CHƯƠNG 4
CÁC THỂ LÝ THUYẾT
TÂN MARXIAN KHÁC NHAU
KINH
TẾ QUYẾT ĐỊNH LUẬN
CHỦ
NGHĨA MARX-HEGEL
Georg
Lukacs
Antonio
Gramsci
LÝ
THUYẾT PHÊ PHÁN
Các
phê phán chủ yếu về xã hội và đời sống tri thức
Các
đóng góp chính
Các
chỉ trích Lý thuyết phê phán
Các
tư tưởng của Jurgen Habermas
Lý
thuyết phê phán ngày nay
XÃ
HỘI HỌC KINH TẾ TÂN MARXIAN
Tư
bản và Lao động
Thuyết
Ford và thuyết sau Ford
CHỦ
NGHĨA MARX ĐỊNH HƯỚNG LỊCH SỬ
Hệ
thống thế giới hiện đại
LÝ
THUYẾT HẬU MARXIST
Chủ nghĩa Marx phân tích
Lý
thuyết Marxian hậu hiện đại
Hậu
Marxism
Các
phê phán lý thuyết hậu Marxist
Trong
Chương 3 chúng ta đã thảo luận sự nảy sinh của thuyết xung đột như là kết quả
của một số vấn đề của thuyết Chức năng cấu trúc. Dù thuyết Xung đột có nội dung
theo truyền thống Marxian, nó thực sự là một phiên bản nghèo nàn của lý thuyết
theo Marx. Trong chương này chúng ta sẽ xử lý một loạt các lý thuyết phản ánh
tốt hơn các tư tưởng của Marx. Như chúng tôi sẽ lưu ý, ảnh hưởng của Marx đã
rời xa sự đồng dạng. Bởi vì lý thuyết
Marx mang tính bách khoa, một loạt lý thuyết gia khác nhau có thể quả quyết là
vẫn làm việc trong sự dẫn đường được thiết lập từ tác phẩm nguyên thủy của ông,
Trong thực tế, dù mỗi người trong số các lý thuyết gia này đều quả quyết mình
mới là người kế tục chân chính của lý thuyết Marx, có nhiều sự khác biệt không
thể hòa hợp được giữa họ.
KINH TẾ QUYẾT ĐỊNH LUẬN
Trong
một số chỗ trong tác phẩm của minh, Marx
có vẻ như là một nhà kinh tế quyết định luận; nghĩa là, dường như ông
xem hệ thống kinh tế có tầm quan trọng tối cao và lập luận rằng nó quyết định
tất cả các bộ phận khác của xã hội – các nền chính trị, tôn giáo, các hệ tư
tưởng, vv… Dù Marx xem bộ phận kinh tế là cái hàng đầu, ít nhất trong xã hội tư
bản, với tư cách một nhà biện chứng ông không thể đưa ra một lập trường mang
tính quyết định luận, bởi vì biện chứng pháp được định tính bởi nhận thức rằng
có một chuyển động xoắn trôn ốc tiếp diễn và một sự tương tác qua lại giữa các
bộ phận khác nhau của xã hội. Các nền chính trị, tôn giáo, vv… không thể bị
giảm thiểu thành các hiện tượng bị quyết định bởi kinh tế, bởi vì chúng cũng
ảnh hưởng tới kinh tế như nó đã ảnh hưởng tới chúng. Dù bản chất của biện chứng
pháp là thế, Marx vẫn tiếp tục được diễn dịch như là một nhà kinh tế quyết dịnh
luận. Mặc dù một số khía cạnh của tác phẩm Marx có thể dẫn tới kết luận này, đi
theo nó có nghĩa là phớt lờ đi sự đột phá có tính chất biện chứng của lý thuyết
của ông.
Agger
lý luận rằng kinh tế quyết định luận đã lên tới đỉnh của nó ở nghĩa sự diễn
dịch lý thuyết Marx trong thời kỳ Quốc tế Cộng sản II, giữa năm 1889 và năm
1914. Thời kỳ lịch sử này thường được xem là tột đỉnh của thị trường tư bản sơ
khai, và sự tăng trưởng bùng nổ của nó dẫn tới nhiều dự báo về cái chết sắp tới
của nó. Những người Marxist tin vào kinh tế quyết định luận nhìn thấy sự tan rã
của chủ nghĩa tư bản là điều không thể tránh khỏi. Theo quan điểm của họ, chủ
nghĩa Marx có thể sản sinh ra một lý thuyết khoa học về sự tan rã này (cũng như
các khía cạnh khác của chủ nghĩa tư bản) với một độ tin cậy mang tính dự báo của
các khoa học tự nhiên và vật lý. Tất cả những gì nhà phân tích phải làm là kiểm
tra các cấu trúc của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là các cấu trúc kinh tế. Gắn
với các cấu trúc này là một chuỗi các quá trình sẽ làm đổ nhào chủ nghĩa tư bản
một cách bất khả kháng, thế nên nhiệm vụ của các nhà kinh tế quyết định là khám
phá ra quá trình này hoạt động như thế nào.
Friedrich
Engels, cộng sự của Marx, dẫn đầu trong việc diễn dịch lý thuyết Marx, những
người như Karl Kautski và Eduard Bernstein cũng thế. Kautski, ví dụ, đã thảo
luận về sự suy vong không thể tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản như sau:
không thể tránh khỏi theo nghĩa là các nhà phát minh
cải tiến kỹ thuật và các nhà tư bản với khát khao lợi nhuận của họ đã cách mạng
hóa toàn bộ đời sống kinh tế, cũng như không thể tránh khỏi là những người công
nhân đòi hỏi giờ làm ít đi và lương tăng cao hơn, họ tự tổ chức lại, họ chiến
đấu với giai cấp tư sản và nhà nước của nó, và cũng không thể tránh khỏi là họ
hướng tới nắm lấy quyền lực chính trị và lật đổ sự thống trị tư bản. Chủ nghĩa
xã hội là không thể tránh khỏi bởi vì trận chiến giai cấp và thắng lợi của giai
cấp vô sản là không thể tránh khỏi.
Hình
tượng ở đây là về các tác nhân hành động bị thúc đẩy bởi các cấu trúc của chủ
nghĩa tư bản tới một loạt các hành động.
Chính hình tượng này đã dẫn
tới sự phê phán chủ yếu về định hướng khoa học của kinh tế quyết định luận –
rằng nó không đúng với sự đột phá biện chứng của lý thuyết Marx. Cụ thể là, lý
thuyết dường như đã rút ngắn chu trình
bằng cách tầm thường hóa suy nghĩ và hành động cá thể. Các cấu trúc kinh tế của
chủ nghĩa tư bản quyết định tư duy và hành động của cá thể là nguyên tố chủ
yếu. Sự diễn dịch này cũng dẫn tới chủ nghĩa ẩn dật về chính trị và do đó mâu
thuẫn với tư duy của Marx. Tại sao các cá thể phải hành động nếu hệ thống tư
bản sẽ sụp đổ dưới những mâu thuẫn về cấu trúc của chính nó? Rõ ràng, đưa ra ao
ước của Marx để hòa hợp giữa lý thuyết và thực hành, một viễn cảnh đã bỏ qua
hành động và thậm chí giảm thiểu nó thành vô nghĩa không thể nằm trong truyền
thống tư duy của Marx.
CHỦ NGHĨA MARX-HEGEL
Như là kết quả của các phê phán vừa
thảo luận, kinh tế quyết định luận bắt đầu mất đi tầm quan trọng, và một số lý
thuyết gia đã phát triển nhiều loại lý thuyết theo Marx khác nhau. Một nhóm các
nhà Marxist quay lại nguồn gốc Hegel của lý thuyết Marx để tìm một định hướng
chủ quan để bổ sung cho sức mạnh của phe Marxist thời đầu ở cấp độ vật chất,
khách quan. Những nhà lý thuyết Marx-Hegel đầu tiên tìm cách khôi phục tính
biện chứng giữa các khía cạnh chủ quan và khách quan trong đời sống xã hội. Mối
quan tâm của họ đến các yếu tố chủ quan đặt nền tảng cho sự phát triển sau này
của lý thuyết phê phán, lý thuyết đi đến tiêu điểm hầu như độc nhất vào các yếu
tố chủ quan. Một số tư tưởng gia (ví dụ, Karl Korsch) có thể coi là một minh
họa của chủ nghĩa Marx-Hegel, nhưng chúng tôi sẽ thảo luận tác phẩm của một
người đã đạt được một tiếng tăm hàng đầu, Georg Lukács, nhất là tác phẩm Lịch sử và ý thức giai cấp. Chúng tôi
cũng đưa ra một quan tâm vắn tắt về các ý tưởng
của Antonio Gramsci.
Georg Lukács
Sự
quan tâm của các học giả theo Marx hồi đầu thế kỷ 20 chủ yếu bị giới hạn ở các
tác phẩm lớn về kinh tế sau này của Marx, như Tư bản. Tác phẩm thời đầu, đặc biệt là Các bản thảo kinh tế và triết học của Năm 1844, chịu ảnh hưởng nặng
cửa chủ nghĩa chủ quan Hegel, khá ít được biết đến đối với các tư tưởng gia
theo Marx. Sự tái phát hiện các bản thảo và việc xuất bản chúng năm 1932 là một
bước ngoặt chủ yếu. Tuy nhiên, trong những năm 1920, Lukásc đã viết tác phẩm
chính của ông, trong đó ông nhấn mạnh mặt chủ quan của thuyết Marx. Như Martin
Jay nhận xét, “Lịch sử và ý thức giai cấp
đã thấy trước theo nhiều cách thức cơ bản các hàm ý trong Các bản thảo 1844 của Marx, mà việc xuất
bản nó đã lùi về trước gần một thập niên”.
Đóng góp chủ yếu của Lukásc đối với
lý thuyết Marxian nằm trong tác phẩm của ông ở hai tư tưởng chính - sự vật dụng hóa (reification) và ý thức giai cấp (class conciousness).
Lukács làm rõ từ đầu rằng ông không hoàn
toàn chối bỏ tác phẩm của những người Marxist về sự vật dụng hóa, mà chỉ đơn
giản tìm cách mở rộng các tư tưởng của họ. Lukács phê bình khái niệm theo Marx
về hàng hóa, mà ông định tính là “vấn đề trung tâm, có tính cấu trúc của xã hội
tư bản”. Một quan hệ hàng hóa về cơ bản là một quan hệ giữa mọi người mà, họ đi
đến chỗ tin tưởng, nắm lấy đặc tính của một sự vật và phát triển một hình thức
khách quan. Mọi người trong mối tương tác của họ với tự nhiên trong xã hội tư
bản sản xuất ra nhiều sản phẩm, hoặc hàng hóa (ví dụ, bánh mì, xe hơi, phim).
Tuy nhiên, mọi người có xu hướng bỏ quên sự thật rằng họ sản xuất ra những hàng
hóa đó và cho chúng các giá trị. Giá trị
thành ra được xem là do một thị trường độc lập với các tác nhân hành động sản
sinh ra. Chủ nghĩa tôn thờ hàng hóa là một quá trình bởi nó những hàng hóa và
thị trường cho chúng được ban cho một sự tồn tại khách quan bởi chính những
actor trong xã hội tư bản. Khái niệm của Marx về chủ nghĩa tôn thờ hàng hóa là
cơ sở cho khái niệm của Lukásc về sự vật dụng hóa.
Khác biệt chủ chốt giữa chủ
nghĩa tôn thờ hàng hóa và sự vật dụng hóa là ở trong sự tồn tại của hai khái
niệm. Trong khi cái trước bị giới hạn ở thể chế kinh tế, cái sau được vận dụng
bởi Lukács đối với toàn xã hội-nhà nước, luật pháp, và bộ phận kinh tế. Cùng một
động lực áp dụng trong mọi bộ phận của xã hội tư bản: mọi người đi đến chỗ tin
rằng các cấu trúc xã hội có một đời sống riêng của chúng, và kết quả là chúng
thành ra có một đặc tính khách quan. Lukács mô tả quá trình này:
Con người trong xã hội tư bản đương đầu với một thực
tại “được tạo ra” bởi chính y (ở ý nghĩa giai cấp) và đối với y có vẻ là một
hiện tượng tự nhiên xa lạ, y hoàn toàn phụ thuộc vào sự thương hại của các
“luật lệ” của nó; các hoạt động của y bị hạn chế từ sự bóc lột bởi sự thực hiện
không thương xót các luật lệ cá thể nhất định đối với các lợi ích (vị kỷ) của
chính y. Nhưng ngay cả trong khi “hành động”, y vẫn là, trong bản chất của sự
việc, đối tượng chứ không phải là chủ thể của các sự kiện.
Trong
việc phát triển các tư tưởng của ông về sự vật dụng hóa, Lukács đã hòa hợp các
nhận thức từ Weber và Simmel. Tuy nhiên, vì sự vật dụng hóa đã hòa nhập trong
lý thuyết theo Marx, nó được xem là một vấn đề hạn chế đối với chủ nghĩa tư
bản, và không phải là, như đối với Weber và Simmel, định mệnh không tránh khỏi
của loài người.
Đóng
góp chủ yếu thứ hai của Lukásc là về ý thức giai cấp, nói tới các hệ thống niềm
tin được chia sẻ bởi những người nắm giữ cùng một vị trí giai cấp trong xã hội.
Lukásc làm rõ rằng ý thức giai cấp không phải là tổng số hay số bình quân của ý
thức cá thể; đúng hơn, nó là thuộc tính của một nhóm người cùng có chung một vị
trí như nhau trong hệ thống sản xuất. Quan điểm này dẫn tới một tiêu điểm về ý
thức giai cấp của giai cấp tư sản dân tộc và đặc biệt là của giới vô sản. Trong
tác phẩm của Lukásc, có một nối kết rõ ràng giữa lập trường kinh tế khách quan,
ý thức giai cấp, và “các tư duy chân thật, có tính tâm lý của con người về cuộc
sống của họ”.
Khái
niệm ý thức giai cấp hàm ý, ít nhất trong xã hội tư bản, trạng thái có trước
của ý thức lầm lạc. Nghĩa là, các giai cấp trong chủ nghĩa tư bản nói
chung không có một ý thức rõ ràng về các
lợi ích giai cấp chân chính của họ. Ví dụ, cho tới giai đoạn cách mạng, các
thành viên của giới vô sản không nhận thức đầy đủ về bản chất và mức độ của sự
bóc lột đối với họ trong chủ nghĩa tư bản. Sự sai lầm về ý thức giai cấp phát
sinh từ vị trí của giai cấp trong lòng cấu trúc kinh tế của xã hội: “ ý thức
giai cấp bao hàm một sự vô ý thức giai cấp có điều kiện của các điều kiện kinh tế
và xã hội-lịch sử của chính bản thân giai cấp… Sự ‘sai lầm’, sự ảo tưởng tiềm
ẩn trong hoàn cảnh này, ở bất kỳ ý nghĩa nào là không tùy ý.” Phần lớn các giai
cấp xã hội trong lịch sử đã không có khả năng khắc phục sai lầm ý thức và từ đó
đạt được ý thức giai cấp. Vị trí cấu trúc của giới vô sản trong chủ nghĩa tư
bản, tuy nhiên, cho nó khả năng đặc biệt để đạt tới ý thức giai cấp.
Khả
năng đạt tới ý thức giai cấp là cái riêng biệt đối với các xã hội tư bản. Trong
các xã hội tiền tư bản, một loạt nhân tố khác nhau cản trở sự phát triển của ý
thức giai cấp. Ví dụ như, nhà nước, độc lập về kinh tế, có ảnh hưởng tới các
tầng lớp trong xã hội; ví dụ khác, ý thức địa vị (uy thế) có xu hướng che đậy
đi ý thức giai cấp (kinh tế). Kết quả là Lukásc kết luận rằng, “Do đó không có
vị trí nào trong một xã hội như thế mà từ đó các nền tảng kinh tế của mọi quan
hệ xã hội có thể tạo ra ý thức”. Trái lại, nền tảng kinh tế của chủ nghĩa tư
bản rõ ràng và đơn giản hơn. Người ta có thể không ý thức tới các ảnh hưởng của
nó, nhưng ít nhất họ nhận thức được
chúng một cách vô ý thức. Kết quả là “ý thức giai cấp đi tới một điểm mà từ đó
nó trở nên được ý thức”. Ở giai đoạn này xã hội biến thành một đấu trường tư
tưởng trong đó những người tìm cách vén mở đặc tính giai cấp của xã hội chống
lại nhũng người tìm cách che đậy nó.
Lukács
so sánh các giai cấp khác nhau trong chủ nghĩa tư bản về vấn đề ý thức giai
cấp. Ông lý luận rằng tầng lớp tiểu tư sản và nông dân không thể phát triển ý
thức giai cấp vì sự mơ hồ của vị trí cấu trúc của họ trong chủ nghĩa tư bản. Vì
hai giai cấp này đại diện cho các vết tích xã hội ở thời kỳ phong kiến, họkhông
thể phát triển một nhận thức rõ ràng về bản chất của chủ nghĩa tư bản. Tầng lớp
tư sản có thể phát triển ý thức giai cấp, nhưng cao nhất nó cũng chỉ hiểu là sự
phát triển của chủ nghĩa tư bản như là một cái gì đó nằm ở bên ngoài, chịu các
quy luật khách quan, mà nó chỉ có thể trải nghiệm một cách thụ động.
Giới
vô sản có khả năng phát triển ý thức giai cấp thật sự, và khi nó làm điều này,
tầng lớp tư sản rơi vào thế tự vệ. Lukács từ chối xem giới vô sản đơn giản bị
lái đi bởi các lực lượng bên ngoài mà xem nó là một nhà sáng tạo chủ động đối
với vận mạng của nó. Trong mặt trận giữa
tư sản và vô sản, tầng lớp trước có mọi vũ khí trí thức và tổ chức,
trong khi tầng lớp sau có, ít nhất là trước hết, khả năng nhìn nhận xã hội như nó vốn thế. Khi
trận chiến tiếp diễn, giai cấp vô sản đi từ chỗ là “một giai cấp tự chính nó”, nghĩa là một thực thể được sáng
tạo mang tính cấu trúc, tới chỗ là một “giai cấp cho chính nó”, một ý thức về
vị trí và nhiệm vụ của nó. Nói cách khác, “cuộc đấu tranh giai cấp phải dâng
lên từ cấp độ tất yếu kinh tế tới cấp độ giác ngộ về mục đích và hiệu quả của ý
thức giai cấp”. Khi cuộc đấu tranh đi tới điểm này, giai cấp vô sản có khả năng
hành động lật đổ hệ thống tư bản chủ nghĩa.
Lukács
có một lý thuyết xã hội học phong phú, dù nó bị chìm vào các thuật ngữ của phe
Marxian. Ông quan tâm tới mối quan hệ giữa các cấu trúc (cơ bản là kinh tế) của
chủ nghĩa tư bản, các hệ tư tưởng (đặc biệt là ý thức giai cấp), tư duy cá thể,
và cuối cùng, hành động cá thể. Viễn cảnh lý thuyết của ông cung cấp một cầu
nối quan trọng giữa các nhà kinh tế quyết định luận và những nhà Marxist hiện
đại hơn.
Antonio
Gramsci
Nhà Marxist người Ý Antonio Gramsci
cũng đóng một vai trò quan trọng trong sự chuyển biến từ kinh tế quyết định
luận tới các quan điểm theo Marx hiện đại hơn. Gramsci phê phán những người
Marxist là “có tính chất quyết định luận, định mệnh luận và cơ giới luận”. Thực
tế, ông đã viết một tiểu luận tên là “Cách
mạng chống “Tư bản” trong đó ông tuyên bố “ sự hồi sinh của chính trị sẽ
chống lại kinh tế quyết định luận của những người đã giảm thiểu chủ nghĩa Marx
xuống các quy luật lịch sử của tác phẩm nổi tiếng nhất của Marx (Tư bản)”. Dù
ông nhận ra rằng có những quy phạm lịch sử, ông khước từ ý tưởng về những phát triển lịch sử không thể
tránh khỏi hoặc tự động. Do vậy, quần chúng phải hành động để mang lại một cách
mạng xã hội. Nhưng để hành động, quần chúng phải trở nên ý thức về hoàn cảnh
của họ và bản chất của hệ thống trong đó họ sống. Như vậy, dù Gramsci nhận ra
sự quan trọng của các nhân tố cấu trúc, ông không tin rằng chúng có thể dẫn
quần chúng tới cách mạng. Quần chúng cần phát triển một hệ tư tưởng cách mạng,
nhưng họ không thể tự mình làm điều đó. Gramsci vận hành với một khái niệm khá
thiên về sự phát triển tầng lớp ưu tú của xã hội trong đó các tư tưởng được sản
sinh bởi trí thức và rồi mở rộng tới quần chúng và được biến thành hành động
bởi chính họ. Quần chúng không thể sản sinh ra các tư tưởng đó, và họ có thể
trải nghiệm được chúng, một khi đang tồn tại, chỉ bằng lòng tin. Quần chúng
không thể chính mình tự ý thức về nó, họ cần sự giúp đỡ của các tầng lớp ưu tú
trong xã hội. Tuy nhiên, một khi họ đã chịu ảnh hưởng của các tư tưởng đó, họ
có thể tiến hành các hành động dẫn tới cách mạng xã hội. Gramsci, giống như
Lukács, tập trung vào các tư tưởng chọn lọc hơn là các cấu trúc xã hội như kinh
tế, và cả hai đều hoạt động trong truyền thống lý thuyết theo Marx.
Khái niệm trung tâm của Gramsci, đã
phản ánh chủ nghĩa Hegel của ông, là quyền
lãnh đạo (heremony) (đối với một cách sử dụng hiện thời khái niệm này, xem
phần thảo luận về tác phẩm của Laclau và Mouffe ở cuối chương ). Theo Gramsci,
“thành tố chủ yếu triết học hiện đại nhất về praxis (tập quán-sự nối kết giữa
tư duy và hành động) là khái niệm lịch sử-triết học về quyền lãnh đạo. Quyền
lãnh đạo được xác định bởi Gramsci là sự lãnh đạo về văn hóa, được thực hiện
bởi giai cấp cầm quyền. Ong tương phản quyền lãnh đạo với sự áp bức là “được
thực hiện bởi các quyền lực lập pháp hay hành pháp, hoặc được thể hiện qua sự
can thiệp của cảnh sát”. Trong khi các nhà kinh tế học Marxist có xu hướng nhấn
mạnh tới các khía cạnh kinh tế và áp bức của nhà nước thống trị, Gramsci nhấn
mạnh “quyền lãnh đạo”. Trong một phân tích về chủ nghĩa tư bản, Gramsci muốn
biết tại sao một số trí thức, làm việc với tư cách các nhà tư bản, lại đạt được
quyền lãnh đạo văn hóa và sự tán thành của quần chúng.
Khái niệm quyền lãnh đạo không chỉ
giúp chúng ta hiểu được sự thống trị trong xã hội tư bản, mà còn phục vụ để
định hướng tư duy của Gramsci về cách mạng. Nghĩa là, qua cách mạng, chưa đủ để
nắm quyền kiểm soát kinh tế và bộ máy nhà nước; còn cần phải đạt được một quyền
lãnh đạo về văn hóa trên phần còn lại của xã hội. Chính ở đây Gramsci nhìn thấy
vai trò chủ yếu của các trí thức cộng sản và đảng cộng sản.
Giờ đây chúng ta quay sang lý thuyết
phê phán, lớn lên từ tác phẩm của các nhà theo chủ nghĩa Marx-Hegel như Lukács
và Gramsci, và đã di chuyển thậm chí xa hơn ra khỏi các nguồn gốc truyền thống
của Marx về kinh tế quyết định luận.
LÝ
THUYẾT PHÊ PHÁN
Lý thuyết phê phán là sản
phẩm của một nhóm người Đức theo chủ nghĩa Marx mới (Neo-Marxist) không thỏa
mãn với tình trạng của lý thuyết Marx, đặc biệt là xu hướng nghiêng về kinh tế
quyết định luận của nó. Tổ chức gắn liền
với lý thuyết phê phán, Viện Khảo sát khoa học, được chính thức thành lập ở
Frankfurt, Đức ngày 23/3/1923, mặc dù một số thành viên của nó đã hoạt động từ
trước đó. Với sự nắm quyền lực của bọn Quốc xã năm 1933, viện bị tịch thu, và
nhiều nhân vật chủ chốt di cư sang Mỹ, tiếp tục công việc của họ ở một viện
thành viên của ĐH Columbia tại New York. Sau Thế chiến II, một số lý thuyết gia
phê phán (Hokheimer, Adomo) dần dần quay trở lại Đức; những người khác
(Marcuse) ở lại Mỹ. Lý thuyết phê phán đã trải rộng ra khỏi tầm hạn chế của
trường phái Franfurt. Lý thuyết phê phán đã và đang là một định hướng Châu Âu,
dù ảnh hưởng của nó trong xã hội học Mỹ đã lớn lên.
Các
phê phán chính về đời sống xã hội và đời sống trí thức
Lý thuyết phê phán bao gồm nhiều phê
phán rộng rải về nhiều khía cạnh của đời sống xã hội và trí thức. Nó lấy nguồn
ngẫu hứng từ tác phẩm của Marx, được định hình bởi một phép phân tích phê phán
về các tư tưởng triết học và sau đó bởi các phê phán về bản chất của chủ nghĩa
tư bản. Trường phái phê phán dựng nên một phê phán cả về xã hội và các hệ thống
kiến thức khác nhau. Phần lớn các tác phẩm ở hình thức phê phán, nhưng mục tiêu
cuối cùng của nó là vén mở một cách chính xác bản chất của xã hội. Trước tiên
chúng ta tập trung vào các phê phán chính do trường phái này đưa ra, tất cả đều
biểu lộ một sự tham chiếu đối với các tư duy đối kháng và đối với các khía cạnh
chưa được vén mở, vạch trần của thực tại xã hội.
Phê
phán lý thuyết theo Marx. Lý thuyết
phê phán, là một dạng của lý thuyết theo Marx, đã lấy điểm khởi đầu của nó là
một phê phán các lý thuyết theo Marx. Các lý thuyết gia phê phán thấy khó chịu
nhất bởi các nhà kinh tế quyết định luận- cơ giới luận, hoặc các nhà Marxist cơ
giới (Antonio; Schroyer; Sewart). Một số (ví dụ, Habermas) phê phán quyết định
luận hàm ẩn trong các bộ phận của tác phẩm nguyên thủy của Marx, nhưng phần lớn
tập trung sự phê phán của họ vào những người tân Marxist, cơ bản là vì họ đã
diễn dịch tác phẩm của Marx một cách cơ giới luận thái quá. Các lý thuyết gia
phê phán không nói rằng các nhà kinh tế quyết định luận là sai khi tập trung
vào lĩnh vực kinh tế, nhưng rằng họ cũng nên quan tâm đến các khía cạnh khác
của đời sống xã hội. Như sẽ thấy, trường phái phê phán tìm cách chỉnh sửa sự
mất cân bằng này bằng cách tập trung quan tâm của nó vào lĩnh vực văn hóa.
Ngoài ra, để tấn công các lý thuyết theo Marx khác, trương phái này phê phán
các xã hội, như xã hội Liên Xô trước đây, đã xây dựng một cách hình thức
trên lý thuyết theo Marx.
Các
phê phán chủ nghĩa thực chứng. Các lý thuyết gia phê phán cũng tập trung
vào các nền tảng triết học của điều tra khoa học, đặc biệt là chủ nghĩa thực
chứng. Sự phê phán chủ nghĩa thực chứng có liên quan phần nào tới các phê phán
kinh tế quyết định luận, vì một số trong đó là các nhà quyết dịnh luận đã chấp
nhận một phần hoặc toàn bộ các lý thuyết thực chứng về kiến thức. Chủ nghĩa
thực chứng được mô tả là thay thế cho nhiều thứ khác nhau. Nó chấp nhận ý tưởng
rằng một phương pháp khoa học riêng lẻ có thể được áp dụng cho mọi lĩnh vực
nghiên cứu. Nó xem các khoa học vật chất là tiêu chuẩn về sự chắc chắn và chính
xác cho tất cả mọi bộ môn. Các nhà thực chứng luận tin rằng kiến thức vốn có
tính chất trung lập. Họ cảm thấy họ có thể không để cho các giá trị của nhân
loại xen vào các tác phẩm của họ. Niềm tin này, tới lượt nó, dẫn tới một quan
điểm rằng khoa học không ở trong lập trường ủng hộ cho bất kỳ một hình thức cụ
thể nào của hành động xã hội. (xem chương 1)
Chủ nghĩa thực chứng bị phản đối bởi
trường phái phê phán do nhiều lẽ khác nhau. Ví như, nó có xu hướng cụ thể hóa
thế giới xã hội và xem nó như là một quá trình tự nhiên. Các nhà lý thuyết phê
phán thích tập trung hơn vào họat động của con người cũng như các cách thức
trong đó một họat động như thế ảnh hưởng tới các cấu trúc xã hội lớn. Nói vắn
tắt, chủ nghĩa thực chứng đã bỏ sót các actor, giảm thiểu họ thành các thực thể
thụ động bị quyết định bởi các “lực lượng tự nhiên”. Đưa ra niềm tin của họ vào
tính riêng biệt của actor, các lý thuyết gia phê phán không chấp nhận ý tưởng
rằng các quy luật chung của khoa học có thể áp dụng một cách nghiễm nhiên đối
với con người. Chủ nghĩa thực chứng bị tấn công vì hài lòng khi xác quyết sự
tương xứng của các phương tiện đối với các mục đích đưa ra và vì không có một
xác quyết tương tự về các mục đích. Sự phê phán này dẫn tới một quan điểm rằng
chủ nghĩa thực chứng vốn dĩ là bảo thủ, không có khả năng cạnh tranh trong hệ
thống đang tồn tại. Như Martin Jay nói về chủ nghĩa thực chứng, “ Kết quả là sự
tuyệt đối hóa các “sự kiện” và sự vật dụng hóa trật tự đang tồn tại”. CNTC dẫn
actor và các nhà khoa học xã hội tới sự thụ động. Một vài nhà Marxist của kiểu
bất kỳ nào có thể tán thành một viễn cảnh không có quan hệ gì tới lý thuyết và
hành động. Dù có những phê phán này đối với CNTC, một số nhà Marxist (ví dụ,
một số cấu trúc gia, phân tích Marxist) tán thành CNTC, và bản thân Marx cũng
thường phạm sai lầm vì có tính chất thực chứng thái quá.
Các phê phán xã hội học. Trường phái phê phán cũng lấy xã hội học làm
mục tiêu. Xã hội học bị tấn công vì “chủ nghĩa khoa học” của nó, nghĩa là vì đã
làm cho phương pháp khoa học tự nó trở thành một mục đích. Ngoài ra, xã hội học
cũng bị cáo buộc vì đã chấp nhận hiện trạng. Trường phái phê phán xác nhận rằng
xã hội học không nghiêm túc phê phán xã hội, cũng không tìm cách vượt quá cấu
trúc xã hội đương thời. Xã hội học, phái phê phán cho rằng, đã từ bỏ nghĩa vụ
của nó để trong việc giúp mọi người bị áp bức bởi xã hội hiện thời.
Ngoài các phê phán có tính chính trị
như thế ra, trường phái phê phán có một phê phán về mặt tồn tại: nó chỉ trích
khuynh hướng của các nhà xã hội học giảm thiểu mọi vật, từ con người cho đến
các mặt đa dạng của xã hội. Khi các nhà xã hội học tập trung vào xã hội ở ý
nghĩa tổng thể hơn là các cá thể trong xã hội, họ bỏ qua sự tương tác của các
cá thể và xã hội. Dù phần lớn các viễn cảnh xã hội học không phạm sai lầm về
việc bỏ qua sự tương tác, quan điểm này là một cơ sở cho cuộc tấn công của
trường phái phê phán đối với xã hội học. Vì bỏ qua cá thể, các nhà xã hội học
được xem là không có khả năng nói bất cứ điều gì có ý nghĩa về các biến đổi
chính trị dẫn tới một “xã hội công minh và nhân văn”. Như Zoltar xác định, xã
hội học trở thành “một bộ phận toàn thể của xã hội đang tồn tại thay vì là một
phương tiện của phê phán và một sự vận động tân tạo”
Phê
phán xã hội hiện đại. Phần lớn tác
phẩm của trường phái phê phán có mục đích hướng về sự phê phán xã hội hiện đại
và các thành tố khac nhau của nó. Trong khi đó phần lớn lý thuyết theo Marx
thời kỳ đầu có mục tiêu cụ thể tới kinh tế, trường phái phê phán chuyển định
hướng của nó sang cấp độ văn hóa dưới ánh sáng của cái nó xem là các thực tại
của xã hội tư bản hiện đại. Nghĩa là, quỹ tích của sự thống trị trong xã hội
hiện đại chuyển từ nền kinh tế sang lĩnh vực văn hóa. Cũng như thế, trường phái
phê phán giữ vững mối quan tâm của nó tới sự thống trị, mặc dù trong thế giới
hiện đại có vẻ nó bị thống trị bởi các nguyên tố văn hóa hơn là các nguyên tố kinh
tế. Trường phái phê phán do vậy tìm cách tập trung vào sức ép văn hóa lên cá
thể trong xã hội hiện đại.
Các tư tưởng gia phê phán đã bị định
hình không phải chỉ bởi lý thuyết theo Marx mà cả bởi lý thuyết Weber, như đã
phản ánh trong tiêu điểm của họ về sự hợp lý như là bước phát triển hàng đầu
của thế giới hiện đại. Như Trent Schroyer làm rõ, quan điểm của trường phái phê
phán là trong xã hội hiện đại sức ép sản sinh bởi sự hợp lý đã thay chỗ cho sự
bóc lột kinh tế như là vấn đề xã hội hàng đầu. Trường phái phê phán rõ ràng đã
đi theo sự phân biệt giữa hợp lý hình
thức (formal rationality) và hợp lý
thật sự (substantive rationality) của Weber, hay cái mà các ký thuyết gia
phê phán nghĩ tới như là sự suy lý (reason).
Đối với các lý thuyết gia phê phán, hợp lý hình thức được quan tâm một cách hời
hợt với câu hỏi về các phương tiện có hiệu quả nhất để đạt được bất kỳ mục đích
nào được đưa ra. Điều này được xem là “tư duy kỹ trị” (technocratic thinking),
trong đó đối tượng sẽ phục vụ cho các lực lượng của sự thống trị, chứ không
phải để giải phóng mọi người khỏi ách thống trị. Mục tiêu đơn giản là tìm ra
các phương tiện hiệu quả nhất đối với bất cứ mục đích nào được những người có
quyền lực xác định là quan trọng. Tư duy kỹ trị trái ngược với sự suy lý, là, trong
tâm trí của các lý thuyết gia phê phán, niềm hy vọng của xã hội. Sự suy lý bao
gồm các sự đánh giá những phương tiện trong phạm vi các gía trị tối yếu của con
người như công bằng, hòa bình, hạnh phúc. Các lý thuyết gia phê phán đồng nhất
hóa chủ nghĩa quốc xã nói chung, và cụ thể hơn là các trại tập trung của nó,
với những ví dụ về hợp lý hình thức trong trận chiến sống còn với sự suy lý. Do
vậy, như George Friedman nói, “Auschwitz là một địa điểm hợp lý, nhưng nó không
phải là một địa điểm có lý”.
Dù sự hợp lý bề ngoài của xã hội
hiện đại, trường phái phê phán thấy thế giới hiện đại đầy rẫy những điều phi
lý. Ý tưởng này có thể gán cho cái nhãn “sự phi lý của sự hợp lý” hoặc cụ thể
hơn là sự phi lý của sự hợp lý hình thức. Theo quan điểm của Herbert Marcuse,
dù nó có vẻ là hiện thân của sự hợp lý, “ xã hội này toàn bộ đều phi lý”. Phi
lý là ở chỗ thế giới hợp lý bị phá hủy bởi các cá thể và các nhu cầu và khả
năng của họ; hòa bình được duy trì thông qua một nguy cơ chiến tranh thường
hằng liên tục; và dù có sự tồn tại của các phương tiện đầy hiệu quả, con người
vẫn bị bần cùng hóa, bị áp bức, bóc lột, và không có khả năng phát huy năng lực
bản thân”.
Trường phái phê phán tập trung cơ
bản vào một hình thức của hợp lý hình thức – kỹ thuật hiện đại. Marcuse, ví dụ,
là một phê bình gia nghiêm khắc kỹ thuật hiện đại, ít nhất là như nó bị sử dụng
trong chủ nghĩa tư bản. Ông thấy kỹ thuật trong xã hội tư bản hiện đại dẫn tới
chủ nghĩa độc quyền chuyên chế. Thực tế, ông thấy nó dẫn tới các phương pháp
mới, hiệu quả hơn, và thậm chí “thú vị” hơn của sự kiểm soát ngoại vi lên các
cá thể. Ví dụ chính là sự sử dụng ti-vi để xã hội hóa và xoa dịu dân chúng (các
ví dụ khác là các môn thể thao quần chúng, tình dục). Marcuse phản đối ý tưởng
rằng kỹ thuật có tính trung lập trong xã hội hiện đại, và thấy rằng thay vì
vậy, nó là các phương tiện để thống trị con người. Nó có hiệu quả bởi vì nó
được làm cho có vẻ trung lập khi trong thực tế nó đang nô dịch hóa. Nó phục vụ
cho việc áp bức các cá thể. Sự tự do nội tâm của actor đã bị “xâm lăng và cắt
xén đi” bởi kỹ thuật hiện đại. Kết quả là cái mà Marcuse gọi là “xã hội một
chiều”, trong đó cá thể đánh mất khả năng tư duy một cách phê phán và tiêu cực
về xã hội. Marcuse không xem bản thân kỹ thuật là kẻ thù, mà là một thứ kỹ
thuật như bị sử dụng trong xã hội tư bản chủ nghĩa: “Kỹ thuật, dù cho ‘thuần
túy’ như thế nào đi nữa, vẫn duy trì và sắp xếp tổ chức cho có hiệu quả hơn sự
tiếp diễn của ách thống trị. Mối liên kết định mệnh này chỉ có thể cắt rời bằng
một cuộc cách mạng, mà (nó sẽ) buộc kỹ thuật và phương pháp kỹ thuật phục vụ
cho các nhu cầu và mục tiêu của con người tự do”. Marcuse vẫn duy trì quan diểm
nguyên thủy của Marx rằng kỹ thuật tự nó vốn không phải là một vấn đề và rằng
nó có thể được sử dụng để phát triển một xã hội “tốt đẹp hơn”.
Phê phán văn hóa.
Theo Friedman, “Trường phái phê phán tập trung các quan tâm căng thẳng nhất của
nó vào lĩnh vực văn hóa”. Các lý thuyết gia phê phán xếp mức độ quan trọng của
các phê phán ở cái mà họ gọi là “công nghệ văn hóa”, sự hợp lý hóa, các cấu
trúc chế độ bàn giấy (ví dụ hệ thống ti-vi) kiểm soát nền văn hóa hiện đại. Mối
quan tâm đến công nghệ văn hóa phản ánh mối quan tâm của họ với khái niệm theo
Marx về “siêu cấu trúc” hơn là với các nền tảng kinh tế. Công nghệ văn hóa sản
sinh ra cái gọi theo truyền thống là “văn hóa quần chúng”, được xác định
như là “nền văn hóa bị quản lý… phi tự
nhiên, vật chất hóa, giả mạo hơn là nền văn hóa thật sự”. Có hai điều làm các
tư tưởng gia phê phán lo âu nhất về nền công nghệ này. Trước hết, họ quan tâm
đến sự sai lầm của nó. Họ nghĩ về nó như là một bộ hàng đóng gói sẵn các ý
tưởng được sản xuất đại trà và được gieo rắc tới quần chúng bằng phương tiện
truyền thông. Thứ hai, các nhà lý thuyết gia phê phán bị quấy rầy bởi ảnh hưởng
xoa dịu, kềm hãm và u mê hóa của nó đối với mọi người.
Douglas
Kellner đã tự động đưa ra một lý thuyết phê phán về ti-vi. Trong khi ông gắn
tác phẩm của ông vào các quan tâm văn hóa của trường phái Frankfurt, Kellner
rút từ các truyền thống theo Marx khác một khái niệm hòan chỉnh hơn về công
nghệ ti-vi. Ông phê phán trường phái phê phán vì nó “làm ngơ các phân tích chi
tiết về kinh tế chính trị của hệ truyền thông, khái niệm hóa văn hóa quần chúng
một cách đơn giản như một công cụ của ý
thức hệ tư bản”. Do vậy, ngoài việc nhìn vào ti-vi như là một bộ phận của công
nghệ văn hóa, Kellner kết nối nó với tổ chức tư bản chủ nghĩa và hệ thống chính
trị. Hơn nữa, Kellner không xem ti-vi là rắn chắc như đá hoặc bị kiểm soát bởi
các lực lượng tổ chức cố kết, mà đúng hơn là một “phương tiện truyền thông đại
chúng có tính xung đột cao độ trong đó các lực lượng cạnh tranh về kinh tế,
chính trị, xã hội và văn hóa giao nhau. Như vậy, trong khi làm việc trong
truyền thống lý thuyết phê phán, Kellner khước từ quan điểm rằng chủ nghĩa tư
bản là một thế giới được điều hành một cách hoàn toàn. Dù sao, Kellner xem
ti-vi như là một nguy cơ đe dọa cho dân chủ, tính chất cá nhân, tự do và đưa ra
các đề xuất (ví dụ, nhiều khả năng giải trình dân chủ hơn, các sự lui tới tham
gia của công dân lớn hơn, tính đa dạng lớn hơn trên ti-vi) để xử lý nguy cơ đó. Như vậy, Kellner vượt ra
khỏi một phê phán đơn thuần để đưa ra các đề xuất nhằm giải quyết các mối nguy
do ti-vi đem lại.
Trường
phái phê phán cũng quan tâm đến và phê phán về cái nó gọi là “công nghệ kiến thức”, chỉ các thực thể
liên quan đến các sản phẩm kiến thức (ví dụ, các trường đại học, các viện
nghiên cứu) đã trở nên các cấu trúc có tính tự trị trong xã hội của chúng ta.
Quyền tự trị của chúng cho phép chúng tự mở rộng ra khỏi sự ủy trị nguyên thủy
của chúng. Chúng đã trở thành các cấu trúc đàn áp quan tâm đến việc mở rộng tầm
ảnh hưởng của chúng trong xã hội.
Phân
tích phê phán chủ nghĩa tư bản của Marx dẫn ông tới một hy vọng vào tương lai,
nhưng nhiều lý thuyết gia phê phán đã đi tới một lập trường chán nản và thất
vọng. Họ thấy các vấn đề của thế giới hiện đại không chỉ đặc thù đối với chủ
nghĩa tư bản mà là tính chất đặc hữu của một thế giới hợp lý hóa. Họ thấy tương
lai, theo từ của Weber, như một “cái lồng sắt” của các cấu trúc hợp lý ngày
càng gia tăng còn hy vọng thoát khỏi nó ngày càng giảm đi.
Nhiều
lý thuyết phê phán (như phần lớn hệ thống phát biểu nguyên thủy của Mark) đi
theo hình thức phân tích phê phán. Ngay cả dù các lý thuyết gia phê phán đã có
một số quan tâm tích cực, một trong những phê phán cơ bản tạo thành lý thuyết
phê phán là nó đã đề ra nhiều phê phán hơn là có những đóng góp tích cực. Tính
chất phủ định liên miên không dứt này
đụng chạm đến nhiều người, và vì lý do này họ cảm thấy rằng lý thuyết phê phán
ít có đóng góp gì cho lý thuyết xã hội học.
Các đóng góp chủ yếu
Tính chủ quan.
Đóng góp lớn lao của trường phái phê phán là nỗ lực của nó để tái định hướng lý
thuyết theo Marx theo một chiều hướng chủ quan. Dù điều này thiết lập nên một
sự phê phán về chủ nghĩa duy vật của Marx và tiêu điểm sát nút của ông vào các
cấu trúc kinh tế, nó cũng đưa ra một cống hiến mạnh mẽ cho sự thấu hiểu của
chúng ta về các nguyên tố chủ quan của đời sống xã hội. Các đóng góp chủ quan
của trường phái phê phán ở cả hai cấp độ cá thể và văn hóa.
Nguồn
gốc Hegel của lý thuyết theo Marx là nguồn chủ yếu cho mối quan tâm vào tính
chủ quan. Nhiều tư tưởng gia phê phán tự xem họ là đã quay lại các nguồn gốc
đó, như đã thể hiện trong các tác phẩm đầu của Marx, đặc biệt là Các bản thảo kinh tế và triết học năm
1844. Trong việc làm này, họ theo lên đến tác phẩm của các nhà cải biên lý
thuyết theo Marx hồi đầu thế kỷ 20, như
Karl Korsch và Georg Lukács, người tìm cách tập trung vào tính chủ quan
chỉ đơn giản hòa hợp một quan tâm như thế với mối quan tâm truyền thống của
thuyết sau Marx đối với các cấu trúc khách quan. Korsch và Lukács không tìm
kiếm một tái cấu trúc cơ sở của lý thuyết theo Marx, dù các lý thuyết gia phê
phán về sau tạo cho nó tính chất rộng lớn và nhiều khát vọng khách quan hơn.
Chúng
ta bắt đầu với quan tâm của trường phái phê phán vào văn hóa. Như đã chỉ ra,
trường phái phê phán đã chuyển tới một quan tâm về “siêu cấu trúc” văn hóa hơn
là một “nền tảng” kinh tế. Một yếu tố thúc đẩy bước chuyển biến này là trường
phái phê phán cảm thấy rằng những nhà
Marxist đã quá nhấn mạnh đến các cấu trúc kinh tế và rằng sự nhấn mạnh này đã
nhấn chìm quan tâm của họ đến các khía cạnh khác của thực tại xã hội, đặc biệt
là văn hóa. Ngoài yếu tố này, một loạt những biến đổi ngoại vi trong xã hội đã
đưa đến sự chuyển biến như thế. Đặc biệt, sự phồn vinh của thời kỳ sau Thế
chiến II ở Mỹ dường như đã dẫn tới sự biến mất các mâu thuẫn nội tại kinh tế
nói chung và xung đột giai cấp nói riêng. Ý thức sai lầm hầu như trở thành phổ quát: mọi giai cấp xã hội, bao
gồm giai cấp công nhân, có vẻ là những người thụ hưởng thành quả và những ủng
hộ viên nồng nhiệt cho hệ thống tư bản. Ngoài ra, Liên Xô cũ, dù với nền kinh
tế xã hội chủ nghĩa của nó, ít nhất cũng có tính áp bức như là xã hội tư bản.
Vì hai xã hội có hai nền kinh tế khác nhau, các tư tưởng gia đã tìm nguồn gốc
chủ yếu của sự áp bức ở nơi khác. Cái họ hướng tới đầu tiên là văn hóa.
Ở
các khía cạnh đã thảo luận về các quan tâm của trường phái Frankfurt - sự hợp lý, công nghệ văn hóa, công nghệ kiến
thức – có thể bổ sung vào tập hợp các quan tâm, cái đáng chú ý nhất là một quan
tâm về hệ tư tưởng. Bằng hệ tư tưởng các lý thuyết gia phê phán xác định các hệ
thống ý tưởng, thường là sai lầm và khó hiểu, sản sinh bởi các tầng lớp ưu tú của
xã hội. Tất cả các khía cạnh cụ thể này của siêu cấu trúc và định hướng của
trường phái phê phán đối với họ có thể gộp chung vào dưới cái tên “phê phán sự
thống trị”. Mối quan tâm tới sự thống trị này đầu tiên bị tác động bởi chủ
nghĩa phát-xít trong những năm 1930 và 1940, nhưng nó đã chuyển sang một quan
tâm tới sự thống trị trong xã hội tư bản. Thế giới hiện đại đã đi tới một giai
đoạn của sự thống trị không thể vượt khỏi đối với các cá thể. Thực tế, sự kiểm
soát phức tạp đến nỗi không còn đòi hỏi các hành động tự chủ về phần các nhà
lãnh đạo. Sự kiểm soát tràn ngập vào mọi khía cạnh của thế giới văn hóa và,
quan trọng hơn, là sự chủ quan hóa trong actor. Hệ quả là actor đi đến chỗ tự
thống trị họ dưới cái tên của cấu trúc xã hội lớn. Sự thống trị đã tới một giai
đoạn hoàn tất đến nỗi không còn có vẻ bị thống trị chút nào. Vì sự thống trị
không còn được nhận thức là có tính nguy hiểm và tha hóa cá nhân, dường như thế
giới đã đi đúng con đường nó phải đi. Đối với actor việc thế giới cần trở nên
như thế nào không còn rõ ràng nữa. Do vậy, sự bi quan của các tư tưởng gia càng
được củng cố, vì họ không còn có thể thấy được phân tích hợp lý có thể thay đổi
hoàn cảnh như thế nào.
Một
trong những quan tâm của trường phái phê phán ở cấp độ văn hoá là với cái mà Hebermas
gọi là những sự chính thống hoá. Chúng có thể được xác định là những hệ thống
tư tưởng phát sinh bởi hệ thống chính trị, và về lý thuyết bởi bất cứ hệ thống
nào khác, để hỗ trợ cho sự tồn tại của hệ thống. Chúng được thiết kế để “đánh
lừa” hệ thống chính trị, để làm cái đang diễn ra trở nên mơ hồ không chính xác.
Ngoài những quan tâm về văn hoá như thế, trường phái phê phán cũng quan tâm tới
các actor và ý thức của họ, cái đang xảy ra với họ trong thế giới hiện đại. Ý
thức của quần chúng đi đến chỗ bị kiểm soát bởi các lực lượng ngoại vi (như
công nghệ văn hoá). Kết quả là quần chúng không phát triển được một ý thức cách
mạng. Không may thay, các lý thuyết gia, như phần lớn những người Marxist, và
phần lớn các nhà xã hội học, thường là thất bại trong việc phân biệt rõ ràng
giữa ý thức cá thể và văn hoá, họ cũng không xác định cụ thể được nhiều nối kết
giữa chúng. Trong phần nhiều tác phẩm của họ, họ di động tới lui một cách tự do
giữa ý thức và văn hoá với rất ít hoặc không có tí nhận thức nào rằng họ đang
thay đổi các cấp độ.
Tầm
quan trọng lớn lao ở đây là nỗ lực của các nhà lý thuyết phê phán, đáng chú ý
nhất là Marcuse, để hoà hợp các nhận thức của Freud ở cấp độ của ý thức (và vô
thức) vào các diễn dịch của các lý thuyết gia phê phán về văn hoá. Friedman lý
luận rằng các lý thuyết gia phê phán đã phái sinh ba điều từ tác phẩm của
Freud: (1) một cấu trúc tâm lý để vận dụng trong việc phát triển các lý thuyết
của họ; (2) một nhận thức về bệnh học tâm lý cho phép họ hiểu thấu cả tác động
tiêu cực của xã hội hiện đại và sự thất bại trong việc phát triển ý thức cách
mạng; và (3) các khả năng của sự giải phóng tâm linh. Một trong các lợi ích của
mối quan tâm tới ý thức cá thể này nó đề ra một sự hiệu chỉnh hữu ích đối với
tính chất bi quan chủ nghĩa của trường phái phê phán và tiêu điểm của nó vào
các kềm hãm về văn hoá. Dù mọi người bị kiểm soát, chìm trong các nhu cầu sai
lạc, trở nên u mê, trong phạm vi của Freud họ cũng được phú cho một libido
(được xem một cách rộng rãi là xung năng tính dục), nó cung cấp nguồn năng
lượng cơ bản cho hành động sáng tạo được định hướng tới sự lật đổ các hình thức
chủ yếu của sự thống trị.
Các mặt biện chứng.
Tiêu điểm tích cực chủ yếu thứ hai của lý thuyết phê phán là một quan tâm đến
các mặt biện chứng (ý tưởng này bị phê phán từ quan điểm của chủ nghĩa phân
tích Marxist ở cuối chương) nói chung, cũng như trong nhiều biểu thị cụ thể
khác nhau của nó. Ở cấp độ chung nhất, một tiếp cận biện chứng có nghĩa là một
tiêu điểm về tính toàn thể của xã hội. Paul Connerton đưa ra một nhận thức tốt
về cách tiếp cận phê phán đối với tổng thể xã hội: “Không khiá cạnh bộ phận nào
của đời sống xã hội và không hiện tượng riêng biệt nào có thể được hiểu thấu
trừ phi nó có liên quan với tổng thể về mặt lịch sử, với cấu trúc xã hội xem như
một thực thể toàn vẹn”. Cách tiếp cận này bao gồm sự chối bỏ một tiêu điểm trên
bất kỳ một khiá cạnh cụ thể nào của đời sống xã hội, đặc biệt là hệ thống kinh
tế, ở bên ngoài bối cảnh rộng lớn hơn của nó. Cách tiếp cận này cũng có nghĩa
là một quan tâm đến mối tương tác của các cấp độ khác nhau của thực tại xã hội -quan
trọng nhất là ý thức cá thể, siêu cấu trúc văn hoá, và cấu trúc kinh tế. Biện
chứng pháp cũng mang theo với nó một quy định về mặt phương pháp luận: Một
thành tố của đời sống xã hội không thể được nghiên cứu tách biệt với phần còn
lại.
Ý
tưởng này có cả hai thành tố lịch đại
(diarchronic) và đồng đại
(synchronic). Một quan điểm đồng đại
dẫn chúng ta tới quan tâm về mối quan hệ hỗ tương giữa các thành tố của xã hội
trong một tổng thể đương thời. Một quan điểm lịch đại mang theo với nó mối quan
tâm tới các nguồn gốc lịch sử của xã hội ngày nay cũng như việc nó sẽ có thể đi
tới đâu trong tương lai. Sự thống trị con người của các cấu trúc xã hội và văn
hoá – xã hội “một chiều”, theo cách dùng từ của Marcuse – là kết quả của một sự
phát triển lịch sử cụ thể và không phải là một đặc tính phổ quát của loài
người. Viễn cảnh về lịch sử này đối kháng lại quan điểm nhận thức thông thường
đã nảy sinh trong chủ nghĩa tư bản rằng một hệ thống là một hiện tượng tự nhiên
và không thể tránh khỏi. Theo quan điểm của các lý thuyết gia phê phán (và
những người Marxist khác) mọi người đã đi đến chỗ xem xã hội như một “tự nhiên
thứ hai”; nó “được nhận thức bởi một trí khôn ngoan mang tính nhận thức thông
thường như là một lực lượng xa lạ, không nhân nhượng, đòi hỏi cao và độc đoán –
chính xác là giống như một tự nhiên phi con người. Để thi hành đúng các nguyên
tắc của lý trí, để hành động hợp lý, để đạt được thành công, để được tự do, con
người phải tự điều chỉnh cho hoà hợp với “tự nhiên thứ hai” này”.
Các
lý thuyết gia phê phán cũng có định hướng suy nghĩ về tương lai, nhưng theo sự
dẫn đường nguyên thủy của Marx, họ từ chối tính không tưởng; đúng hơn, họ tập
trung vào sự phê phán và biến đổi xã hội hiện thời. Tuy nhiên, thay vì hướng
thẳng quan tâm của họ tới cấu trúc kinh tế như Marx đã làm, họ tập trung vào
mặt siêu cấu trúc văn hoá của nó. Cách tiếp cận biện chứng của họ ràng buộc họ
phải làm việc với thế giới thực tại. Ở một cấp độ, điều này có nghĩa là họ không
thỏa mãn trong việc tìm kiếm sự thật trong các phòng thứ nghiệm. Kiểm nghiệm
cuối cùng của ý tưởng của họ là mức độ mà ở đó họ được chấp nhận và được sử
dụng trong thực hành. Quá trình này họ gọi là sự chứng minh là xác thực (authentication),diễn ra khi mọi người đã
từng là nạn nhân của sự thông tin xuyên tạc
hiểu được các ý tưởng của các lý thuyết gia phê phán và sử dụng chúng để
giải phóng bản thân khỏi hệ thống đó. Như vậy, chúng ta đi tới một khiá cạnh
khác của các mối quan tâm của những tư tưởng gia phê phán – sự giải phóng loài người.
Trong
nhiều phạm vi trừu tượng hơn, các tư tưởng gia phê phán có thể nói là bị xâm
chiếm bởi sự ảnh hưởng lẫn nhau và các tương quan giữa lý thuyết và thực hành.
Quan điểm của trường phái Frankfurt là hai mặt này rất khắc nghiệt trong xã hội
tư bản. Nghĩa là, lý thuyết được thực hiện bởi một nhóm, được ủy thác, hay đúng
hơn là nắm lấy quyền này, trong khi thực hành lại được giao cho một nhóm khác,
ít quyền lực hơn. Trong nhiều trường hợp, tác phẩm của lý thuyết gia không đầy
đủ thông tin về thế giới thực tại, dẫn tới một thể lý thuyết xã hội học và lý
thuyết theo Marx nghèo nàn và không tương hợp. Tiêu điểm là hợp nhất lý thuyết
và thực hành để duy trì mối tương quan giữa chúng. Lý thuyết do vậy phải được
thông tin bởi thực hành, trong khi thực hành phải được định hình bởi lý thuyết.
Trong quá trình này, cả lý thuyết và thực hành sẽ được làm phong phú thêm.
Dù
có mục tiêu đã thú nhận này, phần lớn các lý thuyết phê phán đã thất bại một
cách chua cay trong việc hoà hợp lý thuyết và thực hành. Thực tế, một trong
những phê phán thường được nghe về lý thuyết phê phán là nó thường được viết
theo một lối hoàn toàn không thể tiếp thu được đối với quần chúng nhân dân. Hơn
nữa, trong sự tận tâm của nó để nghiên cứu văn hoá và siêu cấu trúc, lý thuyết
phê phán nói tới một số đề tài rất bí ẩn và nói rất ít về các quan tâm thực tế
hàng ngày của phần lớn dân chúng.
Một
trong các quan tâm biện chứng nổi tiếng của trường phái phê phán là quan tâm
của Habermas tới mối tương quan giữa kiến thức và các quan tâm của con người –
một ví dụ về quan tâm mang tính biện chứng rộng hơn tới mối tương quan giữa các
nhân tố khách quan và chủ quan. Nhưng Habermas đã cẩn thận chỉ ra rằng các nhân
tố chủ quan và khách quan không thể được xử lý tách biệt nhau. Đối với ông, các
hệ thống kiến thức tồn tại ở cấp độ
khách quan trong khi các quan tâm của con người là một hiện tượng chủ
quan hơn.
Habermas
phân biệt giữa ba hệ thống kiến thức và các quan tâm tương ứng của chúng. Các
quan tâm nằm phiá sau và dẫn dắt mỗi hệ thống kiến thức nói chung không được
những người bình thường biết đến, và công việc của các lý thuyết gia phê phán
là vạch trần chúng ra. Kiểu kiến thức đầu tiên là khoa học phân tích, hoặc các
hệ thống khoa học thực chứng cổ điển. Theo quan điểm của Habermas, các quan
tâm tiềm ẩn của một kiến thức như thế được kiểm soát một cách chặt chẽ, có thể
áp dụng đối với môi trường, các xã hội khác, hay mọi người trong xã hội. Theo
ông, khoa học phân tích có thể dùng một cách dễ dàng để nâng cao sự kiểm soát
áp bức. Kiểu hệ thống kiến thức thứ hai là
kiến thức thuộc về nhân văn, và mối quan tâm của nó là trong việc nhận thức thế giới. Nó vận hành từ quan
điểm chung rằng nhận thức về quá khứ của chúng ta nói chung giúp chúng ta hiểu
được cái đang diễn ra hôm nay. Nó có mối quan tâm mang tính thực hành đối với
nhận thức chung và tự nhận thức. Nó không có tính áp bức mà cũng không có tính
giải phóng. Kiểu thứ ba là kiến thức phê
phán, mà Habermas, và trường phái Frankfurt nói chung, tán thành. Mối quan
tâm gắn với kiểu kiến thức này là sự giải phóng loài người. Người ta hy vọng
rằng kiến thức phê phán do Habermas và những người khác sản sinh ra sẽ nâng cao
tính tự giác của quần chúng (thông qua các cơ cấu được nối kết bởi những người
theo Freud) và dẫn tới một phong trào xã hội mà kết quả sẽ là sự giải phóng mà
người ta từng hy vọng.
Các phê bình về lý thuyết phê phán
Một
số phê bình đã được nhắm vào lý thuyết phê phán. Đầu tiên, lý thuyết phê phán
đã bị cáo buộc là quá phi lịch sử, là xem xét một loạt sự kiện mà không chú ý
nhiều đến các bối cảnh có tính lịch sử và đối chiếu so sánh (ví dụ, chủ nghĩa
quốc xã trong những năm 1930, chủ nghĩa chống Xe-mít trong những năm 1940, các
cuộc cách mạng sinh viên những năm 1960). Đây là một phê bình chỉ trích đối với
bất kỳ lý thuyết theo Marx nào, vốn cần có tính lịch sử và so sánh. Thứ hai,
trường phái phê phán, như đã thấy, nói chung đã làm ngơ kinh tế. Cuối cùng, các
lý thuyết gia có xu hướng lý luận rằng giai cấp công nhân không còn là lực
lượng cách mạng nữa, một lập trường trái hẳn với phân tích truyền thống
Marxian.
Các
phê bình như thế đã dẫn những nhà Marxist như Bottomore đi đến kết luận,
“Trường phái Frankfurt, trong hình thức nguyên thủy của nó, và như là một
trường phái của chủ nghĩa Marx về xã hội học, đã chết”. Những tình cảm tương tự
cũng đã được thể hiện bởi Greisman, người gọi lý thuyết phê phán là “một mô
hình thất bại”. Nếu nó đã chết với ý nghĩa là một trường phái riêng biệt, đó là
vì nhiều tư tuởng cơ bản của nó đã tìm được đường vào xã hội học Marxist, xã
hội học tân Marxist, và thậm chí cả dòng xã hội học chủ đạo. Do vậy, như Bottomore kết luận trong trường
hợp của Habermas, trường phái phê phán đã thực hiện một cuộc lập lại tình hữu
nghị với Chủ nghĩa Marx và xã hội học, và “đồng thời, một số tư tưởng nổi bật
của trường phái Frankfurt đã được bảo tồn và phát triển”.
Dù
lý thuyết phê phán có thể đang suy tàn, Jurgen Habermas và lý thuyết của ông
còn nhiều sức sống. Chúng ta đã tiếp xúc với một vài tư tưởng của ông ở đầu
chương này, nhưng chúng tôi khép lại phần này về lý thuyết phê phán với một cái
nhìn chi tiết hơn vào các tư tưởng của ông.
Các tư tưởng của Jurgen Habermas
Điểm
bắt đầu tốt nhất để thảo luận về các tư tưởng của Habermas là các quan điểm của
ông về lý thuyết Marx. Như Habermas làm rõ, mục tiêu của ông trong nhiều năm là
“phát triển một chương trình lý thuyết mà tôi hiểu như là một sự tái lập chủ
nghĩa duy vật lịch sử”. Habermas lấy điểm khởi đầu của Marx (tiềm năng nhân
loại, tồn tại-loài, “hoạt động cảm giác của con người”) làm của chính ông. Tuy
nhiên, Habermas lý luận rằng Marx đã thất bại trong việc phân biệt giữa hai
thành tố phân tích riêng biệt của tồn tại-loài – sự làm việc (hoặc lao động, hành động hợp lý có mục đích) và tương tác (hoặc hành động thông tin) xã hội (hoặc biểu tượng). Theo Habermas,
Marx có xu hướng làm ngơ cái sau và giảm thiểu nó thành công việc. Như Habermas
thấy, vấn đề trong tác phẩm của Marx là “sự
giảm thiểu hành động tự phát sinh của loài người thành lao động”. Do vậy,
ông nói: “ Tôi lấy làm điểm khởi đầu sự phân biệt chủ yếu giữa lao động và tương tác”. Qua các bài viết, tác phẩm của Habermas có tính chất
cung cấp tài liệu bởi sự phân biệt này, dù ông thiên về cách sử dụng các thuật
ngữ hành
động hợp lý có mục đích (lao động) và hành
động thông tin (tương tác) hơn.
Dưới
cái tên “hành động hợp lý có mục đích”, “Habermas phân biệt giữa hành động có
tính phương tiện và hành động có tính chiến lược”. Cả hai đều có liên quan với sự theo đuổi có tính
toán của sự tư lợi. Hành động có tính
phương tiện (Instrumental action) liên quan tới một hành động riêng lẻ được
dự tính một cách hợp lý là phương tiện tốt nhất đối với một mục tiêu đề ra. Hành động có tính chiến lược (strategic
action) có liên quan tới hành động hợp lý có mục đích của hai hoặc ba cá thể
cùng cộng tác trong việc theo đuổi một mục đích. Đối tượng của cả hai thứ hành
động này là sự sử dụng thành thạo phương tiện.
Ở hành động thông tin
(communicative action), các hành động của các cơ quan liên quan được kết hợp không phải qua các
tính toán tự kỷ trung tâm về thành công mà qua các hành động đi tới sự nhận
thức. Trong hành động thông tin, các thành phần tham gia về cơ bản không định
hướng tới thành công của riêng họ; họ theo đuổi các mục tiêu cá thể của họ dưới
điều kiện mà họ có thể hòa hợp hóa các kế hoạch hành động của họ trên cơ sở của
các hoàn cảnh xác định.
Trong
khi mục đích của hành động hợp lý có mục đích là đạt được một mục tiêu, đối
tượng của hành động thông tin là đạt được sự nhận thức về thông tin.
Rõ
ràng, có một thành tố quan trọng bằng lời nói trong hành động thông tin. Tuy
nhiên hành động này rộng hơn là chỉ bao gồm “hành động nói hay các diễn đạt
không lời tương đương”.
Điểm
chủ chốt của Habermas về xuất phát điểm
từ Marx là lý luận rằng hành động thông tin chứ không phải hành động hợp lý có
mục đích (lao động), là hiện tượng riêng biệt và có tính chất lan rộng của con
người. Nó (chứ không phải lao động) là nền tảng của mọi cuộc sống có cấu trúc
xã hội cũng như mọi khoa học của con người. Trong khi Marx dẫn tới một tiêu điểm
về lao động, Habermas dẫn tới tiêu điểm về sự thông tin.
Marx
không chỉ tập trung vào lao động, ông còn lấy lao động tự do và sáng tạo làm cơ
sở cho tác phẩm phân tích phê phán các giai đoạn lịch sử khác nhau, đặc biệt là
chủ nghĩa tư bản. Habermas cũng theo một cơ sở, nhưng trong một lĩnh vực mang
tính thông tin hơn là hành động hợp lý có mục đích. Cơ sở của Habermas là sự
thông tin không bị xuyên tạc, thông tin
không có sự cưỡng bách. Từ cơ sở này, Habermas có khả năng phân tích phê phán
thông tin bị xuyên tạc. Ông quan tâm tới các cấu trúc xã hội đã xuyên tạc bóp
méo thông tin, như Marx đã xem xét các nguồn xuyên tạc của lao động. Dù họ có
những cơ sở khác nhau, cả hai đều có những cơ sở, và chúng cho phép họ thoát
khỏi chủ nghĩa tương đối và đưa ra các phán xét
về các hiện tượng lịch sử. Habermas phê phán các lý thuyết gia, đặc biệt
là Weber và các lý thuyết gia phê phán
trước đó vì sự thiếu sót của họ đối với một cơ sở như vậy và sự sa vào chủ
nghĩa tương đối của họ.
Còn
có một sự song hành khác giữa Marx và Habermas cũng như các cơ sở của họ. Đối
với cả hai, các cơ sở này thể hiện không chỉ những xuất phát điểm của họ mà cả
các đối tượng chính trị của họ. Nghĩa là, trong khi đối với Marx mục tiêu là xã
hội cộng sản trong đó các lao động không bị bóp méo lần đầu tiên tồn tại, đối
với Habermas mục tiêu chính trị là một xã hội mà thông tin không bị bóp méo.
Trong phạm vi các mục tiêu tại chỗ, Marx tìm cách loại trừ các rào cản (tư
bản) đối với lao động không bị bóp méo,
còn Habermas quan tâm đến việc loại trừ các rào cản đối với thông tin tự do.
Ở
đây, Habermas, như các lý thuyết gia phê phán khác, rút ra từ Freud và thấy có
nhiều cái song song giữa cái mà các nhà phân tâm học làm ở cấp độ cá thể và cái
mà ông nghĩ là cần được thực hiện ở cấp độ xã hội. Habermas thấy phân tâm học
như là một lý thuyết về thông tin bị bóp méo và bị xâm chiếm bởi sự cho phép
các cá thể thông tin theo một cách thức không xuyên tạc. Các nhà phân tâm học
tìm kiếm các nguồn của sự xuyên tạc trong thông tin cá thể, nghĩa là, các
chướng ngại kềm chế sự thông tin. Qua sự phản ánh, nhà phân tâm học nỗ lực giúp
đỡ cá thể khắc phục những chưóng ngại này. Tương tự, thông qua phê phán liệu pháp, “một hình thức tranh
luận phục vụ cho việc chọn lọc sự tự lừa dối bản thân một cách có hệ thống, lý
thuyết gia phê phán nỗ lực trợ giúp mọi người khắc phục các rào cản xã hội đối
với thông tin không bị xuyên tạc”. Khi đó, có một sự giống nhau giữa phân tâm
học và lý thuyết phê phán. Nhà phân tâm học trợ giúp bệnh nhân theo một cách
rất giống với nhà phê phán xã hội giúp đỡ các nhóm bị áp bức trong xã hội.
Đối
với Marx, cơ sở của xã hội tương lai lý tưởng của Habermas tồn tại trong thế
giới hiện thời. Nghĩa là, đối với Marx các nguyên tố của con người được tìm
thấy trong lao động trong xã hội tư bản. Đối với Habermas, các nguyên tố của
thông tin không bị xuyên tạc được tìm thấy trong mỗi hành động của thông tin
hiện thời.
Điều
này đưa chúng ta tới vấn đề trung tâm về sự hợp lý hóa trong tác phẩm của
Habermas. Ở đây ông không chỉ chịu ảnh hưởng của marx, mà cả của Weber. Trong
tác phẩm của ông về sự hợp lý hóa, sự phân biệt của Habermas giữa hành dộng hợp
lý có mục đích và hành động thông tin vẫn có tầm quan trọng trung tâm. Nhiều
tác phẩm trước, theo quan diểm của ông, đã tập trung vào sự hợp lý hóa của hành
động hợp lý có mục đích, dẫn tới sự tăng trưởng của các lực lượng sản xuất và
sự gia tăng sự kiểm soát kỹ thuật lên đời sống. Hình thức hợp lý hóa này, như
đối với Marx và Weber, là chủ yếu, có lẽ là vấn đề chủ yếu trong thế giới hiện
đại. Sự hợp lý hóa hành động thông tin dẫn tới sự thông tin tự do ra khỏi sự
thống trị. Tới một thông tin tự do và mở rộng. Sự hợp lý hóa ở đây liên quan
tới sự giải phóng, “chuyển các giới hạn
ra khỏi thông tin”. Đây là chỗ tác phẩm đã nói của Habermas trình bày về sự hợp
thức hóa và, nói chung hơn, ý thức hệ gắn vào. Nghĩa là, có hai nguyên nhân
chính của thông tin bị xuyên tạc, chúng có thể bị loại trừ nếu chúng ta có một
thông tin tự do và mở rộng.
Ở
cấp độ các tiêu chí xã hội, một sự hợp lý hóa như vậy bao gồm sự giảm đi
các áp chế và hà khắc chuẫn mực dẫn tới
sự phức tạp và tính phản ánh ở cá thể. Sự phát triển của hệ thống chuẫn mực ít
hạn chế hay không hạn chế mới này nằm ở trung tâm lý thuyết về tiến hoá xãhội
của Habermas. Thay vì là một hệ thống sản xuất mới, sự hợp lý hóa đối với
Habermas dẫn tới một hệ thống chuẫn mực mới, ít xuyên tạc hơn. Dù ông xem nó là
một sự hiểu nhầm về quan điểm của ông,
nhiều người đã cáo buộc ông vì việc đã cắt bỏ đi các nguồn gốc Marxian của ông
trong khi chuyển từ cấp độ vật chất sang cấp độ chuẫn mực.
Điểm
kết thúc của sự tiến hóa này theo Habermas là một xã hội hợp lý. Sự hợp lý ở
đây có nghĩa là sự loại bỏ các rào chắn
làm xuyên tạc thông tin, nhưng nói chung hơn, nó có nghĩa là một hệ thống thông
tin trong đó các ý tưởng được thể hiện một cách rộng mở và được bảo vệ chống
lại các phê phán; sự nhất trí không giới
hạn phát triển trong quá trình tranh luận. Để hiểu điều này rõ hơn, chúng ta
cần nhiều chi tiết hơn về hệ thống thông tin của Habermas.
Habermas
phân biệt giữa hành động thông tin đã thảo luận ở trên và sự chuyện trò, bàn
luận. Trong khi hành động thông tin diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, sự bàn
luận là
hình thức thông tin bị chuyển ra khỏi các ngữ cảnh về
kinh nghiệm và hành động và các cấu trúc của nó bảo đảm với chúng ta: rằng các
luận điệu có giá trị được đóng ngoặc của các xác quyết, giới thiệu hay cảnh báo
là đối tượng riêng biệt của sự thảo luận; rằng các thành viên, các chủ đề, các
bài báo không bị hạn chế, trừ phi đối chiếu với mục tiêu kiểm chứng các luận
điệu có giá trị liên quan; rằng không có lực lượng nào ngọai trừ sự lập luận
tốt hơn được thực hiện; và rằng mọi động cơ ngoại trừ của sự cộng tác nghiên
cứu vì chân lý được loại trừ.
Trong
thế giới lý thuyết của sự luận bàn, nhưng cũng ẩn mình bên dưới thế giới của
các hành động thông tin là “hoàn cảnh phát biểu lý tưởng”, trong đó lực lượng
hay quyền lực không quyết định lập luận nào chiến thắng; thay vì thế lập luận
khá nhất tự mang lại chiến thắng. Sức nặng của chứng cứ và luận chứng quyết định
cái được xem là có giá trị hoặc là chân lý. Các lập luận phát sinh từ một cuộc
bàn luận như thế (và các thành viên đã đồng ý) là chân lý. Như vậy, Habermas đi
theo một lý thuyết nhất trí về chân lý (đúng hơn là một bản sao, hoặc “thực
tiễn” lý thuyết về chân lý). Chân lý này là bộ phận của tất cả các thông tin,
và sự thể hiện trọn vẹn của nó là mục tiêu của lý thuyết tiến hóa của Habermas.
Như Thomas McCarthy nói, “ý tưởng về chân lý cuối cùng chỉ tới một hình thức
tương tác nằm ngoài vòng của mọi ảnh hưởng xuyên tạc. “Cuộc đời tốt đẹp và chân
chính, đó là mục tiêu của lý thuyết phê phán vốn đã có trong nhận thức về chân
lý; nó đã được báo trước trong mọi hành động phát biểu”.
Sự
nhất trí phát sinh mang tính lý thuyết trong bàn luận (và tính tiền lý thuyết
trong hành động thông tin) khi bốn kiểu luận điệu có giá trị nảy sinh và được
nhận ra bởi các bên tương tác. Đầu tiên, phát biểu của người nói được xem là có
thể hiểu thấu được. Thứ hai, các đề xuất đề ra bởi người nói là đúng; nghĩa là,
người nói đưa ra kiến thức đáng tin cậy. Thứ ba, người nói chân thật khi đưa ra
các đề xuất. Thứ tư, đối với người nói, việc đưa ra những đề xuất đó là đúng
đắn và chính xác; anh ta có quyền làm điều đó. Các nhất trí nảy sinh khi mọi
luận điệu có giá trị được đưa ra và được chấp nhận; nó bị phá vỡ nếu có một hay
nhiều hơn luận điệu bị đặt vấn đề. Quay trở lại điểm nói trước, có những lực
lượng trong thế giới hiện tại xuyên tạc quá trình này, ngăn cản sự phát sinh
của một sự nhất trí, và có thể khắc phục
được ở xã hội lý tưởng sắp tới của Habermas.
Như
vậy, trong phạm vi truyền thống của lý thuyết phê phán, Habermas đã phát triển
một biến thể có giá trị của riêng ông. Dù nó vẫn còn nằm trong phạm vi lý
thuyết phê phán, và, nói chung hơn, trong các truyền thống theo Marx, nó có một
số nguyên tố hoàn toàn khác. Ngoài ra, lý thuyết này tiếp tục phát triển, và
trong tác phẩm gần đây, Habermas đã đi theo một số chiều hướng mới thú vị, các
chiều hướng mang lý thuyết của ông đi xa khỏi lý thuyết theo Marx và phê phán.
Chúng ta sẽ thảo luận các phát triển gần đây trong lý thuyết Habermas ở Chương
9 và 10.
Lý thuyết phê phán ngày nay
Trong
khi Habermas là người nổi bật nhất trong các tư tưởng gia xã hội ngày nay, ông
ta không đơn độc trong cuộc đấu tranh để phát triển lý thuyết phê phán cho
thích ứng tốt hơn với các thực tiễn hiện thời. Để minh họa những nỗ lực liên
tục này, tiếp theo là một thảo luận vắn tắt về nỗ lực của Kellner để phát triển
một lý thuyết phê phán về cái mà ông gọi là “Chủ nghĩa tư bản-công nghệ” (Techno-capitalism).
Lý
thuyết của Kellner dựa trên tiền đề rằng chúng ta sẽ không đi tới một thời đại hậu hiện đại, hoặc hậu
công nghệ, mà đúng hơn là chủ nghĩa tư bản tiếp tục nắm quyền ngự trị tối cao,
như nó đã từng nắm trong thời hoàng kim của lý thuyết phê phán. Do vậy, ông cảm
thấy rằng các khái niệm cơ bản đã được phát triển để phân tích chủ nghĩa tư bản
(ví dụ, sự vật dụng hóa, sự tha hóa) vẫn tiếp tục thích hợp cho việc phân tích
chủ nghĩa tư bản kỹ thuật. Kellner xác định chủ nghĩa tư bản công nghệ là:
một hình thể của xã hội tư bản trong đó kiến thức khoa
học và công nghệ, sự tự động hóa, các máy tính và công nghệ tiên tiến đóng một
vai trò trong quá trình sản xuất song hành với vai trò của lực lượng người lao
động, sự cơ giới hóa và các máy móc trong các thời đại sớm hơn của chủ nghĩa tư
bản, trong khi đồng thời cũng sản sinh ra các kiểu cấu trúc xã hội, các hình
thái văn hóa và cuộc sống đời thường mới mẻ.
Trong phạm vi công nghệ
Marxian, trong chủ nghĩa tư bản công nghệ “tư bản bất biến sẽ tiếp nối cho tư
bản biến thiên, khi tỷ lệ giữa công nghệ và lao động gia tăng đạt mức chi phí
của đầu vào của lực lượng lao động”. Thế nhưng chúng ta không nên bỏ sót sự
kiện rằng chủ nghĩa tư bản công nghệ vẫn còn mang hình thái của chủ nghĩa tư
bản, mặc dù xã hội mới với một nền công nghệ có tầm quan trọng hơn gấp nhiều
lần trước đó.
Kellner
đã học được từ những thất bại của những người Marxist khác. Do vậy, ông chống
lại ý tưởng rằng công nghệ quyết định “siêu cấu trúc” của xã hội. Nhà nước và
văn hóa được xem ít nhất là phần nào có tính tự trị trong chủ nghĩa tư bản công
nghệ. Ông cũng từ chối xem chủ nghĩa tư bản công nghệ là một giai đoạn mới
trong lịch sử, nhưng xem nó đúng hơn là một hình thể mới trong phạm vi chủ
nghĩa tư bản. Kellner cũng không đơn giản tập trung vào các vấn đề gây ra bởi
chủ nghĩa tư bản công nghệ, mà còn nhìn vào các khả năng mới của nó đối với
tiến trình xã hội và sự giải phóng xã hội. Trong thực tế, một vai trò chủ yếu
đối với lý thuyết phê phán, theo quan điểm của Kellner, không chỉ là phê phán
nó, mà còn phải “nỗ lực phân tích các khả năng giải phóng được mở ra bởi chủ
nghĩa tư bản công nghệ”. Kellner cũng từ chối quay trở lại các giai cấp chính
trị cũ, mà nhìn ra các tiềm năng lớn trong các phong trào xã hội khác nhau (phụ
nữ, môi trường) đã nảy sinh trong vài thập kỷ qua.
Kellner
không tán thành việc phát triển một lý thuyết tầm vĩ mô về chủ nghĩa tư bản công
nghệ. Quan điểm chủ yếu của ông là mặc dù nó có biến đổi sâu sắc, chủ nghĩa tư
bản vẫn còn thống trị trong thế giới đương thời. Do vậy, các công cụ được cung
cấp bởi trường phái phê phán, và lý thuyết Marxian nói chung, tiếp tục thích
ứng cho thế giới ngày nay. Chúng ta khép lại phần này với diễn tả của Kellner
về “văn hóa-công nghệ” vì một quan tâm đến văn hóa đối với lý thuyết phê phán
có tính chất quan trọng trung tâm:
Văn hóa-công nghệ thể hiện một hình thể của văn hóa quần chúng và xã hội tiêu thụ
trong đó các hàng hóa tiêu thụ, phim ảnh, ti-vi, các hình ảnh đại chúng và
thông tin máy tính hóa trở thành hình thức thống trị về văn hóa thông qua thế
giới đã phát triển (và) đang gia tăng thâm nhập vào các nước đang phát triển.
Trong nền văn hóa-công nghệ, hình ảnh, quang cảnh và các tiện nghi thẩm mỹ đi
đến chỗ thiết lập các hình thức văn hóa mới nô dịch đô hộ cuộc sống hàng ngày
và chuyển biến các nền chính trị, kinh tế, và các quan hệ xã hội. Trong tất cả
các lĩnh vực này, công nghệ đóng một
vai trò ngày càng chủ yếu.
Ở đây có nhiều cái sẽ được khám phá
bởi các lý thuyết gia phê phán tương lai, như bản chất của bản thân văn hóa-công
nghệ, các tiện nghi của nó, sự đô hộ của nó lên thế giới-đời sống, và tác động
biện chứng của nó đối với kinh tế và các bộ phận khác trong xã hội. Ở đây có
nhiều cái mới, nhưng cũng có nhiều cái dựa vào các tư tưởng chủ yếu của lý
thuyết phê phán.
XÃ
HỘI HỌC KINH TẾ TÂN MARXIAN
Như chúng ta đã thấy xuyên suốt
trong chương này, nhiều nhà tân Marxist (ví dụ, các lý thuyết gia phê phán) đã
có một số đánh giá tương đối về thể chế kinh tế, phần nào đó như là một phản
ứng chống lại sự thái quá của các nhà kinh tế quyết định luận. Tuy nhiên, những
phản ứng này tự chúng trong lúc vận động đã tạo ra một loạt các phản ứng chống
lại. Trong phần này chúng ta đã xem xét tác phẩm của một vài nhà Marxist đó - những
người đã quay lại một tiêu điểm vào phạm vi kinh tế. Tác phẩm của họ không chỉ
đơn giản lặp lại lý thuyết theo Marx thời kỳ đầu; nó thiết lập một nỗ lực điều
chỉnh lý thuyết theo Marx cho thích ứng với các thực tiễn của xã hội tư bản
hiện đại.
Tất nhiên, có một loạt các tác phẩm
xử lý vấn đề kinh tế từ quan điểm lý
thuyết theo Marx. Đa phần chúng chỉ thích ứng trong phạm vi kinh tế, nhưng một
ít trong số đó đã có ảnh hưởng đối với xã hội học. Chúng tôi sẽ xử lý hai thể
loại tác phẩm trong phần này. Thể loại đầu tiên tập trung vào vấn đề rộng lớn
về tư bản và lao động. Thể thứ hai bao gồm một tác phẩm hẹp hơn và có tính
đương đại hơn về sự chuyển hóa từ thuyết Ford (Fordism) sang thuyết sau Ford
(Post-Fordism).
Tư
bản và lao động
Tư
bản độc quyền. Cái nhìn nội
quan nguyên thủy của Marx vào các cấu trúc
kinh tế và các quá trình dựa trên cơ sở phân tích của ông về chủ nghĩa tư bản
thời bấy giờ – cái chúng ta có thể nghĩ là một chủ nghĩa tư bản có tính chất
cạnh tranh. Các công nghệ tư bản đó về mặt so sánh là nhỏ, kết quả là không có
một nền công nghệ đơn độc, hoặc một nhóm công nghệ nhỏ nào có thể nắm quyền
kiểm soát toàn bộ và không có đối kháng trên một thị trường. Phần nhiều các tác
phẩm kinh tế của Marx dựa trên tiền đề này, chính xác vào thời của ông, rằng
chủ nghĩa tư bản là một hệ thống cạnh tranh. Nói cho chắc, Marx cũng đã dự đoán
khả năng của các độc quyền trong tương lai, nhưng ông chỉ đánh giá vắn tắt về
chúng. Nhiều lý thuyết gia theo Marx sau này tiếp tục làm việc như thể chủ
nghĩa tư bản vẫn còn y nguyên như vào thời của Marx.
Chính trong bối cảnh như
thế, chúng ta phải xem xét tác phẩm của Baran và Sweezy. Họ bắt đầu với một phê
phán về khoa học xã hội Marxist vì sự lặp lại các công thức quen thuộc và vì sự
thất bại trong việc giải thích các phát triển quan trọng gần đây trong xã hội tư
bản. Họ cáo buộc lý thuyết theo Marx về sự đình trệ vì nó tiếp tục dựa vào một
giả thiết về một nền kinh tế cạnh tranh. Một lý thuyết theo Marx hiện đại phải,
theo quan điểm của họ, nhận ra rằng chủ nghĩa tư bản cạnh tranh đã gần như bị
thay thế bời chủ nghĩa tư bản độc quyền.
Một vấn đề trọng tâm đối
với Baran và Sweeze là soi mói tận bản chất của chủ nghĩa tư bản độc quyền. Chủ
nghĩa tư bản độc quyền (monopoly Capitalism) có nghĩa là một, hoặc một vài nhà
tư bản kiểm soát một bộ phận của nền kinh tế. Rõ ràng, có ít tính cạnh tranh
hơn nhiều ở chủ nghĩa tư bản độc quyền so với CNTB cạnh tranh. Trong CNTB cạnh
tranh, các tổ chức cạnh tranh trên cơ sở giá cả; nghĩa là, nhà tư bản cố bán
nhiều hàng hóa bằng cách đưa ra giá thấp hơn. Trong chủ nghĩa tư bản độc quyền,
các hãng không còn cạnh tranh theo lối đó, bởi vì một, hoặc một vài hãng kiểm
soát cả một thị trường; sự cạnh tranh chuyển sang lĩnh vực buôn bán. Quảng cáo,
bao bì, và các phương pháp khác để thu hút các khách tiêu thụ tiềm năng là các
lĩnh vực chính của sự cạnh tranh.
Sự
vận động từ cạnh tranh giá cả sang buôn bán là một phần của một đặc tính quá
trình khác của CNTB độc quyền – sự hợp lý hóa tiến trình (progressive
rationalization). Sự cạnh tranh giá cả
đi đến chỗ bị xem là phi lý cao độ. Nghĩa là, từ một quan điểm của nhà tư bản
độc quyền, đưa ra các giá cả ngày càng thấp có thể dẫn tới rối loạn thị trường,
chưa nói đến lợi nhuận thấp đi và thậm chí đến chỗ bị phá sản. Cạnh tranh buôn
bán, trái lại, không phải là một hệ thống cạnh tranh khốc liệt; thực tế, nó còn
cung cấp công việc cho công nghệ quảng cáo. Hơn nữa, giá cả có thể giữ ở mức
cao, với các trị giá bán ra và cổ đông đơn giản được cộng thêm vào giá cả. Nhờ
vậy, cạnh tranh buôn bán ít có tính nguy cơ hơn nhiều so với cạnh tranh giá cả.
Một
khía cạnh chủ yếu khác của chủ nghĩa tư
bản độc quyền là sự gia tăng các công ty khổng lồ, với một số công ty lớn hơn
kiểm soát phần lớn các bộ phận của nền kinh tế. Trong CNTB cạnh tranh, tổ chức
bị kiểm soát bởi một mình ông chủ hãng. Công ty hiện đại bị làm chủ bởi một số
lượng lớn cổ đông, nhưng một ít cổ đông lớn nắm giữ phần lớn cổ phần. Dù các cổ
đông “làm chủ” công ty, những nhà quản lý thực hiện việc kiểm soát hàng ngày.
Nhà quản lý là cốt lõi trong chủ nghĩa tư bản độc quyền, trong khi các ông chủ
hãng là cốt lõi trong chủ nghĩa tư bản cạnh tranh. Các nhà quản lý có quyền lực
đáng kể, mà họ tìm cách duy trì. Họ thậm chí còn tìm sự độc lập tài chính đối
với hãng của họ bằng cách cố gắng, càng nhiều càng tốt, để làm sản sinh ra bất
kỳ khoản ngân quỹ nào họ cần hơn là dựa vào các nguồn ngân quỹ bên ngoài.
Baran
và Sweezy phê phán một cách cực đoan về quan điểm trung tâm của nhà quản lý
công ty trong xã hội tư bản hiện đại. Các nhà quản lý được xem là các nhóm hợp
lý cao được định hướng để tối đa hóa lợi nhuận của tổ chức. Do đó, họ không có
xu hướng đánh liều vốn là đặc điểm của các ông chủ hãng thời trước. Họ có một
viễn cảnh dài ngày hơn các ông chũ hãng. Trong khi các nhà tư bản thời sơ khai
quan tâm tới lợi nhuận trong vòng luân chuyển ngắn, các nhà quản lý hiện đại nhận ra rằng các nỗ
lực như thế có thể có khả năng dẫn tới sự cạnh tranh giá cả hỗn loạn, có thể có
ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận lâu dài của hãng. Do vậy, nhà quản lý sẽ từ bỏ một
số lợi nhuận ngắn ngày để tăng cường tối đa lợi nhuận dài hạn.
Vấn
đề trung tâm trong chủ nghĩa tư bản độc quyền là khả năng sinh sôi và sử dụng
các giá trị thặng dư kinh tế của hệ thống. Giá trị thặng dư kinh tế (economic
surplus) được xác định là sự chênh lệch giữa giá trị của sản phẩm mà xã hội sản
xuất ra được và chi phí sản xuất nó. Do mối quan tâm của họ tới vấn đề thặng
dư, Baran và Sweezy rời bỏ mối quan tâm
của Marx về sự bóc lột lao động và nhấn mạnh vào sự nối kết giữa kinh tế và các
thể chế xã hội khác, nói riêng là sự thu hút thặng dư kinh tế của các thể chế
này.
Các
nhà quản lý tư bản hiện đại là nạn nhân của chính thành công của họ. Một mặt,
họ có khả năng ấn định giá cả một cách tùy tiện vị vị trí độc quyền của họ
trong nền kinh tế. Mặt khác, họ tìm cách cắt giảm các chi phí trong tổ chức,
đặc biệt là chi phí liên quan tới lao động cổ xanh (lao động phổ thông). Khả
năng ấn định giá cao và cắt giảm phí tổn dẫn tới nâng cao giá trị thặng dư kinh
tế.
Vấn
đề lúc này là nhà tư bản chạm trán với câu hỏi sẽ làm gì với giá trị thặng dư
này. Một khả năng là tiêu thụ nó – trả cho các nhà quản lý các khoản lương
khổng lồ và chi các phần cổ tức lớn cho các cổ đông, để số tiền đó biến thành
sân vườn, xe Rolls Royces, châu báu nữ trang và trứng cá muối. Điều này được
thực hiện tới một mức độ nhất định, nhưng giá trị thặng dư quá lớn đến nổi
không bao giờ tiêu thụ được thậm chí một phần nhỏ của nó. Ở bất cứ trường hợp
nào, sự tiêu thụ hiển hiện ra trước mắt là đặc tính của các ông chủ hãng cũ hơn
là của các nhà quản lý và cổ đông hiện đại.
Một
sự lựa chọn thứ hai là đầu tư giá trị thặng dư vào những việc như cải tiến kỹ
thuật và đầu tư nước ngoài. Hành động có vẻ có lý này, do các nhà quản lý tiến
hành ở một mức độ nhất định, có một hạn chế chủ yếu là sự đầu tư như thế, nếu
thực hiện một cách khôn ngoan, sản sinh ra giá trị thặng dư thậm chí lớn hơn.
Điều này chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề sử dụng giá trị thặng dư kinh tế.
Các
nỗ lực gia tăng buôn bán có thể thu hút một số giá trị thặng dư. Các nhà tư bản
hiện đại có thể kích thích nhu cầu đối với sản phẩm của họ bằng quảng cáo; bằng
cách tạo lập và mở rộng các thị trường cho sản phẩm của họ; và bằng các công cụ
như thay đổi kiểu dáng, tạo ra sự lỗi thời có trù tính, và bán hàng trả góp một
cách dễ dàng. Tuy nhiên, lựa chọn này cũng có vấn đề. Đầu tiên, nó không thể
thu hút hết giá trị thặng dư. Thứ hai, nó có vẻ còn kích thích sự mở rộng hơn
nữa công ty, và, tới lượt việc này lại dẫn tới những cấp độ lớn hơn về giá trị
thặng dư.
Theo
Baran và Sweezy, chọn lựa duy nhất còn lại là sự tiêu xài hoang phí. Giá trị
thặng dư cần được tiêu phí, và có hai cách để làm điều này. Đầu tiên, là sự
tiêu dùng của chính phủ phi quân sự trong việc duy trì hàng triệu người lao
động trong các công việc của chính phủ và hỗ trợ cho vô số các chương trình của
chính phủ. Thứ hai là tiêu dùng vào quân sự, bao gồm các khoản chi quân sự kinh
khủng, và ngân sách hàng triệu đô la cho các trang bị đắt tiền nhanh chóng trở
nên lỗi thời.
Quan
điểm của Barab và Sweezy có nhiều yếu kém. Chẳng hạn, nó có vẻ như thực sự
không có cách nào tốt để rủ bỏ giá trị thặng dư, và có lẽ đó chính là quan điểm
mà Baran và Sweetzy muốn thông tin. Nó dẫn tới chúng ta tới một ấn tượng rõ
ràng rằng đây là một mâu thuẫn không thể giải quyết trong xã hội tư bản. Hiển
nhiên mọi chi phí của các nhà tư bản dẫn tới yêu cầu lớn hơn và dẫn tới giá trị
thặng dư lớn hơn. Chính phủ và những người lao công quân sự sử dụng tiền của họ
vào nhiều hàng hoá hơn; khi một số trang thiết bị quân sự được sử dụng, sẽ có
một nhu cầu đối với trang thiết bị mới và tốt hơn.
Một
phê phán khác có thể đưa ra đối với Baran và Sweetzy là họ đã nhấn mạnh thái
quá đến sự hợp lý của các nhà quản lý. Herbert Simon, ví dụ, lập luận rằng các
nhà quản lý quan tâm đến việc tìm (và chỉ có thể tìm) ra các giải pháp thoả
đáng ở mức tối thiểu hơn là tìm ra các giải pháp hợp lý nhất và có lợi nhất.
Một vấn đề khác là các nhà quản lý, trong thực tế, có phải là các nhân vật chủ
chốt trong chủ nghĩa tư bản hiện đại không. Nhiều người cho rằng chính lực lượng
cổ đông mới thật sự là thành phần kiểm soát hệ thống tư bản.
Nói
tóm lại, Baran và Sweetzy chấp nhận tiêu điểm kinh tế truyền thống của lý
thuyết theo Marx và rồi đưa nó tới một hướng mới và quan trọng hơn. Cụ thể, họ
chuyển tiêu điểm từ quá trình lao động sang các cấu trúc kinh tế của xã hội tư
bản hiện đại. Bây giờ, chúng ta quay sang Braverman, người chịu ảnh hưởng bởi
tác phẩm của Baran và Sweetzy nhưng tìm cách quay sang mối quan tâm của truyền
thống theo Marx về quá trình lao động.
Lao động và Tư bản độc quyền. Harry Braverman coi quá trình lao động và sự
bóc lột công nhân là trung tâm của lý thuyết theo Marx. Dù sự nhấn mạnh của ông
khác với Baran và Sweetzy, ông xem tác phẩm của mình có mối ràng buộc chặt chẽ
với tác phẩm của họ. Tựa đề của sách, Lao động và Tư bản độc quyền, phản
ánh tiêu điểm chính của ông, và tiểu tựa của nó, Sự xuống cấp của lao động
trong thế kỷ 20, cho thấy mối quan tâm của ông trong việc điều chỉnh viễn
cảnh của Marx về các thực tiễn lao động trong thế kỷ 20.
Braverman
không chỉ định cập nhật mối quan tâm của Marx đối với lao động phổ thông, mà
còn để kiểm tra cái đã xảy ra đối với các công nhân phục vụ và công nhân cổ áo
trắng. Marx ít chú ý đến hai nhóm này, nhưng từ thời của ông đến nay, họ đã trở
thành phạm trù nghề nghiệp chủ yếu cần phải chú ý đến một cách nghiêm túc cẩn
thận. Liên quan đến tác phẩm của Baran và Sweetzy, có thể nói rằng một trong
những phát triển chính trong chủ nghĩa tư bản độc quyền là sự suy tàn của các
công nhân cổ áo xanh và sự gia tăng đồng thời của lực lượng công nhân cổ áo
trắng và công nhân phục vụ trong việc
tham gia vào các tổ chức mang đặc tính cùa
chủ nghĩa tư bản độc quyền.
Phân
tích của Braverman bắt đầu với một xem xét kỹ lưỡng định hướng của Marx. Ông
làm rõ rằng các phê phán của ông đối với thế giới lao động đương thời không
phản ánh một ao ước quay hiện tại trở về thời quá khứ. Ông nói rằng ông không
lãng mạn hóa các nghề nghiệp thủ công thời xa xưa và “ các điều kiện lỗi thời
của các kiểu lao động nay đã trở thành xưa cũ”. Cũng như Marx, Braverman, là
một nhà phê phán không phải đối với tự thân khoa học và kỹ thuật mà đơn giản là
cách thức mà chúng được sử dụng trong chủ nghĩa tư bản “như là thứ vũ khí thống
trị trong việc tạo ra, duy trì và đào sâu một ngăn cách giữa các giai cấp trong
xã hội”. Trong sự sử dụng của nhà tư bản, khoa học và kỹ thuật đã được vận dụng
một cách có hệ thống để tước đoạt lao động từ truyền thống thủ công của nó mà
không tạo ra bất cứ cái gì để thế chỗ nó. Braverman tin rằng trong những bàn
tay khác (đó là chủ nghĩa xã hội), khoa học và kỹ thuật có thể được sử dụng một
cách khác để tạo ra một thời đại nay chưa thành hiện thực, trong đó, đối với
người lao động, nghề nghiệp thủ công thoả đáng nảy sinh từ ý thức và tinh thông
nghề nghiệp nhiều hữu dụng của quá trình lao động sẽ được kết hợp với sự kỳ
diệu của khoa học và sự tinh xảo của máy móc, một thời đại trong đó mọi người
sẽ được hưởng phúc lợi, ở một mức độ nhất định, từ sự kết hợp này.
Hướng
tới mục tiêu mở rộng phân tích của Marx từ những công nhân cổ áo xanh tới những
công nhân cổ áo trắng và công nhân phục vụ, Braverman lý luận rằng khái niệm
“giai cấp công nhân” không diễn tả một nhóm người hay nghề nghiệp cụ thể mà
đúng hơn, nó là sự thể hiện của một quá trình mua và bán lực lượng lao động.
Trong phạm vi quá trình này, Braverman lý luận rằng trong chủ nghĩa tư bản hiện
đại, có thể thấy rõ không một ai làm chủ các phương tiện sản xuất; do đó, nhiều
người, trong đó bao gồm phần lớn công nhân cổ áo trắng và công nhân phục vụ, bị
buộc phải bán lực lượng lao động của họ cho một ít người. Theo quan điểm của
ông, sự kiểm soát và bóc lột tư bản, cũng như các quá trình pháí sinh của sự cơ
giới hoá và hợp lý hoá, đang được mở rộng tới các nghề nghiệp cổ áo trắng và
phục vụ, dù tác động của họ chúng chưa lớn như đối với các nghề nghiệp cổ áo
xanh.
Braverman đặt cơ sở phân tích của
ông trên nhân loại học của Marx, đặc biệt là khái niệm của Marx về tiềm năng
của con người. Braverman lý luận rằng mọi hình thức của đời sống cần tự duy trì
chúng trong môi trường của chúng, nghĩa là, chúng cần làm cho tự nhiên thích
ứng với các như cầu riêng của chúng. Lao động là quá trình qua đó tự nhiên bị
biến đổi để nâng cao sự hữu ích của nó. Theo nghĩa này, thú vật cũng có lao
động, nhưng cái làm con người trở nên cá biệt là ý thức của họ. Mọi người có
một hệ thống các năng lực tinh thần mà các loài thú khác không có. Lao động của
con người do vậy được định tính bởi một hợp nhất các khái niệm (tư duy) và sự
thực hiện (hành động). Sự hợp nhất này có thể bị phá hủy, và chủ nghĩa tư bản
là giai đoạn cốt lõi trong sự phá hủy sự hợp nhất giữa tư duy và hành động
trong thế giới lao động.
Một thành tố chủ yếu trong sự phá hủy
này trong chủ nghĩa tư bản là sự mua bán lực lượng lao động. Nhà tư bản có thể
mua các dạng lực lượng lao động nhất định chứ không phải là các dạng khác. Ví
dụ, họ có thể mua lao động phổ thông và quả quyết rằng lao động trí óc nằm
ngoài quá trình này. Dù điều trái ngược có thể xảy ra , nó dường như sẽ không
xảy ra. Kết quả là chủ nghĩa tư bản được định tính bởi một sự gia tăng số lượng
những lao động phổ thông và ngày càng ít các lao động trí óc. Điều này dường
như trái với các số liệu thống kê, đã phản ánh một sự gia tăng lớn về lao động
cổ áo trắng, được giả thiết là các nghề nghiệp thuộc về trí óc. Tuy nhiên, như
chúng ta sẽ thấy, Braverman tin rằng nhiều nghề nghiệp cổ áo trắng đang bị vô sản hoá, tạo ra những khả năng phân
biệt về nhiều cách với lao động phổ thông.
Kiểm
soát bằng quản trị. Braverman công nhận sự bóc lột kinh tế, tiêu điểm của
Marx, nhưng tập trung hơn vào vấn đề kiểm soát. Ông đặt câu hỏi: “Các nhà tư
bản kiểm soát lực lượng lao động mà họ thuê mướn ra sao? Một lời đáp là họ thực
hiện sự kiểm soát như thế thông qua các nhà quản lý. Thực tế, Braverman mô tả
sự quản trị là “một quá trình lao động được thực hiện vì mục đích kiểm soát
trong phạm vi công ty”.
Braverman tập trung vào các phương
tiện phi cá nhân hơn được sử dụng bởi các
nhà quản lý để kiểm soát công nhân. Một trong những quan tâm chủ yếu của
ông là sự tận dụng chuyên biệt hoá để
kiểm soát công nhân. Ở đây ông cẩn thận phân biệt giữa sự phân loại lao động
trong xã hội ở nghĩa một tổng thể với sự chuyên biệt hoá lao động trong phạm vi
công ty. Mọi xã hội đã biết đều có một sự phân loại lao động (ví dụ, giữa nam
và nữ, nông dân và thợ thủ công vv..), nhưng sự chuyên biệt hoá lao động trong
phạm vi tổ chức là một phát triển đặc biệt của chủ nghĩa tư bản, dù nó cũng
xuất hiện trong các xã hội xã hội chủ nghĩa đang tồn tại. Braverman tin rằng sự
phân loại lao động ở cấp độ xã hội có thể nâng cao cá thể, trong khi sự chuyên biệt
hoá trong công xưởng có một ảnh hưởng tai hại đến việc tiểu phân các khả năng
của con người: “Sự tiểu phân cá thể, khi thực hiện mà không kể đến các khả năng
và nhu cầu của con người, là một tội ác chống lại cá nhân và chống lại nhân
loại”.
Sự chuyên biệt hoá trong công xưởng
bao gồm các phân loại và tiểu phân loại công việc hay sự vận hành thành phút và
các hoạt động chuyên biệt cao độ, mỗi hành động đó có vẻ được ấn định cho một
công nhân khác. Quá trình này thiết lập sự tạo ra cái mà Braverman gọi là “các
công nhân chi tiết”. Từ một loạt các khả năng mà bất cứ cá thể nào cũng sở đắc,
các nhà tư bản chọn ra một số nhỏ mà công nhân sẽ sử dụng trong công việc. Như
Breverman nhận xét, nhà tư bản đầu tiên phá vỡ quá trình lao động và rồi “chia
cắt công nhân luôn” bằng cách đòi hỏi người công nhân chỉ sử dụng một bộ phận
nhỏ của các kỷ năng và khả năng của họ. Theo cách nói của Braverman, công nhân
“không bao giờ tự nguyện biến đổi bản thân họ thành một công nhân chi tiết suốt
đời. Đây là đóng góp của chủ nghĩa tư bản”.
Tại sao nhà tư bản làm như thế? Đầu
tiên, nó gia tăng sự kiểm soát điều hành. Nó kiểm soát dễ dàng một công nhân
đang làm một công việc cụ thể hơn là một người sử dụng một loạt các kỹ năng
khác nhau. Thứ hai, nó gia tăng sức sản xuất. Nghĩa là, một nhóm công nhân thực
hiện các công việc chuyên biệt hoá cao có thể sản xuất nhiều hơn số lượng nhân
công tương đượng làm theo thủ công, mà trong đó mỗi người có tất cả các kỹ năng
và thực hiện tất cả các hoạt động sản xuất. Ví dụ, các công nhân trong một dây
chuyền tự động sản xuất nhiều xe hơn hơn một số lượng tương ứng những người làm
thủ công khéo léo, mỗi người sản xuất ra chiếc xe của chính họ. Thứ ba, sự
chuyên biệt hoá cho phép nhà tư bản trả lương ít nhất đối với lực lượng lao
động cần có. Thay vì các công nhân thủ công lành nghề được trả lương cao, nhà
tư bản có thể sử dụng các công nhân lương thấp, không lành nghề. Theo logic của
chủ nghĩa tư bản, những người sử dụng lao động tìm cách tiếp tục giảm bớt giá
trị lao động của công nhân, mà kết quả
là tạo ra một tập hợp lớn không phân biệt cái mà Breverman gọi là “lao động
giản đơn”.
Sự chuyên biệt hoá không
phải là phương tiện hoàn hảo để kiểm soát của các nhà tư bản và các nhà quản lý
trong việc sử dụng lao động. Một phương tiện quan trọng khác là kỹ thuật khoa
học, bao gồm các nỗ lực như cách quản
trị khoa học, là một nỗ lực vận dụng khoa học đối với việc kiểm soát lao động
với tư cách sự quản trị. Đối với Braverman, khoa học quản trị là khoa học về
“cách thức tốt nhất để kiểm soát lao động bị tha hoá”. Khoa học quản trị được
phát hiện ra trong một chuỗi giai đoạn hướng về việc kiểm soát lao động- tập
trung nhiều công nhân vào một phân xưởng, áp đặt độ dài của ngày lao động, giám
sát công nhân một cách trực tiếp để bảo đảm sự chuyên cần, các quy định bắt
buộc chống các sự xao lãng (ví dụ nói chuyện) và thiết lập các cấp độ sản xuất
tối thiểu có thể chấp nhận. Khoa học quản trị toàn diện đóng góp cho sự kiểm
soát bằng “ sự áp đặt đối với công nhân về cách ứng xử chính xác trong đó công
việc được thực hiện”. Ví dụ, Braverman thảo luận về tác phẩm thời đầu của F.W.
Taylor về việc xúc than, đã dẫn ông ta tới việc phát triển các nguyên tắc về
loại xẻng cần dùng, cách đứng, góc độ chiếc xẻng tiếp xúc với đống than, và
lượng than xúc được trong mỗi cử động. Nói cách khác, Taylor phát triển các
phương pháp bảo đảm hầu như sự kiểm soát hoàn toàn đối với quá trình lao động.
Công nhân càng ít có những quyết định độc lập chừng nào càng tốt chừng ấy; như
vậy, nhà quản lý đã đạt được một sự cách ly giữa tinh thần và tay chân. Sự quản
trị sử dụng tính độc quyền của nó về
kiến thức lao động liên quan để kiểm soát từng bước của quá trình lao động.
Cuối cùng, công việc tự bản thân nó còn lại mà không cần có bất cứ một kỹ năng
khéo léo, nội dung hay kiến thức nào. Tính thủ công đã bị tiêu diệt hòan toàn.
Braverman cũng xem máy móc như là
một phương tiện để kiểm soát công nhân. Máy móc hiện đại tồn tại “khi công cụ
và/hoặc công việc được giao là một con đường vận động được ấn định bởi cơ cấu
của chính chiếc máy”. Kỹ năng được xây dựng cho chiếc máy hơn là để cho người
công nhân thủ đắc. Thay vì kiểm soát quá trình lao động, công nhân đi đến chỗ
bị kiểm soát bởi máy móc. Hơn nữa, đối với nhà quản trị, kiểm soát các máy móc
dễ dàng hơn kiểm sóat công nhân nhiều.
Braverman lý luận rằng thông qua các
cơ cấu chuyên biệt hóa lao động, khoa học quản trị và các máy móc, khoa quản
trị có khả năng mở rộng sự kiểm sóat của nó đối với những công nhân phổ thông.
Dù đây là một nhận thức hữu ích, đặc biệt là sự nhấn mạnh vào kiểm sóat, đóng
góp nổi bật của Braverman là nỗ lực của ông để mở rộng dạng phân tích này đối
với các bộ phận của lực lượng lao động không được phân tích trong phần phân
tích nguyên thủy của Marx về quá trình lao động. Braverman lý luận rằng các
công nhân cổ áo trắng và công nhân phục vụ giờ đây đang trải qua các quá trình
kiểm soát tương tự từng được sử dụng với những công nhân chân tay ở thế kỷ
trước.
Một trong những ví dụ của Braverman
là các công nhân cổ áo trắng thư ký. Ở một giai đoạn, những người này được xem
là một nhóm khác biệt với những công nhân cổ áo xanh bởi những thứ như trang
phục, kỹ năng, sự đào tạo, các thành đạt nghề nghiệp. Tuy nhiên, ngày nay cảhai
nhóm đều chịu cùng các phương tiện kiểm soát. Do vậy, việc phân biệt giữa nhà
máy và văn phòng giống như nhà máy hiện đại trở nên khó khăn, khi các công nhân
ở các văn phòng đang dần dần bị vô sản hóa. Chẳng hạn, công việc của công nhân
thư ký trở nên ngày càng chuyên môn hóa. Điều này có nghĩa là, trong nhiều cái
khác, các khía cạnh tinh thần và chân tay của công việc văn phòng đã bị cách
biệt. Các nhà quản trị văn phòng, các kỹ sư, kỹ thuật viên giờ đây thực hiện
các công việc tinh thần, trong khi đó các thư ký “chuyên ngành” không làm gì
hơn ngoài các công việc chân tay như đánh máy, sắp xếp hồ sơ, bấm lỗ hồ sơ. Kết
quả là cấp độ của các kỹ năng cần thiết cho các công việc đó đã bị hạ thấp hơn,
và các công việc này đòi hỏi ít, hoặc không cần có sự đào tạo.
Khoa học quản trị giờ đây cũng được
xem là đang xâm lấn vào văn phòng. Các công việc thư ký đã được nghiên cứu một
cách khoa học, và kết quả là chúng bị đơn giản hóa, thủ tục hóa và tiêu chuẩn
hóa. Cuối cùng, sự cơ giới hóa bắt đầu tạo ra một sự thâm nhập quan trọng vào
văn phòng, cơ bản là thông qua máy vi tính và các trang thiết bị gắn liền với
máy vi tính.
Bằng cách áp dụng các cơ cấu này vào
công việc thư ký, các nhà quản lý thấy dễ dàng hơn trong việc kiểm soát những
công nhân như thế. Có vẻ như các cơ cấu kiểm soát này không mạnh mẽ và hiệu quả
bằng ở các nhà máy; nhưng xu hướng đang nghiêng về phía sự phát triển của “nhà
máy” cổ áo trắng.
Nhiều phê phán có thể đưa ra đối với
Braverman. Chẳng hạn, ông đã dự báo một cách thái quá về mức độ giống nhau giữa
công việc thư ký và công việc chân tay. Mặt khác, nỗi ám ảnh của ông về sự kiểm
soát đã dẫn ông tới chỗ dành ít chú ý cho các động lực của sự bóc lột trong chủ
nghĩa tư bản. Dù sao, ông đã làm phong phú thêm nhận thức của chúng ta về quá
trình lao động trong xã hội tư bản hiện đại.
Tác
phẩm khác về lao động và tư bản. Dù
Braverman công nhận sự bóc lột kinh tế, vốn là tiêu điểm của Marx, ông đã tập
trung, như chúng ta thấy, vào vấn đề kiểm soát bằng quản trị đối với công nhân.
Vấn đề về kiểm soát thậm chí còn có tính chất trọng tâm hơn trong tác phẩm của
Richard Edwards, cuốn Tranh chấp địa vị:
Sự chuyển hóa vị trí lao động trong thế kỷ 20. Đối với Edwards, sự kiểm
soát nằm ở trung tâm của sự chuyển hóa về vị trí lao động ở thế kỷ 20. Đi theo
Marx, Edwards xem vị trí làm việc, cả ở quá khứ và hiện tại, như là một đấu
trường của xung đột giai cấp, theo từ của ông dùng là “tranh chấp địa vị”. Trong phạm vi đấu trường này, các biến đổi sâu
sắc đã diễn ra theo cách thức trong đó những người ở đỉnh kiểm soát những người
ở đáy. Trong chủ nghĩa tư bản cạnh tranh thế kỷ 19, sự kiểm soát “giản đơn”
được sử dụng, trong đó “các ông chủ thực hiện quyền lực về mặt cá nhân, sự can
thiệp vào quá trình lao động thường thúc đẩy công nhân, ức hiếp và đe dọa họ,
tưởng thưởng cho việc thực hiện tốt, thuê và đuổi việc ngay tại chỗ, cổ vũ các
lao công trung thành, và nói chung hành động như là các bạo chúa hoặc kẻ nhân
từ hay cách khác”. Dù hệ thống kiểm soát
này còn tiếp diễn trong nhiều doanh
nghiệp nhỏ, nó đã được chứng minh là quá thô thiển trong các tổ chức hiện đại,
tầm cỡ lớn. Trong những tổ chức như thế, sự kiểm soát giản đơn có xu hướng bị
thay thế bởi sự kiểm soát quan liêu, kỹ thuật, phi cá nhân và phức tạp hơn
nhiều. Các công nhân hiện đại có thể bị kiểm soát bởi các kỹ thuật mà họ làm
việc với chúng. Ví dụ cổ điển cho điều này là dây chuyền sản xuất tự động,
trong đó hành động của người công nhân được quyết định bởi các yêu cầu không
ngớt của dây chuyền. Một ví dụ khác là máy vi tính hiện đại, có thể lưu giữ các
theo dõi cẩn thận bao nhiêu công việc đã được người công nhân thực hiện, và bao
nhiêu lỗi anh ta đã phạm phải. Các công nhân hiện đại cũng bị kiểm soát bởi các
nguyên tắc phi cá nhân của chế độ quan liêu bàn giấy hơn là sự kiểm soát cá
nhân của các giám sát viên. Chủ nghĩa tư bản đang biến đổi không ngừng và mang
theo cùng với nó các phương tiện để kiểm soát công nhân.
Tác phẩm khác đáng chú ý là cuốn Thỏa thuận sản xuất: các biến đổi trong quá
trình lao động dưới CNTB độc quyền của Michael Burawoy. Burawoy quan tâm
đến vấn đề tại sao các công nhân trong một hệ thống tư bản làm việc quá vất vả.
Ông phản đối sự giải thích của Marx rằng những công việc vất vả đó là kết quả
của sự áp bức. Sự ra đời của các công đoàn lao động và các biến đổi khác đã
loại bỏ một cách rộng rãi sự tùy tiện của lực lượng quản trị. “Sự áp bức riêng
nó không còn có thể lý giải điều công nhân đã làm một khi họ đã tới khu sản
xuất hàng hóa”. Đối với Burawoy, các công nhân, ít nhất là một bộ phận, thỏa
thuận lao động năng nhọc trong hệ thống tư bản, và ít nhất là một phần của sự
thỏa thuận đó được sản sinh ra trong nơi sản xuất.
Chúng ta có thể minh họa cách tiếp
cận của Burawoy bằng một khía cạnh của khảo sát của ông, các trò chơi mà công
nhân chơi trên công việc, và nói chung hơn, các hoạt động phi thể thức mà họ
phát triển. Phần đông các nhà phân tích xem đây là các nỗ lực của công nhân để
giảm đi sự tha hóa và các bất mãn có liên quan đến công việc khác. Ngoài ra,
các hành vi này thường được xem là các cơ cấu xã hội mà công nhân phát triển để
cưỡng kháng lại sự quản trị. Ngược lại, Burawoy kết luận rằng những trò chơi
này “thường là không độc lập mà cũng không chống đối lại sự quản trị”. Thực tế,
“sự quản trị, ít nhất ở các cấp độ thấp, thực sự tham gia không chỉ vào việc tổ
chức trò chơi, mà cả vào tính chất bắt buộc của các nguyên tắc của nó”. Thay vì
cạnh tranh thách thức với sự quản trị, tổ chức, hoặc cuối cùng là hệ thống tư
bản, các trò chơi này thực sự hỗ trợ chúng. Chẳng hạn, chơi trò chơi tạo ra sự
nhất trí giữa các công nhân về các luật chơi, và nói chung hơn, với hệ thống
của các quan hệ xã hội (ông chủ - nhà quản lý - công nhân) đã xác định các luật
chơi. Hoặc là, vì các nhà quản lý và công nhân đều liên quan tới trò chơi, hệ
thống các quan hệ xã hội đối kháng mà trò chơi được cho là phản ứng lại rất mơ
hồ.
Burawoy lý luận rằng các phương pháp
tạo ra các cộng tác hành động và sự nhất trí như thế đạt hiệu quả trong việc
lôi kéo sự cộng tác của công nhân trong việc theo đuổi lợi nhuận cao hơn nhiều
so với sự áp bức (như đuổi việc những người không hợp tác). Cuối cùng, Burawoy
tin rằng các trò chơi và các hoạt động phi thể thức khác đều là các phương pháp
để lôi kéo công nhân chấp nhận hệ thống và khêu gợi sự cống hiến của họ để có
lợi nhuận cao hơn.
Tóm lại, các tác phẩm của Baran và
Sweetzy, Braerman, Edwards và Burawoy thể hiện một sự quay trở lại tiêu điểm
truyền thống theo Marx về bộ phận kinh tế.
Ở một cấp độ lý thuyết, chúng có giá trị trong việc phục hồi mối quan
tâm vào nhân tố kinh tế cũng như việc cải tiến và làm cho nhận thức của chúng
ta gần với thời đại hơn ở chiều kích này. Ngoài ra, họ là những nguồn quan
trọng cho tư duy xã hội học và sự khảo sát các khía cạnh khác nhau của lao động
và công nghiệp.
Thuyết
Ford và Thuyết Sau Ford
Một trong những mối quan tâm nhất
gần đây về định hướng kinh tế của các nhà Marxist là vấn đề chúng ta có đã
chứng kiến, hoặc đang chứng kiến, một sự chuyển biến từ thuyết Ford sang thuyết
Sau Ford không. Điều này có liên quan tới vấn đề rộng hơn là chúng ta có thực
hiện một cuộc chuyển biến từ một xã hội hiện đại sang một xã hội hậu hiện đại
không. Chúng tôi sẽ thảo luận vấn đề lớn này một cách khái quát (Chương 12),
cũng như cách thức trong đó nó được nói
tới bởi các nhà lý thuyết gia theo Marx
đương thời (ở cuối chương này). Trong khi bạn đọc có thể muốn đọc tới các phần
phù hợp, thảo luận này có thể được đọc
và hiểu mà không cần phải làm như thế.
Nói chung, thuyết Ford gắn liền với thời hiện đại, trong khi thuyết Sau
Ford kết nối với một thời đại hậu hiện đại gần đây hơn. (Mối quan tâm của những
người theo Marx đối với thuyết Ford
không mới, Gramsci đã xuất bản một tiểu luận về nó năm 1931).
Thuyết
Ford, tất nhiên, chỉ các tư tưởng, nguyên tắc và các hệ thống do Henry Ford sáng
tạo ra. Ford nói chung được được ghi nhận cùng với sự phát triển của hệ thống
sản xuất khổng lồ hiện đại, cơ bản thông qua sự tạo ra dây chuyền sản xuất tự
động. Các đặc điểm sau đây có thể gắn liền với thuyết Ford:
·
Sự sản xuất đại trà
các sản phẩm đồng nhất.
·
Sự sử dụng các kỹ
thuật cứng nhắc như dây chuyền sản xuất.
·
Sự đi theo các chuỗi
công việc được tiêu chuẩn hóa.
·
Các gia tăng về sản
phẩm phát sinh từ “các phương pháp tiết kiệm thao tác cũng như sự giảm thiểu kỹ
năng, sự sâu sắc hóa và sự đồng nhất hóa
về lao động”.
·
Sự ra đời tất yếu của các tập hợp công nhân lớn và các
công đoàn bàn giấy hóa.
·
Sự đàm phán của các
công đoàn về các khoản lương không đổi gắn liền với sự gia tăng lợi nhuận và
sản phẩm.
·
Sự tăng trưởng của
một thị trường đối với các sản phẩm đồng nhất của các công nghệ sản xuất đại
trà và sự đồng nhất tất yếu các kiểu mẫu tiêu dùng.
·
Một sự gia tăng
lương, nhờ sự tổ chức công đoàn, dẫn tới một đòi hỏi tăng cao đối với sự gia
tăng nguồn cung ứng các sản phẩm được sản xuất đại trà.
·
Một thị trường cho
các sản phẩm được điều hành bởi các chính sách kinh tế vĩ mô của Keynesian, và
một thị trường cho lao động được giải quyết bởi sự mặc cả tập thể do nhà nước
giám thị.
·
Các thể chế giáo dục
đại trà cung cấp các công nhân đại trà được nền công nghiệp đòi hỏi.
Trong khi thuyết Ford tăng
trưởng xuyên suốt thế kỷ 20, đặc biệt là ở Mỹ, nó lên tới đỉnh cao và bắt đầu
suy tàn vào những năm 1970, nhất là sau cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973 và hệ
quả là sự suy tàn của công nghiệp chế tạo xe hơi Mỹ và sự ra đời của đối thủ
Nhật. Kết quả là người ta lý luận rằng chúng ta đang chứng kiến sự suy tàn của
thuyết Ford và sự ra đời của thuyết Sau Ford, được định tính bởi những điều
sau:
·
Sự giảm sút mối quan
tâm vào các sản phẩm đại trà đi liền với sự gia tăng mối quan tâm vào các sản
phẩm chuyên biệt hơn, đặc biệt là những thứ có kiểu dáng và chất lượng cao.
·
Nhiều sản phẩm chuyên
biệt hơn đòi hỏi sự sản xuất ngắn hạn hơn, kết quả là tạo ra những hệ thống nhỏ
hơn và có hiệu quả sản xuất hơn.
·
Nhiều nền sản xuất
linh hoạt hơn tạo ra khả năng sinh lợi hơn bởi sự ra đời của các kỹ thuật mới.
·
Các kỹ thuật mới đòi
hỏi rằng các công nhân, tới lượt họ, phải có nhiều kỹ năng khác nhau và được
đào tạo tốt hơn, có tính trách nhiệm cao hơn và tự trị hơn.
·
Sự sản xuất phải được
kiểm soát thông qua các hệ thống linh hoạt hơn.
·
Các chế độ quan liêu
bàn giấy cứng nhắc, to lớn cần được thay đổi một cách sâu sắc để vận hành một
cách linh hoạt hơn.
·
Các công đoàn quan
liêu (và các đảng phái chính trị) không còn là đại diện thích hợp cho các quan
tâm của lực lượng lao động mới, có tính phân biệt cao hơn.
·
Sự mặc cả tập thể
phân tán thế chỗ cho các đàm phán tập trung.
·
Những người công nhân
trở nên phân biệt hơn như mọi người và đòi hỏi các tiện nghi, phong thái sống,
phương tiện hưởng thụ văn hóa khác biệt hơn.
·
Phúc lợi nhà nước
phân tán không còn gặp các nhu cầu (ví dụ, sức khỏe, phúc lợi, giáo dục) của
một cộng đồng dân cư khác nhau, và người ta đòi hỏi phải các thể chế khác biệt
nhau, linh hoạt hơn.
Nếu
cần phải tóm tắt sự chuyển biến từ thuyết Ford sang thuyết Sau Ford, có thể
diễn tả nó như là sự chuyển dịch từ tính
đồng nhất sang tính hỗn tạp. Ở đây có hai vấn đề chung có liên quan. Đầu tiên,
một sự chuyển biến từ thuyết Ford sang thuyết Sau Ford đã thực sự diễn ra. Thứ
hai, thuyết Sau Ford có chối bỏ niềm hy vọng giải quyết các vấn đề gắn liền với
thuyết Ford hay không?
Trước
hết, tất nhiên, không có một sự thay đổi lịch sử rõ ràng giữa thuyết Ford và
thuyết Sau Ford. Ngay cả khi chúng ta sẵn sàng thừa nhận rằng các nguyên tố của
thuyết Sau Ford đã nảy sinh trong thế giới hiện đại, cũng rõ ràng không kém
rằng các nguyên tố của thuyết Ford vẫn còn và chưa có dấu hiệu gì biến mất. Ví
dụ, một thứ mà chúng ta vẫn gọi là “Chủ nghĩa Mac Donald”, một hiện tượng có
rất nhiều điểm chung với thuyết Ford, đang tăng trưởng ở một tốc độ đáng ngạc
nhiên trong xã hội đương thời. Trên cơ
sở của kiểu mẫu của nhà hàng ăn liền, ngày càng nhiều các bộ phận của xã hội
tới đó để tận dụng các nguyên tắc của chủ nghĩa McDonald. Chủ nghĩa McDonald có
nhiều đặc tính của thuyết Ford - các sản phẩm đồng nhất, các kỹ thuật cứng
nhắc, các tập quán lao động tiêu chuẩn hóa, sự giảm thiểu kỹ năng, sự đồng nhất
hóa lao động (và khách hàng), công nhân đại trà, sự đồng nhất hóa việc tiêu
dùng, vv… Như vậy, thuyết Ford vẫn còn sống và sống tốt trong thế giới hiện
đại, dù nó đã được biến hóa một cách kỳ ảo thành chủ nghĩa McDonald. Hơn nữa,
thuyết Ford cổ điển, ví dụ, dưới hình thức của dây chuyền sản xuất - vẫn còn là
một hiện diện quan trọng trong nền kinh tế Mỹ.
Thứ
hai, ngay khi chúng ta chấp nhận ý tưởng rằng thuyết Sau Ford đang đi cùng với
chúng ta, nó có đề ra một giải pháp cho các vấn đề của xã hội hiện đại không?
Một số nhà tân Marxist (và nhiều người ủng hộ của hệ thống tư bản) không chối
bỏ niềm hy vọng đối với nó: “Thuyết Sau Ford chủ yếu là một thể hiện niềm hy
vọng rằng tương lai phát triển của tư bản sẽ là sự cứu vớt của xã hội dân chủ”.
Tuy nhiên, đây chỉ đơn giản là một niềm hy vọng, và trong bất cứ trường hợp
nào, đã có sẵn một chứng cứ rằng Thuyết Sau Ford có thể không phải là niềm hy
vọng đến cõi niết bàn của một số nhà quan sát.
Kiểu của người Nhật được tin một
cách rộng rãi là cơ sở của thuyết Sau Ford. Tuy nhiên, khảo sát về công nghệ
Nhật và các công nghệ Mỹ sử dụng các kỹ thuật quản trị của Nhật cho thấy rằng
có những vấn đề lớn đối với các hệ thống này, rằng chúng thậm chí còn đẩy cao
thêm mức độ bóc lột công nhân. Paker và Slaughter gọi hệ thống của Nhật như
được sử dụng ở Mỹ (và hẵn là nó còn tệ hơn thế ở Nhật) là “sự quản trị bằng sức
ép” : “Mục tiêu là dán lại hệ thống như
một miếng băng cao su đắp lên chỗ bị vỡ”. Trong những điều khác, lao động bị
đẩy nhanh tốc độ thậm chí còn hơn nhiều so với truyền thống dây chuyền sản xuất
của Mỹ, đặt những kềm hãm kinh khủng lên những người công nhân, những kẻ cần
lao động một cách anh dũng để theo kịp dây chuyền. Tổng quát hơn, Levidow mô tả
các công nhân mới thời thuyết Sau Ford là “ bị gây áp lực một cách tàn nhẫn để
gia tăng sức sản xuất của họ, và thường là đổi lại bằng các khoản lương thực sự
thấp - họ là những công nhân nhà máy, người làm việc ở nhà trong ngành may mặc,
các lao cộng giúp việc tư nhân hay thậm chí cả các giảng viên kỹ thuật”. Như
vậy, rất có thể là thay vì đưa ra một giải pháp đối với các vấn đề của chủ
nghĩa tư bản, thuyết Sau Ford chỉ đơn giản có thể là một giai đoạn mới, xảo
quyệt hơn trong việc nâng cao sự bóc lột công nhân của các nhà tư bản.
CHỦ
NGHĨA MARX ĐỊNH HƯỚNG LỊCH SỬ
Nhiều nhà Marxist có định hướng
nghiên cứu lịch sử. Trong việc đi theo định hướng này, họ lý luận rằng họ theo
đúng mối quan tâm của thuyết Marxian đối với tính chất lịch sử của sự kiện.
Đáng chú ý nhất về nghiên cứu lịch sử của Marx là một nghiên cứu về các hình
thái kinh tế tiền tư bản. Có nhiều tác phẩm mang tính lịch sử sau này từ một
viễn cảnh theo Marx. Trong phần này, chúng tôi điểm qua một thể loại tác phẩm
đã phản ánh một định hướng lịch sử - tác phẩm của Immanuel Wallerstein, khảo
sát về hệ thống thế giới hiện đại. Dù ở nhiều mặt không mang tính điển hình của
một học thuật lịch sử Marxian, tác phẩm này có một vài ảnh hưởng quan trọng
trong xã hội học đương thời.
Hệ thống thế giới hiện đại
Wallerstain
chọn một đơn vị phân tích không giống như phần lớn các tư tưởng gia Marxian
khác thường dùng. Ông không nhìn vào công nhân, các giai cấp, hay thậm chí các
nhà nước, vì ông thấy phần lớn chúng quá hẹp đối với mục đích của ông. Thay vì
thế, ông nhìn vào một thực thể kinh tế rộng hơn với một sự phân chia lao động
không bị giới hạn bởi các biên giới chính trị hay văn hóa. Ông tìm ra đơn vị đó
trong khái niệm của mình về hệ thống thế giới hiện đại, là một hệ thống xã hội
độc lập trên quy mô lớn với một tập hợp các ranh giới và một vòng đời có thể
xác định được; nghĩa là, nó không tồn tại mãi mãi. Nó bao gồm bên trong một
loạt các cấu trúc xã hội và các nhóm thành viên. Tuy nhiên, Wallerstein không
có xu hướng xác định hệ thống này trong phạm vi một sự liên ứng đã kết nối nó
lại. Hơn thế, ông xem hệ thống được nối kết với nhau bởi nhiều lực lượng khác
nhau mà đặc tính cố hữu là sự căng thẳng. Các lực lượng này luôn luôn có tiềm
năng để xé lẻ hệ thống thành từng phần.
Hệ thống thế giới là một
khái niệm rất trừu tượng; thực tế, Wallerstein chỉ đưa ra nó ở cuối cuốn sách
đầu tiên của ông, sau khi ông đã thảo luận mọi chi tiết lịch sử cần thiết cho
sự trình bày nó. Ông lý luận rằng cho tới nay chúng ta chỉ có hai kiểu hệ thống
thế giới. Một là đế quốc thế giới, mà La Mã cổ đại là một ví dụ. Kiểu kia là
một nền kinh tế tư bản thế giới hiện đại. Một đế quốc thế giới dựa trên nền
tảng thống trị về chính trị (và quân sự), trong khi một nền kinh tế tư bản thế
giới hiện đại dựa trên sự thống trị về kinh tế. Một nền kinh tế tư bản thế giới
được xem là có tính bền vững hơn một đế quốc thế giới vì nhiều lý do. Chẳng
hạn, nó có một cơ sở rộng hơn, vì nó bao gồm nhiều nhà nước. Hoặc là, nó có một
quá trình xây dựng về kinh tế mang tính bền vững. Các thực thể chính trị cách
biệt trong kinh tế tư bản thế giới thẩm thấu bất kỳ sự mất mát nào xảy ra,
trong khi thành tựu kinh tế được phân phối tới những bàn tay riêng. Wallerstein
dự kiến khả năng của một hệ thống thế giới thứ ba, một chính phủ thế giới xã
hội chủ nghĩa (socialist world government). Trong khi hệ thống tư bản thế giới
hiện đại cách ly chính trị khỏi kinh tế, một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thế
giới có thể tái hòa hợp chúng.
Để định hướng bạn đọc về thảo luận
lịch sử sau đây, chúng tôi xin giới thiệu các khái niệm Wallerstein đã phát
triển, diễn tả các phân bố địa lý của lao động trong hệ thống thế giới-là mối
quan tâm lớn nhất của ông: nền kinh tế tư
bản thế giới (the capitalist world-economy) - trung tâm (the core); vùng ngoại
biên (periphery) và bán ngoại biên
(semiperiphery). Nói chung, khu vực địa lý trung tâm thống trị nền kinh tế thế
giới và bóc lột phần còn lại của hệ thống. Vùng ngoại biên bao gồm các khu vực
cung cấp các chất liệu sống cho trung tâm và bị nó bóc lột nặng nề. Vùng bán
ngoại biên là một phạm trù thặng dư bao gồm một tập hợp các khu vực nằm đâu đó
giữa cái bóc lột và cái bị bóc lột. Điểm chủ chốt ở đây là đối với Wallerstein,
sự phân bố quốc tế về bóc lột được xác định không phải bởi các biên giới nhà
nước mà bởi sự sự phân bố lao động trên thế giới.
Trong tập đầu tiên về hệ thống thế
giới, Wallerstein xử lý nguồn gốc của hệ thống thế giới ước chừng vào khoảng
giữa năm 1450 và năm 1640. Tầm quan trọng của sự phát triển này là sự chuyển từ
sự thống trị về chính trị (và do đó về quân sự) sang thống trị về kinh tế.
Wallerstein xem kinh tế là phương tiện thống trị hữu hiệu và ít sơ khai hơn
chính trị rất nhiều. Các cấu trúc chính trị rất nặng nề, trong khi sự bóc lột
kinh tế “làm trở thành khả dĩ việc gia tăng dòng chảy giá trị thặng dư từ tầng
lớp thấp lên tầng lớp cao, từ vùng ngoại biên về trung tâm, từ vùng thứ yếu về
vùng chủ yếu”. Trong kỷ nguyên hiện đại, chủ nghĩa tư bản cung cấp một nền tảng
cho sự tăng trưởng và phát triển một nền kinh tế thế giới; điều này đã thành
tựu mà không cần sự trợ giúp của một cấu trúc chính trị hợp nhất. Chủ nghĩa tư
bản có thể xem như là một sự thay thế về kinh tế cho sự thống trị về chính trị.
Nó có khả năng tốt hơn để tạo ra giá trị thặng dư kinh tế hơn là các kỹ thuật
sơ khai được sử dụng trong bóc lột bằng chính trị.
Wallerstein lý luận rằng ba
việc cần thiết cho sự ra đời của kinh tế tư bản thế giới từ “đống đổ nát” của
đế quốc chủ nghĩa là: sự mở rộng về địa lý thông qua bóc lột và thực dân, sự
phát triển các phương pháp khác nhau về kiểm soát lao động đối với các khu vực
(ví dụ, trung tâm, ngoại biên) của kinh
tế thế giới, và sự phát triển của các nhà nước hùng mạnh sẽ trở thành các nhà
nước trung tâm của kinh tế tư bản thế giới đang nảy sinh. Chúng ta hãy lần lượt
nhìn vào các việc này.
Sự mở
rộng về địa lý. Wallerstein lý luận rằng sự mở
rộng địa lý bởi các quốc gia là một tiền đề cho hai giai đoạn khác. Bồ Đào Nha
nắm vai trò dẫn đầu trong khai thác trên biển, và các quốc gia Châu Âu khác
theo sau. Wallerstein thận trọng khi nói về các quốc gia cụ thể hay về Châu Âu
trong phạm vi chung. Ông thích xem sự mở rộng trên vùng biển được gây ra bởi
một nhóm người hành động vì các mối quan tâm ngay tức thời của họ. Các nhóm ưu
tú, như các tầng lớp quý tộc, cần có sự
mở rộng trên vùng biển vì các lý do khác nhau. Chẳng hạn, họ đang đối mặt với
một cuộc chiến tranh giai cấp nảy sinh do sự sụp đổ giai cấp phong kiến. Sự
buôn bán nô lệ cung cấp cho họ một lực lượng lao động có thể truy nguyên gốc
tích để từ đó xây dựng một hệ thống tư bản. Sự mở rộng cũng cung cấp cho họ
nhiều tiện nghi cần thiết để phát triển nó - vàng thoi, thực phẩm, những loại
nguyên vật liệu.
Sự
phân bố lao động trên toàn thế giới.
Một khi thế giới đã thực hiện mở rộng về địa lý, nó được chuẩn bị cho
giai đoạn kế tiếp, sự phát triển của một phân bố lao động trên phạm vi toàn thế
giới. Ở thế kỷ 16, chủ nghĩa tư bản thay thế cho chủ nghĩa quốc gia như là kiểu
thống trị chủ yếu của thế giới, nhưng chủ nghĩa tư bản không phát triển một
cách đồng đều khắp thế giới. Thực tế, Wallerstein lý luận, sự thống nhất của hệ
thống tư bản cuối cùng là dựa vào sự phát triển không đồng đều của nó. Đưa ra
định hướng theo Marx của mình, Wallerstein không nghĩ về nó như là một sự cân
bằng liên ứng mà đúng hơn là một cân bằng chất chứa xung đột ngay từ đầu. Các
bộ phân khác nhau của hệ thống tư bản thế giớiđi đến chỗ chuyên biệt hóa các
chức năng riêng biệt - lực lượng lao động chăn nuôi, trồng trọt thức phẩm, cung
cấp nguyên vật liệu, và công nghiệp tổ chức. Hơn nữa, các khu vực khác nhau đi
đến chỗ bị chuyên biệt hóa trong việc sản sinh ra các kiểu lao động đặc thù. Ví
dụ, Châu Phi sản xuất nô lệ; Tây Âu và Nam Âu có nhiều tiểu nông; Tây Âu cũng
là trung tâm của lao động ăn lương, giai cấp cầm quyền, các tổ chức giám sát và
tổ chức kỹ năng khác.
Nói chung hơn, từng bộ phận của phân
bố lao động quốc tế có xu hướng khác biệt trong phạm vi kiểu kiểm soát lao
động. Vùng trung tâm có lao động tự do; vùng ngoại biên được định tính bởi lao
động cưỡng bức; và vùng bán ngoại biên là trung tâm của sự lĩnh canh. Thực tế,
Wallerstein lý luận rằng điều chủ chốt đối với chủ nghĩa tư bản nằm ở một trung
tâm được thống trị bởi một thi trường lao động tự do đối với các công nhân lành
nghề và một thị trường lao động cưỡng bức đối với các công nhân kém lành nghề
hơn ở vùng ngoại biên. Một sự kết hợp như thế là bản chất của chủ nghĩa tư bản.
Nếu một thị trường lao động tự do phát triển khắp thế giới, chúng ta sẽ có chủ
nghĩa xã hội.
Một số khu vực của thế giới
bắt đầu với những thuận lợi nhỏ bé ban đầu, được lấy làm cơ sở để phát triển
các thuận lợi lớn hơn sau đó. Khu vực trung tâm ở thế kỷ 16, cơ bản là Tây Âu,
nhanh chóng mở rộng các thuận lợi của nó khi các thị trấn phồn thịnh, các công
nghệ phát triển, và cơ khí bắt đầu quan trọng. Nó cũng vận động để mở rộng lãnh
địa của nó bằng cách phát triển một loạt các hoạt động khác nhau. Cùng lúc đó,
mỗi một hoạt động của nó trở nên chuyên biệt hóa để sản xuất hiệu quả hơn. Trái
lại, vùng ngoại biên vẫn đình trệ và đi về phía cái mà Wallerstein gọi là một
“nền văn hóa một chiều” hay một xã hội đơn điệu, không có gì nổi bật.
Sự
phát triển của các nhà nước trung tâm.
Giai đọan thứ ba của sự phát triển của hệ thống thế giới có liên quan
đến phần chính trị: cách thức các nhóm kinh tế khác nhau sử dụng các cấu trúc
nhà nước để bảo vệ và tăng tiến các mối quan tâm của chúng. Các chế độ quân chủ
tuyệt đối tăng lên ở Châu Âu đồng thời với sự phát triển của tư bản chủ nghĩa.
Từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18, các nhà nước là các tác nhân hành động kinh tế
trọng tâm của Châu Âu, dù trung tâm này sau đó chuyển sang các tập đoàn kinh tế.
Các nhà nước hùng mạnh ở các khu vực trung tâm đóng vai trò chủ yếu trong sự
phát triển tư bản chủ nghĩa và cuối cùng cung cấp một cơ sở kinh tế cho tiền đề
riêng của chúng. Các nhà nước Châu Âu tự củng cố trong thế kỷ 16 bằng cách,
trong những chuyện khác, phát triển và mở rộng các hệ thống quan liêu và tạo ra
sự độc quyền về lực lượng trong xã hội, cơ bản bằng cách phát triển quân đội và
thể chế hóa các hoạt động của họ để họ có thể bảo đảm sự bền vững nội bộ. Trong
khi các nhà nước phát triển các hệ thống chính trị vững mạnh, vùng ngoại biên
phát triển một cách tương ứng các nhà nước yếu kém.
Trong cuốn Hệ thống thế giới hiện đại II, Wallerstein chọn ra giai đoạn củng
cố kinh tế-thế giới giữa 1600 và 1750. Đây không phải là thời kỳ của một sự mở
rộng quan trọng của kinh tế-thế giới Châu Âu, nhưng có một số biến đổi quan
trọng trong hệ thống đó. Ví dụ, Wallerstein thảo luận về sự ra đời và sự sụp đổ
sau đó trong trung tâm của Hà Lan. Sau đó, ông phân tích sự xung đột giữa hai
nhà nước trung tâm, Anh và Pháp, cũng như chiến thắng sau cùng của Anh. Ở vùng
ngoại biên, các mô tả chi tiết của Wallerstein bao gồm chu kỳ may mắn của vùng
Châu Mỹ thuộc Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Ở vùng bán ngoại biên, chúng ta chứng
kiến, trong những chuyện khác, sự sụp đổ của Tây ban Nha và sự ra đời của Thụy
Điển. Wallerstein tiếp tục phân tích lịch sử của mình từ một quan điểm theo
Marx về các vai trò khác nhau của nhiều xã hội khác nhau trong phạm vi phân bố
lao động của nền kinh tế thế giới. Dù ông có sự chú ý gần gũi vào các yếu tố
chính trị và xã hội, tiêu điểm chính của ông vẫn là vai trò của các yếu tố kinh
tế trong lịch sử thế giới.
Trong tác phẩm gần đây nhất của ông,
Wallerstein đưa phân tích lịch sử của ông tới những năm 1840. Wallerstein nhìn
vào ba phát triển lớn trong thời kỳ từ 1730 tới 1840-Cuộc cách mạng công nghệ
(chủ yếu ở Anh), cách mạng Pháp, và sự độc lập của các thuộc địa Châu Âu trước
đây ở Mỹ. Theo quan điểm của ông, không có biến đổi nào trong số này là các
thách thức đối với hệ thống tư bản hiện đại; thay vì vậy, chúng thể hiện “sự
củng cố và cố thủ hơn nữa” của nó.
Wallerstein tiếp tục phân
tích cuộc đấu tranh giữa Anh và Pháp để thống trị trung tâm. Trong khi hệ thống thế giới bị trì trệ trong
thời kỳ trước của phân tích, giờ đây nó mở rộng, và Anh Quốc có khả năng công
nghiệp hóa nhanh chóng hơn và đi đến chỗ thống trị các công nghệ vĩ mô. Sự
chuyển quyền thống trị sang Anh đã diễn ra mặc dù sự kiện là trong thế kỷ 18
Pháp đã thống trị lĩnh vực kinh tế. Cách mạng Pháp đóng một vai trò quan trọng
trong sự phát triển của hệ thống tư bản thế giới, đặc biệt bằng cách giúp mang
các tàn dư văn hóa đã lung lay của chủ nghĩa phong kiến đến điểm kết thúc và
mang hệ thống ý thức hệ-văn hóa vào cùng hàng với các thực thể kinh tế và chính
trị. Tuy nhiên, cách mạng đã giới hạn sự phát triển công nghệ ở Pháp, kế tiếp
là chế độ Napoleon và các cuộc chiến xảy ra. Vào lúc kết thúc thời kỳ này, “Anh
Quốc cuối cùng đã thực sự lãnh đạo hệ thống thế giới”.
Giai đoạn giữa 1750 và 1850 được
đánh dấu bởi sự sáp nhập của hai khu vực lớn mới (tiểu lục địa Ấn Độ, đế quốc
Ottoman và Nga, và Tây Phi) vào vùng ngoại biên của nền kinh tế-thế giới. Các
khu vực này là một bộ phận của cái mà Wallerstein gọi là “khu vực bên ngoài”
của hệ thống thế giới và do vậy đã được nối kết, nhưng không nằm trong hệ thống
đó. Các khu vực bên ngoài là các khu vực mà từ đó nền kinh tế tư bản thế giới
muốn các hàng hóa nhưng có thể cản trở sự
xuất nhập khẩu qua lại của những hàng hóa sản xuất từ các quốc gia trung
tâm. Kết quả là có sự sáp nhập của các khu vực bên ngoài này, các quốc gia ngay
sát bên các quốc gia trước kia từng là khu vực bên ngoài cũng được rút vào hệ
thống thế giới. Như vậy, sự sáp nhập của Ấn Độ làm cho Trung Quốc trở nên một
bộ phận của vùng ngoại biên. Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 10, tốc độ sáp nhập
tăng nhanh, và “toàn cầu, ngay cả các khu vực chưa hề là bộ phận của thậm chí
khu vực bên ngoài của kinh tế-thế giới cũng được kéo vào trong hệ thống”.
Áp lực của sự hợp nhất vào kinh tế
thế giới đến không phải từ các quốc gia được hợp nhất, nhưng “ đúng hơn là
từ nhu cầu của kinh tế-thế giới để mở
rộng các biên giới của nó, một nhu cầu tự bản thân nó là hậu quả của áp lực nội
tại đối với kinh tế-thế giới”. Hơn nữa, quá trình hợp nhất không phải là một
quá trình đột ngột mà nó diễn ra từ từ.
Phản ánh tiêu điểm theo Marx của ông
về kinh tế, Wallerstein lý luận rằng việc trở thành bộ phận của kinh tế-thế
giới “nhất thiết” phải có nghĩa là các cấu trúc chính trị của các quốc gia liên
quan phải trở nên bộ phận của hệ thống liên nhà nước. Như vậy, các nhà nước
trong các khu vực hợp nhất phải hoặc là tự chyển hóa thàn bộ phận hệ thống
chính trị liên nhà nước đó, hoặc là bị thay thế bởi các hình thái chính trị mới
sẵn sàng chấp nhận vai trò này. Các nhà nước nảy sinh ở cuối quá trình hợp nhất
phải không chỉ là bộ phận của hệ thống liên nhà nước mà còn phải đủ mạnh để bảo
vệ nền kinh tế của chúng khỏi sự can thiệp bên ngoài. Tuy nhiên, chúng không
được mạnh quá; nghĩa là, chúng không được trở nên hùng mạnh đủ để có thể từ
chối hành động theo mệnh lệnh của nền kinh tế tư bản thế giới.
Cuối cùng, Wallerstein kiểm chứng sự
độc lập của Châu Mỹ giữa 1750 và 1850. Nghĩa là ông liệt kê các sự kiện rằng
Châu Mỹ đã tự giải phóng khỏi vòng kiểm soát của Anh, Pháp, Tây Ban Nha, và Bồ
Đào Nha. Sự độc lập này, đặc biệt là ở Mỹ, tất nhiên, đã có ảnh hưởng lớn đến
các phát triển sau này trong hệ thống tư bản thế giới.
Lý
thuyết hệ thống thế giới ngày nay. Các nhà Marxist đã phê phán viễn cảnh hệ
thống thế giới vì sự thất bại của nó trong việc nhấn mạnh một cách tương xứng
các mối quan hệ giữa các giai cấp. Theo quan điểm của họ, Wallerstein đã tập
trung vào vấn đề không đúng. Đối với những người Marxist, vấn đề chính yếu
không phải là sự phân bố lao động quốc tế ở vùng trung tâm-ngoại biên, mà đúng
hơn là các mối tương quan giai cấp trong lòng các xã hội đưa ra. Bergesen tìm
cách điều hòa các quan điểm này bằng cách lý luận rằng có những chỗ mạnh và chỗ
yếu của cả hai phía. Quan điểm trung lập của ông là cho rằng các quan hệ trung
tâm-ngoại biên không chỉ là các quan hệ trao đổi bất bình đẳng mà còn là các
quan hệ giai cấp toàn cầu. Quan điểm chính của ông là các quan hệ trung
tâm-ngoại biên là quan trọng, không chỉ ở ý nghĩa các quan hệ trao đổi, mà quan
trọng hơn, ở cả ý nghĩa là các quan hệ phụ thuộc về lực lượng, tức đó là các
quan hệ giai cấp.
Gần đây hơn, các lý thuyết gia hệ
thống-thế giới đã đẩy lý thuyết về phía trước để xử lý vấn đề thế giới ngày nay
và trong những năm sắp tới., cũng như
kéo lùi lại trước kỷ nguyên hiện đại. Chúng ta hãy khép lại phần này với
một vài ý tưởng của Wallerstein về quá
khứ và tương lai gần đây.
Ông lý luận rằng Mỹ là lực
lượng lãnh đạo trong hệ thống-thế giới từ 1945 cho tới 1990. Mỹ đạt được quyền
lãnh đạo với kết thúc của Thế chiến II nói chung, và cụ thể hơn với Hội nghị
Yalta và chính sách cấm vận của Liên Xô. Trong khi chính sách cấm vận dẫn tới
một quân đội còn nguyên hiện trạng trong 45 năm kế tiếp, nó cũng có những quan
hệ mật thiết đối với hệ thống kinh tế thế giới. Liên Xô chấp nhận ý tưởng rằng
nó đã không đòi hỏi, mà cũng không nhận sự
hỗ trợ kinh tế của Mỹ. Do vậy, Liên Xô trở nên lực lượng kinh tế thứ
hai, và trong quá trình này, lại trợ giúp cho vị trí kinh tế của Mỹ theo nhiều
cách (ví dụ, Mỹ không phải rót tiền cho Liên Xô).
Một ẩn ý khác trong quan hệ giữa Mỹ
và Liên Xô là cả hai phía đều được phép lớn tiếng chỉ trích nhau. Sự chỉ trích
đa phương này, tới lượt nó, cho phép cả hai phía sử dụng sự kiểm soát nội
bộ mạnh mẽ, đặc biệt đối với “cánh tả”,
hay, “tất cả những ai muốn đặt vấn đề một cách nhanh chóng về trật tự thế giới
đang tồn tại, về nền kinh tế tư bản thế giới
đang hồi sinh và hưng thịnh dưới sự lãnh đạo của Mỹ với sự câu kết của
cái có thể gọi là đại diện tiểu đế quốc của nó, Liên Xô”.
Một ẩn ý thứ ba của “quan hệ” giữa
hai siêu lực lượng là các sự kiện trong Thế giới thứ ba không được phép quấy
nhiễu hiện trạng về kinh tế và chính trị
của thế giới.
Trước 1960, Mỹ có vẻ đã đạt được các
đối tượng của nó và đang đứng dạng chân trên hệ thống thế giới, nhưng các dấu
hiệu rắc rối cũng bắt đầu tăng lên— đẩy lên nhận thức về khoảng cách giữa giàu
và nghèo cả ở Mỹ và phần còn lại của thế giới, các dấu hiệu đầu tiên là Tây Âu
và Nhật đã bắt kịp Mỹ về kinh tế, sự gia tăng các cuộc nổi loạn ở Thế giới thứ
ba (và sự gia tăng giá phải trả), giá phải trả về kinh tế cho chiến tranh Việt
Nam, vv…
Wallerstein xem những biến đổi này
lên đến tột điểm vào năm 1968, trong một loạt các cuộc khởi nghĩa khắp toàn thế
giới: “Sự bùng nổ trên phạm vi toàn thế giới năm 1968… tiếp tục khoảng ba năm
hơn hoặc kém cho tới khi ngọn lửa cuồng nhiệt đã bị đặt dưới vòng kiểm soát bởi
các lực lượng duy trì hệ thống thế giới”. Nhưng đó là một thắng lợi phải trả
giá đắt, và cái giá của nó bị phóng đại lên bởi sự đình trệ kéo dài của nền
kinh tế-thế giới. Mỹ bị đẩy lên tàu trong một cuộc suy thoái dài 20 năm mà nó
chỉ có thể là nguồn gốc một phần nào. Về phần mình, Liên Xô tự nó thấy không
thể duy trì “đế chế giả tạo” của nó thêm nữa và buộc phải bắt đầu phá hủy nó. Do
vậy, Wallerstein kết luận, “Những ngày hoàng kim của Mỹ đã qua. Những giàn giáo
cột trụ đã bị phá hủy”.
Còn tương lai ra sao? Trong khi kinh
tế Mỹ đang xuống dốc, “có quá nhiều mỡ trong một lực lượng thống trị, và người
ta có thể sống bên ngoài lớp mỡ đó trong 50-100 năm”. Wallerstein nhìn thấy sự
nảy sinh một đại tập đoàn kinh tế Mỹ-Nhật, nhưng nó là một đại tập đoàn trong
đó Mỹ sẽ là thành viên thứ yếu. Mỹ sẽ tái khôi phục quyền lực chính trị và kinh
tế của nó, nhưng “về mặt tâm lý học cuộc suy thoái sẽ rất kinh khủng”. Nghĩa
là, người Mỹ đã quen với việc đứng đầu trong hệ thống thế giới, và họ sẽ trải
qua một thời gian khó khăn để điều chỉnh lại với một vị trí ít được đề cao hơn.
Trông về phía trước, Wallerstein
thấy có một sự tái cơ cấu chủ yếu của hệ thống thế giới trong 50 năm tới. Sự
căng thẳng sẽ là giữa Bắc bán cầu ăn nên làm ra và Nam bán cầu ngày càng có
nhiều bất lợi, và sự lựa chọn sẽ là tái cấu trúc theo hướng áp bức hoặc tái cấu
trúc theo hướng quân bình (sẽ đòi hỏi một sự phân phối lại của cải thế giới từ
Mỹ). Trong trường hợp nào thì kết quả cũng sẽ là một hệ thống thế giới khác
biệt về căn bản.
LÝ
THUYẾT HẬU MARXIST
Những năm 1980 và 1990 đã mang lại
nhiều biến đổi sâu sắc đối với lý thuyết tân Marxian. Các dạng khác nhau gần
đây nhất của lý thuyết tân Marxian đang phản đối nhiều tiền đề cơ bản của lý
thuyết Marx nguyên thủy, cũng như của các lý thuyết tân Marxian đã được thảo
luận ở đầu chương này. Từ đó những cách tiếp cận mới đã đi vào tư duy với ý
nghĩa là lý thuyết hậu Marxian. Trong khi các lý thuyết này chối bỏ các nguyên
tố cơ bản của lý thuyết theo Marx, chúng vẫn có sự giống nó về cấu trúc một
cách đầy đủ để có thể xem chúng là một bộ phận của lý thuyết tân Marxian. Các
lý thuyết hậu Marxian được thảo luận ở đây vì chúng thường bao gồm sự tổng hợp
của lý thuyết Marxian với các lý thuyết, tư tưởng, phương pháp khác. Làm sao
chúng ta có thể giải thích những biến đổi sâu sắc này ở lý thuyết tân Marxian?
Có hai tập hợp nhân tố có liên quan, một cái nằm ngoài lý thuyết và liên quan
đến các biến đổi trong thế giới xã hội và cái kia nằm trong lòng của chính bản
thân lý thuyết.
Đầu tiên, và ở bên ngoài lý thuyết
Marxian, là sự kết thúc của chiến tranh lạnh và sự sụp đổ của thế giới cộng
sản. Liên Xô đã ra đi, và Nga đang tiến tới một dạng kinh tế thị trường, ít
nhất là phần nào, giống như nền kinh tế tư bản. Đông Âu đang chuyển biến,
thường là nhanh hơn cả Nga, theo hướng một nền kinh tế kiểu tư bản. Trung Quốc,
sau vụ phản ứng bạo lực đối với cuộc
khởi nghĩa ở Thiên An Môn, đã phá sản ở ý nghĩa là phần còn lại của thế giới, dù
nó vẫn đeo bám vào chủ nghĩa cộng sản. Cuba đang bị cô lập, chỉ còn chờ cái
chết hay sự thoái vị của Fidel Castro để đi theo hướng tư bản. Như vậy, sự thất
bại của chủ nghĩa cộng sản ở phạm vi toàn thế giới làm cho những người Marxist
tất yếu phải xem xét lại và cấu trúc lại các lý thuyết của họ.
Những biến đổi này trên thế
giới có liên hệ tới một tập hợp các biến đổi thứ hai, nằm trong chính bản thân
các lý thuyết, chuỗi biến đổi trí thức mà, tới lượt nó, đã ảnh hưởng tới lý
thuyết tân Marxian. Các dòng lý thuyết mới như thuyết chức năng cấu trúc và
thuyết hậu hiện đại (xem chương 12) có một ảnh hưởng sâu sắc đến lý thuyết tân
Marxian. Ngoài ra, một phong trào được biết đến như là chủ nghĩa Marx phân tích đã tạo được nền
tảng; nó được đặt tiền đề trên cơ sở niềm tin rằng các lý thuyết Marxian cần sử
dụng các phương pháp giống như bất cứ một môn khoa học nào khác. Cách tiếp cận
này dẫn tới sự diễn dịch lại về Marx trong phạm vi đậm chất truyền thống trí
thức hơn, các nỗ lực để áp dụng lý thuyết chọn lựa hợp lý vào các vấn đề theo
Marx, và các cố gắng để nghiên cứu các đề tài theo Marx vận dụng các phương
pháp và kỹ thuật của khoa học thực chứng. Như Mayer đặt vấn đề một cách cụ thể,
“sự thấp kém tăng lên đối với các tiêu chí truyền thống trùng khớp với sự trung
thành giảm sút đối với bản thân lý thuyết Marxist”.
Như
vậy, một sự kết hợp các biến đổi tri thức và xã hội đã làm thay đổi sâu sắc bối
cảnh của lý thuyết tân Marxist trong những năm 1990. Trong khi các lý thuyết
được thảo luận bên trên vẫn còn quan trọng, phần lớn năng lượng của lý thuyết
tân Marxian ngày nay tập trung vào các lý thuyết sẽ được thảo luận trong phần
này.
Chủ
nghĩa Marx phân tích
Perry Anderson cho rằng trung tâm lý
thuyết Marxian đã chuyển khỏi Đức và Châu Âu La-tinh (đặc biệt là Pháp và Ý),
và điều này không đâu rõ ràng bằng trong trường phái được biết như là chủ nghĩa
Marx phân tích, hay như Callinicos gọi: “Chủ nghĩa Marx Anglo”. Đây là cách một
trong những nhà lãnh đạo của chủ nghĩa Marx phân tích, John Roemer, xác định
nó:
Trong thập kỷ vừa qua, cái mà nay đã xuất hiện như là
một loại mới trong lý thuyết xã hội đã được hình thành: chủ nghĩa Marx được
phân tích một cách phức tạp. Các nhà thực hành của nó cảm thấy hứng thú với các
vấn đề theo Marx, mà họ theo đuổi với các công cụ hiện thời về logic, toán học
và xây dựng mô hình. Đặc điểm phương pháp luận của họ mang tính truyền thống.
Những người này là, với sự tự ý thức của họ, các sản phẩm của cả hai truyền
thống Marxian (theo Marx) và tân Marxian.
Như
vậy, những nhà Marxist phân tích mang xu hướng chủ đạo, các phương pháp “trạng
thái của nghệ thuật” của triết học phân tích và khoa học xã hội để xử lý các
vấn đề trọng yếu theo Marx. Chủ nghĩa Marx phân tích được thảo luận trong
chương này vì nó “dứt khoát đề xuất việc tổng hợp các phương pháp phi Marxist
và lý thuyết Marx”.
Chủ nghĩa Marx phân tích nó
theo một cách tiếp cận phi giáo điều đối với lý thuyết của Marx. Nó không tán
thành một cách mù quáng và hời hợt lý thuyết của Marx, nó không từ chối các sự
kiện lịch sử để ủng hộ cho lý thuyết Marx, cũng không hoàn toàn phản đối lý
thuyết Marx là sai lầm về cơ bản. Đúng hơn, nó nhìn lý thuyết Marx như là một
hình thái của khoa học xã hội thế kỷ 19 với nguồn năng lượng lớn và một cốt lõi
có giá trị nhưng cũng có sự yếu kém trầm trọng. Lý thuyết Marx cần được khai
thác, nhưng nó đòi hỏi việc tận dụng những phương pháp và kỹ thuật đã phát
triển trong cuối thế kỷ 20. Nó chối bỏ ý tưởng rằng có một phương pháp luận
Marxian riêng biệt và chỉ trích những người cho rằng một phương pháp như thế
đang tồn tại và có giá trị:
Tôi không nghĩ
là có một hình thức đặc thù của luận lý hay giải thích Marxist. Rất
thường là chính sách ngu dân tự bảo vệ nó dưới một thuật yoga[1]
của các thuật ngữ đặc biệt và một logic mang tính đặc quyền. Thuật yoga của chủ
nghĩa Marx là “biện chứng pháp”. Logic biện chứng dựa trên cơ sở nhiều định đề
mà có thể có một sức hấp dẫn nhất định, nhưng còn xa để trở thành các nguyên
tắc để tham chiếu: rằng các sự vật biến thành cái đối nghịch với nó (tức phủ
định của phủ định), và số lượng chuyển hóa thành chất lượng. Trong khoa học xã
hội theo Marx, biện chứng pháp thường được dùng để biện hộ cho một loại nguyên
nhân mục đích luận biếng nhác. Các phát triển diễn ra vì chúng phải tuân theo
trình tự lịch sử để được đưa ra như được dự định.
Tương tự, Elster nói: “Không có một
hình thức phân tích Marxist riêng biệt… Không có một sự ủy thác đối với bất kỳ
một phương pháp phân tích đặc thù nào, ngoài những phương pháp định tính khoa
học xã hội tốt nói chung”. Theo cùng một đường lối, các nhà Marxist phân tích
phản đối ý tưởng rằng sự kiện và giá trị không thể cách biệt nhau, rằng chúng
có mối quan hệ biện chứng. Họ tìm cách, theo những quy tắc của tư duy khoa học
xã hội và triết học, để cách ly sự kiện và giá trị, và xử lý sự kiện một cách
vô tư thông qua phân tích lý thuyết, khái niệm, và thực nghiệm.
Người ta có thể hỏi tại sao chủ
nghĩa Marx phân tích nên gọi là Marxist. Roemer trả lời câu hỏi này như sau: “Tôi không chắc là nên như thế”. Tuy
nhiên, ông đưa ra nhiều lý do tại sao chúng ta có thể coi nó là một lý thuyết
(tân) Marxian. Đầu tiên, nó xử lý các đề tài truyền thống Marxian như sự bóc
lột và giai cấp. Thứ hai, nó tiếp tục xem chủ nghĩa xã hội là hay hơn chủ nghĩa
tư bản. Thứ ba, nó tìm cách nhận thức và giải thích các vấn đề gắn liền với chủ
nghĩa tư bản. Tuy nhiên, trong khi nó là Marxist ở các ý nghĩa đó, nó cũng “sẵn
sàng và dễ dàng vay mượn từ các quan điểm khác”. Thêm nữa, chủ nghĩa phân tích
Marxist rất chung đường với sự vận động theo hướng các tổng hợp lý thuyết được
thảo luận xuyên suốt cuốn sách này.
Ba
thể khác nhau của chủ nghĩa Marx phân tích sẽ được thảo luận, ít nhất là vắn
tắt, trong phần này. Trước hết, chúng ta sẽ thảo luận nỗ lực phân tích lại tác
phẩm của Marx bằng cách tận dụng các công cụ tri thức theo xu hướng chủ đạo.
Thứ hai, chúng ta sẽ xem xét chủ nghĩa Marx về sự chọn lựa hợp lý và lý thuyết
trò chơi. Cuối cùng, chúng ta sẽ tiếp xúc với khảo sát thực nghiệm từ một viễn
cảnh Marxian tận dụng các công cụ phương pháp luận trạng thái của nghệ thuật.
Tái phân tích Marx. Như chỉ ra bên trên, các nhà phân tích
Marxist phản đối sử dụng các khái niệm đặc thù như biện chứng và thay vào đó
tìm cách phân tích Marx (cũng như thế giới xã hội) bằng các khái niệm là bộ
phận truyền thống tri thức rộng hơn. Ví dụ chủ yếu cho việc này, và một trong
những tư liệu chủ chốt trong chủ nghĩa Marx phân tích là cuốn Lý thuyết
Karl Marx về lịch sử: Một sự tự vệ của G.A. Cohen. Thay vì diễn dịch Marx
như một nhà biện chứng ngoại lai, Cohen lý luận rằng ông sử dụng hình thức giải
thích chức năng tầm thường trong tác phẩm của mình nhiều hơn. Ông đưa ra các ví
dụ sau về giải thích chức năng trong tác phẩm của Marx:
·
Các quan hệ sản xuất
tương ứng với các lực lượng sản xuất.
·
Các siêu cấu trúc
chính trị và pháp lý ra đời từ nền tảng thực tiễn.
·
Quá trình xã hội,
chính trị và tri thức được quyết định bởi kiểu sản xuất của đời sống vật chất.
·
Ý thức được quyết
định bởi thực tiễn xã hội.
Trong mỗi một ví dụ trên, khái niệm
thứ hai giải thích khái niệm thứ nhất. Bản chất của giải thích là có tính chức
năng, theo quan điểm của Cohen, vì “đặc tính của cái được giải thích được quyết
định bởi ảnh hưởng của nó trên cái mà nó giải thích”. Như vậy, trong trường hợp
ví dụ cuối cùng, đặc tính của ý thức được giải thích bởi sự ảnh hưởng của nó
đến, cụ thể hơn là xu hướng của nó để duy trì, thực tiễn xã hội. Nói chung hơn,
hiện tượng xã hội được giải thích trong phạm vi của các hậu quả của nó đối với
các hiện tượng xã hội khác. Quan điểm của Cohen là Marx thực hành tư duy chức
năng ở ví dụ trên, và trong suốt cuốn sách của ông, vì ông tìm cách giải thích
các hiện tượng xã hội và kinh tế theo cách thức này. Như vậy, Marx không phải
là một nhà biện chứng; ông là một tư
tưởng gia chức năng. Trong việc đi theo một viễn cảnh như vậy, Cohen tái
diễn dịch Marx bằng các sử dụng các tư tưởng triết học dòng chủ đạo và xem Marx
như là một bộ phận của dòng này.
Cohen bỏ công sức để phân biệt tư
duy chức năng với các thuyết chức năng
(cấu trúc) khác nhau của xã hội học đã thảo luận trong chương 3. Cohen xem
thuyết chức năng (cấu trúc) bao gồm ba luận đề. Đầu tiên, mọi nguyên tố của thế
giới xã hội là liên nối kết. Thứ hai, mọi thành tố của xã hội thúc đẩy tới từng
thành tố khác cũng như tới xã hội với nghĩa một tổng thể. Thứ ba, mỗi khía cạnh
của xã hội là như nó vốn thế vì sự đóng góp của nó đối với xã hội lớn. Các luận
đề này phản đối các nhà Marxist vì nhiều lý do, đặc biệt là vì chủ nghĩa bảo
thủ của họ. Tuy nhiên, các giải thích chức năng đã nói có thể được sử dụng bởi
các nhà Marxist dù họ không chấp nhận bất kỳ nguyên lý nào của thuyết chức
năng. Như vậy, giải thích chức năng không nhất thiết có tính bảo thủ; thực ra
nó có thể hoàn toàn có tính cách mạng.
Chủ nghĩa Marx chọn lựa hợp lý. Nhiều nhà Marxist
phân tích đã nhờ tới các môn kinh tế học tân-cổ điển, đặc biệt là lý thuyết
chọn lựa hợp lý và lý thuyết trò chơi (xem chương 7. Thảo luận về việc sử dụng thuyết lựa chọn hợp
lý trong lý thuyết xã hội học chủ đạo), Roemer lý luận rằng “phân tích Marxian
đòi hỏi các nền tảng vi mô”, đặc biệt là lý
thuyết chọn lựa hợp lý và lý thuyết
trò chơi. Trong việc nhờ tới các cách tiếp cận như thế, lý thuyết Marxian
đình chỉ các nguyện vọng được phân biệt và đang tận dụng các các tiếp cận đã
được sử dụng một cách rộng rãi trong các môn khoa học xã hội. Nhưng trong khi
lý thuyết tân Marxian có thể và nên dựa vào các môn kinh tế học tân-cổ điển, nó
vẫn còn khác với cái nói sau. Ví dụ, nó duy trì một mối quan tâm vào hành động
tập thể đối với sự biến đổi xã hội và chấp nhận ý tưởng rằng chủ nghĩa xã hội
là một hệ thống không công bằng.
John Elster là một người đề
xướng chủ yếu, cùng với John Roemer, về chủ nghĩa Marx phân tích. Elser tin
rằng lý thuyết tân Marxian đã bị cản trở bởi việc đi theo loại lý luận chức năng
mà Cohen đã thảo luận. Ông cũng tin rằng lý thuyết Marxian nên sử dụng nhiều
hơn lý thuyết trò chơi, là một dạng khác của lý thuyết chọn lựa. Lý thuyết trò
chơi, như các kiểu khác của lý thuyết chọn lựa, giả thiết rằng tác nhân hành
động là hợp lý và rằng họ tìm cách tối đa hóa cái họ đạt được. Dù nó nhận ra
các hạn chế về mặt cấu trúc, nó không cho rằng chúng hoàn toàn qyết định các
chọn lựa của các actor. Cái có thể phân biệt lý thuyết trò chơi như là một dạng của lý thuyết lựa chọn hợp lý là
việc nó cho phép sự phân tích đi ra ngoài các chọn lựa hợp lý của một actor đơn
lẻ và xử lý sự phụ thuộc lẫn nhau của
các quyết định và các hành động của một số actor. Elster nhận dạng ba loại
tương thuộc giữa các actor có liên quan trong một trò chơi. Thứ nhất, phần
thưởng cho mỗi actor tùy thuộc vào sự chọn lựa của tất cả mọi actor. Thứ hai,
phần thưởng cho mỗi actor tùy thuộc vào phần thưởng cho tất cả. Thứ ba, sự chọn
lựa của mỗi actor tùy thuộc vào sự chọn lựa của tất cả. Phân tích các “trò chơi”
(như trò chơi nổi tiếng “tình trạng khó xử của người tù nhân” , trong đó các
actor sẽ kết thúc tồi nếu họ theo các lợi ích riêng của bản thân hơn là hy sinh
các lợi ích riêng đó) giúp cho việc giải thích các chiến lược của các actor
khác nhau và sự nảy sinh của các tập thể như giai cấp xã hội. Như vậy, chủ
nghĩa Marx chọn lựa hợp lý tìm kiếm các nền tảng vi mô của lý thuyết Marx, dù
actor hợp lý của lý thuyết này rất khác với actor của lý thuyết phê phán (đã
thảo luận trong chương này), được phái sinh từ lý thuyết của Freud.
Định hướng chọn lựa hợp lý của
Elster cũng biểu thị trong Nhận thức về
Marx. Trong cuốn này Elster lý luận rằng phương pháp cơ bản của Marx để
giải thích các hiện tượng xã hội là một quan tâm tới các hậu quả ngoài dự tính
của hành động con người. Đối với Elster, và trái với phần lớn các nhà Marxist -
những người xem Marx là “chỉnh thể phương pháp luận” liên quan tới các cấu trúc
vĩ mô, Marx đã thực hành “phương pháp luận cá nhân chủ nghĩa”, hoặc, “chủ nghĩa
mà mọi hiện tượng xã hội-cấu trúc và biến đổi của chúng - là có thể giải thích
được về nguyên tắc, theo các cách thức chỉ có liên quan đến các cá thể- các
thuộc tính của họ, các mục tiêu của họ, niềm tin và hành động của họ”. Đối với
Elster, Marx quan tâm tới các tác nhân hành động, tới mục tiêu, dự tính và các
chọn lựa hợp lý của họ. Elster sử dụng một viễn cảnh chọn lựa hợp lý như thế để
chỉ trích định hướng của các nhà Marxist cấu trúc: “các ông chủ hãng buôn tư
bản là các đại diện theo nghĩa thật sự tích cực. Họ không thể bị giảm trừ thành
các người giữ chỗ trong hệ thống sản xuất tư bản”. Chủ nghĩa Marx chọn lựa hợp
lý tập trung vào các đại diện hợp lý này (nhà tư bản và người vô sản) và các
tương quan giữa họ.
Roemer đã ở tiền tiêu của sự phát
triển của một cách tiếp cận trong phạm vi chủ nghĩa Marx phân tích đối với sự
bóc lột. Roemer đã rời khỏi tư duy về sự bóc lột như là sự diễn biến ở điểm sản xuất (và do đó
khỏi lý thuyết giá trị lao động có tính mơ hồ cao độ) và hướng tới tư duy về sự
bóc lột như là mối quan hệ với sự áp bức gắn liền với quyền sở hữu về của cải.
Như Mayer xác nhận, “sự bóc lột có thể
nảy sinh từ sự sở hữu bất bình đẳng về các tiềm năng sản xuất thậm chí dù không
có một quá trình sản xuất mang tính áp bức”. Trong số nhiều điều khác, viễn
cảnh này cho phép chúng ta nhận thức về sự bóc lột trong các xã hội xã hội chủ
nghĩa cũng như tư bản chủ nghĩa. Quan điểm về sự bóc lột này cũng liên quan đến
lý thuyết chọn lựa hợp lý ở ý nghĩa, ví dụ, rằng những người mà sự bóc lột của
họ nảy sinh từ sự phân bố không đồng đều về tài sản có thể tham gia vào các
phong trào được thiết lập để phân phối lại tài sản một cách đồng đều hơn. Loại
định hướng này cũng cho phép chủ nghĩa Marx phân tích khôi phục lại các mục
tiêu chính trị và đạo đức của nó trong khi đi vào một định hướng chủ đạo như lý
thuyết lựa chọn hợp lý.
Chủ nghĩa Marx định hướng kinh nghiệm. Nhân vật dẫn đầu có liên quan tới sự tiếp nhập và áp dụng các phương pháp chính
xác đối với nghiên cứu thực nghiệm về các khái niệm theo Marx là Erik Olin
Wright. Wright dứt khoát gắn mình vào chủ nghĩa Marx phân tích nói chung và tác
phẩm của John Roemer nói riêng. Tác phẩm của Wright liên quan đến ba thành tố
cơ bản: trước hết, sự gạn lọc các khái niệm cơ bản Marxian như giai cấp; thứ
hai, các nghiên cứu thực nghiệm về các khái niệm đó; thứ ba, sự phát triển của
một lý thuyết mạch lạc hơn trên cơ sở các khái niệm đó (đặc biệt là giai cấp).
Trong cuốn Các giai cấp, Wright tìm cách trả lời câu hỏi Marx đã đặt ra, nhưng
chưa hề tự trả lời: “Cái gì đã thiết lập giai cấp?” Ông làm rõ rằng câu trả lời
của mình sẽ đúng với lịch đại của định hướng lý thuyết nguyên thủy của Marx.
Tuy nhiên sẽ có thể không như câu trả lời của Marx, nếu như ông đưa ra, bởi vì
từ thời của Marx đến nay đã hơn 100 năm về cả mặt tác phẩm lý thuyết và lịch
sử. Như vậy, chúng ta đã có sự phức tạp hơn về lý thuyết, và thời đại đã biến
đổi. Kết quả là, Wright, như các nhà phân tích Marxist khác, khởi sự với Marx
nhưng không chấp nhận quan điểm của ông như là một giáo điều và cố gắng đoán
xem ông sẽ xác định giai cấp như thế nào. Vì Marx và các tác phẩm lý thuyết đã
được thực hiện từ thời của ông, các nhà Marxist đương thời có một quan điểm tốt
hơn để đi đến một định nghĩa như vậy, thậm chí dù chúng ta có thể đoán ra, nó
cũng rất có thể không thích hợp với xã hội hiện đại.
Vì đây là một cuốn sách về lý
thuyết, chúng ta không cần đi vào chi tiết về nghiên cứu của Wright hay của bất
kỳ nhà Marxist có định hướng thực nghiệm nào khác. Tuy nhiên, sẽ có ích để nói
một đôi điều về đóng góp khái niệm nổi tiếng nhất của ông- ý tưởng về “các vị
trí mâu thuẫn trong các quan hệ giai cấp”. Tiền đề cơ bản của ông là một vị trí
được đưa ra không cần, như người ta thường giả thiết, được đặt trong một giai
cấp được đưa ra; vì có thể có hơn một giai cấp trong cùng một lúc. Như vậy, một
vị trí có thể đồng thời là tư sản và vô sản. Ví dụ, các nhà quản lý là tư sản ở
ý nghĩa rằng họ giám sát các thuộc cấp, nhưng họ cũng là vô sản vì họ cũng bị
giám sát bởi những người khác. Ý tưởng về các vị trí giai cấp mâu thuẫn phát
sinh thông qua phân tích khái niệm cẩn trọng và được nghiên cứu thực nghiệm.
Chủ
nghĩa Marx phân tích ngày nay. Trong khi, như đã thấy, các nhà Marxist phân
tích tự coi họ là những người Marxist, có những người (ví dụ, Callinois) tự hỏi
sự chú ý của họ đối với các khái niệm và các phương pháp có xu hướng chủ đạo có
làm cho sự chỉ định này thành ra vô nghĩa không. Để phản ứng lại, Elster quả
quyết: “Phần lớn các quan điểm mà tôi giữ là chân thực và quan trọng, tôi có
thể truy nguyên lại tới Marx”.
Mayer đã đưa ra một cái nhìn tổng
quát về chủ nghĩa Marx phân tích, đó là các nỗ lực, trong số nhiều điều khác,
để xem xét lại và phản đối những điều mà ông xem là sáu phê phán chủ yếu về
cách tiếp cận. Tuy nhiên, trước khi chúng ta thảo luận các phê phán đó, có một
bài chỉ trích bắt nguồn từ chính bản thân tác phẩm của Mayer: “Chủ nghĩa Marx
phân tích không phải là một thể thống nhất hay thậm chí một thể nhất quán về
mặt nội tại của tư duy”. Các khác biệt giữa ba nhà thực hành chủ yếu được thảo
luận ở đây (Cohen, Roemer, và Wright) chưa nói tới những người khác mà có thể
bao gồm dưới cái tên chung này (đặc biệt là Adam Przeworski và tác phẩm của ông
về nhà nước), là rất lớn và gây khó khăn cho việc thảo luận về các cá nhân
trong cùng một ngữ cảnh. Các khác biệt đó có thể phá vỡ chủ nghĩa Marx phân
tích trước khi nó có cơ hội phát triển tới một viễn cảnh cố kết hơn.
Phê phán đầu tiên mà Mayer điểm lại
là rằng Chủ nghĩa Marx phân tích có tính chất nguyên tử và tập trung vào các
actor hợp lý. Ong đáp lại rằng các nhà Marxist phân tích không coi xã hội là
bao gồm các cá thể biệt lập, rằng họ công nhận mọi người không phải lúc nào
cũng có cư xử hợp lý. Thứ hai, các nhà Marxist phân tích bị cáo buộc là có tính
chất kinh tế quyết định luận, câu trả lời là các vị trí chiếm ưu thế là các yếu
tố cơ bản, chứ không phải là các yếu tố quyết định. Phê phán thứ ba là các nhà
Marxist phân tích có tính chất phi lịch sử, nhưng Mayer không xem đặc tính này
là cái cố hữu của cách tiếp cận. Đúng hơn, nó có thể truy nguyên tới tính cách
mới mẻ của nó và tới sự thật rằng không có thời gian để xử lý các vấn đề lịch
sử. Thứ tư, và có liên quan, các nhà Marxist phân tích bị cáo buộc vì đã đưa ra
các tiếp cận tĩnh tại nên khó mà xử lý sự biến đổi. Trong khi Mayer thừa nhận
điều này, ông lý luận rằng rõ ràng mọi nhà khoa học xã hội đều có tình huống
khó xử này. Thứ năm, có một cáo buộc về tính lặp thừa- “các giả thiết cần được
chứng minh”. Mayer xem điều này là một vấn đề cố hữu trong mọi cách tiếp cận có
tính chất suy diễn. Cuối cùng, chủ nghĩa Marx phân tích được coi là thiếu nhiệt
tình về đạo đức, nhưng Mayer phản đối, “Các nhà Marxist phân tích hoàn toàn có
nhiệt tình đạo đức, và sự phê phán về đạo đức của họ đối với sự thiếu nhiệt
tình đạo đức của chủ nghĩa tư bản nhiều hơn là những cáo buộc và những đánh giá
nhận được”.
Mayer kết luận với một thảo luận về
sáu thách thức đang đối mặt với các nhà phân tích Marxist, các thách thức phải
chạm trán nếu như chủ nghĩa Marx phân tích trở thành lực lượng quan trọng trong
các môn khoa học xã hội. Thứ nhất, chủ nghĩa Marx phân tích phải phát triển một
cách tiếp cận năng động hơn. Mayer xác định, “Phiên bản bất kỳ nào của chủ
nghĩa Marxist không có khả năng giải thích các động lực xã hội thì không thể
mong rằng nó hưng thịnh”. Thứ hai, các lý thuyết của các nhà Marxist phân tích
phải thực hiện tốt hơn công việc có liên
quan tới các sự kiện và hoàn cảnh đặc thù. Thứ ba, các nhà thực hành cách tiếp
cận này phải sửa lại cho đúng dòng chảy mất cân bằng ở hướng lý thuyết và tiến
hành nhiều khảo sát thực nghiệm hơn. Thứ tư, các nhà Marxist phân tích phải mở
rộng ra từ nền tảng của họ về các nhân tố kinh tế và xử lý một dãy rộng hơn các
yếu tố xã hội. Thứ năm, họ cũng phải rời bỏ một tiêu điểm tập trung vào các
quốc gia tư bản tiến bộ và xử lý các quốc gia ít phát triển hơn. Cuối cùng, các
nhà Marxist phân tích phải chứng minh sự
tồn tại của các khả năng lựa chọn có thể có đối với chủ nghĩa tư bản.
Lý
thuyết Marxian hậu hiện đại
Lý thuyết Marxian đã chịu
ảnh hưởng sâu sắc của các phát triển lý thuyết trong thuyết cấu trúc, hậu cấu
trúc, và của thuyết được đặc biệt chú ý ở đây, thuyết hậu hiện đại. (xem chương
12)
Một tác phẩm tiêu biểu chủ yếu của
chủ nghĩa Marxian hậu hiện đại là cuốn Quyền
lãnh đạo và chiến lược xã hội của Ernesto Laclau và Chantal Mouffe. Theo
quan điểm của Ellen Wood, tác phẩm này, thừa nhận tiêu điểm về ngôn ngữ học,
các văn bản và các diễn ngôn trong thuyết hậu hiện đại, tách rời ý thức hệ ra
khỏi cơ sở duy vật của nó và cuối cùng phân hủy “mọi mặt của xã hội thành ý
thức hệ hay “sự trình bày””. Khái niệm về quyền lãnh đạo, điểm trung tâm quan
trọng đối với Laclau và Mouffe, được phát triển bởi Gramsci để tập trung vào sự
lãnh đạo về văn hóa hơn là ảnh hưởng áp bức của sự thống trị nhà nước. Sự
chuyển biến về tiêu điểm này, tất nhiên, dẫn chúng ta xa rời quan tâm truyền
thống Marxian với thế giới vật chất và đi theo hướng của các tư tưởng và đàm
luận. Như Wood xác định, “Nói vắn tắt, lý luận của Laclau-Mouffe là: không có
cái gì gọi là các quan tâm duy vật mà chỉ có các ý tưởng được thiết lập một
cách rời rạc về chúng mà thôi”.
Ngoài các ý tưởng thay chỗ cho các
quan tâm duy vật, Laclau và Mouffe cũng trình bày giới vô sản từ vị trí đặc quyền của nó trong trung tâm của
lý thuyết Marxian. Như Wood lý luận, Laclau và Mouffe đặt vấn đề giai cấp trong
phạm vi chủ quan và rời rạc. Thế giới xã hội được định tính bởi vô số các vị
trí và đối kháng. Kết quả là, không thể đi đến một dạng “trình bày thống nhất”
mà Marx đã mường tượng xung quanh giới vô sản. Sự trình bày phổ quát về giới vô
sản “đã bị thay thế bởi một sự hòa âm các giọng điệu, mỗi một giọng thiết lập
một nét riêng không thể giảm trừ và rời rạc”. Như vậy, thay vì tập trung vào sự
trình bày đơn lẻ về giới vô sản, các lý thuyết gia Marxian bị thôi thúc tập
trung vào vô số các trình bày linh tinh khác nhau bắt nguồn từ một dãy rộng các
giọng điệu bị tước đọat quyền chiếm hữu, như của những người phụ nữ, những
người da đen, các nhà sinh thái học, các người dân nhập cư, những người tiêu
thụ, vv…. Kết quả là lý thuyết Marxian đã bị lệch khỏi trung tâm và bị
phân tán vì nó không còn tập trung vào mỗi một giới vô sản và không còn xem
các vấn đề của giới vô sản là vấn đề xã hội.
Từ bỏ một tiêu điểm và các yếu tố
duy vật và một quan tâm tập trung vào giới vô sản, Laclau và Mouffe tiếp tục
chối bỏ mục tiêu của lý thuyết Marxian, chủ nghĩa cộng sản và sự giải phóng
giai cấp vô sản. Thay vì thế, họ đề xuất
một hệ thống gọi là “dân chủ cấp tiến”. Thay vì tập trung vào các quyền dân chủ của cá thể, họ đề xuất “sáng tạo ra
một sự lãnh đạo mới, sẽ là hệ quả của sự
kết hợp của số lượng lớn nhất các cuộc đấu tranh dân chủ”. Cái cần thiết
trong quyền lãnh đạo mới này là “một sự lãnh đạo của dân chủ, các giá trị, và
điều này đòi hỏi một sự nhân rộng các thực hành dân chủ, thể chế hóa chúng
thành các quan hệ xã hội thậm chí nhỏ nhặt hơn”.
Nền dân chủ cấp tiến tìm cách gom tụ
lại dưới một chiếc dù rộng lớn của các cuộc đấu tranh dân chủ - chống phân biệt
chủng tộc, chống phân biệt giới tính, chống tư bản, chống bóc lột tự nhiên và
nhiều thứ khác. Như vậy, đây là một “nền dân chủ cấp tiến và đa diện”. Cuộc đấu
tranh của một nhóm không được tiến hành từ chi phí của các nhóm khác; mọi đấu
tranh dân chủ phải được xem là các cuộc đấu tranh đồng đẳng. Như vậy, cần phải
kết hợp chúng lại với nhau bằng cách bổ sung cho các đặc tính của chúng, để các
nhóm xem họ là một bộ phận của cuộc đấu tranh lớn lao vì dân chủ cấp tiến. Như
Laclau và Mouffe lý luận:
Sự thế chỗ của cánh Tả cần bao gồm sự định vị bản thân
nó một cách trọn vẹn trong lĩnh vực cách mạnh dân chủ và mở rộng mối dây đồng đẳng
giữa các cuộc đấu tranh chống áp bức khác nhau. Công việc của cánh Tả do đó không thể từ bỏ lý tưởng tự do dân chủ, mà
trái lại, đào sâu và mở rộng nó theo hướng một nền dân chủ cấp tiến đa phương…
Nó không từ bỏ địa thế dân chủ, mà trái lại, đang trong quá trình mở rộng phạm
vi các cuộc đấu tranh với toàn thể xã hội văn minh và nhà nước, mà khả năng có
thể thuộc về một chiến lược lãnh đạo của cánh Tả.
Trong khi dân chủ cấp tiến khôi phục
lại đối tượng về sự thủ tiêu chủ nghĩa tư bản, nó nhận ra rằng sự thủ tiêu này
sẽ không loại trừ được các bất bình đẳng khác trong xã hội. Xử lý mọi bất bình
đẳng xã hội đòi hỏi một phong trào rộng lớn hơn nhiều so với tiên đoán của các
nhà Marxist truyền thống.
Một đột nhập khác của thuyết Marxian
vào lý thuyết hậu hiện đại (xem chương 12 về một thảo luận khác, tác phẩm của
Fredric Jameson) là cuốn Điều kiện của
thời đại hậu hiện đại của David Harvey. Trong khi Harvey thấy có nhiều giá
trị trong tư duy hậu hiện đại, ông cũng thấy sự yếu kém nghiêm trọng trong đó
từ một quan điểm Marxian. Lý thuyết hậu hiện đại bị cáo buộc là nhấn mạnh thái
quá các vấn đề của thế giới hiện đại và nhấn mạnh dưới mức cần thiết các thành
tựu vật chất của nó. Quan trọng hơn, dường như nó chấp nhận thời đại hậu hiện
đại và các vấn đề gắn liền với nó hơn là đề ra các cách thức khắc phục các khó
khăn này: “ sự hùng biện khoa trương của thuyết hậu hiện đại có tính chất nguy
hiểm vì nó tránh đối đầu với các thực tiễn chính trị kinh tế và các hoàn cảnh
của lực lượng toàn cầu”. Cái lý thuyết hậu hiện đại cần đối đầu là nguồn của
các tư tưởng của nó- sự chuyển hóa chính trị và kinh tế của chủ nghĩa tư bản
cuối thế kỷ 20.
Trung tâm của hệ thống chính trị
kinh tế là sự kiểm soát các thị trường và quá trình lao động (hai lĩnh vực này
liên quan tới vấn đề tích lũy của chủ nghĩa tư bản). Trong khi thời hậu chiến
giữa 1945 và 1973 được định tính bởi một quá trình tích lũy cứng nhắc, từ 1973
chúng ta đã đi tới một quá trình năng động hơn. Harvey gắn thời kỳ trước với
thuyết Ford (cũng như kinh tế học của Keynesian) và thời kỳ sau với thuyết Sau
Ford, nhưng chúng ta không cần thảo luận các vấn đề đó ở đây, vì chúng đã được
bao quát trong chương này. Trong khi thuyết Ford có tính cứng nhắc, Harvey thấy
thuyết Sau Ford gắn liền với sự tích lũy năng động dựa vào “sự năng động liên
quan tới các quá trình lao động, các thị trường lao động, các sản phẩm, và các
kiểu tiêu thụ. Nó được định tính bởi sự nảy sinh của các bộ phận mới hoàn toàn
của nền sản xuất, các phương pháp cung cấp dịch vụ tài chính mới, các thị trường
mới, và trên tất cả, là các tỷ lệ tăng trưởng lớn lao của nền thương mại, sự
cải tiến kỹ thuật và tổ chức.
Trong khi Harvey nhìn thấy những
biến đổi lớn lao, và lý luận rằng chúng nằm ở nền tảng của tư duy hậu hiện đại,
ông tin rằng có nhiều sự tiếp nối giữa các kỷ nguyên thuộc thuyết Ford và
thuyết Sau Ford. Kết luận chính của ông là trong khi “ hẳn nhiên có một biến
đổi rộng lớn trên bề mặt của chủ nghĩa tư bản từ 1973… logic ẩn chìm bên dưới
của tích lũy tư bản và các xu hướng khủng hoảng của nó vẫn còn như cũ”.
Trung tâm của cách tiếp cận
của Harvey là ý tưởng về sức ép của thời gian-không gian. Ông tin rằng chủ
nghĩa hiện đại đã phục vụ cho sức ép của thời gian-không gian và rằng quá trình
đó đang tăng tốc trong kỷ nguyên hậu hiện đại, dẫn tới một “thời kỳ căng thẳng
về sức ép thời gian-không gian, có một tác động gây mất định hướng và phá hủy
lên các thực hành chính trị-kinh tế, lên cán cân lực lượng giai cấp, cũng
như lên đời sống văn hóa và xã hội”. Nhưng
sức ép thời gian-không gian về cơ bản không khác với các giai đoạn đầu của chủ
nghĩa tư bản: “Chúng ta, nói vắn tắt, đã chứng kiến một khía cạnh khắc nghiệt
khác trong quá trình hủy diệt không gian thông qua thời gian đó, nó đã luôn
luôn nằm ngay ở trung tâm của động lực của tư bản chủ nghĩa”. Để đưa ra một ví
dụ về sự hủy diệt không gian thông qua thời gian đó, phó mát trước kia chỉ có
bán ở Pháp nay được bán rộng rãi khắp nước Mỹ vì sự vận chuyển nhanh chóng, giá
rẻ. Hay, trong cuộc chiến tranh năm 1991 với Iraq, ti-vi đã đưa chúng ta ngay
lập tức từ cuộc không kích ở Baghdad tới những cuộc tấn công “vũ bão” ở Tel
Aviv tới những chỉ thị quân sự ở Riyadh.
Như vậy, đối với Harvey, thuyết hậu
hiện đại không gián đoạn với thuyết hiện đại; chúng là những phản ánh của cùng
một động lực tiềm ẩn của chủ nghĩa tư bản. Cả thuyết hiện đại và hậu hiện đại,
thuyết Ford và thuyết Sau Ford, cùng tồn tại trong thế giới ngày nay. Điểm nhấn
mạnh của thuyết Ford và thuyết Sau Ford sẽ “thay đổi từ lúc này sang lúc khác
và từ nơi này sang nơi khác, tùy thuộc vào hình thể nào có lợi và hình thể nào
không có lợi”. Một quan điểm như thế phục vụ cho việc mang lại vấn đề của thời
hậu hiện đại dưới chiếc dù của lý thuyết tân Marxian, mặc dù là tới lượt mình,
nó cũng được bổ sung bởi các phát triển trong tư duy hậu hiện đại.
Cuối cùng, Harvey nhận thức rõ về
các biến đổi và các xung đột trong thời hậu hiện đại, chỉ ra rằng chúng ta có
thể đang trên đường đi tới một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên mà lý thuyết tân
Marxian phải được chuẩn bị để lý thuyết hóa, có lẽ bằng sự hòa hợp các hệ thống
tư tưởng khác đang tồn tại.
Sau
chủ nghĩa Marx
Với
những người Marxist ở mọi kiểu dạng đang thu nhặt các quan điểm mới dưới ánh
sáng của sự sụp đổ của Liên Xô, có vô số quan điểm hậu Marxist có thể được thảo
luận trong phần này. Tuy nhiên, để tạo cho bạn đọc một nhận thức về các giới
hạn ở đây, tôi sẽ khép lại với một trong những quan điểm cực đoan nhất về vấn
đề này.
Tựa đề cuốn sách của Ronald Aronson,
Sau chủ nghĩa Marx, kể nhiều về nội
dung của nó. Aronson, một nhà Marxist tự thừa nhận, làm rõ rằng chủ nghĩa Marx
đã hết thời và rằng các nhà Marxist giờ đây tự
họ xử lý thế giới xã hội và các vấn đề của nó. Quan điểm này dựa trên ý
tưởng rằng “dự án Marxian” bao gồm sự hòa hợp giữa lý thuyết và thực hành.
Trong khi một số nhà Marxist có thể tiếp tục vay mượn các bộ phận của lý thuyết
Marxian, dự án Marxian về sự chuyển hóa từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã
hội đã chết, vì rõ ràng nó đã thất bại ở các đối tượng của nó. Đó là lịch sử,
chứ không phải Aronson, đã đưa ra phán xét rằng dự án Marxian đã thất bại. Như
vậy, các nhà Marxist tiếp tục vay mượn lý thuyết này đang hủy diệt tổng thể
biện chứng về lý thuyết và thực hành đã thiết lập nên dự án Marxian. Sự vỡ vụn
này có tính chất nguy hiểm vì cái tạo ra sức hấp dẫn của chủ nghĩa Marx là sự
thật rằng nó đã thể hiện một “dự án độc lập có cố kết mạch lạc giữa lý thuyết
và thực hành”.
Nhưng làm sao dự án Marxian có thể
qua đời nếu chủ nghĩa tư bản tiếp tục tồn tại và có thể, với cái chết của chủ
nghĩa cộng sản, sẽ hùng mạnh hơn bao giờ hết? Thực tế, Aronson nhận ra rằng có
nhiều lý luận khác nhau đã được tạo ra với tư cách của ý tưởng rằng chủ nghĩa
Marx vẫn còn thích ứng. Ví dụ, ông nhận ra rằng phần lớn mọi người trên khắp
thế giới ngày nay trở nên tồi tệ hơn thời kỳ bình minh của chủ nghĩa tư bản và
rằng mặc dù có một số biến đổi, cơ cấu bóc lột cơ bản của chủ nghĩa tư bản vẫn
không thay đổi. Dù cho có những thực tại đó, Aronson lý luận rằng một loạt các
chuyển hóa khác nhau phải dẫn chúng ta tới một kết luận rằng các khía cạnh cốt
lõi của lý thuyết Marxian đã lỗi thời:
·
Giai cấp công nhân
không ngày càng trở nên bần cùng hóa.
·
Cấu trúc giai cấp
không đơn giản là hai giai cấp đối cực nhau (tư sản và vô sản).
·
Vì sự chuyển biến của
các quá trình sản xuất, con số các công nhân công nghiệp đã bị suy sút, giai
cấp công nhân trở nên tản mạn. Và ý thức của họ về hoàn cảnh đã bị xói mòn.
·
Sự hao hụt toàn diện
của giai cấp công nhân dẫn tới sự suy tàn trong sức mạnh của nó, trong ý thức
giai cấp của nó, và trong khả năng của nó để tiến hành đấu tranh giai cấp.
·
Những người công nhân
tự bản thân họ ngày càng ít có các đặc tính của công nhân; họ có các đặc tính
đa phương và cạnh tranh nhau, thế nên ngày nay là một công nhân chỉ là một
trong nhiều nét đặc tính.
Trong
khi chủ nghĩa Marx đã chết như Aronson quan tâm, ông lý luận rằng chúng ta
không nên hối tiếc về sự tồn tại của nó, ngay cả với những cái cực đoan nhất
(ví dụ, chủ nghĩa Stalin – như đã được ghi nhận ngay trong cái tên của nó). Chủ
nghĩa Marx:
đưa tới niềm hy vọng, nó tạo ra nhận thức về thế giới;
nó đưa ra hướng đi và ý nghĩa với vô số kiếp người. Khi thế kỷ 20 vĩ đại kêu
gọi cầm vũ khí, nó đã thôi thúc nhiệt huyết của hàng triệu người để đứng lên và
chiến đấu, để tin rằng nhân loại có thể một ngày kia sắp đặt cuộc đời và thế giới
của họ phù hợp với các nhu cầu của họ.
Ngoài
các thất bại của chủ nghĩa Marx trong thế giới thực tiễn, Aronson truy tới tiền
đề của Marx đối với các vấn đề trong lòng của bản thân lý thuyết. Các vấn đề
này ông truy tới sự thật rằng lý thuyết Marx nguyên thủy được tạo ra trong
những ngày đầu của thế giới hiện đại và kết qủa là nó chứa đựng một hỗn hợp
không thuận lợi các tư tưởng hiện đại và tiền hiện đại. Vấn đề này đã gây khó
khăn cho lý thuyết Marxian suốt lịch sử
của nó. Ví dụ, niềm tin mang tính tiên đoán thời tiền hiện đại về sự giải phóng
đồng tồn tại với một niềm tin hiện đại vào khoa học và việc tìm kiếm các sự
thật: “Bên dưới cái vẻ ngoài khoa học của nó, sự tiên tri có tính giáo điều như
thế bộc lộ mối quan hệ tiền hiện đại và sâu thẳm hơn của nó với các tiên đoán
có tính chất tôn giáo về một thế giới được cứu chuộc bởi một lực lượng thiêng
liêng nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta”. Để lấy một ví dụ khác, chủ nghĩa
Marx có xu hướng nhấn mạnh các quá trình khách quan và giảm nhẹ các quá trình chủ
quan.
Aronson bắt đầu một trong các chương
của ông với câu phát biểu khiêu khích sau: “Thuyết nữ quyền đã hủy diệt chủ
nghĩa Marx”. Ông nhanh chóng làm rõ rằng thuyết nữ quyền không tự chính nó hoàn
thành chiến công này. Tuy nhiên, nó đã góp phần vào sự sụp đổ của chủ nghĩa
Marx bằng cách đòi hỏi một lý thuyết tập trung vào “sự áp bức phụ nữ với tư cách là phụ nữ”. Tiêu điểm này rõ ràng đã xói mòn lý thuyết Marxian, mà mục
đích là đề ra một lý thuyết có thể áp dụng cho toàn thể nhân loại. Thuyết nữ
quyền cũng đã mở ra giai đoạn phát triển của các nhóm khác với đòi hỏi các lý
thuyết tập trung vào cảnh ngộ cụ thể của chúng hơn là vào các vấn đề phổ quát
của nhân loại.
Aronson diễn tả các lý thuyết
Marxist, như chủ nghĩa Marx phân tích đã thảo luận, là chủ nghĩa Marx mà không
có chủ nghĩa Marx. Nghĩa là, chúng là những lý thuyết suông, thiếu sự thực
hành, và do đó, theo quan điểm của ông, không nên gọi là chủ nghĩa Marx:
Họ có thể xác quyết cái tên, như chủ nghĩa Marx phân
tích đã làm, nhưng họ làm như thế cũng giống như nhiều chủ nghĩa Marx mà không
có tính chất chủ nghĩa Marx. Họ đã trở nên bị chuyển hóa quá mức, quá hạn chế,
quá hẹp hòi về lý thuyết đến nỗi ngay cả khi những lời và những cam kết của họ
có vẻ thật họ cũng chỉ viện dẫn đến tinh hoa của chủ nghĩa Marx, chứ không có
gì hơn. Nhưng dù có khơi gợi thế nào, các ý tưởng này không thể làm cho xuất
hiện thực tiễn đang tàn phai.
Các lý thuyết Marxian đó sẽ sống
sót, nhưng chúng sẽ chiếm một vị trí khá khiêm tốn trong thế giới. Chúng sẽ
tiêu biểu cho một tiếng nói lý thuyết trong cả một biển tiếng nói như thế.
Đưa ra tất cả những điều này,
Aronson kết luận rằng các phân tích phê phán về thế giới hiện đại là của chính
chúng chứ không phải trên cơ sở xây dựng từ một dự án Marxian. Tuy nhiên, đây là
một phúc lành hỗn hợp. Trong khi dự án Marxian có những năng lực khổng lồ, nó
cũng là một chiếc vòng kim cô bao quanh cổ của những nhà phân tích phê phán.
Những người trước đây từng là người Marxist có nên tìm một Marx mới không? Hoặc
là một dự án Marxian mới? Dưới ánh sáng của các phát triển trong xã hội và
trong lý thuyết, Aronson cảm thấy rằng câu trả lời cho các câu hỏi trên là
không, vì chúng ta đã di động ra “ngoài sự khả dĩ của một dạng chỉnh thể luận,
sự hòa hợp, sự cố kết và sự tự tin mà chủ nghĩa Marx đã biểu hiện. Như vậy, ví
dụ, thay vì một phong trào cấp tiến riêng lẻ, cái chúng ta phải tìm kiếm ngày
nay là một sự liên minh các nhóm và các ý tưởng. Mục tiêu của một liên minh như
thế là sự giải phóng thời hiện đại ra khỏi các căng thẳng nội tại đang âm ỉ và
các hình thức áp bức khác nhau của nó.
Một vấn đề đối mặt với các phong
trào cấp tiến như thế là không còn niềm hy vọng được chở đi bởi một viễn tượng
hấp dẫn về một xã hội không tưởng nào đó ở tương lai. Thế nhưng, phải có một
loại chất hàn gắn tình cảm nào đó để kết giữ nó lại và giữ cho nó chuyển động
về phía trước. Phong trào phải có một cơ sở đạo đức, một nhận thức về cái gì
đúng và cái gì sai. Nó cũng cần có hy vọng, dù là một hy vọng khiêm tốn hơn so
với niềm hy vọng mà dự án Marxian đã dựng nên. Mặc dù khiêm tốn, các hy vọng
như thế dường như sẽ dẫn tới sự tỉnh ngộ
sâu sắc để định tính dự án Marxian khi nó thất bại trong việc đạt tới các đối
tượng xã hội của nó.
Các phê phán chủ nghĩa hậu Marx
Trước
khi khép lại phần này, cần lưu ý rằng nhiều lý thuyết gia Marxian không vui
sướng gì với các phát triển hậu Marxist này (ví dụ, Burawoy, Wood). Ví dụ như
Burawoy, tấn công vào các nhà Marxist phân tích vì đã loại trừ vấn đề lịch sử
và vì đã tạo ra một sự mê tín vào sự trong lành và sức sống. Weldes phê phán
chủ nghĩa Marx phân tích vì đã tự cho phép nó lệ thuộc vào kinh tế học xu hướng
chủ đạo, đi theo một cách tiếp cận kỹ thuật, giải quyết vấn đề một cách thuần
túy, trở nên ngày càng có tính chất hàn lâm và ít tính chính trị, và nhiều tính
chất bảo thủ hơn. Wood chọn ra vấn đề chính trị và phê phán chủ nghĩa Marx phân
tích (cũng như chủ nghĩa Marx hậu hiện đại) vì chủ nghĩa ẩn dật chính trị của
nó và “chủ nghĩa chủ bại yếm thế, khi mọi chương trình cấp tiến về biến đổi bị
kết án là thất bại” của nó. Ngay cả những người ủng hộ của một nhánh của chủ
nghĩa Marx phân tích, nghiên cứu thực nghiệm về các tư tưởng Marxian, cũng bị phê phán vì người anh
em của họ về lý thuyết chọn lựa hợp lý, sai lầm trong quan điểm của họ, đi theo
một lập trường phương pháp luận chủ nghĩa cá nhân.
Tác phẩm của Laclau và Mouffe đã
chịu sự tấn công đặc biệt nặng nề. Ví dụ, Allen Hunter phê phán họ vì sự tận
tụy toàn diện của họ đối với chủ nghĩa duy tâm và, cụ thể hơn, vì “tự đặt họ ở
phía cực đoan của phân tích trình bày, xem tất cả mọi thứ như sự
trình bày”. Tương tự, Geras tấn công Laclau và Mouffe vì chủ nghĩa duy tâm của
họ, nhưng ông ta cũng xem họ là ngông cuồng, phóng đãng, phi logic và theo chính sách ngu dân.
Nội dung chính của đáp từ của Laclau và Mouffe cho Geras gắn liền với cái tên
của nó “Chủ nghĩa hậu Marxist không có
lời xin lỗi”. Burawoy tấn công Laclau và Mouffe vì “lạc lối trong mạng nhện của lịch sử, nơi
mọi thứ đều quan trọng và sự giải thích do đó là không thể được”.
Cuối
cùng, trái với Aronson, Burawoy tin rằng chủ nghĩa Marx vẫn còn hữu ích
trong việc nhận thức các động lực và các mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản. Do
vậy, với tiền đề của chủ nghĩa cộng sản và uy thế của chủ nghĩa tư bản toàn cầu,
“chủ nghĩa Marx sẽ… một lần nữa, trở lại là chính nó”.
Có vẻ như chủ nghĩa hậu Marxist sẽ
tiếp tục gây ra tranh luận ở cả giới trí thức Marxist và trong cộng đồng trí
thức lớn hơn.
TÓM TẮT
Trong chương này chúng ta đã xem xét
một dãy rộng các tiếp cận có thể xếp phân loại là các lý thuyết xã hội học tân
Marxian. Tất cả các lý thuyết này đều lấy tác phẩm của Marx làm điểm xuất phát
của chúng, nhưng chúng thường đi theo những hướng khác nhau. Dù các phát triển
đa dạng đem lại cho lý thuyết tân Marxian một sức sống đáng kể, chúng cũng tạo
ra ít nhất một số sự phân biệt và tranh luận không cần thiết và phản chức năng
ở tầm mức lớn. Do vậy, công việc của nhà lý thuyết xã hội học Marxian là hòa
hợp dãy lý thuyết rộng này trong khi công nhận giá trị của các tác phẩm đặc thù
khác nhau.
Lý thuyết tân Marxian đầu tiên có
tính chất lịch sử, nhưng ít có tầm quan trọng ở hiện tại, đặc biệt đối với nhà
tư tưởng có định hướng xã hội học, là kinh tế quyết định luận. Nó chống lại
quan điểm hạn chế của lý thuyết Marxian rằng các khác biệt đã phát triển. Chủ nghĩa
Marx-Hegel, đặc biệt trong tác phẩm của Georg Lukács, là một trong những phản
ứng đó. Cách tiếp cận này tìm cách khắc phục các giới hạn trong kinh tế quyết
định luận bằng cách quay lại các nguồn gốc chủ quan có tính chất Hegelian của
lý thuyết Marxian. Chủ nghĩa Marx-Hegel cũng chỉ có giá trị đương thời, tầm
quan trọng của nó chủ yếu nằm trong tác động của nó lên các lý thuyết tân
Marxian sau này.
Trường phái phê phán, là người kế
thừa của truyền thống chủ nghĩa Marx-Hegel. Có tầm quan trọng đương thời đối
với xã hội học. Các đóng góp lớn lao của các lý thuyết gia phê phán (Marcuse,
Habermas, vv..) là những nhận thức nhìn vào văn hóa, ý thức, và các quan hệ hỗ
tương của chúng. Các lý thuyết gia này đã nâng cao nhận thức của chúng ta về
các hiện tượng văn hóa như sự hợp lý mang tính phương tiện, “nền văn hóa công
nghệ”, “công nghệ kiến thức”, hành động thông tin, sự thống trị, và sự chính
thống hóa. Họ bổ sung một quan tâm đến ý thức, cơ bản trong hình thức của một
sự hòa hợp lý thuyết Freud trong tác phẩm của họ. Tuy nhiên, lý thuyết phê phán
đã đi quá xa trong các nỗ lực của nó để bù đắp cho các hạn chế của kinh tế quyết định luận; nó cần phải khôi
phục lại mối quan tâm đối với kinh tế học, thực sự là, đối với các lực lượng xã
hội vĩ mô nói chung.
Kế tiếp chúng tôi đưa ra các thảo
luận về hai dòng tác phẩm trong xã hội học kinh tế tân Marxian. Dòng đầu xử lý
mối quan hệ giữa tư bản và lao động, đặc biệt là trong các tác phẩm của Baran
và Sweetzy và của Braverman. Dòng thứ hai quan tâm đến sự chuyển dịch từ thuyết
Ford sang thuyết Sau Ford. Cả hai tập hợp tác phẩm thể hiện các nỗ lực để quay
lại một số quan tâm kinh tế truyền thống của xã hội học Marxian. Công việc này
có tầm quan trọng vì nó nỗ lực cập nhật xã hội học kinh tế Marxian bằng cách
quan tâm đến các thực thể đang nổi lên trong xã hội tư bản đương thời.
Một quan tâm khác là chủ nghĩa Marx
định hướng lịch sử, đặc biệt là tác phẩm của Immanuel Wallerstein và các ủng hộ
viên của ông về hệ thống thế giới hiện đại. Chương này khép lại với một phần
dành cho cái, mà dưới ánh sáng hứa hẹn của chủ nghĩa cộng sản, có thể được gọi
là các lý thuyết hậu chủ nghĩa Marx. Bao gồm dưới cái tên này là nhiều kiểu chủ
nghĩa Marx phân tích và lý thuyết Marxian hậu hiện đại. Cũng nằm trong phần này
là thảo luận về một ví dụ của kiểu quan điểm của những người Marxist, những kẻ
đã buộc phải rời bỏ dự án Marxian dưới ánh sáng của các phát triển trên thế
giới.
*******
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét