Thứ Ba, 8 tháng 1, 2013

Mrs Dalloway - Phần 7

Virginia Woof
Nguyễn Thành Nhân dịch







Cửa mở. Elizabeth biết mẹ mình đang nằm nghỉ. Cô lặng lẽ bước vào. Cô đứng bất động hoàn toàn. Phải chăng một người Mông Cổ nào đó đã bị đắm tàu ở bờ biển Norfolk (như bà Hilbery nói), đã pha lẫn dòng máu với những quý bà dòng họ Dalloway, có lẽ, cách đây một trăm năm? Vì nói chung những người mang họ Dalloway có mái tóc sáng; mắt xanh; Elizabeth, trái lại, có mái tóc đen; có đôi mắt Trung Hoa trên một gương mặt trắng trẻo; một bí ẩn phương Đông; hòa nhã, thận trọng, lặng lẽ. Khi còn bé, cô có một đầu óc hài hước tuyệt vời; nhưng giờ đây, ở tuổi mười bảy, cô đã trở nên rất nghiêm trang, vì sao, Clarissa không thể hiểu được chút nào; như một cây lan dạ hương được bao bọc trong màu xanh bóng loáng, với những chồi non mới ửng màu, một cây dạ lan hương thiếu ánh mặt trời.
Cô đứng bất động hoàn toàn và nhìn mẹ mình; nhưng cánh cửa để mở hé, và bên ngoài cửa là cô Kilman, như Clarissa biết; cô Kilman trong chiếc áo khoác đi mưa, đang lắng nghe bất cứ điều gì họ nói.
Phải, cô Kilman đứng ở đầu cầu thang, và mặc một cái áo khoác đi mưa; nhưng có những lý do của cô. Trước hết, nó rẻ tiền; thứ hai, cô đã quá bốn mươi; và, nói cho cùng, cô không mặc để làm hài lòng người khác. Ngoài ra cô nghèo; nghèo đến mức trở nên hèn hạ. Không thì cô sẽ không nhận những công việc từ những người như gia đình Dalloway; từ những kẻ giàu có, thích tỏ ra tử tế. Ông Dalloway tốt bụng, nếu xét một cách công bằng. Nhưng bà Daloway thì không. Bà ấy chỉ đơn giản tỏ ra hạ cố. Bà ấy xuất thân từ tầng lớp vô giá trị nhất trong mọi tầng lớp – những kẻ giàu có, với chút ít văn hóa. Họ có những thứ đắt tiền ở khắp nơi; những bức tranh, những tấm thảm, nhiều người hầu. Cô cho rằng cô có hoàn toàn có quyền đón nhận bất cứ điều gì gia đình Dalloway đã làm cho cô.
Cô đã bị lừa. Phải, từ này không hề cường điệu, vì chắc chắn là một cô gái phải có một quyền được hạnh phúc nào đó chứ? Và cô chưa bao giờ hạnh phúc, do quá vụng về và quá nghèo. Và rồi, ngay khi cô có thể có một cơ may ở trường trung học của cô Dolby thì cuộc chiến nổ ra; và cô không bao giờ có thể nói dối. Cô Dolby nghĩ cô có thể hạnh phúc hơn với những người chia sẻ các quan điểm của cô về người Đức. Cô phải ra đi. Đúng là gia đình cô có nguồn gốc người Đức; mang cái tên viết theo chính tả là Kiehlman hồi thế kỷ mười tám; nhưng anh trai cô đã bị giết. Họ từ chối cô vì cô không thể giả vờ rằng tất cả những người Đức đều là những kẻ hung đồ – khi cô có những người bạn Đức, khi những ngày hạnh phúc duy nhất trong đời cô đã trải qua ở Đức! Và nói cho cùng, cô có thể đọc lịch sử. Cô phải nắm lấy bất cứ thứ gì có thể nắm được. Ông Dalloway đã tình cờ gặp cô khi cô đang làm việc cho hội Những người bạn. Ông đã cho phép cô (và ông thật rộng lượng về điều đó) được dạy con gái mình môn lịch sử. Cô cũng đã thực hiện chút ít bài giảng mở rộng, vân vân. Thế rồi Thượng đế đã đến với cô (nghĩ tới đây cô cúi đầu chào). Cô đã nhìn ra ánh sáng cách nay hai năm ba tháng. Giờ đây cô không còn ghen ghét với những người phụ nữ như Clarissa Dalloway; cô thương hại họ.
Cô thương hại và coi thường họ từ đáy lòng mình, khi đang đứng trên tấm thảm mềm, nhìn bức tranh điêu khắc cũ về một cô gái với một cái bao tay. Với mọi thứ xa hoa triền miên này, còn có hy vọng nào cho một tình trạng tốt đẹp hơn của mọi sự vật? Thay vì nằm trên trường kỷ – “Mẹ tôi đang nằm nghỉ,” Elzabeth nói –  lẽ ra bà ấy nên ở trong một nhà máy; đứng sau một cái quầy tính tiền; bà Dalloway và tất cả những quý phu nhân xinh đẹp khác!
Cay đắng và tràn đầy nhiệt huyết, hai năm ba tháng trước cô Kilman đã quay sang một nhà thờ. Cô đã nghe đức cha Edward Whittaker giảng đạo; những cậu bé ca hát; đã trông thấy những ánh sáng trang nghiêm tỏa xuống, và dù nó là âm nhạc hay những giọng hát (bản thân cô tìm sự an ủi ở một chiếc vĩ cầm khi ở một mình vào chiều tối; nhưng tiếng đàn của cô rất khó nghe; cô không có lỗ tai âm nhạc), những cảm giác nóng bỏng và náo loạn vốn từng sôi lên và trào dâng trong lòng cô đã nguôi khuây khi cô ngồi đó, và cô đã khóc như mưa, và đã tới thăm cha Whittaker ở ngôi nhà riêng của ông tại Kensington. Đó là bàn tay của Chúa, ông nói. Chúa đã chỉ cho cô con đường đi. Vì thế bây giờ, bất cứ lúc nào những cảm giác nóng bỏng và đau đớn sôi lên trong lòng cô, niềm căm ghét bà Dalloway này, sự hận thù đối với thế giới này, cô lại nghĩ tới Chúa. Cô nghĩ tới cha Whittaker. Sự giận dữ được tiếp nối bởi sự bình thản. Một hương vị ngọt ngào tràn ngập những huyết mạch của cô, môi cô hé mở, và, đứng đó trên đầu cầu thang trong chiếc áo khoác đi mưa, cô nhìn bà Dalloway, người vừa bước ra cùng cô con gái, với sự trầm lặng kiên định và nham hiểm.
Elizabeth bảo cô đã quên lấy đôi găng tay. Đó là vì cô Kilman và mẹ cô ghét nhau. Cô không thể chịu nổi việc nhìn thấy họ bên cạnh nhau. Cô chạy lên gác để tìm đôi găng tay.
Nhưng cô Kilman không ghét bà Dalloway. Hướng đôi mắt to màu lý gai sang Clarissa, quan sát gương mặt hồng hào, thân hình thanh tú, vẻ tươi tắn và hợp thời trang của bà, cô Kilman cảm thấy, Ngốc nghếch! Cả quỷnh! Bà ấy không biết gì về nỗi u buồn lẫn lạc thú; những thứ này đã làm lãng phí đời bà ấy! Và trong lòng cô dâng lên một khát khao muốn chinh phục bà ấy; lột trần bà ấy. Nếu cô có thể hạ bệ bà ấy, cô sẽ thấy dễ chịu. Nhưng không phải là thân thể; mà chính linh hồn và sự nhạo báng của nó là thứ mà cô muốn chinh phục; muốn biến cô thành chủ nhân. Giá cô có thể làm cho bà ấy khóc; có thể hủy hoại bà ấy; sỉ nhục bà ấy; khiến bà ấy sụp xuống gối cô và kêu lên, Cô đúng! Nhưng đây là ý chí của Chúa, không phải của cô Kilman. Đây là một thắng lợi tôn giáo. Thế là cô nhìn trừng trừng; thế là cô quắc mắt lên.
Clarissa thật sự bị sốc. Đây là một tín đồ Cơ đốc – người phụ nữ này! Người phụ nữ đã tước đoạt con gái bà khỏi bà này! Cô ta tiếp xúc với những sự hiện diện vô hình! Nặng nề, xấu xa, tầm thường, không có chút lòng tốt hay vẻ duyên dáng, cô ta biết ý nghĩa của cuộc đời!
“Cô sẽ đưa Elizabeth tới các cửa hàng hả?” Bà Dalloway hỏi.
Cô Kilman đáp cô sẽ. Họ đứng đó, Cô Kilman sẽ không cố tự làm cho mình hài lòng. Cô đã luôn tự kiếm sống. Kiến thức của cô về lịch sử hiện đại cực kỳ thông suốt. Cô trích ra rất nhiều từ khoản thu nhập nhỏ nhoi của mình cho những chính nghĩa mà cô tin tưởng; trong lúc người đàn bà này không làm gì cả; không tin gì cả; chỉ nuôi cô con gái của bà ta – nhưng Elizabeth đây rồi, đang gần như hụt hơi, một cô gái xinh đẹp.
Vậy là họ sẽ tới những cửa tiệm. Thật kỳ lạ biết bao, khi cô Kilman đứng đó (và cô đứng, với sức mạnh và sự lầm lì của một con quái vật tiền sử được vũ trang cho chiến tranh trong thời đại nguyên sinh), từng giây một, ý tưởng về bà thu nhỏ lại, lòng căm ghét (đối với các ý tưởng chứ không phải mọi người) tan vỡ, cô ta đánh mất ác tâm của mình, kích thước của mình, trở thành sau từng giây một đơn thuần là cô Kilman, trong một chiếc áo khoác đi mưa, kẻ mà có trời biết Clarissa sẽ muốn giúp đỡ.
Clarissa bật cười với ý nghĩ về sự thu nhỏ của con quái vật. Vừa nói tạm biệt, bà vừa cười khanh khách.
Họ cùng nhau rời khỏi, cô Kilman và Elizabeth, đi xuống gác.
Với một thôi thúc thật đột ngột, với một nỗi thống khổ mạnh mẽ, vì người đàn bà này đang tước đoạt con gái của bà khỏi bà, Clarissa tựa người vào lan can cầu thang và kêu lớn, “Hãy nhớ tới bữa tiệc! Hãy nhớ tới bữa tiệc tối nay của chúng ta!”
Nhưng Elizabeth đã mở cửa trước; có một chiếc xe tải chạy qua; cô không trả lời.
Tình yêu và tôn giáo! Clarissa nghĩ, quay trở vào phòng khách, ngứa ran khắp cả người. Họ thật đáng ghét, thật đáng ghét biết bao! Vì lúc này thân thể của cô Kilman không còn ở trước mặt bà, nó chế ngự bà – cái ý tưởng. Những điều độc ác nhất trên đời, bà nghĩ, nhìn thấy chúng lóng ngóng, độc đoán, đạo đức giả, thích nghe trộm, ganh tị, độc ác và vô liêm sỉ cùng cực, mặc một cái áo khoác đi mưa, đứng ở đầu cầu thang; tình yêu và tôn giáo. Cô ta có từng tự mình cải đạo bất kỳ người nào chưa nhỉ? Cô ta không muốn mọi người đơn giản chỉ là chính họ thôi sao? Và bà nhìn ra cửa sổ quan sát vị phu nhân già ở nhà đối diện đang đi lên cầu thang. Cứ để cho bà ấy đi lên cầu thang nếu bà ấy muốn; để cho bà ấy dừng lại; rồi để cho bà ấy, như Clarissa thường nhìn thấy, đi tới phòng ngủ của mình, tách hai tấm màn che ra, và lại biến mất vào phía sau. Vì một lý do nào đó người ta kính trọng điều này – việc bà cụ đang nhìn ra cửa sổ đó hoàn toàn ý thức được rằng mình đang bị quan sát. Trong việc này có cái gì đó nghiêm trang – nhưng tình yêu và tôn giáo sẽ hủy diệt điều đó, bất kể nó là gì, sự riêng tư của linh hồn. Kilman đáng ghét sẽ hủy diệt nó. Thế nhưng nó là một cảnh tượng khiến bà muốn khóc.
Tình yêu cũng hủy diệt. Mọi thứ đẹp đẽ, mọi thứ đã thật sự xảy ra. Cứ đơn cử Peter Walsh. Một người đàn ông, dễ thương, thông minh, với những ý tưởng về mọi thứ. Nếu bạn muốn biết về Pope, chẳng hạn, hay Addison, hay chỉ nói những chuyện vớ vẩn, điều mà mọi người thích, các sự vật có ý nghĩa gì, Peter biết rõ hơn bất cứ người nào. Chính Peter là người đã giúp bà; Peter là người cho bà mượn những cuốn sách. Nhưng cứ nhìn những người đàn bà ông ta yêu xem – thiếu đầu óc thẩm mỹ, nhỏ nhặt, tầm thường. Cứ nghĩ tới Peter trong tình yêu – ông ấy tới thăm bà sau ngần ấy năm, và ông ấy đã nói về cái gì? Bản thân ông ấy. Sự đam mê khủng khiếp! Bà nghĩ. Sự đam mê làm người ta giảm đi giá trị! Bà nghĩ, liên tưởng tới Kilman và Elizbeth của bà đang đi tới các cửa hàng Quân đội và Hải quân.
Tháp Big Ben đổ chuông nửa giờ.
Thật khác thường biết bao, lạ lùng, cảm động, vâng, khi nhìn một phu nhân già (họ đã là láng giềng suốt bao năm qua) rời khỏi cửa sổ, như thể bà ấy đang gắn liền với âm thanh đó, sợi dây đó. Lớn lao là thế, nó có liên hệ nào đó với bà ấy. Ngón tay hạ xuống, xuống nữa, vào giữa những sự vật bình thường, biến khoảnh khắc này trở nên nghiêm trang. Bà ấy bị ép buộc phải di chuyển, phải đi, bởi âm thanh đó, Clarissa tưởng tượng thế, nhưng đi đâu? Clarissa cố đi theo bà ấy khi bà ấy quay lại và biến mất, tuy nhiên vẫn có thể thấy cái mũ trắng của bà ấy di động ở cuối căn phòng ngủ. Bà ấy vẫn ở đó, chuyển động ở đầu kia căn phòng. Vì sao phải có những tín ngưỡng, những lời cầu nguyện và những chiếc áo mưa? khi, Clarissa nghĩ, đó chính là sự nhiệm mầu, cái bí mật đó; ý của bà là vị phu nhân già đó, người mà bà có thể nhìn thấy đang di chuyển từ cái rương sang cái tủ ngăn rồi sang cái bàn trang điểm. Bà vẫn có thể nhìn thấy bà ấy. Và sự bí ẩn tối cao mà Kilman có thể nói cô ta đã tìm ra lời giải đáp, hay Peter có thể nói ông ta đã tìm ra, nhưng Clarissa không tin bất cứ ai trong số hai người bọn họ có một ý tưởng mong manh nhất nào để tìm ra, chỉ đơn giản là điều này: đây là một căn phòng; kia là căn phòng khác. Tôn giáo, hoặc tình yêu, đã tìm ra lời giải đáp đó chưa?
Tình yêu – nhưng đây là một cái đồng hồ khác, cái đồng hồ luôn luôn điểm giờ sau Big Ben hai phút, lê bước vào cái vòng đua đầy những thứ lặt vặt của nó, mà nó trút ào xuống như thể Big Ben hoàn toàn ổn thỏa với vẻ uy nghi của mình, đang đặt ra luật pháp, rất trang nghiêm, rất công chính, nhưng bà phải nhớ tất cả những sự vật bé nhỏ bên ngoài – bà Marsham, Ellie Henderson, những cái ly đựng đá lạnh – tất cả mọi sự vật bé nhỏ lũ lượt kéo tới, xoay vòng và nhảy múa ngay sau tiếng chuông đổ trang nghiêm đang trải ra bằng phẳng như một cồn cát vàng trên mặt biển đó. Bà Marsham, Ellie Henderson, những ly đá lạnh. Bà phải gọi điện thoại ngay tức khắc.
Liếng thoắng, hỗn loạn, cái đồng hồ chạy trễ đổ chuông, ngay sau tiếng chuông Big Ben, với cái vòng đua đầy những thứ vặt vãnh của nó. Bị đập tan, phá vở bởi sự tấn công của những cỗ xe ngựa, sự thô bạo của những chiếc xe tải, sự nôn nao tiến tới của vô số những đàn ông gầy guộc, hay những phụ nữ diêm dúa, những mái vòm và chóp nhọn của những văn phòng và bệnh viện, những tàn tích cuối cùng của cái vòng đua đầy những thứ vặt vãnh này dường như vỡ toang ra, như bọt nước của một lượn sóng kiệt sức, bên trên thân hình của cô Kilman đang đứng bất động trên đường trong một thoáng giây để lẩm bẩm: “Đó là xác thịt.”
Chính xác thịt là cái mà cô phải kiểm soát. Clarissa đã sỉ nhục cô. Cô mong đợi điều đó. Nhưng bà ấy không chiến thắng; bà ấy không làm chủ được xác thịt. Xấu xí, vụng về, Clarissa đã chế nhạo cô về điểm ấy; và đã làm sống lại những khát khao xác thịt, vì cô quan tâm tới vẻ ngoài như cô đã quan tâm lúc ở bên cạnh Clarissa. Cô cũng không thể nói như cô đã nói. Nhưng vì sao muốn giống với bà ấy? Vì sao? Cô khinh thường bà Dalloway từ tận đáy lòng mình. Bà ta không nghiêm túc. Bà ta không tốt. Cuộc đời bà ta là một chuỗi phù hoa và dối trá. Thế nhưng Doris Kilman đã bị khuất phục. Cô đã, thật thế, hầu như bật khóc khi Clarissa cười nhạo cô. “Đó là xác thịt, đó là xác thịt,” cô lẩm bẩm (thói quen của cô là hay nói lớn tiếng) cố trấn áp cảm giác xao động và đau đớn này trong lúc cô bước xuôi xuống phố Victoria. Cô nguyện cầu Chúa. Cô không thể không xấu xí; cô không thể mua những thứ quần áo đẹp. Clarissa đã cười rộ lên – nhưng cô phải tập trung tâm trí vào một điều khác cho tới khi cô tới cái trụ thư công cộng. Với bất cứ giá nào, cô đã có được Elizabeth. Nhưng cô sẽ nghĩ tới một điều khác; cô sẽ nghĩ tới nước Nga; cho tới khi cô tới cái trụ đựng thư.
Nó phải đẹp biết bao, cô nói, ở đất nước đó, việc đấu tranh, như ông Whittaker đã nói với cô, với sự căm thù mãnh liệt đó nhằm chống lại cái thế giới đã khinh rẻ cô, chế nhạo cô, vứt bỏ cô, bắt đầu với sự sỉ nhục này – buộc cô mang cái thân thể không chút hấp dẫn mà mọi người không thể chịu nổi khi nhìn thấy. Dù cô có chải tóc kiểu nào, trán cô vẫn giống hệt một quả trứng, nhẵn thín, trắng nhợt. Không thứ trang phục nào thích hợp với cô. Dù cô có mua thứ gì thì cũng thế. Và đối với một phụ nữ, dĩ nhiên, điều đó có nghĩa là không bao giờ gặp gỡ người khác giới. Cô sẽ không bao giờ tới trước với bất cứ người nào. Với cô, gần đây có vẻ là như thế, ngoại trừ Elizabeth, thức ăn là tất cả những gì cô có; những niềm an ủi của cô; bữa tối của cô, trà của cô; chai nước nóng vào buổi tối của cô. Nhưng người ta phải chiến đấu; chiến thắng; có niềm tin nơi Thượng đế. Ông Whittaker đã nói cô hiện diện ở đó là vì một mục đích. Nhưng không ai biết được nỗi thống khổ! Ông ta nói, chỉ vào cây thập giá, rằng Thượng đế biết. Nhưng vì sao cô phải đau khổ khi những người đàn bà khác, như Clarissa Daloway, trốn thoát được? Tri thức đến thông qua sự đau khổ, ông Whittaker nói.
Cô đã đi qua cái trụ đựng thư, và Elizabeth đã quẹo vào khu bán thuốc lá nâu của các cửa hàng Quân đội và Hải quân trong lúc cô vẫn lẩm bẩm với chính mình những điều ông Whittaker đã nói về việc tri thức đến thông qua đau khổ và xác thịt. “Xác thịt,” cô lẩm bẩm.
Cô muốn tới khu nào? Elizabeth cắt đứt ý nghĩ của cô.
“Váy lót dài,” cô nói cộc lốc, và nghênh ngang bước lên thang máy.
Họ đi lên. Elizabeth hướng dẫn cô đi chỗ này chỗ khác; hướng dẫn cô trong lúc cô vẫn lơ đãng như thể cô là một đứa bé lớn con, một con tàu chiến cồng kềnh. Có những cái váy lót dài, nâu, đoan trang, có sọc, phù phiếm, một màu, mỏng manh; và cô chọn, trong sự lơ đãng, vênh váo, và cô gái bán hàng nghĩ là cô điên.
Elizabeth tự hỏi, trong lúc họ gói hàng, cô Kilman đang nghĩ gì. Họ phải uống trà, cô Kilman nói, bừng tỉnh, có lại sự kiểm soát. Họ đi uống trà.
Elizabeth tự hỏi cô Kilman có đói bụng không. Cách cô ta ăn là vậy, ăn ào ào, rồi nhìn đi nhìn lại vào cái đĩa bánh rắc đường ở bàn bên cạnh; sau đó, khi một quý bà và một đứa bé ngồi xuống và đứa bé cầm cái bánh, cô Kilman có thật sự quan tâm tới nó hay không? Có, cô Kilman có quan tâm tới nó. Cô đã muốn cái bánh đó – cái màu hồng. Lạc thú của việc ăn hầu như là một lạc thú đơn thuần duy nhất còn lại của cô, và rồi nó bị phá hỏng ngay cả trong chuyện đó!
Khi mọi người hạnh phúc, họ có một vật dự trữ, cô ta từng nói với Elizabeth, để rút ra từ đó, trong khi cô ta giống như một cái bánh xe thiếu lốp (cô ta thích những phép ẩn dụ như thế), bị xóc lên bởi từng hòn sỏi, vì thế cô thường nói như thế khi nán lại sau bài học, đứng cạnh lò sưởi với cái túi đựng sách, cô ta gọi nó là “cái cặp táp”, vào một sáng thứ Sáu, sau khi bài học kết thúc. Và cô ta cũng nói về cuộc chiến. Nói cho cùng, có những người không nghĩ là nước Anh lúc nào cũng đúng. Có những cuốn sách. Có những cuộc biểu tình. Có những quan điểm khác. Elizabeth có muốn đi cùng cô ta tới nghe vị Nào đó (một ông già trông rất khác thường) không? Sau đó, cô Kilman đưa cô tới một nhà thờ ở Kensington và họ dùng trà với một mục sư. Cô ta đã cho mượn những cuốn sách của mình. Luật, y học, chính trị, mọi nghề nghiệp đều mở rộng đối với những người phụ nữ ở thế hệ của em, cô Kilman nói. Nhưng đối với cô ta, sự nghiệp của cô ta hoàn toàn bị hủy hoại và đó có phải là lỗi của cô ta không? Ôi trời, không đâu, Elizabeth đáp.
Và mẹ của cô sẽ ghé qua để nói rằng một cái thùng mây đã được gửi tới từ Bourton và cô Kilman có thích một ít hoa hay không? Bà luôn rất, rất tử tế với cô Kilman, nhưng cô Kilman ép tất cả hoa thành một bó và không nói lời nào, và những gì cô Kilman thích thú lại làm cho mẹ cô phát chán, và cô Kilman và bà thật kinh khủng khi ở cạnh nhau; và cô Kilman sưng sỉa, trông có vẻ rất thô lỗ. Nhưng cô Kilman thông minh một cách đáng sợ. Elizabeth chưa bao giờ nghĩ tới người nghèo. Họ sống với mọi thứ họ muốn – mẹ cô ăn điểm tâm trên giường hàng ngày; Lucy mang nó lên; và bà thích những phụ nữ lớn tuổi vì họ là những nữ công tước, và là dòng dõi của một lãnh chúa nào đó. Nhưng cô Kilman bảo (vào một trong những buổi sáng Thứ ba khi giờ học kết thúc), “Ông của tôi có một cửa hiệu bán sơn dầu ở Kensington.” Cô Kilman khiến cho người ta cảm thấy rất nhỏ bé.
Cô Kilman rót một tách trà khác. Elizabeth với ngoại hình đông phương, vẻ bí ẩn khôn dò của mình, ngồi thật thẳng người; không, cô không muốn thêm bất cứ thứ gì nữa. Cô tìm đôi găng tay – đôi găng tay trắng của cô. Chúng đang ở dưới bàn. Chà, nhưng cô phải đi! Cô Kilman không thể để cho cô đi! Sự trẻ trung rất xinh đẹp này, cô gái này, người cô thật sự mến yêu! Bàn tay to lớn của cô mở ra và khép lại trên bàn.
Nhưng vì lẽ nào đó Elizabeth cảm thấy bữa trà hơi tẻ nhạt. Và cô thật sự muốn đi.
Nhưng cô Kilman bảo: “Tôi chưa hoàn toàn kết thúc bữa trà.”
Vậy thì Elizabeth sẽ đợi, dĩ nhiên. Nhưng ở đây khá ngột ngạt.
“Tối nay em có dự tiệc không?” Cô Kilman hỏi. Elizabeth cho rằng cô sẽ tới; mẹ cô muốn cô tới. Cô không được để cho những bữa tiệc thu hút mình, cô Kilman nói, nhón lấy cái bánh éclair chocolate dài hai in-sơ cuối cùng.
Cô không thích mấy bữa tiệc cho lắm, Elizabeth nói. Cô Kilman há miệng ra, hơi hất cằm lên, và nuốt trôi hai in-sơ bánh cuối cùng, rồi lau mấy ngón tay, và tráng trà quanh cái tách của mình.
Cô cảm thấy cô sắp bị tách ra làm đôi. Nỗi thống khổ thật kinh khủng. Nếu cô có thể tóm lấy cô bé, nếu cô có thể xiết chặt lấy cô bé, nếu cô có thể làm cho cô ta trở thành của cô hoàn toàn và mãi mãi và sau đó chết đi; đó là tất cả những gì cô muốn. Nhưng việc ngồi đây, không thể nghĩ ra bất cứ điều gì để nói; nhìn thấy Elizabeth quay sang chống lại cô; cảm thấy bị kinh tởm thậm chí bởi cô bé – là quá nhiều; cô không thể chịu nổi. Những ngón tay to co quắp vào bên trong.
“Tôi không bao giờ tới những bữa tiệc,” cô Kilman nói, chỉ để ngăn không cho Elizabeth đi. “Mọi người không mời tôi tới dự những bữa tiệc” – và cô biết ngay trong lúc nói rằng chính cái tính tự cao tự đại này là thứ khiến cô bị hủy hoại; ông Whittaker đã cảnh báo cô; nhưng cô không thể kềm chế nó. Cô đã đau khổ kinh khủng. “Vì sao họ phải mời tôi?” cô hỏi. “Tôi thô kệch, tôi bất hạnh.” Cô biết nói thế thật ngu ngốc. Nhưng chính những người đang đi qua đó – những người với những gói đồ đã khinh miệt cô, đã khiến cô nói ra điều đó. Tuy nhiên, cô là Doris Kilman. Cô có học vị. Cô là một phụ nữ đã tạo ra con đường đi của mình trong cõi đời này. Kiến thức của cô về lịch sử hiện đại còn hơn cả mức đáng kính.
“Tôi không tự thương hại bản thân,” cô nói. “Tôi thương hại” – ý cô định nói là “mẹ của em” nhưng không, cô không thể, không thể với Elizabeth. “Tôi thương hại những người khác hơn,” cô nói.
Như một sinh vật khờ khạo nào đó, đã được đưa tới một cánh cổng vì một mục đích không rõ, và đứng đó mong muốn được chuồn đi. Elizabeth Dalloway ngồi im lặng. Cô Kilman sẽ nói thêm gì nữa?       
“Đừng hoàn toàn quên tôi,” Doris Kilam nói; giọng cô run rẩy. Ngay lập tức, con vật khờ khạo cất vó phi tới cuối cánh đồng trong niềm kinh hãi.
Bàn tay to lớn mở ra khép lại.
Elizabeth quay đầu đi. Người nữ hầu bàn tới. Người ta phải thanh toán ở quầy, Elizabeth nói, và bỏ đi, rút bộ ruột trong người của cô ra, cô Kilman cảm thấy như thế, trải chúng ra trong lúc cô ta băng qua căn phòng, và rồi, với một cú xoắn cuối cùng, cúi đầu mình rất nhã nhặn, cô ta đi.
Cô ta đã đi khỏi. Cô Kilman ngồi ở cái bàn đá hoa giữa những cái bánh éclair, bị tấn công một lần, hai lần, ba lần, bởi những cơn chấn động khổ đau. Cô ta đã đi khỏi. Bà Dalloway đã chiến thắng. Elizabeth đã đi khỏi.
Vẻ đẹp đã ra đi, tuổi trẻ đã ra đi.
Cô ngồi đó. Cô đứng lên, loạng choạng bước giữa những cái bàn nhỏ, hơi đu đưa người từ bên này sang bên kia, và có ai đó đi theo cô với chiếc áo khoác đi mưa của cô, và cô lạc đường, bị vây quanh bởi những cái rương được đặc biệt chuẩn bị để đưa tới Ấn Độ; kế đến bước vào giữa những bộ đồ dành cho bà bầu, những bộ quần áo em bé bằng vải lanh; cô lảo đảo đi qua tất cả những thứ hàng hóa vật dụng vô thường và vĩnh cửu trên đời, những cái đùi lợn sấy, thuốc men, hoa, văn phòng phẩm, tỏa ra những thứ mùi khác nhau, khi ngọt, khi chua; tự nhìn thấy toàn thân của mình đang lảo đảo như vậy với cái mũ lệch sang một bên, mặt đỏ bừng, trong một tấm gương; và cuối cùng bước ra đường phố.
Tháp chuông của Giáo đường Westminster nổi lên trước mặt cô, nơi cư ngụ của đức Chúa Trời. Cô kiên trì cất bước với gói đồ của mình tới cái nơi trú ẩn khác đó, Tu viện, nơi mà, giơ cao đôi bàn tay chắp lại trước mặt, cô ngồi bên cạnh những người cũng bị đưa đẩy tới nơi trú ẩn; những người tín ngưỡng đủ loại, lúc này lột bỏ đi giai tầng xã hội, hầu như cả giới tính, khi họ chắp tay trước mặt, nhưng khi họ bỏ tay xuống, ngay lập tức hiện ra những người đàn ông và phụ nữ Anh khả kính, thuộc giai cấp trung lưu, một số trong bọn họ khao khát được nhìn thấy những tác phẩm làm bằng nến.
Nhưng cô Kilman vẫn chắp hai tay trước mặt mình. Lúc cô bị bỏ rơi; lúc có người tham gia. Những người sùng bái bước vào từ đường phố để thế chỗ cho những kẻ dạo chơi, tuy nhiên, khi mọi người nhìn quanh và lê bước qua ngôi mộ của Người chiến binh Vô danh, cô đưa những ngón tay che mắt và cố gắng mong muốn vượt lên trên những thứ phù hoa, những khao khát, những vật dụng, để rủ bỏ khỏi bản thân cả lòng căm ghét lẫn tình yêu, trong bóng tối gấp đôi này, vì ánh sáng trong tu viện là vô hình. Hai bàn tay cô co giật. Dường như cô đang đấu tranh. Thế nhưng với những người khác Thượng đế có thể tiếp cận được và con đường đến với Người phẳng lặng. Ông Fletcher, đã nghỉ hưu, của Bộ Tài chính, bà Gorham, vợ góa của ngài K.C.[1] nổi tiếng, đến gần Người một cách đơn giản, và đã cầu nguyện xong, ngả người ra, thưởng thức âm nhạc (cây đàn organ ngân lên ngọt ngào), và nhìn thấy cô Kilman ở cuối hàng, đang cầu nguyện, cầu nguyện mãi, và, đang bất động trên bậc thềm của âm ty, suy nghĩ một cách đồng cảm về cô như một linh hồn đang ngụ cư trong cùng lãnh thổ; một linh hồn bị cắt khỏi vật chất vô hình; không phải một người phụ nữ, mà là một linh hồn.
Nhưng ông Fletcher phải đi. Ông phải đi ngang qua cô, và vì bản thân mình sạch sẽ tinh tươm như một cái kẹp cà vạt mới toanh, ông không thể không cảm thấy hơi đau buồn vì tình trạng bê bối của người phụ nữ nghèo; tóc cô xõa xuống; cái gói của cô nằm trên sàn. Cô không để cho ông bước qua ngay. Mà, trong lúc ông đứng nhìn quanh, vào cái bàn đá hoa trắng, những ô cửa sổ xám, và những bảo vật tích lũy (vì ông cực kỳ tự hào về Tu viện), sự vĩ đại, sự thô kệch và sức mạnh của cô, trong lúc cô ngồi đó, thỉnh thoảng lại di chuyển hai đầu gối  (đường đến gần Thượng đế của cô quá gian nan – những ước ao của cô quá kiên định) khiến cho ông xúc động, như chúng đã khiến cho bà Dalloway (chiều hôm đó bà không thể xua đuổi ý nghĩ về cô ra khỏi tâm trí mình), đức cha Edward Whittaker và cả Elizabeth, phải xúc động.
Elizabeth đợi xe buýt trên phố Victoria. Ra khỏi nhà thật là dễ chịu. Cô nghĩ có lẽ cô chưa cần phải về nhà ngay. Ở ngoài trời thật dễ chịu. Vì thế cô sẽ đón một chuyến xe buýt. Và ngay khi cô đứng đó, trong bộ quần áo cắt may rất khéo, nó đã bắt đầu xảy ra… Mọi người bắt đầu so sánh cô với những cây dương, buổi ban mai, những đóa dạ lan hương, những con hươu non, nước chảy, và hoa huệ trong vườn; và điều này biến cuộc sống của cô thành một gánh nặng đối với cô, vì cô thích được ở một mình để làm những gì cô thích ở miền quê hơn, nhưng họ cứ so sánh cô với những bông hoa huệ, và cô phải tới dự những bữa tiệc, và London quá đáng sợ so với việc được ở một mình ở miền quê với cha cô và đàn chó.
Những chiếc xe buýt nhào tới, đậu lại, lao đi – những cỗ xe sặc sỡ, lấp lánh lớp va ni đỏ và vàng. Nhưng cô sẽ lên chiếc nào? Cô không có sở thích nào hết. Tất nhiên, cô sẽ không chen lấn. Cô có khuynh hướng thụ động. Cái cô cần là sự thể hiện, nhưng đôi mắt cô đẹp, giống mắt của người Trung Hoa, mang nét đông phương, và, như mẹ cô nói, với đôi vai đẹp và thân người thật thẳng như thế, cô luôn trông thật đáng yêu; và vào lúc muộn hơn, đặc biệt là khi chiều tối, khi cô thích thú, vì dường như cô không bao giờ kích động, trông cô hầu như xinh đẹp, rất trang nghiêm, rất thanh thản. Cô đang suy nghĩ điều gì? Mọi người đàn ông đều phải lòng cô, và cô thật sự chán vô cùng. Vì chuyện đó đang bắt đầu. Mẹ cô có thể nhìn thấy điều đó – nhưng lời khen ngợi đang bắt đầu. Việc cô không quan tâm gì tới nó – chẳng hạn đối với trang phục của cô – đôi khi khiến Clarissa thấy lo âu, nhưng có lẽ điều này cũng tốt như với tất cả những con chó con và chuột lang đang khó ở, và nó mang tới cho cô một vẻ quyến rũ. Và còn có cái tình bạn kỳ quặc với cô Kilman. Tốt, nó chứng tỏ con bé có một trái tim, Clarissa đã nghĩ thế vào lúc khoảng ba giờ sáng, khi đang đọc hồi ký của Nam tước Marbot vì bà không ngủ được.
Đột nhiên Elizabeth bước tới trước và phóng lên chiếc xe buýt hai tầng một cách thành thạo, ngay trước mắt mọi người. Cô chọn một chỗ ngồi ở tầng trên. Con vật mạnh mẽ – một tên cướp biển – vọt tới trước, lao đi; cô phải nắm lấy thanh chấn song để giữ thăng bằng, vì nó là một tên cướp biển, liều mạng, khinh suất, liên tục phóng tới, quẹo cua một cách nguy hiểm, táo bạo vồ lấy một hành khách, hay làm ngơ một hành khách, cuộn xiết như một con lươn và hống hách giữa hai chặng dừng, rồi lao tới một cách xấc xược trong suốt quãng đường qua phố Whitehall. Và Elizabeth có dành một ý nghĩ nào cho cô Kilman tội nghiệp, người yêu mến cô không chút ghen tị, người mà đối với cô ta cô là một chú hươu non ở giữa đồng, một vầng trăng trên trảng trống, hay không? Cô vui mừng vì được tự do. Bầu không khí trong lành thật tuyệt. Ở trong Các cửa hàng Quân đội và Hải quân quá tù túng. Và lúc này cô cứ như đang phi ngựa, vọt lên phố Whitehall; và với mỗi chuyển động của chiếc xe buýt cái thân hình xinh đẹp trong chiếc áo khoác màu nâu đáp lại một cách thoải mái như một kỵ sĩ, như một thuyền trưởng của một con tàu, vì cơn gió đang khẽ vuốt ve cô; sức nóng mang tới cho đôi má cô vẻ xanh xao của gỗ sơn trắng; và đôi mắt đẹp của cô, không có mắt ai để gặp, nhìn đăm đăm về phía trước, trống vắng, sáng rực, với vẻ ngây thơ lạ thường của một bức tượng.
Chính việc luôn nói về những đau khổ của chính mình khiến cho cô Kilman trở nên rất khó chịu. Và cô ta có đúng không? Nếu việc tham gia vào những ủy ban và bỏ ra giờ này sang giờ khác mỗi ngày (cô hầu như không bao giờ thấy cha mình ở London) để giúp ích cho người nghèo, cha cô đã làm điều đó, có trời đất biết – nếu đó là điều mà cô Kilman muốn nói về việc trở thành một người Cơ đốc giáo; nhưng rất khó nói ra điều đó. Chà, cô muốn đi xa hơn một chút. Có phải thêm một xu nữa là tới phố Strand không? Vậy đây là một xu nữa. Cô sẽ lên phố Strand.
Cô thích những người đau ốm. Và mọi nghề nghiệp đều mở rộng đối với những người phụ nữ ở thế hệ của em, cô Kilman nói. Vì thế cô có thể là một bác sĩ. Cô có thể là một chủ nông trại. Lũ súc vật thường bị bệnh. Cô có thể làm chủ một ngàn mẫu Anh và có những người dưới quyền. Cô sẽ tới thăm họ trong những ngôi nhà thôn dã. Đây là Tòa nhà Somerset. Người ta có thể trở thành một chủ nông trại rất tốt – và điều đó, khá lạ lùng dù cô Kilman có phần trong đó, hầu như hoàn toàn là vì Tòa nhà Somerset. Trông nó thật tuyệt diệu, thật trang nghiêm, cái tòa nhà to lớn màu xám ấy. Và cô thích cảm giác về những người đang làm việc. Cô thích những giáo đường đó, như những hình dáng làm bằng giấy xám, ưỡn ngực về phía dòng chảy của phố Strand. Ở đây hoàn toàn khác với khu Westminster, cô nghĩ, xuống xe ở phố Chancery Lane. Nó rất nghiêm trang; nó rất bận rộn. Nói tóm lại, cô muốn có một nghề nghiệp chuyên môn. Cô sẽ trở thành một bác sĩ, một chủ nông trại, có khả năng sẽ vào Quốc hội, nếu cô thấy điều đó cần thiết, tất cả là vì phố Strand.
Đôi chân của những người đó bận rộn với các hoạt động của họ, những bàn tay đặt đá lên đá, những trí tuệ vĩnh viễn bị xâm chiếm không phải bởi những câu tán gẫu vặt vãnh (so sánh những người phụ nữ với những cây dương – điều đó khá thú vị, dĩ nhiên, nhưng rất ngốc nghếch), mà bởi ý nghĩ về những con tàu, công việc kinh doanh, luật pháp, sự điều hành, và bởi tất cả những thứ rất trang nghiêm (cô đang ở trong Thánh đường), vui tươi (có một con sông), sùng đạo (có Nhà thờ), khiến cô hoàn toàn quyết tâm trở thành một chủ nông trại hay một bác sĩ, bất chấp mẹ cô có thể nói gì. Nhưng dĩ nhiên là cô khá lười biếng.
Và tốt hơn là không nói gì về việc đó. Dường như nó rất ngốc nghếch. Đó là loại sự việc thỉnh thoảng xảy ra, khi người ta đơn độc – những tòa nhà không có tên của các kiến trúc sư, những đám đông đang quay về từ thành phố có nhiều khả năng hơn những vị mục sư độc thân ở Kensington, hơn bất kỳ cuốn sách nào trong số mà cô Kilman đã cho cô mượn, để khuấy động cái đang nằm mơ màng, lóng ngóng và thẹn thùng trên nền cát của tâm trí trồi lên bề mặt, như một đứa trẻ con đột nhiên duỗi đôi cánh tay ra; nó chính là điều đó, có lẽ, một tiếng thở dài, một cử động duỗi đôi cánh tay, một sự thôi thúc, một sự phát hiện, mãi mãi tạo nên các ảnh hưởng, và rồi nó lại chìm xuống nền cát. Cô phải về nhà. Cô phải thay đồ cho bữa ăn tối. Nhưng giờ là mấy giờ rồi? –  Ở đâu có một cái đồng hồ?
Cô nhìn lên phố Fleet. Cô đi một đoạn ngắn về phía phố St. Paul, bẽn lẽn, như một người đang rón rén xâm nhập, thám hiểm một ngôi nhà xa lạ vào ban đêm với một cây nến, nép người kẻo chủ nhà có thể đột nhiên mở rộng cánh cửa phòng ngủ và hỏi cô tới có việc gì, cô cũng không dám đi lang thang vào những con hẻm lạ, những đường phố quyến rũ, bất kỳ thứ gì nhiều hơn là một ngôi nhà lạ mở những cánh cửa mà có thể là cửa phòng ngủ, hay cửa phòng khách, hay dẫn thẳng tới cầu thang. Vì không có người nhà Dalloway nào đi xuống phố Strand hàng ngày; cô là một người tiên phong, một người đi lạc, mạo hiểm, tin tưởng.
Theo nhiều cách, mẹ cô cảm thấy, cô cực kỳ non nớt, vẫn còn như một đứa trẻ con, gắn bó với những con búp bê, những đôi dép cũ; một em bé hoàn hảo; và điều đó đáng yêu. Nhưng, dĩ nhiên, trong gia đình Dalloway có truyền thống phục vụ công cộng. Những nữ tu viện trưởng, những hiệu trưởng, những nữ lãnh đạo, những người quyền cao chức trọng, trong nền cộng hòa của những người phụ nữ – không xuất chúng mấy, bất kỳ người nào trong số họ, họ là thế. Cô xâm nhập thêm chút nữa về hướng phố St. Paul. Cô thích sự ân cần, tình chị em, tình mẫu tử, tình huynh đệ của tiếng ồn ào náo động này. Với cô nó có vẻ tốt đẹp. Tiếng ồn thật lớn; và đột nhiên có những tiếng kèn (những người thất nghiệp) đang nổi lên, gây huyên náo trong tiếng ồn ào; tiếng quân nhạc; như thể mọi người  đang diễu hành; thế nhưng họ đang hấp hối – nếu một phụ nữ nào đó hít hơi thở cuối cùng và một người nào đó bất kỳ đang quan sát mở một cánh cửa sổ của căn phòng nơi bà ta vừa thực hiện hành động mang phẩm giá tối cao đó, nhìn xuống phố Fleet, cái tiếng ồn ào đó, tiếng quân nhạc đó sẽ vọng lên chỗ ông ta, đắc thắng, an ủi, dửng dưng.
Đây không phải là ý thức. Trong nó không có nhận thức nào về một tương lai hay định mệnh, và chính vì lý do đó, về sự an ủi, thậm chí với những ai choáng váng với việc quan sát những rung động cuối cùng của ý thức trên những gương mặt của kẻ hấp hối. Tính hay quên trong mọi người có thể gây thương tổn, sự vô ơn của họ có thể ăn mòn, nhưng giọng nói này, đang tuôn ra vô tận, từ năm này sang năm khác, sẽ thực hiện bất cứ điều gì nó có thể; lời nguyền này; đội quân tiên phong này; cuộc sống này; tiến trình này, sẽ bao bọc tất cả bọn họ và mang họ đi, như trong một dòng nước xiết của con sông băng, một tảng băng giữ lại một mảnh xương, một cánh hoa màu xanh, một vài thân cây sồi, và lăn chúng đi.
Nhưng đã muộn hơn mức cô nghĩ. Mẹ cô sẽ không thích cô lang thang một mình như thế này. Cô quay lại, xuôi xuống phố Strand.
Một luồng gió (bất chấp sức nóng, đó hoàn toàn là một cơn gió) thổi một tấm voan đen mỏng qua mặt trời và qua phố Strand. Những gương mặt nhòa đi; những chiếc xe buýt hai tầng đột nhiên mất đi vẻ rực rỡ. Vì dù những đám mây trắng to như núi khiến người ta có thể tưởng tượng tới việc đẻo ra từ đó những mảnh cứng với một cái rìu, với những sườn dốc rộng vàng óng, những bãi cỏ của những khu vườn địa đàng đầy lạc thú ở hai bên sườn của chúng, và có mọi dáng vẻ của những ngôi nhà tập hợp lại cho cuộc hội nghị của những thần linh ở cõi trên, có một chuyển động không ngừng giữa chúng. Những dấu hiệu thay đổi, khi, như thể để hoàn thành một kế hoạch nào đó đã chuẩn bị sẵn, khi thì chóp núi thu nhỏ lại, khi thì toàn một một khối to có kích thước của một kim tự tháp trước đó duy trì vị trí của nó một cách bất biến tiến vào chính giữa hoặc nghiêm trang dẫn dắt đám diễu hành tới một chỗ buông neo mới. Dù có vẻ như chúng được cố định tại vị trí của mình, đang nghỉ ngơi trong một trạng thái thống nhất hoàn hảo, không gì có thể tươi mới hơn, tự do hơn, dễ bị phá hủy ở bề ngoài hơn cái bề mặt trắng như tuyết hay vàng óng đó; việc thay đổi, bay đi, triệt phá sự tập hợp trang nghiêm là điều có khả năng xảy ra ngay lập tức; và bất chấp sự bất động trang nghiêm, sự vững chắc và dày đặc, khi thì chúng buông ánh sáng xuống trái đất, khi thì buông bóng tối.
Bình thản và thành thạo, Elizabeth trèo lên chiếc xe buýt Westminster.




[1] King’s Counsel: một địa vị trong giới Tư pháp Anh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét