GEORGE RITZER
LÝ THUYẾT
XÃ HỘI HỌC HIỆN ĐẠI
Nguyễn Thành Nhân dịch
(Tác phẩm này tôi
dịch thuê cho người ta lâu rồi, nay đưa lên để các bạn quan tâm tham khảo, xin vui lòng
không copy lại vào các blogs, websites khác.)
***
VỀ TÁC GIẢ
George Ritzer là Giáo
sư Xã hội học của Đại học Maryland. Lĩnh vực quan tâm chủ yếu của ông là lý
thuyết xã hội học và xã hội học lao động. Ông đã giữ chức Chủ tịch Phân hội Xã
hội học lý thuyết trong Hiệp hội Xã hội học Mỹ (1989-1990) và Hội các Tổ chức và
Nghề nghiệp (1980-1981). Giáo sư Ritzer
là Giáo sư-Học giả hàng đầu của Đại học Maryland và từng được giải Giáo dục xuất sắc. Ông cũng là Ủy viên Lý
thuyết xã hội học của UNESCO trong Viện hàn lâm Khoa học Nga, và thành viên của
Quỹ Fulbright-Hays. Từng là nghiên cứu sinh tại Viện Cao học Hà Lan và Thụy
Điển về Khoa học xã hội.
Mối quan tâm chính
của Tiến sĩ Ritzer là về Siêu lý thuyết và Lý thuyết về sự hợp lý hóa. Ở Siêu
lý thuyết, quyển sách gần đây nhất của ông là Metatheorizing in Sociology. Các quyển trước đó về đề tài này là Sociology - A Multiple Paradigm Science
và Toward an Integrated Sociological
Paradigm. Ông đã viết nhiều tiểu luận về sự hợp lý hóa cũng như quyển The McDonaldization of Society. Tiến sĩ
Ritzer cũng là tác giả của một công trình mới đây về ứng dụng lý thuyết xã hội
học, quyển Expressing America: A critique
of the Global Credit Card Society. Các nghiên cứu của Ritzer đã được dịch
sang nhiều thứ tiếng như Trung Quốc, Croatian, Đan Mạch, Đức, Farsi, Ý, Hàn
Quốc, Nga, Tây Ban Nha…
Năm 1996, nhà xuất
bản McGraw-Hill sẽ xuất bản Bản biên tập lần 4 quyển Sociology Theory và Bản biên tập lần 2 quyển Classical Theory. Năm 1997 sẽ xuất bản quyển Postmodern Social Theory.
Lời nói đầu
Quyển sách này có sự
khác biệt đáng lưu ý so với ba lần tái bản trước đây. Trước nhất là tên sách
thay đổi từ Lý thuyết xã hội học đương
thời thành Lý thuyết xã hội học hiện
đại. Lý do chủ yếu của sự thay đổi này là nhằm mở đường cho sự xuất hiện của một tư liệu hoàn toàn mới, Học thuyết xã hội hậu hiện đại ( Nhà Mc.
Graw-Hill sắp xuất bản) Các thuật ngữ “hiện đại” (modern) và “hậu hiện đại”
(postmodern) tiêu biểu cho hai tiến bộ quan trọng nhất của lý thuyết xã hội và
xã hội học đương thời. Các học thuyết được thảo luận ở quyển sách này hoặc đã
ra đời ở kỷ nguyên hiện đại, hoặc là có tính cách hiện đại (ví dụ, chúng có xu
hướng chấp nhận ý tưởng rằng lý thuyết đã góp phần vào sự phát triển của xã hội học với ý nghĩa là một
bộ môn khoa học). Ngoài ra, về tổng thể, chúng được sản sinh ra bởi các nhà xã
hội học. Trái lại, các học thuyết được thảo luận ở Học thuyết xã hội hậu hiện đại bắt nguồn từ kỷ nguyên gần đây hơn,
kỷ nguyên hậu hiện đại, lại phản hiện đại về tính cách (ví dụ, chúng có xu
hướng phản đối ý tưởng về một bộ môn khoa học xã hội học) và được tạo tác từ
nhiều tư tưởng gia xã hội rất khác biệt nhau chứ không chỉ từ các nhà xã hội
học. (do vậy, thuật ngữ chung “học thuyết xã hội” có công dụng hơn là thuật ngữ
“học thuyết xã hội học”)
Phần Bốn của quyển
sách, một phần mới có tựa đề là “Từ học thuyết xã hội hiện đại tới Học thuyết
xã hội hậu hiện đại”, phản ánh những tiến bộ này. Trong phần này bao gồm Chương
11 và 12 : “ Các Học thuyết Hiện đại đương thời” và “Cấu trúc luận, Hậu cấu
trúc luận, và Tính khẩn cấp của Học thuyết xã hội hậu hiện đại”. Ở các chương
này, có những thảo luận về một số công trình chủ yếu theo quan điểm hiện đại
luận (ví dụ, “sự tàn phá” của hiện đại của Giddens, quan điểm về hiện đại của
Jurgen Habermas như là một dự án chưa hoàn tất), theo quan điểm hậu cấu trúc
luận (đặc biệt là công trình của Michel Foucault) và theo quan điểm hậu hiện
đại luận (ví dụ, các ý tưởng có tính truyền thống hơn của Fredric Jameson và tư
tưởng dị giáo của Jean Baudrillard).
Phần Ba, “Các tiến
triển hợp nhất gần đây trong lý thuyết xã hội học” tiếp tục đưa ra những chương
dành cho sự hợp nhất vi mô-vĩ mô (với sự
bổ sung một cảo luận dài về công
trình của Nobert Elias) và sự hợp nhất cơ quan-cấu trúc (với sự gia tăng đáng kể các thông tin về
công trình của Pierre Bourdieu) Tuy nhiên, hai chương lý thuyết tổng hợp ở lần
tái bản trước đã được bỏ đi, và phần lớn các chất liệu xuất hiện ở các chương
này được phân bố rải rác trong các chương phù hợp ở Phần Hai. Như vậy, tất cả
các chương ở Phần Hai, bao gồm, thường là ở cuối chương, một vài thảo luận về
công trình có tính chất mới và tổng hợp.
Để cấu tạo nên phần bổ
sung của Phần Bốn, cũng như vô số các
phần bổ sung nhỏ hơn trong cả quyển sách, ở Phần Hai đã bỏ đi một số chương như
“ Lý thuyết xã hội học hiện đại: Các trường phái chính”. Cần lưu ý nhất là việc
bỏ Chương 9 cũ “Các lý thuyết về xã hội học cấu trúc” (dù nhiều bộ phận đó bây
giờ xuất hiện ở những chỗ khác trong sách); việc loại bỏ phần thảo luận về xã
hội học hiện tượng khỏi Chương 6, mà lần này tập trung vào phương pháp luận dân
tộc học (một thảo luận về công trình của nhà xã hội học hiện tượng luận chủ
chốt - Alfred Schutz vẫn có thể tìm thấy trong Lý thuyết Xã hội học cổ điển, tái bản lần 2); việc bỏ đi phần “Cấu
trúc chủ nghĩa Marx” ở chương về Lý thuyết Tân xã hội học Marxian; cũng như các
loại bỏ khác nhỏ hơn. Chương 7 có một thay đổi sâu sắc với việc loại bỏ thực
sự mọi thảo luận về xã hội học hành vi
và phần bổ sung các thảo luận về sự lựa chọn hợp lý và lý thuyết mạng lưới. Tất
cả các chương ở Phần Hai đã được cập nhật để đưa vào các công trình mới trong
từng lý thuyết truyền thống chính yếu.
Phần Một “ Giới thiệu”
tiếp tục đưa ra hai chương dành cho lịch sử của lý thuyết xã hội học, mặc dù cả
hai chương đều đã được chỉnh lý để phản ánh các phát triển và các công trình
mới về lý thuyết xã hội học.
Cuối cùng, phần Phụ lục
đã được cải biên tương ứng, mặc dù vẫn tiếp tục đưa ra một tóm lược về sự siêu
lý thuyết hóa trong xã hội học cũng như
giản đồ siêu lý thuyết được dùng để tổ chức toàn bộ quyển sách.
Các phác họa tiểu sử
tăng lên là 30 với sự bổ sung phác họa tiểu sử của James Coleman, Nobert Elias,
Pierre Bourdieu, Jurgen Habermas, Anthony Giddens, Michel Foucault.
Tôi xin cảm ơn những
phê bình và đề xuất hữu ích của Robert – ĐH Kansas; Paul Colomy - ĐH Denver,
Robert Alun Jones-ĐH Illinois-Urbana, Charles Lemert-ĐH Wesleyan, David R.
Maines, ĐH Wayne State, E. Doyle McCarthy - ĐH Fordham, James D. Miley- ĐH
Kansas State, Linda Molm - ĐH Arizona, George Psathas - ĐH Boston và Mary F.
Rogers- ĐH West Florida.
Tôi xin cảm ơn sự giúp
đỡ của BBT Nhà MCGraw-Hill, đặc biệt là Jill Gordon, Kathy blake, Larry
Goldberg và Phil Butcher, trợ lý của tôi Allan Liska và Heidi Jones và con trai
tuyệt vời của tôi, người lập bản Mục lục, Jeremy Ritzer.
George Ritzer
Phần Một
GIỚI THIỆU
CHƯƠNG I
PHÁC HỌA LỊCH SỬ
LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC
: NHỮNG NĂM ĐẦU
GIỚI THIỆU
CÁC LỰC LƯỢNG XÃ HỘI TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA LÝ THUYẾT XÃ HỘI
HỌC:
Các cuộc cách mạng chính trị
Cách mạng công nghệ và sự ra đời của Chủ nghĩa tư bản
Sự đô thị hóa
Các thay đổi về tôn giáo
Sự tăng trưởng của Khoa học
CÁC LỰC LƯỢNG TRÍ THỨC VÀ SỰ NẢY SINH LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC
Trào lưu Ánh sáng và phản ứng của phe Bảo thủ
Sự phát triển của xã hội học Pháp
Sự phát triển của xã hội học Đức
Các nguồn gốc của xã hội học Anh
Các nhân vật chủ yếu của xã hội học Ý
Các tiến triển bước ngoặt thế kỷ trong Chủ nghĩa Mác Châu Au
Cách thức hữu hiệu để bắt đầu một quyển sách được thiết kế để giới thiệu
lý thuyết xã hội học hiện đại là tóm tắt bằng một dòng mỗi học thuyết khác nhau
:
·
Thế giới hiện đại là một cái lồng sắt của các hệ thống duy lý mà không
ai có thể thoát ra khỏi nó.
·
Chủ nghĩa Tư bản có xu hướng gieo những hạt giống cho sự hủy diệt chính
bản thân nó.
·
Thế giới hiện đại ít có cố kết luân lý hơn các xã hội trước nó.
·
Thành phố sản sinh ra một kiểu nhân cách đặc thù.
·
Trong đời sống xã hội, mọi người có xu hướng trình diễn những màn kịch
khác nhau.
·
Thế giới xã hội được định nghĩa bởi các nguyên tắc có đi có lại trong các quan hệ cho và nhận.
·
Người ta tạo ra các thế giới xã hội mà chung cuộc sẽ biến họ thành nô
lệ.
·
Người ta luôn luôn duy trì khả năng thay đổi các thế giới xã hội kềm hãm
họ.
·
Xã hội là một hệ thống hợp nhất của các cấu trúc và chức năng xã hội.
·
Xã hội là một “lực lượng tàn phá” với khả năng điên cuồng cho đến hiện
nay.
Quyển sách này nhằm
giúp đỡ bạn đọc hiểu biết hơn về các ý tưởng lý thuyết trên, cũng như về các
học thuyết lớn mà từ đó chúng được rút ra.
GIỚI THIỆU
Giới thiệu lịch sử
của lý thuyết xã hội học là một công việc khổng lồ, nhưng vì chúng tôi chỉ dành
ra hai chương (1 và 2) cho nó, nên cái mà chúng tôi đưa ra là một phác họa lịch
sử mang tính chọn lọc cao. Dụng ý là nhằm cung cấp cho bạn đọc một cái sườn để
sau đó bồi đắp lên những thảo luận chi tiết về các lý thuyết gia và các học
thuyết trong một phạm vi rộng hơn. Khi bạn đọc đi qua những chương sau, việc
điểm lại hai chương này và đặt các thảo luận vào đó sẽ cho thấy sự hữu ích của
chúng. (Đặc biệt rất có ích khi bạn thỉnh thoảng điểm lại phần 1.1 và 2.1, là
những trình bày giản lược về lịch sử ở các chương này.)
Các học thuyết được đưa
ra ở phần thân sách có một mức độ ứng dụng rộng rãi đa dạng, giải quyết các vấn
đề xã hội quan yếu trọng tâm, và đã chịu sự thử thách kiểm chứng của thời gian
Các tiêu chí này thiết lập nên định nghĩa của chúng tôi về học thuyết xã hội.
Một định nghĩa như thế trái hẳn với các định nghĩa “khoa học” hình thức thường
được sử dụng trong các văn bản lý thuyết thuộc dạng này. Một định nghĩa khoa
học có thể phát biểu rằng một học thuyết là một tập hợp các định đề có quan hệ
chặt chẽ với nhau cho phép hệ thống hóa các tri thức, giải thích và dự báo về
đời sống xã hội và sự nảy sinh của các giả thuyết nghiên cứu mới. Mặc dù một
định nghĩa như thế có một số điểm hấp dẫn, nó lại không phù hợp mấy với các hệ
thống tư tưởng sẽ được thảo luận ở quyển sách này. Nói cách khác, phần lớn các
học thuyết cổ điển (và đương đại) còn thiếu một hoặc một vài thành tố hình thức
của học thuyết, nhưng dù sao đi nữa, chúng vẫn được xem là các học thuyết bởi
nhiều nhà xã hội học.
Một số lý thuyết gia
được đề cập tóm lược ở Chương 1 (ví dụ Herbert Spencer và August Comte) sau đó
cũng sẽ không được thảo luận chi tiết hơn, vì chúng ta chỉ quan tâm đến họ về
mặt lịch sử. Các lý thuyết gia khác (ví dụ Karl Marx, Max Weber và Emile
Durkheim) sẽ được thảo luận ở Chương 1 trong bối cảnh lịch sử của họ, và được
đề cập chi tiết hơn sau đó, bởi vì tầm quan trọng còn tiếp tục của họ. Tiêu
điểm được đặt trên công trình lý thuyết quan trọng của các nhà xã hội học, hoặc
trên công trình thực hiện bởi các lý thuyết gia ở các lĩnh vực khác đã được xác
định có ý nghĩa quan trọng trong xã hội học. Nói tóm lại, đây là một quyển sách
về các “tư tưởng lớn” trong xã hội học đã trải qua sự kiểm chứng của thời gian
(hoặc có khả năng đó), các hệ tư tưởng giải quyết các vấn đề xã hội trọng yếu
và có một phạm vi trải rộng.
Người ta không thể thực
sự xác định thời điểm khởi đầu chính xác của các lý thuyết xã hội. Con người đã
tư duy, và phát triển các lý thuyết về đời sống xã hội từ rất sớm trong lịch
sử. Nhưng chúng ta sẽ không quay lại những thời kỳ đầu trong lịch sử Hy lạp hay
La Mã, hoặc ngay cả thời Trung cổ. Chúng ta cũng sẽ không quay về ngay cả thế
kỷ XVII, mặc dù Olson gần đây đã truy nguyên truyền thống xã hội học ngược đến giữa
những năm 1600, và công trình của James Harrington về mối quan hệ giữa kinh tế
và chính trị. Điều này không phải là do con người ở các thời kỳ đó không có các
tư tưởng xã hội học thích đáng, mà bởi vì thu họach từ sự đầu tư của chúng ta
vào thời gian rất nhỏ nhoi; chúng ta sẽ phải mất rất nhiều thì giờ chỉ để thu
được rất ít ý tưởng phù hợp với xã hội học hiện đại. Trong bất cứ trường hợp
nào, không một tư tưởng gia nào gắn liền với các kỷ nguyên đó tự cho họ là nhà
xã hội học, và hiện nay rất ít người trong số đó được coi là nhà xã hội học.
(Để thảo luận về một trường hợp ngoại lệ, xin xem phác thảo tiểu sử của
Ibn-Khaldun) Chỉ đến những năm 1800, chúng ta mới bắt đầu tìm thấy những tư
tưởng gia có thể nhận định một cách rõ ràng là những nhà xã hội học. Đó là
những tư tưởng gia xã hội học chúng ta quan tâm đến, và chúng ta sẽ bắt đầu với
việc khảo sát các lực lượng trí thức và xã hội đã định hình các tư tưởng của
họ.
Các
cuộc cách mạng chính trị
Một chuỗi dài những
cuộc cách mạng về chính trị được khởi đầu bởi Cách mạng Pháp năm 1789 và được
tiến hành suốt thế kỷ XIX là nhân tố gần nhất đối với việc phát sinh sự lý
thuyết hóa xã hội học. Tác động của những cuộc cách mạng này đối với nhiều xã
hội rất to lớn, và tạo ra những kết quả tích cực. Tuy nhiên, cái gây sự chú ý
của nhiều lý thuyết gia tiền phong không phải là những kết quả tích cực, mà là
những kết quả tiêu cực của những thay đổi đó. Những nhà nghiên cứu này đặc biệt
bị quấy rầy bởi những hậu quả hỗn độn và vô trật tự, nhất là ở Pháp. Họ bị nối kết
lại với nhau bởi ước vọng vãn hồi lại trật tự cho xã hội. Một số tư tưởng gia
cực đoan trong thời kỳ này, nói một cách chính xác, còn muốn quay trở lại với
những ngày tháng an bình và tương đối có trật tự của thời Trung cổ. Những tư
tưởng gia phức tạp hơn thì nhận ra rằng các biến chuyển xã hội đã làm cho sự
quay ngược về quá khứ như thế là điều bất khả.
Do đó, họ tìm kiếm các nền tảng trật tự mới trong các xã hội đã bị lật
nhào bởi các cuộc cách mạng chính trị trong thế kỷ XVIII và XIX . Mối quan tâm
đến vấn đề trật tự xã hội này là một trong những quan tâm hàng đầu của các lý
thuyết gia xã hội học cổ điển, đặc biệt là Comte và Durkheim.
Cách mạng công nghệ
và sự ra đời của Chủ nghĩa Tư bản
Cuộc cách mạng công
nghệ đã quét qua nhiều xã hội phương Tây, chủ yếu là trong thế kỷ XIX và đầu
thế kỷ XX, ít nhất cũng có tầm quan trọng như cách mạng chính trị trong việc
định hình học thuyết xã hội. Nó không phải là một sự kiện riêng lẻ mà là nhiều
bước phát triển có tương quan chặt chẽ với nhau đã lên tới điểm tột cùng trong
bước chuyển biến của thế giới phương Tây từ một hệ thống nông nghiệp rộng lớn
trở nên một hệ thống công kỹ nghệ tràn ngập. Những lượng người đông đảo rời bỏ
nông trại và công việc đồng áng để làm những nghề công kỹ nghệ đang được các
công xưởng nhà máy vừa nảy nở chào mời. Những công xưởng nhà máy tự chúng cũng
đã thay đổi bởi một chuỗi dài các cải tiến về kỹ thuật. Các bộ máy điều hành
kinh tế nảy sinh để cung cấp nhiều dịch vụ cần thiết cho công nghệ và hệ thống
kinh tế tư bản đang lớn dậy. Trong nền kinh tế này, cái lý tưởng là một thị
trường tự do nơi nhiều sản phẩm của hệ thống công nghệ có thể được trao đổi.
Trong phạm vi hệ thống này, một số ít hưởng lợi nhuận rất lớn, trong khi số
đông lao động nhiều giờ cho một mức lương chết đói. Sự phản kháng lại hệ thống
công nghệ và tiếp đó là chủ nghĩa Tư bản nói chung dẫn tới phong trào công nhân
cũng như nhiều phong trào cấp tiến khác nhằm mục tiêu lật đổ hệ thống chủ nghĩa
tư bản.
Cuộc cách mạng công
nghệ, chủ nghĩa tư bản, và sự phản kháng chống lại chúng, tất cả đều có liên
quan đến một biến động lớn lao trong xã hội phương Tây, một biến động đã có tác
động to lớn đến các nhà xã hội học. Bốn nhân vật chủ yếu trong thời kỳ đầu của
lịch sử học thuyết xã hội – Karl Marx, Max Weber, Emile Durkheim và Georg
Simmel – cũng như nhiều tư tưởng gia khác, đã bận tâm bởi những thay đổi và các
vấn nạn do chúng tạo ra đối với xã hội ở ý nghĩa là một tổng thể. Họ cống hiến
cả đời mình để nghiên cứu các vấn đề này, và trong nhiều trường hợp, họ đã nổ
lực phát triển những chương trình nhằm giải quyết chúng.
Sự ra đời của Chủ
nghĩa Xã hội
Tập hợp các thay đổi
nhằm mục tiêu đương đầu với sự vượt quá giới hạn của hệ thống công nghệ và chủ
nghĩa tư bản có thể kết hợp dưới cái tiêu đề “ chủ nghĩa xã hội”. Mặc dù một số
nhà xã hội học ủng hộ cho chủ nghĩa xã hội như là một giải pháp đối với các vấn
đề công nghệ, đa số lại chống đối nó với tư cách cá nhân và về mặt tri thức. Ở
một phía là Karl Marx, một người nhiệt tình tán thành việc lật đổ hệ thống tư
bản và thay thế nó bằng hệ thống xã hội chủ nghĩa. Dù ông không phát triển
thành một học thuyết về chính bản thân chủ nghĩa xã hội, ông đã cống hiến một
lượng thời gian to lớn để phê phán các khía cạnh khác nhau của xã hội tư bản.
Ngoài ra, ông còn tham gia vào nhiều hoạt động chính trị đa dạng mà ông hy vọng
rằng chúng có thể giúp ích cho việc đem tới sự ra đời của các xã hội xã hội chủ
nghĩa.
Tuy nhiên, Marx là
một nhân vật không điển hình của thời kỳ đầu của lý thuyết xã hội học. Phần lớn
các lý thuyết gia thời kỳ đầu, như Weber và Dukheim, đều phản đối chủ nghĩa xã
hội (ít nhất là như nó đã được hình dung ra bởi Marx). Mặc dù đã nhận ra những
vấn nạn trong xã hội tư bản, họ tìm kiếm các cải cách xã hội ngay trong lòng
của chủ nghĩa tư bản hơn là một cuộc cách mạng xã hội mà Marx bênh vực. Họ sợ
chủ nghĩa xã hội hơn là sợ chủ nghĩa tư bản. Nỗi sợ hãi này đóng một vai trò
rất sâu sắc và to lớn trong việc định hình lý thuyết xã hội học hơn là sự ủng hộ của Marx đối với việc thay thế chủ
nghĩa tư bản bằng xã hội chủ nghĩa. Thật sự là như chúng ta sẽ thấy, trong
nhiều trường hợp học thuyết xã hội đã phát triển trong quá trình phản ứng lại
lý thuyết của Marx và, nói chung là, với lý thuyết về xã hội chủ nghĩa.
Sự đô thị hóa
Một phần kết quả của
Cách mạng công nghệ là một số đông dân chúng ở thế kỷ 19 và 20 đã rời bỏ quê
hương ở các vùng nông thôn để chuyển tới các khu vực đang hình thành đô thị. Sự
di cư khổng lồ này gây ra phần nhiều là bởi các việc làm được tạo ra từ hệ
thống công nghiệp trong các khu đô thị. Nhưng nó cũng mang đến vô số khó khăn
cho những người đang tự điều chỉnh cho phù hợp với đời sống đô thị. Ngoài ra,
sự mở rộng các đô thị sinh ra một lọat vô tận những vấn đề của nó- nạn nhân
mãn, sự ô nhiễm, tiếng ồn, giao thông ách tắc, vv… Bản chất của đời sống đô thị
và những vấn đề của nó thu hút sự quan tâm của nhiều nhà xã hội học thời kỳ
đầu, đặc biệt là Max Weber và Georg Simmel. Thật sự, trường phái chính đầu tiên
của xã hội học Mỹ, trường phái Chicago, phần lớn đã được xác định bởi sự quan
tâm của nó đến thành thị và việc nó đã sử dụng Chicago như một phòng thí nghiệm
để nghiên cứu về sự đô thị hóa và các vấn đề của nó.
Các thay đổi tôn giáo
Các biến đổi xã hội
đã được mang lại bởi các cuộc cách mạng chính trị, cách mạng Công nghệ và sự đô
thị hóa đã có một ảnh hưởng trực tiếp tới mặt tín ngưỡng tôn giáo. Nhiều nhà xã
hội học thời kỳ đầu đã xuất thân từ một nền tảng tôn giáo, có quan hệ tích cực,
và trong nhiều trường hợp còn mang tính chuyên nghiệp về tôn giáo. Họ mang tới
cho môn xã hội học những đối tượng giống như trong đời sống tôn giáo của họ. Họ
mong ước cải thiện đời sống của mọi người. Đối với một số người (như Comte), xã
hội học được chuyển hoá thành một tôn giáo. Đối với số khác, các lý thuyết xã
hội học của họ chịu ảnh hưởng tôn giáo một cách rõ rệt. Một trong những công
trình chủ yếu của ông, Dukheim đã viết về tôn giáo. Một bộ phận lớn của công
trình của Weber cũng là dành cho các tôn giáo trên thế giới. Marx, cũng vậy, đã
có một mối quan tâm về tôn giáo, nhưng ông thiên về hướng phê phán nhiều hơn.
Sự tăng trưởng của
khoa học
Trong quá trình phát
triển của lý thuyết xã hội học, ngày càng có một dấu ấn mạnh mẽ của khoa học, không chỉ ở các
trường cao đẳng và đại học mà là trong toàn xã hội với ý nghĩa là một tổng thể. Các sản phẩm kỹ nghệ của
khoa học đã thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của đời sống, và khoa học đã đạt được
một thanh thế lớn lao. Những gì có quan hệ tới các khoa học có nhiều thành công
nhất (vật lý, hoá học, sinh học) chiếm được những vị trí danh dự trong xã hội.
Các nhà xã hội học (đặc biệt là Comte và Durkheim) ngay từ đầu đã bị tác động
mạnh bởi khoa học, và nhiều người muốn có một môn xã hội học hiện đại theo sau
các thành công khoa học của vật lý và sinh học. Tuy nhiên, chẳng bao lâu đã nảy
ra một cuộc tranh cãi giữa những người hoàn toàn chấp nhận một khuôn mẫu khoa
học và những người (như Weber) cho rằng các đặc thù riêng biệt của đời sống xã
hội khiến cho việc theo đuôi hoàn toàn một khuôn mẫu khoa học như thế là rất
khó khăn và kém thông minh. Vấn đề về mối quan hệ giữa xã hội học và khoa học
còn tiếp tục được tranh cải đến tận hôm nay, dù ngay cả một cái nhìn thoáng qua
các báo chí chủ chốt về lĩnh vực này cũng cho thấy rằng những người ủng hộ chủ
trương xã hội học là một khoa học chiếm ưu thế hơn.
Chỉ có một vài nhân tố
xã hội chính yếu đóng vai trò chủ chốt ở
những năm đầu của lý thuyết xã hội học. Tác động của những nhân tố này sẽ được
làm rõ khi chúng ta thảo luận về các lý thuyết gia và những lý thuyết khác nhau
ở phần thân sách.
Mặc dù các nhân tố xã
hội là quan trọng, tiêu điểm đầu tiên của chương này là các lực lượng trí thức
đã đóng vai trò trung tâm trong sự định hình lý thuyết xã hội học. Trong thế
giới thực tại, dĩ nhiên không thể tách rời các nhân tố trí thức khỏi các lực
lượng xã hội. Ví dụ như trong thảo luận
về trào lưu Ánh sáng sau đây, chúng ta sẽ thấy rằng trào lưu này có mối quan hệ
mật thiết, và trong nhiều trường hợp đã cung cấp các nền tảng trí thức cho các
biến đổi xã hội đã nêu bên trên.
CÁC LỰC LƯỢNG TRÍ THỨC VÀ SỰ RA ĐỜI CỦA LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC
Nhiều lực lượng trí
thức đã định hình sự phát triển của lý thuyết xã hội học được thảo luận trong
phạm vi bối cảnh quốc gia, nơi các ảnh hưởng của chúng có thể thấy rõ nhất.
Chúng ta bắt đầu với trào lưu Ánh sáng và các ảnh hưởng của nó đến sự phát triển
của lý thuyết xã hội học ở Pháp.
Trào lưu Ánh sáng và
phản ứng của Phe bảo thủ
Theo quan điểm của
nhiều nhà quan sát, trào lưu Ánh sáng thiết lập nên một bước phát triển mang
tính phê phán trong phạm vi các tiến triển về sau này của xã hội học. Trào lưu Ánh
sáng là một thời kỳ đáng lưu ý của sự phát triển trí thức và thay đổi về tư duy triết học. Một số tư tưởng và niềm
tin đã đứng vững lâu đời - nhiều cái trong số này có quan hệ tới đời sống xã
hội – đã bị đổ nhào và thay thế trong thời kỳ trào lưu Ánh sáng. Các tư tưởng
gia nổi bật nhất có liên quan tới Trào lưu Ánh sáng là các nhà triết học Pháp
Charles Montesquieu (1689-1755) và Jean Jacques Rousseau (1712-1778). Tuy
nhiên, ảnh hưởng của trào lưu Ánh sáng đối với lý thuyết xã hội học có tính
chất gián tiếp và tiêu cực hơn là trực tiếp và tích cực. Như Irving Zeitlin đã
nhận xét: “ Xã hội học thời kỳ đầu đã phát triển như là một sự phản ứng lại
trào lưu Ánh sáng”
Các tư tưởng gia có
liên quan tới trào lưu Ánh sáng, trên hết, bị ảnh hưởng bởi hai dòng trí thức-
triết học thế kỷ XVII và khoa học.
Triết học thế kỷ XVII
liên quan tới các công trình của các tư
tưởng gia như René Descartes, Thomas Hobbes, John Locke. Dấu ấn là ở sự
sản sinh ra các hệ tư tưởng vĩ đại, phổ quát và rất trừu tượng đã tạo nên phán
đoán duy lý. Các tư tưởng gia có liên quan tới trào lưu Ánh sáng về sau không phản bác ý tưởng rằng các hệ tư tưởng
cần phải phổ quát và phải tạo nên các phán đoán lý tính, nhưng họ có những nỗ
lực to lớn hơn để thu nhận các ý tưởng tự thế giới thực tại và kiểm chứng chúng
trong thực tại. Nói cách khác, họ muốn kết hợp nghiên cứu thực nghiệm với
nguyên nhân. Khuôn mẫu cho điều này là khoa học, nhất là vật lý học của Newton.
Ở điểm này, chúng ta nhìn thấy sự nảy
sinh của việc ứng dụng các phương pháp khoa học vào các vấn đề xã hội. Ở một
cấp độ khác, các tư tưởng gia thuộc trào lưu Ánh sáng không chỉ muốn các ý
tưởng của họ, ít nhất là một phần, được trích ra từ thế giới thực tại, họ còn muốn chúng phải có
ích cho thế giới xã hội, đặc biệt là ở các phân tích phê phán về thế giới đó.
Bao trùm lên tất cả,
trào lưu Ánh sáng được định tính bởi niềm tin rằng mọi người phải nhận thức và
kiểm soát được vũ trụ bằng các phương tiện của nghiên cứu duy lý và thực
nghiệm. Quan điểm như thế xuất phát từ lý do là thế giới vật chất được điều
hành bởi các quy luật tự nhiên, và ngay cả thế giới xã hội cũng tương tự như
vậy. Từ đó, triết gia sử dụng lý tính và nghiên cứu để khám phá ra các quy luật
xã hội này. Một khi họ đã thấu hiểu thế giới xã hội vận hành ra sao, những nhà
tư tưởng gia trào lưu Ánh sáng xác định được mục tiêu thực hành- đó là sự sáng
tạo ra một thế giới “tốt đẹp”, hợp lý hơn.
Với sự nhấn mạnh vào
vai trò của lý tính, các triết gia Ánh sáng có khuynh hướng phản bác niềm tin
vào các thế quyền truyền thống. Khi những tư tưởng gia này kiểm nghiệm các giá
trị và thể chế truyền thống, họ thường là thấy rằng chúng bất hợp lý - tức là
trái ngược với bản chất con người cũng như kềm hãm sự trưởng thành và phát
triển của con người. Nhiệm vụ của các tư tưởng gia thực hành và có định hướng
thay đổi của trào lưu Ánh sáng là khắc phục các hệ thống bất hợp lý này.
Một lý thuyết gia chịu
tác động trực tiếp và tích cực của tư tưởng trào lưu Ánh sáng là Karl Marx,
nhưng ông hình thành các ý tưởng lý thuyết đầu tiên của mình ở Đức. Trên bề
mặt, chúng ta có thể nghĩ rằng các lý thuyết xã hội học cổ điển của Pháp, cũng
giống như lý thuyết của Marx, đã chịu ảnh hưởng trực tiếp và tích cực từ trào lưu Ánh sáng. Nhưng rốt cuộc, xã hội học
Pháp có trở nên hợp lý, duy nghiệm, khoa học và có định hướng thay đổi không?
Câu trả lời là có, nhưng chỉ sau khi nó
được định hình bởi một tập hợp những tư tưởng đã phát triển trong tiến trình
phản ứng lại trào lưu Ánh sáng. Theo quan điểm của Seidman: “Ý thức hệ của phe
Phản trào lưu Ánh sáng tiêu biểu cho một hình ảnh đảo ngược của chủ nghĩa tự do
trào lưu Ánh sáng. ” Từ vị trí của tiên đề của các lý thuyết gia hiện đại,
chúng ta có thể tìm ra ở các nhà phê phán trào lưu Ánh sáng một tình cảm phản
hiện đại rất mạnh mẽ. Như chúng ta sẽ thấy, xã hội học nói chung, và xã hội học
Pháp nói riêng, ngay từ buổi đầu đã là một sự pha trộn không thuận lợi giữa các
tư tưởng trào lưu Ánh sáng và Phản trào lưu Ánh sáng.
Hình thức cao độ nhất
của sự phản đối các tư tưởng trào lưu Ánh sáng là triết học phản cách mạng
Thiên Chúa giáo, mà đại biểu là các tư tưởng của Louis de Bonald (1754-1840) và
Joseph de Maistre (1753-1821). Những người này phản ứng chống lại không chỉ
trào lưu Ánh sáng mà cả cuộc Cách mạng Pháp, mà họ phần nào đó xem là một sản
phẩm của các đặc tính tư duy của trào lưu Ánh sáng. Ví dụ, De Bonald đã khó
chịu bởi các thay đổi từ cuộc cách mạng và ước ao được quay về sự thanh bình,
hoà hợp của thời Trung cổ. Theo quan điểm này, Thượng đế là cội nguồn của xã hội;
do đó, lý tính - cái rất quan trọng đối với các triết gia Ánh sáng, được coi là
thấp kém hơn các niềm tin tôn giáo truyền thống. Ngoài ra, từ niềm tin rằng
Thượng đế đã tạo ra xã hội, người ta không nên làm xáo trộn nó và không nên cố
tìm cách làm thay đổi một sự sáng tạo thiêng liêng thần thánh. Rộng hơn, de
Bonald phản đối mọi cái phá hoại những thể chế truyền thống như chế độ gia
trưởng, một vợ một chồng, chế độ quân chủ và nhà thờ Thiên Chúa giáo. Gọi lập
trường của de Bonald là bảo thủ là đã giảm bớt đi ý nghĩa của vấn đề. Mặc dù de Bonald tiêu biểu
cho một hình thức cao độ của các phản ứng bảo thủ, công trình của ông tạo nên
một sự giới thiệu hữu ích đối với các tiên đề chung của nó. Phe bảo thủ ngoảnh
mặt làm ngơ khỏi cái mà họ gọi là chủ nghĩa duy lý tính “ngây thơ” của trào lưu
Ánh sáng. Họ không những không nhận ra các phương diện bất hợp lý của đời sống
xã hội mà còn quy cho chúng những giá trị tích cực. Từ đó, họ coi những hiện
tượng như truyền thống, sự tưởng tượng,
tính đa cảm và tôn giáo là những thành tố có ích và cần thiết của đời sống xã
hội. Họ không thích sự biến động và tìm cách duy trì trật tự đang tồn tại, họ
than phiền về các phát triển như cuộc Cách mạng Pháp và Cách mạng công nghệ, mà
họ xem là những lực lượng phá hoại. Phe bảo thủ có khuynh hướng đề cao vai trò
của trật tự xã hội, một sự đề cao đã trở thành chủ đề chính yếu trong công
trình của nhiều lý thuyết gia xã hội học.
Zeitlin đã vạch ra mười
nhận định chủ yếu mà ông xem là phát
sinh từ sự phản ứng của phe bảo thủ và đã
cung cấp cơ sở cho sự phát triển của lý thuyết xã hội học cổ điển Pháp như sau:
1. Trong lúc các tư
tưởng gia Ánh sáng có khuynh hướng đề cao cá nhân, phản ứng bảo thủ dẫn tới một
mối quan tâm và đề cao về xã hội học chủ yếu đối với xã hội và các hiện tượng ở
tầm vĩ mô khác. Xã hội được xem như là một cái gì đó hơn là chỉ đơn giản là một
tập hợp các cá nhân. Xã hội được nhìn thấy như là nó tự tồn tại bởi tự thân của
nó, với những quy luật phát triển riêng bắt nguồn sâu xa từ quá khứ của nó.
2. Xã hội là đơn vị quan
trọng nhất để phân tích; Nó được xem là quan trọng hơn nhiều so với cá nhân.
Chính xã hội đã sản sinh ra các cá nhân, bắt nguồn từ tiến trình của sự xã hội
hoá.
3. Cá nhân chưa bao giờ
được xem là yếu tố cơ bản nhất trong lòng xã hội. Một xã hội bao gồm các thành
tố như các vai trò, các vị trí, các mối quan hệ, các cấu trúc, và các thể chế.
Các cá nhân được coi là không có ý nghĩa gì ngoài việc phủ đầy những đơn vị này trong lòng xã hội.
4. Các bộ phận của xã
hội được xem như là có mối quan hệ tương tác và phụ thuộc lẫn nhau. Thật sự,
các mối quan hệ tương tác này là nền tảng chủ yếu của xã hội. Quan điểm này dẫn
tới một định hướng chính trị bảo thủ. Đó là, bởi vì các bộ phận được duy trì
trong mối quan hệ tương tác lẫn nhau, điều theo sẽ là việc làm xáo trộn một bộ
phận sẽ dẫn tới sự phá hủy của các bộ phận khác, và cuối cùng, của cả một hệ
thống với ý nghĩa là một tổng thể.
5. Các thay đổi được xem
như một mối đe dọa không chỉ đối với xã hội và các thành tố của nó mà còn đối
với các cá thể trong xã hội. Các thành tố đa dạng trong xã hội được xem là sự
thoả mãn các nhu cầu của mọi người. Khi các thể chế bị phá vỡ, mọi người sẽ
phải gánh chịu, và sự gánh chịu hậu quả của họ sẽ dẫn tới sự hỗn loạn của xã
hội.
6. Khuynh hướng chung
nhất là xem các thành tố đa dạng ở tầm vĩ mô của xã hội có ích cho cả xã hội và
những cá thể bên trong nó. Hậu quả là, có rất ít mong muốn tìm kiếm các ảnh
hưởng tiêu cực của cấu trúc xã hội và các thể chế xã hội đang tồn tại.
7. Các đơn vị nhỏ, như
gia đình, hàng xóm, tôn giáo và các nhóm nghề nghiệp, cũng được xem là cơ sở
đối với các cá thể và xã hội. Chúng tạo ra những môi trường thân thiết, gần gũi
mà mọi người cần để sống còn trong các xã hội hiện đại.
8. Có một khuynh hướng
xem những thay đổi khác nhau của xã hội hiện đại như sự công nghiệp hoá, sự đô
thị hoá, và sự hành chính hoá như là những ảnh hưởng gây ra sự hỗn loạn vô tổ
chức. Những thay đổi này được quan sát với sự lo âu và sợ hãi, và có một sự đề
cao các đường lối phát triển để xử lý
các ảnh hưởng phá hoại của chúng.
9. Trong khi đa phần
những thay đổi đáng sợ này dẫn tới một xã hội duy lý hơn, phản ứng bảo thủ dẫn
tới sự đề cao tầm quan trọng của các nhân tố phi lý (ví dụ, các nghi thức, lễ
hội, việc thờ cúng vv...) trong đời sống xã hội.
10. Cuối cùng là những
người bảo thủ ủng hộ cho sự tồn tại của một hệ thống phân chia đẳng cấp trong
xã hội. Người ta cho việc có một hệ thống phân biệt địa vị và sự thụ hưởng là
điều quan trọng đối với xã hội.
Mười nhận định trên
nảy sinh từ phản ứng bảo thủ đối với trào lưu Ánh sáng, cần được xem là cơ sở
tri thức trực tiếp của sự phát triển lý thuyết xã hội học ở Pháp. Nhiều ý tưởng
trong số đó đã đi vào các tư tưởng xã hội học thời kỳ đầu, mặc dù một số tư
tưởng của trào lưu Ánh sáng (ví dụ, chủ nghĩa thực nghiệm) cũng đã có ảnh
hưởng.
Dù chúng ta đã nhấn mạnh đến sự gián đoạn
giữa trào lưu Ánh sáng và Phản Ánh
sáng, Seidman đã cho thấy rằng cũng có những mối liên tục và kết nối. Đầu tiên,
phe Phản Ánh sáng thực hiện các truyền thống khoa học đã phát triển trong trào
lưu Ánh sáng. Thứ hai, nó chọn lọc được sự nhấn mạnh của trào lưu Ánh sáng đối
với các tập thể (phản nghĩa với các cá thể) và đã mở rộng nó nhiều hơn nữa. Thứ
ba, cả hai đều có sự quan tâm đến các vấn đề của thế giới hiện đại, đặc biệt là
các ảnh hưởng tiêu cực của nó lên các cá thể.
Sự phát triển của Xã hội học Pháp
Bây giờ chúng ta quay
trở về với thực tế tạo dựng nên khoa xã hội học, với ý nghĩa là một môn khoa học riêng biệt, đặc thù, của ba tư
tuởng gia Pháp, Claude Saint Simon, August Comte và đặc biệt là Emile Durkheim.
Claude Henri Saint Simon (1760-1825): Saint Simon lớn tuổi hơn
August Comte, và thực tế, Comte, trong những năm đầu, đã phục vụ cho Simon với
tư cách một thư ký và một học trò. Có một mối tương đồng rất lớn giữa các ý
tưởng của hai người, thế nhưng một cuộc tranh chấp gay gắt cuối cùng đã dẫn tới
sự rạn nứt giữa họ. Vì Comte thường được coi là quan trọng hơn trong việc hình
thành xã hội học, chúng ta chỉ cần nói đôi dòng về các tư tưởng của Saint
Simon.
Khía cạnh đáng lưu ý
nhất của Saint Simon là ý nghĩa của ông đối với sự phát triển của cả lý thuyết
xã hội học bảo thủ (như Comte) và lý
thuyết Marx - trong nhiều cách thức lại
trái ngược hẳn với lý thuyết bảo thủ. Ở mặt bảo thủ, Saint Simon muốn bảo lưu
xã hội như đã có, nhưng ông không tìm kiếm một sự quay trở lại đời sống như của
thời Trung cổ, giống Bonald và Maistre. Ngoài ra, ông là một nhà thực chứng
luận, nghĩa là ông tin rằng việc nghiên cứu các hiện tượng xã hội cũng cần khai
thác các kỹ thuật của khoa học như trong nghiên cứu tự nhiên. Ở mặt duy lý,
Saint Simon nhận thấy sự cần thiết đối với các cải cách xã hội chủ nghĩa, nhất
là trong việc trọng tâm hoá các kế hoạch của hệ kinh tế. Nhưng ông không tới
gần hơn như Marx sau này. Mặc dù cũng như Marx, ông nhận ra những nhà tư sản đã
thế chỗ cho giới quý tộc phong kiến, ông cảm thấy không thể nào tưởng tượng
được rằng giai cấp công nhân lại có thể thế chỗ cho giai cấp tư sản. Nhiều tư
tưởng của Simon được tìm thấy trong tác phẩm của Comte, mà chúng ta sẽ khảo sát
sơ lược ngay sau đây.
August Comte
(1798-1857): Comte là người đầu tiên sử dụng
thuật ngữ Xã hội học. Ông có ảnh hưởng to lớn đến các lý thuyết gia xã hội học
sau này (đặc biệt là Herbert Spencer và Emile Durkheim). Và ông tin rằng việc
nghiên cứu xã hội học cần phải mang tính khoa học, như nhiều lý thuyết gia cổ
điển đã làm và phần lớn các nhà xã hội học đương thời đang làm.
Tác phẩm của Comte được
xem, ít nhất là một phần, như là một phản ứng chống lại cuộc Cách mạng Pháp và
trào lưu Ánh sáng - mà ông xem là nguyên
nhân chính của cuộc cách mạng đó. Ông vô
cùng khó chịu với tình trạng hỗn loạn vô chính phủ lan tràn khắp xã hội và phê
phán các nhà tư tưởng Pháp đã sản sinh ra trào lưu Ánh sáng và cuộc cách mạng
này. Ông đã phát triển quan điểm khoa học “ thực chứng luận”, hoặc “triết học
thực chứng” để tranh đấu với cái mà ông coi là triết học tiêu cực và phá hoại
của trào lưu Ánh sáng. Comte đi cùng đường, và bị ảnh hưởng bởi những nhà Phản
cách mạng Thiên Chúa giáo Pháp (đặc biệt là de Bonald và de Maistre). Tuy
nhiên, công trình của ông có thể tách biệt với công trình của họ bởi ít nhất là
hai lý do. Trước hết, ông không cho là có thể quay trở về thời Trung cổ; các
tiến bộ của khoa học và công nghệ làm cho điều này trở thành bất khả. Thứ hai,
ông phát triển một hệ lý thuyết phức tạp hơn nhiều so với những bậc tiền bối,
một hệ thống có thể được xem là một di sản quý giá của xã hội học thời kỳ đầu.
Comte phát triển vật lý
học xã hội (social physics), hoặc cái mà vào năm 1822 ông đã gọi là xã hội học,
để chiến đấu với các triết thuyết tiêu cực và chế độ quân chủ mà theo quan điểm của ông đã lan tràn khắp xã hội
Pháp. Việc sử dụng thuật ngữ vật lý học xã hội làm sáng tỏ rằng Comte đã tìm
kiếm một môn xã hội học mới theo sau các bộ môn khoa học cứng (hard sciences).
Môn khoa học mới này, trong quan điểm của ông, cuối cùng sẽ là bộ môn thống
trị, có quan hệ đến cả các trạng thái tĩnh xã hội (các cấu trúc xã hội đang tồn
tại) và cả các động năng xã hội (thay đổi
xã hội). Mặc dù cả hai đều có liên quan trong việc tìm kiếm các quy luật của
đời sống xã hội, ông cảm thấy rằng các động năng xã hội quan trọng hơn là các
trạng thái tĩnh xã hội. Điểm tập trung
vào sự thay đổi phản ánh sự lưu tâm của ông tới việc cải cách xã hội, đặc biệt
là đối với các xấu xa yếu kém do Cách mạng Pháp và trào lưu Ánh sáng tạo ra.
Comte không đề xuất ra một thay đổi mang tính cách mạng, bởi vì ông cảm thấy sự
tiến triển tự nhiên của xã hội sẽ có thể làm cho mọi sự tốt đẹp hơn. Những cải
cách chỉ cần thiết để hỗ trợ thêm cho tiến trình này.
Điều
này dẫn chúng ta tới một nền tảng của phương pháp tiếp cận của Comte - lý
thuyết tiến hóa của ông, hoặc quy luật của ba giai đoạn. Lý thuyết này cho rằng
thế giới đã trải qua lịch sử của mình theo ba giai đoạn về tri thức. Theo
Comte, không chỉ thế giới, mà các nhóm, các xã hội, cá nhân, và thậm chỉ cả trí
óc cũng vận động qua ba giai đoạn nói trên. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn
thần học, và nó đã định tính thế giới từ trước đó cho tới năm 1300. Trong giai
đoạn này, hệ tư tưởng chính đề cao niềm tin tưởng rằng các lực lượng siêu
nhiên, các nhân vật tôn giáo, được hình tượng bởi loài người, là cội nguồn của
mọi sự vật. Đặc biệt, thế giới xã hội và vật lý được coi là do Thượng đế sáng
tạo ra. Giai đoạn thứ hai là giai đoạn siêu hình, diễn ra khoảng từ 1300-1800.
Kỷ nguyên này dược định tính bởi niềm tin rằng các lực lượng trừu tượng như “tự
nhiên” chứ không phải là những thần thánh đã được nhân cách hóa, đã giãi thích
một cách hiển nhiên mọi điều. Cuối cùng, từ 1800 trở đi, thế giới bước vào giai
đoạn thực chứng, được định tính bởi niềm tin vào khoa học. Mọi người giờ đây có
xu hướng ngưng tìm kiếm các nguyên nhân tuyệt đối (Thượng đế hoặc tự nhiên) và
thay vào đó, tập trung vào quan sát thế giới xã hội và vật lý để tìm kiếm các
quy luật vận hành chúng.
Rõ ràng là trong lý
thuyết về thế giới của mình, Comte đã tập trung vào các yếu tố trí thức. Thật
sự, ông lý luận rằng sự hỗn loạn về tri thức là nguyên nhân của hỗn loạn xã
hội. Sự hỗn loạn bắt nguồn từ các hệ tư tưởng đầu tiên (thần học và siêu hình)
tiếp tục tồn tại trong thời kỳ thực chứng. Chỉ khi chủ nghĩa thực chứng đã nắm
quyền kiểm soát toàn bộ, các biến động xã hội mới chấm dứt. Vì đây là một quá
trình tiến hóa, không cần thiết phải tác động đến các biến động xã hội và cách
mạng. Chủ nghĩa thực chứng sẽ đến, mặc dù không nhanh chóng như nhiều người
muốn. Ở đây, chủ nghĩa cải cách và xã
hội học của Comte trùng khớp với nhau. Xã hội học có thể giải quyết điểm đến của chủ nghĩa thực chứng và như vậy
sẽ mang lại trật tự cho thế giới xã hội. Trên hết, Comte dường như không muốn
tán thành cách mạng. Theo quan điểm của ông thế giới đã có quá đủ hỗn loạn rồi.
Ở bất cứ trường hợp nào, theo quan điểm của Comte, cái cần thiết là sự thay đổi
tri thức, do đó rất có ít lý do để cần đến cách mạng xã hội và chính trị.
Chúng ta đã điểm qua
nhiều lập trường quan điểm của Comte đã có tầm quan trọng lớn lao đến sự phát
triển của xã hội học cổ điển - chủ nghĩa bảo thủ về cơ bản của ông, thuyết cải
cách, thuyết khoa học, và quan điểm về thế giới tiến hóa của ông. Nhiều khía
cạnh trong tác phẩm của ông xứng đáng được lưu ý bởi vì chúng đã đóng vai trò
quan trọng trong sự tiến triển của lý thuyết xã hội học. Ví dụ, xã hội học của
ông không tập trung vào cá thể mà chỉ xem nó là một đơn vị cơ bản của các thực
thể phân tích lớn hơn như gia đình. Ông cũng đã đề xuất rằng chúng ta nên nhìn
vào cả cơ cấu xã hội và biến đổi xã hội. Cái quan trọng nhất đối với lý thuyết
xã hội học sau này, nhất là đối với công trình của Spencer và Parson, là sự
nhấn mạnh của Comte vào tính chất hệ thống của xã hội - những mối liên kết
trong và giữa các thành tố khác nhau của xã hội. Ông cũng chấp nhận tầm quan
trọng lớn lao ở vai trò của sự liên ứng trong xã hội. Ông thấy ít có giá trị ở
ý tưởng rằng xã hội được định tính bởi mối mâu thuẫn bất khả kháng giữa giai
cấp công nhân và giai cấp tư bản. Ngoài ra, Comte nhấn mạnh sự cần thiết phải
kết hợp giữa lý thuyết trừu tượng và việc ra ngoài thực hiện các nghiên cứu xã
hội học. Ong đòi hỏi các nhà xã hội học phải vận dụng sự quan sát, sự thực
nghiệm, và phép phân tích so sánh lịch sử. Cuối cùng, Comte là một người theo
thuyết phát triển tầng lớp ưu tú trong xã hội, ông tin rằng xã hội học cuối
cùng sẽ trở thành một lực lượng khoa học hàng đầu của thế giới vì khả năng xuất
chúng của nó để diễn tả các quy luật xã hội và để phát triển các cuộc cải cách
hướng tới việc dàn xếp giải quyết các vấn đề trong phạm vi hệ thống.
Comte nằm trong vị trí
hàng đầu của quá trình phát triển xã hội học thực chứng. Theo Jonathan Turner,
chủ nghĩa thực chứng của Comte nhấn mạnh rằng “vũ trụ xã hội chịu trách nhiệm
đối với sự phát triển của các quy luật trừu tượng mà có thể kiểm chứng thông
qua các sự tập hợp cẩn thận các dữ liệu”, và “những quy luật trừu tượng này sẽ
chỉ ra các thuộc tính cơ bản và chung nhất của vũ trụ xã hội và chúng sẽ xác
định những mối quan hệ bản chất của chúng.”
Như chúng ta sẽ thấy, một số nhà xã hội học cổ điển (đặc biệt là Spencer
và Durkheim) đã chia sẻ mối quan tâm của Comte đối với việc phát hiện các quy
luật của đời sống xã hội.
Mặc dù Comte thiếu một
nền tảng vững chắc về học vấn để từ đó xây dựng nên một trường phái lý thuyết
xã hội học của mình, ông đã tạo ra một cơ sở cho sự phát triển một dòng lý
thuyết xã hội học quan trọng. Nhưng tầm quan trọng lâu dài của ông đã bị làm
cho nhỏ đi bởi những người kế tục ông trong xã hội học Pháp, và bởi người kế
thừa một số tư tưởng của ông, Emile Durkheim.
Emile Durkheim
(1858-1917): Mặc dù Durkheim, cũng như
Comte, xem Trào lưu Ánh sáng có một ảnh hưởng tiêu cực, nó cũng đã có một số
ảnh hưởng tích cực đối với công trình của ông (ví dụ, sự đề cao chủ nghĩa cải
cách khoa học và xã hội). Tuy nhiên, Durkheim thường được kể nhất ở tư cách là
người kế tục của truyền thống bảo thủ, đặc biệt là như biểu thị trong công
trình của Comte. Nhưng trong lúc Comte ở ngoài tầm của giới hàn lâm, Durkheim
đã phát triển một nền tảng học vấn ngày càng nâng cao theo sự nghiệp của ông.
Durkheim đã chính thống hóa xã hội học ở Pháp, và tác phẩm của ông cuối cùng đã
trở nên lực lượng chủ yếu trong sự phát triển xã hội học nói chung và lý thuyết
xã hội học nói riêng.
Durkheim có tư tưởng tự
do về chính trị, nhưng về mặt trí thức, ông nghiêng về phía bảo thủ hơn. Như
Comte và những người Phản cách mạng Thiên Chúa giáo, Durkheim sợ và ghét sự hỗn
loạn xã hội. Công trình của ông đã được dự báo bởi các hỗn loạn vô trật tự nảy
sinh từ các thay đổi chung của xã hội đã
thảo luận ở đầu chương này, cũng như các thay đổi khác (như các cuộc đình công,
sự sụp đổ của giai cấp thống trị, mối bất hòa giữa nhà nước và nhà thờ, sự ra
đời của phe chống chủ nghĩa Xe-mít chính trị) cụ thể hơn của Pháp vào thời đại
đó. Thật sự, phần lớn công trình của ông dành cho việc nghiên cứu trật tự xã
hội, Quan điểm của ông là các hỗn loạn xã hội không phải là bộ phận cần thiết
của thế giới hiện đại và có thể làm giảm đi bởi các cải cách xã hội. Trong khi
Marx coi các vấn đề của thế giới hiện đại như là sự kế thừa trong xã hội,
Durkheim (cùng nhiều lý thuyết gia cổ điển khác) lại không cho là thế. Kết quả
là các tư tưởng của Marx về sự cần thiết đối với cách mạng xã hội đối ngược hẳn
với chủ nghĩa cải cách của Durkheim và nhiều người khác. Khi lý thuyết xã hội
học cổ điển phát triển, mối quan tâm của Durkheim đối với trật tự và cải cách
đã ở vào thế mạnh, còn vị trí của Marx bị lu mờ đi.
Trong hai cuốn sách
xuất bản cuối thập kỷ 1800, Durkheim phát triển một khái niệm nổi bật về đề tài
chủ thể của xã hội học và đã kiểm chứng nó thông qua một nghiên cứu thực
nghiệm. Trong quyển Luật của phương pháp
xã hội học, Durkheim cho rằng công việc đặc biệt của xã hội học là nghiên
cứu cái mà ông gọi là các sự kiện xã hội (social facts). Ong nhìn nhận các sự
kiện xã hội như là những lực lượng và cấu trúc ở bên ngoài và đối nghịch lại cá
thể. Việc nghiên cứu các cấu trúc và lực lượng tầm vĩ mô - ví dụ, các thiết chế
luật pháp và các niềm tin đạo đức - và tác động của nó lên mọi người trở thành
mối quan tâm của của nhiều lý thuyết gia xã hội học sau đó (ví dụ Parson).
Durkheim không chỉ định nghĩa chủ thể chính của xã hội học; ông tìm kiếm qua
các nghiên cứu xã hội học để chứng minh ích lợi của một tâm điểm như thế. Ong đã chọn lấy đề tài về
sự tự sát. Trong một quyển sách nhan đề Sự
tự sát, Durkheim lý luận rằng nếu ông có thể kết nối một hành vi cá nhân
như sự tự sát với các nguyên nhân xã hội (các sự kiện xã hội), ông có thể chứng
tỏ một cách thuyết phục tầm quan trọng của tính kỷ cương của xã hội học. Nhưng
Durkheim không kiểm tra xem vì sao một cá thể A hoặc B lại tự sát; ông hướng sự
quan tâm tới những nguyên nhân của các tỷ lệ tự sát khác nhau giữa các nhóm,
các tôn giáo, khu vực, quốc gia, và các hạng người (ví dụ độc thân hoặc đã lập
gia đình). Lý luận cơ bản của ông là chính bản chất và những thay đổi của các
sự kiện xã hội đã dẫn tới sự khác biệt trong tỷ lệ tự sát. Ví dụ, một cuộc
chiến hoặc một sự suy thoái kinh tế có thể tạo ra một tâm thế suy sút tập thể
và đến lượt nó lại dẫn tới sự gia tăng tỷ lệ tự sát. Còn nhiều điều có thể nói
về chủ đề này, nhưng diểm chính yếu mà chúng tôi hướng tới ở đây là Durkheim đã
phát triển một quan điểm sâu sắc về xã hội học và tìm cách chứng minh sự hữu
ích của nó trong một nghiên cứu khoa học về việc tự sát.
Trong cuốn Luật của Phương pháp xã hội học,
Durkheim phân biệt giữa hai kiểu sự kiện xã hội – vật chất và phi vật chất. Dù
ông đã giải quyết cả hai trong công trình của mình, tiêu điểm của ông tập trung
vào các sự kiện xã hội - phi vật chất (ví dụ, văn hóa, các thể chế xã hội) hơn
là các sự kiện xã hội - vật chất (ví dụ, bộ máy quan liêu, luật pháp). Mối quan
tâm này đã được làm rõ ở một công trình thứ yếu của ông trước đó, cuốn Sự phân loại lao động trong xã hội.
Trọng điểm của ông ở đó là việc phân tích so sánh cái đã liên kết xã hội lại
với nhau trong các hoàn cảnh sơ khai và hiện đại. Ông kết luận rằng các xã hội
sơ khai ban đầu được tổ chức bởi các sự kiện xã hội phi vật chất, đặc biệt là,
mối quan hệ mạnh mẽ về đạo đức, hoặc cái mà ông gọi là một “lương tri tập thể”
mạnh mẽ. Tuy nhiên, vì những mối phức tạp của xã hội hiện đại, sức mạnh của
lương tri tập thể này đã bị suy đồi thoái hóa. Mối dây liên hệ cơ bản trong thế
giới hiện đại là một sự phân loại rối
rắm về lao động, nó ràng buộc mọi người bằng những quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.
Tuy nhiên, Durkheim cảm thấy sự phân loại lao động hiện đại đã mang tới nhiều
“bệnh lý”, nói cách khác, đó là một phương thức nối kết xã hội không thích ứng.
Đề ra thuyết xã hội học bảo thủ của mình, ông không cho rằng cách mạng là cần
thiết để giải quyết những vấn đề này. Hơn nữa, ông đề xuất một loạt các cải
cách có thể khôi phục hệ thống hiện đại và làm cho nó vận hành đúng đắn. Dù ông
nhận thấy rằng không thể quay trở lại thời kỳ mà lương tri tập thể đầy quyền
năng từng ngự trị, ông cũng cho rằng người ta có thể củng cố lại nền luân lý
đạo đức phổ quát trong xã hội hiện đại và
do đó có thể đối phó với các bệnh lý mà họ đã nếm trải tốt hơn.
Trong công trình sau đó của ông, các sự kiện
xã hội phi vật chất càng chiếm vị trí trung tâm hơn nữa. Thật sự, có lẽ ông đã
tập trung vào một hình thức cơ bản về một sự kiện xã hội phi vật chất-tôn giáo
trong công trình cuối cùng, quyển Các
hình thái nguyên sơ của đời sống tôn giáo. Trong quyển này ông nghiên cứu
xã hội nguyên thủy để tìm ra các nguồn gốc của tôn giáo. Ông tin rằng mình có
thể tìm được các căn nguyên này ở mức độ đơn giản và dễ so sánh của xã hội
nguyên thủy hơn là trong xã hội hiện đại đầy phức tạp. Ông cảm thấy cái cội
nguồn của tôn giáo mà ông tìm ra chính là bản thân xã hội. Xã hội đã định nghĩa
các sự vật xác định này hay khác là có tính chất tôn giáo hay phàm tục. Cụ thể
trong trường hợp ông nghiên cứu, thị tộc là cội nguồn của một kiểu tôn giáo
nguyên sơ, chủ nghĩa tô-tem, ở đó những thứ như cây cối và thú vật đã được thần
thánh hóa. Ngược lại, tô-tem giáo được xem như là một kiểu cụ thể của sự kiện
xã hội phi vật chất, một hình thức của lương tri tập thể. Cuối cùng, Durkheim
đi đến lý luận rằng xã hội và tôn giáo (hoặc, nói tổng quát hơn, là lương tri
tập thể) là một và như nhau. Tôn giáo là cách thức xã hội biểu hiện bản thân nó
trong hình thái của một sự kiện xã hội phi vật chất. Rồi theo cách suy luận
này, ông đi đến xã hội tôn thần (deify society) và các sản phẩm chủ yếu của nó.
Rõ ràng trong xã hội tôn thần, Durkheim bày tỏ một lập trường bảo thủ hơn:
người ta không muốn lật đổ một thần linh hoặc nguồn gốc xã hội của nó. Vì đồng
nhất hóa xã hội với thần linh, Durkheim không có khuynh hướng kêu gọi cách mạng
xã hội. Thay vì thế, ông là một nhà cải cách xã hội cố tìm ra những con đường
để cải tiến các chức năng của xã hội. Bằng cách này cách khác, hiển nhiên
Durkheim cùng đứng trong hàng ngũ với những nhà xã hội học bảo thủ Pháp. Sự
kiện ông tránh đi nhiều cái thái quá của họ đã giúp cho ông trở nên nhân vật
quan trọng nhất của xã hội học nước Pháp .
Những quyển sách nói
trên và những công trình quan trọng khác đã tạo ra một một lãnh địa riêng biệt
cho xã hội học trong thế giới hàn lâm của nước Pháp cuối thế kỷ, và đã tạo cho
Durkheim một vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực đang phát triển này. Năm 1898,
Durkheim sáng lập một tờ báo dành cho xã hội học, tờ L’année sociologique. Nó trở thành một lực lượng hùng mạnh trong sự
phát triển và truyền bá các tư tưởng xã hội học. Durkheim dụng tâm chăm nom cho
sự tăng trưởng của xã hội học, và ông
dùng tờ báo của mình như một điểm trung tâm để từ đó tạo ra một nhóm các môn
đồ. Về sau họ sẽ mở rộng các tư tưởng của ông và mang chúng tới nhiều địa hạt
khác, trong việc nghiên cứu các khía cạnh khác của thế giới xã hội (ví dụ, xã
hội học luật pháp và xã hội học đô thị). Đến năm 1910 Durkheim đã thiết lập nên
một trung tâm hùng hậu về xã hội học ở Pháp, và xã hội học đã trở nên một thể chế
trong học thuật hàn lâm ở nước này.
Các giai đoạn phát
triển của xã hội học Pháp thời kỳ đầu:
Trong phân tích lịch
sử của học thuyết xã hội Pháp, Heilbron lý luận rằng có thể chia nó thành hai
thời kỳ tiền bộ môn (1600-1850) và bộ môn (sau 1850). Ở thời kỳ tiền bộ môn,
các công trình lý thuyết xuất hiện dưới hình thức tri thức, cái mà trong lúc có
thể phân biệt được, lại có sự tương tác với một hình thức khác bao trùm toàn bộ
các cơ cấu nhận thức, thể chế và xã hội. Ở Pháp sau 1850, chúng ta chứng kiến
sự ra đời của các bộ môn như xã hội học có sự chặt chẽ trong phạm vi hơn là
trong hình thức trí thức, nhưng lại ít gắn bó với nhau.
Cụ thể hơn, Heilbron
thấy có ba giai đoạn trong bước đầu phát triển của xã hội học Pháp. Giai đoạn
đầu, 1730-1775, là sự ra đời của lý thuyết xã hội (đặc biệt là trong công trình
của Montesquieu và Rousseau) như là một thể trí thức riêng biệt có thể phân
biệt được với các thể khác như lý thuyết chính trị và triết học. Trước
Montesquieu và Rousseau, “xã hội” trong ý thức hiện đại về phạm vi như là các
mối quan hệ xã hội nói chung đã không được lựa chọn cho các phân tích lý
thuyết. Ở giai đoạn thứ hai, 1775-1814, dẫn đầu bởi Condorcet (người dùng toán
học làm kiểu mẫu và công cụ để phân tích hiện tượng xã hội) và Cabanis (người
dùng sinh lý học và y học làm kiểu mẫu cho phân tích xã hội), các quan hệ xã
hội được nhìn nhận như là chủ thể của một khoa học thực nghiệm, chứ không chỉ
là cái gì đó cần cho sự tái thiết cấp tiến. Trong giai đoạn này, thuật ngữ
“khoa học xã hội” được sáng tạo ra. Ở giai đoạn thứ ba, dẫn đầu bởi August
Comte, và sau đó bởi Emile Durkheim, xã hội học lớn dần và được xem là một bộ
môn riêng biệt, một khoa học tương đối tự trị với lãnh vực riêng của nó, các lý
thuyết và các phương pháp. Thành tựu về tư cách của bộ môn này đã tạo nên cơ sở
phát triển của xã hội học không chỉ ở Pháp, mà còn ở nhiều nơi khác trên toàn
thế giới sau này.
Sự phát triển của xã hội học Đức
Trong lúc thời kỳ đầu
của lịch sử xã hội học Pháp là một tiến triển mạch lạc chặt chẽ từ Trào lưu Anh
sáng và Cách mạng Pháp cho tới sự phản ứng của phe Bảo thủ và sự tăng trưởng
dần dần những tư tưởng xã hội học quan trọng của Saint Simon, Comte,
Durkheim, xã hội học Đức là những mảnh
nhỏ rời rạc ở bước đầu. Một sự chia rẽ đã phát triển dần giữa Marx (và những
người ủng hộ), kẻ vẫn còn ở bên lề xã hội học, với những nhân vật lớn đầu tiên
của dòng xã hội học Đức chính yếu, Max Weber và Georg Simmel. Tuy nhiên, dù lý
thuyết Marx ở chính bản thân nó dường như không thể chấp nhận được, những tư tưởng
của nó đã bằng nhiều cách khác nhau, tích cực hay tiêu cực, đi vào dòng xã hội
học Đức. Thảo luận của chúng tôi ở đây chia thành lý thuyết theo Marx và lý
thuyết không theo Marx ở Đức.
Các nguồn gốc và bản chất của lý thuyết của Karl Marx (1818-1883)
Nhân vật có ảnh hưởng
lớn về trí thức đối với Marx là triết gia Đức G. W. F. Hegel (1770-1831). Theo
Ball, “ chúng ta khó mà đánh giá mức độ chiếm ưu thế của Hegel đối với tư duy ở
Đức trong một phần tư thứ hai của thế kỷ
19. Phạm vi quan điểm triết học to lớn của ông đã dạy cho những người Đức -
trong đó bao gồm chàng thanh niên Marx - cách thảo luận về lịch sử, chính trị
và văn hóa”. Học vấn của Marx ở ĐH Berlin đã được định hình bởi tư tưởng Hegel
cũng như sự chia rẽ phát triển lên giữa những người kế tục của ông sau khi ông
chết. Phái “Hegel già” tiếp tục tán thành các tư tưởng của thầy mình, trong khi
phái “Hegel trẻ” dù vẫn nghiên cứu theo truyền thống của thuyết Hegel, lại phê
phán nhiều khía cạnh trong hệ triết học này. Trong số những người Hegel trẻ này
có Ludwig Feuerbach (1804-!872) đã cố tìm cách cải biên các tư tưởng của Hegel.
Marx chịu ảnh hưởng của cả tư tưởng Hegel và những cải biên của Feuerbach,
nhưng ông mở rộng và kết hợp cả hai nhà triết học này theo một phương thức mới
lạ và sâu sắc.
Hai khái niệm tiêu biểu
cho cơ sở triết học của Hegel là biện chứng pháp và chủ nghĩa duy tâm. Tư tưởng
về biện chứng rất phức tạp, nhưng một vài nhận định giới thiệu ở đây là cần
thiết. Biện chứng vừa là một phương pháp tư duy, vừa là một hình dung về thế giới.
Ở mặt này, nó là cách thức tư duy nhấn mạnh sự quan trọng của các tiến trình,
các mối quan hệ, các động lực, các xung đột và mâu thuẫn - một phương thức tư
duy năng động chứ không phải tĩnh tại về thế giới. Ở mặt kia, nó nhìn nhận rằng
thế giới được tạo nên không phải từ những cấu trúc bất động mà là từ các tiến
trình, các mối quan hệ, các động lực, các xung đột và mâu thuẫn. Mặc dù biện
chứng nói chung là gắn liền với Hegel, hẳn nhiên nó đã đưa ông lùi lại sau về
mặt triết học. Marx, được đào tạo theo truyền thống Hegel, chấp nhận ý nghĩa
quan trọng của biện chứng pháp. Tuy nhiên, ông phê phán một số khía cạnh trong
cách thức ứng dụng nó của Hegel. Ví dụ, Hegel có xu hướng chỉ áp dụng nó đối
với các tư tưởng, trong khi Marx cho rằng nó cũng có thể áp dụng cho các khía
cạnh vật chất của đời sống, ví dụ như nền kinh tế.
Hegel cũng gắn liền
triết học với chủ nghĩa duy tâm, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của trí tuệ và
các sản phẩm tinh thần hơn là thế giới vật chất. Cái đáng lưu tâm nhất là các
định nghĩa xã hội về các thế giới vật lý và vật chất chứ không phải chính bản
thân chúng. Ở hình thức cực đoan của nó, chủ nghĩa duy tâm khẳng nhận rằng chỉ
có trí tuệ và các thiết chế tâm lý là tồn tại. Một số những nhà triết gia duy
tâm tin rằng các tiến trình tinh thần của họ vẫn tồn tại như cũ ngay cả khi các thế giới vật
lý và xã hội không còn nữa. Các nhà duy tâm không chỉ nhấn mạnh đến các tiến
trình tinh thần mà cả các tư tưởng sinh ra bởi các tiến trình này. Hegel rất lưu
tâm đến sự phát triển của những tư tưởng đó, đặc biệt tới cái mà ông gọi là
“tinh thần” của xã hội.
Trong thực tế, Hegel đề
ra một loại thuyết tiến hóa của thế giới trong phạm vi tư tưởng. Đầu tiên, mọi
người chỉ được phú cho khả năng đạt được một sự hiểu biết cảm tính về thế giới
xung quanh họ. Họ có thể hiểu sự vật bằng cách nhìn, ngửi, cảm nhận về thế giới
vật lý và xã hội. Sau đó, người ta phát triển năng lực nhận thức để hiểu biết
về chính bản thân họ. Với sự tự nhận biết và hiểu thấu về bản thân, mọi người
bắt đầu hiểu rằng họ thể trở nên khá hơn trước đây. Ở phạm vi biện chứng pháp
của Hegel, một mối mâu thuẫn phát triển dần giữa cái mà mọi người đã từng là và
cái mà họ cảm thấy họ có khả năng trở nên. Giải pháp cho mâu thuẫn này nằm
trong sự phát triển nhận thức của một cá thể về vị trí của mình trong tinh thần
to lớn của xã hội. Các cá thể nhận ra rằng sự
thành tựu của họ nằm trong sự phát triển và mở rộng tinh thần của tổng
thể xã hội. Như vậy, các cá thể theo trù liệu của Hegel tiến hóa từ việc hiểu
biết sự vật tới hiểu biết bản thân, rồi hiểu biết vị trí của họ trong một bối
cảnh rộng lớn hơn của toàn thể sự vật.
Hegel, do đó, đề ra một
lý thuyết chung về sự tiến hóa của thế giới. Đó là một lý thuyết chủ quan trong
đó sự thay đổi được tác động để xảy ra ở
cấp độ ý thức. Tuy nhiên, sự thay đổi này xảy ra một cách rộng lớn và
nằm ngoài sự kiểm soát của những người thực hiện. Những người thực hiện bị giảm
thiểu thành những dòng chảy bị cuốn theo chiều tiến hóa không thể cưỡng lại của
ý thức.
Ludwig Feuerbach là một
chiếc cầu nối quan trọng giữa Hegel và Marx. Là một người Hegel Trẻ, Feuerbach
phê phán Hegel về, trong số những điều khác, sự đề cao thái quá của ông đối với
ý thức và tinh thần xã hội. Sự tu chỉnh của Feuerbach về một triết học duy vật
dẫn ông ta tới lý luận rằng điều cần thiết là phải chuyển dời từ chủ nghĩa duy
tâm chủ quan của Hegel sang một trọng tâm không phải về các ý tưởng mà về thực
tiễn duy vật của con người trong thực tại. Trong phê phán Hegel của ông,
Feuerbach tập trung vào tôn giáo. Theo ông, Thượng đế chỉ đơn giản là một hình
ảnh phóng chiếu của mọi người đối với bản chất con người của họ vào một lực
lượng phi nhân hóa. Mọi người đặt Thượng đế lên cao phía trên đầu họ, và kết
quả là họ trở nên tha hóa khỏi Thượng đế và lại tạo ra một loạt các đặc tính tích
cực cho Thượng đế (rằng ông ta là hoàn thiện, toàn năng và linh thiêng), trong
khi họ tự hạ thấp mình xuống, trở nên
không hoàn thiện, không quyền năng, và đầy tội lỗi. Feuerbach lý luận rằng kiểu
tôn giáo này phải được khắc phục và rằng việc đánh bại nó có thể được hỗ trợ
bằng một triết học duy vật trong đó mọi người (không tôn giáo) trở nên đối
tượng cao nhất của riêng họ, tự bản thân họ là đỉnh điểm. Chính con người thật
sự, chứ không phải các ý tưởng trừu tượng như tôn giáo, cần được thần thánh hóa
bởi một triết học duy vật.
Marx đồng thời vừa chịu
ảnh hưởng, lại vừa phê phán cả Hegel và Feuerbach. Marx, tiếp theo Feuerbach,
phê phán sự khăng khăng bám lấy một triết học duy tâm của Hegel. Marx giữ lập
trường này không chỉ vì sự tu chỉnh của
ông về một định hướng duy vật mà còn vì sự quan tâm của ông đối với các hành
động thực tiễn. Các sự kiện xã hội như tài sản và nhà nước bị Hegel đối đãi như
là các ý tưởng hơn là những thực thể vật chất, có thật. Ngay cả khi ông thực
nghiệm một tiến trình dường như là duy vật như lao động, Hegel cũng chỉ nhìn
vào một sự lao động trừu tượng tinh thần. Điều này rất khác so với sự quan tâm
của Marx về lao động của những con người có thật, có tri giác. Như vậy, theo
Marx, Hegel đã nhìn vào các vấn đề một cách sai lầm. Ngoài ra, Marx cảm thấy
chủ nghĩa duy tâm của Hegel đưa tới một định hướng rất bảo thủ về chính trị.
Đối với Hegel, quá trình tiến hóa xảy ra nằm ngoài sự kiểm soát và hoạt động
của mọi người. Trong bất kỳ trường hợp nào, mọi người dường như đang chuyển động tới một ý thức lớn hơn của
thế giới như nó có thể là như thế, và dường như không cần thiết phải có bất kỳ
một cuộc cách mạng thay đổi nào; tiến trình đã chuyển động hướng tới mục tiêu “
mong ước”. Bất cứ những vấn đề nào tồn tại đều nằm trong ý thức, và do đó, câu
trả lời dường như nằm trong việc thay đổi cách tư duy.
Marx đề ra một quan
điểm rất khác, lý luận rằng các vấn đề của xã hội hiện đại có thể tìm ra từ các
căn nguyên vật chất, có thật (ví dụ, các cơ cấu của chủ nghĩa tư bản), và rằng
các giải pháp, do đó, chỉ có thể tìm ra trong việc lật đổ các cơ cấu đó bởi một
hành động tập thể của đại đa số quần chúng nhân dân. Trong khi Hegel “lộn ngược
đầu lịch sử xuống đất” (nghĩa là chỉ tập trung vào ý thức chứ không vào thế
giới vật chất thực tế), Marx kiên quyết gắn biện chứng pháp của ông vào một cơ
sở vật chất.
Marx tán dương sự phê
phán của Feuerbach đối với Hegel trong một số điểm (ví dụ, chủ nghĩa duy vật
của nó và sự phản đối tính trừu tượng của học thuyết Hegel), nhưng ông còn chưa
bằng lòng với lập trường quan điểm của Feuerbach. Chẳng hạn như, Feuerbach tập
trung vào thế giới tôn giáo, trong khi Marx tin rằng cần phải phân tích toàn
thể thế giới xã hội, trong đó là kinh tế nói riêng. Dù Marx thừa nhận chủ nghĩa
duy vật của Feuerbach, ông cảm thấy Feyerbach đã đi quá xa trong việc tập trung
phiến diện, phi biện chứng vào thế giới vật chất. Feuerbach không vận dụng được
cống hiến quan trọng nhất của Hegel trong định hướng duy vật của ông, đặc biệt
là về mối quan hệ giữa mọi người và thế giới vật chất. Cuối cùng, Marx lý luận
rằng Feuerbach, giống phần lớn các nhà triết học khác, đã không đề cao được
praxis - hành động thực tiễn - nói riêng là hành động cách mạng. Marx nói: “Các
triết gia đã chỉ giải thích thế giới bằng nhiều cách; tuy nhiên, vấn đề là phải
thay đổi nó.”
Marx trích ra cái mà
ông xem là hai nguyên tố quan yếu nhất của hai tư tưởng gia - biện chứng của
Hegel và chủ nghĩa duy vật của Feuerbach, và hòa tan chúng vào định hướng riêng
biệt của chính ông, chủ nghĩa duy vật biện chứng, tập trung vào các quan hệ hỗ
tương biện chứng trong thế giới vật chất.
Chủ nghĩa duy vật của
Marx và sự tập trung quan trọng của ông vào phần kinh tế một cách khá tự nhiên
đã đưa ông tới công trình của một nhóm các nhà kinh tế chính trị học (ví dụ
Adam Smith và David Ricardo). Marx rất thích thú một số quan điểm của họ. Ông
ca ngợi tiền đề cơ bản của họ rằng lao động là nguồn gốc của mọi của cải. Điều
này cuối cùng đã dẫn Marx tới lý thuyết giá trị lao động, trong đó ông lý luận
rằng lợi nhuận của nhà tư bản là dựa trên sự bóc lột người lao động. Những nhà
tư bản đã thực hiện trò lừa đảo giản đơn khi trả cho công nhân ít hơn là họ
đáng dược hưởng, bởi vì họ nhận được ít hơn giá trị sản phẩm mà họ thật sự làm
ra trong một thời gian lao động. Giá trị thặng dư này, cái đã được nhà tư bản
giữ lại và tái đầu tư, chính là cơ sở
nền tảng của toàn bộ hệ thống tư bản. Hệ thống tư bản lớn lên bằng cách
tiếp tục gia tăng sự bóc lột công nhân (và do đó gia tăng số lượng giá trị
thặng dư) và đầu tư lợi nhuận cho việc mở rộng hệ thống.
Marx cũng chịu ảnh
hưởng của các miêu tả của những nhà kinh
tế chính trị về sự kinh tởm của hệ thống tư bản và sự bóc lột giai cấp công
nhân. Tuy nhiên, trong khi họ miêu tả những cái xấu xa, Marx phê phán họ vì đã xem
những xấu xa này như là các thành tố không thể tránh được của chủ nghĩa tư bản.
Marx lấy làm tiếc cho sự chấp nhận chung của họ đối với chủ nghĩa tư bản và
cách thức họ thúc giục mọi người làm việc vì các thành tựu kinh tế trong lòng
của nó. Ông cũng phê phán các nhà kinh tế chính trị vì họ đã không nhìn thấy
mối mâu thuẫn truyền kiếp giữa những nhà tư bản và những người lao động, và vì
họ từ chối sự cần thiết có một thay đổi cấp tiến trong trật tự kinh tế. Những
nhà kinh tế bảo thủ đó, theo Marx, khó mà chấp nhận và tận tâm vì một thay đổi
cấp tiến từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội.
Marx không phải là một
nhà xã hội học và cũng không tự xem mình như vậy. Mặc dù công trình của ông quá
rộng lớn để có thể bao hàm trong phạm vi xã hội học, chúng ta đã phát hiện một
lý thuyết xã hội học trong công trình của ông. Ngay từ buổi đầu, đã có những
người chịu ảnh hưởng của Marx, và vẫn đang tiếp tục có một bộ phận xã hội học
Marxian, cơ bản là ở Châu Âu. Nhưng đối với phần đông những nhà xã hội học thời
kỳ đầu, công trình của ông là một lực lượng tiêu cực, một cái gì đó chống lại
xã hội học của họ. Mãi tới gần đây, lý thuyết xã hội học, nhất là ở Mỹ, đã có
tính chất hoặc là thù ghét, hoặc là làm ngơ lý thuyết Marx. Điều này, chúng ta
sẽ thấy ở chương 2, đã thay đổi sâu sắc trong ba thập kỷ nay, nhưng phản ứng
tiêu cực đối với công trình của Marx đã từng là một lực lượng chủ yếu trong
việc định hình nhiều lý thuyết xã hội học.
Nguyên nhân cơ bản cho
sự phản đối này là về mặt ý thức hệ. Nhiều nhà lý thuyết xã hội học thời kỳ đầu
là người kế tục của phe phản ứng bảo thủ đối với trào lưu Ánh sáng và Cách mạng
Pháp. Tư tưởng cấp tiến của Marx và các thay đổi xã hội cấp tiến mà ông dự báo
và tìm cách mang vào đời sống rõ ràng đã làm những tư tưởng gia như thế sợ hãi
và thù ghét. Người ta chối từ xem Marx là một nhà tư tưởng. Họ lý luận rằng ông
không phải là một nhà lý thuyết xã hội học nghiêm túc. Tuy nhiên, ý thức hệ tự
bản thân nó không thể là nguyên do thật sự của sự chối bỏ Marx, bởi vì công
trình của Comte, Durkheim và những tư tưởng gia bảo thủ khác cũng nặng về mặt ý
thức. Đó chính là vì bản chất của ý thức hệ, chứ không phải là sự tồn tại của
nó, đã loại bỏ nhiều nhà lý thuyết xã hội học. Họ sẵn sàng và nôn nóng muốn mua
một thứ ý thức hệ bảo thủ được gói trong
tấm áo choàng của lý thuyết xã hội học, nhưng không phải là ý thức hệ cấp tiến
do Marx và các môn đệ đề ra.
Tất nhiên, có những
nguyên do khác để Marx không được nhiều lý thuyết gia thời kỳ đầu chấp nhận. Ông
có vẻ là một nhà kinh tế học hơn là nhà xã hội học. Dù những lý thuyết gia thời
kỳ đầu có lẽ sẽ thừa nhận tầm quan trọng của kinh tế, họ cũng vẫn lý luận rằng
nó chỉ là một trong số nhiều thành tố của đời sống xã hội.
Một nguyên do khác cho
sự chối bỏ Marx là bản chất của những quan tâm của ông. Trong lúc những lý
thuyết gia thời kỳ đầu đang phản ứng lại sự hỗn loạn vô trật tự do trào lưu Ánh
sáng, Cách mạng Pháp, và sau đó là Cách mạng Công nghệ tạo ra, Marx không phiền
hà gì trước những rối loạn đó - hoặc những rối loạn nói chung. Mối quan tâm hơn
của Marx là sự áp bức của hệ thống tư bản đã nảy sinh từ Cách mạng Công nghệ.
Marx muốn phát triển một lý thuyết giải thích sự áp bức này và có thể giúp cho
việc lật đổ hệ thống đó. Quan tâm của Marx là cách mạng, cái đối nghịch hẳn với
phe bảo thủ mong muốn cải cách và thay đổi theo trật tự.
Một khác biệt nữa đáng
đưa ra là sự khác nhau giữa các nguồn gốc triết học giữa lý thuyết Marx và lý
thuyết xã hội học bảo thủ. Phần lớn những nhà lý thuyết bảo thủ chịu ảnh hưởng
nặng nề bởi triết học của Immanuel Kant. Trong số nhiều đều khác, điều này làm
cho họ tư duy trong một phạm vi hẹp của quan hệ nhân quả. Họ có xu hướng lý
luận rằng một thay đổi ở A (như sự thay đổi về tư tưởng trong thời kỳ trào lưu Ánh
sáng) dẫn tới một thay đổi ở B (như các thay đổi chính trị của Cách mạng Pháp).
Trái lại, Marx lại chịu ảnh hưởng nặng, như chúng ta đã thấy, bởi Hegel, người
tư duy theo biện chứng hơn là theo quan hệ nhân quả. Trong đó, biện chứng hòa
hợp chúng ta vào các tác động tương hỗ đang diễn tiến của các lực lượng xã hội.
Như vậy, một nhà biện chứng có thể đặt lại khái niệm về ví dụ nói trên như là
một sự tương tác đang tiếp diễn giữa tư tưởng và chính trị. Phải thừa nhận rằng
khó mà cảm nhận được những khác biệt phức tạp giữa triết học Kant và triết học
Hegel, nhưng điểm chủ yếu đối với mục đích của chúng ta là những khác biệt cơ
bản này đã là một căn nguyên quan trọng của phản ứng tiêu cực của những nhà lý
thuyết xã hội học thời kỳ đầu đối với lý thuyết của Marx.
Nhiều vựng tập đã được
viết ra về bản chất của lý thuyết của Marx. Marx công bố phần lớn các công
trình chủ yếu của ông vào nửa cuối thế kỷ 19. Không chỉ nhiều về số lượng, nội
dung các công trình của ông rất khó mà tóm tắt.
Một cách đơn giản hóa
đi nhiều, Marx đã đề ra một lý thuyết về xã hội tư bản dựa trên sự hình dung của
ông về bản chất cơ bản của con người. Marx tin rằng con người về bản chất là
chứa đựng tiềm năng sản xuất, nghĩa là để sống còn, mọi người phải làm việc
trong, và với tự nhiên. Khi làm điều này, họ tạo ra thực phẩm, quần áo, công
cụ, nơi trú ẩn và các thứ cần thiết khác cho phép họ tồn tại. Sự sản xuất của
họ là con đường hoàn tòan tự nhiên thông qua đó họ thể hiện sự thôi thúc cơ bản
về sáng tạo. Hơn nữa, những thôi thúc này được thể hiện trong mối quan hệ với
những người khác; nói cách khác, mọi người sinh ra đều mang tính chất xã hội.
Họ cần lao động với nhau để sản xuất ra
những thứ họ cần cho sự sống.
Xuyên suốt lịch sử, quá
trình tự nhiên này đã bị phá vỡ, đầu tiên là bởi các điều kiện nghèo nàn eo hẹp
của xã hội nguyên thủy, và sau này bởi nhiều những sắp đặt cơ cấu do xã hội
dựng lên trong tiến trình lịch sử. Bằng nhiều cách khác nhau, những cơ cấu này
đã cản trở tiến trình sản xuất tự nhiên. Tuy nhiên, trong xã hội tư bản, sự tan
vỡ này mới đến độ sâu sắc nhất; sự tan vỡ của tiến trình sản xuất tự nhiên đã
lên đến cực diểm trong chủ nghĩa tư bản.
Về bản chất, chủ nghĩa
tư bản là một cấu trúc (hoặc, chính xác hơn, là một chuỗi các cấu trúc) đã dựng
nên những rào chắn giữa một cá thể và tiến trình sản xuất, các sản phẩm của
tiến trình này, và những người khác; cuối cùng, nó thậm chí phân cách bản thân
cá thể đó. Đây chính là ý nghĩa cơ bản của khái niệm sự tha hóa: nó là sự đổ vỡ
của mối quan hệ hỗ tương giữa mọi người và giữa mọi người với cái mà họ sản
xuất ra. Sự tha hóa diễn ra bởi vì chủ nghĩa tư bản đã tiến triển thành một hệ
thống hai giai cấp, trong đó một số ít các nhà tư bản chiếm hữu tiến trình sản
xuất, sản phẩm và thời gian lao động của những người làm việc cho họ. Thay vì
tự sản xuất một các tự nhiên cho bản thân, mọi người sản xuất một cách trái tự
nhiên trong xã hội tư bản cho một nhóm nhỏ những nhà tư bản. Về mặt trí thức,
Marx rất quan tâm đến các cơ cấu của chủ nghĩa tư bản và sự đàn áp tác động của
chúng lên những người lao động. Về mặt chính trị, ông bị dẫn tới một mối quan tâm
tới việc giải phóng mọi người khỏi sự áp bức của các cơ cấu của chủ nghĩa tư
bản.
Marx thực sự dành rất
ít thời gian để mơ mộng về một nhà nước xã hội chủ nghĩa không tưởng. Ông quan
tâm khá nhiều hơn đến việc giúp đỡ để mang tới cái chết của chủ nghĩa tư bản. Ông
tin rằng những mối mâu thuẫn và xung đột trong lòng chủ nghĩa tư bản sẽ dẫn tới
một cách biện chứng sự sụp đổ cuối cùng của nó, nhưng ông không nghĩ rằng tiến
trình này là bất khả kháng. Mọi người phải hành động vào những thời điểm thích
hợp và bằng những phương cách thích hợp để biến chủ nghĩa xã hội thành hiện
thực. Những nhà tư bản có những thủ đoạn ghê gớm trong cách bố trí để đón đầu
sự tới gần của chủ nghĩa xã hội, nhưng những thứ này có thể khắc phục được bởi
sự phối hợp hành động của một giai cấp vô sản đã giác ngộ cách mạng. Giai cấp
vô sản sẽ tạo ra cái gì trong tiến trình này? Chủ nghĩa xã hội là gì? Một cách
cơ bản nhất, nó là một xã hội trong đó, lần đầu tiên, mọi người có thể tiếp cận
với hình dung lý tưởng của Marx về hiệu năng sản xuất. Với sự trợ giúp của kỹ
thuật hiện đại, mọi người có thể tương tác hòa hợp với tự nhiên và những người
khác để tạo ra cái mà họ cần để sống. Hay nói theo cách khác, trong xã hội xã
hội chủ nghĩa, mọi người không còn bị tha hóa nữa.
Nguồn gốc và bản chất
của các Lý thuyết của Max Weber (1864-1920) và Georg Simmel (1858-1918):
Dù Marx và những người
kế tục ở cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 nằm ngoài dòng xã hội học Đức, ở một
mức độ đáng kể xã hội học Đức có thể được xem là phát triển nhằm chống lại lý
thuyết Marx. Theo quan điểm một số người, điều này giải thích một phần lớn của
học thuyết của nhân vật lớn thời kỳ đầu của xã hội học Đức, Max Weber. Alber
Solomon, ví dụ, cho rằng lý thuyết Weber phát triển “trong một cuộc tranh chấp
kéo dài và căng thẳng với bóng ma của Marx.” Tất nhiên đây là sự cường điệu,
nhưng bằng nhiều cách, lý thuyết Marx đã đóng một vai trò tiêu cực trong lý
thuyết Weber. Tuy nhiên, ở những mặt khác, Weber đã làm việc trong vòng truyền
thống của Marx, cố gắng “ vo tròn” lý thuyết của Marx. Cũng như ở lý thuyết Weber có nhiều đầu vào hơn là lý
thuyết Marx. Chúng ta có thể lọc ra nhiều thứ từ các nguồn của xã hội học
Đức bằng cách phác họa sơ lược từng quan
điểm trong mối quan hệ giữa Marx và Max Weber. Cần ghi nhớ rằng Weber không
quen gì nhiều lắm với công trình của Marx (phần nhiều những tác phẩm này được
xuất bản sau khi Weber chết), và Weber phản ứng đối với công trình của những
người theo chủ nghĩa Marxist nhiều hơn là với bản thân tác phẩm của Marx.
Weber có khuynh hướng
xem Marx và những người Marxist ở thời của ông như là những người theo phái
quyết định luận về kinh tế, những người đưa ra các lý thuyết nguyên nhân đơn lẽ
về đời sống xã hội. Nghĩa là lý thuyết Marx được xem như sự gán ghép tất cả
những bước phát triển lịch sử cho các cơ sở kinh tế. Dù điều này không đúng đối
với bản thân lý thuyết riêng của Marx, nó chính là quan điểm lập trường của
nhiều người Marxist sau này.
Duờng như một trong
những ví dụ về thuyết quyết định luận về kinh tế làm Weber ray rứt nhất là quan
điểm rằng các ý tưởng chỉ đơn giản là sự phản ánh của các lợi ích vật chất (đặc
biệt là kinh tế), rằng các lợi ích vật chất quyết định ý thức. Từ quan điểm
này, Weber được cho là đã “lộn ngược đầu
Marx lại” (cũng như Marx đã từng lộn ngược Hegel lại). Thay vì tập trung vào
các yếu tố kinh tế và các ảnh hưởng của nó lên ý thức, Weber cống hiến phần lớn
sự chú tâm của mình tới các tư tưởng và những ảnh hưởng của nó đến kinh tế.
Không xem các tư tưởng chỉ đơn giản là các phản ánh của các nhân tố vật chất,
Weber xem chúng là những lực lượng tự
trị có khả năng ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới kinh tế. Weber đã dành
phần lớn quan tâm tới các tư tưởng, nhất là các hệ tư tưởng tôn giáo, và ông
đặc biệt chú trọng tới tác động của những tư tưởng tôn giáo đối với kinh tế.
Trong cuốn Đạo đức của tín đồ Tin Lành và
Tinh thần của chủ nghĩa tư bản, ông quan tâm đến đạo Tin Lành, chủ yếu như
là một hệ tư tưởng, và tác động của nó đến sự ra đời của một hệ tư tưởng khác,
“tinh thần của chủ nghĩa tư bản” và cuối cùng là đến một hệ kinh tế tư bản. Ông
còn có một quan tâm tương tự đến các thế giới tôn giáo khác, tìm hiểu bản chất
của chúng đã cản trở sự phát triển của chủ nghĩa tư bản ra sao trong các xã hội
tương ứng của chúng. Trên nền tảng của loại công trình này, một số học giả đã
đi đến kết luận rằng Weber đã phát triển tư tưởng của ông đi ngược lại với tư
tưởng của Marx.
Một quan điểm thứ hai
về mối quan hệ giữa Weber và Marx, như đã nói trên, là ông không phản đối Marx
nhiều bằng tìm cách hoàn thiện viễn cảnh lý thuyết của Marx. Ở đây Weber được
coi là làm việc trong phạm vi truyền
thống của Marx hơn là đối kháng nó. Công trình của ông về tôn giáo, diễn giải
từ quan điểm này, đơn giản là một nỗ lực để chỉ ra rằng không chỉ các nhân tố
vật chất ảnh hưởng tới tư tưởng mà chính các tư tưởng bản thân chúng cũng ảnh
hưởng tới các cơ cấu vật chất. Cách diễn giải đó về công trình của Weber hiển
nhiên là đặt nó gần hơn nhiều, thực tế là đi cùng hàng với lý thuyết Marx.
Một ví dụ chính xác về
quan điểm cho rằng Weber đã thực hiện một quá trình hoàn thiện lý thuyết Marx
là trong lĩnh vực lý thuyết phân tầng. Trong công trình về sự phân chia tầng
lớp này, Marx tập trung vào giai cấp xã hội, mặt kinh tế của sự sự phân chia
tầng lớp. Mặc dù Weber thừa nhận tầm quan trọng của yếu tố này, ông lý luận
rằng còn có những mặt khác của sự phân tầng cũng quan trọng. Rằng mối lưu ý về
sự phân tầng cần được mở rộng hơn, bao gồm cả sự phân tầng trên cơ sở uy thế
(địa vị) và quyền lực. Việc bao gồm cả những mặt khác này không tạo nên một sự
phản bác Marx, mà chỉ đơn giản là một sự mở rộng tư tưởng của Marx.
Cả hai quan điểm mô tả
sơ lược trên thừa nhận sự quan trọng của lý thuyết Marx đối với Weber. Có những
nguyên tố của chân lý trong cả hai quan điểm; ở một số điểm, Weber làm việc đối
kháng lại Marx, trong khi ở một số điểm khác ông lại mở rộng tư tưởng của Marx.
Tuy nhiên, một quan điểm thứ ba về vấn đề này có thể là cái tốt nhất để xác
định tính chất mối quan hệ giữa Marx và Weber. Đó là, Marx chỉ đơn giản được
xem là một trong nhiều ảnh hưởng tới tư tưởng của Weber.
Chúng ta có thể xác định một số các nguồn của lý thuyết
Weber, bao gồm các nhà sử học, triết
gia, kinh tế gia và chính trị gia Đức. Trong số đó, triết gia Immanuel Kant
(1724-1804) đứng trên tất cả. Nhưng chúng ta cũng không được bỏ qua tác động
của Friedrich Nietzche (1844-1900)- đặc biệt là sự đề cao của ông ta đối với
người hùng - đối với công trình của Weber về nhu cầu của các cá nhân để chống
lại tác động của chế độ quan liêu bàn giấy và các cơ cấu khác của xã hội hiện
đại.
Ảnh hưởng của Kant lên
Weber và xã hội học Đức nhìn chung cho thấy xã hội học Đức và chủ nghĩa Marx có những nguồn gốc triết học khác
nhau. Như chúng ta đã thấy, chính là Hegel chứ không phải Kant, là tác nhân
quan trọng đối với lý thuyết Marx. Trong khi triết học Hegel dẫn Marx và những
người Marxist đi tìm kiếm các mối quan hệ, các mối xung đột và mâu thuẫn, triết
học Kant ít nhất đã dẫn dắt một số nhà xã hội học Đức tìm những viễn cảnh tiền
đồ ổn định hơn. Đối với Kant, thế giới là một mớ sự kiện bùng nhùng rối rắm
không thể nào hiểu biết một cách trực tiếp được. Chỉ có thể nhận thức thế giới
thông qua các quá trình gạn lọc, phân loại những sự kiện đó. Nội dung của thế
giới thực tại theo Kant khác biệt với các hình thái mà nội dung đó được nhận
thức. Sự nhấn mạnh về các hình thái này đưa đến công trình của những nhà xã hội
học theo truyền thống Kant một tính chất tĩnh chết bất động hơn là của những
người Marxist theo truyền thống Hegel.
Xã hội học Đức sinh ra
trong một tương tác phức tạp giữa lý thuyết Marx và nhiều dòng trí thức khác
nhau. Nhân vật tiêu biểu hàng đầu của xã hội học Đức thời kỳ đầu là Max Weber
và Georg Simmel.
Trong lúc Karl Marx về
cơ bản đề ra một lý thuyết về chủ nghĩa tư bản. Công trình của Weber chủ yếu là
một lý thuyết về tiến trình của sự hợp lý hóa. Weber quan tâm tới vấn đề chung
tại sao các thể chế trong thế giới phương Tây đã tăng trưởng ngày càng hợp lý
hơn trong khi các rào chắn hùng hậu dường như đã ngăn chặn một sự phát triển
tương tự trên phần còn lại của thế giới.
Mặc dù sự hợp lý được
vận dụng theo nhiều cách khác nhau trong công trình của Weber, cái đáng cho
chúng ta chú ý là ở đây là một tiến trình có liên quan đến một trong bốn kiểu
mẫu mà Kalberg đã xác định, sự hợp lý hình thức (formal rationality). Sự hợp lý
hình thức bao gồm, thường là một trường hợp với Weber, một sự quan tâm đối với
người hành động để chọn lựa các phương tiện và mục đích. Tuy nhiên, ở trường
hợp này, sự chọn lựa đó được thực hiện theo các quy luật, chế định chung được
áp dụng. Những thứ này, tới lượt chúng lại phái sinh từ vô số các cấu trúc vĩ
mô, đặc biệt là các hệ thống quan liêu và kinh tế. Weber phát triển các lý
thuyết của ông trong phạm vi một số lớn các nghiên cứu lịch sử có đối chiếu so
sánh đối với Phương Tây, Trung Quốc, An Độ và nhiều khu vực khác trên thế giới.
Trong các nghiên cứu này, ông ta tìm cách phác họa các nhân tố đã giúp mang tới
hoặc cản trở sự phát triển của tiến trình hợp lý hóa.
Weber coi chế độ quan
liêu bàn giấy (và tiến trình lịch sử của nó) như là một ví dụ cổ điển cho sự
hợp lý hóa, nhưng sự hợp lý hóa có lẽ là được minh họa tốt nhất hiện nay bởi
các nhà hàng thức ăn nhanh (fast food). Nhà hàng fast food là một hệ thống hợp
lý đúng thể thức trong đó mọi người (cả công nhân và thực khách) buộc phải tìm
kiếm những phương tiện hợp lý nhất cho mục đích. Ví dụ, cửa sổ quay là một
phương tiện hợp lý mà qua đó các công nhân có thể phân phối, và thực khách có
thể lấy thức ăn một cách nhanh và hiệu quả nhất. Tốc độ và hiệu quả đã được ấn
định bởi các nhà hàng fast food và các quy tắc theo đó chúng vận hành.
Weber gắn vào thảo luận
của ông về tiến trình của chế độ bàn giấy hóa trong một thảo luận rộng hơn về
thiết chế chính trị. Ong phân biệt ba kiểu hệ quyền lực - truyền thống, thuyết
phục và pháp điển hợp lý. Chỉ trong thế giới hiện đại Phương Tây một hệ thống
quyền lực pháp điển hợp lý mới có thể phát triển, và chỉ trong hệ thống đó
người ta mới có thể tìm thấy một sự phát triển đến mức đầy đủ nhất một hệ thống
quan chức hiện đại. Phần thế giới còn
lại vẫn bị ngự trị bởi các hệ thống quyền lực theo truyền thống hoặc thuyết
phục, mà nói chung là cản trở sự phát triển của một hệ thống quyền lực pháp
điển hợp lý và một chế độ quan chức bàn giấy hiện đại. Nói tóm lại, sự cầm
quyền truyền thống bắt nguồn từ một hệ
thống lâu đời của các niềm tin. Ví dụ một lãnh tụ được cầm quyền chỉ vì gia
đình hoặc thị tộc của người này đã luôn luôn nắm quyền lãnh đạo nhóm. Một lãnh
tụ theo hệ thuyết phục đưa ra quyền lực của mình từ các khả năng hay đặc tính ngoại hạng, hoặc đơn
giản hơn là do niềm tin của mọi người rằng người này có những đặc chất đó. Mặc
dù hai kiểu cầm quyền này có ý nghĩa quan trọng về lịch sử, Weber tin rằng
khuynh hướng ở Phương Tây, và cuối cùng, ở phần còn lại của thế giới, là hướng
tới các hệ thống cầm quyền pháp điển hợp lý. Trong những hệ thống đó, quyền lực
xuất phát từ các luật pháp và được ban hành một cách hợp lý. Như vậy, tổng
thống của nước Mỹ cuối cùng ban bố quyền lực của ông ta từ các quy luật xã hội.
Sự tiến hóa của chế độ cầm quyền pháp điển hợp lý, cùng với chế độ quan chức
của nó, chỉ là một bộ phận của lý luận chung của Weber về sự hợp lý hóa của thế
giới Tây Phương.
Weber cũng thực hiện
những phân tích phức tạp và chi tiết về sự hợp lý hóa của các hiện tượng như
tôn giáo, luật pháp, thành phố, và thậm chí cả âm nhạc. Nhưng chúng ta có thể
minh họa cách tư duy của Weber qua một ví dụ-sự hợp lý hóa của thể chế kinh tế.
Thảo luận này được diễn tả trong một phân tích rộng hơn của Weber về quan hệ
giữa tôn giáo và chủ nghĩa tư bản. Trong một nghiên cứu lịch sử rộng, Weber tìm
hiểu tại sao một hệ kinh tế hợp lý (chủ nghĩa tư bản) đã phát triển ở phương
Tây và tại sao nó đã không phát triển ở phần còn lại của thế giới. Weber đề ra
vai trò trung tâm của tôn giáo trong tiến trình này. Ở một cấp độ, ông thực
hiện theo cách đối thoại với những người Marxist để cố gắng chỉ ra rằng, trái
với điều mà nhiều người Marxist đương thời vẫn tin, tôn giáo không đơn thuần là
một hiện tượng phụ. Thay vì vậy, nó đóng vai trò chủ chốt trong sự ra đời của
chủ nghĩa tư bản ở phương Tây và trong sự thất bại của nó để phát triển ở phần
còn lại của thế giới. Weber lý luận rằng một hệ tôn giáo đặc biệt hợp lý (Đạo
Canvin) đã đóng vai trò trung tâm trong sự ra đời của chủ nghĩa tư bản ở phương
tây, Trái lại, ở những phần khác của thế giới mà ông ta nghiên cứu, Weber thấy
rằng nhiều hệ thống tôn giáo phi lý (ví dụ, Khổng giáo, Đạo giáo, Ấn Độ giáo)
đã kềm hãm sự phát triển của một hệ kinh tế hợp lý. Tuy nhiên, cuối cùng người
ta có cảm giác rằng những tôn giáo này chỉ tạo ra những rào chắn tạm thời đối
với các hệ thống kinh tế – thật ra là toàn thể cơ cấu xã hội - của những xã hội
này cuối cùng cũng trở nên hợp lý.
Lý thuyết của Weber còn
nhiều hơn thế. Ví dụ, công trình của ông về sự hợp lý hóa có rất nhiều chi tiết
lịch sử và vô số những lý thuyết sâu sắc. Ngoài ra, mặc dù sự hợp lý hóa nằm ở
trung tâm lý thuyết Weber, nó không phải là tất cả. Nhưng vì đây không phải là
chỗ để đi vào nguồn chất liệu phong phú đó, nên chúng ta quay về với sự phát
triển của lý thuyết xã hội học. Một vấn đề chủ chốt trong sự phát triển này là:
Tại sao lý thuyết Weber chứng tỏ là có nhiều hấp dẫn hơn đối với những nhà xã
hội học sau này hơn là lý thuyết Marx?
Một lý do là Weber đã
chứng tỏ rằng có thể dễ chấp nhận hơn về chính trị. Thay vì tán thành thuyết
cấp tiến của Marx, Weber là một người tự do hơn ở một số vấn đề, và là người
bảo thủ hơn ở các vấn đề khác (ví dụ, vai trò của nhà nước). Mặc dù ông là một
nhà phê bình nghiêm khắc đối với nhiều phương diện của xã hội tư bản hiện đại,
và đi đến nhiều kết luận phê phán tương tự như Marx, ông không phải là người đề
ra các giải pháp cấp tiến đối với các vấn đề. Trong thực tế, ông cảm thấy rằng
các cải cách cấp tiến do những người Marxist và những người theo chủ nghĩa xã
hội khác đề ra sẽ có hại nhiều hơn có lợi.
Các lý thuyết gia xã
hội học sau, đặc biệt là ở Mỹ, thấy xã hội của họ như là đối tượng tấn công của
lý thuyết Marx. Rất bảo thủ trong định hướng, họ tìm những lý thuyết thay cho
chủ nghĩa Marx. Một trong những người gây thu hút là Max Weber. (Durkheim và
Vilfredo Pareto là những người khác). Sau rốt, sự hợp lý hóa có ảnh hưởng không
chỉ đối với các xã hội tư bản mà cả các xã hội xã hội chủ nghĩa. Thật sự,
từ quan điểm của Weber, sự hợp lý hóa
thiết lập nên một vấn đề thậm chí còn lớn hơn trong các xã hội xã hội chủ
nghĩa.
Weber cũng được ủng hộ
ở hình thức trong đó ông đưa ra các phê phán của mình. Ong dùng phần lớn cuộc
đời để tiến hành các nghiên cứu lịch sử, và các kết luận chính trị của ông thường là được đưa ra trong phạm vi nghiên
cứu. Do đó, chúng có vẻ rất khoa học và có tính học thuật. Còn Marx, dù đã thực
hiện nhiều nghiên cứu nghiêm túc, cũng đã viết rất nhiều những luận chiến quyết
liệt. Thậm chí cả công trình mang tính học thuật hơn của ông cũng dính dáng tới
các phê phán chính trị chua cay. Ví dụ, ở cuốn Tư bản, ông mô tả những nhà tư bản là những con “ma cà rồng” và “ma
sói”. Phong cách mang tính hàn lâm của Weber làm cho ông dễ được chấp nhận hơn
đối với những nhà xã hội học về sau.
Một lý do khác ở sự
công nhận lớn lao đối với Weber là ông đã vận động trong một truyền thống triết
học cũng đã định hình công trình của nhiều nhà xã hội học sau này. Đó là,
theo truyền thống triết học Kant, nghĩa
là, trong nhiều cái khác, ông có khuynh hướng tư duy trong phạm vi nguyên
nhân-hậu quả. Kiểu tư duy này dễ chấp nhận hơn đối với các nhà xã hội học sau
này, những người không quen thuộc và thấy bất tiện với logic biện chứng ở công
trình của Marx.
Cuối cùng, Weber có vẻ
đã đưa ra nhiều tiếp cận hoàn chỉnh về thế giới xã hội hơn là Marx. Trong lúc
Marx hình như hoàn toàn bị ám ảnh bởi kinh tế, Weber quan tâm đến một diện rộng
các hiện tượng xã hội. Tính tập trung đa dạng này dường như đem tới nhiều cái
để các nhà xã hội học sau này làm việc hơn là mối quan tâm hiển nhiên là một
chiều của Marx.
Weber tạo ra phần lớn
các tác phẩm chủ yếu của ông vào khoảng cuối những năm 1800 đầu những năm 1900.
Thời kỳ đầu trong sự nghiệp, người ta xem ông là một nhà sử học nhiều hơn, với
những quan tâm về các vấn đề xã hội học, nhưng từ đầu thế kỷ 20, mối tập trung
của ông ngày càng dồn vào xã hội học. Thực sự, ông trở thành một nhà xã hội học
hàng đầu vào thời đại mình ở Đức. Năm 1910, ông sáng lập (cùng những người
khác, trong đó có Georg Simmel) Hiệp hội các nhà xã hội học Đức (GSS). Nhà của
ông ở Heidelberg là một trung tâm trí thức không chỉ cho các nhà xã hội học mà
cả cho những học giả từ nhiều lĩnh vực khác. Dù công trình của ông có ảnh hưởng
rộng nhất ở Đức, nó cũng đã có ảnh hưởng rộng ở Mỹ, nhất là sau khi Talcott
Parsons giới thiệu các tư tưởng của ông ( và các nhà xã hội học Au châu khác,
nhất là Durkheim) cho lượng độc giả đông đảo ở Mỹ. Dù các tư tưởng của Marx
không có một tác động tích cực đối với
các lý thuyết gia xã hội học Mỹ mãi tới năm 1960, Weber đã có ảnh hưởng
lớn lao từ trước đó, vào cuối những năm 1930.
Georg Simmel là người
cùng thời với Weber, và là người đồng sáng lập GSS. Simmel phần nào đó là một
lý thuyết gia xã hội học điển hình. Ví dụ, ông đã có ngay một ảnh hưởng sâu sắc
đối với sự phát triển của lý thuyết xã hội học Mỹ, trong khi Marx và Weber lại
bị quên lãng trong nhiều năm. Công trình của Simmel giúp định hình sự phát triển của một trong
những trung tâm đầu tiên của xã hội học Mỹ - Đại học Chicago - và lý thuyết chủ
yếu của nó, lý thuyết tương tác biểu tượng (symbolic interactionism). Trường
phái Chicago và thuyết tương tác biểu tượng trở thành, như chúng ta sẽ thấy, xã
hội học hàng đầu của Mỹ trong những năm 1920 và đầu 1930. Các tư tưởng của Simmel có ảnh hưởng ở Chicago chủ yếu
vì những nhân vật hàng đầu ở Chicago thời đó, Albion Small và Robert Park, đã
được tiếp xúc với tư tưởng của ông ở Berlin vào cuối những năm 1800. Park dự các bài giảng của Simmel vào năm 1899
và 1900, và Small học hàm thụ với Simmel vào những năm 1890. Họ trở thành những
phương tiện chuyên chở các tư tưởng của Simmel về cho khoa và các sinh viên ở
Chicago, thông qua việc dịch một số tác phẩm, và đã tạo được sự quan tâm của
đông đảo độc giả Mỹ.
Một khía cạnh điển hình
khác của tác phẩm của Simmel là “cấp độ” phân tích của ông, hoặc ít nhất là cấp
độ mà do đó ông trở nên nổi tiếng ở Mỹ. Trong khi Weber và Marx bị xâm chiếm
bởi các vấn đề vĩ mô như sự hợp lý hóa của xã hội và một nền kinh tế tư bản chủ
nghĩa, Simmel được biết nhiều bởi các tác phẩm ở tầm mức các vấn đề nhỏ hơn,
đặc biệt là hành động cá nhân và sự tương tác. Ông sớm nổi tiếng vì tư duy của
ông, xuất phát từ triết học Kant, theo các hình thái tương tác (ví dụ, sự xung
đột) và các kiểu người tương tác (ví dụ, người lạ). Cơ bản, Simmel thấy rằng
việc hiểu biết sự tương tác giữa mọi người là một trong những công việc chủ yếu
của xã hội học. Tuy nhiên, không thể nào nghiên cứu một khối lượng khổng lồ
những tương tác trong đời sống xã hội mà không có một số công cụ về khái niệm.
Các hình thái tương tác (forms of interactions) và các nhân vật tương tác
(interactants) xuất phát từ chỗ đó. Simmel cảm thấy ông có thể tách rời một số
lượng giới hạn các hình thái tương tác có thể tìm thấy trong một số lớn các tập
hợp xã hội. Do đó, nếu được trang bị, người ta có thể phân tích và thấu hiểu những
tập hợp tương tác khác nhau này. Sự phát triển của một số giới hạn những nhân
vật tương tác có thể có hữu ích tương tự trong việc giải thích các tập hợp
tương tác. Tác phẩm này có ảnh hưởng sâu sắc đối với thuyết tương tác biểu
tượng, mà như cái tên cho thấy, quan tâm chủ yếu đến sự tương tác. Tuy nhiên,
một trong những cái trớ trêu là, Simmel cũng quan tâm đến các vấn đề vĩ mô
tương tự như ở Marx và Weber. Tuy vậy, công trình này của ông ít có ảnh hưởng
hơn công trình về sự tương tác, mặc dù có những dấu hiệu đương thời về mối quan
tâm tăng dần đến các khía cạnh vĩ mô trong xã hội học của Simmel.
Một phần là phong cách
của Simmel trong tác phẩm về sự tương tác của ông đã làm ông có thể được các nhà xã hội học Mỹ thời kỳ đầu tiếp
nhận. Dù ông đã viết nhiều bộ sách nặng nề giống như Marx và Weber, ông cũng
viết một số tiểu luận giản dị về những đề tài thu hút như sự nghèo khổ, nạn mãi
dâm, hạng keo kiệt và hạng hoang đàng phung phí, kẻ xa lạ. Tính khúc chiết của những tiểu luận đó và mối
quan tâm cao độ của chất liệu làm cho việc phổ biến các tư tưởng của Simmel dễ
dàng hơn nhiều. Không may là, những tiểu luận đã có ảnh hưởng tiêu cực là làm
chìm đi các tác phẩm lớn hơn của Simmel (ví dụ, Triết học của kim tiền, dịch năm 1978) rất có khả năng là một đề tài quan trọng đối
với xã hội học. Dù sao, phần nào nhờ những tiểu luận ngắn và thông minh, Simmel
đã có ảnh hưởng quan trọng hơn là Marx và Weber đối với các nhà xã hội học Mỹ
thời kỳ đầu.
Chúng ta không thể tạm
ngưng Simmel mà không nói đôi điều về cuốn Triết học của kim tiền, bởi vì bản dịch tiếng
Anh đã làm cho tác phẩm của ông trở nên thu hút đối với nhiều nhà lý thuyết gia
mới quan tâm đến văn hóa và xã hội. Dù
định hướng vĩ mô này rõ hơn trong tác phẩm, nó cũng đã luôn luôn tồn tại trong
các công trình của Simmel. Ví dụ, nó rất rõ trong tác phẩm nổi tiếng của ông về
nhóm hai người và nhóm ba người. Ông nghĩ rằng một số phát triển chủ yếu về xã
hội học diễn ra khi một nhóm hai người chuyển biến thành một nhóm ba người với
sự bổ sung thêm thành viên thứ ba. Các khả năng xã hội cho thấy sự đơn giản
không thể tồn tại trong một nhóm ba người. Ví dụ, trong một nhóm ba người, một
trong số các thành viên có thể trở thành trọng tài hoặc người hòa giải các khác
biệt giữa hai người kia. Quan trọng hơn, hai thành viên có thể cộng tác với
nhau để áp chế người còn lại. Điều này tiêu biểu ở một mức độ nhỏ cái có thể
xảy ra với sự nảy sinh các cơ cấu vĩ mô đã trở nên cách biệt khỏi các cá thể và
bắt đầu thống trị lại họ.
Chủ đề này là cái cơ
bản của Triết học của kim tiền.
Simmel quan tâm chủ yếu là về sự nảy sinh một nền kinh tế kim tiền, trở nên
cách biệt khỏi cá thể và chiếm ưu thế hơn, trong thế giới hiện đại. Chủ đề này
lại là một phần của cái thậm chí rộng lớn và có tính chất lan tỏa hơn trong tác
phẩm của Simmel, sự thống trị của một nền văn hóa với ý nghĩa là một tổng thể
đối với cá thể. Như Simmel thấy, trong
thế giới hiện đại, nền văn hóa lớn và tất cả mọi thành tố của nó (bao gồm nền
kinh tế tiền tệ) bành trướng mở rộng ra, và khi chúng mở rộng, tầm quan trọng
của cá thể giảm đi. Như vậy, vì dụ, khi nền công kỹ nghệ cùng với một nền kinh
tế hiện đại bành trướng và ngày càng phức tạp hơn, các kỷ năng và khả năng của
người công nhân tiếp tục ngày càng ít quan trọng đi. Cuối cùng, người công nhân
chạm trán với một chiếc máy mà anh ta ít có khả năng sử dụng, hoặc nếu có, kiểm
soát nó. Chung qui, Simmel nghĩ rằng trong thế giới hiện đại, sự lan tràn mở
rộng của nền văn hóa lớn dẫn tới sự vô nghĩa của cá thể.
Mặc dù các nhà xã hội
học ngày càng hòa hợp với những ẩn ý trong tác phẩm của Simmel, ảnh hưởng sớm
nhất của ông vẫn được cho là chủ yếu thông qua các hiện tượng xã hội ở tầm mức nhỏ hơn, như các hình thái tương tác
và các kiểu nhân vật tương tác.
Nguồn gốc của xã hội
học Anh
Chúng ta đã kiểm qua
sự phát triển của xã hội học ở Pháp (Comte, Durkheim), Đức (Marx, Weber,
Simmel). Giờ chúng ta quay sang một quá trình phát triển song song, xã hội học
ở Anh. Như sẽ thấy, các tư tưởng ở lục địa đã có ảnh hưởng đến xã hội học Anh
thời kỳ đầu, nhưng quan trọng hơn là các ảnh hưởng tại chỗ.
Kinh tế chính trị,
thuyết cải thiện và Cách mạng xã hội:
Philip Abrahs cho
rằng xã hội học Anh được định hình vào thế kỷ 19 bởi ba nguồn thường có xung
đột với nhau-kinh tế chính trị, thuyết cải thiện và cách mạng xã hội. Do đó khi
Hội Xã hội học London được sáng lập vào năm 1903, đã có những khác biệt lớn về
định nghĩa của xã hội học. Tuy nhiên, ít có người nghi ngờ quan điểm rằng xã
hội học là một môn khoa học. Những khác biệt này làm cho xã hội học Anh có một
tính chất riêng biệt, và chúng ta sẽ điểm vắn tắt qua chúng.
Chúng ta đã tiếp xúc
với kinh tế chính trị, đó là một lý thuyết về xã hội công nghiệp và tư bản có
thể theo dõi ở từng phần ở tác phẩm của Adam Smith (1723-1790) Như đã thấy,
kinh tế chính trị có một ảnh hưởng sâu sắc đối với Karl Marx. Marx nghiên cứu
kỹ kinh tế chính trị, và có phê phán nó. Nhưng đó không phải là hướng đi của
các nhà kinh tế học và xã hội học Anh. Họ có xu hướng chấp nhận tư tưởng của
Smith rằng có một “bàn tay vô hình” đã định hình thị trường lao động và hàng
hóa. Thị trường này được xem là một thực tế độc lập đứng bên trên các cá thể và
kiểm soát hành vi của họ. Các nhà xã hội học Anh, cũng như những nhà kinh tế
chính trị học, không giống Marx, coi thị trường này là một lực lượng tích cực,
là nguồn tạo ra trật tự, hòa hợp và tương quan trong xã hội. Vì họ xem thị
trường này, và xã hội nói chung dưới một ánh sáng tích cực, công việc của nhà
xã hội học không phải là phê phán xã hội mà chỉ đơn giản là tập hợp các dữ liệu
theo những quy luật mà bởi chúng xã hội vận hành. Mục tiêu là cung cấp cho
chính phủ những sự kiện mà nó cần thiết để hiểu được cách thức hệ thống hoạt
động và để điều khiển hoạt động của nó một cách khôn ngoan hơn.
Các sự kiện được nhấn
mạnh, nhưng đó là những sự kiện nào? Trong khi Marx, Weber, Durkheim và Comte
tìm trong các cơ cấu của xã hội các sự kiện cơ bản của họ, các tư tưởng gia Anh
có khuynh hướng tập trung vào các cá thể đã tạo ra các cơ cấu đó. Để giải quyết
các cơ cấu vĩ mô, họ có khuynh hướng tập hợp các dữ liệu ở cấp độ cá thể lại và
kết hợp chúng để tạo ra một bức chân dung tập thể. Ở giữa thế kỷ 18, những nhà
thống kê ngự trị giới khoa học xã hội Anh, và kiểu tập hợp dữ liệu này được coi
là công việc chính của nhà xã hội học. Đối tượng là sự tích lũy của những sự
kiện “thuần túy” không lý thuyết hóa hay
triết học hóa. Như Kent lý luận, những
nhà xã hội học thực nghiệm này bị tách khỏi những quan tâm của các lý thuyết
gia xã hội. Thay vì lý thuyết hóa chung chung, sự “ nhấn mạnh” được giải quyết
trên công việc tạo ra nhiều hơn những chỉ báo chính xác, những phương pháp phân
loại và tập hợp dữ liệu tốt hơn, các bảng cuộc sống có cải tiến, các cấp độ so
sánh cao hơn giữa các số dữ liệu riêng
biệt và các thứ tương tự.”
Dù vậy, hầu như những
nhà xã hội học theo định hướng thống kê này đã nhìn ra một số giới hạn trong
cách tiếp cận của họ. Một vài nhà xã hội học
bắt đầu cảm thấy nhu cầu đối với một lý thuyết rộng hơn. Với họ, một vấn
đề như sự nghèo khổ chỉ ra những thất bại trong hệ thống thị trường cũng như trong
xã hội với ý nghĩa một tổng thể. Nhưng phần lớn, tập trung vào các cá thể như
trước, không đặt ra câu hỏi đối với hệ thống lớn; họ quay sang các lĩnh vực
nghiên cứu chi tiết hơn và tới sự phát triển của các kỹ thuật thống kê phức tạp
và chính xác hơn. Với họ, nguồn gốc của vấn đề phải nằm trong các phương pháp
nghiên cứu thích ứng , chứ không phải nằm trong tổng thể hệ thống. Như Philip
Abrams lưu ý: “ khăng khăng tập trung vào việc phân bố các hoàn cảnh cá thể,
những nhà thống kê thấy khó mà đưa tới một nhận thức về sự nghèo khó như là một
sản phẩm của cơ cấu xã hội… Họ đã không và có thể sẽ không đạt được khái niệm
về sự nạn nhân hóa của cấu trúc”. Ngoài những sai lầm về lý thuyết và phương
pháp luận trong nghiên cứu các cá thể ra, các nhà thống kê còn làm việc quá gần
với những nhà làm ra chính sách điều hành, nên đã đi đến những kết luận rằng hệ
thống lớn chính trị và kinh tế chính là vấn đề.
Có quan hệ, nhưng có
thể tách biệt với kinh tế chính trị là một đặc tính xác định thứ hai của xã hội học Anh- chủ nghĩa cải thiện, hoặc một
mong ước giải quyết các vấn đề xã hội bằng cách cải cách các cá thể. Mặc dù các
học giả Anh bắt đầu nhận ra rằng có những vấn đề trong xã hội (ví dụ, sự nghèo
khổ), họ vẫn tin vào xã hội đó và muốn duy trì nó. Họ mong muốn đón đầu trước
bạo lực và cách mạng và thực hiện cải cách hệ thống để nó có thể tiếp tục như
trước về bản chất. Trên hết, họ muốn ngăn ngừa sự đến của một xã hội xã hội chủ
nghĩa. Do đó, cũng như xã hội học Pháp và một số nhánh của xã hội học Đức, xã
hội học Anh có định hướng bảo thủ.
Vì các nhà xã hội học
Anh không thể hoặc sẽ không thể truy tìm các nguồn gốc của các vấn đề như sự
nghèo khổ ở xã hội với ý nghĩa là một tổng thể, nguồn gốc đó phải nằm trong bản
thân các cá thể. Đó chính là hình thức đầu tiên của cái mà William Ryan sau đó
gọi là: “lỗi là ở nạn nhân”. Nhiều lưu ý được dành cho một chuỗi dài các vấn đề
cá thể –“sự ngu dốt, sự nghèo nàn tinh thần, sự ô uế, điều kiện vệ sinh tồi tệ,
sự bần cùng, tội ác, sự bê tha nghiện ngập - trên tất cả là sự nghiện ngập.” Rõ
ràng, có một xu hướng tìm ra một nguyên nhân đơn giản cho mọi căn bệnh xã hội,
và cái tự nó đã tự xuất hiện trước mọi cái khác là chứng nghiện rượu. Cái làm
cho nó trở nên tuyệt diệu đối với các nhà cải thiện chủ nghĩa là nó là một bệnh
lý cá thể chứ không phải là bệnh lý xã hội. Các nhà cải thiện chủ nghĩa thiếu
một lý thuyết về cơ cấu xã hội, một lý thuyết về các nguyên nhân xã hội của các
vấn đề cá thể như thế.
Nhưng một nhận thức
mạnh mẽ hơn về cơ cấu xã hội đã lẫn lút bên dưới bề mặt của xã hội học Anh, và
nó bùng ra vào cuối thế kỷ 19 với sự tăng trưởng mối quan tâm tới tiến hóa xã
hội. Một trong những ảnh hưởng quan trọng là tác phẩm của Comte, mà một phần đã
được dịch sang tiếng Anh trong những năm
1950. Mặc dù tác phẩm của Comte không tạo ngay ra một mối chú ý, ở phần tư cuối
của thế kỷ 19, một số nhà tư tưởng đã bị
nó thu hút do mối quan tâm của nó đến các cơ cấu lớn của xã hội, định hướng
khoa học (thực chứng) của nó, định hướng so sánh của nó, và lý thuyết tiến hóa
của nó. Tuy nhiên, một số tư tưởng gia Anh làm sắc nét hơn khái niệm riêng của
họ về thế giới ngược lại với một số sự quá đáng của lý thuyết Comte (ví dụ,
khuynh hướng gán ghép xã hội học vào vị thế của một tôn giáo)
Theo quan diểm của
Abrams, ý nghĩa quan trọng thật sự của Comte nằm ở việc ông ta cung cấp những
cơ sở trên đó các ý kiến trái ngược có thể được dựng lên để chống lại “thiên
tài áp chế của Herbert Spencer”. Ở cả mặt tích cực và tiêu cực, Spencer là nhân
vật hàng đầu của lý thuyết xã hội học Anh, nhất là lý thuyết tiến hóa.
Herbert Spencer
(1820-1903)
Trong việc nỗ lực để
hiểu các tư tưởng của Spencer, rất có ích khi đem so sánh và đối chiếu chúng
với lý thuyết Comte. Spencer được xếp lọai cùng với Comte trong phạm vi ảnh
hưởng của họ đối với sự phát triển của lý thuyết xã hội học, nhưng có những
khác biệt quan trọng giữa hai người. Ví dụ, rất dễ phân loại Spencer là một
người bảo thủ. Thật sự trong những năm đầu, Spencer tốt hơn nên được xem là một
người tự do tư tưởng chính trị, và ông vẫn giữ lại các nguyên tố của chủ nghĩa
tự do đến cuối đời. Tuy nhiên, cũng đúng nếu nói rằng Spencer trở nên ngày càng
bảo thủ hơn, và ảnh hưởng cơ bản của ông, cũng đúng như của Comte, là tính bảo
thủ.
Một trong những quan
điểm tự do của ông, đã cùng tồn tại khá bất tiện với chủ nghĩa bảo thủ của ông,
là việc ông thừa nhận một chủ nghĩa theo chính sách tư nhân tự do kinh doanh;
ông cho rằng chính phủ không nên can thiệp vào các công việc làm ăn của cá
nhân, ngoại trừ trong chức năng khá thụ động là bảo vệ mọi người. Điều này có
nghĩa là Spencer, không như Comte, không chú ý tới các cải cách xã hội, ông
muốn đời sống xã hội tiến triển đến mức tự do kiểm soát mặt bên ngoài.
Các khác biệt này chỉ
ra Spencer là một người theo thuyết Darwin xã hội. Ong bám theo quan điểm tiến
hóa rằng thế giới đang ngày càng tốt đẹp hơn. Do đó, nên để yên nó đấy, sự can
thiệp bên ngoài chỉ làm hoàn cảnh xấu hơn thôi. Ong theo quan điểm rằng các thể
chế xã hội, giống như cây cỏ, muông thú, dần dần thích nghi một cách tích cực
đối với môi trường xã hội của chúng. Ông cũng thừa nhận quan diểm của thuyết
Darwin rằng một tiến trình chọn lọc của tự nhiên “sự sống sót của những loài
khỏe nhất” đã diễn ra trong thế giới xã hội. (Điều thú vị là, Spencer chính là
người dặt ra cụm từ “sự sống sót của những loài khỏe nhất” nhiều năm trước tác
phẩm của Darwin về chọn lọc tự nhiên). Đó là, nếu không bị cản trở bởi những
can thiệp bên ngoài, mọi người “khỏe mạnh” sẽ sống sót và sinh sôi nảy nở trong
lúc những người “hèn kém” cuối cùng sẽ diệt vong. Một điểm khác biệt khác là
Spencer nhấn mạnh tới cá thể, trong khi Comte tập trung vào các đơn vị lớn hơn
như gia đình.
Mặc dù có những khác
biệt quan trọng giữa Comte và Spencer, những tương đồng về định hướng, hay ít
nhất là các cách thức tương tự mà theo đó họ được diễn tả, đã chứng minh đó là
điều quan trọng hơn là những khác biệt của họ đối với sự phát triển của xã hội
học.
Comte và Spencer cùng
chia sẻ với Durkheim và những người khác một trách nhiệm đối với khoa học xã
hội học, đó là một triển vọng rất hấp dẫn đối với các nhà xã hội học thời kỳ
đầu. Một ảnh hưởng khác của tác phẩm của Spencer, có điểm tương đồng với cả
Comte và Durkheim, là xu hướng coi xã hội như một thực thể hữu cơ (organism). Ở
dây, Spencer đã mượn một khái niệm và nhận thức từ sinh học. Ông rất quan tâm
đến cấu trúc tổng quát của xã hội, mối tương quan giữa các bộ phận xã hội, và
các chức năng của từng bộ phận cũng như đối với hệ thống với ý nghĩa là một
tổng thể.
Quan trọng nhất,
Spencer, như Comte, đã có một khái niệm
tiến hóa về sự phát triển của lịch sử. Tuy nhiên, Spencer đã phê phán thuyết
tiến hóa của Comte ở nhiều mặt. Cụ thể là ông đã khước từ quy luật về ba giai
đoạn của Comte. Ông lý luận rằng Comte định giải quyết tiến hóa trong lĩnh vực
tư tưởng, trong phạm vi phát triển trí thức. Spencer, tuy vậy, tìm cách phát
triển một thuyết tiến hóa trong thế giới vật chất và có thật.
Dù Spencer được nhớ
nhất như là một lý thuyết gia về tiến hóa, lý thuyết của ông rất phức tạp, có
nhiều hình thức đa dạng, và thường là rất mù mờ khó hiểu. Tuy nhiên, có thể
nhận ra ít nhất là hai viễn cảnh chủ yếu của tác phẩm Spencer.
Cái đầu tiên của
những lý thuyết này có quan hệ cơ sở với sự gia tăng kích cỡ của xã hội. Xã hội
lớn lên cả về sự gia tăng các cá thể và sự hợp nhất các nhóm. Sự tăng trưởng
kích cỡ của xã hội dẫn tới các cấu trúc lớn hơn và khác biệt nhiều hơn của nó,
cũng như gia tăng sự khác biệt giữa các chức năng mà nó thực hiện. Ngoài sự
tăng trưởng về kích thước, các xã hội còn tiến hành thông qua sự phối hợp, đó
là bằng cách hợp nhất ngày càng nhiều các nhóm gần kề. Do vậy, Spencer nói về
phong trào tiến hóa từ các xã hội đơn giản tới xã hội phức hợp, xã hội phức hợp
kép, phức hợp ba. Ông cũng đưa ra một lý thuyết tiến hóa từ các xã hội quân sự tới các xã hội công
nghiệp. Đầu tiên, các xã hội quân sự được xác định bởi cơ cấu tiến hành chiến
tranh xâm lược và tự vệ. Trong khi Spencer phê phán chiến tranh, ông cảm thấy ở
một giai đoạn sơ khai nó có chức năng mang các xã hội tới gần nhau (ví dụ,
thông qua các cuộc chinh phục quân sự) và với việc tạo ra các khối kết hợp mọi
người lớn cần thiết cho sự phát triển của xã hội công nghiệp. Tuy nhiên, với sự
ra đời của xã hội công nghiệp , chiến tranh thôi không còn chức năng và làm cản
trở sự tiến hóa xa hơn. Xã hội công nghiệp dựa trên nền tảng lòng vị tha, tình
bạn, sự phối hợp và chuyên môn hóa, nhận thức được các thành tựu hơn là các các
đặc tính người ta sẵn có, và sự cộng tác một cách tự giác những cá thể có tinh
thần kỷ luật cao. Một xã hội như thế được nối kết bằng những quan hệ tự giác thỏa
thuận, và quan trọng hơn, bởi một đạo đức chung mạnh mẽ. Vai trò của chính phủ
là giới hạn và tập trung vào những cái mà mọi người không nên làm. Hiển nhiên
là các xã hội hiện đại ít có tính hiếu chiến hơn các xã hội quân sự tiền bối
của chúng. Mặc dù Spencer thấy một sự tiến hóa chung theo hướng các xã hội công
nghiệp, ông cũng nhận ra rằng rất có thể có một sự thoái bộ mang tính thời kỳ
trở lại các xã hội đậm tính chiến tranh và quân sự hơn.
Trong các bài viết về
chính trị và đạo đức, Spencer đề ra một số ý tưởng khác về sự tiến hóa của xã
hội. Ở một mặt, ông thấy xã hội tiến triển tới một trạng thái lý tưởng, hoặc
hoàn thiện, đạo đức hơn. Ở mặt khác, ông lý luận rằng các xã hội thích nghi
nhất sống sót, trong khi các xã hội yếu kém sẽ bị diệt vong. Kết quả của tiến
trình này là sự cải tiến thích nghi đối với thế giới ở ý nghĩa một tổng thể.
Như vậy Spencer đã
đưa ra một tập hợp tư tưởng phức tạp và phong phú về tiến hóa xã hội. Đầu tiên,
các ý tưởng của ông đạt tới thành công lớn, rồi bị loại bỏ trong nhiều năm, và
gần đây mới được khôi phục với sự ra đời của thuyết tân tiến hóa xã hội học.
Phản ứng đối với
Spencer ở Anh
Dù đề cao cá thể,
Spencer được biết nhiều nhất là ở lý thuyết vĩ mô của ông về tiến hóa xã hội. Ở
đây, ông hoàn toàn trái hẳn một cách hiển nhiên với xã hội học có trước ông ở
Anh Quốc. Tuy nhiên, sự phản ứng chống lại Spencer về cơ bản là do mối đe dọa -
rằng tư tưởng của ông về sự sống sót của loài mạnh nhất đặt ra cho những người
theo chủ nghĩa cải thiện - là khá đắt đối với phần lớn các nhà xã hội học Anh.
Mặc dù về sau Spencer từ bỏ một số ý tưởng quá kỳ quái, ông cũng tranh cãi cho
một triết học về sự sống sót của kẻ mạnh nhất và chống đối sự can thiệp của
chính phủ và cải cách xã hội. Ông nói như sau:
Khuyến khích cái
không có ích gì cho ai cả với cái giá cho cái tốt là một điều cực kỳ ác độc. Nó
là một sự khuấy động cố tình nỗi bất hạnh của những thế hệ tương lai. Không có
lời nguyền rủa nào lớn hơn đối với hậu thế cho bằng truyền lại cho họ một dân
số ngày càng trở nên đần độn, biếng nhác và tội lỗi… Nỗ lực toàn thể của tự
nhiên là xóa bỏ đi những cái đó, để quét sạch chúng đi, lấy chỗ cho những cái
tốt đẹp hơn… Nếu họ không đủ sức để sống, họ chết, và tốt nhất là họ nên chết
là hơn.”
Những tình cảm này rõ
ràng là quái lạ với định hướng cải thiện của những nhà xã hội học cải cách Anh.
Các nhân vật chủ yếu
của xã hội học Ý
Chúng ta có thể khép
lại phác họa về lý thuyết xã hội học thời kỳ đầu bảo thủ ở Châu Âu với một lưu
ý ngắn gọn về hai nhà xã hội học Ý, Vifredo Pareto (1848-1923) và Gaetano Mosca
(1858-1941). Hai nhà xã hội học này có ảnh hưởng vào thời của họ, nhưng sự
thích ứng của họ hiện nay là rất nhỏ.
Ngày nay ít có người đọc Mosca. Có một đợt bộc phát ngắn ngủi sự quan tâm tới
tác phẩm của Pareto trong những năm 1930, khi nhà lý thuyết hàng đầu của Mỹ,
Talcott Parsons, dành cho ông sự chú ý như
đối với Weber và Durkheim. Tuy nhiên, gần dây, ngoại trừ một vài khái
niệm chính của ông, Pareto không còn quan trọng và thích hợp với thời đương đại
nữa.
Zeitlin lý luận rằng
Pareto đã phát triển các tư tưởng chủ yếu của ông như là một sự từ chối Marx.
Thật ra, Pareto không chỉ loại trừ Marx mà cả một bộ phận lớn của triết học Ánh
sáng. Ví dụ, trong khi các triết gia Ánh sáng đề cao tính hợp lý. Pareto đề cao
vai trò của các yếu tố phi lý như bản
năng của con người. Sự nhấn mạnh này cũng đã ràng buộc vào sự phản đối
lý thuyết Marx của ông. Đó là, bởi vì các yếu tố phi lý bản năng rất quan trọng
và bất biến, rất phi thực tế nếu hy vọng đạt được những biến đổi xã hội sâu sắc
với một cuộc cách mạng kinh tế.
Pareto cũng phát
triển một lý thuyết về biến đổi xã hội hòan toàn trái hẳn với Marx. Trong khi
lý thuyết Marx tập trung vào vai trò của quần chúng, Pareto đề ra một lý thuyết
tinh túy (élite theory) về thay đổi xã hội, trong đó cho rằng xã hội được cai
trị một cách vô hình bởi một tinh túy nhỏ vận hành trên cơ sở của tính tư lợi.
Nó điều hành cả khối đông quần chúng, những kẻ bị thống trị bởi các lực lượng
phi lý. Biến đổi xã hội xảy ra khi tinh túy bắt đầu bắt đầu suy đồi và bị thay
thế bởi một tinh túy mới sinh ra từ một tinh túy phi chính phủ hoặc từ các
nguyên tố cao hơn của quần chúng. Khi tinh túy mới này đã có quyền lực, tiến
trình đổi mới bắt đầu. Như vậy, chúng ta có một lý thuyết chu kỳ về thay đổi xã
hội thay vì các lý thuyết định hướng do Marx, Comte, Spencer và những người
khác đề ra. Ngoài ra, lý thuyết của Pareto về biến đổi đã phớt lờ cảnh khốn
cùng của quần chúng. Những tinh túy đến rồi đi, nhưng phần lớn quần chúng vẫn
còn như cũ.
Lý thuyết này, tuy
vậy, không phải là đóng góp cuối cùng của Pareto cho xã hội học. Nó nằm trong
khái niệm khoa học về xã hội học và thế giới xã hội: “Ước vọng của tôi là xây
dựng một hệ thống xã hội học theo kiểu mẫu một thiên đàng cơ giới (vũ trụ), vật
lý, hóa học” Nói tóm tắt, Pareto xem xã hội như là một hệ thống cân bằng, một
tổng thể bao gồm các bộ phận tương thuộc lẫn nhau. Một thay đổi ở bộ phận này
được xem là dẫn tới những thay đổi ở các bộ phận khác. Khái niệm hệ thống xã
hội của Pareto là một lý do quan trọng khiến Parsons chú ý tới tác phẩm của ông
trong cuốn sách năm 1937, Cấu trúc của
hành động xã hội, và chính Pareto đã có ảnh hưởng quan trọng nhất đến tư
tưởng của Parsons. Kết hợp với những quan điểm tương tự của những người có một hình dung mang tính
chất cơ quan về xã hội (Comte, Durkheim, Spencer), lý thuyết của Pareto đóng
một vai trò trung tâm trong sự phát triển của lý thuyết Parsons, và, nói chung
hơn, trong thuyết chức năng cấu trúc.
Mặc dù có ít nhà xã
hội học hiện đại ngày nay đọc tác phẩm của Pareto (ngoại lệ là Powers), rõ ràng
là không ai đọc Mosca cả. Nhưng tác phẩm của ông cũng có thể coi là một sự phản
đối trào lưu Ánh sáng và chủ nghĩa Marx. Điểm quan trọng trong lý thuyết của
Mosca là, như Pareto, đề ra một lý thuyết elite biến đổi xã hội trái hẳn với
viễn cảnh của thuyết Marx.
Các phát triển trong
chủ nghĩa Marx Châu Âu thời kỳ chuyển tiếp thế kỷ
Trong lúc nhiều nhà
xã hội học thế kỷ 19 đang phát triển lý thuyết của họ ngược lại Marx, đồng thời
cũng có một nỗ lực của một số người Marxist nhằm gạn lọc và mở rộng lý thuyết
Marx. Giữa năm 1875 và 1925 ít có sự
chồng lấn giữa chủ nghĩa Marx và xã hội học. (Weber là trường hợp ngoại
lệ). Hai trường phái tư duy cùng song hành phát triển với rất ít hoặc không có
tương quan trao đổi nào giữa chúng.
Sau khi Marx chết, lý
thuyết Marx đầu tiên bị thống trị bởi những người nhìn thấy trong lý thuyết của
ông một quyết định luận về kinh tế và khoa học. Wallerstein gọi đây là kỷ
nguyên của chủ nghĩa Marx chính thống. Fierdrich Engels, người ân nhân và cộng
sự của Marx, còn sống sau khi Marx chết, được xem là người dẫn giải đầu tiên
cho một viễn cảnh như thế. Về cơ bản, quan điểm này cho rằng lý thuyết khoa học
của Marx đã bao trùm các quy luật kinh tế điều hành thế giới tư bản. Những quy
luật này chỉ ra sự sụp đổ không thể tránh khỏi của hệ thống tư bản. Những tư
tưởng gia theo Marx thời kỳ đầu, như Karl Kautsky, tìm cách hiểu thấu hơn về
cách vận hành các quy luật này. Có nhiều vấn đề với viễn cảnh này. Ở một mặt,
nó dường như loại bỏ hoạt động chính trị, một nền tảng của lý thuyết Marx. Đó
là, dường như không cần thiết để các cá thể, đặc biệt là công nhân, làm bất cứ
việc gì. Trong đó, hệ thống dường như sẽ
sụp đổ không thể nào tránh khỏi, tất cả những gì họ phải làm là ngồi đó chờ đợi
sự tiêu vong của nó. Ở cấp độ lý thuyết, những người theo chủ nghĩa Marxist
quyết định luận dường như đã bỏ qua mối quan hệ biện chứng giữa các cá thể và
các cấu trúc xã hội lớn.
Những vấn đề này dẫn
tới một phản ứng trong số các lý thuyết gia Marxist và sự phát triển của Chủ
nghĩa Marx-Hegel vào đầu những năm 1900. Những người theo Hegel-Marxist từ chối
việc giảm thiểu chủ nghĩa Marx xuống mức một lý thuyết khoa học đã phớt lờ tư
duy và hành động của cá thể. Họ được gán cho cái tên những người theo phái
Hegel-Marxist vì họ đã tìm kiếm cách kết hợp mối quan tâm của Hegel về nhận
thức (mà một số người, trong đó có tác giả sách này, coi Marx là có đồng quan
điểm đó) với mối quan tâm của những người theo thuyết quyết định luận về cơ cấu
kinh tế của xã hội. Lý thuyết Hegel có tầm quan trọng vì cả hai nguyên nhân lý
thuyết lẫn thực hành. Về lý thuyết, chúng phục hồi lại sự quan trọng của cá
thể, ý thức và mối tương quan giữa tư
duy và hành động. Về thực hành, chúng nhấn mạnh sự quan trọng của hành động cá
thể trong việc mang tới một cách mạng xã hội.
Người dẫn giải chủ
yếu cho quan điểm này là Georg Lukásc. Theo Martin Jay, Lukásc là “cha đẻ của
chủ nghĩa Marxist Phương Tây” và tác giả của cuốn Giai cấp và ý thức giai cấp, được xem là cuốn hiến chương của chủ
nghĩa Hegel-Marx. Lukásc đã bắt đầu từ năm 1900 nhằm hòa nhập chủ nghĩa Marx
với xã hội học (nói riêng là lý thuyết của Weber và Simmel). Việc hòa hợp này
sớm tiến triển nhanh hơn cùng với sự phát triển của lý thuyết phê phán trong
những năm 1920 và 1930.
TÓM TẮT
Chương này đã phác họa
lịch sử sơ khai của lý thuyết xã hội học theo hai phần. Phần thứ nhất, ngắn hơn
nhiều, xử lý các lực lượng xã hội có liên quan đến sự phát triển của lý thuyết
xã hội học. Mặc dù có rất nhiều ảnh hưởng như thế, chúng tôi tập trung vào cách
mạng chính trị, cách mạng công nghệ và sự ra đời của chủ nghĩa tư bản, chủ
nghĩa xã hội, sự đô thị hóa, các thay đổi về tôn giáo, và sự tăng trưởng của
khoa học đã có tác động đến lý thuyết xã hội học. Phần thứ hai của chương kiểm
lại ảnh hưởng của lực lượng trí thức đối với sự ra đời của lý thuyết xã hội học
trong nhiều nước khác nhau. Chúng tôi bắt đầu với Pháp và vai trò của trào lưu Ánh
sáng, nhấn mạnh đến phản ứng của phái bảo thủ và lãng mạn đối với nó. Lý thuyết
xã hội học Pháp phát triển trong mối tương quan này. Trong bối cảnh đó, chúng
tôi kiểm lại các nhân vật chủ yếu thời sơ khai của xã hội học Pháp - Claude
Henri Saint Simon, August Comte, và Emile Durkhiem.
Kế đó, chúng tôi quay
sang Đức và vai trò của Karl Marx trong sự phát triển của xã hội học Đức. Chúng
tôi thảo luận sự phát triển song hành của lý thuyết Marx và lý thuyết xã hội
học và cách thức lý thuyết Marx tác động lên xã hội học, cả ở mặt tích cực và
tiêu cực. Chúng tôi bắt đầu với nguồn gốc của lý thuyết Marx từ chủ nghĩa
Hegel, chủ nghĩa duy vật, và kinh tế chính trị. Lý thuyết Marx được tiếp xúc
một cách ngắn gọn. Cuộc thảo luận chuyển sang nguồn gốc của xã hội học Đức. Tác
phẩm của Max Weber được kiểm qua để chỉ ra các nguồn đa dạng của xã hội học
Đức. Một vài thảo luận về nguyên nhân lý thuyết Weber được các nhà xã hội học
về sau chấp nhận hơn là lý thuyết Marx. Phần này khép lại với một thảo luận vắn
tắt về tác phẩm của Georg Simmel.
Sự ra đời của lý
thuyết xã hội học Anh được kế tiếp. Các nguồn chủ yếu của xã hội học Anh là
kinh tế chính trị, chủ nghĩa cải thiện và tiến hóa xã hội. Trong bối cảnh này,
chúng tôi chỉ ra tác phẩm của Herbert Spencer cũng như một vài tranh luận xung
quanh nó.
Chương này khép lại
bằng một thảo luận tóm tắt về lý thuyết xã hội học Ý, đặc biệt là tác phẩm của
Vilfredo Pareto, các phát triển ở thời kỳ chuyển tiếp trong lý thuyết Marx Châu
Âu, cơ bản là kinh tế quyết định luận và chủ nghĩa Hegel-Marx.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét