Thứ Năm, 10 tháng 1, 2013

Mrs Dalloway - Phần 9

Virginia Woolf
Nguyễn Thành Nhân dịch








Một trong những thắng lợi của nền văn minh, Peter Walsh nghĩ. Đây là một trong những thắng lợi của nền văn minh, khi tiếng còi báo động của chiếc xe cấp cứu vang vang. Chiếc xe cấp cứu vọt tới bệnh viện một cách nhanh chóng, gọn gàng, sau khi đã thu nhặt một cách tức thì, đầy lòng nhân đạo, một kẻ vô phúc tội nghiệp nào đó; một ai đó bị đập vào đầu, ngất xỉu vì bệnh, bị xe đụng có lẽ trước đó khoảng một phút tại một trong những ngã tư này, như chuyện có thể xảy ra với bất kỳ người nào. Đó là nền văn minh. Nó gây ấn tượng cho ông, kẻ quay trở về từ phương Đông – tính hiệu quả, tính tổ chức, tinh thần công cộng ở London. Mọi cỗ xe ngựa hay xe hơi tự nguyện nép sang một bên để cho chiếc xe cấp cứu chạy qua. Có lẽ nó không lành mạnh; hoặc đúng hơn là nó không gợi lòng thương cảm, sự tôn trọng mà họ bày tỏ trước chiếc xe cấp cứu với nạn nhân bên trong này – những người đàn ông bận rộn đang hối hả về nhà thế nhưng lập tức bị nhắc nhớ tới một bà vợ nào đó khi chiếc xe chạy ngang qua; hoặc có thể giả sử một cách dễ dàng rằng họ đang ở trong đó, duỗi người trên một cái băng ca với một viên bác sĩ và một người y tá… Chà, nhưng suy nghĩ ngay lập tức trở nên bệnh hoạn, ủy mị khi người ta bắt đầu hình dung tới những tay bác sĩ, những tử thi; một niềm vui nho nhỏ, cả một dạng khao khát với cái ấn tượng hiển hiện cảnh báo người ta đừng tiếp tục với điều đó nữa – tính chất tiền định đối với nghệ thuật, tính chất tiền định đối với tình bằng hữu. Đúng. Thế nhưng, Peter Walsh nghĩ, khi chiếc xe cấp cứu quẹo ở góc phố dù vẫn có thể nghe thấy tiếng còi xe ở con đường kế tiếp và xa hơn khi nó băng qua phố Tottenham Court, tiếp tục hụ lên inh ỏi, đó là đặc quyền của sự cô đơn; trong sự riêng tư, người ta có thể làm theo ý thích. Người ta có thể khóc nếu không có ai nhìn thấy. Đây là thứ đã tàn phá ông – sự nhạy cảm này – trong một xã hội Anh-Ấn; không khóc hay cười vào thời điểm đúng. Mình có điều đó trong tâm hồn, ông nghĩ khi đứng cạnh trụ thư công cộng mà giờ có thể tan biến trong những dòng nước mắt. Vì sao, chỉ có trời mới biết. Có lẽ một loại vẻ đẹp nào đó, và sức nặng của ngày hôm nay, bắt đầu với cuộc viếng thăm Clarissa, đã làm cho ông kiệt sức vì độ nóng của nó, sự căng thẳng của nó, và sự nhỏ giọt, nhỏ giọt, của hết ấn tượng này sang ấn tượng khác xuống cái tầng hầm nơi họ đứng, sâu thẳm, tối tăm, và chưa ai từng biết. Một phần vì lý do đó, sự bí ẩn của nó, trọn vẹn và bất khả xâm phạm, đã khiến ông phát hiện ra cuộc sống giống như một khu vườn chưa ai biết tới, đầy những chỗ ngoặt, những góc quanh, bất ngờ, phải; thật sự nó đã khiến cho người ta bị hụt hơi, những khoảnh khắc ấy; chiếc xe cấp cứu này; sự sống và cái chết. Như thể ông đang bị hút lên một cái mái nhà rất cao bởi dòng cảm xúc dạt dào và phần còn lại của ông, như một bờ biển trắng rải rác vỏ sò, bị bỏ trống không. Đây là thứ đã tàn phá ông trong xã hội Anh-Ấn – sự nhạy cảm này.
Có lần, Clarissa đã lên tầng trên của một chiếc xe buýt hai tầng với ông ở đâu đó, Clarissa rất dễ xúc động, ít ra ở vẻ ngoài, khi thì thất vọng, khi thì hưng phấn, hoàn toàn run rẩy trong những ngày đó và là một người bạn đồng hành tuyệt vời, nhìn những cảnh tượng nho nhỏ lạ lùng, những cái tên, mọi con người, từ tầng trên của một chiếc xe buýt, vì họ thường thám hiểm London và mang về những túi xách đầy các thứ quý báu từ chợ Caledonian – hồi đó Clarissa có một lý thuyết, như mọi người trẻ tuổi. Đó là giải thích cảm giác của họ về sự bất mãn; không hiểu biết mọi người; không được mọi người hiểu biết. Vì làm sao họ có thể hiểu biết về nhau? Bạn gặp nhau hàng ngày; rồi không gặp suốt sáu tháng, hay nhiều năm trời. Đó là sự bất mãn, họ đồng ý, người ta biết mọi người thật ít ỏi biết bao. Nhưng bà ấy nói, khi ngồi trên chiếc xe buýt đang chạy trên đại lộ Shaftesbury, bà ấy cảm thấy mình ở khắp mọi nơi; không phải “ở đây, ở đây, ở đây” mà khắp mọi nơi; và bà ấy vỗ vào lưng ghế;  Bà ấy vẫy tay, ngồi xe ngược đại lộ Shaftesbury. Bà ấy là tất cả những thứ đó. Vì thế để hiểu biết bà ấy, hay bất cứ một ai, người ta phải tìm ra những người giúp cho họ trở nên trọn vẹn; ngay cả những địa điểm. Bà có những quan hệ kỳ lạ với những người chưa từng nói chuyện, một phụ nữ nào đó trên phố, một người đàn ông nào đó sau một quầy tính tiền – thậm chí cả những cây cối hay những kho thóc. Nó kết thúc trong một lý thuyết tiên nghiệm mà, với sự khiếp sợ cái chết của bà ấy, cho phép bà ấy tin tưởng hoặc nói rằng bà ấy tin (bất chấp mọi hoài nghi của bà ấy) rằng từ khi chúng ta xuất hiện, cái phần xuất hiện của chúng ta rất ngắn ngủi nhất thời so với phần khác, phần không nhìn thấy của chúng ta; nó trải rộng ra, có thể sống sót, có thể khôi phục lại, vì lý do nào đó gắn liền với người này hay người nọ, hay thậm chí vẫn ngụ lại ở những nơi chốn nhất định sau cái chết… có lẽ – có lẽ.
Khi nhìn lại tình bạn lâu dài gần ba mươi năm đó, lý thuyết của bà ấy đã có hiệu quả tới mức độ này. Vắn tắt, đổ vỡ, thường là đau khổ như những cuộc gặp gỡ thực sự của họ với sự lơ đãng của ông và những sự xen ngang (ví dụ hồi sáng này, Elizabeth bước vào, như một chú ngựa non chân dài, xinh đẹp, lầm lì, vừa đúng lúc ông bắt đầu nói với Clarissa), tác động của chúng lên cuộc đời ông là không thể đo lường. Ở nó có một sự bí ẩn. Bạn được trao cho một thứ hạt sắc nhọn, khó chịu – cuộc gặp gỡ thật sự; thường xuyên là đau khủng khiếp; thế nhưng trong sự vắng mặt, ở những địa điểm ít có khả năng nhất, nó sẽ trào ra, mở rộng, tỏa mùi, để cho bạn chạm vào, nếm trải, nhìn quanh bạn, có toàn bộ cảm nhận về nó và thấu hiểu, sau nhiều năm thất tung tăm tích. Bà ấy đã tới với ông thế đó; trên boong tàu; trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn; được gợi ra từ những điều kỳ quặc nhất (Sally Seton cũng thế, một cô nàng ngốc nghếch hào phóng, nhiệt tình! Nghĩ tới ông khi cô ta nhìn thấy những bông hoa tú cầu). Bà ấy có ảnh hưởng tới ông nhiều hơn bất kỳ người nào mà ông từng biết. Và luôn đến trước ông theo cách thức mà ông không hề mong muốn này, lãnh đạm, ra vẻ tiểu thư, hay chỉ trích; hoặc tỏ ra say đắm, lãng mạn, nhắc tới một cánh đồng hay một mùa gặt nào đó ở nước Anh. Ông thường gặp bà nhiều nhất là ở vùng quê chứ không phải ở London. Hết cảnh tượng này tới cảnh tượng khác ở Bourton…
Ông đã tới khách sạn của mình. Ông băng qua đại sảnh, với những hàng ghế và trường kỷ đỏ, những cây cỏ có lá như mũi giáo, trông khô héo. Ông gỡ chìa khóa của mình khỏi móc. Người thiếu nữ trao cho ông vài lá thư. Ông lên lầu – ông thường gặp bà ấy nhất ở Bourton, vào cuối mùa hè, khi ông ở lại đó một tuần hay thậm chí nửa tháng, như mọi người vẫn làm hồi đó. Đầu tiên là trên một đỉnh đồi nào đó, bà đứng, đôi bàn tay vỗ nhẹ vào mái tóc, tấm áo choàng bay phấp phới, vừa chỉ trỏ vừa kêu to với họ – bà ấy nhìn thấy thung lũng Severn ở bên dưới. Hay trong một cánh rừng, đang cố đun một ấm nước – rất không hiệu quả với những ngón tay của bà; khói uốn éo tỏa lên, thổi vào mặt họ; gương mặt nhỏ nhắn ửng hồng của bà bộc lộ hết những cảm xúc bên trong; xin nước của một bà cụ trong một ngôi nhà thôn dã, người đã ra tới cửa để quan sát họ đi. Họ luôn đi bộ; những người khác đi xe ngựa. Bà chán ngồi xe, không thích tất cả mọi con thú, trừ con chó đó. Họ lê bước nhiều dặm dọc những con đường. Bà thường dừng lại đột ngột để chỉnh trang y phục, dẫn ông quay về băng qua vùng quê; và suốt thời gian đó họ cãi nhau, thảo luận về thơ ca, về mọi người và chính trị (hồi đó bà ấy là một người cấp tiến); không bao giờ chú ý tới thứ gì ngoại trừ khi bà ấy dừng lại, kêu lên với một cảnh vật hay một loài cây, và buộc ông phải nhìn với mình; và cứ tiếp tục như thế, qua những cánh đồng đầy gốc rạ, bà ấy đi trước, với một cây hoa cho bà cô của mình, không bao giờ mệt mỏi vì đi bộ dù dáng vẻ rất mảnh khảnh; để về tới Bourton lúc trời sụp tối. Rồi sau bữa ăn tối, ông cụ Breikopf sẽ mở nắp cây đàn dương cầm ra và hát mà không có chút hơi nào, và họ sẽ nằm sâu trong những cái ghế bành, cố không bật cười, nhưng luôn luôn không nén được và cười phá lên, cười thỏa thích – cười không vì cái gì cả. Họ cho là Breitkopf không nhìn thấy. Và rồi vào buổi sáng, lượn qua lượn lại trước nhà như một chú chim chìa vôi…
Ồ, đó là một lá thư của bà ấy! Cái phong thư màu xanh trời này; đó là nét chữ của bà ấy. Và ông sẽ phải đọc nó, Đây là một dạng khác trong những cuộc gặp gỡ đó, buộc phải chịu khổ đau! Đọc thư của bà ấy cần một nỗ lực khốn khổ. “Thật tuyệt vời khi gặp ông. Bà phải nói với ông điều đó.” Chỉ có thế.
Nhưng nó khiến ông phiền muộn. Nó khiến ông bực mình. Ông ước gì bà ấy đã không viết nó. Trên đỉnh của những ý nghĩ của ông, nó giống như một cú thúc cùi chỏ vào những cái xương sườn. Vì sao bà ấy không để cho ông yên? Nói cho cùng, bà ấy đã cưới Dalloway, và sống với ông ta trong hạnh phúc trọn vẹn suốt ngần ấy năm trời.
Những khách sạn này không phải là những nơi giúp người ta khuây khỏa. Còn lâu mới thế. Bất cứ số người nào cũng đều móc mũ của mình trên những cái móc đó. Thậm chí cả những con ruồi, nếu bạn nghĩ tới chúng, cũng đậu lên mũi của những người khác. Còn về sự vệ sinh vốn đập thẳng vào mắt của ông, nó không sạch sẽ chút nào, quá nhiều thứ trơ trụi, lạnh giá; một điều tất phải diễn ra. Một mệnh phụ phu nhân khô khan nào đó rảo vài vòng buổi sáng, đánh hơi, dòm ngó, sai phái những cô người hầu khắt khe đi thám thính khắp thế giới như thể người khách tiếp theo là một súc thịt được phục vụ trên một cái đĩa hoàn toàn sạch sẽ. Để ngủ, có một cái giường, để ngồi, có một cái ghế bành; để làm sạch bộ răng và cạo sạch râu cằm, có một cái cốc, một tấm gương. Sách vở, thư từ, áo choàng nằm ngổn ngang ở những vị trí không thích hợp. Và chính lá thư của Clarissa đã khiến cho ông nhìn thấy tất cả những điều này. “Thật tuyệt vời khi gặp ông. Bà phải nói thế!” Ông gấp tờ giấy lại; gạt nó sang một bên; không gì có thể dẫn dụ ông đọc nó thêm lần nữa!
Để gửi lá thư đó cho ông trước sáu giờ, bà ấy phải ngồi xuống và viết nó ngay lập tức sau khi ông đi khỏi; dán tem; cử ai đó mang tới bưu điện. Việc đó, như mọi người nói, rất giống với tính cách của bà ấy. Bà ấy không vui vì cuộc thăm viếng của ông. Bà ấy đã cảm nhận nhiều điều; trong một khoảnh khắc, khi hôn tay ông, bà ấy đã cảm thấy tiếc nuối, thậm chí ghen tị với ông, có lẽ nhớ lại (vì ông đã thấy bà nhìn nó) một điều gì đó ông từng nói – có lẽ là họ sẽ thay đổi thế giới như thế nào nếu họ cưới nhau; nhưng ngược lại, nó là việc này;  nó là tuổi trung tuần; nó là sự tầm thường; sau đó tự ép bản thân với sức sống bất khuất của mình để gạt tất cả sang bên, chỉ còn lại trong bà ấy một sợi chỉ cuộc đời dành cho sự cứng rắn, bền bỉ, sức mạnh để khắc phục những chướng ngại, và đưa bà vượt qua một cách thắng lợi những thứ mà ông chưa bao giờ biết. Phải; nhưng sẽ có một phản ứng ngay sau khi ông rời khỏi căn phòng. Bà ấy sẽ hối tiếc cho ông kinh khủng; bà ấy sẽ nghĩ tới điều mà bà ấy có thể thực hiện trên cõi đời này để trao cho ông niềm vui (luôn thiếu chính điều đó) và ông có thể nhìn thấy bà ấy bước tới bàn viết với những giọt lệ lăn xuống má và thảo nhanh  dòng chữ mà ông muốn nghĩ là chào mừng ông…. “Thật tuyệt khi gặp ông!” Và ý bà ấy là thế.
Lúc này Peter Walsh cởi dây ủng ra.
Nhưng nó sẽ không là một thành công, cuộc hôn nhân của họ. Nói cho cùng, điều khác đã đến một cách tự nhiên hơn nhiều.
Nó thật kỳ lạ; nó có thật; nhiều người cảm nhận được nó. Peter Walsh, kẻ đã thực hiện bổn phận một cách đáng tôn trọng, đã đảm nhiệm các vị trí thông thường một cách thích đáng, được ưa thích, nhưng cũng bị cho rằng hơi gàn dở chút chút, hay bộ tịch ta đây – thật lạ lùng vì lẽ ra ông phải có, nhất là vào lúc này khi tóc ông đã bạc, một vẻ hài lòng mãn nguyện; một dáng vẻ của người dư dật. Chính điều này khiến ông trở nên hấp dẫn với những người phụ nữ thích cái cảm giác rằng ông không hoàn toàn nam tính. Có một cái gì đó bất thường ở ông, hay một cái gì đó ở phía sau ông. Có thể là ông là một con mọt sách – không bao giờ tới thăm bạn mà không cầm cuốn sách ở trên bàn lên (lúc này ông đang đọc, với mấy sợi dây cột ủng kéo lê trên sàn nhà); hoặc việc ông là một quý ông, tự nó biểu lộ ra trong cách ông gõ tro thuốc ra khỏi ống tẩu, và trong những cung cách xử sự với phụ nữ của ông. Vì thật là hấp dẫn và hoàn toàn buồn cười khi một cô gái không có chút xíu đầu óc nào đó có thể dễ dàng quay ông quanh ngón tay của mình. Nhưng cô ta phải dè chừng. Nghĩa là, dù ông có thể rất dễ dãi và thật sự quyến rũ để kết giao với tính tình vui vẻ và thái độ lịch sự, điều đó chỉ tới một mức nào đó. Cô ta nói gì đó – không, không ; ông nhìn thấu qua điều đó. Ông sẽ không chịu nổi điều đó – không, không. Khi đó ông có thể hét lên, lắc lư người và ôm bụng cười lăn lóc vì một câu chuyện đùa nào đó với cánh đàn ông. Ông là một giám khảo về nấu ăn giỏi nhất ở Ấn Độ. Ông là một người đàn ông. Nhưng không phải loại đàn ông người ta phải kính trọng – đó là một điều vạn hạnh. Thí dụ, không giống như Thị trưởng Simons; không giống chút nào, Daisy đã nghĩ thế, khi, bất chấp hai đứa con nhỏ của mình, cô thường so sánh họ với nhau.
Ông lột đôi ủng ra. Ông trút ra mọi thứ trong các túi. Cùng rơi ra với con dao nhíp là một hình ảnh thoáng nhanh về Daisy ở trước hiên nhà; Daisy mặc toàn màu trắng, với một con chó phốc trên đầu gối; rất đáng yêu; rất nâu bánh mật; vẻ đẹp hoàn hảo nhất mà ông từng nhìn thấy ở cô. Nó đã đến, nói cho cùng rất tự nhiên; tự nhiên hơn đối với Clarissa nhiều. Không chút ồn ào. Không chút bận tâm. Không có sự kiểu cách và sự bồn chồn. Tất cả đều đơn giản lướt đi. Và cô gái da bánh mật xinh xắn đáng yêu ở dưới mái hiên cảm thán (ông có thể nghe thấy cô ta). Dĩ nhiên, dĩ nhiên cô sẽ trao cho anh ta mọi thứ! cô ta kêu lên (cô ta không có đầu óc chính chắn), mọi thứ anh ta muốn! cô ta kêu lên, chạy tới để gặp ông, bất kể có thể ai đó đang nhìn. Và cô ta chỉ mới hai mươi bốn tuổi. Và cô ta có hai đứa con. Tốt, tốt!
Thật sự tốt khi ông đã tự chuốc lấy phiền hà vào tuổi của mình. Và nó xâm chiếm ông một cách khá mạnh mẽ khi ông thức giấc trong đêm. Giả sử họ lấy nhau thì sao? Với ông tất cả sẽ rất tốt đẹp, nhưng còn cô ta thì sao? Bà Burgess, một kẻ tốt bụng và không phải loại ba hoa, người mà ông đã tâm sự, nghĩ rằng sự vắng mặt của ông để về Anh, bề ngoài là để gặp các luật sư có thể giúp cho Daisy suy nghĩ cân nhắc lại ý nghĩa của vụ này. Đó là vấn đề về địa vị của cô ta, bà Burgess nói; cái rào chắn xã hội; việc từ bỏ hai đứa con của cô ta. Cô ta là một bà góa với một quá khứ vừa mới xảy ra, sống lê la ở vùng ngoại ô, hoặc, có khả năng hơn, sống chung chạ bừa bãi (anh biết những người phụ nữ như thế trông như thế nào với quá nhiều mỹ phẩm, bà ta nói). Nhưng Peter Walsh bác bỏ tất cả những điều đó. Ông chưa có ý định chết. Dù sao đi nữa, cô ta phải tự sắp xếp cho mình; tự mình phán xét, ông nghĩ, đi lại quanh phòng trong đôi tất ngắn, vuốt phẳng lại cái áo sơ mi, vì có thể ông sẽ tới dự bữa tiệc của Clarissa, hoặc có thể tới một trong những đại sảnh, hoặc có thể ở nhà và đọc một cuốn sách hấp dẫn do một người ông từng quen biết ở Oxford viết ra. Và nếu ông nghỉ hưu, đó là điều ông sẽ làm – viết sách. Ông sẽ tới Oxford và sục sạo trong thư viện Bodleian. Cô gái da ngăm xinh xắn đáng yêu chạy tới đầu sân hiên một cách vô ích; vẫy tay một cách vô ích; kêu lên một cách vô ích rằng cô không quan tâm chút nào tới những gì mọi người nói. Ông ở đó, người đàn ông mà cô ta nghĩ là cả thế giới, quý ông hoàn hảo, hấp dẫn, nổi bật (và tuổi tác của ông không tạo ra chút khác biệt nào đối với cô), đang đi lại quanh quẩn trong một căn phòng của một khách sạn ở khu Bloomsbury, cạo râu, rửa mặt, tiếp tục, trong lúc cầm những cái bình lên, đặt những con dao cạo xuống, sục sạo trong thư viện Bodleian, và tìm ra chân lý về một hoặc hai vấn đề nho nhỏ khiến ông quan tâm. Và ông sẽ có một cuộc chuyện gẫu với bất cứ người nào có thể, và cứ thế ngày càng ít quan tâm tới những giờ giấc chính xác để ăn trưa, bỏ lỡ những lời cam kết, và khi Daisy yêu cầu ông một nụ hôn, một màn kịch, như thường lệ, ông không thể tỏ ra tốt đẹp như cô ta mong muốn (dù ông chân thành dâng hiến cho cô) – nói tóm lại có thể sẽ hạnh phúc hơn, như bà Burgess nói, nếu cô ta quên ông đi hay chỉ nhớ ông như ông từng là hồi tháng 8, 1922, giống như một hình dáng đứng ở ngã tư đường lúc trời chạng vạng, ngày càng trở nên xa xôi hơn khi chiếc xe chó kéo lướt đi, mang theo cô ta được cột một cách an toàn vào cái ghế sau, dù hai tay cô ta duỗi ra, và trong lúc nhìn thấy hình dáng đó thu nhỏ lại và biến mất, cô ta vẫn kêu lên cô ta sẽ làm bất cứ điều gì trên đời này, bất cứ điều gì, bất cứ điều gì, bất cứ điều gì…
Ông không bao giờ biết mọi người nghĩ gì. Ông ngày càng thấy khó tập trung hơn. Ông trở nên chăm chú; ông trở nên bận rộn với những quan tâm của chính mình; khi cáu gắt, khi vui vẻ; tùy thuộc vào những người phụ nữ, đãng trí, ủ rũ, ngày càng ít có khả năng (ông nghĩ thế trong lúc cạo râu) để thấu hiểu vì sao Clarissa không thể đơn giản tìm cho họ một nơi ở tạm thời và tỏ ra tử tế với Daisy; giới thiệu cô ta. Và sau đó ông chỉ có thể – chỉ có thể làm gì? chỉ lui tới la cà (lúc này ông đang thật sự thực hiện việc phân loại những chiếc chìa khóa, giấy tờ khác nhau), xông tới và hưởng thụ, một mình, nói ngắn gọn, thấy đầy đủ với bản thân; thế nhưng dĩ nhiên là không có ai phụ thuộc vào những người khác hơn (ông cài nút cái áo gi-lê); đó là cái đã tàn phá ông. Ông không thể tránh khỏi những phòng hút thuốc, thích những viên đại tá, thích đánh gôn, thích chơi bài brit, và trên hết là xã hội của những người phụ nữ, và sự tuyệt vời khi bầu bạn với họ, và sự trung thực, táo bạo và vĩ đại của họ trong tình yêu dù dường như với ông nó có những mặt hạn chế (và gương mặt ngăm ngăm xinh xắn đáng yêu đang ở trên cùng của những phong bì), một đóa hoa rất đáng ngưỡng mộ, rất tuyệt vời, mọc trên đỉnh đời người, thế nhưng ông không thể đáp ứng được những kỳ vọng, luôn có khuynh hướng nhìn thấy những điều hoàn mỹ (Clarissa đã làm hao mòn vĩnh viễn trong ông một điều gì đó), và dễ dàng phát mệt với sự dâng hiến câm lặng, muốn có nhiều điều khác nhau trong tình yêu dù ông sẽ nổi cơn thịnh nộ nếu Daisy yêu bất cứ người nào khác, thịnh nộ! vì ông rất ghen, ghen không thể kiểm soát được do tính cách. Ông gánh chịu những dằn vặt khổ đau! Nhưng con dao của ông đâu rồi; cái đồng hồ của ông; những con dấu của ông, cái ví của ông, và lá thư của Clarissa mà ông sẽ không đọc lại nữa nhưng thích nghĩ tới, và tấm ảnh của Daisy? Và giờ là lúc ăn tối.
Họ đang ăn.
Họ ngồi ở những cái bàn nhỏ quanh những chậu hoa, mặc đồ sang trọng hoặc không sang trọng, với những cái khăn choàng, và túi xách nằm bên cạnh, với dáng vẻ giả vờ điềm tĩnh, vì họ không quen với việc có quá nhiều món ăn trong bữa tối, và tự tin, vì họ có thể thanh toán nó, và căng thẳng, vì họ đã chạy khắp London suốt cả ngày để mua sắm, tham quan; với sự hiếu kỳ tự nhiên của họ, vì họ nhìn quanh và ngẩng lên khi quý ông dễ nhìn đeo đôi kính gọng sừng bước vào, và với bản chất tốt đẹp của họ, vì họ sẽ vui sướng thực hiện bất cứ sự phục vụ nhỏ nhoi nào, như cho mượn một tờ thời gian biểu hay chia sẻ một thông tin hữu ích, và nỗi khao khát của họ, đang ngấm ngầm thôi thúc bên trong họ, lôi kéo họ, bằng cách nào đó tạo lập những kết nối dù chỉ là việc cùng chào đời ở một địa điểm (chẳng hạn Liverpool) hay có những người bạn cùng tên; với những thoáng nhìn lén lút, những phút lặng im kỳ lạ, và đột ngột rút lui vào hoạt động vui đùa và sự riêng biệt của gia đình; họ ngồi đó ăn bữa tối khi Walsh bước vào và ngồi xuống cái bàn nhỏ cạnh màn cửa.
Không phải do ông đã nói bất cứ điều gì, vì ngồi một mình, ông chỉ có thể nói với người bồi bàn; mà do cách ông nhìn vào cuốn thực đơn, cách ông chỉ ngón trỏ vào một loại rượu vang cụ thể, cách ông thẳng người lên để gọi món ăn một cách nghiêm túc chứ không thèm khát, ông đã chiếm được sự kính trọng của họ; sau khi vẫn không biểu lộ gì suốt phần lớn bữa ăn, nó chợt lóe lên ở cái bàn nơi gia đình Morris ngồi khi họ nghe ông Walsh nói vào cuối bữa ăn, “Lê Barlett.” Vì sao ông ta nói một cách rất khiêm tốn thế nhưng lại dứt khoát, với dáng vẻ của một người chấp hành kỷ luật tốt trong phạm vi các quyền hạn được xác lập dựa trên sự công chính của mình, cả cậu thanh niên Charles Morris lẫn ông Charles, cả cô Elaine lẫn bà Morris đều không biết được. Nhưng khi ông nói, “Lê Barlett,” ngồi một mình ở bàn của mình, họ cảm thấy rằng ông trông mong sự ủng hộ của họ trong một yêu cầu luật pháp nào đó; là chiến sĩ của một chính nghĩa mà ngay lập tức trở thành chính nghĩa của chính họ, khiến ánh mắt họ gặp ánh mắt của ông với sự đồng cảm, và khi tất cả bọn họ cùng đồng thời tới phòng hút thuốc, một cuộc trò chuyện nhỏ giữa họ trở thành điều không thể tránh khỏi.
Nó không sâu sắc lắm – chỉ tới mức độ rằng London quá đông đúc; đã thay đổi trong vòng ba mươi năm qua; rằng ông Morris thích Liverpool hơn; rằng bà Morris đã tới dự cuộc triển lãm hoa Westminster và rằng cả tất cả bọn họ đã nhìn thấy Hoàng tử xứ Wales. Phải, Peter Walsh nghĩ, không có gia đình nào trên đời này có thể so với gia đình Morris; không, bất kể là gia đình nào; và mối quan hệ giữa mỗi người bọn họ với nhau thật hoàn hảo, và họ không đếm xỉa tới các tầng lớp trên, họ thích thứ họ thích, và Elaine đang được đào tạo cho công việc kinh doanh của gia đình, còn cậu con trai đã chiếm được một học bổng ở Leeds, và quý phu nhân lớn tuổi (trạc tuổi của ông) còn có ba đứa con khác ở nhà; và họ có hai chiếc xe hơi, nhưng ông Morris vẫn chữa lại những đôi ủng vào ngày Chủ nhật: điều này thật tuyệt vời, rất đỗi tuyệt vời, Peter Walsh nghĩ, hơi xoay người ra phía sau rồi phía trước một chút với ly rượu vang cầm trên tay, giữa những cái ghế lông đỏ và những cái gạt tàn, cảm thấy rất hài lòng với bản thân, vì gia đình Morris thích ông. Phải, họ thích một người đàn ông nói “Lê Barlett.” Họ ưa thích ông, ông cảm thấy.
Ông sẽ tới dự bữa tiệc của Clarissa. (Gia đình Morris lên đường; nhưng họ sẽ gặp lại.) Ông sẽ tới dự bữa tiệc của Clarissa, vì ông muốn hỏi Richard họ đang làm gì ở Ấn Độ – những tên ngốc bảo thủ ấy. Và điều gì đang được tiến hành? Và âm nhạc… Ồ, vâng, và chuyện tầm phào đơn thuần.
Vì đây là sự thật về linh hồn của chúng ta, ông nghĩ, bản ngã của chúng ta, giống như loài cá sống dưới những biển sâu và lặn lội trong những nơi chốn tối tăm, len lỏi qua giữa những thân rêu khổng lồ, qua những không gian lung linh ánh mặt trời và đi tiếp, đi tiếp vào chốn âm u, lạnh giá, sâu thẳm khôn dò; đột nhiên bà ấy lao lên bề mặt và đùa giỡn tung tăng trên những lượn sóng dập dềnh; nghĩa là, có một nhu cầu xác thực để chải chuốt, chà rửa, đánh bóng bản thân, tán chuyện tầm phào. Chính phủ định làm gì ở Ấn Độ? Richard Dalloway sẽ biết điều đó.
Vì đó là một đêm rất nóng bức và những cậu bé bán báo đi ngang qua với những tờ áp phích thông báo bằng những mẫu tự to màu đỏ rằng có một đợt nắng nóng, những cái ghế đan bằng cành liễu gai được đặt trên những bậc thềm khách sạn và những quý ông ngồi tách riêng ra, nhấm nháp rượu hay trà, hút thuốc. Peter Walsh ngồi ở đó. Người ta có thể tưởng tượng rằng ánh ngày, ánh ngày của London, vừa mới bắt đầu. Như một phụ nữ đã lột bỏ cái váy in hoa và tấm tạp dề trắng để diện một bộ váy áo xanh trời và những chuỗi ngọc trai, ngày cũng thay đổi, tháo bỏ mọi thứ, khoác lên một màn sương mỏng, chuyển sang chiều tối, và cùng với tiếng thở dài vui sướng của một người phụ nữ vừa quẳng chiếc váy dài lên sàn nhà, cả nó cũng buông bỏ lớp bụi mù, hơi nóng, sắc màu; xe cộ lưu thông thưa đi; những chiếc xe hơi kêu leng keng, phóng ào ào, nối theo những đoàn xe tải; và đó đây, giữa tán lá dày của những quảng trường, tỏa ra một ánh sáng chói chang. Dường như buổi xế chiều nói rằng Ta rút lui đây, vì nó nhạt nhòa và tan biến đi bên trên những bức tường có lỗ châu mai và chỗ nhô cao, những đường gờ, chóp nhọn của khách sạn, dãy phòng và khối cửa hiệu, Ta tan đi, Nàng ta đang bắt đầu, ta biến mất, nhưng London không chấp thuận, và phóng những lưỡi lê của mình lên bầu trời, chặt đứt đôi cánh của buổi chiều, cưỡng ép nó trở thành một phần trong cuộc truy hoan náo nhiệt của mình.
Cuộc cách mạng lớn lao về thời gian mùa hè của ông Willett[1] đã diễn ra từ sau chuyến về thăm nước Anh lần trước của Peter Walsh. Buổi chiều kéo dài là một điều mới mẻ đối với ông. Nói đúng hơn, nó gây hưng phấn. Vì trong lúc những người trẻ tuổi đi ngang qua với những hộp đựng hồ sơ, cực kỳ vui sướng vì được tự do, cả tự hào một cách câm lặng nữa, bước trên cái vỉa hè nổi tiếng này, một dạng hân hoan rẻ tiền, hào nhoáng, nếu bạn thích, nhưng đồng thời cũng thật mê ly, làm đỏ ửng gương mặt họ. Họ cũng ăn mặc rất lịch sự; những đôi tất màu hồng; những đôi giày đẹp. Hiện giờ họ sẽ có hai giờ trong cảnh tượng đẹp đẽ này. Nó làm cho họ trở nên sâu sắc, tinh tế  hơn, cái ánh sáng xế chiều màu lam ấy; và những chiếc lá trong quảng trường tỏa ánh sáng xanh nhợt, tím bầm – trông như thể chúng được nhúng trong nước biển – tán lá của một thành phố chìm dưới biển. Ông kinh ngạc vì vẻ đẹp; nó còn có tính chất cổ vũ nữa, vì trong khi những người Anh-Ấn hồi hương (ông biết nhiều đám đông trong số họ) được quyền ngồi ở Câu lạc bộ Đông Phương tóm tắt một cách gắt gỏng về sự đổ vỡ của thế giới, ông ở đây, trẻ trung như ngày nào; đang ganh tị với những người tuổi trẻ về thời gian mùa hè của họ và phần còn lại của nó, và còn hơn cả mong đợi từ những lời nói của một cô gái, từ tiếng cười của một cô giúp việc – những thứ mơ hồ mà bạn không thể đặt tay lên – sự chuyển biến đó trong toàn bộ khối tích lũy mang hình kim tự tháp mà trong thời trẻ tuổi của ông dường như bất động. Nó đã áp lên trên họ, đè họ xuống, nhất là những người phụ nữ, như những bông hoa mà cô Helena của Clarissa đã từng ép giữa những tờ giấy thấm màu xám với cuốn tiểu tự điển tiếng Pháp ở trên cùng, khi bà ngồi dưới ánh đèn dầu sau bữa ăn tối. Giờ thì bà cụ đã tạ thế. Ông có nghe nói về bà, từ Clarissa, rằng bà đã mất đi thị lực một bên mắt. Điều đó có vẻ rất phù hợp – một con mắt trong những kiệt tác của tự nhiên – khi bà cô già Parry đó chuyển sang đeo kính. Bà thuộc vào một lứa tuổi khác, nhưng rất hoàn hảo, rất toàn diện, luôn đứng thẳng ở phía chân trời, trắng như đá, kiệt xuất, như một ngọn hải đăng đánh dấu một giai đoạn quá vãng nào đó trên hành trình mạo hiểm dài dằng dặc này (ông sờ soạng tìm một đồng xu để mua một tờ báo và đọc về Surrey và Yorkshire – ông đã giơ cái đồng xu đó ra hàng triệu lần. Một lần nữa, toàn hạt Surrey đều ra khỏi nhà) – cuộc sống triền miên vô tận này. Nhưng crickê không chỉ là một trò chơi. Crickê rất quan trọng. Ông không bao giờ có thể dằn lòng không đọc về crickê. Ông đọc các tỷ số của tin giờ chót trước, rồi tới việc ngày hôm đó nóng như thế nào; rồi về một vụ giết người. Việc đã thực hiện mọi điều hàng ngàn lần làm cho chúng trở nên phong phú, dù có thể nói rằng nó đã cởi bỏ đi lớp bề mặt. Quá khứ trở nên phong phú, và kinh nghiệm, và việc đã quan tâm tới một hai người, và do đó đã thủ đắc cái sức mạnh cắt gọn đi mà một cậu thanh niên có để thực hiện điều cậu ta thích, không quan tâm chút xíu nào tới những gì mọi người nói, đến và đi không có bất cứ kỳ vọng rất lớn lao nào (ông bỏ lại tờ báo trên bàn và cất bước), mà dù sao (và ông tìm cái mũ và chiếc áo khoác của mình) cũng không hoàn toàn có thật đối với ông, đêm nay thì không, vì ở đây ông đang cất bước tới dự một bữa tiệc, ở lứa tuổi của ông, với niềm tin rằng ông sẽ có một cuộc trải nghiệm. Nhưng trải nghiệm điều gì?
Vẻ đẹp, dù sao đi nữa. Không phải là vẻ đẹp thô kệch của con mắt. Đó không phải là vẻ đẹp đơn thuần và giản dị – phố Bedford Place dẫn tới quảng trường Russel. Tất nhiên là nó thẳng và trống vắng; sự đối xứng của một hành lang; nhưng nó cũng có những khung cửa sổ sáng đèn, văng vẳng tiếng dương cầm, tiếng máy hát; một cảm giác kín đáo về việc tạo ra lạc thú, nhưng thỉnh thoảng nó lại nổi lên khi, qua khung cửa sổ không màn che, cánh cửa để mở, người ta nhìn thấy những đám đông dự tiệc đang ngồi quanh những cái bàn, những người trẻ tuổi chậm chạp xoay tròn, những cuộc trò chuyện giữa đàn ông và phụ nữ, những nàng hầu lười nhát nhìn ra (một người lạ đang phê bình về công việc của họ, khi công việc đã xong xuôi), những chiếc tất đang phơi trên đầu tường, một con vẹt, một vài thứ cây cỏ. Cuộc sống này thật quyến rũ, bí ẩn, phong phú vô cùng tận. Và trong quảng trường rộng lớn nơi những chiếc xe vọt đi và quẹo cua rất nhanh, có những cặp tình nhân đang dạo gót, tán tỉnh nhau, ôm nhau, co rút người dưới một bóng cây; điều đó thật xúc động; im lìm say đắm đến nỗi người ta phải đi qua một cách dè dặt, ngượng ngùng, như thể khi đang hiện diện trong một nghi thức thiêng liêng nào đó, sự gián đoạn sẽ là điều bất kính. Điều đó thật thú vị. Và cứ thế tiến vào vùng sáng lóa, chói chang.
Chiếc áo khoác nhẹ của ông bị thổi bung ra, ông bước với một phong thái riêng biệt không thể mô tả, hơi nghiêng về trước, nhẹ nhàng lướt tới, với hai bàn tay đặt sau lưng và đôi mắt bất động hơi giống như mắt của một con chim ưng, ông vừa nhẹ nhàng bước qua London, hướng về phía Westminster, vừa quan sát.
Phải chăng mọi người đang ăn tối ngoài trời? Những cánh cửa ở đây đang được mở rộng bởi một người hầu để một quý bà lớn tuổi nhấc cao chân bước ra, bà ta mang một đôi giày có khóa, tóc cài ba chiếc lông đà điểu tím. Những cánh cửa đang được mở rộng cho những quý bà quấn trong những tấm khăn choàng như những xác ướp, bên trên đính những bông hoa rực rỡ, những phu nhân với những cái đầu hói. Và ở những khu vực khả kính với những chiếc cột trát vữa, những người phụ nữ băng qua những khu vườn nhỏ mặt tiền, mái tóc chải rẻ cài những chiếc lược (phải chạy lên để nhìn thấy con của họ); những người đàn ông đứng chờ họ, với những chiếc áo khoác bị gió thổi mở tung, và những chiếc xe hơi đã khởi động máy. Mọi người đang đổ ra ngoài. Với những cánh cửa đang mở này, với việc xuống thang và xuất phát, như thể toàn bộ London đang bước xuống những con tàu nhỏ bỏ neo sát bờ, nhấp nhô trên mặt nước, như thể toàn bộ nơi này đang bềnh bồng trôi đi trong một ngày hội. Và phố Whitehall, với vỉa hè lát gỗ đã bị đầm đến trở thành bạc phếch, bị những con nhện trượt qua, trượt qua, và có một cảm giác về lũ muỗi vằn lượn quanh những bóng đèn hồ quang[2]; trời nóng đến nỗi mọi người đứng gần nhau trò chuyện. Và ở phố Westminster này có một vị thẩm phán về hưu, có lẽ đang ngồi vững chãi ở cửa nhà mình, mặc toàn đồ trắng. Có lẽ là một người Anh - Ấn.
Và chỗ này một cuộc cãi cọ om xòm của những người đàn bà ầm ĩ, say rượu; chỗ này chỉ có một viên cảnh sát và những ngôi nhà lù lù, những ngôi nhà cao, những ngôi nhà có mái vòm, những nhà thờ, những tòa nhà quốc hội, và tiếng còi của một con tàu hơi nước trên sông, một tiếng kêu mơ hồ trống rỗng. Nhưng đó là con phố của bà ấy, con phố này, của Clarissa; những chiếc taxi đang hối hả vòng quanh góc phố, như dòng nước uốn quanh những cái trụ của một chiếc cầu, với ông dường như chúng hút vào nhau vì chúng khiến cho những người tới dự bữa tiệc của bà ấy, bữa tiệc của Clarissa, phát chán.
Dòng ấn tượng thị giác lạnh lẽo lúc này đánh lừa ông như thể con mắt là một cái cốc tràn ngập và để mặc cho số còn lại chảy xuống quanh cái thành bằng sứ của nó mà không ghi chép lại. Hẳn bây giờ bộ não đã thức tỉnh. Bây giờ thân thể phải thu nhỏ lại, bước vào ngôi nhà, ngôi nhà sáng ánh đèn, nơi cánh cửa mở rộng, nơi những chiếc xe hơi đang đậu, và những người phụ nữ rực rỡ đang đi xuống: linh hồn phải gắng thu hết lòng can đảm để chịu đựng. Ông mở lưỡi dao đen của con dao nhíp ra.





[1] William Willett (1856 – 1915) là một nhà xây dựng người Anh. Ông đã cổ động không mệt mỏi cho việc chuẩn y phương án tiết kiệm thời gian ban ngày (daylight time saving- DTS) vào mùa hè ở nước Anh. Ông qua đời trước khi nhìn thấy kết quả các nỗ lực của mình. Cuối cùng, Quốc hội Anh đã thông qua đạo luật này vào ngày 17-5-1916. DTS được thực hiện bằng cách cho đồng hồ chạy trước một giờ so với giờ thường lệ vào mùa hè.
[2] Nguyên văn: “And Whitehall was skated over, silver beaten as it was, skated over by spiders, and there was a sense of midges round the arc lamps” đây có thể là đoạn văn khó hiểu nhất trong Mrs Daloway; người đọc có thể hiểu hình ảnh ẩn dụ về lũ nhện trượt trên đường phố, về đám muỗi vằn bay quanh những bóng đèn, nhưng cụm từ “silver beaten” thì quá khó hiểu. Người dịch đã chừa lại phần nguyên văn nêu trên cho tới khi kết thúc bản dịch mới cố công tìm hiểu về nó lần nữa, may sao có một bài viết đã lý giải được vấn đề này. “silver beaten” có thể hiểu là gỗ bị nện, đập hay đầm cho tới lúc trở nên bạc phếch. Vì vậy, đây là một chi tiết mang tính lịch sử; nó xác định rằng ở thời điểm Peter Walsh đi trên đường phố Whitehall (1923), vỉa hè của con đường này được lát gỗ. Xin tham khảo thêm: http://tomaztadeu.org/http://www.thefreelibrary.com/From+Mississippi+to+Marylebone%3A+many+of+London%27s+old+wooden+streets...-a0133902190


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét