Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2020

LÝ THUYẾT XÃ HỘI HỌC - PART 4 - 1




PHẦN BỐN

TỪ LÝ THUYẾT XÃ HỘI HIỆN ĐẠI TỚI LÝ THUYẾT XÃ HỘI HẬU HIỆN ĐẠI

CHƯƠNG 11:
CÁC LÝ THUYẾT HIỆN THỜI VỀ THỜI HIỆN ĐẠI

CÁC LÝ THUYẾT CỔ ĐIỂN VỀ THỜI HIỆN ĐẠI
TÍNH CHẤT TÀN PHÁ CỦA THỜI HIỆN ĐẠI
XÃ HỘI CÓ NGUY CƠ
SIÊU HỢP LÝ,  SỰ McDONALD HOÁ VÀ  SỰ MỸ HOÁ
Siêu hợp lý
Sự McDonald hoá
Sự Mỹ hoá
Nguy cơ, có hay không?
THỜI HIỆN ĐẠI VÀ  SỰ DIỆT CHỦNG
DỰ ÁN CHƯA HOÀN THÀNH CỦA THỜI HIỆN ĐẠI


Có một cuộc tranh chấp ác liệt hiện đang diễn ra giữa những người tiếp tục xem xã hội đương thời là một thế giới hiện đại và những người lập luận rằng một biến đổi quan trọng đã diễn ra trong những năm gần đây, và chúng ta đang đi tới một thế giới mới, hậu hiện đại. Hai chương cuối của quyển sách được dành cho hai lập trường lý thuyết này. Trong chương này, chúng tôi thảo luận về tác phẩm của các đại diện đương thời của những người tiếp tục xem thế giới nằm trong phạm vi thời hiện đại, và ở chương kế tiếp, chúng tôi sẽ đưa ra một cái nhìn tổng quát tới các tư tưởng của một vài người trong số các lý thuyết gia hậu hiện đại quan trọng nhất.

CÁC LÝ THUYẾT CỔ ĐIỂN VỀ THỜI HIỆN ĐẠI

Trước khi thảo luận về tác phẩm của các tư tưởng gia đương thời về thời hiện đại, chúng tôi muốn nhắc độc giả rằng phần lớn các nhà xã hội học cổ điển đều thực hiện một phân tích và phê phán về xã hội hiện đại. Một phân tích kiểu đó rất rõ ràng, ví dụ, trong tác phẩm, của bốn nhà lý thuyết gia xã hội học cổ điển: Marx, Weber, Durkheim và Simmel. Tất cả bọn họ đều hoạt động ở thời điểm nảy sinh và thịnh vượng của thời hiện đại. Trong khi cả bốn người đều nhận thức được các thuận lợi của thời hiện đại, cái mang lại sinh khí nhất cho tác phẩm của họ là phê phán về các vấn đề mà thế giới hiện đại đưa tới.

Đối với Marx, tất nhiên, thời hiện đại được xác định bởi nền kinh tế tư bản. Marx thừa nhận các tiến bộ được mang lại bởi sự chuyển biến từ các xã hội trước đó sang chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, trong tác phẩm của mình, ông tự hạn chế bản thân một cách nặng nề để phê phán hệ thống kinh tế đó và các biến dạng của nó (sự tha hoá, sự bóc lột, vv...)

Đối với Weber, vấn đề có tính xác định nhất của thế giới hiện đại là sự mở rộng của tính chất hợp lý hình thức ở cái giá phải trả của tất cả các kiểu hợp lý khác, và kết quả nảy sinh là chiếc lồng sắt  của sự hợp lý. Mọi người ngày càng bị cầm tù trong chiếc lồng sắt này, và kết quả là, ngày càng không có khả năng thể hiện một số đặc tính con người quan trọng nhất của họ. Tất nhiên, Weber thừa nhận các thuận lợi của các tiến bộ của sự hợp  lý hoá - ví dụ, sức mạnh của chế độ bàn giấy so với các hình thức tổ chức trước đó – nhưng ông quan tâm nhất tới các rắc rối mà sự hợp lý hoá mang tới.

Theo quan điểm của Durkheim, thời hiện đại được xác định bởi sự vững chắc về tổ chức của nó và sự yếu kém của lương tri tập thể. Trong khi sự củng cố tổ chức mang theo với nó nhiều tự do và sức sản xuất hơn, nó cũng đưa lại một loạt các vấn đề khác thường. Ví dụ, với một sự yếu kém về đạo đức chung như thế; mọi người có xu hướng nhận ra rằng bản thân họ lênh đênh trôi nổi một cách vô nghĩa trong thế giới hiện đại. Nói cách khác, họ phát hiện ra rằng bản thân đang gánh chịu một tình trạng thiếu tiêu chuẩn về đạo đức.

Lý thuyết gia thứ tư, Georg Simmel sẽ được nói tới chi tiết hơn một ít, phần lớn vì gần đây ông đã được mô tả vừa như một lý thuyết gia hiện đại (Frisby), vừa như một lý thuyết gia hậu hiện đại (Weistein và Weistein). Vì ở mức độ nào đó ông phù hợp với cả hai phạm trù này, Simmel thể hiện một chiếc cầu nối quan trọng giữa chương này và chương kế tiếp. Chúng tôi sẽ xử lý trường hợp Simmel với tư cách một nhà hiện đại luận ở đây; ở chương tiếp theo, chúng tôi sẽ thảo luận về ông với tư cách là một nhà hậu hiện đại.

Frisby chấp nhận quan điểm rằng “Simmel là nhà xã hội học đầu tiên về hiện đại”. Ông được xem là đã điều tra về thời hiện đại trước hết ở hai lĩnh vực có quan hệ hỗ tương chủ yếu: thành phố và nền kinh tế tiền tệ. Thành phố là nơi mà tính chất hiện đại được tập trung hoặc thể hiện một cách sâu sắc, trong khi nền kinh tế tiền tệ bao gồm sự truyền bá của tính chất hiện đại, là sự mở rộng của nó.

Poggi chọn ra chủ đề về tính chất hiện đại ở mối quan hệ của nó với tiền tệ, đặc biệt là trong cuốn Triết học của kim tiền của Simmel. Poggi thấy rằng có ba quan điểm về tính chất hiện đại được thể hiện trong tác phẩm này. Thứ nhất là sự hiện đại hoá mang theo với nó một loạt các thuận lợi đối với con người, đặc biệt là thực tế rằng họ có thể thể hiện nhiều tiềm năng khác nhau đã không được thể hiện, bị che khuất và kềm nén trong xã hội tiền hiện đại. Theo nghĩa này, Simmel xem hiện đại là “một sự hiển linh” (epiphany), nghĩa là, sự biểu lộ các quyền lực là bản chất của loài người, nhưng trước đây nó đã bị che khuất. Thứ hai, Simmel xử lý ảnh hưởng quyền lực của tiền tệ trong xã hội hiện đại. Cuối cùng, có sự tập trung của ông vào các hậu quả bất lợi của tiền tệ đối với hiện đại, đặc biệt là sự tha hoá. Vấn đề về sự tha hoá đưa chúng ta quay trở lại vấn đề trung tâm của lý thuyết xã hội học Simmel nói chung, cũng như xã hội học của ông về thời hiện đại: “bi kịch của văn hoá”, khoảng cách ngày càng lớn giữa văn hoá chủ quan và văn hoá khách quan, hay, như Simmle nhận định, “sự hao mòn của văn hoá cá thể và sự bành trướng của văn hoá khách quan”. (Do Frisby trích dẫn).

Theo quan điểm của Frisby, Simmel tập trung vào “kinh nghiệm” về thời hiện đại. Các nguyên tố chủ yếu của kinh nghiệm đó - thời gian, không gian, quan hệ nhân quả ngẫu nhiên - là các khía cạnh trung tâm của ít nhất một số lý thuyết đương thời về thời kỳ hiện đại sẽ được thảo luận ở chương này.

Kinh nghiệm của thời kỳ hiện đại được quan sát bởi Simmel không có tính chất diễn tiến về thời gian như một sự nhất thời thoáng qua, trong đó cả khoảnh khắc thoáng qua và ý thức về hiện tại cùng quy tụ lại; không gian là quan hệ biện chứng giữa xa và gần... và quan hệ nhân quả có tính chất ngẫu nhiên, tùy tiện và tình cờ.

            Trong khi hẳn có thể xem Simmel là một nhà hậu hiện đại, và như chúng ta sẽ thấy ở chương tiếp theo, ông dường như có nhiều điểm chung với các nhà hậu hiện đại hơn là các lý thuyết gia xã hội cổ điển, sự thật là ít nhất vẫn có sự thích đáng tương đương nếu xem ông là một nhà hiện đại. Gần như tất nhiên, tiêu điểm của phần lớn các chú ý của ông - đặc biệt là thành phố và nền kinh tế tiền tệ - nằm ở trung tâm của thời kỳ hiện đại. Như vậy, ngay cả ở trường hợp của Simmel, và tất nhiên là ở các trường hợp của Marx, Weber và Durkheim, tốt nhất là nghĩ về các lý thuyết gia này là những người thực hiện các luận điểm xã hội học về thời kỳ hiện đại.

            Cho tới năm 1920, cả bốn người này đều đã qua đời. Khi chúng ta tiếp cận năm 2000, hiển nhiên là thế giới đã khác rất nhiều so với chính nó vào những năm 1920. Trong khi có nhiều bất đồng về thời điểm bắt đầu của thời kỳ hậu hiện đại, không có người nào đặt nó vào trước năm 1920. Vấn đề là các biến đổi trên thế giới từ thời điểm đó có phải chăng và tiếp diễn với những người gắn liền với thời kỳ hiện đại hay không, hay là nó quá sâu sắc và không tiếp diễn đến mức thế giới hiện thời tốt hơn nên được diễn tả bằng một thuật ngữ mới – hậu hiện đại. Vấn đề đó đưa đến thảo luận trong chương này và chương sau.

            Trong chương này, chúng tôi sẽ kiểm nghiệm các tư tưởng của nhiều lý thuyết gia đương thời (còn có nhiều người khác, ví dụ Wagner, Antonio và Kellner, vv... mà tác phẩm của họ chúng tôi không còn chỗ để xử lý), những người theo nhiều cách thức khác nhau và ở những mức độ khác nhau xem thế giới hiện thời tốt nhất vẫn nên được diễn tả là hiện đại.

            SỰ TÀN PHÁ CỦA THỜI HIỆN ĐẠI

            Trong một nỗ lực không chỉ kiên định với lý thuyết cấu trúc luận của ông (xem Chương 10), mà còn để tạo ra một hình ảnh để chống lại những hình ảnh của các tư tưởng gia cổ điển như Weber và cái lồng sắt của ông, Anthony Giddens đã mô tả một thế giới hiện đại (với các nguồn gốc của nó là Châu Âu ở thế kỷ 17) như là một “sự tàn phá” (Juggernaut). Cụ thể hơn, ông dùng thuật ngữ này để diễn tả một giai đoạn tiến bộ của thời hiện đại - hiện đại cấp tiến, cao hay muộn. Trong việc này, Giddens lập luận để chống lại những người cho rằng chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên hậu hiện đại, mặc dù ông không chối bỏ khả năng của một kiểu chủ nghĩa hậu hiện đại nào đó trong tương lai. Tuy nhiên, trong khi chúng ta vẫn còn sống trong một kỷ nguyên hiện đại, theo quan điểm của Giddens, thế giới ngày nay rất khác với thế gới của các lý thuyết gia xã hội học cổ điển.

            Đây là cách Giddens diễn tả cổ xe Juggernaut[1]  của thời hiện đại:

một cỗ máy của quyền lực khổng lồ đang lồng lên, mà ở ý nghĩa của tập thể loài người, chúng ta có thể lái nó tới một mức độ nào đó, nhưng nó cũng đe dọa sẽ vượt ra khỏi sự kiểm soát của chúng ta và có thể tự xé bản thân nó thành từng mảnh. Sự tàn phá nghiền nát những ai chống lại nó, và trong lúc thỉnh thoảng nó dường như  có một đường đi đều đặn, có những lúc nó đổi hướng một cách thất thường, theo những chiều hướng mà chúng ta không thể nào đoán trước. Con đường đi này hoàn toàn không có ý nghĩa là không thú vị hay không được đền bù; nó có thể rất hồ hỡi và tràn đầy hy vọng. Nhưng, chừng nào mà các thể chế của thời hiện đại còn duy trì, chúng ta sẽ không bao giờ hoàn toàn kiểm soát được con đường đi cũng như tốc độ của hành trình. Và đổi lại, chúng ta cũng sẽ không bao giờ cảm thấy hoàn toàn bình an vô sự, vì địa hình mà nó chạy qua đầy dẫy những nguy cơ trầm trọng.

            Thời hiện đại trong hình thức của một sự tàn phá có tính chất  cực kỳ năng động, nó là một “thế giới đang lồng lên” với sự gia tăng khủng khiếp về tốc độ, phạm vi và tầm sâu sắc của sự biến đổi trên các hệ thống sẵn có. Giddens nhanh chóng nói thêm rằng sự tàn phá này không đi theo một con đường độc đạo. Hơn thế, nó không phải là một khối, mà được tạo thành từ một số lượng các bộ phận đang xung đột và mâu thuẫn. Như vậy, Giddens đã nói cho chúng ta biết rằng ông ta không đưa ra cho chúng ta một lý thuyết lớn theo kiểu cũ, hoặc ít nhất cũng không phải là một câu chuyện đơn giản, không định hướng.

            Ý tưởng về một sự tàn  phá rất thích hợp với lý thuyết cấu trúc luận, đặc biệt là với tầm quan trọng của thời gian và không gian trong lý thuyết này. Hình ảnh về một sự tàn phá là nói về một cái gì đó đang di chuyển xuyên qua thời gian và không gian vật lý. Tuy nhiên, hình ảnh này không thích hợp lắm với nhấn mạnh của Giddens về quyền lực của tác nhân; hình ảnh về một sự tàn phá dường như tán thành rằng thứ động cơ hiện đại này có nhiều quyền lực hơn là các tác nhân, những người lèo lái nó. Vấn đề này bao gồm trong phê phán chung hơn rằng có một sự gián đoạn giữa nhấn mạnh vào cơ quan trong tác phẩm thuần túy lý thuyết của Giddens và các phân tích cơ bản về lịch sử đã “chỉ ra sự thống trị của hệ thống có khuynh hướng chống lại khả năng thay đổi thế giới của chúng ta”.

Giddens định nghĩa thời hiện đại trong phạm vi bốn thể chế cơ bản. Thứ nhất là chủ nghĩa tư bản (capitalism), được định tính, một cách quen thuộc, bởi sự sản xuất hàng hóa, quyền sở hữu tư nhân về tư bản, lao động ăn lương vô sản, và một hệ thống giai cấp phát sinh từ các đặc tính này. Thứ hai là chủ nghĩa công nghệ (industrialism), bao gồm việc sử dụng các nguồn năng lượng vô tri và máy móc để sản xuất hàng hóa. Chủ nghĩa công nghệ không chỉ giới hạn ở công xưởng, và nó ảnh hưởng tới một dãy các hệ thống khác, ví dụ “sự vận chuyển giao thông, sự thông tin và đời sống gia đình”. Trong khi hai đặc tính đầu tiên của Giddens gần như không có gì mới mẻ, cái thứ ba, các khả năng giám sát (surveillance capacities), dù nó vay mượn khá nhiều từ tác phẩm của Michel Foucault (xem Chương 12), có tính chất mới mẻ. Như  Giddens xác định, “Sự giám sát là chỉ sự theo dõi giám thị các họat động của các chủ thể dân cư  [chủ yếu, nhưng không phải là duy nhất] trong phạm vi chính trị”. Chiều kích thể chế cuối cùng của thời hiện đại là lực lượng quân sự, hoặc sự kiểm soát các phương tiện bạo lực, bao gồm sự công nghiệp hóa chiến tranh. Ngoài ra, cần chú ý rằng trong phân tích về thời hiện đại, ít nhất ở cấp độ vĩ mô, Giddens tập trung vào nhà nước-quốc gia (khác hơn tiêu điểm xã hội học truyền thống về xã hội), mà ông thấy khác biệt một cách cấp tiến với kiểu tính chất cộng đồng của xã hội tiền hiện đại.

Thời hiện đại được trao cho động năng bởi ba khía cạnh chủ yếu trong cấu trúc luận của Giddens: sự phân cách (distanciation), sự tách rời (disembedding) và tính phản ánh (reflexivity). Khía cạnh thứ nhất là sự cách ly về thời gian và không gian, hay sự phân cách (dù quá trình cách biệt ngày càng tăng này, như mọi khía cạnh khác trong tác phẩm của Giddens, không phải là đơn tuyến; nó có tính biện chứng). Trong các xã hội tiền hiện đại, thời gian luôn luôn gắn kết với không gian, và việc đo lường thời gian không có tính chính xác. Với sự hiện đại hóa, thời gian được chuẩn mực hóa và mối liên kết gần gũi giữa thời gian và không gian bị phá vỡ. Theo nhận thức này, cả thời gian và không gian đều “trống rỗng” về nội dung; không một thời gian hay không gian cụ thể nào được ưu tiên; chúng trở thành các hình thức thuần túy. Trong các xã hội tiền hiện đại, không gian được xác định một cách rộng rãi bởi sự hiện hữu về mặt vật lý và do đó bởi các không gian cục bộ hóa. Với thời hiện đại, không gian cũng dần bị tách rời khỏi thời gian. Các quan hệ với những người vắng mặt về mặt vật lý và ở khoảng cách ngày càng tăng trở nên ngày càng dễ trở thành có thể. Đối với Giddens, không gian ngày càng trở nên “ảo ảnh”, nghĩa là,  “các nơi chốn xảy ra sự việc bị xâm nhập một cách xuyên suốt và được định hình trong phạm vi các ảnh hưởng về mặt xã hội hoàn toàn cách xa với chúng… hình thức có thể trông thấy của địa điểm xảy ra sự việc che đậy các quan hệ bị phân cách đã quyết định bản chất của nó”.

Sự phân cách thời gian và không gian có tầm quan trọng đối với thời hiện đại vì nhiều lý do. Trước hết, nó tạo ra khả năng tăng trưởng của các tổ chức hợp lý hóa như các chế độ bàn giấy và các nhà nước-quốc gia, với động lực cố hữu của chúng (so sánh với các hình thức tiền hiện đại) và khả năng của chúng để nối kết các khu vực địa phương và toàn cầu. Thứ  hai, thế giới hiện đại được định vị trong phạm vi một nhận thức cấp tiến về lịch sử thế giới, và nó có thể rút từ lịch sử đó để định hình hiện tại. Thứ ba, sự phân cách như thế là một điều kiện tiên quyết chủ yếu đối với nguồn động năng thứ hai của Giddens trong thời hiện đại - sự tách rời.

Như  Giddens định nghĩa nó, sự tách rời bao gồm ‘sự cởi bỏ’ các quan hệ xã hội khỏi các bối cảnh cục bộ của sự tương tác và sự tái cấu trúc của chúng qua các quãng không gian-thời gian không xác định”. Có hai kiểu cơ cấu tách rời đóng vai trò quan trọng trong các xã hội hiện đại; cả hai đều có thể bao gồm dưới cái tên là các hệ thống trừu tượng. Thứ nhất là các dấu hiệu biểu trưng, mà phổ biến hơn hết là tiền tệ. Tiền tệ cho phép phân cách thời gian-không gian - chúng ta có thể thực hiện các giao dịch với những người khác ở cách chúng ta rất xa về mặt thời gian và/hoặc không gian. Thứ hai là các hệ thống chuyên môn, được định nghĩa là các “hệ thống của các thành tựu công nghệ hay tinh thông nghề nghiệp tổ chức các khu vực lớn của các môi trường xã hội và vật chất trong đó chúng ta sống hiện nay”. Hệ thống chuyên môn rõ nhất bao gồm các nghề nghiệp chuyên môn như các luật gia, các nhà vật lý, nhưng các hiện tượng hàng ngày như xe hơi, nhà cửa của chúng ta được tạo ra và bị ảnh hưởng bởi các hệ thống chuyên môn. Các hệ thống chuyên môn cung cấp các đảm bảo (nhưng không phải là không có các nguy cơ) về vận hành qua không gian và thời gian.

Lòng tin (trust) rất quan trọng trong các xã hội hiện đại bị ngự trị bởi các hệ thống trừu tượng và với sự phân cách thời gian-không gian rất lớn. Nhu cầu đối với lòng tin thác có quan hệ với sự phân cách này: “Chúng ta không cần phải đặt lòng tin vào một ai đó luôn luôn trong tầm mắt và các hoạt động của anh ta có thể được điều chỉnh một cách trực tiếp”. Lòng tin trở nên cần thiết khi, như là kết quả của sự phân cách ngày càng lớn về thời gian và không gian, chúng ta không còn có đầy đủ thông tin về các hiện tượng xã hội. Lòng tin được định nghĩa là “sự tín nhiệm vào tính chất đáng tin cậy của một cá nhân hay các hệ thống, về một tập hợp các kết quả hoặc các sự kiện, nơi mà sự tín nhiệm đó thể hiện một  tin tưởng vào sự chân thành và tình yêu của một người khác, hay trong việc điều chỉnh lại cho đúng các nguyên tắc trừu tượng (kiến thức kỹ thuật)”. Lòng tin có ý nghĩa quan trọng không chỉ ở xã hội hiện đại nói chung, mà cả đối với các dấu hiệu biểu trưng và các hệ thống chuyên môn giúp cho việc tách rời cuộc sống trong thế giới hiện đại. Ví dụ, để nền kinh tế tiền tệ và hệ thống pháp lý hoạt động, mọi người phải tin cậy vào chúng.

Đặc tính năng động thứ ba của thời hiện đại là tính phản ánh. Trong khi tính phản ánh là một đặc điểm chủ yếu của cấu trúc luận của Giddens (cũng như của sự tồn tại của loài người, theo quan điểm của ông), nó có một ý nghĩa đặc biệt trong thời hiện đại, nơi mà “các thực hành xã hội thường xuyên được kiểm tra và tái tạo dưới ánh sáng của các thông tin nhận được về chính các thực hành này, do vậy thay đổi một cách xây dựng các đặc tính của chúng”. Mọi sự vật đều có thể phản ánh trong thế giới hiện đại, bao gồm chính bản thân sự phản ánh. Như vậy, mọi sự vật đều có thể đặt câu hỏi, để lại cho chúng ta một nhận thức có tính chất lan tỏa về sự không xác định. Hơn nữa, vấn đề về sự chú giải văn bản cổ (xem chương 10) tái diễn ở đây vì sự phản ánh về các chuyên môn trong thế giới xã hội có xu hướng thay đổi thế giới đó.

Đặc tính tách rời của cuộc sống hiện đại làm nảy sinh một số vấn đề riêng biệt. Một trong số đó là nhu cầu đối với lòng tin trong các hệ thống trừu tượng nói chung, và các hệ thống chuyên môn nói riêng. Ở một trong những ẩn dụ có tính nghi vấn hơn của ông, Giddens cho rằng trẻ con được “tiêm chủng” một “liều lượng” lòng tin trong quá trình xã hội hóa của thời thơ ấu. Khía cạnh này của sự xã hội hóa  cung cấp cho mọi người một “cái vỏ kén bảo vệ”, giúp họ khi đã trưởng thành có một sự đo lường về sự an toàn và lòng tin thuộc bản thể. Lòng tin này có xu hướng được củng cố bởi một loạt các thói quen hàng ngày mà chúng ta đối mặt. Tuy nhiên, có những nguy cơ mới và nguy hiểm gắn liền với thời hiện đại luôn luôn đe dọa lòng tin của chúng ta và đe dọa dẫn tới một sự mất an toàn có tính chất lan tỏa trong bản thể. Như Giddens nhìn nhận, trong khi các cơ cấu tách rời cung cấp cho chúng ta sự an toàn trong nhiều lĩnh vực, chúng cũng tạo ra một “mô tả sơ lược nguy cơ” đặc biệt. Nguy cơ có tính chất toàn cầu về cường độ (chiến tranh hạt nhân có thể tiêu diệt tất cả chúng ta) và về mức độ mở rộng của các sự kiện ngẫu nhiên có ảnh hưởng tới một lượng lớn dân cư trên toàn thế giới (ví dụ, các thay đổi trong phân bố lao động ở phạm vi toàn thế giới). Vậy có những nguy cơ có thể truy nguyên tới các nỗ lực của chúng ta để chăm lo cho môi trường vật chất. Các nguy cơ cũng bắt nguồn từ việc tạo ra các môi trường nguy cơ có tính chất thể chế như các các thị trường  đầu tư toàn cầu. Mọi người ngày càng nhận thức về các nguy cơ và những thứ như tôn giáo ngày càng trở nên kém quan trọng khi có nhiều niềm tin rằng các nguy cơ này có thể biến thành thực tế. Một  dãy rộng công chúng ngày nay biết  rõ các nguy cơ mà chúng ta đối diện. Cuối cùng, có một nhận thức đáng buồn rằng các hệ thống chuyên môn có khả năng rất hạn chế trong việc xử lý các nguy cơ này. Chính các nguy cơ này làm cho thời hiện đại giống như một cổ xe Juggernaut đang lồng lên và xâm chiếm bản thể chúng ta với một cảm giác mất an toàn.

Cái gì đã xảy ra? Tại sao chúng ta phải gánh chịu những hậu quả tiêu cực của sự tàn phá của thời hiện đại? Giddens đưa ra nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là các sai lầm về thiết kế (design faults) trong thế giới hiện đại; những người thiết kế nên các nguyên tố của thế giới hiện đại đã mắc phải sai lầm. Thứ hai, là sai lầm của người vận hành (operator failure); vấn đề được truy nguyên không phải tới những người thiết kế, mà tới những người điều hành thế giới hiện đại. Tuy nhiên, Giddens xem hai nhân tố khác có tầm quan trọng chính, đó là các hậu quả ngoài dự kiến (unintended consequences) và tính phản ánh của kiến thức xã hội (reflexivity of social knowledge). Nghĩa là, các hậu quả của các hành động đối với một hệ thống không bao giờ được dự báo đầy đủ, và kiến thức mới liên tục đẩy các hệ thống tới các chiều hướng mới. Vì tất cả các nguyên nhân này, chúng ta không thể hoàn toàn kiểm soát được sự tàn phá, và thế giới hiện đại.

Tuy nhiên, thay vì đầu hàng, Giddens đề xuất một trình bày có vẻ nghịch lý về một chủ nghĩa hiện thực không tưởng (utopian realism). Nghĩa là ông tìm một sự cân bằng giữa các lý tưởng không tưởng và các thực tại của đời sống trong thế giới hiện đại. Ông cũng dành tầm quan trọng cho vai trò mà các phong trào xã hội có thể giữ trong việc xử lý một số nguy cơ của thế giới hiện đại và hướng chúng ta tới một xã hội trong đó các nguy cơ này đã được cải thiện.

Đưa ra quan điểm về thời hiện đại, vậy Giddens có lập trường ra sao với thời hậu hiện đại? Ông phản đối phần lớn, nếu không phải là tất cả, các nguyên lý mà chúng ta thường gắn liền với thuyết hậu hiện đại. Ví dụ, đối với ý tưởng rằng kiến thức có tính hệ thống là chuyện không thể có, Giddens nói rằng một quan điểm như thế có thể dẫn chúng ta tới chỗ “từ bỏ cả hoạt động tri thức”. Tuy nhiên, trong khi ông coi là chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên hiện đại cao, Giddens tin rằng ngay bây giờ có thể có một cái nhìn thoáng qua về thời hậu hiện đại. Theo quan điểm của ông, một thế giới như thế sẽ được định tính bởi một hệ thống hậu khan hiếm, một nền dân chủ ngày càng đa tầng, sự phi quân sự hóa và sự nhân tính hóa của kỹ thuật. Tuy nhiên, rõ ràng không có gì để đảm bảo rằng thế giới sẽ đi theo chiều hướng của một số, không nói là tất cả, trong các đặc tính của thời hậu hiện đại này. Thế nhưng, Giddens tin rằng viết về những sự kiện có thể xảy ra như thế, ông (và những người khác) có thể đóng một vai trò trong việc giúp cho chúng trôi vào quá khứ.

Trong khi cuốn Các hậu quả của thời hiện đại là một tác phẩm có định hướng rất vĩ mô, Thời hiện đại và sự tự ý thức tập trung hơn vào các khía cạnh vi mô của thời hiện đại muộn, đặc biệt là bản ngã. Mặc dù Giddens hẳn nhiên đã coi bản ngã là có quan hệ biện chứng với các thể chế của xã hội hiện đại, phần lớn chú ý của ông ở đây dành cho đầu vi mô của thể liên tiến. Chúng tôi, cũng vậy, sẽ tập trung vào các vấn đề vi mô, nhưng không nên bỏ qua một tính biện chứng lớn hơn:

Những biến chuyển trong sự tự ý thức và sự toàn cầu hóa… là hai cực của biện chứng pháp của cục bộ và của toàn cầu trong các điều kiện của thời hiện đại cao. Các biến đổi trong các khía cạnh riêng tư của đời sống cá nhân… ràng buộc một cách trực tiếp với sự thiết lập các nối kết xã hội của mỗi phạm vi rất rộng… lần đầu tiên trong lịch sử loài người, “bản ngã” và “xã hội” có quan hệ qua lại với nhau trong một bối cảnh toàn cầu.

            Như chúng ta đã thấy, Giddens định nghĩa thế giới hiện đại là có tính chất phản ánh, và ông lý luận rằng “tính phản ánh của thời hiện đại mở rộng tới trung tâm của bản ngã… bản ngã trở thành một dự án có tính chất phản ánh”. Nghĩa là, bản ngã trở thành một cái gì đó được phản ánh lại, được thay đổi, thậm chí được đúc nặn. Không chỉ cá thể chịu trách nhiệm đối với việc sáng tạo và duy trì bản ngã, mà trách nhiệm này tiếp diễn và lan tỏa khắp tất cả. Bản ngã là sản phẩm của sự tự bóc lột và của sự phát triển của các quan hệ xã hội gần gũi. Trong thế giới hiện đại, ngay cả thân thể cũng “bị lôi kéo vào sự tổ chức có tính phản ánh của đời sống xã hội”.  Chúng ta chịu trách nhiệm về sự thiết kế không chỉ ở bản thân chúng ta, mà cả ở thân thể chúng ta. Trung  tâm của sự sáng tạo có tính phản ánh và sự duy trì bản ngã là vẻ ngoài của thân thể và cách xử sự thích hợp của nó trong một loạt các hệ thống và các nơi chốn xảy ra sự việc. Thân thể cũng phải chịu một số “chế độ” (ví dụ, ăn kiêng và các cuốn sách tập thể dục) không chỉ giúp các cá thể nắn đúc thân hình của họ, mà còn đóng góp cho sự tự phản ánh cũng như cho tính phản ánh của thời hiện đại nói chung. Kết quả, trên hết, là một nỗi ám ảnh về thân thể và bản ngã của chúng ta trong thế giới hiện đại.

            Thế giới hiện đại mang cùng với nó “sự cô lập về kinh nghiệm”, hoặc “các quá trình kết nối của sự che giấu đã tách riêng các thói quen hàng ngày của cuộc sống bình thường khỏi các hiện tượng sau: sự điên cuồng mất trí; sự phạm pháp; sự đau ốm và cái chết; họat động tính dục; và bản chất”. Sự  cô lập xảy ra như là kết quả của vai trò tăng dần của các hệ thống trừu tượng trong đời sống mỗi ngày. Sự cô lập này đưa chúng ta tới một sự an toàn bản thể lớn hơn, nhưng nó có cái giá của “sự loại trừ đời sống xã hội khỏi các vấn đề hiện hữu cơ bản đã làm nảy sinh các tình thế khó khăn trọng tâm về đạo đức đối với loài người”.

            Trong khi thời hiện đại là một con dao hai lưỡi, mang tới cả những phát triển tích cực và tiêu cực, Giddens nhận ra một “mối đe dọa mơ hồ về sự vô nghĩa của cá nhân” đang tiềm ẩn. Mọi loại sự vật vô nghĩa đã bị cô lập khỏi cuộc sống hàng ngày; chúng đã bị kềm nén. Tuy nhiên, về mặt biện chứng tính tự phản ánh ngày càng tăng dẫn tới việc gia tăng khả năng quay trở lại của cái đã bị kềm nén. Giddens thấy chúng ta đang đi vào một thế giới mà trong đó “ở một cấp độ tập thể, các vấn đề hiện hữu/đạo đức của cuộc sống hàng ngày tự đẩy lùi bản thân chúng lại phía sau”. Thế giới bên ngoài thời hiện đại, đối với Giddens, là một thế giới định tính bởi “sự vãn hồi đạo đức”. Các vấn đề chủ yếu về đạo đức và tồn tại bị cô lập này sẽ chiếm vị trí yểm trợ trong một xã hội  mà Giddens xem là đã được dự báo và được chờ đón, trong tính tự phản ánh của của kỷ nguyên hiện đại muộn.
           
Giddens chọn ra nhiều chủ đề trong số này trong cuốn Chuyển biến của sự  riêng tư. Trong tác phẩm này, Giddens tập trung vào các chuyển biến đang diễn ra của sự riêng tư cho thấy sự vận động hướng tới một khái niệm quan trọng khác trong tư duy của Giddens về thế giới hiện đại - mối quan hệ thuần túy, hay, “một hoàn cảnh trong đó một quan hệ xã hội được xác lập chính vì nó, vì cái có thể phát sinh bởi mỗi cá nhân từ một gắn bó được duy trì với người khác; và được tiếp tục cho đến chừng nào mà cả hai bên đều cảm thấy thỏa đáng trong mối quan hệ đó”. Trong trường hợp sự riêng tư, một quan hệ thuần túy được định tính bởi sự thông tin về mặt tình cảm với bản thân và người khác trong một bối cảnh có sự tương đồng về giới tính và tình cảm. Sự dân chủ hóa của các quan hệ riêng tư có thể dẫn tới sự dân chủ hóa không chỉ về các quan hệ liên nhân vị nói chung, mà cả về trật tự vĩ mô-thể chế . Bản chất thay đổi của các quan hệ riêng tư, trong đó phụ nữ (các cuộc cách mạng tình cảm của thời hiện đại) là người dẫn dắt, và đàn ông là những người chậm chạp theo sau, có những hàm ý cách mạng đối với xã hội ở ý nghĩa một tổng thể.

Trong thế giới hiện đại, sự riêng tư gần gũi và quan hệ giới tính (và, như chúng ta đã thấy, nhiều thứ khác) đã bị cô lập. Tuy nhiên, trong khi sự cô lập này là sự giải phóng ở nhiều ý nghĩa khỏi sự riêng tư gần gũi trong các xã hội truyền thống, nó cũng tạo ra một sự kềm én. Nỗ lực có tính chất phản ánh để tạo ra các quan hệ riêng tư thuần túy phải được thực hiện trong một bối cảnh cách ly với các vấn đề luân lý và đạo đức. Tuy nhiên, sự sắp xếp hiện đại này rơi vào bên dưới áp lực khi mọi người, đặc biệt là phụ nữ, cố gắng xây dựng bản thân và những người khác. Như vậy, Giddens lý luận không phải vì sự giải phóng tình dục hay thuyết đa nguyên, mà đúng ra là cho một sự thay đổi lớn về mặt đạo đức và luân lý, một sự thay đổi mà ông xem là đã được thiết lập tốt trong các quan hệ riêng tư:

Chúng ta không cần chờ đợi dông dài một cuộc cách mạng xã hội-chính trị để có nhiều chương trình giải phóng hơn, hoặc là một cuộc cách mạng như thế sẽ giúp ích rất nhiều. Các quá trình cách mạng đã được thiết lập rất tốt trong cơ sở hạ tầng của đời sống cá nhân. Sự chuyển biến riêng tư gây sức ép lên tâm lý cũng như sự biến đổi xã hội và một biến đổi như thế, đi từ đầu đến cuối, có thể đang tiềm tàng mở rộng đâm nhánh qua các thể chế khác, có tính công cộng hơn.

Sự giải phóng tình dục, tôi nghĩ, có thể là trung gian của một sự tái tổ chức về mặt tình cảm trên diện rộng của đời sống xã hội.

XÃ HỘI CÓ NGUY CƠ

Chúng ta đã tiếp xúc với vấn đề nguy cơ trong tác phẩm của Giddens về thời  hiện đại. Như ông nói:

Thời hiện đại là một nền văn hóa có nguy cơ. Tôi không có ý nói rằng đời sống xã hội về bản chất có nhiều nguy cơ hơn trước, đối với phần đông dân chúng, điều này không thành vấn đề. Đúng hơn, khái niệm nguy cơ trở nên chủ yếu đối với cách thức tổ chức thế giới-xã hội của các actor và các chuyên gia kỹ thuật. Thời hiện đại giảm thiểu nguy cơ tổng thể của các lĩnh vực và kiểu hình cụ thể của đời sống, thế nhưng đồng thời nó đưa tới các biến số nguy cơ mới  ở quy mô lớn hoặc hoàn toàn chưa từng biết ở các kỷ nguyên trước đó.

Như vậy, Giddens đã diễn tả “hoàn toàn chính xác” luận đề của tác phẩm được thảo luận trong phần này. Cuốn Xã hội có nguy cơ: Hướng tới một thời hiện đại mới của Ulrich Beck.

Trong phạm vi của thảo luận này, tiểu tựa của tác phẩm của Beck có tầm quan trọng rất lớn, vì nó chỉ thị rằng ông ta, cũng như Giddens, phản đối nhận thức rằng chúng ta đã đi tới một thời kỳ hậu hiện đại. Đúng hơn, theo quan điểm của Beck, chúng ta tiếp tục tồn tại trong thế giới hiện đại, mặc dù trong một hình thức mới của thời hiện đại. Giai đoạn trước, giai đoạn “cổ điển” của thời hiện đại, gắn với xã hội công nghệ, trong  khi thời hiện đại mới nảy sinh gắn với xã hội có nguy cơ. Trong khi chúng ta vẫn chưa sống trong một xã hội có nguy cơ, chúng ta không còn sống chỉ duy nhất trong một xã hội công nghệ; nghĩa là, thế giới hiện thời có các nguyên tố của cả hai. Trong thực tế, xã hội có nguy cơ có thể được xem là một kiểu của xã hội công nghệ, vì nhiều nguy cơ trong số đó có thể truy nguyên tới công nghệ. Beck đưa ra cái nhìn tổng quát sau về viễn cảnh của ông:

Giống như sự hiện đại hóa giải quyết vấn đề cấu trúc của xã hội phong kiến ở thế kỷ 19 và tạo ra xã hội công nghệ, sự hiện đại hóa ngày này giải quyết xã hội công nghệ và một thời hiện đại mới đang biến thành thực tại… Luận đề của cuốn sách này là: chúng ta chứng kiến không phải là sự kết thúc mà là sự bắt đầu của thời hiện đại - nghĩa là, về một thời hiện đại nằm ngoài thiết kế công nghệ cổ điển của nó.

Vậy, thời hiện đại mới này là cái gì? Và xã hội có nguy cơ sẽ mang lại cái gì?

Beck gọi hình thức mới, hoặc tốt hơn là cái tên vừa mới nảy ra, là: “thời hiện đại có tính phản ánh” Một quá trình cá thể hóa đã diễn ra ở Châu Âu. Nghĩa là các tác nhân trở nên ngày càng thoát khỏi các kềm hãm cấu trúc, và, kết quả là, có khả năng tốt hơn để sáng tạo một cách có tính phản ánh không chỉ bản thân họ, mà cả các xã hội trong đó họ sống. Ví dụ, thay vì bị quyết định bởi các hoàn cảnh giai cấp của họ, mọi người hoạt động ít nhiều là cho chính họ. Được để lại các công cụ cho riêng họ, mọi người buộc phải có tính phản ánh hơn nữa. Beck đưa ra vấn đề về tầm quan trọng của tính phản ánh trong ví dụ về các quan hệ xã hội trong một thế giới như thế: “Các quan hệ xã hội và các hệ thống xã hội mới hình thành giờ đây phải được chọn lựa một cách cá thể; cũng vậy, các mối liên hệ ràng buộc xã hội đang trở nên phản ánh, để chúng có thể được thiết lập, duy trì và thường xuyên tân tạo bởi các cá thể”.

Beck thấy có một sự đổ vỡ trong thời hiện đại và một sự chuyển hoá từ xã hội công nghệ cổ điển sang xã hội có nguy cơ, mà, trong khi khác với các xã hội có trước, nó tiếp tục có nhiều đặc tính của xã hội công nghệ. Vấn đề trung tâm trong thời hiện đại cổ điển là tài sản và việc làm sao nó có thể được phân phối một cách công bình hơn. Trong thời hiện đại tiến bộ, vấn đề trung tâm là nguy cơ và việc làm thế nào để ngăn ngừa, tối thiểu hoá, hoặc định hướng dòng chảy cho nó. Trong thời hiện đại cổ điển, lý tưởng là sự công bằng, còn trong thời hiện đại tiến bộ, đó là sự an toàn. Trong thời hiện đại cổ điển, mọi người đạt được sự vững chắc trong việc tìm kiếm mục tiêu tích cực về sự bình đẳng, nhưng trong xã hội tiến bộ, nỗ lực để đạt được sự bền vững đó được tìm thấy trong việc tìm kiếm mục tiêu tiêu cực và có tính chất phòng vệ của việc thoát ra khỏi các hiểm nguy.

Các nguy cơ, ở một mức độ nhất định, được sản sinh ra bởi các nguồn tài sản trong xã hội hiện đại. Cụ thể, công nghệ và các ảnh hưởng bên lề của nó sinh ra một loạt hậu quả tai họa, kể cả cái chết, cho xã hội, và như là kết quả của sự toàn cầu hoá thế giới với nghĩa một tổng thể. Sử dụng các khái niệm thời gian và không gian, Beck đưa ra quan điểm rằng các nguy cơ hiện đại này không thể giới hạn về không gian (một sự cố nguyên tử ở một địa điểm có thể ảnh hưởng tới nhiều quốc gia) hay thời gian (một sự cố nguyên tử có thể có những ảnh hưởng di truyền cho nhiều thế hệ tương lai).

Trong khi giai cấp xã hội là trung tâm trong xã hội công nghệ và nguy cơ là chủ yếu trong xã hội có nguy cơ, nguy cơ và giai cấp không phải là không có quan hệ với nhau. Beck nói:

Lịch sử phân bố nguy cơ cho thấy rằng, giống như tài sản, các nguy cơ gắn liền với các khuôn mẫu giai cấp, chỉ là nghịch đảo lại: tài sản tích lũy ở trên cùng, các  nguy cơ ở dưới cùng. Tới mức độ này, các nguy cơ dường như củng cố, chứ không phải thủ tiêu, giai cấp xã hội. Sự nghèo nàn thu hút một lượng phong phú các nguy cơ. Trái lại, sự giàu có (về thu nhập, quyền lực, hay giáo dục) có thể mua được sự an toàn và sự vượt thoát khỏi nguy cơ.

Cái đúng với các giai cấp xã hội cũng đúng với các quốc gia. Nghĩa là, ở một mức độ có thể, các nguy cơ tập trung vào các quốc gia nghèo, trong khi các quốc gia giàu có thể đẩy lùi các nguy cơ ra càng xa càng tốt.  Hơn nữa, các quốc gia giàu còn hưởng lợi từ các nguy cơ chúng tạo ra, ví dụ, bởi việc sản xuất và bán các công nghệ kỹ thuật giúp ngăn ngừa các nguy cơ khỏi xảy ra hoặc xử lý các ảnh hưởng bất lợi nếu chúng đã xảy ra.

Tuy nhiên, cả các cá thể giàu có, cũng như các quốc gia tạo ra các nguy cơ đều không thể an toàn tránh khỏi các nguy cơ. Trong ngữ cảnh này, Beck thảo luận về cái mà ông gọi là “ảnh hưởng gậy ông đập lưng ông”, bởi vì các ảnh hưởng ngoài lề của nguy cơ  “tấn công trở lại thậm chí ở trung tâm của sự sản xuất của chúng. Bản thân các tác nhân của sự hiện đại hóa thực nghiệm bị cuốn vào vực xoáy của nguy cơ mà họ gây ra và hưởng lợi từ đó”.

Trong khi sự hiện đại hóa tiến bộ sản sinh ra các nguy cơ, nó cũng sản sinh ra tính phản ánh cho phép nó đặt nghi vấn về bản thân nó và các nguy cơ mà nó tạo ra. Trong thực tế, thường là chính bản thân dân chúng, những nạn nhân của các nguy cơ, bắt đầu phản ánh về các nguy cơ đó. Họ bắt đầu quan sát và tập hợp các dữ liệu về các nguy cơ và các hậu quả của chúng. Họ trở thành các chuyên gia, đặt ra các vấn đề về thời hiện đại tiến bộ và các tai ương của nó. Họ làm điều này, một phần là vì họ không còn có thể tin cậy vào các nhà khoa học để thực hiện thay cho họ. Thực ra, Beck rất khó khăn đối với các nhà khoa học vì vai trò của họ trong việc sáng tạo và duy trì xã hội có nguy cơ: “Khoa học đã trở thành người bảo vệ của một sự ô nhiễm toàn cầu đối với con người và thiên nhiên. Trong vấn đề này, không có gì là cường điệu khi nói rằng trong cách thức chúng xử lý các nguy cơ ở nhiều lĩnh vực, các môn khoa học đã đánh mất thanh danh về mặt lịch sử  đối với sự hợp lý của chúng”.

Trong khi ở xã hội công nghệ cổ điển, tự nhiên và xã hội bị tách biệt  nhau, trong xã hội công nghệ tiến bộ, tự nhiên và xã hội được đan bện  chặt chẽ vào nhau. Nghĩa là, các biến đổi trong xã hội thường ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên, và các biến đổi này, tới lượt, lại ảnh hưởng lên xã hội. Như vậy, theo Beck, ngày nay “tự nhiên là xã hội và xã hội cũng là tự nhiên”. Như vậy, tự nhiên đã bị chính trị hoá, với kết quả là các nhà khoa học tự nhiên, giống như các nhà khoa học xã hội, đã chính trị hoá tác phẩm của họ.

Lĩnh vực truyền thống của chính trị, chính phủ, đang đánh mất quyền lực vì các nguy cơ chủ yếu đang tỏa ra từ cái mà Beck gọi là ”các nền chính trị phụ” (sub politics), ví dụ, các công ty lớn, các phòng thí nghiệm khoa học và các thứ đại loại. Chính hệ thống chính trị phụ “là các cấu trúc của một xã hội mới đang thực thi theo các mục tiêu cuối cùng của sự tiến bộ trong kiến thức, nằm bên ngoài hệ thống nghị viện, không chống lại nó, mà chỉ đơn giản là làm ngơ nó”. Đây là một phần của cái mà ông gọi là “sự tháo bỏ chính trị”, nơi mà chính trị không còn dành lại cho chính phủ trung tâm, mà ngày càng trở nên là địa phận của các nhóm phụ khác nhau, cũng như của các cá thể. Các nhóm phụ và các cá thể này có thể có tính chất phản ánh và tự phê phán hơn là chính phủ trung tâm, và họ có khả năng phản ánh để xử lý tốt hơn dãy nguy cơ gắn liền với thời hiện đại tiến bộ. Như vậy, về mặt biện chứng, thời hiện đại tiến bộ đã sản sinh ra cả các nguy cơ không thể dự báo và các khả năng có tính phản ánh không thể dự báo để xử lý các nguy cơ  đó.

SIÊU HỢP LÝ, SỰ McDONALD HÓA VÀ MỸ HÓA

Ritzer đã nói về vấn đề thời hiện đại theo ba cách có quan hệ qua lại với nhau - thông qua các khái niệm về siêu hợp lý, sự McDonald hóa và sự Mỹ hóa.

Siêu hợp lý  (Hyperrationality)

Khái niệm về sự hợp lý được sử dụng để diễn tả thế giới duy lý cao độ ngày nay, đặc biệt là nền công nghệ Nhật Bản (Ritzer và LeMoyne; Falk, LeMoyne và Neustadlt). Ý tưởng về  siêu hợp lý rút ra từ các ý tưởng của Weber về sự hợp lý. Như chúng ta đã thấy, đối với Weber, thế giới hiện đại là một thế giới ngày càng trở nên duy lý. Cụ thể hơn, đó là một thế giới được định tính bởi sự hợp lý hình thức ngày càng tăng, và uy thế lớn dần của nó đối với các kiểu hợp lý khác - hợp lý thực chất, hợp lý lý thuyết và thực hành. Sự hợp lý hình thức bao gồm tầm quan trọng tăng dần của các cấu trúc (như chế độ bàn giấy) kềm hãm mọi người hành động theo một cung cách hợp lý trong sự chọn lựa các phương tiện cho các mục đích của họ. Sự hợp lý thực chất đòi hỏi sự thống trị của các tiêu chí và các giá trị trong việc chọn lựa hợp lý các phương tiện để đạt mục đích. Sự hợp lý lý thuyết xử lý các quá trình nhận thức hợp lý, trong khi sự hợp lý thực hành là sự hợp lý có tính chất đời thường mỗi ngày trong việc chọn lựa một cách hợp lý các phương tiện để đạt mục đích.    

Luận đề của Weber, dĩ nhiên, cho rằng sự hợp lý là sự phát triển nổi bật trong thế giới hiện đại, cũng như uy thế của nó đối với các kiểu hợp lý khác. Như vậy, khi chúng ta nói về thế giới hiện đại là có tính chất duy lý từ quan điểm này, điều chúng ta thực sự muốn nói là, nó có một mức độ hợp lý hình thức cao độ. Tuy nhiên, có những vấn đề rắc rối và các giới hạn cố hữu trong một hệ thống hợp lý hình thức. Các vấn đề rắc rối được xử lý trong lý thuyết Weber dưới cái tiêu đề sự phi lý và sự duy lý. Một ví dụ tốt cho cái nói sau là sự phi nhân tính hóa và sự làm sáng tỏ gắn liền với sự hợp lý hình thức đang tiến triển. Hạn chế quan trọng nhất là sự kiện rằng một hệ thống hợp lý hình thức rút từ các kiểu hợp lý khác ngày càng ít dần. Theo nhận thức này, một hệ thống hợp lý hình thức còn xa mới có đầy đủ tính chất hợp lý, bị nó hạ thấp hoặc làm ngơ vai trò các đóng góp tiềm ẩn của ba hình thức hợp lý kia. Dưới ánh sáng này, sự hợp lý hình thức chưa đạt tới mức hợp lý toàn diện.

Do vậy, ý tưởng về một siêu hợp lý đã nảy sinh để xác định một phát triển có thể xem là một bước đi ra bên ngoài sự thống trị của sự hợp lý hình thức - một nhận thức về các vấn đề có xu hướng dựa vào duy nhất sự hợp lý hình thức. Trong khi nó là một bước đi ra khỏi sự hợp lý hình thức, và do đó ra khỏi thời hiện đại như Weber xác định, siêu hợp lý được xem là một phần, hay sự mở rộng, của thời hiện đại vì nó tiếp tục là một hệ thống hợp lý. Vì nguyên nhân này siêu hợp lý không được xem là một phần của sự nảy sinh của một kiểu hệ thống hậu hiện đại nào đó.

Vậy siêu hợp lý là gì? Nói một cách đơn giản, một hệ thống siêu hợp lý là một hệ thống kết hợp và tương tác cả bốn hình thức hợp lý của Weber -  hình thức, thực chất, lý thuyết, thực hành. Hệ thống này được xem là có tính chất hợp lý (hoặc có tính chất siêu hợp lý)  hơn một hệ thống hợp lý hình thức vì nó sử dụng cả sự hợp lý hình thức và ba kiểu hợp lý còn lại. Như vậy, hệ thống siêu hợp lý có những thuận lợi lớn hơn hệ thống hợp lý hình thức, vốn không có đủ khả năng rút ra các tiêu chí và các giá trị để thúc đẩy mọi người xử sự theo một cung cách hợp lý, để sử dụng hoàn toàn các khả năng giải quyết vấn đề một cách hợp lý của mọi người, và để bóc lột một cách triệt để các khả năng của mọi người  trong việc tìm ra các cách thức hợp lý về mặt thực hành nhằm giải quyết các hoàn cảnh bình thường xảy ra hàng ngày. Ví dụ tốt nhất về một hệ thống siêu hợp lý và các thuận lợi của nó là nền kỹ nghệ Nhật Bản, đặc biệt là các hãng sản xuất quy mô lớn của công nghệ ô-tô . Chúng ta hãy kiểm tra sơ qua nền công nghệ này và hệ thống siêu hợp lý của nó, và so sánh nó với nền công nghệ ô-tô của Mỹ và độ tin cậy gần như hoàn toàn của nó, ít nhất cho tới gần đây, vào sự hợp lý hình thức.

Nền công nghệ ô-tô của Nhật và của Mỹ có cùng một quan tâm tới việc phát triển và mở rộng các hệ thống hợp lý hình thức. Phần lớn các thành công thời đầu của nền công nghệ ô-tô của Mỹ có thể truy nguyên tới các nỗ lực tiền phong của nó trong việc sáng tạo ra các hệ thống hợp lý hình thức, bao gồm sự quản trị khoa học, hệ thống dây chuyền, hệ thống phân phối của Tổng công ty Motor, vv… Sau Thế chiến II, nền công nghệ tự động của Nhật (và các nước khác) đã nghiên cứu các hệ thống hợp lý hình thức này, chuyển chúng sang Nhật, và điều chỉnh chúng theo các nhu cầu của người Nhật. Trong những năm gần đây hơn, người Nhật đã phát triển các hệ thống hợp lý hình thức của riêng họ (hệ thống đúng giờ, lao động thường trực) vượt xa khỏi các hệ thống của Mỹ.

Tuy nhiên, người Nhật không ngừng đẩy mạnh sự hợp lý hình thức tới gần mức độ logic cực đoan hơn của nó. Họ cũng bỏ xa đối thủ Mỹ của họ bằng cách khai thác toàn diện các kiểu hợp lý khác. Trong phạm vi hợp lý giá trị, nền công nghệ ô-tô của Nhật rút ra từ các giá trị chung của người Nhật như coi trọng nhóm hơn là cá thể, và thậm chí còn mở rộng chúng hơn bằng cách coi trọng các nhu cầu của một tập đoàn hơn là cá thể. Như vậy, những người lao động Nhật làm việc chăm chỉ không chỉ vì họ buộc phải làm theo các yêu cầu của hệ thống dây chuyền hợp lý hình thức, mà còn vì họ muốn đề cao các quan tâm của nhóm lao động của họ và của tổ chức sử dụng lao động. Trái lại, trong chủ nghĩa cá nhân cao độ ở Mỹ,  các công ty ô-tô không thể và sẽ không dựa vào các hệ thống giá trị lớn để thúc đẩy công nhân của họ tới một tầm cao mới trong sức sản xuất.

Có một sự tôn sùng sâu sắc đối với việc học hỏi và giáo dục, người Nhật cũng chấp nhận một vai trò quan trọng đối với sự hợp lý về tri thức trong công nghệ ô-tô. Ví dụ, họ chấp nhận một vai trò quan trọng đối với các kỹ sư và sử dụng thuê mướn một số lượng lớn trong công nghệ ô-tô. Trái lại, sự hợp lý về tri thức nói chung, và các kỹ sư nói riêng, đóng một vai trò nhỏ hơn trong nền công nghệ ô-tô của Mỹ. Như vậy, người Nhật có khả năng tốt hơn để vận dụng năng lực của các người lao động thông minh, được đào tạo tốt để tìm ra các cách thức mới nhằm cải tiến và đẩy nhanh tốc độ của quá trình sản xuất.

Cuối cùng, người Nhật vận dụng sự hợp lý thực hành của người lao động theo nhiều cách. Ví dụ đáng chú ý nhất là các nhóm phẩm chất trong đó các công nhân gặp gỡ nhau, thường là trong thời giờ riêng của họ, để trao đổi về các cách thức họ tìm ra trong các hoạt động ngày qua ngày của họ để cải tiến quá trình sản xuất. Như vậy, người Nhật có thể sử dụng các kỷ năng của cả các công nhân được đào tạo giỏi nhất cũng như  ít nhất  của họ. Trái lại, các đối thủ Mỹ của họ bỏ qua các đóng góp tiềm ẩn của các công nhân, ít kỳ vọng vào họ gì hơn ngoài tám giờ lao động một cách vô tư  hàng ngày.

Có nhiều ví dụ khác từ các trường hợp của cả người Mỹ và người Nhật làm sáng tỏ quan điểm của chúng tôi về bốn kiểu hợp lý. Tuy nhiên, điểm chủ yếu ở đây là nền công nghệ ô-tô của Nhật có thể khai thác cả bốn kiểu hợp lý, để tạo ra một hệ thống siêu hợp lý, trong khi nền công nghệ ô-tô của Mỹ hầu như  dựa vào duy nhất sự hợp lý hình thức. Siêu hợp lý cho phép nền công nghệ ô-tô Nhật đuổi kịp và rồi vượt xa nền công nghệ ô-tô của Mỹ vào những năm 1970 và 1980. Vào cuối những năm 1980 và bước sang những năm 1990, đã có những dấu hiệu rằng nền công nghệ Mỹ bắt đầu học được từ các thất bại của nó và từ những thành công của người Nhật, và bắt đầu tự điều chỉnh lại. Cách tiếp cận của nó với vấn đề, ở một mức độ lớn, là việc phát triển một hệ thống siêu hợp lý của chính nó.

Trong khi các chi tiết của sự so sánh này có tầm quan trọng lớn lao, điểm chủ yếu là sự phát triển của một hệ thống siêu hợp lý ở Nhật, và hiện nay ở một mức độ nhất định ở Mỹ, là nhất quán với một nhận thức về xã hội hiện đại và sự nhấn mạnh của nó tới sự hợp lý. Xã hội có thể có tính chất hợp lý hơn, thậm chí hiện đại hơn, nhưng tốt nhất là nó vẫn được xem là hợp lý và hiện đại. Tuy nhiên, đó là một đề xuất có tính xét đoán, và người ta có thể lập luận rằng một hệ thống siêu hợp lý thực sự có tính chất hậu hiện đại hơn là hiện đại. Ví dụ, sự kết hợp của cái có thể xem là một nhấn mạnh tiền hiện đại về các giá trị với một nhấn mạnh hiện đại về các cấu trúc hợp lý hình thức có thể được xem là một ví dụ tốt của loại chủ nghĩa chiết trung vốn là một đặc điểm của thuyết hậu hiện đại.

Sự McDonald hóa (The McDonaldization)

Vấn đề của thời hiện đại cũng nảy sinh từ cuốn Sự McDonald hóa của xã hội (Ritzer). Như trong trường hợp của siêu hợp lý, sự thúc đẩy lý thuyết là tác phẩm của Weber về sự hợp lý. Với sự McDonald hóa, tiêu điểm dành riêng cho sự hợp lý hình thức và sự kiện rằng nhà hàng fast-food thể hiện một mô hình hiện thời về sự hợp lý hình thức. Như vậy, người ta có thể lý luận rằng vào thời của Weber, mô hình về một hệ thống hợp lý hình thức là chế độ bàn giấy, trong khi nhà hàng fast-food ngày nay thể hiện một mô hình thậm chí còn tốt hơn về kiểu hợp lý này. Chế độ bàn giấy vẫn còn với chúng ta, nhưng nhà hàng fast-food minh họa tốt hơn cho kiểu hợp lý này, Điều này không chỉ hàm ý rằng sự hợp lý hình thức vẫn còn tồn tại, mà cả thế giới hiện đại trong đó hàm chứa kiểu hợp lý này – vốn là một thành tố chủ yếu của nó - cũng còn tồn tại.

Có bốn chiều kích của sự hợp lý hình thức - tính hiệu quả, tính có thể dự báo, một sự đề cao vào số lượng hơn chất lượng, và sự thay thế kỹ nghệ con người bằng kỹ nghệ phi con người - và kiểu hợp lý này có xu hướng mang theo với nó sự phi lý của sự hợp lý. Tính hiệu quả có nghĩa là việc tìm kiếm các phương tiện tốt nhất cho mục đích; ở nhà hàng fast-food, cửa sổ quay là một ví dụ tốt của việc nâng cao tính hiệu quả để lấy thức ăn. Tính có thể dự báo có nghĩa là một thế giới không có gì đáng ngạc nhiên cả; tiệm Big Mac ở Los Angeles không thể phân biệt với một tiệm ở New York; tương tự, thứ mà chúng ta tiêu thụ vào ngày mai hay sang năm sau chả có gì khác với thứ chúng ta ăn hôm nay. Các hệ thống hợp lý có xu hướng đề cao số lượng, thường là các số lượng lớn, hơn là chất lượng. Tiệm Big Mac là một ví dụ tốt của sự đề cao số lượng này. Thay vì các phẩm chất con người của một viên bếp trưởng, các nhà hành fast-food dựa vào các kỹ thuật phi con người như các thợ bếp không có tay nghề làm theo các hướng dẫn chi tiết và các phương pháp dây chuyền áp dụng cho việc nấu nướng và phục vụ thức ăn. Cuối cùng, một hệ thống hợp lý hình thức như thế mang theo với nó nhiều điều phi lý, đáng chú ý nhất là sự công khai và sự phi nhân tính hóa của kinh nghiệm ăn uống.

Như vậy, nhà hàng fast-food mang tới những tầm cao mới cho sự hợp lý hình thức nói chung, cũng như cho mỗi chiều kích cụ thể cụ thể của nó. Hơn nữa, vô số các thương vụ và các bộ phận khác của thế giới xã hội đang cạnh tranh nhau, một số hoặc tất cả các cách tân đã được đặt vào đúng chỗ bởi nhà hàng fast-food. Nếu chúng ta cân bằng sự hợp lý hình thức với thời hiện đại, khi này sự thành công và phổ biến của nhà hàng fast-food, cũng như mức độ mà ở đó nó phục vụ như là một mô hình đối với đa số phần còn lại của xã hội, chỉ ra rằng chúng ta tiếp tục sống trong một thế giới hiện đại. Củng cố cho lập luận này là sự kiện rằng nhà hàng fast-food có tính chất theo thuyết Ford ở nhiều cách, đáng chú ý nhất là mức độ mà ở đó nó vận dụng các nguyên tắc và kỹ thuật của dây chuyền sản xuất. Tương tự, nó được xây dựng trên các nguyên tắc công nghệ, do đó đi ngược lại với quan điểm rằng chúng ta đã đi tới một xã hội hậu hiện đại (Hage và Powers). Trong khi có thể có các biến đổi khác trong nền kinh tế ủng hộ cho ý tưởng về một xã hội hậu hiện đại, nhà hàng fast-food và nhiều nguyên tố khác của nền kinh tế đi theo mô hình của nó lại không ủng hộ cho quan điểm đó.

Gần đây nhất, Ritzer đã kiểm tra các thẻ tín dụng từ nhiều quan điểm khác nhau, bao gồm cả trên luận đề sự hợp lý. Có thể lập luận rằng cái mà thẻ tín dụng đã làm được là sự McDonald hóa việc tiếp nhận và tiêu dùng tín dụng. Thay vì thức ăn nhanh, cái mà ngân hàng hiện đại đang làm là phân phối tiền một cách nhanh chóng.

Mỗi chiều kích của sự McDonald hóa đều được áp dụng cho thẻ tín dụng. Toàn bộ quá trình đạt một khoản tiền vay đã được làm cho hiệu quả hơn. Thay vì một quá trình nộp đơn nặng nề và lâu lắc, chỉ một vài câu hỏi đơn giản cần trả lời. Và nếu nó vẫn chưa đủ hiệu quả, nhiều người thường đề nghị các thẻ được chuẩn y sẵn. Tính có thể dự báo được minh họa tốt nhất bởi sự kiện rằng thẻ tín dụng giúp cho việc tiêu thụ dễ dự báo hơn; người ta thậm chí có thể tiêu dùng mà không cần đến tiền mặt trong tay. Cái gây ân tượng đối với phần đông người là số lượng các thẻ mà họ có thể đạt được và các giới hạn tín nhiệm tập thể của những thẻ đó, với rất  ít quan tâm tới ảnh hưởng bất lợi của con số nợ khổng lồ lên chất lượng cuộc sống của họ. Các quyết định về việc phát hành hay không một thẻ mới hoặc gia hạn một thẻ ngày càng để lại cho các chương trình vi tính ngày càng phức tạp hơn với rất ít hoặc không có nền tảng tiếp xúc giữa con người. Cuối cùng, dịch vụ hợp lý hóa cao độ của thẻ tín dụng có một loạt các yếu tố phi lý, bao gồm sự phi nhân tính hóa gắn liền với việc xử lý các kỹ thuật phi con người và các nhân viên nhà băng giống hệt người máy, những người thực hiện  sự tương tác theo đúng kịch bản với các khách hàng.

Như vậy, thẻ tín dụng, cũng giống như nhà hàng fast-food, có thể xem là một phần của sự McDonald hóa của chúng ta, và do đó, cuối cùng là xã hội hiện đại. Ba ví dụ thảo luận ở đây - nền công nghệ ô-tô Nhật, nhà hàng fast-food và thẻ tín dụng - tất cả chỉ ra các tiến bộ trong sự hợp lý, và do đó, trong sự hiện đại hóa, so với các tiền thân của chúng – nền công nghệ ô-tô Mỹ, quán ăn địa phương và vay nợ cá nhân. Một tiến bộ như thế vẫn còn thuộc phạm vi của thời hiện đại hay không, hay chúng ta cần một khái niệm mới, chẳng hạn hậu hiện đại, để diễn tả nó? Ở một ý nghĩa nào đó, thực sự cái mà chúng ta gọi là gì không thành vấn đề, miễn là chúng ta nhận thức được nó là gì và nó khác với cái xảy ra trước như thế nào. Ở một ý nghĩa khác, chúng ta thực sự đang đặt một câu hỏi sai lầm. Chỉ một cái tên gọi riêng lẻ đã phục vụ cho việc thực hiện bạo lực đối với nhiều sự vật khác, điều này đang diễn ra trong thế giới xã hội. Chẳng hạn, trong khi chúng ta nhấn mạnh các điểm tương đồng giữa công nghệ ô-tô Nhật, nhà hàng fast-food và thẻ tín dụng, cũng có những khác biệt quan trọng giữa chúng. Mặt khác, thậm chí nếu chúng ta có thể bao gồm nó dưới một tiêu đề riêng lẻ, như, thời hiện đại, có thể có nhiều hiện tượng đương thời khác không thể bao gồm một cách thuận tiện dưới một tiêu đề như vậy.

Điều mà chúng tôi có thể nói, với đôi chút tự tin, là ba trường hợp đã thảo luận ở đây cho thấy rằng sự hợp lý, và do đó, thời hiện đại, vẫn còn tồn tại và tồn tại tốt trong thế giới hiện thời. Ngay cả nếu mọi thứ khác đều rơi vào cái tiêu đề của thuyết hậu hiện đại (mà điều này có tính chất nghi vấn cao độ), sự tiếp diễn của ít nhất một số nguyên tố hiện đại đã đưa vào nghi vấn ở mức tối thiểu những xác quyết cực đoan nhất của thuyết hậu hiện đại. Cực đoan hơn, nếu nhiều khía cạnh khác của thế giới ngày này cũng có thể được thấy rằng tốt hơn nên diễn tả là hiện đại, thì các xác quyết rằng chúng ta đã đi vào một thế giới hậu hiện đại có thể hoặc là quá hấp tấp, hoặc là sai lầm.

Sự Mỹ hóa (Americanization)

Một vấn đề thứ ba liên quan tới thời hiện đại ngụ ý trong tác phẩm của Ritzer về các nhà hàng fast-food, và tiêu điểm ngoại hiện trong phân tích về các thẻ tín dụng của ông, là sự Mỹ hóa. Nước Mỹ nhìn chung được xem là trung tâm của thời hiện đại và có quan hệ sâu sắc với sự xuất khẩu các hình thức của thời hiện đại tới phần còn lại của thế giới. Nói cách khác, ủng hộ cho ý tưởng về một sự Mỹ hóa đang tiếp diễn của thế giới có xu hướng củng cố thêm cho thời hiện đại hơn là một viễn cảnh hậu hiện đại.

Những thẻ tín dụng không chỉ nhất quán với sự hợp lý hóa, mà chúng còn liên quan sâu sắc tới quá trình Mỹ hóa. Nghĩa là, thẻ tín dụng là một phát minh của người Mỹ đã được xuất khẩu, ở một mức độ ngày càng cao, tới các quốc gia khác trên thế giới. Các thẻ tín dụng chủ yếu của thế giới, đặc biệt là hộ chiếu, Master card và American Express – tất cả là các sáng tạo của người Mỹ, vẫn tiếp tục được vận dụng ở Mỹ. Trong khi các quốc gia khác đã tạo ra các thẻ tín dụng của riêng họ (ví dụ, thẻ JCB của Nhật, Barclay card của Anh), chúng chỉ là những người tí hon nếu so sánh với những người khổng lồ Mỹ. Trong khi thị trường thẻ tín dụng của Mỹ vẫn chưa bão hòa, các khu vực tăng trưởng lớn vào thời điểm này và trong tương lai là ở các phần khác của thế giới. Như  vậy các công ty thẻ tín dụng Mỹ hiện đang thực hiện một nỗ lực kinh khủng để mở rộng các thị trường trên phạm vi toàn thế giới. Sự kinh doanh thẻ tín dụng trên khắp thế giới từ lâu đã bị Mỹ hóa, và trong tương lai thậm chí sẽ còn hơn thế. Ngoài ra, thẻ tín dụng cũng giúp cho sự Mỹ hóa các xã hội khác bằng cách mang tới cho chúng các phương tiện trao đổi của người Mỹ, cũng như sự mở rộng nền văn hóa của người tiêu dùng đi liền với sự tăng trưởng của thẻ tín dụng.

Như vậy, có nhiều cái để tán thành cho ý tưởng rằng thẻ tín dụng đang nâng cao sự hợp lý hóa, sự Mỹ hóa, và cuối cùng là thời hiện đại. Tuy nhiên, có những chứng cứ chống lại đã chỉ ra một sự liên kết nào đó giữa thẻ tín dụng và một xã hội hậu hiện đại. Ví dụ, trong khi thẻ tín dụng có thể được dùng để mua các sản phẩm được sản xuất đại trà của một xã hội hiện đại, chúng cũng có thể được sử dụng dễ dàng như thế để mua các sản phẩm theo yêu cầu khách hàng của một xã hội hậu hiện đại. Tương tự, trong khi thẻ tín dụng Mỹ có thể được dùng ở các quốc gia khác để mua các sản phẩm hàng hóa Mỹ, chúng cũng có thể được sử dụng để mua các thứ hàng hóa bản xứ, do đó đóng góp cho sự đa dạng hóa hơn là thống nhất hóa. Tuy nhiên, rốt lại, thẻ tín dụng, giống như các nhà hàng fast-food, ít nhất như chúng được thiết lập hiện nay, có nhiều điểm chung với thời hiện đại hơn là thời hậu hiện đại.

Có nguy cơ hay không?

Một trong những điều có vẻ mâu thuẫn trong thảo luận này là sự nhấn mạnh vào tác phẩm của Giddens và đặc biệt là của Beck về nguy cơ trong xã hội hiện đại trái với tính có thể dự báo mà Ritzer xem như  là một đặc tính của các xã hội McDonald hóa. Một thế giới có thể dự báo là một thế giới không có gì phải ngạc nhiên, bao gồm cả sự ngạc nhiên được tạo ra bởi việc thực hiện các nguy cơ. Hai quan điểm này có thể hòa giải được hay không?

Giddens và Beck vận hành ở một cấp độ phân tích, trong khi Ritzer hoạt động ở một cấp độ hoàn toàn khác. Giddens và Beck quan tâm chủ yếu đến các sự kiện và hoàn cảnh đặc biệt khác thường, chẳng hạn các sự cố gắn liền với kế hoạch năng lượng và vũ khí nguyên tử. Rõ ràng ở đây có những nguy cơ rất lớn, những nguy cơ có thể có ảnh hưởng bất lợi xuyên qua các khoảng thời gian và không gian rộng lớn. Trái lại, Ritzer tập trung vào các khía cạnh bình thường của cuộc sống của chúng ta, ví dụ các món hamburger hay bánh thịt chiên dòn mà chúng ta ăn vào giờ ăn trưa, hay những thẻ tín dụng mà chúng ta dùng để trả cho các món ăn nhanh đó. Cũng rõ ràng là, ở đây có rất ít, nếu có, các nguy cơ – chúng ta sẽ có thứ bánh mì nhân thịt hay bánh mì chiên chúng ta thích và nhà hàng fast-food sẽ được thanh toán bởi các công ty tín dụng.

Nhưng có một vấn đề sâu hơn ở đây: Các sự kiện và hoàn cảnh mà Giddens và Beck mô tả có thể bị Mc Donald hóa hay không? Tôi nghĩ rằng câu trả lời là không những chúng có thể bị McDonald hóa, mà chúng còn có thể được hợp lý hóa tới một mức độ rất cao. Một dự án năng lượng hạt nhân tất nhiên phải vận hành một cách hiệu quả, hoạt động có thể dự báo được, dựa vào các đo lường số lượng, và sử dụng một dãy rộng các kỹ thuật phi nhân tính hóa, nhưng giống như mọi kiểu hệ thống McDonald hóa khác, nó sản sinh ra các phi lý của sự hợp lý, bao gồm cả tai nạn sự cố rất hiếm họa nhưng có tính chất hủy diệt.

Ngoài ra, lý thuyết Weber về sự hợp lý, đặc biệt là nhận thức của nó về tính phi lý của sự hợp lý, lý giải rất tốt cho phần lớn các nguy cơ được Giddens và Beck diễn tả. Phần lớn các tập hợp nguy cơ đã được hợp lý hóa ở một mức độ cao, nhưng các phi lý cho đến nay vẫn là một khả năng. Trong thực tế, Beck đưa ra quan điểm này, nhưng nằm trong ngữ cảnh của một sự bác bỏ sai lầm luận đề của Weber: “Khái niệm của Max Weber về ‘sự hợp lý hóa’ không còn dính dáng với thực tại hiện đại muộn này, vốn được sinh ra từ một sự hợp lý hóa thành công. Cùng với khả năng tăng dần về các chọn lựa kỹ thuật, tính chất không thể lường trước được của các hậu quả của chúng cũng tăng dần.” Vấn đề là các phi lý gắn liền với công việc khó khăn có nhiều nguy cơ có tính gây ra hậu quả lớn hơn rất nhiều so với những việc làm gắn liền với một nhà hàng fast-food. Một sự cố hạt nhân trầm trọng hơn rất nhiều so với một cái bánh bị khét hay một cuộc thanh toán bằng thẻ tín dụng bị từ chối.

Khi Beck đánh bạo đi vào lĩnh vực bị bao trùm bởi sự McDonald hóa, ông đến rất gần việc lặp lại luận đề này:

Sự cá tính  hóa có nghĩa là sự phụ thuộc thị trường trong tất cả mọi chiều kích của đời sống. Các hình thức của sự tồn tại nảy sinh là một thị trường đại chúng vắng vẻ, không tự ý thức về chính nó, và sự tiêu thụ đại chúng của, nói chung, việc thiết kế nhà cửa, trang trí, các thứ sử dụng hàng ngày, cũng như các ý kiến, các thói quen, các thái độ và cách sống được công bố và điều chỉnh thông qua truyền thông đại chúng. Nói cách khác, sự cá tính hóa chuyển giao mọi người cho một sự kiểm soát bên ngoài và một sự chuẩn mực hóa không được biết đến trong các vùng đất của các nền văn hóa gia tộc và phong kiến.

Tương tự, trong thế giới của nhiều lựa chọn có tính phản ánh của ông, Giddens thấy có cái gì đó giống như sự McDonald hóa trong cùng một lĩnh vực mà Ritzer khai thác: “Tất nhiên, có những ảnh hưởng tiêu chuẩn hóa rất đáng chú ý dưới hình thức của sản xuất hàng hóa”. Tổng quát hơn, Giddens nói: “Các hệ thống trừu tượng của thời hiện đại tạo ra các lĩnh vực rộng lớn của sự an toàn tương đối cho sự tiếp nối của đời sống ngày qua ngày,”

Thế nhưng một điểm khác biệt khác là sự kiện rằng Giddens (Anh) và Beck (Đức) viết từ một quan điểm của Châu Âu, trong khi Ritzer viết từ một quan điểm của người Mỹ. Châu Âu của những năm 1970 và 1980, khi mà cả ba lý thuyết gia này đang hình thành các ý tưởng của họ, là những năm của cuộc đối diện Đông –Tây và của nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Nguy cơ đó được cảm nhận một cách mạnh mẽ hơn ở Châu Âu so với ở Mỹ, một phần vì Châu Âu sát gần bên Liên Xô, một phần vì kinh nghiệm trực tiếp của nó với những tàn phá của chiến tranh. Tình cảm này làm cho Giddens nói rằng, ví dụ, “Thế giới mà chúng ta đang sống hôm nay là một thế giới đầy những hiểm nguy”. Trong khi ở khá xa mối nguy cơ đó, như một quy luật, những người Mỹ có khuynh hướng xem thế giới không quá gần với nguy cơ như vậy.

THỜI HIỆN ĐẠI VÀ SỰ DIỆT CHỦNG

Trong khi mô hình hiện đại của Ritzer về sự hợp lý hình thức là nhà hàng fast-food, đối với Zygmunt Bauman, đó là sự diệt chủng, sự hủy diệt có hệ thống người Do Thái bởi bọn quốc xã. Bauman nhận định: “Được xem như là một hoạt động phức tạp có mục đích, sự diệt chủng người Do Thái có thể là một mô hình của sự hợp lý của chế độ bàn giấy hiện đại”. Đối với nhiều người dường như khá bẩn thỉu khi thảo luận về nhà hàng fast-food và sự diệt chủng trong cùng một ngữ cảnh. Thế nhưng, có một giới tuyến rõ ràng trong tư duy xã hội học về sự hợp lý hiện đại từ chế độ bàn giấy tới sự diệt chủng và rồi tới nhà hàng fast-food. Các nguyên tắc của Weber về sự hợp lý có thể được áp dụng một cách hữu hiệu và đầy đủ ý nghĩa cho từng trường hợp. Những tên thủ phạm của sự diệt chủng sử dụng chế độ bàn giấy như là một trong những công cụ chủ yếu của chúng. Các điều kiện làm cho sự diệt chủng có thể xảy ra, đặc biệt là hệ thống hợp lý hình thức, vẫn còn tồn tại ngày nay. Thực ra, cái mà quá trình McDonald hóa chỉ ra không phải chỉ là các hệ thống hợp lý một cách hình thức vẫn còn dai dẳng, mà là chúng đang mở rộng một cách sâu sắc. Như vậy, theo quan điểm của Bauman, dưới tập hợp các hoàn cảnh đúng đắn, thế giới hiện đại có thể trưởng thành nhờ một sự việc kinh tởm thậm chí còn hơn cả nạn diệt chủng người Do Thái ( nếu một chuyện như thế có thể xảy ra).

Thay vì xem sự diệt chủng Do Thái là một sự cố kinh tởm, như phần đông mọi người, Bauman xem nó ở nhiều cách là một khía cạnh “bình thường” của thế giới hiện đại, hợp lý:

Sự thật là mỗi thành tố của sự diệt chủng Do Thái – tất cả trong nhiều thứ đã làm cho nó có thể xảy ra - là bình thường; “bình thường” không phải ở ý nghĩa  của sự quen thuộc… nhưng trong ý nghĩa hoàn toàn gắn bó với mọi sự chúng ta biết về nền văn minh của chúng ta, tinh thần dẫn đạo của nó, viễn tượng nội tại về thế giới của nó.

Như vậy, nạn diệt chủng Do Thái, đối với Bauman, là một sản phẩm của thời hiện đại, và không phải, như phần đông mọi người vẫn nghĩ, là kết quả của một sự đổ vỡ của thời hiện đại. Theo cách nói của Weber, có một “quan hệ thân thuộc có chọn lọc” giữa nạn diệt chủng và thời hiện đại.

Ví dụ, nạn diệt chủng bao gồm việc ứng dụng các nguyên tắc cơ bản của sự công nghệ hóa nói chung, và hệ thống nhà máy nói riêng, cho việc hủy diệt con người:

(Auschwitz) cũng là một sự mở rộng bình thường của hệ thống nhà máy hiện đại. Thay vì sản xuất hàng hóa, nguyên liệu là con người và sản phẩm cuối cùng là cái chết, rất nhiều đơn vị hàng ngày được đánh dấu trên biểu đồ sản xuất của người giám đốc. Các ống khói, cái biểu trưng chủ yếu cho hệ thống nhà máy hiện đại, tuôn ra từng luồng khói a-xít được sinh ra từ việc thiêu thịt người. Hệ thống đường ray xe điện được tổ chức một cách thông minh của Châu Âu hiện đại chở một loại nguyên liệu mới tới các nhà máy. Nó thực hiện điều này cũng hệt như cung cách đối với các loại hàng hóa khác… các kỹ sư thiết kế các lò thiêu, các viên giám đốc thiết kế các hệ thống bàn giấy hoạt động với một sự say mê và đầy hiệu quả… Những gì chúng ta chứng kiến không có gì kém hơn một lược đồ lớn của công trình xã hội.

Cái mà bọn quốc xã đã thực hiện thành công là kết hợp các thành tựu hợp lý của công nghệ và chế độ bàn giấy, và rồi đem cả hai thứ này tới đối tượng là sự hủy diệt con người. Thời hiện đại, như  được gắn vào các hệ thống hợp lý này, không phải là một điều kiện hoàn hảo cho sự diệt chủng, nhưng rõ ràng nó là một điều kiện cần thiết. Không có thời hiện đại và không có sự hợp lý “sự diệt chủng sẽ có thể không được nghĩ ra”.

Chế độ bàn giấy Đức làm nhiều hơn là thực hiện sự diệt chủng, ở một nhận thức thực tế, nó đã tạo ra sự diệt chủng. Công việc “đuổi cổ bọn người Do Thái”, như Hitler xác định, đã được chọn lọc bởi bọn công chức Đức, và khi chúng giải quyết một loạt các vấn đề hàng ngày, sự hủy diệt hàng lọat nảy sinh ra như là một phương tiện tốt nhất cho mục đích như nó đã được Hitler và bọn tay sai của y xác định. Do vậy, Bauman lý luận rằng sự diệt chủng Do Thái không phải là kết quả của sự phi lý, hay của hành động dã man tiền hiện đại, mà đúng hơn nó là sản phẩm của chế độ bàn giấy hợp lý, hiện đại. Không phải sự diệt chủng do những bọn quá khích điên cuồng tạo ra, mà đúng hơn là do bọn có đầu óc cực kỳ hợp lý và mặt khác hoàn toàn bình thường tạo ra.

Trong thực tế, các nỗ lực trước đó, ví dụ, các cuộc tàn sát phi lý và cảm tính người Do Thái dưới thời Nga Hoàng, không thể đạt tới sự hủy diệt hàng loạt đã định tính cho sự diệt chủng Do Thái. Một cuộc thảm sát hàng loạt như thế đòi hỏi một hoạt động bàn giấy hóa và hợp lý cao độ. Một sự bộc phát phi lý như một cuộc tàn sát có thể giết một vài người, nhưng nó không bao giờ thành công trong việc hủy diệt hàng loạt với quy mô được thực hiện trong cuộc diệt chủng. Như Bauman nhận định: “Sự điên cuồng giận dữ là những công cụ thô sơ và không hiệu quả một cách đáng thương trong sự hủy diệt hàng loạt. Chúng thường cạn kiệt truớc khi công việc được thực hiện xong”. Trái lại, tội ác diệt chủng như đã được gây ra bởi bọn quốc xã có một mục đích dường như hợp lý, là sự sáng tạo ra một xã hội “tốt hơn” (không may là, đối với bọn quốc xã, một xã hội tốt hơn là một xã hội không có “những tên quỷ sứ” Do Thái). Và bọn quốc xã và hệ thống bàn giấy của chúng đi tới chỗ đạt được mục tiêu đó bằng một cung cách lạnh lùng và có phương pháp.

Không như phần đông các quan sát viên, Bauman không xem chế độ bàn giấy là một công cụ trung gian có thể đẩy theo bất kỳ chiều nào. Ông xem nó là “một hạt xúc xắc đang lăn”. Trong khi nó có thể được sử dụng hoặc cho tội ác hoặc cho các mục đích nhân bản, nó có vẻ ủng hộ cho các quá trình phi nhân hơn. “Nó được lập trình để đo lường các điều kiện thuận lợi nhất theo nghĩa không phân biệt giữa một đối tượng con người và một đối tượng con người khác, hoặc giữa các dối tượng con người và không phải con người.” Được đưa ra các đặc tính cơ bản của nó, chế độ bàn giấy có thể đẩy công việc phi nhân tới giới hạn cuối cùng, và vượt khỏi. Ngoài các hoạt động bình thường, các chế độ bàn giấy có một số thiểu năng phổ biến, và chính chúng cũng tạo thuận lợi cho sự diệt chủng. Ví dụ, các phương tiện thường trở thành mục đích ở các chế độ bàn giấy, và trong trường hợp này, các phương tiện, sự giết chóc, thường đi đến chỗ trở thành mục đích.

Tất nhiên, chế độ bàn giấy và các quan chức của nó không thể và không tạo ra sự diệt chủng bởi chính chúng; đòi hỏi phải có các yếu tố khác. Chẳng hạn, có một sự kiểm soát không thắc mắc của bộ máy nhà nước với độc quyền của nó về các phương tiện bạo lực đối với phần còn lại của xã hội. Nói cách khác, nếu có, thì cũng rất ít các cơ sở quyền lực đối kháng trong chủ nghĩa quốc xã Đức. Và nhà nước, dĩ nhiên, bị kiểm soát bởi Hitler, kẻ có khả năng buộc nhà nuớc phải thực hiện mệnh lệnh của mình. Một ví dụ khác, có một hình thức hiện đại và hợp lý có tính phân biệt của chủ nghĩa chống Xe-mít, trong đó người Do Thái bị cô lập với phần còn lại của xã hội và được mô tả như thể họ ngăn cản nước Đức trở thành một xã hội “hoàn hảo”. Để đạt được mục tiêu này, người Đức đã hủy diệt những ai đứng trên con đường đi tới một xã hội hoàn hảo. Khoa học Đức (bản thân nó hợp lý hóa cao độ) được sử dụng để giúp định nghĩa người Do Thái như là những người khiếm khuyết. Một khi đã bị xác định là khiếm khuyết, và là sự cản trở đối với một xã hội hoàn hảo, tiếp theo, giải pháp duy nhất là sự loại bỏ họ. Và một khi đã được quyết định rằng họ phải bị loại trừ, vấn đề quan trọng đối mặt với chế độ bàn giấy là tìm ra cách thức hiệu quả nhất để đưa việc này tới điểm kết thúc.

Một yếu tố khác là không có chỗ cho các quan tâm về đạo đức trong các cấu trúc hiện đại như các chế độ bàn giấy. Việc tiêu diệt người Do Thái đúng hay sai không phải là vấn đề. Sự vắng mặt của các quan tâm đạo đức như thế là một lý do khác để cho rằng sự diệt chủng Do Thái là một hiện tượng hiện đại.

Sự diệt chủng có mọi đặc tính của sự McDonald hóa. Tất nhiên có một sự đề cao tính hiệu quả. Ví dụ, khí đốt được quyết định là một phương pháp có hiệu quả hơn rất nhiều để giết một số lượng lớn người so với đạn. Sự diệt chủng có tính có thể dự báo của một dây chuyền sản xuất, với những chuỗi dài các chuyến xe hoả đi vào các trại tử thần, những hàng dài con người bị đưa vào dưới những chiếc “vòi hoa sen”, và “sự sản xuất” hàng khối lớn tử thi đưa ra ở cuối quá trình. Có thể tính toán được theo nghĩa rằng sự nhấn mạnh là các yếu tố về mặt số lượng, chẳng hạn như bao nhiêu người có thể bị giết và thời gian ngắn đến mức nào.                    

Đối với các nhà quản lý hỏa xa, sự ăn khớp đầy đủ ý nghĩa duy nhất của đối tượng của họ là theo nghĩa bao nhiêu tấn mỗi kilô mét. Họ không quan tâm gì tới việc đó là người, cừu hay dây thép gai; họ chỉ quan tâm tới hàng hóa, và điều này có nghĩa rằng đó là một thực thể chứa đựng hoàn toàn các con số đo lường và trống rỗng về chất lượng. Đối với phần lớn các công chức, ngay cả một phạm trù như hàng hóa cũng mang ý nghĩa nghiêm ngặt là một sự giới hạn về chất lượng. Họ chỉ quan tâm đến các ảnh hưởng tài chính của các hành động của họ. Đối tượng của họ là tiền.

Hẳn nhiên có rất ít chú ý đến chất lượng của đời sống, hay thậm chí cả cái chết, của những người Do Thái khi họ nối nhau đi vào các lò khí đốt. Ở một nhận thức về mặt số lượng, sự diệt chủng là cái cực đoan nhất của những cuộc hủy diệt hàng loạt:    

Như mọi thứ khác được thực hiện trong phương pháp hiện đại – hợp lý, có hoạch định, được thông tin một cách khoa học, có chuyên môn, quản lý một cách hiệu quả, sự cộng tác – sự diệt chủng bỏ qua và làm xấu hổ mọi thứ được coi là tương đương với nó, so với nó chúng chỉ có tính chất sơ khai, lãng phí và không hiệu quả. Như mọi thứ khác trong xã hội hiện đại của chúng ta, sự diệt chủng là một sự thành tựu ở mọi khía cạnh ưu việt... Nó vượt xa so với các thời kỳ diệt chủng trong quá khứ.

Cuối cùng, sự diệt chủng sử dụng các kỹ thuật phi con người, như các nguyên  tắc và quy định của các trại tập trung và sự vận hành dây chuyền của các lò thiêu, để kiểm soát cả tù nhân và lính gác.

Tất nhiên, đặc tính của sự McDonald hóa thích ứng nhất với sự diệt chủng là tính phi lý của sự hợp lý, đặc biệt là sự phi nhân hóa. Ở đây Bauman sử dụng ý tưởng về sự phân cách để đưa ra quan điểm rằng các nạn nhân có thể bị phi nhân hóa vì các công  chức ra các quyết định về họ mà không có sự tiếp xúc về mặt con người với họ. Hơn nữa, các nạn nhân phải chịu sự chuyển dịch, phải đeo các bảng số, họ không còn là con người nữa.  Nói tóm tắt, “bộ máy công chức Đức bị đặt vào việc phục dịch cho một mục tiêu không thể hiểu được ở tính chất phi lý của nó”.        

Một trong những quan điểm thú vị nhất của Bauman là hệ thống hợp lý được đặt vào đúng chỗ bởi chế độ quốc xã đã đi tới chỗ bao gồm cả các nạn nhân, những người Do Thái. Cư dân Do Thái bị biến thành “một sự mở rộng của cỗ máy sát nhân”. Như vậy:

Các nhà lãnh đạo của các cộng đồng bất hạnh thực hiện phần lớn  các công việc bàn giấy sơ khai mà sự vận hành đòi hỏi (cung cấp cho bọn quốc xã các số liệu và lưu giữ các hồ sơ về các nạn nhân tương lai của chúng), giám sát các hoạt động sản xuất và phân phối cần thiết để giữ các nạn nhân sống sót cho tới thời điểm các lò khí đốt sẵn sàng đón nhận họ, kiểm soát cư dân bị bắt để các công việc luật pháp và trật tự không kéo giãn các tài khéo và tiềm năng của các tù nhân, bảo đảm an ninh cho sự trôi chảy êm đềm của quá trình hủy diệt bởi việc ấn định các đối tượng của các bối cảnh hoạt động thành công của nó, chuyển giao các đối tượng được chọn lựa tới các địa điểm mà từ đó họ có thể được tập hợp một cách khá lặng lẽ, và huy động các tiềm năng tài chính cần thiết để trả cho chuyến lữ hành cuối cùng.

(Điều này tương đương với ý tưởng rằng trong một thế giới Mc.Donald hóa, người tiêu dùng trở thành những công nhân không có lương trong hệ thống, tự làm món salad cho họ, tự dọn bàn cho họ, vv...). Trong một cuộc “thảm sát bình thường”, những kẻ sát nhân và nạn nhân bị  cách ly với nhau. Những sát thủ dự định làm một cái gì đó thật kinh khủng đối với các nạn nhân của chúng, mà kết quả là có thể sẽ có sự chống cự của các nạn nhân. Tuy nhiên, một sự chống cự như thế ít có khả năng xảy ra khi các nạn nhân là một bộ phận của một “hệ thống” được tạo ra bởi những thủ phạm.  

Trong hành động của họ, những người Do Thái cộng tác với bọn quốc xã đã hành động hợp lý. Họ đang thực hiện điều cần thiết để, ví dụ, giữ cho họ sống sót, hoặc được chọn  là những người xứng đáng với một sự đối xử đặc biệt, nhiều ân huệ hơn. Thậm chí, họ sử dụng các công cụ hợp lý, ví dụ, tính toán rằng sự hy sinh một vài người sẽ cứu vớt nhiều người, hoặc nếu họ không cộng tác sẽ có nhiều người chết hơn. Tuy nhiên, cuối cùng thì các hành động như thế là phi lý vì chúng giúp xúc tiến quá trình thảm sát và làm giảm đi khả năng chống cự lại nó.                  

Thời hiện đại tự hào vì đã văn minh hóa, vì có những lính bảo an đúng chỗ để những thứ như nạn diệt chủng không bao giờ có thể xảy ra. Nhưng nếu nó xảy ra, những người lính bảo an không đủ sức để ngăn ngừa nó. Ngày nay, các lực lượng hợp lý vẫn còn đúng chỗ và, nếu có, mạnh hơn. Và có rất ít người cho rằng lực lượng lính bảo an cần thiết để ngăn ngừa sự hợp lý hoá khỏi lồng lên đã mạnh hơn so với những năm 1940. Như Bauman nói, “Không có một điều kiện xã hội nào làm cho sự kiện Auschwitz trở nên khả dĩ đã thật sự mất đi, và không có một cách đo lường hiệu quả nào đã được thực hiện để ngăn ngừa các tai hoạ giống như Auschwitz.” Sự cần thiết để ngăn ngừa một sự cố Auschwitz khác đòi hỏi phải có các lực lượng đạo đức và chính trị đa nguyên. Nhưng có khả năng sẽ có lúc một lực lượng đơn độc chiếm ưu thế và ít có gì để chúng ta tin rằng một hệ thống đạo đức đủ mạnh được đặt đúng chỗ để ngăn ngừa một sự hợp lưu khác của một nhà lãnh đạo có quyền lực và  một bộ máy công chức khát khao và sẵn sàng phục vụ.

DỰ ÁN CHƯA HOÀN TẤT CỦA THỜI HIỆN ĐẠI

Tôi khép lại chương này với các tư tưởng của Jurgen Habermas, người không chỉ có thể xem là lý thuyết gia xã hội hàng đầu ngày nay, mà cũng là người bảo vệ hàng đầu của thời hiện đại và sự hợp lý trong cuộc tấn công vào các tư tưởng của các nhà hậu hiện đại (và những người khác). Theo Seidman: 

Trái với các nhà trí thức đương thời đã đi theo một lập trường chống hiện đại hoặc hậu hiện đại, Habermas xem các trật tự thể chế của thời hiện đại đã cấu trúc nên sự hợp lý. Trong khi nhiều nhà trí thức trở nên hoài nghi yếm thế về tiềm năng giải phóng của thời hiện đại... Habermas tiếp tục quả quyết về tiềm năng lý tưởng của thời hiện đại. Ở một ngữ cảnh xã hội trong đó niềm tin vào dự án của Trào lưu ánh sáng về một xã hội tốt đẹp được cổ vũ bởi lý trí đã thấy một niềm hy vọng phai nhoà và thần tượng bị hất đổ, Habermas vẫn còn là một trong những người bảo vệ mạnh mẽ nhất của nó.

Habermas xem thời hiện đại là một “dự án chưa hoàn thành”, ngụ ý rằng còn nhiều thứ phải được thực hiện trước khi chúng ta có thể nghĩ tới khả năng về  một thế giới hậu hiện đại.

Trong Chương 10, chúng ta đã điểm qua phần lớn tư duy của Habermas về thời hiện đại trong thảo luận về tư tưởng của ông về hệ thống, thế giới-đời sống và sự thực dân hoá của thế giới đời sống bởi hệ thống. Như chúng ta đã thấy, Habermas  xem thời hiện đại tự nó biến thể chính nó. Với điều này, ông có ý nói rằng sự hợp lý (phần lớn là sự hợp lý hình thức) đã định tính các hệ thống xã hội khác với, và xung đột với, sự hợp lý đã định tính thế giới-đời sống. Các hệ thống xã hội đã trở nên  ngày càng phức tạp, khác biệt, được hòa hợp và định tính bởi nguyên nhân có tính phương tiện. Thế giới-đời sống, cũng vậy, đã chứng kiến sự khác biệt và cô đọng (của các nền tảng kiến thức và các lĩnh vực giá trị của chân lý, lòng tốt và vẻ đẹp), sự phi tôn giáo hoá, và sự thể chế hoá ngày càng tăng của các  tiêu chí về tính phản ánh và phê phán. Một xã hội hợp lý là một xã hội trong đó cả hệ thống và thế giới-đời sống được phép hợp lý hóa theo cách thức riêng của chúng, theo logic riêng của chúng.  Sự hợp lý hóa của hệ thống và thế giới-đời sống có thể dẫn tới một xã hội với sự phong phú vật chất và kiểm soát được môi trường của nó như là kết quả của các hệ thống  hợp lý và là một xã hội của lòng tốt và vẻ đẹp bắt nguồn từ một thế giới-đời sống hợp lý. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, hệ thống đã đi tới chỗ ngự trị và thực dân hóa thế giới-đời sống. Kết quả là trong khi chúng ta có thể thưởng thức những thành quả của sự hợp lý hóa hệ thống, chúng ta đang bị tước đoạt đi những sự phong phú của cuộc đời có thể đến từ một thế giới-đời sống được cho phép phát triển. Nhiều phong trào xã hội đã nảy sinh ở “các biên giới” giữa thế giới-đời sống và hệ thống trong vài thập kỷ gần đây và có thể truy nguyên tới một sự chống đối lại sự thực dân hoá và bần cùng hoá của thế giới-đời sống.

Trong phân tích cách thức trong đó hệ thống thực dân hoá thế giới-đời sống, Habermas thấy bản thân ông đi cùng tuyến với phần lớn lịch sử tư duy xã hội:

Tuyến chủ yếu của lý thuyết xã hội - từ Marx qua Spencer và Durkheim tới Simmel, Weber và Lukács – đã được nhận thức như là câu trả lời cho lối vào các ranh giới của hệ thống môi trường vào trong chính bản thân xã hội (thế giới-đời sống của Habermas), cho căn nguyên của “ngoại quốc ở bên trong”.... được nhận thức như là dấu xác nhận tiêu chuẩn của thời hiện đại.

Nói cách khác, “dấu xác nhận tiêu chuẩn của thời hiện đại” đối với Habermas, cũng như phần đông lý thuyết cổ điển, là, theo cách nói của Habermas, sự thực dân hoá của thế giới-đời sống bởi hệ thống.

Vậy, đối với Habermas, cái gì thiết lập sự hoàn thành của dự án của thời hiện đại? Có vẻ rõ ràng là sản phẩm cuối cùng phải là một xã hội hợp lý toàn diện, trong đó cả sự hợp lý của hệ thống và thế giới-đời sống được phép thể hiện bản thân chúng một cách trọn vẹn mà cái này không hủy diệt cái kia. Chúng ta đang gánh chịu hậu quả từ một thế giới-đời sống bị bần cùng hoá, và vấn đề này phải được khắc phục. Tuy nhiên, câu trả lời không nằm trong sự phá hủy của các hệ thống (đặc biệt là các hệ thống kinh tế và hành chính), vì chính chúng cung cấp các điều kiện tiên quyết về vật chất cần thiết để cho phép thế giới-đời sống hợp lý hoá.

Một trong những vấn đề Habermas xử lý là các vấn đề ngày càng bị đối đầu bởi nhà nước hiện đại, chế độ bàn giấy và phúc lợi xã hội. Nhiều người gắn liền với một nhà nước như thế nhận ra các vấn đề đó, nhưng giải pháp của họ là xử lý chúng ở cấp độ hệ thống bằng cách, ví dụ, đơn giản cộng thêm một tiểu hệ thống mới để xử lý các vấn đề. Tuy nhiên, Habermas không nghĩ là các vấn đề có thể được giải quyết theo cách này. Đúng hơn, chúng phải được giải quyết trong mối quan hệ giữa hệ thống và thế giới-đời sống. Thứ nhất, “các rào chắn cản trở” phải được đặt đúng vị trí để giảm thiểu tác động của hệ thống lên thế giới-đời sống. Thứ hai, “các bộ phận cảm ứng” phải được xây dựng để nâng cao tác động của thế giới-đời sống lên hệ thống. Habermas kết luận rằng các vấn đề đương thời không thể được xử lý “bởi các hệ thống đang học hỏi để thực hiện chức năng tốt hơn. Thay vì thế, các thôi thúc từ thế giới-đời sống phải có thể đi vào thiết bị tự lái của các hệ thống chức năng”. Các thôi thúc này có thể thiết lập các bước quan trọng hướng tới việc sáng tạo đồng thời thế giới-đời sống và hệ thống một cách phong phú. Chính ở đây, các phong trào xã hội vào cuộc bởi vì chúng thể hiện niềm hy vọng về một cặp đôi thế giới-đời sống và hệ thống để cả hai có thể hợp lý hóa tới mức cao nhất có thể.

Habermas thấy có ít hy vọng ở Mỹ,  nơi dường như có dự tính củng cố hệ thống hợp lý với cái giá của một sự tiếp tục bần cùng hóa thế giới-đời sống. Tuy nhiên, Habermas cũng thấy có hy vọng ở châu Âu, nơi có khả năng đưa đến việc kết thúc một ý tưởng bối rối rằng, “nội dung chuẩn mực của thời hiện đại được cất giữ trong những thế giới-đời sống đã hợp lý hóa chỉ có thể được giải phóng bằng những phương tiện của các hệ thống chưa bao giờ phức tạp hơn thế”. Như vậy, châu Âu có khả năng đồng hóa  “theo một cách có tính chất quyết định di sản của chủ nghĩa duy lý phương Tây.  Di sản này chuyển thời đại ngày nay thành những kềm nén lên sự hợp lý hệ thống để cho phép sự hợp lý của thế giới-đời sống phát triển tới một mức độ mà cả hai kiểu hợp lý có thể đồng tồn tại tương đương nhau trong thế giới hiện đại. Một quan hệ thành viên toàn diện như thế giữa hệ thống và thế giới-đời sống hợp lý có thể thiết lập nên sự hoàn thành của dự án thời hiện đại. Vì chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để tới mục tiêu đó, chúng ta còn lâu mới tới điểm kết thúc của thời hiện đại, nói gì đến việc đang ở bên bờ, hay ở giữa, của thời hậu hiện đại.

Habermas tập trung không chỉ vào thời hiện đại, mà cả vào việc chống lại các nhà hậu hiện đại. Ông đưa ra một số phê phán bước đầu trong một tiểu luận, “Thời hiện đại chống thời Hậu hiện đại” (1981); đã được sự chú ý rộng rãi. Trong tiểu luận đó, Habermas đưa ra vấn đề là, dưới ánh sáng của những thất bại của thế kỷ 20, chúng ta có phải “cố gắng duy trì các dự định của Trào lưu ánh sáng hay không, dù có thể chúng rất mong manh,  hay chúng ta nên tuyên bố rằng toàn bộ dự án thời hiện đại là một cứu cánh sai lầm? Tất nhiên, Habermas không tán thành việc từ bỏ dự án Trào lưu ánh sáng, hay, nói cách khác, thời hiện đại. Đúng hơn, ông chọn cách tập trung vào các “sai lầm” của những người phản bác thời hiện đại. Một trong những sai lầm quan trọng nhất của họ là việc họ sẵn sàng từ bỏ khoa học, đặc biệt là khoa học về thế giới-đời sống. Sự phân cách khoa học khỏi thế giới-đời sống, và việc để lại nó cho các nhà chuyên môn, nếu được thực hiện liên tục với việc tạo ra các lĩnh vực tự trị khác, bao gồm sự đầu hàng của “dự án của thời hiện đại”. Habermas  khước từ việc từ bỏ khả năng của một nhận thức “khoa học”, hợp lý về thế giới-đời sống cũng như khả năng của sự hợp lý hóa của thế giới đó.

Holub đã đề ra một tổng kết các phê phán quan trọng nhất của Habermas về các nhà hậu hiện đại. Thứ nhất, các nhà hậu hiện đại lập lờ nước đôi trong việc họ đang tạo tác ra một thứ lý thuyết nghiêm túc hay văn chương. Nếu chúng ta xem chúng là những lý thuyết nghiêm túc, lúc này tác phẩm của họ trở nên không thể hiểu nổi, vì “sự khước từ thực hiện các từ ngữ đã được thiết lập theo thể chế của họ”. Mặt khác, nếu chúng ta xem các tác phẩm của các nhà hậu hiện đại là văn chương, “lúc này các lập luận của họ mất tất cả các năng lượng logic”. Dù ở trường hợp nào, hầu như không thể phân tích phê phán tác phẩm của các nhà hậu hiện đại một cách nghiêm túc, vì họ luôn luôn than phiền rằng chúng ta không hiểu những từ ngữ hoặc các nỗ lực văn chương của họ.

Thứ hai, Habermas cảm thấy rằng các nhà hậu hiện đại bị điều động bởi các tình cảm chuẩn mực, nhưng các tình cảm đó là gì lại bị che đậy khỏi người đọc. Như vậy, người đọc không thể hiểu được thực sự các nhà hậu hiện đại đang huớng tới cái gì, và tại sao họ phê phán xã hội từ các đối tượng tĩnh tại của họ. Hơn nữa, trong khi họ che giấu các tình cảm chuẩn mực, các nhà hậu hiện đại công khai phản bác các tình cảm đó. Sự thiếu công khai đối với các tình cảm đó ngăn cản họ không phát triển được một thực hành (praxis) tự  ý thức hướng tới việc khắc phục các vấn đề họ tìm ra trong thế giới. Trái lại, sự kiện rằng các tình cảm chuẩn mực của Habermas (sự thông tin tự do và cởi mở) được phát biểu công khai và rõ ràng, làm rõ nguồn của phê phán của ông về xã hội, và nó cung cấp cơ sở cho sự thực hành chính trị.

Thứ ba, Habermas cáo buộc thuyết hậu hiện đại là một viễn cảnh cộng gộp đã thất bại “trong việc phân biệt các hiện tượng và các thực hành diễn ra trong xã hội hiện đại”. Ví dụ, quan điểm rằng thế giới bị thống trị bởi quyền lực và sự giám sát không đủ tinh tế để cho phép tiến hành một phân tích có đủ ý nghĩa về các nguồn gốc thực sự của sự áp bức trong thế giới hiện đại.

Cuối cùng, các nhà hậu hiện đại bị cáo buộc đã làm ngơ cái mà Habermas thấy chính là trung tâm tuyệt đối  - cuộc sống đời thường và các thực hành của nó. Sự sơ suất này tạo ra một mất mát gấp bội cho các nhà hậu hiện đại. Một mặt, họ bị ngăn chặn khỏi một nguồn quan trọnng đối với việc phát triển các tiêu chuẩn mực thước. Trên hết, tiềm năng hợp lý tồn tại trong cuộc sống hàng ngày là một nguồn quan trọng của các tư tưởng của Habermas về sự hợp lý thông tin. Mặt khác, thế giới đời thường cũng thiết lập nên mục tiêu cuối cùng cho các tác phẩm trong các khoa học xã hội, vì chính ở đó mà các ý tưởng lý thuyết có thể có một tác động lên sự thực hành.

TÓM TẮT

Trong chương này chúng tôi đã khảo sát một số viễn cảnh lý thuyết đang tiếp tục xem thế giới đương thời nằm trong phạm vi hiện đại. Anthony Giddens coi thời hiện đại là một cỗ xe Juggernaut mang tới một số thuận lợi nhưng cũng bộc lộ một loạt những tai ương. Trong các tai ương mà Giddens nhấn mạnh là các nguy cơ gắn liền với sự tàn phá của thời hiện đại. Các tai họa này là vấn đề chủ yếu trong tác phẩm của Beck về xã hội có nguy cơ. Thế giới hiện đại được xem là định tính bởi nguy cơ và nhu cầu đối với mọi người để ngăn chận nguy cơ và bảo vệ họ khỏi nó. Ritzer xem sự hợp lý là đặc tính chủ yếu của xã hội đương thời, dù nó bị khuếch tán ra nhiều hướng, bao gồm siêu hợp lý và sự McDonald hóa. Trong khi Ritzer xem nhà hàng fast-food như là một mô hình của sự hợp lý và thời hiện đại, Bauman xem sự diệt chủng Do Thái chiếm giữ vị trí đó. Một nhấn mạnh vào nhà hàng fast-food, và cực đoan hơn nhiều, vào  sự diệt chủng, chỉ ra các tính chất phi lý, và nói chung hơn là các nguy cơ gắn liền với thời hiện đại và sự hợp lý hóa ngày càng tăng. Cuối cùng, chúng tôi thảo luận về tác phẩm của Habermas về thời hiện đại theo ý nghĩa là một dự án chưa hoàn tất. Habermas cũng tập trung vào sự hợp lý, nhưng quan tâm của ông là với sự thống trị của sự hợp lý hệ thống và sự bần cùng hóa của sự hợp lý của  thế giới-đời sống. Habermas xem sự hoàn thành của thời hiện đại nằm trong sự  làm phong phú lẫn nhau của sự hợp lý hóa của hệ thống và thế giới-đời sống.

Đưa ra các quan điểm này về thời hiện đại, chúng tôi chuyển sang chương kế tiếp và cũng là chương kết thúc của cuốn sách này, tới một thảo luận về một loạt các tư tưởng gắn liền với thời hậu hiện  đại.



[1] + Gia-ga-nát (tên một vị thánh ở Ấn-độ; hình ảnh vị thánh này trước kia (thường) được đặt  trên một chiếc xe diễu qua phố và những người cuồng tín (thường) đổ xô vào để xe cán chết).
+(nghĩa bóng) lực lượng khủng khiếp đi đến đâu là tàn phá tất cả; ý niệm gây sự hy sinh mù quáng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét