Thứ Năm, 17 tháng 1, 2013

Mrs Dalloway - phần cuối

Virginia Woolf
Ngyễn Thành Nhân dịch






Lucy chạy ào xuống thang sau khi ghé nhanh vào phòng khách để vuốt phẳng một tấm khăn trải bàn, chỉnh lại một cái ghế, dừng lại một chút và cảm thấy bất cứ ai bước vào phải nghĩ thật là sạch sẽ, thật là rực rỡ, thật là xinh đẹp, khi họ nhìn thấy bộ dao nĩa đẹp, bộ đồ lò bằng đồng thau, những tấm vải phủ ghế mới, và những bức màn vải hoa màu vàng; cô đánh giá từng thứ một; nghe thấy một loạt giọng nói ồn ào; mọi người đã đi lên sau bữa ăn; cô phải chuồn thôi!
Thủ tướng đang tới, Agnes nói: cô đã nghe họ bảo thế ở phòng ăn, cô nói, bước vào với một khay đựng ly. Việc đó có quan trọng không, có quan trọng chút xíu nào không, khi thêm hay bớt một ông Thủ tướng?  Điều đó không tạo nên chút khác biệt nào vào giờ này đối với bà Walker, đang ngồi giữa những cái đĩa, những cái nồi đựng súp, những cái chao, những cái chảo rán, món thịt gà nấu đông, những cái máy làm kem, những mẩu vỏ bánh đã gọt ra, những quả chanh, những liễn đựng súp, và những chậu đựng thức ăn tráng miệng, việc rửa chúng trong phòng rửa bát dù có vất vả tới đâu dường như là điều quan trọng tối cao đối với bà, với cái bàn nhà bếp, với những cái ghế, trong lúc ngọn lửa rú rít ồn ào, những bóng đèn điện tỏa sáng, và vẫn còn bữa ăn tối phải bày ra. Tất cả những gì bà cảm thấy là: việc thêm hay bớt một ông thủ tướng chẳng hề tạo ra chút khác biệt nào đối với bà Walker.
Các vị phu nhân đang lên gác, Lucy nói; các vị phu nhân đang đi lên, từng người một, bà Dalloway đi sau chót và hầu như luôn luôn gửi lại một tin nhắn nào đó cho nhà bếp, “Tình yêu của tôi dành cho bà Walker,” một đêm nọ là câu đó. Sáng mai họ sẽ kiểm tra lại các món ăn – món súp, món cá hồi; bà Walker biết, như thường lệ, món cá hồi chưa chín tới, vì bà luôn lo lắng về món tráng miệng và giao nó lại cho Jenny; và việc xảy ra là thế, món cá hồi luôn chưa chín tới. Nhưng một phu nhân nào đó với mái tóc vàng và những đồ trang sức bằng bạc đã nói, Lucy kể, về món ăn đầu tiên, có thật là nó được làm tại nhà? Nhưng chính món cá hồi khiến bà Walker phải bận tâm, khi bà xoay tròn những cái đĩa và đút vào, kéo ra những cái bánh nướng dưới tro; một tràng cười rộ vọng lên từ phòng ăn; một giọng nói cất lên; rồi lại một tràng cười rộ khác – những quý ông tự tìm vui khi các phu nhân đã đi khỏi. Rượu tôkê, Lucy chạy vào nói. Bà Dalloway đã cử người đi lấy rượu tôkê, từ những hầm rượu của Hoàng đế, loại rượu tôkê của Hoàng đế.
Nó được mang ngang qua nhà bếp. Lucy thường thuật lại qua vai bà trông cô Elizabeth hoàn toàn xinh xắn ra sao; cô không thể dời mắt khỏi cô bé; mặc một cái váy hồng, đeo cái chuỗi hạt mà bà Dalloway đã cho cô ta. Hẳn Jenny phải nhớ tới con chó, con chó phốc của cô Elizabeth, mà, từ khi nó cắn, phải bó mõm nó lại và có thể, Elizabeth nghĩ, muốn điều gì đó. Jenny phải nhớ con chó đó. Nhưng Jenny sẽ không lên gác với cả bọn người ở đó. Đã có một chiếc xe hơi đậu trước cửa. Có tiếng chuông reo – và những quý ông vẫn đang ở trong phòng ăn, đang uống rượu tôkê!
Kia, họ đang đi lên gác; đó là người đầu tiên tới, và lúc này họ sẽ tới ngày càng nhanh hơn, khiến bà Parkinson (được thuê cho những bữa tiệc) phải để cánh cửa đại sảnh luôn mở hé, và đại sảnh sẽ đầy những quý ông chờ đợi (họ đứng chờ, vuốt cho tóc thêm mượt) trong lúc các quý bà cởi áo choàng ra trong căn phòng dọc hành lang; ở đó có bà Barnet giúp họ, bà cụ Ellen Barnet, người đã làm việc cho gia đình này suốt bốn mươi năm, và tới vào mỗi mùa hè để giúp đỡ các quý bà, và nhớ những người mẹ khi họ còn là những nàng thiếu nữ, và dù rất khiêm tốn cũng bắt tay; nói “chào phu nhân” một cách rất tôn trọng, thế nhưng bà có một cách nhìn rất nghịch ngợm vào những vị tiểu thư, và luôn khéo léo giúp phu nhân Lovejoy, người đã gặp chút ít rắc rối ở cái vạt áo dưới. Và họ,  phu nhân Lovejoy và tiểu thư Alice, không thể không cảm thấy rằng họ đã được ban thưởng một đặc quyền nho nhỏ nào đó trong vấn đề bút lông và lược chải khi quen biết bà Barnet – “ba mươi năm rồi, phu nhân,” bà Barnet bổ sung. Các tiểu thư trẻ tuổi không quen dùng phấn hồng, phu nhân Lovejoy từng nói, khi họ ở Bourton vào những ngày xưa. Và tiểu thư Alice không cần tới phấn hồng, bà Barnet nói, nhìn cô với vẻ yêu thích. Bà Barnet sẽ ngồi đó, trong phòng giữ áo choàng, vỗ nhẹ vào những lớp lông, vuốt phẳng những cái khăn choàng Tân Ban Nha, dọn dẹp bàn trang điểm, và hoàn toàn biết rõ, bất chấp những thứ áo lông và đồ thêu, ai là những phu nhân tốt, ai thì không phải. Bà cụ già thân mến, phu nhân Lovejoy nói, bước lên cầu thang, người vú già cũ của Clarissa.
Thế rồi phu nhân Lovejoy cứng người lại. “Phu nhân và tiểu thư Lovejoy,” bà nói với ông Wilkins (được thuê cho những bữa tiệc). Ông ta có một cung cách đáng ngưỡng mộ, khi ông ta nghiêng người và đứng thẳng lại, nghiêng người và đứng thẳng lại và thông báo với sự vô tư hoàn hảo ““Phu nhân và tiểu thư Lovejoy… Ngài John và phu nhân Needham… Tiểu thư Weld… Ông Walsh.” Cung cách của ông ta thật đáng ngưỡng mộ; hẳn cuộc sống gia đình của ông ta không thể chê vào đâu được, ngoại trừ rằng dường như không thể có chuyện một kẻ với đôi môi xanh tái và đôi má cạo nhẵn có thể mắc phải sai lầm là chuốc lấy sự phiền toái về con cái.
“Rất vui được gặp ông/bà!” Clarissa nói. Bà ấy nói câu đó với mọi người. Rất vui được gặp ông/bà! Bà ấy đang trong tình trạng tệ hại nhất – tỏ ra dạt dào tình cảm, không chân thành. Việc tới đây là một sai lầm lớn. Lẽ ra ông nên ở nhà và đọc cuốn sách của mình, Peter Walsh nghĩ; lẽ ra nên tới một phòng hòa nhạc; lẽ ra ông nên ở nhà, vì ông không quen biết ai cả.
Chao ôi, nó sẽ là một thất bại; một thất bại hoàn toàn, Clarissa cảm thấy trong từng cái xương của mình khi ngài Lexham già thân mến đứng đó xin thứ lỗi cho vợ ông, người đã bị cảm lạnh trong bữa tiệc ở điện Buckingham. Bà có thể trông thấy Peter từ đuôi mắt của mình, đang phê phán bà, ở đó, trong góc đó. Sao chứ, nói cho cùng, không phải bà đã làm những chuyện này hay sao? Vì sao lại tìm những đỉnh cao và đứng ướt sũng trong ngọn lửa? Dù sao thì nó cũng có thể thiêu rụi bà! Đốt cháy bà thành than! Bất cứ chuyện gì cũng tốt hơn, vung một ngọn đuốc và ném nó vào quả đất vẫn tốt hơn là dần dần teo lại như một Ellie Henderson nào đó! Thật lạ lùng biết bao khi Peter đặt bà vào những trạng thái này chỉ bằng cách tới đây và đứng trong một góc. Ông ấy khiến cho bà nhìn thấy bản thân mình; cường điệu nó lên. Thật là ngu xuẩn. Nhưng vậy thì vì sao ông ấy đến, chỉ để phê phán? Vì sao luôn luôn lấy đi, không bao giờ cho? Vì sao không thử đánh liều vứt bỏ đi một quan điểm nhỏ bé của mình? Ông ấy đang đi lang thang ra đó, và bà phải nói chuyện với ông ấy. Nhưng bà sẽ không nắm lấy cơ hội đó. Cuộc sống là thế – sự bị sỉ nhục, sự quên mình. Điều ngài Lexham đang nói là vợ ông ta sẽ không mặc áo lông của bà ấy trong bữa tiệc vì “bà bạn thân mến của tôi, tất cả các vị phu nhân của bà đều giống hệt như nhau” – ít nhất phu nhân Lexham đã bảy mươi lăm tuổi! Thật tuyệt vời, cái cách họ cưng chiều nhau, đôi vợ chồng già đó. Bà không thích ngài Lexham. Bà nghĩ nó quan trọng, bữa tiệc của bà, và bà hoàn toàn muốn bệnh khi biết rằng tất cả đang đi chệch hướng, tất cả đang rơi vào sự tẻ nhạt. Bất cứ điều gì, bất cứ sự bùng nổ nào, bất cứ nỗi kinh hoàng nào cũng còn tốt hơn việc mọi người đi lại lang thang vô mục đích, đứng thành nhóm ở một góc như Ellie Henderson, thậm chí không quan tâm tới việc giữ cho thẳng thân hình của họ.
Tấm màn màu vàng với tất cả những con chim của chốn Thiên đường nhẹ nhàng cuốn ra ngoài và dường như thể có một đàn chim với những đôi cánh bay vào phòng, bay ra, rồi bị hút trở lại. (Vì  những cánh cửa sổ đang mở.) Có phải đó là gió lùa không, Ellie Henderson tự hỏi? Bà đang gánh chịu những cơn rùng mình ớn lạnh. Nhưng việc bà sẽ bị sổ mũi vào hôm sau không quan trọng; chính những cô gái với những đôi vai trần là điều bà nghĩ tới, vì đã được huấn luyện để nghĩ về những người khác bởi một ông bố lớn tuổi, một vị cựu cha sở bệnh tật của xứ đạo Bourton, nhưng giờ ông đã chết; và những cơn ớn lạnh của bà không bao giờ lên tới lồng ngực của bà, không bao giờ. Chính những cô gái là điều bà nghĩ tới, những cô gái trẻ với những đôi vai trần, bản thân bà luôn là một người nhỏ thó, với một mái tóc thưa và nét nhìn nghiêng gầy guộc; dù bây giờ, đã quá tuổi năm mươi, nó đang bắt đầu bừng lên qua một tia sáng dịu êm nào đó, một cái gì đó được tinh lọc thành sự khác biệt bởi những năm tháng xả thân quên mình nhưng rồi lại mờ đi vĩnh viễn bởi vẻ quý phái đầy khổ sở của bà, sự sợ hãi hoang mang của bà, vốn nảy sinh từ khoản thu nhập ba trăm bảng Anh, và tình trạng vô vũ khí của bà (bà không thể kiếm được một xu) và nó khiến cho bà trở nên rụt rè, và theo từng năm trôi qua ngày càng thiếu tư cách để gặp gỡ những người ăn mặc sang trọng, những kẻ thực hiện loại công việc này hằng đêm trong mùa, chỉ đơn giản nói với người hầu của họ: “Tôi sẽ mặc như thế như thế…” trong lúc Ellie Henderson chạy ra ngoài một cách lo lắng và mua những bông hoa màu hồng rẻ tiền, nửa chục bông, sau đó ném một chiếc khăn choàng lên cái váy đen cũ kỹ của mình. Vì thiệp mời dự tiệc của Clarissa đã tới vào phút cuối cùng. Bà không hoàn toàn vui vẻ về chuyện đó. Bà có một cảm giác rằng năm nay Clarissa không có ý định mời bà.
Vì sao bà ta phải làm thế? Thật sự không có lý do nào cả, ngoại trừ rằng họ luôn luôn biết nhau. Thật ra họ là hai chị em họ. Nhưng họ đã dạt ra khỏi nhau khá xa, một cách tự nhiên, về sau này Clarissa trở nên quá theo đuổi danh vọng. Việc tới dự một bữa tiệc đối với bà là một sự kiện. Chỉ nhìn thấy những bộ quần áo xinh xinh thôi đã hoàn toàn là một niềm vui sướng. Có phải đó là Elizabeth, đã trưởng thành, với mái tóc cắt theo kiểu thời trang, trong cái váy hồng không? Thế nhưng nó không thể quá mười bảy tuổi. Nó rất, rất xinh đẹp. Nhưng dường như những cô gái không mặc toàn trắng khi xuất hiện lần đầu như thời trước nữa. (Bà phải nhớ mọi thứ để kể lại với Edith.) Các cô gái mặc những cái váy yếm thẳng, rất chật, với những cái váy khá cao bên trên đầu gối. Nó không thích hợp, bà nghĩ.
Thế là, với thị lực yếu của mình, Ellie Henderson nghểnh cổ về phía trước, và bà không quan tâm mấy tới việc có bất kỳ ai đó để chuyện trò (bà hầu như không quen ai ở đó), vì bà cảm thấy tất cả bọn họ đều là những người rất thú vị để quan sát; có lẽ là những chính khách; những người bạn của Richard Dalloway; nhưng chính bản thân Richard cảm thấy ông không thể để cho con người tội nghiệp này đứng đó một mình suốt buổi tối.
“Chà, Ellie, thế giới đối xử với chị thế nào rồi?” Ông nói với cái kiểu cách ân cần của mình, và Ellie Henderson, trở nên hồi hộp và đỏ mặt, cảm thấy ông cực kỳ tốt bụng khi bước tới và nói chuyện với mình, bảo rằng có nhiều người thật sự cảm thấy nóng hơn là lạnh.
“Phải, đúng thế.” Richard Dalloway nói. ‘Phải.”
Nhưng người ta sẽ nói gì thêm nữa?
“Xin chào, Richard.” Ai đó nói, nắm lấy khuỷu tay của ông, và, ôi trời, đó là già Peter, già Peter Walsh. Ông rất vui mừng khi gặp ông ta – rất đỗi hài lòng khi gặp ông ta! Ông ta chẳng thay đổi chút xíu nào. Và họ cùng bước ra ngoài, đi thẳng qua căn phòng, cho nhau những cái vỗ vai nhè nhẹ, như thể họ đã không gặp nhau một thời gian dài, Ellie Henderson nghĩ, quan sát họ đi, chắc chắn rằng bà biết gương mặt của người đàn ông đó. Một người cao lớn, tuổi trung tuần, đôi mắt khá đẹp, thẫm màu, đeo kính, với dáng vẻ của John Burrows. Chắc chắn Edith sẽ biết.
Tấm màn với đàn chim của chốn Thiên đường lại bay ra. Và Clarissa nhìn thấy – bà nhìn thấy Ralph Lyon đẩy nó trở lại, và tiếp tục nói chuyện. Vậy ra nói cho cùng đây không phải là một thất bại! Lúc này mọi sự sẽ diễn ra tốt đẹp – bữa tiệc của bà. Nó đã bắt đầu. Nó đã khởi động. Nhưng nó vẫn còn đầy rẫy nguy cơ. Bà phải đứng đó để nhận quà. Mọi người dường như trở nên hối hả.
Đại tá và bà Garrod… ông Hugh Whitbread… ông Bowley… bà Hilbery… phu nhân Mary Maddox… ông Quin… Wilkin xướng lên với giọng ngâm nga. Bà nói với mỗi người sáu hoặc bảy từ, và họ đi tiếp, họ đi vào phòng; đi vào một thứ gì đó lúc này, chứ không phải vào chốn hư không, vì Ralph Lyn đã đẩy tấm màn trở lại.
Thế nhưng về phần của chính bà, đó là một nỗ lực quá nhiều. Bà không thấy thích thú gì. Nó quá giống sự hiện hữu – chỉ bất kỳ ai đó, đứng đó; bất kỳ ai đó có thể thực hiện nó; thế nhưng bà hơi ngưỡng mộ kẻ bất kỳ ai đó này, không thể không cảm thấy rằng bà đã, theo cách nào đó, khiến cho điều này xảy ra, rằng nó đã đánh dấu cho một giai đoạn, cái vị trí mà bà cảm thấy bản thân đang trở thành này, vì khá là lạ lùng khi bà hoàn toàn quên mất trông bà như thế nào, mà cảm thấy bản thân là một cái cọc được cắm ở trên đầu cầu thang. Mỗi lần tổ chức một bữa tiệc bà lại có cái cảm giác là một thứ gì đó không phải chính bản thân mình này, và rằng mọi người không có thật theo một cách thức nào đó; có thật hơn theo một cách thức khác. Không thể nào, bà nghĩ, phần vì quần áo của họ, phần vì việc bị tước khỏi những cung cách bình thường của họ, phần vì tầng lớp xã hội, không thể nào nói những điều mà bạn không thể nói theo bất cứ cách nào khác, những điều cần tới một nỗ lực; khả năng để đi sâu hơn nữa. Nhưng không phải đối với bà; dù sao thì cũng chưa.
“Rất vui được gặp ông!” Bà nói. Ngài Harry già thân mến! Ông ấy biết hết mọi người.
Và điều thật lạ lùng về chuyện đó là cảm giác mà người ta có khi họ lần lượt đi lên cầu thang, bà Mount và Celia, Herbert Ainsty, bà Dakers – và, ồ, phu nhân Bruton!
“Bà thật tốt kinh khủng khi tới dự!” Bà nói, và ý của bà là thế – thật lạ lùng biết bao khi người ta đứng đó cảm thấy họ đi tiếp, đi tiếp, một số hoàn toàn già nua, một số…
Tên gì nhỉ? Phu nhân Rosseter? Nhưng phu nhân Rosseter là ai?
“Clarissa!” Giọng nói đó! Chính là Sally Seton! Sally Seton! Sau tất cả ngần ấy năm trời! Cô ta lù lù hiện ra qua một màn sương. Vì trông cô ấy không giống như thế, khi Clarissa cầm lấy bình nước nóng, để nghĩ về cô ta dưới mái nhà này, dưới mái nhà này! Không giống thế!
Họ ôm chầm nhau, bối rối, bật cười, những từ tuôn ra – đang đi ngang qua London; nghe tin từ Clara Haydon; thật là một cơ hội tuyệt vời để gặp bà! Thế là tôi chạy ào tới – không có lấy một tấm thiệp mời…
Người ta có thể đặt cái bình nước nóng xuống một cách hoàn toàn điềm tĩnh. Vẻ lộng lẫy đã rời khỏi cô ấy. Thế nhưng thật đặc biệt khi gặp lại cô ấy, già hơn, hạnh phúc hơn, ít đáng yêu hơn. Họ hôn nhau, trước tiên là má bên này, rồi má bên kia, cạnh cửa phòng khách, và Clarissa quay lại, với đôi tay của Sally trong tay mình, và nhìn thấy những căn phòng đầy người của mình, nghe thấy tiếng ồn của những giọng nói, nhìn thấy những cái giá nến, những tấm màn đang bay phấp phới, và những bông hồng mà Richard đã tặng bà.
“Tôi có năm cậu con trai to tướng.” Sally nói.
Bà ta có thứ tính ích kỷ đơn giản nhất, niềm khao khát cởi mở nhất là luôn được nghĩ tới đầu tiên, và Clarissa yêu bà ta vì vẫn còn như thế. “Tôi không thể tin nổi điều đó!” Bà kêu lên, cả người bừng sáng với niềm hân hoan khi nghĩ tới quá khứ.
Nhưng trời ạ, Wilkins, Wilkins cần tới bà; Wilkin đang xướng lên, bằng một giọng đầy thẩm quyền chỉ huy như thể toàn bộ nhóm người này phải bị khiển trách và nữ chủ nhân phải ngưng ngay hành vi phù phiếm, một cái tên:
“Thủ tướng.” Peter Walsh nói.
Thủ tướng? Có thật thế không? Ellie Henderson kinh ngạc.
Một điều thật tuyệt để kể cho Edith!
Người ta không thể chế nhạo ông ta. Trông ông ta rất bình thường. Bạn có thể đứng cạnh ông ta sau một cái quầy và mua bánh quy – anh chàng khốn khổ, quần áo đính đầy những đăng ten vàng. Và nói cho công bằng, khi ông ta đi một vòng chào mọi người, đầu tiên với Clarissa rồi với Richard đi theo hộ tống ông ta, ông ta đã làm rất tốt. Ông ta cố nhìn một ai đó. Quan sát điều đó thật thú vị. Không ai nhìn ông ta. Họ cứ tiếp tục trò chuyện, thế nhưng hoàn toàn rõ ràng rằng tất cả bọn họ đều biết, đều cảm thấy cho tới tận tủy xương mình, nhân vật oai vệ này đang bước ngang qua; biểu tượng của cái mà tất cả bọn họ đại diện này, xã hội Anh. Phu nhân già Bruton ló ra, và trông bà cũng rất đẹp, rất khỏe mạnh trong bộ váy đăng ten, và họ rút lui vào một căn phòng nhỏ mà ngay tức khắc có người lui tới dò xét, canh gác, và một sự khuấy động lao xao như sóng gợn lướt qua mọi người, một cách công khai: Thủ tướng!
Ngài này, tướng công nọ, sự hợm hĩnh của người Anh! Peter Walsh nghĩ, đứng ở góc phòng. Họ ưa thích việc ăn mặc những thứ đăng ten vàng và đang bày tỏ lòng tôn kính! Kìa! Bên cạnh Jove, phải là Hugh Whitbread, đang đánh hơi quanh khu vực dành riêng của nhân vật lớn, đã trở nên béo tốt hơn, trắng trẻo hơn, Hugh đáng ngưỡng mộ!
Ông ta luôn luôn trông như thể đang làm bổn phận, Peter nghĩ, một con người được ban đặc quyền nhưng bí ẩn, cất giữ những bí mật mà ông ta sẽ chết để bảo vệ, dù đó chỉ là một mẩu tin tức tí tẹo nào đó, được tung ra bởi một người hầu trong triều đình, và ngày mai sẽ có trên tất cả các tờ báo. Đó là những cái lúc lắc của ông ta, những đồ trang sức rẻ tiền của ông ta, trong lúc chơi đùa với chúng, ông ta đã trở nên trắng trẻo, tiến gần tới tuổi già, thụ hưởng sự tôn trọng và cảm tình của tất cả những ai có đặc quyền biết tới kiểu người của trường tư thục nước Anh này. Không thể tránh khỏi việc người ta bịa đặt những điều như thế về Hugh; đó là phong cách của ông ta; thứ phong cách của những lá thư đáng ngưỡng mộ đó mà Peter đã đọc trong tờ Times từ phía bên kia biển cách đó hàng ngàn dặm, và tạ ơn Trời vì ông đã thoát khỏi cái ống dọc tẩu độc hại đó nếu đúng là thế chỉ để nghe những con khỉ đầu chó tán gẫu và những anh cu li đánh vợ họ. Một chàng thanh niên da màu ô-liu từ một trong những trường đại học đứng bên cạnh ông ta với vẻ khúm núm. Ông ta sẽ chiếu cố, khai tâm, dạy bảo cho anh ta cách tiến thân. Vì ông ta không thích gì hơn là làm những việc tốt, khiến cho quả tim của những phu nhân lớn tuổi đập rộn lên với niềm vui vì được nghĩ tới ở tuổi của họ, nỗi ưu phiền của họ khi nghĩ rằng bản thân họ đã hoàn toàn bị lãng quên, thế nhưng Hugh thân mến đã chạy xe tới đây và bỏ ra một giờ để nói về quá khứ, nhớ lại những điều vặt vãnh, khen ngợi món bánh làm tại nhà, dù Hugh có thể ăn bánh với một bà công tước vào bất cứ ngày nào trong đời mình, và trông  ông ta xem, chắc chắn ông ta đã dành ra khá nhiều thời gian cho công việc dễ chịu đó. Đấng Phán xét, Đấng Từ bi, có thể thứ tha. Peter Walsh không có lòng thương hại. Phải có những tên vô lại, và Thượng đế biết những kẻ bất lương bị treo cổ vì đập vỡ sọ của một cô gái trong một chiếc tàu hỏa nói chung vẫn ít tai hại hơn Hugh Whitbread và lòng tốt của ông ta. Cứ nhìn ông ta lúc này, đang nhón chân lên, nhún nhảy tiến tới, cúi chào và kéo một chân về phía sau, khi Thủ tướng và phu nhân Bruton xuất hiện, kín đáo báo cho toàn thế giới thấy rằng ông ta có đặc quyền nói một điều gì đó, một điều riêng tư, với phu nhân Bruton khi bà ta đi ngang qua. Bà ta dừng lại. Bà ta lắc mái đầu già nua xinh đẹp của mình. Có thể đoán bà đang cám ơn ông ta về một việc làm mang tính chất nô lệ nào đó. Bà ta có những tay nịnh bợ, những quan chức cấp thấp trong những văn phòng của nhà nước chạy đôn chạy đáo để thực hiện những công việc nho nhỏ với tư cách của bà ta, để đáp lại, bà ta mời họ ăn trưa. Nhưng bà ta bắt nguồn từ thế kỷ mười tám. Bà ta tầm thường.
Và lúc này Clarissa hộ tống ngài Thủ tướng của bà ấy xuống phòng, có vẻ vênh váo, rạng rỡ, với sự oai nghiêm của mái tóc bạc của mình. Bà ấy đeo hoa tai và mặc một chiếc váy đuôi cá màu xanh ánh bạc. Có vẻ như bà ấy đang vừa lê chân trên những lượn sóng vừa bện bím tóc của mình, vẫn còn cái khả năng thiên phú đó, để sống, để tồn tại; để tổng kết tất cả trong cái khoảnh khắc khi bà ấy bước qua; quay lại, vướng cái khăn choàng cổ vào  áo của một phụ nữ khác, gỡ nó ra, bật cười, tất cả với sự dễ dàng tuyệt hảo nhất và dáng vẻ của một sinh vật đang nổi bềnh bồng trong môi trường của nó. Nhưng tuổi tác đã lướt qua bà ấy; ngay cả với tư cách của một mỹ nhân ngư cũng có thể nhìn thấy trong tấm gương của bà vầng mặt trời đang lặn trên những lượn sóng vào một chiều tối rất trong trẻo. Có một hơi thở dịu dàng; sự nghiêm nghị của bà ấy, sự đoan trang kiểu cách của bà ấy, sự thô cứng vụng về của bà ấy, tất cả bấy giờ đều trở nên ấm áp, và bà ấy có nó quanh người khi chào từ biệt người đàn ông trên người đầy những đăng ten vàng đã cố làm hết sức mình, và chúc ông ta thượng lộ bình an, trông có vẻ quan trọng, một phẩm cách không thể nào mô tả; một sự thân ái tinh tế; như thể bà ấy chúc toàn thế giới bình an, và giờ đây, vì đang ở mép rìa của mọi sự vật, phải rời khỏi đó. Bà ấy khiến cho ông nghĩ như thế. (Nhưng ông không yêu.)
Thật ra, Clarissa cảm thấy, ông Thủ tướng rất tốt khi tới. Và khi bước xuống phòng với ông ta, với Sally ở đó và Peter ở đó và Richard rất hài lòng, với tất cả những người khá sẵn sàng ganh tị đó, có lẽ, bà đã cảm thấy sự nhiễm độc của khoảnh khắc đó, sự giãn nỡ của những dây thần kinh của chính quả tim cho tới khi dường như nó run rẩy, đắm chìm, vươn thẳng; … phải, nhưng nói cho cùng đó là điều bà cảm thấy, cảm giác đó; vì, dù bà yêu thích nó và cảm thấy nó râm ran và nhoi nhói, những vẻ bề ngoài này, những thắng lợi này (ông bạn già Peter thân mến, chẳng hạn, nghĩ rằng bà rất xuất sắc) có một sự trống rỗng; chúng ở bên ngoài, chứ không phải trong tim; và có thể là bà đang trở về già nhưng họ không còn làm cho bà hài lòng như trước nữa; và đột nhiên, trong lúc bà nhìn thấy ông Thủ tướng đi xuống thang, cái mép mạ vàng của bức tranh do ngài Joshua[1] vẽ cô bé với cái bao tay chợt hối hả đưa Kilman quay lại. Kilman, kẻ thù của bà. Điều đó đem lại sự thỏa mãn, điều đó có thật. Chà, bà ghét cô ta biết bao – nóng nảy, đạo đức giả, bẩn thỉu; với tất cả sức mạnh đó; kẻ quyến rũ Elizbeth; người phụ nữ đã bò vào để đánh cắp và làm ô uế (Richard thường nói, Thật vô lý!). Bà ghét cô ta: bà yêu cô ta. Chính những kẻ thù là thứ người ta muốn chứ không phải những người bạn – không phải ông Durrant và Clara, ngài William và phu nhân Bradshaw, cô Truelock và Eleanor Gibson (những người bà thấy đang đi lên gác). Họ phải tìm bà nếu họ muốn gặp bà. Bà dành cho bữa tiệc!
Có ông bạn già Harry của bà.
“Ngài Harry thân mến!” Bà nói, đi lên chỗ ông bạn già tốt bụng, người đã vẽ ra nhiều bức tranh tệ hơn bất kỳ người nào khác trong số hai viện sĩ hàn lâm ở phố St. John’s Wood (chúng luôn luôn là những con gia súc, đang đứng trong những ao hoàng hôn hấp thu hơi ẩm, hoặc đang biểu thị gì đó, vì ông có một chuỗi dáng điệu nhất định, bằng cách nhấc chân trước của một con vật lên và  ngửa những cặp sừng, “Sự tiếp cận của kẻ xa lạ” – tất cả những hoạt động của ông ta, ăn tối ở ngoài, xem đua ngựa, đều đặt trên nền tảng lũ gia súc đang đứng hấp thu hơi ẩm trong những cái ao hoàng hôn).
“Ông đang cười gì vậy?” Bà hỏi ông ta. Vì cả nhóm, Willie Titcomb và ngài Harry và Herbert Ainsty đều đang cười ha hả. Nhưng không. Ngài Harry không thể nói với Clarissa Dalloway (dù ông rất thích bà, ông nghĩ bà hoàn hảo ở típ người như bà, và đã dọa sẽ vẽ bà) những câu chuyện về sân khấu nhà hát. Ông huyên thuyên với bà về bữa tiệc. Ông nhớ loại rượu mạnh của ông. Những giới này, ông nói, ở bên trên ông. Nhưng ông yêu mến bà; tôn trọng bà, bất chấp sự tao nhã khó khăn chết tiệt của tầng lớp thượng lưu của bà, điều khiến ông không thể mời Clarissa Dalloway ngồi lên đầu gối của ông. Và con ma trơi lang thang đó, cái ánh lân tinh mơ hồ đó, bà cụ Hilbery, đang chìa hai tay ra để cổ vũ cho tràng cười của ông (về ông Công tước và phu nhân), mà, khi bà nghe thấy nó ở mé bên kia căn phòng, dường như trấn an bà về một điểm vốn vẫn thỉnh thoảng quấy rầy bà nếu bà thức giấc sớm vào buổi sáng và không thích gọi người hầu mang tới một tách trà; chúng ta phải chết, điều đó chắc chắn biết bao.
“Họ sẽ không kể cho chúng ta nghe những câu chuyện của họ.” Clarissa nói.
“Clarissa thân mến!” Bà Hilbery cảm thán. Đêm nay trông bà rất giống mẹ mình, bà ta nói, khi bà ta nhìn thấy mẹ bà lần đầu tiên, đang bước đi trong một khu vườn, đội một cái mũ màu xám,.
Và đôi mắt của Clarissa thật sự tràn ngập lệ. Mẹ bà, đang bước trong một khu vườn! Nhưng, chao ôi, bà phải đi.
Vì có giáo sư Bierly, người giảng dạy về Milton[2], đang nói chuyện với Jim Hutton nhỏ bé (kẻ không có khả năng hoàn chỉnh cả cà vạt lẫn áo gilê hay chải cho mái tóc của mình rạp xuống, ngay cả cho một bữa tiệc như thế này), và thậm chí ở khoảng cách này bà có thể thấy họ đang cãi nhau. Vì giáo sư Brierly là một con cá rất kỳ quặc. Với tất cả những bằng cấp, vinh dự, chức vị giảng dạy đó giữa ông và nhà thơ tồi này, ngay lập tức ông thấy hoài nghi một bầu không khí không thuận lợi cho sự phức hợp lạ lùng của mình; kiến thức đồ sộ và tính rụt rè của ông; sức mê hoặc lạnh lùng không chút thân mật của ông; sự ngây thơ trộn lẫn với tính hợm hĩnh của ông; ông run rẩy nếu bị đánh thức bởi mái tóc rối bù của một phụ nữ, đôi ủng của một thanh niên, về một thế giới ngầm, chắc chắn rất đáng ca ngợi, về những kẻ nổi loạn, về những người trẻ tuổi nhiệt tình; về những thiên tài tương lai, và gián tiếp nói ra điều đó với một cái hất đầu nhè nhẹ, với một cái khịt mũi – Hừm! – giá trị của sự tiết chế; về một khóa sơ giảng văn học cổ điển để đánh giá đúng Miltton. Giáo sư Brierly (Clarissa có thể thấy) không nhất trí với Jim Hutton nhỏ bé (kẻ mang tất đỏ, đôi tất đen của anh ta đang ở hiệu giặt ủi) về Milton. Bà can thiệp.
Bà bảo bà yêu Bach. Hutton cũng thế. Đó là sự liên kết giữa họ, và Hutton (một nhà thơ rất tồi) luôn luôn cảm thấy rằng bà Dalloway giỏi nhất trong số những vị đại phu nhân quan tâm tới nghệ thuật. Thật lạ lùng khi bà thật quá khắt khe. Bà hoàn toàn vô cảm về âm nhạc. Bà khá là ta đây. Nhưng trông thật đáng yêu! Bà bố trí nhà mình rất đẹp nếu đó không phải là vì những ông giáo sư của bà. Clarissa cân nhắc tới khả năng lôi ông ta đi và ấn ông ta ngồi xuống chiếc đàn dương cầm ở phòng sau. Vì ông ta chơi rất tuyệt.
“Nhưng tiếng ồn!” Bà nói. “Tiếng ồn!”
“Dấu hiệu của một bữa tiệc thành công.” Nhã nhặn gật đầu, vị giáo sư cất bước ra ngoài một cách thanh lịch.
“Ông ta biết mọi thứ trên đời về Milton.” Clarissa nói.
“Thật vậy ư?” Hutton nói, kẻ sẽ noi gương theo ông giáo sư khắp khu Hampstead; vị giáo sư về Milton; vị giáo sư về sự tiết chế; vị giáo sư đã cất bước ra ngoài một cách thanh lịch.
Nhưng bà phải nói chuyện với hai người đó, Clarissa nói, ngài Gayton và Nancy Blow.
Không phải vì họ bổ sung thêm cho tiếng ồn của bữa tiệc một cách dễ nhận ra. Họ không nói chuyện (có thể nhận thấy) trong lúc đứng bên nhau cạnh những bức màn cửa màu vàng. Họ sẽ sớm di chuyển tới một chỗ khác, cùng nhau; và không bao giờ có rất nhiều điều để nói trong bất cứ hoàn cảnh nào. Họ nhìn; chỉ thế thôi. Thế là đủ. Trông họ rất đẹp đẽ, khỏe mạnh, bà ta cài một bông mai làm bằng bột và sơn, nhưng ông ta phủi, giũ, với đôi mắt của một con chim, để không một viên bột nào có thể lan qua ông ta hay khiến cho ông ta ngạc nhiên. Ông ta đập, ông ta nhảy lên, nói một cách chính xác, ngay tại chỗ. Mõm của những con ngựa pony run lên ở đầu dây cương của ông ta. Ông ta có những vinh dự của mình, những tấm bia kỷ niệm các vị tổ tiên, những lá cờ treo trong ngôi nhà thờ tại nhà. Ông ta có những bổn phận của mình; những người thuê đất của mình; một người mẹ và các chị em gái; có mặt suốt ngày ở sân Lord’s, và đó là thứ mà họ đang nói về – môn crickê, những người anh em họ, những cuốn phim – khi bà Dalloway tới gần. Ngài Gayton vô cùng thích bà. Tiểu thư Blow cũng vậy. Bà có những cung cách thật đáng yêu.
“Thật thần tiên, thật tuyệt vời khi các vị đã tới!” Bà nói. Bà yêu những đức ông; bà yêu sự trẻ trung, và Nancy, mặc y phục rất đắt  tiền may bởi những nghệ nhân lớn nhất ở Paris, đứng đó trông như thể thân hình của cô đã đơn giản tạo nên, bởi sự chọn lựa của chính nó, một nếp diềm màu xanh lá.
“Tôi đã định là có khiêu vũ.” Clarissa nói.
Vì những người trẻ tuổi không thể nói chuyện. Và sao họ lại phải nói chứ? La hét, ôm nhau, nhún nhảy, thức giấc lúc bình minh; mang đường cho mấy con ngựa pony; hôn và vuốt ve mũi của những con chó su đáng yêu; và rồi tất cả rộn lên, tuôn chảy, lao ra và bơi. Nhưng những nguồn lực lớn lao của tiếng Anh, sức mạnh mà nó ban tặng, nói cho cùng, của những cảm giác giao tiếp (ở lứa tuổi của họ, bà và Peter sẽ tranh cãi suốt buổi tối), không phải dành cho họ. Họ sẽ củng cố tuổi trẻ. Họ sẽ tốt ngoài mức đo lường đối với mọi người trong điền trang, nhưng cô đơn, có lẽ, khá buồn nản.
“Thật đáng tiếc!” Bà nói. “Tôi đã hy vọng có khiêu vũ.”
Họ cực kỳ tốt bụng khi đã tới! Nhưng nói về vụ khiêu vũ! Căn phòng đã chật ních.
Có bà cô già Helene choàng tấm khăn. Ôi chao, bà phải rời khỏi họ – ngài Gayton và Nancy Blow. Kia là cô Parry già, cô của bà.
Vì cô Parry già chưa chết: cô Parry già còn sống. Bà đã quá tám mươi. Bà chậm chạp xuống thang với một cây gậy. Bà được đặt vào một cái ghế (Richard đã lo chuyện đó). Những người đã từng biết Miến Điện hồi thời thập niên bảy mươi luôn được dẫn tới gặp bà. Peter đã đi đâu rồi nhỉ? Họ từng là những người bạn tuyệt vời. Vì khi nhắc tới Ấn Độ, hay thậm chí Ceylon[3], đôi mắt của bà (chỉ có một là mắt thủy tinh) dần lắng sâu xuống, trở nên xanh biếc, nhìn thấy, không phải là những con người – bà không có những hồi ức êm đềm, không có những ảo tượng tự hào về những vị tổng trấn, những vị tướng lĩnh, những cuộc binh biến – thứ mà bà nhìn thấy là những chùm phong lan, những con đèo và chính bà được cõng trên lưng của những người cu li thời thập niên sáu mươi qua những chỏm núi quạnh hiu; hay đang đi xuống để nhổ phong lan (những chùm hoa tuyệt diệu, chưa từng thấy trước đó) mà bà đã vẽ bằng màu nước; một phụ nữ Anh bất khuất, cáu kỉnh, nếu bị cuộc chiến quấy rầy, chẳng hạn, đã thả một quả bom xuống ngay cửa nhà bà, từ sự mặc tưởng sâu xa về những chùm phong lan và chính con người bà đang du hành trong thập niên sáu mươi ở Ấn Độ – nhưng Peter đây rồi.
“Hãy tới nói chuyện với cô Helena về Miến Điện.” Clarissa nói.
Thế nhưng ông ấy chưa nói lời nào với bà suốt buổi tối nay!
“Chúng ta sẽ nói chuyện sau.” Clarissa nói, dẫn ông tới chỗ cô Helena, đang trùm chiếc khăn choàng và cầm cây gậy.
“Peter Walsh.” Clarissa nói.
Điều đó chẳng có nghĩa lý gì.
Clarissa đã mời bà. Nó gây mệt mỏi; nó ồn ào; nhưng Clarissa đã mời bà. Thế nên bà đã tới. Thật đáng tiếc khi chúng sống ở London – Richard và Clarissa. Giá như vì sức khỏe của Clarissa, tốt hơn chúng nên sống ở vùng nông thôn. Nhưng Clarissa luôn ưa thích giao du.
“Anh ấy từng ở Miến Điện.” Clarissa nói.
Chà. Bà không thể không nhắc lại điều Charles Darwin đã nói về cuốn sách nhỏ về các loài phong lan xứ Miến Điện của bà.
(Clarissa phải trò chuyện với phu nhân Bruton.)
Không ngờ gì nữa, giờ nó đã bị lãng quên, cuốn sách về các loài phong lan xứ Miến Điện của bà, nhưng nó đã được xuất bản ba lần trước năm 1870, bà nói với Peter. Giờ bà đã nhớ ra ông. Ông từng tới Bourton (và ông đã rời khỏi bà ta, Peter Wlash nhớ, không nói lời nào, trong căn phòng khách đêm đó, khi Clarissa yêu cầu ông tới đi thuyền).
“Richard rất thích thú bữa tiệc trưa của ông ấy.” Clarissa nói với phu nhân Bruton.
“Richard là sự giúp đỡ khả dĩ lớn nhất.” Phu nhân Bruton đáp. “Anh ta đã giúp tôi viết một lá thư. Còn cô thế nào?”
“Ồ, hoàn toàn khỏe mạnh!” Clarissa nói. (Phu nhân Bruton rất ghét sự ốm yếu ở những bà vợ của các chính khách.)
“Và kia là Peter Walsh!” Phu nhân Bruton nói (vì bà không bao giờ có thể nghĩ ra bất kỳ điều gì để nói với Clarissa; dù bà thích cô ta. Cô ta có nhiều phẩm chất tốt đẹp; nhưng họ không có điểm chung nào – bà và Clarissa. Có thể sẽ tốt hơn nếu Richard cưới một phụ nữ ít quyến rũ hơn, kẻ có thể giúp anh ta nhiều hơn trong công việc. Anh ta đã đánh mất cơ hội vào Nội các của mình). “Kia là Peter Walsh!” Bà nói, bắt tay với tên tội đồ dễ thương đó, con người rất có năng lực đó, kẻ lẽ ra có thể tự tạo nên tên tuổi cho mình nhưng lại không làm (luôn gặp khó khăn với những người phụ nữ), và, dĩ nhiên, với cô Parry. Vị tiểu thư già tuyệt vời!
Phu nhân Bruton đứngcạnh ghế của cô Parry, một bóng ma cận vệ, quấn người trong lớp vải đen, mời Peter Walsh tới ăn trưa; thân mật; nhưng không nói chuyện linh tinh, không nhớ bất cứ thứ gì về cây cỏ hay động vật của Ấn Độ. Bà từng ở đó, dĩ nhiên; đã ở với ba ông tổng trấn; nghĩ rằng một số thường dân Ấn Độ là những anh chàng tốt một cách khác thường; nhưng đúng là một bi kịch – nhà nước Ấn Độ! Ông Thủ tướng vừa nói với bà (đại tiểu thư Parry co người lại trong tấm khăn choàng, không quan tâm tới những gì Thủ tướng vừa nói với bà ta), và phu nhân Bruton muốn xin ý kiến của Peter Walsh, ông mới trở về từ trung tâm, và bà sẽ mời ngài Sampson tới gặp ông, vì thật sự việc này đã ngăn không cho bà ngủ vào ban đêm, sự điên rồ của nó, sự đồi bại của nó, bà có thể nói, với tư cách con gái của một người lính. Giờ bà là một bà già, không còn giúp ích gì mấy. Nhưng ngôi nhà của bà, những người giúp việc của bà, ông bạn tốt Milly Brush của bà – ông ta có nhớ bà không? – tất cả đều có đó chỉ yêu cầu được dùng đến nếu – nếu họ có thể giúp, nói tóm lại. Vì bà chưa bao giờ nói về nước Anh, nhưng hòn đảo của những người đàn ông này, mảnh đất thân mến, rất thân mến này, đã nằm trong máu của bà (không cần đọc Shakespeare), và nếu có bao giờ một phụ nữ có thể đội mũ sắt và bắn tên, có thể dẫn quân tấn công, cai trị với sự công bằng bất khuất những bầy người man rợ và nằm tắt thở dưới một tấm khiên trong một nhà thờ, hay trở thành một nấm cỏ xanh trên một sườn đồi nguyên sinh nào đó, người phụ nữ đó là Millicent Bruton. Bị ngăn cấm bởi giới tính của mình và cả một sự thiếu sót nào đó của khả năng lôgich (bà nhận thấy mình không thể viết một lá thư cho tờ Times), bà vẫn luôn luôn suy nghĩ về Đế chế, và đã thủ đắc từ mối liên hệ của mình với nữ thần mang giáp sắt đó một thân hình thẳng tắp, cách xử sự ngay thẳng, khiến người ta không thể nghĩ rằng bà, ngay cả trong cái chết, bị tách lìa khỏi quả đất hay đang lang thang qua những lãnh địa mà trên đó, dưới một hình thức tinh thần nào đó, lá quốc kỳ của Vương quốc Anh đã ngừng bay. Không phải là người Anh, ngay cả giữa những người đã chết ư – không, không! Không thể nào!
Nhưng đó phải chăng là phu nhân Bruton (người bà từng quen biết)? Có phải đây là Peter Walsh đã bạc đầu? Phu nhân Rosseter tự hỏi (người từng là Sally Seton).  Tất nhiên đây là bà cô già Parry rồi – bà cô già rất gắt gỏng hồi bà còn ở Bourton. Bà không bao giờ quên việc để mình trần chạy dọc theo hành lang, và bị cô Parry cho mời tới! Và Clarissa! Ôi Clarissa! Sally chụp cánh tay của bà ta.
Clarissa dừng lại bên cạnh họ.
“Nhưng tôi không thể ở lại.” Bà nói. “Tôi sẽ tới sau. Chờ nhé.” Bà nói, nhìn Peter và Sally. Họ phải chờ, ý bà là thế, cho tới khi tất cả những người này đã ra về.
“Tôi sẽ quay lại.” Bà nói, nhìn hai người bạn cũ của mình, Sally và Peter. Họ đang bắt tay nhau, và Sally, chắc chắn là nhớ tới quá khứ, đang cười ròn rã.
Nhưng giọng của bà ấy đã cạn kiệt sự tươi tắn mê hồn; đôi mắt của bà ấy không sáng ngời như hồi trước, khi bà ấy hút xì gà, khi bà ấy chạy xuống hành lang để lấy cái túi xách đựng bọt biển của mình, không có một mảnh vải trên người, và Ellen Atkins đã hỏi, Giá như các quý ông bắt gặp cô ấy thì sao?
Nhưng mọi người đều tha thứ cho bà ấy. Bà ấy lấy trộm một con gà từ tủ chạn vì bà ấy đói lúc đêm khuya; bà ấy hút xì gà trong phòng ngủ; bà ấy để quên một cuốn sách vô giá trong chiếc thuyền. Nhưng mọi người yêu mến bà ấy (có lẽ ngoại trừ Papa). Đó là hơi ấm của bà ấy; nguồn sinh lực của bà ấy – bà ấy vẽ, bà ấy viết. Cho tới tận hôm nay, những người phụ nữ lớn tuổi trong làng không bao giờ quên hỏi thăm “bạn của bà, người mặc chiếc áo choàng đỏ và có vẻ rất thông minh.” Bà ấy đã cáo buộc Hugh Whitbread, trong số tất cả mọi người chỉ có mình ông ta, ông bạn già Hugh của bà, nói với ông Đại sứ Bồ Đào Nha về việc ông ta hôn bà trong phòng hút thuốc để trừng phạt bà vì đã nói rằng phụ nữ nên có quyền bầu cử. Những gã đàn ông tầm thường được bầu cử, bà ấy nói. Và Clarissa nhớ đã thuyết phục bà ấy đừng tố cáo ông ta trong buổi cầu nguyện gia đình – điều mà bà ấy có thể thực hiện với sự táo tợn, sự khinh suất, tình yêu thái quá của mình đối với việc là trung tâm của mọi thứ và việc tạo ra những màn kịch, và nó buộc phải kết thúc trong một tấn thảm kịch kinh khủng nào đó, Clarissa thường nghĩ vậy; cái chết của bà ấy; sự tử vì đạo của bà ấy; thay vì thế bà ấy đã lấy chồng, hoàn toàn bất ngờ, một người đàn ông hói đầu với một cái khuy áo to tướng, người làm chủ, theo lời họ nói, những xưởng chế biến vải cotton ở Manchester. Và bà ấy có năm cậu con trai!
Bà ấy và Peter đã ngồi lại với nhau. Họ đang nói chuyện: vụ này có vẻ rất quen thuộc – việc họ sẽ nói chuyện với nhau. Họ sẽ bàn về quá khứ. Bà ấy chia sẻ với hai người bọn họ (vì thậm chí còn có thêm Richard) quá khứ của mình; khu vườn; những hàng cây; già Joseph Breitkopf hát nhạc Brahms mà không có chút hơi nào; giấy dán tường trong phòng khách; mùi của những tấm thảm. Sally phải luôn là một phần của chuyện này. Peter phải luôn là. Nhưng bà phải rời khỏi họ. Còn có gia đình Bradshaw, kẻ mà bà không thích. Bà phải đi lên chỗ phu nhân Bradshaw (mặc y phục xám và bạc, đang giữ thăng bằng như một con sư tư biển ở mép cái bồn nước của nó, sủa lên những lời mời, các nữ công tước, vợ của người đàn ông thành đạt điển hình), bà phải đi lên chỗ phu nhân Bradshaw và nói…
Nhưng phu nhân Bradshaw đã lường trước tình huống:
“Chúng tôi tới muộn kinh khủng, bà Dalloway thân mến, chúng tôi hầu như không dám vào.” Bà ta nói.
Và ngài William, kẻ trông rất nổi bật, với mái tóc hoa râm và đôi mắt xanh, bảo vâng; họ không thể cưỡng lại sự cám dỗ. Chắc chắn là ông ta đã nói chuyện với Richard về Dự luật đó, mà họ muốn thông qua ở Hạ viện. Vì sao cảnh tượng ông ta nói chuyện với Richard lại khiến bà thu người lại? Trông ông ta đúng như nghề nghiệp của ông ta, một bác sĩ lớn. Một người đàn ông hoàn toàn dẫn đầu trong chuyên môn của mình, rất quyền uy, khá mệt mỏi. Vì phải suy nghĩ ca bệnh nào sẽ đến trước mặt ông ta – những người ở chiều sâu cùng cực của sự bất hạnh; những người ở bên rìa sự mất trí; những ông chồng và bà vợ. Ông ta phải quyết định những vấn đề khó khăn kinh khủng. Phải – điều mà bà nghĩ là người ta sẽ không thích ngài William nhìn thấy người ta không vui. Không; người đàn ông đó thì không.
“Cậu con trai của bà ở Eton thế nào?” Bà hỏi phu nhân Bradshaw.
Nó vừa mới trượt lớp mười một, phu nhân Bradshaw đáp, vì những lời cằn nhằn. Cha của nó thậm chí còn bận tâm hơn nó, bà nghĩ. “Không là gì, nhưng bản thân nó là một cậu trai tuyệt vời.” Bà nói.
Clarissa nhìn ngài William, đang nói chuyện với Richard. Trông ông ta không giống một cậu con trai – không giống một cậu bé chút nào. Có lần bà đã đi với ai đó để yêu cầu sự tư vấn của ông ta. Ông ta đã hoàn toàn đúng; cực kỳ nhạy bén. Nhưng Trời ạ – thật nhẹ nhõm biết bao khi bước ra đường trở lại! Có tiếng nức nở của một kẻ bất hạnh đáng thương nào đó, bà nhớ, trong phòng chờ. Nhưng bà không biết đó là gì – về ngài William; chính xác là bà không thích điều gì. Chỉ có Richard đồng ý với bà “không thích thị hiếu của ông ta, không thích mùi của ông ta.” Nhưng ông ta có khả năng đặc biệt. Họ đang nói chuyện về Dự luật này. Có một ca bệnh, ngài William đang nhắc tới, hạ thấp giọng xuống. Điều ông ta đang nói về những ảnh hưởng bị trì hoãn của chứng chấn thương tâm lý do chiến đấu có phương diện riêng của nó. Phải có một điều khoản nào đó trong dự luật.
Chìm giọng xuống, thu hút bà Dalloway vào nơi trú ẩn của một nữ tính chung, một niềm tự hào chung về những phẩm chất lừng lẫy của những đức ông chồng và khuynh hướng làm việc thái quá đáng buồn của họ, phu nhân Bradshaw (kẻ khờ dại đáng thương – người ta không ưa bà ta) thì thầm rằng: “ngay đúng lúc chúng tôi đang xuất phát, chồng tôi được gọi tới nghe điện thoại, một ca bệnh rất đáng buồn. Một người đàn ông trẻ (đó là điều ngài William đang nói với ông Dalloway) đã tự sát. Anh ta từng ở trong quân đội.” Ồ! Clarissa nghĩ, giữa buổi tiệc của mình, đây là cái chết, bà nghĩ.
Bà đi tiếp, vào căn phòng nhỏ nơi ngài Thủ tướng đã vào với phu nhân Bruton. Có lẽ có người nào đó ở đó. Nhưng không có ai cả. Những cái ghế vẫn lưu giữ ấn tượng về ngài Thủ tướng và phu nhân Bruton, bà quay lại một cách kính cẩn, ông ta đang ngồi vững chãi, đầy vẻ quyền uy. Họ đã nói chuyện về Ấn Độ. Không có ai cả. Sự huy hoàng của bữa tiệc rơi xuống sàn nhà, thật lạ lùng khi đi vào đó một mình trong bộ y phục lộng lẫy của bà.
Việc gì gia đình Bradshaw phải nói về cái chết trong bữa tiệc của bà?  Một người đàn ông trẻ đã tự sát. Và họ nói về nó trong bữa tiệc của bà – vợ chồng nhà Bradshaw, nói về cái chết. Anh ta đã tự sát – nhưng như thế nào? Luôn luôn thân thể bà đi qua nó trước nhất, khi bà được kể lại, một cách đột ngột, về một tai nạn; chiếc áo của bà bùng cháy, thân thể của bà bị thiêu rụi. Anh ta đã tự quăng người ra khỏi một cửa sổ. Mặt đất chợt lóe sáng; những que sắt nhọn đầu xuyên qua thân người tím bầm của anh ta, một cách sai lầm. Anh ta nằm đó với một tiếng rơi uỵch, uỵch, uỵch trong bộ não,  và rồi một màu tối đen nghẹt thở. Bà nhìn thấy nó như thế. Nhưng vì sao anh ta làm điều đó? Và vợ chồng nhà Bradshaw đã nói về nó trong bữa tiệc của bà!
Có lần bà đã ném một đồng siling xuống hồ Serpentine, không ném bất cứ thứ gì khác nữa. Nhưng anh ta đã vứt bỏ nó. Họ tiếp tục sống  (bà phải quay lại; các phòng vẫn còn đông người; mọi người vẫn tiếp tục tới). Họ (suốt ngày bà đã suy nghĩ về Bourton, về Peter, về Sally), họ sẽ già đi. Một điều quan trọng; một điều, bị bao quanh với những lời lẽ huyên thuyên, đã làm xấu đi, đã làm tối mờ đi cuộc sống của chính bà, đã thả xuống mỗi ngày sự đồi bại, những lời nói dối, những câu chuyện huyên thuyên. Anh ta đã bảo tồn điều này. Cái chết là sự thách thức. Cái chết là một nỗ lực để giao tiếp; mọi người cảm nhận sự bất khả của việc đi tới điểm trung tâm vốn lẫn tránh họ một cách bí ẩn; sự gần gũi bị tách rời ra; trạng thái mê ly tan biến, người ta còn lại một mình. Có một cái ôm xiết trong cái chết.
Nhưng người đàn ông đã tự sát này – anh ta có lao xuống trong lúc vẫn nắm giữ báu vật của mình không? “Nếu giờ là lúc phải chết, giờ là lúc hạnh phúc nhất,” có lần bà đã tự nhủ với mình, khi đi xuống trong bộ y phục toàn màu trắng.
Hoặc có những thi sĩ và tư tưởng gia. Giả sử anh ta có một đam mê, và đã tìm tới ngài William Bradshaw, một bác sĩ lớn thế nhưng với bà lại xấu xa một cách kín đáo, không có sức hấp dẫn giới tính hay dâm tính, cực kỳ nhã nhặn với phụ nữ, nhưng có khả năng gây tổn thương không tài nào tả được – áp bức linh hồn của bạn, đúng là thế – nếu người đàn ông trẻ này đã tìm tới ông ta, và ngài William đã gây ấn tượng đối với anh ta, như thế, với sức mạnh của mình, vậy khi đó anh ta có thể nói (lúc này bà thật sự cảm nhận được điều đó), Cuộc sống bị biến thành không thể chịu đựng nổi hay không? Phải chăng họ đã biến cuộc sống thành không thể chịu đựng nổi, những người đàn ông như thế?
Thế rồi (bà chỉ cảm thấy nó hồi sáng này) có một sự kinh hoàng; sự bất lực lấn áp, bố mẹ của người ta trao nó vào tay người ta, cuộc sống này, để sống cho tới lúc tận cùng, để bước đi với sự thanh bình; trong chiều sâu của tim bà có một nỗi sợ kinh khủng. Ngay cả lúc này, hoàn toàn bình thường nếu Richard không ở đó đọc tờ Times, để bà có thể thu người lại như một con chim và dần dần hồi sinh, hét lên niềm vui khôn dò đó, chà xát chiếc que này vào chiếc que kia, thứ này với thứ khác, hẳn bà phải bị diệt vong. Nhưng người đàn ông trẻ đó đã tự sát.
Vì lý do nào đó đây là tai ách của bà – điều ô nhục của bà. Sự bị trừng phạt của bà chính là nhìn thấy chìm đắm và biến mất ở chỗ này một người đàn ông, chỗ kia một người đàn bà, trong bóng tốt thẳm sâu này, và bà buộc phải đứng đây trong bộ váy buổi tối của mình. Bà đã âm mưu; bà đã đánh cắp. Bà chưa bao giờ hoàn toàn đáng ngưỡng mộ. Bà đã mong muốn thành công. Phu nhân Bexborough và phần còn lại của nó. Và có lần bà đã bước trên sân hiên ở Bourton.
Đó là do Richard; bà chưa bao giờ hạnh phúc như thế. Không có gì đủ chậm; không có gì kéo dài quá lâu. Không niềm hân hoan nào có thể sánh ngang, bà nghĩ, kéo mấy cái ghế lại cho thẳng hàng, đẩy một cuốn sách trên kệ vào, điều này đã được thực hiện với những thắng lợi của tuổi trẻ, đánh mất bản thân trong tiến trình của sự sống, để tìm ra nó, với một niềm vui chấn động, khi mặt trời lên, khi mặt trời lặn. Hồi ở Bourton, bà đã nhiều lần đi ra trong lúc tất cả bọn họ đang trò chuyện để nhìn lên bầu trời; hoặc nhìn thấy nó giữa vai của mọi người vào bữa ăn tối; nhìn thấy nó ở London khi bà không thể ngủ. Bà bước tới cửa sổ.
Nó nắm giữ, ý tưởng ngốc nghếch thế ấy, một thứ gì đó của chính bà trong nó, bầu trời đất nước này, bầu trời bên trên khu Westminster này. Bà tách hai tấm màn ra, bà nhìn. Ôi, thật kinh ngạc biết bao! – ở căn phòng đối diện vị phu nhân già đang nhìn thẳng vào bà! Bà ta sắp đi ngủ. Và bầu trời. Nó sẽ là một bầu trời trang nghiêm, bà nghĩ, nó sẽ là một bầu trời u tối, quay mặt khỏi vẻ đẹp. Nhưng nó ở đó – tái nhợt màu tro, với những đám mây thon thon rộng lớn vùn vụt lướt qua. Nó mới mẻ với bà. Hẳn gió đã nổi lên. Bà ta sắp đi ngủ, ở căn phòng đối diện. Thật thú vị khi quan sát bà ta đi đi lại lại, vị phu nhân già ấy, băng qua căn phòng, tới gần cửa sổ. Bà ta có thể nhìn thấy bà không? Trong lúc mọi người vẫn cười ầm, la lối trong phòng khách, thật thú vị khi quan sát bà cụ đó, hoàn toàn lặng lẽ, sắp lên giường. Lúc này bà ta kéo tấm màn xuống. Đồng hồ bắt đầu điểm giờ. Người đàn ông trẻ đã tự sát; nhưng bà không thương hại anh ta; với đồng hồ đang điểm, một, hai, ba, bà không thương hại anh ta, với tất ả những điều này đang tiếp diễn. Kia! Bà cụ đã tắt đèn. Lúc này toàn bộ ngôi nhà tối om  với điều này đang tiếp diễn, bà lặp lại, và những từ đó nảy ra trong tâm trí, Đừng sợ nữa sức nóng của vầng dương. Bà phải quay lại với họ. Nhưng đêm nay thật đặc biệt! Vì lý do nào đó bà cảm thấy rất thích anh ta – người đàn ông trẻ đã tự sát. Bà thấy mừng vì anh ta đã thực hiện điều đó; quẳng nó đi. Đồng hồ đang điểm giờ. Những vòng tròn xám xịt đã tan biến giữa không trung. Anh ta khiến cho bà cảm thấy vẻ đẹp; khiến cho bà cảm thấy niềm vui. Nhưng bà phải quay lại. Bà phải tập hợp. Bà phải tìm Sally và Peter. Và bà đi vào từ căn phòng nhỏ.
“Nhưng Clarissa đâu rồi?” Peter hỏi. Ông đang ngồi trên cái trường kỷ với Sally. (Sau ngần ấy năm trời ông thật sự không thể gọi bà ta là “phu nhân Rosseter”.) “Người phụ nữ đó đi đâu?” Ông hỏi. “Clarissa đâu?”
Sally phỏng đoán, và cả Peter cũng thế về vấn đề đó, rằng có những người quan trọng, những chính khách, những kẻ mà không ai trong hai người quen biết trừ phi nhìn thấy họ trong những bức ảnh trên báo, những kẻ mà Clarissa phải đối xử tốt đẹp, phải chuyện trò. Bà ấy đang ở với họ. Thế nhưng Richard Dalloway không ở trong nội các. Ông ta không thành công, Sally đoán. Bản thân bà hầu như không hề đọc báo. Đôi khi bà thấy báo chí nhắc tới tên ông ta. Nhưng lúc đó – vâng, bà sống một cuộc đời rất cô quạnh, ở chốn hoang vu, Clarissa có thể nói thế, giữa những thương nhân, những nhà sản xuất lớn, nói cho cùng, những người đàn ông đã làm mọi thứ. Cả bà cũng đã làm mọi thứ!
“Tôi có năm thằng con trai!” Bà nói với Peter.
Ôi Trời, ôi Trời, bà ta đã thay đổi biết bao! Sự dịu hiền của tình mẫu tử; sự ích kỷ của nó nữa. Lần cuối họ gặp nhau, Peter nhớ, là ở giữa đám cải bắp dưới ánh trăng, những chiếc lá “giống như đồng thô” bà ta đã nói thế, với thiên hướng văn chương của mình; và bà ta đã hái một bông hồng. Bà ta đã dắt ông đi lên đi xuống trong cái đêm kinh khủng đó, sau màn kịch cạnh đài phun nước; ông muốn bắt kịp chuyến tàu nửa đêm. Lạy Trời, ông đã khóc!
Đó là cái tật cũ của ông, mở một con dao nhíp ra, Sally nghĩ, luôn mở và đóng một con dao khi ông ta kích động. Họ từng rất, rất thân mật, bà và Peter, khi ông ta đang yêu Clarissa, và đã có màn kịch dễ sợ, ngớ ngẩn đó về Richard Dalloway trong bữa ăn trưa. Bà đã gọi Richard là “Wickham”. Vì sao không gọi Richard là Wickham chứ? Clarissa đã nổi giận! Và thật sự họ không bao giờ gặp nhau kể từ đó, bà và Clarissa, có lẽ không hơn sáu lần trong mười năm qua. Peter Walsh đã sang Ấn Độ, và bà mơ hồ nghe nói rằng ông ta đã có một cuộc hôn nhân bất hạnh, và bà không biết ông ta có đứa con nào hay không, bà không thể hỏi ông ta, vì ông ta đã thay đổi. Trông ông ta khá nhăn nheo, nhưng tử tế hơn, bà cảm thấy, và bà có một tình cảm thật sự đối với ông ta, vì ông ta nối liền với tuổi trẻ của bà, và bà vẫn còn giữ cuốn sách nhỏ của Emily Brontë mà ông ta tặng cho bà, và ông ta có viết, đúng không? Trong thời gian đó ông ta có viết.
“Ông có viết không?” Bà ta hỏi ông, xòe bàn tay ra, bàn tay chắc chắn và có nét của bà ta, trên đầu gối theo một cách thức mà ông nhớ lại.
“Không một từ nào!” Peter Walsh đáp, và bà cười khanh khách.
Bà ta vẫn còn hấp dẫn, vẫn còn là một người có nét, Sally Seton. Nhưng gã Rosseter này là ai? Ông ta cài hai đóa hoa trà trong ngày cưới của mình – đó là tất cả những gì Peter biết về ông ta. “Họ có vô số người hầu, nhiều dặm nhà kính trồng cây,” Clarissa đã viết; đại loại như thế. Sally làm chủ nó với một tràng cười rộ.
“Phải, tôi có mười ngàn bảng mỗi năm” – trước hay sau khi đóng thuế thì bà không thể nhớ, vì chồng bà, “người mà ông phải gặp,” bà nói, “người mà ông sẽ thích,” bà nói, đã làm mọi thứ đó cho bà.
Và Sally đã từng nghèo tơi tả. Bà từng đem cầm chiếc nhẫn của bà nội mình, chiếc nhẫn do Marie Antoinettte tặng ông  cố bà, để tới Bourton.
Ồ, vâng, Sally nhớ; bà vẫn còn giữ nó, một chiếc nhẫn nạm hồng ngọc mà Marie Antoinette đã tặng cho ông cố của bà. Dạo đó bà không bao giờ có một xu dính túi, và việc tới Bourton luôn có ý nghĩa là một thời kỳ gay go đáng sợ. Nhưng tới Bourton cũng có rất nhiều ý nghĩ với bà – đã giúp bà không phát điên, bà tin vậy, bà đã rất khốn khổ lúc ở nhà. Nhưng tất cả những cái đó là chuyện quá khứ –  giờ tất cả đã trôi qua, bà nói. Và ông Parry đã qua đời; còn cô Parry thì vẫn còn sống. Ông chưa bao giờ bị sốc đến thế trong đời mình! Peter nói. Ông đã hoàn toàn chắc chắn rằng bà ấy đã chết. Và cuộc hôn nhân, Sally đoán, là một thành công? Và cô gái rất đẹp, rất điềm tĩnh đó là Elizabeth, đang đứng đằng kia, cạnh những bức màn, mặc đồ đỏ.
(Cô ta giống như một cây dương, giống như một dòng sông, giống như một bông hoa lan dạ hương, Willie Titcomb nghĩ. Ồ, sẽ tốt hơn biết bao nhiêu nếu được sống ở miền quê và làm những gì cô thích! Cô có thể nghe con chó tội nghiệp của mình đang tru lên, Elizabeth chắc chắn.) Con bé không giống Clarissa chút xíu nào, Peter Walsh nói.
“Ồ, Clarissa!” Sally nói.
Điều Sally cảm thấy đơn giản là thế này. Bà đã nợ Clarissa một khoản lớn. Họ từng là bạn của nhau chứ không phải những người quen biết nhau, hai người bạn, và bà vẫn nhìn thấy Clarissa mặc toàn màu trắng đi lại trong nhà với hai tay ôm đầy hoa – cho tới hôm nay những cây thuốc lá vẫn khiến bà nghĩ tới Bourton. Nhưng – Peter có hiểu không? – bà ta thiếu một thứ gì đó. Thiếu thứ gì nhỉ? Bà ta có sự quyến rũ; bà ta có một sức quyến rũ cực kỳ. Nhưng nói thực lòng (và bà cảm thấy Peter là một người bạn cũ, một người bạn thật sự – sự vắng mặt có quan trọng không? Khoảng cách có quan trọng không? Bà vẫn thường muốn viết cho ông ta, nhưng rồi lại xé bỏ thư, thế nhưng cảm thấy rằng ông ta hiểu, vì người ta hiểu mà không cần phải nói ra, khi người ta nhận ra mình đang trở về già, và bà đã già, đã tới chiều hôm đó để thăm mấy đứa con trai ở Eton, nơi chúng mắc bệnh quai bị), vậy cứ nói thật lòng, vì sao Clarissa có thể làm điều đó? – lấy Richard Dalloway?  Một người ưa thích thể thao, một người chỉ quan tâm tới những con chó. Nói cho đúng, khi ông ta bước vào phòng ông ta bốc mùi chuồng ngựa. Và rồi tất cả những thứ này? Bà vẫy tay.
Đó là Hugh Withbread, đang lững thững đi qua trong chiếc áo gilê trắng, mắt lờ mờ, béo tốt, mù tịt, bỏ qua mọi thứ ông ta nhìn, trừ lòng tự trọng và sự tiện nghi.
“Ông ta sẽ không nhận ra chúng ta.” Sally nói, và thật sự bà không có can đảm – vậy đó là Hugh! Hugh đáng ngưỡng mộ!
“Ông ta làm gì vậy?” Bà hỏi Peter.
Ông ta đánh giày cho nhà vua hoặc đếm những cái chai ở Windsor, Peter nói với bà. Peter vẫn còn giữ cái giọng điệu gay gắt của mình! Nhưng Sally phải thẳng thắn, Peter nói. Về cái hôn đó, của Hugh.
Trên môi, bà đảm bảo với Peter, một đêm nọ trong phòng hút thuốc. Bà đã đi thẳng tới chỗ Clarissa trong cơn giận dữ. Hugh không làm những chuyện như vậy! Clarissa nói, Hugh đáng ngưỡng mộ! Những đôi tất của Hugh là thứ đẹp nhất mà bà từng thấy, không có ngoại lệ – và giờ là cái áo buổi tối của ông ta. Tuyệt hảo! Và ông ta có con cái gì không?
“Mọi người trong phòng đều có sáu đứa con trai ở Eton.” Peter nói với bà, trừ chính ông ta ra. Ông ta, tạ ơn Trời, không có đứa nào hết. Không con trai, không con gái, không vợ. Chà, có vẻ như ông không bận tâm, Sally nói. Trông ông ta trẻ hơn bất cứ người nào trong số họ, bà nghĩ.
Nhưng theo nhiều cách, kết hôn như thế là làm một điều ngốc nghếch, Peter nói; “Bà ấy là một người hoàn toàn ngốc nghếch,” ông nói, nhưng “chúng ta đã có một thời gian tuyệt diệu”. Nhưng làm sao có thể thế được? Sally tự hỏi; ý của ông ta là gì? Và thật lạ lùng biết bao khi quen biết ông ta nhưng lại không biết một điều duy nhất nào đã xảy ra đối với ông ta? Và phải chăng ông ta nói câu đó vì lòng tự hào? Rất có khả năng, vì nói cho cùng hẳn ông ta phải rất bực mình (dù ông ta là một con người kỳ cục, một dạng yêu quái, không hề là một người bình thường), hẳn là rất cô đơn khi ở tuổi ông ta mà không có nhà cửa, không có nơi nào để đi. Nhưng ông ta phải ở lại với họ suốt nhiều tuần. Tất nhiên là ông ta sẽ; ông ta sẽ thích ở lại với họ, và đó là cách nó diễn ra. Suốt ngần ấy năm gia đình Dalloway chưa bao giờ tới một lần. Vợ chồng bà đã mời họ hết lần này tới lần khác. Clarissa (vì dĩ nhiên chính là Clarissa) sẽ không tới. Vì, Sally nói, Clarissa trong thâm tâm là một kẻ hợm mình – người ta phải thừa nhận điều đó, một kẻ hợm mình. Và đó chính cái thứ chắn ngang giữa họ, bà tin chắc. Clarissa nghĩ bà đã lấy một người thấp kém hơn mình, chồng bà – bà tự hào về điều đó – con của một người thợ mỏ. Ông ta đã kiếm được từng xu mà họ có. Hồi còn bé (giọng bà run rẩy) ông ta đã vác những cái bao tải lớn. 
(Và bà ta sẽ tiếp tục như thế, Peter nghĩ, hết giờ này sang giờ khác; con trai của một người thợ mỏ; mọi người nghĩ bà ta đã lấy một kẻ thấp kém hơn mình; năm đứa con trai của bà ta; và điều khác là gì – những thứ cây trồng, những cây tú cầu, những cây tử đinh hương, những cây dâm bụt rất, rất hiếm, không bao giờ mọc ở kênh đào Suez, nhưng bà, với một người thợ làm vườn ở một khu ngoại ô gần Manchester, có nhiều luống loại hoa đó, chắc chắn là nhiều luống! Giờ Clarissa đã trốn thoát tất cả những thứ đó, một người không có tình mẫu tử như bà ấy.)
Bà ấy là một kẻ hợm mình ư? Phải, theo nhiều cách. Bà ấy đâu rồi, suốt thời gian này? Đêm đã khuya rồi.
“Chưa,” Sally nói, “khi tôi nghe nói Clarissa tổ chức một bữa tiệc, tôi cảm thấy tôi không thể không tới – phải gặp lại bà ấy (và tôi đang ở phố Victoria, thật sự là ngay kế bên). Vì thế tôi cứ tới không cần thiệp mời. Nhưng,” bà ta thì thầm, “hãy nói cho tôi biết, người này là ai vậy?”
Đó là bà Hilbery, đang tìm cửa đi ra. Vì đêm đã khuya rồi! Và bà lẩm bẩm, khi đêm ngày càng khuya hơn, người ta tìm thấy những người bạn cũ; những góc vườn góc phòng yên tĩnh; và những cảnh vật đáng yêu. Họ có biết rằng họ đang bị bao vây bởi một khu vườn bị yếm bùa hay không? Bà hỏi. Những bóng đèn và những cây cối và những mặt hồ lấp lánh tuyệt diệu và bầu trời. Chỉ có vài ngọn đèn lồng ở vườn sau, Clarissa Dalloway đã nói thế! Nhưng bà ta là một nhả ảo thuật. Nó là một công viên… Và bà không biết tên của họ, nhưng bà biết họ là những người bạn, những người bạn không có tên, những bài ca không có lời, luôn là thứ tốt nhất. Nhưng có quá nhiều cửa, những nơi bất ngờ như thế, bà không thể tìm được lối ra.
“Bà cụ Hilbery,” Peter nói; nhưng người đó là ai? Quý bà đã đứng cạnh bức màn suốt cả buổi tối mà không nói lời nào đó? Ông biết mặt bà ta; từng liên hệ với bà ta ở Bourton. Chắc chắn là bà ta từng cắt đồ lót ở cái bàn lớn trong cửa tiệm? Davidson, phải chăng đó là tên của bà ta?
“Ồ, đó là Ellie Henderson.” Sally nói. Clarissa thật sự rất khắc nghiệt với bà ta. Bà ta là một người chị em họ, rất nghèo. Clarissa rất khắc nghiệt với mọi người.
Bà ấy khá khắc nghiệt, Peter nói. Thế nhưng – Sally nói, theo cách thức đầy cảm xúc của mình, với một dòng chảy nhiệt tình mà Peter từng yêu mến bà vì nó, nhưng giờ hơi sợ sệt chút ít, bà ta có thể trở nên rất dạt dào tình cảm – Clarissa rất phóng khoáng với bạn bè của mình! Và người ta nhận ra đó là một phẩm chất hiếm hoi biết bao, và đôi khi vào đêm hay ngày của lễ Giáng sinh, khi bà ta tính đếm những lời chúc phúc của mình, bà ta đặt tình bạn đó lên hàng đầu. Họ còn trẻ; đúng là thế. Clarissa có tâm hồn trong trắng; đúng là thế. Peter sẽ nghĩ là bà đa cảm. Bà là như vậy, Vì bà đã tới để cảm thấy rằng đây là điều duy nhất đáng nói tới – những gì người ta cảm thấy. Trí thông minh chỉ là thứ vớ vẩn. Người ta phải nói một cách đơn giản điều mà người ta cảm thấy.
“Nhưng tôi không biết tôi cảm thấy thế nào.” Peter Walsh nói.
Peter tội nghiệp, Sally nghĩ. Vì sao Clarissa không tới nói chuyện với họ? Đó là điều mà ông ta đang mong muốn. Bà biết điều đó. Suốt buổi ông ta cứ nghĩ về Clarissa, và cứ nghịch con dao của mình.
Ông không thấy là cuộc đời đơn giản, Peter nói. Những mối quan hệ giữa ông với Clarissa không đơn giản. Nó đã làm hỏng đời ông, ông nói. (Họ đã từng rất thân mật – ông và Sally Seton, thật phi lý nếu không nói ra điều đó.) Người ta không thể yêu hai lần, ông nói. Và bà có thể nói gì? Tuy nhiên, tốt hơn là được yêu (nhưng ông ta sẽ nghĩ là bà đa cảm – ông ta từng rất gay gắt). Ông ta phải đến Manchester và ở lại với họ. Tất cả những điều đó đúng, ông ta nói. Tất cả đều rất đúng. Ông ta thích tới và ở lại với họ, ông ta đã thực hiện ngay tức khắc điều ông ta phải làm ở London.
Và Clarissa đã quan tâm tới ông ta hơn là quan tâm tới Richard. Sally chắc chắn về điều đó.
“Không, không, không!” Peter nói (Sally không nên nói như thế – bà ta đã đi quá xa). Anh chàng tốt bụng đó – ông ta ở đầu kia phòng, đang đưa ra ý kiến, hệt như trước giờ, già Richard thân mến. Ông ta đang nói với ai thế? Sally hỏi, người đàn ông trông rất nổi bật đó. Dù sống ở miền thôn dã, bà có một sự hiếu kỳ vô hạn, luôn muốn biết mọi người là ai. Nhưng Peter không biết. Ông không thích dáng vẻ của ông ta, ông nói, có lẽ là một bộ trưởng. Trong số tất cả bọn họ, dường như với ông Richard là người tốt nhất, ông nói – người bất vụ lợi nhất.
“Nhưng ông ta đã làm gì?” Sally hỏi. Công tác công cộng, bà đoán. Và họ có hạnh phúc với nhau không? Sally hỏi (bản thân bà cực kỳ hạnh phúc); vì, bà thừa nhận, bà không biết chút gì về họ, chỉ nhảy tới những kết luận, như người ta thường làm, vì người ta có thể biết gì thậm chí về những người mà người ta sống chung hàng ngày? Bà hỏi. Không phải tất cả chúng ta đều là những tù nhân hay sao? Bà đã đọc một vở kịch tuyệt vời về một người đàn ông, kẻ đã viết nguệch ngoạc lên vách xà lim của mình, và bà cản thấy đó đúng là cuộc đời – người ta viết nguệch ngoạc lên vách tường. Thất vọng về những mối quan hệ con người (mọi người quá khó khăn), bà thường ra vườn và nhận được từ những cây hoa của mình một sự thanh bình mà những người đàn ông và phụ nữ không bao giờ cho bà. Nhưng không; ông không thích những cây cải bắp; ông thích những con người hơn, Peter nói. Thật sự, tuổi trẻ thật là xinh đẹp, Sally nói, quan sát Elizbeth băng ngang qua phòng. Rất khác với Clarissa hồi bằng tuổi của nó! Ông có thể đoán ra bất cứ điều gì ở nó không? Nó sẽ không hé môi. Không nhiều, chưa, Peter thừa nhận. Con bé giống như một đóa hoa huệ, Sally nói, một đóa hoa huệ cạnh một bờ ao. Nhưng Peter không đồng ý rằng chúng ta không biết gì cả. Chúng ta biết mọi thứ, ông nói; ít ra là ông đã biết.
Nhưng hai người này, Sally thì thầm, hai người đang đi tới lúc này (và thật sự bà phải đi, nếu Clarissa không sớm tới), người đàn ông trông có vẻ nổi bật và bà vợ trông khá bình thường của ông ta, kẻ vừa nói chuyện với Richard – người ta có thể biết gì về những người như thế?
“Rằng họ là những kẻ bịp bợm đáng nguyền rủa.” Peter nói, thờ ơ nhìn họ. Ông khiến Sally bật cười.
Nhưng ngài William Bradshaw dừng lại ở cửa để nhìn một bức tranh. Ông ta nhìn vào góc tranh để xem tên của tác giả. Cả vợ ông ta cũng nhìn. Ngài William rất quan tâm tới mỹ thuật.
Khi người ta trẻ, Peter nói, người ta rất nôn nóng muốn hiểu biết mọi người. Giờ đây, khi người ta đã già, chính xác là năm mươi hai (Sally năm mươi lăm, về mặt cơ thể, bà nói, nhưng tâm hồn bà giống như tâm hồn của một cô gái hai mươi tuổi); giờ đây, khi người ta đã chín chắn, Peter nói, người ta có thể quan sát, người ta có thể thấu hiểu, và người ta không muốn đánh mất khả năng cảm nhận, ông nói. Không muốn, điều đó đúng, Sally nói. Mỗi năm bà lại cảm nhận sâu sắc hơn, mãnh liệt hơn. Nó tăng lên, có lẽ, ông nói, chao ôi, nhưng người ta nên vui mừng về điều đó – nó tiếp tục tăng lên trong kinh nghiệm của ông. Có một người ở Ấn Độ. Ông muốn kể với Sally về cô ta. Ông muốn Sally biết cô ta. Cô ta đã kết hôn, ông nói. Cô ta có hai đứa con nhỏ. Tất cả bọn họ phải tới Manchester, Sally nói – ông phải hứa trước khi họ ra về.
Đó là Elizabeth, ông nói, con bé chỉ cảm thấy phân nửa những gì chúng ta cảm thấy, chưa hết. Nhưng người ta có thể nhìn thấy họ dành hết tình cảm cho nhau, Sally nói, quan sát Elizabeth đi tới chỗ cha cô. Bà có thể cảm thấy nó thông qua cách Elizabeth đi tới chỗ cha mình.
Vì cha cô đang nhìn cô, trong lúc ông ta đứng nói chuyện với vợ chồng nhà Bradshaw, và ông ta đã tự nhủ, Cô gái đáng yêu đó là ai nhỉ? Và đột nhiên ông ta nhận ra đó là Elizabeth, và ông ta đã không nhận ra cô, trông cô rất đáng yêu trong cái váy màu hồng! Elizabeth đã cảm thấy ông ta nhìn cô khi cô nói chuyện với Willie Titcomb. Vì thế cô tới chỗ ông ta và họ đứng bên nhau, lúc này, khi bữa tiệc đã gần như kết thúc, nhìn mọi người ra về, và những căn phòng ngày càng trở nên trống vắng, với những thứ nằm rải rác trên sàn. Ngay cả Ellie Henderson cũng ra về, gần như cuối cùng, dù không ai nói chuyện với bà ta, nhưng bà ta muốn nhìn thấy mọi thứ, để kể cho Edith nghe. Richard và Elizabeth khá vui mừng vì nó đã kết thúc, nhưng Richard tự hào về con gái của mình. Và ông không có ý định nói với cô, nhưng ông không thể không nói với cô. Ông đã nhìn cô, ông nói, và đã tự hỏi, Cô gái đáng yêu đó là ai nhỉ? và hóa ra đó là con gái của ông! Điều đó khiến cô thấy hạnh phúc. Nhưng con chó của cô đang tru lên.
“Richard đã tiến bộ. Ông nói đúng.” Sally nói. “Tôi sẽ tới nói chuyện với ông ta. Tôi sẽ chúc ngủ ngon. Bộ não thì có gì là quan trọng,” phu nhân Rosseter nói, đứng lên, “so với quả tim?”
“Tôi sẽ tới,” Peter nói, nhưng ông ngồi lại một lúc. Sự khiếp hãi này là gì vậy? Trạng thái mê ly này là gì vậy? Ông tự nhủ. Sự khích động lạ lùng tràn ngập tâm hồn mình là gì vậy?
Chính là Clarissa, ông nói.
Vì bà ở đó.
 
 



[1] Sir Joshua Reynolds (1723 – 1792) họa sĩ Anh nổi tiếng về tranh chân dung.
[2] John Milton (1608 – 1674) nhà thơ, nhà bút chiến nổi tiếng người Anh.
[3] Nay là Sri Lanka. Trước đây Sri Lanka là thuộc địa của Anh (1815-1948).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét