Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2014

TRẮNG - Truyện ngắn





(Black Magic 95- Abstract Heart Art by Sharon Cummings)

Trắng

1.

…Ngoài kia trời tối đen. Còn trong gian nhà nhỏ của tôi, bóng đèn néon hắt ra một thứ  ánh sáng lạnh lẽo. Lạnh và trắng. Như gì nhỉ? Như những tấm khăn sô? Như những tấm vải liệm? Như màu da của Thúy hôm chia tay cuối cùng ở trạm xá? Phải rồi. Chính là cái màu sắc ấy, cái cảm giác ấy…
           
Tim tôi chợt nhói lên. Cơn đau rất dịu dàng. Quá đỗi dịu dàng. Nó không làm tôi khó chịu hay đau đớn. Nó chỉ làm cả thân thể lạnh đi chút ít, buốt tê chút ít. Trong số mấy trăm cơn đau mà tôi trải qua lúc gần đây – chắc mỗi ngày có đến năm, sáu lần – nó là cơn đau êm ái và đáng yêu hơn cả. Giống như cơn đau khi tôi gặp Thúy lần đầu, bốn mươi hai năm trước…

            Bốn mươi hai năm trước, ông mười bảy tuổi. Vồng ngực căng phồng. Những đường gân hồng hào nằm nép mình khiêm tốn, lẩn khuất sau những bắp thịt săn cứng, chỉ xuất đầu lộ diện, khoe bày sự dũng mãnh của chúng khi ông nhấc những bao gạo chỉ xanh một tạ lên vai, bước vững chãi từ chiếc ghe hàng lên kho gạo của Tám Hô.

Ngày ấy, Tám Hô là ông chủ của ông. Ông ta là một con người bần tiện, ke re từng đồng xu lẻ với vợ con, người ăn kẻ ở, nhưng lại trở nên hào phóng, bất cần khi bước vào sòng bạc, sẵn sàng bán cả nhà cửa, gia sản cho những canh bạc điên cuồng. Cho đến lúc ấy, Tám Hô vẫn còn may lắm, thắng nhiều hơn thua. Dù sao, Tám Hô cũng là ân nhân của ông, là người đã cứu vớt ông khỏi một cuộc sống còn tối tăm u ám hơn trong căn chòi rách nát, với người mẹ ủ ê, với gã cha dượng ác độc, ngày nào cũng cho ông ăn mấy trận đòn thù. Phải, đòn thù, vì hắn căm thù mẹ ông, căm thù ông. Vì sao thì ông không biết, và cũng không cần biết. Ông chỉ muốn bỏ trốn, chạy đi đâu thật xa để thoát khỏi cái cuộc sống khổ sở khốn kiếp ấy. Hoặc, ghê gớm hơn, đôi khi trong những giấc mơ, ông thấy ông cầm một chiếc liềm bén ngót cứa vào cổ gã cha dượng, rồi dửng dưng nhìn một tia máu phọt ra, đỏ lên rực rỡ, như ánh nắng hoàng hôn cuối mé chân trời. Giấc mơ ấy cứ trở đi, trở lại. Và có lẽ, một ngày nào đó, nó sẽ trở thành hiện thực, nếu Tám Hô không xuất hiện, đưa ông ra khỏi căn nhà ấy… Phải, nói cho cùng, Tám Hô là ân nhân của ông.

…Có những tiếng gì nghe cứ đều đều vang vọng bên tai? À, đó là tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ treo tường. Chúng đã đánh thức tôi khỏi những tưởng nhớ mơ màng. Tích tắc… tích tắc… Những tiếng đều đều nổi lên trong đêm tĩnh mịch… Trái tim suy kiệt của tôi cũng đang khe khẽ đập, mỗi lúc nhanh hơn… nhanh hơn nữa… Tích tắc… Tích tắc… Cuộc đời tôi có là một chuyển động vòng tròn như những chiếc kim đồng hồ kia, chạy đua mãi với thời gian, để rồi cuối cùng thấy mình vẫn quay về nơi cũ?…

Bốn mươi hai năm trước, ông gặp Thúy lần đầu. Một cô bé mười lăm tuổi, gầy nhom, tóc tai bù rối, quần áo vá chằng vá đụp. Nhưng mắt nàng đẹp lắm. Mắt to, đen, hiền, và thăm thẳm. Có lẽ cuộc đời nàng cũng khốn khổ như cuộc đời ông. Bởi, đôi mắt ấy lẽ ra không nên thăm thẳm như vậy, lẽ ra nó phải lóng lánh, phải trong veo, như những hòn bi xanh mới toanh mà ông khó khăn lắm mới có được hồi nhỏ. Gặp nàng lần đầu, chợt tim ông nhói lên một cơn đau.

…Cơn đau ấy giống như cơn đau lúc này đây! Dìu dịu, tê tê ở một vùng trái ngực, rồi lan tỏa khắp thân người…

Mười bảy tuổi, ông chưa có khái niệm gì về tình yêu. Ông vốn chưa có khái niệm gì về tình yêu thương nói chung. Cả tình mẹ, tình cha, tình làng nghĩa xóm… Từ lúc biết nhớ, ông chưa thấy ai tốt với mình. Có lẽ vì cuộc sống của tất cả những người xung quanh ông đều tối tăm, khổ nhục, đen đủi… như  con kinh lúc nước ròng chỉ bốc lên mùi thúi hoăng và ngập đầy rác rến ở cái xóm nhỏ của ông ngày ấy. Phải, lúc đó ông chưa biết yêu là cái quái gì! Nhưng tình yêu, tự trong bản chất ông, đã cất lên tiếng nói, đã phục sinh như những đám cỏ cháy khô ngoài ruộng chợt đâm chồi trở lại sau một trận mưa rào. Ông không biết là ông yêu nàng ngay từ lúc đó đâu. Ông chỉ biết rằng ông luôn nghĩ tới nàng, luôn muốn làm cho nàng một điều gì đó tốt lành, muốn dâng tặng cho nàng tất cả những gì mà ông có được. Và, hơn tất cả, muốn cho đôi mắt đen của nàng không còn nhuốm nỗi buồn u uất. Muốn chúng phải long lanh, trong veo như những hòn bi xanh mới.

            …Tâm hồn của tôi hồi nhỏ chắc cũng trong veo như vậy, như những hòn bi mới. Và như những hòn bi, chúng rất dễ bị sứt mẻ, dễ bị vấy bẩn, trở thành những khối hình thù sứt sẹo, đầy thương tích… Có lẽ tâm hồn mọi con người cũng giống như vậy. Nếu chúng ta không biết trân trọng nó, gìn giữ nó, luôn đặt nó trong một môi trường trong lành, nó cũng sẽ bị vấy bẩn, bị sứt sẹo, đầy thương tích; sẽ trở thành những thứ dị dạng quái thai… Có phải không, hả Thúy?

            Nàng đến kho gạo của Tám Hô làm người ở đợ. Như ông. Nhưng nàng chỉ làm những công việc nhẹ nhàng, quanh quẩn trong nhà, trong cái sân rộng đầy bao tải bốc lên một mùi ẩm mốc. Hôm ấy, nàng đến lúc ông vừa vác xong bao tải gạo cuối cùng chất vào kho. Quay ra, ông bắt gặp nàng đang đứng xớ rớ, co ro bên bậc cửa. Tám Hô và một người đàn bà lạ, nét mặt hiền hậu nhưng ủ dột đang nói chuyện gì đó trong nhà. Sau này, ông biết đó là mẹ của nàng.  Ông nhìn nàng. Nàng đứng cúi đầu xa vắng, như không màng biết gì đến mọi chuyện xung quanh. Và ông cứ đứng như trời trồng nhìn nàng mãi. Rồi người đàn bà bước ra sân. Bà ta đưa tay vuốt nhẹ đầu nàng, nói mấy câu từ giã, rồi liêu xiêu bước đi trong ánh nắng chiều phai úa. Lúc ấy, nàng mới ngẩng đầu lên, nhìn theo bóng mẹ. Và lúc ấy, ông mới nhìn thấy thật rõ đôi mắt đang rướm lệ của nàng. Chính lúc ấy, cơn đau chợt nhói trong tim.

            Tiếng đồng hồ vẫn đều đều gõ nhịp. Tích tắc… tích tắc… Cơn đau êm đềm này có lẽ sẽ là cơn đau cuối của tôi. Mọi hạnh phúc dịu êm, mọi nhục nhằn đau khổ rồi cũng mất đi. Cái còn lại là gì? Thúy có biết không… Hình như, đó là ký ức của người còn sống. Tất cả đều sẽ phôi phai, tan biến. Chỉ có những gì nằm trong ký ức của người còn sống là hiện hữu…

Trước đó, ông vẫn thấy hài lòng với cuộc sống tương đối ấm êm, bình lặng. Cơm ngày ba bữa, quần áo một năm hai ba bộ, tùy theo độ bền của vải. Và mỗi năm, khi Tết đến, ông được bà Tám Hô phát cho mấy chục đồng để chơi đánh bài, đổ bầu cua cá cọp hay mua sắm linh tinh. Ông đã quen với cuộc sống đó từ lúc về ở với Tám Hô – năm mười một tuổi – cảm thấy không có gì phải phàn nàn, lo nghĩ nữa. Thế nhưng, từ lúc nàng đến, cuộc đời ông đã hoàn toàn xáo trộn. Ông muốn có thể bảo vệ cho nàng trước những trận đòn và lời chửi rủa của bà Tám. Ông muốn được mãi nhìn nàng, trông thấy nàng, gặp nàng, nghe nàng nói, thấy nàng cười, dù lúc ban ngày hay trong những giấc mơ…

Rồi hai năm sau, ông lên mười chín, còn nàng mười bảy. Dù thường xuyên bị đánh chửi, sự ăn uống ở nhà Tám Hô không đến nỗi nào, nên nàng lớn nhanh và ngày càng đầy đặn. Cô bé nhỏ xíu gầy nhom dạo trước giờ trở thành một thiếu nữ phổng phao. Ngực tròn căng sau làn vải. Mái tóc cũng đã trở nên óng mềm buông xuống bờ vai thon thả. Nàng rất ít nói, nhưng khi gặp ông, nàng hay mỉm cười với ông. Những nụ cười của nàng đẹp lắm. Ông không thể, cũng không muốn so sánh chúng với bất cứ thứ gì khác. Chúng đẹp hơn bất cứ thứ gì khác mà ông biết. Ông tìm một cái sọ dừa thật già, thật cứng, đập vỡ thành nhiều mảnh, chọn một mảnh vừa ý, rồi lấy lưỡi cưa sắt cưa thành hình trái tim. Ông nung đỏ chiếc que sắt dùi một cái lỗ ở đầu trái tim ấy để xỏ dây.  Rồi suốt cả tuần, ông ngồi tỉ mẩn cạo chuốt trái tim cho đến lúc nó trở nên bóng láng. Ông lại tỉ mẩn khắc lên đó hai chữ: “Tặng Thúy”. Dịp Tết năm nàng mười bảy tuổi, ông gom tất cả số tiền dành dụm được, ra chợ mua một sợi dây chuyền pha bạc. Tiền của ông quá ít để có thể mua được thứ gì khá hơn. Dù sao, ông cũng đã làm hết khả năng và tấm lòng mình để có món quà tặng ấy cho nàng. Và một đêm, ông đã trao nó cho nàng. Nàng nhận, với một nụ cười như ánh trăng lộng lẫy trong đêm, dù ông không muốn so sánh nó với ánh trăng. Nó còn đẹp đẽ dịu dàng hơn ánh trăng gấp nhiều lần, với ông!

Dạo đó, Tám Hô hay len lén nhìn nàng. Ánh mắt của hắn giống như ánh mắt của một con rắn sắp vồ mồi, phát ra những tia sáng mưu mô xảo quyệt và độc ác. Bà Tám Hô nhận ra điều ấy, và nàng càng gánh nhiều những đòn roi và mắng chửi vô lý hơn. Lúc đó, ông ao ước phải chi mình là người vững vàng, giàu có, để có thể dang rộng đôi tay bảo bọc cho nàng, đưa nàng thoát khỏi cuộc sống mà trước đây ông cứ tưởng là bình an, êm ả.

Chuyện phải đến đã đến. Một đêm, bà Tám đi vắng. Tám Hô xông vào buồng cưỡng hiếp nàng. Nàng kháng cự nhưng không dám la to, rồi cuối cùng sức yếu đành để mặc cho Tám Hô vùi dập. Sáng hôm sau, khi bắt gặp đôi mắt đỏ mọng, sưng húp và cái vẻ đau đớn tủi hổ không thể che giấu của nàng, ông hiểu ngay mọi chuyện. Ông không thể dằn được cơn điên giận sục sôi. Ông không nhớ mình đã làm gì. Chỉ biết cuối cùng Tám Hô nằm lăn ra đất, bất tỉnh, máu me đầy mình mẩy. Còn ông, ông bỏ chạy. Ông không thể mang nàng theo. Đó là một nỗi đau khác của ông. Nỗi đau không phải ở thể xác mà ở tâm hồn, cứ cứa vào lòng ông những vết sâu tàn bạo.

Từ đó, ông không gặp lại nàng. Nàng cũng đã bỏ nhà Tám Hô đi. Bốn phương trời vô định, nàng như một cánh chim nhỏ bé lẻ loi, biết trôi dạt về đâu, biết có chống chọi, tồn tại được trong bao nhiêu bão táp cuộc đời. Ông đã tìm nàng khắp nơi, tìm liên tục suốt hơn mười năm mà vẫn bặt tăm tin tức. Cũng từ đó, đời ông đã trải qua bao nhiêu thay đổi. Gia nhập băng đảng giang hồ quận Cảng. Làm anh chị một thời gian. Đi tù. Rồi trốn trại. Rồi lại đi tù. Rồi lại trốn trại… Cho đến ngày Sài Gòn giải phóng, ông vẫn còn nằm trong trại giam. Sau đó, ông được thả, lại tiếp tục kiếp sống giang hồ, nhưng không dám làm những chuyện quá tàn nhẫn, vô lương tâm như trước. Cuối cùng, ông lại bị bắt, vì tội trộm tài sản xã hội chủ nghĩa, bị đưa vào một trại cải tạo của Thanh niên xung phong. Và từ đây, đời ông đã chuyển sang một bước ngoặt mới.

Những người bạn trại viên của ông cũng giống như ông. Đa phần đều trở thành tội phạm do sự bất công, áp bức. Sâu thẳm bên trong tâm hồn, họ cũng như ông đều ao ước có một cuộc sống yên lành, no ấm, được mọi người xung quanh yêu mến và tôn trọng. Cuộc sống mới, với sự dìu dắt, với tấm lòng cảm thông của những cán bộ Thanh niên xung phong đã mở ra cho ông và nhiều bạn cùng trại một con đường sáng sủa, con đường quay trở lại trong vòng tay của cộng đồng. Ông được học bổ túc văn hoá. Rồi hết hạn cải tạo, ông tình nguyện ở lại làm người cán bộ, dìu dắt lại những đàn em từng sa ngã lỡ lầm như ông dạo trước. Từ một người chỉ võ vẽ i tờ dăm ba chữ, trong vòng tám năm ông đã học hết bậc phổ thông. Bốn năm sau, ông tốt nghiệp đại học. Rồi chuyển ngành. Ra làm giám đốc một công ty trực thuộc Lực lượng Thanh niên xung phong. Rồi ông cũng lấy vợ, sinh con. Hình bóng Thúy ngày nào chỉ còn là một nét mờ nhoà nhạt khuất sâu trong ký ức.

Ông bắt đầu có nhiều bạn bè làm ăn, áp phe áp phung đủ thứ. Có những chuyện biết mười mươi là sai, là bậy, nhưng cái thế nó buộc ông phải lao theo, nếu muốn duy trì chỗ đứng, vị thế đang có của mình. Và, ông ngày càng tuột xuống con dốc kinh khủng của nếp sống đồi bại, ngày càng tha hoá tâm hồn. Bồ nhí đến mấy em. Chán em này, ông cặp với em khác. Mấy em cũng nào có yêu mến gì mình – Ông nghĩ – Chúng yêu cái túi tiền của mình thì có. Rồi cả gia đình của ông cũng đã tan nát như tương tàu, tuy bên ngoài còn giữ được cái vẻ ấm êm giả tạo. Hai đứa con gái ông, đứa nào cũng học đòi ăn chơi, phóng đãng. May mà chúng chưa đến mức chơi ma túy. Vợ của ông có kép nhí. Lâu lâu bà ta lại vù đi du hí với thằng kép ở đâu đó dăm bữa, một tuần. Ông cũng chả thiết. Ngày lấy bà ta, ông nào có yêu thương gì. Chẳng qua, chỉ vì chút háo danh. Bố của bà ta vốn là một quan to, có thể giúp ông thăng tiến nhanh chóng hơn trên đường danh vọng.

Một lần nọ, sau một cuộc nhậu tưng bừng với đám “anh em chiến hữu”, ông đưa một con bé chân dài tới khách sạn để tiếp tục “tăng ba”. Trong lúc đang ngồi chờ con bé vào toilet tắm táp, ông nhìn ngó bâng quơ. Trên tường, có một tấm tranh, vẽ chân dung của một thiếu nữ, hay thiếu phụ gì đó. Ông nhìn thoáng qua nó, rồi tiếp tục hình dung tới cặp đùi tròn chắc nịch mơn mởn của con bé. Nhưng rồi ông chợt giật mình. Có cái gì đó ở tấm tranh, quen thuộc lắm!  Ông bật sáng đèn, rồi bước tới gần tấm tranh. Khuôn mặt này. Đôi mắt này. Sao giống quá người xưa! “Thúy ơi! Bây giờ em ở đâu?” – Ông khẽ rên lên, rồi mặc lại quần áo. Con bé bước ra, õng ẹo tới gần ông, bộ ngực cứ muốn nhảy chồm khỏi chiếc váy hai dây. Ông dúi cho con bé một nắm tiền, rồi lẳng lặng đi ra, rời khách sạn, lái xe đến một chỗ vắng ngồi suy nghĩ. Ông suy nghĩ thật lâu, rồi quyết tâm làm lại tất cả từ đầu.

….Đã có một thời tôi lầm lỡ. Đã có một thời tôi biết nhận ra lỡ lầm và dám làm lại cuộc đời mới. Nhưng cuộc sống không hề đơn giản. Cuộc sống dễ dàng nhấn chìm con người trong những vực xoáy đen ngòm, tàn bạo nếu ta không tỉnh táo. Và chỉ cần không tỉnh táo trong giây phút, ta sẽ đánh mất tất cả những gì đã gầy dựng được… Một lần nữa, ta phải bắt đầu từ hai bàn tay trắng…

Ông trở về, tập hợp toàn gia đình lại. Đó là một cuộc nói chuyện khá dài và đầy ắp những trao đổi chân tình, lúc đầu hơi khó khăn căng thẳng, nhưng ngày càng suôn sẻ. Ông nhận lỗi với vợ, với hai con. Ông khuyên nhủ hai đứa con gái từ nay nên thay đổi, sống cho đàng hoàng tốt đẹp hơn. Ông đề nghị vợ ông nên chấm dứt, hoặc ít ra hạn chế bớt mối tình dan díu của bà, để có thời gian chăm sóc, quan tâm đến hai con nhiều hơn. Còn ông, ông sẽ từ chức, từ bỏ những cuộc làm ăn đầy dẫy nguy cơ, đầy cám dỗ con người sa vào tội lỗi… Ông sẽ để lại tất cả gia sản cho ba mẹ con. Ông chỉ mang đi chút tiền đủ để mua một miếng đất và một túp nhà nho nhỏ ở ngoại ô, sống như một anh nhà nông đơn giản. Để xoá bỏ mọi lỗi lầm, để sống những ngày còn lại một cách bình an. Vợ và các con ông bất ngờ, nhưng xúc động. Cả ba đều khóc sướt mướt. Thật sự, mọi xáo trộn gia đình cũng do tội lỗi của ông… Những lời nói chân tình của ông đã thuyết phục được họ, ít ra là trong giây phút đó.

2.

…Đó là điều tốt lành duy nhất, mà tôi còn làm được trước khi về bên em đó, Thúy ơi! Cám ơn em, cám ơn em nhiều lắm. Nếu không nhờ em, không nhờ đôi mắt trong tấm tranh ở một căn phòng khách sạn nhắc cho tôi nhớ tôi là ai, tôi đã phải từ giã cuộc đời trong ô nhục, và chẳng mặt mũi nào gặp lại em ở chốn xa kia… Thúy ơi!…

Và ở nơi ở mới, ông đã gặp lại nàng, gặp lại Thúy, vào một buổi tối, trong cái trạm xá nhỏ của thị trấn. Gặp lại lần đầu, cũng là lần cuối. Chiều hôm ấy, ông cảm thấy khó thở, thấy mệt và choáng váng. Ông đã bắt đầu có một cảm giác bất an với trái tim vốn rất khoẻ mạnh của mình từ một hai năm sau khi về ở đó. Thỉnh thoảng, ông đến các hiệu thuốc tây mua vài vỉ thuốc giảm đau về uống. Nhưng những cơn đau ngày càng đến nhiều hơn, thường xuyên hơn. Và hôm ấy ông khó chịu quá, mệt quá, nên phải đến trạm xá thị trấn để khám bệnh. Và ông đã được yêu cầu nằm lại chờ kiểm tra toàn diện.

Chiều hôm ấy, đội tuyển bóng đá Việt Nam thi đấu với đội nào đó trong giải SEA Games. Và đến khoảng chín giờ, ông nghe tiếng xe gắn máy gầm rú ồn ào. Đám trẻ lại kéo nhau  đi “bùng” để mừng đội Việt Nam toàn thắng. Chín giờ rưỡi tối, người ta đưa đến trạm xá một thân hình đẫm máu. Một người đàn bà. Bà ta bị một chiếc xe đâm phải. Thằng con trai lái xe bị ngã, bị thương nhưng nhẹ thôi, còn bà, vết chấn thương ở đầu quá nặng. Muốn cấp cứu gì cũng chỉ có cách gọi điện lên bệnh viện huyện và chờ đợi. Bà được tạm đưa vào sơ cứu ở trạm xá. Giờ đó, cái trạm xá nhỏ cũng chẳng còn bao nhiêu người. Một bác sĩ và một y tá trực, ông, và bấy giờ, thêm một người khách, người đàn bà bị tai nạn. Lúc người ta đưa người đàn bà đó vào, ông vẫn còn trong cơn hôn mê choáng váng. Sau đó, khoảng mười giờ hơn, ông tỉnh lại, thấy hơi khoẻ hơn chút ít. Ông rời giường, bước ra khỏi căn phòng nhỏ, lững thững bước tới gần chỗ người y tá trực. Ông gật đầu chào người y tá. Đó là một cô gái trẻ khá xinh, trạc tuổi con gái lớn của ông. Người y tá gật đầu chào đáp, rồi khẽ giọng nói với ông, nét mặt hơi buồn: “Có một bác gái bị tai nạn, vừa mất rồi, bác ạ! Bác ấy không có giấy tờ tùy thân gì trên người nên tụi cháu tạm để ở xác ở đây, chờ cấp trên có hướng giải quyết… Tụi nhỏ bây giờ chạy ẩu quá, chẳng coi mạng sống của mình và người khác ra gì há bác…” Ông thấy buồn buồn. Lặng thinh giây lát, ông nói: “Tôi có thể vào thăm người mất một lát được không cô? Tôi muốn tới vuốt mắt, ngồi gần bà ấy một lát… để… may ra linh hồn người ra đi có chút ấm áp nào chăng.” – “Dạ không sao, bác cứ vào đi.” – Người y tá đáp.

Ông bước vào căn phòng. Trên chiếc giường phủ drap trắng, một người đàn bà nằm lặng lẽ. Một tấm drap khác phủ lên toàn bộ thân người bà. Ông bước tới gần, khẽ khàng kéo tấm drap xuống. Một khuôn mặt gầy xương, nhưng vẫn còn giữ được những đường nét khá đẹp của thời xuân sắc. Gương mặt ấy giờ đây thật trắng, thật lạnh… Như một tấm khăn sô… Như một tấm vải liệm… Gương mặt này có nét gì đó thật quen. Ông nhíu mày. Bác sĩ và y tá trạm xá đã lau rửa sạch máu me của những vết thương và thay áo cho người chết. Nhưng lấp ló sau chiếc cổ áo bệnh nhân vẫn còn một sợi dây chuyền. Một sợi dây chuyền không phải bằng vàng, mà là một thứ kim loại gì đó, có thể là pha bạc. Theo năm tháng, nó đã biến sang một thứ màu xám hơi mờ xỉn. Ông chợt giật mình. Ông nhìn lại một lần nữa, thật lâu, gương mặt người chết. Rồi, run run, ông đưa tay khẽ kéo sợi dây chuyền ra. Ở cuối đầu dây, là một miếng sọ dừa láng bóng hình trái tim. Trên đó vẫn còn thấy lờ mờ nét khắc vụng về: “Tặng Thúy”. Ông chợt thấy choáng váng, cố gượng nhưng vẫn quỵ xuống, ông cố bám tay vào cạnh giường, nhìn gương mặt ấy thêm lần nữa, rồi dần chìm vào một cơn mê.

3.

…Đó là một khoảnh khắc thật hạnh phúc, và cũng tột cùng đau đớn của tôi… Tại sao, tại sao tôi không gặp lại em sớm hơn, hả Thúy? Tại sao… Dù sao đi nữa, tôi đã trở lại với con người của thằng Mẫn ngày xưa. Thằng Mẫn đã từng ngơ ngác đứng nhìn em hôm gặp lần đầu, thằng Mẫn đã được em ban tặng những nụ cười đẹp không gì sánh nổi, thằng Mẫn từng yêu em tha thiết, và hình như cũng đã được em yêu. Sợi dây chuyền nói lên điều đó!… Và tôi đã có thể xứng đáng để gặp lại em. Hãy chờ tôi Thúy ơi! Tôi sẽ tới cùng em. Sau bốn mươi năm xa cách…

Tiếng đồng hồ gõ nhịp giảm dần… giảm dần… nhỏ dần… nhỏ dần… Tiếng nhịp tim ông cũng giảm dần, nhỏ dần đi. Mơ hồ, ông nhìn thấy một con tàu với cánh buồm căng lộng gió đang bập bềnh tiến tới gần ông. Chấp chới ở phía xa, bầu trời và chân trời chợt ánh lên một sắc trắng lung linh, huyền ảo và ấm áp.

03/2006

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét