Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Phúc lành của đất - Quyển I - Chương 10

 
 
Knut Hamsun 
Giải Nobel văn chương 1920 
 
Markens Grøde
 
Bản dịch: Nguyễn Thành Nhân
  
 
 
 
Quyển I
CHƯƠNG X
Ngày hôm sau, vận mệnh đã an bày một sự kiện lớn. Một vị khách tới trại – Geissler. Trên những cánh đồng hoang không còn là mùa hè, nhưng Geissler không lưu tâm tới tình trạng của đất đai; ông đi bộ đến, chân mang một đôi ủng cao sang trọng với những miệng ủng rộng bóng loáng; và còn mang một đôi găng tay màu vàng trông thật lịch sự; một người đàn ông trong làng vác theo các vật dụng của ông. 
Thật ra, ông đến để mua một miếng đất của Isak, ở trên đồi – một mỏ đồng. Và giá cả thì sao? Nhân tiện, ông cũng có một tin nhắn từ Inger – nàng sống ổn, mọi người đều thích nàng; ông đã tới Trondhjem và gặp nàng. “Isak, anh đã làm được một việc gì đó ở đây rồi!” 
“Phải, tôi cho là thế. Và ngài đã gặp Inger?” 
“Anh có cái gì ở đó vậy? Dựng một chiếc cối xay của riêng mình, phải không? Để xay lúa của chính anh? Tuyệt. Và anh đã khai khẩn được khá nhiều đất từ khi tôi ở đây lần trước.” 
“Cô ấy khỏe không?” 
“Hử? Ồ, vợ anh! Vâng, cô ta mạnh khỏe. Chúng ta hãy vào phòng kế bên. Tôi sẽ kể cho anh nghe.” 
“Phòng đó không ngăn nắp,” Oline xen vào. Oline có lý do riêng của bà để không muốn họ vào đó. Dù sao thì họ cũng đi vào căn phòng nhỏ, và đóng cửa lại. Oline đứng trong bếp và không nghe được gì. 
Geissler ngồi xuống, đưa bàn tay mạnh mẽ vỗ lên đầu gối. Ông – vị chủ nhân số phận của Isak. 
“Anh có bán cái lô đất có đồng đó chưa?” ông hỏi. 
“Chưa.” 
“Tốt. Tôi sẽ mua nó. Vâng, tôi đã gặp Inger và cả vài người khác. Cô ấy sẽ sớm được thả ra, nếu như tôi không lầm, vụ án đã được trình lên đức vua.” 
“Đức vua?” 
“Vâng, đức vua. Tôi đi vào và nói chuyện với vợ anh, họ lo liệu cho tôi chuyện đó, tất nhiên, không có gì khó khăn trong chuyện đó, và chúng tôi nói chuyện khá lâu. ‘Chà, Inger, cô thế nào rồi? Tốt đẹp hử?’ ‘Sao, tôi không có gì để than phiền.’ ‘Muốn trở về nhà không?’ ‘Vâng, tôi sẽ không nói là không.’ ‘Và cô sẽ sớm về thôi,’ tôi nói. Và tôi phải nói với anh điều này, Isak ạ, Inger là một cô gái tốt. Không khóc lóc, chẳng có tới một giọt nước mắt mà chỉ mỉm cười và cười to… họ đã chữa cho miệng cô ấy, bằng cách giải phẫu, may nó lại. ‘Tạm biệt,’ tôi nói. ‘Cô sẽ không còn ở đây lâu đâu, tôi hứa với cô điều đó.’ 
“Khi tôi tới gặp ngài giám đốc, ông ta tiếp tôi, tất nhiên, không khó khăn gì trong việc đó. ‘Ở đây có một phụ nữ nên được thả ra và cho trở về nhà, Inger ở Sellanraa,’ tôi nói. ‘Inger hả?’ Ông ta nói. ‘Sao, phải. Cô ta là một người tốt, tôi ước gì có thể giữ cô ta lại hai mươi năm,’ ‘Chà, ông sẽ không làm thế đâu,’ tôi nói. ‘Cô ấy đã ở đây khá lâu rồi.’ ‘Khá lâu?’ Ông ta nói. ‘Ông có biết vì sao cô ta bị nhốt không? Tôi biết hết mọi chuyện về nó,’ tôi nói, ‘khi còn là Lensmand ở huyện đó.’ ‘Ồ,’ ông ta nói, ‘sao ông không ngồi xuống đi,’  Đó là một câu nói rất đúng, tất nhiên. ‘Sao,’ vị giám đốc nói, ‘ở đây chúng tôi làm những gì có thể cho cô ta, và cả con gái bé bỏng của cô ta nữa. Vậy là  cô ta đến từ vùng của ông, phải không? Chúng tôi đã giúp cho cô ta có một cái máy may riêng; cô ta đã vươn lên đứng đầu trong xưởng, và chúng tôi đã dạy cô ta nhiều thứ, dệt, công việc nội trợ, nhuộm vải, cắt may. Ông nói đã ở đây quá lâu à? Vâng, tôi đã có câu trả lời của chính mình cho chuyện đó, nhưng có thể đợi, vì thế tôi chỉ nói vụ của cô ta đã bị làm rối tung lên, và phải xem xét lại; bây giờ, sau khi tu chỉnh hình luật, có lẽ cô ta sẽ được ân xá hoàn toàn.’ Và tôi kể cho ông ta nghe về con thỏ rừng. ‘Một con thỏ?’ Vị giám đốc nói. ‘Phải, một con thỏ,’ tôi nói. ‘Và đứa bé chào đời với một cái môi sứt.’ ‘Ồ,’ ông ta nói, mỉm cười, ‘tôi hiểu. Và ông nghĩ họ nên giảm án nhiều hơn vì chuyện đó?’ ‘Họ không hề giảm chút nào,’ tôi nói, “vì nó không được nhắc tới.’ ‘Thôi được, tôi dám nói rằng nói cho cùng bản án cũng không tệ lắm.’ ‘Dù sao thì cũng khá tệ đối với cô ấy.’ ‘Ông có tin rằng một con thỏ thể tạo ra những điều mầu nhiệm không?’ Ông ta hỏi. ‘Về chuyện đó tôi không bàn tới việc một con thỏ có tạo ra những điều mầu nhiệm hay không ngay bây giờ. Vấn đề là, tác động có thể xảy ra của việc nhìn thấy một con thỏ đối với một phụ nữ bị khiếm khuyết, trong tình trạng của cô ấy.’ ‘Ồ,’ ông ta suy nghĩ một lúc rồi cuối cùng nói, ‘Ừm, có thể, có thể. Dù sao, chúng tôi không quan tâm tới con thỏ đó. Tất cả những gì chúng tôi phải làm là đón nhận những người họ gửi tới cho chúng tôi chứ không phải sửa đổi hình phạt của họ. Và theo hình phạt của Inger, cô ta chưa hoàn thành thời hạn.’ 
“Vâng, lúc đó tôi bắt đầu nói điều mà tôi muốn nói cho hết. ‘Trước tiên, có một sơ sót nghiêm trọng trong việc đưa cô ta tới đây,’ tôi nói. ‘Một sơ sót?’ ‘Vâng. Ngay từ đầu không bao giờ nên chuyển cô ta tới đây trong tình trạng của cô ta lúc đó.’ Ông ta nhìn tôi trân trân. ‘Đúng, điều đó hoàn toàn đúng,’ ông ta nói. ‘Nhưng nó không dính dáng gì tới chúng tôi ở đây, ông biết đó.’ ‘Và thứ hai,’ tôi nói, ‘chắc chắn là cô ta sẽ không bị giam suốt hai tháng mà không có một lưu ý nào tới tình trạng của cô ta từ các quan chức ở đây.’ Câu đó đã đốn gục ông ta, tôi có thể thấy; ông ta không nói gì một lúc lâu. ‘Ông được chỉ thị làm đại diện cho cô ấy?’ Cuối cùng ông ta hỏi. ‘Phải, là tôi,” tôi đáp. Ồ, lúc đó ông ta bắt đầu kể họ đã hài lòng về cô ấy như thế nào, và kể cho tôi nghe một lần nữa những gì họ đã dạy cô ấy và làm cho cô ấy ở đó – ‘ngay cả dạy cho cô ta viết’, ông ta nói. ‘Và đứa bé được đưa ra cho những người đàng hoàng nuôi dưỡng, vân vân’. Rồi tôi nói với ông ta mọi chuyện ở nhà ra sao khi Inger đi khỏi. Hai đứa con nhỏ bị bỏ lại, và chỉ có một phụ nữ làm thuê chăm sóc chúng, và mọi chuyện còn lại. ‘Tôi có một tờ đơn của chồng cô ta,’ tôi nói, ‘mà tôi có thể nộp nếu vụ án được lấy lên xem xét lại, hoặc sẽ làm một lá đơn xin ân xá. ‘Tôi muốn xem lá đơn đó,’ vị giám đốc nói. ‘Được,’ tôi đáp. ‘Ngày mai tôi sẽ mang nó tới vào giờ thăm viếng.’” 
Isak ngồi lắng nghe – thật xúc động khi nghe một câu chuyện kỳ diệu từ một miền đất xa xôi. Anh dõi theo miệng của Geissler với đôi mắt mù quáng. 
Geissler nói tiếp: “Tôi đi thẳng về khách sạn và viết một lá đơn; tự tôi làm toàn bộ mọi thứ, anh hiểu không, và ký tên ‘Isak ở Sellanraa.’ Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng tôi nói lời nào chống lại cách thức họ quản lý các thứ trong nhà tù. Không một lời nào. Hôm sau tôi tới với tờ đơn. ‘Mời ông ngồi.’ viên giám đốc nói khi tôi bước vào cửa. Ông ta đọc kỹ những gì tôi viết, gật đầu ở đoạn này đoạn khác, rồi cuối cùng bảo: ‘Rất tốt, thật sự rất tốt. Có lẽ khó mà đưa vụ án lên để xử lại, nhưng…’ ‘Chờ chút đã,’ tôi nói. ‘Tôi còn có một hồ sơ khác mà tôi nghĩ sẽ làm rõ vấn đề.’ Lại tóm được ông ta, anh thấy đó. ‘Ờ,’ ông ta vội vàng nói, ‘tôi đã suy nghĩ kỹ về vấn đề này từ hôm qua, và tôi cho rằng có những cơ sở tốt và đầy đủ để xin ân xá.’ ‘Và lá đơn sẽ nhận được sự hỗ trợ của ngài giám đốc?’ tôi hỏi. ‘Tất nhiên, vâng, tôi sẽ đưa ra lời tư vấn tốt nhất của mình.’ Thế là tôi cúi chào và nói: ‘Xin cám ơn ông, với tư cách một phụ nữ đau khổ và một gia đình tan nát.’ Sau đó ông ta nói: ‘Tôi nghĩ không cần có thêm bất cứ lời khai nào, ý tôi là từ huyện, về vụ án của cô ấy. Chính ông biết người phụ nữ này, thế là quá đủ rồi.’ Tất nhiên là tôi biết vì sao ông ta muốn giải quyết vụ việc càng êm thắm càng tốt, vì thế tôi đồng ý: nói về chuyện đó chỉ trì hoãn tiến trình thu thập thêm các tư liệu… 
“Và anh đã nghe hết toàn bộ câu chuyện, Isak ạ.” Geissler nhìn đồng hồ của mình. “Còn giờ thì hãy chuyển sang công việc. Anh có thể đi với tôi lên miếng đất đó lần nữa không?” 
Isak là một sinh vật nặng nề, một con người chậm chạp; anh không dễ dàng thay đổi đề tài ngay tức khắc; anh hoàn toàn chìm đắm trong những ý nghĩ và thắc mắc, và bắt đầu hỏi về chuyện này chuyện nọ. Anh biết được rằng đơn thỉnh nguyện đã được trình lên đức vua, và có thể được quyết định vào một trong những cuộc họp đầu tiên của Hội đồng Nhà nước. “Tất cả những chuyện này đúng là một phép mầu,” anh nói. 
Sau đó họ đi lên đồi; Geissler, người giúp việc của ông và Isak, và họ đi ra ngoài khoảng vài giờ. Chỉ trong một thời gian rất ngắn Geissler đã đi theo mạch quặng qua một mảnh đất rộng và đánh dấu các giới hạn của khu đất ông muốn có. Ông ta đi tới chỗ này, chỗ nọ, khắp mọi nơi. Nhưng trong mọi cử động vội vã của ông không hề có gì thái quá; phán xét nhanh, nhưng khá tốt cho tất cả mọi chuyện. 
Một lần nữa, họ quay về nông trại với một bao tời đầy các mẫu quặng – ông móc giấy bút ra và ngồi xuống để viết. Tuy vậy, ông không đặt hoàn toàn tâm trí vào việc viết lách mà thỉnh thoảng vẫn trò chuyện. “Chà, Isak, lần này thì không phải là một món tiền to tát lắm cho miếng đất, nhưng dù thế nào đi nữa, tôi có thể trả ngay tại chỗ cho anh hai trăm Daler.” Sau đó ông lại tiếp tục viết. “Nhớ nhắc tôi trước khi tôi đi, tôi muốn xem cái cối xay của anh,” ông nói. Rồi ông bắt gặp những dấu hiệu xanh đỏ gì đó trên khung cửi và hỏi, “Ai vẽ mấy hình đó vậy?” Đó là hình một con ngựa và một con dê do Eleseus vẽ; nó đã dùng cây bút chì màu trên khung cửi và những thứ đồ gỗ ở khắp chốn trong nhà vì không có giấy. “Không tệ chút nào,” Geissler nói, và cho Eleseus một đồng tiền. 
Geissler tiếp tục viết thêm một lát, rồi ngẩng lên. “Chẳng bao lâu nữa sẽ có thêm người mua đất quanh chỗ anh.” 
Nghe thấy thế Isak đáp: “Đã có người rồi.” 
“Thế à! Ai vậy?” 
“Ồ, trước tiên là người ở Breidablik, như họ gọi, ông Brede, ở Breidablik.” 
“Anh ta ư? Xì!” Geissler khịt mũi với vẻ coi thường. 
“Ngoài ra cũng có thêm một hai người nữa đã mua.” 
“Tôi ngờ là họ chả tốt chút nào, bất kỳ ai trong số họ,” Geissler nói. Và đồng thời nhận ra cả hai đứa bé trai đang có mặt trong phòng, ông nắm tay nhóc Sivert và cho nó một đồng tiền. Geissler là một người khác thường. Nhân tiện, đôi mắt ông đã bắt đầu có vẻ bị đau; có màu đỏ ở các khóe mắt. Có thể là do thiếu ngủ; hoặc cũng có thể do uống rượu. Nhưng trông ông không có vẻ gì là chán nản; và trong lúc nói chuyện này chuyện khác, không còn ngờ gì rằng ông cũng đang suy nghĩ về hồ sơ của mình, vì đột nhiên ông cầm bút lên và viết thêm gì đó. 
Cuối cùng dường như ông đã hoàn tất. 
Ông quay sang Isak: “Ờ, như tôi đã nói, vụ thỏa thuận này không biến anh thành người giàu có ngay lập tức. Nhưng có thể sẽ có nhiều hơn nữa. Chúng tôi sẽ xác định để sau này anh nhận được thêm. Dù sao đi nữa, bây giờ tôi có thể đưa cho anh hai trăm.” 
Isak không hiểu lắm toàn bộ chuyện này, nhưng hai trăm Daler ở bất cứ giá nào cũng vẫn là một phép mầu khác, và là một khoản tiền phi lý. Tất nhiên anh có thể nhận nó trên giấy chứ không phải tiền mặt, nhưng sao cũng được. Ngay lúc này Isak chỉ nghĩ tới một chuyện khác. 
“Và ngài nghĩ là cô ấy sẽ được ân xá?” Anh hỏi. 
“Hử? Ồ, vợ anh! Được, nếu trong làng có một phòng điện tín, tôi sẽ đánh điện tới Trondhjem để hỏi xem cô ấy đã được thả ra chưa.” 
Isak đã nghe mọi người nói về điện tín; một điều kỳ diệu, một sợi dây treo trên mấy chiếc cột cao, một cái gì đó hoàn toàn vượt khỏi mặt đất bình thường. Việc nhắc tới nó lúc này dường như làm lung lay niềm tin của anh vào những lời to tát của Geissler, và anh nôn nóng hỏi: “Nhưng giả sử đức vua nói không?” 
Geissler nói: “Trong trường hợp đó, tôi sẽ gửi tư liệu bổ sung của tôi, một lý giải đầy đủ cho toàn bộ vụ việc. Và rồi họ phải trả tự do cho cô ấy. Không có gì phải ngờ vực cả.” 
Sau đó ông đọc lại những thứ đã ghi; bản hợp đồng mua đất. Trao tay ngay hai trăm Daler tiền mặt, và sau đó là một tỷ lệ phần trăm cao từ những thu nhập hoặc chuyển nhượng sau đó của mảnh đất có mỏ đồng. “Ký tên của anh ở đây,” Geissler nói. 
Isak có thể ký một cách dễ dàng, nhưng anh không phải là một học giả; trong suốt đời mình anh không đi xa hơn việc khắc những chữ viết tắt tên họ lên gỗ. Nhưng cái mụ Oline đáng ghét ấy đang nhìn; anh cầm lấy cây bút máy – một vật quá nhẹ đối với tay anh, quay đầu có ngòi xuống và viết – viết tên của anh. Geissler viết thêm vào gì đó, có thể đoán là một lời giải thích, và người đàn ông đi cùng ông ký tên với tư cách một nhân chứng. 
Mọi việc xong xuôi. 
Nhưng Oline vẫn ở đó, đứng bất động – thật sự lúc này bà thấy cứng cả thân người. Chuyện gì sẽ xảy ra. 
“Dọn bữa tối lên bàn đi, dì Oline,” Isak nói, có thể với đôi chút nghiêm trang, sau khi ký tên lên một tờ giấy. “Chúng tôi có thể mời ngài một bữa ăn,” anh nói thêm với Geisller. 
“Mùi thơm lắm,” Geissler nói. “Thịt và thức uống ngon. Đây, tiền của anh đây, Isak!” Geissler móc ví tiền ra – nó dầy cộm – rút ra từ đó hai xấp bạc giấy và đặt chúng xuống. “Hãy tự mình đếm lại.” 
Không một cử động, không một âm thanh. 
“Isak,” Geissler nhắc lại. 
“À, phải,” Isak đáp, và lẩm bẩm, thấy choáng ngợp, “Tôi đã không đòi hỏi điều này, cũng sẽ không, sau những gì ngài đã làm.” 
“Trong xấp đó là mười tờ mười đồng, còn xấp này là hai mươi tờ năm đồng,” Geissler nói vắn tắt. “Và tôi hy vọng về lâu dài phần của anh sẽ còn nhiều hơn nữa.” 
Và chính lúc đó Oline hồi phục lại từ trạng thái thôi miên. Rốt cuộc điều kỳ diệu đã xảy ra. Bà dọn thức ăn lên bàn. 
Sáng hôm sau Geissler ra chỗ con sông để ngắm cái cối xay. Nó khá nhỏ, và được xây dựng một cách thô kệch; phải, một cái cối xay cho những chú lùn, những người tí hon, nhưng mạnh mẽ và hữu ích cho công việc của một người. Isak dẫn vị khách của mình lên phía trên dòng sông một đoạn, chỉ cho ông thấy con thác nhỏ mà anh đã thực hiện được một ít, để làm quay một cái máy cưa, nếu Thượng đế cho anh sức khỏe. “Điều duy nhất,” anh nói, “là đường đến trường học quá xa: tôi sẽ phải gửi hai đứa nhỏ ở lại dưới làng.” Nhưng Geissler, luôn nhanh chóng tìm ra một cách, thấy không có gì phải lo về chuyện đó. “Sẽ có thêm nhiều người mua đất và đến định cư ở đây,” ông nói. “Không bao lâu nữa sẽ có đủ người để bắt đầu một ngôi trường.” 
“Phải, có thể, nhưng không phải trước lúc hai đứa con tôi đã lớn.” 
“Chà, sao không cho chúng sống ở một trang trại trong làng? Anh có thể chở chúng và một ít thức ăn xuống, rồi lại đưa chúng về sau ba tuần, sáu tuần; chuyện đó khá dễ với anh mà, phải không?” 
“Phải, có thể,” Isak nói. 
Vâng, mọi chuyện sẽ khá dễ dàng, nếu như Inger trở về nhà. Anh đã có đủ nhà cửa, đất đai, thức ăn và những thứ tuyệt vời, cả một số tiền lớn, cộng thêm sự khỏe mạnh và sức lực của anh; anh rắn như thép. Sự khỏe mạnh và sức lực – phải, tràn trề và còn nguyên vẹn, theo mọi cách, sự khỏe mạnh và sức lực của một người đàn ông. 
Khi Geissler đã đi khỏi, Isak bắt đầu suy nghĩ tới nhiều điều táo bạo. Vâng, chẳng phải Geissler, con người đầy phúc lành đối với tất cả bọn họ, đã nói lúc chia tay rằng ông sẽ sớm gửi một tin nhắn – sẽ gửi một bức điện tín ngay khi có thể hay sao. “Anh có thể ghé tới bưu điện trong thời gian nửa tháng,” ông đã nói thế. Và bản thân điều đó đã là một chuyện khá diệu kỳ. Isak bắt tay làm một cái ghế ngồi cho cỗ xe. Tất nhiên là một cái ghế có thể tháo rời khi dùng xe để chở phân bón, nhưng khi cần chở bất kỳ ai sẽ có thể gắn nó vào trở lại. Và khi anh đã làm xong cái ghế, trông nó trắng toát và mới toanh đến nỗi cần phải sơn nó tối đi. Về chuyện sơn, có đủ các thứ cần thực hiện! Toàn bộ trang trại cần được sơn lại. Và suốt bao năm qua anh luôn nghĩ tới việc xây một căn nhà kho đàng hoàng, có cả một chiếc cầu để chở mùa màng thu hoạch vào trong. Anh cũng đã nghĩ tới việc lắp dựng và hoàn tất cái máy cưa đó; tới việc rào lại tất cả đất trồng trọt của anh; việc đóng một con thuyền trên cái hồ trên đồi. Anh đã nghĩ tới việc thực hiện nhiều thứ. Nhưng dù anh làm việc một cách cần cù – cần cù đến vô lý – nó có tác dụng gì so với thời gian? Thời gian – chính thời gian là thứ quá ngắn. Trước khi anh biết đã tới ngày Chủ nhật, và ngay sau đó đã lại là Chủ nhật! 
Trong bất kỳ trường hợp nào, anh cũng sẽ sơn nhà cửa; điều đó đã được quyết định và nhấn mạnh. Nhà cửa đứng đó xám xịt và trần trụi – như những ngôi nhà chỉ  mặc đôi ống tay áo. Vẫn còn có thời gian trước khi tới mùa bận rộn; mùa xuân gần như sắp tới; những chồi nhỏ đã nhú lên, nhưng trên mặt đất vẫn còn băng giá. 
Isak đi xuống làng, mang theo vài chục trứng để bán, và mang sơn trở về. Có đủ sơn cho một công trình, cho cái nhà kho, và nó được sơn đỏ. Anh mang về thêm nhiều sơn, lần này là màu vàng nhạt, cho chính ngôi nhà. “Phải, đúng như tôi đã nói, ở đây sẽ đẹp đẽ và tuyệt vời,” Oline lầm bầm hàng ngày. Phải, không còn ngờ gì nữa, Oline có thể đoán được, rằng thời gian của bà ở Sellanraa sẽ sớm kết thúc; bà khá cứng cỏi để chịu đựng nó, dù không phải không cay đắng. Còn về phần mình, giờ đây Isak không còn tìm cách trả mối thù xưa với bà nữa, dù bà vẫn cứ hay ăn cắp vặt và vứt bỏ các thứ một cách khá hoang toàng cho tới cùng. Anh tặng bà một con cừu thiến non để làm quà; nói cho cùng, bà đã ở với anh một thời gian dài, và làm việc với khoản trả công ít ỏi. Và Oline cũng không xử tệ lắm với bọn trẻ; bà không nghiêm khắc và công bằng mấy, nhưng có sở trường riêng trong việc xử lý với bọn trẻ: lắng nghe những điều chúng nói, và ít nhiều để mặc cho chúng làm gì tùy thích. Nếu chúng tới gần trong lúc bà đang làm pho mát, bà sẽ cho chúng một chút để nhấm nháp; nếu chúng xin phép được miễn rửa mặt vào một Chủ nhật nào đó, bà sẽ cho phép chúng. 
Sau khi đã khoác lên những bức tường của mình lớp áo đầu tiên, Isak lại đi xuống làng và mang về tất cả lượng sơn mà anh có thể vác theo. Anh quét lên tổng cộng ba lớp sơn, và sơn trắng các khung cửa sổ cùng các góc tường. Giờ đây, khi trở về và nhìn lên ngôi nhà của mình trên sườn đồi, anh thấy nó giống như một cung điện thần tiên. Chốn hoang vu đã có người cư ngụ và không còn có thể nhận ra được nữa, một phúc lành đã đến với nó, cuộc sống đã mọc lên ở đó từ một giấc mơ dài, những con người sinh sống ở đó, trẻ con nô đùa quanh những ngôi nhà. Và cánh rừng trải xa, rộng lớn và tốt bụng, hướng thẳng lên bầu trời cao xanh thẳm. 
Nhưng lần cuối cùng khi Isak xuống làng để mua sơn, người chủ tiệm trao cho anh một phong thư màu xanh biển trên có đóng dấu triện và anh phải trả năm xu. Đó là một bức điện tín được chuyển tới qua đường bưu điện. Cầu Trời ban phúc cho ngài Geissler đó, ông đúng là một con người kỳ diệu! Ông đã đánh điện vài lời, rằng Inger đã được tự do, “Sẽ về tới nhà trong thời gian sớm nhất có thể: Geissler.” Và lúc này cái cửa tiệm bắt đầu xoay tròn một cách lạ lùng; cái quầy tính tiền và những người trong tiệm đột nhiên lùi ra xa. Isak cảm thấy hơn là nghe thấy mình đang nói, “Trời đất ơi!” và “Xin ca tụng và cám ơn Thượng đế!” 
“Có thể cô ấy sẽ có mặt ở đây không muộn hơn ngày mai,” người chủ tiệm nói, “nếu như cô ấy rời Trondhjem đúng lúc.” 
“Thế à!” Isak nói. 
Anh đợi cho tới ngày hôm sau. Người bưu tá đến với những lá thư, từ bến tàu nơi con tàu hơi nước ghé vào, nhưng không có Inger. “Vậy là cô ấy sẽ không có mặt ở đây cho tới tuần sau,” người chủ tiệm nói. 
Nói cho cùng, cũng tốt thôi, khi có thời gian chờ đợi – Isak còn có nhiều việc cần làm. Làm sao anh có thể hoàn toàn quên đi bản thân mình, và bỏ qua đất đai của anh? Anh lên đường trở về nhà và bắt đầu chở phân bón ra đồng. Chẳng bao lâu việc đó đã xong xuôi. Anh cắm một chiếc xà beng xuống đất để quan sát băng giá tan đi từ ngày này sang ngày khác. Lúc này mặt trời to và mạnh mẽ, tuyết đã tan, cây lá xanh mơn mởn khắp nơi; lũ gia súc ra đồng để gặm cỏ. Isak cày suốt một ngày, và mấy hôm sau anh gieo lúa, trồng khoai. Và cả hai đứa trẻ nữa, cũng ra trồng khoai như những thiên thần; chúng có những bàn tay bé nhỏ được ban phúc lành, và cha chúng còn có thể làm gì hơn ngoài việc ngắm nhìn? 
Sau đó Isak mang cỗ xe ra sông rửa sạch, rồi gắn cái ghế vào. Anh trò chuyện với lũ nhóc về chuyến du hành nhỏ; anh phải có một chuyến du hành nhỏ xuống làng. 
“Nhưng cha sẽ không đi bộ sao?” 
“Hôm nay thì không. Cha đã quyết định hôm nay đi xuống làng với xe và ngựa.” 
“Bọn con có thể đi cùng không?” 
“Các con phải là những đứa trẻ ngoan, và ở nhà lần này. Mẹ của các con sẽ sớm về nhà, và bà sẽ dạy cho các con nhiều điều.” 
Eleseus rất nôn nóng học hỏi các thứ; nó hỏi: “Cha à, khi cha viết chữ lên tờ giấy đó, cảm giác nó như thế nào?” 
“Sao, gần như không có cảm giác gì, chỉ như không có cái gì trong bàn tay.” 
“Nhưng nó có trượt như ở trên băng hay không?” 
“Cái gì trượt?” 
“Cái cây bút máy mà cha dùng để viết?” 
“Phải, có cây bút máy. Nhưng con phải học cách dẫn dắt nó, con sẽ thấy.” 
Nhưng nhóc Sivert lại là một kiểu đầu óc khác, và nó không nói gì về những cây bút máy; nó muốn được ngồi trên xe, chỉ cần ngồi lên ghế trước khi thắng ngựa vào, và cứ thế mà lái, lái thật nhanh trong một cỗ xe không ngựa. Và chính nhờ ý kiến đó, người cha đã cho phép cả hai đứa được ngồi trên xe cùng đi với anh một chặng dài xuôi con đường.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét