Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

NHỮNG CHIÊU TIẾP THỊ NGƯỢC ĐỜI - GIỚI THIỆU





STEPHEN BROWN


Những chiêu tiếp thị ngược đời

BẢN DỊCH: NGUYỄN THÀNH NHÂN
Dịch từ nguyên bản tiếng Anh Free Gift inside (2003)

________________________


Quên khách hàng đi. Phát triển phương thức tiếp thị trêu ngươi



******

GIỚI THIỆU


Tác giả Stephen Brown hiện là giáo sư chuyên khoa Nghiên cứu Tiếp thị tại Đại học Ulster, Bắc Ái Nhĩ Lan. Số lượng tác phẩm đã xuất bản của ông bao gồm 20 đầu sách tiếp thị, trong đó có 12 quyển đơn tác giả, hai quyển đồng tác giả và sáu quyển đồng biên soạn.Brown là người chủ xướng các lý thuyết tiếp thị mới, được xem là “dị giáo”, đi ngược hẳn với lý thuyết tiếp thị truyền thống. Lý thuyết của Brown là lý thuyết mới, do đó, ông cũng sáng tạo ra những thuật ngữ và khái niệm tiếp thị trước đó chưa từng có. Chẳng hạn như khái niệm MARKETEASE, cấu trúc TEASE và Mười hai mô hình chữ D trong quyển sách này.
Là sách về tiếp thị, nhưng Những chiêu tiếp thị ngược đời không mang tính chất kinh viện cũ kỹ mà có một cách thể hiện hoàn toàn mới mẻ và độc đáo. Trong quyển sách này, Brown đề ra một chủ thuyết mới: không nên đi theo lối mòn định hướng khách hàng đã trở thành lạc hậu mà nên hướng tới một định hướng phản khách hàng (anti-customer), nói rõ hơn, đó là giày vò, hành hạ, trêu ngươi khách hàng, khiến cho họ phải chạy theo những con đường mà nhà kinh doanh đã vạch sẵn. Dựa trên chủ thuyết này, toàn bộ các chương trong quyển sách đều là những câu chuyện kể lý thú về các nhân vật, doanh nghiệp lớn đã vận dụng thành công phương thức đó. Bạn đọc sẽ hiểu thêm về Ty Warner – chủ công ty Tedy Bears, hãng túi xách cao cấp Hermes Birkin, các tập đoàn Starbucks, Levi’s Strauss, doanh nhân nổi tiếng Elbert Hubard, nữ nghệ sĩ Lillian Rusell, nhà tài phiệt bất động sản Donald Trump, danh ca Elvis Presley và ông bầu của chàng, Đại tá Tom Parker, nữ danh ca Madonna, Đại tá Sanders, người sáng lập tập đoàn gà rán KFC (Kentucky Fried Chicken) và những câu chuyện tiềm ẩn phía sau thành công vượt bậc của loạt truyện Harry Potter với những chiêu tiếp thị cực kỳ của nhà xuất bản Bloomsbury (Anh) và Scholatic (Mỹ), những nhân vật đầy thú vị như  “Diamond Jim”, Big Kev, vân vân…

Như nhận xét của một bạn đọc trong mục Review của website amazon.com: “Một lời cảnh báo cho tất cả những ai giống như tôi, những người mà tiếng Anh không phải là bản ngữ và nền văn hóa Anglo/Mỹ không phải là nền văn hóa mẹ đẻ. Giáo sư ưa thích chơi chữ và đôi lúc khó mà theo dõi cuốn sách do có nhiều tham chiếu tới những nhân vật và các hiện tượng chưa được biết tới ở các nền văn hóa khác…”, bạn đọc người Việt chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cảm thụ quyển sách. Vì lý do này, người dịch đã xin phép và được sự đồng ý của tác giả để sử dụng một số hình ảnh được phổ biến tự do trên internet nhằm giúp bạn đọc có thể cảm nhận, hình dung tốt hơn về những nhân vật, sự kiện và hiện tượng được đề cập trong quyển sách.

Điểm đặc biệt cần lưu ý khi đọc Brown là ông dẫn dắt người đọc đi theo lý thuyết mới mẻ của mình bằng những dẫn chứng sinh động, với một văn phong cực kỳ hài hước, dí dỏm và sử dụng rất nhiều phép tu từ, chơi chữ, sử dụng nhiều từ ngữ Anh có xuất xứ bản địa khác nhau. Brown cũng sáng tạo ra khá nhiều từ ngữ và khái niệm hoàn toàn mới. Do vậy, việc dịch tác phẩm của Brown một cách chính xác mà vẫn lưu giữ được tinh chất văn phong đầy táo bạo và lôi cuốn của ông không phải là một việc dễ dàng. Văn phong của Brown không phải là văn phong của một nhà nghiên cứu tiếp thị kinh viện mà rất gần với phong cách văn chương. Bằng chứng là hai quyển sách xuất bản gần đây nhất của Stephen Brown (The Marketing CodeAgents and Dealers – nhại theo tên hai tác phẩm The Da Vinci CodeAngels and Demons của nhà văn Dan Brown) đã được chính tác giả xem như là hai quyển tiểu thuyết giật gân (thrillers). Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm về tác giả Stephen Brown và những vấn đề liên quan tới các tác phẩm của ông tại website http://www.sfxbrown.com.
Sài Gòn, 10/2008
Nguyễn Thành Nhân



LỜI NÓI ĐẦU

GIAN NAN CON ĐƯỜNG THỊ THỰC

Thiên hạ cho rằng ai cũng có một câu chuyện về Dịch vụ Nhập cảnh để kể lể cà kê, và tôi thì lại có quá nhiều điều để kể. Có một cái gì đó ở nét mặt, giọng nói, hay có lẽ là thái độ của tôi, đã đánh động những quả chuông cảnh báo trong tiềm thức họ. Lần nào tôi cũng đạt mức thứ ba. Không hỏng. Không có ngoại lệ. JFK, LAX, O’Hare, Orlando, hay Netwark.[1] Bạn cứ việc nói tên đi, tôi đã từng tới đó rồi, đầu xuôi đuôi lọt, và chả nhận được một cái áo T-shirt [khuyến mãi] nào để bù đắp cho nỗi khốn khổ của mình! [1] 
(Lưu ý: Những cước chú dưới từng trang là của người dịch. Các chú giải của tác giả nằm ở phần chú giải và tham khảo ở cuối sách – Người dịch ghi chú.)
Lẽ tự nhiên, tôi đã cố làm mọi thứ trong khả năng để xúc tiến quá trình nhập cảnh. Một nụ cười thân thiện? Vô hiệu quả. Những lời đường mật kiểu Ái Nhĩ Lan? Đừng chọc cười tôi. Im lìm, ánh mắt xa xăm thờ thẫn? Sai lầm lớn.  
Tuy nhiên, trong tất cả mọi nỗ lực để nhập cảnh Hoa Kỳ của tôi, không có lần nào rối beng cho bằng cú ồn ào mới đây của tôi ở Philly[2]. Thậm chí cả cái lúc tôi không tài nào chờ đợi ở đằng sau vạch vàng, như được hướng dẫn, và nhanh chóng len lỏi qua đám đông nhốn nháo để tiến vào một căn phòng phỏng vấn đón chào tôi một cách nồng nhiệt, so với sự tiếp đón tôi ở Thành phố của Tình Huynh đệ.[3]
“Mục đích viếng thăm Hoa Kỳ của ông là gì?” Tay cán bộ hỏi, theo cung cách gây đông máu quen thuộc của anh ta.
“Tôi đến dự một cuộc hội thảo, thưa cán bộ.”
“Ồ, thế à. Loại hội thảo nào thế?”
“Một cuộc hội thảo về tiếp thị,” tôi phản công (hơi trâng tráo tí chút). “Tôi là một giáo sư về tiếp thị và…”
“Hãy kể cho tôi nghe điều gì đó, thưa Ngài,” anh ta ngưng lại, với sự nhấn mạnh vào từ Ngài để ngụ ý rằng phải có thời gian chờ đợi trong con đường vòng đến Penn Pen[4], “bí mật của sự thành công trong tiếp thị là gì?”
“Xin lỗi, ông nói gì?”
“Ngài bảo ngài ở trong ngành tiếp thị, thưa ngài. Bí mật của sự thành công trong tiếp thị là gì?”
Tôi muốn lên cơn sốt. Choáng váng. Lúng túng. Vâng, tôi nghĩ, tôi biết Hoa Kỳ là một quốc gia thực dụng, nhưng tôi không biết rằng họ khởi sự kiểm tra bạn ngay tại cửa vào! Tệ hơn nữa, chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi hiểu sai câu hỏi? Có thể chúng tôi đang nói chuyện kiểu trống đánh xuôi kèn thổi ngược ở đây. Tôi có nên thú nhận rằng tôi đã dành trọn sự nghiệp hàn lâm của mình để tấn công vào khái niệm tiếp thị truyền thống? Khái niệm tiếp thị kiểu Mỹ!
Đúng với những niềm tin của tôi, trong phạm vi khả dĩ của một giáo sư tiếp thị nhát gan, tôi ậm à ậm ừ, ấp a ấp úng, rồi cuối cùng đánh liều một chuyến, “Khách hàng luôn luôn đúng, thưa cán bộ?”
“Sai,” anh ta tuyên bố một cách hống hách.
Ruột gan tôi không hoàn toàn biến thành nước ngay lúc đó, nhưng sự hóa lỏng dứt khoát đang diễn ra. “Sai à?” tôi rên lên.
“Sai,” anh ta đáp. “Khách hàng là vua, anh bạn ạ. Khách hàng là V-U-A.”
“Bất cứ thứ gì ông bảo, thưa cán bộ.”
“Vợ tôi,” anh ta tiếp tục một cách hòa nhã, “làm trong ngành tiếp thị. Tiếp thị đa cấp. Cô ấy bán vitamin và các thứ cho bạn bè của cô ấy. Cô ấy bảo khách hàng là vua.”
Thánh thần ơi! Tôi đã tìm ra một viên cán bộ nhập cảnh thân thiện duy nhất trong cả quốc gia này! Hoặc là cuộc đổ bộ của tôi đã trùng khớp với chương trình huấn luyện nửa ngày chăm sóc khách hàng cứ mười năm tổ chức một lần của họ. [2]
“Cám ơn, cán bộ,” tôi thở hổn hển. “Cám ơn. Tôi sẽ cố ghi nhớ điều đó.
“Nên làm thế, anh bạn ạ. Khách hàng là V-U-A. Chúc một buổi hội thảo tốt đẹp.”
            Chà, tôi có thể nói gì sau đó? Chỉ có nước chuồn thôi, tôi chắc là bạn sẽ đồng ý. Mấy con chó cô-ly của tôi, nói thật lòng, cũng chưa bao giờ choáng váng đến thế. Thế nhưng, bất chấp cái tiêu điểm về khách hàng vừa được phát hiện ở tuyến đầu cuộc chiến chống lại các viện sĩ hàn lâm mới toanh, tôi e rằng tôi buộc phải không đồng ý với tay chuyên gia tiếp thị thường trú xứ Philly này. Và phần lớn các tay chuyên gia tiếp thị thường trú khác.[3] Khách hàng không phải là tối thượng, bạn thấy đó. Không phải lúc nào khách hàng cũng đúng. Khách hàng không phải là Số Một, vì số lượng khách hàng vẫn tăng lên. Khách hàng, kẻ là vua, đã chết. 





 Để tránh bất kỳ sự ngộ nhận nào, tôi xin nói rõ rằng tôi không chống đối bản thân các khách hàng. Tôi chống đối việc đưa định hướng đặt trọng tâm vào khách hàng thành một nguyên tắc tiếp thị cơ bản. Các công ty cần khách hàng. Họ không thể tồn tại nếu không có khách hàng. Điều đó không cần phải nói. Vấn đề lớn là: Làm thế nào để các công ty thu hút khách hàng tốt nhất? Có một cách là cố thoả mãn họ, tìm xem họ muốn gì và trao nó cho họ, như lý thuyết tiếp thị đã được xác lập đề xuất. Nhưng cũng có một cách khác, một cách không liên quan gì tới việc chiều chuộng khách hàng.
            Cách khác này, tôi cũng xin nói rõ, không liên quan tới STP (segmentation- phân khúc; targeting- xác định mục tiêu; hay positioning- định vị); nó không có họ hàng với PST (planing- lên kế hoạch; strategy- chiến lược hay tactics- chiến thuật); nó không quan hệ gì tới TLA (Three Letter Abbreviations- Ba chữ viết tắt); và nó cũng chẳng dính dáng gì với AAA (Alliterations- phép điệp âm; Aphrorism- cách ngôn; và Anagrams- phép đảo chữ cái). Tuy vậy, tôi phải thừa nhận rằng nhiều tay nhân viên tiếp thị đã trở nên nghiện ngập một cách đáng buồn những biệt ngữ, những từ thông dụng và những ACRONYMS  (Những từ cấu tạo từ chữ cái đầu của một nhóm từ). Do đó, ở đây tôi chọn liệu pháp cai nghiện. Khi đọc xong cuốn sách này, bạn  sẽ không bao giờ còn muốn nhìn thấy những từ tắt 3C, 4P hay 7S nào khác nữa.
Vậy, trái với những luận điểm của các nhà tư vấn, tiếp thị không phải là việc đặt trọng tâm vào khách hàng. Việc nó đặt trọng tâm vào cái gì chính là đề tài của quyển sách này. Hãy đọc nó, rồi bạn sẽ khám phá ra bí mật của thành công trong tiếp thị. Nhưng không phải là ngay lập tức. Tất cả sẽ được hé lộ. Chậm rãi. Dần dà. Vào phút chót. Xin hãy nhớ, mọi sự sẽ đến với những ai biết xếp hàng chờ đợi… ở bàn đăng ký.
Tất nhiên, tôi hiểu rằng một số người trong các bạn không sẵn lòng chờ đợi. Bạn nôn nao muốn biết nó đề cập tới cái gì. Cắt ngang cuộc săn đuổi. Đưa tiền ra cho tôi thấy. Thịt bò, hay ít nhất là cơm hộp, ở đâu? Bạn có những bạn bè ở bộ phận Dịch vụ Nhập cảnh, tôi đoán thế.
A, tôi e rằng bạn sẽ phải kềm những con chiến mã đang tung vó của bạn lại. Vì tôi tán thành một triết lý về định hướng phản-khách hàng (anti-customer) – và đề xuất rằng những nhà tiếp thị nên trêu ngươi, dày vò và hành hạ khách hàng trên con đường đi đến thành công của họ - bạn khó lòng mong đợi tôi sẽ thỏa mãn cho một khách hàng như bạn, nhất là thỏa mãn cho khát khao của bạn đối với sự hài lòng về tri thức ngay lập tức.
Tuy thế, tôi đã hứa với bạn về Quà tặng miễn phí bên trong, và, với tư cách là người đầu têu cho cấu trúc TRÊU NGƯƠI (TEASE) sắp giới thiệu, tôi sẽ phác họa cốt lõi của quyển sách này bằng một dẫn chứng minh họa, một đoạn trong chuỗi hài kịch Will & Grace. Trong trường hợp bạn chưa biết tới các vở hài kịch tình huống tuyệt vời này, Will và Grace là một cặp vợ chồng kỳ quặc của thế kỷ hai mươi mốt, khá vui vẻ, khá trung thực, và hoàn toàn điên rồ. Grace là một nhà trang trí nội thất, Will là một luật sư, và, trong đoạn kịch liên quan, một trong những nữ thân chủ cáu kỉnh của Grace bất chợt thích Will. Will chẳng đoái hoài gì tới những lợi thế của mình và anh càng phớt lờ kẻ theo đuổi, cô ta càng trở nên si tình. Lẽ tự nhiên, Grace không dằn lòng nổi; cô bám sát Will một cách trơ tráo, như thói thường, để giữ chồng, và mọi loại rắc rối hôn nhân xảy ra sau đó. Chỉ cho tới khi Will quay sang người thân chủ phiền toái, vờ như anh đã nhìn ra ánh sáng, tuyên bố tình yêu vĩnh cửu của anh, và bày tỏ khát khao chân thành muốn dành trọn cuộc đời để sống bên nhau của anh, kẻ theo đuổi mới hoảng hồn bỏ chạy và bộ đôi điên cuồng của chúng ta lại quay về với cái vỏ bề ngoài của hạnh phúc gia đình. 
            Khách hàng ngày nay là vị thân chủ phiền toái đã thất kinh hồn vía bởi những tuyên ngôn tiếp thị theo kiểu của Will về tình yêu bất diệt và nỗi khát khao tuyệt vọng đến làm người khác rối cả đầu để thiết lập một quan hệ dài lâu. Chúng ta thôi không xử sự cứng rắn. Chúng ta chạy theo họ khi có một con đường khác quanh đây. Chúng ta không thể nhìn thấy những khách hàng nhiệt tình một thời của chúng ta nữa vì một đám bụi mù. Những nỗ lực quá mức của chúng ta trong việc lấy lòng chỉ làm họ thêm phát cáu. Chúng ta đã trở thành kẻ quấy rầy, và những kẻ quấy rầy ắt bị làm ngơ, bị tránh né hay bị bác bỏ. Sự bợ đỡ giết chết những thương hiệu.
Vậy, bạn làm thế nào để thu hút khách hàng? Câu giải đáp là làm cho thương hiệu của bạn trở nên quyến rũ, làm cho những sản phẩm của bạn trở nên cực kỳ đặc biệt, làm cho công ty của bạn nổi bật lên trên đám đông không màu sắc. Chỉ cư xử cứng rắn thôi chưa đủ để làm chuyện đó, bởi những giả định rằng mọi người muốn cái mà họ được chào mời. Họ phải bị thuyết phục để muốn cái đang có sẵn, và trong một thế giới của các sản phẩm và dịch vụ được nhận dạng theo mô tả, điều đó có nghĩa là thu hút sự chú ý vào lời chào mời riêng biệt của bạn. Nghĩa là, trong số các việc khác, phải hét to hơn những người còn lại. Nghĩa là kết hợp tính chất khó-đạt-được với tính chất cực đỉnh để tạo thành một sức hấp dẫn khó-tột-cùng.[4]
Vì thế, bạn có nó đây rồi. Lập luận của tôi là một sự thu gọn. Về mặt cấu trúc, có lẽ tôi nên thêm vào, rằng Những chiêu tiếp thị ngược đời(!!), bắt đầu với tính chất khó-đạt-được và dần dần chuyển sang tính chất cực đỉnh, dù sự phân biệt giữa khó-đạt-được với cực-đỉnh không rạch ròi dứt khoát, như khó-tột-cùng cho thấy.
Tuy nhiên, trước khi bạn mạo hiểm tiến vào lãnh địa của tính chất khó-tột-cùng, tôi cũng phải nói rõ rằng quyển sách này thực hành những gì nó rao giảng. Nó tiến hành sự khó-đạt-được bằng cách dần dà hé lộ những bí mật của nó. Nó hoàn toàn cực đỉnh ở phương thức chuyển giao của nó. Tôi có một từ điển chuyên đề, bạn thấy đó, và tôi không ngại sử dụng nó.
Đồng thời, tôi nhận thức rằng cách tiếp cận này có chút đỉnh khác thường, nhất là trong một lĩnh vực được định tính bởi những xuất bản phẩm thực tế, không phi lý, đi thẳng vào vấn đề. Cần phải có sự đền bù, và, trong một nỗ lực lấy lòng chính bản thân tôi một cách mỉa mai, tôi đã đưa vào không dưới mười lăm, xin nói lại, là có đúng mười lăm quà tặng miễn phí bên trong. Cực đỉnh, tôi biết, nhưng chúng ta có thể khởi sự tốt khi chúng ta có ý định tiếp tục.
Bạn không buộc phải chấp nhận những mời chào rườm lời của tôi,[5] hoặc thậm chí có thể dành thời gian đó để thưởng thức những giai điệu thư giãn còn ẩn giấu. Nhưng chúng có mặt ở đó, nếu bạn muốn thẩn thơ la cà thưởng thức cuộc hành trình – mười bài học, có bổ sung thêm một trên chặng đường đi – hơn là vội vàng lao về phía đích đến của chúng ta. Nếu, tất nhiên, bạn đang quá vội, chỉ cần đơn giản nhảy cóc từ đoạn trích dẫn này sang đoạn trích dẫn khác, được chỉ thị bởi những biển chỉ đường trong sách, và bạn sẽ nắm được ý chính trong lập luận của tôi.
Phải thừa nhận rằng một vài tay theo chủ nghĩa hoài nghi có thể ngờ rằng những quà tặng của tôi chả có gì khác hơn là sự bông đùa tự phụ, hay nói cách khác là những món độn vô nghĩa lý. Hoặc cả hai. Hãy gạt bỏ những ý nghĩ tầm thường đó, bạn đọc quý mến của tôi. Bạn gọi nó là thứ để nhồi cho đầy. Tôi gọi nó là giá trị gia tăng. Dịch vụ Nhập cảnh gọi nó là chứng cứ. Tôi đã sẵn sàng cho việc kết thúc hồ sơ của tôi, thưa cán bộ.
(còn tiếp)


[1] Tên những sân bay quốc tế của Mỹ
[2] Cư dân ở Philadelphia thường gọi tắt tên thành phố này là Philly.
[3] Từ Philadelphia xuất xứ từ  hai từ Hy Lạp  philos "tình yêu" và adelphos "huynh đệ”.
[4] Quận Pen ở đông bắc tiểu bang Pennsylvania.


Chú ý: Do bản dịch này đã hết hạn khai thác tác quyền tiếng Việt và người đầu tư không tiếp tục dự án xuất bản bản dịch nên tôi chỉ đưa vào blog của mình để các bạn quan tâm tới lĩnh vực này có tư liệu tham khảo. Xin các bạn đọc vui lòng không sao chép lại các phần của bản dịch này vào các trang mạng khác. Rất cám ơn sự ủng hộ của các bạn. 





CHÚ GIẢI VÀ THAM KHẢO


 


Lời nói đầu: Gian nan con đường thị thực

1. Những khó khăn lặp đi lặp lại khi làm thủ tục nhập cảnh của tôi, không phải là do lịch sử của những cách cư xử không hay trước đó, được lưu trữ trong kho dữ liệu đang phình lên của Phòng Dịch vụ Nhập cảnh. Tôi né được tất cả những thứ đó! Những rắc rối, đúng ra, chỉ đơn giản phản ánh sự thật rằng những nhà tướng học hậu hiện đại đang làm nhiệm vụ đó không ưa cái vẻ mặt của tôi. Nhân thể, với một thảo luận thú vị về “họ” – cũng như về những gì “họ nói” – xem Coercion của Douglas Rushkoff (Boston: Riverhead Books, 1999).
2. Khi nói thế, tôi biết rõ rằng tôi đang đánh liều. Xúc phạm Phòng dịch vụ nhập cảnh luôn là một việc kém khôn ngoan. Xúc phạm họ bằng giấy trắng mực đen là một tội nghiêm trọng. Các kinh nghiệm làm thủ tục nhập cảnh trong tương lai của tôi hẳn phải rất thú vị.
3. Tôi phải ghi nhận ngay lập tức rằng có một cảm giác phản khách hàng trong số các bậc thầy tiếp thị và các nhà bình luận tiếp thị. Tìm hiểu thêm trong The big Idea của Robert Jones (London: HarperCollins, 2000) cũng như Funky Business của Jonas Ridderstrale và Kjell Nordstrom (London: FTCom, 2000). Tôi sẽ xem xét các nhận định phê phán này trong Bài học 3. Việc phân biệt giữa tính mô tả và tính quy tắc, tính xác thực và tính quy chuẩn của “là” và “phải” cũng là điều quan trọng. Đại đa số các cuốn giáo khoa thư tiếp thị đều có tính quy chuẩn vì chúng quy định cách các sự việc được thực hiện. “Phải” là từ ưa thích nhất của chúng (như các công ty “phải” áp dụng CRM, tiếp thị vi mô, STP hay bất cứ thứ gì khác). Cuốn sách này cơ bản là mô tả hơn là quy định. Nó giải quyết các sự vụ từ chính bản thân chúng, chứ không phải từ việc chúng “phải” thế này thế nọ. Không có “phải” nào trong tiếp thị cả. “Phải” phải được loại ra khỏi cuộc, như thường lệ.
4. Sự kết hợp giữa khó-đạt-đượccực đỉnh này cũng có thể được diễn tả trong phạm vi chương trình Will & Grace. Khó-đạt-được hiện thân dưới hình thức của Jack “justjack” McFarland. Ba từ ghép còn lại “vượt-khỏi-cái”, hiện thân trong Karen.
5. Như những nhà văn phạm học nghiêm khắc sẽ báo cho bạn biết, “quà tặng miễn phí” (free gift) là một sự dùng từ thừa thãi, một ví dụ của sự rườm lời quá cỡ, cũng tương tự như “sự thật đúng” (truefact). Nói cho cùng, quà tặng tất nhiên là miễn phí. Ngoại trừ trong tiếp thị!!!


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét