Hồi còn nhỏ xíu, ngẫm ra tôi lại đọc nhiều hơn bây
giờ. Hiểu biết của một đứa con nít tám chín tuổi còn non nớt biết bao nhiêu.
Vậy mà tôi đã đọc đủ thứ linh tinh, thượng vàng hạ cám. Những bộ truyện tranh
từ ma quái rùng rợn như Con quỷ truyền
kiếp cho tới vui nhộn, phiêu lưu mạo hiểm như Xì-trum, Lucky Luke, Tintin,
Lữ Hân và Phi Lục... Lớn hơn một chút là những cuốn sách cũ rích, giấy bản
đã mủn ra như Bồng Lai Hiệp Khách, Càn
Long hạ Giang Nam… những bộ kỳ tình võ hiệp của Kim Dung, Cổ Long; Câu chuyện của dòng sông, Tuổi trẻ cô đơn
của Herman Hesse; Bay đêm, Cõi người ta,
Hoàng tử bé của Saint Exupéry; Cầu
trên sông Drina của Ivo Andrich; Ngộ
nhận của Albert Camus… Hồi đó ba tôi mê đọc. Ông thuê đủ mấy loại sách đó.
Và đêm đêm tôi cứ chờ cho ông ngủ lại len lén bò ra khỏi giường, chạy xuống bếp
ngồi đọc say sưa, có khi ngủ gục luôn tại chỗ. Ôi, những ngày xưa thân ái!
Trước 1975, tôi đã đọc được vài bản dịch trong bộ
truyện Barsoom (tức sao Hỏa theo cách
gọi của người sao Hỏa) của Edgar Rice Burroughs, hình như là Công chúa Hỏa tinh, Hỏa tinh kỳ vương…
Nhân vật đại úy John Carter được Việt hóa là Duy Cát. Còn Dejah Thoris, tôi
không còn nhớ cái tên tiếng Việt của người đẹp Hỏa tinh đó nữa, nhưng ấn tượng
về một ngôi sao đỏ le lói giữa không gian đêm thăm thẳm và một người đẹp tuyệt
trần xa lạ vẫn thường trở đi trở lại trong những giấc mơ tuổi nhỏ của tôi.
Khoảng cuối 2005, sau khi trở thành một gã thất
nghiệp, tôi bắt đầu mày mò lên mạng tìm kiếm những bản ebook văn học mà tôi
thích và chưa có ai dịch hoặc đã dịch rồi nhưng đã thất truyền để… dịch và mơ…
một ngày nào đó bản dịch của mình sẽ được in thành sách. Những trang sách thơm
mùi giấy mới, chở thành quả của những đêm ngày lặng lẽ gõ lóc cóc trên bàn phím
tới người đọc thân yêu. Và tôi tình cờ gặp lại Dejah Thoris, đại úy John
Carter, Tars Tarkas... Bản dịch cuốn đầu tiên của bộ truyện Barsoom, Công chúa Hỏa tinh, tôi hoàn thành năm
2006, nhưng đi chào hàng mãi mà chả chỗ nào chịu nhận in. Đến thời điểm ấy tôi
cũng đã có vài tác phẩm dịch, nhưng không dính tới mảng văn học, nên chắc chưa
có uy tín trong làng làm sách.
Nhà thơ Nguyễn Khương Bình dạo đó về làm ở chi nhánh
NXB Lao Động cảm thương cho cảnh thường xuyên rỗng túi của tôi nên hứa sẽ giúp
tôi tìm đầu ra cho cuốn truyện, nhưng lúc đó anh đã bệnh nặng lắm rồi, không
còn đủ sức để hoàn thành việc đó, rồi sau đó không lâu qua đời. Tôi cất bản
dịch vào kho lưu trữ ảo của mình, tiếp tục dịch thêm vài cuốn nữa trong bộ
truyện. Và chờ cơ hội tới, như Khương Tử Nha ngồi câu thời vận bên bờ sông Vị.
Thời vận tới, siêu phẩm điện ảnh John Carter sắp ra lò (ngày 9-3-2012) sau rất nhiều năm trắc trở. Và
bỗng dưng món hàng ế ẩm lưu kho của tôi trở nên đắt giá (hoặc nói đúng hơn đã
có nhiều chỗ sẵn sàng tiêu thụ). Tôi bán được cho NXB Trẻ bộ ba đầu tiên của
tập truyện Barsoom, và hy vọng nếu bạn đọc không chê, tôi sẽ câu thêm được vài
con cá từ miếng mồi câu mà cố nhà văn E.R. Burroughs khả kính vô tình để lại
cho tôi.
Bỗng dưng tôi nhớ tới gã Oscar Wao mơ mộng (Cuộc đời ngắn ngủi và kỳ lạ của Oscar Wao
– Junot Diáz, Nguyễn Thị Hải Hà dịch). Gã yêu đắm đuối, và trong những mối tình
của gã có người tình trong mộng Dejah Thoris. Hình như tôi cũng giống gã, đã
yêu nàng công chúa của những ước mơ xa xôi ấy từ tuổi hoa niên. Yêu, mơ và chờ
đợi.
Tháng 3/2012
Tháng 3/2012
Chú thích:
* Bài viết này nhằm mục đích PR, nhưng rốt cục vì lý do gì không rõ nhà báo không xài tới. Và tôi cũng quên mất tiêu. Tình cờ lục lọi gặp lại, đưa lên để làm kỷ niệm :).
** Sau đó, ở Hội sách TP.HCM hồi tháng 3, bộ ba tập đầu tiên (Công chúa Hỏa tinh; Linh thần Hỏa tinh và Thống soái Hỏa tinh) này bán cũng tương đối được. NXB không lỗ vốn, và tôi thì bỏ túi được chút tiền còm. Nhưng, thời vận vẫn còn chưa tới hay sao í, vì cuốn phim đầu trong bộ ba triology quá tệ, chịu ảnh hưởng nặng của Avatar. Nói chung là tắt ngủm. Có lẽ các nhà sản xuất phim nản lòng không muốn tiếp tục dự án. Và NXB cũng nản lòng không dám làm thêm mấy cuốn tiếp theo. Khóc ba tiếng, cười ba tiếng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét