Mời bạn click vào link bên dưới để nghe nhạc melody:
Gặp chúng tôi, ông Ngọ nói: “Hẹn các bạn 15g chiều nay đến cùng bàn về trường hợp chị Trần Thị Mai
ở Quảng Bình. Bạn đọc của các bạn đã có sáng kiến như vậy, tôi là người
trong cuộc phải có cách ứng xử riêng với người anh hùng này”. Đúng 15g
chiều, chúng tôi đến Ban phòng chống lụt bão T.Ư, nơi ông Ngọ đang chờ
đợi...
* Ông biết tin về trường hợp chị Trần Thị Mai trong hoàn cảnh nào?
- Khi tôi đang ở miền Trung tham gia chống chọi cơn
lũ ngày 24 đến 27-11 vừa rồi, khuya mới có thời gian đọc báo và biết về
trường hợp chị Trần Chị Mai. Đúng là đất anh hùng sinh ra anh hùng,
Quảng Bình là quê hương mẹ Suốt, nay lại có bà mẹ Trần Thị Mai. Câu
chuyện của chị làm tôi rất xúc động: một người mẹ trẻ 33 tuổi anh dũng
cứu người, rồi hi sinh để lại bảy đứa con nhỏ dại. Tôi nghĩ đây là hành
động anh hùng và cần có những chính sách đãi ngộ xứng đáng với hành động
này.
Hôm
qua 3-12, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư đã có văn bản gửi Ban chỉ
huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Bình. Trong đó nêu rõ:
“Ban
chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư nhận được thông tin về việc bà Trần Thị
Mai ở thôn Hậu Thành, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình đã tử nạn do lũ
cuốn trôi trong khi cứu người. Đây là một hành động vô cùng dũng cảm cần
được biểu dương và có chế độ đãi ngộ kịp thời.
Trong
điều 12, nghị định số 56 năm 1989 của Hội đồng bộ trưởng đã qui định:
người làm nghĩa vụ lao động công ích có hành động dũng cảm…, trong khi
thực hiện nhiệm vụ mà bị thương hoặc hi sinh nếu được xếp hạng thương
tật hoặc truy tặng liệt sĩ thì bản thân và gia đình được hưởng chính
sách đãi ngộ như thương binh hoặc gia đình liệt sĩ.
Trường
hợp của bà Mai xứng đáng được hưởng chế độ đãi ngộ như pháp luật đã qui
định ở trên. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão T.Ư đề nghị Ban chỉ huy
phòng chống lụt bão Quảng Bình kiểm tra lại thông tin trên và có biện
pháp giúp đỡ kịp thời gia đình bà Mai, góp phần chia sẻ nỗi đau thương,
mất mát và giúp các cháu sớm ổn định cuộc sống”.
|
* Nhà nước đã có chính sách gì về trường hợp như chị Mai chưa, thưa ông?
- Chúng ta mới có chính sách hỗ trợ người bị nạn
trong lũ: người chết được hỗ trợ 1 triệu đồng để mai táng, mất nhà cửa
hỗ trợ 1 triệu đồng... Nhưng chính sách cho những người dũng cảm như thế
này, chính sách cho người đem thuyền bè của mình đi cứu người... thì
đang cần được bổ sung.
Tôi đã làm việc với địa phương, đề nghị chuẩn bị các
thủ tục để truy tặng danh hiệu anh hùng hay Huân chương Lao động cho
chị Mai. Tôi cũng đã đề nghị Bộ Lao động - thương binh & xã hội để
làm sao truy tặng chị Mai danh hiệu như liệt sĩ để gia đình chị có thể
được hưởng các chính sách như gia đình liệt sĩ. Nếu được như vậy thì bảy
con chị cũng được an ủi.
* Từ bài báo “Mẹ không về nữa” trên TS, đã
có hàng loạt bạn đọc tìm đến hỗ trợ gia đình chị Mai, nhiều người đã
đứng ra nhận làm mẹ các cháu thay chị Mai. Còn ông nghĩ sao?
- Tôi đọc báo TS thấy bạn đọc đã đề nghị ba
phương án. Nhưng tôi thấy cũng băn khoăn lắm. Chị Mỹ ở Bến Tre nhận
nuôi cả bảy cháu thì tấm lòng quá tốt rồi. Nhưng ở một gia đình như vậy,
nếu đem cả bảy cháu đi để lại một ông bố ốm đau chắc cũng khó, mà nếu
xé lẻ mỗi người nuôi giúp một vài cháu chắc cũng khó.
Tôi thấy ta nên tìm người nhà của các cháu nhờ họ
làm người bảo trợ. Tiền bạn đọc góp, chúng ta sẽ đem sửa nhà, lo cho các
cháu học hành, số còn lại có thể kêu gọi một vài doanh nghiệp có tấm
lòng đem phát triển kinh doanh, tiền lãi đưa về lo cuộc sống hằng ngày
của các cháu. Gửi tiền vào tiết kiệm cũng được, nhưng tôi thấy nó vô cảm
vì đến ngày lấy tiền thôi, nếu gửi một doanh nghiệp sẽ như một lời nhắc
nhở họ.
VN ta có hình thức phụng dưỡng bà mẹ VN anh hùng thì
chị Mai cũng chính là bà mẹ anh hùng. Tôi đã định thứ hai tuần tới cùng
báo TS đi Quảng Bình, nhưng còn vướng một vài công việc... Tôi cũng đã
gọi cho Bộ Lao động - thương binh & xã hội nói về trường hợp chị Mai
và định ngày mai (4-12) sẽ nói thêm. Báo TS cũng cần phải nói
thêm để có chính sách cho chị, mà nếu chị được truy tặng cũng sẽ có
nhiều người anh dũng như chị được truy tặng danh hiệu.
Các bạn đã đặt vấn đề: một người hi sinh khi cứu
người, để lại bảy đứa con có đáng anh hùng không? Có đáng bà mẹ anh hùng
không? Tôi thấy bài báo của các bạn có ý nghĩa, không chỉ ý nghĩa về
tình cảm, mà còn có thể đề ra một chính sách mới mà sắp tới chúng tôi
phải làm thêm là chính sách cho những người bị nạn khi tham gia phòng
chống bão lụt.
L.ANH - Q.THIỆN thực hiện
Mẹ không về nữa
| Xin tòa soạn cho phép tôi góp phần nhuận bút dù ít ỏi vào sự đóng góp chung của mọi người cho các con của chị Mai, như là chút tấm lòng. NGUYỄN THÀNH NHÂN |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét