Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Đọc Tây tiến viễn chinh



Tình cờ tìm thấy bài viết mà chính tôi từ lâu cũng quên mất, post lại làm kỷ niệm :)





 Sau Tết 2006, tôi nhận được một cuộc điện thoại di động từ Đà Nẵng. Cuộc gọi kéo dài gần nửa giờ. Người gọi là Trần Duy Dũng, em của liệt sĩ Trần Duy Chiến. Vài ngày sau, tôi nhận được cuốn “Tây Tiến viễn chinh”* do chính đại tá Nguyễn Văn Hồng (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 309-Mặt trận 479, nguyên Phó tư lệnh Quân đoàn 4, chỉ huy của liệt sĩ Trần Duy Chiến) trao tận tay.

Cũng là những tâm tình, suy nghiệm về cuộc sống trong bối cảnh chiến tranh, nhưng không như nhật ký của các liệt sĩ thời chống Mỹ (Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc...), “Tây tiến viễn chinh” nằm trong một góc độ thời gian, không gian và cả nhận thức có phần khác biệt. Đọc “Tây tiến viễn chinh”, lòng tôi dạt dào niềm mến thương đồng cảm với Trần Duy Chiến, chàng học sinh vừa mới rời ghế nhà trường. Những dòng nhật ký ấy gợi tôi nhớ lại những ngày chập chững bước vào quân ngũ của mình và bạn bè cùng trang lứa, lần đầu nếm trải những gian lao vất vả và tình đồng đội thân thương.

Cuộc đời người lính chảy âm thầm, đưa Chiến và đồng đội từ quân trường Mỹ Thị lên vùng đất đỏ Buôn Ma Thuột. Chiến viết về vùng đất mới lạ này bằng những câu thật ngây thơ, giản dị mà đầy xúc cảm: “Cái đất Buôn Ma Thuột này lạnh thiệt, tháng này đâu phải mùa lạnh mà sao nó lại lạnh ghê. Chiều xuống thì sương cũng dày đặc. Hôm qua lúc chiều, mặc dù lệnh cấm trại nhưng tôi cũng liều chuồn ra phố Buôn Ma Thuột chơi. Vui thiệt, mấy cô dân tộc xinh quá, ôm cặp đi học lại càng xinh hơn, không khác gì người Kinh...”.

Dòng chảy chiến chinh tiếp tục lướt trôi... Rừng biên giới Chu-bơ-room... Lâm Phát, Buôn Lung, Tà Keo, Tà Sanh... Những ngày tháng nặng nề với rừng già trập trùng vây phủ xung quanh, trước mặt là họng súng quân thù. “Cứ mỗi chiều, khi chút nắng vàng còn đậu lại trên chóp đầu cây thốt nốt trước nhà là tôi lại một lần lo lắng: không biết đêm nay địch có tập kích vào nơi tôi ở không?... Để đến lúc ông mặt trời ló chiếc đầu hói từ phương Đông nhìn sang, thì câu hỏi của tôi mới được trả lời-đêm qua địch không tập kích, tôi vẫn còn sống và tiếp tục một ngày mới...”.

Cuộc sống trôi đi, trôi đi. Những lo âu sợ sệt rồi cũng dần phai. Chiến và đồng đội đã thật sự trở thành những người lính dạn dày nhưng Mẹ và “Đà Thành” vẫn là nỗi nhớ không nguôi. Và trong đối địch với hiểm nguy từng ngày từng giờ phút ấy, người lính đã dần dần “ngộ” ra thêm nhiều điều mới trong quan hệ với đồng đội, cấp trên, với người dân nước bạn, trong suy tư về cuộc chiến.

Ngày 20-7-1980, trên đường truy quét bọn diệt chủng Pôn Pốt, tiểu đội của Chiến lọt vào ổ phục kích. Tiểu đội trưởng Trần Duy Chiến hy sinh. Và cuốn nhật ký của anh cũng khép lại với trang cuối ghi ngày 25-6-1980.

Trong nhật ký còn có một số bài thơ. Thơ của Trần Duy Chiến hồn nhiên, lãng mạn, hơi dàn trải, nhưng cảm xúc đều rất nồng ấm, chân thành. Tâm hồn Chiến nhạy cảm, dễ dàng rung động với những buồn vui khi nhẹ nhõm, lúc nặng nề trong đời quân ngũ, đặc biệt những dòng thơ anh viết về tình yêu rất dễ tìm được sự đồng cảm sẻ chia nơi người đọc.

Cùng với “Cuộc chiến tranh bắt buộc” (Hồi ký của đại tá Nguyễn Văn Hồng) và các tác phẩm khác viết về cuộc chiến của quân tình nguyện Việt Nam ở chiến trường Cam-pu-chia, “Tây tiến viễn chinh” đã khắc họa một cách sinh động và chân thực về hình ảnh người lính Việt Nam trong một giai đoạn hào hùng và bi tráng.

                            Nguyễn Thành Nhân


(Báo QĐND - Thứ Hai, 23/10/2006)

 * Nhật ký liệt sĩ Trần Duy Chiến- Nxb Hội Nhà văn- 2006.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét