Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2020

LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC - GEORGE RITZER - PART 3 - 2





CHƯƠNG 10:
SỰ HÒA HỢP CƠ  QUAN-CẤU TRÚC

GIỚI THIỆU
CÁC VÍ DỤ CHỦ YẾU CỦA SỰ HOÀ HỢP CƠ QUAN-CẤU TRÚC
Anthony Giddens: Lý thuyết cấu trúc luận
Margaret Archer: Văn hoá và Cơ quan
Pierre Bourdieu: Tập tính và Lĩnh vực
Jurgen Habermas: Sự thực dân hoá của thế giới-đời sống
CÁC KHÁC BIỆT CHỦ YẾU TRONG TRƯỚC TÁC CƠ QUAN-CẤU TRÚC
CÁC LIÊN KẾT CƠ QUAN-CẤU TRÚC VÀ VI MÔ-VĨ MÔ
Các điểm tương đồng cơ bản
Các khác biệt chủ yếu
LÝ GIẢI CÁC KHÁC BIỆT GIỮA MỸ-CHÂU ÂU

GIỚI THIỆU

            Như đã nói ở các chương trước, song hành với sự lớn dần mối quan tâm đến vấn đề vi mô-vĩ mô trong lý thuyết xã hội học Mỹ là sự quan tâm ngày càng tăng đến quan hệ cơ quan-cấu trúc (agency-structural) của các lý thuyết gia Châu Âu. Ví dụ, Margaret Archer đã cho rằng, “vấn đề cấu trúc và cơ quan đã thật sự được xem như vấn đề cơ bản trong lý thuyết xã hội hiện đại”. Trong thực tế, bà lý luận rằng việc xử lý mối liên kết này (cũng như một loạt các liên kết khác thông qua nó) đã trở thành một cuộc “kiểm nghiệm gay go” về một lý thuyết xã hội chung nhất và trở thành “vấn đề trung tâm” trong lĩnh vực lý thuyết. Trước đó, Dawe  thậm chí còn đi xa hơn cả Archer: “Vậy là, đây chính là vấn đề mà quanh nó toàn bộ lịch sử của phân tích xã hội học có thể được viết nên: vấn đề về cơ quan con người”. Trong quan tâm của Dawe đến cơ quan cũng hàm ẩn một sự chú ý tới cấu trúc xã hội và sự căng thẳng thường xuyên giữa chúng.

            Như vậy, nhiều nhà quan sát ở cả hai đầu Đại Tây Dương đã lưu ý đến sự nảy sinh của cái có vẻ là một sự liên ứng mới. Không chỉ có những sự nhất trí giữa Mỹ và Châu Âu, mà các điểm tương đồng ngoại diện hiển nhiên giữa các hệ thống thuật ngữ và các định hướng vi mô-vĩ mô và cơ quan-cấu trúc dường như cũng bao hàm ý nghĩa về khả năng của một sự liên ứng (consensus) có tính chất quốc tế trong lý thuyết xã hội.

            Tất cả những đồng điệu này có vẻ là những tín hiệu tốt lành đối với lý thuyết xã hội, từ lâu đã được định tính bởi những khác biệt gay gắt và sự bất lực trong việc thông tin xuyên qua các đường biên lý thuyết. Không may là, mặc dù sử dụng các thuật ngữ nghe có vẻ giống nhau, sự liên ứng đã nảy sinh ở Mỹ có đôi phần khác biệt với sự liên ứng ở Châu Âu. Hơn thế nữa, còn có những khác biệt lớn lao ở các trước tác của Châu Âu và Mỹ. Do vậy, sự liên ứng dường như hoàn toàn có tính chất bề ngoài và bị phủ nhận một cách rộng rãi giữa các lý thuyết xã hội đương thời ở Mỹ và Châu Âu.

            Mối quan tâm đến sự liên kết cơ quan-cấu trúc nằm ở tâm điểm tác phẩm của một số lý thuyết gia viết theo truyền thống Châu Âu, ví dụ lý thuyết cấu trúc (Structuration theory) của Giddens; sự chú ý của Archer đến căn nguyên hình thái học (morphogenesis), cũng như quan tâm về sau này của bà tới sự liên kết giữa văn hoá và cơ quan; tập tính và lĩnh vực (Habitus and Field) của Bourdieu; nỗ lực của Habermas để hoà hợp thế giới-đời sống và hệ thống; thuyết nguyên tắc hệ thống xã hội (social rule-system theory) của Burn;  quyền lực và cấu trúc của Lukes; cấu trúc lịch sử của Abrams; sự tự sản xuất của xã hội của Touraine; tiếp cận lý thuyết thi đấu (game-theory) của Crozier và Friedberg; thuyết hình thành xã hội (theory of social becoming) của Sztompka. Trước khi đi xa hơn, chúng ta cần phải xác định các cách thức trong đó các thuật ngữ cơ quancấu trúc được sử dụng, cũng như so sánh chúng với các thuật ngữ vi mô-vĩ mô.

            Ở cấp độ bề ngoài, các vấn đề vi mô-vĩ mô và cơ quan-cấu trúc nghe có vẻ giống nhau, và chúng thường được coi một cách rộng rãi là tương tự với nhau. Tôi dự định xem các tác phẩm xử lý vấn đề cơ quan và cấu trúc là một bộ phận của mối quan tâm tới liên kết vi mô-vĩ mô. Tương tự như vậy, Archer đã lý luận rằng vấn đề cơ quan-cấu trúc bao hàm sự quan tâm tới mối quan hệ vi mô-vĩ mô (cũng như ý chí luận-quyết định luận, chủ nghĩa chủ quan-chủ nghĩa khách quan). Các lập trường như thế có vẻ đúng đắn, vì nói cho cùng, có một sự liên đới khá gần gũi giữa cấp độ vi mô với cơ quan và cấp độ vĩ mô với cấu trúc. Sự liên đới này tồn tại, tức là, nếu chúng ta suy nghĩ về các cơ quan của cá thể con người (vi mô) và các cấu trúc xã hội quy mô lớn (vĩ mô). Tuy nhiên, có nhiều cách khác để suy nghĩ về các vấn đề vi mô-vĩ mô và cơ quan-cấu trúc làm cho các khác biệt trọng yếu giữa hai lĩnh vực khái niệm này trở nên rất rõ ràng.

            Trong khi cơ quan nói chung thường để chỉ cấp độ vi mô, các actor cá thể con người, nhưng nó cũng có thể chỉ tới các tập thể (vĩ mô) hành động. Ví dụ, Burns coi các cơ quan của con người bao gồm cả “các cá thể cũng như các nhóm có tổ chức, các tổ chức, các quốc gia”. Touraine tập trung vào các giai cấp xã hội theo nghĩa là các actor. Nếu chúng ta chấp nhận các tập thể đó theo nghĩa là các cơ quan, thì chúng ta không thể đánh đồng cơ quan và các hiện tượng cấp độ vi mô. Ngoài ra, trong khi cấu trúc thường là chỉ tới các cấu trúc ở quy mô xã hội lớn, nó cũng có thể chỉ các cấu trúc vi mô có quan hệ tới sự tương tác của con người. Định nghĩa của Giddens về các hệ thống (gần với ý nghĩa thông thường  của cấu trúc hơn là khái niệm về cấu trúc của riêng ông) bao hàm cả hai kiểu cấu trúc, vì nó gồm cả “các quan hệ tái sản sinh giữa các actor hoặc các tập thể”. Như vậy, cả cơ quan và cấu trúc đều có thể chỉ tới hoặc là các hiện tượng cấp độ vi mô, hoặc là các hiện tượng cấp độ vĩ mô, hoặc cả hai.

            Quay sang việc phân biệt vi mô-vĩ mô, vi mô thường chỉ tới dạng actor có ý thức, có tính sáng tạo là sự quan tâm của nhiều lý thuyết gia cơ quan, nhưng nó cũng có thể chỉ tới một "kẻ xử sự” (behaver) vô tư hơn trong quan tâm của các nhà hành vi chủ nghĩa, đặc biệt là các lý thuyết gia trao đổi và chọn lựa hợp lý. Tương tự, thuật ngữ vĩ mô có thể chỉ tới không chỉ các cấu trúc xã hội quy mô lớn mà cả các nền văn hoá của các tập thể. Như vậy, vi mô có thể chỉ tới hoặc không chỉ tới các “cơ quan”, và vĩ mô có thể chỉ tới hoặc không chỉ tới “các cấu trúc”.

            Khi chúng ta nhìn gần hơn vào các lược đồ vi mô-vĩ mô và cơ quan-cấu trúc, chúng ta thấy rằng có những khác biệt quan trọng giữa chúng. Vì các lý thuyết gia Mỹ có xu hướng tập trung vào sự liên kết vi mô-vĩ mô, còn các lý thuyết gia Châu Âu thì vào mối quan hệ giữa cơ quan và cấu trúc, có những khác biệt quan trọng giữa những liên ứng ở Mỹ và Châu Âu.

            Trước khi đi xa hơn trong thảo luận chung về trước tác cơ quan cấu trúc, cũng như  quan hệ của nó với trước tác vi mô-vĩ mô, chúng ta hãy có một cái nhìn chi tiết hơn vào nhiều ví dụ chủ yếu của các tác phẩm ở thể loại này. Việc này sẽ giúp chúng ta có một cảm giác tốt hơn đối với bản chất chung của các tác phẩm về cơ quan và cấu trúc.

CÁC VÍ DỤ CHỦ YẾU VỀ SỰ HOÀ HỢP CƠ QUAN-CẤU TRÚC

Anthony Giddens: Lý thuyết cấu trúc luận

            Một trong những nỗ lực được biết nhiều nhất trong việc hòa hợp cơ quan-cấu trúc là lý thuyết cấu trúc luận (structuration theory) của Anthony Giddens. Ông bắt đầu “giới thiệu” lý thuyết này vào những năm 1970, nhưng nó xuất hiện với hình thức phát triển toàn vẹn nhất là trong tác phẩm Sự thiết lập xã hội của ông (1984), với tiểu tựa là Phác thảo về lý thuyết cơ quan. Trong tác phẩm này, Giddens đi khá xa khi nói rằng: “Mỗi một thẩm tra khảo sát trong các môn khoa học xã hội hay lịch sử bao gồm hành động (thường được sử dụng đồng nghĩa với cơ quan) có quan hệ tới cấu trúc... không theo ý nghĩa trong đó cấu trúc ‘quyết định’ hành động hoặc ngược lại”.

            Trong khi không phải là một người Marxist, ở tác phẩm của Gidden chịu một ảnh hưởng lớn từ Marx, thậm chí ông còn coi cuốn Sự thiết lập xã hội như là một phản ánh mở rộng về châm ngôn vốn có tính hòa hợp của Marx: “Con người tạo ra lịch sử, nhưng họ không tạo ra nó theo ý muốn; họ không tạo ra nó dưới các hoàn cảnh do chính họ chọn lựa, mà dưới các hoàn cảnh đối đầu, chuyển giao một cách trực tiếp từ quá khứ”.

            Thuyết Marx là một trong nhiều nguồn lý thuyết khác hợp thành lý thuyết cấu trúc luận. Lúc này lúc khác, Giddens phân tích và phê phán phần lớn các định hướng lý thuyết chủ yếu và đem lại một dãy ý tưởng hữu ích từ  nhiều trong số đó. Lý thuyết cấu trúc luận đặc biệt có tính chất chiết trung, trong thực tế, Craib đã vạch ra chín nguồn cơ bản của tư duy Giddens.

Giddens khảo sát một loạt lý thuyết khác nhau, hoặc bắt đầu với cá thể/cơ quan (ví dụ, thuyết tương tác biểu tượng), hoặc bắt đầu với xã hội/cấu trúc (ví dụ, thuyết chức năng cấu trúc) và phản đối cả hai đối cực này. Hơn thế, Giddens lý luận rằng chúng ta phải bắt đầu với các “thực hành xã hội tái diễn”. Hơi chi tiết hơn, ông lý luận: “Lĩnh vực cơ bản của nghiên cứu các môn khoa học xã hội, theo lý thuyết cấu trúc luận, không phải là kinh nghiệm của actor cá thể, mà cũng không phải là sự tồn tại của bất cứ hình thức nào của tổng thể xã hội, mà là các thực hành xã hội diễn ra theo trình tự qua không gian và thời gian.”

Ở trung tâm của lý thuyết cấu trúc luận của Giddens, với tiêu điểm của nó vào các thực hành xã hội, là một lý thuyết về mối quan hệ giữa cơ quan và cấu trúc. Theo Bernstein, “tâm điểm của lý thuyết cấu trúc luận được hoạch định để minh họa tính chất đối ngẫu và sự tương tác biện chứng giữa cơ quan và cấu trúc.” Như vậy, cơ quan và cấu trúc không thể được xem xét tách biệt nhau; chúng là hai mặt của cùng một đồng xu. Theo nghĩa của Giddens, chúng là một sự đối ngẫu (ở phần kế tiếp chúng ta sẽ thảo luận phê phán của Archer về định hướng này). Mọi hành động xã hội đều bao gồm cấu trúc, và mọi cấu trúc đều bao gồm hành động xã hội. Cơ quan và cấu trúc đan xen vào nhau một cách chặt chẽ trong hoạt động diễn tiến hay hành động của con người.

Như đã chỉ ra bên trên, xuất phát điểm phân tích của Giddens là các thực hành của con người, nhưng ông quả quyết rằng chúng được xem là có tính hồi quy. Nghĩa là, các hoạt động không được biến thành hiện thực bởi các actor xã hội mà là liên tục được tái tạo bởi họ thông qua chính các phương tiện mà nhờ đó họ tự thể hiện bản thân như là các actor. Trong và thông qua hoạt động của họ, các tác nhân (agent) sản sinh ra các điều kiện làm cho các hoạt động này trở nên khả dĩ xảy ra”. Như vậy, các hoạt động không được sinh ra bởi ý thức, bởi cấu trúc xã hội của thực tại, mà cũng không được sinh ra do  cấu trúc xã hội. Đúng hơn, trong việc tự thể hiện bản thân như  là các actor, mọi người tiến hành sự thực hành, và chính thông qua sự thực hành này mà cả ý thức và cấu trúc được sản sinh. Tập trung vào đặc tính hồi quy của cấu trúc, Held và Thompson lý luận rằng “cấu trúc được sản sinh trong và thông qua chuỗi thực hành có tính tình thế do chính nó tổ chức.” Điều tương tự có thể nói về ý thức. Giddens quan tâm đến ý thức hay sự phản ánh. Tuy nhiên, trong khi phản ánh, actor con người không chỉ đơn giản tự ý thức mà cũng thực hiện việc phân định dòng tiếp diễn của các hoạt động và các điều kiện cấu trúc. Bernstein lý luận rằng “bản thân cơ quan bao hàm trong các cấu trúc xã hội theo cung cách có tính phản ánh và tái diễn.” Nói tổng quát hơn, có thể lý luận rằng Giddens quan tâm tới quá trình biện chứng trong đó thực hành, cấu trúc, và ý thức được sản sinh. Như vậy, Giddens  xử  lý vấn đề cơ quan-cấu trúc theo một cung cách có tính chất năng động, lịch sử và diễn tiến theo quá trình.

Không chỉ các actor xã hội có tính chất phản ánh, mà cả các nhà khảo sát xã hội nghiên cứu họ cũng vậy. Ý tưởng này dẫn Giddens tới các tư tưởng phổ biến của ông về “khoa chú giải văn bản gấp đôi” (double hermeneutic). Cả các actor xã hội và các nhà xã hội học đều sử dụng ngôn ngữ. Các actor sử dụng ngôn ngữ để giải thích điều họ làm, còn các nhà xã hội học lại sử dụng ngôn ngữ để lý giải cho các hành động của các actor xã hội. Như vậy, chúng ta cần quan tâm tới mối quan hệ giữa ngôn ngữ bình thường và ngôn ngữ khoa học. Đặc biệt, chúng ta cần nhìn nhận một thực tế rằng nhận thức của nhà khoa học xã hội về thế giới xã hội có thể có một tác động tới nhận thức của các actor được nghiên cứu. Theo cách này, các nhà khảo sát xã hội có thể thay đổi thế giới mà họ nghiên cứu và do vậy dẫn tới các phát hiện và các kết luận có tính chất bóp méo.

Chúng ta hãy thảo luận một số thành tố chủ yếu của lý thuyết cấu trúc của Giddens, bắt đầu với các tư duy của ông về các tác nhân, những người, như chúng ta đã thấy, liên tiếp giám sát các tư tưởng và hoạt động của chính họ cũng như các bối cảnh vật chất và xã hội của họ. Trong cuộc tìm kiếm một ý thức an toàn cho họ, các actor hợp lý hóa thế giới của họ. Qua sự hợp lý hóa, Giddens muốn nói tới sự phát triển của các lề thói hàng ngày không chỉ mang đến cho các actor một ý thức an toàn, mà còn cho phép họ xử lý một cách hữu hiệu cuộc sống xã hội của họ. Các actor cũng có các động cơ để hành động, và các động cơ này bao gồm các mong muốn, khát vọng thôi thúc hành động. Như vậy, trong khi sự hợp lý hóa và sự phản ánh liên tục có quan hệ đến hành động, các động cơ thích hợp hơn nên được nghĩ tới như là các tiềm năng của hành động. Các động cơ cung cấp các kế hoạch toàn thể cho hành động, nhưng phần lớn những hành động của chúng ta, theo quan điểm của Giddens, không bị thúc đẩy một cách trực tiếp. Mặc dù một hành động như vậy không bị thôi thúc và các động cơ của chúng ta nói chung có tính chất vô ý thức, các động cơ đóng một vai trò quan trọng trong hành vi của con người.

Cũng trong phạm vi ý thức, Giddens phân biệt giữa ý thức thực hành và ý thức diễn ngôn. Ý thức diễn ngôn (discursive consciouness) đưa tới khả năng mô tả các hành động của chúng ta bằng từ ngữ. Ý thức thực hành (practical consciousness) bao gồm các hành động mà các actor dành cho sự quan tâm, không có khả năng thể hiện bằng từ ngữ điều họ đang làm. Chính ở kiểu thứ hai này của ý thức, có tầm quan trọng đặc biệt đối với lý thuyết cấu trúc, đã phản ánh một mối quan tâm cơ bản vào điều đã được thực hiện hơn là vào điều đã nói.

Với tiêu điểm về ý thức thực hành này, chúng tôi chuyển một cách êm xuôi từ các tác nhân sang các cơ quan, những điều mà các tác nhân thực sự thực hiện. “Cơ quan liên quan tới các sự kiện mà trong đó cá thể là người thực hiện… bất kỳ cái gì xảy ra hẳn đã không xảy ra nếu cá thể đó không xen vào”. Như vậy, Giddens gán cho tầm quan trọng của cơ quan một sức nặng lớn lao. Giddens cố phân biệt cơ quan ra khỏi các dự trù vì ông muốn đưa ra quan điểm rằng các hành động thường kết thúc khác với điều đã trù định;  nói cách khác, các hành động có dự tính thường tạo ra các kết quả ngoài dự tính. Ý tưởng về các kết quả ngoài dự tính đóng một vai trò to lớn trong lý thuyết của Giddens và đặc biệt quan trọng trong việc đưa chúng ta đi từ cơ quan tới cấp độ hệ thống xã hội.

Kiên định với nhấn mạnh vào cơ quan của ông, Giddens phú cho tác nhân một năng lực rất lớn. Nói cách khác, các tác nhân của Giddens có khả năng tạo ra một sự khác biệt trong thế giới xã hội. Thậm chí nói một cách mạnh mẽ hơn, các tác nhân không có ý nghĩa gì nếu không có năng lực; nghĩa là một actor ngừng là một tác nhân nếu anh ta đánh mất khả năng tạo ra khác biệt. Tất nhiên Giddens công nhận rằng có những kềm hãm đối với các actor, nhưng điều này không có nghĩa là các actor không có sự chọn lựa và không tạo ra một khác biệt nào. Đối với Giddens, năng lực về mặt logic có trước tính chủ quan vì hành động bao gồm năng lực, hoặc khả năng chuyển biến tình thế. Như vậy lý thuyết cấu trúc luận của Giddens kết hợp năng lực với actor và hành động và đối lập với các lý thuyết không ủng hộ một định hướng như thế, và thay vào đó, dành tầm quan trọng to lớn cho hoặc là dự tính của actor (hiện tượng luận), hoặc là cấu trúc ngoại vi (thuyết chức năng cấu trúc).

Trung tâm về mặt khái niệm của lý thuyết cấu trúc luận nằm ở các ý tưởng về cấu trúc, hệ thống, và tính đối ngẫu của cấu trúc. Cấu trúc được định nghĩa là “các thuộc tính về mặt cấu trúc [các nguyên tắc và các tiềm năng]… các thuộc tính  làm cho các thực hành xã hội có thể thấy rõ là tương tự như nhau trở nên khả dĩ để tồn tại qua nhiều quãng thời gian và không gian và đem lại cho chúng hình thức có tính hệ thống”. Cấu trúc được làm cho trở nên khả dĩ bởi sự tồn tại của các nguyên tắc và tiềm năng. Bản thân các cấu trúc không tồn tại trong thời gian và không gian. Đúng hơn, các hiện tượng xã hội có khả năng được cấu trúc hóa. Giddens cho rằng "cấu trúc chỉ tồn tại trong và thông qua các hoạt động của các tác nhân con người”. Như vậy, Giddens đưa ra một định nghĩa rất khác thường về cấu trúc không theo khuôn mẫu của Durkheim - vốn xem các cấu trúc có tính ngoại vi và đối kháng với các actor. Ông  cố tránh né ấn tượng rằng cấu trúc là “ở bên ngoài” hoặc “ngoại vi” đối với hành động của con người. “Trong cách sử dụng của tôi, cấu trúc là cái tạo ra hình thức và hình dạng cho đời sống xã hội, nhưng tự bản thân nó không phải là hình thức và hình dạng.” Như  Held và Thompson nhận định, cấu trúc đối với Giddens không phải là một cơ cấu “như những chiếc rầm của một công trình xây dựng hay bộ xương của một cơ thể.”

Giddens không chối bỏ sự thật rằng cấu trúc có thể kềm hãm lên actor; nhưng ông thấy rằng các nhà xã hội học đã cường điệu hóa tầm quan trọng của sự kềm hãm này. Ngoài ra, họ đã thất bại trong việc nhấn mạnh sự thật rằng cấu trúc “luôn luôn là vừa kềm hãm vừa tạo khả năng”. Các cấu trúc thường cho phép các tác nhân làm những việc họ có thể không làm được. Trong khi Giddens giảm nhẹ sự kềm hãm cấu trúc, ông thừa nhận rằng các actor có thể mất kiểm soát qua “các thuộc tính cấu trúc của các hệ thống xã hội” khi chúng trải ra trong thời gian và không gian. Tuy nhiên, ông cẩn thận tránh né hình tượng chiếc lồng sắt của những người theo Weber và lưu ý rằng một sự mất kiểm soát như thế là không phải là không thể tránh khỏi.

Ý thức xã hội học truyền thống về cấu trúc gần hơn với khái niệm của Giddens về hệ thống xã hội. Giddens xác định các hệ thống xã hội là các thực hành xã hội có tính chất tái sinh, hoặc là “các quan hệ có tính tái sinh giữa các actor hay các tập thể được tổ chức như là các thực hành xã hội thường xuyên.” Như vậy, ý tưởng về hệ thống xã hội phát sinh từ quan tâm trọng tâm của Giddens tới sự thực hành. Các hệ thống xã hội không có các cấu trúc, nhưng chúng biểu lộ các thuộc tính cấu trúc. Các cấu trúc bản thân chúng không phải là thời gian hay không gian, nhưng chúng được biểu lộ trong các hệ thống xã hội dưới hình thức của các thực hành có tính tái sinh. Trong khi một số hệ thống xã hội có thể là sản phẩm của hành động có dự tính, Giddens đặt sự nhấn mạnh vào sự thật rằng các hệ thống như thế thường là các hậu quả của các hành động ngoài trù liệu của hành động con người. Các hậu quả ngoài dự liệu này có thể trở thành các điều kiện không được nhận ra của hành động và hồi quy lại với nó. Các điều kiện này có thể vượt quá các nỗ lực để đem chúng vào vòng kiểm soát, nhưng dù sao đi nữa, các actor tiếp tục các nỗ lực để sử dụng  một sự kiểm soát như thế.

Như vậy, các cấu trúc có tính chất “thuyết minh” trong các hệ thống xã hội. Ngoài ra, chúng cũng biểu lộ trong “các nếp ký ức định hướng hành vi của các tác nhân con người có khả năng nhận biết”. Kết quả là các nguyên tắc và các tiềm năng tự biểu lộ chúng ở cả hai cấp độ vĩ mô của các hệ thống xã hội và cấp độ vi mô của ý thức con người.

Giờ đây chúng ta đã  sẵn sàng cho khái niệm cấu trúc luận (structuration), được giả thiết dựa trên ý tưởng rằng “sự thiết lập của các tác nhân và các cấu trúc không phải là hai tập hợp hiện tượng, được đưa ra một cách độc lập, một thuyết nhị nguyên, mà nó thể hiện một sự đối ngẫu... các thuộc tính cấu trúc của các hệ thống xã hội vừa là trung gian, vừa là kết quả của các thực hành  mà chúng tổ chức một cách hồi quy”, hoặc, “thời điểm của sự sản sinh hành động cũng là thời điểm của sự tái sản sinh trong các bối cảnh của sự vận hành ngày này sang ngày khác của đời sống xã hội”. Rõ ràng là cấu trúc luận bao gồm mối quan hệ biện chứng giữa cấu trúc và cơ quan. Cấu trúc và cơ quan là một sự đối ngẫu; cái này không thể tồn tại mà không có cái kia.

Như đã chỉ ra, thời gian và không gian là hai mặt khác biệt cơ bản trong lý thuyết của Giddens. Cả hai phụ thuộc vào việc những người khác có hiện diện về mặt thời gian hay không gian hay không. Điều kiện cơ bản là sự tương tác mặt đối mặt, trong đó những người khác hiện diện đồng thời và ở cùng một địa điểm. Tuy nhiên, các hệ thống xã hội mở rộng về thời gian và không gian, thế nên những người khác có thể không còn hiện diện nữa. Khoảng cách như thế trong phạm vi thời gian và không gian ngày càng trở nên khả dĩ trong thế giới hiện đại bởi các hình thức thông tin và vận chuyển mới. Gregory lý luận rằng Giddens dành nhiều chú ý cho thời gian hơn không gian. Nhấn mạng tầm quan trọng của không gian, Saunders cho rằng “bất cứ phân tích xã hội học nào về việc tại sao các sự việc xảy ra và xảy ra như thế nào sẽ cần phải quan tâm tới việc chúng xảy ra ở đâu (và khi nào)”.  Vấn  đề xã hội học trung tâm của trật tự xã hội phụ thuộc vào việc các hệ thống xã hội hoà hợp tốt đến đâu qua thời gian và không gian. Một trong những thành tựu được thừa nhận rộng rãi nhất của Giddens trong lý thuyết xã hội là nỗ lực của ông để đưa vấn đề thời gian và không gian lên hàng đầu.

Chúng tôi kết thúc phần này với việc đưa cấu trúc luận vốn rất trừu tượng của Giddens tới gần thực tiễn hơn bằng cách thảo luận chương trình khảo sát nảy sinh từ nó. Trước hết, thay vì tập trung vào các xã hội loài người, cấu trúc luận tập trung vào “các trình tự của các thể chế qua thời gian và không gian” (Các thể chế được Giddens xem là các nhóm thực hành, và ông định dạng bốn nhóm trong số đó - các trật tự biểu tượng, các thể chế chính trị, các thể chế kinh tế,  và luật pháp). Thứ hai, có một quan tâm tiêu điểm tới các biến đổi ở các thể chế qua thời gian và không gian. Thứ ba, các nhà khảo sát cần nhạy cảm với các cách thức trong đó những người lãnh đạo của các thể chế khác nhau xâm nhập và biến cải các khuôn mẫu xã hội. Thứ tư, các nhà cấu trúc luận cần theo dõi và phải tinh nhạy với các tác động của những phát hiện của họ lên thế giới xã hội. Nói chung nhất,  Giddens quan tâm sâu sắc tới “tác động choáng người của tính chất hiện đại”, và nhà cấu trúc luận cần phải quan tâm tới việc nghiên cứu về vấn đề xã hội    tính áp lực này.

Cấu trúc luận còn rất nhiều điều phải nói hơn là được giới thiệu ở đây; Giddens đi tới độ chi tiết rất lớn về các nguyên tố của lý thuyết đã được phác hoạ và cũng thảo luận về nhiều lý thuyết khác. Theo con đường này, ông phân tích, hoà hợp, và/hoặc phê phán một loạt rộng các tư tưởng lý thuyết. Gần đây hơn, ông dành sự chú ý lớn hơn tới việc vận dụng lý thuyết của ông vào phân tích phê phán thế giới hiện đại (xem Chương 11). Không như  nhiều người khác, Giddens đã vượt ra khỏi một sự trình bày chương trình đối với sự hòa hợp cơ quan-cấu trúc; ông đưa ra một phân tích chi tiết về các thành tố khác nhau của nó, và, quan trọng hơn, đã tập trung vào bản chất của các quan hệ hỗ tương. Cái có tính chất thỏa đáng nhất về cách tiếp cận của Giddens là thực tế rằng mối quan tâm chủ chốt của ông, cấu trúc luận, được định nghĩa theo những thuật ngữ về cơ bản có tính hoà hợp. Những tính chất của các tác nhân và các cấu trúc không độc lập với nhau; các thuộc tính của các hệ thống xã hội được xem là vừa là sự trung gian, vừa là kết quả của các thực hành của các actor, và các thuộc tính hệ thống đó tổ chức một cách hồi quy các thực hành của các actor.   

Layder, Ashton và Sung đã tìm kiếm các chứng cứ thực nghiệm ở cấu trúc luận của Giddens trong một nghiên cứu về sự chuyển biến từ nhà trường sang lao động. Dù nói chung họ ủng hộ cách tiếp cận lý thuyết của ông, kết luận quan trọng nhất là cấu trúc và cơ quan không đan bện vào nhau như Giddens đề xuất: “Như vậy chúng tôi kết luận theo hướng thực nghiệm rằng cấu trúc và hành động phụ thuộc lẫn nhau (và do vậy, bao hàm lẫn nhau), nhưng phần nào đó là các lĩnh vực có tính tự trị và cách biệt nhau.” Như chúng ta sẽ thấy ở phần sau, kết luận này là một với lập trường của Margaret Archer.

Ian Craib đã đưa ra một phê phán có tính hệ thống nhất đối với tác phẩm của Giddens.Trước hết, Craib lý luận rằng vì Giddens tập trung vào các thực hành xã hội, tác phẩm của ông thiếu “chiều sâu về mặt bản thể”. Nghĩa là, Giddens thất bại trong việc  đạt tới các cấu trúc xã hội nằm bên dưới thế giới xã hội. Thứ hai, nỗ lực của ông ở sự tổng hợp  về mặt lý thuyết không ăn khớp lắm với sự phức tạp của thế giới xã hội. Để  xử lý sự phức tạp này, thay vì một lý thuyết tổng hợp riêng lẻ, “chúng ta đòi hỏi một dãy lý thuyết có thể hoàn toàn không tương thích”. Theo quan điểm của Craib, thế giới xã hội cũng hoàn toàn hỗn độn, và sự hỗn độn này không thể được xử lý một cách thỏa đáng bởi một cách tiếp cận đơn giản, riêng lẻ và có tính chất khái niệm như cấu trúc luận. Cách tiếp cận của Giddens cũng hạn chế các tiềm năng đóng góp có thể phát sinh bởi việc sử  dụng toàn bộ dãy các lý thuyết xã hội  học. Do loại bỏ các siêu lý thuyết như chủ nghĩa thực chứng, các lý thuyết như thuyết chức năng cấu trúc, Giddens không thể rút ra các tư tưởng hữu ích từ chúng. Nhưng ngay cả khi Giddens rút từ các lý thuyết khác, ông cũng chỉ sử dụng một số khía cạnh của các lý thuyết đó, và kết quả là, ông không thu được tất cả những thứ lẽ ra có thể thu được từ chúng. Thứ ba, vì Giddens không  đưa ra một điểm đứng cơ bản để từ đó vận hành, ông thiếu một nền tảng thích ứng để phân tích phê phán thế giới hiện đại (xem  Chương 11). Kết quả là các phê phán của ông có xu hướng có một phẩm chất phi thể thức hơn là bắt nguồn một cách có hệ thống từ một tâm điểm lý thuyết mạch lạc chặt chẽ. Thứ tư, lý thuyết của Giddens, chung quy, dường như hoàn toàn tản mạn. Thuyết chiết trung của ông dẫn ông tới chỗ góp nhặt những thứ lý thuyết linh tinh rời rạc không cần gắn bó với nhau cho lắm. Cuối cùng, khó lòng, nếu không nói là không thể, biết đích  xác Giddens đang nói về điều gì. Nhiều lần đọc qua phân  tích của Giddens, Craib chỉ ra rằng ông không chắc chắn lắm, mà chỉ phỏng đoán, về hàm ý của Giddens.

Đưa ra con số và tính chất gay gắt của những phê phán, Craib hỏi, “Vậy thì, tại sao lại không giải quyết cấu trúc luận được chút nào?”  Ông đưa ra hai lý do cơ bản. Thứ nhất, nhiều tư tưởng của Giddens (ví dụ, các cấu trúc vừa có tính kềm hãm vừa tạo ra khả năng) đã trở thành các bộ phận tích phân của xã hội học đương thời. Thứ hai, bất kỳ người nào hoạt động trong lý thuyết xã hội hiện nay sẽ cần quan tâm tới, và phản ứng lại tác phẩm của Giddens. Craib kết thúc với lời ca ngợi chân thành nhất tác phẩm của Giddens: “Tôi thấy phải thừa nhận rằng không có bất cứ lý thuyết xã hội nào mà không tìm ra một cái gì đó trong tác phẩm của ông để  xây dựng. Theo thời gian, với bất cứ giá nào, cấu trúc luận rồi sẽ là thứ món ăn đặt ở chính giữa chiếc đĩa.”
   
Margaret Archer: Văn hoá và cơ quan

Margaret Archer đã đưa nền trước tác về cơ quan-cấu trúc theo một chiều hướng khác bằng cách tập trung vào mối liên kết giữa cơ quan và văn hoá. Thực ra, cách tiếp cận này phát sinh từ một tác phẩm trước đó của  Archer, trong đó bà phê phán cấu trúc luận của Giddens và tìm  cách ráp nối một lý thuyết chọn lựa về các hệ thống vào nó. Chúng ta sẽ bắt đầu với tác phẩm này vì nó cung cấp một cái phông cho lý thuyết sau của bà về văn hoá và cơ quan.

Tiêu điểm của Archer là căn nguyên hình thái (morphogennesis) bắt nguồn từ lý thuyết các hệ thống, đây là quá trình qua đó các sự trao đổi qua lại phức tạp dẫn tới không chỉ các biến đổi trong cấu trúc của hệ thống mà cả một sản phẩm cuối cùng - sự phát sinh cấu trúc. (Trong khi căn nguyên hình thái bao hàm sự biến đổi, sự ứ đọng hình thái [morphostasis] là cái phản nghĩa, một sự vắng mặt của biến đổi). Căn nguyên hình thái hàm ý rằng có các  thuộc tính nảy sinh cách biệt với các hành động và các tương tác đã sản sinh ra chúng. Một khi các cấu trúc đã nảy sinh, chúng phản ứng ngược lại và thay đổi hành động và sự tương tác. Viễn cảnh căn nguyên hình thái nhìn vào quá trình này qua thời gian, thấy có các chuỗi và chu kỳ vô tận các biến đổi về cấu trúc, các thay đổi trong hành động, tương tác và sự phát  sinh cấu trúc.

Một khác biệt chủ yếu giữa Giddens và Archer là trường hợp của Giddens về các đối ngẫu đối lập với phê phán của Archer vì Giddens đã dành cho các đối ngẫu, và trường hợp của bà đối với tiện ích của việc sử dụng (phân tích) thuyết nhị nguyên để phân tích thế giới xã hội. Theo quan điểm của bà, cấu trúc  (và văn hoá) và cơ quan có tính khác biệt về mặt phân tích, dù chúng đan bện vào nhau trong đời sống xã hội. Archer rõ ràng đã nghĩ tới Giddens khi lý luận rằng “có quá nhiều điều đã được kết luận quá vội vàng đến nỗi công việc do đó là làm thế nào để nhìn vào hai mặt của chiếc mề đay cùng một lúc... (Điều này) từ bỏ khả năng kiểm nghiệm sự tác động qua lại giữa chúng qua thời gian... Bất kỳ hình thức khái niệm hoá nào ngăn cản việc kiểm nghiệm tác động qua lại này do đó phải bị chống đối.” Nỗi e ngại chủ yếu của Archer là việc tư duy trong phạm vi các đối ngẫu của “các bộ phận” và của “mọi người” sẽ có nghĩa là “các ảnh hưởng của họ lên nhau không thể được làm sáng tỏ”.

Theo quan điểm của chúng tôi, cả các đối ngẫu và các thuyết nhị nguyên đã đóng một vai trò trong phân tích thế giới xã hội. Trong một số trường hợp, có thể hữu ích nếu tách rời cấu trúc và hành động, hoặc vi mô và vĩ mô, để nhìn vào cách thức trong đó chúng liên hệ với nhau. Trong các trường hợp khác, có thể có ích nếu nhìn vào cấu trúc và hành động, và vi mô và vĩ mô như là các đối ngẫu không thể tách rời nhau. Thực ra, có thể là mức độ mà ở đó thế giới xã hội được định tính bởi các đối ngẫu hay các thuyết nhị nguyên là một vấn đề thực nghiệm. Nghĩa là, trong một trường hợp, hệ thống xã hội có thể dùng các đối ngẫu để phân tích, trong khi ở các trường hợp khác tốt hơn nên dùng các thuyết nhị nguyên. Có thể đưa ra các điểm tương đồng về các thời điểm khác nhau trong thời gian. Chúng ta có thể nghiên cứu và đo lường mức độ của các đối ngẫu và các thuyết nhị nguyên trong bất kỳ hệ thống xã hội nào ở bất kỳ thời điểm nào đưa ra.

Một phê phán chủ yếu thứ hai đối với Giddens là thuyết cấu trúc luận của ông dường như  không có một kết quả cuối cùng nào. Chỉ có một chu kỳ không dứt của cấu trúc và cơ quan mà không có một chiều hướng nào. Trái lại, cách tiếp cận căn nguyên hình thái của Archer đi theo chiều hướng sự phát sinh cấu trúc. Có nhiều phê phán khác về Giddens từ viễn cảnh của cách tiếp cận căn nguyên hình thái của Archer, nhưng điểm chủ chốt đối với chúng ta ở đây là căn nguyên hình thái là nền tảng, và có vai trò quan trọng trong lý thuyết cơ quan-cấu trúc.

Archer bắt đầu với tiền đề rằng vấn đề cấu trúc và cơ quan đã “làm mờ đi” vấn đề   văn hoá và cơ quan. Bà thấy, giống như phần lớn các nhà xã hội học, có một sự phân biệt giữa chúng. Tuy nhiên, sự phân biệt này chỉ là một phân biệt về mặt khái niệm, vì cấu trúc và văn hoá hiển nhiên đan bện vào nhau trong thế giới thực tiễn. Trong khi cấu trúc thuộc phạm vi các hiện tượng vật chất và các mối quan tâm, văn hoá bao gồm các hiện tượng phi vật chất và các ý tưởng. Cấu trúc và văn hoá không chỉ khác nhau về bản chất, mà chúng cũng tương đối có tính tự trị. Như vậy, theo quan điểm của Archer, cấu trúc và văn hoá phải được xử lý như là có tính tự trị tương đối, “không bị kẹp vào nhau trong một cái ê-tô khái niệm”. Tuy nhiên, dù có sự  hồi sinh của “xã hội học văn hoá”, phân tích văn hoá tụt lại phía sau phân tích cấu trúc khá xa. (Archer mô tả “phân tích văn hoá như là một quan hệ nghèo nàn”; bà nói rằng, kết quả là có rất ít thảo luận về mối quan hệ giữa văn hoá và cơ quan).

Trong phạm vi thuyết căn nguyên hình thái, tiêu điểm vào lĩnh vực cấu trúc là điều kiện về mặt cấu trúc tác động ra sao đến tương tác xã hội, và sự tương tác này, tới lượt nó, dẫn tới sự phát sinh cấu trúc ra sao. Mối quan tâm song hành trong lĩnh vực văn hoá là điều kiện về mặt văn hoá tác động ra sao tới tương tác văn hoá-xã hội, và sự tương tác này dẫn tới việc phát sinh văn hoá như thế nào. Trong cả hai trường hợp, thời gian được coi là một vị trí trung tâm trong lý thuyết căn nguyên hình thái. Điều kiện văn hoá chỉ các bộ phận, hoặc các thành tố, của hệ thống văn hoá. Sự tương tác văn hoá-xã hội xử lý các mối quan hệ giữa các tác nhân văn hoá. Mối quan hệ giữa điều kiện văn hoá và sự tương tác văn hoá-xã hội, do đó, là một biến thể của vấn đề (văn hoá) cấu trúc-cơ quan.

Archer bắt đầu với hệ thống văn hóa “bởi vì bất kỳ hành động văn hóa-xã hội nào, dù được định vị về mặt lịch sử  ở bất kỳ chỗ nào, cũng xảy ra trong ngữ cảnh của vô số các lý thuyết, niềm tin, tư tưởng có quan hệ hỗ tương đã được phát triển trước nó, và, như sẽ thấy, sử dụng một ảnh hưởng có điều kiện lên nó”. Hệ thống văn hóa-xã hội về mặt logic lùi lại sau hành động văn hoá-xã hội và sự tương tác và các ảnh hưởng, và bị tác động bởi một hành động như thế. Cuối cùng, sự phát sinh văn hóa đến sau hành động văn hóa-xã hội, sự tương tác và các biến đổi được đem lại cho chúng bởi các thay đổi trong hệ thống văn hóa-xã hội. Archer chú ý lý giải không chỉ sự phát sinh văn hóa nói chung mà cả các cách thức biểu lộ đặc thù của nó. Đây là cách Archer tóm tắt cách tiếp cận biện chứng về mặt thời gian của bà đối với mối quan hệ giữa ba “giai đoạn”: “Như vậy, sự phát sinh văn hóa là tương lai được rèn đúc trong hiện tại, được đập bẹp từ sự kế thừa quá khứ bởi sự cách tân hiện thời”.

Cũng có một chiều kích xung đột và trật tự đối với lý thuyết của Archer. Các bộ phận của hệ thống văn hóa có thể hoặc là đối kháng hoặc là bổ sung. Điều này giúp cho việc xác quyết các tác nhân có thực hiện các quan hệ xung đột hay trật tự với nhau hay không. Các quan hệ này, tới lượt chúng, sẽ trợ giúp trong việc xác quyết các quan hệ văn hóa có tính bền vững hoặc thay đổi.

Trong phạm vi cơ quan, Archer quan tâm tới việc xác định rõ các cách thức trong đó hệ thống văn hóa ảnh hưởng tới hành động văn hóa-xã hội. Ngoài ra, bà chú ý tới tác động của các quan hệ xã hội lên các tác nhân. Vậy lúc này có vấn đề về các cách thức trong đó các tác nhân phản ứng, hồi đáp lại hệ thống văn hóa. Archer thể hiện quan tâm trọng yếu của bà với mối quan hệ văn hóa-cơ quan theo cách sau: “Quan tâm chủ yếu của chúng tôi trong hệ thống văn hóa nằm chính xác trong quan hệ hai mặt với cơ quan của con người; nghĩa là với các ảnh hưởng của nó lên chúng ta… và các ảnh hưởng của chúng ta lên nó”. Các tác nhân có khả năng hoặc là thúc đẩy hoặc là cưỡng kháng ảnh hưởng của hệ thống văn hóa.

Trong khi Archer tiến hành nghiên cứu quan hệ giữa văn hóa và cơ quan dưới cái tiêu đề rộng lớn “căn nguyên hình thái”, đối tượng cuối cùng của bà là một phân tích thống nhất về quan hệ giữa cấu trúc, văn hóa và cơ quan. Trong các phân tích tương lai như thế, người ta sẽ cần phải đạt tới tác động hỗ tương của cấu trúc và văn hóa cũng như tác động tương đối của cả hai lên cơ quan.

Archer xem văn hóa là ngang hàng với hệ thống xã hội và có thể được phân tích bằng cách sử dụng một viễn cảnh lý thuyết - các hệ thống tương tự. Bà phân biệt cách tiếp  cận của mình đối với văn hóa từ ba định hướng chung khác. Đầu tiên là sự đúc kết xuôi chiều, hay ý tưởng rằng văn hóa là một hiện tượng vĩ mô tác động lên các actor từ sau lưng họ. Thứ hai là sự đúc kết ngược chiều, hay quan điểm rằng một nhóm tác động quan điểm về thế giới của nó lên các nhóm khác. Cuối cùng, có một sự đúc kết trung tâm, mà Archer gắn cách tiếp cận của Giddens. Một phần phê phán của bà đối với tư duy của Giddens là ông đã từ chối phân tích một cách riêng biệt hệ thống văn hóa và cấp độ văn hóa-xã hội. Như Archer xác định lập trường ưa thích của bà: “Văn hóa là sản phẩm của tác nhân con người nhưng đồng thời bất kỳ hình thức nào của tương tác xã hội đều gắn vào trong nó.”

Bốn lập trường chung nhất nằm ở nền tảng của lý thuyết của Archer. Thứ nhất, hệ thống văn hóa được tạo ra từ các thành tố có một quan hệ biện chứng với nhau. Thứ hai, hệ thống văn hóa có một tác động có tính nhân quả lên hệ thống văn hóa-xã hội. Thứ ba, có một quan hệ nhân quả giữa các cá thể và các nhóm tồn tại ở cấp độ văn hóa-xã hội. Cuối cùng, các biến đổi ở cấp độ văn hóa-xã hội dẫn tới sự phát sinh của hệ thống văn hóa.

Rõ ràng, Archer chỉ bàn thảo sơ qua bề mặt của một phân tích về mối quan hệ giữa văn hóa và cơ quan. Còn nhiều điều cần thiết hơn nữa phải được thực hiện trong việc khám phá lĩnh vực này cũng như trong sự hòa hợp các phân tích cấu trúc và cơ quan từ một viễn cảnh căn nguyên hình thái.

Pierre Bourdieu: Tập tính và Lĩnh vực

Một viễn cảnh về cơ quan và cấu trúc có thể  so sánh với viễn cảnh của Giddens theo nhiều cách thức, và có tham vọng tương tự, là lý thuyết của Pierre Bourdieu, tập trung vào quan hệ biện chứng giữa tập tính (habitus) và lĩnh vực (field). Trước khi xác định ý nghĩa hai thuật ngữ này và thảo luận mối quan hệ giữa chúng, chúng tôi cần phải đưa ra một cơ sở lý thuyết cho viễn cảnh của Pierre Bourdieu.

Lý thuyết của Bourdieu có tính chất sinh động bởi khát vọng khắc phục cái mà ông coi là sự đối chọi sai lầm giữa chủ nghĩa khách quan và chủ nghĩa chủ quan, hoặc theo cách nói của ông, “sự đối chọi phi lý giữa cá thể và xã hội”. Như Bourdieu nhận định, “dự tính bền vững nhất (và, trong mắt tôi, dự tính quan trọng nhất) dẫn dắt tác phẩm của tôi là sự khắc phục sự đối kháng giữa chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa khách quan”.

Ông đặt Durkheim và nghiên cứu của ông ta về các sự kiện xã hội (xem Chương 1) và thuyết cấu trúc của Saussure, Levi Strauss, và các nhà Marxist cấu trúc (xem Chương 12) trong phạm vi cứ địa của khách quan chủ nghĩa. Các viễn cảnh này bị phê phán vì tập trung vào các cấu trúc khách quan và làm ngơ đi quá trình xây dựng xã hội thông qua đó các actor nhận thức, suy tư và thiết lập các cấu trúc này và tiếp tục hành động trên cơ sở đó. Các nhà khách quan chủ nghĩa làm ngơ cơ quan và tác nhân, trong khi Bourdieu tán thành lập trường rằng nhà cấu trúc luận không lạc tầm mắt khỏi tác nhân. “Dự tính của tôi là mang các actor của cuộc đời thực trở lại, những người đã bị làm biến mất trong đôi tay của Lévi Strauss và các nhà cấu trúc luận khác, đặc biệt là Althusser.”

Mục tiêu này đưa Bourdieu theo chiều hướng một lập trường chủ quan chủ nghĩa, một lập trường mà từ những ngày còn là sinh viên đã bị chiếm ngự bởi thuyết hiện sinh của Sartre. Ngoài ra, hiện tượng luận của Schutz, thuyết tương tác biểu tượng của Blumer, phương pháp luận thực hành của Gafinkel cũng được nghĩ tới như là các ví dụ của chủ nghĩa chủ quan, tập  trung vào cách thức các tác nhân suy tư, lý giải hay thể hiện thế giới xã hội trong khi làm ngơ đi các cấu trúc khách quan trong đó các quá trình này tồn tại. Bourdieu thấy các lý thuyết này tập trung vào cơ quan, và bỏ qua cấu trúc. Thay vì thế, Bourdieu tập trung vào mối quan hệ biện chứng giữa các hiện tượng khách quan và chủ quan:

Một mặt, các cấu trúc khách quan… tạo thành nền tảng đối với các sự thể hiện và thiết lập các kềm hãm cấu trúc lên các tương tác, nhưng, mặt khác, các sự thể hiện này cũng phải được quan tâm, đặc biệt nếu người ta muốn lý giải cho các cuộc tranh đấu hàng ngày của cá thể hay tập thể để chuyển biến hay bảo tồn các cấu trúc này.

Để lãng tránh vấn đề rắc rối chủ quan-khách quan, Bourdieu tập trung vào sự thực hành (pratice) mà ông xem là kết quả của quan hệ biện chứng giữa cấu trúc và cơ quan. Các thực hành không được quyết định một cách khách quan, mà chúng cũng không sản sinh ra ý chí tự do. (Một lý do khác để Bourdieu tập trung vào thực hành là một quan tâm như thế tránh được thuyết duy lý trí mà ông gắn nó với chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa khách quan.)

Phản ánh sự chú ý của ông tới mối quan hệ biện chứng giữa cấu trúc và cơ quan và cách thức mọi người thiết lập thực tại xã hội, Bourdieu gọi định hướng riêng của ông là “xu hướng tạo dựng cấu trúc” (structuralist constructivism), hoặc, “thuyết căn nguyên cấu trúc” (genesis structuralism). Đây là cách Bourdieu định  nghĩa thuyết căn nguyên cấu trúc:

Việc phân tích các cấu trúc khách quan- thuộc các lĩnh vực khác nhau- không thể tách rời khỏi việc phân tích về căn nguyên, trong phạm vi các cá thể sinh học; về các cấu trúc tinh thần mà tới một mức độ nào đó là sản phẩm của sự kết hợp của các cấu trúc xã hội; cũng không thể tách rời việc phân tích về căn nguyên của chính bản thân các cấu trúc này: không gian xã hội; và về các nhóm chiếm lĩnh nó, là những sản phẩm của các cuộc đấu tranh lịch sử (trong đó các tác nhân tham gia theo vị trí của họ trong không gian xã hội và với các cấu trúc tinh thần thông qua đó họ cảm nhận rõ không gian này).

            Ông mô tả, ít nhất là phần nào, một viễn cảnh lý thuyết, nhưng nó khác với thuyết cấu trúc của Saussure và Lévi Strauss  (cũng như các nhà cấu trúc luận Marxist). Trong khi họ tập trung vào các cấu trúc trong ngôn ngữ và văn hóa, Bourdieu lập luận rằng các cấu trúc cũng tồn tại trong bản thân thế giới xã hội. Bourdieu thấy “các cấu trúc khách quan độc lập với ý thức và ý chí của các tác nhân, có khả năng dẫn dắt và kềm hãm các thực hành hay sự thể hiện của họ”. Đồng thời, ông theo một lập trường có xu hướng tạo dựng cho phép ông xử lý căn nguyên của các lược đồ nhận thức, tư duy và hành động, cũng như các cấu trúc xã hội.

            Trong khi Bourdieu tìm cách bắt cầu thuyết cấu trúc và xu hướng tạo dựng, và đã thành công ở một mức độ nhất định, trong tác phẩm của ông có một xu hướng thiên về chiều hướng cấu trúc luận. Chính vì lý do này mà ông (cùng Foucault và những người khác - xem Chương 12) được coi là các nhà hậu cấu trúc. Có nhiều sự liên  tục trong tác phẩm của ông với thuyết cấu trúc hơn là xu hướng tạo dựng. Không giống cách tiếp cận của phần đông những người khác (ví dụ, các nhà hiện tượng luận, các nhà tương tác biểu tượng). Xu hướng tạo dựng của Bourdieu làm ngơ tính chủ quan và tính chủ động. Ông nghĩ điều quan trọng là bao gồm trong xã hội học của mình cách thức mà mọi người, trên cơ sở vị trí của họ trong không gian xã hội, nhận thức và xây dựng thế giới xã hội. Tuy nhiên, việc nhận thức và xây dựng diễn ra trong thế giới xã hội vừa được làm cho sinh động nhưng cũng vừa bị kềm hãm bởi các cấu trúc. Điều này được phản ánh rất rõ trong một trong những định nghĩa của ông  về viễn cảnh lý thuyết của mình: “Việc phân tích các cấu trúc khách quan- thuộc các lĩnh vực khác nhau - không thể tách rời khỏi việc phân tích về căn nguyên, trong phạm vi các cá thể sinh học; về các cấu trúc tinh thần mà tới một mức độ nào đó là sản phẩm của sự kết hợp của các cấu trúc xã hội; cũng không thể tách rời việc phân tích về căn nguyên của chính bản thân các cấu trúc này.” Chúng tôi có thể mô tả điều mà ông quan tâm với ý nghĩa là quan hệ “giữa các cấu trúc xã hội và các cấu trúc tinh thần”.

            Như vậy, một số nhà xã hội học vi mô có thể thấy bất tiện với viễn cảnh của Bourdieu và có thể xem nó không là gì ngoài một thuyết cấu trúc có tính thỏa đáng trọn vẹn hơn. Theo Wacquant, “Dù hai mặt vận động của phân tích đều cần thiết như nhau, chúng không ngang bằng nhau: ưu tiên về mặt nhận thức luận được dành cho tính khách quan đã chận đứng nhận thức chủ quan.” Như Jenkins nhận định, “Trong trung tâm của các trung tâm về xã hội học của ông, Bourdieu tận tâm với một quan điểm khách quan về thế giới cũng ngang với phần lớn những người mà tác phẩm của họ ông đã lạnh lùng gạt bỏ.” Hoặc đảo lại, “có lẽ nhược điểm chủ yếu nhất trong tác phẩm của ông là việc ông không có khả năng đương đầu với tính chất chủ quan”. Thế nhưng vẫn còn có một actor năng động,  một actor có khả năng về “sự sáng tạo ngoài dự liệu của niềm cảm hứng được điều chỉnh”. Trung tâm của tác phẩm Bourdieu, và của nỗ lực của ông để bắt cầu nối giữa chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa khách quan nằm trong các khái niệm của ông về tập tính và lĩnh vực, cũng như mối quan hệ biện chứng giữa chúng với nhau. Trong khi tập tính tồn tại trong tâm trí của các actor, lĩnh vực tồn tại ở bên ngoài tâm trí họ. Chúng tôi sẽ xem xét hai khái niệm này ở một vài chi tiết trong các trang kế tiếp.

Tập tính (Habitus). Chúng tôi bắt đầu với khái niệm mà nhờ đó Bourdieu được nổi tiếng - tập tính. Tập tính là các “cấu trúc về mặt tinh thần hay nhận thức” thông qua đó mọi người xử lý thế giới xã hội. Mọi người được thiên phú một chuỗi nguyên tắc phối hợp có tính chất chủ quan hóa mà qua đó họ nhận thức, thấu hiểu, nhận xét và xác định giá trị thế giới xã hội. Chính thông qua các nguyên tắc phối hợp đó mà mọi người vừa sản sinh ra các thực hành của họ vừa nhận thức và định giá trị của chúng. Về mặt biện chứng, tập tính là “sản phẩm của sự chủ quan hóa của các cấu trúc” của thế giới xã hội. Trong thực tế, chúng ta không thể nghĩ về tập tính như là “các cấu trúc xã hội có tính chất thể hiện, chủ quan hóa”.  Chúng phản ánh các phân chia khách quan trong cấu trúc giai cấp, như các nhóm lứa tuổi, các phái tính, các giai cấp xã hội. Một tập tính đạt được theo ý nghĩa là kết quả của một sự chiếm giữ dài ngày một vị trí trong thế giới xã hội. Như vậy, sự khác biệt của các tập tính tùy thuộc vào bản chất vị trí của một cá nhân trong thế giới đó; không phải ai ai cũng có cùng một tập tính. Tuy nhiên, những người nắm giữ cùng một vị trí trong thế giới xã hội có xu hướng có những tập tính tương tự nhau. (Để công bằng với Bourdieu, chúng tôi phải thông báo rằng ông đã có những phát biểu, chẳng hạn như, tác phẩm của ông đã được dẫn dắt “bởi khát vọng giới thiệu lại sự thực hành của tác nhân, năng lực của anh ta hay cô ta đối với việc phát minh và ứng biến”.)

Theo nhận thức này, tập tính có thể là một hiện tượng tập thể. Tập tính cho phép mọi người tạo lập ý nghĩa từ thế giới xã hội, nhưng sự tồn tại của vô số tập tính cũng có nghĩa là thế giới xã hội và các cấu trúc của nó không bộc lộ bản thân chúng một cách đồng nhất như nhau ở mọi actor.

Tập tính có sẵn ở bất kỳ thời gian đưa ra nào đã được tạo lập trong quá trình lịch sử tập thể: “Tập tính, sản phẩm của lịch sử, tạo ra các thực hành cá thể và tập thể, và từ đó tạo ra lịch sử, theo các nguyên tắc phối hợp do lịch sử tạo ra”. Tập tính biểu lộ trong bất kỳ cá thể đưa ra nào đạt được trong quá trình lịch sử của cá thể và là một chức năng của một điểm cụ thể trong lịch sử xã hội trong đó nó xảy ra. Tập tính vừa có tính lâu bền vừa có tính dịch chuyển - nghĩa là, chuyển từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác. Tuy nhiên, mọi người có thể có một tập tính không thích hợp, gánh chịu một thứ mà Bourdieu gọi là hiện tượng trễ (hysteresis). Ví dụ như có một ai đó bị dời ra khỏi cuộc sống nông điền trong một xã hội tiền tư bản rồi bị buộc phải lao động ở phố Wall. Thứ tập tính đạt được trong một xã hội tiền tư bản không cho phép một người đối phó tốt với cuộc sống ở phố Wall.

Tập tính vừa tạo ra nhưng cũng vừa được tạo ra bởi thế giới xã hội. Một mặt, tập tính là “một cấu trúc có tính cấu thành” (structuring structure); nghĩa là, nó là một cấu trúc đã cấu tạo nên thế giới xã hội. Mặt khác, nó là “một cấu trúc được cấu thành”(structured structure); nghĩa là, nó được cấu tạo nên bởi thế giới xã hội. Ở cách nói khác, Bourdieu diễn tả tập tính như là “biện chứng về sự chủ quan hóa của cái ở bên ngoài và sự ngoại hiện hóa của tính chất chủ quan”. Như vậy, tập tính cho phép Bourdieu tránh khỏi việc chọn lựa giữa chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa khách quan, “tránh nằm dưới triết học về chủ thể mà không xóa bỏ tác nhân… cũng như tránh nằm dưới triết học về cấu trúc mà không quên quan tâm tới các ảnh hưởng của nó lên tác nhân và thông qua tác nhân”.

Chính sự thực hành đóng vai trò trung gian giữa tập tính và thế giới xã hội. Một mặt, nhờ thông qua thực hành mà tập tính được tạo lập; mặt khác, chính từ kết quả của thực hành đã tạo nên thế giới xã hội. Bourdieu thể hiện chức năng trung gian của thực hành khi ông định nghĩa tập tính là “hệ thống các khuynh hướng có tính cấu thành và được cấu thành do sự thực hành thiết lập nên và luôn luôn hướng tới các chức năng thực hành”. Trong khi thực hành có xu hướng định hình tập tính, tới lượt nó, tập tính phục vụ cho việc hợp nhất và sản sinh ra thực hành.

Mặc dù tập tính là một cấu trúc có tính chất chủ quan hóa kềm hãm các tư duy và lựa chọn của hành động, nó không quyết định chúng. Việc thiếu tính chất quyết định luận này là một trong những cái chủ yếu phân biệt lập trường của Bourdieu với các nhà cấu trúc luận dòng chủ đạo. Tập tính chỉ đơn giản “đề ra” cái mà mọi người có thể nghĩ và cái mà họ có thể chọn lựa để thực hiện. Mọi người thực hiện một sự suy tính cân nhắc có ý thức trong lựa chọn, dù quá trình thực hiện quyết định này phản ánh sự vận hành của tập tính. Tập tính cung cấp các nguyên tắc nhờ đó mọi người thực hiện sự chọn lựa và chọn các chiến lược mà họ sẽ vận dụng trong thế giới xã hội. Như Bourdieu và Wacquant đã nhận định một cách hình tượng, “người ta không phải là những kẻ ngu đần”. Tuy nhiên, mọi người cũng không hoàn toàn hợp lý (Bourdieu có sự khinh thường đối với thuyết chọn lựa hợp lý); họ hành động theo một thái độ “có lý” - họ có một nhận thức có tính thực hành. Điều mà mọi người làm là có tính logic; nó là “logic của sự thực hành”.

Robbins nhấn mạnh quan điểm rằng logic thực hành có tính “võ đoán” -  tức là nói rằng logic thực hành có khả năng duy trì đồng thời vô số các ý nghĩa hoặc luận đề mâu thuẫn nhau một cách rối rắm hay một cách có logic vì bối cảnh quan trọng hơn hết của sự vận động của nó có tính chất thực hành”. Phát biểu này rất quan trọng không chỉ vì nó nhấn mạnh sự khác biệt giữa logic thực hành và sự  hợp lý (logic hình thức), mà còn vì nó dẫn chúng ta tới chỗ nhận ra rằng tập tính không phải là một cấu trúc cố định, không biến đổi, mà đúng hơn, nó được điều chỉnh bởi các cá thể thường xuyên thay đổi trong bề mặt của các hoàn cảnh mâu thuẫn qua đó họ phát hiện bản thân.

Các chức năng tập tính “nằm dưới cấp độ của ý thức và ngôn ngữ, nằm ngoài tầm với của sự khảo sát nội quan và sự kiểm soát bởi ý chí”. Trong khi chúng ta không ý thức về tập tính và sự vận hành của nó, nó biểu lộ bản thân trong phần lớn các hoạt động thực hành của chúng ta, chẳng hạn cách chúng ta ăn, nói, đi lại, và thậm chí cả cách hỉ mũi. Tập tính vận hành như một cấu trúc, nhưng mọi người không đơn giản phản ứng một cách cơ giới lại nó hay với các cấu trúc bên ngoài vận hành bên trên họ. Như vậy, trong cách tiếp cận của Bourdieu chúng ta tránh được sự cực đoan của sự mới lạ không thể dự đoán và một quyết định luận hoàn toàn.

Lĩnh vực. Bây giờ, chúng ta quay sang “lĩnh vực” (field) mà Bourdieu nghĩ  là có tính chất quan hệ hơn là tính chất cấu trúc. Lĩnh vực là một hệ thống các quan hệ giữa các vị trí khách quan trong phạm vi của nó. Các quan hệ này tồn tại cách biệt với ý thức và ý chí của cá thể. Chúng không phải là các tương tác hoặc các mối liên hệ có thể nhận thức giữa các cá thể. Những kẻ nắm giữ các vị trí có thể là các tác nhân hoặc các thể chế, và chúng bị kềm hãm bởi cấu trúc của lĩnh vực. Có một số các lĩnh vực bán tự trị trong thế giới xã hội (ví dụ, nghệ thuật, tôn giáo, kinh tế), với các logic đặc thù của riêng chúng và làm sản sinh trong các actor một niềm tin về các sự vật đang bị đe dọa trong lĩnh vực đó.

Bourdieu xem lĩnh vực, bởi sự định nghĩa trên, như là một vũ đài tranh đấu: “lĩnh vực cũng là một đấu trường. Chính cấu trúc của lĩnh vực “củng cố và dẫn dắt các chiến lược nhờ đó các kẻ chiếm giữ các vị trí này tìm cách bảo vệ hay nâng cao, cá thể hay tập thể, vị trí của họ, và đưa ra nguyên tắc về sự phân tầng hóa có lợi nhất cho các sản phẩm của riêng họ”. Lĩnh vực là một dạng thương trường cạnh tranh trong đó nhiều loại tư bản khác nhau (kinh tế, văn hóa, xã hội, biểu tượng) được khai thác và triển khai. Tuy nhiên, chính lĩnh vực quyền lực (hay các nền chính trị) có tầm quan trọng cao nhất; hệ thống phân tầng của các quan hệ quyền lực trong phạm vi của lĩnh vực chính trị giúp cho việc cơ cấu toàn bộ các lĩnh vực khác.

Bourdieu vạch ra một quá trình ba bước để phân tích một lĩnh vực. Bước thứ nhất, phản ánh tính ưu việt của lĩnh vực quyền lực, thực hiện việc truy nguyên mối quan hệ của bất kỳ một lĩnh vực đặc thù nào đối với lĩnh vực chính trị. Bước thứ hai là phác họa ra cấu trúc khách quan của các mối quan hệ giữa các vị trí trong phạm vi lĩnh vực. Cuối cùng, nhà phân tích phải tìm cách quyết định bản chất của tập tính của các tác nhân chiếm giữ các kiểu vị trí khác nhau trong lĩnh vực.

Các vị trí của các tác nhân khác nhau trong lĩnh vực được quyết định bởi số lượng và khối lượng tương đối của nguồn vốn (capital) mà họ sở hữu. Burdieu thậm chí sử dụng cả hình tượng quân sự để mô tả lĩnh vực, gọi nó là một vũ đài của “các địa điểm, các pháo đài chiến lược cần được phòng ngự và đánh chiếm trong một chiến trường”. Chính nguồn vốn cho phép một người kiểm soát vận mệnh riêng của mình cũng như vận mệnh của những kẻ khác. Bourdieu thường thảo luận bốn kiểu tư bản. Ý tưởng này, dĩ  nhiên, được rút ra từ phạm vi kinh tế, và ý nghĩa của nguồn vốn về kinh tế rất rõ ràng. Nguồn vốn về văn hóa bao gồm nhiều loại kiến thức chính thống khác nhau; nguồn vốn về xã hội bao gồm các quan hệ xã hội có giá trị giữa mọi người; nguồn vốn về biểu tượng bắt nguồn từ danh dự và uy tín của một người.

Những kẻ chiếm giữ các vị trí trong phạm vi một lĩnh vực sử dụng nhiều chiến lược khác nhau. Ý tưởng này cho thấy, một lần nữa, actor của Bourdieu có ít nhất một mức tự do nào đó: “Tập tính không phủ định khả năng của tính toán chiến lược về phần của các tác nhân.” Tuy nhiên, các chiến lược không chỉ thị tới “việc theo đuổi có mục đích và dự tính trước của các mục tiêu tính toán…  mà chỉ thị sự triển khai tích cực của ‘các tuyến hành động’ có định hướng khách quan tuân theo các nguyên tắc và tạo thành các khuôn mẫu cố kết và dễ hiểu về mặt xã hội, mặc dù chúng không theo các nguyên tắc ý thức hay hướng tới các mục tiêu được dự tính trước do một chiến lược gia ấn định”. Chính nhờ thông qua các chiến lược mà “các kẻ chiếm giữ các vị trí đó tìm cách bảo vệ hay nâng cao, cá thể hay tập thể, vị trí của họ, và đưa ra nguyên tắc về sự phân tầng hóa có lợi nhất cho các sản phẩm của riêng họ. Các chiến lược của các tác nhân tùy thuộc vào các vị trí của họ trong lĩnh vực”.

Bourdieu xem nhà nước là địa điểm của cuộc đấu tranh giành lấy tư bản độc quyền về cái mà ông gọi là bạo lực biểu tượng (symbolic violence). Đây là một hình thức “mềm” của bạo lực – “thứ bạo lực được thực hiện lên trên một tác nhân xã hội với sự đồng lõa của anh ta”. Bạo lực biểu tượng được thực hành một cách gián tiếp, phần lớn là thông qua các cơ cấu văn hóa, và tương phản với các hình thức trực tiếp hơn của sự kiểm soát xã hội mà các nhà xã hội học thường tập trung vào. Hệ thống giáo dục là thể chế chủ yếu thông qua đó bạo lực biểu tượng được thực hành lên mọi người. Ngôn ngữ, các ý nghĩa, hệ thống biểu tượng của những người nắm quyền lực được áp đặt lên phần dân cư còn lại. Nó giúp cho việc củng cố vị trí của những người nắm quyền lực bằng cách che đậy điều họ đang thực hiện đối với những người còn lại của xã hội. Nói tổng quát hơn, Bourdieu thấy hệ thống giáo dục bao hàm một cách sâu sắc trong việc tái sản sinh quyền lực và các quan hệ giai cấp đang tồn tại. Chính trong các tư tưởng của ông về bạo lực biểu tượng mà khía cạnh chính trị của tác phẩm Bourdieu trở nên rõ ràng nhất. Nghĩa là, Bourdieu chú ý tới sự giải phóng mọi người khỏi sự  bạo lực này, tổng quát hơn, khỏi sự thống trị về chính trị và giai cấp. Thế nhưng Bourdieu không phải là người không tưởng một cách ngây ngô; cách diễn tả tốt hơn về lập trường của ông ta có lẽ là “chủ nghĩa không tưởng hợp lý”.

Trong việc nhấn mạnh tầm quan trọng của cả tập tính và lĩnh vực, Bourdieu chối bỏ sự phân chia giữa các nhà phương pháp luận cá thể  và các nhà phương pháp luận chỉnh thể và tán thành một lập trường mà gần đây được gọi là phương pháp luận quan hệ (methodological relationism). Nghĩa là, Bourdieu tập trung mối quan tâm vào quan hệ giữa tập tính và lĩnh vực. Ông thấy quan hệ này vận hành theo hai cách thức chính yếu. Một mặt, lĩnh vực tạo điều kiện cho tập tính; mặt khác, tập tính thiết lập nên lĩnh vực như một cái gì đó có đầy đủ ý nghĩa, có nhận thức và giá trị, xứng đáng để đầu tư năng lượng.

Vận dụng Tập tính và Lĩnh vực. Bourdieu không đơn giản tìm cách phát triển một hệ thống lý thuyết trừu tượng; ông cũng quan hệ nó với một loạt các quan tâm thực nghiệm và nhờ đó tránh được cái bẫy của thuyết duy lý thuần túy. Chúng tôi sẽ minh họa việc áp dụng cách tiếp cận lý thuyết của ông ở nghiên cứu thực nghiệm Sự phân biệt (Distinction) của ông, nhằm kiểm tra các sở thích thẩm mỹ của các nhóm khác nhau trong xã hội. Trong tác phẩm này, Bourdieu nỗ lực chứng minh rằng văn hóa có thể là một đối tượng chính thống của nghiên cứu khoa học. Ông cố gắng tái hòa hợp văn hóa theo nghĩa “văn hóa cao cấp” (ví dụ, các sở thích đối với nhạc cổ điển) với ý thức nhân loại học về văn hóa, nhìn vào mọi hình thức của nó, cả cấp độ cao hay thấp. Cụ thể hơn, trong tác phẩm này Bourdieu liên kết thị hiếu đối với các đối tượng được cải tiến với thị hiếu đối với các hương vị thực phẩm cơ bản nhất.

Do các lượng bất biến về cấu trúc, đặc biệt là tập tính và lĩnh  vực, các sở thích văn hóa của các nhóm khác nhau trong xã hội (đặc biệt là các giai cấp và các phần tử nhỏ hơn của giai cấp) thiết lập nên các hệ thống có tính cố kết. Bourdieu tập trung vào các thay đổi trong thị hiếu thẩm mỹ, khuynh hướng đạt được để phân biệt giữa các đối tượng văn hóa về việc thưởng thức thẩm mỹ, và đánh giá chúng một cách phân biệt. Thị hiếu cũng là sự thực hành giúp cho một cá thể, cũng như  những cá thể khác, có được nhận thức về vị trí của anh ta trong trật tự xã hội. Thị hiếu phục vụ cho việc hợp nhất những người có sở thích giống nhau và phân biệt những người có sở thích khác nhau. Nghĩa là, thông qua các ứng dụng thực hành và các hàm ý của thị hiếu, mọi người phân loại các đối tượng, nhờ đó, trong quá trình này, tự phân loại bản thân họ. Chúng ta có thể phân loại mọi người bởi những thị hiếu mà họ biểu lộ, ví dụ, bởi các sở thích của họ đối với nhiều loại âm nhạc hay phim ảnh khác nhau. Các thực hành này, cũng như mọi thực hành khác, cần được nhìn trong một ngữ cảnh của tất cả các mối quan hệ tác động lẫn nhau, nghĩa là, trong tổng thể. Như vậy, các thị hiếu có vẻ như cách biệt đối với nghệ thuật hay phim ảnh thật ra có quan hệ với các sở thích đối với thức ăn, thể thao hay kiểu tóc.

Trong nghiên cứu thị hiếu của Bourdieu, có hai lĩnh vực có quan hệ tương tác lẫn nhau - các quan hệ giai cấp (đặc biệt trong các tiểu phần của giai cấp thống trị) và các quan hệ văn hóa. Ông xem các lĩnh vực này là một chuỗi các vị trí trong đó một loạt cuộc thi đấu (game) được thực hiện. Các hành động được thực hiện bởi các tác nhân (cá thể hoặc tập thể) chiếm giữ các vị trí đặc thù  được điều hành bởi các cấu trúc của lĩnh vực, tính chất của các vị trí, và các quan tâm gắn liền với chúng. Tuy nhiên, nó cũng là một cuộc thi đấu bao gồm sự tự sắp đặt vị trí và việc sử dụng một loạt các chiến lược để cho phép một người vượt trội lên trong thi đấu. Thị hiếu là một cơ hội vừa để trải nghiệm, vừa để định giá vị trí của một người trong lĩnh vực. Nhưng lĩnh vực giai cấp xã hội có một ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng thi đấu của một người; những người ở các giai cấp cao hơn có khả năng tốt hơn nhiều để thị hiếu của họ được chấp nhận và để phản đối những thị hiếu của những người ở các giai cấp thấp hơn. Như vậy, thế giới của các tác phẩm văn hóa có quan hệ với thế giới phân tầng của giai cấp xã hội và bản thân nó vừa có tính chất phân tầng, vừa thực hiện sự phân tầng.

Không cần phải nói, Bourdieu nối kết thị hiếu với một khái niệm chủ yếu khác của ông, tập tính. Các thị hiếu được định hình bởi các nguồn gốc sâu xa và các khuynh hướng lâu bền  nhiều hơn là bởi các ý kiến và phát biểu bề ngoài. Các sở thích của mọi người đối với những khía cạnh rất bình thường của văn hóa như quần áo, đồ trang trí, hoặc việc nấu nướng cũng được định hình bởi tập tính, và chính các khuynh hướng này đã “rèn đúc nên một sự hợp nhất vô ý thức của một giai cấp”. Bourdieu nhận định vấn đề này một cách văn hoa hơn sau đó: “Thị hiếu là một nhà mai mối… qua đó một tập tính khẳng định mối quan hệ họ hàng của nó với các tập tính khác.” Tất nhiên, về mặt biện  chứng, chính cấu trúc của giai cấp đã định hình tập tính.

Trong khi cả lĩnh vực và tập tính đều quan trọng đối với Bourdieu, chính mối quan hệ biện chứng giữa chúng có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn nhất; lĩnh vực và tập tính định nghĩa qua lại lẫn nhau:

Các khuynh hướng thiết lập nên tập tính được bồi dưỡng chỉ được hình thành, chỉ thực hiện chức năng, và chỉ có hiệu lực trong một lĩnh vực, trong mối quan hệ với một lĩnh vực…. mà bản thân nó là một ‘lĩnh vực của các lực lượng có khả năng’, một  hoàn cảnh ‘động lực’ trong đó các lực lượng chỉ được biểu lộ trong mối quan hệ của chúng với các khuynh hướng cụ thể. Đó chính là lý do tại sao các thực hành giống nhau có thể nhận được các ý nghĩa và giá trị khác nhau trong các lĩnh vực khác nhau, các hình thể khác nhau, hay trong các bộ phận khác nhau của cùng một lĩnh vực.

Hoặc, như  Bourdieu nhận định, trong phạm vi chung nhất hơn: “Có một sự tương quan bền vững giữa các vị trí xã hội và các khuynh hướng của các tác nhân chiếm giữ chúng.” Chính từ mối quan hệ giữa tập tính và lĩnh vực mà các thực hành, nói riêng là các thực hành về văn hóa được thiết lập.

Bourdieu xem văn hóa như là một loại kinh tế, hay thương trường. Trong thương trường này, mọi người sử dụng nguồn vốn văn hóa hơn là nguồn vốn kinh tế. Thứ nguồn vốn này phần lớn là một kết quả của nguồn gốc về giai cấp xã hội của mọi người và kinh nghiệm giáo dục của họ. Trong thương trường này, mọi người tích lũy nhiều hay ít nguồn vốn, và, hoặc mở rộng nó thêm để nâng cao vị trí của họ, hoặc là đánh mất nó, từ đó làm cho vị trí của họ trong nền kinh tế bị sa sút.

Mọi người theo đuổi một cách phân biệt một loạt các lĩnh vực khác nhau - các thứ nước giải khát mà họ uống (Perrier hay Cola) các thứ xe cộ họ dùng (Mercedes Benz hay Ford Escord) các báo chí họ đọc (New York Thời báo hay Nước Mỹ ngày nay) hoặc các thắng cảnh họ tới (vùng Rivierra ở Pháp hay khu Disneyland). Các quan hệ của sự phân biệt được ghi khắc một cách khách quan trong các sản phẩm này và tái phục hồi mỗi khi thích hợp. Theo quan điểm của Bourdieu, “Lĩnh vực tổng thể của các lĩnh vực này  đưa ra các khả năng gần như vô tận cho việc theo đuổi sự phân biệt.” Sự thích ứng của các hàng hóa văn hóa cụ thể (ví dụ, một chiếc xe Mercedes Benz) mang lại lợi nhuận, trong khi của một số khác (ví dụ một chiếc Escort) không mang lại gì, hay thậm chí là một “sự mất mát”.

Có một sự biện chứng giữa bản chất của các sản phẩm văn hóa và các thị hiếu. Các biến đổi trong hàng hóa văn hóa dẫn tới các thay đổi về thị hiếu, nhưng các thay đổi về thị hiếu có vẻ cũng tạo ra kết quả trong sự chuyển biến của các sản phẩm văn hóa. Cấu trúc của lĩnh vực không chỉ là tạo điều kiện cho các ước vọng của người tiêu dùng các sản phẩm văn hóa mà còn cơ cấu nên cái mà các nhà sản xuất sáng tạo ra để đáp ứng các đòi hỏi đó.

Các thay đổi về thị hiếu được tạo ra từ cuộc đấu tranh giữa các lực lượng đối kháng nhau cả ở các vũ đài văn hóa (ví dụ, những người ủng hộ cho thời trang cũ chống đối  các thời trang mới) và giai cấp (các tiểu phân thống trị chống các tiểu phân bị thống trị trong phạm vi giai cấp thống trị). Tuy nhiên, trọng tâm của cuộc đấu tranh nằm trong lòng hệ thống giai cấp, và cuộc đấu  tranh văn hóa giữa, ví dụ, các nghệ sĩ và các trí thức, là một sự phản ánh của cuộc đấu tranh vô tận giữa các tiểu phân khác nhau của giai cấp thống trị để định nghĩa văn hóa, hay đúng hơn là toàn thể thế giới-xã hội. Chính các đối lập trong phạm vi cấu trúc giai cấp tạo điều  kiện cho các đối lập trong thị hiếu và tập tính. Trong khi Bourdieu phú cho giai cấp xã hội một tầm quan trọng to lớn, ông khước từ giảm thiểu nó thành các vấn đề kinh tế đơn thuần hay thành các mối quan hệ sản xuất mà xem giai cấp cũng được xác định ý nghĩa bởi tập tính.

Bourdieu đưa ra một lý thuyết phân biệt về mối quan hệ giữa cơ quan và cấu trúc trong phạm vi ngữ cảnh của một quan tâm đối với quan hệ biện chứng giữa tập tính và lĩnh vực. Lý thuyết của ông cũng có tính chất phân biệt ở tiêu điểm của nó về sự thực hành (trong trường hợp nói trên là các thực hành thẩm mỹ) và ở sự từ chối  của nó đối với thuyết duy lý trí khô khan. Theo nghĩa này, nó thể hiện một sự quay trở lại mối quan tâm Marxian đối với quan hệ giữa lý thuyết và thực hành. Trong quyển Homo Academicus, Bourdieu có một loạt các đối tượng đa dạng, bao gồm việc áp dụng kho vũ khí lý thuyết của ông để phân tích nền học thuật hàn lâm Pháp. Trong việc mô tả lĩnh vực quan tâm trong tác phẩm này, Bourdieu cung cấp cho chúng ta một số ý tưởng hiện nay trở nên khá quen thuộc:

Lĩnh vực trường đại học, cũng giống như các lĩnh vực khác, là địa điểm của một cuộc đấu tranh để quyết định các điều kiện và các tiêu chuẩn của tư cách thành viên chính thống và hệ thống phân bậc chính thống, nghĩa là, để quyết định thuộc tính  nào là thích đáng, hiệu quả và có khả năng xảy ra đối với chức năng nguồn vốn để làm phát sinh các lợi ích  cụ  thể được bảo đảm bởi lĩnh vực.

Cụ thể hơn, quan tâm của Bourdieu là mối quan hệ giữa các vị trí khách quan của các lĩnh vực học thuật khác nhau, các tập tính tương ứng của chúng, và cuộc đấu tranh giữa chúng. Ngoài ra, Bourdieu muốn liên kết lĩnh vực học thuật và cái xảy ra bên trong nó với lĩnh vực lớn lao của quyền lực. Như Bourdieu nhận định về mối quan hệ nói sau trong trường hợp này, cuộc đấu tranh của nền giáo dục cao hơn “tái sản sinh trong logic học thuật đặc thù cấu trúc của lĩnh vực quyền lực mà chính nó mở ra lối đi vào lĩnh vực này”. Và, về mặt biện chứng, cấu trúc của lĩnh vực học thuật thông qua việc tuyển chọn và truyền thụ các  cống hiến cho sự tái sản xuất của lĩnh vực quyền lực.

Bourdieu thấy rằng nền học thuật Pháp được phân chia thành các lĩnh vực thống trị của luật pháp và y khoa và các tiểu lĩnh vực về khoa học, và, ở một mức độ thấp hơn, các bộ môn nghệ thuật. Sự phân chia này song hành với sự phân chia trong lĩnh vực quyền lực, trong đó những người có đủ khả năng quyền hạn xã hội tạm thời thống trị và những người có đủ khả năng khoa học lại lệ thuộc về mặt xã hội. Tuy nhiên, vấn đề càng trở nên phức tạp hơn nhiều với sự kiện rằng nền học thuật vừa là hệ thống phân tầng xã hội (phản ánh lĩnh vực quyền lực cũng như hệ thống phân tầng xã hội, và trong đó quyền lực chính trị và kinh tế ngự trị) và một hệ thống phân bậc về văn hoá được điều hành bởi nguồn vốn văn hoá phát sinh từ thẩm quyền khoa học hay tiếng tăm về tri thức. Trong lĩnh vực văn hoá, hệ thống phân bậc của các bộ môn học thuật  đảo ngược lại: khoa học ở trên cùng, còn luật pháp và y khoa nằm ở cấp thấp hơn. Như vậy, nói chung nhất hơn, sự đối lập giữa các lĩnh vực kinh tế-chính trị và văn hoá đã được phát hiện trong hệ thống đại học Pháp.

Sự đấu tranh này được tiến hành không chỉ giữa các phân khoa, mà ngay cả trong lòng khoa mỹ thuật, vốn nằm giữa khoa học và xã hội. Như vậy, khoa mỹ thuật là “một lợi điểm ưu tiên để quan sát cuộc đấu tranh giữa hai loại quyền lực ở trường đại học”. Một số thành viên của khoa mỹ thuật có quyền lực xã hội (hoặc hàn lâm) phát sinh từ vai trò của họ trong trường đại học như là một địa điểm để chuyển giao tri thức chính thống. Nguồn vốn của họ đạt được trong phạm vi trường đại học thông qua sự kiểm soát của họ đối với quá trình giáo  dục và sự sản xuất ra thế hệ viện sĩ hàn lâm kế tiếp. Những người khác trong khoa mỹ thuật có các quyền lực khoa học phát sinh từ tiếng tăm tri thức trong lĩnh vực đặc thù của họ. Hai kiểu viện sĩ hàn lâm này đấu tranh giành quyền lực ngay trong khoa mỹ thuật của lĩnh vực của hệ thống đại học Pháp.

Dù một viện sĩ hàn lâm có kiểu nguồn vốn nào đi nữa, cũng cần phải có thời gian để đạt được nó. Quá trình thủ đắc nguồn vốn dẫn tới một động năng thú vị giữa các giáo sự đã được xác định và các nghiên cứu sinh và các thành viên thứ yếu của khoa đang khao khát vị trí của họ. Những người đang giữ quyền lực kiểm soát những người đang khao khát, những người buộc phải ngoan ngoãn phục tùng. Tuy nhiên, những người đang khao khát này có sự đồng lõa trong quá trình này. Như Bourdieu nhận định, “người ta sẽ mắc câu nếu người ta nằm trong một cái ao.” Các giáo sư bậc thầy phải ngăn giữ những kẻ mới vào nghề không trở nên độc lập quá nhanh chóng, nhưng họ cũng không được làm  những người này bị thất vọng quá nhiều đến mức họ phải đào ngũ và bỏ đi làm việc cho các giáo sư đối địch. Số lượng và uy tín của các thuộc cấp giúp cho việc củng cố uy tín của một giáo sư đã được  công nhận. Hơn nữa, số lượng lớn các sinh viên sẽ lôi kéo các sinh viên khác vào trong nhóm. Theo cách này, hay nhiều cách khác, “nguồn vốn đẻ ra nguồn vốn”. Các sinh viên nhiều tham vọng bị cuốn hút tới các giáo sư nhiều tham vọng và kết quả là mối quan hệ của họ có tính chất về xã hội nhiều hơn là về tri thức.

Bourdieu dùng ví dụ này để tấn công sự tầm thường về tri thức của hệ thống đại học. Để đạt thành công, người ta phải tuân thủ nhiều hơn là cải cách. Nói một cách thực tế hơn, thời gian dành vào việc tích lũy quyền lực hàn lâm (chẳng hạn việc tham dự vào các ủy ban) được lấy từ  thời gian dành cho các theo đuổi tri thức. Cần rất nhiều thời gian để tích lũy và duy trì quyền lực hàn lâm - và không còn thời gian để dành cho các theo đuổi tri thức nữa. Tất cả những điều này, đối với  Bourdieu, không phải là sản phẩm của sự lựa chọn có ý thức về phần các nền học thuật hàn lâm, mà là kết quả của các động lực của các tương tác giữa các vị trí trong lĩnh vực học thuật.

Bourdieu cũng dùng mối quan hệ giữa các viện sĩ hàn lâm cao cấp và sơ cấp để phân tích cuộc cách mạng hàn lâm xảy ra ở Pháp năm 1968. Được nuôi dưỡng trong hệ thống học thuật thoải mái mô tả bên trên, các giáo sư lớn tuổi không chuẩn bị tinh thần cho các cuộc nhiễu loạn sắp xảy ra. Một số người mới vào nghề, về phần họ, khước từ việc chờ đợi một cách nhẫn nại, hoặc lâu dài như các bậc tiền bối của họ. Như vậy, đối với các giáo sư trẻ hoặc sơ cấp, có một sự xung đột giữa tập tính hiện có và bản chất thay đổi của lĩnh vực. Các giáo sư lớn tuổi tiếp tục hoạt động “mà chẳng có một ý thức phối hợp để phòng ngừa các biến đổi trong lực lượng giáo sư”. Họ bị báo động bởi một số người mới vào nghề có khả năng tìm được đường thăng tiến mà không cần phải trả những giá được chờ đợi; những người mới này được xem là đã tìm được cách thăng tiến với một “giá hời”. Chính các thành viên mới này, mặc dù họ nắm giữ các vị trí phụ thuộc, tự xếp họ vào cùng hàng lối với các sinh viên để tạo ra cuộc cách mạng.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Bourdieu, sự xung đột xảy ra không phải giữa các thành viên cũ và mới của khoa, mà đúng hơn là giữa hai nhóm thành viên trẻ của nó. Một mặt, có những thành viên trẻ đã chủ quan hóa tập tính của thế hệ cũ và có khả năng  thăng tiến trong nấc thang cấp chức hàn lâm. Đi ngược lại với họ là nhóm thành viên trẻ thứ hai, có một tập tính hoàn toàn khác hẳn, bắt nguồn từ thực tế rằng họ ít có sự thăng  tiến trong nghề nghiệp. (Những người xem các cơ hội tiến thân của họ bị chận đứng có vẻ sẽ là những người chống đối).

Bourdieu cũng lý luận rằng các khoa khác nhau phản ứng một cách khác nhau đối với cuộc khủng hoảng. Các khoa có khả năng có liên quan nhất là các khoa giúp “tạo ra một nơi trú ẩn cho các sinh viên mà trong trạng thái trước đó của hệ thống, hẳn đã bị loại trừ hay  đuổi học”. Xã hội học và tâm lý học là hai lĩnh vực ở trong tình trạng đó: "Các  vị trí hàn lâm được xác định một cách bệnh hoạn này, thứ đã tạo ra lối vào các vị trí xã hội mà đến lượt chúng cũng lại được xác định một cách bệnh hoạn, đã được thiết kế rất tốt để cho phép những người nắm giữ chúng tạo ra quanh họ và tương lai của họ một thứ hương hoa của tính không xác định và sự vô giá trị.” Những người với các kỳ vọng mơ hồ và lệch lạc có vẻ có khả năng hơn trong việc tham gia vào cuộc khủng hoảng. Xã hội học đóng một vai trò chủ chốt trong việc gây ra cuộc khủng hoảng không chỉ vì lý do đã nói trên, mà còn vì nó thu hút “các sinh viên từ giai cấp thống trị có một nền tảng học thuật cấp độ thấp”. Chính trong bộ môn xã hội học mà các sinh viên này đã  tiếp xúc với các giảng viên có ít khả năng thăng tiến, và chính sự tương tác có tính thúc đẩy đó đã đóng vai  trò chủ chốt trong việc  khích động sự chống đối. Như Bourdieu nhận định, có một “sự giống nhau về mặt cấu trúc giữa các sinh viên và các giảng viên cấp dưới”. Họ đến với nhau một  cách vô ý thức do các điểm tương đồng trong tập tính và vị trí của họ trong các lĩnh vực liên quan (sinh viên và phân khoa).

Đáng lưu ý rằng Bourdieu là một trong những tư tưởng gia (người kia là Gafinkel) được xem là lý thuyết gia nhưng lại phản đối danh xưng đó. Ông nói rằng ông không “tạo ra một thuyết trình phổ quát về thế giới xã hội”. Bourdieu phản đối lý thuyết thuần túy thiếu một nền tảng thực nghiệm, và ông cũng coi thường chủ nghĩa thực nghiệm thuần túy  được thực hiện mà không có lý thuyết. Đúng hơn, ông tự cho là mình thực hiện một sự khảo sát “không tách rời giữa lý thuyết và thực nghiệm... một khảo sát mà không có lý thuyết là mù quáng, còn lý thuyết mà không có thực nghiệm là trống rỗng”.

Nói chung, tôi thấy mình tán thành quan điểm của Jenkins khi ông lý luận rằng: ”Dự án tri thức của Bourdieu có tính bền vững lâu dài, tương đối mạch lạc, và có tích lũy. Nó không là gì khác hơn một nỗ lực để cấu tạo nên một lý thuyết về thực hành xã hội và về xã hội.” Calhoun xem Bourdieu là một lý thuyết gia phê phán, mà trong ngữ cảnh này được xác định một cách rộng rãi hơn là những người chỉ gắn liền một cách đơn giản với Trường phái Frankfurt. Calhound xác định lý thuyết phê phán là  “dự án của lý thuyết xã hội tiến hành đồng thời sự phê phán các phạm trù được tiếp nhận, sự phê phán việc thực hành lý thuyết, và phân tích phê phán tồn tại về đời sống xã hội theo nghĩa khả năng có thể xảy ra, chứ không chỉ thực tại”.

Dù Bourdieu đề ra một lý thuyết, lý thuyết của ông không có một giá trị sử dụng phổ quát. Ví dụ, ông nói rằng “không có những quy luật chuyển dịch về mặt lịch sử đối với các quan hệ giữa các lĩnh vực”. Bản chất của quan hệ hiện thực giữa các lĩnh vực luôn  luôn là một vấn đề thực nghiệm. Tương tự, bản chất của tập tính biến đổi theo các hoàn cảnh chuyển biến về mặt lịch sử: “Tập tính... là một tiên nghiệm, nhưng là một tiên nghiệm về mặt lịch sử gắn với cấu trúc và lịch sử của một lĩnh vực”.

Jurgen Habermas: Sự thực dân hoá (colonization) của thế giới-đời sống

Chúng tôi đã thảo luận về các tư tưởng sớm hơn của Habermas ở Chương 4, về phần lý thuyết tân Marxian, dưới tiêu đề “Lý thuyết phê phán”. Trong khi, như chúng ta sẽ thấy, viễn cảnh của Habermas vẫn có thể được nghĩ là, ít nhất phần nào có một định hướng tân Marxia, nó đã được mở rộng một cách đáng kể, và ngày càng khó mà xếp vào trong định hướng đó, hay bất kỳ một phạm trù lý thuyết nào khác. Lý thuyết của Habermas đã tăng trưởng và trở nên đối nghịch trở lại với những gì ông đã trình bày, và kết hợp với các tư tưởng của nhiều nhà lý thuyết xã hội học, gần đây nhất và đáng chú ý nhất là của Geroge Herbert Mead, Talcott Parsons, AlfredSchutz và Emile Durkheim. Dù có các khó khăn trong việc phân loại viễn cảnh lý thuyết đã cải tiến của Habermas, chúng tôi sẽ thảo luận các tư tưởng mới nhất của ông, được xem một cách rộng rãi là “sự thực dân hóa của thế giới đời sống”, dưới tiêu đề “vấn đề cơ quan-cấu trúc”. Habermas làm rõ rằng ông thực hiện một “sự kết hợp mô hình”; nghĩa là, ông sáng tạo ra viễn cảnh cơ quan-cấu trúc của mình bằng cách hoà hợp các tư tưởng rút ra từ  lý thuyết hành động và các hệ thống. Chính trong tư tưởng của ông về thế giới-đời sống mà Habermas xử lý cơ quan. Cấu trúc được xử lý trước hết trong tư  tưởng của Habermas về hệ thống xã hội, mà, như chúng ta sẽ thấy, là lực lượng đã thực dân hoá thế giới-đời sống. Cái mà Habermas muốn nói tới thông qua thế giới-đời sống, hệ thống sự thực dân hoá là gì? Chúng tôi sẽ nói tới các hiện tượng này và mối quan hệ giữa chúng, cũng như các tư tưởng chủ yếu của lý thuyết gần đây nhất của Habermas trong phần này.

Trước khi chúng tôi đi đến các khái niệm này, cần làm rõ rằng tiêu điểm chủ yếu của Habermas tiếp tục vẫn là về hành động thông tin. Sự thông tin cởi mở và tự do vẫn là ranh giới lý thuyết và đối tượng chính trị của ông. Nó cũng có chức năng phương pháp luận, rất giống với những kiểu tư tưởng của Weber, để cho phép ông phân tích các biến thể từ một mô hình mẫu: “Việc xây dựng một trình bày không bị hạn chế và xuyên tạc có thể phục vụ với ý nghĩa là một cái nền để làm nổi lên một cách rõ ràng các khuynh hướng phát triển một cách mơ hồ trong xã hội hiện đại.” Thực sự, quan tâm trọng điểm của ông đối với sự thực dân hóa thế giới-đời sống là các cách thức trong đó quá trình này tác động một cách bất lợi lên sự thông tin tự do.

Habermas cũng duy trì một mối quan tâm đến quá trình hợp lý hóa của những người theo Weber, đặc biệt là vấn đề về sự hợp lý hóa tính chất phân biệt của thế giới-đời sống và hệ thống, và tác động của sự phân biệt này đối với sự thực dân hóa của cái nói trước lên cái nói sau. Theo thuyết Weberian, hệ thống là lãnh địa của sự hợp lý hình thức, trong khi thế giới-đời sống là địa điểm của sự hợp lý thật sự.  Sự thực dân hóa của thế giới-đời sống, do đó, bao gồm một phát biểu lại của luận điểm Weberian rằng trong thế giới hiện đại, sự hợp lý hình thức vượt thắng hơn so với sự hợp lý thật sự và đi tới chỗ thống trị các lĩnh vực được xác định một cách hình thức bởi sự hợp lý thực sự. Như vậy, trong khi lý thuyết của Habermas có một vài điểm ngoặt thú vị, nó vẫn còn giữ lại các nguồn gốc, đặc biệt là ở các định hướng Marxian và Weberian của nó.

Thế giới-đời sống (The Life-World). Khái niệm này phát sinh từ hiện tượng luận xã hội học nói chung và, cụ thể hơn, các lý thuyết của Alfred Schutz. Nhưng diễn dịch của Habermas về các tư tưởng của Herbert Mead cũng góp phần để nhận thức về thế giới-đời sống. Đối với Habermas, thế giới-đời sống tiêu biểu cho một viễn cảnh bên trong (trong khi, như chúng ta sẽ thấy, hệ thống tiêu biểu cho một quan điểm bên ngoài): “Xã hội được nhận thức từ viễn cảnh của chủ thể hành động.” Như vậy, chỉ có duy nhất một xã hội; thế giới-đời sống và hệ thống chỉ đơn giản là những cách nhìn khác nhau về nó.

Habermas xem thế giới-đời sống và hành động thông tin là các khái niệm “bổ sung cho nhau”. Nói cụ thể hơn, hành động thông tin có thể được xem là diễn ra trong lòng của thế giới-đời sống:

Thế giới-đời sống, nếu nói thế, là địa điểm có tính tiên nghiệm, nơi mà người phát ngôn và người lắng nghe tiếp xúc nhau, nơi họ cùng khẳng nhận qua lại với nhau rằng các phát biểu của họ phù hợp với thế giới, nơi họ có thể phê phán và xác nhận các xác quyết có hiệu lực đó, xử lý các bất đồng của họ, và đạt tới những thỏa thuận.

Thế giới-đời sống là một cái nền hình thành ngữ cảnh của các quá trình đạt tới sự hiểu biết thông qua hành động thông tin. Nó bao gồm một dãy rộng các tiền giả định chưa nói ra về sự nhận thức phải tồn tại và được hiểu thấu một cách hỗ tương để cho sự thông tin xảy ra.

Habermas quan tâm tới sự hợp lý hóa của thế giới-đời sống, bao gồm, chẳng hạn, sự thông tin hợp lý đang gia tăng trong thế giới-đời sống. Ông tin rằng thế giới-đời sống càng trở nên hợp lý thì càng có khả năng sự tương tác sẽ được kiểm soát bởi “nhận thức hỗ tương được thúc đẩy một cách hợp lý”. Một nhận thức, hay một phương pháp hợp lý để đạt được sự liên ứng như thế, chung quy dựa vào thế lực của lập luận tốt hơn.

Habermas xem sự hợp lý hóa của thế giới-đời sống bao gồm sự phân biệt có tính diễn tiến của các nguyên tố khác nhau của nó. Thế giới-đời sống bao gồm văn hóa, xã hội, và cá tính (lưu ý ảnh hưởng của Parsons và các hệ thống hành động của ông). Mỗi một trong số đó chỉ tới các khuôn mẫu có tính diễn dịch, hoặc các giả thiết nền tảng về văn hóa và ảnh hưởng của nó lên hành động, các khuôn mẫu thích hợp của các quan hệ xã hội (xã hội), và cái mà mọi người giống (cá tính) và cách thức họ sẽ xử sự. Việc thực hiện hành động thông tin và đạt được sự nhận thức trong phạm vi mỗi một chủ đề trong số này dẫn tới sự tái sản sinh thế giới đời sống thông qua sự củng cố văn hóa, sự hòa hợp của xã hội, và sự tạo thành cá tính. Trong khi các thành tố này đan bện chặt chẽ với nhau trong các xã hội cổ xưa, sự hợp lý hóa của thế giới-đời sống bao gồm “sự phân biệt đang tăng lên giữa văn hóa, xã hội và cá tính”.

Hệ thống (System). Trong khi thế giới-đời sống tiêu biểu cho quan điểm của các chủ thể hành động về xã hội, hệ thống bao gồm một viễn cảnh ngoại vi, nhìn vào xã hội “từ viễn cảnh của nhà quan sát về một ai đó không có liên quan”. Trong các hệ thống phân tích, chúng tôi đã hòa hợp các liên kết hỗ tương của các hành động, cũng như tầm quan trọng về mặt chức năng của các hành động và các đóng góp của chúng trong việc duy trì hệ thống. Từng thành tố chủ yếu của thế giới-đời sống (văn hóa, xã hội, cá tính) có các thành tố tương ứng trong hệ thống. Sự tái sản xuất văn hóa, sự hòa hợp xã hội và sự tạo thành cá tính diễn ra ở cấp độ hệ thống.

Hệ thống có các nguồn gốc của nó trong thế giới-đời sống, nhưng cuối cùng nó đi đến chỗ phát triển các đặc tính cấu trúc của riêng nó. Các ví dụ về các cấu trúc như thế bao gồm gia đình, bộ máy tư pháp, nhà nước và nền kinh tế. Khi các cấu trúc này tiến hóa, chúng trở nên ngày càng xa cách với thế giới-đời sống. Như trong thế giới-đời sống, sự hợp lý hóa ở cấp độ hệ thống bao gồm sự phân biệt có tính diễn tiến và sự phức tạp to lớn hơn. Các cấu trúc này cũng trở nên tự hoàn thiện hơn. Khi chúng tăng trưởng về quyền lực, chúng thực hiện ngày càng nhiều năng lực lèo lái đối với thế giới-đời sống. Chúng trở nên ít có liên quan dần tới quá trình thủ đắc sự liên ứng, và, trong thực tế, hạn chế việc xảy ra quá trình đó trong thế giới-đời sống. Nói cách khác, các cấu trúc hợp lý này, thay vì nâng cao khả năng thông tin và đạt được sự hiểu biết, lại đe dọa các quá trình đó  thông qua việc sử dụng sự kiểm soát ngoại vi lên chúng.

Sự hòa hợp xã hội và sự hòa hợp hệ thống. Đưa ra phần thảo luận trên về thế giới-đời sống và hệ thống, Habermas kết luận: “Vấn đề cơ bản của lý thuyết là làm thế nào để nối kết bằng một cách thức thỏa đáng hai chiến lược mang tính khái niệm được chỉ ra bởi các nhận thức về ‘hệ thống’ và ‘thế giới-đời sống’”. Habermas gọi hai chiến lược mang tính khái niệm đó là “sự hòa hợp xã hội” và “sự hòa hợp hệ thống”.

Viễn cảnh về sự hòa hợp xã hội tập trung vào thế giới-đời sống và các cách thức trong đó hệ thống hành động được hòa hợp thông qua sự liên  ứng được đảm bảo về mặt chuẩn mực hay đạt được về mặt thông tin. Các lý thuyết gia tin rằng xã hội được hòa hợp thông qua sự hòa hợp xã hội bắt đầu với hành động thông tin và xem xã hội như là thế giới-đời sống. Họ đi theo viễn cảnh nội quan của các thành viên nhóm, và họ sử dụng một tiếp cận chú giải văn bản để có thể quan hệ nhận thức của họ với của các thành viên của thế giới-đời sống. Sự tái sản xuất đang diễn tiến của xã hội được xem là một kết quả của các hành động được thực hiện bởi các thành viên của thế giới-đời sống để duy trì các cấu trúc biểu tượng của nó. Nó cũng chỉ được nhìn vào từ viễn cảnh của họ. Như vậy, cái bị mất đi trong cách tiếp cận chú giải này là quan điểm của người ngoài cuộc cũng như  ý thức về các quá trình tái sản xuất diễn ra ở cấp độ hệ thống.

Viễn cảnh về sự hòa hợp hệ thống tập trung quan tâm vào hệ thống và cách thức trong đó nó được hòa hợp thông qua sự kiểm soát ngoại vi lên các quyết định không có sự hợp tác một cách chủ quan của cá thể. Những người tán thành viễn cảnh này xem xã hội là một hệ thống tự điều chỉnh. Họ tán thành viễn cảnh ngoại vi của nhà quan sát, nhưng viễn cảnh này ngăn cản họ thực sự đạt tới các khuôn mẫu chỉ có thể nhận thức được từ một viễn cảnh nội quan của các thành viên của thế giới-đời sống.

Như vậy, Habermas kết luận rằng trong khi mỗi viễn cảnh trong số này đều có đưa ra điều gì đó, cả hai đều có những hạn chế nghiêm trọng. Trên cơ sở phê phán của ông về sự hòa hợp xã hội và hệ thống, Habermas đưa ra sự chọn lựa của ông, trong đó tìm cách hòa hợp hai định hướng lý thuyết này: ông xem

xã hội như là một hệ thống có các điều kiện đầy đủ cho sự duy trì các thế giới-đời sống về mặt văn hóa-xã hội. Các xã hội-hình thức là các phức hợp hành động của các nhóm hòa hợp xã hội  được làm cho ổn định về mặt hệ thống… [tôi] ủng hộ đề xuất khám phá rằng chúng ta xem xã hội như một thực thể mà, trong quá trình tiến hóa xã hội, đã có sự phân biệt thành một hệ thống và một thế giới đời sống.

Lý luận rằng ông quan tâm tới cả hệ thống cũng như thế giới-đời sống, Habermas làm rõ  ở cuối trích dẫn trên rằng ôngt cũng quan tâm tới sự tiến triển của cả hai. Trong khi cả hai tiến triển theo chiều hướng tăng dần sự hợp lý hoá, sự hợp lý hóa này mang các hình thức khác nhau trong thế giới-đời sống và hệ thống, và sự  khác biệt này là nền tảng của sự thực dân hóa của thế giới-đời sống.

Sự thực dân hóa.  Cái cốt yếu để nhận thức ý tưởng về sự thực dân hóa là thực tế rằng Habermas xem xã hội bao gồm cả thế giới-đời sống và hệ thống. Hơn nữa, trong khi cả hai khái niệm đan bện gần gũi với nhau ở thời kỳ lịch sử sơ khai, ngày nay có một sự phân chia ngày càng lớn giữa chúng; chúng trở nên “tách biệt”. Trong khi cả hai đều thực hiện quá trình hợp lý hóa, quá trình này mang hình thức khác nhau trong hai tập hợp này. Dù Habermas thấy có một quan hệ biện chứng giữa hệ thống và thế giới-đời sống (cả hai đều hạn chế và mở ra các khả năng mới đối với nhau), quan tâm chính của ông là cách thức trong đó hệ thống trong thế giới hiện đại đi đến chỗ kiểm soát thế giới-đời sống. Nói cách khác, ông chú ý tới sự phá vỡ quan hệ biện chứng giữa hệ thống và thế giới-đời sống và quyền lực đang lớn dần của cái nói trước lên cái nói sau.

Habermas đối lập sự hợp lý đang tăng dần của hệ thống và thế giới-đời sống. Sự hợp lý hóa của thế giới-đời sống bao gồm sự tăng trưởng tính hợp lý của hành động thông tin. Hơn nữa, hành động được định hướng tới việc đạt được sự hiểu biết lẫn nhau ngày càng thoát ra khỏi các kềm hãm chuẩn mực và ngày càng dựa vào ngôn ngữ hàng ngày. Nói cách khác, sự hòa hợp xã hội đạt được ngày càng nhiều thông qua các quá trình của sự hình thành liên ứng trong ngôn ngữ.

Nhưng kết quả của điều này là sự kiện rằng các yêu cầu về ngôn ngữ lớn dần và nhấn chìm các khả năng của nó. Phưong tiện truyền thông phi ngôn ngữ hóa (đặc biệt là tiền trong hệ thống kinh tế và quyền lực trong hệ thống chính trị và bộ máy quản trị của nó) – vốn đã trở nên phân biệt trong, và lan tỏa ra từ, hệ thống - đi đến chỗ lấp đầy khoảng trống, và thay chỗ, ít nhất là tới một mức độ nhất định, cho ngôn ngữ hàng ngày. Thay vì hành động hợp tác ngôn ngữ, tiền và quyền lực đã thực hiện chức năng đó. Cuộc sống trở nên kim tiền hóa và quan liêu hóa.

Nói tổng quát, hệ thống ngày càng phức tạp “giải phóng các nhu cầu hệ thống đã tạo ra khả năng của thế giới đời sống mà chúng phương tiện hóa”. Như vậy, Habermas viết về sự thực hiện “bạo lực” lên thế giới-đời sống bởi hệ thống thông qua các cách thức trong  đó nó giới hạn sự thông tin. Bạo lực này, tới lượt nó, sinh ra các “bệnh lý” trong thế giới-đời sống. Habermas gắn sự phát triển này với một quan điểm về lịch sử  thế giới:

Sự tháo bỏ có tầm ảnh hưởng sâu rộng của hệ thống và thế giới-đời sống là một điều kiện cần thiết cho sự chuyển dịch từ các xã hội phân chia giai cấp của đế quốc chủ nghĩa Châu Âu tới các xã hội giai cấp kinh tế của thời kỳ tiền hiện đại; nhưng khuôn mẫu về sự hiện đại hóa của nhà tư bản được đánh dấu bởi một sự biến dạng, một sự vật dụng hoá của các cấu trúc biểu tượng của thế giới-đời sống dưới các nhu cầu của các tiểu hệ thống bị phân biệt nhau thông qua tiền và quyền lực và sự tự cấp tự túc được bồi hoàn.

Có thể lưu ý rằng bằng cách liên kết những sự biến dạng với chủ nghĩa tư bản, Habermas tiếp tục, ít nhất trong ý thức này, vận hành trong một cơ cấu của thuyết tân Marxian. Tuy nhiên, khi ông nhìn vào thế giới hiện đại, Habermas buộc phải từ bỏ một cách tiếp cận Marxian, vì ông kết luận rằng sự biến dạng của thế giới-đời sống “không còn có thể định vị theo bất kỳ một cách thức đặc thù giai cấp nào”.  Đưa ra hạn chế này, và cùng tuyến với các nguồn gốc trong lý thuyết phê phán của ông, Habermas phát biểu rằng tác phẩm của ông chịu ảnh hưởng lớn từ lý thuyết Weberian. Trong thực tế, ông lập luận rằng sự phân biệt giữa thế giới-đời sống và hệ thống, và sự thực dân hóa chung cuộc của thế giới-đời sống, cho phép chúng ta nhìn bằng một ánh sáng mới luận đề của Weber “về một thời kỳ hiện đại ở một biến thể của chính nó”. Ở Weber, xung đột này cơ bản tồn tại giữa sự hợp lý hình thức và sự hợp lý thực sự và sự chiến thắng của cái nói sau đối với cái nói trước ở phương Tây. Đối với Habermas, sự hợp lý hóa của hệ thống đi tới chỗ vượt lên trên sự hợp lý hóa của thế giới-đời sống, mà kết quả là thế giới-đời sống bị thực dân hóa bởi hệ thống.

Habermas bổ sung nét đặc trưng của tư tưởng ông ta về sự thực dân hóa bằng cách lập luận rằng các lực lượng chủ yếu trong quá trình  là “các lĩnh vực có tổ chức về mặt hình thức của hành động” ở cấp độ hệ thống, như nền kinh tế và nhà nước. Theo truyền thống marxian, Habermas xem xã hội hiện đại như là chủ thể đối với các cuộc khủng hỏang hệ thống có tính chất tái diễn. Trong việc tìm cách xử lý các khủng hoảng này, các thể chế như nhà nước và kinh tế  thực hiện các hành động có ảnh hưởng bất lợi đối với thế giới-đời sống, dẫn tới các bệnh lý và các cuộc khủng hoảng trong lòng nó. Về cơ bản, thế giới-đời sống đi đến chỗ bị lột trần bởi các hệ thống này, và hành động thông tin ngày càng ít hướng tới việc thủ đắc sự liên ứng. Sự thông tin ngày càng trở nên khắt khe, nghèo nàn và tản mạn, và bản thân thế giới-đời sống dường như  đang treo lơ lửng trên bờ vực của sự hủy diệt. Cuộc đột kích vào thế giới-đời sống này làm Habermas rất lo âu  khi đưa ra mối quan tâm của ông đối với hành động thông tin diễn ra trong lòng nó. Tuy nhiên, dù sự thực dân hóa của hệ thống mở rộng đến đâu, thế giới-đời sống “không bao giờ bị bóc trần hoàn toàn”.

Nếu vấn đề chủ yếu của thế giới hiện đại là sự tách rời hệ thống và thế giới-đời sống, và sự thống trị của thế giới-đời sống bởi hệ thống, các giải pháp rất rõ ràng. Một mặt, thế giới-đời sống và hệ thống cần được tách rời. Mặt khác, quan hệ biện chứng giữa hệ thống và thế giới-đời sống cần phục hồi, để, thay vì cái nói trước làm biến dạng cái nói sau, cả hai cùng nâng cao và làm phong phú lẫn nhau. Trong khi cả hai đan bện vào nhau trong xã hội sơ khai, quá trình hợp lý hóa đã diễn ra ở cả hai tạo ra khả năng là việc tách rời trong tương lai sẽ sản sinh ra một cấp độ - hệ thống, thế giới-đời sống, và mối quan hệ hỗ tương giữa chúng - chưa từng có trong lịch sử loài người.

Như vậy, một lần nữa, Habermas quay trở lại các nguồn gốc Marxian của ông. Tất nhiên, Marx không nhìn ngược lại lịch sử để tìm một nhà nước lý tưởng mà nhìn thấy nó trong tương lai dưới hình thức của chủ nghĩa cộng sản và sự nảy nở toàn diện của loài người. Habermas, cũng giống thế, không nhìn về các xã hội nguyên sơ, nơi mà hệ thống chưa có sự hợp lý hóa và thế giới-đời sống có sự đồng nhất hơn, mà nhìn tới một nhà nước tương lai bao gồm một sự hợp nhất thỏa đáng hơn nhiều của hệ thống đã hợp lý hóa và thế giới-đời sống.

Habermas cũng diễn dịch lại lý thuyết Marxian về các cuộc đấu tranh cơ bản trong xã hội. Tất nhiên, Marx nhấn mạnh sự xung đột giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản và truy nguyên điều này tới đặc tính bóc lột của hệ thống tư bản. Habermas không chỉ tập trung vào sự bóc lột mà cả vào sự thực dân hóa và nhìn vào nhiều cuộc đấu tranh của vài thập kỷ gần đây dưới ánh sáng đó. Nghĩa là, ông xem các phong trào xã hội là những cái được định hướng tới một sự bình đẳng cao hơn, sự tự giác cao hơn, sự bảo vệ môi trường, và hòa bình “như  là các phản ứng đối với các cuộc đột kích của hệ thống vào thế giới-đời sống. Dù các mối quan tâm và các dự án chính trị của các nhóm không đồng nhất này có tính chất đa dạng, hỗn tạp, chúng cũng đã cản trở sự thực dân hóa thế giới-đời sống”. Niềm hy vọng đối với tương lai rõ ràng nằm trong việc cưỡng kháng lại những xâm lấn vào thế giới-đời sống và trong việc sáng tạo ra một thế giới trong đó hệ thống và thế giới-đời sống có sự hòa điệu với nhau và làm phong phú cho nhau ở một mức độ chưa từng thấy trong lịch sử.

CÁC KHÁC BIỆT CHỦ YẾU TRONG NỀN TRƯỚC TÁC CƠ QUAN-CẤU TRÚC

Như trường hợp các tác phẩm về sự hòa hợp vi mô-vĩ mô ở Mỹ, có những khác biệt quan trọng giữa những người Châu Âu hoạt động về vấn đề cơ quan-cấu trúc. Ví dụ, có một sự bất đồng ý kiến đáng kể trong trước tác về bản chất của cơ quan. Phần lớn những người hoạt động trong lĩnh vực này (ví dụ, Giddens, Bourdieu) có xu hướng xem tác nhân (agent) là actor cá thể, nhưng “xã hội học hành động” (actionalist sociology) của Touraine lại xem các tập thể với tư cách các giai cấp xã hội là các tác nhân. Trong thực tế, Touraine định nghĩa cơ quan là “một tổ chức cung cấp một cách trực tiếp một hay nhiều nguyên tố của hệ thống của hành động lịch sử và do đó can thiệp trực tiếp vào các quan hệ của sự thống trị xã hội”. Một lập trường thứ ba, có tính trung lập về vấn đề này là của Burns và Flam. Họ xem cá thể hoặc tập thể đều có khả năng là tác nhân. Sự thiếu nhất trí này về bản chất của cơ quan là nguồn cội của các khác biệt quan trọng trong nền trước tác cơ quan-cấu trúc.

Có một sự bất đồng ý kiến đáng kể giữa những người tập trung vào actor cá thể với ý nghĩa là tác nhân. Ví dụ, tác nhân của Bourdieu, bị thống trị bởi tập tính, dường như có tính chất máy móc hơn nhiều so với tác nhân của Giddens (hoặc của Habermas). Tập tính của Bourdieu bao gồm “các hệ thống của các khuynh hướng lâu bền và có thể đổi thay, các cấu trúc có tính chất cấu thành, nghĩa là, mang ý nghĩa là các nguyên tắc của sự hình thành và cấu trúc nên các thực hành và các biểu trưng”. Tập tính là một nguồn chiến lược “mà không phải là sản phẩm của một dự tính chiến lược thật sự ”. Nó không thuộc về mặt chủ quan, cũng không thuộc về mặt khách quan, mà là sự kết hợp của cả hai. Nó phản đối một cách rõ ràng ý tưởng về một actor với “quyền năng tự do và cố ý trong việc thiết lập”. Các tác nhân của Giddens có thể không có sự chủ định và ý chí tự do, nhưng chúng có nhiều quyền năng cố ý hơn của Bourdieu. Trong khi các tác nhân của Bourdieu dường như bị thống trị bởi các tập tính của họ, bởi các cấu trúc nội hàm, các tác nhân của Giddens là kẻ tạo ra hành động. Ít nhất họ có một vài chọn lựa, một khả năng hành động khác đi. Họ có quyền lực, và họ tạo ra một sự khác biệt trong thế giới của họ. Quan trọng nhất là họ thiết lập (và được thiết lập bởi) các cấu trúc. Trái lại, trong tác phẩm của Bourdieu một tập tính đôi khi dường như tách rời được bao hàm trong mối quan hệ biện chứng với thế giới bên ngoài.        

Tương tự, có những bất đồng đáng chú ý giữa các lý thuyết gia cơ quan-cấu trúc về tính chính xác của cái mà họ muốn nói thông qua cấu trúc. Một số ủng hộ  một cấu trúc đặc thù có ý nghĩa trung tâm, như  tổ chức trong tác phẩm của Crozier và Friedberge,và các quan hệ của sự thống trị xã hội như được phát hiện trong các thể chế và tổ chức chính trị của Tourains; những người khác (ví dụ,Burns) tập trung vào một dãy cấu trúc xã hội, như chế độ bàn giấy, chính thể, kinh tế và tôn giáo. Giddens đưa ra một định nghĩa đặc thù về cấu trúc (“tập hợp có tổ chức các nguyên tắc và tiềm năng”) xung đột một cách hiển nhiên với mọi định nghĩa khác về cấu trúc  trong nền trước tác. Tuy nhiên, định nghĩa của ông về các hệ thống như  là các thực hành xã hội có tính tái sản sinh  rất gần với cái mà các  nhà xã hội học muốn nói thông qua cấu trúc. Ngoài các khác biệt giữa những người làm  việc về cấu trúc, các khác biệt còn tồn tại giữa các lý thuyết gia này và nhiều người khác. Archer, như chúng ta đã thấy, chỉ trích gắt gao Giddens (và hàm ý tới tất cả những người khác) vì đã tập trung vào cấu trúc  mà loại bỏ văn hoá.

Các nỗ lực liên kết cơ quan-cấu trúc bắt nguồn từ một số chiều hướng lý thuyết rất khác nhau. Ví dụ, trong phạm vi lý thuyết xã hội Giddens dường như chịu tác động của chủ nghĩa chức năng và chủ nghĩa cấu trúc chống lại hiện tượng luận, chủ nghĩa hiện sinh và phương pháp luận thực hành, và, nói chung hơn, bởi thuyết cấu trúc ngữ âm học mới, ký hiệu học và khoa chú giải văn bản cổ, trong khi Archer chủ yếu bị ảnh hưởng bởi lý thuyết các hệ thống, đặc biệt là của Walter Buckley. Một kết quả là các tác nhân của  Giddens có xu hướng là những người tích cực và sáng tạo (những con người cụ thể có bản ngã) nằm trong một dòng chảy tiếp nối của hành vi, trong khi Archer thường giảm trừ xuống các hệ thống, đặc biệt là hệ thống văn hoá-xã hội. Ở Pháp, Crozier phát triển định hướng của ông chủ yếu trên cơ sở lý thuyết tổ chức và thi đấu, trong khi Bourdieu tìm cách phát hiện ra một thay thế thỏa đáng cho chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa khách quan trong phạm vi lý thuyết nhân loại học. Habermas tìm cách tổng hợp các ý tưởng phát sinh từ Marx,Weber, các lý thuyết gia phê phán, Durkheim, Mead, Schutz và Parsons. Trong số các lý do dẫn tới các khác biệt quan trọng trong các tác phẩm cơ quan-cấu trúc, các khác biệt cơ bản là từ các nguồn gốc lý thuyết.

Cùng lúc với khuynh hướng đi theo chiều hướng vi mô hay vĩ mô trong các nỗ lực vi mô-vĩ mô của Mỹ, có một khuynh hướng theo chiều hướng cơ quan hoặc cấu trúc ở Châu Âu. Tất nhiên, Bourdieu bị cuốn hút một cách mạnh mẽ theo chiều hướng cấu trúc, trong khi Giddens có một ý thức mạnh mẽ về cơ quan hơn phần lớn các lý thuyết gia khác theo thể loại này. Nhưng dù có các sức cuốn hút theo các chiều hướng cơ quan và cấu trúc, cái có tính phân biệt giữa tác phẩm  Châu Âu về cơ quan và cấu trúc, đối chiếu với tác phẩm vi mô-vĩ mô của Mỹ, là một ý thức mạnh mẽ hơn về nhu cầu để phản đối sự tách rời hai mặt này và để xử lý chúng một cách biện chứng (ví dụ, Giddens, Bourdieu, Habermas). Trong nền trước tác vi mô-vĩ mô của Mỹ, một nỗ lực song hành với các nỗ lực của Châu Âu để xử lý cơ quan và cấu trúc một cách biện chứng là nỗ lực của Ritzer nhằm xử lý một cách biện chứng sự hoà hợp của thể liên tiến vi mô-vĩ mô và khách quan-chủ quan.

Dietz và Burns đã cố gắng đưa ra một quan điểm về cơ quan và cấu trúc phản ánh các điểm mạnh và điểm yếu của các tác phẩm trước đó. Có bốn tiêu chuẩn cần đáp ứng để quy chiếu cơ quan tới một actor xã hội. Thứ nhất, actor phải có quyền lực; actor phải có khả năng tạo ra một sự khác biệt. Thứ hai, các hành động được thực hiện bởi một tác nhân phải được dự liệu. Thứ ba, actor phải có một số chọn lựa, một số tự do. Kết quả là các nhà quan sát chỉ có thể phát biểu về cái actor có thể sẽ làm. Cuối cùng, các tác nhân phải có tính phản ánh, điều chỉnh các tác động của hành động của họ và sử dụng kiến thức đó để bổ sung các nền tảng của hành động. Trên hết, cơ quan được xem là một thể liên tiến; mọi actor đều có cơ quan ở một mức độ nào đó, và không một actor nào có một cơ quan toàn vẹn, không bị kềm hãm.    

Mặt kia, mặt cấu trúc của phương trình là các kềm hãm lên cơ quan. Thứ nhất, ngay cả khi  một tác nhân có thể hình dung ra các hành động nhất định, đơn giản là họ không thể được trao cho các thực tại về công nghệ và vật chất. Thứ hai, cấu trúc (đặc biệt là các nguyên tắc) làm cho một số hành động nhất định có vẻ là cần thiết trong khi một số khác có vẻ không thể có được. Cuối cùng, cơ quan bị giới hạn bởi các tác nhân khác, những kẻ có quyền lực trừng phạt, kể cả tích cực hay tiêu cực.

CÁC LIÊN KẾT CƠ QUAN-CẤU TRÚC VÀ VI MÔ-VĨ MÔ

Sự tương đồng chung nhất giữa các tác phẩm ở Mỹ và ở Châu Âu là khát vọng đối với sự hòa hợp và sự tổng hợp. Ngoài mối quan tâm chung này, có một khuynh hướng chung cho cả những người Mỹ và người Âu là làm sống động tư duy của họ bởi ác cảm đối với các cực đoan của các lý thuyết hiện đang thống trị. Cả những người Mỹ và những người Âu đều tấn công vào quyết định luận vĩ mô của thuyết chức năng cấu trúc. Có một ác cảm tương tự đối với những cực đoan của chủ nghĩa cấu trúc, mặc dù cảm giác này ở Châu Âu mạnh hơn, vì ở đó chủ nghĩa cấu trúc tạo ra nhiều xâm nhập lớn hơn nhiều so với ở Mỹ. Ở Châu Âu, thuyết chức năng cấu trúc và chủ nghĩa cấu trúc được xem là nhấn mạnh vào cấu trúc và coi cơ quan là ít hoặc không quan trọng (ví dụ, xem Giddens). Ở Mỹ, chúng được xem là tập trung hơn vào cấp độ vĩ mô và ít chú ý tới các hiện tượng cấp độ vi mô.

Tương tự, các lý thuyết gia ở cả hai phía của đại dương đã cảnh giác với các cực đoan của các lý thuyết vi mô/cơ quan như thuyết tương tác biểu tượng, phương pháp luận thực hành và chủ nghĩa hiện sinh, hiện tượng luận. Mối quan tâm chung ở đây là các lý thuyết này nói rất ít về cấp độ vĩ mô/cấu trúc, và kết quả là các actor được coi là có quá nhiều tính chất duy ý chí. Ví dụ, Giddens lý luận rằng: “Thuyết tương tác biểu tượng đã nhấn mạnh nhất vào đời sống xã hội liên quan như là một thành tựu của các actor thông thạo và có mục đích… sự tiến hóa tiếp theo của truyền thống này... đã phát triển không thành công các kiểu mẫu phân tích thể chế”. Tương tự, như chúng ta đã thấy ở Chương 9, Alexander tin rằng dành ưu tiên cho cấp độ vi mô là “một sai lầm về lý thuyết”.

Các khác biệt chủ yếu

Các khác biệt phổ quát nhất giữa nền trước tác vi mô-vĩ mô của Mỹ và các tác phẩm về cơ quan-cấu trúc của Châu Âu đã được thảo luận trong phạm vi các khác biệt chủ yếu về mặt thuật ngữ giữa các tác phẩm cơ quan-cấu trúc và vi mô-vĩ mô. Tuy nhiên, chúng không nói hết các khác biệt giữa hai nền trước tác.

Đáng chú ý nhất trong phần này là trường hợp của Giddens “chống” thuyết nhị nguyên (dualism) vi mô-vĩ mô. Giddens dường như phản đối việc đặt vi mô đối nghịch với vĩ mô, việc đề cao “sự phân biệt vi mô-vĩ mô”. Ông chống lại “cuộc chiến tranh giả mạo” giữa xã hội học vi mô và xã hội học vĩ mô, cũng như “sự phân bố lao động không thích đáng có xu hướng trở thành hiện thực giữa chúng”. Cụ thể hơn, Giddens phê phán Collins vì ông này nhấn mạnh quá đáng vào cấp độ vi mô và sự yếu kém tương ứng ở cách tiếp cận của ông ở cấp độ vĩ mô (một quan điểm chung với với một số lý thuyết gia Mỹ [ví dụ, Popora, Ritzer]). Tuy nhiên, sự phản đối của Giddens là đối với thuyết nhị nguyên vi mô- vĩ mô; dường như ông ít phản đối hơn đối với những người coi mối quan hệ này là một thể đối ngẫu (duality).

Một trong những khác biệt trung tâm giữa các lý thuyết gia Châu Âu và Mỹ là các hình dung của họ về actor. Cái có tính chất phân biệt về phần lý thuyết Mỹ là tầm ảnh hưởng lớn hơn của chủ nghĩa hành vi cũng như của thuyết trao đổi, phần nào đó đã phát sinh từ một viễn cảnh hành vi luận. Sức mạnh của các viễn cảnh này, ngay cả trong số các lý thuyết gia không chấp nhận ủng hộ chúng, có xu hướng tạo cho các lý thuyết gia Mỹ một thái độ có tính mâu thuẫn hơn đối với actor. Actor đôi khi được xem là có liên quan một cách tích cực đến sự sáng tạo thế giới xã hội, nhưng cũng có một thừa nhận rằng các actor đôi khi cư xử theo một cách thức vô tư, thống nhất với lịch sử của các tưởng thưởng và các giá phải trả. Như vậy, các lý thuyết gia Mỹ có cùng  quan điểm với một số lý thuyết gia Châu Âu về hành động sáng tạo và có ý thức, nhưng nó bị hạn chế bởi một thừa nhận về tầm quan trọng của hành vi vô thức. Nói một cách đơn giản, hành vi (theo nghĩa trái với hành động) đã đóng một vai trò lớn hơn trong lý thuyết xã hội ở Mỹ so với ở Châu Âu. Khuynh hướng xem actor xử sự một cách vô thức hiện đang được đề cao bởi một sự quan tâm đang tăng lên đối với thuyết chọn lựa hợp lý trong xã hội học Mỹ. Ở đây, hình dung về một actor ít nhiều có sự chọn lựa một cách tự động các phương tiện hiệu quả nhất đối với các mục đích. Ảnh hưởng của thuyết chọn lựa hợp lý ở Mỹ hứa hẹn sẽ đưa tới một sự chia rẻ thậm chí còn lớn hơn giữa các khái niệm của Châu Âu và Mỹ về hành động và cơ quan.

Ở cấp độ vĩ mô/cấu trúc, những người Âu đã thiên về việc tập trung vào cấu trúc xã hội. Trong các trường hợp không có một tiêu điểm chuyên chú vào nó, cấu trúc xã hội đã không được phân biệt một cách thích đáng với văn hóa. ( Thật sự, đây chính là động cơ của tác phẩm gần đây nhất của Archer). Mặt khác, có một xu hướng lớn hơn nhiều ở Mỹ nhằm xử lý cả cấu trúc và văn hóa trong các nỗ lực hướng tới sự hòa hợp vi mô-vĩ mô. Ví dụ, trong tác phẩm của chính tôi, tôi đã phân biệt tính khách quan vĩ mô (chủ yếu là cấu trúc xã hội) và tính chủ quan vĩ mô (chủ yếu là văn hóa) và tìm cách xử lý mối tương quan biện chứng của chúng với tính khách quan vi mô và tính chủ quan vi mô. (Ritzer)

Một khác biệt nữa ở vấn đề vĩ mô/cấu trúc bắt nguồn từ các khác biệt trong các ảnh hưởng về mặt lý thuyết ở Mỹ và Châu Âu. Ở Mỹ, ảnh hưởng chính lên tư duy về vấn đề vĩ mô/cấu trúc là thuyết chức năng cấu trúc. Bản chất của lý thuyết này đã dẫn các lý thuyết gia tới chỗ tập trung vào cả các cấu trúc xã hội quy mô lớn văn hóa. Hiển nhiên thuyết chức năng cấu trúc có một quan tâm tới các cấu trúc xã hội, nhưng cuối cùng nó dành quyền ưu tiên cho hệ thống văn hóa. Ở Châu Âu, ảnh hưởng chính là chủ nghĩa cấu trúc, một một dãy rộng hơn nhiều các nhận thức về các cấu trúc, mở rộng theo mọi hướng từ các cấu trúc vi mô của trí tuệ tới các cấu trúc vĩ mô của xã hội. Văn hóa trở nên ít có tầm quan trọng hơn nhiều đối với các nhà cấu trúc luận so với các nhà chức năng cấu trúc.

Nếu chúng ta bỏ qua tác động lớn hơn rất nhiều của chủ nghĩa hành vi, thuyết trao đổi và thuyết chọn lựa hợp lý ở Mỹ trong thời điểm này, các khác biệt về mặt lý thuyết trong vấn đề vi mô/cơ quan dường như có ít hậu quả hơn nhiều so với các khác biệt ở cấp độ vĩ mô/cấu trúc. Chủ nghĩa hiện sinh và hiện tượng luận (cũng như  lý thuyết Fruedian) đã có tầm ảnh hưởng lớn nhất ở Châu Âu, trong khi ở Mỹ các ảnh hưởng chủ yếu bắt nguồn từ thuyết tương tác biểu tượng và thuyết trao đổi. Tuy nhiên, các khác biệt về mặt tác động của các lý thuyết này lên các tư tưởng về vấn đề vi mô/ cơ quan ở Mỹ và Châu Âu dường như  không đáng kể. Hơn nữa, các lý thuyết vi mô/cơ quan dường như được đọc và vận dụng một cách rộng rãi ở cả hai bờ Đại Tây Dương hơn là các lý thuyết vĩ mô/cấu trúc. Ví dụ, phương pháp luận thực hành có vẻ như đã có một tác động ngang nhau ở cả hai bờ Đại Tây Dương.

Một khác biệt chủ chốt nữa giữa hai nền trước tác là sự kiện rằng vấn đề vi mô-vĩ mô có thể được gộp vào dưới vấn đề rộng lớn hơn về các cấp độ phân tích, trong khi mối quan tâm đối với cơ quan và cấu trúc thì không thể. Chúng ta có thể suy nghĩ một cách rõ ràng về mối liên kết vi mô-vĩ mô trong phạm vi một số loại hệ thống phân tầng theo chiều dọc, với các hiện tượng cấp độ vi mô ở dưới cùng, các hiện tượng cấp độ vĩ mô ở trên cùng, và các thực thể cấp độ trung gian ở giữa. Tuy nhiên, thể liên tiến vi mô-vĩ  mô không có cùng một nghĩa với các cấp độ của phân tích, vì các nhân tố khác (ví dụ, khách quan, chủ quan), không chỉ đơn thuần là các quan tâm vi mô-vĩ mô được bao hàm trong vấn đề các cấp độ. Ở một khía cạnh khác, mối liên kết cơ quan-cấu trúc dường như không có một sự kết nối rõ ràng đối với vấn đề các cấp độ của phân tích, vì cả cơ quan cũng như cấu trúc có thể được tìm thấy ở bất  kỳ cấp độ phân tích xã hội nào.

Vấn đề cơ quan-cấu trúc gắn liền một cách chặt chẽ với một cơ cấu lịch sử, năng động hơn là vấn đề vi mô-vĩ  mô (Stomzka; Elias là một ngoại lệ rõ ràng, nhưng ông là một người Âu). Đặc tính này rõ nhất ở tác phẩm của Giddens, Habermas và Archer, nhưng nó cũng được biểu lộ xuyên suốt trong nền trước tác cơ quan-cấu trúc. Trái lại, các lý thuyết gia xử lý vấn đề vi mô-vĩ mô dường như mô tả nó theo nghĩa tĩnh tại, phân tầng và phi lịch sử. Dù sao, ít nhất có một vài người trong số đó chọn cách mô tả quan hệ vi mô-vĩ mô một cách khá tĩnh tại bất động cũng làm rõ rằng họ nhận thức được đặc tính năng động của mối quan hệ: ‘Sự nghiên cứu các cấp độ của thực tại xã hội và các mối tương quan của chúng vốn là một tiếp cận thế giới xã hội có tính chất năng động hơn là có tính tĩnh tại… Một định hướng năng động và có tính lịch sử đối với việc nghiên cứu các cấp độ của phân tích thế giới xã hội có thể được xem là các bộ phận hoà hợp của một cách tiếp cận có tính biện chứng chung nhất hơn”. (Ritzer)

Cuối cùng, chúng tôi phải lưu ý rằng đạo đức là một vấn đề trung tâm đối với các lý thuyết gia cơ quan-cấu trúc nhưng lại bị bỏ qua trong nền trước tác vi mô-vĩ mô. Sự khác biệt này có thể được truy nguyên, phần nào, từ những khác biệt về các nguồn gốc lý thuyết và các nhóm tham chiếu. Lý thuyết cơ quan-cấu trúc có ngững căn nguyên vững chắc, và có một định hướng mạnh mẽ hơn, từ triết học, bao gồm các quan tâm lớn của nó tới các vấn đề đạo đức. Trái lại, lý thuyết vi mô-vĩ mô có tính chất bản xứ  hơn  đối với xã hội học và được định hướng tới các bộ môn khoa học cứng như là nhóm tham chiếu - các lĩnh vực mà ở đó các vấn đề đạo đức ít được quan tâm hơn nhiều so với trong triết học. Kết quả là một ý  thức về mối quan tâm đạo đức, thậm chí một sự xâm phạm về đạo đức có thể cảm nhận được ở nền trước tác cơ quan-cấu trúc hơn rất nhiều so với ở nền trước tác vi mô-vĩ mô.

LÝ GIẢI CÁC KHÁC BIỆT GIỮA CHÂU ÂU VÀ MỸ.

Mối quan tâm của người Mỹ tới vấn đề vi mô-vĩ mô, hay ít nhất là việc sử dụng thuật ngữ đó để mô tả sự quan tâm của họ, là một quá khứ khá gần đây. Như chúng ta đã xem ở Chương 9, mặc dù đã có một vài nỗ lực sớm hơn, vào năm 1976, Kemedy nhận thấy hầu như không có một biểu hiện quan tâm nào tới vấn đề vi mô-vĩ mô. Thuật ngữ vi mô-vĩ mô đã đến từ đâu? Trong nội bộ, có thể truy nguyên tới sự phân cách lý thuyết lâu dài và phổ biến ở Mỹ giữa các lý thuyết vĩ mô (ví dụ, thuyết chức năng cấu trúc, thuyết xung đột) và các lý thuyết vi mô (ví dụ, thuyết tương tác biểu tượng và thuyết trao đổi). Ở bên ngoài, tính hấp dẫn của nó có thể nối kết với việc sử dụng các thuật ngữ vi mô và vĩ mô trong các ngành khoa học cứng cũng như trong kinh tế học. Trong phạm vi các môn khoa học xã hội, kinh tế học có xu hướng là một mô hình đối với xã hội học, và sự phân biệt của nó giữa kinh tế học vĩ mô và kinh tế học vi mô chứng tỏ đã lôi cuốn nhiều nhà xã hội học. Sự thành công của các lĩnh vực này làm nhiều thứ của chúng (các định hướng khoa học của chúng, hệ thống thuật ngữ của chúng) trở nên hấp dẫn đối với các nhà xã hội học Mỹ, những người muốn cạnh tranh bằng càng nhiều cách càng hay.

Trái lại, xã hội học Châu Âu không có một truyền thống lâu dài và vững vàng về các lý thuyết vi mô và vĩ mô đã tồn tại ở Mỹ. Đặc biệt là việc thiếu một truyền thống lý thuyết vi mô bền vững, và điều này có xu hướng che khuất ý nghĩa quan trọng của sự lưỡng phân vi mô-vĩ mô. Ngoài ra, các lý thuyết gia xã hội học Châu Âu nói chung ít hứng thú với các môn khoa học cứng và kinh tế học hơn các lý thuyết gia Mỹ, do đó, họ dường như  không muốn lấy chúng làm các mô hình.

Các lý thuyết gia Châu Âu có xu hướng chú ý đến triết học nhiều hơn các lý thuyết gia Mỹ, và có một truyền thống lâu dài về mối quan tâm tới  cơ quan con người trong triết học. Họ đã xây dựng nên một triết học về cơ quan và bổ sung chiều kích cấu trúc vào đó. Bernstein truy nguyên một quan tâm đối với cơ quan (một thuật ngữ mà ông dùng để trao đổi qua lại với  thực hành và hành động (ví dụ, “các tác nhân hay các actor con người) ngược về tới thời cổ đại Hy Lạp nói chung, và triết học của Aristote nói riêng. Nói về thời kỳ đương đại hơn, ông nhận diện bốn tuyến phát triển của tư duy mà trong đó cơ quan là trung tâm. Thứ nhất là Marx, (và chủ nghĩa Marx), với lý thuyết có tính hệ thống về thực hành (praxis) của ông. Thứ hai là triết học phân tích, trong đó hành động trở thành trung tâm điểm trong nhiều năm gần đây. Nối kết quan tâm của chủ nghĩa Marx vào thực hành và quan tâm của triết học phân tích vào hành động, Bernstein lý luận rằng “ý nghĩa của ‘thực hành’ và hành động rất gần gũi với nhau” và giả định rằng cả hai đều có ràng buộc chặt chẽ với cơ quan. Thứ ba là chủ nghĩa thực dụng: “sự hình dung về con người nảy sinh từ một quan điểm thực dụng là con người với tư cách một người thợ lành nghề, một kẻ thao tác tích cực, đề ra các giả thuyết mới, chủ động kiểm nghiệm chúng, luôn luôn đón nhận sự phê phán, và tái lập bản thân cũng như môi trường của anh ta. Sự  thực hành và hoạt động được cung cấp bởi lý trí và tri thức trở thành trung tâm đối với viễn tượng của chúng về con người trong vũ trụ”. Cuối cùng là hiện tượng luận, đặc biệt là chủ nghĩa hiện sinh nguyên thủy của Châu Âu, trong đó, “vấn đề trung tâm một lần nữa hóa ra là bản chất của hành động con người”. Bernstein kết luận: “Sự điều tra về bản chất, tình trạng và tầm quan trọng của thực hành và hành động đã trở nên mối quan tâm hàng đầu của các phong trào triết học có ảnh hưởng lớn lao nhất đã nảy sinh kể từ thời của Hegel.”

Rõ ràng là các lý thuyết gia Châu Âu bị chìm đắm nhiều hơn trong chủ nghĩa Marx, triết học phân tích và chủ nghĩa hiện sinh so với các lý thuyết gia Mỹ. Một ngoại lệ hình như là chủ nghĩa thực dụng, mà nguyên sơ là triết học của người Mỹ, và đã ảnh hưởng tới một số lý thuyết gia xã hội Mỹ (đặc biệt là các nhà tương tác biểu tượng). Tuy nhiên, phần lớn các lý thuyết gia xã hội khác của Mỹ có lẽ ít có khả năng hiểu biết về chủ nghĩa thực dụng hơn các đối thủ người Âu của họ. Như vậy, nhìn chung các triết học về cơ quan rõ ràng đã đóng vai trò lớn hơn nhiều trong sự phát triển lý thuyết xã hội ở Châu Âu so với ở Mỹ.

Tuy nhiên, sự đánh đồng của Bernstein giữa cơ quan, thực hành và hành động đã tạo ra các vấn đề rắc rối cho chúng ta. Nếu chúng ta chấp nhận sự  tương đồng giữa các thuật ngữ này, thì dường như có rất ít khác biệt giữa các lý thuyết Châu Âu đương thời về cơ quan và cấu trúc với các lý thuyết Marxian về thực hành và cấu trúc của của xã hội tư  bản, và với các lý thuyết của Mỹ (ví dụ, của Parsons và Alexander) về hành động và cấu trúc. Tuy nhiên, dường như rõ ràng là các lý thuyết gia Châu Âu đương thời dành nhiều tầm quan trọng cho các tác nhân hơn so với một số người Marxist và nhiều người Mỹ dành cho actor. Khuynh hướng trong tác phẩm về cơ quan và cấu trúc trong các lý thuyết gia Châu Âu là phản đối việc tư duy về cấu trúc mà không có cơ quan hoặc về cơ quan mà không có cấu trúc. Nói cách khác, một thế giới không có cơ quan là điều không thể tưởng tượng được. Trái lại, một số nhà Marxist (đặc biệt là các nhà Marxist cấu trúc) đã có thể nhận thức về một thế giới tư bản mà không có các actor có đầy đủ ý nghĩa. Một số “lý thuyết gia hành động” Mỹ (đặc biệt là Parsons) đã phát triển các lý thuyết trong đó cấu trúc xã hội và văn hóa đạt được sự ưu tiên, còn actor và hành động bị giảm thiểu thành một thứ tầm thường có tính chất đối chiếu. Như vậy, có nhiều vấn đề hơn là các điểm tương đồng trong các thuật ngữ cơ quan (agency), thực hành (praxis) và hành động (action). Cái phân biệt các tác phẩm đương thời giữa các nhà ý thuyết là một sự thiếu thiện chí trong việc nhấn chìm tác nhân dưới tầm quan trọng của cấu trúc xã hội (và văn hóa).

Vấn đề thực sự không phải ở chính bản thân cơ quan-cấu trúc mà là trọng lượng tương đối của cơ quan và cấu trúc. Các lý thuyết gia Châu Âu đương thời sẵn sàng coi quyền lực tương đương một cách đại khái với tầm quan trọng của cơ quan và cấu trúc, hoặc không muốn gỡ rối cho chúng. Nhiều nhà Marxist và các lý thuyết gia Mỹ dòng chủ đạo có xu hướng dành ưu tiên cho cơ quan hơn cấu trúc. Theo cách này, hiển nhiên mọi lý thuyết gia dường như đều quan tâm tới mối liên kết cơ quan-cấu trúc. Dường như điều này là một quan điểm được ủng hộ bởi Dawe, người đã phân biệt giữa xã hội học về hành động xã hội và xã hội học về hệ thống xã hội nhưng xem cả hai đều là các môn xã hội học về hành động xã hội (và có lẽ cả cấu trúc xã hội). Tuy nhiên, lập luận theo lối này là đã bỏ sót ý nghĩa quan trọng của các tác phẩm Châu Âu đương thời về cơ quan và cấu trúc. Cái nổi bật trong phần lớn các tác phẩm này là sự đóng góp của nó để xem xét cả cơ quan và cấu trúc một cách nghiêm túc. Đây cũng là một trong những đóng góp chủ yếu của nó trong việc đối chiếu so sánh với triết học về cơ quan - vốn không đem lại gì nhiều lắm cho nhận thức của chúng ta về cấu trúc xã hội.

Trong khi chúng ta có thể đồng cảm với các tư tưởng lý thuyết đang phát triển ở Châu Âu ngày nay, chúng ta không thể luôn luôn giả đoán rằng cơ quan và cấu trúc có tầm quan trọng ngang nhau. Mức độ tương đương của chúng là một vấn đề lịch sử. Trong một số thời kỳ, cấu trúc có thể chiếm ưu thế hơn cơ quan. (Đây là quan điểm của Marx về hoàn cảnh trong xã hội tư bản). Trong các thời kỳ khác, tác nhân có thể đóng vai trò lớn hơn, và tầm quan trọng của cấu trúc có thể bị giảm thiểu đi. Và trong một số thời kỳ khác nữa, có thể có một mức độ tương đương đại khái giữa chúng. Người ta không thể ấn định một quan hệ cơ quan-cấu trúc đơn lẻ đối với toàn bộ quá trình lịch sử. Một trong những yêu cầu cấp bách trong nền trước tác cơ quan-cấu trúc là bắt đầu định rõ sức nặng tương đối của cơ quan và cấu trúc trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Ngoài ra, rõ ràng có những khác biệt hiện thời trong sức nặng tương đối của cơ quan và cấu trúc trong những xã hội khác nhau trên khắp thế giới. Tất cả những khác biệt chủ yếu này sẽ bị bỏ qua nếu chúng ta chỉ nói một cách chung chung về cơ quan và cấu trúc.

TÓM TẮT

Chương này xử lý nền trước tác lớn lao của Châu Âu về mối liên kết cơ quan và cấu trúc. Nền trước tác này có một số điểm tương đồng với các tác phẩm của Mỹ về sự hòa hợp vi mô-vĩ mô, nhưng cũng có một số khác biệt quan trọng giữa chúng.

Trong khi có một số lớn lý thuyết gia Châu Âu đương thời xử lý mối quan hệ cơ quan-cấu trúc, phần lớn chương này dành cho tác phẩm của bốn ví dụ chủ yếu nhất của kiểu lý thuyết này. Thứ  nhất là lý thuyết cấu trúc luận của Giddens. Trung tâm của lý thuyết Giddens là sự phản đối xử lý cơ quan tách rời  với cấu trúc và ngược lại; chúng được xem là có tính tạo lập lẫn nhau. Kế tiếp là lý thuyết của Archer về quan hệ cơ quan-cấu trúc. Archer phê phán sự phản đối của Giddens trong việc  tách rời cơ quan và cấu trúc vì mục đích phân tích. Nói chung hơn, bà phê phán các lý thuyết gia cơ quan-cấu trúc bỏ qua văn hoá, và tìm cách sửa chữa vấn đề này bằng cách xử lý mối quan hệ cơ quan-cấu trúc. Sau đó, chúng tôi chuyển sang lý thuyết của Bourdieu, tập trung trước hết vào quan hệ giữa tập tính và lĩnh vực. Cuối cùng, chúng tôi phân tích các tư tưởng gần đây của Habermas về thế giới-đời sống và hệ thống và sự thực dân hoá thế giới-đời sống bởi hệ thống.

Tiếp theo một thảo luận về về các tác phẩm cụ thể này, chúng tôi chuyển sang một thảo luận chung hơn về nền trước tác. Chúng tôi bắt đầu với một thảo luận về các khác biệt chủ yếu trong nền trước tác này, bao gồm các quan điểm khác nhau về bản chất của cơ quan và cấu trúc. Một nguồn khác của sự khác biệt là các truyền thống lý thuyết khác nhau mà các tác phẩm đó dựa vào. Một số trong các tác phẩm này thiên về chiều hướng cơ quan, trong khi một số khác thiên về chiều hướng cấu trúc.

Vấn đề kế tiếp là các điển tương đồng giữa hai nền trước tác cơ quan-cấu trúc và vi mô-vĩ mô. Cả hai đều có chung mối quan tâm đến sự hoà hợp và cảnh giác với các cực  đoan của các lý thuyết vi mô/cơ quan và vĩ mô/cấu trúc. Tuy nhiên, có nhiều điểm khác biệt hơn là tương đồng giữa hai nền trước tác này. Có những khác biệt ở những hình dung của chúng về actor, các cách thức trong đó cấu trúc được nhận thức, và ở các lý thuyết mà từ đó các tư tưởng của chúng phát sinh, mức độ mà chúng được gộp vào dưới ý tưởng về các cấp độ của phân tích, mức độ gắn bó của chúng với một cơ cấu có tính chất năng động, lịch sử, và mức độ quan tâm tới các vấn đề đạo đức của chúng.

Cuối cùng, chúng tôi xử lý một số lý do đối với các khác biệt giữa hai nền trước tác Châu Âu và Mỹ. Các lý thuyết gia vi mô-vĩ mô Mỹ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các lĩnh vực như kinh tế học, với một lịch sử lâu dài trong mối quan tâm tới các vấn đề vi mô-vĩ mô. Các lý thuyết gia Châu Âu chịu ảnh hưởng to lớn của nền trước tác triết học về cơ quan. Chương này kết thúc với quan điểm rằng vấn đề chung cuộc là mức độ quan trọng tương đối của cơ quan và cấu trúc trong các tập hợp văn hoá và lịch sử khác nhau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét