Thứ Hai, 30 tháng 3, 2020

LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC - GEORGE RITZER - PHỤ LỤC






PHỤ LỤC

SIÊU LÝ THUYẾT HOÁ XÃ HỘI HỌC
VÀ MỘT LƯỢC ĐỒ SIÊU LÝ THUYẾT
ĐỐI VỚI PHÂN TÍCH LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC

SỰ SIÊU LÝ THUYẾT HOÁ TRONG XÃ HỘI HỌC
Những lợi ích từ sự siêu lý thuyết hoá
Các phê phán về sự siêu lý thuyết hoá
Các bùng nổ quan tâm đối với sự siêu lý thuyết hoá hiện thời
Các yếu  tố liên quan đến sự trưởng thành của sư siêu lý thuyết hoá
“Phân tích xã hội học” của Pierre Bourdieu
CÁC TƯ  TƯỞNG CỦA THOMAS  KUHN
XÃ HỘI HỌC: MỘT KHOA HỌC  ĐA-MÔ HÌNH
Các mô hình xã hội học chủ yếu
HƯỚNG TỚI MỘT MÔ HÌNH XÃ HỘI HỌC HOÀ HỢP HƠN
Các cấp độ của phân tích xã hội: Một phê bình về nền trước tác
Các cấp độ của phân tích xã hội: Một mô hình kiểu mẫu

Trong Chương 2, chúng ta đã thấy một trong những phát triển gần đây nhất trong lý thuyết xã hội học là sự bùng nổ mối quan tâm đến sự siêu lý thuyết hoá xã hội học. Trong  khi các lý thuyết gia coi thế giới xã hội là chủ đề của họ, các nhà siêu lý thuyết thực hiện sự nghiên cứu có hệ thống về cấu trúc bên dưới của lý thuyết xã hội học. Một trong những mục tiêu của chúng tôi trong phần Phụ lục này là một cái nhìn vào sự bùng nổ của mối quan tâm vào sự siêu lý thuyết hoá trong xã hội học và các thông số của cách tiếp cận này. Ngoài ra, cấu trúc tổng thể của cuốn sách này dựa trên một tập hợp đặc thù các viễn cảnh siêu lý thuyết được phát triển bởi tác giả (Ritzer). Vì đối tượng cơ bản của cuốn sách này là giới thiệu lý thuyết xã hội học, lược đồ tổ chức này được làm cho càng kín đáo càng tốt. Do vậy, tất cả các chương, cũng như cả cuốn sách với ý nghĩa một tổng thể, có thể được đọc mà không cần có một kiến thức về lược đồ tổ chức nằm bên dưới chúng. Tuy nhiên, một số sinh viên có thể chú ý đến lược đồ này, hoặc sớm hơn trong khi họ đang đọc, hay sau khi họ đã đọc xong. Do vậy, một đối tượng khác của Phụ lục này là giới thiệu các tư tưởng siêu lý thuyết đã tạo thành cuốn sách, nhưng trước khi chúng tôi có thể làm điều đó, chúng tôi cần giới thiệu một cái nhìn  tổng quát về sự siêu lý thuyết hoá trong xã hội học.

SỰ SIÊU LÝ THUYẾT HOÁ TRONG XÃ HỘI HỌC

Các nhà xã hội học không phải là những người duy nhất thực hiện siêu-phân tích (meta-analisys), nghĩa là nghiên cứu một cách phản ánh bộ môn riêng của họ. Những người khác cũng làm công việc đó bao gồm các triết gia (Radnitzky), các nhà tâm lý học (Gregen, Schimidt), các khoa học gia chính trị  (Connolly) và một số các nhà khoa học xã hội khác (các tiểu luận đa dạng trong Fiske và Shweder), các nhà sử học (White). Một số nỗ lực của họ hoàn toàn giống với ít ra là một vài kiểu siêu phân tích trong xã hội học, trong khi một số khác có sự khác biệt đáng kể. Điểm chủ yếu là việc nghiên cứu bộ môn riêng của mình không phải là phạm vi độc quyền của nhà xã hội học.

Ngoài thực tế rằng siêu phân tích được tìm thấy ở các lĩnh vực khác, nhiều dạng nhà xã hội học khác nhau, không chỉ các siêu lý thuyết gia, cũng thực hiện siêu phân tích. Chúng tôi có thể phân nhóm các kiểu siêu phân tích trong xã hội học dưới cái tiêu đề “siêu xã hội học” (metasociology), mà chúng tôi có thể định nghĩa như là sự nghiên cứu có tính phản ánh cấu trúc bên dưới của xã hội học nói chung, cũng như các thành tố khác nhau của nó - các lĩnh vực cơ bản (ví dụ, khái quát của Hall về xã hội học nghề nghiệp), các khái niệm (phân tích về khái niệm ‘cấu trúc’ của Rubinstein) các phương pháp (các siêu phương pháp; ví dụ các nỗ lực của Brewer và Hunter, của Noblit và Hare để tổng hợp các phương pháp xã hội học), các dữ liệu (phân tích siêu dữ liệu) [meta-data-analysis][1], ví dụ, Fendrich, Hunter, Schmidt và Jackson, Polit và Fablo, Wolf)  và các lý thuyết. Chính cái nói đến cuối cùng, sự siêu lý thuyết hóa (metatheorizing), là mối quan tâm của chúng ta trong Phụ lục này.

Cái phân biệt tác phẩm trong lĩnh vực này không phải là quá trình của sự siêu lý thuyết hóa (hay việc nghiên cứu có hệ thống các lý thuyết, mà mọi nhà siêu lý thuyết đều tiến hành), mà đúng hơn là bản chất của các sản phẩm cuối cùng. Có ba thể loại siêu lý thuyết hóa, được xác định một cách rộng rãi bởi các khác biệt trong các sản phẩm cuối cùng. Kiểu thứ nhất, siêu lý thuyết hóa với ý nghĩa là một phương tiện để đạt được một nhận thức sâu hơn về lý thuyết (MU) bao gồm sự nghiên cứu về lý thuyết để tạo ra một nhận thức tốt hơn, sâu sắc hơn về lý thuyết hiện có. (Ritzer)[2].  Cụ thể hơn, MU quan tâm tới việc nghiên cứu các lý thuyết, các lý thuyết gia, và các tập thể lý thuyết gia, cũng như các bối cảnh tri thức và xã hội rộng lớn của các lý thuyết và các lý thuyết gia. Kiểu thứ hai, sự siêu lý thuyết như là một bước mở đầu đối với sự phát triển lý thuyết (Mp), đòi hỏi sự nghiên cứu lý thuyết hiện có để tạo ra lý thuyết xã hội học mới. (Chính kiểu siêu lý thuyết hóa thứ hai này là kiểu mà có vẻ các lý thuyết gia thực hiện nhiều nhất). Còn có một kiểu thứ ba: sự siêu lý thuyết hóa như là một nguồn của các viễn cảnh bao trùm lên lý thuyết xã hội học (MO), trong đó sự nghiên cứu về lý thuyết được định hướng tới mục tiêu sản sinh ra một viễn cảnh, có thể gọi là một siêu lý thuyết, bao trùm lên một bộ phận hay tất cả các lý thuyết xã hội học. (Như chúng ta sẽ thấy, chính kiểu siêu lý thuyết hóa này cung cấp cơ cấu được sử dụng trong việc xây dựng cuốn sách này). Đưa ra các định nghĩa trên, chúng ta hãy khảo sát từng kiểu siêu lý thuyết hóa một cách chi tiết hơn.

Kiểu siêu lý thuyết hóa thứ nhất, MU, bao gồm bốn kiểu phụ (subtype) cơ bản, tất cả liên quan đến sự nghiên cứu chính thức hay không chính thức của lý thuyết xã hội học  để đạt được một nhận thức sâu hơn về nó. Kiểu phụ thứ nhất (tri thức bên trong) tập trung vào các vấn đề tri thức hay nhận thức nằm bên trong xã hội học. Bao gồm ở đây là các nỗ lực để nhận diện các mô hình nhận thức chủ yếu (Ritzer), và các “trường phái tư duy” (Sorokin), các quan điểm năng động hơn về cấu trúc bên dưới của lý thuyết xã hội học (Harvey, Wiley, Nash và Wardell, Holmwood và Steward) và sự phát triển của các công cụ siêu lý thuyết dùng để phân tích các lý thuyết xã hội học đang tồn tại và để phát triển các lý thuyết mới (Alexander, Edel, Gouldner, Ritzer, Wiley). Kiểu phụ thứ hai (xã hội bên trong) cũng nhìn trong phạm vi xã hội học, nhưng nó tập trung vào xã hội hơn là các yếu tố nhận thức. Cách tiếp cận chủ yếu ở đây nhấn mạnh các khía cạnh chung của các lý thuyết xã hội khác nhau và bao gồm các nỗ lực để nhận diện các “trường phái” chính trong lịch sử xã hội học (Bulmer, Tiryakian), cách tiếp cận chính thức, hệ thống hơn đối với sự nghiên cứu của các liên hệ ràng buộc trong các nhóm các nhà xã hội học (Mullins), cũng như các nghiên cứu về chính bản thân các lý thuyết gia để khảo sát các tư cách thành viên về mặt thể chế của họ, các khuôn mẫu nghề nghiệp của họ, vị trí của họ trong lĩnh vực xã hội học, vv… (Gouldner, Camic). Kiểu phụ thứ ba (tri thức-bên ngoài) quay sang các bộ môn hàn lâm khác ở các ý tưởng, các công cụ, các khái niệm, và các lý thuyết, có thể được sử dụng trong phân tích lý thuyết xã hội học (ví dụ, Brown).  Baker đã nhìn vào các ngụ ý của lý thuyết hỗn độn (chaos theory), với nguồn gốc từ vật lý của nó, đối với lý thuyết xã hội học. Bailey gần đây đã lý luận rằng trong khi các chú ý hiển hiện đối với siêu lý thuyết hóa có thể tương đối mới trong xã hội học, “các hệ thống lý thuyết chung từ lâu đã được đánh dấu bởi sự siêu lý thuyết hóa phổ biến”. Sự siêu lý thuyết hóa như thế được làm cho trở nên tất yếu bởi đặc tính đa bộ môn của các  hệ thống lý thuyết và nhu cầu nghiên cứu và hội tụ các tư tưởng từ các lĩnh vực khác nhau. Sau đó, ông tiếp tục lý luận rằng các hệ thống lý thuyết xã hội “ghì chặt lấy sự siêu lý thuyết hóa”. Trong thực tế, Bailey sử dụng một cách tiếp cận siêu lý thuyết để phân tích các phát triển trong các hệ thống lý thuyết và mối quan hệ của chúng đối với các phát triển trong lý thuyết xã hội học.

Cuối cùng, cách tiếp cận xã hội-bên ngoài chuyển tới một cấp độ vĩ mô hơn để nhìn vào xã hội lớn (tập hợp quốc gia, tập hợp văn hóa-xã hội) và bản chất của tác động của nó lên sự xây dựng lý thuyết xã hội học (ví dụ, Vidich và Lyman). Trong một nghiên cứu thú vị về kiểu này, Kimmerling đã cho thấy xã hội Israel đã định hình cách thức trong đó các nhà xã hội học Israel miêu tả nó ra sao. Tuy nhiên, với sự suy vong gần đây của tầng lớp ưu tú về chính trị cũ và sự gia tăng tính tự trị của xã hội học Israel, người ta có thể mong đợi một quan điểm đa dạng và có tính phê phán hơn về xã hội Israel trong những năm sắp tới.
Tất nhiên, các nỗ lực siêu lý thuyết cụ thể có thể kết hợp hai hay nhiều hơn các kiểu phụ của MU. Ví dụ, Jaworski gần đây đã  chỉ ra cuốn Các chức năng của xung đột xã hội của Lewis Coser “là một cuốn sách cá nhân sâu sắc và một phát biểu định vị về mặt lịch sử” ra sao. Như vậy, Jaworski làm rõ tác động của gia đình của Coser (xã hội-bên trong) và sự ra đời của Hitler ở Đức (xã hội-bên ngoài) trong cuộc đời và tác phẩm của Coser. Jaworski cũng xử lý ảnh hưởng của các yếu tố tri thức-bên ngoài (tư duy chính trị cấp tiến của người Mỹ)  và tri thức bên trong (xã hội học công nghiệp) lên tư duy của Coser. Như vậy, Jaworski đã kết hợp tất cả bốn kiểu phụ của MU trong phân tích về tác phẩm của Coser về xung đột xã hội.

Đa số siêu lý thuyết hóa trong xã hội học không phải là MU mà đúng hơn, là kiểu thứ hai, Mp. Phần lớn các lý thuyết gia quan trọng cổ điển và đương thời đã phát triển lý thuyết của họ, ít ra là một phần, trên cơ sở của một nghiên cứu cẩn trọng về, và phản ứng với, tác phẩm của các lý thuyết gia khác. Một trong những ví dụ quan trọng nhất là lý thuyết của Marx về chủ nghĩa tư bản (xem Chương 1) đã được phát triển từ mối quan hệ có tính hệ thống với triết học Hegel cũng như các tư tưởng khác, như kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội không tưởng; lý thuyết hành động của Parsons (xem Chương 3) đã phát triển từ nghiên cứu hệ thống về tác phẩm của Durkheim, Weber, Pareto và Marshall; thuyết tân chức năng đa chiều kích của Alexander dựa trên cơ sở một nghiên cứu chi tiết về tác phẩm của Marx, Weber, Durkheim và Parsons; lý thuyết thông tin của Habermas dựa trên cơ sở của khảo cứu của ông về tác phẩm  của nhiều lý thuyết gia phê phán khác nhau, cũng như  của Marx, Weber, Parsons, Mead và Durkheim. Chúng ta hãy nhìn một cách chi tiết hơn vào Mp như nó đã được thực hành bởi hai lý thuyết gia được thảo luận trong cuốn sách này, Marx và Parsons.

Trong cuốn Các bản thảo kinh tế và triết học của năm 1844, Marx phát triển viễn cảnh lý thuyết của ông trên cơ sở một phân tích và phê phán chi tiết, cẩn trọng về các tác phẩm của các nhà kinh tế chính trị như Adam Smith, Jean Baptiste Say, David Ricardo và James Mill; các nhà triết học như G.W. Hegel, phái Hegel Trẻ (ví dụ, Bruno Bauer) và Ludwig Feurbach; các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng như Etiene cabet, Robert Owen, Charles Fourier và Pierre Proudhon; và một loạt các trường phái và nhân vật tri thức chính yếu cũng như thứ yếu khác. Dường như khá an toàn để nói rằng gần như toàn bộ tổng thể của cuốn Các bản thảo kinh tế và triết học của năm 1844 là một chuyên luận siêu lý thuyết, trong đó Marx phát triển các tư tưởng riêng của ông từ một cuộc tranh chấp với một loạt hệ thống tư tưởng.

Thế còn các tác phẩm khác của Marx thì sao? Chúng có tính thực nghiệm hơn không? Ít tính siêu lý thuyết hơn không? Trong lời nói đầu của ông cho cuốn Hệ tư tưởng Đức (Marx và Engels - 1845), Arthur diễn tả rằng tác phẩm đó chủ yếu bao gồm các “bút chiến chi tiết đến từng dòng một chống lại bài viết của một số những người cùng thời với họ (Marx và Engels)”. Trong thực tế, bản thân Marx diễn tả Hệ tư tưởng Đức như là một nỗ lực “đưa ra các khái niệm của chúng tôi để chống lại các khái niệm ý thức hệ của triết học Đức, thực tế là để đưa ra các lý giải với lương tri triết học trước đó của chúng tôi. Dự định là thực hiện trong hình thức một phê phán về triết học hậu Hegel”. Cuốn Gia đình thần thánh (Marx và Engel -1845), trên hết, là một phê phán mở rộng về Bruno Bauer, phái Hegel Trẻ và xu hướng của họ tới một “phê phán chủ nghĩa phê phán” có tính suy đoán. Trong lời nói đầu, Marx và Engel làm rõ rằng loại tác phẩm siêu lý thuyết này là một sự mở đầu cho việc xây dựng lý thuyết sắp tới của họ, “Chúng tôi đưa ra luận chiến này như là một sự mở đầu cho các tác phẩm độc lập trong đó chúng tôi… sẽ giới thiệu quan điểm thực chứng của chúng tôi”. Trong cuốn Grundrisse, Marx chọn nhà kinh tế chính trị David Ricardo và nhà xã hội chủ nghĩa Pháp Pierre Proudhon làm các đối thủ siêu lý thuyết của mình. Trong cuốn này, Marx đấu tranh để giải quyết một loạt vấn đề lý thuyết, một phần thông qua phê phán về các lý thuyết và các lý thuyết gia được nói ở đây và một phần thông qua một ứng dụng các tư tưởng xuất phát từ Hegel. Trong diễn tả về lời giới thiệu cho cuốn Grundrisse, Nicolaus nói rằng nó “phản ánh trong từng dòng của nó cuộc chiến đấu của Marx chống Hegel, Ricardo và Proudhon. Từ nó, Marx xác nhận một cách biện chứng đối tượng quan trọng hơn hết chính là các nguyên tắc cơ bản của lịch sử thành văn”. Cuốn Một đóng góp cho phê phán về kinh tế chính trị (Marx-1859), như cái tên cho thấy, là một nỗ lực để xây dựng một tiếp cận kinh tế riêng biệt trên cơ sở một phê phán về các tác phẩm của các nhà kinh tế chính trị.

Ngay cả cuốn Tư bản (1867), được thừa nhận là một trong những  tác phẩm có tính thực nghiệm nhất của Marx, vì ông xử lý một cách trực tiếp hơn thực tiễn của thế giới lao động tư bản thông qua việc sử dụng các số liệu thống kê và các báo cáo của chính phủ – được dự báo trước bởi các tác phẩm siêu lý thuyết trước đó của ông và cũng chứa đựng một siêu lý thuyết hóa nào đó của riêng nó. Thực tế, cái tiểu tựa, Một phê phán về kinh tế chính trị, hoàn toàn làm rõ các nguồn gốc siêu lý thuyết. Tuy nhiên, Marx được tự do hơn trong Tư bản để có thể thực chứng hơn, nghĩa là, để xây dựng định hướng lý thuyết riêng biệt của ông. Sự tự do này có thể truy nguyên phần nào tới việc ông đã thực hiện rất nhiều nền tảng siêu lý thuyết trong các tác phẩm trước đó. Hơn nữa, đa số các tác phẩm siêu lý thuyết mới được chuyển sang cho tập bốn của cuốn Tư bản, xuất bản dưới tiêu đề Các  lý thuyết về giá trị thặng dư (Marx-1862). Các lý thuyết bao gồm nhiều đoạn trích từ tác phẩm của các nhà kinh tế chính trị chủ yếu (ví dụ, Smith, Ricardo) cũng như phân tích phê phán của Marx đối với họ. Nói tóm lại, có thể nói một cách an toàn rằng Marx là một nhà siêu lý thuyết lớn, có lẽ là người có tính chất siêu lý thuyết nhất trong số các lý thuyết gia xã hội học cổ điển.

Cuốn Cấu trúc của hành động xã hội (1937) của Talcott Parsons có thể là một ví dụ thuần túy nhất của Mp (có lẽ ngoại trừ tác phẩm của nhà tân Parsonian, Jeffrey Alexander). Phần lớn cuốn sách này dành cho một nghiên cứu nghiêm túc về tác phẩm của Alfred Marshall, Vilfredo Pareto, Emile Durkheim và Max Weber[3]. Parsons dùng tác phẩm siêu lý thuyết này để bắt đầu đặt ra lý thuyết hành động của riêng ông. Nguồn gốc của tác phẩm của Parsons không nằm trong thế giới thực nghiệm, mà đúng hơn, theo quan điểm của ông, trong sự hội tụ các tư tưởng của các lý thuyết gia đã nhắc bên trên.

Trong thực tế, Parsons rất rõ ràng về cách tiếp cận Mp của ông. Ông xem Cấu trúc của hành động xã hội như là một “chuyên khảo thực nghiệm” và phát biểu rằng các hiện tượng dưới sự khảo sát kỹ lưỡng “có vẻ là các lý thuyết mà các cây bút xác định đã nói về các hiện tượng khác… các lý thuyết đã được thảo luận cũng chỉ là một vấn đề của thực tế như bất cứ vấn đề nào, được xác nhận bởi cùng một phương pháp, một sự quan sát. Các thực tế trong trường hợp này đã tham chiếu tới các tác phẩm đã xuất bản của các cây bút đó”. Nhưng Parsons không chỉ đơn giản muốn phân tích các lý thuyết hiện có,  nghiên cứu của ông “cũng thực hiện một lý thuyết hóa hiển nhiên cho chính nó”. Trong lời dẫn cho tái bản lần thứ hai của cuốn Cấu trúc của hành động xã hội, Parsons đưa ra một quan điểm tương tự trong việc phản ánh tác phẩm qua một thập kỷ sau kỳ xuất bản đầu của nó: “Đó là một cỗ xe thuận tiện cho sự phân loại các vấn đề và các khái niệm, các ngụ ý và các quan hệ hỗ tương. Nó là một phương tiện của việc đánh giá các tiềm năng lý thuyết tùy theo ý của chúng tôi… Sự phân loại đạt được từ đánh giá này đã mở ra các khả năng cho bước phát triển hoàn hảo xa hơn về lý thuyết để sự thúc đẩy của nó dù vì lý do gì không bao giờ cạn kiệt.”

Chỉ hai năm sau khi xuất bản tái bản lần thứ hai Cấu trúc của hành động xã hội, Parsons và Shils (với sự  trợ  giúp của Olds) làm rõ hoàn toàn các nguồn gốc siêu lý thuyết của lý thuyết về hành động cải biên. Trong cuốn Hướng tới một lý thuyết chung về hành động xã hội (1951), họ nói ngay trong ghi chú đầu tiên, theo sau bốn từ đầu tiên của đoạn văn:

Sự trình bày hiện thời của lý thuyết hành động thể hiện ở khía cạnh chủ yếu một sự cải biên và mở rộng lập trường của Parsons. Cấu trúc của hành động xã hội... đặc biệt là dưới ánh sáng của lý thuyết phân tâm học, của các phát triển trong tâm lý học hành vi, và của các phát triển trong phân tích nhân loại học của văn hóa.

Giữa Cấu trúc của hành động xã hội năm 1937 và các tác phẩm đầu năm 1950, Parsons đã điều chỉnh và thay đổi định hướng lý thuyết của ông. Những thay đổi này có thể là kết quả của các thay đổi trong thế giới xã hội, nhưng hẳn nhiên các tư tưởng lý thuyết của Parsons thay đổi khi ông tiến hành theo phương cách siêu lý thuyết các tư tưởng của một loạt các lý thuyết gia qua nhiều năm, bao gồm cả nhà tâm lý học Sigmund Freud[4], nhà nhân loại học Franz Boas[5], nhà hành vi học Edward Tolman, vv...  Trên hết, Parsons xây dựng lý thuyết của ông trên nền tảng phân tích của chính ông về các thiếu sót trong các tác phẩm thời đầu của ông, đã được các  nhà phê phán chỉ ra. Parsons làm rõ trong một tác phẩm đổi mới của ông:

Tôi phải tự lưu ý cho mình về vấn đề biến đổi xã hội. Tôi rất hạnh phúc thực  hiện điều này, vì tầm quan trọng cơ bản của chủ đề, và vì vị trí của nó trong tác phẩm của tôi đã là chủ đề của mối quan tâm đáng kể, thậm chí của sự tranh luận sôi nổi. Ngoài ra, gần đây  tôi đang dành chú ý nhiều hơn cho lĩnh vực này so với  trước kia, và một số điều mà tôi phải nói rằng tôi nghĩ là mới mẻ.

Trong khi chúng tôi đã tách riêng Marx và Parsons cho một thảo luận chi tiết, hiển nhiên tất cả các lý thuyết gia cổ điển và đương thời đều là các siêu lý thuyết gia, và cụ thể hơn, họ thực hành Mp.

Có một số ví dụ của kiểu thứ ba của siêu lý thuyết hoá, MO. Chúng bao gồm “ma trận kỷ luật” của Wallace, “mô hình xã hội học hòa hợp” của Ritzer (sẽ thảo luận sau), siêu xã hội học thực chứng của Furley, siêu xã hội học “tân biện chứng” của Gross, “logic lý thuyết chung cho xã hội học” của Alexander,  “các tiền giả định và các mô hình mẫu của nhà nước” của Lehman (xuất phát từ Alexander). Một ví dụ gần đây hơn là nỗ lực của Ritzer và Gindoff để phác họa tư tưởng của chủ nghĩa tương đối về phương pháp luận (xem tư tưởng của Bourdieu về chủ nghĩa tương đối về phương pháp luận; ví dụ, ông  nói rằng: “Tư duy trong phạm vi lĩnh vực là tư duy một cách tương đối.”) như là một sự bổ sung cho các viễn cảnh bao trùm hiện có của  phương pháp luận chủ nghĩa cá nhân và chỉnh thể luận.  Chủ nghĩa tương đối về phương pháp luận xuất phát từ một nghiên cứu các tác phẩm về  sự hòa hợp vi mô-vĩ mô và cơ quan-cấu trúc, cũng như một loạt các tác phẩm trong tâm lý học xã hội.

Tác phẩm của Wallace, Ritzer và Gindoff  rất thích hợp với phạm trù của MO vì các viễn cảnh tiên nghiệm của chúng phát sinh từ một nghiên cứu cẩn thận về lý thuyết xã hội học. Trái lại, các tác phẩm của Furley và Gross thừa nhận các định hướng bao trùm của họ là đi trước và dự báo cho lý thuyết xã hội học. Cuối cùng, các tác phẩm của Alexander và Lehman thể hiện các kiểu phức hợp với nhau. Dù có những khác biệt này, tất cả sáu  tác phẩm đều tạo ra các viễn cảnh lý thuyết bao trùm.

Ba thể loại siêu lý thuyết là các kiểu lý tưởng. Trong các trường hợp thực tế thường  có những trùng lặp đáng kể về các đối  tượng của các tác phẩm siêu lý thuyết. Dù  sao, những người thực hiện một kiểu siêu lý thuyết hoá thường có xu hướng ít chú  ý  tới việc đạt được các đối tượng của hai kiểu kia.  Dĩ nhiên, có những nhà xã hội học  lúc này lúc khác đã tiến hành cả ba kiểu  siêu lý thuyết hoá. Ví dụ, Alexander sáng tạo ra các viễn cảnh bao trùm (MO) trong tập đầu tiên của Logic lý thuyết trong xã hội học, sử dụng chúng trong ba tập tiếp theo để đạt được một nhận thức tốt hơn (MU) về các lý thuyết gia cổ điển, và sau đó tìm cách giúp đỡ cho việc sáng tạo ra thuyết tân chức năng (Mp) như là một tiền thân lý thuyết của thuyết chức năng cấu trúc (Alexnader và Colomy).

Những lợi ích từ sự siêu lý thuyết hoá
           
Siêu lý thuyết hóa cung cấp ba trợ giúp cơ bản cho lý thuyết xã hội học. Thứ nhất, MU đưa ra các phương pháp có hệ thống để nhận thức, đánh giá, phê phán và cải tiến các lý thuyết hiện có. Thứ hai, Mp là một trong nhiều nền tảng quan trọng cho việc sáng tạo ra các lý thuyết mới. Thứ ba, thông qua MO, các lý thuyết gia (cũng như các nhà thực hành và nhà khảo sát) được cung cấp các viễn cảnh lý thuyết bao trùm hữu ích. Chúng ta hãy lần lượt nhìn vào từng chức năng nói trên.

Trách nhiệm nổi bật của siêu lý thuyết hoá (MU) là đào sâu mức độ nhận thức về     mọi lý thuyết xã hội học. Trong khi có nhiều nhà xã hội học đọc lý thuyết, thường là rất ngẫu nhiên; các siêu lý thuyết gia nghiên cứu một cách có hệ thống các lý thuyết và thực hiện các nghiên cứu chi tiết (thường có tính so sánh) về một dãy các lý thuyết xã hội học. Các siêu lý thuyết gia có sự sắp xếp các công cụ cho phép họ khám phá nhiều điều về lý thuyết xã hội học vốn có thể không được thấy ở các nghiên cứu lý thuyết một cách ngẫu nhiên hơn. Ngoài việc mang đến nhận thức thấu đáo hơn về lý thuyết, siêu lý thuyết có tính hệ thống cho phép có nhiều phân tích phê phán và đánh giá thích đáng hơn về các lý thuyết đang tồn tại. Cuối cùng, và có lẽ là quan trọng nhất, các siêu lý thuyết gia có khả năng tốt hơn trong việc tìm ra các phương thức nâng cao các lý thuyết cụ thể và lý thuyết nói chung.

Công dụng của các công cụ MU cho phép các siêu lý thuyết gia tìm ra những điều thú vị, quan trọng và đôi khi đáng ngạc nhiên về các lý thuyết và các lý thuyết gia. Ví  dụ, các công cụ MU được dùng trong các phân tích so sánh cho thấy rằng lý thuyết xã hội học đã đi qua bốn giai đoạn chủ yếu trong bốn thập kỷ qua (Ritzer). Khái niệm mô hình cho phép chúng ta diễn tả những năm 1960 là đa mô hình (multiparadigmatic), với các phân loại lý thuyết và các xung đột giữa các mô hình. Sự phân biệt vi mô-vĩ mô chỉ ra sự nảy sinh các lý thuyết xã hội học vi mô những năm 1970 cũng như các nỗ lực lý thuyết trong sự  tổng hợp vi mô-vĩ mô trong những năm 1980. Các quan sát nói đến sau cùng đã đưa tới sự nhận diện về sự nảy sinh một loạt rất nhiều những nỗ lực tổng hợp trong những năm 1990.

Các phân tích này nếu đặt lại với nhau không thiết lập nên một lịch sử của lý thuyết xã hội học cận đại, nhưng chúng thể hiện một phân tích siêu lý thuyết về lịch sử đó. Chúng không được đưa ra như một thay thế cho lịch sử lý thuyết  xã hội học. Mà đúng hơn, sự kết  hợp giữa phân tích siêu lý thuyết và phân tích lịch sử trực tiếp hơn sẽ nâng cao một cách lớn lao tầm nhận thức của chúng ta về lý thuyết.

MU không chỉ nâng cao nhận thức về lý thuyết xã hội học, mà nó còn cho phép các siêu lý thuyết gia đánh giá và phê phán một cách hệ thống các lý thuyết. Ví dụ, sự khái niệm hóa vi mô-vĩ mô được sử dụng trong một kiểm tra phê phán về tác phẩm của Randall Collins về các chuỗi trình tự tương  tác cho  thấy rằng tác phẩm phạm  sai  lầm  về  phía chủ nghĩa giản hóa luận vi mô. Các tác phẩm về sau của Collins đã cố gắng điều chỉnh  sự mất cân bằng bằng cách trao cho các hiện tượng tầm quan trọng lớn hơn.

Các phân tích MU không chỉ cho phép có một nhận thức và đánh giá tốt hơn về các      thuyết mà còn có thể trực tiếp giúp nâng cao các lý thuyết xã hội học. Ví dụ, phân tích siêu lý thuyết về phong trào hướng tới các tổng hợp lý thuyết đương thời đề xuất rằng lý thuyết xã hội học sẽ được nâng cao nếu một số lý thuyết gia chuyển ra khỏi tầm nhìn hạn hẹp để hướng tới một lý thuyết cụ thể hay cấp độ phân tích. (Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả các lý thuyết gia nên hướng tới sự tổng hợp. Cũng có những lợi ích trong các viễn cảnh lý thuyết hẹp hơn). Mô hình mẫu, ví dụ, có thể là thuyết chức năng cấu trúc,  đang được nâng cao khi các tư tưởng gia tìm cách hòa hợp các nhận thức nội quan từ một loạt các viễn cảnh lý thuyết khác (ví dụ, thuyết xung đột, hiện tượng luận). Đồng thời, tiêu điểm truyền thống của thuyết chức năng cấu trúc về các hiện tượng cấp độ vĩ mô (cấu trúc xã hội, văn hoá) đang được mở rộng để bao gồm các quan tâm lớn hơn vào các hiện tượng cấp độ vi mô. Sự mở rộng hai nhánh này đang chuyển hoá thuyết chức năng cấu trúc thành thuyết tân chức năng cấu trúc và đã nâng cao ở quy mô lớn phạm vi và khả năng của nó. Từ bước phát triển này, chúng ta có thể thấy sự chiến thắng của hoặc là một thuyết tân chức năng hoà hợp hơn, hoặc là một sự phân đôi trong đó thuyết chức năng cấu trúc vẫn tận tâm với một tiêu điểm cấp độ vĩ mô và một thuyết tân chức năng cấu trúc trở nên một viễn cảnh phân biệt và có tính hòa hợp. Những điều tương tự đang diễn ra ở biên giới của nhiều viễn cảnh lý thuyết khác nhau (ví dụ,thuyết tương tác biểu tượng).

Đóng góp chủ yếu thứ hai của siêu lý thuyết hóa là việc sáng tạo lý thuyết mới. Trong khi đây là mục tiêu phân biệt của Mp, sự sáng tạo lý thuyết cũng được tạo ra từ MU. Ranh giới phân chia giữa một lý thuyết nâng cao và một lý thuyết mới thường có tính chất hoàn toàn phân biệt. Ví dụ, chúng tôi đã lập luận rằng Alexander, một phần thông qua phân tích MU, đã bắt tay vào một nỗ lực nâng cao thuyết chức năng cấu trúc. Tuy nhiên, có những người (ví dụ, Turner và Maryanski) người thấy có nhiều khác biệt giữa thuyết chức năng cấu trúc truyền thống và thuyết tân chức năng đến mức thuyết nói sau có thể xem là một lý thuyết mới.

Các tác phẩm MO cũng dẫn tới việc sáng tạo các lý thuyết mới. Các viễn cảnh bao trùm như thực chứng luận, phản thực chứng luận và hậu thực chứng luận đã giúp sinh ra một loạt các lý thuyết qua nhiều năm. Các lý thuyết như thuyết chức năng cấu trúc và thuyết trao đổi có những nguồn gốc rõ ràng trong thực chứng luận, trong khi nhiều thể loại của lý thuyết tân Marxist và hiện tượng luận có nguồn gốc nhiều hơn từ các viễn cảnh phản thực chứng luận. Hậu thực chứng luận có thể được xem là nền tảng của thuyết hậu hiện đại, thuyết hậu cấu trúc, và có lẽ ngay cả thuyết tân chức năng.

Việc sáng tạo các lý thuyết mới là chức năng của Mp. Sự phản ánh siêu lý thuyết về tác phẩm của các lý thuyết gia khác đã từng, tiếp tục là, và sẽ là một nguồn quan trọng của lý thuyết mới. Một trong những chức năng quan trọng của siêu lý thuyết hóa, đặc biệt là Mp đối với bộ môn xã hội học là sự sản xuất ra một nguồn cung ứng đều đặn và liên tục về lý thuyết mới.

Chức năng chủ yếu thứ ba của siêu lý thuyết hóa là sự sản xuất các viễn cảnh lý thuyết bao trùm. Trong khi đây là vai trò riêng biệt của MO, cả MU và Mp cũng có thể thực hiện chức năng theo cùng những phương thức. Ví dụ, tác phẩm MU về cấu trúc có tính mô hình của xã hội học dẫn tới việc sản sinh ra một định hướng tiên nghiệm, mô hình xã hội học hòa hợp. Tuy nhiên, MO, một cách đặc biệt, trực tiếp hướng tới sự sản sinh ra các viễn cảnh bao trùm. Trong một kỷ nguyên định tính bởi một tiêu điểm về các tổng hợp lý thuyết và các cấp độ phân tích hẹp, điều quan trọng là ít nhất một số nhà xã hội học tạo ra những viễn cảnh tiên nghiệm như thế (xem Antonio, Kellner). Các viễn cảnh bao trùm này có tính cơ bản trong việc ngăn chúng ta khỏi bỏ sót các thông số của lĩnh vực.

Các phê phán về siêu lý thuyết hóa

Cho tới giữa những năm 1980, các khía cạnh dễ thấy nhất của siêu lý thuyết hóa có thể là các phê phán, thường là rất nghiêm khắc, được xếp vào cấp độ của nó. Đây là một tình trạng rất hiếm trong đời sống hàn lâm - sự nảy sinh của các phê phán có tầm ảnh hưởng và hiển nhiên cao độ trước khi lĩnh vực nằm dưới sự tấn công đã được phác họa rất rõ ràng. Lĩnh vực này, ít nhất ở một trạng thái phôi thai, đã thực sự hiện diện trong mọi lúc. Nhiều tác phẩm siêu lý thuyết đã được thực hiện dưới một dãy rộng các tiêu đề khác – “xã hội học của xã hội học”, “xã hội học của khoa học”, “xã hội học của kiến thức”, “lịch sử của xã hội học” – và, đáng chú ý nhất, như là một bộ phận tích phân của lý thuyết xã hội học. Trong thực tế, phần đông các phê phán đã được thực hiện bởi các siêu lý thuyết gia gần nhất (ví dụ, R. Collins, Spocpol, J. Turner), những người có thể có một khái niệm rõ ràng về cái mà họ đang phê phán. Chúng ta hãy nhìn vào ba phê phán chính về siêu lý thuyết xã hội học.

Jonathan Turner phê phán siêu lý thuyết phần lớn là về các nền tảng thực dụng, vì, theo ông, nó “thường sa lầy trong các vấn đề nặng tính chất triết học và làm bất động việc xây dựng lý thuyết… siêu lý thuyết thường lúng túng như các hoạt động khuấy động về mặt lý thuyết vì nó lôi các lý thuyết gia vào các cuộc bút chiến có tính tranh chấp và về cơ bản là không thể giải quyết”. Về sau, Turner diễn tả siêu lý thuyết là “thú vị nhưng phản tác dụng” và cho rằng những người nghiên cứu chúng “không bao giờ tự do để phát triển lý thuyết”.

Trong đánh giá về một cuốn sách xã hội học chính trị (Alford và Friedland), Theda Spockol làm rõ rằng, theo quan điểm của bà, điều tốt và có ích trong lĩnh vực phụ là lý thuyết thực chất và khảo sát. Bà diễn tả tác phẩm của Alford và Friedland một cách miệt thị là “cả năm trăm trang sách chả có gì ngoài siêu lý thuyết”. Bà tấn công các tác giả vì sự “xếp xó” tác phẩm của các nhà xã hội học chính trị, vì lập luận cho nhu cầu đối với một lý thuyết hòa hợp rút ra từ mọi ngăn kéo nhưng không bao giờ nói rõ nó là cái gì, vì lập luận rằng các kiểu khác nhau của các tiếp cận thích hợp nhất ở các cấp độ phân tích khác nhau, và vì bỏ quên đi thực tế rằng tác phẩm tốt nhất trong xã hội học chính trị đã xử lý các quan hệ hỗ tương trong các cấp độ đó. Bà hy vọng rằng Alford và Friedland sẽ quay trở lại tác phẩm thực chất trong xã hội học chính trị, nhưng đồng thời “cầu Chúa  bảo vệ cho các nhà xã hội học chính trị khác khỏi đi lang thang vào tử địa của siêu lý thuyết”. Công dụng của cụm từ “tử địa” trong câu này, cũng như trong tiêu đề của phê bình của bà ta, ngụ ý rằng Skocpol thấy siêu hình học không có một vai trò có tính sản sinh nào đối với xã hội học.

Có lẽ phê phán thú vị nhất về siêu lý thuyết đến từ Randall Collins. Trước hết, Collins gắn siêu lý thuyết với phản thực chứng luận. Tuy nhiên, ông nhanh chóng  chuyển tới một phê phán rộng hơn:

Đối với tôi, chẳng có gì đáng ngạc nhiên là siêu lý thuyết không đi tới đâu cả; Về cơ bản nó là một đặc trưng, có khả năng đưa ra đánh giá về các lĩnh vực khác, nhưng phụ thuộc vào đời sống tri thức ở một nơi nào mà nó có thể chính thức hóa, lý tưởng hóa …  hay phê phán. Đó là lý do tại sao có quá nhiều tác phẩm ngày nay chứa toàn những phê bình các tác phẩm của quá khứ hơn là những xây dựng có tính sáng tạo về phần chúng.

Dù ông phê phán siêu lý thuyết, Collins tiếp tục thực hiện cái mà ông khinh thường: ông tiến hành một phân tích siêu lý thuyết về một loạt tác phẩm của quá khứ (gần đây).

Thay vì có kết quả trì hoãn sự phát triển của siêu lý thuyết hóa trong xã hội học như mong đợi, các phê phán được mô tả trên đây đã có các phản tác dụng, thêm khích động các nhà siêu lý thuyết và dẫn tới một sự bùng nổ các tác phẩm siêu lý thuyết.

Các bùng nổ quan tâm đối với sự siêu lý thuyết hoá hiện thời

Với ý tưởng về một sự bùng nổ trong siêu lý thuyết hóa, chúng tôi đơn giản muốn nói rằng có một mức độ gia tăng ở quy mô lớn số lượng tác phẩm siêu lý thuyết một cách hiển nhiên và tự giác. Một nghiên cứu của Fuhrman và Snizek chỉ ra mối quan tâm mạnh mẽ và lớn dần vào sự siêu lý thuyết hóa trong xã hội học trong những năm 1980. Sự tăng trưởng này đã tiếp tục kéo dài đến những năm 1990 với một danh sách nối dài các tác phẩm, các vấn đề đặc biệt của báo chí có tính chất siêu lý thuyết một cách công khai. Ngoài ra, có một tổng thể  tác phẩm, dường như đang mở rộng thêm,  xử lý một loạt vấn đề bao trùm  trong cuốn sách này, chẳng hạn sự liên kết vi mô-vĩ mô, sự hòa hợp cơ quan-cấu trúc, các tổng hợp lý thuyết, và đại loại.

Các yếu  tố liên quan đến sự trưởng thành của sự siêu lý thuyết hoá

Gần đây Ritzer đã tìm cách phác họa các lý do cho sự tăng trưởng của mối quan tâm vào sự siêu lý thuyết hóa trong xã hội học. Ba tập hợp yếu tố nhận diện ở đây có tính chủ yếu cho sự bước vào kỷ nguyên của siêu lý thuyết hóa.

(1) Các yếu tố nội tại của lý thuyết xã hội học.  Thứ nhất, thể loại của lý thuyết xã hội học, cả lý thuyết đương thời và các phê bình lý thuyết cổ điển, gia tăng gấp bội theo từng năm. Để nhận thức về xã hội học, ngày càng cần phải tiến hành các phân tích siêu lý thuyết về thể loại trước tác này. Hơn nữa, ngày càng có vẻ như đa số các nhà xã hội học không có khả năng theo kịp thể tác phẩm lớn dần này. Do vậy, có một nhu cầu ngày càng tăng đối với các chuyên gia tập trung vào các tác phẩm như thế. Mọi nhà xã hội học phải, và có thể thực hiện những tác phẩm siêu lý thuyết như thế, nhưng có những hạn chế về cái họ có thể làm, đem tới cho họ những quan tâm khác, và sự thiếu tinh thông trong các sắc thái của lý thuyết xã hội học.

Thứ hai, sự siêu lý thuyết hóa, như chúng ta đã thấy, không phải là mới đối với lý thuyết xã hội học. Tác phẩm của phần lớn các lý thuyết gia cổ điển và đương thời chủ yếu, ở mức tối thiểu, đều có hàm ý siêu lý thuyết. (Cuối Phụ lục này, chúng tôi sẽ thảo luận các đóng góp của Pierre Bourdieu, tác phẩm của ông có tính siêu lý thuyết một cách hiển nhiên và tự giác). Chúng ta đi tới nhận ra rằng một thể loại thực chất của tác phẩm siêu lý thuyết đã tồn tại và rằng các siêu lý thuyết gia đương thời có thể xây dựng trên nền tảng đó.

Thứ ba, có một ý thức ngày càng lớn về các phê phán trong lý thuyết xã hội học. Một số người quan tâm tới, ví dụ, việc dường như thiếu các tiến triển lý thuyết, bản danh sách vô tận các lý thuyết, những sai lầm của các lý thuyết gia cụ thể, và khoảng cách lớn dần giữa “lý thuyết của lý thuyết gia” (đặc biệt là siêu lý thuyết) và lý thuyết được sử dụng trong khảo sát xã hội học, cũng như khoảng cách chung hơn (cái dường như có thể gọi là một vực sâu ngăn cách) giữa lý thuyết và khảo sát.

Thứ tư là sự nảy sinh của thuyết hậu hiện đại và cái mà một số người xem là mối quan hệ thân thuộc giữa nó và siêu lý thuyết hóa. Thực tế, Weinstein và Weinstein thấy siêu lý thuyết hóa không chỉ nhất quán với thuyết hậu hiện đại, mà còn là một hình thức của thuyết hậu hiện đại:

Như là một thực hành rèn luyện trong xã hội học, siêu lý thuyết là một sự  phun trào của các hình thức trình bày hậu hiện đại trong lĩnh vực rời rạc này. Cái được nói tới một cách cụ thể bởi thuyết hậu hiện đại ở đây là thuyết phản nền tảng (antifoundationalism), sự đình chỉ phán xét về vấn đề có hay không có các định đề chân thực về việc thực tại về cơ bản là cái gì - một thực tại có thể kiểm soát và điều hành sự xây dựng lý thuyết về các giai đoạn, các khía cạnh, các phạm vi của nó. Siêu lý thuyết… không tìm kiếm định nghĩa của riêng nó về lý thuyết, thế nên nó sử dụng, lần lượt, các định nghĩa của lý thuyết đang tồn tại trong bộ môn xã hội học, kích động cho chúng chống lại nhau.

Vì nó có tính chất phản nền tảng, siêu lý thuyết hóa san bằng sân thi đấu trong xã hội học, làm cho mọi lý thuyết - cái mạnh nhất cũng như cái yếu nhất - đều thích hợp với các chủ đề nghiên cứu. Theo nghĩa này, dùng một khái niệm chủ chốt khác trong thuyết hậu hiện đại, siêu lý thuyết hóa thực hiện việc “phá hủy” của mọi lý thuyết gia xã hội học. Có thể nói, theo từ ngữ hậu hiện đại, là nó “chơi đùa”  với các văn bản đó:

Siêu lý thuyết tự do đùa cợt với lý thuyết xã hội học… Nó theo đuổi các vui thú của các văn bản và các cảnh trạng của chúng, sàng lọc và tiếp tục tái lập trật tự chúng theo một trong một sự vận dụng và tương tác không xác định của sự ngữ cảnh hóa tạm thời. Cuối cùng, nó là bãi sa mạc của xã hội học chứ không phải là bãi sa mạc của nó: một kết thúc mở chứ không phải một kết thúc chết. Và, có lẽ đây là nguyên nhân sâu xa nhất đối với bất kỳ sự oán giận nào đối với nó. Trong khi xã hội học làm việc, siêu lý thuyết chơi đùa. Nhưng sự chơi đùa của nó cũng là sự phòng ngừa cho tính tự trị của xã hội học khỏi sự giả dạng của bất kỳ hình thức tư duy nào ấn định một trình bày tổng thể hay một siêu tường thuật về lý thuyết và khảo sát. Siêu lý thuyết đặt trường hợp của nó vào sự cống hiến đó cho căn nhà bộ môn của nó.

Weinstein và Weinstein không chỉ gắn siêu lý thuyết hóa với thuyết hậu hiện đại, mà còn đề ra một sự bảo vệ tinh thần cho nó. Không có vấn đề là sự mở rộng lý thuyết hậu hiện đại trong xã hội học sẽ gắn liền với một sự chấp nhận và sử dụng phân tích siêu lý thuyết ngày càng tăng.

Cuối cùng, sự nảy sinh siêu lý thuyết hóa trong những năm 1980 và 1990 phải được gắn liền với một kỷ nguyên đang đến của một thế hệ lý thuyết gia xã hội học mới. Những người khổng lồ của lý thuyết xã hội học trong hơn nửa thế kỷ - Parsons, Gouldner, Merton, Homans, Blumer, Coser – hoặc đã chết, hoặc đã nghì hưu vào cuối những năm 1980. Thế hệ mới của các lý thuyết gia xã hội học có tính chiết trung trong cách tiếp cận hơn so với các tiền nhân thiển cận của họ. Quan trọng hơn, họ sẵn lòng chinh phục mọi lý thuyết, bao gồm của chính họ, để làm bùng nổ các phân tích và phê phán siêu lý thuyết.

(2) Các yếu tố nội tại đối với siêu lý thuyết.  Trong khi rút ra từ các tác phẩm siêu lý thuyết hiển hiện có trước (ví dụ, Parsons, Furley, Gouldner) các siêu lý thuyết gia đương thời đến chỗ thừa nhận sự yếu kém cố hữu của các tác phẩm đó. Chúng có nhiều vấn đề, nhưng quan trọng nhất là quan tâm của chúng trong việc thúc đẩy một lịch đại lý thuyết cụ thể hơn là lấy lý thuyết làm chủ đề nghiên cứu. Do vậy, J. Turner hoàn toàn đúng khi lý luận rằng “một sự siêu lý thuyết hóa như thế đã đặt cái cày đi trước con trâu”.

Một yếu tố nội tại thứ hai đối với siêu lý thuyết là thể loại tác phẩm ở quy mô lớn về các trạng thái có tính mô hình của xã hội học xây dựng trên các tác phẩm tiên phong trong triết học của khoa học của Thomas Kuhn (sẽ thảo luận sau trong Phụ lục này). Các tác phẩm này có tính siêu lý thuyết tiềm ẩn, dù chúng có tiêu điểm tương đối hẹp. Các tác phẩm về sau làm rõ rằng thể trước tác này là một phần của siêu lý thuyết, nhưng chỉ một phần nhỏ của một loạt vấn đề có thể được thực hiện từ quan điểm này. Tầm quan trọng của tác phẩm về các trạng thái mô hình của xã hội học là ở chỗ nó đóng vai trò chủ yếu trong việc dẫn đường và mở ra cánh cửa cho một loạt phân tích siêu lý thuyết rộng hơn.

Thứ ba, các vấn đề siêu lý thuyết cụ thể nảy sinh trong những năm 1980 đã đóng góp cho sự phát triển của một quan tâm rộng hơn vào các vấn đề như thế. Các vấn đề siêu lý thuyết cụ thể này bao gồm sự hòa hợp vi mô-vĩ  mô và cơ quan-cấu trúc. (xem Chương 9 và 10).

Thứ tư,  có các vấn đề siêu lý thuyết lâu dài tiếp tục có tính chất quan trọng, chẳng hạn xã hội học có thể (hoặc nên) là một khoa học hay không. Đây là sự tranh chấp giữa các nhà thực chứng và các nhà phản thực chứng (Alexander và Colomy). Vấn đề này, như cuộc tranh chấp mô hình, đã được xem như chỉ là một phần của vấn đề lớn hơn về siêu lý thuyết, và người ta nghĩ  nó sẽ giúp thiết lập nên một giai đoạn cho sự ra đời của phân tích siêu lý thuyết nói chung.

Cuối cùng, các phê phán về siêu lý thuyết nảy sinh trong xã hội học trong những năm 1980 và thay vì có ảnh hưởng bất lợi đến sự siêu lý thuyết hóa, chúng lại thúc đẩy nó. Các phê phán đưa các siêu lý thuyết gia đến chỗ vừa bảo vệ một tác phẩm như vậy vừa định nghĩa chúng tốt hơn.

(3) Các yếu tố ngoại vi đối với lý thuyết xã hội học và Siêu lý thuyết. Tác phẩm ở bên ngoài lý thuyết và siêu lý thuyết cũng đóng một vai trò trong việc phát sinh sự siêu lý thuyết hóa. Chẳng hạn, có một nhận thức tăng dần rằng các lĩnh vực khác thích ứng với sự siêu lý thuyết hóa và cần được rút ra trong việc thực hiện tác phẩm siêu lý thuyết. Các lĩnh vực này bao gồm lịch sử xã hội học (Jones); xã hội học kiến thức (Manheim); lịch sử các tư tưởng (Lovejoy); lịch sử khoa học (Crombie); lịch sử nguyên thủy Pháp về các trạng thái tâm lý  (Burke).

Một yếu tố ngoại vi thứ hai là sự tăng trưởng song hành của phân tích siêu dữ liệu và siêu phương pháp trong xã hội học. Các siêu phương pháp là sự nghiên cứu các phương pháp xã hội học; Phân tích siêu dữ liện là sự nghiên cứu các kết quả của một loạt các nghiên cứu khảo sát, thường là với đối tượng của việc tổng hợp hóa chúng. Cái mà tác phẩm này chỉ ra, khi xem xét các tác phẩm siêu lý thuyết, là một ý thức ngày càng tăng băng qua xã hội học (và các bộ môn khác) về nhu cầu đối với siêu phân tích đối với nhiều kiểu khác nhau.

“Phân tích xã hội học” của Pierre Bourdieu

Một siêu lý thuyết gia đương thời (dù ông ta có thể cự lại cái tên đó, hay nói đúng hơn là mọi cái tên) là Pierre Bourdieu. Ông kêu gọi một xã hội học có tính phản ánh: “Đối với tôi, xã hội học cần phải có tính chất siêu (meta) nhưng luôn luôn đối diện với chính bản thân nó. Nó phải sử dụng các phương tiện của riêng nó để tìm ra nó là cái gì và nó đang làm gì, để cố gắng hiểu biết tốt hơn vị trí của nó”. Hay, sử dụng một cái tên cũ hơn và ít tính xác định  hơn (xã hội học của xã hội học) cho siêu lý thuyết, Bourdieu nói, “xã hội học của xã hội học là một chiều kích cơ bản của nhận thức luận”. Các nhà xã hội học sử dụng nghề nghiệp của mình để ”đối tượng hóa” thế giới xã hội, cũng nên dành một phần thời gian để đối tượng hoá các thực hành của riêng họ. Do vậy, xã hội học tiếp tục quay các vũ khí khoa học do chính nó sản xuất  ra vào chính nó.  Bourdieu thậm chí bác bỏ một số siêu lý thuyết hoá xác định (ví dụ, các hình thức xã hội-bên trong và tri thức-bên trong của MU) như là một “sự trở lại hài lòng trên cá nhân riêng tư của nhà xã hội học hay với một cuộc tìm kiếm Zeitgheist tri thức đã kích hoạt tác phẩm của  anh ta”.Tuy nhiên, một sự bác bỏ những loại siêu lý thuyết hoá cụ thể nào đó không thể hiện cho một sự bác bỏ sự thực hiện trong tổng thể của nó. Rõ ràng, theo logic của cuốn Homo academicus, Bourdieu ủng hộ việc xem xét tập tính và những thực hành của các nhà xã hội học trong phạm vi các lĩnh vực của xã hội học như là một bộ môn và thế giới hàn lâm, cũng như mối quan hệ giữa các lĩnh vực đó và các lĩnh vực của sự phân tầng và chính trị. Cuốn Sự phân biệt của ông dẫn Bourdieu tới việc liên hệ bản thân với các chiến lược của cá nhân các nhà xã hội học, cũng như với bản thân bộ môn, để đạt được sự phân biệt. Ví dụ, cá nhân các nhà xã hội học có thể sử dụng biệt ngữ để đạt được địa vị cao trong lĩnh vực, và xã hội học tự bao lấy chính nó trong một tấm  áo choàng của khoa học để nó có thể đạt được sự phân biệt có quan hệ với thế giới của sự thực hành. Thực tế, Bourdieu đã quả quyết rằng các xác quyết khoa học của xã hội học và các môn khoa học khác “thực sự là các xác quyết về quyền lực được diễn đạt bằng những ngôn ngữ riêng biệt”. Tất nhiên, lập trường này là những ngụ ý bất lợi cho tác phẩm của chính Bourdieu:

Vấn đề chính của Bourdieu trong những năm 1980 là việc duy trì quyền lực biểu tượng của ông trong khi đồng thời xói mòn dần tính chất khoa học mà trên đó nó đã được tạo lập nên. Một người nào đó có thể nói rằng ông ta đã cột chiếc thòng lọng quanh cổ của mình và đá văng đi chiếc ghế dưới chân. (Robbins)

Đưa ra sự tận tâm của ông đối với khảo sát thực nghiệm với thông tin khoa học, Bourdieu cũng ít có sự kiên nhẫn với phần lớn, nếu không phải là tất cả, các hình thức của MO, mà ông đã diễn tả là “sự siêu trình bày phổ quát về kiến thức của thế giới”. Nói chung hơn, Bourdieu bác bỏ siêu lý thuyết hoá với ý nghĩa một thực hành tự trị, tách rời khỏi sự xây dựng lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm về thế giới xã hội.

Bourdieu tạo ra một  trường hợp xây dựng siêu lý thuyết thú vị khi ông lý luận rằng các nhà xã hội học cần phải “tránh trở thành đồ chơi của các lực lượng xã hội trong thực hành (của họ) về xã hội học”. Cách duy nhất để tránh một vận mệnh như thế là thấu hiểu bản chất của các lực lượng tác động lên nhà xã hội học ở một thời điểm nào đó trong lịch sử.  Các lực lượng như thế chỉ có thể nhận thức thông qua phân tích siêu lý thuyết, hay cái mà Boiurdieu gọi là “phân tích xã hội” (socioanalyst). Một khi nhận thức được bản chất của các lực lượng (đặc biệt là xã hội-bên ngoài và tri thức-bên ngoài) vận hành bên trên họ, họ có thể ở một vị trí tốt hơn để kiểm soát tác động của các lực  lượng đó lên tác phẩm của họ. Như Bourdieu nhận định, trong phạm vi cá  nhân, ”Tôi tiếp tục  sử dụng xã hội học để cố gắng thanh lọc tác phẩm của tôi về... các yếu tố quyết định xã hội”. Như vậy, mục đích của siêu lý thuyết theo quan điểm của Bourdieu không phải là làm xói mòn xã hội, mà là giải phóng nó khỏi các lực lượng quyết định nó. Tất nhiên, điều Bourdieu nói về các nỗ lực của ông cũng chân thực tương đương với các nỗ lực  siêu lý thuyết hoá nói chung. Trong khi ông cố gắng hạn chế ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài lên tác phẩm của mình, Bourdieu nhận thức được những giới hạn của các nỗ lực đó:  “Không hề có phút nào tôi tin tưởng hay quả quyết rằng tôi hoàn toàn tự do khỏi chúng (các yếu tố quyết định xã hội)”.

Tương tự, Bourdieu ao ước giải phóng các nhà xã hội học khỏi bạo lực biểu tượng đang cố chống lại họ bởi các nhà xã hội học khác mạnh hơn. Đối tượng này mời gọi các phân tích tri thức-bên trong và xã hội-bên trong về xã hội học để phát hiện ra các nguồn gốc và bản chất của bạo lực biểu tượng đó. Một khi nó đã được thấu hiểu, các nhà xã hội học có thể  ở trong một vị trí tốt hơn để thực hành “sự cảnh giác về mặt nhận thức luận” để tự bảo vệ họ khỏi các áp lực xuyên tạc.

Cái có tính chất nổi bật nhất về cách tiếp cận siêu lý thuyết  của Bourdieu là sự từ chối phân cách siêu lý thuyết khỏi các mặt khác của xã hội học. Nghĩa là, ông tin rằng các nhà xã hội học nên tiếp tục có tính phản ánh như khi họ thực hiện phân tích xã hội học. Họ nên phản ánh về cái họ đang thực hiện, và đặc biệt là về việc những gì họ đang xem xét    có thể bị xuyên tạc như thế nào trong quá trình phân tích. Sự phản ánh này sẽ hạn chế "bạo  lực biểu tượng” chống lại các đề tài nghiên cứu.

Mặc dù Bourdieu thực hiện một loại tác phẩm siêu lý thuyết riêng biệt, rõ ràng là tác phẩm của ông, ít nhất là phần nào, có tính chất siêu lý thuyết. Đưa ra tầm quan trọng ngày càng tăng của ông trong lý thuyết xã hội, sự gắn liền của tác phẩm Bourdieu với siêu lý thuyết hoá có lẽ đã đóng góp nhiều hơn cho sự tăng dần mối quan tâm vào sự siêu lý thuyết hoá trong xã hội học.

Với cái nhìn tổng quát này, bây giờ chúng tôi  quay lại cách tiếp cận đặc thù siêu lý thuyết đã tạo thành nền tảng cho cuốn sách này. Như sẽ được làm rõ hơn, nó bao gồm một sự kết hợp của MU và MO. Chúng tôi bắt đầu với một sơ lược tóm tắt về tác phẩm của Thomas Kuhn, và rồi chúng tôi sẽ kiểm tra phân tích (MO) của Ritzer về các mô hình xã hội học. Cuối cùng, chúng tôi điểm lại công cụ siêu lý thuyết – mô hình xã hội học hòa hợp (MO) -  đó là nguồn của các cấp độ phân tích được sử dụng để phân tích các lý thuyết xã hội học xuyên suốt cuốn sách này.

CÁC TƯ TƯỞNG CỦA THOMAS  KUHN

Trong năm 1962 nhà triết học Thomas Kuhn xuất bản một tập sách khá mỏng nhan đề Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học. Vì tác phẩm này xuất phát từ triết học, nó có vẻ là nằm ngoài lề xã hội học, đặc biệt là vì nó tập trung vào các môn khoa học cứng (ví dụ, vật lý) và ít khi trực tiếp nói về các khoa học xã hội. Tuy nhiên, các luận đề của cuốn sách chứng tỏ nó cực kỳ thú vị đối với mọi người ở một loạt các lĩnh vực (ví dụ, Hollinger về lịchsử; Searle về ngôn ngữ học;  Stanfield về kinh tế học), và  nó không quan trọng với ai cho bằng các nhà xã hội học. Năm 1970, Robert Friedrichs xuất bản tác phẩm quan trọng đầu tiên về một viễn cảnh Kuhnian, Một xã hội học của xã hội học. Từ đó có một dòng chảy đều đặn tác phẩm  từ viễn cảnh này. Không còn ngờ gì nữa rằng lý thuyết Kuhn là một thể loại quan trọng của MU, nhưng chính xác cách tiếp cận của Kuhn là gì?

Một trong những mục tiêu của Kuhn trong Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học là thách thức các giả thiết thường được đưa ra về cách thức biến đổi của khoa học. Theo quan điểm của phần lớn người thường và nhiều nhà khoa học, khoa học tiến bộ theo một phương thức tích lũy, mà mỗi bước tiến được xây dựng một cách cứng nhắc từ cái có trước nó. Khoa học đã đạt được trạng thái hiện nay của nó qua sự lớn dần và chậm chạp của kiến thức.  Nó sẽ tiến bộ lên những tầm cao lớn hơn trong tương lai. Khái niệm này về khoa học đã được nhà vật lý  Isaac Newton phát biểu, ông nói rằng: "Nếu tôi đã nhìn thấy xa hơn, đó là vì tôi đứng trên vai của những người khổng lồ. Nhưng Kuhn xem khái niệm về sự phát triển khoa học thông qua tích lũy này là một huyền thoại và tìm cách hạ bệ nó.

Kuhn ghi nhận rằng sự tích lũy đóng vai trò nào đó trong sự tiến bộ của khoa học, nhưng các biến đổi chủ yếu thật sự đến như là một kết quả của các cuộc cách mạng. Kuhn đưa ra một lý thuyết giải thích các biến đổi chủ yếu trong khoa học đã diễn ra như thế nào. Ông thấy khoa học ở bất cứ thời điểm đưa ra nào bị thống trị bởi một mô hình cụ thể (được xác định vào lúc đó như  là một hình ảnh cơ sở về vấn đề chủ thể khoa học). Khoa học bình thường là một giai đoạn của sự tích lũy kiến thức, trong đó các nhà khoa học lao động để mở rộng mô hình đang thịnh hành. Một lao động khoa học như thế không thể tránh khỏi sinh ra những cái dị thường, hoặc những phát hiện không thể lý giải bởi mô hình đang thịnh hành. Một giai đoạn khủng hoảng xảy ra nếu  những cái dị thường này tăng lên và sự khủng hoảng này có thể cuối cùng kết thúc bởi một cuộc cách mạng khoa học. Mô hình đang thịnh hành bị lật đổ khi một mô hình mới chiếm lấy vị trí của nó ở trung tâm của khoa  học. Một mô hình thống trị mới được sinh ra, và giai đoạn được thiết lập để chu kỳ tự nó lặp lại. Lý thuyết Kuhn có thể được mô tả theo sơ đồ như sau:







Chính trong các thời kỳ cách mạng mà các biến đổi thực sự lớn lao trong khoa học đã xảy ra. Quan điểm này rõ ràng đặt Kuhn vào chỗ xung đột với phần lớn các khái niệm về sự phát triển khoa học.

Khái niệm chủ yếu trong tiếp cận của Kuhn, cũng như trong phần này, là mô hình. Không may là, Kuhn mơ hồ về cái mà ông muốn nói thông qua một mô hình. Theo Margaret Masterman, ông đã sử dụng nó  trong ít nhất hai mươi mốt cách thức khác nhau. Chúng tôi sẽ sử dụng một định nghĩa về mô hình mà chúng tôi cảm thấy đúng với ý nghĩa và tinh thần của tác phẩm thời đầu của Kuhn.

Một mô hình giúp phân biệt được một tập hợp khoa học này với một tập hợp  khoa học khác. Nó có thể được sử dụng để phân biệt vật lý với hóa học, hay giữa xã hội học và tâm lý học. Các lĩnh vực này có những mô hình khác nhau. Nó cũng có thể được dùng để phân biệt giữa các giai đoạn lịch sử khác nhau trong sự phát triển của một khoa học. Mô hình đã thống trị môn vật lý trong thế kỷ 19 khác với mô hình thống trị nó vào đầu thế kỷ 20. Có một công dụng thứ ba của khái niệm mô hình, và chính nó là cái có ích nhất cho chúng tôi ở đây: Các mô hình có thể phân biệt các nhóm nhận thức trong phạm vi một môn khoa học. Các nhà phân tâm học đương thời, ví dụ, được phân biệt thành các mô hình theo  Freud, theo Jung và theo Horney (trong nhiều người khác) – nghĩa là, có vô số mô hình trong phân tâm học - và điều này cũng đúng với xã hội học và phần lớn các lĩnh vực khác.

Giờ đây, chúng tôi có thể đưa ra một định nghĩa về mô hình mà chúng tôi cảm thấy đúng với ý nghĩa và tinh thần của tác phẩm nguyên thủy của Kuhn:

Một mô hình (paradigm) là một sự hình dung có tính chất cơ sở về vấn đề chủ đề trong phạm vi một môn khoa học. Nó giúp xác định được cái nên nghiên cứu, câu hỏi nên đặt ra, cách thức hỏi nên như thế nào, và các nguyên tắc nào cần phải theo trong việc diễn dịch các câu trả lời đã có được. Mô hình là đơn vị rộng nhất của sự liên ứng trong phạm vi một môn khoa học và giúp phân biệt một tập hợp khoa học (hay tập hợp phụ) với tập hợp khác. Nó gộp vào, xác định và tương tác các mẫu, các lý thuyết, các phương pháp và phương  tiện tồn tại bên trong nó. (Ritzer)

Với định nghĩa này chúng tôi có thể bắt đầu xem mối quan hệ giữa các mô hình và các lý thuyết. Các lý thuyết chỉ là một phần của các mô hình lớn. Nói cách khác, mô hình có thể bao gồm hai hay ba lý thuyết, cũng như các sự hình dung khác nhau về các chủ đề, các phương pháp (và các phương tiện), các mẫu nghiên cứu (các tác phẩm khoa học cụ thể tiêu biểu cho một kiểu mẫu cho tất cả những ai theo nó). Một đối tượng của Phụ lục này là nhận diện các mô hình cơ bản trong xã hội học.

XÃ HỘI HỌC: MỘT KHOA HỌC ĐA-MÔ HÌNH
       
Ý tưởng rằng xã hội học là một khoa học đa mô hình đã nhận được một số ủng hộ thực nghiệm, nhưng phần lớn  các phân tích về  các trạng thái mô hình của xã hội học là có tính chất khái niệm.

Trong ứng dụng có tính hệ thống sớm nhất các tư tưởng của Kuhn đối với xã hội học, Robert Friedrichs giới thiệu hai hình dung khác nhau về các trạng thái mô hình của xã hội học, nhưng cả hai đều xác quyết ý tưởng rằng xã hội học là một khoa học đa mô hình. Ở một cấp độ, Friedrichs lý luận rằng dù có sự liên ứng lớn hơn trong quá khứ, xã hội học vẫn có sự phân cách rộng lớn giữa một mô hình hệ thống (nhấn mạnh vào sự hòa hợp và sự liên ứng xã hội) và một mô hình xung đột (nhấn mạnh vào sự phân hủy và sự áp bức) với một loạt các viễn cảnh khác có ý nghĩa  là các mô hình tiềm ẩn. Các mô hình này dựa trên các sự hình dung có tính chất cơ sở về chủ đề của xã hội học, nhưng Friedrichs coi chúng chỉ có tầm quan trọng thứ yếu so với hai mô hình khác tập trung vào các hình dung của các nhà xã hội học về bản thân họ như là các tác nhân khoa học. Có các mô hình tiên tri (prophetic) và linh mục (priestly). Trong khi các nhà xã hội học tiên tri nhận thức về bản thân họ như là những tác nhân của các biến đổi xã hội, các nhà xã hội học linh mục cho bản thân họ là  các khoa học gia “tự do-giá trị”. Điểm chủ yếu đối với mục đích của chúng tôi là, dù Friedrichs nhìn vào các hình dung về chủ đề hay nhìn vào các hình dung về bản thân các nhà xã hội học, ông cũng kết luận rằng xã hội học là một khoa học đa mô hình.

Andrew Effrat rõ ràng tự xếp bản thân ông cùng tuyến với những người xem xã hội học là một khoa học phức tạp, dù ông nhầm lẫn các lý thuyết cụ thể hơn với các mô hình. Ông kết thúc với một danh sách nặng nề các mô hình, bao gồm lý thuyết Marxian, Freudian, Durkheimian, Weberian, hiện tượng luận, phương pháp luận thực hành, thuyết tương tác biểu tượng, thuyết trao đổi. Như chúng ta sẽ thấy, tất cả các lý thuyết này tốt nhất nên được xem là các thành tố lý thuyết của các mô hình đa dạng của xã hội học, nhưng Effrat đã đi đúng hướng trong hình dung đa mô hình về xã hội học của ông.

Eisenstadt và Curelaru phân biệt giữa hệ thống khép kín, riêng biệt và các mô hình hệ thống mở. Họ định khung các mô hình của họ trong phạm vi của phát triển lịch sử của lĩnh vực. Cái sớm nhất là mô hình riêng biệt (discrete paradigm), tập trung vào các thực thể riêng biệt, phân cách, ví dụ các thuộc tính sinh học, kích cỡ các nhóm, hay các đặc điểm chủng tộc và tâm lý. Đưa ra sự hình dung này về thế giới như là một tập hợp các đơn vị riêng lẻ, những người hoạt động trong mô hình này khó mà xử lý được các vấn đề có tính liên quan với nhau như sự nảy sinh, sự cải tiến và sự sáng tạo. Mô hình đầu tiên và sơ khai này chỉ còn là một dấu chấm nhỏ trên sự phát triển của xã hội học và tồn tại đến ngày nay chỉ trong các lĩnh vực riêng lẻ. Về mặt lịch sử, nó bị thay thế bởi mô hình hệ thống-khép kín (closed-system model), những người tán thành nó xem xã hội bao gồm các nguyên tố cách biệt, nhưng có liên quan với nhau. Những người vận hành trong mô hình này có xu hướng xem một nguyên tố có tính chất thống trị các nguyên tố khác. Theo quan điểm của Eisenstadt và Curelaru (nhưng không phải của tác giả ), Marx vận hành trong mô hình này với sự nhấn mạnh của ông vào bộ phận kinh tế. Mô hình này bị thay thế bởi mô hình hệ thống-mở (open-system model), tập trung vào các “động lực thuộc hệ thống bên trong, các liên kết qua lại, các quá trình hồi quy tiếp diễn giữa các thành tố của trật tự xã hội”.  Dù sự tiến hóa của các mô hình này theo “một khuynh hướng không đơn giản, tự nhiên và có tính lịch đại”, và có “một sự trùng lặp về mặt thời gian và hoạt động đáng kể của nhiều cách tiếp cận”, trong quan điểm của Eisenstadt và Curelaru, có một khuynh hướng lâu dài hướng tới mô hình hệ thống-mở.

Charles Lemert lý luận rằng thay vì bị bao gồm trong các mô hình phức tạp, xã hội học có tính thống nhất trong đồng tâm luận (homocentrism) của nó, “ý tưởng riêng biệt của thế kỷ 19 cứ khăng khăng rằng con người là cái đo lường mọi thứ”. Có thể đặt câu hỏi rằng xã hội học có thống nhất quanh một mối quan tâm đối với con người hay không. Một kết luận hợp lý tương đương là có những mô hình phức tạp trong xã hội học và nguồn gốc của các khác biệt của chúng là những diễn dịch đa dạng của chúng về loài người. Theo  quan điểm của tác giả, thuyết đồng tâm luận và các mô hình phức tạp không phải là các ý tưởng loại trừ lẫn nhau.

Lemert  kết luận rằng dù chúng có tính chất đồng tâm, các kiểu hình khác nhau của sự trình bày xã hội học thể hiện các khác biệt quan trọng về mặt mô hình. Ông phân biệt chúng dựa trên một nền tảng ngôn ngữ học. Thứ nhất là xã hội học từ vựng (lexical sociology), có tính chất cơ bản về mặt kỹ thuật trong định hướng. Thứ hai là xã hội học ngữ nghĩa (semantical sociology), tập trung vào sự diễn dịch về ý nghĩa mà chỉ có con người có khả năng tạo ra (loài vật thì không). Cuối cùng, là xã hội học cú pháp (syntactical sociology), có tính chất chính trị nhiều hơn trong định hướng của nó đối với xã hội học. Như vậy, đối với Lemert, có các mô hình phức tạp, ít nhất là trong xã hội học hiện thời.

Các mô hình xã hội học chủ yếu

Mặc dù tất cả các viễn cảnh nói trước có một mức độ ích lợi nào đó, chính tác phẩm thời đầu của tôi về các trạng thái mô hình của xã hội học (Ritzer), cung cấp cơ sở cho viễn cảnh siêu lý thuyết, đã dẫn dắt cho sự phân tích lý thuyết xã hội học xuyên suốt cuốn sách này. Như phần lớn các lý thuyết gia đã thảo luận ở các phần trước, tôi nhận thức về xã hội học như là một khoa học đa mô hình. Theo quan điểm của tôi, có ba mô hình ngự trị xã hội học, với nhiều mô hình khác có tiềm năng đạt được các trạng thái mô hình. Tôi gọi ba mô hình đó là các mô hình sự kiện xã hội (social-facts), định nghĩa xã hội (social definition), và hành vi xã hội (social-behavior). Mỗi mô hình được phân tích trong phạm vi bốn thành tố của một mô hình, đã được mô tả trong định nghĩa đưa ra ở phần trước.

Mô hình các sự kiện xã hội

1        Mẫu (exemplar): Kiểu mẫu cho các nhà sự kiện xã hội là tác phẩm của Emile Durkheim, đặc biệt là cuốn Các nguyên tắc của Phương pháp xã hội học và cuốn Sự tự sát.
2        Sự hình dung về chủ đề: các nhà sự kiện xã hội tập trung vào cái mà Durkheim gọi là các sự kiện xã hội, hay các cấu trúc xã hội quy mô lớn và các thể chế. Những người tán thành mô hình này tập trung không chỉ vào các hiện tượng này mà cả vào ảnh hưởng của chúng lên tư duy và hành động của cá thể.
3        Các phương pháp: Các nhà sự kiện xã hội có vẻ sẽ sử dụng phương pháp phỏng vấn-trắc nghiệm hơn là những người tán thành các mô hình khác.
4        Các lý thuyết: Mô hình các sự kiện xã hội bao gồm một số viễn cảnh lý thuyết. Các lý thuyết gia chức năng cấu trúc có xu hương xem các sự kiện xã hội tương tác một cách gọn gàng và trật tự khi được duy trì bởi sự liên ứng chung. Các lý thuyết gia xung đột có xu hướng nhấn mạnh đến sự rối loạn giữa các sự kiện xã hội cũng như nhận thức rằng trật tự được duy trì bởi các lực lượng áp bức trong xã hội. Dù thuyết chức năng cấu trúc và thuyết xung đột là các lý thuyết thống trị trong mô hình này, cũng còn có các lý thuyết khác, bao gồm lý thuyết hệ thống.

Mô hình định nghĩa xã hội

1        Mẫu: đối với các nhà định nghĩa xã hội, mô hình thống nhất là tác phẩm của Max Weber về hành động xã hội.
2         Sự hình dung về chủ đề: Tác phẩm của Weber giúp dẫn tới một sự chú ý trong các nhà định nghĩa xã hội vào cách thức các actor định nghĩa các hoàn cảnh xã hội của họ và ảnh hưởng của các định nghĩa này sau hành động và sự tương tác.
3        Các phương pháp: Các nhà định nghĩa xã hội dù dường như thích sử dụng phương pháp phỏng vấn-trắc nghiệm nhất, có vẻ sẽ sử dụng phương pháp quan sát hơn những người theo các mô hình khác. Nói cách khác, sự quan sát là phương pháp luận riêng biệt của các nhà định nghĩa xã hội.
4        Các lý thuyết: Có một số lớn các lý thuyết có thể bao gồm trong viễn cảnh này: lý thuyết hành động, thuyết tương tác biểu tượng, hiện tượng luận, phương pháp luận thực hành và thuyết hiện sinh.

Mô hình hành vi xã hội

1        Mẫu: Kiểu mẫu cho các nhà hành vi xã hội là tác phẩm của nhà tâm lý học B.F. Skinner.
2         Sự hình dung về chủ đề: Chủ đề của xã hội học đối với các nhà hành vi xã hội là hành vi không suy nghĩ của các cá thể.  Sư chú ý đặc biệt là ở các tưởng thưởng gợi ra các hành vi mong đợi và các trừng phạt ngăn cấm các hành vi không mong đợi.
3        Các phương pháp: Phương pháp riêng biệt của các nhà hành vi xã hội là thực nghiệm.
4        Các lý thuyết:  Có hai cách tiếp cận lý thuyết có thể bao gồm dưới cái tiêu đề “thuyết hành vi xã hội”. Thứ nhất là xã hội học hành vi, rất gần với chủ nghĩa hành vi tâm lý học thuần túy. Thứ hai, quan trọng hơn nhiều, là thuyết trao đổi.

  HƯỚNG TỚI MỘT MÔ HÌNH XÃ HỘI HỌC HÒA HỢP HƠN

Ngoài việc nêu chi tiết bản chất của các mô hình phức tạp của xã hội học, tôi tìm kiếm trong tác phẩm thời đầu của mình để thu xếp cho sự hòa hợp về mặt mô hình hơn trong xã hội học. Dù có lý do để các mô hình hiện có tiếp tục tồn tại, cũng có một nhu cầu đối với một mô hình hòa hợp hơn. Trái với một than phiền của Nash và Wardell, tôi không lập luận cho một quan điểm lãnh đạo mới trong xã hội học; Tôi không lý luận rằng “sự đa dạng hiện nay thể hiện một điều kiện gây rắc rối cần phải loại trừ”. Trái lại, tôi lý luận cho sự đa dạng nhiều hơn nữa thông qua sự phát triển của một mô hình hòa hợp để bổ sung cho các mô hình hiện có. Như  Nash và Wardell, tôi ủng hộ sự đa dạng về lý thuyết.

Các mô hình hiện có có xu hướng một chiều, tập trung vào các cấp độ cụ thể của phân tích xã hội trong khi ít hoặc không chú ý tới các cấp độ khác. Đặc tính này được phản ánh trong quan tâm của các nhà sự kiện xã hội tới các cấu trúc vĩ mô; các nhà định nghĩa xã hội tới hành động, sự tương tác, và cấu trúc xã hội của thực tại; và các nhà hành vi xã hội tới hành vi. Chính kiểu một chiều này đã đưa tới cái mà tôi xem là một quan tâm đang tăng dần vào một cách tiếp cận hòa hợp hơn giữa các nhà xã hội học khác nhau. (Đây chỉ là một phần của cái mà tôi gọi là một mối quan tâm tới sự hòa hợp trong phạm vi và giữa nhiều môn khoa học xã hội, xem Mitroff và Kilmann). Ví dụ, Robert Merton, đưa ra một chủ nghĩa sự kiện xã hội, thấy nó và chủ nghĩa định nghĩa xã hội làm phong phú lẫn nhau,  cũng như “chống lại nhau theo cùng một ý nghĩa như  thịt đùi với trứng; chúng được coi là khác biệt nhau, nhưng làm phong phú cho nhau”. Trong số các nhà định nghĩa xã hội, Hugh Mehan và Houston Wood lý luận rằng một thành tố lý thuyết của chủ nghĩa định nghĩa xã hội (phương pháp luận thực hành) thừa nhận rằng ít nhất có một nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa kiện xã hội, “thực tại của một thế giới bên ngoài và có tính kềm hãm”. Trong số các nhà hành vi học xã hội, Arthur Staats tìm các hòa hợp  các quá trình sáng tạo tinh thần (một nguyên tố chủ yếu của chủ nghĩa định nghĩa xã hội) với chủ nghĩa hành vi truyền thống. Việc kêu gọi một mô hình hòa hợp hơn rõ ràng là quan trọng, nhưng điều cần thiết là một nỗ lực để phác họa ra một mô hình như thế trông như thế nào.

Việc chủ yếu đối với một mô hình hòa hợp là nhận thức về các cấp độ của phân tích xã hội. Như bạn đọc nhận thức rất rõ, thế giới xã hội không thực sự được chia thành các cấp độ. Thực tế, thực tại xã hội tốt nhất nên được xem là một sự đa dạng lớn lao các hiện tượng xã hội có liên quan đến các tương tác và biến đổi đang tiếp diễn. Các cá thể, các nhóm, các gia đình, các chế độ bàn giấy, chính trị và vô số các hiện tượng xã hội linh tinh khác thể hiện một dãy hiện tượng nhiều đến đáng kinh ngạc đã thiết lập nên thế giới xã hội. Cực kỳ khó khăn để có cách xử lý một số lượng quá lớn các hiện tượng xã hội thâm nhập lẫn nhau. Một loại lược đồ khái  niệm nào đó rõ ràng là cần thiết, và các nhà xã hội học đã phát triển một số lượng lược đồ như thế trong một nỗ lực để giải quyết thế giới xã hội. Ý tưởng về các cấp độ của thế giới xã hội được sử dụng ở đây nên được xem là một trong số rất nhiều lược đồ như thế, có thể, và đã từng, được sử dụng để xử lý các tính chất phức tạp của thế giới xã hội.

Các cấp độ phân tích xã hội: Một phê bình về nền trước tác

Dù ý tưởng về các cấp độ tiềm ẩn trong phần lớn của xã hội học, nó nhận được tương đối ít các chú ý hiển nhiên. (Tuy nhiên, gần đây dường như đã gia tăng mối quan tâm đến vấn đề này như đã phản ánh, ví dụ, trong tác phẩm của Hage và Whitmeyer và nhận thức về “kiểu hình đa cấp độ” của ông). Trong việc tập trung vào các cấp độ ở đây, chúng tôi không có mục đích gì khác hơn ngoài việc làm rõ ra cái còn tiềm ẩn trong xã hội học.    

Đoạn kết của Phụ lục này sẽ đưa ra một sự khái niệm hóa về các cấp độ chủ yếu của phân tích xã hội. Một nhận thức tương thích về sự khái niệm hóa này đòi hỏi một số phân biệt cơ bản. Như bạn sẽ thấy, có hai thể liên tiến của thực tại xã hội có ích trong sự phát triển các cấp độ chủ yếu của phân tích xã hội. Thứ nhất là thể liên tiến vi mô-vĩ mô. Tư duy về thế giới xã hội theo nghĩa được tạo ra từ một chuỗi các thực thể, kéo dài từ các thực thể quy mô lớn đến các thực thể quy mô nhỏ là việc tương đối dễ dàng, vì nó rất quen thuộc. Phần lớn mọi người trong cuộc sống hàng ngày của họ nhận thức về thế giới xã hội trong phạm vi này. Trong thế giới hàn lâm, một số tư tưởng gia đã làm việc với một thể liên tiến vi mô-vĩ mô (bao gồm Alexander, Blalock và Wilken, Bosserman, Edel, Gurvitch, Johnson, Korenbaum, Ritzer, Wagner). Đối với người bình thường cũng như giới hàn lâm, thể liên tiến này dựa trên ý tưởng giản đơn rằng các hiện tượng xã hội rất khác biệt nhau về kích cỡ. Ở đầu vĩ mô của thể liên tiến là các hiện tượng xã hội quy mô lớn như các nhóm của các xã hội (ví dụ, các hệ thống-thế giới tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa), các xã hội, các nền văn hoá. Ở giữa là một dãy rộng các nhóm, các tập thể, các giai cấp xã hội, các tổ chức. Chúng tôi gặp một ít khó khăn để nhận ra các phân biệt này và để tư duy về thế giới trong phạm vi vi mô-vĩ mô. Không có một giới tuyến rõ ràng giữa các đơn vị xã hội vi mô và các đơn vị vĩ mô. Thay vì thế, có một thể liên tiến kéo dài từ đầu vi mô tới đầu vĩ mô.

Thể liên tiến thứ hai là chiều kích khách quan-chủ quan của phân tích xã hội. Ở mỗi đầu của thể liên tiến vi mô-vĩ mô, chúng ta có thể phân biệt giữa các thành tố khách quan và chủ quan. Ở đầu vi mô, hay cá thể, có các hiện tượng tinh thần chủ quan của một actor và các khuôn mẫu khách quan của hành động và tương tác mà cá thể thực hiện. Tính chủ quan ở đây chỉ một cái gì đó diễn ra một cách duy nhất trong lĩnh vực của các tư tưởng; tính khách quan có liên quan tới các sự kiện có thật, vật chất. Sự phân biệt tương tự được tìm thấy ở đầu vĩ mô của thể liên tiến. Một xã hội được tạo ra từ các cấu trúc khách quan, như  các chính phủ, các chế độ bàn giấy, và luật pháp; và các hiện tượng chủ quan, như các tiêu chí và các giá trị. Thể liên tiến khách quan-chủ quan phức tạp hơn nhiều so với thể liên tiến vi mô-vĩ mô, và như chúng ta sẽ thấy, thậm chí nó còn phức tạp hơn là được ngụ ý trong giới thiệu này. Để gạn lọc các vấn đề và làm việc hướng tới sự phức tạp lớn hơn, chúng  ta  hãy nhìn vào một ví dụ cụ thể, cũng như vào tác phẩm của một số nhà xã hội học về thể liên tiến khách quan-chủ quan.

Hãy xem xét việc mua một chiếc ô-tô mới. Ở cấp độ vi mô-chủ quan chúng tôi sẽ tập trung vào các thái độ và các định hướng của cá thể người mua đã ảnh hưởng đến loại xe sẽ được mua. Nhưng - và đây là sự phân biệt chủ yếu giữa các cấp độ vi mô-chủ quan và vi mô-khách quan của phân tích - người mua có thể ao ước (trạng thái chủ quan) một chiếc xe thể thao và thực sự mua (hành động khách quan) một chiếc xe rẻ tiền. Một số nhà xã hội học chú ý đến các trạng thái tinh thần chủ quan, số khác đến các hành động khách quan. Trong nhiều trường hợp, rất có ích và quan trọng khi nhận thức được sự tác động qua lại giữa hai cấp độ vi mô này.

Cấp độ vĩ mô cũng có các chiều kích chủ quan và khách quan. Trong nhiều năm, đa số người Mỹ đã có cùng một tập hợp các sở thích đối với các xe hơi lớn hơn và có nhiều uy lực hơn. Đây là một tập hợp các thái độ chủ quan được chia sẻ bởi một số lượng rất lớn  dân chúng. Vậy một chuỗi các biến đổi khách quan ở cấp độ xã hội đã có một tác động lên những người cùng chia sẻ các thái độ. OPEC (Tổ chức các quốc gia xuất khẩu xăng dầu) được thành lập, dầu thô giao cho Mỹ bị giảm bớt, và  chính phủ đóng một vai trò tích cực hơn trong các vấn đề có liên quan tới dầu thô. Các biến đổi này và nhiều biến đổi khác nữa ở cấu trúc-vĩ mô đã dẫn tới các biến đổi trong các sở thích chung của những lượng người đông đảo. Gần như suốt đêm có nhiều người đã tới các cuộc xổ số có giải thưởng là những chiếc ô-tô nhỏ, rất tiện ích. Sự thay đổi này, tới lượt nó, dẫn tới một thay đổi quy mô hơn trong cấu trúc của các công ty sản xuất ô-tô Mỹ. Tư tưởng và hành động của nhiều người Mỹ cũng bị ảnh hưởng lây. Như vậy, sự mua bán một chiếc ô-tô, cũng như phần lớn các hoạt động bình thường và đặc biệt khác, bao gồm các tương tác phức tạp của các thành tố vi mô-vĩ mô và khách quan-chủ quan của đời sống xã hội.

Bây giờ, chúng ta hãy quay sang tác phẩm của nhiều nhà xã hội học về  thể liên tiến khách quan-chủ quan. Như chúng ta đã thấy ở Chương 1, một ảnh hưởng quan trọng lên Karl Marx là hệ tư tưởng Đức, đặc biệt là tác phẩm của G.W.F.  Hegel. Biện chứng pháp Hegel là một quá trình chủ quan diễn ra bên trong phạm vi của các tư tưởng. Dù chịu ảnh hưởng của quan điểm này, Marx, và trước ông, phái  Hegel Trẻ, không hài lòng với phép biện chứng này vì nó không bắt nguồn từ thế giới vật chất khách quan. Marx, xây dựng trên tác phẩm của Ludwig Feuerbach và những người khác, tìm cách mở rộng phép biện chứng ra thế giới vật chất. Một mặt, ông quan tâm tới các actor hữu cảm, có thật hơn là các hệ thống tư tưởng. Mặt khác, ông đi tới chỗ tập trung vào các cấu trúc khách quan của xã hội tư bản, chủ yếu là cấu trúc kinh tế.  Marx ngày càng quan  tâm tới các cấu trúc vật chất có thật của  chủ nghĩa tư bản và các mâu thuẫn trong lòng của chúng. Đây không phải có ý nói là Marx bỏ sót các tư tưởng chủ quan; thực tế, những nhận thức về sự sai lầm và ý thức giai cấp đóng một vai trò chủ yếu trong tác phẩm của ông. Chính sự phân cách duy vật-duy tâm, như biểu lộ trong tác phẩm của Marx và nhiều người khác, là một trong các nguồn gốc triết học chủ yếu của thể liên tiến khách quan-chủ quan trong xã hội học hiện đại.          

Chúng ta cũng có thể tìm thấy thể liên tiến này, dù trong một hình thức khác, trong tác phẩm của Emile Durkheim (xem Chương 1). Trong tác phẩm cổ điển của ông về phương pháp luận, Durkheim  phân biệt giữa các sự kiện xã hội vật chất (khách quan) và phi vật chất (chủ quan). Trong Sự tự sát, Durkheim nói: “Sự kiện xã hội đôi khi được vật chất hóa để trở thành một nguyên tố của thế giới ngoại vi”. Ông thảo luận về kiến trúc và luật pháp như là hai ví dụ về các sự kiện xã hội vật chất (khách quan). Tuy  nhiên, trong phần lớn tác phẩm, Durkheim nhấn mạnh đến các sự kiện xã hội phi vật chất (chủ quan):

Tất nhiên đúng là không phải tất cả mọi ý thức xã hội đều đạt được một sự ngoại hiện hóa và vật chất hóa như thế. Không phải toàn bộ tinh thần thẩm mỹ của một quốc gia đều thể hiện trong tác phẩm nó tạo nên; không phải mọi đạo đức đều được trình bày một cách rõ ràng trong các châm ngôn giáo lý. Phần lớn hơn đã bị khuếch tán. Có một cuộc sống tập thể lớn được tự do; mọi loại dòng chảy đến, đi, xoay chuyển vòng quanh ở khắp mọi nơi, xuyên qua và trộn lẫn vào nhau bằng muôn ngàn cách, chỉ vì chúng luôn luôn biến động và không bao giờ được ngưng kết dưới một hình thức khách quan. Ngày hôm nay một tiếng thở dài buồn bã và những sự nãn lòng làm xã hội tuột xuống dốc: ngày mai, một niềm tin hoan hỉ sẽ nâng bổng mọi tâm hồn.

            Các dòng chảy xã hội không có sự tồn tại vật chất; chúng chỉ có thể tồn tại  trong ý thức của các cá thể và giữa họ. Trong Sự tự sát, Durkheim tập trung vào các ví dụ về loại sự kiện xã hội này. Ông liên hệ các khác biệt trong tỷ lệ tự sát với các khác biệt trong các dòng chảy xã hội. Ví dụ, ở đâu có những dòng chảy mạnh mẽ của tình trạng thiếu đạo đức (không có tiêu chí), chúng ta có thể thấy những tỷ lệ tự sát do tình trạng thiếu đạo đức cao. Các dòng chảy xã hội như  tình trạng thiếu đạo đức, tính ích kỷ, lòng vị tha rõ ràng không phải là sự tồn tại vật chất, dù có thể chúng có một ảnh hưởng vật chất bởi sự gây ra các khác biệt trong tỷ lệ tự sát. Đúng hơn, chúng là các hiện tượng liên chủ thể  (intersubjective) chỉ có thể tồn tại trong ý thức con người.

            Peter Blau từng đi đầu trong những người sử dụng một thể liên tiến khách quan-chủ quan. Sự phân biệt của ông giữa các thể chế (các thực thể chủ quan) và các cấu trúc xã hội (các thực thể khách quan) là của thể loại này. Ông định nghĩa các thể chế chủ quan là “các giá trị và các tiêu chí chung được thể hiện trong một nền văn hoá hay văn hoá phụ”.  Đảo lại, các cấu trúc xã hội, là những “hệ thống của các quan hệ xã hội trong đó các quá trình của tương tác xã hội trở nên có tổ chức, và thông qua đó các vị trí xã hội của các cá thể và các nhóm phụ trở nên phân biệt”.    

            Có thể lý luận rằng thể liên tiến khách quan-chủ quan đóng một vai trò cơ bản trong tư duy của những người như Marx, Durkheim, Blau và nhiều người khác. Nhưng có một vấn đề khá thú vị trong việc sử dụng thể liên tiến của họ: họ sử dụng nó gần như duy nhất ở cấp độ vĩ mô. Tuy nhiên, nó cũng có thể được vận dụng ở cấp độ vi mô. Trước khi đưa ra một ví dụ, chúng tôi cần nhấn mạnh quan điểm rằng chúng tôi không chỉ phải xử lý với các thể liên tiến vi mô-vĩ mô và khách quan-chủ quan mà cả với sự tương tác giữa chúng.

            Một ví dụ về việc sử dụng thể liên tiến khách quan-chủ quan ở cấp độ vi mô là   một nghiên cứu thực nghiệm của Mary và Robert Jackman về cái mà họ gọi là “tư cách xã hội khách quan và chủ quan”. Mối quan tâm vi mô-chủ quan của họ  là “nhận thức của cá thể về vị trí của chính anh ta trong hệ thống thứ bậc”. Tính chủ quan vi mô trong nghiên cứu này bao gồm các cảm giác, các nhận thức, các khía cạnh tinh thần của vị trí của actor trong hệ thống phân tầng. Các thứ này có liên quan tới nhiều thành tố khác nhau của lĩnh vực vi mô-khách quan, bao gồm tư cách xã hội-kinh tế của actor, các tiếp xúc xã hội, số  lượng tư bản sở hữu, tư cách thành viên của nhóm dân tộc, hay tư cách theo nghĩa là một người trụ cột gia đình hay một thành viên công đoàn. Thay vì xử lý các cảm giác của actor, các chiều kích này bao gồm các đặc tính khách quan hơn của các cá thể -  các khuôn mẫu hành động và tương tác mà họ thực sự thực hiện.

            Ở một cấp độ chung hơn, khía cạnh vi mô của thể liên tiến khách quan-chủ quan được biểu lộ trong cả mô hình sự định nghĩa xã hội và mô hình hành vi xã hội, cũng như trong các khác biệt giữa chúng. Dù cả hai đều có xu hướng tập trung vào các khuôn mẫu vi  mô-khách quan của hành động và tương tác, chúng phân cách nhau ở chiều kích vi mô-chủ quan. Tất cả các thành tố lý thuyết của mô hình sự định nghĩa xã hội (ví dụ, thuyết tương tác biểu tượng, phương pháp luận thực hành, và hiện tượng luận) có cùng một quan tâm đến mặt vi mô-chủ quan – các cảm giác và suy nghĩ của actor. Tuy nhiên, nhà hành vi học xã hội bác bỏ ý tưởng rằng cần phải nghiên cứu các thành tố vi mô-chủ quan của đời sống xã hội. Sự phản bác này được minh họa bởi cuộc tấn công của B.F. Skinner vào cái mà ông gọi là ý tưởng về “con người tự trị”. Đối với Skinner, chúng ta ngụ ý rằng mọi người có tính tự trị khi chúng ta gán cho họ các ý tưởng như có cảm xúc, có lý trí, tự do và có phẩm giá. Mọi người được coi là chiếm hữu một số cốt lõi  bên trong nào đó mà từ đó các hành động của họ nảy sinh. Họ có khả năng khởi sự, phát minh và sáng tạo nhờ ở cốt lõi bên trong này của mặt chủ quan vi mô. Đối với Skinner, ý tưởng rằng mọi người có một cốt lõi tự trị bên trong là một quan điểm có tính huyền hoặc, siêu hình cần phải loại trừ ra khỏi các môn khoa học xã hội: “Con người tự trị giúp lý giải chỉ đối với những sự việc chúng ta chưa có khả năng lý giải theo các cách khác. Sự tồn tại của y phụ thuộc vào sự ngu dốt của chúng ta, và về bản chất, y đánh mất vị trí khi chúng ta đi tới chỗ hiểu biết hơn về hành vi.” Dù chúng ta cần phản đối loại chỉ trích kịch liệt này, điểm chủ yếu ở đây là: cấp độ vi mô có cả một chiều kích khách quan lẫn một chiều kích chủ quan.

            Các cấp độ của phân tích xã hội: một mô hình

              tưởng gia quan trọng nhất về vấn đề các cấp độ của thực tại xã hội là nhà xã hội học Pháp George Gurvitch. Dù ông không dùng cùng một thuật ngữ, Gurvitch có một nhận thức về  cả hai thể liên tiến vi mô-vĩ  mô và khách quan-chủ quan. Quan trọng hơn, ông có một nhận thức sâu sắc về việc hai thể này có quan hệ với nhau ra sao. Ông cũng khước từ coi hai thể liên tiến này và các mối quan hệ hỗ tương của chúng là các công cụ tĩnh tại, mà dùng chúng để nhấn mạnh phẩm chất năng động của đời sống xã hội. Nhưng Gurvitch có một khó khăn chủ yếu: lược đồ phân tích của ông cực kỳ phức tạp và ngổn ngang. (xem Chương 9)  

            Thế giới xã hội rất phức tạp, để xử  lý nó, chúng ta cần các mô hình tương đối đơn giản. Mô hình đơn giản mà chúng ta đang tìm kiếm được hình thành từ các giao điểm của hai thể liên tiến của các cấp độ của thực tại xã hội đã thảo luận ở nhiều trang trước. Thể thứ nhất, thể vi mô-vĩ  mô, có thể mô tả như ở Sơ  đồ A.1.   



Sơ đồ A.1:      Thể liên tiến vi mô-vĩ  mô, với sự nhận diện một số điểm chủ yếu trên thể liên tiến
           
Thể liên tiến vi mô-vĩ mô đưa ra nhiều vấn đề lớn hơn, thế nhưng nó không kém quan trọng so với thể liên tiến khách quan-chủ quan. Nói chung, một hiện tượng xã hội khách quan có một sự tồn tại vật chất, có thật. Chúng ta có thể nghĩ về các hiện tượng sau, trong nhiều thứ khác, như  là các hiện tượng xã hội khách quan: các actor, hành động, sự tương tác, các cấu trúc bàn giấy, luật pháp, và các bộ máy nhà nước. Có thể nhìn thấy, tiếp xúc, hay vẽ sơ đồ tất cả các hiện tượng khách quan này. Tuy nhiên, có những hiện tượng chỉ tồn tại duy nhất trong phạm vi các ý tưởng; chúng không có sự tồn tại tại vật chất. Có các hiện tượng xã hội học như  các quá trình tinh thần, cấu trúc xã hội của thực tại, các tiêu chí, và nhiều nguyên tố của văn hoá. Ví dụ, gia đình, có một sự tồn tại vật chất cũng như một chuỗi nhận thức lẫn nhau có tính chủ quan, các tiêu chí, các giá trị. Tương tự, chính thể bao gồm các luật pháp khách quan và các cấu trúc bàn giấy, cũng như  các tiêu chí và các giá trị chính trị có tính chủ quan. Thực tế, có lẽ đúng là đại đa số các hiện tượng xã hội là những kiểu pha trộn thể hiện một sự kết hợp nào đó giữa các nguyên tố khách quan và chủ quan. Như  vậy, tốt nhất là nghĩ về thể liên tiến khách quan-chủ quan như hai kiểu đối cực với một loạt các kiểu phức hợp khác nhau ở giữa. Sơ đồ A.2 cho thấy thể liên tiến khách quan-chủ quan.

   
            Sơ đồ A.2:      Thể liên tiến khách  quan-chủ quan, với sự nhận 
                                    diện một số kiểu phức hợp

Mặc dù các thể liên tiến này tự bản thân chúng có sự thú vị, mối quan hệ hỗ tương của chúng là mối quan tâm của chúng tôi ở đây. Sơ đồ A.3 là một thể hiện lược đồ của giao điểm của hai thể liên tiến này và bốn cấp độ chủ yếu của phân tích xã hội xuất phát từ nó.




       Sơ đồ A.3: Các cấp độ phân tích xã hội chủ yếu của Ritzer

           (Chú ý rằng đây là một ảnh chụp nhanh về thời gian. Nó được thể hiện trong một quá trình lịch sử đang diễn tiến)
  
            Luận điểm ở đây là một mô hình xã hội học hòa hợp phải xử lý bốn cấp độ cơ bản của phân tích xã hội được nhận diện trong sơ đồ và các quan hệ hỗ tương của chúng (về mô hình tương tự, xemAlexander,Wiley). Nó phải xử lý các thực thể vĩ mô–khách quan như chế độ bàn giấy, các thực thể vĩ mô chủ quan như các giá trị, các hiện tượng vi mô-khách quan như các khuôn mẫu của sự tương tác, và các sự kiện vi mô-chủ quan như quá trình xây dựng thực tại xã hội. Chúng ta phải nhớ rằng trong thế giới thực tại, tất cả những thứ này dần dần trộn lẫn vào các thứ  khác như  là một phần của thể liên tiến của xã hội lớn, nhưng chúng ta phải tạo ra một số phân biệt giả tạo và khá tùy tiện để có thể xử lý thực tại xã hội. Bốn cấp độ phân tích xã hội này được ấn định vì các mục đích khám phá và không mang ý nghĩa là các mô tả chính xác về thế giới xã hội.

            Trong khi có nhiều thứ cần đạt được từ sự phát triển của một mô hình xã hội học hòa hợp, người ta có thể chờ đợi sự chống đối từ nhiều phía. Lewis đã lý luận rằng sự phản đối đối với một mô hình hòa hợp đến từ các lý thuyết gia đó, các “chiến binh mô hình”, những người dự tính bảo vệ các thứ  lý thuyết của họ, có thể là vì:

Phần nhiều sự phản đối đối với một mô hình hòa hợp không phải là về mặt lý thuyết, mà vì các lý do chính trị: một mô hình hòa hợp đe dọa sự thuần túy và sự độc lập – và có lẽ thậm chí cả sự tồn tại – của các tiếp cận lý thuyết xuất phát từ  sự phản đối lý thuyết đang tồn tại… Một mô hình hòa hợp, chẳng hạn như các đề xuất của Ritzer, cho phép và thậm chí động viên một viễn cảnh rộng hơn một số lý thuyết mà nguời ta thấy thuận tiện. Theo một mô hình hòa hợp có nghĩa là từ bỏ niềm tin vào chân lý cuối cùng của lý thuyết được ưa chuộng nhất của một người nào đó. Sự chấp nhận một mô hình hòa hợp đòi hỏi một sự nhận thức thấu đáo, và thực sự, một sự tán dương, về một loạt rất rộng các viễn cảnh lý thuyết – một công việc tri thức đầy thách thức… Dù Ritzer không thảo luận về vấn đề này, tác giả này bảo lưu rằng việc khắc phục chứng sợ khoảng rộng về tri thức lớn lao này thể hiện sự thách thức lớn nhất cho sự chấp nhận một mô hình hòa hợp. (Lewis)

            Một câu hỏi hiển nhiên là làm thế nào bốn cấp độ của mô hình hòa hợp có liên quan với ba mô hình đã thảo luận bên trên, cũng như với mô hình hòa hợp. Sơ đồ A.4 liên hệ bốn cấp độ với ba mô hình đó.


SƠ ĐỒ A.4: Các cấp độ phân tích xã hội và các mô hình xã hội học chủ yếu


            Mô hình các sự kiện xã hội cơ bản tập trung vào các cấp độ vĩ mô-khách quan và vĩ mô-chủ quan. Mô hình sự định nghĩa xã hội quan tâm tới thế giới vi mô-chủ quan và phần  của thế giới vi mô-khách quan phụ thuộc vào các quá trình tinh thần (hành động). Mô hình hành vi xã hội xử lý phần của thế giới vi mô-khách quan không có liên quan tới quá trình trí tuệ (hành vi). Bởi lẽ cả ba mô hình đang tồn tại cắt ngang qua các cấp độ của thực tại xã hội theo chiều ngang, một mô hình hòa hợp cắt ngang qua theo chiều dọc. Sự diễn tả này làm rõ tại sao mô hình hòa hợp không thế chỗ cho các mô hình khác. Dù mỗi một trong ba mô hình đang tồn tại xử lý một cấp độ đưa ra hay các cấp độ thật chi tiết, mô hình hòa hợp xử  lý mọi cấp độ  nhưng không kiểm tra bất cứ cấp độ đưa ra nào trong bất cứ  cái gì như  cường độ của các mô hình khác. Như vậy, sự chọn lựa về một mô hình phụ thuộc vào loại câu hỏi được đặt ra. Không phải các nhà xã hội học đều đòi hỏi một cách tiếp cận hòa hợp như  thế, nhưng ít nhất có một số làm điều này.

            Cái đã được phát họa trong các trang trước là một mô hình cho sự hình dung về một chủ đề của một mô hình xã hội học hòa hợp. Bản phác thảo này cần chi tiết hơn, nhưng đó là công việc của một thời đại khác. Mục tiêu của phân tích này không phải là sự phát triển của một mô hình xã hội học mới, mà là sự phác họa về lược đồ siêu lý thuyết bao trùm (Mo) cho phép chúng ta phân tích lý thuyết xã hội học theo một kiểu cách vốn có. Mô hình được phát triển ở Sơ đồ A.3 tạo thành nền tảng cho phân tích này.

            Lý thuyết xã hội học được phân tích bằng cách sử dụng bốn cấp độ của phân tích xã hội mô tả trong Sơ đồ A.3. Sơ đồ này cung cấp cho chúng ta một công cụ có thể sử dụng trong phân tích so sánh về các lý thuyết xã hội học. Nó cho phép chúng ta phân tích những mối quan tâm về một lý thuyết và cách thức chúng có quan hệ với các quan tâm của tất cả các lý thuyết gia xã hội học khác ra sao.

            Phải tránh bằng mọi giá sự nhận diện một cách đơn giản về một lý thuyết hay một lý thuyết gia với các cấp độ cụ thể của phân tích xã hội. Mặc dù nó đúng, theo diễn tả bên trên về trạng thái mô hình hiện thời của xã hội học, rằng các lý thuyết gia xã hội học gắn liền với một mô hình đưa ra có xu hướng tập trung vào một cấp độ hay các cấp độ đưa ra của phân tích xã hội, thường là nó đánh giá một cách bất công, đơn giản là đánh đồng độ sâu của tác phẩm của họ với một hay nhiều cấp độ. Ví dụ, Karl Marx thường được coi là tập trung vào các cấu trúc vĩ mô-khách quan - nói riêng là các cấu trúc kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Nhưng việc sử dụng một lược đồ trong đó có nhiều cấp độ phân tích xã hội phức tạp cho phép chúng ta thấy rằng có những nhận thức phong phú liên quan đến mọi cấp độ của thực tại xã hội và các quan hệ hỗ tương của chúng. Tương tự, thuyết tương tác biểu tượng nói chung được xem là một viễn cảnh xử lý mặt vi mô-chủ quan và vi mô-khách quan, nhưng nó không phải là không có những nhận thức nội quan về các cấp độ vĩ mô của phân tích xã hội.

            Điều quan trọng là cũng cần nhớ rằng việc sử dụng các cấp độ của phân tích xã hội để phân tích một lý thuyết có xu hướng phá vỡ tính tổng thể, nguyên vẹn, và tính nhất quán bên trong của một lý thuyết. Mặc dù các cấp độ có ích cho việc nhận thức một lý thuyết và việc so sánh nó với các lý thuyết khác, người ta cần đầu tư công sức để xử lý mối quan hệ hỗ tương giữa các cấp độ và tính tổng thể của một lý thuyết.

            Tóm lại, lược đồ lý thuyết phác họa ở Sơ đồ A.3, mà sự phát triển của nó đã được truy nguyên trong phần Phụ lục này, cung cấp nền tảng cho sự phân tích về các lý thuyết xã hội học đã thảo luận trong quyển sách này.



[1] Tôi gọi nó là (hơi lúng túng) “meta-data-analysis” để phân biệt với siêu phân tích (meta-analysis) có tính chất chung hơn. Trong phân tích siêu dữ liệu mục tiêu là tìm kiếm các cách thức để tích lũy các kết quả khảo sát qua các nghiên cứu khảo sát. Trong lời giới thiệu của mình về cuốn Siêu phân tích của Wolf, Niemi định nghĩa siêu phân tích là “sự ứng dụng phương thức thống kê để thu thập các phát hiện thực nghiệm từ các nghiên cứu cá nhân vì mục đích hòa hợp, tổng hợp và nhận thức về chúng”.
[2] Trong khi trong tác phẩm trước đó của tôi, tôi có xu hướng đánh đồng kiểu này với mọi loại siêu lý thuyết hóa, giờ đây tôi xem nó chỉ là một trong ba kiểu chủ yếu, tôi cũng thích thảo luận về siêu lý thuyết hóa như là một quá trình chung hơn là siêu lý thuyết (metatheory), mà, như chúng ta sẽ thấy, chỉ là một trong ba sản phẩm cuối cùng của siêu lý thuyết hóa.
[3] Nó cũng bao gồm các nghiên cứu về một loạt các truyền thống triết học như  chủ nghĩa vị lợi, chủ nghĩa thực chứng, chủ nghĩa thực nghiệm.
[4] Thực tế, trong lời dẫn cho bản cải biên lần hai của Cấu trúc của hành động xã hội, Parsons thảo luận về nhu cầu thực hiện một phân tích trọn vẹn phát triển lý thuyết của Freud nhìn trong ngữ cảnh của ‘lý thuyết của hành động xã hội”.
[5] Tuy nhiên, Parsons không xem Boas là “có thể so về tầm cỡ” với Frued, Durkheim, hay các tư tưởng gia chủ yếu khác mà ông phân tích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét