Chủ nhật 17/3: Lên đường với anh Nguyên và anh Trọng, hai ông anh lính 77 cùng đơn vị.
Với anh Trọng C21 E4 ở cửa khẩu Mộc Bài
Thủ đô Phnom Penh vẫn như 2 năm trước, nhưng hình như dân số đã tăng nhiều. Xe tuk tuk, xe gắn máy và xe hơi tư nhân đúng là "ngựa xe như nước". Con gái Khmer ngày càng nhiều em trẻ tuổi trắng trẻo và xinh đẹp. Phnom Penh quạnh vắng, những người dân ăn mặc nghèo nàn, ánh mắt còn nhiều lo âu suy tư của thời mình đặt chân tới lần đầu hồi cuối 1984 đã biến mất hoàn toàn.
Đêm ngủ lại ở Phnom Penh. Ghé quán lẩu dê của Nhật, một người lính QK9 ở lại lấy vợ K. Uống vài ve và về ngủ để mai xuất phát sớm lên Poi Pet theo đường số 5.
Anh Trọng C21 E4 + anh Nguyên D3 ở cửa khẩu Mộc Bài
Ghé thăm Đài tưởng niệm chiến sĩ Việt Nam ở Phnom Penh
Ghé thăm Đài tưởng niệm chiến sĩ Việt Nam ở Phnom Penh
Thứ Hai 18/3: Đường lên Batdomboong xa thật, xuất phát lúc 7h mà mãi tới gần 4h chiều mới tới Ngã Ba Con voi. Mẹ nuôi của anh Nguyên ra ở tạm nhà con trai ở ngay Ngã Ba. Một đêm ngủ vùi vì xỉn. Vào phum Soya.
Phum Soya
(Soya là một
phum nằm cạnh đường buôn biên giới Thái Lan – Campuchia, ngày xưa một thời tấp
nập đông đúc, sau khi bộ đội VN rút khỏi K, khu vực này bị lính Para chiếm đóng,
đường buôn xưa không còn nữa, dân phum dời ra mé ngoài sát quốc lộ 5, những
hình ảnh này ghi nhận lại một phum Soya bỏ hoang không người cư ngụ.)
Thứ Ba 19/5: Vào Ta Cuong Crao để đốt nhang tưởng niệm các anh hy sinh trận C11, D3 xóa sổ ngày 23/4/1980 và lấy một ít đất, xem như đưa hương hồn mấy anh mất xác về VN. Mảnh ruộng thời bình xem ra hiền hòa lặng lẽ như vậy, như bất kỳ mảnh ruộng nào trên đất nước K, ngày xưa lại là những bãi chiến trường khốc liệt. Những người lính Việt đã bỏ mình trên chính những mảnh ruộng như vầy hay trong những cánh rừng, sườn núi, ngọn đồi xa lạ.
Sau đó xe trực chỉ huyện Phnom Srok. Lòng mình quá chừng xao động. Những phum cũ giờ thay đổi ra sao, người quen ai còn ai mất? Nàng có còn sống? Có còn ở phum cũ hay chăng?....
Sau đó xe trực chỉ huyện Phnom Srok. Lòng mình quá chừng xao động. Những phum cũ giờ thay đổi ra sao, người quen ai còn ai mất? Nàng có còn sống? Có còn ở phum cũ hay chăng?....
Núi hai ngọn mà mình tự đặt tên là núi Svai vì nằm sát bên phum Svai So hiện lên càng lúc càng gần. Ngọn núi đất nhỏ với quá nhiều ký ức gắn liền với nó....
Hồ T'rapeang Thmor giờ được đắp bờ cao, trở thành một khu du lịch và bảo tồn sinh thái. Những phum xưa giờ nối nhau thành một đường thẳng theo hồ nước, không còn vụ cắt đường quanh quẹo qua trảng qua rừng như trước. May mà xe hơi đi được tới nơi.
Vào phum Pô, gặp lại em. Mấy búc me ngày xưa đều đã mất, chỉ còn lại tà Cruon và một me mà mình quên tên nhưng còn nhớ mặt. Hỏi thăm mãi mới biết ra mia Hô phum trưởng và me đều đã mất. Con trai của mia đã chuyển tới Pai Lin sống. Hỏi thăm Tchiet. Lâu quá nên phát âm sai chút chút. Một cô bé hỏi mình với vẻ mặt láu lỉnh có phải Tchiet mà ngày xưa có một chuyện tình "thum" hay không và mình phải là người coong top đó không. Thì ra câu chuyện của mình đã được truyền tụng, đến cô bé này, chắc hẳn lúc đó chỉ mới ra đời hoặc hai ba tuổi. vẫn biết. Cười thầm, mũi phồng lên chút đỉnh. Hóa ra mình vẫn còn nổi tiếng ở đây!
Em vẫn còn ở lại phum. Đã có ba con và có cháu nội ngoại.
Vẫn còn nhận diện được em nhưng sao quá ngỡ ngàng. Cuộc sống ở phum em vẫn nghèo nàn lam lũ như xưa, gần như không có gì thay đổi. Vẫn gánh nước ngoài suối, vẫn thắp đèn dầu. Chỉ có một điều là người già chết gần hết, nhiều trẻ con chào đời và có thêm nhiều căn hộ ở phía nam phum. Con gái nàng rất giống mẹ ngày xưa, nhưng không xinh đẹp bằng. Có lẽ vì nó cột tóc túm lại chứ không để xõa như nàng ngày xưa. Còn nàng... Ôi, Tchiet của gần 30 năm trước đã xạm đen nắng gió, nhăn nheo, đôi mắt to đẹp ngày xưa hoàn toàn biến mất, chỉ còn lại một đôi mắt u buồn, hấp háy, mờ đục. Trong khoảnh khắc, mình gần như ao ước giá như mình đừng quay lại. Để hình bóng trong tâm tưởng vẫn sống mãi. Nhưng thôi, phải chấp nhận sự thật. Chúng ta già hết rồi, Tchiet yêu dấu ngày xưa.
Trở ra phum Poi Sơ Nuol, tìm me của Nhệ (nguyên mẫu của me Sa Rinh trong Mùa xa nhà). Me cũng qua đời. Nhiều người trung niên trong phum vẫn còn nhớ tên mình. Gặp lại Soun, cô bé mà mình đã mượn tên và vài chi tiết đời thật để hư cấu thành nhân vật Soun trong Mùa xa nhà. Soun cũng già chát, còn đâu cô bé xinh xắn, bé nhỏ ngày nào.
Rời Phnum Srok về Siam Reap. Đêm đó không ngủ được. Cứ nằm thao thức nhớ mãi những chuyện ngày xưa, gần sáng mới thiếp đi chút xíu đã tới giờ lên xe về lại Phnom Penh.
Thứ Tư 20/3: Về Phnom Penh. Ở lại một đêm vì anh Nguyên quá oải ngồi xe liên tục.
Thứ Năm 21/3: xuất phát về lại Sài Gòn.
Một chuyến đi vui buồn lẫn lộn. Mơ ước được trở lại những phum xưa của một thời tuổi trẻ đã hoàn thành. Nhưng cồn cào trong lòng là một nỗi niềm khó nguôi khuây. Phải chi ngày xưa mình ở lại... Phải chi ngày xưa....
Cảm động thật. Tiếc là không đi cùng anh được để góp tay đưa những người lính tình nguyện xưa về nước. Nhưng quan trọng là phum sóc cũ vẫn còn nhớ anh, dù chỉ để..luyến tiếc một mảnh thời gian đã cũ
Trả lờiXóaCám ơn bạn đã cùng chia sẻ. Không biết bạn có là lính ở K chăng. Mình có thể bịa thật nhiều, nhưng có những chuyện không tài nào bịa được. Nhật ký này quá vắn tắt, và nó chỉ dành riêng cho những người từng là lính K. Mỗi một địa danh đều đẫm rất nhiều máu, nước mắt, mồ hôi của những chàng lính VN khi đó còn rất trẻ. Chúc bạn vui khỏe.
Xóa