Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC - GEORGE RITZER - PART 1-2






CHƯƠNG 2:
MỘT PHÁC HỌA LỊCH SỬ
LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC: NHỮNG NĂM SAU

LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC MỸ SƠ KHAI
Chính trị
Biến đổi xã hội và các dòng trí thức
Trường phái Chicago
PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI HỌC SƠ KHAI
LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC ĐẾN GIỮA THẾ KỶ
Sự ra đời của Harvard, Ivy League và Thuyết chức năng cấu trúc
Trường phái Chicago suy sụp
Các bước phát triển của lý thuyết Marx
Karl Mannheim và Xã hội học tri thức
LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC TỪ GIỮA THẾ KỶ TRỞ ĐI
Thuyết chức năng cấu trúc: đỉnh cao và suy sụp
Xã hội học cấp tiến ở Mỹ: C. Wright Mills
Sự phát triển của Thuyết xung đột
Sự ra đời của Thuyết trao đổi
Phân tích kịch tính: Tác phẩm của Erving Goffman
Sự phát triển của xã hội học trong đời thường
Sự ra đời và suy vong (?) của xã hội học Marx
Sự cạnh tranh của Thuyết nữ quyền
Thuyết cấu trúc và Thuyết hậu cấu trúc
LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC TRONG NHỮNG NĂM 1980 VÀ 1990
Sự hợp nhất vi mô-vĩ mô
Sự hợp nhất Cơ quan- Cấu trúc
Lý thuyết tổng hợp
Siêu lý thuyết hóa trong xã hội học
HỌC THUYẾT XÃ HỘI; HƯỚNG TỚI CUỐI THẾ KỶ
Những người bảo vệ Thuyết Hiện đại
Những người đề xướng Thuyết Hậu hiện đại
Học thuyết xã hội đa văn hóa

Khó mà đưa ra được ngày tháng chính xác của việc hình thành môn xã hội học ở Mỹ. Có một khóa giảng về các vấn đề xã hội được dạy ở Oberlin khoảng đầu năm 1858. Từ xã hội học của Comte được dùng bởi George Fitzhugh năm 1854 và William Graham Sumner dạy các khóa khoa học xã hội ở Yale bắt đầu từ 1873. Trong những năm 1880, các khóa giảng được mang cái tên cụ thể “Xã hội học” bắt đầu xuất hiện. Phân khoa đầu tiên mang tên xã hội học được thành lập ở ĐH Kansas năm 1889. Năm 1892 Albion Small chuyển tới ĐH Chicago và thiết lập phân khoa mới về xã hội học. Phân khoa Chicago trở thành trung tâm quan trọng nhất của xã hội học Mỹ nói chung, lý thuyết xã hội học Mỹ nói riêng.

LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC MỸ SƠ KHAI

Chính trị

Schwendinger  cho rằng các nhà xã hội học Mỹ thời sơ khai tốt nhất là nên được diễn tả là những nhà tự do chính trị, và không phải - điều này thì đúng với phần lớn những lý thuyết gia Châu Âu - là những người bảo thủ. Đặc tính tự do chủ nghĩa của xã hội học Mỹ thời sơ khai có hai nguyên tố cơ bản. Đầu tiên, nó vận hành với một niềm tin vào sự tự do và phúc lợi của cá thể. Trong niềm tin này, nó chịu nhiều ảnh hưởng của định hướng của Spencer hơn là lập trường mang tính tập thể nhiều hơn của Comte. Thứ hai, nhiều nhà xã hội học theo định hướng này chấp nhận một quan điểm tiến hóa về tiến trình xã hội. Tuy nhiên, họ không đồng nhất về cách thức làm thế nào là tốt nhất để đưa lại tiến trình này. Niềm tin vào tiến trình xã hội - vào sự cải cách hoặc một chủ nghĩa tạo thuận lợi cho kinh doanh tự do - và niềm tin vào tầm quan trọng của cá thể đã dẫn tới những lập trường ủng hộ cho hệ thống với nghĩa tổng thể. Niềm tin cao nhất là hệ thống xã hội hoạt động hiệu quả hoặc có thể cải cách để hoạt động hiệu quả. Có rất ít phê phán về hệ thống với nghĩa một tổng thể; ở trường hợp người Mỹ điều này có nghĩa là ít có thắc mắc gì về chủ nghĩa tư bản. Thay vì một cuộc đấu tranh giai cấp sắp xảy ra, những nhà xã hội học thời sơ khai nhìn thấy một tương lai hòa hợp giai cấp và cộng tác giai cấp. Chung quy, điều này có nghĩa là lý thuyết xã hội học Mỹ thời sơ khai giúp hợp lý hoá sự bóc lột, chủ nghĩa đế quốc nội địa và quốc tế, và bất bình đẳng xã hội. Cuối cùng, chủ nghĩa tự do chính trị của những nhà xã hội học Mỹ thời này bao hàm rất nhiều tính chất bảo thủ.

Biến đổi xã hội và các dòng trí thức

Trong phân tích về sự thành lập lý thuyết xã hội học Mỹ, Ruscoe Hinkle và Ellsworth Furman vạch ra nhiều bối cảnh cơ bản từ đó nền lý thuyết đã ra đời. Quan trọng nhất là các biến đổi xã hội xảy ra trong xã hội Mỹ sau nội chiến. Ở chương I, chúng tôi đã thảo luận một loạt các yếu tố liên quan đến sự phát triển của lý thuyết xã hội học Châu Âu; nhiều yếu tố trong số đó (như sự công nghiệp hóa và đô thị hóa) cũng có quan hệ tương tự đến sự phát triển của lý thuyết ở Mỹ. Theo quan điềm của Fuhrman, các nhà xã hội học thời sơ khai thấy những khả năng tích cực của sự công nghiệp hoá, nhưng họ cũng nhận thức rõ những hiểm họa của nó. Dù họ rất thích thú các ý tưởng nảy sinh từ phong trào lao động và các nhóm chủ nghĩa xã hội về cách thức giải quyết các hiểm họa của công nghiệp hóa, họ không ủng hộ một xã hội đại tu một cách cấp tiến.

Arthur Vidich và Stanford Lyman tạo ra một dẫn chứng mạnh mẽ cho ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo, đặc biệt là đạo Tin Lành, đối với việc thành lập xã hội học Mỹ. Theo quan điểm của họ, các nhà xã hội học Mỹ duy trì mối quan tâm của tín đồ Tin lành trong việc cứu chuộc thế giới và đơn giản thay thế một ngôn ngữ này (khoa học) bằng một ngôn ngữ khác (tôn giáo). Họ lý luận: “Từ năm 1854, khi những tác phẩm đầu tiên về xã hội học xuất hiện ở Mỹ cho tới khi Thế chiến I bùng nổ, xã hội học là một phản ứng đạo đức và trí thức đối với các vấn đề của đời sống và tư tưởng, thể chế, tín ngưỡng của người Mỹ.” Các nhà xã hội học tìm cách định nghĩa, nghiên cứu và giúp cho việc giải quyết các vấn đề xã hội. Trong khi người mục sư làm việc trong phạm vi tôn giáo để cải thiện nó và phần lớn tín đồ, các nhà xã hội học làm chuyện tương tự trong phạm vi toàn xã hội. Đưa ra những nguồn gốc tôn giáo và các hoạt động tín ngưỡng song hành, phần lớn những nhà xã hội học không thách thức lại nền tảng chính thống của xã hội.

Một yếu tố chủ yếu khác trong việc thành lập xã hội học Mỹ đã được thảo luận bởi Hinkle và Fuhrman là sự nảy sinh đồng thời ở Mỹ, vào cuối những năm 1800 của các môn học hàn lâm (bao gồm xã hội học) và hệ thống đại học hiện đại. Ở Châu Âu, trái lại, hệ thống đại học đã có sẵn từ trước khi  xã hội học ra đời. Mặc dù xã hội học có một thời kỳ khó khăn trước khi được thiết lập ở Châu Âu, nó gặp điều kiện dễ dàng hơn trong hệ thống đại học linh động hơn của Mỹ.

Một đặc tính khác của xã hội học thời sơ khai là (cũng như các môn khoa học xã hội khác) là nó bỏ qua bối cảnh lịch sử và đi theo một định hướng thực chứng hoặc “khoa học”. Như  Ross nhận định: “Niềm mong mỏi đạt được một sự trừu tượng phổ quát và những phương pháp định lượng đã làm các nhà khoa học xã hội Mỹ ngoảnh mặt khỏi các kiểu mẫu thể hiện đã có sẵn trong lịch sử và nhân loại học văn hóa và sự phổ quát hóa và kiểu mẫu thể hiện do Max Weber đề ra”. Thay vì thể hiện các biến đổi lịch sử trong một thời hạn lâu dài, xã hội học quay sang hướng nghiên cứu khoa học các tiến trình ngắn hạn.

Vẫn còn các yếu tố khác đã tác động đến sự thiết lập lý thuyết Châu Âu trên lý thuyết xã hội học Mỹ. Các lý thuyết gia Châu Âu đã sáng tạo ra lý thuyết xã hội học, và những người Mỹ có thể dựa vào cơ sở đó. Những người Châu Âu có tầm quan trọng nhất đối với người Mỹ là Spencer và Comte. Simmel có phần quan trọng trong những năm đầu, nhưng ảnh hưởng của Durkheim, Weber và Marx không có tác động gì sâu sắc trong nhiều năm. Như một minh họa về tác động của lý thuyết Châu Âu thời sơ khai lên xã hội học Mỹ, lịch sử các tư tưởng của Herbert Spencer khá thú vị và nhiều thông tin.

Ảnh hưởng của Herbert Spencer đối với xã hội học

Tại sao các tư tưởng của Spencer lại có nhiều ảnh hưởng trong những năm đầu của xã hội học Mỹ hơn của Comte, Durkheim, Marx và Weber? Hofstadter đưa ra nhiều giải thích. Điều đầu tiên dễ hiểu là Spencer viết tiếng Anh, còn những người kia thì không. Ngoài ra, Spencer không viết bằng những thuật ngữ kỹ thuật, do vậy làm cho tác phẩm của ông dễ tiếp  thu hơn. Thật ra, một số người cho rằng việc thiếu các từ ngữ kỹ thuật có thể truy ra rằng Spencer không phải là một học giả phức tạp lắm. Nhưng có những lý do khác quan trọng hơn đối với sức thu hút rộng rãi của ông. Ông đề ra một định hướng khoa học hấp dẫn đối với độc giả đang trở nên ham thích khoa học và các sản phẩm kỹ thuật của nó. Ông đề ra một lý thuyết thấu đáo dường như đã quét qua toàn bộ lịch sử loài người. Độ sâu sắc của tư tưởng, cũng như số lượng nhiều vô kể tác phẩm ông viết cho phép lý thuyết của ông có nhiều điều khác nhau đối với nhiều người khác nhau. Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, lý thuyết của ông động viên và khuyến khích một xã hội thực hiện tiến trình đột biến của sự công nghiệp hóa - xã hội đã, theo ông, chuyển động đều đặn theo chiều hướng ngày càng tiến triển lớn hơn.

Học trò người Mỹ nổi tiếng nhất của Spencer là William Graham Sumner, người tiếp nhận và mở rộng nhiều tư tưởng theo thuyết Darwin xã hội của Spencer. Spencer cũng có ảnh hưởng tới những nhà xã hội học thời sơ khai khác, trong số đó có Lester Ward, Charles Horton Cooley, E. A. Ross và Robert Park.

Năm 1930, tuy vậy, Spencer bị lu mờ trong thế giới trí thức nói chung, cũng như trong xã hội học. Thuyết Darwin xã hội, ủng hộ tự do kinh doanh cá nhân của ông dường như ngớ ngẩn dưới ánh sáng của các vấn đề xã hội to lớn, một cuộc thế chiến và một cuộc suy thoái kinh tế. Năm 1937 Talcott Parsons thông báo cái chết của tri thức Spencer đối với xã hội học khi ông lặp lại những từ của nhà sử học Crane Brinton vài năm trước đó: “Bây giờ có ai đọc Spencer?” Ngày nay Spencer không còn được chú ý trừ giá trị lịch sử, nhưng tư tưởng của ông đã từng có tầm quan trọng trong việc định hình lý thuyết xã hội học Mỹ thời sơ khai.  Chúng ta hãy lướt qua tác phẩm của hai lý thuyết gia Mỹ ít nhất đã chịu một phần ảnh hưởng của Spencer.

William Graham Sumner (1840-1910) Thuận tiện nhất là khởi đầu thảo luận về các nhà lý thuyết xã hội học thời kỳ đầu với Sumner, vì ông là người đã dạy khóa đầu tiên có thể gọi là xã hội học ở Mỹ. Sumner cho rằng ông đã bắt đầu dạy xã hội học “nhiều năm trước khi có một nỗ lực tương tự được thực hiện ở bất kỳ trường đại học nào trên thế giới.”

Sumner là người phổ biến chủ yếu thuyết Darwin xã hội ở Mỹ mặc dù ông có vẻ đã thay đổi quan điểm sau này. Cuộc trao đổi dưới đây giữa Sumner và một sinh viên của ông đã minh họa  những quan điểm “tự do” về sự cần thiết tự do của cá thể và lập trường chống lại sự can thiệp của chính phủ của ông:

“Giáo sư có tin vào một hệ thống duy nhất, hệ thống mâu thuẫn-cạnh tranh?”
“Đó là hệ thống duy nhất có vẻ kinh tế.  Mọi cái còn lại đều ảo tưởng.”
“Vâng, giả sử một giáo sư kinh tế chính trị nào đó tới và cướp đi chỗ làm của ông, ông có đau không?”
“Tôi chào mừng bất cứ giáo sư nào khác đến thử. Nếu ông ta lấy đi chỗ làm của tôi, thì đó là lỗi do tôi. Phận sự của tôi là dạy thật giỏi để không ai có thể lấy đi chỗ làm của tôi được.”

Về cơ bản Sumner vận dụng phương pháp tiếp cận sự sống sót của loài khỏe nhất vào thế giới xã hội. Như  Spencer, ông thấy mọi người chiến đấu với môi trường của họ, và kẻ mạnh nhất sẽ thành công. Như vậy Sumner là một cổ động viên cho tính hiếu chiến và tính tranh đấu của con người. Kẻ thành công đáng được nó, kẻ thất bại cũng đáng bị nó. Lại như Spencer, Sumner chống lại các nỗ lực, nhất là các nỗ lực của chính phủ giúp đỡ những người thất bại. Theo quan điểm của ông, sự can thiệp như thế trái với sự chọn lọc tự nhiên, mà ở con người cũng như các động vật thấp hơn, cho phép kẻ mạnh nhất sống sót và kẻ yếu tiêu vong. Sumner nói: “Nếu chúng ta không muốn sự sống sót cho kẻ mạnh nhất, chúng ta chỉ có thể có một khả năng chọn lựa, đó là sự sống sót cho kẻ yếu nhất.” Hệ thống lý thuyết này phù hợp với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản vì nó cung cấp lý thuyết chính thống cho sự tồn tại của những khác biệt lớn về tài sản và quyền lực.

Sumner không có gì đáng chú ý ngoài giá trị lịch sử vì hai lý do. Đầu tiên, định hướng và thuyết Darwin xã hội của ông nói chung đã bị coi là một thứ chủ nghĩa tư bản và hiện trạng cạnh tranh thô thiển. Thứ hai, ông đã thất bại trong việc xây nên một cơ sở đủ vững chắc ở Yale cho một trường phái xã hội học với nhiều học trò. Kiểu thành công này xảy ra sau đó mấy năm ở ĐH Chicago. Mặc dù thành công vào thời của mình, “Ít người ngày nay nhớ tới Sumner.” (Curtis)

Lester F. Ward (1841-1913) Một nhà xã hội học khác được chú ý ở thời mình nhưng tầm quan trọng không lâu là Lester Ward. Ong có một sự nghiệp bất thường mà ông dành nhiều thời gian cho nó với tư cách một nhà cổ sinh vật học làm việc cho chính phủ liên bang. Trong thời gian đó, Ward dã đọc Spencer và Comte và bắt đầu chú ý đến xã hội học. Ông xuất bản một số tác phẩm vào cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900, trong đó ông trình bày lý thuyết xã hội học của mình. Với kết quả hiển nhiên của thành tựu của cuốn sách, năm 1906 Ward được bầu làm chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội xã hội học Mỹ. Chỉ khi đó ông mới giữ chức vụ hàn lâm lần đầu tiên của mình ở ĐH Brown, một chức vụ mà ông tiếp tục đến hết đời.

Ward, như Sumner, chịu ảnh hưởng của những tư tưởng của Spencer. Ông chấp  nhận ý tưởng rằng mọi người đã tiến hóa từ các hình thái thấp hơn lên trạng thái hiện tại. Ong tin rằng xã hội sơ khai được định tính bởi sự đơn giản và sự nghèo nàn đạo đức của nó, trong khi xã hội hiện đại phức tạp, hạnh phúc và tự do hơn rất nhiều. Một công trình nghiên cứu, xã hội học thuần túy, nghiên cứu các quy luật cơ bản của biến đổi xã hội và cơ cấu xã hội. Nhưng Ward không chỉ đơn giản cho xã hội học là nhằm nghiên cứu đời sống xã hội. Ông tin rằng xã hội học có một phương diện thực hành, phải là một xã hội học ứng dụng. Thứ xã hội học ứng dụng này bao gồm ý thức sử dụng kiến thức khoa học để đạt tới một xã hội tốt hơn. Như vậy, Ward không phải là một người theo thuyết Darwin xã hội cực đoan, ông tin ở sự cần thiết và quan trọng của cải cách xã hội.

Mặc dù có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, Sumner và Ward không giữ vai trò quan trọng lâu đối với lý thuyết xã hội học. Chúng ta sẽ quay sang một vài nhà xã hội học, đặc biệt là Mead, và trường phái Chicago đã từng ngự trị xã hội học Mỹ. Trường phái Chicago khá khác thường trong lịch sử xã hội học, trong đó nó là một trong số ít (trường phái Durkheim ở Paris là một ví dụ khác) “các tổ chức trí thức tập thể của một kiểu hợp nhất” của lịch sử xã hội học. Truyền thống được bắt đầu ở ĐH Chicago đang tiếp tục vai trò quan trọng đối với xã hội học và tình trạng lý thuyết (và thực nghiệm) của nó.

Trường phái Chicago

Phân khoa xã hội học ở ĐH Chicago được sáng lập năm 1892 bởi Albion Small. Tác phẩm của Small đương thời không quan trọng bằng vai trò chủ chốt của ông trong việc thể chế hoá xã hội học ở Mỹ. Ông là phương tiện trong việc tạo ra phân khoa ở Chicago mà sau đó đã trở thành một trung tâm của bộ môn trong nhiều năm. Small cộng tác trong việc soạn các sách giáo khoa xã hội học đầu tiên  năm 1894. Năm 1895 ông sáng lập Tạp chí Xã hội học Mỹ, một tờ tạp chí cho đến nay còn là một lực lượng hàng đầu của bộ môn. Năm 1905, Small cũng đồng sáng lập Hiệp hội xã hội học Mỹ, một tổ chức nghề nghiệp của các nhà xã hội học Mỹ cho đến nay. ( sự lẫn lộn bởi các chữ viết tắt đầu tiên của Armerican Sociological Society - ASS đã dẫn tới việc đổi tên vào năm 1959  thành American Sociological Association - ASA)

Trường phái Chicago sơ khai

Phân khoa đầu tiên ở Chicago có nhiều đặc điểm riêng biệt. Trước hết, nó có quan hệ mật thiết với tôn giáo. Một vài thành viên cũng là các mục sư, và một số khác là con cái các mục sư.  Small tin rằng mục tiêu cuối cùng của xã hội học về bản chất phải là đạo Thiên Chúa” .Ý kiến này đưa tới quan điểm rằng xã hội học phải chú ý tới cải cách xã hội, và quan điểm này kết hợp với một niềm tin rằng xã hội học phải có tính khoa học. Xã hội học khoa học với đối tượng là cải thiện xã hội đã được thực hành tại thành phố mới Chicago. Nơi đang bao phủ bởi các ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của sự đô thị hóa và công nghiệp hóa.

Chúng tôi lưu ý ở đây sự đóng góp của một trong những thành viên đầu tiên của khoa xã hội học Chicago, W. I. Thomas (1863-1947). Năm 1895, Thomas trở thành một thành viên của khoa Chicago, nơi ông đã viết luận án vào năm 1896. Tầm quan trọng lâu dài của Thomas là ở sự đề cao của ông vào sự cần thiết thực hiện nghiên cứu khoa học trong các vấn đề xã hội học. Mặc dù ông chiếm vị trí này trong nhiều năm, văn bản đầu tiên ra đời năm 1918, với sự xuất bản cuốn Nông dân Ba Lan ở Châu Âu và Mỹ, cuốn mà Thomas đồng tác giả với Florian Znaniecky. Martin Bulmer xem đây là một nghiên cứu “bước ngoặt” vì nó dời xã hội học ra khỏi “lý thuyết trừu tượng và nghiên cứu hàn lâm và hướng tới nghiên cứu thế giới thực nghiệm tạo ra một nền tảng lý thuyết tiện ích”. Nobert Wiley coi tác phẩm này giữ vai trò chủ chốt đối với việc thành lập xã hội học theo nhận thức “sàng lọc khối trí thức hợp nhất mà trong đó chỉ có bộ môn này có thể nhìn thấy và khám phá”. Cuốn sách là sản phẩm của tám năm nghiên cứu ở Châu Âu và Mỹ, và về cơ bản, là một khảo sát về sự vô tổ chức của các di dân Ba Lan. Các dữ liệu ít có tầm quan trọng lâu dài. Tuy nhiên, về phương pháp luận là quan trọng. Nó bao gồm một lọat nguồn dữ liệu đa dạng, trong đó có các chất liệu về tiểu sử, các bài viết, thư từ, các hồ sơ báo chí, tư liệu công cộng, văn bản thể chế.

Mặc dù Nông dân Ba Lan chủ yếu là một khảo sát xã hội học vĩ mô về thiết chế xã hội, trong quãng đời sự nghiệp của mình, Thomas nghiêng về phía một định hướng tâm lý-xã hội học vi mô. Ông nổi tiếng với phát biểu sau về tâm lý-xã hội (trong một cuốn sách đồng tác giả với Dorothy Thomas): “ Nếu người ta xác định các hoàn cảnh như là thực tại, chúng là thực tại trong các bối cảnh của chúng”. Sự nhấn mạnh là vào tầm quan trọng của cái mà mọi người nghĩ và ảnh hưởng của nó tới việc làm của họ ra sao. Tiêu điểm về một thứ tâm lý-xã hội vi mô này trái ngược với cấu trúc-xã hội vĩ  mô và viễn cảnh xã hội-văn hóa của các học giả Âu châu như Marx, Weber và Durkheim. Nó trở thành một trong các đặc điểm xác định của sản phẩm lý thuyết Chicago - thuyết tương tác biểu tượng.

Một nhân vật quan trọng khác ở Chicago là Robert Park (1864-1944) Park đã đến Chicago như là một giảng viên bán thời gian năm 1914 và nhanh chóng đi tới vai trò trung tâm ở phân khoa. Cũng như  Small, tầm quan trọng lâu dài của Park không đơn giản do những đóng góp trí thức của ông. Sự quan trọng đó nằm ở nhiều lĩnh vực. Trước hết, ông trở thành nhân vật hàng đầu của phân khoa Chicago, và nó đã thống trị xã hội học cho tới những năm 1930. Thứ hai, Park đã học ở Châu Âu và là cầu nối mang các tư tưởng gia lục địa tới các nhà xã hội học Chicago. Tầm quan trọng về mặt lý thuyết là Park đã theo các khóa giảng của Simmel, và tư tuởng Simmel, nói riêng là sự tập trung của ông vào hành động và tương tác, là phương tiện đối với sự phát triển của định hướng lý thuyết trường phái Chicago. Thứ ba, trước khi trở thành một nhà xã hội học, Park đã từng là một báo cáo viên, và kinh nghiệm này tạo cho ông một nhận thức về tầm quan trọng của các vấn đề đô thị và sự cần thiết phải đi sâu vào lĩnh vực để thu thập các dữ liệu qua các quan sát cá nhân. Từ đây đã nảy sinh mối quan tâm riêng biệt của trường phái Chicago trong sinh thái đô thị. Thứ tư, Park đóng vai trò chủ yếu trog việc hướng dẫn các nghiên cứu sinh và giúp phát triển một “chương trình tích lũy các khảo sát tốt nghiệp”. Cuối cùng, năm 1921, Park và Ernest W. Burgess xuất bản cuốn giáo trình xã hội học thật sự quan trọng đầu tiên, cuốn Một giới thiệu về khoa học xã hội học. Đó là một cuốn sách có ảnh hưởng trong nhiều năm và đặc biệt được chú ý do các trách nhiệm gánh vác của nó đối với khoa học, sự nghiên cứu, khảo sát của một diện rộng các hiện tượng xã hội.

Bắt đầu từ cuối những năm 1920 và đầu 1930, Park ngày càng ít có thời gian ở Chicago. Cuối cùng, mối quan tâm cả đời của ông về các quan hệ chủng tộc (ông từng là thư ký của Booker T. Washington trước khi  trở thành một nhà xã hội học) đưa ông tới một chức vụ ở ĐH Fisk (một trường da đen) năm 1934. Mặc dù sự suy sụp của trường phái Chicago không phải chỉ do sự ra đi của Park, nó bắt đầu tàn tạ vào những năm 1930. Nhưng trước khi chúng ta xem xét sự suy tàn của xã hội học Chicago và sự ra đời của các phân khoa và lý thuyết khác, chúng ta cần quay lại nhưng ngày đầu của trường phái này và hai nhân vật mà tác phẩm của họ là những tác phẩm lý thuyết có ý nghĩa quan trọng lâu dài nhất - Charles Horton Cooley và quan trọng nhất, là George Herbert Mead.

Charles Horton Cooley (1864-1929)  Sự hợp tác của Cooley với trường phái Chicago là điều thú vị vì ông giảng dạy ở ĐH Michigan chứ không phải ĐH Chicago. Nhưng viễn cảnh lý thuyết của Cooley cùng dòng với lý thuyết của thuyết tương tác biểu tượng, sản phẩm quan trọng nhất của Chicago.

Cooley nhận bằng tiến sĩ từ ĐH Michigan năm 1894. Ông chú ý nhiều đến xã hội học, nhưng khi đó ở Michigan chưa có phân khoa này. Kết quả là các câu hỏi cho cuộc thi bằng tiến sĩ của ông đến từ ĐH Columbia, nơi môn xã hội học đã được dạy từ 1889 dưới sự chỉ đạo của của Franklin Giddings. Cooley bắt đầu nghề dạy học ở Michigan năm 1892 trước khi hoàn thành luận án tiến sĩ, và ông ở lại đó suốt sự nghiệp sư phạm của mình.

Dù Cooley có nhiều quan điểm rộng rãi khác nhau, ngày nay ông được nhớ tới chủ yếu vì sự hiểu biết sâu sắc các khía cạnh tâm lý –xã hội của đời sống xã hội. Tác phẩm của ông về lĩnh vực này cùng dòng với George Herbert Mead, dù Mead có một ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài trong xã hội học hơn. Cooley có mối quan tâm đến ý thức, nhưng ông khước từ phân cách ý thức khỏi bối cảnh xã hội. Điều này được minh họa rõ nhất bởi một khái niệm của ông còn tồn tại đến ngày nay: tự phản tỉnh. Với khái niệm này, Cooley hiểu rằng mọi người sở hữu ý thức và nó được định hình trong sự tương tác xã hội tiếp diễn.

Một khái niệm cơ bản thứ hai minh họa cho các quan tâm tâm lý-xã hội của Cooley, và cũng còn đang tiếp tục được quan tâm và có ý nghĩa quan trọng, là nhóm cơ sở. Nhóm cơ sở là các nhóm cơ bản, trực tiếp với nhau, đóng vai trò quan trọng trong việc nối kết tác nhân với xã hội lớn. Đặc biệt cơ bản là các nhóm cơ sở của tuổi trẻ - chủ yếu là gia đình và nhóm bạn bè. Trong những nhóm này, cá thể trở nên một tồn tại xã hội. Chính từ các nhóm này đã nảy sinh sự tự soi gương và đứa trẻ tự kỷ trung tâm học cách quan tâm tới những kẻ khác, và do đó, trở thành một thành viên có đóng góp của xã hội.

Cả Cooley và Mead phản đối một quan điểm hành vi chủ nghĩa về con người, rằng mọi người mù quáng và phản ứng một cách vô thức lại tác nhân bên ngoài. Về mặt thực chứng, họ tin rằng mọi người có ý thức, tự ý thức, và trách nhiệm của xã hội học là nghiên cứu khía cạnh này của thực tại xã hội. Cooley kêu gọi các nhà xã hội học đặt mình vào vị trí các tác nhân hành động mà họ đang nghiên cứu, để sử dụng phương pháp đồng cảm nội quan, nhằm phân tích ý thức. Qua phân tích cái mà họ với tư cách là các tác nhân hành động làm trong những trạng huống khác nhau, các nhà xã hội học có thể hiểu được các ý nghĩa và động cơ cơ bản của hành vi xã hội. Phương pháp đồng cảm nội quan  đối với nhiều người dường như rất phi khoa học. Trong lĩnh vực này, trong số những người khác, tác phẩm của Mead thể hiện một bước đi trước quan điểm của Cooley. Tuy nhiên, có nhiều điểm tương đồng trong các quan tâm của cả hai, chẳng hạn quan điểm rằng xã hội học phải tập trung vào các hiện tượng tâm lý-xã hội như ý thức, hành động và tương tác.

George Herbert Mead (1863-1931)  Nhà tư  tưởng quan trọng nhất có liên quan  đến trường phái Chicago và thuyết tương tác biểu tượng không phải là nhà xã hội học mà là một triết gia, George Herbert Mead. Mead khởi sự dạy triết ở ĐH Chicago năm 1894, và ông dạy ở đó cho tới khi qua đời năm 1931. Ông là một dạng ngược đời, tạo nên tầm quan trọng trung tâm trong lịch sử  lý thuyết xã hội học của mình trong khi là người dạy triết chứ không phải dạy xã hội học, và ông rất ít xuất bản sách về triết học trong cuộc đời mình. Sự nghịch lý này, một phần là do hai sự kiện. Thứ nhất, ông giảng các khóa về tâm lý xã hội trong phân khoa triết, và đối tượng lại là các sinh viên đã tốt nghiệp xã hội học. Các tư tưởng của ông có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến một số những người này. Họ kết hợp các tư tưởng của Mead với những tư tưởng họ thu nhận được tại khoa xã hội học, từ những người như Park và Thomas. Dù lúc đó chưa có lý thuyết nào gọi là tương tác biểu tượng, nó đã được sáng tạo bởi các sinh viên đã tiếp nhận được những nguồn tri thức nói trên. Do vậy Mead có một ảnh hưởng cá nhân lớn lao đối với những người về sau đã phát triển thuyết tương tác biểu tượng. Thứ hai, những sinh viên này thu thập những ghi ghép của họ trong các khóa giảng của Mead và xuất bản một vựng tập lấy tên ông sau khi ông đã chết. Tác phẩm đó là Trí tuệ, bản ngã và xã hội, đã đưa các tư tưởng của ông từ phạm vi lời nói trở thành văn bản. Được đọc rộng rãi từ đó, vựng tập này hình thành nên cột trụ tri thức chủ yếu của thuyết tương tác biểu tượng.

Chúng ta sẽ xem xét các tư tưởng của Mead ở Chương 5, nhưng ở đây cũng cần nêu ra một vài điểm để định vị ông về mặt lịch sử. Các tư tưởng của Mead cần được nhìn trong phạm vi của thuyết tâm lý học hành vi. Mead hoàn toàn bị ấn tượng bởi định hướng này và thừa nhận nhiều nguyên lý của nó. Ông theo tiêu điểm của nó đối với tác nhân hành động và hành vi của anh ta. Ông được xem là nhạy cảm với mối quan tâm của các nhà hành vi học về sự tưởng thưởng và giá phải trả liên quan đến những hành vi của tác nhân hành động. Cái gây khó khăn cho Mead là chủ nghĩa hành vi dường như không đi xa cho lắm. Nó loại trừ ý thức khỏi sự xem xét nghiêm túc, lý luận rằng nó không đáng để nghiên cứu một cách khoa học. Mead kịch liệt phản đối và tìm cách mở rộng các nguyên tắc của thuyết hành vi tới một phép phân tích “trí tuệ”. Trong việc này, Mead đề ra một tiêu điểm tương tự như của Cooley. Nhưng trong khi lập trường của Cooley có vẻ phi khoa học, Mead đưa ra một khái niệm khoa học hơn về ý thức bằng cách mở rộng các nguyên tắc khoa học và các phương pháp của tâm lý học hành vi.

Mead đề ra cho xã hội học Mỹ một lý thuyết tâm lý-xã hội đối ngược hẳn với các lý thuyết xã hội sơ khai do đa số các lý thuyết gia Châu Âu đề ra. Trường hợp ngoại lệ quan trọng nhất là Simmel. Như vậy thuyết tương tác biểu tượng đã phát triển, phần lớn là bắt nguồn từ mối quan tâm của Simmel đối với hành động và tương tác và mối quan tâm của Mead đối với ý thức. Tuy nhiên, một tiêu điểm như thế đưa tới sự yếu kém trong tác phẩm của Mead, cũng như trong thuyết tương tác biểu tượng nói chung, ở cấp độ văn hóa và xã hội.

Sự suy sụp của trường  phái xã hội học Chicago:

Xã hội học Chicago lên tới đỉnh cao trong những năm 1920, nhưng tới đầu những năm 1930, sau cái chết của Mead và sự ra đi của Park, phân khoa bắt đầu mất đi vị trí quan trọng trung tâm trong xã hội học Mỹ. Fred Matthews vạch ra nhiều lý do cho sự suy sụp này, trong đó có hai lý do có vẻ quan trọng nhất.

Đầu tiên, phân khoa ngày càng bị xâm chiếm bởi khoa học, đó là việc sử dụng các phương pháp phức tạp và khai thác các phân tích thống kê. Tuy nhiên, trường phái Chicago được coi là đề cao các nghiên cứu mô tả dân tộc học, thường tập trung vào các định hướng cá nhân về đề tài (theo từ của Thomas là “các định nghĩa hoàn cảnh”). Park đã tiến dần tới chỗ bất chấp các số liệu thống kê (ông gọi nó là “cửa hiệu ảo thuật”) bởi vì dường như nó ngăn trở việc phân tích đề tài, đặc tính, sự riêng biệt. Sự kiện rằng tác phẩm quan trọng về các phương pháp định lượng được thực hiện ở Chicago có xu hướng bị phớt lờ do bị lấn áp bởi các phương pháp định tính.

Thứ hai, ngày càng nhiều các cá thể bên ngoài Chicago trở nên bực tức đối với sự thống trị của Chicago ở cả Hiệp hội xã hội học Mỹ và tờ Tạp chí xã hội học Mỹ. Hiệp hội xã hội học Miền Tây được thành lập năm 1930, và các nhà xã hội học Miền Tây trở nên to mồm hơn về sự thống trị của Miền Trung Tây nói chung và của Chicago nói riêng. Năm 1935, sự phản kháng lại Chicago dẫn tới một thư ký hiệp hội không phải là người Chicago và sự thành lập một tờ báo chính thức mới, tờ Điểm tin Xã hội học Mỹ. Theo Wiley, “trường phái Chicago đã ngã xuống như một gốc sồi già”. Sự kiện này đánh dấu sự tăng trưởng của các lực lượng khác, đáng chú ý nhất là Harvard, và Ivy League nói chung. Thuyết tương tác biểu tượng đã là một truyền thống truyền khẩu và vô dịnh luận lớn, và như vậy cuối cùng đã mất đi chỗ đứng cho các hệ thống lý thuyết rõ ràng và có tính hệ thống hơn như thuyết cấu trúc chức năng cùng với Ivy League.

PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI HỌC THỜI SƠ KHAI

Đồng thời với các tiến triển ở ĐH Chicago đã kể trên, thậm chí đôi khi còn có quan hệ tới chúng, và cùng lúc Durkheim, Weber và Simmel đang sáng tạo ra một xã hội học Châu Âu, và cũng đôi khi có liên quan đến họ, một nhóm phụ nữ - những người đã tạo nên một hệ thống rộng lớn đáng kinh ngạc các nhà cải cách xã hội - cũng đã phát triển các lý thuyết xã hội học tiền phong. Những phụ nữ này bao gồm nhưng không chỉ giới hạn ở Jane Addams (1860-1935), Charlotte Perkins Gilman (1860-1935) Anna Julia Cooper (1858-1964), Ida Wells Barnett (1862-1931), Marianne Weber (1870-1954) và Beatrice Potter Webb (1858-1943), ngoài ngoại lệ của Cooper, tất cả bọn họ đều được kết nối qua mối quan hệ giữa họ với Jane Addams. Việc ngày nay họ không còn được biết đến hoặc nhận ra trong lịch sử truyền thống của bộ môn với tư cách các nhà xã hội học hoặc các lý thuyết gia xã hội học là một bằng chứng làm giảm đi quyền lực đối với các chính trị gia khác giới trong nội bộ khoa xã hội học và đối với sự diễn giải về cơ bản không phản ánh và đánh giá các thực hành của riêng nó. Trong khi lý thuyết xã hội học của mỗi một người trong số phụ nữ trên là một sản phẩm của nỗ lực lý thuyết cá nhân, khi họ được đọc một cách tập trung, họ thể hiện một sự trình bày mạch lạc và đầy đủ về lý thuyết xã hội học nữ giới thời sơ khai.

Tiêu chuẩn đảm bảo đầu tiên của lý thuyết của họ, tiêu chuẩn mà phần nào đã lý giải cho việc họ bị bỏ qua trong sự tiến triển của chuyên ngành xã hội học, bao gồm:  (1) sự đề cao kinh nghiệm phụ nữ và đời sống và công việc của phụ nữ một cách bình đẳng với đàn ông; (2) tiếp theo sự đề cao trên, từ nhận thức rằng họ phát biểu từ một lập trường về vị thế và sự thể hiện, và do đó, cho đại đa số chứ không phải bằng một giọng khách quan hống hách, rằng lý thuyết xã hội học của nam giới có thể đi đến chỗ nối kết với sự tạo ra lý thuyết về quyền lực; (3) ý tưởng rằng mục đích của xã hội học và lý thuyết xã hội học là cải cách xã hội - tức là cuối cùng nhằm cải thiện đời sống mọi người thông qua kiến thức; và (4) xác quyết rằng vấn đề chính yếu cho sự cải thiện vào thời của họ là sự bất bình đẳng. Cái có lẽ làm họ cách biệt nhau nhất là bản chất và phương pháp chữa trị sự bất bình đẳng trên đó họ đặt làm trọng tâm - giới tính, chủng tộc hoặc giai cấp, hoặc các giao điểm của chúng. Tất cả những người phụ nữ này diễn dịch quan điểm của họ vào chủ nghĩa hành động chính trị và xã hội  giúp định hình và thay đổi các xã hội ở Bắc Đại tây Dương mà họ đang sống, và chủ nghĩa hành động này là một phần nhận thức của họ về việc thực hiện lý thuyết xã hội học. Họ tin vào nghiên cứu khoa học xã hội như là một phần của cả sự ban hành lý thuyết và hoạt động xã hội học và là những nhà cải cách đầy sáng tạo về phương pháp khoa học xã hội.

Vì khoa xã hội học đang phát triển đã gạt ra bên lề những người phụ nữ này, không coi  họ là các nhà xã hội học và lý thuyết xã hội học, nó thường không thể hợp tác với các phương pháp nghiên cứu của họ vào các thực hành của riêng nó, trong lúc lại sử dụng thuyết hành động như một lý do bào chữa để xác định những người này không phải là nhà xã hội học. Do vậy, họ được nhớ tới như là các nhà họat động xã hội và các lao công xã hội hơn là các nhà xã hội học. Di sản của họ là một lý thuyết xã hội học kêu gọi hành động cũng như tư duy.

LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC CHO TỚI GIỮA THẾ KỶ

Sự ra đời của Harvard, Ivy League và Thuyết chức năng cấu trúc

Chúng ta có thể theo dõi sự ra đời của xã hội học ở Harvard từ khi Pitirim Sorokin tới đó năm 1930. Khi tới Sorokin tới Harvard, ở đó chưa có khoa xã hội học, nhưng cuối năm đó, một phân khoa được tổ chức, và ông được bổ nhiệm làm trưởng khoa. Dù Sorokin là một lý thuyết gia xã hội học, ông tiếp tục xuất bản cho tới những năm 1960, tác phẩm của ông ngày nay ít được trích dẫn một cách đáng ngạc nhiên. Lý thuyết của ông không đứng vững trước thử thách của thời gian. Tầm quan trọng lâu dài của Sorokin có thể ở chỗ đã sáng lập ra phân khoa xã hội học Harvard và việc thuê Talcott Parsons làm giảng viên (ông này đã từng giảng kinh tế học ở Harvard) xã hội học. Parsons trở thành nhân vật hàng đầu  của xã hội học Mỹ vì việc giới thiệu các lý thuyết gia Châu Âu cho độc giả Mỹ, vì các lý thuyết của chính ông, và vì nhiều sinh viên của ông đã trở thành các lý thuyết gia xã hội học chủ chốt.

Pitirim Sorokin (1889-1968)  Sorokin viết rất nhiều và phát triển một lý thuyết mà,  có thể, vượt trội hơn của Parsons về phạm vi và độ phức tạp. Trình bày đầy đủ nhất của lý thuyết này nằm ở bộ bốn tập Các động lực xã hội và văn hóa, xuất bản giữa năm 1937 và 1941. Trong đó, Sorokin đưa ra một lọat dữ liệu thực nghiệm để phát triển một lý thuyết chung về các thay đổi xã hội và văn hóa. Trái với những người tím cách phát triển các lý thuyết tiến hóa về biến đổi xã hội, Sorokin phát triển một lý thuyết chu kỳ. Ông xem các xã hội dao động trong ba kiểu trạng thái tâm lý: cảm giác, hình tượng và duy tâm. Các xã hội ngự trị bởi cảm giác nhấn mạnh vai trò của các giác quan trong việc nhận thức thực tại; những xã hội được ngự trị bởi một cách nhận thức thực tại có tính siêu nghiệm và tôn giáo cao là xã hội hình tượng; và các xã hội duy tâm là các kiểu chuyển tiếp cân bằng giữa hai tính chất cảm giác và tính chất tôn giáo.

Động cơ của biến đổi xã hội được tìm thấy trong logic nội tại của mỗi một hệ thống. Đó là chúng được thúc đẩy từ bên trong để mở rộng cách tư duy đến mức logic tối đa. Do vậy một xã hội cảm giác cuối cùng trở nên nhạy cảm đến nổi nó cung cấp các cơ sở cho cái chết của chính nó. Khi tính cảm giác đạt tới cực điểm logic, mọi người chuyển sang một hệ thống hình tượng như một sự lẫn tránh. Nhưng khi một hệ thống như thế đã đạt được uy thế , nó cũng bị đẩy tới diểm kết thúc của nó, kết quả là xã hội trở nên tín ngưỡng một cách thái quá. Giai đọan này đưa đến sự ra đời của một nền văn hóa duy tâm, và cuối cùng, chu kỳ lại tiếp diễn lặp lại. Sorokin không chỉ phát triển một lý thuyết phức tạp về biến đổi xã hội, mà còn đưa ra những chứng cứ từ nghệ thuật, triết học, chính trị, vv… để hỗ trợ cho lý thuyết của ông. Rõ ràng nó là một thành tựu giàu ấn tượng.

Lý thuyết của Sorokin còn nhiều hơn, nhưng giới thiệu này hẳn cũng tạo cho độc giả một cảm giác về chiều sâu của tác phẩm. Khó mà giải thích tại sao ông lại không được tán thành trong lý thuyết xã hội học. Có lẽ một trong những lý do là Sorokin thích tấn công, và thực tế đã viết một cuốn sách về vấn đề này, Những cái dở hơi và những nhược điểm của xã hội học hiện đại và các khoa học có liên quan. Có thể Sorokin sẽ được phát hiện lại bởi một thế hệ các nhà xã hội học tương lai. Vào thời điểm này, tác phẩm của ông vẫn nằm ngoài luồng chủ đạo của lý thuyết xã hội học hiện đại.

Talcott Parsons (1902-1979) Dù đã xuất bản một số tiểu luận từ trước, đóng góp chính của Parsons trong thời kỳ đầu là ảnh hưởng của ông đối với các nghiên cứu sinh mà bản thân họ sẽ trở thành những lý thuyết gia xã hội học đáng chú ý. Người nổi tiếng nhất là Robert Merton, đạt tiến sĩ năm 1936 và không lâu sau đã trở thành nhà lý thuyết chủ chốt và trung tâm của lý thuyết theo phong cách Parsons ở ĐH Columbia. Cũng năm đó (1936) Kingsley Davis nhận bằng tiến sĩ, và ông ta, cùng Wibert Moore (nhận bằng của Harvard năm 1940) viết một trong những tác phẩm trọng tâm về lý thuyết chức năng-cấu trúc, lý thuyết đã trở thành sản phẩm chính của Parsons và những người theo phái Parsonsian. Nhưng ảnh hưởng của Parsons không chỉ giới hạn đến những năm 1930. Đáng chú ý là, ông đã tạo ra những sinh viên có ảnh hưởng lớn cho tới những năm 1960.

Năm then chốt đối với Parsons và lý thuyết xã hội học Mỹ là năm 1937, năm ông xuất bản Cấu trúc của hành động xã hội. Cuốn sách này có ý nghĩa quan trọng đối với lý thuyết xã hội học Mỹ vì bốn lý do chủ yếu. Trước hết, nó giới thiệu lý thuyết lớn Châu Âu cho số lượng độc giả khổng lồ ở Mỹ. Phần lớn của cuốn sách dành cho Durkheim, Weber và Pareto. Sự diễn giải của ông về những lý thuyết gia này đã xác định hình ảnh của họ trong xã hội học Mỹ trong nhiều năm.

Thứ hai, Parsons hầu như không dành chút quan tâm nào tới Marx (hoặc Simmel) dù ông đề cao tác phẩm của Durkheim và Weber, thậm chí của cả Pareto. Kết quả là lý thuyết Marx tiếp tục bị loại trừ ra khỏi dòng xã hội học chính thống.

Thứ ba, Cấu trúc của hành động xã hội tạo cơ hội cho lý thuyết xã hội học trở thành một họat động xã hội học quan trọng và chính thống. Sự lý thuyết hóa diễn ra ở Mỹ từ đó  mang một món nợ sâu sắc đối với tác phẩm của Parsons.

Cuối cùng, lý luận của Parsons về một lý thuyết xã hội học mang tính khoa học đã có ảnh hướng lớn đến xã hội học. Mới đầu, Parsons được xem là, và tự ông xem mình là một lý thuyết gia hành động. Ông dường như tập trung vào các tác nhân hành động và các ý nghĩ, hành động của họ. Nhưng cùng với tác phẩm năm 1937 và các tác phẩm sau đó, Parsons tỏ ra là một nhà lý thuyết chức năng-cấu trúc hơn, tập trung vào các hệ thống xã hội và văn hóa vĩ mô. Dù Parsons lý luận rằng không có sự mâu thuẫn giữa các lý thuyết này, ông trở nên nổi tiếng với tư cách một lý thuyết gia chức năng-cấu trúc, và ông là người phát ngôn đầu tiên của lý thuyết đã giữ vai trò ngự trị xã hội học cho tới năm 1960. Năng lực lý thuyết của Parsons và của thuyết chức năng-cấu trúc nằm trong sự mô tả các mối tương quan giữa các cấu trúc xã hội và các thể chế. (xem Chương 3)

Các phát biểu chính của Parsons về lý thuyết chức năng-cấu trúc  đến vào những năm 1950 trong nhiều tác phẩm, đáng chú ý nhất là Hệ thống xã hội (1951). Trong cuốn này và những cuốn khác, Parson có xu hướng tập trung vào các cấu trúc xã hội và mối liên quan giữa chúng với nhau. Những cấu trúc này được xem là hỗ trợ qua lại và vận động hướng tới một động năng cân bằng. Sự nhấn mạnh là làm thế nào trật tự được duy trì trong các thành tố khác nhau của xã hội. Sự biến đổi được xem là một quá trình trật tự, và Parsons cuối cùng đi theo một quan điểm tân tiến hóa về biến đổi xã hội. Parsons không chỉ tập trung vào bản thân hệ thống xã hội mà cả quan hệ của nó đối với các hệ thống hành động khác, đặc biệt là các hệ văn hóa và hệ tính cách. Nhưng quan điểm cơ bản của ông về các quan hệ liên hệ thống về bản chất tương tự như quan điểm về các quan hệ trong nội bộ hệ thống, đó là, chúng được xác định bởi sự cân bằng, sự liên ứng và sự trật tự. Nói cách khác, các cấu trúc xã hội đa dạng tạo ra một loạt phong phú những chức năng tích cực đối với mỗi một cấu trúc kia.

Vậy đã rõ vì sao về cơ bản Parson được xác định như là một nhà chức năng-cấu trúc học. Danh tiếng của ông và sức mạnh của thuyết chức năng-cấu trúc lớn lên ở Mỹ. Tác phẩm của ông nằm ở tâm điểm của lý thuyết này, nhưng các sinh viên và học trò của ông cũng tập trung mở rộng cả lý thuyết và sự ngự trị của nó ở Mỹ.

Dù Parsons giữ một số vai trò quan trọng và tích cực trong lịch sử lý thuyết xã hội học Mỹ, tác phẩm của ông cũng có một số ảnh hưởng tiêu cực. Trước hết, ông đưa ra những diễn giải về các lý thuyết gia Châu Âu nhưng hình như lại phản ánh định hướng lý thuyết của riêng ông hơn là của họ. Nhiều nhà xã hội học Mỹ do đó tiếp xúc với công trình của các bậc thầy Châu Âu một cách sai lầm về cơ bản. Thứ hai, như đã nói, ngay từ đầu Parsons hoàn toàn phớt lờ Marx, kết quả là lý thuyết Marx trong nhiều năm nằm ngoài lề xã hội học. Thứ ba, lý thuyết của chính ông sau khi phát triển nhiều năm đã có một số yếu kém nghiêm trọng. Tuy nhiên, sự vuợt trội của Parsons trong xã hội học Mỹ trong nhiều năm đã dập tắt hoặc lấn áp được các nhà phê phán. Chỉ rất lâu sau đó những yếu kém của lý thuyết Parsons, và nói chung của thuyết chức năng-cấu trúc mới được bày tỏ công khai.

Nhưng chúng tôi đã đi quá xa, và cần quay lại thời kỳ những năm 1930 và những tiến triển khác ở ĐH Harvard. Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều điều trong sự phát triển của phân khoa Harvard bằng cách xem xét một nhân vật chủ yếu của nó: George Homans.

George Homans (1910-1989) Là một người Boston giàu có, George Homans nhận bằng cử nhân ở Harvard năm 1932. Chịu hậu quả của cuộc Đại Suy thoái, ông thất nghiệp, nhưng không hề túng thiếu. Mùa thu năm 1932, JJ. Henderson, một nhà tâm lý học được đề nghị giảng các lý thuyết của Vilfredo Pareto, và Homans được mời tham dự khóa học. Sự mô tả của Homans về lý do ông bị Pareto thu hút nói rất rõ tại sao lý thuyết xã hội học Mỹ mang tính bảo thủ và chống Marx cao độ:

Tôi theo Pareto vì ông làm rõ cho tôi điều mà tôi đã chuẩn bị để tin, tôi không biết hết những lý do tại sao tôi sẵn sàng để đón nhận ông, nhưng tôi có thể nói ra một lý do. Có người đã nói rằng xã hội học hiện đại là một nỗ lực để trả lời cho các lý lẽ của những người cách mạng. Là một người Boston cộng hòa, kẻ không thể phản đối lại gia đình giàu có của mình, trong những năm ba mươi tôi cảm thấy tôi nằm dưới sự tấn công vào cá nhân, mà trên hết là từ những người Marxist. Tôi đã sẵn sàng để tin tưởng Pareto vì ông cung cấp cho tôi một thứ để tự vệ.

Sự tiếp xúc của Homans với Pareto đã đưa tới một cuốn sách, Một giới thiệu về Pareto (đồng tác giả với Charles Curtis) xuất bản năm 1934. Việc xuất bản cuốn sách này đưa Homans trở thành một nhà xã hội học ngay cả dù hiển nhiên tác phẩm của Pareto là thứ xã hội học duy nhất mà ông đã đọc ở thời điểm đó.

            Năm 1934 Homans là một nghiên cứu sinh ở Harvard, một chương trình được khởi sự để tránh các vấn đề liên quan đến chương trình tiến sĩ. Thực tế, Homans chưa bao giờ đạt học vị tiến sĩ dù ông đã trở thành một nhà xã hội học chủ yếu của thời mình. Homans làm nghiên cứu sinh cho đến năm 1939, và trong những năm đó ông càng hiểu sâu về xã hội học. Năm 1939  Homans được kết nạp vào khoa xã hội học, nhưng mối liên kết bị phá vỡ bởi chiến tranh.

            Vào thời gian Homans từ cuộc chiến trở về, Phân khoa Quan hệ xã hội đã được sáng lập bởi Parsons ở Harvard, và Homans gia nhập nó. Dù Homans tôn trọng một số mặt trong tác phẩm của Parsons, ông kịch liệt phê phán phong cách về lý thuyết của Parsons. Một cuộc trao đổi kéo dài diễn ra giữa hai người mà sau đó đã được công chúng hóa trong nhiều trang sách báo. Về cơ bản, Homans lý luận rằng lý thuyết của Parsons không phải là lý thuyết gì cả mà đúng hơn là một hệ thống lớn các phạm trù trí thức  mà nhiều khía cạnh của đời sống xã hội thích ứng với nó. Ngoài ra, Homans tin rằng lý thuyết cần phải được xây dựng từ nền tảng các quan sát thận trọng về thế giới xã hội. Tuy nhiên, lý thuyết của Parsons lại bắt đầu từ cấp độ lý thuyết chung và tìm đường đi xuống cấp độ thực nghiệm.

            Trong tác phẩm của mình, Homans tích lũy một số lớn các quan sát thực nghiệm qua nhiều năm, nhưng chỉ tới năm 1950 ông mới tìm ra một phương pháp tiếp cận thỏa đáng để phân tích các dữ liệu đó. Đó là thuyết phân tâm học hành vi, như được diễn tả đúng nhất bởi các ý tưởng của đồng nghiệp của ông, nhà tâm lý học B.F. Skinner. Trên cơ sở viễn cảnh này, Homans phát triển lý thuyết trao đổi của ông. Chúng ta sẽ quay lại sự phát triển lý thuyết này sau. Ở đây, điểm chủ yếu là Harvard và sản phẩm lý thuyết chủ yếu của nó, thuyết chức năng-cấu trúc, trở thành cái nổi bật nhất trong xã hội học cuối những năm 1930, thay cho trường phái Chicago và tuyết tương tác biểu tượng.

Trường phái Chicago suy sụp

Chúng tôi đã nói về trường phái Chicago đang suy sụp vào giữa những năm 1930 với cái chết của Mead, sự ra đi của Park, sự nổi dậy của các nhà xã hội học miền Tây, và sự sáng lập  tờ Điểm tin xã hội học Mỹ. Nhưng trường phái Chicago không biến mất. Vào đầu những năm 1950, nó tiếp tục là một lực lượng quan trọng của xã hội học. Ở đó vẫn đào tạo ra các tiến sĩ quan trọng như Anselm Strauss và Arnold Rose. Các nhân vật chủ yếu vẫn còn ở Chicago như Everett Hughes, người có ý nghĩa trung tâm đới với sự phát triển của Xã hội học Nghề nghiệp.

            Tuy nhiên , nhân vật trung tâm của phân khoa Chicago thời này là Herbert Blumer (1900-1987). Ông là người phát ngôn chính của tiếp cận lý thuyết đã phát triển ở Chicago từ tác phẩm của Mead, Cooley, Simmel, Park, Thomas và những người khác. Thực tế, chính Blumer là người sáng tạo ra cụm từ Thuyết tương tác biểu tượng (Symbolic Interactionism) năm 1937. Blumer đóng vai trò chủ yếu  trong việc duy trì truyền thống này qua việc giảng dạy của ông ở Chicago. Ông cũng viết một số tiểu luận là phương tiện gìn giữ vai trò chủ yếu của thuyết tương tác biểu tượng cho tới những năm 1950. Blumer cũng quan trọng vì những chức vụ về tổ chức mà ông giữ trong bộ môn xã hội học. Từ 1930-1935 ông là thư ký-thủ quỹ của Hiệp hội xã hội học Mỹ, và năm 1956 ông trở thành chủ tịch. Quan trọng hơn, ông giữ các chức vụ trong thể chế có ảnh hưởng đến bản chất của cái đã được xuất bản trong xã hội học. Giữa năm 1941 và 1952, ông là biên tập viên của tờ Tạp chí Xã hội học Mỹ và giữ cho nó là một đầu ra chủ yếu cho tác phẩm theo truyền thống Chicago nói chung và thuyết tương tác biểu tượng nói riêng.

            Trong lúc các trường đại học vùng East Coast nằm dưới sự thống trị của thuyết chức năng-cấu trúc, mạn Trung tây vẫn còn (và ở một mức độ vẫn còn cho tới nay) đi theo thuyết tương tác biểu tượng. Trong những năm 1940, các nhà tương tác biểu tượng lan ra khắp vùng Trung Tây, Arnold Rose ở Minesota, Robert Habenstein ở Misouri, Gregory Stone ở Michigan State, và quan trọng nhất là Manford Kuhn ở Iowa.

            Một rạn nứt đã phát triển giữa Blumer ở Chicago và Kuhn ở Iowa, thực tế, mọi người bắt đầu nói về các khác biệt giữa trường phái Chicago và Iowa về thuyết tương tác biểu tượng. Về cơ bản, sự rạn nứt xảy ra về vấn đề khoa học và phương pháp luận. Kuhn chấp nhận tiêu điểm tương tác biểu tượng là tác nhân hành động và những suy nghĩ, hành động của họ, nhưng ông lý luận rằng chúng cần được nghiên cứu một cách khoa học hơn, ví dụ, bằng cách sử dụng các chất vấn. Blumer ủng hộ các phương pháp “mềm hơn” như nội quan đồng cảm và quan sát thành viên.

Dù có những hoạt động lay lắt, trường phái Chicago đã suy vong, đặc biệt là phong trào của Blumer trong năm 1952 từ Chicago tới ĐH California ở Berkeley. ĐH Chicago tiếp tục có một phân khoa xã hội mạnh, tất nhiên, nhưng nó ngày càng khác với truyền thống Chicago. Dù trường phái Chicago đã suy tàn, sức sống của thuyết tương tác biểu tượng vẫn còn, với những người phát ngôn chính của nó rải rác khắp đất nước.

Các phát triển của lý thuyết Marx.

Từ đầu những năm 1900 tới 1930, lý thuyết Marx đã tiếp tục phát triển rộng rãi độc lập với dòng xã hội học chủ đạo. Ít nhất một phần nào đó ngoại lệ của điều này là sự nảy sinh phái phê phán Franfurt, xuất xứ từ những người theo chủ nghĩa Marx-Hegel trước đó.

Ý tưởng về một trường phái Franfurt đối với sự phát triển của lý thuyết Marx là sản phẩm của Felix J. Weil. Viện nghiên cứu Xã hội được chính thức thành lập ở Franfurt, Đức ngày 3/2/1923. Qua nhiều năm, một số những tư tưởng gia nổi tiếng nhất của lý thuyết Marx có liên quan tới phái phê phán như Max Horkheimer, Theodor Adorno, Erich Fromm, Herbert Marcuse, và gần đây hơn, Jurgen Habermas.

Viện này thực hiện chức năng cho tới 1934, nhưng tới khi đó mọi chuyện trở nên bất tiện dưới chế độ quốc xã. Những người quốc xã không có ích lợi gì đối với các tư tưởng Marx đang ngự trị tại viện, và sự thù địch của họ ngày càng tăng lên vì nhiều người liên quan tới viện là người Do Thái. Năm 1934, Horkheimer, với tư cách viện trưởng, tới New York  để trao đổi về tình trạng của viện với hiệu trưởng ĐH Columbia. Đáng ngạc nhiên cho Horkheimer là ông được mời gia nhập viện vào trường đại học, thậm chí còn được cung cấp một tòa nhà để làm trụ sở. Và thế là một trung tâm của lý thuyết Marx đã được chuyển tới trung tâm của thế giới tư bản. Viện nằm tại đó cho tới hết chiến tranh, nhưng sau đó, nhiều áp lực tăng lên để đưa nó trở về Đức. Năm 1949, Horkheimer trở về Đức và mang theo viện cùng mình. Mặc dù bản thân viện đã được chuyển về Đức, nhiều nhân vật có quan hệ với nó đã tiếp tục sự nghiệp một cách độc lập theo các hướng.

Điều quan trọng là phác họa ra một số khía cạnh quan trọng nhất của lý thuyết phê phán. Trong những năm đầu, những người làm việc cho viện có khuynh hướng là những nhà Marxist truyền thống đã dành một phần lớn quan tâm tới lĩnh vực kinh tế. Nhưng khoảng năm 1930, một thay đổi chủ yếu xảy ra khi nhóm tư tưởng gia này bắt đầu chuyển mối quan tâm từ kinh tế sang hệ thống văn hóa, cái sẽ được xem là lực lượng chính của xã hội tư bản hiện đại. Điều này bao hàm, nhưng là một ngoại lệ với lập trường của những người theo chủ nghĩa Marx-Hegel thời kỳ đầu như  Georg Lukács. Để thấu hiểu lĩnh vực văn hóa, những lý thuyết gia phê phán bị thu hút bởi tác phẩm của Max Weber. Nỗ lực kết hợp Marx với Weber mang tới cho phái phê phán một số định hướng riêng biệt và trong những năm sau đó làm cho nó có tính chính thống hơn đối với các nhà xã hội học đang bắt đầu quan tâm hơn tới lý thuyết Marx.

            Một bước thứ hai được thực hiện bởi một số thành viên của phái phê phán là khai thác các kỹ thuật khoa học xã hội do các nhà xã hội học Mỹ phát triển để nghiên cứu các vấn đề đáng chú ý đối với những người Marxist. Điều này, tương tự như việc theo lý thuyết Weber, làm cho phái phê phán dễ được chấp nhận hơn đối với các nhà xã hội học chính thống.

            Thứ ba, các lý thuyết gia phê phán cố gắng hòa hợp lý thuyết có định hướng cá nhân của Freud với các quan điểm văn hóa xã hội của Marx và Weber. Điều này dường như đối với nhiều nhà xã hội học thể hiện một lý thuyết bao quát hơn các lý thuyết riêng lẻ của Marx hay Weber. Nếu không có gì khác, nỗ lực kết hợp những lý thuyết cách biệt như thế chứng tỏ đang tác động tới những nhà xã hội học và nhiều nhà trí thức khác.

            Phái phê phán đã làm nhiều việc hữu ích từ những năm 1920, và một con số quan trọng trong đó có sự tương thích với các nhà xã hội học. Tuy nhiên, phái phê phán  phải chờ tới cuối những năm 1960, trước khi nó được “khám phá” bởi một số đông những lý thuyết gia Mỹ.

Karl Mannheim và Xã hội học Tri thức

Cần có một lưu ý ngắn gọn ở đây về tác phẩm của Karl Mannheim (1893-1947). Sinh ở Hungary, Mannheim buộc phải chuyển đi, đầu tiên sang Đức và sau đó sang Anh. Chịu ảnh hưởng của tác phẩm của Marx về hệ tư tưởng, cũng như của Weber, Simmel và nhà tân Marxist Goerg Lukács, Mannheim nổi tiếng nhất ở tác phẩm của ông về các hệ thống tri thức (ví dụ như Chủ nghĩa bảo thủ). Thực tế, ông hầu như  đơn độc chịu trách nhiệm cho sự sáng tạo ra một lĩnh vực đương thời được biết như là môn xã hội học tri thức. Tư tưởng của ông về sự hợp lý hóa cũng có ý nghĩa quan trọng, có xu hướng chọn lọc các chủ đề  đã được phát triển trong tác phẩm của Weber về đề tài này, nhưng xử  lý nó một cách chính xác và mạch lạc hơn nhiều.

            Từ một cơ sở khởi đầu ở Anh năm 1930, Karl Mannheim tạo ra một hệ tư tưởng đã cung cấp cơ cở cho một lĩnh vực xã hội học - xã hội học tri thức - mà cho tới nay vẫn có ý nghĩa quan trọng. Mannheim, tất nhiên, xây dựng từ tác phẩm của nhiều người đi trước, đáng chú ý nhất là Karl Marx (dù Mannheim rất xa với người theo chủ nghĩa Marx). Về cơ bản, xã hội học tri thức bao gồm việc nghiên cứu tri thức, các tư tưởng, các hiện tượng trí thức nói chung một cách có hệ thống. Đối với Mannheim, tri thức được quyết định bởi tồn tại xã hội. Ví dụ, Manheim kiếm các mối quan hệ giữa ý tưởng của một nhóm với vị trí của họ trong cơ cấu xã hội. Marx cũng đã làm điều này khi quan hệ các tư tưởng với các giai cấp xã hội, nhưng Mannheim mở rộng nó bằng cách liên kết các tư tưởng với hàng loạt vị trí khác nhau trong xã hội (ví dụ, các khác biệt giữa các thế hệ).

            Ngoài việc đóng một vai trò chủ yếu trong sự sáng tạo ra xã hội học tri thức, Mannheim có lẽ nổi tiếng nhất do sự phân biệt của ông giữa hệ thống lý tưởng (ideology) và hệ thống không tưởng (utopia). Một hệ thống lý tưởng là một hệ thống tư tưởng tìm cách che đậy và duy trì hiện tại bằng cách diễn giải nó từ một quan điểm của quá khứ. Một hệ không tưởng, trái lại, là một hệ thống tư tưởng tìm cách tiên nghiệm hiện tại bằng cách tập trung vào tương lai. Mối xung đột giữa các hệ lý tưởng và các hệ không tưởng là một thực tại vĩnh viễn của xã hội.

LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC TỪ GIỮA THẾ KỶ

Thuyết Chức năng Cấu trúc : Đỉnh cao và sự suy tàn

Những năm 1940 và 1950 chính là những năm đi đến đỉnh cao và bắt đầu suy vong của thuyết Chức năng-cấu trúc. Trong những năm này, Parsons đưa ra các trình bày rõ ràng đã phản ánh sự chuyển hướng từ lý thuyết hành động sang thuyết chức năng cấu trúc. Các sinh viên của Parson đã lan trải trên khắp đất nước và giữ các vị trí hàng đầu trong các phân khoa xã hội học chủ yếu (ví dụ, Columbia và Cornell). Những sinh viên này tạo ra các tác phẩm của riêng mình, là những cống hiến được công nhận rộng rãi của thuyết chức năng cấu trúc. Ví dụ, năm 1945, Kingsley David và Wilbert Moore xuất bản một luận văn phân tích sự phân tầng xã hội từ một viễn cảnh chức năng cấu trúc. Đó là một trong những trình bày rõ ràng nhất về quan điểm chức năng cấu trúc. Trong đó, họ lý luận rằng sự phân tầng là một cấu trúc cần thiết về mặt chức năng cho sự tồn tại của xã hội. Nói cách khác, trong phạm vi ý thức hệ họ nghiêng về phía bất bình đẳng.

            Năm 1949 Merton xuất bản một tiểu luận đã trở nên một công bố chương trình của thuyết chức năng cấu trúc. Trong đó, Merton cẩn thận tìm cách phác họa các nguyên tố cơ bản của lý thuyết và mở rộng nó theo một số hướng. Ông làm rõ rằng thuyết chức năng cấu trúc không chỉ giải quyết các chức năng tích cực mà cả các hậu quả tiêu cực (các phi chức năng). Hơn nữa, nó cần tập trung vào sự cân bằng mạng giữa các chức năng và phi chức năng hoặc là vấn đề một cấu trúc nhìn tổng quát là mang tính chức năng hay phi chức năng nhiều hơn.

            Tuy nhiên, ngay khi nó nắm được vai trò chủ đạo trong lý thuyết, thuyết chức năng cấu trúc bị tấn công, và các cuộc tấn công tăng cao cho tới lúc nó lên đến cực điểm vào những nắm 1960 và 1970. Lý thuyết chức năng cấu trúc về sự phân tầng của Davis Moore bị tấn công ngay từ đầu, và các phê phán vẫn còn kéo dài tới nay. Ngoài ra, một loạt phê phán chung hơn cũng đã xuất hiện ngay cả lúc phân khoa đang được công nhận rộng rãi nhất. Một cuộc tấn công của C. Wright Mill vào Parsons năm 1959, và một số cuộc tấn công khác được đẩy lên cao bởi David Lockwood, Alvin Gouldner và Irving Horowitz. Trong những năm 1950, các cuộc tấn công này được xem là “các cuộc tấn công du kích”, nhưng khi xã hội học đi vào những năm 1960, sự thống trị của thuyết chức năng cấu trúc hiển nhiên đã nằm trong nguy cơ.

            George Huaco nối kết sự ra đời và suy tàn của thuyết chức năng cấu trúc với  vị trí của xã hội Mỹ trong trật tự thế giới. Khi Mỹ lên tới vị trí thống trị thế giới sau 1945, thuyết này đạt vị trí chủ đạo trong phạm vi xã hội học. Thuyết chức năng cấu trúc hỗ trợ cho vị trí thống trị của Mỹ trên thế giới theo hai cách. Trước tiên, quan điểm của nó là “mọi kiểu mẫu có những tầm quan trọng trong cống hiến vào sự duy trì và sống sót của hệ thống rộng lớn hơn” là “không là gì khác ngoài sự hoan hô chúc tụng nước Mỹ và sự thống trị thế giới của nó”.  Thứ hai, thuyết chức năng cấu trúc nhấn mạnh vào tính thăng bằng (biến đổi xã hội tốt nhất là không biến đổi) rất phù hợp với các mối lợi ích của nước Mỹ, khi đó là “đế quốc giàu có nhất và nhiều quyền lực nhất thế giới”. Sự suy tàn của quyền thống trị thế giới của Mỹ trong những năm 1970 trùng khớp với sự mất đi vị trí hàng đầu của thuyết chức năng cấu trúc trong lý thuyết xã hội học.

Xã hội học cấp tiến ở Mỹ: C. Wright Mills

Như chúng ta đã thấy, dù lý thuyết Marx bị bỏ qua hoặc chỉ trích bởi các nhà xã hội học Mỹ chủ đạo, vẫn có những ngoại lệ, đáng chú ý nhất là C. Wright Mills (1916-1962). Mill đáng được chú ý bởi nỗ lực hầu như đơn độc của ông để duy trì sự tồn tại của một truyền thống Marx trong lý thuyết xã hội học. Các nhà xã hội học Marx hiện đại đã vượt xa Mills về sự phức tạp trong lý thuyết, nhưng họ mang một món nợ sâu sắc đối với ông vì các hoạt động cá nhân và chuyên môn đã tạo lập sân chơi cho các tác phẩm của họ. Mills không phải là một người Marxist, và ông không đọc Marx cho tới giữa những năm 1950. Ngay cả khi đó ông cũng chỉ giới hạn ở một vài bản dịch sang tiếng Anh đã có, vì ông không đọc được tiếng Đức.

Vì Mills đã xuất bản phần lớn tác phẩm chủ yếu của mình trước đó, tác phẩm của ông không chuyên chở một lý thuyết Marx phức tạp lắm.

            Mills xuất bản hai tác phẩm chủ yếu phản ánh đường lối chính trị cấp tiến của ông cũng như sự yếu kém của ông trong lý thuyết Marx. Cuốn đầu là Cổ áo trắng (1951), một chỉ trích chua cay về tình trạng nhóm nghề nghiệp đang tăng lên, những người công nhân cổ áo trắng. Cuốn thứ hai là Tinh túy Quyền lực (1956),  cuốn sách thể hiện lý do tại sao nước Mỹ bị thống trị bởi một nhóm nhỏ các thương nhân, chính khách, và lãnh tụ quân sự. Giữa hai cuốn này là tác phẩm lý thuyết phức tạp nhất của ông, Đặc tính và cấu trúc xã hội (1953), đồng tác giả với Hans Gerth. Điều mỉa mai là dù Mills đóng vai trò chủ yếu trong lịch sử lý thuyết xã hội học Marx, cuốn sách này lại nhấn mạnh hơn về lý thuyết của Weber và Freud hơn là lý thuyết Marx. Tuy nhiên, cuốn này là một đóng góp lý thuyết chủ yếu, dù ngày nay không còn nhiều người đọc nó - có lẽ vì dường như nó không hợp lắm với các tác phẩm cấp tiến nổi tiếng nhất của Mills. Thực tế, cuốn này chịu nhiều ảnh hưởng của Hans Gerth, người có một quan tâm sâu đậm tới lý thuyết của Weber.

            Trong những năm 1950, sự quan tâm của Mills chuyển sang chiều hướng chủ nghĩa Marx nhiều hơn, và các vấn đề của Thế chiến. Mối quan tâm này thể hiện ở một cuốn sách về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Cuba, cuốn Hãy lắng nghe, bọn Mỹ: Cuộc cách mạng ở Cuba (1960) và một cuốn khác Những người Marxist (1962). Chủ nghĩa cấp tiến của Mills đặt ông nằm bên lề xã hội học Mỹ. Ông là đối tượng của nhiều chỉ trích, và tới lượt mình, ông trở thành một nhà phê phán nghiêm khắc về xã hội học. Thái độ phê phán tích lũy trong cuốn Sáng tạo xã hội học (1959). Một lưu ý đặc biệt là sự phê phán nghiêm khắc của Mills đối với Talcott Parsons và sự thực hành lý thuyết lớn của ông. Trong thực tế, nhiều nhà xã hội học quen thuộc với những phê phán của Mills hơn là với các chi tiết trong tác phẩm của Parsons.

            Sáng tạo xã hội học cũng được chú ý vì sự riêng biệt của nó về các vấn đề cá nhân và các vấn đề công cộng, cũng như sự nối kết khách quan hai mặt đó. Cách tiếp cận này gợi lại, trong phạm vi các vấn đề xã hội học, về tiêu điểm của đặc tính và cấu trúc xã hội: mối tương quan giữa cá nhân và công chúng, các hành động nội tâm của cá thể với một loạt các hiện tượng xã hội-lịch sử”.  Vấn đề các rắc rối cá nhân và các vấn đề xã hội, mối tương quan giữa chúng, đã có ảnh hưởng đặc biệt đối với xã hội học, bao gồm việc cung cấp một dự án tổ chức cho cuốn Nước Mỹ cấp tốc: Một phê phán xã hội đối với hệ thống tín dụng toàn cầu.

            Mills qua đời năm 1962, một kẻ bên lề của xã hội học. Tuy nhiên, trước khi thập kỷ chấm dứt, cả xã hội học cấp tiến và lý thuyết Marx bắt đầu có những đột nhập quan trọng vào bộ môn.

Sự phát triển của lý thuyết Xung đột

Một dự báo khác cho sự hợp nhất thực sự của lý thuyết xã hội học và lý thuyết Marx là sự phát triển của một Thuyết xung đột thay chỗ cho Thuyết chức năng cấu trúc. Như chúng ta đã thấy, thuyết chức năng cấu trúc chiếm được quyền lãnh đạo xã hội học không lâu thì nó ngày càng bị tấn công. Cuộc tấn công này đa dạng : thuyết chức năng cấu trúc bị tố cáo là một thứ  bảo thủ về chính trị, không thể giải quyết được các biến đổi xã hội vì các tiêu điểm của nó vào các cấu trúc tĩnh, và không có khả năng phân tích một cách tương xứng mối xung đột xã hội.

Một trong các hậu quả của sự phê phán này là một nỗ lực của một số nhà xã hội học để khắc phục các vấn đề của thuyết chức năng cấu trúc bằng cách hòa hợp một mối quan tâm về cấu trúc với một mối quan tâm về tính xung đột. Tác phẩm này tạo ra sự phát triển của thuyết xung đột như một lý thuyết thế chỗ cho thuyết chức năng cấu trúc. Không may là nó dường như không là gì hơn  một hình ảnh phản chiếu của thuyết chức năng cấu trúc với một chút tính chất trí thức nguyên vẹn của riêng nó.

Nỗ lực đầu tiên đáng lưu ý là cuốn sách của Lewis Coser về các chức năng của xung đột xã hội. Tác phẩm này rõ ràng cố gắng giải quyết xung đột xã hội từ  phạm vi khung cơ bản của một quan điểm mang tính chức năng cấu trúc về thế giới. Dù nó có ích cho việc xem xét các chức năng của xung đột, còn nhiều cái phải nghiên cứu hơn về xung đột hơn là một phân tích về các chức năng tích cực của nó.

Những người khác tìm cách hòa hợp các khác biệt giữa thuyết chức năng cấu trúc và lý thuyết xung đột. Dù những nỗ lực này có một số tiện ích, các tác giả nói chung sai lầm khi tốn giấy về các khác biệt chủ yếu giữa hai lý thuyết thế chỗ cho nhau.

Vấn đề lớn nhất với phần lớn thuyết xung đột là nó thiếu cái nó cần có nhất - một nền tảng tốt trong lý thuyết Marx. Nói cho cùng, lý thuyết Marx đã phát triển tốt bên ngoài xã hội học và lẽ ra phải cung cấp một cơ sở vững chắc để từ đó phát triển một lý thuyết phức tạp về xung đột. Ở đây có một ngoại lệ là tác phẩm của Ralf Dahrendorf (sinh năm 1929).

Dahrendorf là một học giả Châu Âu nắm vững lý thuyết Marx. Ông tìm cách gán lý thuyết xung đột của ông vào truyền thống Marx. Tuy nhiên, cuối cùng lý thuyết xung đột của ông giống như một hình ảnh phản chiếu của thuyết chức năng cấu trúc hơn là một lý thuyết Marx về xung đột. Tác phẩm chính của ông, Giai cấp và xung đột giai cấp trong xã hội công nghiệp (1959) là tác phẩm có ảnh hưởng nhất trong thuyết xung đột, nhưng phần lớn là do nó nghe có vẻ rất giống với thuyết chức năng cấu trúc vốn dễ chấp nhận đối với các nhà xã hội học chính thống. Tức là Dahrendorf họat động ở cùng một cấp độ về phân tích như các nhà chức năng cấu trúc học (các cấu trúc và các thể chế) và xem xét nhiều vấn đề giống nhau. (Nói cách khác, thuyết chức năng cấu trúc và thuyết xung đột là hai phần của cùng một mô hình; Dahrendorf nhận rằng dù các khía cạnh của hệ thống xã hội có thể tương hợp khá gần nhau, cũng vẫn có sự xung đột đáng kể và căng thẳng giữa chúng.)

Cuối cùng, thuyết xung đột có thể được coi là không có gì khác ngoài một sự phát triển mang tính chuyển hóa trong lịch sử lý thuyết xã hội học. Nó thất bại vì nó không đi xa theo chiều hướng lý thuyết Marx. Các thập niên 1950 và 1960 là vẫn còn quá sớm để xã hội học Mỹ chấp nhận một cách tiếp cận hoàn toàn mang tính chất Marx. Nhưng thuyết xung đột có ích trong việc tạo cơ sở cho sự bắt đầu của sự chấp nhận đó vào cuối những năm 1960.

Chúng tôi cần lưu ý sự cống hiến cho thuyết xung đột của Randall Collins. Một mặt, nỗ lực của Collins chịu cùng một yếu kém như các tác phẩm khác trong truyền thống xung đột: nó tương đối nghèo nàn trong phạm vi lý thuyết Marx. Mặt khác, Collins nhận ra một yếu kém khác trong truyền thống xung đột, và ông cố khắc phục nó. Vấn đề đó là thuyết xung đột nói chung tập trung vào các cấu trúc xã hội; nó ít hoặc không nói gì đến các tác nhân hành động và những tư duy, hành động của họ. Collins theo truyền thống dân tộc phương pháp luận hiện tượng (sẽ được thảo luận vắn tắt) cố chuyển thuyết xung đột theo hướng này.

Sự ra đời của Thuyết trao đổi

 Một phát triển quan trọng khác về lý thuyết trong những năm 1950 là sự ra đời của Thuyết trao đổi. Nhân vật chính trong bước phát triển này là George Homans, một nhà xã hội học mà chúng ta đã nhắc tới, khi nói về Thuyết tâm lý học hành vi của B.F. Skinner. Thuyết  tâm lý học hành vi của Skinner là một nguồn chủ yếu của tác phẩm của Homans và của thuyết trao đổi.

Không hài lòng với chiến lược suy diễn của Parsons về phát triển lý thuyết, Homans tìm kiếm một sự thay thế hiệu quả để giải quyết lý thuyết xã hội học theo cách quy nạp. Hơn nữa, Homans muốn tránh xa tiêu điểm văn hóa và cấu trúc của lý thuyết Parsons và thay vì thế, muốn tập trung vào mọi người và hành vi của họ. Với suy nghĩ này, Homans quay sang tác phẩm của đồng nghiệp mình ở Harvard, B. F. Skinner. Đầu tiên, Homans không nhận ra các đề xuất của Skinner, được phát triển để giải thích hành vi của loài chim câu, có lợi ra sao cho việc hiểu thấu hành vi xã hội của con người. Nhưng khi ông nhìn xa hơn vào các dữ liệu từ các nghiên cứu xã hội học về các nhóm nhỏ và các nghiên cứu nhân loại học về các xã hội sơ khai, ông bắt đầu thấy rằng thuyết hành vi của Skinner có thể vận dụng được, và nó cung cấp một sự thay thế về lý thuyết cho thuyết chức năng cấu trúc theo phong cách Parsons. Nhận thức này đưa tới một bài báo có tựa đề : “Hành vi xã hội như một sự trao đổi” năm 1958, và vào năm 1960 một tác phẩm trình bày hoàn chỉnh về quan điểm lý thuyết của Homans, cuốn Hành vi xã hội: Các hình thái nguyên sơ của nó. Các tác phẩm này thể hiện sự ra đời của thuyết trao đổi với ý nghĩa là một viễn cảnh quan trọng trong xã hội học. Từ đó, thuyết trao đổi đã lôi cuốn nhiều chú ý, cả tích cực và tiêu cực.

            Quan điểm cơ bản của Homans là trung tâm của xã hội học nằm trong việc nghiên cứu hành vi và tương tác của cá thể. Ông ít chú ý đến ý thức hoặc đến các loại cấu trúc và thể chế vĩ mô vốn là mối quan tâm của nhiều nhà xã hội học. Quan tâm chính của ông là ở các kiểu mẫu động viên khuyến khích, lịch sử các sự đền bù và giá phải trả, đã dẫn mọi người đến chỗ làm những cái họ đã làm. Về cơ bản, Homans lý luận rằng mọi người tiếp tục làm cái mà họ thấy có sự đền bù trong quá khứ. Ngược lại, họ ngưng làm những gì chứng tỏ là trả giá đắt  trong quá khứ. Để hiểu thấu hành vi, chúng ta cần hiểu lịch sử được đền bù và trả giá của cá thể. Như vậy, tiêu điểm của xã hội học không phải là ý thức hay các cấu trúc và thể chế mà chính là các kiểu mẫu động viên.

            Như tên gọi, Thuyết trao đổi quan tâm không chỉ đến hành vi cá thể mà cả tương tác giữa mọi người có liên quan trong việc trao đổi sự đền bù và giá phải trả. Tiền đề là các tương tác có lẽ vẫn tiếp tục một khi có một sự trao đổi đền bù. Trái lại, các tương tác trả giá đắt đối với một hay cả hai bên sẽ không tiếp tục xảy ra.

            Một phát biểu khác về thuyết trao đổi là cuốn Sự trao đổi và quyền lực trong đời sống xã hội của Peter Blau, xuất bản năm 1964. Cơ bản Blau đi theo viễn cảnh của Homans, nhưng có một điểm khác biệt quan trọng. Trong khi Homans quan tâm đến chủ yếu là giải quyết các hình thái nguyên sơ của hành vi xã hội, Blau muốn hoà hợp điều này với sự trao đổi ở các cấp độ cấu trúc và thể chế, bắt đầu bằng những trao đổi giữa các tác nhân hành động, nhưng nhanh chóng đi đến các cấu trúc lớn nảy sinh từ những trao đổi đó. Ông kết thúc với việc giải quyết những trao đổi giữa các cấu trúc vĩ mô. Cách tiếp cận này rất khác với lý thuyết trao đổi mà Homans đã hình dung. Trong một số ý nghĩa, nó thể hiện một sự quay về với lý thuyết theo phong cách Parsons mà Homans có xu hướng phản đối. Dù sao, nỗ lực để giải quyết cả các trao đổi nhỏ và vĩ mô trong một sự hoà hợp chứng tỏ một bước tiến mới có ích về lý thuyết.

            Dù bị che khuất nhiều năm bởi Homans và Blau, Richard Emerson đã nổi lên như một nhân vật trung tâm trong thuyết trao đổi. Ông được chú ý nhất là ở nỗ lực của ông nhằm phát triển một sự hoà hợp hơn nữa cách tiếp cận vi mô-vĩ mô đối với thuyết trao đổi. Thuyết trao đổi hiện nay đã phát triển lên thành một dòng quan trọng của lý thuyết xã hội học, và nó tiếp tục thu hút nhiều người mới và tiến theo nhiều hướng khác nhau.

Phép phân tích kịch tính: Tác phẩm của Erving Goffman

Erving Goffman (1922-1982) thường được cho là tư tưởng gia chủ yếu cuối cùng có liên hệ với trường phái Chicago nguyên thủy. Ông nhận học vị tiến sĩ ở Chicago năm 1953, một năm sau Herbert Blumer (từng là thầy của Goffman) rời Chicago đến Berkeley. Chẳng bao lâu sau, Goffman gặp Blumer ở Berkeley, nơi họ có thể phát triển một cái gì đó như là trung tâm của thuyết tương tác biểu tượng. Tuy nhiên, nó không bao giờ đạt được mức độ như ở Chicago đã có. Blumer đã qua thời kỳ có tầm quan trọng trong tổ chức, còn Goffman không trở thành một tiêu điểm của các tác phẩm của nghiên cứu sinh. Sau năm 1952, tương lai của thuyết tương tác biểu tượng suy tàn, dù nó tiếp tục là một lý thuyết xã hội học chủ yếu.

             Mặc dù nhìn chung thuyết tương tác biểu tượng suy tàn, Goffman cũng tự tạo được một chỗ đứng vững chắc và nổi bật trong lý thuyết xã hội học đương thời. Giữa những năm 1950 và 1970, Goffman xuất bản một loạt sách và tiểu luận đã khai sinh ra phép phân tích kịch tính như là một dạng khác của thuyết tương tác biểu tượng. Dù Goffman chuyển đổi hướng quan tâm vào những năm sau đó, ông vẫn còn nổi tiếng nhờ lý thuyết kịch tính của mình.

            Tác phẩm nổi tiếng nhất của Goffman về lý thuyết kịch tính, cuốn Sự thể hiện bản ngã trong đời sống hàng ngày, xuất bản năm 1959. (Trong 15 năm tiếp theo Goffman xuất bản nhiều sách và một số tiểu luận mở rộng quan điểm kịch tính về thế giới của mình.)  Nói một cách đơn giản, Goffman thấy có nhiều điểm chung giữa hoạt động sân khấu và các loại “kịch” mà tất cả chúng ta thủ vai trong những hành động và tương tác hàng ngày. Tương tác được coi là rất mỏng manh, được duy trì bởi  các hoạt động xã hội. Hoạt động nghèo nàn hay những đổ vỡ được coi là những nguy cơ lớn đối với tương tác xã hội cũng tương tự như trong họat động diễn kịch trên sân khấu.

Goffman đi khá xa trong phép loại suy của ông giữa sân khấu và tương tác xã hội. Trong tất cả các tương tác xã hội có một khu vực phía trước, song hành với tiền trường của sân khấu trong một vở diễn. Các kịch sĩ cả trên sân khấu hay trong cuộc đời được cho là được lưu ý do ngoại hình, trang phục, những thứ dàn cảnh. Hơn thế nữa, trong cả hai còn có một khu vực hậu trường, nơi các kịch sĩ có thể lui về để chuẩn bị cho diễn xuất. Ở hậu trường hay bên ngoài sân khấu, theo cách nói của kịch nghệ, các kịch sĩ có thể lột bỏ vai trò và trở lại là chính họ.

Phép phân tích kịch tính hiển nhiên hàm chứa những nguồn gốc tương tác biểu tượng. Nó có sự tập trung tiêu điểm vào các nhân vật, hành động và sự tương tác. Có cùng một  phạm vi với thuyết tương tác biểu tượng truyền thống, Goffman tìm thấy một phép ẩn dụ xuất sắc ở sân khấu  để thắp lên một ánh sáng mới trong các tiến trình xã hội vi mô.

Tác phẩm của Goffman ngày nay được đọc nhiều và được ghi nhận vì tính chất sáng tạo và phong phú  những nhận thức thấu đáo của nó. Tuy nhiên, có nhiều chỉ trích đối với tác phẩm này. Đầu tiên, Goffman được coi là chú ý đến các đề tài bí truyền hơn là các khía cạnh thật sự cơ bản của đời sống xã hội. Thứ hai, ông là một lý thuyết gia vi mô trong một thời đại mà sự tán dương nghiêng về phía những lý thuyết gia vĩ mô. Như Randall Collins nói:  “Chúng ta càng nhìn vào đó (tác phẩm của Goffman), ông ta càng nổi lên là nhân vật hàng đầu của xã hội học vi mô của thời đại chúng ta.” Thứ ba, ông thu hút rất ít sinh viên, những người có thể xây dựng một lý thuyết dựa trên các nhận thức của ông; thật sự, một số tin rằng không thể dựa vào tác phẩm của Goffman. Nó được xem như không là gì cả ngoài một loạt các xuất hiện đột nhiên những  nhận thức có phong cách đặc thù. Cuối cùng, ít có những tác phẩm của người khác đi theo truyền thống kịch tính (ngoại lệ là Lyman và Scott)

Một lĩnh vực mà tác phẩm của Goffman chứng tỏ đã chín mùi là về sự khảo sát thực nghiệm phục vụ cho cách tiếp cận kịch tính của ông. Trong những năm gần đây, một số tác phẩm sử dụng cách tiếp cận kịch tính của ông đã bắt đầu xuất hiện.

Sự phát triển của những xã hội học đời thường

Những năm 1960 và 1970 cho thấy sự bùng nổ của nhiều viễn cảnh lý thuyết có thể gom lại dưới cái tên chung là những xã hội học đời thường.

Xã hội học hiện tượng và tác phẩm của Alfred Schutz (1899-1959)

Triết học hiện tượng luận, với tiêu điểm của nó vào ý thức, có một lịch sử lâu dài, nhưng nỗ lực để phát triển một biến thể xã hội học về hiện tượng luận có thể truy nguyên từ sự xuất bản cuốn Hiện tượng luận về thế giới xã hội của Alfred Schutsz ở Đức năm 1932. Tuy nhiên, nó không được dịch sang tiếng Anh cho tới năm 1967, và kết quả là chỉ gần đây nó mới có ảnh hưởng sâu sắc đến lý thuyết xã hội học Mỹ. Schuz tới Mỹ năm 1939 sau khi lẫn trốn phe quốc xã ở Đức. Không lâu sau đó, ông giữ một vị trí trong một trường phái nghiên cứu xã hội học mới ở New York, từ nơi này ông đã có thể tác động đến sự phát triển của hiện tượng luận và sau đó là phương pháp luận xã hội học dân tộc ở Mỹ.

Schutz tiếp nhận triết học hiện tượng luận từ Edmund Husserl, mà mục tiêu nội hàm của nó là hướng tới một sự thấu hiểu về tính tự kỷ tiên nghiệm, và chuyển nó ra bên ngoài tới một quan tâm đối với sự nhận thức về cái đang xảy ra. Schutz đặt trọng tâm quan tâm của mình vào cách thức mà mọi người nắm được ý thức của người khác trong khi họ sống trong phạm vi dòng nhận thức riêng của họ. Schutz cũng sử dụng sự nhận thức về cái đang xảy ra (intersubjectivity) ở một diện rộng hơn để phục vụ cho mối quan tâm về thế giới xã hội, đặc biệt là bản chất xã hội của tri thức.

Phần lớn tác phẩm của Schutz tập trung vào một khía cạnh của thế giới xã hội gọi là thế giới- đời sống (life-world), hoặc còn gọi là thế giới của cuộc sống đời thường. Đây là một thế giới nhận thức về cái đang xảy ra trong đó mọi người vừa sáng tạo ra thực tại xã hội vừa bị thúc ép bởi tồn tại xã hội có trước và các cấu trúc văn hóa do tiền nhân của họ tạo ra. Trong khi phần lớn thế giới-đời sống được chia sẻ, thế giới đó cũng có các khía cạnh riêng tư (ăn khớp với nhau về mặt sinh học). Trong phạm vi thế giới-đời sống, Schutz phân biệt giữa các quan hệ mặt đối mặt (we-relations) và các quan hệ xa, phi cá nhân (they-relations). Trong khi các quan hệ mặt đối mặt có ý nghĩa quan trọng hơn trong thế giới- đời sống, các nhà xã hội lại dễ dàng nghiên cứu khoa học các quan hệ xa và phi cá nhân hơn rất nhiều. Dù Schutz đã quay khỏi ý thức để đi đến thế giới-đời sống nhận thức về cái đang xảy ra, ông đề ra những cơ sở nhận thức cho ý thức, đặc biệt là các tư tưởng của ông về ý nghĩa và những động cơ của con người.

Tổng quát, Schutz quan tâm đến mối tương quan biện chứng giữa cách thức con người xây dựng thực tại xã hội và cái thực tại văn hóa xã hội bền vững mà con người kế thừa từ tiền nhân trong thế giới xã hội.

Vào giữa những năm 1960 là thời điểm phát triển chủ yếu của xã hội học hiện tượng. Không chỉ tác phẩm của Alfred Schutz được dịch và các tuyển tập tiểu luận của ông được xuất bản, mà cả Peter Berger và Thomas Luckmann còn cộng tác để xuất bản một cuốn sách, cuốn Sự thiết lập thực tại xã hội (1967), đã trở nên một tác phẩm được đọc rộng rãi ở thời đó. Nó có ít nhất là hai đóng góp quan trọng. Trước hết, nó giới thiệu các tư tưởng của Schutz theo một cách thức làm nó trở nên dễ tiếp thu đối với lượng độc giả Mỹ đông đảo. Thứ hai, nó thể hiện một nỗ lực hòa hợp các tư tưởng của Schutz với các tư tưởng của xã hội học chính thống.

Phương pháp luận thực hành (Ethnomethodology). Mặc dù có những khác biệt, phương pháp luận thực hành (PPLTH) và hiện tượng luận thường được coi là nằm gần cạnh bên nhau. Một trong những lý do của sự kết hợp này là người tạo ra viễn cảnh lý thuyết này, Harold Garfinkel, là một sinh viên của Alfred Schutz tại New School. Điều thú vị là, trước đó Harold đã theo học Parsons, và chính sự kết hợp giữa tư tưởng Parsons và tư tưởng Schutz đã làm cho PPLTH có một định hướng riêng biệt.

Hilbert gần đây đã gieo rắc một ánh sáng mới cho các tư tưởng nguyên thủy của Garfinkel và PPLTH. Trong khi Garfinkel là một sinh viên của Parson, ông phản đối viễn cảnh chức năng cấu trúc về sau này, và theo tiến trình đó, tái phát hiện lại các tư tưởng xã hội học cổ điển nằm trong tác phẩm của Weber và Durkheim. Đặc biệt là trong lúc ông chấp nhận các chủ đề cơ bản của tác phẩm Parsons như tầm quan trọng của các trình tự chuẩn mực và các nhận thức chia sẻ, Garfinkel phản bác tiền đề chủ yếu của Parsons rằng các trật tự chuẩn nằm cách biệt và kiểm soát (thông qua xã hội hóa) trật tự về hành vi. Thay vì lý thuyết trừu tượng của Parsons, tiêu điểm của Garfinkel là các nghiên cứu thực nghiệm về thế giới của cuộc sống đời thường. Như vậy, Garfinkel tiếp tục làm việc với các vấn đề của Parsons về trật tự và xã hội không phải trên lý thuyết mà đúng hơn là trong “các chi tiết của công việc… trong các thành tựu của chúng.” Trong những nghiên cứu này, Garfinkel khám phá ra một lọat các nguyên tắc xã hội học bao hàm trong tác phẩm của Durkheim và Weber. Chẳng hạn như, ông đã thấy rằng thế giới xã hội không được cụ thể hóa. Điều này trái hẳn với xu hướng của Parsons cụ thể hóa hệ thống văn hóa và xã hội, nhưng bao hàm sự phản bác của Weber đối với sự cụ thể hóa cấu trúc xã hội và định hướng của Durkheim để nghiên cứu chứ không cụ thể hóa các sự kiện xã hội ngoại vi và đối kháng. Hoặc là sự tận tâm của Garfinkel đối với nghiên cứu thực nghiệm trái hẳn với xu hướng ưu tiên về lý thuyết của Parsons và sự gần gũi với xu hướng thực nghiệm của Weber và Durkheim.

Sau khi nhận bằng tiến sĩ của Harvard năm 1952, Garfinkel phục vụ tại ĐH Carolina, Los Angeles. Chính ở đó, ông và các nghiên cứu sinh của mình đã phát triển PPLTH. Sau nhiều năm, một số nhà PPLTH chủ yếu đã nảy sinh từ  môi trường này. Về mặt địa lý, PPLTH là một sản phẩm lý thuyết riêng biệt đầu tiên của vùng West Coast, và nó giữ  vị trí trung tâm trong một thời gian dài. Ngày nay, trong khi California tiếp tục có một số lượng không cân xứng các nhà PPLTH, họ được tìm thấy ở khắp những bang khác của Mỹ, cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Anh.

Phương pháp luận thực hành bắt đầu nhận được một lượng độc giả đông đảo kể từ khi xuất bản cuốn Các nghiên cứu về phương pháp luận thực hành của Garfinkel năm 1967. Mặc dù được viết theo một phong cách khó đọc và mơ hồ, cuốn sách được nhiều chú ý. Sự kiện nó được công bố đồng thời với tác phẩm Hiện tượng luận về thế giới xã hội của Schutz và tác phẩm của Berger và Luckmann Sự thiết lập thực tại xã hội dường như đã chứng tỏ rằng những môn xã hội học của đời thường đã gặp thời của nó.

Về cơ bản, PPLTH là sự nghiên cứu về “thể của kiến thức nhận thức chung và phạm vi của các phương thức và các nghiên cứu (các phương pháp) bằng những phương tiện mà các thành viên bình thường của xã hội nhận thức đến, tìm ra con đường đi tới, và hành động ở những trạng huống trong đó họ tìm ra bản thân mình.” Các tác giả theo truyền thống này được gán theo hướng nghiên cứu về đời sống thường ngày. Trong khi các nhà xã hội học hiện tượng có xu hướng tập trung vào điều mọi người nghĩ, những nhà PPLTH lại có xu hướng quan tâm hơn đến cái mà mọi người thực sự làm. Do vậy, các nhà phương pháp luận thực hành dành nhiều quan tâm đến sự nghiên cứu chi tiết các cuộc đàm luận. Những quan tâm trần tục như thế trái hẳn với quan tâm của các nhà xã hội học chính thống tới những cái trừu tượng như chế độ bàn giấy, chủ nghĩa tư bản, sự phân hạng lao động và hệ thống xã hội. Các nhà PPLTH có thể chú ý đến cách thức một tri giác về các cấu trúc này được sáng tạo ra trong cuộc sống thường ngày; họ không chú ý đến các cấu trúc với ý nghĩa là bản thân các hiện tượng.

PPLTH mang tính thực nghiệm quyết định ở định hướng của nó. Các nhà phương pháp luận thực hành nói chung khước từ thuyết lý về thế giới xã hội, họ muốn thay vì vậy đi ra ngoài và nghiên cứu nó. Điều này đặt thành vấn đề nghi vấn sự bao hàm của phương pháp luận thực hành trong một cuốn sách như cuốn này. Button nói: “Phương pháp luận thực hành không bao giờ đưa tới việc tạo ra lý thuyết.” Hoặc “Ý tưởng rằng PPLTH là lý thuyết… có thể làm rối trí nhiều nhà PPLTH.”  Nhưng PPLTH được đưa vào cuốn sách này vì ít nhất hai lý do. Thứ nhất, tiền đề cơ bản của nó thiết lập một sự tấn công phần lớn vào lý thuyết xã hội học, và chúng ta hiểu nhiều hơn về PPLTH (lý thuyết truyền thống) từ các cuộc tấn công này. Thứ hai, các phát hiện của các nghiên cứu PPLTH  được dùng để tạo ra các lý thuyết về cuộc sống thường ngày (như chúng ta sẽ thấy ở tác phẩm của Anthonny Giddens như là một ví dụ).

Hiển nhiên PPLTH có một cái gì đó đe dọa các nhà xã hội học chính thống vẫn còn chịu sự kiểm soát của bộ môn. Trong thực tế, cả hiện tượng luận, và quan trọng hơn là PPLTH, đã chịu một số  cuộc tấn công tàn bạo bởi các nhà xã hội học chính thống. Ở đây có hai ví dụ. Cái đầu là một tường thuật của James Coleman về Các nghiên cứu về PPLTH của Garfinkel:

Garfinkel đơn giản đã thất bại trong việc sản sinh ra bất kỳ nhận thức sáng suốt nào từ cách tiếp cận...
Có lẽ chương trình sẽ phong phú hơn trong tay của một người quan sát cẩn trọng hơn, nhưng ở đây nó nghèo nàn một cách lạ lùng...
... chương này có vẻ không chỉ là một thảm họa về phương pháp luận thực hành ở chính bản thân nó mà còn là bằng chứng của những cái bất tương thích phổ quát hơn của nó...
... chương này là một là một thảm họa chủ yếu khác, kết hợp những cái cứng nhắc của các kỹ thuật toán học mê hồn nhất với các nhầm lẫn kỹ thuật và những lỗi lầm và không có những nhận thức sáng suốt hoặc tính cạnh tranh kỹ thuật của một nhà xã hội học sáng tạo và có đào tạo.
Một lần nữa, Garfinkel dựng lên các quan điểm quá lớn lao nhưng lại cũ rích đến nỗi chúng có vẻ tầm thường sáo rỗng nếu nói bằng một thứ tiếng Anh dễ hiểu. Như nó vốn thế, có một tỷ lệ đặc biệt cao trong thời gian đọc để chuyển nhận thông tin đến nỗi sự sáo rỗng không hiển hiện một cách trực tiếp khi đọc một cách tình cờ.

Ví dụ thứ hai là bài diễn văn tranh chức chủ tịch Hiệp hội xã hội học Mỹ năm 1975 của Lewis Coser. Coser thấy có ít phẩm chất trong PPLTH và kịch liệt tấn công nó, và bằng nhiều tên gọi, cho PPLTH là “vô giá trị”, “một sự tránh né thô thiển”, “một sự điên cuồng của chủ nghĩa chủ quan”, “một sự tự khoan dung bản thân liều lĩnh”. Cái cay đắng nhất của những cuộc tấn công này là một chỉ báo về mức độ thể hiện một mối đe dọa đối với sự thiết lập xã hội học.

Ngày nay, PPLTH đã khắc phục một phần quan trọng sự chống đối buổi đầu, và ở một mức độ lớn, đã trở nên một bộ phận được thừa nhận của lý thuyết xã hội học. Ví dụ, ngày nay việc nhìn thấy các tác phẩm của các nhà phương pháp luận thực hành trong các tạp chí xã hội học chính thống như  Tạp chí xã hội học Mỹ Điểm tin xã hội học Mỹ là chuyện thường tình. Tuy nhiên, sự thừa nhận này còn lâu mới tới mức hoàn toàn, như Pollner đã chỉ ra một cách hài hước:  “Ít nhà xã hội học muốn con cái họ kết hôn với một nhà phương pháp luận thực hành, hoặc tệ hơn chính chúng là nhà PPLTH, và hiếm khi thuê mướn một tay PPLTH. Tuy nhiên, bộ môn nhận ra và bắt đầu sáp nhập các đóng góp của cái mà trước đây được coi là một thứ ngoài lề.”  Các nhà PPLTH khác vẫn tiếp tục kêu ca định hướng của họ bị ngược đãi, đặt ngoài lề và bị hiểu lầm như thế nào.

Trong một vài trang cuối cùng, chúng ta đã điểm qua nhiều lý thuyết vi mô - Thuyết trao đổi, Xã hội học hiện tượng và Phương pháp luận thực hành. Mặc dù hai lý thuyết sau chót có cùng một nhận thức về một tác nhân hành động sáng tạo và có tính tư duy, các lý thuyết gia trao đổi không theo quan điểm đó. Dù sao, cả ba lý thuyết trên đã có một định hướng vi mô đối với các tác nhân hành động, các hành động và hành vi của họ. Trong những năm 1970, những lý thuyết này ngày càng có thế lực trong xã hội học và đe dọa sẽ thay chỗ cho các lý thuyết có định hướng vĩ mô hơn đã thống trị trong xã hội học.

Sự ra đời và suy vong (?) của Xã hội học Marx

Cuối những năm 1960 là thời điểm mà lý thuyết Marx cuối cùng đã bắt đầu tìm được đường vào lý thuyết xã hội học Mỹ. Điều này có một số lý do. Trước hết, lý thuyết thống trị (thuyết chức năng cấu trúc) đã bị tấn công vì một số điều, trong đó là tính chất quá bảo thủ. Thứ hai, xã hội học cấp tiến của Mills và thuyết xung đột, dù không đại diện cho một lý thuyết Marx phức tạp, đã tạo ra một cơ sở cho một lý thuyết Mỹ thật sự theo truyền thống Marx. Thứ ba, những năm 1960 là thời đại của các vụ khiếu kiện của người da đen, sự tỉnh thức của phong trào phụ nữ, sinh viên và chống chiến tranh Việt Nam. Nhiều nhà xã hội học trẻ được đào tạo trong bầu không khí đó bị thu hút bởi các tư tưởng cấp tiến. Lúc đầu, mối quan tâm này biểu lộ trong cái mà thời đó gọi là “xã hội học cấp tiến”. Xã hội học cấp tiến có nhiều hữu ích cho tới lúc đó, nhưng như tác phẩm của Mill, nó khá yếu kém về mặt các chi tiết của lý thuyết Marx.

Khó mà tách riêng một tác phẩm chủ yếu đối với bước phát triển của xã hội học Marx ở Mỹ, nhưng cuốn có vai trò quan trọng là Xã hội học của Marx (1968) của Henri Lefebvre. Lý luận của nó quan trọng là ở chỗ nó cho rằng mặc dù Marx không phải là một nhà xã hội học, có một phần xã hội học trong lý thuyết Marx. Số các nhà xã hội học quay sang các tác phẩm nguyên thủy của Marx và các nhà Marxist khác tăng lên, để tìm ra các nhận thức có ích cho sự phát triển của một xã hội học Marx. Đầu tiên, việc này chỉ đơn giản có nghĩa là các lý thuyết gia Mỹ cuối cùng đã đọc Marx một cách nghiêm túc, nhưng về sau đã có một số tác phẩm quan trọng về tính chất học thuật của lý thuyết Marx viết bởi các nhà xã hội học Mỹ.

Các lý thuyết gia Mỹ đặc biệt bị thu hút bởi tác phẩm của phái phê phán, nhất là do sự hòa nhập giữa lý thuyết Marx và lý thuyết Weber của nó. Nhiều tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh, và một số học giả đã viết về trường phái phê phán. (ví dụ Ray 1973,1986, Kellner 1993)

Cùng với sự quan tâm tăng dần, có sự hỗ trợ về mặt thể chế cho định hướng này. Nhiều tạp chí dành sự chú ý đặc biệt cho các lý thuyết xã hội học Marx, bao gồm Lý thuyết và Xã hội, Telos, và Các nghiên cứu Marxist. Một bộ phận xã hội học Marxist đã được sáng lập trong Hiệp hội xã hội học Mỹ năm 1977. Không chỉ những lý thuyết gia phê phán thế hệ đầu tiên trở nên nổi tiếng ở Mỹ, mà cả các tư tưởng gia thế hệ thứ hai, đặc biệt là Jurgen Habermas, được thừa nhận rộng rãi.

Có tầm quan trọng đáng kể là sự phát triển của các tác phẩm quan trọng của xã hội học Mỹ dựa trên một quan điểm Marx. Một dòng rất quan trọng là nhóm các nhà xã hội học thực hiện xã hội học lịch sử từ một viễn cảnh của thuyết Marx (ví dụ Spocpol, Wallerstein). Dòng khác là nhóm phân tích lĩnh vực kinh tế từ một viễn cảnh thuyết Marx (ví dụ, Baran và Sweezy, Braverman, Burawoy). Vẫn còn những nhóm khác đang thực hiện một xã hội học thực nghiệm truyền thống, nhưng tác phẩm cho thấy có một nhận thức mạnh mẽ về lý thuyết Marx. (ví dụ, Kohn)

Tuy nhiên, với sự tan rã của Liên Xô và sự suy vong của các chế độ Marxist trên toàn thế giới, lý thuyết Marx đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn trong những năm 1990. Một số người vẫn là những người Marxist không thay đổi; một số khác buộc phải phát triển các phiên bản cải tiến về thuyết Marx (xem thảo luận bên dưới về những người hậu Marxist, còn có một tạp chí tên là Chủ nghĩa xét lại Marxist) Vẫn có một số khác đi đến kết luận rằng lý thuyết Marx phải bị từ bỏ. Tiêu biểu cho lập trường này là cuốn sách của Ronald Aronson, Sau chủ nghĩa Marx (1995)  Dòng đầu tiên của cuốn sách tuyên bố: “Chủ nghĩa Marx đã hết thời, và chúng ta giờ là của chính chúng ta”.  Đây là sự thú nhận của một người Marxist! Trong khi Aronson công nhận một số người sẽ tiếp tục làm việc với lý thuyết Marx, ông cảnh giác rằng họ phải nhận ra rằng không còn một dự phóng lớn lao về chuyển hoá xã hội theo đường lối Marx. Tức là lý thuyết Marx không còn quan hệ, như Marx dự trù, tới một chương trình hướng tới một thay đổi nền tảng xã hội; nó là một lý thuyết không khả thi. Những người từng là người Marxist lại là chính họ với nhận thức rằng họ không còn dựa vào dự án của Marx, mà đúng hơn phải bám vào xã hội hiện đại với “các quyền năng và sức mạnh của chính họ”.                                         

Aronson nằm trong số những người phê phán cực đoan chủ nghĩa Marx ngay từ trong lòng của nó. Những người khác công nhận những khó khăn, nhưng tìm những cách khác nhau để điều chỉnh một số điểm trong lý thuyết Marx vào các thực tiễn đương thời. Dù sao, các thay đổi xã hội lớn lao đã bộc lộ một thách thức nặng nề cho các lý thuyết gia Marxist, những người đang tìm kiếm một cách vô vọng cách thích ứng với những thay đổi này theo nhiều hướng khác nhau. Dù là nói theo cách nào đi nữa, rõ ràng là những ngày “rực rỡ vàng son” của lý thuyết xã hội Marx đã tàn tạ. Các lý thuyết xã hội Marx các kiểu sẽ còn sống sót, nhưng chúng sẽ không đạt đến địa vị và quyền lực của các thế hệ trước trong lịch sử xã hội học cận đại.


Sự cạnh tranh của Thuyết nữ quyền

Bắt đầu từ cuối những năm 1970, ngay tại thời điểm xã hội học Marxist đạt được sự công nhận quan trọng của các nhà xã hội học Mỹ, một lý thuyết bên lề mới đặt ra một sự cạnh tranh với các lý thuyết xã hội học đã được xây dựng - và ngay cả với chính xã hội học Marxist. Tư duy mới trong xã hội học cấp tiến đến sau này là thuyết nữ quyền đương thời, đã tiếp tục phát triển về phạm vi và độ phức tạp và trong ảnh hưởng đến xã hội học cho tới giữa những năm 1990. Sự tăng trưởng của thuyết nữ quyền đương thời dựa trên cơ sở Chủ nghĩa hành động mới của phụ nữ vì một bình đẳng hoàn toàn - một làn sóng thứ hai của phong trào phụ nữ có tên gọi như thế đã nảy ra ở những năm 1960. (Giai đoạn hoặc làn sóng đầu tiên của sự tổng động viên này xảy ra vào những năm đầu của thế kỷ 20 và thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 19, và lên đến đỉnh cao trong năm 1920 với việc phụ nữ  đạt thắng lợi trong đòi quyền bỏ phiếu).

Ba yếu tố giúp tạo ra làn sóng mới của chủ nghĩa hành động nữ quyền này là: bầu không khí chung của tư duy phê phán đã định tính thời kỳ đó; sự phẫn nộ của các nhà hoạt động phụ nữ  đã từng tham gia trong phong trào chống đối chiến tranh, đòi các quyền dân sự, và phong trào sinh viên chỉ để đối diện với thái độ phân biệt giới tính của những người đàn ông tự do và cấp tiến trong những phong trào này; và kinh nghiệm của những phụ nữ về sự thành kiến và phân biệt đối  xử khi họ tiến tới với một số lượng đông đảo vào công ăn việc làm và nền giáo dục cao hơn.  Vì những lý do này, nhất là lý do cuối cùng, phong trào phụ nữ ở giai đoạn mới thứ hai này tiếp tục mở rộng trong những năm 1970 và tiến tới những năm 1990, ngay cả dù chủ nghĩa hành động của nhiều phong trào khác trong giai đoạn 1960 đã phai tàn. Hơn nữa, trong những năm đó, chủ nghĩa hành động bởi và vì phụ nữ  đã trở nên một hiện tượng quốc tế, lôi kéo phụ nữ từ nhiều xã hội và từ nhiều tầng lớp ở Bắc Mỹ. Sự tập hợp ngày càng tăng lên này đã tạo nên một “làn sóng thứ ba” trong chủ nghĩa hành động và các tác phẩm của nữ giới.

Một đặc điểm chủ yếu của phong trào phụ nữ thế giới này là  một nền văn chương mới đầy quyết liệt đang lớn dần trong phụ nữ làm hiển hiện mọi khiá cạnh của đời sống và kinh nghiệm của phụ nữ cho tới nay vẫn bị xem nhẹ. Nền văn chương này, được gọi một cách phổ biến là các nghiên cứu của phụ nữ hoặc nền học thuật mới về phụ nữ, là tác phẩm của một tập thể người viết có tính quốc tế và đa dạng ở thể loại bộ môn, nằm ở trong và ngoài các trường đại học, và viết cho cả công chúng cũng như các độc giả hàn lâm riêng biệt. Cái phải là một trong những ví dụ ấn tượng về tác phẩm trí thức còn duy trì trong thời cận đại, là các học giả nữ đã thực hiện một sự phê phán mang tính chất thăm dò, đa phương diện làm bộc lộ sự phức tạp của hệ thống đã hạ cấp những người phụ nữ.

Lý thuyết nữ quyền là một dòng lý thuyết chạy qua nền văn học này; có khi ẩn trong các tác phẩm về các vấn đề thực tế như việc làm (Daniel,1988; Devaul,1991; Hochschild,1989; Kanter, 1977; Rolling, 1985), sự  cưỡng dâm (Danday,1990; Scully, 1990) hoặc văn hoá phổ thông (Radway, 1984), đôi khi được thể hiện một cách có trọng tâm và dứt khoát, như trong phân tích về chức năng làm mẹ của Adrienne Rich (1976), Nancy Chodorow (1978) và Jessica Benjamin (1988), và đẩy cao kế hoạch duy nhất, có hệ thống về một trước tác. Về sự ồ ạt gần đây của toàn bộ các trước tác lý thuyết, có lẽ các tuyên bố là đặc biệt nổi bật đối với xã hội học vì chúng trực tiếp nói về các nhà xã hội học bởi những người rất thông thạo về lý thuyết xã hội học. (Chafetz, 1984; P. Collins, 1990; Lengermann và Niebrugge Brantley, 1990; Lengermann và Niebrugge, 1995; D.Smith; Stacey và Thorne, 1985, Wallace, 1989) Các tờ báo đưa đến sự chú ý thuyết nữ quyền của các nhà xã hội học bao gồm Các dấu hiệu, Nghiên cứu nữ giới, Điều tra xã hội học, và Nam giới và xã hội, cũng như  các tổ chức nghề nghiệp như  Những nhà xã hội học về phụ nữ trong xã hội (SWS) và Hiệp hội nghiên cứu phụ nữ quốc gia (NWSA).

Thuyết nữ quyền nhìn thế giới từ những vị trí thuận lợi mà tới lúc đó chưa được nhận ra và chưa lộ rõ về tính thứ yếu của phụ nữ, với một cái nhìn khám phá ra các con đường quan trọng nhưng chưa đuợc biết tới trong đó các hoạt động của phụ nữ - bị lệ thuộc bởi nam giới và chịu nhiều ảnh hưởng từ các thực hành phân biệt tầng lớp khác, như giai cấp, chủng tộc, lứa tuổi, sự cuỡng bức giao hợp, và sự bất bình đẳng xã hội - giúp tạo ra thế giới của chúng ta.  Quan điểm này cải tạo sự hiểu biết của chúng ta về thế giới xã hội. Từ cơ sở này, thuyết nữ quyền đã bắt đầu cạnh tranh với lý thuyết xã hội học.

Những người tạo ra sự cạnh tranh này lý luận rằng các nhà xã hội học đã khăng khăng từ chối kết hợp các nhận thức về nền học vấn phụ nữ  mới vào nhận thức về thế giới xã hội của bộ môn của họ. Thay vì vậy, các nhà xã hội học nữ đã bị tách biệt khỏi dòng chủ đạo, và lý thuyết thấu đáo của nữ giới về tổ chức xã hội đã bị giảm trừ xuống mức một nghiên cứu dễ biến thiên, giới tính đơn thuần, một kiểu hình vai trò xã hội đơn giản về nam giới. Cho tới lúc đó, những cáo buộc này dường như có hiệu lực. Các lý do cho sự tránh né của xã hội học đối với lý thuyết nữ giới có thể bao gồm sự chống đối phụ nữ sâu xa và các thành kiến chống nữ giới, sự nghi vấn về tính tin cậy khoa học của một lý thuyết rất gần với chủ nghĩa hành động về chính trị, và sự cảnh giác đã gây ra sự công nhận nửa vời các ẩn ý cấp tiến sâu sắc của thuyết nữ quyền đối với lý thuyết và phương pháp xã hội học. Thế nhưng cần nhớ rằng đã cần có một thời gian để lý thuyết Marx tới được xã hội học và một bộ phận quan trọng các tác phẩm về thuyết nữ quyền là một sự kiện rất gần đây trong đời sống học thuật. Những tác phẩm này hiện nay có vẻ là một khối có tính chất phê phán. Chúng đặt ra một lý thuyết mới lôi cuốn và quan trọng về đời sống xã hội. Và những người mà kinh nghiệm và nhận thức của họ đã tạo cho họ một lượng độc giả lớn đối với lý thuyết này - phụ nữ nói chung và cả phụ nữ và những người nam giới chịu ảnh hưởng của thuyết nam nữ bình quyền - giờ đây có thể thiết lập một thế lực thắng thế về số lượng trong cộng đồng xã hội học. Vì tất cả những lý do này, các ngụ ý của của thuyết nữ quyền đang di chuyển ngày càng tăng tới dòng xã hội học chính thống, mang theo mọi đặc điểm phụ của nó, ảnh hưởng tới nhiều lý thuyết đã được thiết lập từ lâu của bộ môn này, cả về vi mô và vĩ mô, và tương tác với những bước phát triển của các nhà hậu cấu trúc và hậu hiện đại sẽ được mô tả dưới đây.

Thuyết cấu trúc và Thuyết hậu cấu trúc

Một phát triển mà chúng ta đã có thảo luận chút ít từ trước là sự gia tăng chú ý tới Thuyết cấu trúc. Thường được truy nguyên từ Pháp (và thường được gọi là Thuyết cấu trúc Pháp) thuyết cấu trúc bây giờ đã trở thành một hiện tượng quốc tế. Dù nguồn gốc của nó nằm ngoài xã hội học, thuyết cấu trúc rõ ràng đã tìm được đường hội nhập vào xã hội học. Vấn đề là thuyết cấu trúc trong xã hội học vẫn không phát triển đến nỗi khó mà xác định với bất kỳ độ chính xác nào. Vấn đề càng trầm trọng bởi sự phát triển ít nhiều không đồng bộ ở một số lĩnh vực của thuyết cấu trúc; khó mà tìm ra được một trình bày mạch lạc đơn độc nào về thuyết cấu trúc. Thật sự, có những khác biệt quan trọng trong những nhánh khác nhau của thuyết cấu trúc.

Chúng ta có thể cảm nhận sơ bộ về thuyết cấu trúc bằng cách phác họa các khác biệt cơ bản tồn tại trong số những người ủng hộ một viễn cảnh theo cấu trúc luận. Có những người tập trung vào cái mà họ gọi là “các cấu trúc sâu xa của trí tuệ”. Quan điểm của họ là những cấu trúc vô ý thức này làm cho mọi người suy nghĩ và hành động như họ đã làm. Tác phẩm của nhà phân tâm học Sigmund Freud có thể xem là một ví dụ cho định hướng này. Rồi có những nhà cấu trúc luận tập trung vào các cấu trúc lớn không thể thấy được của xã hội và xem chúng là các yếu tố quyết định của hành động của mọi người cũng như của xã hội nói chung. Marx đôi khi được xem là một người thực hành một nhánh của thuyết cấu trúc, với tiêu điểm của ông vào cấu trúc kinh tế không nhìn thấy của xã hội tư bản. Vẫn còn một nhóm khác xem các cấu trúc như là các kiểu hình để xây dựng thế giới xã hội. Cuối cùng, một số cấu trúc gia quan tâm tới mối quan hệ biện chứng giữa các cá thể và các cấu trúc xã hội. Họ thấy có một nối kết giữa các cấu trúc của trí óc và các cấu trúc của xã hội. Nhà nhân loại học Claude Lévi Strauss gần gũi với quan điểm này nhất.

Khi thuyết cấu trúc lớn lên trong lòng xã hội học, thì bên ngoài xã hội học một phong trào đã phát triển ngoài những tiền đề của thuyết cấu trúc: thuyết Hậu cấu trúc  (Poststructuralism). Đại biểu chính của Hậu cấu trúc luận là Michel Foucault. Trong tác phẩm đầu của ông, Foucault tập trung vào các cấu trúc, nhưng sau đó ông chuyển ra khỏi các cấu trúc để tập trung vào quyền lực và mối liên kết giữa tri thức và quyền lực. Nói tổng quát hơn, các nhà hậu cấu trúc luận thừa nhận sự quan trọng của cấu trúc nhưng vuợt ra khỏi nó để bao gồm một diện rộng các quan tâm khác.

Thuyết hậu cấu trúc quan trọng không chỉ tự bản thân nó, mà còn do nó thường được xem là tiền thân của lý thuyết xã hội hậu hiện đại (sẽ thảo luận sau tại chương này). Trong thực tế, khó, nhưng không phải là không thể, vạch ra một đường nét rõ ràng giữa thuyết hậu cấu trúc và lý thuyết  xã hội hậu hiện đại. Do vậy Foucault, một nhà hậu cấu trúc luận, thường được xem là một nhà hậu hiện đại luận, trong khi Jean Baudrillar, người thường được coi là nhà hậu hiện đại, tất nhiên đã có tác phẩm, đặc biệt là trong thời kỳ đầu của sự nghiệp, có tính chất hậu cấu trúc luận.

LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC TRONG NHỮNG NĂM 1980 VÀ 1990

Trong khi nhiều phát triển đã thảo luận trên tiếp tục có vai trò quan trọng trong những năm 1980 và 1990, trong phần này chúng tôi sẽ điểm qua bốn phong trào lớn có tầm quan trọng nhất trong những thập kỷ này - sự  hoà hợp vi mô-vĩ  mô, sự hoà hợp cơ quan-cấu trúc, các tổng hợp lý thuyết và siêu lý thuyết hoá trong xã hội học.

Sự hoà hợp vi mô-vĩ mô:

Một số lớn tác phẩm gần đây về lý thuyết xã hội học đã quan tâm đến mối liên kết giữa các lý thuyết vi mô và lý thuyết vĩ mô và các cấp độ phân tích. Thực tế, tôi đã lý luận rằng mối liên kết vi mô-vĩ mô nổi lên như là vấn đề trung tâm trong lý thuyết xã hội học Mỹ trong những năm 1980 và  nó tiếp tục là tiêu điểm quan tâm trong những năm 1990. (một tiền thân quan trọng đối với tác phẩm Mỹ đương thời về mối liên kết vi mô-vĩ mô là sự đóng góp của nhà xã hội học Châu Âu Norbert Elias (1939-1994) đối với nhận thức của chúng ta về mối tương quan giữa các thái độ cư xử ở cấp độ vi mô với địa vị xã hội ở cấp độ vĩ mô.)

            Có một số ví dụ gần đây về những nỗ lực để nối kết các cấp độ vi mô-vĩ mô của phép phân tích hoặc các lý thuyết. Trong tác phẩm của chính tôi (Ritzer), tôi đã tìm cách phát triển một mô hình xã hội học hoà hợp trong đó có sự hoà hợp giữa các cấp độ vi mô-vĩ mô trong cả các hình thức khách quan và chủ quan của chúng. Do vậy, theo quan điểm của tôi, có bốn cấp độ chủ yếu của phân tích xã hội cần giải quyết với một phương thức mang tính chất hoà hợp: tính khách quan vi mô, tính khách quan vĩ mô, tính chủ quan vi mô, tính chủ quan vĩ mô. Jeffrey Alexander đã sáng tạo ra một “xã hội học đa chiều kích” (multidimension sociology), giải quyết, ít nhất là một phần, vấn đề một kiểu mẫu của các cấp độ phân tích gần giống như kiểu mẫu do Ritzer phát triển.  Alexander phát triển kiểu mẫu của ông dựa trên vấn đề trật tự, được coi là có những cấp độ cá thể (vi mô) và tập thể (vĩ mô), và trên vấn đề hành động, được xem là có các cấp độ duy vật và duy tâm. Từ hai chuỗi liên tiếp này, Alexander phát triển bốn cấp độ phân tích: duy tâm tập thể, duy vật tập thể, duy tâm cá thể, duy vật cá thể. Trong khi kiểu mẫu tổng quát phát triển bởi Alexander khá giống với của Ritzer, Alexander dành ưu tiên cho cấp độ duy tâm tập thể, còn Ritzer khẳng định rằng chúng ta nên chú ý tới mối tương quan biện chứng giữa các cấp độ. Một cách tiếp cận tương tự đã được phát triển bởi Norbert Wiley, người cũng phác họa ra bốn cấp độ phân tích chủ yếu tương tự – bản ngã hoặc cá thể, sự tương tác, cấu trúc xã hội và văn hóa. Tuy nhiên, trong khi cả hai Ritzer và Alexander tập trung vào cả các cấp độ chủ quan và khách quan. Các cấp độ của Wiley chỉ đơn thuần là chủ quan. James coleman đã tập trung vào vấn đề từ vi mô tới vĩ mô, trong khi Allen Liska mở rộng cách tiếp cận của Coleman để xử lý vấn đề từ vĩ mô tới vi mô. Coleman đã khai triển kiểu mẫu vi mô sang vĩ mô và một lý thuyết phức tạp hơn nhiều về mối tương quan vi mô-vĩ mô dựa trên một tiếp cận chọn lựa hợp lý phát sinh từ kinh tế học.

Có nhiều nỗ lực khác trong sự  hòa nhập vi mô-vĩ mô. Nhiều công việc cần được thực hiện về vấn đề này, và nó hứa hẹn sẽ là một lĩnh vực quan trọng đáng quan tâm trong lý thuyết xã hội học Mỹ vào một thời điểm sắp tới.
  
       Sự hòa hợp cơ quan-cấu trúc   

Song song với sự gia tăng chú ý tới sự hòa hợp vi mô-vĩ mô ở Mỹ, ở Châu Âu có một mối quan tâm đối với sự hòa hợp cơ quan-cấu trúc.  Cũng như tôi đã xem vấn đề vi mô-vĩ mô là vấn đề trọng tâm trong lý thuyết Mỹ, Margaret Archer xem đề tài cơ quan-cấu trúc là mối quan tâm cơ bản của lý thuyết xã hội học Châu Âu. Trong khi có nhiều tương đồng giữa các tư liệu về vi mô-vĩ mô và về cơ quan-cấu trúc, cũng có những khác biệt đáng kể. Ví dụ, trong khi các cơ quan thường là các tác nhân hành động ở cấp độ vi mô, các tập thể như các công đoàn lao động cũng có thể xem là các cơ quan. Và trong khi các cấu trúc thường là các hiện tượng cấp độ vĩ mô, chúng ta cũng tìm thấy các cấu trúc ở cấp độ vi mô. Do vậy, chúng ta cần cẩn trọng trong việc cân bằng hai thể tác phẩm này, và cần rất chú ý khi cố gắng tương quan chúng.

Có bốn nỗ lực chủ yếu trong lý thuyết xã hội học đương thời Châu Âu có thể bao hàm trong tiêu đề sự hòa hợp cơ quan-cấu trúc. Đầu tiên là lý thuyết cấu trúc của Antony Giddens. Trọng điểm của cách tiếp cận của Gidden là ông xem cơ quan và cấu trúc là một “sự đối ngẫu”. Nghĩa là chúng không thể tách biệt nhau ra: cơ quan bao hàm trong cấu trúc và cấu trúc bao hàm trong cơ quan. Giddens từ chối xem cấu trúc là một sự hạn chế đơn thuần, mà nó vừa hạn chế vừa tạo khả năng. Margaret Archer phản đối ý tưởng rằng cơ quan và cấu trúc có thể xem là một sự đối ngẫu (duality), mà đúng hơn nên xem chúng là một thể nhị nguyên (dualism), Nghĩa là cơ quan và cấu trúc có thể tách biệt nhau ra. Trong việc phân biệt chúng, chúng ta có khả năng phân tích mối tương quan giữa chúng tốt hơn. Archer cũng đáng chú ý vì sự mở rộng phạm vi cơ quan-cấu trúc tới một mối quan tâm đối với tương quan giữa văn hóa và cơ quan.

Trong khi cả Giddens và Archer là người Anh, nhân vật đương thời thứ ba có liên quan tới lĩnh vực cơ quan-cấu trúc là Pierre Bourdieu người Pháp. Trong tác phẩm của Bourdieu, vấn đề cơ quan-cấu trúc được chuyển dịch vào một quan tâm đối với mối tương quan giữa tập tính và lĩnh vực. Tập tính (habitus) là một cấu trúc tâm thần có tính chủ quan, hoặc có liên quan tới nhận thức, mà qua đó mọi người  xử lý thế giới xã hội. Tập tính sản sinh ra các phương thức, và được sản sinh từ xã hội. Lĩnh vực (field) là một hệ thống các quan hệ trong các vị trí khách quan. Cấu trúc của lĩnh vực phục vụ cho sự giới hạn các cơ quan, làm chúng là các tập thể hay các cá thể. Trên hết, Bourdieu quan tâm tới mối tương quan giữa tập tính và lĩnh vực. Trong khi lĩnh vực tạo điều kiện cho tập tính, tập tính thiết lập lĩnh vực. Như vậy, có một quan hệ biện chứng giữa tập tính và lĩnh vực.

Nhà lý thuyết chủ yếu cuối cùng về mối liên kết cơ quan cấu trúc là nhà tư tưởng người Đức Jurgen Habermas. Chúng ta đã nói tới Habermas như là một người đóng góp cho lý thuyết phê phán đương thời. Trong một tác phẩm gần đây hơn, Habermas đã xử lý vấn đề cơ quan-cấu trúc dưới cái tên “sự thực dân hóa của thế giới-đời sống”. Thế giới-đời sống là một thế giới vi mô nơi mọi người tương tác và giao tiếp. Hệ thống này có nguồn gốc từ thế giới-đời sống, nhưng cuối cùng nó phát triển các đặc diểm cấu trúc của chính nó. Khi những cấu trúc này lớn lên trong sự độc lập và quyền lực, chúng ngày càng kiểm soát thế giới-đời sống. Trong thế giới hiện đại, hệ thống đi đến chỗ “thực dân hóa” thế giới-đời sống, nghĩa là sử dụng quyền kiểm soát đối với nó.

Những lý thuyết gia đã thảo luận trong phần này không chỉ là các lý thuyết gia hàng đầu trong lĩnh vực cơ quan-cấu trúc, mà còn có thể xem họ là các lý thuyết gia hàng đầu trên thế giới hiện nay. Sau một thời gian lâu dài bị thống trị bởi các lý thuyết gia Mỹ (Mead, Parsons, Merton, Homans, và nhiều người khác), trung tâm của lý thuyết xã hội dường như  đã quay về nơi nó ra đời - Châu Âu. Hơn nữa, Nedelmann và Sztomka đã lý luận rằng với sự kết thúc của chiến tranh lạnh và sự thất bại của chủ nghĩa xã hội, chúng ta sắp sửa “chứng kiến một kỷ nguyên vàng son khác của xã hội học Châu Âu”. Điều này hình như được hỗ trợ thêm bởi sự kiện rằng ngày nay các tác phẩm được một số đông các lý thuyết gia trên thế giới chú ý có nguồn gốc từ Châu Âu. Một ví dụ là cuốn Xã hội nhiều nguy cơ: Hướng tới một thời hiện đại mới, của Ulrich Beck, trong đó ông thảo luận về các nguy cơ chưa từng thấy đang đối đầu với xã hội ngày nay. Ít nhất là bây giờ, đã rõ ràng rằng trung tâm lý thuyết xã hội học đã chuyển sang Châu Âu trở lại.

Như chúng ta sẽ thấy ở Chương 10, còn nhiều cái liên quan tới sự hòa hợp cơ quan-cấu trúc hơn là các tác phẩm của Giddens, Archer, Bourdieu, Habermas. Tuy nhiên, họ là những đại diện chủ yếu của thể loại lý thuyết xã hội học đương thời.

Các tổng hợp lý thuyết

Các phong trào hướng tới sự hòa hợp vi mô-vĩ mô và cơ quan-cấu trúc bắt đầu trong những năm 1980, và cả hai tiếp tục mạnh trong những năm 1990. Chúng tạo nền tảng cho một phong trào rộng lớn hơn hướng tới các tổng hợp lý thuyết bắt đầu từ  đầu những năm 1990. Lewis đã nhận định rằng địa vị tương đối thấp của xã hội học có thể là kết quả của sự manh mún thái quá và rằng phong trào hướng tới sự hòa hợp lớn hơn có thể nâng cao địa vị của bộ môn. Cái có liên quan ở đây là một nỗ lực rộng khắp để tổng hợp hóa hai hoặc nhiều hơn các lý thuyết khác nhau (ví dụ, thuyết chức năng cấu trúc và thuyết tương tác biểu tượng)  Những nỗ lực như thế đã diễn ra trong suốt lịch sử lý thuyết xã hội học. Tuy nhiên, có hai khía cạnh nổi bật về công việc tổng hợp mới trong lý thuyết xã hội học. Đầu tiên, nó rất lan rộng phổ biến và không chỉ giới hạn ở các nỗ lực đơn độc trong sự tổng hợp. Thứ hai, mục tiêu nhìn chung là một sự tổng hợp tương đối hẹp các tư tưởng lý thuyết, và không phải sự phát triển của một lý thuyết tổng hợp sẽ bao gồm tất cả các lý thuyết xã hội học.

Các tác phẩm tổng hợp này diễn ra trong phạm vi các lý thuyết (và các lý thuyết gia) đã thảo luận trong chương này cũng như trong và giữa một số lý thuyết mà chúng tôi chưa nói tới.

Trong phạm vi thuyết chức năng cấu trúc, chúng ta đã thấy sự ra đời của thuyết tân chức năng (neofunctionalism). Thuyết này tìm cách khắc phục nhiều hạn chế của thuyết chức năng cấu trúc bằng cách hòa nhập vào nó các tư tưởng xuất xứ từ nhiều lý thuyết khác nhau. Alexander và Colomy xem điều này là một sự tái lập sâu sắc thuyết chức năng cấu trúc, sự cần thiết có một cái tên mới, thuyết tân chức năng, nhằm phân biệt cách tiếp cận mới này với tiền thân của nó. Đáng chú ý là thuyết chức năng cấu trúc được tái lập này tồn tại bền vững và được tổng hợp trong các viễn cảnh  lý thuyết khác.

Thuyết tương tác biểu tượng cũng thực hiện một cuộc chuyển hóa sâu sắc mà, theo cách nói của Fine đã “tạo nên một lý thuyết mới từ những mảnh vỡ của các tiếp cận lý thuyết khác”. Như vậy, các nhà tương tác biểu tượng đã vay mượn các tư tưởng từ  xã hội học hiện tượng, thuyết nữ quyền, thuyết trao đổi. Ngoài ra, các nhân vật chủ yếu trong lịch sử thuyết tương tác biểu tượng như  Mead và Blumer được xác định lại là các lý thuyết gia có tính chất tổng hợp và hội nhập hơn.

Thuyết trao đổi từ lâu đã có các tác phẩm hòa nhập và tổng hợp như cuốn Sự trao đổi và quyền lực trong đời sống xã hội của Blau (1964). Gần đây, tác phẩm của Richard Emerson và của các môn đệ của ông, đặc biệt là Karen Cook, đã được dành cho nhiều chú ý. Emerson bắt đầu với các nguyên tắc của thuyết hành vi, nhưng cuối cùng tìm cách quan hệ chúng với cấu trúc xã hội và các quan hệ trao đổi xã hội. Cook, O’Brien và Kollock đã định nghĩa thuyết trao đổi bằng các thuật ngữ hòa hợp mang tính kế thừa và tổng hợp nó với các tư tưởng của các lý thuyết khác, như thuyết tương tác biểu tượng và thuyết hệ thống.

Lý thuyết hậu Marxist bao gồm nhiều phát triển trong tổng hợp lý thuyết. Ví dụ, có một phép phân tích theo thuyết Marx bao hàm các nỗ lực để mang các phương pháp “trạng thái của nghệ thuật” (state-of-art) về triết học phân tích và khoa học xã hội để gánh vác các quan tâm truyền thống Marx. Do vậy, một số  lý thuyết gia sử dụng các tư tưởng của thuyết sự chọn lựa hợp lý để phân tích các vấn đề của lý thuyết Marx. Những người khác (ví dụ, Wright) sử dụng các phương pháp xã hội học chính thống để phân tích các vấn đề như giai cấp. Rồi có một tập hợp các nhà Marxist hậu hiện đại (ví dụ, Callari, Cullenberg và Biewener, Laclau và Mouffe; Jameson, Harvey) đã vay mượn các tư tưởng từ lý thuyết hậu hiện đại và tổng hợp hóa chúng với các khía cạnh của lý thuyết Marx truyền thống. Các nỗ lực tổng hợp này và nhiều cái khác sẽ được thảo luận trong suốt cuốn sách này.

Cần chú ý rằng các nỗ lực để tổng hợp hóa không giới hạn ở các lý thuyết mà cả ở các bộ môn tổng hợp - ví dụ, nỗ lực của Hall để tổng hợp các khía cạnh của xã hội học và lịch sử. Một nỗ lực khác, với một lịch sử đã được kiểm chứng, là sự tổng hợp các tư tưởng xã hội học và sinh học. Trong các ấn bản trước của cuốn sách này, tôi đã xem xét sinh học xã hội (sociobiology) như là một bước phát triển về lý thuyết có phần quan trọng trong lý thuyết xã hội học. Sau này, thảo luận đó bị loại bỏ vì một sự mất quan tâm hiển nhiên đối với đề tài. Một lần nữa vào những năm 1990 có một số dấu hiệu, dù còn mờ nhạt, nhưng là sự hồi phục một quan tâm khác vào môn sinh học xã hội. Môn sinh học xã hội là một lĩnh vực đã thịnh vượng và được đa dạng hóa và các nhà xã hội học cần quyết định, một lần nữa, có ích lợi không trong việc vay mượn các tư tưởng này và áp dụng chúng vào các vấn đề xã hội học.

Sự lạc quan đối với sự hòa hợp và tổng hợp không được anh em Turner chia sẻ, và họ, những kẻ đã diễn tả xã hội học đương thời là (như tên của cuốn sách) Khoa học không thể có. Một phần của sự chế nhạo đối với sự  bất lực trong hòa hợp là có nguồn gốc từ Hiệp hội xã hội học Mỹ, trong những năm gần đây đã không chỉ quá dễ dãi, mà còn bị thể chế hóa, nghèo nàn cùng cực về trí thức, theo lời của Turner và Turner “đã cho mọi người, bất kỳ ai, một cái hốc để đặt tượng thờ trong môn xã hội học” Điều này là một phần của sự tan vỡ manh mún phổ quát hơn đã có ảnh hưởng tới bộ môn nói chung. Trong phạm vi lý thuyết, Turner và Turner chỉ ra sự rạn nứt giữa “lý thuyết của nhà lý thuyết” và “lý thuyết của nhà nghiên cứu”. Tức là loại lý thuyết mà các nhà nghiên cứu sử dụng để dẫn dắt tác phẩm của họ (giả sử rằng họ sử dụng lý thuyết) khác với loại lý thuyết được sử dụng bởi phần lớn các lý thuyết gia xã hội học. Vì những lý do này và các lý do khác, anh em Turner kết luận, “Xã hội học Mỹ khó mà trở thành lý thuyết đơn thuần như các môn khoa học tự nhiên - một sự thật đã tô đậm cái tựa đề của cuốn sách này.”

Siêu lý thuyết trong xã hội học

Siêu lý thuyết (supertheory) có thể được định nghĩa rất rộng như là sự nghiên cứu theo hệ thống về cấu trúc hạ tầng của của lý thuyết xã hội học. Nó có thể được phân biệt với sự lý thuyết hóa, ngay cả dù phần đông các lý thuyết gia đã siêu lý thuyết hóa và phần đông các nhà siêu lý thuyết cũng đã lý thuyết hóa. Trong khi các nhà siêu lý thuyết xem lý thuyết là chủ thể nghiên cứu của họ, các lý thuyết gia tư duy về thế giới xã hội. Có một sự gia tăng đáng kể các tác phẩm siêu lý thuyết, và có một dấu hiệu rằng nó sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai.

Tác phẩm siêu lý thuyết đã là một bộ phận của xã hội học kể từ khi khởi đầu lĩnh vực này. Phần đông các lý thuyết gia đầu tiên thực hiện các nghiên cứu siêu lý thuyết về các tiền nhân tri thức của họ.  Đặc biệt đáng chú ý là các nghiên cứu của Marx về Hegel, Phái Hegel Trẻ, các nhà kinh tế chính trị, và các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng. Parsons diễn tả cuốn sách Cấu trúc của hành động xã hội của chính ông như là một nghiên cứu thực nghiệm tác phẩm của các tiền bối về lý thuyết của ông. Trong những năm 1950, Paul Furfey đề xuất nỗ lực có tính hệ thống đầu tiên, dù chưa hoàn thiện, để định nghĩa tác phẩm siêu lý thuyết. Nỗ lực của Alvin Goudner trong cuốn Cuộc khủng hoảng sắp tới của xã hội học Phương Tây để định nghĩa một môn xã hội học về lý thuyết xã hội học, là một tiền thân, mặc dù chưa hoàn thiện, của siêu lý thuyết đương thời. Một tập hợp tác phẩm đặc thù dựa trên khái niệm về một mô hình của Thomas Kuhn, cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển tác phẩm siêu lý thuyết trong xã hội học.

Siêu lý thuyết trong xã hội học đã gặp thời vào những năm 1990, và nó hứa hẹn sẽ đóng vai trò trung tâm trong các lý thuyết xã hội học hiện còn và đang được gạn lọc cũng như trong sự phát triển các lý thuyết mới có tính hội nhập và tổng hợp.

LÝ THUYẾT XÃ HỘI : HƯỚNG TỚI CUỐI THẾ KỶ

Khi chúng ta tiếp cận thời điểm cuối thế kỷ 20, các lý thuyết gia xã hội đã trở nên ngày càng bị xâm chiếm bởi hoặc là xã hội, hoặc là các lý thuyết - đã thực hiện một bước chuyển hóa sâu sắc - về xã hội. Một mặt là nhóm các lý thuyết gia (ví dụ, Jurgen Habermas và Anthony Giddens) tin rằng chúng ta sẽ tiếp tục sống trong một xã hội vẫn có thể diễn tả theo cách tốt nhất là hiện đại và chúng ta có thể thuyết lý về xã hội theo cách thức tương tự như các tư tưởng gia xã hội từ lâu suy tưởng về nó. Một mặt khác là nhóm các tư tưởng gia (ví dụ Jean Baudrillard, Jean Francois Lyotard, Fredric Jameson và Arthur Kroker) cho rằng xã hội đã thay đổi sâu sắc đến nổi chúng ta ngày nay sống trong một xã hội hậu hiện đại có phẩm chất khác hẳn. Hơn nữa, họ lý luận rằng xã hội mới này cần được tư duy về nó theo những cách thức mới mẻ và khác hẳn.

Các nhà bảo vệ của tính chất hiện đại

Tất cả các lý thuyết gia xã hội học cổ điển (Marx, Weber, Durkheim, Simmel) đều quan tâm, theo cách này hay cách khác, đến thế giới hiện đại và các mặt thuận lợi và bất tiện của nó. Tất nhiên người cuối cùng trong số họ (Weber) cũng đã chết từ năm 1920, và kể từ đó, thế giới đã chuyển biến một cách sâu xa. Trong khi mọi lý thuyết gia đương thời đều nhận ra các biến đổi này, vẫn có những người tin rằng có một sự tiếp nối liên tục hơn là gián đoạn giữa thế giới ngày nay và thế giới đã tồn tại vào khoảng cuối thế kỷ.

Ví dụ, Anthony Giddens dùng các thuật ngữ như tính hiện đại “cấp tiến”, “cao”, hoặc “muộn”  để diễn tả xã hội ngày nay và để chỉ ra rằng trong khi nó không phải là xã hội mà các lý thuyết gia cổ điển đã diễn tả, nó tiếp nối liên tục với xã hội đó. Giddens xem tính hiện đại ngày nay là một “lực lượng tàn phá”, nghĩa là, ít nhất ở một mức độ nào đó, nằm ngoài vòng kiểm soát. Ulrich Beck cho rằng trong khi giai đoạn cổ điển của thời hiện đại gắn liền với xã hội công nghiệp, thời hiện đại mới nổi lên tốt nhất là được diễn tả là một “xã hội nhiều nguy cơ”. Trong khi thế tiến thoái lưỡng nan trọng tâm ở thời hiện đại cổ điển là sự giàu có và nó được phân phối ra sao, vấn đề trọng tâm ở thời hiện đại mới là sự phòng ngừa, sự tối thiểu hóa và phân định dòng chảy của các nguy cơ (ví dụ, từ một sự cố nguyên tử). Jurgen Habermas xem thời hiện đại là một “dự án chưa hoàn thành”. Nghĩa là, vấn đề trung tâm trong thế giới hiện đại tiếp tục, như ở thời của Weber, là sự hợp lý hóa. Mục tiêu không tưởng vẫn là sự tối đa hóa sự hợp lý của cả “hệ thống” và “thế giới-đời sống”. Ritzer cũng xem sự hợp lý là chu trình chủ yếu của thế giới ngày nay. Tuy nhiên, Ritzer chọn lọc tiêu điểm của Weber về vấn đề gia tăng tính hợp lý hình thức và mối nguy cơ của một “cái lồng sắt” của sự hợp lý. Trong khi Weber tập trung vào chế độ bàn giấy, ngày nay Ritzer xem mô hình của chu trình này là nhà hàng fast food, và ông diễn tả sự gia tăng tính hợp lý hình thức như là sự  McDonalt hóa của xã hội.

Không chỉ các nhà lý thuyết trên và nhiều người khác (ví dụ Wagner) khăng khăng nhìn thế giới trong những phạm vi hiện đại, mà họ còn tiếp tục tư duy về sự sử dụng các công cụ hiện đại của nó. Nói một cách cơ bản là họ đứng ra phía sau và tách khỏi xã hội, phân tích và diễn tả nó một cách hợp lý và có hệ thống, và họa lại chân dung nó bằng những mô tả sinh động, mặc dù theo các cách thức có phần tự  thân ý thức hơn là những tiền nhân của họ đã làm. Tính hiện đại là một lực lượng tàn phá, sự chuyển đổi từ xã hội công nghiệp sang xã hội lắm nguy cơ và sự McDonald hóa của xã hội giống với các mô tả của các lý thuyết gia cổ điển về thời hiện đại hơn là khác với chúng.

Các đề xuất của hậu hiện đại.

Thuyết hậu hiện đại có tính chất nóng bỏng, thực sự là khá nóng bỏng, nó đã được thảo luận không dứt trong nhiều lĩnh vực kể cả xã hội học, đến nỗi nó có lẽ sắp sửa nằm trong quá trình bùng cháy tiêu tan. Chúng ta cần phân biệt, ít nhất là về mặt mẫu tự, giữa thời hậu hiện đại và lý thuyết xã hội hậu hiện đại. Thời hậu hiện đại (Postmodernity) là một kỷ nguyên lịch sử mới được giả đoán là thành tựu của kỷ nguyên hiện đại, hoặc thời hiện đại (modernity). Lý thuyết xã hội hậu hiện đại (Postmodern Social theory) là một cách thức tư duy mới về thời hậu hiện đại; thế giới quá khác đến nổi nó đòi hỏi những phương thức tư duy hoàn toàn mới. Các nhà hậu hiện đại có xu hướng chối bỏ các viễn cảnh lý thuyết đã được mô tả trong phần trước, cũng như các phương thức mà các tư tưởng gia vận dụng để sáng tạo ra lý thuyết của họ.

Hẳn nhiên sẽ có nhiều bức chân dung của thời hậu hiện đại ngang với con số các lý thuyết gia hậu hiện đại. Để đơn giản hóa sự việc, chúng ta sẽ tóm tắt một số nguyên tố chủ yếu của một mô tả được đưa ra bởi một trong những nhà hậu hiện đại nổi bật, Fredric Jameson. Trước hết, thời hậu hiện đại là một thế giới nông cạn hời hợt; nó là một thế giới của sự mô phỏng (ví dụ, một cảnh biển rừng ở Disneyland hơn là thực tại). Thứ hai, nó là một thế giới thiếu sự xúc động và tình cảm. Thứ ba, có sự mất mát nhận thức về chỗ đứng của con người trong lịch sử; khó mà phân biệt quá khứ, hiện tại, tương lai. Thứ tư, thay cho các kỹ thuật bung ra, mở rộng, giàu sản phẩm của thời hiện đại (ví dụ, dây chuyền sản xuất xe hơi), xã hội hậu hiện đại bị thống trị bởi các kỹ thuật khép, phẳng và theo qui trình tái sản xuất (ví dụ, ti vi). Ở cách này cách khác, xã hội hiện đại khác xa với xã hội hậu hiện đại.

Một thế giới khác hẳn như thế đòi hỏi một cách tư duy khác hẳn. Rosenau định nghĩa kiểu tư duy hậu hiện đại trong phạm vi những cái đối kháng một cách mạnh mẽ với các đặc điểm của cách tư duy hiện đại. Trước hết, các nhà hậu hiện đại từ bỏ kiểu mô tả sinh động đã định tính phần lớn các lý thuyết xã hội học cổ điển. Thay vì thế, họ thích giới hạn các diễn giải, thậm chí không cần các diễn giải nào hết. Thứ hai, sự từ bỏ xu hướng đặt ranh giới giữa các bộ môn - để tiến hành cái đã từng gọi là lý thuyết xã hội học (hay xã hội) cách biệt với, ví dụ, các tư duy triết học hay ngay cả phong cách kể chuyện tiểu thuyết. Thứ ba, các nhà hậu hiện đại thường hay chú ý đến gây chấn động hoặc giật mình cho độc giả hơn là tiến hành những bàn luận có tính chất học thuật hợp lý, cẩn thận. Cuối cùng, thay vì tìm cho ra cái cốt lõi của xã hội (như sự hợp lý, hoặc sự bóc lột tư bản chủ nghĩa) các nhà hậu hiện đại có xu hướng tập trung vào các khía cạnh ngoại vi của xã hội hơn.

Rõ ràng, có nhiều gay gắt trong sự tranh chấp giữa các nhà hiện đại và hậu hiện đại, bao gồm tương lai của lý thuyết xã hội học. Nếu các nhà hiện đại thắng cuộc, lý thuyết xã hội học trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21 sẽ trông giống nhiều với nó trước đây, nhưng nếu các nhà hậu hiện đại thắng, thế giới, và lý thuyết xã hội của thế giới đó, sẽ rất khác đi. Viễn cảnh có khả năng nhiều nhất, tuy nhiên, là thế giới sẽ được dàn xếp bằng một số kết hợp giữa các yếu tố hiện đại và hậu hiện đại và các lý thuyết gia xã hội của mỗi phái sẽ tiếp tục tranh đấu để giành quyền lãnh đạo.

Lý thuyết xã hội đa văn hóa

Một sự phát triển khác gần đây, gắn bó gần gũi với thuyết hậu hiện đại – đặc biệt là sự nhấn mạnh của nó đến vùng ngoại vi và xu hướng phân cấp các lĩnh vực trí thức đang có vai trò – là sự ra đời của lý thuyết xã hội đa văn hóa. Sự ra đời này của lý thuyết đa văn hóa đã được dự báo bởi sự nảy sinh của thuyết xã hội học nữ quyền trong những năm 1970. Các nhà nữ quyền than phiền rằng lý thuyết xã hội học đã khép quá chặt tiếng nói của phụ nữ, trong những năm kế tiếp, nhiều nhóm thứ yếu lặp lại các than phiền của các nhà nữ quyền. Thực tế,  những người phụ nữ thứ yếu phụ thuộc (ví dụ, người Mỹ La-tinh, và người La-tinh) bắt đầu than phiền rằng thuyết nữ quyền chỉ hạn chế ở những người phụ nữ da trắng, tầng lớp trung lưu, và cần tiếp nhận nhiều tiếng nói khác. Ngày nay, thuyết nữ quyền đã bị biến cải đi nhiều, tương tự như  ở lý thuyết xã hội học.

            Một ví dụ tốt về sự khác biệt đang gia tăng trong lý thuyết xã hội học là sự ra đời của lý thuyết xã hội học “đồng giới luyến ái”. Seidman chứng minh qua tư liệu sự im lặng của lý thuyết xã hội học cổ điển về tình dục nói chung và đồng giới luyến ái nói riêng. Ông thấy điều đáng kinh ngạc là trong khi các lý thuyết gia cổ điển giải quyết hàng loạt các vấn đề  trên mọi mặt liên quan tới thời hiện đại, họ không có gì để nói về việc tạo ra những thực thể hiện đại và tình dục hiện đại. Trong khi sự im lặng chẳng bao lâu sẽ bị phá vỡ, không phải tới tác phẩm của Michel Foucault về các tương quan giữa quyền lực, kiến thức và tình dục mà sự nghiên cứu hậu hiện đại về tình dục nói chung, và đồng giới tính dục nói riêng, mới bắt đầu. Cái nổi bật là ý thức về đồng giới luyến ái với ý nghĩa vừa là một đối tượng vừa là một đặc tính đi song song với bản ngã và đặc tính thích dị giới luyến ái.

            Seidman lý luận rằng, tuy nhiên, cái làm nổi bật lý thuyết đồng giới luyến ái là sự chối bỏ bất kỳ một đặc tính riêng lẻ nào, bao gồm cả đồng giới luyến ái, và rằng tất cả các đặc tính là đa phương hoặc tổng hợp, không bền vững và độc nhất. Do vậy, ở bất cứ thời điểm nào được xét, mỗi người chúng ta là một tổng hợp của một loạt các thành tố đặc tính (ví dụ, “định hướng tính dục” chủng tộc, giai cấp, quốc tịch, giống, tuổi, khả năng”),và các thành tố này có thể kết hợp và tái kết hợp theo nhiều cách khác nhau. Kết quả là Seidman phản bác sự phân đôi đồng giới, dị giới luyến ái và tìm cách đưa lý thuyết đồng giới luyến ái theo chiều hướng một lý thuyết chung hơn:

Các lý thuyết gia đồng giới luyến ái chuyển tiêu điểm của họ từ một quan tâm riêng biệt với sự đàn áp và sự tự do của đối tượng đồng giới luyến ái tới một sự phân tích các thực hành và thuyết trình có tính chất thiết chế làm sản sinh ra những kiến thức về tính dục và cách thức chúng tổ chức đời sống xã hội, với sự chú ý đặc biệt đến cách thức trong đó những kiến thức và thực hành xã hội này kềm hãm những sự khác biệt. Trong mối quan tâm này, lý thuyết đồng tính luyến ái đề xuất... sự nghiên cứu... về những kiến thức và thực hành xã hội tổ chức nên  tổng thể “xã hội” bởi sự đồng giới luyến ái hoá hoặc dị giới luyến ái hoá - các thực thể, các ước vọng, các hành động, các đặc tính, các quan hệ xã hội, các nền văn hoá, và các thể chế xã hội. Lý thuyết đồng giới luyến ái mong muốn chuyển hoá lý thuyết về sự đồng giới luyến ái sang một lý thuyết xã hội chung nhất hoặc một lập trường để từ đó phân tích toàn thể các xã hội.

            Như vậy, lý thuyết đồng giới luyến ái được nêu ra không là gì khác ngoài cái được gọi là “các lý thuyết mang tính lập trường”, tức là các lý thuyết nhìn xã hội từ một ưu thế cụ thể (khá giống với cách Marx nhìn xã hội từ lập trường vô sản). Chúng ta có thể mong chờ để nhìn thấy sự nảy nở của các lý thuyết mang tính lập trường, đa văn hoá trong giai đoạn chúng ta đi tới thế kỷ 21.

TÓM TẮT

Chương này bắt đầu từ vị trí mà Chương 1 đã kết thúc bằng lịch sử của lý thuyết xã hội học từ khởi đầu thế kỷ 20. Chúng tôi bắt đầu với lịch sử thời sơ khai của lý thuyết xã hội học Mỹ, được định tính bởi tính chất tự do chủ nghĩa, mối quan tâm vào chủ nghĩa Darwin xã hội của nó, và hệ quả là ảnh hưởng của Herbert Spencer. Trong bối cảnh này, tác phẩm của hai lý thuyết gia thời sơ khai, Sumner và Ward đã được thảo luận. Tuy nhiên, họ không để lại một dấu ấn lâu dài đối với lý thuyết xã hội học Mỹ. Trái lại, trường phái Chicago, thể hiện trong tác phẩm của những người như  Small, Park, Thomas, Cooley, và đặc biệt là Mead, đã để lại một  ảnh hưởng lớn đối với lý thuyết xã hội học, đặc biệt là thuyết tương tác biểu tượng.

            Trong khi trường phái Chicago vẫn còn thống trị, một hình thức khác của lý thuyết xã hội học bắt đầu phát triển ở Harvard. Pitirim Sorokin đóng một vai trò chủ yếu trong việc thành lập khoa xã hội học ở Harvard, nhưng chính Talcott Parsons mới là người đưa Harvard tới vị trí dẫn đầu trong lý thuyết Mỹ, thay chỗ cho thuyết tương tác biểu tượng của Chicago. Parsons quan trọng không chỉ vì đã chính thống hoá “lý thuyết lớn” ở Mỹ và vì sự giới thiệu các lý thuyết gia Châu Âu cho độc giả Mỹ, mà còn vì vai trò của ông trong sự phát triển lý thuyết hành động, và, quan trọng hơn, thuyết chức năng cấu trúc. Trong những năm 1940 và 1950, thuyết chức năng cấu trúc được đẩy mạnh hơn nữa với sự tan rã của trường phái Chicago bắt đầu trong những năm 1930 và đến chỗ hoàn toàn suy sụp trong những năm 1950.

            Sự  phát triển chủ yếu của thuyết Marx trong những năm đầu của thế kỷ 20 là sự sáng lập trường phái phê phán Franfurt. Hình thức Hegel hoá này của chủ nghĩa Marxist cũng cho thấy ảnh hưởng của các nhà xã hội học như Weber và của nhà phân tâm học Sigmund Freud. Chủ nghĩa Marxist  không có được sự kế thừa rộng rãi của các nhà xã hội học trong phần đầu của thế kỷ.

            Thuyết chức năng cấu trúc ngự trị lý thuyết Mỹ trong giai đoạn giữa thế kỷ chỉ tồn tại một thời gian ngắn. Dù có thể truy nguyên đến những thời điểm sớm hơn, xã hội học hiện tượng, đặc biệt là tác phẩm của Alfred Schutz, bắt đầu thu hút một quan tâm đặc biệt trong những năm 1960. Lý thuyết Marx vẫn còn bị loại trừ khỏi lý thuyết Mỹ, nhưng C. Wright Mills duy trì một truyền thống cấp tiến ở Mỹ trong những năm 1950 và 1960. Dưới tác động của những cuộc tấn công, một lý thuyết xung đột thế chỗ cho thuyết chức năng cấu trúc đã nảy sinh trong giai đoạn này. Dù chịu ảnh hưởng của lý thuyết Marx, thuyết xung đột cũng đã gánh chịu hậu quả của sự hoà hợp bất tương thích trong chũ nghĩa Marxist. Vẫn còn một lý thuyết khác thế chỗ trong những năm 1950 là thuyết trao đổi, và nó tiếp tục thu hút một số lượng nhỏ nhưng bền bỉ những người kế tục. Dù thuyết tương tác biểu tượng mất đi một số năng lượng của nó, tác phẩm của Erving Goffman về phép phân tích kịch tính trong giai đoạn này đã có sự kế thừa.

            Các phát triển quan trọng diễn ra trong các môn xã hội học đời thường (thuyết tương tác biểu tượng có thể bao gồm dưới cái tiêu đề chung này) trong những năm 1960 và 1970, kể cả sự gia tăng chú ý đến xã hội học hiện tượng, và quan trọng hơn, một sự bùng nổ tác phẩm về phương pháp luận thực hành. Trong giai đoạn này, các kiểu lý thuyết theo Marx khác nhau đã đi vào xã hội học, dù những thuyết này đã bị tổn hại nghiêm trọng bởi sự sụp đổ của Liên Xô và các chế độ xã hội chủ nghĩa khác trong giai đoạn cuối 1980 và đầu những năm 1990. Cũng đáng lưu ý trong giai đoạn này là sự tăng trưởng quan trọng của thuyết cấu trúc và hậu cấu trúc, đặc biệt là tác phẩm của Michel Foucault. Một quan trọng hàng đầu khác là sự bùng nổ mối quan tâm đến thuyết nữ quyền, một sự bùng nổ tiếp tục tăng nhanh khi chúng ta đi vào năm 2000.

            Ngoài những cái đã nói trên ra, bốn phát triển quan trọng cần chú ý khác đã diễn ra trong những năm 1980 và tiếp tục đến những năm 1990. Đầu tiên là sự ra đời mối quan tâm ở Mỹ tới sự liên kết vi mô-vĩ mô. Thứ hai là sự song song gia tăng mối quan tâm đến mối tương quan giữa cơ quan và cấu trúc ở Châu Âu. Thứ ba là sự phát triển, đặc biệt là trong những năm 1990, của một loạt các nỗ lực tổng hợp. Cuối cùng, có sự gia tăng chú ý đến các tác phẩm siêu lý thuyết, hoặc các nghiên cứu hệ thống về lý thuyết xã hội học.

            Chương này đã bao gồm một cái nhìn tổng quát về các phát triển lý thuyết mà dường như đã có một ảnh hưởng sâu sắc đến lý thuyết xã hội cho tới thế kỷ 21. Trước hết đó là tác phẩm của một loạt các lý thuyết gia, những người vẫn tiếp tục xem xét thế giới đương thời ở một góc độ hiện đại và kéo dài với sự mô tả một kiểu mẫu mới về lý thuyết hoá. Thứ hai là sự bùng nổ mối quan tâm đến xã hội học, và nhiều lĩnh vực khác, theo một kiểu mẫu hậu hiện đại về lý thuyết hoá đối với một thế giới mới, hậu hiện đại. Cuối cùng, là có những dấu hiệu rằng lý thuyết xã hội học sẽ ngày càng có tính chất đa văn hoá trong những năm sắp tới.

********

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét