Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Mrs Dalloway - Phần 6

Virginia Woolf  
Nguyễn Thành Nhân dịch






Xé vụn ra, chia nhỏ và tiếp tục chia nhỏ nữa, những cái đồng hồ của phố Harley gặm nhấm dần cái ngày tháng Sáu này, khuyên người ta nên khuất phục, giữ vững thẩm quyền, và đồng thanh chỉ ra những lợi thế lớn nhất của một ý thức về sự tương quan, cho tới khi cái ụ thời gian đã thu nhỏ lại đến độ một cái đồng hồ trưng bày để bán, treo trên một cửa hiệu ở phố Oxford, thông báo một cách ân cần, thân thiện, như thể việc cung cấp thông tin miễn phí là một niềm vui đối với các ông Rigby và Lowdes, rằng bây giờ là một giờ rưỡi.
Khi ngẩng nhìn lên, có vẻ như mỗi mẫu tự trong tên của họ đại diện cho một trong những giờ; theo tiềm thức, người ta biết ơn Rigby và Lowdes về việc cung cấp cho người ta thời giờ đã được Greenwich phê chuẩn; và lòng biết ơn này (Hugh Whitbread nghĩ thế trong lúc lượn lờ ở trước cửa sổ tiệm) sau đó, theo lẽ tự nhiên, nằm dưới hình thức mua những đôi vớ hay giày từ Rigbey và Lowdes. Ông nghĩ thế. Đó là thói quen của ông. Ông không đi sâu. Ông chỉ lướt qua các bề mặt; những tử ngữ, những sinh ngữ, cuộc sống ở Constantinople, Paris, Romes; cưỡi ngựa, săn bắn, quần vợt, nó từng như thế. Những kẻ ác tâm quả quyết rằng hiện giờ ông đang canh gác thứ mà không ai biết được ở điện Buckingham, mang những chiếc vớ lụa và mặc quần ống chẽn. Nhưng ông đã làm điều đó cực kỳ hiệu quả. Ông đã trôi nổi trên tầng lớp tinh hoa của xã hội suốt năm mươi lăm năm. Ông đã quen biết Thủ tướng. Người ta hiểu rằng những tình cảm của ông là sâu sắc. Và nếu đúng là ông không tham gia vào bất kỳ phong trào lớn nào của thời đại hay nắm giữ một chức vụ quan trọng, ông cũng đã thực hiện được một hai cải cách khiêm tốn; một trong số đó là việc cải tiến các chỗ nương thân công cộng, một việc khác là bảo vệ loài cú ở Norfolk; những cô người hầu có lý do để biết ơn ông; và tên của ông, nằm bên dưới những lá thư gửi tới tờ Times, yêu cầu những quỹ tài trợ, yêu cầu công chúng bảo vệ, bảo quản, dọn sạch rác rến, giảm hút thuốc, và dập tắt sự phi đạo đức trong các công viên, xứng đáng được tôn trọng.
Ông còn tỏ ra là một nhân vật cao quý, khi dừng lại giây lát (khi tiếng chuông điểm nửa giờ lắng lại) để nhìn với vẻ phê phán, hách dịch, vào những đôi giày và vớ; với vẻ không thể sai lầm, hệ trọng, như thể ông đang ngắm nhìn thế giới từ một mô đất cụ thể, và ăn mặc để đi diễu hành; nhưng nhận ra những nghĩa vụ mà tầm vóc, sự giàu sang, sức khỏe, tài sản thừa kế mang lại, và quan sát một cách tỉ mỉ ngay cả khi không cần thiết những cử chỉ lịch sự nho nhỏ, những nghi thức lỗi thời vốn mang tới một phẩm chất cho cung cách xử sự của ông một điều gì đó để noi theo, một điều gì đó để nhớ tới ông, vì ông sẽ không bao giờ ăn trưa, chẳng hạn, với phu nhân Bruton, kẻ ông đã quen biết hai mươi năm qua, nếu không mang tới cho bà một bó hoa cẩm chướng và hỏi thăm cô Brush, thư ký của phu nhân Bruton, về anh trai của bà ta ở Nam Phi, mà vì lý do nào đó khiến cô Brush, suy nghĩ một cách nông cạn rằng mình có mọi thuộc tính của vẻ quyến rũ nữ tính, bực tức đến nỗi cô ta bảo “Cám ơn ông, ông ta đang sống ổn ở Nam Phi,” trong khi suốt sáu năm qua ông ta sống rất tệ ở Portsmouth.
Bản thân phu nhân Bruton thích Richard Dalloway hơn, kẻ vừa tới ngay sau đó. Thật sự, họ đã gặp nhau ở thềm nhà.
Dĩ nhiên là phu nhân Bruton thích Richard Dalloway hơn. Ông được tạo thành từ một chất liệu tốt đẹp hơn nhiều. Nhưng bà sẽ không để cho họ bêu xấu Hugh thân mến tội nghiệp của bà. Bà không bao giờ quên được lòng tử tế của anh ta – thật sự anh ta rất tốt. Dù sao đi nữa, sự khác biệt giữa hai người đàn ông không đáng kể mấy. Bà chưa bao giờ nhìn ra ý nghĩa của việc chia rẽ mọi người như Clarissa Dalloway đã làm – chia rẽ họ và làm cho họ gắn bó trở lại; không, với bất cứ giá nào khi người ta ở tuổi sáu mươi hai. Bà nhận bó hoa cẩm chướng của Hugh với nụ cười cứng đơ khe khắt. Không có ai khác tới, bà nói. Bà đã mời họ tới đó với lý do vờ vịch, để giúp bà gỡ rối một việc khó khăn…
“Nhưng chúng ta hãy ăn trước đã,” bà nói.
Và thế là bắt đầu một sự di chuyển tới lui êm ru và khéo léo qua những cánh cửa xoay của những người hầu đội mũ trắng, những cô hầu gái không cần thiết, nhưng rất lão luyện về vẻ bí ẩn hay sự dối trá được thực hành bởi những bà chủ nhà ở khu Mayfair từ số 130 tới số 132, khi mà, với một cái vẫy tay, sự lưu thông ngừng lại, và thay vào đó nổi lên ngay từ đầu cái ảo tưởng sâu sắc về  thức ăn – không phải trả tiền; và sau đó cái bàn trải ra một cách tự nguyện với những ly cốc, dao nĩa, những miếng vải lót nhỏ, những đĩa trái cây chín đỏ; những con cá bơn phủ những lớp kem nâu; những con gà bị chặt bơi trong những cái nồi; ngọn lửa bùng lên rực rỡ sắc màu, hoang dã; và với rượu vang và cà phê (không tính tiền) những ảo tượng vui tươi mọc lên trước những đôi mắt mơ màng; những đôi mắt trầm tư; những đôi mắt mà với chúng cuộc sống hiện ra đầy chất nhạc, bí ẩn; những đôi mắt lúc này ngời lên để quan sát một cách thân ái vẻ đẹp của những bông cẩm chướng đỏ mà phu nhân Bruton (những cử động của bà luôn cứng đơ) đã đặt bên cạnh đĩa của mình, khiến cho Hugh Whitebread, cảm thấy an bình với toàn vũ trụ đồng thời hoàn toàn chắc chắn về vị trí của mình, vừa nói vừa đặt nĩa xuống:
“Không phải trông chúng thật đáng yêu trên tấm vải đăng ten của bà hay sao?”
Cô Brush cực kỳ phẫn nộ với sự suồng sã này. Cô nghĩ ông ta là một gã thô lỗ. Cô khiến cho phu nhân Bruton cười phá lên.
Phu nhân Bruton giơ những đóa hoa cẩm chướng lên, cầm chúng khá cứng nhắc với cung cách hệt như cung cách cầm cuộn giấy của vị tướng trong bức tranh sau lưng bà; bà duy trì trạng thái bất động, xuất thần. Bà là ai, cháu nội của vị tướng? Cháu cố? Richard Dalloway tự hỏi. Ngài Roderick, ngài Miles, ngài Talbot – đó là bức tranh. Trong gia đình đó, vẻ giống nhau tồn tại ở những người phụ nữ là một điều nổi bật. Lẽ ra bản thân bà nên là một vị tướng kỵ binh. Và Richard sẽ phục vụ dưới quyền của bà, một cách hân hoan; ông rất kính trọng bà; ông yêu thích những cảnh tượng lãng mạn về những người phụ nữ có huyết thống cao quý, và thích, theo cách thức vui vẻ của mình, đưa một số chàng trẻ tuổi bốc đồng mà ông quen biết tới ăn trưa với bà; như thể một kiểu người như bà có thể là dòng dõi của những người hòa nhã ưa thích uống trà! Ông biết quê hương của bà. Ông biết những người thân của bà. Có một dây nho, vẫn đang sinh trưởng, mà Lovelace[1] hoặc Herrick[2] – bản thân bà không hề đọc một câu thơ nào, nhưng câu chuyện kể như thế – đã ngồi dưới gốc nó. Tốt hơn nên đợi trước khi đưa ra với họ vấn đề đã khiến bà phiền lòng (về việc đưa ra cho công chúng một yêu cầu; nếu thế thì theo những điều kiện nào, vân vân), tốt hơn nên đợi cho tới khi họ dùng xong cà phê, phu nhân Bruton nghĩ; và do đó đặt những nhánh hoa cẩm chướng xuống cạnh cái đĩa của mình.
“Clarissa thế nào?” Bà đột ngột hỏi.
Clarissa luôn nói rằng phu nhân Bruton không thích mình. Thật ra, phu nhân Bruton nổi tiếng về việc quan tâm tới chính trị hơn là mọi người; về việc nói năng như một người đàn ông; về việc có dính dáng tới một mưu đồ khét tiếng trong thập niên tám mươi, mà hiện đang bắt đầu được nhắc tới trong những cuốn hồi ký. Chắc chắn là trong phòng khách của bà có một cái hốc tường, và trong đó có một cái bàn, trên cái bàn đó là một bức ảnh của Tướng Talbot Moore, giờ đã quá cố, kẻ đã ngồi viết ở đó (vào một buổi tối trong thập niên tám mươi) với sự hiện diện của phu nhân Bruton, với sự chứng kiến, có lẽ cố vấn, của bà, một bức điện tín ra lệnh cho quân lính Anh tiến hành một sự kiện lịch sử. (Bà cầm cây bút máy và kể câu chuyện.) Do vậy, khi bà hỏi theo cách thức ứng khẩu của mình “Clarissa thế nào?” những ông chồng gặp khó khăn trong việc thuyết phục các bà vợ của mình và thật ra, bất kể tận tụy tới đâu, vẫn kín đáo ngờ vực chính mình, về sự quan tâm của bà đối với những người phụ nữ vốn thường hay cản đường đấng phu quân của họ, ngăn họ nhận những chức vụ ở nước ngoài, và phải được đưa tới bờ biển vào giữa phiên họp để phục hồi sức khỏe sau một cơn cảm cúm. Dù sao, câu hỏi “Clarissa thế nào?” của bà, mà những người phụ nữ hoàn toàn biết rõ là một dấu hiệu của một người mong muốn điều tốt, từ một người bạn hầu như im lặng, kẻ mà những phát biểu của bà ta (khoảng sáu lần trong quãng thời gian một đời người) biểu thị sự thừa nhận về một tình đồng chí của phái nữ diễn ra bên dưới những bữa ăn trưa của phái nam và hợp nhất phu nhân Bruton với bà Dalloway – kẻ mà bà ít khi gặp mặt, và khi họ gặp nhau lại có vẻ lãnh đạm, thậm chí thù địch – trong một mối ràng buộc đặc biệt.
“Hồi sáng này tôi gặp Clarissa trong công viên.” Hugh Whitbread nói, lặn vào cái nồi thịt hầm, nôn nao muốn tự mình bày tỏ lòng ngưỡng mộ nhỏ nhoi này, vì ông chỉ cần tới London và đã gặp mọi người ngay lập tức; nhưng tham lam, một trong những người đàn ông tham lam nhất mà cô từng biết, Milly Brush nghĩ; cô quan sát những người đàn ông với thái độ chính trực không hề nao núng, và có khả năng tận tụy mãi mãi, với giới tính riêng của mình nói riêng, với gương mặt đầy góc cạnh, u nần, vết xây xát, và hoàn toàn không có vẻ quyến rũ của phái nữ.
“Anh có biết ai đang ở trong thị trấn không?” Phu nhân Bruton đột nhiên sực nhớ. “Anh bạn cũ Peter Walsh của chúng ta.”
Cả bọn mỉm cười. Peter Walsh! Và ông Dalloway thật sự vui mừng, Milly Brush nghĩ; còn ông Whitbread thì chỉ nghĩ tới món thịt gà của mình.
Peter Walsh! Cả ba người, phu nhân Bruton, Hugh Whitbread và Richard Dalloway, đều cùng nhớ về một chuyện – Peter đã yêu say đắm ra sao; đã bị khước từ; sang Ấn Độ; gặp chuyện không may; làm hỏng mọi thứ; và Richard Dalloway cũng rất mến ông bạn cũ thân mến này. Milly Brush nhìn thấy điều đó; nhìn thấy một vết hằn sâu trên mày của ông; nhìn thấy ông ta do dự; tự hỏi; điều khiến bà thích thú, vì ông Dalloway luôn khiến cô thấy thích thú, vậy ông ta đang nghĩ gì về Peter Walsh, cô tự hỏi.
Rằng Peter Walsh đã từng yêu Clarissa; rằng ông sẽ trở về ngay sau bữa ăn và tìm Clarissa; rằng ông sẽ nói với bà ấy, với thật nhiều từ, rằng ông yêu bà ấy. Phải, ông sẽ nói điều đó.
Có lần Milly Brush đã suýt phải lòng với những sự im lặng đó; và ông Dalloway luôn rất đáng tin cậy; còn là một quý ông tuyệt vời nữa. Hiện giờ, với tuổi bốn mươi của mình, phu nhân Bruton chỉ cần gật đầu hoặc xoay đầu hơi bất ngờ một chút là Milly đã nắm bắt được ám hiệu,  bất kể cô có thể chìm sâu tới đâu vào những hồi ức về một tinh thần tách biệt, một linh hồn liêm chính mà cuộc sống không thể đánh lừa, vì cuộc sống không hề cho cô một vật nữ trang có giá trị nhỏ nhất nào; không một lọn tóc xoăn, nụ cười, môi, má, mũi; không bất cứ thứ gì; phu nhân Bruton chỉ cần gật đầu, và Perkins nhận được chỉ thị nhanh nhanh đưa cà phê lên.
“Phải, Peter Walsh đã trở về.” Phu nhân Bruton nói. Điều này đã mơ hồ tôn giá trị của tất cả bọn họ lên. Ông ta đã trở về những bờ biển an toàn của họ, hao mòn, thất bại. Nhưng không thể nào giúp ông ta, họ ngẫm nghĩ; có một sai sót trong tính cách của ông ta. Có lần Hugh Whitbread đã nói, dĩ nhiên chỉ nhắc tới tên ông ta là gì gì đó. Ông nhăn mặt một cách sầu thảm, tự đắc, với ý nghĩ về những lá thư ông sẽ viết cho lãnh đạo các văn phòng của chính phủ về “ông bạn cũ Peter Walsh của tôi,” vân vân. Nhưng điều đó sẽ không đưa tới đâu cả – không đưa tới bất cứ thứ gì có tính chất lâu dài, do tính cách của ông ta.
 “Đang gặp rắc rối với một người đàn bà nào đó.” phu nhân Bruton nói. Cả bọn đều đoán rằng điều đó nằm ở đáy của vấn đề.
“Tuy nhiên,” phu nhân Bruton nói, nôn nóng muốn rời khỏi chủ đề này, “chúng ta sẽ nghe toàn bộ câu chuyện từ chính bản thân Peter.”
(Cà phê tới chậm quá.)
“Địa chỉ?” Hugh Whitbread lẩm bẩm; và ngay tức khắc có một gợn sóng lăn tăn trong đợt thủy triều phục vụ cuốn quanh phu nhân Bruton hết ngày này sang ngày khác, tập trung, chặn đứng, bao phủ bà trong một tấm vải mỏng; đập tan những chấn động, giảm thiểu những gián đoạn và trải quanh ngôi nhà trên phố Brook một tấm lưới bền chắc nơi mọi thứ được đặt để và chọn ra một cách chính xác, tức thì, bởi Perkins tóc bạc, kẻ đã sống với phu nhân Bruton suốt ba mươi năm qua và lúc này đang viết cái địa chỉ; trao nó cho Whitbread. Ông móc cuốn sổ bỏ túi của mình ra, nhướng mày, rồi nhét nó vào giữa những thứ hồ sơ có tầm quan trọng cao nhất, nói rằng ông sẽ bảo Evelyn mời ông ta tới ăn trưa.
(Họ đang chờ Whitbread xong việc để mang cà phê tới.)
Hugh quá chậm chạp, phu nhân Bruton nghĩ. Anh ta đang ngày càng béo ra, bà nhận thấy. Richard luôn duy trì bản thân trong điều kiện hoàn hảo nhất. Bà đang trở nên nóng nảy; toàn bộ bản thể của bà đều mang tính tích cực, dứt khoát, gạt sang bên một cách độc đoán tất cả những điều vặt vãnh, không cần thiết (Peter Walsh và những vấn đề của anh ta) trùm lên cái chủ đề thu hút sự chú ý của bà, và không chỉ sự chú ý, mà cả cái thớ sợi vốn là cái que thông nòng súng của tinh hồn bà, cái phần tinh túy đó mà nếu thiếu nó hẳn Millicent Bruton sẽ không còn là Millicent Bruton; cái dự án về việc đưa những người trẻ tuổi ở cả hai giới tính là con cái của những bậc phụ huynh khả kính đi di cư và thiết lập một tương lai xán lạn thịnh vượng ở Canada. Có lẽ bà đã đánh mất ý thức về sự tương quan của mình. Đối với những người khác di cư không phải là một biện pháp hiển nhiên, ý niệm cao nhất. Đối với họ (đối với Hugh, hay Richard, hay thậm chí cô Brush tận tâm) nó không phải là kẻ giải phóng cho tính tự cao tự đại bị đè nén của một phụ nữ thượng võ mạnh mẽ, được nuôi dạy tốt, được kế thừa tốt, có những thôi thúc trực tiếp, những cảm xúc thẳng thừng, và ít khả năng nội quan (rộng rãi và đơn giản – vì sao mọi người không thể rộng rãi và đơn giản? Bà hỏi), những cảm giác nổi lên trong lòng bà, một khi tuổi trẻ đã là quá khứ, và phải nảy ra từ một đối tượng nào đó – đó có thể là Sự di cư, đó có thể là Sự giải phóng; nhưng bất kể nó là gì, đối tượng vốn là bản chất của linh hồn bị giấu kín hàng ngày này của bà, đã trở thành nửa phần là tấm gương soi sáng rực, tựa như lăng kính, nửa phần là đá quý; lúc thì được cẩn thận che đậy để tránh bị mọi người chế nhạo; lúc thì được phô bày một cách tự hào. Nói tóm lại, ở một mức độ lớn, Sự di cư đã trở thành phu nhân Bruton.
Nhưng bà phải viết. Và một lá thư gửi tới tờ Times, bà thường nói với cô Brush, khiến bà tốn kém nhiều hơn tổ chức một đoàn thám hiểm tới Nam Phi (mà bà đã tiến hành trong cuộc chiến). Sau khi một trận đánh của buổi sáng bắt đầu, loang ra, bắt đầu lại, bà thường cảm thấy sự vô hiệu quả của nữ tính của chính bà mà bà không cảm thấy trong những trường hợp khác, và thường quay một cách biết ơn sang ý nghĩ về Hugh Whitbread, kẻ sở hữu – không ai có thể nghi ngờ điều đó – nghệ thuật viết những lá thư cho tờ Times.
Một con người được cấu tạo hoàn toàn khác với bà, với một khả năng tinh thông về ngôn ngữ đến thế; có thể sắp đặt mọi thứ giống như những biên tập viên; có những đam mê mà người ta không thể gọi một cách đơn giản là lòng tham. Phu nhân Bruton thường đình chỉ sự phán xét đối với những người đàn ông thể theo hiệp ước bí ẩn mà trong đó họ, chứ không phải phụ nữ, đại diện cho những quy luật của vũ trụ; biết cách sắp đặt các thứ; biết cần phải nói gì; để nếu Richard góp ý cho bà, và Hugh viết cho bà, vì lý do nào đó bà chắc chắn về sự đúng đắn. Vì thế bà để cho Hugh ăn xong món trứng rán phồng; hỏi thăm về Evelyn tội nghiệp; chờ cho tới khi họ hút thuốc, và rồi cất tiếng:
“Milly, cô đi lấy giấy giùm được không?”
Và cô Brush đi ra, quay lại; đặt những tờ giấy lên bàn; và Hugh móc cây bút máy ra; cây bút máy bằng bạc của ông, đã phục vụ suốt hai mươi năm qua, vặn nắp bút. Nó vẫn còn trong tình trạng hoàn hảo; ông đã đưa nó cho những nhà sản xuất xem; không có lý do gì, họ bảo, để nó bị mòn đi; theo cách nào đó điều này mang lại uy tín cho Hugh, và uy tín cho những tình cảm mà cây bút của ông thể hiện (Richard Dalloway cảm thấy như thế) trong lúc Hugh bắt đầu cẩn thận viết những chữ hoa với những vòng tròn quanh chúng ở lề giấy, và do vậy đã giảm thiểu một cách kỳ diệu những ý tưởng rối rắm của phu nhân thành thứ ý nghĩa, thứ ngữ pháp mà tay biên tập viên của tờ Times phải tôn trọng, phu nhân Bruton nghĩ, trong lúc quan sát sự chuyển hóa kỳ diệu đó. Hugh chậm chạp. Hugh cố chấp. Richard bảo người ta phải đánh liều. Hugh đề nghị những bổ sung chiếu theo những cảm nghĩ của mọi người, mà, ông nói với vẻ khá chua chát khi Richard bật cười, “phải được cân nhắc tới,” và đọc to lên “do đó, chúng tôi có ý kiến rằng thời điểm đã chín muồi ra sao… giới trẻ thừa thãi của dân số không ngừng gia tăng của chúng ta… điều mà chúng ta mang ơn những người chết…” mà Richard nghĩ toàn là những lời lẽ ba hoa rỗng tuếch, nhưng không có hại gì trong chuyện đó, dĩ nhiên, và Hugh tiếp tục phác thảo những cảm nghĩ theo trật tự abc của tầng lớp cao quý nhất, phủi tro xì gà khỏi cái áo gi-lê, và thỉnh thoảng tóm tắt lại quá trình đã viết cho tới khi, rốt cuộc, ông đọc lớn bản nháp của một lá thư mà phu nhân Bruton cảm thấy chắc chắn là một kiệt tác. Bà có thể tự mình viết nghe kêu đến thế hay không?
Hugh không thể bảo đảm việc biên tập viên sẽ đệ trình nó lên; nhưng ông sẽ gặp ai đó vào bữa ăn trưa.
Tới đây, phu nhân Bruton, kẻ hiếm khi tỏ ra biết ơn, nhét tất cả những nhánh hoa cẩm chướng của Hugh vào phía trước váy của bà, và chìa tay ra, gọi ông là “ngài Thủ tướng của tôi!” Hẳn bà sẽ không biết phải làm gì nếu không có hai người bọn họ. Họ đứng lên. Và Richard Dalloway chậm chạm bước ra ngoài như thường lệ để nhìn một cái vào bức chân dung vị tướng, vì ông có ý định, khi có thời gian rảnh rỗi, sẽ viết một tiểu sử về gia đình của phu nhân Bruton.
Và Millicent Bruton rất tự hào về gia đình của bà. Nhưng họ có thể chờ, họ có thể chờ, bà nói, nhìn bức ảnh; có ý nói rằng gia đình bà, những người đàn ông trong giới quân sự, những nhà lãnh đạo, những vị đô đốc, là những con người của hành động, đã thực hiện bổn phận của họ; và bổn phận đầu tiên của Richard là đất nước của ông, nhưng đó là một gương mặt đẹp, bà nói; và tất cả giấy tờ đã sẵn sàng để Richard mang xuống Aldmixton khi tới thời điểm; ý bà là chính quyền của đảng Lao động. “Chà, tin tức từ Ấn Độ!” Bà kêu lên.
Thế rồi, trong lúc họ đứng trong đại sảnh lấy những đôi găng tay vàng từ cái bát trên cái bàn malachite và Hugh đang trao cho cô Brush, với sự nhã nhặn hoàn toàn không cần thiết, một tấm vé bị loại nào đó hay một lời khen ngợi khác, mà cô ghét cay ghét đắng từ tận đáy tim và  khiến cô đỏ ửng lên như gạch nung, Richard quay sang phu nhân Bruton, với cái mũ trên tay, và bảo:
“Chúng tôi sẽ gặp phu nhân ở bữa tiệc tối nay của chúng tôi chứ?” Nghe thế phu nhân Bruton khôi phục lại vẻ cao quý mà việc viết thư đã làm cho tan tác. Bà có thể tới mà cũng có thể không. Clarissa có một năng lượng tuyệt vời. Những bữa tiệc khiến phu nhân Bruton kinh hãi. Nhưng bà đang ngày càng già đi. Bà thố lộ thế, đứng ở lối ra vào; xinh đẹp; người rất thẳng; trong lúc con chó su của bà duỗi người ra sau lưng bà, và cô Brush biến mất vào phía sau với hai tay đầy những tờ giấy.
Và phu nhân Bruton đi một cách đường bệ, chậm rãi lên phòng mình, nằm duỗi một cánh tay trên chiếc trường kỷ. Bà thở dài, bà ngáy, không phải vì đang ngủ, chỉ hơi lơ mơ và nặng nề, lơ mơ và nặng nề, như một cánh đồng cỏ ba lá dưới ánh mặt trời trong cái ngày tháng Sáu nóng bức này, với lũ ong lượn vòng quanh và những con bướm vàng. Bà luôn trở lại những cánh đồng ở mạn Devonshire đó, nơi bà đã phóng qua những con suối trên lưng Patty, con ngựa nhỏ của bà, với Mortimer và Tom, các anh của bà. Và còn có đàn chó; có những con chuột đồng; có cha mẹ bà  trên bãi cỏ dưới những hàng cây, với những bộ đồ uống trà bày ngoài trời và những luống hoa thược dược, hoa thục quỳ, cỏ bông bạc; và họ, những đứa ranh con nhỏ xíu, luôn dự tính một trò tai quái nào đó! len lén quay lại qua khu bụi rậm để không bị nhìn thấy, cả bọn áo quần lấm láp vì một trò nghịch ngợm. Bà vú già thường ca cẩm nhiều biết bao về cái váy yếm của bà!
Ái chà, bà nhớ – đó là một ngày thứ Tư ở phố Brook. Những anh chàng tốt bụng dễ thương đó, Richard Dalloway, Hugh Whitbread, trong cái ngày nóng nực này, đã đi qua những đường phố mà tiếng ồn ào của nó vọng lên tới nơi bà đang nằm trên chiếc trường kỷ. Quyền lực thuộc về bà, địa vị, thu nhập. Bà đã sống ở tuyến đầu của thời đại mình. Bà đã có những người bạn tốt; quen biết những người đàn ông có khả năng nhất vào thời của mình. London đang thì thầm cuốn lên chỗ bà, và bàn tay bà, đang gác trên lưng trường kỷ, cong lại trên một chiếc gậy tưởng tượng mà những người ông của bà đã cầm, như thể bà đang cầm nó, ngủ lơ mơ và nặng nề, chỉ huy những tiểu đoàn hành quân tới Canada, và những chàng trai tử tế đó bước ngang qua London, cái lãnh địa đó của họ, tấm thảm bé nhỏ đó, Mayfair.
Và họ đi ngày càng xa bà, bị gắn vào bà bởi một sợi chỉ mỏng (vì họ đã ăn trưa với bà) cứ trải dài, trải dài, ngày càng trở nên mỏng manh hơn khi họ bước ngang qua London; như thể bạn hữu của một người được gắn vào thân thể của người đó, sau khi ăn trưa với họ, bởi một sợi chỉ mỏng (trong lúc bà ngủ mơ màng ở đó); nó trở nên mơ hồ với âm thanh của những cái chuông, đang điểm giờ hay gọi phục vụ, như một sợi tơ nhện duy nhất lấm tấm những giọt mưa, và, trở nên nặng trĩu, võng xuống. Cứ thế bà ngủ.  
Richard Dalloway và Hugh Whitbread ngần ngừ ở góc phố Conduit vào đúng giây phút mà Millicent Bruton, đang nằm trên trường kỷ, bỏ mặc cho sợi chỉ đứt phựt; ngáy pho pho. Những cơn gió ngược chiều xô vào nhau ở góc phố. Họ nhìn vào một cửa tiệm; họ không muốn mua hay trò chuyện mà chỉ muốn tách khỏi những cơn gió ngược chiều đang xô vào nhau ở góc phố, với một dạng dòng chảy nào đó trong những đợt thủy triều của thân thể, hai lực lượng gặp nhau trong một cơn lốc xoáy, buổi sáng và buổi chiều, họ dừng lại. Một tấm áp phích quảng cáo nhật trình bay vút lên không trung, một cách quả cảm, thoạt tiên như một con diều giấy, rồi dừng lại, nhào xuống, vẫy cánh; và một tấm voan che mặt của một phu nhân treo lơ lửng. Những tấm vải bạt màu vàng run rẩy. Tốc độ lưu thông của buổi sáng chậm lại, và những cỗ xe một ngựa lóc cóc chạy một cách bất cẩn dọc những đường phố nửa phần vắng vẻ. Ở Norfolk, mà Richard đang lơ mơ nghĩ tới, một cơn gió nhẹ ấm áp thổi ngược những cánh hoa; khuấy động những mặt nước; làm những đám cỏ đang ra hoa gợn lên như sóng. Trước đó những người thợ phơi cỏ đã dựng lều bên dưới những hàng rào để ngủ  trưa sau buổi sáng cực nhọc; giờ họ tách những tấm màn lá cỏ xanh ra; gạt sang bên những chùm hoa ngò tây hình cầu đang rung động để nhìn thấy bầu trời; bầu trời xanh, kiên định, sáng chói của mùa hè.
Ý thức rằng mình đang nhìn vào một cái ca bạc có hai quai, và Hugh Whitbread đang thưởng thức một cách nhún nhường với dáng vẻ của một người am hiểu một chuỗi hạt Tây Ban Nha và nghĩ tới việc hỏi giá để nhỡ khi Evelyn có thể ưa thích nó – tuy nhiên Richard vẫn còn mụ mị; không thể suy nghĩ hay cử động. Cuộc sống đã nôn ra sự đổ nát này; cửa sổ của các tiệm đầy những hạt đá giả nhiều màu và người ta đứng thừ ra với trạng thái hôn mê của người già, cứng người lại với sự cứng đơ của người già, nhìn vào. Evelyn Whitbread có thể thích mua cái xâu chuỗi hạt Tây Ban Nha này – rất có thể. Ông phải ngáp. Hugh đang bước vào tiệm.
“Anh đúng đấy!” Richard nói, đi theo.
Có trời biết là ông không muốn đi mua những xâu chuỗi với Hugh. Nhưng có những đợt thủy triều trong cơ thể. Buổi sáng gặp buổi chiều. Chịu đựng như một chiếc xuồng máy mong manh trên những dòng nước lũ sâu, rất sâu, ông cố của phu nhân Bruton và cuốn hồi ký và những chiến dịch của ông ta ở Bắc Mỹ bị dìm xuống và chìm đắm. Cả Millicent nữa. Bà chìm xuống. Richard không hề quan tâm tới việc Sự di cư sẽ trở thành thứ gì; về lá thư đó, về việc tay biên tập viên có đệ trình nó lên hay không. Xâu chuỗi treo lủng lẳng giữa những ngón tay hâm mộ của Hugh. Cứ mặc ông ta tặng nó cho một cô gái, nếu ông ta phải mua đồ trang sức bằng đá quý – bất cứ cô gái nào, bất cứ cô gái nào trên đường. Vì sự vô giá trị của cuộc đời này đã giáng cho Richard một đòn mạnh mẽ – việc mua những xâu chuỗi cho Evelyn. Giá như ông có một cậu con trai ông sẽ bảo, Làm việc, làm việc. Nhưng ông có Elizabeth; ông yêu quý Elizabeth của mình.
“Tôi muốn gặp ông Dubonnet.” Hugh nói với giọng cộc lốc thường ngày. Có vẻ như gã Dubonnet này có những số đo vòng cổ của bà Whitbread, hoặc, còn lạ lùng hơn, biết các quan điểm của bà ta về đồ trang sức bằng đá quý Tây Ban Nha và mức độ tài sản của bà ta ở phạm vi này (điều mà Hugh không thể nhớ). Với Richard Dalloway, dường như tất cả những điều này vô cùng kỳ quặc. Vì ông không bao giờ tặng quà cho Clarissa, trừ một cái vòng đeo tay cách nay hai ba năm và đó không phải là một thành công. Bà ấy chả bao giờ đeo nó. Ông đau lòng khi nhớ ra bà ấy không bao giờ đeo nó. Và như một sợi tơ nhện độc nhất sau khi dao động qua lại tự gắn mình vào một chỏm lá, tâm hồn của Richard cũng thế, hồi phục lại từ trạng thái mơ màng, lúc này đặt vào vợ của ông, Clarissa mà Peter Walsh đã từng yêu say đắm; và ông đã có một ảo tượng đột ngột về bà ấy trong bữa ăn trưa; về chính ông và Clarissa, về cuộc sống chung của họ; và ông kéo cái khay đựng những món trang sức cũ về phía mình, cầm lên đầu tiên là cái trâm cài tóc này rồi tới chiếc nhẫn kia, “Cái đó giá bao nhiêu?” Ông hỏi, nhưng nghi ngờ thị hiếu của chính mình. Ông muốn mở cánh cửa phòng khách ra và bước vào, đưa ra vật gì đó; một món quà cho Clarissa. Chỉ có điều đó là gì? Nhưng Hugh lại cất bước. Ông ta vênh vang không thể tả. Thật sự, sau khi qua lại ở đây suốt ba mươi lăm năm, ông ta sẽ không để cho một cậu bé không biết việc trì hoãn mình lại. Vì dường như Dubonnet đã ra ngoài, và Hugh sẽ không mua bất cứ món gì cho tới khi ông Dubonnet chọn cách ở trong tiệm; nghe vậy chàng thanh niên đỏ mặt lên và khẽ cúi đầu chào ông ta theo đúng thể thức. Tất cả đều đúng một cách hoàn hảo. Thế nhưng Richard không thể nói điều đó sẽ cứu vớt cuộc đời ông! Vì sao những người này chịu đựng được sự xấc láo đáng nguyền rủa đó ông không thể hiểu. Hugh đang trở thành một con lừa khó mà khoan thứ nổi. Richard Dalloway không thể chịu được một giờ đi cùng với ông ta. Và, khẽ vỗ vào cái mũ quả dưa thay cho lời từ giã, Richard quẹo ở góc phố Conduit, nôn nóng hơn, phải, rất nôn nóng, để đi theo sợi tơ nhện của sự gắn bó giữa ông và Clarissa; ông sẽ đi thẳng tới chỗ bà ấy, ở Westminster.
Nhưng ông muốn bước vào, tay cầm thứ gì đó. Hoa chăng? Phải, hoa, vì ông không tin vào thị hiếu về vàng của mình; bất kỳ số lượng hoa nào, hồng, phong lan, để chúc mừng cái, mà khi bạn sẵn lòng xét tới các thứ, đúng là một sự kiện; cái cảm giác về bà ấy khi họ nói về Peter Walsh trong bữa ăn trưa; và họ chưa bao giờ nói về nó; họ không hề nói về suốt bao năm nay; điều đó, ông nghĩ, ôm những nhánh hoa hồng đỏ và trắng bó chung lại (cả một bó lớn bọc trong giấy lụa), là sai lầm lớn nhất trên đời. Thời điểm đến khi người ta không thể nói nên lời; người ta quá ngượng ngùng không nói được, ông nghĩ, cất bước với bó hoa lớn ôm sát vào người tới Westminster để vừa nói thẳng ra bằng rất nhiều lời lẽ (bất kể bà ấy có thể nghĩ gì về ông), vừa giơ bó hoa ra, “Tôi yêu em.” Sao không chứ? Đây thật sự là một phép mầu khi nghĩ tới cuộc chiến tranh, và nhiều ngàn chàng trai tội nghiệp, với cả cuộc đời phía trước, đã bị vùi lấp cùng nhau, và đã bị nửa phần quên lãng; đây là một phép mầu. Tại đây, ông đang băng qua London để nói với Clarissa bằng rất nhiều lời lẽ rằng ông yêu bà ấy. Điều mà người ta chưa bao giờ nói, ông nghĩ. Phần vì người ta lười lĩnh; phần vì người ta ngượng. Và Clarissa – nghĩ tới bà ấy thật khó khăn; trừ những lúc bắt đầu, như ở bữa ăn trưa, khi ông thấy bà ấy hoàn toàn khác biệt; toàn bộ cuộc đời của họ. Ông dừng lại ở ngã tư; và lặp lại – vốn đơn giản do bản chất, và chưa hề trở nên hư hỏng, vì ông đã đi bộ và săn bắn; vốn cố chấp và kiên trì, từng đấu tranh để bảo vệ những kẻ bị áp bức và làm theo những bản năng của mình ở Hạ viện; vẫn duy trì tính mộc mạc của mình nhưng đồng thời trở nên khá ít lời, hay đúng hơn là cứng nhắc – ông lặp lại rằng việc ông lấy Clarissa thật là một phép mầu; một phép mầu – cuộc đời ông đã là một phép mầu, ông nghĩ; do dự chưa băng qua đường. Nhưng việc nhìn thấy những đứa bé năm sáu tuổi băng qua ngã tư Piccadilly một mình khiến máu ông sôi lên. Cảnh sát nên dừng lưu thông lại ngay lập tức. Ông không có ảo tưởng nào về cảnh sát London. Thật ra ông đang thu thập chứng cứ về những việc làm phi pháp của họ; và những người bán hàng rong đó, không được phép dừng xe ba gác của họ trên đường phố; và những cô gái điếm, Trời ạ, lỗi không phải ở họ, cũng không phải ở những gã thanh niên, mà ở hệ thống xã hội đáng tởm của chúng ta, vân vân; ông cân nhắc tất cả những điều đó, người ta có thể thấy là ông đang cân nhắc, tóc bạc, bền bỉ, nhanh nhẹn, sạch sẽ, khi ông bước ngang qua công viên để nói với vợ ông rằng ông yêu bà ấy.
Vì ông sẽ nói điều đó với rất nhiều lời lẽ, khi bước vào phòng. Vì thật là ngàn lần đáng tiếc nếu không bao giờ nói ra điều mà người ta cảm thấy, ông nghĩ, vừa băng qua công viên Green vừa thích thú quan sát cái cách toàn bộ những gia đình, những gia đình nghèo, đang nằm ườn ra dưới bóng râm của cây cối; lũ trẻ vung chân lên, bú sữa; những cái túi giấy vứt xung quanh, có thể dễ dàng được thu nhặt (nếu mọi người phản đối) bởi một trong những quý ông béo ị mặc chế phục; vì ông ta có ý kiến rằng mọi công viên, mọi quảng trường, trong những tháng hè, nên được mở ra cho trẻ em (cỏ trong công viên đỏ ửng và héo úa, soi sáng những bà mẹ nghèo của khu Westminster và những em bé mới biết bò, như thể có một ngọn đèn vàng đang di chuyển bên dưới). Nhưng người ta có thể làm gì cho những người phụ nữ lang thang như sinh vật khốn khổ đó, đang duỗi người trên khuỷu tay (như thể cô ta tự treo mình lên trái đất, cởi bỏ mọi ràng buộc, để quan sát một cách tò mò, để suy xét một cách táo tợn, để cân nhắc những lý do và nguyên cớ, trơ tráo, môi thừ ra, hóm hỉnh), ông không biết. Mang bó hoa của mình như thể một thứ vũ khí, Richard Dalloway tới gần cô ta; ông phăm phăm bước ngang qua cô ta; tuy nhiên có đủ thì giờ cho một cái chạm mắt giữa họ với nhau – cô ta cười to khi nhìn thấy ông, ông mỉm cười vui vẻ, xét tới nan đề về những phụ nữ lang thang; không phải là họ sẽ nói tới việc đó. Nhưng ông sẽ bảo với Clarissa rằng ông yêu bà ấy, với rất nhiều lời lẽ. Lâu lắm rồi, ông từng ghen với Peter Walsh; ghen với ông ta và Clarissa. Nhưng bà ấy thường nói với ông rằng bà đã đúng khi không lấy Peter Walsh; rõ ràng đúng là thế, nếu biết Clarissa; bà ấy muốn có sự hỗ trợ. Không phải bà ấy nhu nhược; nhưng bà ấy muốn có sự hỗ trợ.
Còn về phần điện Buckingham (như một nữ diễn viên chính đối mặt với khán giả trong bộ đồ toàn trắng), bạn không thể chối rằng nó có một phẩm cách nhất định, ông cân nhắc, cũng không coi thường cái, nói cho cùng, đại diện cho một biểu tượng, dù nó phi lý, đối với hàng triệu người (một đám đông nhỏ đang đợi để nhìn thấy đức vua lái xe ra); hẳn một đứa bé với một thùng gạch có thể làm tốt hơn, ông nghĩ; nhìn vào đài kỷ niệm Nữ hoàng Victoria (ông có thể nhớ bà mang đôi kính gọng sừng ngồi xe qua khu Kensington), cái mô đất cao của nó, tính chất người mẹ dâng trào của nó; nhưng ông thích được cai quản bởi hậu duệ của Horsa[3]; ông thích sự tiếp nối; và cảm giác về việc lưu truyền những truyền thống của quá khứ. Đây là một thời đại vĩ đại để sống. Thật sự, cuộc đời của chính ông là một phép mầu; đừng để ông phạm sai lầm gì về nó; ông ở đây, trong giai đoạn tươi đẹp của cuộc đời, đi bộ về nhà mình ở Westminster để nói với với Clarissa rằng ông yêu bà ấy. Hạnh phúc là điều này, ông nghĩ.
Nó là điều này, ông nói, khi ông bước vào Dean’s Yard[4]. Tháp Big Ben bắt đầu đổ chuông, trước tiên là tiếng nhạc báo hiệu, rồi tới giờ khắc, bất khả vãn hồi. Những bữa tiệc trưa làm phí mất cả buổi chiều, ông nghĩ, đi tới gần cửa nhà mình.
Tiếng chuông Big Ben tràn ngập căn phòng khách của Clarissa, nơi bà ngồi cạnh bàn viết, đang khá bực mình; lo âu, bực mình. Hoàn toàn đúng là bà không mời Ellie Henderson tới dự tiệc; nhưng bà làm điều đó là có mục đích. Bây giờ bà Marsham viết: Bà ta đã nói với Ellie Henderson rằng bà ta sẽ đề nghị với Clarissa – Ellie rất muốn tới dự.
Nhưng vì sao bà phải mời tất cả những phụ nữ tẻ ngắt ở London tới dự những bữa tiệc của mình? Vì sao bà Marsham can thiệp? Và còn chuyện Elizabeth cứ to nhỏ với Doris Kilman suốt buổi trong buồng. Bà không thể tưởng tượng ra chuyện gì đáng tởm hơn thế. Cầu nguyện với người đàn bà đó vào giờ này. Và tiếng chuông Big Ben tràn ngập căn phòng với làn sóng u hoài của nó; làn sóng này rút lui, rồi tự tập hợp lại để hạ xuống một lần nữa, khi bà nghe thấy, một cách lơ đãng, có thứ gì đó đang sờ soạng, thứ gì đó đang cào vào cửa. Ai đến vào giờ này? Ba giờ, ôi Trời. Đã là ba giờ! Vì với sự trực tiếp đầy áp đảo và phẩm giá, đồng hồ điểm ba giờ; và bà không nghe thấy gì khác; nhưng cái tay nắm cửa xoay đi và Richard bước vào! Thật kinh ngạc biết bao! Richard bước vào, giơ bó hoa ra. Có lần bà đã phụ lòng ông, ở Constantinople; và phu nhân Bruton, người mà những bữa tiệc của bà ta được cho là cực kỳ thú vị, đã không mời bà. Ông ấy đang giơ bó hoa ra – hoa hồng, những đóa hồng đỏ và trắng. (Nhưng ông không thể đủ can đảm thốt lên rằng ông yêu bà ấy; với rất nhiều lời lẽ, không.)
Nhưng đáng yêu làm sao, bà nói, cầm lấy bó hoa của ông. Bà hiểu; bà hiểu mà không cần ông nói ra; Clarissa của ông. Bà cắm chúng vào cái lọ trên bệ lò sưởi. Trông chúng đáng yêu làm sao! Bà nói. Và bữa tiệc có vui không? Bà hỏi. Phu nhân Bruton có hỏi thăm bà không? Peter Walsh đã trở lại. Bà Marsham đã viết. Bà có phải mời Ellie Henderson không? Người đàn bà Kilman đó đang ở trên gác.
“Nhưng chúng ta hãy ngồi xuống năm phút đã.” Richard nói.
Tất cả trông có vẻ quá trống vắng. Toàn bộ những cái ghế xếp sát tường. Họ đã làm gì? Ồ, đó là dành cho bữa tiệc; không ông không quên, bữa tiệc. Peter Walsh đã trở lại. Ồ, phải; bà ấy đã có ông. Và ông ta sắp sửa ly dị; và ông ta đã yêu một người phụ nữ nào đó ở ngoài kia. Và ông ta không hề thay đổi chút nào. Bà ấy ở đó, đang chữa lại cái váy của mình…
“Đang nghĩ tới Bourton.” Bà nói.
“Hugh đã tới ăn trưa.” Richard nói. Bà cũng đã gặp ông ta! Chà, ông ấy đang ngày càng quá quắt. Mua những xâu chuỗi cho Evelyn; béo hơn bao giờ hết; một con lừa không thể chịu nổi.
“Và đột nhiên tôi nghĩ ‘Lẽ ra tôi đã lấy ông.’” bà nói, nghĩ tới Peter đang ngồi đó với cái nơ con bướm nhỏ xíu của mình; với con dao nhíp đó, mở nó ra, đóng nó lại. “Giống như ông ta luôn là vậy, ông biết đó.”
Họ đã nói chuyện về ông ta trong bữa trưa, Richard nói. (Nhưng ông không thể nói với bà ấy rằng ông yêu bà ấy. Ông cầm lấy tay của bà ấy. Hạnh phúc là điều này, ông nghĩ.) Họ đã viết một lá thư cho tờ Times giùm Millicent Bruton. Đó là tất cả những gì phù hợp với Hugh.
“Và cô Kilman thân mến của chúng ta?” Ông hỏi. Clarissa nghĩ những đóa hồng hoàn toàn đáng yêu; đầu tiên được bó chung với nhau; giờ sự hòa hợp của chính họ bắt đầu tách rời nhau.
“Kilman tới ngay khi chúng tôi ăn trưa xong.” Bà nói. “Elizabeth có vẻ bối rối. Họ tự nhốt mình trong phòng. Tôi cho là họ đang cầu nguyện.”
Chúa ơi! Ông không thích điều này; nhưng những vụ này sẽ đi quá trớn nếu bạn để mặc chúng.
“Mặc một cái áo khoác đi mưa và mang một cái dù.” Clarissa nói.
Ông không nói “Tôi yêu em”; nhưng ông cầm tay bà. Hạnh phúc là điều này, là điều này, ông nghĩ.
“Nhưng vì sao tôi phải mời tất cả những phụ nữ tẻ ngắt ở London tới dự tiệc của tôi?” Clarissa nói. Và nếu bà Marsham tổ chức một bữa tiệc, bà ta có mời khách của bà không?
“Ellie Henderson tội nghiệp.” Richard nói – thật rất lạ lùng khi Clarissa quan tâm tới những bữa tiệc của bà ấy nhiều đến thế, ông nghĩ.
 Nhưng Richard không để ý gì tới dáng vẻ của một căn phòng. Tuy nhiên – ông sẽ nói gì đây?
Nếu bà ấy lo lắng về những bữa tiệc này, ông sẽ không cho bà ấy tổ chức chúng. Bà ấy có ao ước rằng giá mà đã lấy Peter không? Nhưng ông phải đi.
Ông phải đi, ông nói, đứng lên. Nhưng ông đứng giây lát như thể sắp nói điều gì đó; và bà tự hỏi đó là gì? Vì sao? Có những đóa hồng.
“Một cuộc họp ủy ban nào đó hở?” Bà hỏi khi ông mở cửa.
“Những người Armenia.” Ông nói; hoặc có lẽ đó là “Những người Albania.”
Và ở mọi người có một phẩm chất; một sự lẻ loi; thậm chí giữa vợ chồng cũng có một cái vịnh; và người ta phải tôn trọng điều đó, Clarissa nghĩ, quan sát ông mở cửa; vì người ta sẽ không tự  tách nó khỏi chồng mình, hay đón nhận nó, trái với ý muốn của ông ta, mà không đánh mất sự độc lập, lòng tự trọng của mình – một điều gì đó, nói cho cùng, là vô giá.
Ông quay lại với một cái gối và một tấm chăn.
“Một giờ nghỉ ngơi trọn vẹn sau bữa trưa.” Ông nói. Và ông đi.
Đúng là tính cách của ông! Ông sẽ tiếp tục nói “Một giờ nghỉ ngơi trọn vẹn sau bữa trưa” cho tới phút tận cùng của thời gian, vì có lần một bác sĩ đã ra lệnh như thế.
 Tính cách của ông là nghiêm chỉnh tuân theo những gì các bác sĩ nói; một phần của sự đơn giản đáng mến, tuyệt vời của ông, mà không ai có cùng mức độ; nó khiến cho ông đi và làm điều đó trong lúc bà và Peter phung phí thì giờ để cãi cọ không đâu. Ông đã đi được nửa đường tới Hạ viện, tới những người Armenia, những người Albania của mình, sau khi bố trí bà trên chiếc trường kỷ, nhìn những bông hồng. Và mọi người sẽ nói: “Clarissa Dalloway hỏng rồi.” Bà quan tâm tới những bông hồng của mình hơn những người Armenia nhiều. Bị săn đuổi khỏi sự hiện hữu, bị làm cho trở nên tật nguyền, bị đóng băng, những nạn nhân của sự độc ác và bất công (bà đã từng nghe Richard nói đi nói lại mãi như thế) – không , bà không thể cảm nhận gì về những người Albania, hay đó là những người Armenia? Nhưng bà yêu những bông hồng của mình (điều đó có giúp gì cho những người Armenia không?) – những bông hoa duy nhất mà bà có thể chịu đựng được việc nhìn chúng bị cắt. Nhưng Richard đã ở Hạ viện; ở Ủy ban của ông, sau khi giải quyết tất cả những khó khăn của bà. Nhưng không; ôi trời, điều đó không đúng. Ông không nhìn thấy những lý do chống lại việc mời Ellie Henderson. Bà sẽ làm điều đó, dĩ nhiên, như ông muốn. Vì ông đã mang cái gối tới, bà sẽ nằm xuống. Nhưng… nhưng… vì sao bà đột nhiên cảm thấy, bà không thể khám phá là vì lý do gì, bất hạnh một cách tuyệt vọng? Như một người đã đánh rơi một hạt ngọc hay hạt kim cương xuống cỏ và rất thận trọng tách những lá cỏ ra, theo hướng này hướng khác, tìm kiếm chỗ này chỗ khác một cách vô hiệu quả, rồi cuối cùng phát hiện ra nó ở đó, trên lớp rễ, thế là bà đi từ việc này sang việc khác; không, không phải việc Sally Seton bảo rằng Richard sẽ không bao giờ vào nội các vì ông có một bộ não của tầng lớp thứ hai (nó quay lại với bà); không, bà không quan tâm tới điều đó; cũng không dính dáng gì tới Elizabeth và Doris Kilman; đó là những thực tế. Nó là một cảm giác, một cảm giác không vui nào đó, có lẽ là hồi đầu ngày; một điều gì đó mà Peter đã nói, cộng với một sự phiền muộn nào đó của chính bà, trong phòng ngủ của bà, khi bà gỡ mũ ra; và những gì Richard nói đã bổ sung vào đó, nhưng ông đã nói gì? Có những bông hồng của ông ấy. Những bữa tiệc của bà! Đúng là nó rồi! Những bữa tiệc của bà! Cả hai người bọn họ đã chỉ trích bà rất bất công, chế nhạo bà rất bất công, vì những bữa tiệc của bà. Đúng là nó rồi! Đúng là nó rồi!
Chà, bà sẽ tự vệ như thế nào đây? Giờ bà đã biết nó là gì, bà cảm thấy hoàn toàn hạnh phúc. Họ nghĩ, hay ở bất kỳ giá nào Peter nghĩ, rằng bà vui sướng khi tự ép buộc mình; thích có những người nổi tiếng xung quanh mình; những tên tuổi lớn; nói tóm, chỉ là một sự hợm hĩnh. Vâng, Peter có thể nghĩ như thế. Richard chỉ nghĩ bà thật ngốc khi thích sự kích động trong lúc bà biết nó có hại cho trái tim của mình. Nó trẻ con, ông ấy nghĩ. Và cả hai đều sai hoàn toàn. Cái bà thích chỉ đơn giản là cuộc sống.
“Tôi làm là vì điều đó.” Bà nói, lớn tiếng, với cuộc sống.
Vì bà đang nằm trên trường kỷ, ẩn dật, vô nghĩa vụ, sự hiện diện của điều mà bà cảm thấy rất hiển nhiên này trở nên sự hiện hữu về mặt vật chất; với những chuỗi âm thanh từ đường phố, ánh mặt trời, với hơi thở ấm nồng, đang thì thầm, thổi tung những tấm màn che. Nhưng giả sử Peter nói với bà “Phải, phải, nhưng những bữa tiệc của bà – ý nghĩa của chúng là gì?” tất cả những gì bà có thể nói là (và bà không thể mong ai thấu hiểu): Chúng là một sự trao tặng; điều đó nghe mơ hồ kinh khủng. Nhưng Peter là ai để cho rằng toàn bộ cuộc sống chỉ là việc ra khơi? – lúc nào Peter cũng yêu, lúc nào cũng yêu một người phụ nữ không phù hợp? Tình yêu của ông là gì? Bà có thể nói với ông ta. Và bà biết câu trả lời của ông ta; rằng nó là điều quan trọng nhất trên đời và không người phụ nữ nào có thể hiểu nó. Rất hay. Nhưng liệu có bất kỳ người đàn ông nào hiểu ý định của bà không? Về cuộc đời? Bà không thể hình dung rằng Peter hay Richard chuốc lấy sự phiền phức của việc tổ chức một bữa tiệc không vì bất cứ lý do gì.
Nhưng nếu đi sâu hơn, bên dưới những gì mọi người nói (và những phán xét này thật nông cạn, thật chắp vá biết bao!) trong tâm trí của bà lúc này, nó có ý nghĩa gì với bà, cái điều mà bà gọi là cuộc đời này? Ôi, nó thật lạ lùng. Đây là Ngài nào đó ở South Kensingtin; một ai đó ở Bayswater; và một ai đó khác, chẳng hạn, ở Mayfair. Và bà cảm thấy một ý thức liên tục về sự tồn tại của họ; bà cảm thấy thật lãng phí biết bao; bà cảm thấy thật đáng tiếc biết bao; bà cảm thấy giá như bà có thể đưa họ tới gần nhau; thế là bà làm điều đó. Và đó là một sự trao tặng; để kết hợp, để sáng tạo; nhưng cho ai?
Một sự trao tặng vì chính sự trao tặng, có lẽ. Dù sao, đó là khả năng thiên phú của bà. Bà không còn thứ gì khác với tầm quan trọng nhỏ nhất; không thể tư duy, viết lách, thậm chí chơi dương cầm; bà lẫn lộn giữa người Armenia và người Thổ; yêu sự thành công; ghét sự thiếu tiện nghi; phải được người khác ưa thích; nói vô số những điều phi lý; và tới tận hôm nay, nếu hỏi bà đường xích đạo là gì, bà không biết. Tuy nhiên, ngày này tiếp theo ngày khác; Thứ tư, Thứ năm, Thứ sáu, Thứ bảy; người ta phải thức dậy vào buổi sáng; nhìn thấy bầu trời; thả bộ trong công viên; gặp Hugh Whitbread; rồi đột nhiên Peter bước vào; rồi những bông hồng này; thế là đủ. Sau đó, cái chết thật khó tin biết bao! Rằng nó phải kết thúc; và không ai trên toàn thế giới biết bà đã yêu tất cả những điều này như thế nào; như thế nào, trong từng khoảnh khắc…



[1] Richard Lovelace (1618–1657) nhà thơ Anh.
[2] Robert Herrick (1591 – 1674) nhà thơ Anh.
[3] Nhân vật truyền thuyết trong lịch sử Anh, sống vào khoảng thế kỷ thứ 5.
[4] Là phần sân có cổng riêng nằm trong khu vực Tu viện Westminster ở London.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét