Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

NHỮNG CHIÊU TIẾP THỊ NGƯỢC ĐỜI - GIAI ĐIỆU THƯ GIẢN 2






STEPHEN BROWN
Những chiêu tiếp thị 
ngược đời
BẢN DỊCH: NGUYỄN THÀNH NHÂN
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh Free Gift inside (2003)
________________________
      GIAI ĐIỆU THƯ GIẢN 2
 BÂY GIỜ, ĐÂY LÀ CÁI MÀ TÔI GỌI LÀ
TIẾP THỊ # 2


 



Trickery (Sự bịp bợm), Exclusivity (Tính riêng biệt), Amplification (Sự khuếch đại), Secrecy (Tính bí ẩn) và Entertainment (Tính tiêu khiển). Đó là TEASE, thứ nhất. Trump (Tung ra con bài chủ), Evanescence (Tính phù du), Affront (Sự lăng mạ), Seduction (Sự cám dỗ), Electricity (Điện). Đó là TEASE, thứ hai. Tango, eBay, Absolut, Sanders, Ellison. Đó là TEASE, thứ ba. Tingler (Gây sửng sốt), Exiguousness (Tính hạn hẹp), Antagonism (Sự đối lập), Surprise (Sự ngạc nhiên), Excess (Sự thái quá). Đó là TEASE, thứ tư. Tom Sawyer, Estée Lauder, Quân đội của Armani, Thế giới Stalin, Edison, vân vân. Đó là TEASE, thứ năm.
 Ở đây đã đủ với TEASE chưa? Đã tới lúc nên kết thúc về TEASE, bạn nghĩ thế? Có ai chọn không TEASE nữa không nhỉ? Ở lời nói đầu, tôi đã hứa với bạn một sự cai nghiện tức thì về thuật ngữ, một sự giải độc khỏi từ thông dụng, một Bài tập Cắt xén Acronym Hoàn toàn Không có trọng âm – (chà, những chữ cái viết hoa này trông quen quá xá). Và, như một ai đó với sự quan tâm hết mình tới khách hàng của mình, tôi không chỉ cố hết sức để thực hiện lời hứa mà còn Hoàn toàn Vượt quá Mong đợi của các Khách hàng đăng ký (đó là tính bẩm sinh, mẹ kiếp!).[1]

Những ngọn nến trước gió
Tôi ngờ rằng hiện thời bạn đã quá chán ngán TEASE. Thế nên, để bạn có thể xả hơi trước lúc chúng ta đi vào phần kết thúc “khi đúc kết toàn bộ mọi thứ, chắc chắn có những giới hạn nhưng điều đó vẫn đáng cân nhắc”, xin mời bạn thưởng thức một chút giai điệu thư giãn khác.
Có thể bạn sẽ nhớ lại rằng lần trước, khi chúng ta lên giọng cao và nhấn mạnh vào các nốt móc đôi, nàng Lillian Rusell quá cố vĩ đại đang được an táng với những nghi thức phô trương thích hợp. Tuy nhiên, có lẽ bạn không nhận ra rằng ngay khi Giai nhân nước Mỹ vừa được chôn cất, một thần đồng âm nhạc có đầu óc tiếp thị khác bắt đầu trỗi lên giai điệu đầu tiên của mình trong gia đình họ dương cầm. Địa điểm là ở Wesr Allis, Wisconsin. Giai điệu là “Vâng, Chúng tôi không có chuối.” Nhà nghệ sĩ dương cầm ba tuổi đó là Wladziu Valentino Liberace.[1] Là con thứ ba của một cuộc hôn nhân bất hạnh giữa Salvatore Liberace, một cựu nhạc công độc tấu kèn cornet cho John Philip Sousa, và Frances Zuchowski, nữ chúa của một cửa hàng thực phẩm cho các bậc bố mẹ, Liberace hòa trộn một cách tuyệt vời giữa thiên hướng làm ra tiền của mẹ và thiên tài âm nhạc của bố. Thật sự là một thiên tài bẩm sinh, cậu hoàn toàn làm lu mờ các thầy dạy nhạc địa phương ngay trước ngày sinh nhật lần thứ bảy. Năm lên tám, cậu gặp nghệ sĩ bậc thầy vĩ đại người Ba Lan Paderewski. Ông tuyên bố rằng một ngày nào đó cậu bé này sẽ thế chỗ cho mình. Cho tới năm mười một tuổi, cậu đoạt giải nhất trong các cuộc thi dương cầm cấp quốc gia, dù cậu là một trong những người ít tuổi nhất lọt vào vòng chung kết. Ba năm sau, “Walter”[2] biểu diễn trước công chúng lần đầu ở trường Cao đẳng Âm nhạc Wisconsin. Không lâu sau đó, trong một nỗ lực nhằm làm xẹp bớt sự tự phụ đang nhanh chóng lên cao như diều của cậu, người thầy cho cậu tham dự một cuộc thi đấu đẳng cấp cao tại Câu lạc bộ Văn học ở Milwaukee. Cậu thắng. Thắng đậm. Và nhận được những nhận xét cuồng nhiệt của báo giới.
Đỉnh điểm sự nghiệp của Liberace tới vào ngày 16/1/1940, khi chàng nhạc sĩ trẻ 20 tuổi chơi bản Concerto cung La trưởng của Liszt với dàn nhạc giao hưởng Chicago ở nhà hát Pabst. Đó là một thắng lợi. Nhưng nó cũng quá muộn màng. Walter từ lâu đã phải kiếm sống – và để trả cho các bài học dương cầm – bằng cách chơi nhạc bình dân trong các nhà hàng địa phương, các hộp đêm, và những nơi tương tự. Cha chàng thật sự thất vọng, nhưng điều đó cũng tạo một phương tiện thỏa mãn cho tài năng quảng bá bẩm sinh của thần đồng âm nhạc, điều đã thể hiện rõ từ những ngày học phổ thông, khi chàng trang điểm, trình diễn và nói chung là sắm vai một công tử ăn diện bảnh bao. Tuy nhiên, sự hiển linh âm nhạc của Liberace chỉ xảy ra vào năm 1939, sáu tháng trước cuộc trình diễn ở nhà hát Pabst. Chàng đã hoàn thành một bản giao hưởng trước một đám khán giả ngưỡng mộ ở La Crosse, Michigan, với nhiều lời kêu gọi yêu cầu diễn lại. Chơi bài “Ba con cá nhỏ” đi, một khán giả say bí tỉ hét lên và người biểu diễn sẵn lòng thực hiện. Tuy thế, chàng chơi bài nhạc mới bình dân khi ấy theo phong cách của Johann Sebastian Bach. Khán giả phát cuồng lên;  buổi diễn được tường thuật ở trang bìa của tờ báo địa phương; tít bài báo đó là: “Ba con cá nhỏ bơi trong một đại dương nhạc cổ điển,” được các đài phát thanh vồ lấy; và chàng ngư phủ nhạc sĩ dương cầm được tưởng thưởng bằng những chương trình phát thanh đáng chú ý trên toàn quốc. Đó là cú quảng bá phi thường đầu tiên của Liberace. Nhưng không phải là cú cuối cùng.
Walter đã tìm ra mánh lới quảng cáo âm nhạc của chàng – xin lỗi, USP[3] – và mọi cuộc biểu diễn sau đó đều có những cuộc diễn lại theo yêu cầu của khán giả theo phong cách của một nhân vật lớn âm nhạc nào đó: “Những đôi đũa” (Chopsticks) theo phong cách Chopin, “Những con lừa ăn yến mạch” (Mairzy Doats) theo phong cách Brahms, “Trà cho hai người” (Tea for Two) theo phong cách Liszt, vân vân. Phải thừa nhận rằng Liberace không phải là người đầu tiên kết hợp giữa nhạc cổ điển và bình dân theo lối đó. Dương cầm thủ mù Alec Templeton trước đó cũng đã làm nên sự nghiệp theo cách tương tự, và, tất nhiên, Khúc phóng túng (Fantasia) của Disney đã đứng đầu bảng trong các cuốn phim vào cùng thời điểm đó. Tuy nhiên, trong phạm vi có liên quan tới chàng trai trẻ đầy tham vọng, ban nhạc giao hưởng Chicago không thể cạnh tranh nổi với những phiên bản của “Nhà trên núi của Paderewsky, bản “Sâu trong lòng Texas” biểu diễn theo phong cách Beethoven, và bản “Nhón chân đi qua đồng hoa uất kim hương” theo phong cách Tchaikovsky. Họ cũng trả nhiều tiền hơn.

Hát karaoke kiểu cổ điển
Trong năm sáu năm kế tiếp, Liberace tiếp tục biểu diễn trong các hộp đêm và lữ điếm khắp vùng Trung Tây và duyên hải miền Đông. Ông cũng tìm ra những mánh lới quảng cáo âm nhạc khác. Được gợi ý từ thành công của những nghệ sĩ biểu diễn tạp kỹ gây ấn tượng như Rudy Vallee, Bing Croby và Morton Downey, Walter phát triển cái mà chỉ có thể mô tả như là một dạng karaoke cổ điển. Nó bao gồm biểu diễn độc tấu theo từng nốt nhạc, với phần thu âm của các nghệ sĩ dương cầm bậc thầy như Arthur Rubinsein, Valdimir Horowitz và Jose Iturbi. Dù có vẻ ủy mị, “sự  đồng bộ hóa ngón tay” của Liberace thành công rực rỡ với các khán giả thời chiến và nó nhanh chóng đưa chàng trai trẻ lên đài danh vọng tiền tài.
Vâng, điều này không thực sự đúng, vì mẹo quảng cáo nổi bật nhất của Liberace là chính bản thân ông. Ông là một kẻ tự tiếp thị siêu phàm. Theo một phóng viên gần đây nhất,[2] ông thật sự là “nhà quảng cáo lớn nhất của thế kỷ 20” một “thiên tài PR thứ thiệt”. Ngoài ra, vào năm 1984, tờ Los Angeles Times đã miêu tả ông như là “ nhà quảng cáo sắc sảo nhất kể từ thời P.T. Barnum”.
Tuy nhiên, bốn mươi năm trước khi có lời tán tụng trên của tờ Times, chàng trai trẻ Wally vẫn còn đang đánh bóng sản phẩm và thương hiệu của mình, hoàn hảo hóa lời rao của mình, và tạo ra khách hàng cơ bản của mình. Dù bề ngoài là thế nào đi nữa, Liberace không hề cho khách hàng của mình điều mà họ muốn, vì phần đông chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ thứ gì giống như thế trước đó. Trái lại, ông cho họ một cái gì dó hoàn toàn khác, một cái gì đó vô cùng độc đáo đồng thời lại rất quen thuộc, một sự kết hợp lạ lùng nhưng đáng yêu giữa nhạc cổ điển và nhạc pop. Tương tự, những lời lém lỉnh, những cử chỉ tự phát, lời giáo đầu du dương, mánh lới quảng cáo, việc từ chối xem mình là người nghiêm túc một cách hài hước và quyết tâm tuyệt đối để cống hiến toàn bộ con người mình khiến mọi người phải cầu xin để có thêm, dần dà đã được gắn chặt lại với nhau trong thập niên 1940.
Chiến dịch tiếp thị của ông khởi đầu cũng vào khoảng thời gian đó. Ông thực hiện nó sau khi xem một cuốn phim dựa trên đời thật năm 1944 về Chopin, A Song to Remember (Một bài ca đáng nhớ), do Cornel Wilde thủ diễn. Ông mua được chiếc đàn dương cầm Bluthner lớn nhất và đắt nhất ở Hoa Kỳ và chở nó từ nơi này sang nơi khác. Ông phát triển một loạt bài viết dễ hiểu bao gồm đủ loại câu chuyện ý tưởng khác thường, từ việc phát âm đúng tên mình (Liber-Ah-Chee), qua các công thức chế biến bánh nhân táo, cho tới việc cung ứng dịch vụ vận chuyển các thiết bị của mình (việc nói sau cùng chiếm khá nhiều cột báo). Và, với hành động của một nhạc sĩ chưa nổi tiếng lắm vào thời đó, ông tiến hành một chiến dịch tiếp thị trực tiếp quy mô lớn tới các ông chủ và quản đốc các thính phòng khắp Hoa Kỳ. Có chí làm quan, có gan làm giàu, vì một trong các cáo thị của ông đã rơi xuống bậc thềm của Maxine Lewis, ông chủ của sòng bạc Last Frontier ở Las Vegas. Nếu có bao giờ một địa điểm biểu diễn và một người biểu diễn hòa hợp với nhau một cách tuyệt hảo thì đó chính là Las Vegas và Liberace. Cả hai cùng cất cánh giữa sự phù hoa.
Giữa các công việc ở Last Frontier, Liberace hoạt động ở khắp các khu vực thượng và hạ vùng duyên hải miền tây. Nhờ ngày càng biểu diễn tốt hơn, ông bắt đầu thu hút được nhiều chú ý. Ông tham dự một cuộc biểu diễn theo yêu cầu ở Nhà Trắng năm 1950 và giới thiệu cho một chiến dịch quảng cáo bia trên phạm vi cả nước vào năm sau. Tuy nhiên, cú đột phá lớn của ông diễn ra vào lúc 7 p.m. ngày 3/2/1952, khi chương trình Liberace Show được phát hình lần đần tiên trên Kênh 13 của Los Angeles. Dù chỉ kéo dài có 15 phút, chương trình đó là một thành công ngay lập tức. Nó dẫn tới một show khách mời trên Dinah Shore Show của đài NBC, và, mặc dù mạng lưới truyền hình dường như là một bước tiến tự nhiên đối với nhà nhạc sĩ dương cầm, một bản hợp đồng vẫn không giờ thành hiện thực. Hành vi của ông được xem là quá cực đoan đối với giới khán giả chính thống của Hoa Kỳ. Sau đó, Liberace đã đi tiên phong trên con đường sản xuất độc lập khi ký kết hợp đồng với hãng Guid Films cho một chuỗi show dài nửa giờ (bắt đầu lúc 13h và kết thúc lúc 17h). Chúng được bán cho vô số đài địa phương và được dùng để lấp đầy các khoảng trống giữa các chương trình. Thật sự, đó là một vụ bán buôn cực kỳ khó khăn, vì không có thứ gì khác giống như The Liberace Show. Dù chủ yếu nó chỉ là một trò mua vui của nhà làm chương trình, “việc đặt phong cách cao cấp và rẻ tiền, tao nhã và khiếm khuyết, đô thị và tỉnh lẻ nằm kề bên nhau một cách gây sốc” của chương trình khiến việc tiếp thị nó với các vị giám đốc đài truyền hình bảo thủ trở nên khó khăn.[3]
Nếu The Libercae Show chậm chạp trong việc bán để khuấy động các đài truyền hình, nó vẫn là một thành công lớn đối với khán giả và nhà bảo trợ. Các nhà tài trợ đặc biệt biết ơn vì Walter là một nhà quảng cáo bẩm sinh và thiên tài. Ông nôn nóng đưa sản phẩm của nhà tài trợ vào chương trình của mình, đặc biệt khi đó là một công ty phục vụ tang lễ hoặc một nhà sản xuất giấy vệ sinh; ông sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ quảng bá liên quan, như tung sản phẩm và khai trương các cửa hiệu mới; ông sản xuất những đĩa thu hạn chế cho các công ty liên quan đồng thời cò mồi cho họ. Trong một show như thế, do Ngân hàng Citizens National tài trợ, ông thông báo rằng bất kỳ ai mở một tài khoản mới sẽ nhận được một đĩa nhạc Liberace miễn phí. Ngày hôm sau, những hàng người xếp hàng dài khiến nhiều người kết luận rằng ngân hàng đã bắt đầu cất cánh. Liberace có tài năng thiên phú về tiếp thị đến nỗi khu biệt thự ở Hollywood nổi tiếng của ông – ngôi nhà có cái hồ bơi xây theo hình một cây đàn dương cầm –hoàn toàn do các công ty được ông giúp quảng cáo bỏ tiền xây dựng. Đoàn xe hơi xinh đẹp của ông cũng do các nhà tài trợ biết ơn tặng. Cả hai đều có giá trị như các công cụ quảng bá, cùng với Những ngọn nếnBluthiner, và  là kết quả của và sự cống hiến cho cách tiếp thị thân hữu của ông. Như Pyron nhận xét:[4] “Anh ta thích bán các thứ. Anh ta thích quảng cáo. Anh ta thích làm ra tiền. Anh ta thích xài tiền. Anh ta tự quảng bá cho mình không hề hổ thẹn, nhưng anh ta quảng bá cho các nhà tài trợ cũng với sự tận tâm y như vậy.” Là sự kết hợp tuyệt vời giữa trình diễn và kinh doanh, nguồn vốn của Liberace tăng lên vùn vụt vào giữa tuổi trung tuần. Ông thu hút sự chú ý của một lượng khán giả truyền hình lớn, bán nhiều album đứng đầu bảng với chất lượng phi thường, và được giới truyền thông đại chúng xưng tụng từ đây cho tới muôn đời. Những câu chuyện giới thiệu mở đầu nhiều vô số kể; ông là khách mời cho vô số chương trình truyền hình; giọng nói thu hút, cá tính sân khấu và hoạt động tình dục mơ hồ của ông trở thành tiêu điểm cho các cuộc chuyện trò bàn luận trong cả nước; và có lẽ quan trọng nhất, ngoại hình của nhà nghệ sĩ lớn này đã phá vỡ mọi kỷ lục về doanh thu bán vé.[5] Ông làm mọi người choáng váng ở bất kỳ nơi nào ông tới. Vé được bán hết sạch. Xin hãy nhớ, đây là kỷ nguyên của Chủ nghĩa biểu hiện Trừu tượng, Jack Kerouac[4] và chủ nghĩa hiện đại Mỹ[6]. Đối với những nhà trí thức tiên phong, Liberace đại diện cho chiều sâu thăm thẳm của sự thô tục ở vùng Trung Tây. Nhưng như con người làm ra tiền và tiêu xài xả láng nổi tiếng này từng châm biếm để đáp lại một bài bình luận gay gắt, “Tôi cười suốt dọc đường tới nhà băng.”

Bỏ bùa mê, Làm cho chán nản và Làm cho bối rối
Không may thay, tiếng cười không kéo dài cho lắm. Như bất kỳ một nghệ sĩ biểu diễn nào, vận may của Liberace cũng phải có lúc thăng trầm. Vào cuối lứa tuổi 50, sự nghiệp vinh quang cho tới lúc đó của ông lao xuống dốc một cách nhục nhã. Nó tuột dốc là do những luận điệu liên quan tới định hướng tình dục của ông, một vụ kiện thành công, nhưng tốn kém, chống lại một tờ báo Anh chế giễu nam tính của ông và một nỗ lực khờ dại để cải thiện hình ảnh sân khấu cho có vẻ đàn ông hơn. Tuy nhiên, ở lứa tuổi 60, Liberace đã thành công trong việc giành lại vương miện của mình. Một loạt xuất hiện thắng lợi trong các talk show, cộng thêm nỗ lực lưu diễn không ngừng đã cứu vãn được thanh danh lu mờ của ông. Ngay lập tức, ông lợi dụng ngay khả năng tiếp thị vừa phát hiện ra với một loạt y phục nam, một số cửa hiệu đồ cổ, vài quyển sách nấu ăn, một hoạt động địa ốc có nhiều lợi nhuận và một chuỗi nhà nghỉ, trong đó mỗi nơi có đặt một hình nộm mặc một trong những bộ quần áo đắt giá của ông. Thậm chí ông còn khởi sự bán các chương trình hòa nhạc tưởng niệm, hoàn tất với những quảng cáo về các cây đàn dương cầm hiệu Bluthner, những món đồ cổ vô giá, và những đĩa thu mới nhất của ông. Chương trình đó là một sản phẩm bán trước  sản phẩm và các sản phẩm của sản phẩm biểu diễn. Hoặc một thứ gì đại loại như thế.
Những năm lứa tuổi 70 của Liberace cho thấy một chuyển biến khác trong các vận may gập ghềnh của ông, phần lớn là do những thái quá đến mức lạc điệu với đặc tính chống đối tư bản của một thập kỳ chịu tác động của cuộc khủng hoảng dầu lửa. Phải thừa nhận rằng con người vĩ đại này vẫn tiếp tục gây sửng sốt ở Vegas. Các buổi diễn ngày càng kỳ quặc, với sự trợ giúp của thuyết duy cảm. Năm 1973, ông xuất hiện trên sân khấu với một chiếc áo khoác lông chồn giá 35.000 đô và bổ sung thêm một cái mũ lông cáo cái trắng trị giá 300.000 đô. “Vì sao tôi biết nó là con cáo còn trong trắng ư?”, ông hỏi một khán giả một cách khoa trương. “Việc này đòi hỏi một người trong trắng.” Thế nhưng, với mọi sự xuất hiện phô trương, các thứ trang phục lấp lánh và chủ nghĩa Vegas thở gấp – “hãy chờ trong khi tôi chuyển sang một thứ gì đó ngoạn mục hơn” – nhà nghệ sĩ đang thực hiện một cuộc trình diễn chính bản thân mình. Một bài báo rất độc địa của ban Rolling Stone kịch liệt phản đối “Nhà thờ của Liberace” cũng như lời khẳng định của ông rằng công nghiệp biểu diễn là sự biểu hiện của niềm thôi thúc mang tính tôn giáo, một thứ gì đó lạ lùng, bí ẩn, không thể chuyển dịch và thoát ly thực tế.[7]
Sự phản đối, chắc chắn, luôn tăng cao mức lãi tức ở phòng bán vé. Bất chấp cuộc tấn công năm 1981 của ban Rolling Stone, đó là một thập niên tốt đẹp được tạo ra cho thương hiệu của sự thái quá, sự phô trương, và sự thô tục rực rỡ. Thật ra, ông chưa bao giờ nổi tiếng như thời gian giữa thập niên 1980. Ông biểu diễn ở lể trao giải Academy Awards. Ông biểu diễn giúp vui tại Nhà Trắng. Ông làm mưa làm gió trên các talk show. Ông quấn những kẻ cực đoan trên Saturday Night Live quanh những ngón tay đeo đầy nhẫn của mình. Ông thực hiện những chuyến lưu diễn luôn phá vỡ mọi kỷ lục về bán vé. Ông mở Librace Museum ở Las Vegas, hiện là điểm thu hút khách du lịch đứng thứ ba.[8] Ông làm mê hoặc ngay cả các nhà phê bình nghiêm khắc nhất, tất cả đều đầu hàng trước nhà nghệ sĩ bất khả cưỡng kháng. Ông qua đời ngày 4/2/1987, ở đỉnh cao sự nghiệp. Ông khiến cho mọi người phải van xin thêm nữa.


Tham vọng thương hiệu
Có lẽ Liberace là hiện thân của chủ nghĩa thực dụng theo khuynh hướng khoái lạc của thập niên 1980, nhưng ông không phải là người duy nhất. Mr. Showbiz phải đứng sau một người Mỹ gốc Ý lao động miệt mài, một thiên tài tiếp thị mà tham vọng xây dựng thương hiệu của cô trải ngang qua nửa sau thế kỷ 20 và là người kinh doanh dựa trên một nghệ danh một chữ duy nhất rất đáng nhớ, Madonna. Ra đời vào mùa hè năm 1958, vào thuở anh bạn người Trung Tây của nàng đang ở đỉnh cao quyền lực trong sự nghiệp chơi đàn dương cầm, Madonna Louise Ciccone nằm trong một dòng chảy trực tiếp từ Liberace và Lillian Russell. Như lời người viết tiểu sử của Liberace nhận xét, trong tất cả những nhà biểu diễn từng được so sánh với Liberace, Madonna ở vị trí gần nhất.[9] Ngoài những hoàn cảnh gia đình khá giống nhau, đạo đức lao động phi thường, cá tính sân khấu lưỡng phân về giới, thiên kiến đối với sự thể hiện hình tượng pha mùi tôn giáo, và năng lực không thể lầm trong việc tạo nên một buổi diễn cực kỳ cuốn hút, cả Liberace lẫn Madonna đều thành công nhờ vào khả năng tiếp thị ngang với khả năng âm nhạc.[10]

Thật ra, Madonna nhờ vào tiếp thị hơn rất nhiều so với Liberace, vì tài năng âm nhạc của nàng khá khiêm tốn, một số người còn cho là thường thôi. Như chính nữ ca sĩ thừa nhận trong Sự thật hay gan liều, một cuốn phim tư liệu về chuyến lưu diễn Blond Ambition năm 1990 của mình, rằng cùng lắm nàng chỉ là một ca sĩ có tài năng giới hạn, một vũ công trung bình, và một nhạc sĩ viết lời kha khá. Chắc chắn, chúng ta không nên xem một sự tự hạ mình như thế chỉ có giá trị bề ngoài, nhất là ở một cuốn phim mà ngay cái tựa cũng đã xác nhận cho tính trung thực của nó. Nhưng trong khi Liberace là một thần đồng âm nhạc và một nhà tiếp thị hàng đầu, Madonna là một ca sĩ giàu năng lực và một nhà tiếp thị thiên tài. Nàng là một nhà tiếp thị siêu phàm tới mức những gợi ý rằng nàng có ít tài năng âm nhạc hơn thực tế cũng chỉ nhằm mục đích làm cho sự vươn lên danh vọng của nàng thậm chí còn đáng chú ý hơn, có tính huyền thoại hơn, phù hợp hơn với quan điểm nguyên mẫu kiểu Mỹ rằng bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra.

Như một VP
Vâng, với tất cả mọi sự tự hạ thấp giá trị của mình – ít ra là về mặt âm nhạc - một cách có chiến lược, sự thật đơn giản về vấn đề này là Madonna vốn là một nghệ sĩ có khả năng của một Người khổng lồ. Các khả năng nghệ thuật của nàng, thật ra, đã hiển lộ ở một lứa tuổi rất sớm. Nàng nổi bật với tư cách là một cheer-leader ở trường trung học, uốn éo như một nghệ sĩ không chuyên và làm mọi người sửng sốt với vẻ đẹp sân khấu theo kiểu Lolita[5] của mình. Nàng vào học ở Đại học Michigan với một học bổng về múa; bị đuổi học sáu tháng sau, dù có điểm số cao; tới New York lập nghiệp với số tiền huyền thoại 35 đô trong túi và một cái túi vải buộc dây nhét đầy áo nịt và váy xòe; gia nhập đoàn múa Pearl Lang nổi tiếng; và nói chung chỉ kiếm vừa đủ tiền để sống với đủ loại công việc thượng vàng hạ cám.[11]
Miễn cưỡng phải ở lại trên chuyến tàu chậm chạp hướng về miền danh vọng, Madonna từ chối cái ga khó chịu của múa hiện đại để đi theo một lối tắt nhanh hơn là nhạc rock. Nàng khởi đầu với tư cách một tay trống trong vô số quán rượu chui và hộp đêm, chuyển sang giọng hát dẫn đầu và nhạc sĩ viết lời ca khúc trong nhiều ban nhạc nhỏ, và sau khi lọt vào mắt xanh của nhiều giám đốc A&R, ký một hợp đồng đơn giá thấp với hãng Sire Records. Đĩa đầu tiên của nàng, “Everybody” là loại nhạc nhảy bình dân của năm 1982. Đĩa tiếp theo, “Buring up” tương đối thành công nhờ sự can thiệp của hãng MTV, khi đó đang bắt đầu chiếu các cuốn video khiêu vũ, một loại hình mà Madonna nhanh chóng làm chủ. Tuy nhiên, chính “Holiday”, một bài ca bị nhiều minh tinh thành danh từ chối, mới thật sự làm chuyển động cỗ máy Madonna. Nó ngự trị trên các bảng xếp hạng từ dịp lễ Tạ ơn cho đến Tết Dương lịch năm 1983, giúp album đầu tiên của nàng trở thành một đĩa best-seller vào mùa lễ Giáng sinh, và nhanh chóng được theo sau bởi “Lucky Star”, đĩa đầu tiên trong mười lăm đĩa đơn  hay nhất của nàng. Album lấy theo tên nàng tiếp tục bán được hơn chín triệu bản trên toàn thế giới. Nó thành công tới mức Warner Brothers phải tạm ngưng phát hành album thứ hai của nàng cho tới khi yêu cầu về Madonna đã được thỏa mãn.
May mắn như “Ngôi sao may mắn”,  vận may của minh tinh ca nhạc này thật sự đến vào ngày 14/9/1984, khi nàng giành được quyền biểu diễn trong lễ khai mạc trao giải MTV Video Music. Đáp xuống đỉnh cái bánh cưới của một gã khổng lồ trong khi đang mặc một bộ đồ gây sốc kết hợp giữa áo lót, vải tuyn, những chuỗi ngọc trai và thắt lưng có khóa chuông hiệu Boy-Toy, cô bé ngây thơ xấc xược đã chuẩn bị bước vào album sắp tới của mình, Like a Virgin. Khi nàng quằn quại băng qua sân khấu theo một phong cách không chút quí phái nào, rõ ràng một minh tinh đang được sinh ra, hoặc ít ra cũng đang chịu những cơn đau đớn lâm bồn. Đĩa đơn này vươn thẳng tới vị trí số 1 và trụ lại vị trí đó suốt sáu tuần kế tiếp. “Vẻ đẹp” Madonna đã cất cánh; một thế hệ các cô bé tuổi teen tập hợp lại dưới lá cờ khêu gợi; và một từ mới “wanabe”, như trong wannabe Madonna - muốn trở thành Madonna”) đã đi vào ngôn ngữ Anh –Mỹ. Trong vòng một năm, nàng ca sĩ mới phất đã tranh thủ lấy lại thời gian, làm ra một bộ phim thành công, Desperately Seeking Susan (Tuyệt vọng tìm kiếm Susan) và tung cuốn phim video tuyệt diệu Material Girl, một bộ phim phỏng theo diễn xuất không thể nào quên của Marilyn Monroe trong Gentlemen Prefer Blondes (Những quý ông khoái các ả tóc vàng). Nàng cũng biến cuốn phim  kinh viện này thành một cuộc tranh luận lý thuyết điên cuồng khi các học giả ham danh và các triết gia hậu hiện đại đua nhau lý giải hiện tượng Madonna phức tạp. Có lẽ việc Macy dành cả một tòa nhà để bán các hàng hóa theo kiểu Madonna – những đôi găng tay bị cắt thủng, những mái tóc giả ngắn, vòng đeo tay bằng nhựa dẻo, xà cạp ren rua, khăn quàng cổ dài, khóa chuông Boy-Toy, áo thun vẽ hình “Trinh nữ” vân vân.. – và nhiều cửa hàng khác đã bước theo. [12]

Tay CEO đó là ai?
Dù niềm say mê đối với Madonna đã giảm bớt nhiều kể từ những ngày đỉnh điểm trong năm 1984, quyền lực hiện tại của nàng vẫn đáng lưu tâm như  quá trình leo ngược dốc đầy kịch tính của nàng. Khởi thủy bị xua đuổi như một Cyndi Lauper giảm giá, Madonna đã có nhiều đĩa đơn thành công hơn bất kỳ nghệ sĩ từng thu âm nào khác, ngoại trừ ban The Beatles và Elvis Presley. Một loạt album đứng đầu bảng, một loạt lưu diễn bán sạch vé, một loạt video bán chạy, một loạt vai diễn điện ảnh (trải dài từ xuất sắc tới tồi tệ), một loạt vở diễn sân khấu (bị kịch liệt chỉ trích nhưng có doanh thu cao), và một loạt vai nhân vật ngắn hạn (sex kitten, biểu tượng đồng tính nam, búp bê Barbie, Mẹ Đất) đã duy trì nàng ca sĩ này ở mặt tiền của văn hóa phổ thông.
Về mặt này, người ta thường nói rằng sự đa năng của Madonna là bí mật thành công của nàng. Sự tái tạo, tất nhiên, là một leitmotif trong cả quãng đời sự nghiệp. Tuy nhiên, mỗi người mẫu mới đều giống một cách dễ nhận với Madonna hay thay đổi. Nó tương tự như sự làm mới theo định kỳ của những nhà tiếp thị của FMCG (Nhóm hàng tiêu dùng nhanh) đối với một hình ảnh thương hiệu đã xác lập hay một chiến dịch quảng cáo dài ngày. Như nhiều siêu sao và các biểu tượng giải trí khác, Madonna chỉ luôn  thủ vai của chính mình, bất kể đó là vai gì.
Tất nhiên, vai trò mà Madonna diễn tốt nhất là nhà tiếp thị dẫn đường. Hầu như mọi bình luận gia về hiện tượng Madonna, từ  một tay hành nghề trong làng giải trí cho tới những viện sĩ hàn lâm ẩn dật, đều ghi nhận thiên tài quảng bá của nàng. Theo một phóng viên mê mẩn với những mưu mô tư bản của nàng,[13] nàng không là gì khác hơn một “kẻ thừa kế về mặt tinh thần của Barnum.” Ngay cả bản thân Michael Jackson,[14] rất tài ba trong những trò tự quảng bá, cũng phải cúi người bái phục trước mũi tàu tiếp thị của nàng. “Tôi không làm điều đó được. Còn cô ấy à? Cô ấy không phải là một vũ công hay ca sĩ lớn. Cô ấy biết cách tiếp thị bản thân. Chỉ thế thôi.”
Điều quan trọng để “hiểu” về Madonna là trước hết, và trên hết, nàng là một doanh nhân. Tài sản cá nhân của nàng cỡ 6 triệu đô. Nàng điều hành một thương hiệu thu âm đáng giá nhiều triệu đô, Maverick, và kiểm soát một số lượng lớn các công ty con trong các lĩnh vực viết nhạc, xuất bản, mua bán, và còn nhiều, nhiều nữa. Nàng rất chú tâm tới điểm mấu chốt; tính tiết kiệm của nàng đầy yếu tố huyền thoại; và, từ những ngày mới chập chững vào nghề, nàng đã đắm mình vào những vấn đề thực tế của cuộc sống đoàn thể. Phải thừa nhận rằng với các mục đích mang tính nghệ thuật, nàng từ chối không nhìn nhận mình với tư cách một kẻ có vai vế trong ngành âm nhạc. Nàng khước từ lời mời tới nói chuyện ở Trường Kinh doanh Harvard chẳng hạn, và từng nổi tiếng khi từ chối đóng góp cho một truyện tranh bìa của tạp chí Fortune. Nàng cũng trì hoãn lần khân với các nhà tài trợ, như Pepsi đã phát hiện ra khi phải trả giá cho điều đó. Thật sự, đôi khi nàng cũng ba hoa về “những ngày vô tư trước khi tôi trở thành một đế chế.” Nhưng sự thật của vấn đề là Madonna đã là một đế chế ngay từ ngày đầu khởi nghiệp. Một đế chế có định hướng tiếp thị.
Tuy nhiên tiếp thị theo kiểu Madonna không dính dáng tới những khái niệm truyền thống lấy khách hàng làm tâm điểm.[15] Trái lại, nàng đối xử với khán giả của mình một cách đáng tởm nhưng họ lại yêu nàng vì điều đó. Con người sân khấu của nàng trong cuộc lưu diễn Thế giới Chìm đắm năm 2001 hết báng bổ lại trở nên khinh khỉnh. Câu giáo đầu bài hát của nàng thay những lời sân khấu sáo rỗng “yêu tất cả các bạn” bằng “chó chết, những đồ chết bằm” và những câu tiếp thị dí dỏm kiểu khách-hàng-không-phải-vua tương tự. Ngoại trừ “Holiday”, nàng từ chối không chịu biểu diễn lại bất kỳ một bài nào trong những bài hit lớn nhất của mình, mà thích tập trung vào những chất liệu mới hơn, ít khán giả-thân thiện hơn. Buổi diễn chấm dứt, không phải với những cú lắc lư người nóng bỏng, những bàn tay vẫy tới lui, những câu yêu cầu hát lại, hoặc những tràng vỗ tay yêu cầu diễn lại khó lòng đạt theo ý muốn, mà là một đoạn video clip chiếu trên màn hình lớn thông báo với khán giả rằng “cô ấy sẽ không quay lại, vì thế cứ đi tiểu thoải mái thôi.” Nên nhớ rằng chuyến lưu diễn đó là chuyến đầu tiên của nàng sau chín năm dài, giai đoạn mà sự nghiệp của nàng đang chìm tới tận đáy, lập trường “quên khán giả đi” của Madonna rất táo bạo,  gần như là tự sát. Như tờ Vanity đã nhận xét một cách đúng đắn,[16] “Thế giới chìm đắm… trực tiếp chống lại những lời lẽ ngông cuồng tập trung theo bè phái, được dựng lên một cách khoa học rằng thời đại chúng ta được xem là những buổi hòa nhạc pop.”
Khi đó, Madonna hấp dẫn khán giả bằng cách khước từ không chịu thỏa mãn cho họ, bằng cách khước từ không thèm lắng nghe họ, bằng sự giày vò, hành hạ, và trêu ngươi họ không chút xót thương, bằng cách chơi trò làm cao, bằng cách thúc đẩy họ phải bỏ công vì nó, van xin nó, tự hạ mình trước nàng. Ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp nàng đã phản kháng việc hát lại lần nữa, thích để cho khán giả gào lên đòi hỏi nhiều hơn nữa. Nàng thực hiện tương đối ít các cuộc lưu diễn, trong vòng 20 năm chỉ có năm cuộc chính – và khi nàng thực hiện chúng, số bài hát cũ bị hạn chế một cách nghiêm ngặt (20 cho Girglie show, 29 trong Blonde Ambition, 48 trong suốt tour Thế giới chìm đắm, vv…) Các phân cảnh của nàng, khoảng 90 phút, là tương đối ngắn, nhưng dù chúng thiếu độ dài và đoạn kéo dài, chúng bù lại với sự kích động và quang cảnh. Tuy nhiên, kết quả của chiến lược này là các show của nàng luôn bán sạch vé, giúp giảm các phí tổn quảng bá liên quan; giá vé của nàng rất đắt, cao nhất trong ngành biểu diễn từ trước đến nay, và, dù phải chi một khoản khổng lồ, các tour diễn cực kỳ có lãi.[17]

Papa, đừng cao giọng
Nếu tham vọng xây dựng thương hiệu của nàng vô cùng cháy bỏng, chiến lược tiếp thị của Madonna cũng rất khác thường. Khi nó đi tới chỗ trở thành các chiến thuật mang tính xúc phạm, nàng giống như một vị tướng năm sao. Nàng là một kẻ gây tranh luận hàng loạt, một đấng tối cao trong khả năng giật dây. Từ khuynh hướng thích phô trương ở sân trường, qua lời đe dọa rút phép thông công của nàng của đức Giáo Hoàng cho tới vụ scandal về những bức ảnh nude của nàng, xuất hiện một cách bí ẩn đồng thời trên cả tờ Playboy lẫn Penthouse, Madonna đã làm chủ nghệ thuật buôn tin tức giật gân. Nàng là một Warren Buffet[6] của thị trường gây sốc, một tay môi giới chứng khoán của cổ phiếu thượng hạng blue blue chips. Nàng ý thức sâu sắc được rằng các vụ bán hình ảnh gợi tình, bán các cú sốc và các vụ buôn bán vừa gợi tình vừa gây sốc là những vụ làm ăn hời nhất.
Chẳng hạn, tháng 11-1990, nàng bố trí để MTV cấm cuốn video cấp 3 “Hãy biện minh cho tình yêu của tôi” (Justify My Love), và nhờ tác động quảng bá của nó sau đó, nàng bán được 400.000 cuốn băng video với giá 9.99 đô la/cuốn, phát hành vào đúng dịp lễ Giáng sinh. Năm trước đó, nàng che mắt Pepsi Cola bằng cách lợi dụng tiết mục quảng cáo cho nhà sản xuất nước giải khát khổng lồ này để giới thiệu đĩa đơn mới “Like A Prayer” của mình. Đồng thời, nàng làm ra một phiên bản thứ hai không dính gì tới công ty đó, với mục đích quảng cáo cho gói sản phẩm hit của mình, The Immaculate Collection. Không hề để ý tới những nghĩa vụ với các nhà tài trợ của nàng, phiên bản thứ hai này bao gồm những hình ảnh tình dục liên chủng tộc, xuyên tạc giới tu sĩ và  tổ chức KKK. Sự phản đối kịch liệt tiếp sau đó đã buộc Pepsi rút lại tài trợ cho nàng ca sĩ, điều này chỉ như đổ thêm dầu vào lửa, và, như thể thế vẫn còn chưa đủ, Madonna lượm thêm của công ty này một chi phiếu 5 triệu đô nữa. Kinh doanh sàn diễn chắc chắn không phải là một ngành kinh doanh của kẻ ngốc nghếch.
Tuy thế, với mọi cuộc gây tranh luận có tính toán, mọi sự khiêu khích đã sắp đặt, và những cơn giận dữ chống các tay săn ảnh trộm theo kiểu ghét giới truyền thông nhưng sẵn lòng cho chụp cận cảnh của mình, nhà nghệ sĩ tiếp thị bậc thầy này đã vấp ngã vào đầu thập niên 1990 và gần như rơi vào chốn lãng quên “giờ-này-em-ở-đâu”. Vụ scandal “Justify”, cuốn sách miễn phí Sex, một cuốn phim lố lăng gần như là phim con heo, Body of Evidence, một cuộc ra mắt đầy tai họa trên chương trình David Letterman, nơi sự huênh hoang cường điệu cửa mồm của nàng khiến Paul Shaffer[7] nhận xét rằng Cô gái Vật chất chẳng có chút gì vật chất,[18] dẫn tới niềm tin của nhiều người rằng cuối cùng Madonna đã đi quá xa. Erotica,  album nhạc với mọi sự khiêu khích sắp đặt trước nhằm quảng cáo, đã bán dưới 2 triệu bản, tệ nhất trong sự nghiệp của nàng. Cuốn phim Dangerous Game năm 1993 khiến khán giả phải cười phì trước màn hình và có một doanh thu ảm đạm là 60.000 đô. Nàng đã tự phơi sáng quá lâu, nói một cách nghiêm túc theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Khả năng gây sốc của nàng không còn hữu hiệu nữa, khi khán giả đã trở nên khôn ngoan và chán ngấy đối với các thủ thuật tiếp thị tạo sự náo động của nàng. Trong cuộc tìm kiếm một cách tuyệt vọng tính dâm ô, nàng đã đánh mất khả năng quyến rũ. Madonna, trên tất cả mọi thứ khác, là một con người cực kỳ quyến rũ. Như một tiết mục chọn ra và nhanh chóng thải hồi những viên đá lót đường nghề nghiệp dễ dàng hé lộ, nàng giày vò, trêu ngươi và hành hạ theo cách của mình cho tới tận cùng. Sức hấp dẫn của nàng đối với đám trẻ hâm mộ, theo một quan sát viên sắc sảo, dựa theo một thực tế rằng nàng đã giới thiệu cho cả một thế hệ những hoạt động ăn diện và sự trêu ngươi về tính dục. “Không có ai dưới lứa tuổi bốn mươi,” ông ta viết năm 1985, “[19] từng trêu ngươi về tính dục với một người nào khác ở Hoa Kỳ như 20 năm đó.” Không may là mười năm sau Madonna đã quên cách ve vãn. Nàng đã trở thành một sự quấy rầy, một kẻ lén lút ăn nói nhớp nhúa, một tay đại diện kinh doanh nhếch nhác, người mà các thân chủ đã trở nên quen thuộc với những lời ba hoa khiêu dâm của cô ta.

Don’t Buy for Me Argentina[8]
Tuy nhiên, giống như Liberace, Madonna đáp lại sự khủng hoảng giữa đường sự nghiệp này bằng cách làm việc miệt mài hơn bao giờ hết. Nàng quay lại với gốc gác của mình, và bước thoái lui. Cuộc lưu diễn Girlie Tour, nhại theo kiểu Lillian Russell – toàn nhung thượng hạng, dựng trại cao, và theo kiểu Barnum & Bailey – được đón nhận một cách cuồng nhiệt. Nó được nhanh chóng kế tục với Bedtime Stories, nhằm giới thiệu việc quay lại với các đĩa đơn “Secret” và “Take A Bowl”; Something To Remember, một sự trở về quá khứ sự nghiệp với những bài ballad hay nhất của Madonna; và Evita, bộ phim có vốn đầu tư lớn năm 1980 nói về sân khấu những năm 1950. Sự quay về tiếp tục với album Ray of Light; “Beautiful Stranger”, nhại theo bài hit của thập niên 60 Austin Powers; “America Pie”, một tái bản của bài cổ điển năm 1971 của Don McLean; và Music, một cái gật đầu trìu mến với những ngày xưa đẹp đẽ của nhạc disco pha trộn thêm chút country và western. Ngay cả Thế giới chìm đắm năm 2001 cũng là một sự quay lại lạ lùng với sự hỗn hợp các thể loại punk, disco, geisha và Ghetto Fabulous, tất cả dựa vào cuốn truyện khoa học viễn tưởng của J.G. Ballard, mà bản thân nó lại dựa vào bốn thành tố cơ bản: đất, nước, lửa, gió. Phép thần thông đã thay chỗ cho Thiên Chúa giáo La Mã làm nền tảng cho hệ niềm tin của Madonna. Giai điệu phù thủy mà nàng đi theo, như giải thích của cựu doanh nhân ngành bảo hiểm Rabbi Philip Berg, khẳng nhận rằng chỉ có những thứ đạt được thông qua lao động cần cù mới được tán thưởng một cách đúng đắn.
Có lẽ Madonna đã chuyển hóa từ cô gái vật chất thành cô gái siêu phàm, nhưng với các mục đích hiện tại của chúng ta, tầm quan trọng thật sự của nàng nằm trong khía cạnh cô gái quản lý của nàng. Bất kể sự đứt quãng sự nghiệp giữa chừng do phơi sáng quá lâu, nàng là một nhà tiếp thị vô song. Như gần đây nàng nhận xét về các chuyến lưu diễn ngoạn mục hiếm hoi của mình:[20] “Tôi không thấy có lý do để thực hiện một show trừ phi bạn tạo được sự không tin nổi vào các giác quan. Nó bao gồm nhà hát, kịch, sự ngạc nhiên và sự hồi hộp.” Chắc chắn, Liberace, Lillian Russell, và Patrick Sarsfield Gilmore sẽ phải đồng ý với nàng.
(còn tiếp)
Chú ý: Do bản dịch này đã hết hạn khai thác tác quyền tiếng Việt và người đầu tư không tiếp tục dự án xuất bản bản dịch nên tôi chỉ đưa vào blog của mình để các bạn quan tâm tới lĩnh vực này có tư liệu tham khảo. Xin các bạn đọc vui lòng không sao chép lại các phần của bản dịch này vào các trang mạng khác. Rất cám ơn sự ủng hộ của các bạn.

[1] Ở đây, tác giả lại chơi chữ. Xin bạn chú ý đến hàng chữ in nghiêng bên trên và nguyên văn sau: a Totally Stressless Acronym Excision Exercise… [but] Also Totally Exceed Subscribers’ Expectations.
 [2] Tên gọi trong nhà của Liberace
[3] Unique Selling Proposition - Một khái niệm tiếp thị  chỉ các chiến dịch đưa ra những đề xuất khác thường để thu hút khách hàng chú ý tới thương hiệu của mình.
[4] Jack Kerouac (pronounced /kɛr-o-ek/) (1922 - 1969) tiểu thuyết gia, thi sĩ và họa sĩ Mỹ.
 [5] Lolita (1955) là một tiểu thuyết của Vladimir Vladimirovich Nabokov. Sau khi được xuất bản, tiểu thuyết trở thành một tác phẩm kinh điển và là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất và gây ra nhiều tranh cãi nhất trong nền văn chương thế kỷ 20. Cái tên "Lolita" đã đi vào văn hoá phổ thông như là một từ để mô tả cô gái trẻ phát triển sớm về giới tính. (http://vi.wikipedia.org/wiki/Lolita)


[6] Warren Edward Buffet (sinh ngày 30 tháng 8 năm 1930 tại Omaha, Nebraska) là một nhà đầu tư chứng khoán, doanh nhân và một nhà nhân đạo người Mỹ. (http://vi.wikipedia.org/wiki/Warren_Buffett)
 [7] Paul Allen Wood Shaffer, sinh năm 1949, nhạc sĩ, diễn viên, tác giả, kịch tác gia người Canada, là trưởng ban nhạc trong chương trình Late Show with David Letterman.
[8] Nhại theo bài hit “Don’t Cry For Me, Argentina” của Madonna

___________________________

          CHÚ GIẢI VÀ THAM KHẢO
Giai điệu thư giãn:  Bây giờ, đây là cái mà tôi gọi là Tiếp thị # 2

1.       Darden Asbury Pyron, Liberace: An American Boy (Chicago: University of Chicago Press, 2000); Bob Thomas, Liberace: The True Story (New York: St. Martin’s, 1987); Liberace, Liberace: An Autobiography (New York: Putnam’s, 1973); Liberace: The Wonderful, Private World of Liberace (New York: harper and Row, 1986).
2.       Pyron, Liberace, sách đã dẫn, pp. 286, 372, 379.
3.       Pyron, Liberace, sách đã dẫn, p. 156.
4.       Pyron, Liberace, sách đã dẫn, p. 165.
5.       Trong một nỗ lực xoa dịu sức nóng của nền công nghiệp giải trí giữa thập niên 50, Liberace yêu cầu một khoảng tiền chưa từng có là 50.000 đô cho mỗi cam kết. Đây là khoảng lệ phí mà ông nghĩ không có khả năng đạt được, nhưng khách sạn Riviera ở las Vegas đã nắm lấy cơ hội. Ông khai trương ngày 20-4-1955, với một show đặc biệt trình diễn những thay đổi trang phục phong phú mà sau đó trở thành thương hiệu của ông. Last Frontier, nơi cư ngụ trước đó của Liberace, đáp ứng cho một tay nhạc rock ‘n’ roll trẻ đang lên đến từ Tupelo, Mississippi, người đã xuất hiện lần đầu ở Las Vegas vào mùa giải trí năm 1956. Đây là một tai họa, dù kẻ chiến thắng hào hiệp đang trên con đường chào hàng thể loại nhạc punk và cho anh vài lời khuyên về sự hào nhoáng giả tạo, sự quyến rũ và sự khoa trương ầm ĩ của nghệ thuật quảng cáo mang phong cách Las Vegas. Elvis không bao giờ quên sự hào phóng của ông ta, tất nhiên. Sau đó, mỗi lần mở một sòng bạc, Liberace luôn gửi cho anh một bó hoa có hình dáng cây đàn guitar.
6.       Lewis MacAdams, The Birth of the Cool: Beat, Bebop, and the American Avant-Garde (New York: Free Press, 2001); David Halberstam, The Fifties (New York: Fawcett Columnbine, 1993); David Sterritt, Mad to be Saved: The Beats, the 50s, and Film (Carbondale, IL: Southern Illinois University Press, 1998).
7.       Michael Segell, “It’s All Wunderful for Liberace: An Extraodinary Visit with the Gilded Cherub of American Camp,” Rolling Stone, 1-10-1981 (trích Pyron, Liberace, sách đã dẫn, p. 283).
8.       Marc Cooper đã mô tả một cách hài hước viện bảo tàng đó thế này: “Tôi không có ý muốn tước đoạt niềm hoan lạc của độc giả trong việc tự mình khám phá những nội dung của ngôi đền này, nhưng tôi xin có lời khuyên rằng khi bạn làm một cuộc hành hương tới đó, đừng quên mang kính râm. Ánh sáng cực kỳ chói chang; ở đây chiếc đại dương cầm Balwin dát thạch anh, chiếc Roll-Royce cũng dát thạch anh tương đương (nếu bạn gặp khó khăn trong việc tìm ra nó chỉ cần tìm ra chiếc Rolls có nước sơn y hệt một lá cờ kế bên nó), chiếc VW tháo mui  dát thạch anh và sơn màu đỏ san hô với một tấm lưới xe Rolls, bộ sưu tập những áo choàng nhung với cúc áo bằng đá thạch anh, thêm một chiếc đại dương cầm dát thạch anh nữa, và cái khung dát thạch anh bao quanh chân dung của Liberace và Tony Orlando.” (p. 342 trong “Searching for Sin City and Finding Disney in the Desert,” Mike Tronnes, ed., Literary Las Vegas, sách đã dẫn, pp. 325-50).
9.       Pyron, Liberace, sách đã dẫn, p. 451.
10.   J. Randy Taraborreilli, Madonna: An Innimate Biography (London: Pan, 2002); Andrew Morton, Madonna (London: Michael O’Maza, 2001); Christopher Anderson, Madonna Unauthorized (New York: Simon and Schuster, 1991); Robert Mathew Walker, Madonna: The Biography (New York: Sigwick and Jackson, 1991).
11.   Matthew Rettenmund, Encyclopedia Madonnica (New York: St. Martin’s, 1995).
12.   Carol Benson và Allan Metz, des., The Madonna Companion: Two Decades of Commentary (New York: Schirmer, 1999)
13.   Luc Sante, “Unlike a Virgin” 9p. 236 trong Benson và Metz, The Madonna Companion, sách đã dẫn, pp. 232-40).
14.   Trích trong Taraborreilli, Madonna, sách đã dẫn, p. 217.
15.   Theo nhiều cách, chiến lược tiếp thị của Madonna gợi nhớ tới chính sách tiếp thị Presley của Đại tá Tom Parker, đã thảo luận ở Bài học 7. Thật sự, Madonna tin rằng có một sự giống nhau giữa cô và nhà vua, phần lớn là vì ông đã chết vào ngày sinh nhật thứ 19 của cô. Tuy nhiên, khi được so sánh trực tiếp với Presley sau cuộc trình diễn khét tiếng “Like a Virgin” trên MTV (một tiết mục lặp lại cách diễn của Presley trên Milton Berle show ngày 5-6-1956), cô đáp một cách chua ngoa: “Tôi chưa bao giờ có ai như Đại tá Parker để dựa dẫm hay chỉ bảo tôi phải mặc thứ gì hay nghĩ gì, làm gì… Tôi tự mình làm tất cả.” (p. xiii trong Steve Dougherty, “Introduction: The Madonna Legend,” Benson và Mets, eds., The Madonna Companion, sách đã dẫn, pp. xiii-iv).
16.   Steven Daly, ‘Madonna Marlene,” Vanity Fair, 10-2002, p. 226.
17.   Robert LaFranco, “The Rolling Stone Money Report,” Rolling Stone, July 2002, p. 65.
18.   Trích trong Taraborrelli, Madonna, sách đã dẫn, p. 244.
19.   John Skow, “Madonna Rocks the land” (p. 114 trong Benson và Metz, eds., The Madonna Companion, sách đã dẫn, pp. 109-16).
20.   Q. Magazine, “Madonna,” Q. 9-2002, p. 86.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét