấy hả, cháu cưng?” Một giọng nói cất lên, nhưng nhỏ đến nỗi Alice đột nhiên thấy nóng ran cả người vì e rằng cô đã tưởng tượng ra chúng.
“Ta bảo, có phải cháu đấy không, cháu cưng?” Giọng nói lặp lại. Bây giờ thì không thể nhầm nữa. Alice đánh bạo bước tới chỗ sáng, đôi đầu gối của cô run rẩy, và bà cụ chìa một bàn tay ra – những ngón tay teo quắt dính sát vào nhau như những cái vuốt lạnh lẽo của một con chim.
Alice ngần ngừ trong khoảnh khắc. Giây phút đáng sợ đã tới. Cô bước tới, khẽ nhún gối chào bà cụ, rồi nâng những ngón tay băng giá lên môi mình.
Dù sao, rõ ràng là mẹ đỡ đầu của Alice không thấy bị xúc phạm với cử chỉ đó. Thật sự, cái mà Alice nghĩ có thể là một nụ cười nhăn nhúm, đã thoáng lướt qua trên gương mặt chằng chịt vết nhăn của bà ta. Trên mái đầu hình quả đấu của bà cụ là một dải đăng ten và một cái nón màu bạc giống như chiếc áo choàng trên người bà; và một đôi găng tay lụa che đi hai cổ tay của bà. Bà nhỏ bé đến nỗi Alice gần như phải gập đôi người khi hôn tay bà. Và bà ngồi trên ghế giống như một con búp bê lớn – nhưng là một con búp bê kỳ diệu có giọng nói, ý nghĩ, cảm giác và cử động ngoài khả năng tưởng tượng phong phú nhất của bất kỳ người thợ chế tác thủ công nào. Đôi mắt xanh nhạt hơn cả một cánh hoa forget-me-not nhợt nhạt nhất trên gương mặt khô héo nhăn nheo vẫn tiếp tục nhìn vào Alice đăm đăm, trong lúc người quản gia và người hầu đứng cúi đầu quan sát bà chủ của họ. Rồi, như thể theo một dấu hiệu bí mật nào đó, cả hai cúi đầu chào và rút lui ra ngoài.
“Ngồi đi cháu cưng,” giọng nói cất lên khi họ đã rút lui. Và một khoảng dừng kinh khủng rơi xuống. Alice nhìn chăm chú bà cụ, và đôi mắt già nua gần như trong suốt vẫn gắn chặt vào cô, hai bàn tay như chân chim đặt một cách thanh nhã trên chiếc khăn tay vuông viền đăng ten nằm trên đôi đùi hẹp. Alice thấy ngày càng nóng rực cả người. “Ngôi nhà cổ này thật là đẹp, bà ạ,” cô đột nhiên buột miệng. “Và những cây cổ thụ đó mới tuyệt làm sao!”
Không có biểu hiện gì cho thấy bà Cheyney nghe thấy những gì cô nói. Thế nhưng Alice không thể không nghĩ rằng bà đã nghe thấy, và vì một lý do nào đó không thích nhận xét của cô.
“Nào, tới đây,” giọng nói nhỏ xíu phều phào, “nào tới đây, hãy kể cho ta nghe cháu đã làm gì suốt thời gian dài qua. Và mẹ cháu thế nào? Ta nghĩ ta mơ hồ nhớ đã gặp cô ta, cháu cưng, ít lâu sau khi cô ta kết hôn với cha cháu, ông James Beaton.”
“Cháu nghĩ ông Beaton là ông cố của cháu, bà ạ,” Alice thở nhẹ. “Tên cha cháu, bà biết đó, là John, John Cheyney.”
“À, phải, chắc chắn đó là ông cố của cháu rồi,” bà cụ nói. “ta không bao giờ chú ý tới ngày tháng. Và sau đó có chuyện gì xảy ra hay không?”
“Chuyện gì xảy ra ạ, thưa bà?” Alice hỏi lại.
“Ở bên ngoài?” bà cụ nói. “Trên thế giới?”
Alice tội nghiệp. Cô biết rất rõ kinh nghiệm cắn bút chì khi gặp phải những câu hỏi không thể trả lời trong các kỳ thi lịch sử, nhưng câu hỏi này còn khó hơn bất kỳ câu hỏi nào mà cô từng gặp.
“Ờ, cháu thấy đó!” Mẹ đỡ đầu của cô nói tiếp. “Ta nghe nói về những điều kỳ diệu mà họ đang làm, thế nhưng khi ta hỏi một câu hỏi đơn giản như thế không ai có gì để nói cả. Cháu có đi trên một trong những chiếc tàu hỏa chạy hơi nước đó chưa? Những cái đầu máy hơi nước?
“Lúc chiều này cháu đã đi tới đây theo cách đó, bà ạ.”
“À, ta nghĩ cháu trông có vẻ hơi xúc động. Khói tàu hẳn rất khó chịu.”
Alice mỉm cười. “Không, cảm ơn bà,” cô nói một cách thân mật.
“Thế còn Nữ hoàng Victoria thì sao?” bà cụ nói. “Bà ấy còn sống chứ?”
“Ồ vâng, thưa bà. Và tất nhiên, đó chính là chuyện đã xảy ra. Năm nay là năm kỷ niệm sáu mươi năm trị vì của bà ấy, bà biết đấy.”
“Hừm,” bà cụ nói. “Sáu mươi. Vua George III trị vì sáu mươi ba năm. Nhưng tất cả bọn họ đều ra đi đúng lúc. Ta nhớ cha thân yêu của ta đã tới phòng ta sau tang lễ của đức vua Edward VI tội nghiệp. Ông ấy là  một trong những tiểu đồng tại hoàng cung, cháu biết đó – nghĩa là khi Henry III làm vua. Thật là một anh chàng đẹp trai – có một bức chân dung của ông ấy… ở đâu đó.”
Trong khoảnh khắc, đầu óc của Alice là cả một xoáy nước những ký ức mơ hồ - những ký ức về những điều mà cô đã đọc trong các quyển sách lịch sử.
Nhưng giọng nói như một chuỗi nốt nhạc của bà Cheyney hầu như không dừng lại. “Cháu phải hiểu rằng ta không mời cháu đi suốt cả một chặng đường dài bằng một trong những chiếc đầu máy hơi nước kinh khủng đó tới đây chỉ để tán chuyện về thời thơ ấu của ta. Những vị vua và những nữ hoàng cũng đến rồi đi như tất cả những thứ còn lại. Và dù ta từng trông thấy nhiều thay đổi, dường như đối với ta thế giới vẫn y hệt như trước đó. Ta cũng không tin rằng những tờ nhật báo là một thứ mới mẻ có nhiều lợi ích. Khi ta còn bé, ta đã xoay xở khá tốt mà không cần tới những tờ báo, và ngay cả vào thời của ông Addison, chỉ hai tờ nhỏ một tuần cũng đã đủ rồi. Nhưng thôi, than phiền chỉ là vô ích. Và nói cho chính xác, cháu không thể chịu trách nhiệm cho tất cả những thứ đó. Trong thời thơ ấu của ta cũng có nhiều thay đổi – những thay đổi lớn. Thế giới khi đó không quá đông đúc. Có sự cao quý và vẻ đẹp. Phải.” Đôi mắt của bà lướt đi lang thang thang, dừng lại giây lát trên bức chân dung của một thiếu nữ mặc áo màu hoa anh thảo. “Sự thật là, cháu cưng ạ,” bà nói tiếp, “ta phải bảo với cháu điều này, và ta muốn cháu lắng nghe.”
Một lần nữa bà im lặng hồi lâu, nắm chặt chiếc khăn tay giữa những ngón tay. “Điều mà ta mong muốn cháu nói với ta,” cuối cùng bà nói tiếp, len lén nghiêng người về phía trước trong cái ghế to lớn, “điều mà ta nôn nóng muốn cháu nói với ta là cháu muốn sống bao lâu?”
Trong giây lát Alice ngồi lạnh cả người và bất động. Như thể một hơi thở băng giá từ cực Bắc đã quét thẳng qua căn phòng, làm đông cả bầu không khí với sự giá lạnh của nó. Đôi mắt cô lướt một cách trống rỗng từ bức tranh này sang bức tranh khác, từ món đồ cổ này sang món đồ cổ khác – những món đồ lâu năm, câm lặng và vô tri vô giác – rồi cuối cùng dừng lại trên một bông cỏ dại đang nhú ngọn bên ngoài những tấm kính hình thoi trên cửa sổ.
“Cháu chưa hề nghĩ tới điều đó, bà ạ,” đôi môi khô của cô thì thầm. “Cháu không nghĩ là cháu biết.”
“Chà, ta không nên chờ đợi một cái đầu già trên một đôi vai trẻ,” bà cụ lẩm bẩm. “Có lẽ nếu vua Charles nhận ra điều đó– đó thật là một ông vua đầy học thức, quảng đại và chân thành – ta ngờ rằng cái tên thô bỉ Oliver Cromwell đó sẽ không thành công trong việc lật đổ ông ta.”
Chiếc cằm hình quả đấu lún vào lớp đăng ten như một con ốc sên chui vào cái vỏ. Cho tới lúc này Alice có thể đã chuyện trò với một hình ảnh thanh nhã, hay một người máy – đôi mắt nhấp nháy, những ngón tay như móng chim, giọng nói văng vẳng. Nhưng giờ đây dường như một đời sống mới đang chuyển động bên trong nó. Giọng nói nhỏ rí nhưng xuyên qua tai hầu như chìm xuống thành một tiếng thì thầm, cái đầu len lén ngó qua ngó lại như thể để chắc rằng không có một kẻ nghe trộm nào trong tầm nghe.
“Bây giờ hãy ghé sát vào ta để lắng nghe, cháu cưng: ta có một điều bí mật. Một bí mật mà ta chỉ muốn chia sẻ với cháu. Cháu có thể cho rằng đây là lần kỷ niệm thứ ba trăm năm mươi ngày sinh của ta” – khi nghe tới đây, một nhận thức đáng sợ đột ngột lướt qua đầu Alice rằng cô đã hoàn toàn quên khuấy đi mất việc chúc mẹ đỡ đầu của mình ‘Nhiều niềm hạnh phúc sẽ quay lại’ – “cháu có thể cho rằng cháu sắp gặp đông đảo bạn bè vui vẻ ở đây – những con người trẻ trung, hạnh phúc như bản thân cháu. Nhưng không, không phải vậy. Ngay cả mẹ cháu, dĩ nhiên, cũng chỉ là cháu dâu tám đời của ta. Cô ta là một cô gái họ Wilmot, ta tin thế.”
“Dạ Woodcot, thưa bà,” Alice nói khẽ.
“Ờ, Woodcot,” bà cụ nói; “việc đó không thành vấn đề. Chính là cháu, bé ạ, mới là người, nói một cách chính xác, mà ta đã chọn. Ta không quan tâm tới lũ đàn ông. Không chỉ có thế, cháu phải trạc vào lứa tuổi của ta khi bức chân dung mà cháu nhìn thấy trên bức tường đằng kia được vẽ. Đó là tác phẩm của một môn đồ của Hans Holbein. Bản thân Hans Holbein đã chết vào thời điểm đó, ta tin thế. Cháu cưng, ta nhớ đã ngồi làm mẫu cho bức tranh đó ngay trong căn phòng này – như thể chuyện mới xảy ra hôm qua. Ngài Walter Raleigh[1] rất ngưỡng mộ nó. Cháu nhớ chứ, ông ta đã có một kết thúc rất không hay. Ta nhớ lúc ấy là vào khoảng những năm bảy mươi thế kỷ đầu của ta. Cha của ta và cha ông ấy là là đồng hương ở Devonshire.”  
Alice hơi chớp mắt – cô không thể rời mắt khỏi đôi mắt của bà cụ - cái gương mặt giống như búp bê đó, đôi bàn tay bất động nhỏ bé đó.
“Giờ cháu hãy nhìn vào bức tranh đó!” bà cụ ra lệnh, chỉ ngón tay trỏ bé tí cong queo tới bức tường xa. “Cháu có thấy có điểm nào giống nhau không?”
Alice nhìn thật lâu và chăm chú vào bức chân dung. Nhưng cô không có đủ cả can đảm lẫn tự cao để chối bỏ rằng những nét mỉm cười mơ hồ kia ít nhất cũng giống cô chút xíu. “Giống ai, thưa bà?” Cô thì thầm.
“Giống ai? Chà, chà, chà!” bà cụ đáp, những lời của bà nghe như tiếng ngân của một quả chuông bạc xa xăm. “Ta hiểu. Ta hiểu… Nhưng giờ thì đừng để ý tới điều đó. Có lẽ cháu đã nhìn ngôi nhà này khi đi vào con đường?”
“Ồ có, thưa bà, dù cháu không thể nhìn kỹ, dĩ nhiên, bà biết đó,” Alice cố thốt ra lời.
“Cháu có thích cái vẻ ngoài của nó không?”
“Cháu không cho là cháu đã nghĩ tới điều đó,” Alice nói. “Những cây cối và khu vườn rất đẹp. Cháu chưa bao giờ nhìn thấy những thứ như thế - những cây đã trưởng thành, thưa bà. Thế nhưng chúng vẫn đâm chồi non và có một số toàn là chồi non. Việc những cây cối sống lâu đến thế trên thế giới lại có thể ra toàn chồi non không phải là điều quá kỳ diệu hay sao ạ?”
“Ta đang nói về ngôi nhà,” bà cụ nói. “Những mùa xuân thời buổi này không còn giống như trước nữa. Chúng đã biến mất khỏi nước Anh mà trước kia ta biết. Ta nhớ từng có một tháng Tư khi người ta nhìn thấy những thiên thần trên những đỉnh đồi quanh London. Nhưng điều đó không quan trọng đối với chúng ta vào lúc này, không phải lúc này. Ngôi nhà thế nào?”
Một lần nữa ánh mắt của Alice lang thang lướt đi – để dừng lại một lần nữa trên ngọn cỏ xanh đang đung đưa ở cửa sổ.
“Nó là một ngôi nhà rất lặng lẽ,” cô nói.
Giọng nói như trẻ con tắt hẳn giữa những bức tường đá dầy; kéo theo một sự im lặng sâu thẳm, như sự im lặng của mặt nước trong lòng giếng. Đồng thời, như Alice nhận thức rất rõ, mẹ đỡ đầu của cô đang quan sát nét mặt cô với đôi mắt mờ mịt nhưng chăm chú. Như thể chính bản thân Thời gian chỉ là một đứa trẻ và nó đã tạo ra một vọng lâu nhỏ bé đầy bí ẩn từ gương mặt già nua đó. 
“Bây giờ hãy lắng nghe ta thật cẩn thận,” cuối cùng bà nói tiếp. “Một gương mặt như gương mặt của cháu – có một đôi nét giống với bức chân dung đằng kia, phải là chủ nhân của một trí thông minh kha khá. Ta đã khá già, bé con ạ, để không phải mang gánh nặng điên rồ của sự tự cao tự đại, ta hy vọng thế. Hồi thời còn trẻ ta thích được ngưỡng mộ. Và ta có một đề nghị với cháu, nó đòi hỏi ở cháu toàn bộ sự minh mẫn mà cháu có thể có. Đừng giật mình. Ta tin tưởng vào cháu. Nhưng trước tiên ta muốn cháu đi qua phòng bên cạnh, ở đó cháu sẽ tìm thấy một bữa ăn đã được chuẩn bị. Những người trẻ tuổi ngày nay, ta nghe nói, cần được tẩm bổ liên tục. Thật lạ! Vì họ đã quên hết mọi cung cách của một phu nhân như ta biết họ, và không bao giờ ở yên được một lúc. Thật lạ! Với tất cả những thứ máy móc mà ta nghe nói, sự bất mãn, sự dốt nát và điên rồ, tiếng ồn, sự lo âu và bối rối. Vào thời ta còn trẻ người nghèo là người nghèo và người thấp kém là người thấp kém, bé con ạ; và biết vị trí của họ. Vào thời ta còn trẻ ta thường ngồi suốt nhiều giờ chăm chú thêu một mẩu vải. Nhưng thôi, ta không mời cháu tới đây thăm một bà già để chỉ nghe những lời rao giảng. Khi đã ăn uống tươi tỉnh, cháu hãy đi xem qua ngôi nhà. Đi tới bất cứ nơi nào cháu muốn; nhìn kỹ xung quanh, sẽ không có ai làm phiền cháu. Và sau khoảng một giờ hãy quay lại đây với ta. Dạo này ta hay ngủ một chút vào buổi chiều. Ta sẽ sẵn sàng gặp cháu vào lúc đó…”
Với một sự nhẹ nhõm không thể tả, Alice rời khỏi ghế. Cô khẽ nhún gối chào thân hình bé nhỏ bất động ở đằng xa một lần nữa rồi bước qua cánh cửa gỗ sồi màu sẫm.
Cô nhận ra ngay mình đang ở trong một căn phòng nhỏ hình lục giác, tường ốp ván gỗ sồi loại đen nhất. Một ngọn chúc đài bằng đồng treo trên trần nhà tối, và ở bên ngoài những tấm kính cô có thể nhìn thấy những thân cây cổ thụ to lớn trong vườn. Cô thấy mất tinh thần khi người hầu đã đi cùng người quản gia vào phòng của bà cụ đang đứng ở sau lưng cái ghế cạnh bàn. Chưa bao giờ Alice cho rằng việc những người hầu đàn ông, có lẽ ngoại trừ những người làm vườn, để những bộ râu bạc dài là đúng đắn. Nhưng ông ta đã đứng đó, với đôi mắt mờ lén lút. Alice phải quay lưng lại ông ta để ngồi vào bàn. Cô ăn trái cây, bánh mì, bánh ngọt và những thứ kẹo mứt mà ông ta đặt trong những cái dĩa bạc nặng nề và nhấp nhám món nước quả. Nhưng đó là một bữa ăn vội vã, đầy lo âu và cô không cảm thấy chút mùi vị ngon lành nào ở những thứ cô đã ăn.
Ngay sau khi xong bữa ăn, người hầu mở cửa cho cô, và cô bắt đầu hành trình khám phá ngôi nhà rộng lớn đìu hiu. Như thể chỉ có chính cái bóng của cô là người bạn đồng hành duy nhất. Chưa bao giờ sự cô độc lại đè nặng lên cô như thế, chưa bao giờ cô lại nhận thức rằng mình đang rất tỉnh táo thế nhưng lại như sống trong mơ như thế. Những dãy hành lang dài, những cánh cửa thấp và có rầm đỡ cong vòng, những nền nhà sẫm mấp mô, những tấm thảm Ba Tư, những tấm thảm thêu và màn trướng chỉ thêm đáng yêu khi màu sắc của chúng mờ đi vì quá nhiều ánh mặt trời, những góc quanh của các cầu thang, bầu không khí trang nghiêm giữa những bức tường, những bức tranh nhiều vô số, những cái giường to lớn, những dãy vô tận các két sắt, tủ, đi-văng cổ lổ - tất cả những thứ này chỉ trong vòng vài phút đã khiến cho Alice thấy mệt nhoài hơn nhiều so với chuyến hành trình dài từ nhà cô sáng hôm đó. Cô cứ đi mãi, hết lên lầu rồi lại xuống thang. Cuối cùng, với một cái thở dài, cô nhìn vào cái đồng hồ nhỏ bằng bạc vốn là quà tặng sinh nhật của mẹ cô, những cây kim mỏng manh của nó cho cô biết là cô vẫn còn mười lăm phút nữa trước khi cần phải quay về căn phòng của người bà tám đời.
Cô bước vào một căn phòng giống như một thư viện nhỏ. Những bức tường chạy từ trần nhà xuống nền nhà chất đầy những quyển sách bìa da đủ cỡ, ở giữa là những bức chân dung và tiểu họa đáng yêu và hàng chục tấm huy chương. Cô đoán hẳn chúng phải thuộc về các cụ ông cụ bà của cô và chỉ có trời biết là họ đã sống cách đó bao nhiêu triều đại.
Thật sự, có một hai bức tranh, như những câu đề tặng khó đọc cho thấy, là quà của những vì vua chúa tặng cho gia đình. Trong những bộ trang phục, tóc giả, mũ không vành và những nếp váy khác nhau, trông như thể họ phải là những vị khách của một buổi dạ hội thời trang lớn.
Trong phòng có một hốc tường thấp gắn cửa sổ vòm và trên đó là một mảnh thảm thêu. Tấm kính cửa sổ mở ra. Mặt trời đã ngả về hướng tây, ánh nắng chiếu xiên vào rọi lên trên những cái khung mạ vàng, bằng gỗ mun hay ngà voi, treo trên những cây đinh . Alice quỳ xuống bên cửa sổ và tâm trí cô trôi vào một giấc mơ ngày. Ánh mắt cô lang thang lướt ra xa khỏi những ngọn sồi cổ thụ vàng óng ánh, những tàng tuyết tùng tối sẫm trải dài – có lẽ đó là con cháu của những cây mà ngài Philip Sidney[2] đã mang từ phương đông về nước Anh cho người vợ yêu của ông.
Những ý nghĩ suốt cả ngày nay đã lởn vởn trong tâm trí cô như những con muỗi vằn bay lởn vởn trên một cái ao dần dần lặng lại. Càng lúc, cô càng chìm sâu hơn vào sự im lặng đè nặng xuống ngôi nhà cổ. Như thể những bức tường của nó là thành của một quả chuông lặn khổng lồ đang chìm thật sâu xuống một đại dương thăm thẳm khôn lường của Thời gian. Bầu không khí tháng tư ở bên ngoài tĩnh lặng đến nỗi cô có thể thật sự nghe thấy tiếng nhai cỏ rào rạo của đàn nai lúc này đang tới gần những thảm cỏ của ngôi nhà.
Trong lúc đang ngồi thả hồn mơ mộng, cô bắt đầu nhận thấy một sinh vật nhỏ bé – loại thú này cô chưa từng thấy bao giờ - đã bò lên ngưỡng cửa sổ, cách cô chừng một bước chân và lúc này đang ngắm nghía cô với đôi mắt nâu tròn. Nó lớn hơn một con chuột chũi chút ít, bộ lông dầy mềm mại như bộ lông hải ly, còn cái đuôi của nó thì ngắn, xù ra thành búi. Đôi tai nó đang dỏng lên. Bộ ria ánh bạc của nó chĩa về phía trước bên trên cái mõm. Và Alice có thể nhìn thấy những cái móng màu ngà nhỏ xíu của nó khi nó ngồi chồm hổm như một con mèo nhà hay một con chó đang xin một mẩu thịt ngon. Chao ôi, Alice chẳng có món gì để tặng cho vị khách của mình, ngay cả một mẩu bánh vụn.
“Nè, anh bạn xinh xắn,” cô thì thầm, “gì thế?”
Bộ ria của con vật khẽ ngọ nguậy, đôi mắt nó nhìn chăm chú vào gương mặt của người khách lạ. Alice khẽ khàng đưa ngón tay ra, và ngạc nhiên nhận ra mình đang vuốt ve nhè nhẹ cái mũi đầy lông. “Như thể con đang lạc vào xứ thần tiên,” sau đó ít lâu cô giải thích với mẹ mình. Tuyệt đối lặng im và bất động, con vật dường như đang thưởng thức sự vuốt ve đó. Khi cô rút ngón tay về, nó nhìn kỹ cô hơn, như thể đang cầu xin cô chú ý đến nó. Rồi nó gõ liên tục những cái móng màu ngà lên khung cửa sổ, nhìn cô chăm chú, lắc mạnh cái đầu lông lá ba lần, dừng lại, rồi quay nhanh đầu chạy vào chỗ ẩn nấp ở phía sau một cái tủ Ma-rốc chạm trổ trước khi Alice kịp chào tạm biệt nó.
Những sự kiện hoàn toàn nhỏ bé trong cuộc đời này, ngay cả khi chúng ta không thể hiểu chính xác chúng có ý nghĩa gì, té ra dường như có khá nhiều ý nghĩa. Con vật nhỏ bé này đối với Alice cũng vậy. Như thể cô đang nghiền ngẫm một vấn đề rắc rối trong môn đại số hay một định đề Ơ-clit – dù cô không ý thức về điều đó – và nó đã chui ra khỏi nơi sinh sống của nó để nói cho cô biết câu trả lời. Thật là một nhận thức tuyệt vời! – khi Alice chẳng biết chút gì, cả về vấn đề rắc rối đó lẫn giải pháp của nó.
Một lần nữa, cô nhìn xuống chiếc đồng hồ. Đôi má xinh xắn của cô ửng hồng lên khi nhận ra lúc này cô đã muộn mất mười phút so với giờ hẹn với bà mẹ đỡ đầu. Cô phải đi. Tuy nhiên, cô vẫn còn thời gian nhìn ra chào từ giã cái khu vườn thơ mộng rộng lớn trước khi cất bước quay trở lại. 
Tuy nhiên, trước khi tìm ra đường, cô đã bị lạc một cách không thể cứu vãn được. Bởi lẽ ngôi nhà là cả một mê cung im lặng những hành lang đánh lừa người. Mỗi một nỗ lực mới chỉ làm tăng thêm sự bối rối của cô, và rồi đột nhiên cô nhận ra mình đang nhìn vào một căn phòng hoàn toàn khác với bất kỳ căn phòng nào khác mà cô đã nhìn thấy. Những bức tường thấp làm bằng đá, những cánh cửa sổ đầy bụi đóng im ỉm, trong phòng chẳng có gì khác ngoài một cái ghế. Và trong cái ghế đó là một hình ảnh to như thật của con người xinh xắn đang mỉm cười mà cô đã nhìn thấy trong bức chân dung – mắt nhắm, đôi má phớt hồng, mái tóc lung linh ánh vàng, đôi tay đặt hững hờ trên đùi, một trong hai bàn tay đang cầm một vật gì đó trông như những mẩu héo khô của một bó hoa hồng. Cô không thể nói được có cái gì đó đã cảnh báo cô trong hình ảnh vô hại này, nhưng cô nhìn đăm đăm vào nó một lúc với niềm kinh hãi, đóng cửa lại và chạy xa khỏi nó như thể đang bị đuổi theo trong một cơn ác mộng. Cô chạy dọc theo một hành lang rồi quẹo vào một hành lang khác, cuối cùng nhận ra nhờ một sự may mắn nào đó cô lại trở vào căn phòng nơi cô đã dùng bữa. Cô đứng đó, bàn tay đặt trên ngực, như thể cô không bao giờ lấy lại được hơi thở của mình. Cô không chỉ lo lắng, không chỉ e dè nữa: cô sợ hãi. “Phải chi, phải chi mình không bao giờ đến ngôi nhà này!” Cô nghĩ thầm một cách kinh hãi.
Khi bước vào phòng của bà cụ, cô nhẹ cả người khi nhận thấy bà vẫn đang còn ngủ. Cô có thể nhìn một lúc mà không bị nhìn lại.
Một trong những người anh của mẹ cô – nghĩa là một người cậu của cô – là một ông già chưa vợ ưa thích tặng những món quà sinh nhật.  Do đó Alice có nhiều búp bê hơn hầu hết những đứa trẻ khác: búp bê bằng len, bằng sáp, bằng sứ, của Hà Lan, của Pháp, của Nga, và thậm chí có một con đến từ quần đảo Andaman. Nhưng chẳng có con nào trong số đó có một gương mặt cực kỳ lặng lẽ bình yên như gương mặt nghiêng nghiêng trong chiếc mũ bạc viền đăng ten và chiếc áo choàng. Không có bất kỳ một biểu hiện nào trên nét mặt. Không một nụ cười mơ hồ nhất nào cả; không một thoáng cau mày. Thế nhưng trên khắp gương mặt đó là những đường nhăn chằng chịt từ đôi lông mày đổ xuống, tạo cho nó một dáng vẻ của một tấm bản đồ thanh nhã.
Đôi mắt nhỏ mở ra và ngay sau đó bà mẹ đỡ đầu của Alice thức giấc trong khi cô đang lặng lẽ xem xét nó thật kỹ như một tay săn tìm kho báu kỳ cựu đang nghiên cứu tấm sơ đồ của một hòn đảo bí mật.
“A,” bà nói khẽ, “ta đang trên một hành trình rất dài, nhưng ta nghe tiếng gọi của cháu. Chuyện gì đã xảy ra, ta tự hỏi,” và giọng nói trở nên khẽ hơn nữa, “chuyện gì xảy ra khi người ta đã đi quá xa để có thể nghe thấy những lời đồn như thế? Hãy trả lời ta đi nào? Nhưng không sao. Trước hết có một câu hỏi quan trọng hơn nhiều. Bây giờ, hãy nói cho ta biết, nếu cháu vui lòng, cháu nghĩ gì về ngôi nhà của ta?
Alice liếm môi. “Thưa bà,” cuối cùng cô cũng cố trả lời, “nó đã trải qua biết bao nhiêu thế hệ. Nó thật kỳ diệu, nhưng rất lặng lẽ.”
“Có thể có cái gì quấy rầy được nó?” Bà cụ hỏi.
Alice lắc đầu.
“Hãy cho ta biết,” giọng nói của bà cụ xuyên qua bầu không khí với một tiếng ngân kỳ lạ, “cháu có muốn ngôi nhà này dành cho chính cháu hay không?”
“Ngôi nhà này, cho chính cháu?” Cô thở mạnh.
“Phải, cho chính cháu, và mãi mãi – nói theo cách của người đời.”
“Cháu không hiểu hoàn toàn,” Alice nói.
Cái đầu nhỏ bé duỗi dài về phía trước như đầu của một con chim tò mò.
“Tự nhiên thôi, cháu cưng. Cháu không thể hiểu cho tới lúc ta nói rõ thêm một chút. Món quà mà ta đang đề nghị với cháu là một món quà mà có rất ít người trên thế giới này tưởng tượng ra là có thể. Nó không chỉ là ngôi nhà này, cháu ạ, với tất cả những đồ đạc của nó – có lẽ là khá nhiều đấy. Đó là đời sống. Cha của ta, cháu phải hiểu, là một nhà du lịch; vào những ngày mà sự nguy hiểm là bạn đồng hành thường xuyên của một con người. Trong chính căn phòng này, sau một chuyến viễn du nhiều năm ròng, ông ấy đã nói cho ta biết trong khi một cô gái ở một miền núi đầy băng tuyết buồn thảm nằm ở đó – miền tây Trung Quốc, ta tin là thế. Chính từ đó mà ông đã mang về bí mật của ông. Vì những nguyên nhân bi thảm và đau đớn nào đó ông không thể làm theo mong muốn của mình. Và ta, cháu ạ, là sự chọn lựa duy nhất của ông. Sẽ có một ngày nào đó cháu nhận ra niềm ao ước được sống tiếp tục đã khá mờ nhạt trong tâm trí của ta. Ta thú nhận rằng có đôi lúc ta cảm thấy hơi mệt mỏi. Nhưng trước khi ta ra đi, đặc quyền của ta – bổn phận của ta – là ban tặng điều bí mật này cho một người khác. Hãy nhìn vào ta!” Giọng nói hơi cất cao lên, như thể một con chim hồng tước đang cất tiếng líu lo trong căn phòng thấp đầy những âm vang. “Ta đang đề nghị lợi ích vô giá này với cháu.”
Alice ngồi thẳng như một ngọn mác trên chiếc ghế, không dám quay mắt sang bên ngay cả trong khoảnh khắc.
“Đó là sự bí mật hả bà?” 
“Phải,” bà cụ nói tiếp, nhắm mắt lại, “cháu đã nghe đúng lời của ta đấy. Ta sẽ nói thầm vào tai của cháu. Hãy tưởng tượng xem, cháu của ta, sự kỳ diệu của thời gian vô tận! Hãy tưởng tượng một cuộc sống với những thứ xung quanh giống như những thứ này, cách xa khỏi mọi thứ điên rồ và phiền toái của thế giới – và một nỗi sợ hãi – nỗi sợ hãi kinh khủng nhất trong mọi nỗi sợ hãi – không còn nữa, hay ít ra cũng ở xa đến mức hầu như không còn gây ra hậu quả. Hãy tưởng tượng ra điều đó, ta bảo cháu.”
Trong giây lát, ánh mắt của Alice dao động. Đôi mắt cô liếc nhanh ra phía cửa sổ nơi đang lấp lánh những sắc màu biến chuyển rất nhanh của ánh hoàng hôn; nơi những con chim hoang dã đang kêu hót và Mùa xuân đang lướt nhanh trên con đường của nó.
“Hãy nắm lấy thời gian của chính cháu, và đừng e sợ ta. Ta sẽ ra một vài điều kiện. Chỉ là cháu phải thề giữ im lặng, không hé môi một lời nào về điều mà ta sẽ nói với cháu – ngay cả với chính mẹ của cháu. Tất cả mọi thứ khác đều dễ dàng – tương đối dễ dàng. Tất cả mọi thứ khác. Cháu sẽ tới đây và sống với ta. Sẽ có những căn phòng được chuẩn bị cho cháu – sách vở, âm nhạc, những con ngựa để cưỡi, những người hầu để cháu sai bảo, tất cả những gì cháu cần. Và vào đúng mùa, ngôi nhà này, nơi tích lũy những thứ quý báu, cổ xưa và xinh đẹp này, khu vườn rộng trải dài nhiều dặm  hơn mức cháu có thể nhìn ra từ cánh cửa sổ cao nhất này, sẽ là của riêng một mình cháu. Có thể cháu sẽ mong nhớ những bạn bè trong một thời gian. Nói lời từ biệt là một điều buồn bã, ta nghe nói thế. Nhưng tất cả sẽ phai nhòa, tất cả sẽ trôi qua. Và sẽ tới lúc cháu không còn ao ước có bầu bạn nữa. Những người hầu có tuổi như những người hầu của ta không khó tìm; họ thận trọng và cần phải có lòng trung thành. Chúng ta sẽ có nhiều cuộc chuyện trò lặng lẽ cùng nhau. Ta có nhiều điều để nói với cháu. Cháu cưng ạ, ta muốn chia sẻ với cháu những ký ức mà ta chưa bao giờ hé môi với một ai. Trong ngôi nhà này có những gian chái mà lúc nãy cháu không thể xâm nhập vào đó, chỉ đơn giản vì chúng bị đóng kín bởi những song sắt và then cửa. Chúng chứa đựng rất nhiều thứ để ngắm nhìn, rất nhiều thứ để nấn ná ở lại, rất nhiều thứ để làm ta kinh ngạc. Phải, và cháu cưng ạ, ta sẽ tiếp tục sống trong cháu – hai tâm hồn của chúng ta… hai cuộc đời của chúng ta. Giờ hãy nói với ta, cháu nghĩ gì về lời đề nghị của ta? Và hãy nhớ kỹ điều này: Ngay cả Solomon trong mọi vinh quang của ông ta cũng không thể ban tặng cho cháu thứ mà ta đề nghị lúc này.”    
Cái đầu già nua gục gặt – như thể vì mệt nhọc. Những ngón tay co quắp lần mò một cách vô mục đích chiếc khăn tay viền đăng ten, và trí thông minh khốn khổ của Alice lại một lần nữa lâm vào tình trạng bối rối tột cùng. Căn phòng quay cuồng đến chóng mặt trước mắt cô. Cô nhắm mắt lại một lúc, cố gắng một cách vô ích để suy xét thật bình thản những điều mà giọng nói xa xăm không phải của loài người đó đang nói với cô. Cũng có thể cô đang chiến đấu trong giấc ngủ để thoát ra khỏi những tấm lưới chằng chịt của một giấc mơ, những cái bẫy giăng giăng của một cơn ác mộng. Bây giờ cô chỉ nghe thấy mỗi một điều, đó là tiếng hót của một con chim trong vườn và tiếng chiếc giày của cô đang gõ lên nền nhà. Cô lắng nghe – và quay trở lại.
“Ý của bà,” cô nói khẽ, “là sống mãi, sống mãi – như bà, hở bà?”
Bà cụ không trả lời.
“Vậy, bà có nghĩ là cháu có thể, nếu bà cho phép, cháu có thể có chút ít thời gian để suy nghĩ cặn kẽ về điều đó không ạ?”
“Suy nghĩ cặn kẽ cái gì?” Bà cụ hỏi. “Cháu cho rằng một đứa bé ở tuổi của cháu có thể suy nghĩ cặn kẽ suốt cả ba thế kỷ trước khi chưa có một giây nào của chúng hiện ra trước mắt hay sao?”
“Không ạ,” Alice nói, lòng can đảm của cô đã quay lại chút ít, “ý cháu là suy nghĩ cặn kẽ những điều mà bà đã nói. Thật khó mà biết chúng có ý nghĩa như thế nào.”
“Nó có nghĩa,” bà cụ nói, “là một biển cả không thể đo lường, một không gian vô tận, một triển vọng vô hạn độ của thời gian. Nó có nghĩa là sự tự do thoát khỏi mọi âu lo, khắc khoải, mọi điên rồ của rất nhiều sinh vật khốn khổ trong thế giới bên ngoài – sống vượt ra khỏi những ngày ít oi trong sự ngu xuẩn đần độn của họ. Cháu vẫn còn trẻ, nhưng ai mà biết được? Cháu cưng của ta, nó có nghĩa là hoãn lại chuyến viếng thăm một ông bạn của chúng ta, tên của ông ta là Cái chết.”
Bà thốt ra từ đó như thể vui thú với âm thanh của nó. Alice rùng mình, thế nhưng nó lại mang đến cho cô một giải pháp mới mẻ. Cô đứng lên khỏi ghế.
“Cháu biết cháu còn trẻ và ngốc nghếch, thưa bà; và cháu sẽ làm bất cứ điều gì trên đời này để không làm tổn thương tới những cảm giác của bà. Dĩ nhiên là cháu cũng biết rằng hầu hết tất cả chúng ta đều không khôn ngoan sắc sảo cho lắm. Nhưng bà đã nói tới cái chết; và cháu nghĩ, xin bà tha thứ nếu cháu nói thế, cháu thà là chết khi – ý cháu là khi mà cháu phải chết. Bà biết đó, sẽ là một điều rất đáng buồn đối với cháu nếu nó đến sau khi mẹ cháu đã – ý cháu là nếu mẹ cháu không thể chia sẻ điều bí mật đó. Và ngay cả khi đó… Vì sao tất cả chúng ta không chia sẻ nó? Cháu thấy là, thật vậy, có rất ít thời gian trên đời này để trở nên khôn ngoan hơn. Nhưng khi bà nghĩ tới những con người đã…”
“Cháu tới đây, cháu cưng,” bà Cheyney cắt ngang, “là để trả lời những câu hỏi, chứ không phải để hỏi. Ta không thể bị mệt quá. Khi đó ta sẽ không ngủ được. Nhưng chắc chắn là cháu đã đủ lớn để biết rằng không có người nào trong một ngàn người, không, trong cả một trăm ngàn người, lại hy vọng về việc trở nên khôn ngoan trừ phi anh ta sống cho tới ngày tận thế.”
Bà nhích về phía trước một chút. “Cứ cho là, cháu của ta, sự từ chối của cháu có nghĩa là bí mật này sẽ mất đi cùng với – với ta? Trừ phi,” giọng nói chuyển thành một tiếng thì thào, “trừ phi cháu bằng lòng chia sẻ nó? Hử, lúc đó thì sao?”
Alice nhận ra đôi mắt cô đang dán vào bà cụ như một con chim dán mắt vào một con rắn. Và câu trả lời duy nhất của cô là một cái lắc đầu mạnh mẽ. “Ồ,” cô kêu lên, và đột nhiên òa lên khóc, “cháu không thể nói với bà rằng cháu rất biết ơn về tất cả sự tốt bụng của bà, và cháu thật đau khổ khi phải nói điều này. Nhưng xin bà, bà Cheyney, cháu có thể đi ngay bây giờ không? Cháu cảm thấy một điều thật đáng sợ sẽ xảy ra nếu cháu ở lại đây dù chỉ thêm một phút.”
Dường như bà cụ đang vật vã trên chiếc ghế, như thể đang cố gắng đứng lên; nhưng sức lực của bà không cho phép. Bà giơ bàn tay đeo găng giống như cái móng chim lên cao.
“Vậy thì hãy đi ngay đi,” bà thì thào, “ngay lập tức. Ngay cả lòng kiên nhẫn của ta cũng chỉ có giới hạn. và khi cái ngày đó đến nhắc cho cháu nhớ về lòng tốt của ta, cháu sẽ ước gì cháu đã… Ôi, ôi…!” Giọng nói yếu đuối rít lên như một tiếng muỗi kêu rồi tắt hẳn. Khi nghe thấy nó, người quản gia già vội vã bước vào từ cánh cửa ở đầu kia phòng. Và Alice vọt nhanh qua cánh cửa còn lại.
Cô chỉ bước chậm lại để khôi phục lại hơi thở khi ngôi nhà đã khuất hẳn sau những tàng cây rậm rạp như một cánh rừng. Cô đã chạy như điên, không dám dừng lại thậm chí để liếc lại phía sau, như thể thiên thần hộ mệnh của cô đã chạy theo cô sát gót và chắp đôi cánh vào chân cô để cứu cô thoát khỏi mối hiểm nguy.
Chiều tối hôm ấy, trong căn phòng giải khát che màn đỏ ấm cúng của quán trọ “Sư tử đỏ”, cô và mẹ cô đã cùng nhấm nháp một ly đầy rượu vang Madeira của người chủ quán. Trước đó Alice chưa bao giờ giữ bất kỳ một bí mật nào với mẹ cô. Thế nhưng dù cô có thể kể lại hầu hết những chuyện đã xảy ra chiều hôm đó, cô không thể tự thuyết phục được mình thốt ra một lời nào về mục đích đã thôi thúc bà Cheyney gửi tới một lời mời rất mơ hồ như thế. Lúc đó và mãi mãi về sau.
“Con thật sự muốn nói là bà ấy không hề cho con một vật lưu niệm duy nhất nào hở con yêu,” mẹ cô lặp lại nhiều lần, nắm chặt bàn tay cô khi họ ngồi trong cái đêm mùa xuân se lạnh dưới cây cột đèn dầu cũ kỹ để chờ chuyến xe lửa trong cái nhà ga nhỏ miền quê. “Bà ấy không hề đề nghị cho con bất kỳ một thứ gì trong số những báu vật kỳ diệu trong ngôi nhà cũ đáng sợ đó hay sao?”
“Bà ấy hỏi con, mẹ thân yêu ạ,” Alice nói, quay mặt về phía cửa con đường hầm tối mà chẳng bao lâu nữa họ sẽ đi qua. “Bà ấy hỏi con có muốn sống lâu như bà ấy hay không. Và con thành thật nói rằng con thà sống như một sinh vật nhỏ bé ngốc nghếch chừng nào mà con còn sống cùng với mẹ.”
Nếu như người trưởng sân ga theo dõi họ, hẳn ông sẽ lấy làm lạ, nhưng dù kỳ lạ thế nào, đúng thật là ngay khoảng khắc đó hai mẹ con đã quay lại vào choàng tay ôm lấy cổ nhau, hôn nhau thắm thiết như thể đó là lần đầu tiên họ gặp lại nhau sau một chuyến hành trình dài đằng đẵng.
Alice cũng không hoàn toàn chính xác khi bảo rằng mẹ đỡ đầu của cô không tặng cho cô món quà nào cả. Vì sau đó một hai hôm, một kiện hàng được gửi tới theo đường bưu điện. Và trong những lớp giấy gói bằng loại giấy Trung Quốc cũ kỹ Alice nhận ra đó chính là bức chân dung mà cô từng nhìn thấy trên bức tường vào cái ngày dường như đã rất xa xăm – ý tôi là bức tranh của một môn đồ của họa sĩ nổi tiếng Hans Holbein, thể hiện người cụ bà tám đời của cô hồi còn trong tuổi thanh xuân vào năm 1564, khi bà chỉ mới mười bảy tuổi.




[1] Sir Walter Raleigh (1552 –1618), nhà văn, nhà thơ, nhà thám hiểm nổi tiếng.
[2] Sir Philip Sidney (1554 –1586) nhà thơ nổi tiếng của Anh.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét