Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

NHỮNG CHIÊU TIẾP THỊ NGƯỢC ĐỜI - GIAI ĐIỆU THƯ GIÃN 1


STEPHEN BROWN
Những chiêu tiếp thị
ngược đời
BẢN DỊCH: NGUYỄN THÀNH NHÂN
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh Free Gift Inside (2003)
________________________


                         GIAI ĐIỆU THƯ GIÃN


 BÂY GIỜ, ĐÓ LÀ CÁI MÀ TÔI GỌI LÀ TIẾP THỊ # 1

Quà tặng unplugged
Trong hầu hết những buổi hòa nhạc rock đều có một thời điểm, ngay sau màn mở đầu với nhịp độ nhanh. Khi ấy, người ca sĩ chính thông báo rằng: “Đã tới lúc cho mọi thứ chậm lại chút xíu.” Đó là cách nói của dân rock ‘n’ roll để chỉ “một đoạn buồn chán”, dù đôi khi nó có nghĩa là “tất cả những đoạn buồn chán từ album mới nhất, thể hiện một sự thay đổi triệt để về phương hướng của ban nhạc, đang được lưu trữ ở các cửa hàng ngay lúc này, và là điều mà mọi người hoặc là ghét, hoặc là chưa hề nghe thấy.”
Những con tim chìm xuống trong khắp sân vận động. Những đôi chân đang khiêu vũ cảm thấy ngứa ngáy. Ban nhạc trở nên mụ mẫm. Sự không quen thuộc sinh ra sự coi thường.
Vâng, chúng ta đã đi tới điểm này trong cuốn sách và đã đến lúc cho mọi thứ chậm lại chút xíu. Ồ, vâng! Được thôi!! Rock ‘n’ roooooollllllll đi nào!
Theo những đặc tính dựa vào nghệ thuật và lịch sử của cuốn sách này, tôi sẽ chơi cho các bạn nghe một đoạn nhạc hỗn hợp nhỏ từ bài nhạc hoang đường đã nêu bên trên,  Đây là cái mà tôi gọi là tiếp thị. Nó bao gồm nhiều nghiên cứu đối tượng nhỏ về các nhạc sĩ nổi tiếng. Tất cả đều là hiện thân của tâm lý TEASE. Tôi sẽ không giải thích vì sao họ lại là những hình ảnh thu nhỏ của phương thức tiếp thị trêu ngươi (marketease). Bản thân những câu chuyện sẽ nói rõ điều đó. Chỉ cần nói rằng không như Elvis Presley hay ban nhạc The Beatles, những người mà sự nghiệp của họ đã được Đại tá Parker và Brian Epstein vạch kế hoạch và điều khiển, những nhạc sĩ này là những bậc thầy tiếp thị âm nhạc theo kiểu riêng của họ.
Thưa quý vị, thưa các cậu trai cô gái, hãy thả hồn vào một huyền thoại không thể quên, vừa mới khai quật gần đây nhưng rất đáng quan tâm, về “Chàng Orpheus người Ái Nhĩ Lan”, Patrick Sarsfield Gilmore...

Chàng Orpheus người Ái Nhĩ Lan
Patrick Sarsfield Gilmore là một tay U2 của giai đoạn giữa thế kỷ 19.[1] Giờ đã gần như bị lãng quên, nhưng ông từng là sức hấp dẫn âm nhạc phổ biến nhất vào thời của mình. Nổi danh với những live show hấp dẫn – loại nhạc rock chơi trong sân vận động tương đương với thời đại Victoria – ông biểu diễn cho những đám đông khổng lồ mua sạch vé trên khắp Hoa Kỳ và Tây Âu. Ông lưu diễn liên miên. Ông soạn nhiều bài hát đến nay vẫn còn quen thuộc, độc đáo nhất là bài Khi Johnny hành quân về quê cũ (When Johnnycomes marching home [1]); ông tập hợp một ban nhạc chuyên nghiệp, bao gồm những nhạc công hàng đầu; và ông mở đường cho những trưởng ban nhạc nổi tiếng sau đó, chẳng hạn John Philip Sousa. Thực tế, cú sụp đổ lớn của Sousa là do cái chết đột ngột của Gilmore năm 1881 và trong suốt nhiều năm sau đó, kẻ được mệnh danh là vua nhạc March được xem là một sự thay thế nghèo nàn cho vị nhạc trưởng người Ái Nhĩ Lan chói lọi.[2]
Pat Gilmore sinh vào ngày 24/12/1829 trong một ngôi làng ở Ballygar, Co. Galway. Với dự tính ban đầu là trở thành linh mục, ông chuyển sang làm một thương nhân bán sỉ khắp mọi nơi. Từ đây ông chơi kèn, tốt nghiệp loại  kèn cornet tông si giáng, tham gia một ban quân nhạc Anh, tình nguyện phục vụ ở Canada, và, sau khi thoát khỏi vòng tay ác ôn của quân đội, ông chuyển tới Hoa Kỳ vào năm 1848. Ông tìm được một việc làm với những nhà sản xuất nhạc cụ hàng đầu ở Boston, Anh em nhà Ordway. Tại đây, khả năng tự nhiên đối với quan hệ công chúng của ông đã bộc lộ lần đầu. Ông thành lập một công ty hát rong, Ordway Eolians, dùng để quảng bá những hàng hóa của các ông chủ của mình. Nhóm nhạc Eolians tỏ ra rất được ưa chuộng và chắc chắn sẽ bảo đảm cho tương lai của Gilmore với tư cách một cổ đông của Ordway nếu không có sự can thiệp tình cờ của Louis Jullien. Một nhạc trưởng Pháp lập dị, hoàn toàn không hề lúng túng với tính trầm lặng tự nhiên, Jullien sang lưu diễn ở Hoa Kỳ vào năm 1854 và tạo được cảm tình.[3] Đoàn giao hưởng khổng lồ 100 nhạc công của ông, kinh phí quảng cáo không hạn chế, và tài quảng cáo thậm chí còn ít hạn chế hơn nữa, đã hấp dẫn sự chú ý chưa từng có cho tới tận hôm nay. Có lẽ, nói chính xác hơn, phục trang hoàn hảo của ông, bộ râu rậm, cách sử dụng gậy chỉ huy ngông cuồng và những buổi diễn hoàn toàn vượt khỏi đỉnh cao đã tác động sâu sắc tới một chàng trai hai mươi lăm tuổi đầy tham vọng đến từ miền tây Ái Nhĩ Lan.
Pat nhanh chóng trở thành một nhạc trưởng chuyên nghiệp, tiếp quản ban nhạc Salem ở gần đó, bỏ quên nó để đi vào một guồng máy âm nhạc kinh khủng, tạo nên những buổi hòa nhạc ngày 4-7 nổi tiếng trước công chúng Boston, và kiếm được một hợp đồng biểu diễn trong buổi lễ nhậm chức của Tổng thống James Buchanan vào tháng 3-1857. Sự quảng bá kèm theo khiến chàng nhạc trưởng tập sự tin rằng nhạc phổ thông là con đường để bước lên, và anh lên đường với niềm thích thú. Năm 1859, anh trở thành chủ sở hữu duy nhất của một ban nhạc 32 thành viên. Anh trang bị ngay cho nó những nhạc cụ mới toanh sáng chói, những bộ đồng phục may tuyệt khéo và những phòng diễn tập cực kỳ tuyệt vời. Nhưng thật không may, kinh phí chi tiêu của Gilmore vượt xa mức thu nhập của anh và chắc chắn anh sẽ bó tay nếu Nội chiến Mỹ không xảy ra như một bà tiên đỡ đầu kỳ diệu.

Chàng nghệ sĩ hát rong
Những ban nhạc là những vụ làm ăn lớn trong thời chiến và những ban nhạc lớn lại là những vụ làm ăn lớn hơn nữa. Đoàn quân âm nhạc của Gilmore lao vào những khe hở giữa các tiểu bang, nơi nó phục vụ một cách độc đáo với tư cách là một đơn vị tuyển quân của Liên minh miền Bắc (Union), một đơn vị vận động tài trợ hậu phương và một nơi củng cố tình bằng hữu dã chiến. Giây phút vinh quang của ông bầu người Ái Nhĩ Lan đã đến vào năm 1864, khi anh được yêu cầu tổ chức một buổi hòa nhạc kỷ niệm ngày bang Louisiana miễn cưỡng quay lại với đại gia đình vinh quang miền Bắc. Chịu ảnh hưởng của Jullient, anh tập hợp một dàn đồng ca 5.000 giọng, một ban nhạc gồm 500 nhạc công, một cái trống khổng lồ, một đội kèn trumpet và, vào ngày 4/3 ở Quảng trường Lafayette, anh đã đưa ra một buổi trình diễn tuyệt diệu những bản Star Spangled Banner (Ngọn cờ điểm sao), America (châu Mỹ), The Union Forever (Liên minh mãi mãi) và Hail Columbia (Hoan hô Columbia). Bài cuối cùng được nhấn mạnh với những hồi chuông của các nhà thờ gần đó và đệm bằng những những phát đại bác điểm theo từng nhịp trống.
Như Lord Byron, Patrick Sarsfield Gilmore được đánh thức để phát hiện ra mình nổi tiếng. Trong chuyến trở về  New England thắng lợi, chàng nhạc trưởng Ái Nhĩ Lan của chúng ta cải tiến ban nhạc, tìm ra hướng đi đúng, chiếm một vị trí trong Nhà hát Boston, bắt đầu bán những nhạc cụ mang mang nhãn Gilmore, và khởi sự suy tư về chương trình hấp dẫn sắp tới của mình. Chưa bao giờ là một người nửa vời, ông quyết định nhân đôi mọi thứ bằng cách gắn kết với phong cách New Orleans phóng túng và đi lên với phương tiện hoàn hảo này, một buổi hòa nhạc kỷ niệm tầm cỡ quốc gia để ghi dấu nền hòa bình đã tới sau bấy lâu mong đợi. Tự nhiên, những dòng máu mang âm hưởng nhạc blue của Boston thất kinh hồn vía với ý tưởng này và xua đuổi anh như là một “gã đi buôn sấm”. Không nản lòng, Gilmore chuẩn bị một cuộc quảng cáo rình rang, trấn an cộng đồng kinh doanh và hội đồng thành phố - cả hai nơi này đều có thể nhận ra một cái máy dệt ra tiền nếu nhìn thấy nó, thuyết phục được các hiệp hội đồng ca địa phương với những hứa hẹn tặng không giấy viết nhạc, giảm giá ăn ở và khấu trừ tiền vé xe lửa. Trên 100 tổ chức âm nhạc đồng ý tham gia, chương trình đề xuất được phân bổ, những cuộc diễn tập bắt đầu, và một thính phòng khổng lồ bằng gỗ được dựng lên trong thời gian nhanh gấp đôi. Một con đường dành cho các cửa hàng bán lẻ và các nhà hàng được xây dựng gần đó. những khách sạn bằng lều được dựng lên trên khu đất công; các công ty xe khách mở thêm các dịch vụ đặc biệt; những nhà buôn nhạc cụ ganh đua quyết liệt để được cử làm nhà cung ứng chính thức; và một nhà sản xuất thuốc ho mạnh dạn tuyên bố rằng ông sẽ tặng không cho tất cả các diễn viên hát đồng ca một hộp Brown’s Bronchial Touches (tạm hiểu là một loại thuốc giúp thông cổ).
Trong sự kiện này, mọi chỗ ngồi đều được bán hết, ngay cả ở cái giá đặc biệt là 5 đô/vé. Nhiều người đến từ những nơi xa như California và Texas. Tổng thống Grant và nội các của ông hạ cố tham dự, tương tự, có thêm một đoàn chức sắc địa phương, bao gồm nhiều người đã phản đối kế hoạch của Gilmore vào lúc đầu.
Như dự tính, giữa ngày 15 và 17/6/1869, Boston rung chuyển với âm thanh của 1.000 giọng đồng ca, 1.000 nhạc công giao hưởng và một lượng khán giả 50.000 người sẵn sàng hát hòa theo. Khúc tạp âm này được đối âm bởi những phát súng đại bác và những hồi chuông nhà thờ, được bổ sung thêm bởi một cái trống và đàn ống cỡ lớn nhất, và được giữ trong vòng kiểm soát nhờ nhiều phó nhạc trưởng rải ra khắp nơi trong đám đông. Chương trình kéo dài từ bài Star Spangled Banner và những bài hát kích động quần chúng đáng tin cậy như William Tell Overture của Rossini cho tới bài A Hymn of Peace (Tụng ca hòa bình) long trọng, do Oliver Wendell Holmes viết cho chính sự kiện này. Tuy nhiên, bài nổi bật là Anvil Chorus soạn lại từ bài Il Trovatore của Verdi, đưa ra 100 lính cứu hỏa địa phương mặc đồng phục và đội nón bảo hiểm. Họ bước đều trên sân khấu, vác trên vai những chiếc búa tạ cán dài và đánh nhịp vào những cái đe được thiết kế đặc biệt.
Nhạc heavy metal, hay cái gì vậy nhỉ?
Không cần phải nói, sự ầm ĩ huyên náo bùng lên, nhanh chóng được nối theo bằng một sự huyên náo ầm ĩ khác, với một dấu hiệu lờ mờ của những tiếng hò reo la ó cực đại. Ngay lập tức người ta yêu cầu diễn lại thêm lần nữa, và ngay lập tức bài hát được diễn lại thêm lần nữa. Đáng buồn thay, một khán giả kích động quá mức, một cô Dunlap nào đó đến từ Chicago, không chịu nổi cảm xúc mạnh đã chết ngay tại chỗ. Cái chết của cô ta có thể là một tai họa PR. Nhưng, luôn là một người nhanh nhạy, Pat Gilmore biến nó thành một lợi thế cổ động.[4] “Không có ai,” anh ngâm nga một cách thê thảm, “trong sáng và dịu dàng hơn, hiền hòa và trìu mến hơn, có thể chọn việc gánh chịu tiếng hát đồng ca thiên thần trên những đợt thủy triều của quang cảnh huy hoàng trên trái đất, của hàng ngàn người đang lắng nghe trong sự tôn kính mê say những bài hát thiêng liêng khuấy động tâm hồn của những bậc thầy vĩ đại nhất.”

Khi Paddy quay lại quê xưa
Đi đâu sau chuyện đó? Còn nơi nào khác để đi ngoài việc hành động gấp đôi lên hoặc bỏ cuộc! Được tán tụng bởi sự tiếp đón của lễ hội này, Gilmore đi tới chỗ phá sản vào ba năm sau đó với Lễ kỷ niệm Hòa bình Thế giới của mình. Sự kiện này không chỉ lớn gấp đôi sự kiện mùa hè năm 1869, mà nó còn thật sự có tầm cỡ quốc tế. Nó bao gồm những ban nhạc đến từ Đức, Anh, Pháp, Nga và Ái Nhĩ Lan, cũng như chính bậc thầy nhạc waltz vô song Johann Strauss. Nhà soạn nhạc vĩ đại ở thành Vienne bị chiêu dụ vào cuộc biểu diễn này vì Gilmore hứa rằng sẽ có một dàn đồng ca 20.000 người và ban nhạc giao hưởng gồm 2.000 nhạc công, một lực lượng tập hợp lớn nhất cho đến khi đó. Đúng vậy, sự diễn xuất bài The Blue Danube được Strauss mô tả: “Tôi sẽ không bao giờ quên được một sự huyên náo kinh khủng đến thế.” Nhưng rõ ràng nó là  một trường hợp không đếm xỉa tới chất lượng đồng ca, cảm giác về chiều rộng của dàn giao hưởng.[5] Thật đáng tiếc, lần này ông bầu người Ái Nhĩ Lan đã vượt quá sức mình. Lễ hội này là một thất bại thảm thương. Ngay cả việc khôi phục lại bài Anvil Chorus đáng nể cũng không thể lôi kéo đủ số đông cần thiết cho một sự kiện kéo dài ba tuần. Trong một buổi không may, có khoảng  22.000 người trên sân khấu và chỉ có 7.000 khán  giả. Tất cả mọi sự trở nên quá nhiều, quá sớm sau Lễ kỷ niệm Hòa bình, và nó kết thúc trong một thảm họa tài chính một cách bất khả kháng.[6]
 Ngã quỵ nhưng chưa đo ván, Gilmore đắm mình vào những buổi diễn tiền- Ozzfests của mình. Với ngoại lệ là những buổi hòa nhạc cỡ vừa ở Chicago để tưởng niệm việc tái xây dựng thành phố bị cháy rụi trong cuộc Triển lãm Chu niên Philadelphia năm 1876, chàng trai Ái Nhĩ Lan không thể kiềm chế việc hiến những năng lượng không phải không đáng kể của mình để đánh bóng một ban nhạc 65 nhạc công. Trang phục tinh khiết, mũ mạo đẹp đẽ, và đã tập luyện đến mức hoàn hảo, nhạc đoàn đã được đánh bóng của Gilmore tiến về New York, nơi nó bắt đầu một loạt các buổi hòa nhạc tại thính phòng Hippodrome khả kính. Dù buộc phải cạnh tranh trực tiếp với P.T. Barnum, người có gánh xiệc cùng sử dụng nơi biểu diễn, Pat vẫn giữ vững lập trường trong những phép ngoa dụ đầu đối với đầu. Anh duy trì sự hiện diện của tên mình trên những tờ báo với mọi kiểu quảng cáo gây chú ý, chẳng hạn cuộc “thách đấu” với một đối thủ trong ngành nhạc và “cuộc chiến tranh” giữa hai tay soloist của anh. Những chuyện này đã làm tăng thêm huyên náo trong những ủng hộ viên  của các vai chính. Anh cũng tung ra những bài hit, bao gồm O let me Dream of Former Years, Freedom on the Old PlantationWhispers from Erin. Anh viết một bài quốc ca mới, Columbia. Bài này thịnh hành một thời gian ngắn, nhưng không bao giờ de dọa nghiêm trọng tới bài quốc ca đang sử dụng. Anh lưu diễn ở các nước châu Mỹ và Tây Âu thường xuyên như đi chợ. Anh gặt hái một mùa hè thành công ở bãi biển Mahattan hợp thời trang. Và anh giữ các nhạc công của mình trong điều kiện tốt bằng cách quy định những khoảng tiền thưởng khi được yêu cầu diễn lại là 5 đô/người.
Ngoài ra, Gilmore còn đưa ra công thức cho một người tiên phong của “Các bé xinh opera” của thời nay bằng cách đưa ban nhạc của mình lên tuyến đấu với một loạt ca sĩ giọng nữ cao lộng lẫy chết người. Gác sang một bên nữ tính thanh lịch và sự cân bằng tinh thần của họ, những bé xinh của Gilmore sẵn sàng biểu diễn trong các buổi “hòa nhạc sổ xố” và các cuộc trình diễn ngày Chủ nhật, dù thỉnh thoảng họ biểu diễn trong những buổi diễn được mệnh danh là “những sự kiện thiêng liêng”. Tuy nhiên, dù những điều này làm những người kính Chúa nổi giận, sự chỉ trích của những tín đồ Cơ Đốc giáo ngoan đạo cứ trút lên ban nhạc báng bổ, còn vé vào cửa cứ bán chạy như tôm tươi sau đó. Hãy ca ngợi Thượng đế và chuyền cái ống sáo đi nào.

Giai nhân nước Mỹ
Gilmore vẫn đắm đuối trong cõi phù hoa của anh khi một Bé xinh Opera khác xuất hiện trên sân khấu với một tiếng tăm vang dội. Lillian Rusell gây ấn tượng mạnh vào ngày 15/11/1878 đến nỗi đèn sân khấu vẫn còn rung lên sau đó bốn mươi năm, khi cô đã giã từ sự nghiệp.[7] Được quảng cáo vào hồi đầu như một “Ca sĩ hát nhạc Ballad người Anh” dù cô sinh ra ở Iowa, Rusell xuất hiện lần đầu và gây một ấn tượng khó quên trong một sản phẩm mô phỏng vở HMS Pinafore or The lass that loved a sailor (Chiếc tạp dề HMS hay còn gọi là Cô nàng yêu thủy thủ), vừa đúng lúc sự say mê Gilbert và Sullivan đang quét qua toàn nước Mỹ.
Hơn tám mươi phiên bản mô phỏng của vở operette này được lưu diễn trên cả nước trong những ngày tháng nặng nề đó trước khi cánh tay dài của luật bản quyền quốc tế sờ vào gáy của hiện tượng Napster[2] tiền phong này của Bắc Mỹ. Nhưng không ai có được ảnh hưởng như của Lillian. Dù cô gái mười tám tuổi quyến rũ chỉ góp một phần trong vở diễn, tầm vóc phi thường của cô đã tạo nên một tác động khôn lường. Mắt xanh, tóc vàng, nước da trắng hồng tuyệt mỹ, thân hình vệ nữ. Những anh chàng nhân viên nhà hát, những nhân vật quyền thế đến xem buổi diễn đầu tiên, các chàng ngố lơ ngơ, và một dọc dài các công tử hào hoa phong nhã đã trở thành một khối trong sự hạ mình chung của họ trước Giai nhân nước Mỹ. Theo lời một nhà viết tiểu sử si tình,[8] “có một cái gì đó đầy khêu gợi trong đôi mắt xanh của nàng, trong cặp hông uốn éo; có một chỉ dấu triển vọng phong phú ở thân hình nàng và cái tinh chất dễ tổn thương của mọi nữ thần tình yêu, điều mà chúng ta cũng có thể nhận ra ở những người sau đó như Jean Harlow và Marylin Monroe… Như ông bầu Florenz Zeigfeld đã tán thán sau khi nhìn thấy nàng lần đầu: ‘Định mệnh và những cánh đồng ngô ở Iowa đã nặn ra nàng cho sàn diễn.’”

Ướt át, có lẽ; sang cả, không còn ngờ gì nữa; nhưng Lillian Russell không chỉ là một gương mặt đẹp đơn thuần. Hơn thế nhiều. Nàng có thể hát như một thiên thần âm nhạc được đào tạo bài bản. Nàng thiếu nữ Lillian có một khả năng thiên phú để vươn tới nốt Đô cao, lặp lại nhiều lần mà không cần cố gắng. Dù có giọng hơi pha kim – một nhà phê hình xấu bụng đã so sánh nàng với một ấm nước đang reo- chất giọng của nàng vô cùng phong phú. Khi phát hiện ra rằng nàng từng xử lý đến bảy nốt Đô cao trong mỗi lần diễn, trong suốt hai mươi bảy suất diễn mỗi tuần, diva người Úc hống hách Dame Nellie Melba [9] rất kinh ngạc rồi sau đó bị tổn thương. “Công chúng,” cô ta nhắc nhở Russell một cách kẻ cả, “không bao giờ đánh giá cao bất cứ thứ gì đến với họ một cách rẻ rúng. Hãy nhớ lời tôi khuyên và mỗi đêm chỉ nên cho khán giả nghe hai nốt Đô cao. Cô sẽ được tán thưởng nhiều hơn nữa.”  
Được tán thưởng nhiều hơn, tuy thế, là mối quan tâm ít nhất của Lillian. Ở đỉnh cao của thời vàng son, con tàu cự phách Russell lướt gió một cách thanh thản từ thắng lợi này sang thắng lợi khác. Ngay sau vở Cái tạp dề, nàng cắm neo trong hài kịch Những tên cướp biển xứ Benzan, một vở diễn thành công đến nỗi Gilbert và Sullivan đã cố mô phỏng theo người đóng vai hải tặc trong vở Những tên cướp biển của họ, khi đó đang được dựng ở Nhà hát Đại lộ thứ Năm gần đó. Russell lưỡng lự rồi ký giao kèo cho một vở operetta được ưa chuộng khác, Olivette. Mặc quần áo con trai thùng thình, nàng cất giọng luyến láy ngân nga: “Ở biển bắc có một chú cá voi” và kết thúc mỗi đoạn thơ với một điệu nhảy tung tăng. Phản ứng của khán giả với điệu nhảy Baywatchesque của nàng, vâng, có thể đoán được, là vô cùng hưng phấn.
Giờ thì tôi biết vì sao họ gọi đó là điệu nhảy thủy thủ.
Sự huyên náo do hooc-môn gây nên càng lên cao với vai diễn kế tiếp của nàng trong hai vở Những bé xinh trong khu rừng nhỏChuyện vui trong một thư viện ảnh được đưa ra lưu diễn liên tiếp khắp vùng West Coast vào mùa hè năm 1881. Bởi mọi nguyên do, vở Những bé xinh gửi những đợt sóng địa chấn đầy nhục cảm tới khắp nơi trong tiểu bang Ánh nắng, mà trong đó phần lớn là do những vòng xà cạp của Lillian. Quần áo bó sát khi đó được xem như tuyên ngôn cuối về sự phóng đãng và Giai nhân nước Mỹ đã nô đùa với khán giả chút chơi. Nhưng chỉ đôi khi. Đôi tất dài kín đáo hợp mốt của nàng được phô bày theo định kỳ và không bao giờ thất bại trong việc tạo nên một phản ứng tương thích từ những khán giả yêu mến opera ở địa phương – chủ yếu là những tay nghiện lời nhạc kịch. Đây không phải là một trường hợp cợt đùa, hành hạ và trêu ngươi khách hàng như một tội ác chống lại nhân tính của người California. Thật sự, Lillian quyến rũ đáng yêu đến nỗi một trong những người hâm mộ đã bắn chết một gã lưu manh đã phỉ báng nét đẹp lộng lẫy của nụ hồng. Giết người vì lý do chính đáng là lời bào chữa của anh ta và anh ta được xử trắng án.
Có lẽ Russell đã đóng vai trò cô gái ngây thơ không may đến mức hoàn hảo, nhưng về mặt chuyên môn nàng hoàn toàn trái hẳn. Là một nữ doanh nhân cực kỳ khôn ngoan, biết rõ giá trị thương mại của mình, nàng thường xuyên từ chối những mối quan hệ tình ái với một loạt những tay quản lý nhà hát. Nhiều lần nàng đã từ chối những bản hợp đồng vinh hạnh, thậm chí không chịu bước lên sân khấu cho tới khi những ông bầu đáp ứng những đòi hỏi tài chính nặng cân của mình. Lương của Russell tăng dần từ 35 đô/tuần lên đến gấp cả trăm lần hơn vào năm 1905. Nàng cũng có một tỷ lệ phần trăm trong lãi ròng; bảo đảm rằng giá trang phục của mình – luôn là mốt mới nhất và đắt tiền nhất mà Paris có thể cung cấp – do một nhà sản xuất liên quan thanh toán; và, trong một phạm vi nhất định, có phần chia trong doanh số bán ảnh, các chương trình hòa nhạc và các chất liệu cổ động liên quan. Hết lần này sang lần khác, Russell đòi hỏi nhiều đến mức sự chấp thuận của ông bầu thậm chí đã khiến nàng phải ngạc nhiên và buộc phải thực hiện những tour lưu diễn (có lợi nhuận cao) mà lẽ ra nàng đã khước từ. Tuy nhiên, những đề nghị vẫn liên tục đưa tới, và, là một diễn viên giàu kinh nghiệm, giọng nữ cao vĩ đại này hiếm khi thất bại trong diễn xuất. Xuyên suốt thập kỷ 1880 và 1890, nàng không chỉ ngự trị Broadway mà cả toàn cảnh nền âm nhạc Mỹ. Nàng trườn người một cách quyến rũ trong vở Người dụ rắn, rung động một cách khêu gợi trong vở Nhẫn nại, bỏ bùa mê cho tất cả mọi người có liên quan trong vở Phù thủy, làm những khán giả si mê sững sờ trong vở Reptila, cô gái với con mắt thủy tinh. Và khi Russell đặt yêu cầu với đoàn diễn ở Nhà hát Casino đầy thanh thế của Rudolph Aronson, nàng được đứng chung với những nhạc công bất tử. Vé cho những đêm diễn đầu tiên của giọng hát oanh vàng không chỉ xứng đáng để chết vì chúng, mà chúng còn đáng giá hơn nhiều cuộc sống ở Purgatory.
Điều đó không thể kéo dài mãi. Nhưng nó vẫn kéo dài. Russell đã hoàn toàn thành công trong việc tự điều chỉnh mình theo những thị hiếu âm nhạc đổi thay, chẳng hạn sự lên ngôi của nhạc kịch hài hước, sự suy tàn của opera hài và mốt chương trình tạp kỷ đang thịnh hành. Hơn nữa, nàng hiểu rõ rằng khi những khả năng trong giọng hát của mình đã mỏi mòn và một diễn viên tập sự khỏe khoắn vùng Trung Tây sẽ dần dà thế chỗ, cần có sự điều chỉnh trong các vai diễn của mình. Nhờ sự huấn luyện của Weber và Fields, hai vua hề của thính phòng Mỹ, Russell trở thành một diễn viên hài kịch xuất chúng và, cuối cùng, một nữ nghệ sĩ đỉnh cao.
Về mặt nghề nghiệp, những năm đầu của thế kỷ 20 cũng đầy thắng lợi như thời Hoàng kim. Dù nàng là hình ảnh thu nhỏ của “những năm chín mươi tục tĩu”, cái kỷ nguyên của nhung đỏ xa hoa, những bữa ăn tối có mười món, những ông trùm kẻ cướp điên cuồng, sự đam mê lạc thú trầm trọng và sự tiêu thụ vô sỉ một cách rõ rệt – cái kỷ nguyên mà Thorstein Veblen giận dữ chống đối một cách kẻ cả - Lillian Russell cưỡi trên những đợt sóng thời trang và đánh bại tất cả những ai cố đoạt lấy chiếc vương miện sân khấu của mình. Phu nhân Teazle, Cô nàng Helene, Ngày lễ cưới, Hokey-Pokey, Giai nhân nước Mỹ, và vô số những vở khác đã thổi bùng một cách thành công những ngọn lửa đam mê. Hơn thế nữa, khi thỉnh thoảng bị phơi sáng quá mức và phát hiện ra mình không thể quyến rũ công chúng thủ đô, nàng chỉ cần lên đường tới những tỉnh lẻ và thành phố nhỏ, những nơi sẵn sàng chi một cách hào phóng để được nhìn thấy Lillian huyền thoại bằng xương bằng thịt. Vì lý do đó, một cuộc lưu diễn vở Hồ điệp vào năm 1907 với 104 điểm diễn, mỗi điểm chỉ diễn một đêm, nằm trong danh sách những vụ làm ăn thắng lợi nhất của nàng.

Khu liên hợp công nghiệp trang phục nữ
Giai nhân nước Mỹ, nói tóm lại, có một con mắt đánh giá  chính xác về công chúng. Nàng là một nhà tự tổ chức siêu phàm, một tiếp thị gia xuất chúng. Những khó khăn hôn nhân được tường thuật khá nhiều của nàng – một vụ vi phạm chế độ một vợ một chồng khi vụ khác còn chưa kết thúc – khiến đám đông có đạo đức luôn ở tâm trạng hết sức phẫn nộ, những lời đồn đại về các quan hệ tình ái của nàng (với một diễn viên xiếc, hoàng tử Haiti và nhiều người khác) và những cơn hờn dỗi trên sân khấu theo chu kỳ của nàng cũng vậy. Nàng chơi trò quảng cáo để bán vé một cách xuất sắc với “những cuộc giải nghệ”, “những lần quay lại”, “những đêm diễn đầu tiên”, và “những cơ hội cuối cùng”, sau này, các chiêu thức đó được hoàn hảo hóa bởi Frank Sinatra và ban Rolling Stones. Tương tự, những vụ kiện tụng chống các tay cổ đông quyền lực (một trong số đó luôn tìm cách vén váy của nàng), những trò quảng cáo rùm beng (thu âm cho Thomas Edison, thực hiện cú điện thoại chính thức đầu tiên cho Tổng thống Grove Cleveland vv.), và sự phô trương quá thể trong nếp sống của nàng (những bộ đồ mốt mới nhất, những bạn bè nổi tiếng, sự phóng đại trong chuyện phòng the, chiếc xe hơi Pullman cá nhân hóa, những chuồng ngựa nòi, những cái mũ khổng lồ trưng dụng toàn bộ vật tư quý hiếm của khu liên hợp công nghiệp trang phục nữ), tất cả đã giúp cho những tờ báo lá cải chuyên đăng chuyện giật gân làm việc hết công suất.
Với sự khôn ngoan sắc sảo về tiếp thị, hình ảnh nàng xuất hiện trên mọi thứ, từ những điếu xì gà và áo ngực cho đến mỹ phẩm và bao thuốc lá. Nàng là đối tượng để những nhà may y phục thời trang nữ ve vãn, là kho tiền vô tận cho những người làm mũ và trang phục nữ, và, với những chiếc xe đạp có biển số bằng vàng nạm ngọc, nàng đã tạo nên những điều kỳ diệu cho công nghệ đồ lót Edwardian. Nàng tiếp thị phương châm trang điểm của chính mình, xuất hiện như là một người mẫu thời trang trong Hội nghị Các nhà sản xuất trang phục Chicago năm 1910, sản xuất nhiều phim ngắn về trang phục trước Jane Fonda cả năm mươi năm, viết cho nhiều tờ báo trong chuyên mục các mẹo vặt về sức khỏe, hạnh phúc và cách săn chồng. Chiêu cuối cùng trong số này bao gồm một triết lý tự lực cánh sinh kỳ lạ pha trộn các nguyên lý của Marcus Aurelius, Mary Baker Eddy và lý lẽ đanh thép không thể thất bại về việc đừng cố gắng quá sức trong khi vẫn duy trì một chút bí ẩn hấp dẫn đối với giới mày râu. Về sau này, Lillian quay sang tiếp thị xã hội. Nàng là một phát ngôn viên hàng đầu cho quyền bầu cử của phụ nữ, bán trái phiếu chiến tranh như bán bánh nóng làm tại nhà, và phục vụ như một chiến sĩ hậu cần hàng đầu của lính bộ binh. Nàng  tỏ ra là một viên trung sĩ tuyển quân hữu hiệu. Khi hết hạn phục vụ vào ngày 6/6/1922, Giai nhân nước Mỹ bị chôn vùi dưới một đống huân chương. Tấm màn sân khấu, cùng với khúc dạo đầu trứ danh của nàng, cuối cùng cũng đã “hạ xuống thôi nào, ngôi sao Hôm của tôi.”
(còn tiếp)

Chú ý: Do bản dịch này đã hết hạn khai thác tác quyền tiếng Việt và người đầu tư không tiếp tục dự án xuất bản bản dịch nên tôi chỉ đưa vào blog của mình để các bạn quan tâm tới lĩnh vực này có tư liệu tham khảo. Xin các bạn đọc vui lòng không sao chép lại các phần của bản dịch này vào các trang mạng khác. Rất cám ơn sự ủng hộ của các bạn.


[1] http://www.youtube.com/watch?v=T3k8H_9SjoM
[2] Napster là một dịch vụ chia sẻ nhạc online do  Shawn Fanning sáng lập khi anh đang theo học Đại học Northeastern ở Boston và đi vào hoạt động từ tháng  6/1999 cho tới 7/2001. Nó giúp giới sinh viên dễ dàng chia sẻ các file nhạc MP3 và do đó đã dẫn tới những vụ vi phạm bản quyền.

_______________________________

       CHÚ GIẢI VÀ THAM KHẢO

 Giai điệu thư giãn: Bây giờ, đó là cái mà tôi là Tiếp thị # 1


1. Marwood Darlington, Irish Orpheus: The Life of patrick S. Gilmore, Bandmaster Extraordinary (Philadelphia: Olivier Maney Klien, 1950). Bối cảnh âm nhạc mở rộng được để cập đến một cách dễ hiểu trong nghiên cứu ba tập của Ronald L. Davis, A History of Music in American Life (Huntington, NY: Krieger, 1980).
2. Neil Harris, “John Philip Sousa and the Culture of Reassurance”, trong Cultural Excursions: Marketing Appetites and Cultural Tastes in Modern America (Chicago: University of Chicago Press, 1990, pp. 198-232)
3. Adam Carse, The Life of Jullien: Adventurer, Showman-Conductor and Establisher of the Promenade Concerts in England, Together with a History of Those Concerts up to 1895 (Cambridge: W. Heffer and Sons, 1951).
4. Darlington, Irish Orpheus, sách đã dẫn, pp. 54-5.
5. Davis, A History of Music in America Life, Volume II – The Gilded Years, 1864-1920, sách đã dẫn, p.4.
6. Quyển tiểu sử có tính chất khá gần với tiểu sử các vị thánh của Darlington xem thường tai họa nghề nghiệp này – Lễ kỷ niệm Hòa bình Thế giới. Tình huống thật sự đã được David mô tả, sách đã dẫn, pp. 3-5.
7. Có nhiều quyển tiểu sử xuất sắc, dù hơi lỗi thời, viết về Lillian Russell, Ví dụ: Parker Morell, Lillian Russell: The Era of Plush (Garden City, NY: Garden City Pubishing, 1943); James Brough, Miss Lillian Russell: A Novel Memoir (New York: McGraw-Hill, 1978); John Burke, Duet in Diamonds (New York: G.T. Putnam;s, 1972).
8. Trích Duet in Diamond, Burke, sách đã dẫn, pp. 23-24.
9. Trích Lillian Russell, Morell, sách đã dẫn, p.165.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét