Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Giới thiệu về bộ Kinh Đại Tạng

Quote:


"Kính chư thân hữu, đạo hữu,

Chúng tôi xin vui mừng thông báo việc hoàn tất dự án đưa toàn bộ Đại Tạng Kinh lên trang Rộng mở tâm hồn.

Hiện tất cả Kinh điển bằng Hán văn trong bộ Đại Chánh Tân tu Đại tạng kinh đã có thể xem trọn vẹn trên website Rộng mở tâm hồn, gồm cả thảy 2456 bộ kinh, trong đó có 9193 quyển:


Quý vị có thể search tìm tên kinh dễ dàng, hoặc nhập thẳng kinh số vào đều được. Hy vọng sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho quý vị trong việc học hỏi và nghiên cứu Kinh điển.

Vì đây là một dự án phụng sự hoàn toàn phi thương mãi, chúng tôi cũng hy vọng quý vị webmaster sau khi nhận được tin này sẽ hoan hỷ giúp phổ biến đến nhiều người, hoặc đặt link từ website mình đến Rộng mở tâm hồn, để ngày càng có thêm nhiều người được lợi lạc từ kết quả của những công trình này. (Xin sử dụng logo đính kèm và link về: http://rongmotamhon.net )


Xin chân thành cảm ơn và kính chúc quý vị thân tâm thường an lạc.  

BBT Rộng mở tâm hồn
Nguyên Minh

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Tự thú của một gã không mê cờ bạc



Mấy tháng nay tôi khổ quá. Bỏ cả cuộc đời,sự nghiệp, gia đình vào một canh bạc không mong gì thắng nổi, tôi chưa bao giờ hối tiếc. Nhưng tôi lại không phải một tay mê cờ bạc. Một thằng không mê cờ bạc lại chơi ván bài đặt cược cả đời mình. Chính tôi cũng không hiểu nổi. Tôi không hề tiếc nuối. Nhưng nhiều khi cũng muốn khóc òa lên. Nhiều khi cũng muốn than một tiếng. Nhưng tiếng than của mình nhỏ nhoi như thế, vị kỷ như thế, hồ dễ có mấy ai nghe. Lỡ gặp một người không ưa tôi thì càng hỏng: một tiếng than chỉ có thể chia với một người bạn rất thân tình, cùng lắm là một người chưa hiểu mình mấy chút, nhưng ít nhiều cũng có chút cảm thông. Than ôi, tự tôi, dù không bao giờ muốn, đã tạo ra biết bao nhiêu quan hệ bằng mặt mà chẳng bằng lòng. Tôi chỉ có thể nói một điều rất chân thành: tôi không muốn gây thù kết oán với bất kỳ ai. Nhưng tôi cũng không dễ dãi chấp nhận những thứ mà tôi cho là vô bổ, lấy lòng, giả dối... Thế là bỗng dưng tôi có những người không ưa thích gì tôi.

Tìm bạn thật khó. Rong ruổi cả đời may ra mới có đôi ba người gọi là tri kỷ. Còn lại là những bạn, mà chúng ta phải bổ sung thêm một từ nữa - "bè". Chết một nỗi bạn tri kỷ thì không nhiều, không bao giờ muốn mà có được, nhưng cái số "bạn bè" thì càng lúc càng nhiều. Bạn bè, tôi muốn nói thật công tâm, chân thực, cũng là một nguồn an ủi vô biên, quý giá... Tôi chưa, và cũng không bao giờ muốn hạ thấp, làm giảm giá trị của khái niệm này. Nhưng... đúng như nó là vậy. Bạn bè không thể chia được nổi buồn sâu thẳm của chúng ta. Bạn bè có thể chia những niềm vui, có thể ngồi với ta một chút, lúc ta buồn quá trớn. Có thể, nếu họ thương ta, hy sinh cả một đêm hay một ngày để lo cho chuyện của ta, sức khỏe của ta, lúc ta đang trong tình trạng "vô cùng rối rắm". Nhưng những bạn bè không bao giờ hiểu được lòng ta. Xin lỗi tất cả những người mà tôi gọi là bạn bè tôi!

Say rồi nên cứ nói dông dài, chuyện nọ xọ chuyện kia thế ấy. Tôi chỉ muốn gặp một người bạn hiểu mình, để than lên một tiếng: Bạn ơi, tôi mệt quá! Tôi đã cố lắm rồi. Vì tôi, dĩ nhiên, và trước nhất... Nhưng nếu không có bạn, tôi thà quẳng mẹ nó tất cả những thứ này, dẹp mẹ nó tất cả những mớ tơ bùng nhùng này... tìm một chỗ để cạo đầu làm nhà tu lỡ làng duyên phận, tìm một chỗ tự giải quyết cho xong một cuộc đời không có mấy niềm vui mà nỗi buồn cứ dằng dặc, triền miên... 

Nhiều khi tôi nghĩ thế, bạn ơi. Nhiều khi tôi muốn thế. Nhưng rồi lại run rẩy, lại luyến thương.... Tôi đã dịch gần xong Mrs. Dalloway của Virginia Woolf. Thằng cha Septimus điên khùng khiến nhiều khi tôi cũng muốn nổi điên theo chả. Rốt cuộc, đời này có nghĩa là gì? Virginia đã tự trả lời một cách dứt khoát, bằng chính đời mình: Chết!

Nhưng tôi chưa muốn chết! Tôi vẫn còn thương yêu cuộc đời này, bất kể những roi đòn nó giáng xuống tôi.

22-9-2012

Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Mùa xa nhà - Phụ lục





1. Điếu niệm

Kính viếng hương hồn Tân,
và những đồng đội của tôi.

Tân,
Tôi nhớ những ngày mùa đông năm 1985, tụi mình cùng nhau lặn lội bắt cá suốt ngày ở suối Phum Pô. Tôi đeo  cái rộng cá lội bì bõm trong dòng nước mấp mé vai, nhũng nhẵng bám sau lưng Tân, chỉ để Tân bỏ vào đó những con cá lóc, cá lăng vừa mò được. Tôi nhớ những đêm cuối năm trời lạnh căm căm, tôi trùm thêm một chiếc áo lên vai, ngồi co gối bên ánh đèn  đốt từ mỡ lon thịt hộp, trên đầu gối là một miếng  gỗ ván dùng để lót trong thùng đạn, trong tay là một cây bút chì ngắn củn. Tôi vẽ Tchiete. Không biết tôi đã vẽ nàng  lên bao nhiêu mảnh ván. Nhưng chỉ nhớ là cùng với những nét vẽ vụng dại, đơn sơ đó, tim tôi đã ấm áp lạ thường, máu tôi đã chảy rộn ràng, nóng bỏng trong từng huyết mạch. Tôi đã quên đi cái lạnh của khí trời và cái lạnh của sự cô đơn trong những đêm đông ấy. Tôi không ngủ vì đang yêu. Đó là điều dễ hiểu, và là chuyện thường tình. Nhưng cả Tân cũng không ngủ được. Tân nằm trăn trở trên chiếc võng, im lặng nhìn tôi, nhìn ngọn lửa nhỏ xíu, lù mù của chiếc đèn dã chiến, thao thức cùng tôi. Thương tôi, hiểu tôi trong những ngày tháng đó, còn ai hơn Tân nữa.
Tôi nhớ sau khi chuyển xuống đại đội, có một lần Tân ghé tôi chơi. Tân có vẻ buồn khi trông thấy tôi mặc một chiếc áo cũ.  Vai áo sờn rách, chằng chịt những đường chỉ vụng về. Thật ra lúc ấy chúng ta đâu còn đến nỗi phải mặc rách, phải không Tân? Nhưng  áo mới của tôi, tôi cũng đã cho người khác, một người anh kết nghĩa Khmer. Sau đó vài ngày, Tân đã gửi lên cho tôi chiếc áo mới của mình.
Rồi không bao lâu sau lần gặp cuối cùng đó, Tân đã rời xa vĩnh viễn. Không chỉ một mình Tân, tôi đã mất biết bao nhiêu đồng đội, người rất là thân thiết, người vừa quen mặt mà chưa kịp biết tên, trong những tháng ngày xa quê đó.
Tân ơi ! Những dồng đội của tôi ơi!  Mồ của các bạn đã được phủ lên bao nhiêu  lớp cỏ úa mùa thu. Tên tuổi, hình ảnh của các bạn  chỉ còn trong  nỗi nhớ - những nỗi nhớ ngắn ngủi, bất chợt hiện ra trong giây lát, rồi lại chìm khuất dưới bao âu lo, suy tư  của thực tế mỗi ngày. Điều quan trọng là tôi không được quyền quên! Trái tim con người còn đập trong lồng ngực chúng ta không được quyền quên!
Tân! Đã sắp đến ngày giỗ lần thứ mười một của Tân rồi đó. Tôi viết những dòng này, thắp một nén hương trong tâm tưởng, hoài niệm hương hồn Tân và tất cả những anh em khác. Cầu mong hương hồn các bạn  sẽ tìm được an bình.

TP.HCM, tháng 11-1997


2. Thư gửi Sanly

TP.Hồ Chí Minh, 11/1997

Sanly thân mến,
Khi đặt bút viết những dòng đầu tiên cho quyển truyện này, tôi đã nhớ tới cô. Tôi nhớ lại ngày chúng ta tình cờ gặp gỡ nhau ở  một phòng triển lãm tranh tại Sài Gòn; và những gì chúng ta đã trao đổi với nhau. Truyện  được viết nên, phần nào đó cũng bắt nguồn từ cuộc chuyện trò giữa chúng ta hôm ấy. Tôi hy vọng là sau khi đã đọc qua, cô sẽ tìm thấy những gì mà trong lần trao  đổi đó tôi chưa thể nói hết được với cô. Tôi cũng hy vọng rằng cô, và cả những bạn bè của cô những người trí thức trẻ, những người sau này sẽ đứng mũi chịu sào lèo lái con thuyền đất nước Campuchia sẽ có một cái nhìn mới, hiểu biết và đồng cảm hơn với chúng tôi, những người lính tình nguyện Việt Nam.
Tôi muốn nhắc lại với cô ngày hôm ấy. Chắc hẳn cô vẫn còn nhớ, một buổi chiều cuối năm 1995, tại phòng triển lãm, trước một bức tranh dầu, cô đã đứng yên lặng giờ lâu?
Bức tranh vẽ một người lính Việt Nam đang một tay bưng bát sữa, tay kia cầm chiếc muỗng nhỏ bón sữa cho một bé gái Khmer, vây quanh hai nhân vật đó là vài người lính khác. Hậu cảnh bức tranh là  một phum làng đổ nát, tan hoang, một vài túp nhà sàn cháy dở dang còn nghi ngút khói, và đó đây trên mặt đất rải rác một vài xác chết. Tác giả bức tranh này, và một số tranh khác trong cuộc triển lãm, là một người bạn của tôi. Đó là lý do giải thích sự có mặt của tôi hôm ấy. Dạo đó, tôi chưa hiểu biết gì nhiều, nhưng đã rất yêu thích  hội họa. Và tôi, khi ấy, đã dừng lại khá lâu, sau lưng cô để ngắm nhìn bức tranh .
Bức tranh gợi cho tôi một nỗi niềm, mà có lẽ giờ đây tôi sẽ không thể nhớ lại, và diễn đạt được chính xác, nếu không có cuộc trò chuyện với cô. Đó là một nỗi buồn sâu thẳm. Nó không quá mãnh liệt đến làm cho ta đau đớn, nhưng cũng không hời hợt thoáng qua. Một nỗi buồn đã kinh qua nhiều năm tháng, đã gắn chặt, chìm lặng xuống đáy tim, đã trở thành ký ức không thể phai nhòa. Đó là nỗi buồn trước một điều bi thảm nhất, một điều xấu xa, gây nhức nhối nhất cho con người. Đó là nỗi buồn và cảm giác bất lực trước hậu quả của chiến tranh. Tôi đã cảm nhận bức tranh như vậy. Nhưng cô, Sanly thân mến, cô chỉ thấy ở đó một sự ca ngợi tầm thường và hơi có phần cường điệu cái gọi là tình cảm quân dân, tình đoàn kết Campuchia-Việt Nam, và lòng nhân đạo chung chung.
Lúc đó, cô đã lẩm bẩm, bằng tiếng Khmer: "Giả tạo, dối trá...!" Tôi thoáng nghe những lời ấy. Tôi biết lõm bõm tiếng Khmer, nhưng cũng đã quên đi khá nhiều, nên không hiểu hết những lời cô nói. Tôi chỉ có cảm giác cô đang bực dọc, bất bình. Tôi đã  bước lên, đứng đối diện với cô, mỉm cười chào và hỏi: "Cô có biết tiếng Việt không?"
  lắc đầu, rồi lại gật đầu, "Chỉ chút chút thôi!"
"Cô có thể ra bên ngoài uống một ly cà phê với tôi không? Tôi có chuyện muốn nói với cô."
"Dạ được," cô đáp thật ngọt ngào, và mỉm cười, nói tiếp bằng tiếng Khmer, "Tôi không nói được nhiều tiếng Việt đâu. Anh có thể nói chuyện với tôi bằng tiếng Khmer không?"
 "Tiếng Khmer của tôi cũng như tiếng Việt của cô vậy!” tôi cười, "Tôi đã quên nhiều. Chắc cô nói được tiếng Anh?"
  "Vâng, khá hơn tiếng Việt, tôi mới sang Việt Nam hai tháng," cô đáp.
Rồi chúng ta đã ngồi nói chuyện với nhau khá lâu, lúc thì nói tiếng Việt pha lẫn tiếng Khmer, lúc nói tiếng Anh, rồi có lúc dùng cả  điệu bộ, nét mặt kết hợp với ba thứ ngôn ngữ  đó để cố làm cho nhau hiểu. Dù sao, hôm đó chúng ta đã hiểu người kia muốn nói gì, và cũng đã diễn tả  ý nghĩ của mình tương đối tốt, phải không, Sanly?
Cô cho biết tên cô là Sanly, hiện là du học sinh ở  Hà Nội, nhân nghỉ Tết, cô ghé vào Sài Gòn thăm vài người đồng hương học ở đây trước khi về Campuchia. Cô chỉ mới mười chín tuổi, rất yêu thích các bộ môn nghệ thuật. Tôi cũng nói sơ cho cô biết về tôi, một người lính xuất ngũ, đã có mấy năm ở Campuchia. Sau đó, tôi hỏi cô về những lời nhận xét cô bất giác thốt ra lúc nãy khi xem tranh.
(Cuộc trò chuyện, như tôi nói trên, khá là phức tạp. Để bạn đọc dễ dàng theo dõi, tôi  xin  kể lại theo diễn biến nội dung câu chuyện, bỏ qua những chỗ khó khăn, ngắc ngứ vì  lớp rào ngôn ngữ).
Cô đã nói ngay, dường như đã ấp ủ sẵn những ý nghĩ  đó trong đầu từ  lâu:
"Tôi nói là  giả dối, là  vì người lính Việt Nam trong bức tranh tượng trưng cho một sự cứu vớt, tượng trưng cho một vị anh hùng cứu khổn phò nguy cho dân tộc Campuchia. Đó là một sự tự đề cao quá đáng, lố bịch, xúc phạm tới lòng tự hào dân tộc của chúng tôi. Tôi sẽ nói cho anh biết vì sao như vậy. Quân đội Việt Nam đã chen quá sâu vào cuộc đấu tranh nội bộ của đất nước tôi, làm cho những mâu thuẫn đó thêm trầm trọng, khó hàn gắn lại. Nếu như Việt Nam thật sự vì tình đoàn kết, vì sự giúp đỡ vô tư, họ đã rút về nước sau khi Campuchia có một quân đội riêng hùng mạnh. Thế nhưng, mãi cho đến những năm đầu thập kỷ 90, Campuchia mới thật sự vắng bóng những bộ quân phục Việt Nam. Và theo như tôi biết, qua lời kể của họ hàng, bè bạn, cũng như qua những gì chính tôi mục kích, người lính Việt Nam có nhiều hành vi trái hẳn với sự  tuyên truyền đầy chính nghĩa. Vậy thì anh giải thích động cơ, ý nghĩa  của những hành vi  đó ra sao?"
Tôi cố sắp xếp những ý tưởng để có thể diễn đạt sao cho cô  dễ hiểu. Rồi tôi đáp:
"Điều cô nói, cũng chính là điều đã làm ray rứt đa số những người lính chúng tôi. Nhưng trước hết, tôi tạm gác lại những chuyện đó, để nói với cô ý nghĩa thật sự của bức tranh. Cô đã hiểu sai, cảm nhận sai về nó. Tôi biết đích xác là cô đã cảm nhận sai, vì tôi là bạn thân của tác giả bức tranh. Tôi đã nhiều lần trò chuyện với anh  ấy trong khi anh đang vẽ nó, mặt khác, vì  tôi cũng  là một người lính. Nó không đề cao người lính Việt Nam  như cô nói đâu. Lúc nãy, cô có chú ý đến ánh mắt của các nhân vật trong tranh không?  Ánh mắt của đứa bé Campuchia có vẻ sợ hãi, kinh hoàng, dù đôi môi nó đang hé mở một cách hồn nhiên để  đón nhận muỗng sữa. Rồi ánh mắt của người lính đang đút cho đứa bé. Anh ta không nhìn vào nó, anh ta đang nhìn mông lung vào một điểm nào đó  ở phía trước một cách lo âu. Đứa bé mồ côi rồi sẽ ra sao? Ai sẽ chăm sóc,nuôi nấng nó trong những tháng ngày sau?  Liệu nó có còn sống đến lúc trưởng thành không?  Không ai biết! ... Ánh mắt của người lính mang những nỗi niềm như vậy... Và ánh mắt, vẻ mặt của những người lính còn lại. Họ đang nhìn quanh, người thì về phía hai nhân vật chính, người thì về phía những túp nhà ngún cháy. Họ như bàng hoàng, ngơ ngác vì những tác hại của súng đạn, của chiến tranh. Họ như không biết vì sao lại đến nông nỗi thế này. Họ còn có vẻ đau đớn và bất lực, với những bàn tay buông thỏng, xòe ra bỡ ngỡ. Họ vẫn không quen được với những đau thương, mất mát, và có lẽ không bao giờ quen được với chúng, dù chiếc áo của họ đã bạc phếch  sau nhiều tháng năm cầm súng. Không, bức tranh không đề cao một cá nhân hay một dân tộc nào riêng biệt. Nó chỉ đề cao tình người nói chung, và chủ yếu là nó cố làm người xem nhận ra sự đau thương, khủng khiếp của chiến tranh thôi, Sanly ạ!…"
Tôi dừng lại, dõi nhìn phản ứng trên nét mặt của cô.
Gương mặt cô vẫn còn những nét hồn nhiên của tuổi thơ, đôi mắt đen to có vẻ rất thông minh, nhạy bén. Mái tóc cô không quăn như đa số phụ nữ  Kh’mer. Nó đen, dày, mềm mại trùm xuống vai cô.
Đôi mắt và mái tóc cô gợi cho tôi nhớ tới một người con gái khác... Tôi cố nén một hơi thở dài, buộc ý nghĩ của mình quay về hiện tại.
  gật gật đầu, có vẻ hơi đồng ý, nhưng rồi đôi mày lại nhướng lên như muốn nói điều gì. Tôi giơ tay ngăn cô, nói tiếp:
"Xin để cho tôi nói hết, Sanly. Bây giờ, tôi nói về cách nhìn của cô đối với người lính Việt Nam chúng tôi đây... Tôi không biết có nhiều thanh niên nam nữ Campuchia cùng chia sẻ quan điểm đó của cô hay không, nhưng nếu có nhiều người cũng nghĩ  như cô, thì thật là đáng buồn, và thật là nguy hiểm. Có lẽ tôi sẽ cố gắng để nói với cô, nhưng tôi e rằng chỉ trong một vài câu nói, hay thậm chí trọn cả một buổi trò chuyện chiều nay, tôi cũng không sao nói hết được, diễn tả đầy đủ được những gì tôi đã băn khoăn, một số bạn bè tôi đã băn khoăn trong suốt  những năm sống xa quê, những năm cầm súng trên đất người... Chúng tôi từng tự hỏi: chúng tôi đang bắn giết, đánh nhau, và có thể  sẽ chết vì ai, vì cái gì. Và không phải lúc nào chúng tôi cũng tự trả lời được những câu hỏi đó. Có đôi lúc, chúng tôi cảm thấy sự  lý giải của mình là có lý, rồi đôi lúc, lại cảm thấy nó vô cùng phi  lý. Như cô nói lúc nãy, nếu chúng tôi hoàn toàn bất vụ lợi, lẽ ra chúng tôi đã rút quân về  từ lâu trước đó. Nhưng cô đâu hiểu rằng cuộc chiến trên đất nước cô vào thời điểm ấy không còn đơn thuần là một cuộc nội chiến giữa các phe phái Campuchia có chính kiến khác nhau. Campuchia lúc ấy là một  con cờ trên bàn cờ chiến lược giữa hai thế lực, hai chủ nghĩa đang giành quyền thống soái vũ đài thế giới. Thật ra, điều tôi vừa nói với cô, tôi cũng mới hiểu được về sau này. Còn  lúc đó, chúng tôi chỉ rất mơ hồ. Chúng tôi không như những người lính Việt Nam thời chống Mỹ, họ cầm súng để giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Chúng tôi thậm chí cũng không như những người lính Việt Nam giai đoạn 1978-1980. Lúc đó, họ chiến đấu đánh đuổi quân đội Pol Pot tàn ác đang  đốt phá, tàn sát những người dân vô tội ở vùng biên giới Việt Nam, và kế tiếp sau đó, họ giúp quân đội cách mạng Campuchia giải phóng đất nước. Họ biết rõ ý nghĩa, mục đích và có một niềm tin trọn vẹn vào công việc họ làm. Họ xứng đáng với cái tên quân tình nguyện. Đối với chúng tôi, những người lính từ sau 1980, mọi sự không đơn giản và rõ ràng như vậy. Nói cho cùng thì chúng tôi phải chấp nhận tham dự  vào cuộc chiến ở Campuchia như là một điều không thể nào tránh khỏi. Chúng tôi lớn lên, đủ mười tám tuổi, thực hiện nghĩa vụ quân sự. Rồi được đưa sang Campuchia, dù muốn dù không. Chúng tôi đâu phải là những người chọn việc binh đao như một cái nghề sinh sống. Chúng tôi chỉ thực hiện nghĩa vụ của một công dân đối với Tổ quốc của mình. Và chúng tôi, khi đã biết thế nào là chiến tranh, chết chóc, đều mong cho nó mau kết thúc, đều mong cho sớm tới ngày yên lành trở lại quê nhà…"
"Tôi quay trở lại điểm xuất phát, tại sao tôi lại nói thật là điều đáng buồn và nguy hiểm nếu cô và nhiều người trẻ tuổi như cô  đánh giá về chúng tôi một cách phiến diện, chủ quan như vậy. Thanh niên trí thức các cô sẽ là những  người đảm nhiệm gánh nặng đất nước Campuchia trong một tương lai không xa. Trong đó rồi sẽ có những người nắm giữ những chức vụ, cương vị lớn lao quan trọng. Nếu đa số những người này lại có một cách nhìn đầy định kiến, thiếu cảm thông, thì cái hoạ chiến tranh chẳng khác nào một hòn than cháy cứ  âm ỉ mãi. Nhưng tôi mong là không có nhiều người như vậy. Tôi biết có nhiều người khác  những bà mẹ già, những người con trai con gái, những đứa trẻ con ở những phum làng hẻo lánh miền tây bắc Batđomboong không nghĩ như cô. Họ thương yêu chúng tôi. Họ cảm thông với những chàng trai trẻ mới lớn đã phải sống xa nhà, xa quê, chịu nhiều hy sinh, mất mát. Họ thật sự xem chúng tôi là con cháu, anh em của họ..."
Tôi ngưng lời, cảm thấy càng nói càng bất lực, không tài nào diễn đạt hết được những ý nghĩ đang dồn dập xô về. Cô đăm đăm nhìn tôi, trầm ngâm rất lâu mới cất tiếng:
"Anh nói nghe rất hay, và có vẻ hợp lý nữa, nhưng tôi vẫn thấy có điều không ổn. Tôi có cảm giác như anh đã đánh tráo khái niệm ở đây. Như tôi đã nói, quân tình nguyện Việt Nam các anh khoác lên mình cái vòng hoa vẻ vang của người hiệp sĩ, nhưng các anh đã làm nhiều chuyện tồi tệ. Nếu như mọi người lính Việt Nam đều có những ý thức, những trăn trở như anh nói, tại sao họ lại có thể có những hành động đó. Có những vụ  cưỡng dâm, cướp bóc, hà hiếp dân, hà hiếp bộ đội Campuchia, anh không thể phủ nhận những sự kiện đó. Điều buồn cười nhất là những hành vi đó lại nằm dưới một lớp áo choàng cao cả."
"Sanly ơi!Cô còn trẻ quá, cô chưa hiểu con người phức tạp, tự mâu thuẫn đến độ nào đâu. Và chiến tranh, với biết bao tình cảm trái ngược nhau: yêu thương, hờn oán, căm thù, điên cuồng, phẫn nộ...có thể  gây nên mọi chuyện, có thể trong một lúc nhất thời biến đổi hoàn toàn một cá nhân bé nhỏ bất kỳ nào đó. Mặt khác, những chuyện cô nói đúng là có thật, nhưng nó chỉ là những sự kiện hiếm hoi, cá biệt. Những chuyện như vậy không thể coi là cơ sở để đánh giá bản chất của những người lính chúng tôi. Tôi sẽ kể cho cô nghe một câu chuyện, hoàn toàn có thật..."
Tôi ngừng lời, hồi nhớ lại những sự kiện dường như đã quá xa xăm. Cô vẫn ngồi lặng lẽ, chăm chú nhìn tôi một cách nhẫn nại, cô hiểu tâm trạng của tôi. Rồi tôi kể.
"Đầu mùa đông năm ấy, một tiểu đoàn quân tình nguyện Việt Nam về tạm đóng ở phum X, một phum nhỏ nghèo nàn nằm ở phía đông bắc huyện Th’mo Puoc, tỉnh Batdomboong. Đơn vị ở đó để tiến hành kế hoạch truy quét mùa khô các vùng lân cận. Tiểu đoàn trưởng vào ở tạm trong một căn nhà đầu phum, các trung đội trực thuộc nằm bao quanh ở vòng ngoài. Trung đội súng máy 12mm 7 nằm ở hướng bắc phum, nơi có một con suối nhỏ chảy qua. Trung đội phó trung đội này  là một anh chàng trẻ tuổi, có hơi lãng mạn. Anh ta rất yêu mến những người dân Khmer hiền lành chất phác, và đang cố học thêm tiếng Khmer để nói chuyện nhiều với họ. Buổi sáng hôm ấy, trời còn mù sương, anh tới chỗ ở của tiểu đoàn trưởng để xin ý kiến ông về một công vụ. Cô biết không, năm ấy trời rất lạnh, lạnh nhất trong những mùa đông tôi đã trải qua ở Campuchia . Vì vậy, chàng trung đội phó vừa đi thật nhanh vừa xoa hai tay lên má cho đỡ rét. Anh còn cách căn nhà vài mươi mét thì bắt gặp một cô gái nhỏ, khoảng mười sáu, mười bảy tuổi đang đứng giã gạo trước sân, dưới gốc một cây vông cổ thụ với những chùm hoa muộn cuối mùa  đỏ rực. Cô bé mặc một chiếc áo vải trắng thô dày, quanh cổ quàng một chiếc khăn croma tím thẫm. Mái tóc đen nhánh mềm mại trùm xuống bờ vai, đôi má ửng hồng vì trời rét và vì làm việc nặng.Trông cô thật là dễ thương, xinh xắn. Anh bước tới gần hơn, rồi cứ đứng im nhìn cô mãi. Chợt cô bé ngưng giã gạo, ngẩng lên, bắt gặp một đôi mắt đang nhìn mình chăm chú. Cô cũng đứng im, nhìn thẳng vào đôi mắt đó. Hai bên nhìn nhau như vậy không biết đến bao lâu, rồi cô bé như sực tỉnh, luống cuống quay mặt đi, e thẹn. Chàng trai cất lời hỏi cô bé về người chỉ huy tiểu đoàn. Cô không đáp mà chỉ đưa tay chỉ  lên nhà, rồi quay lưng đi ra phía vườn sau. Chàng trai vừa kịp thoáng thấy hình như trên khuôn mặt đỏ bừng xinh xắn xuất hiện một nụ cười…
Cô mỉm cười, nhận xét:
“Câu chuyện có vẻ  lãng mạn quá, hệt như trong tiểu thuyết!"
"Vâng", tôi đáp, "nhưng là một cuốn tiểu thuyết có kết thúc buồn…Tôi xin kể tiếp… Đơn vị đóng ở phum ba tháng. Những ngày không hành quân tác chiến, chàng trai vẫn thường hay ngồi bên bờ suối mỗi chiều chờ gặp cô gái nhỏ ra gánh nước. Và đôi ba ngày, lại vào phum, đến nhà cô chơi, trò chuyện với bà và mẹ của cô. Ba tháng trôi qua thật nhanh, họ vừa kịp quen nhau, cảm thấy mến thương nhau thì đơn vị rút đi... Khoảng nửa năm sau, đơn vị lại quay về vùng đó, nhưng lần này thì dựng cứ dưới chân núi Svai, cách Phum X khoảng bốn cây số. Chàng trẻ tuổi vẫn thường qua Phum X tìm cô bạn. Tình cảm hai bên đã rất đậm đà, nhưng vẫn còn sự ngượng ngùng e ấp về phía cô gái nhỏ. Gặp nhau, cô chỉ mỉm cười, ngồi nghe chàng trai bập bẹ nói những lời thương nhớ bằng tiếng Khmer. Thấm thoắt lại sắp đến mùa đông. Nhưng không khí năm ấy thật khác thường. Từ anh em lính trong đơn vị đến những người dân ở các phum lân cận đều căng thẳng, bất an. Quân đội của ba phái Khmer phản động đã sống dậy sau một năm im hơi lặng tiếng. Từ những căn cứ huấn luyện quân sự trên đất Thái, hàng chục trung đoàn, tiểu đoàn địch bắt đầu tung ra hoạt động dọc theo tuyến hành lang biên giới. Các đại đội quân tình nguyện Việt Nam đóng chốt riêng lẻ lần lượt bị bao vây, tấn công dữ dội. Cả những người dân hiền lành cũng chịu vạ lây. Đã có một số dân khi vào rừng, ra suối đã bị thương, bị chết vì mìn. Một hôm, cô gái nhỏ đi vào rừng hái nấm một mình. Cô bị vướng mìn, và đã chết ở ven bờ một con suối cạn cách phum khoảng ba cây số. Dân làng bắt gặp xác cô chiều hôm đó, thân hình đẫm máu nằm bên chiếc giỏ tung tóe những chiếc nấm rừng…"
Tôi phải tạm dừng vì chợt thấy cổ họng nghẹn ngào, đắng ngắt. Giọng nói tôi đã trở nên run rẩy đến mức cô nhận ra một cách dễ dàng. Cô nhìn tôi kinh ngạc. Tôi ngước đầu lên, hít thật sâu mấy hơi liền, cố lấy lại bình tĩnh, rồi kể tiếp.
"...Chàng trai đau đớn xé lòng khi biết được tin. Anh như người mất hồn, thẫn thờ suốt cả tháng trời. Đến một hôm, đơn vị vừa có phụ cấp nên mua rượu thịt về tổ chức liên hoan. Đang giữa cuộc vui, anh  bỏ ra ngoài. Anh nhớ người yêu, và đau đớn quá, anh bỗng muốn tự sát theo cô. Anh mang theo một quả lựu đạn, lần về Phum X, dự tính sẽ tìm đến nhà cô, nhìn lại lần cuối nơi đã tình cờ gặp gỡ. Về tới căn nhà xưa, anh ngồi dưới gốc cây vông già khóc nức nở, dưới ánh mắt thương cảm của bà và mẹ của cô gái. Rồi anh bước lên nhà, nhìn lại cây đèn dầu làm bằng chiếc lọ thủy tinh đựng thuốc cảm mà một năm trước anh đã làm tặng cho cô. Anh ngồi dựa vào vách, cầm chiếc đèn trong tay, ve vuốt nó, mơ lại những ngày dĩ vãng, rồi thiếp ngủ lúc nào không biết.
Anh giật mình thức giấc lúc trời đã ngả về chiều. Anh sờ tay lên hông, nơi dắt quả lựu đạn, nó đã biến mất. Anh bước ra ngoài, trông thấy X, một đồng đội, đang đứng trò chuyện với bà mẹ. Các đồng đội của anh thấy thái độ anh có vẻ khả nghi, đã cử X và Y theo dõi, ngăn cản, bảo vệ anh nếu cần. Lúc anh tỉnh dậy thì Y đã mang theo quả lựu đạn về trước. Anh bước tới gần X, hỏi mấy câu với vẻ thản nhiên, rồi chợt kẹp cổ X, cố giằng lấy khẩu AK. Hai bên đang giằng co quyết liệt thì vị trưởng phum chạy tới cầm lấy khẩu súng mang đi giấu, sợ anh sẽ làm liều. X vẫn cố chịu đau ôm ghì anh lại. Anh lúc này đã nổi điên, không còn biết gì là phải trái. Anh đấm đá X, vùng ra, chạy tới nhà vị phum trưởng, đòi khẩu súng. Vị phum trưởng ôm anh cố can ngăn, nhưng anh vẫn hung hăng đấm đá. Cuối cùng, một số thanh niên trong phum phải nhào tới, kẻ ôm tay, người ôm chân anh ghì xuống đất, lấy dây trói lại. Anh vùng vẫy điên cuồng cho đến lúc kiệt sức ngất đi. Khi tỉnh dậy, anh đã nằm trên chiếc chõng tre trong căn nhà của mình.Vị phum trưởng đã cho xe bò chở anh về doanh trại. Anh nằm yên trong bóng tối, nhớ lại những chuyện vừa mới xảy ra, tưởng như đã trải qua một giấc mơ khủng khiếp. Suýt nữa anh đã chết một cái chết vô nghĩa lý, làm buồn lòng những người thân, thương mến của mình... Anh không hiểu vì sao mình lại điên lên như vậy... Vì say rượu thì không, vì anh chỉ uống một ít. Nhưng tại sao, anh vẫn thầm tự hỏi suốt những ngày sau đó..."
"Chàng trai đó chính  là anh, phải không?" cô buột miệng hỏi sau một lúc lặng im.
"Phải, chính là tôi," tôi đáp. "Cho đến bây giờ, Sanly à, tôi cũng không biết mình đã thật sự hiểu được nguyên do của những hành động đó hay chăng. Cô thấy không, có những chuyện như vậy đã xảy ra. Thật khó tin nhưng đã xảy ra..."
Rồi sau đó, tôi im lặng.Cô cũng im lặng. Tôi nghĩ có lẽ cô đã phần nào đó  cảm thông được với tôi. Nắng đã tắt từ lúc nào. Đêm đã buông. Phòng triển lãm cũng đã đóng cửa từ lâu. Trong quán, những bóng đèn tròn xanh đỏ tí hon treo trên những chậu cây nhấp nháy. Ngồi thêm lúc nữa, chúng ta chia tay nhau. Cô chúc tôi mạnh khỏe. Và tôi chúc lại cô lời chúc tương tự.
Sanly thân mến!
Lá thư này, tôi gửi tới cô, và  tới tất cả những bạn bè cô, với ý nghĩa là một phần không thể tách rời của quyển truyện này. Nói rõ hơn, nó như là một dạo khúc mở đầu cho câu chuyện về những ngày tôi đã sống. Tôi viết câu chuyện này là để  trả  phần nào món nợ tinh thần mà tôi đã tự nguyện gánh vác đối với bạn bè, đồng đội của tôi. Trong số đó có kẻ đang còn sống, đang tiếp tục không ngừng cuộc đấu tranh kiếm tìm  hạnh phúc, cũng có kẻ đã ngủ yên trong lòng đất.     
Mong cô đọc nó với lòng thông cảm. Vốn dĩ, tôi không phải là một nhà văn gì cả. Tôi chỉ là một người bình thường, bằng những lời đơn giản kể lại một câu chuyện mà nhiều người đã biết.
Chúc Sanly những ngày tuổi trẻ bình an, nhiều hạnh phúc.
Một người bạn của cô.
Nguyễn Thành Nhân


3. Thư gửi Ban Tổ chức cuộc Thi sáng tác văn học Tuổi Hai Mươi lần 2
           

TP.HCM, 30/7/2000

Thưa các chú và các anh chị,

Vừa qua, tôi được anh Phạm Sỹ Sáu, đại diện BTC cuộc thi có nhã ý mời tới gặp mặt để trực tiếp trao đổi về một số vấn đề liên quan tới tác phẩm dự thi của tôi (Mùa xa nhà). Thật lòng, tôi rất vui mừng và cảm động khi được biết tác phẩm của mình đã nhận được sự chú ý, đồng cảm và bảo vệ của một vài chú, anh chị trong Ban Giám khảo. Qua cuộc trao đổi với anh Phạm Sỹ Sáu hôm ấy, anh Sáu có đề nghị tôi sữa chữa lại kết cấu quyển truyện, cụ thể là đưa chương cuối vào khoảng giữa, theo ý của Ban Giám khảo, cũng như đề nghị cắt bỏ, thay đổi một số đoạn, câu rải rác trong tác phẩm.
Tôi đã đồng ý với anh Sáu về việc chuyển đổi kết cấu. Nhưng vẫn xin được nói thêm đôi chút về kết cấu câu chuyện. Có thể theo quan điểm của một số người, kết cấu ấy là không hợp lý, vì nó đã làm xấu đi bối cảnh chung của tác phẩm, làm nặng nề bi thảm hóa cuộc chiến tranh ở Campuchia, và nguy hiểm hơn nữa, nó “có vẻ như” phủ nhận toàn bộ tính chất chính nghĩa và cần yếu của cuộc chiến tranh này.
Thật ra, tôi đã băn khoăn, trăn trở nhiều lắm, đầu tư rất nhiều công sức để tìm một kết cấu tối ưu cho tác phẩm, và cũng đã làm hết sức mình để tránh đi sự ngộ nhận, hiểu lầm, phê phán một chiều của người đọc sau này. Phần lá thư dẫn chuyện, và những cảm tưởng của nhân vật Huy đối với nhân vật Quân được xây dựng nên cũng vì lẽ đó. Ở đây – ở tác phẩm này – tôi không hề có chút dụng tâm đánh giá hay tuyên bố một sự khẳng định nào (dù chỉ ở góc độ cá nhân) về tính chất và ý nghĩa của cuộc chiến ở Campuchia. Cuộc chiến đó chỉ được sử dụng như một chiếc cầu nối, một phương tiện, một minh chứng cụ thể, một kinh nghiệm bản thân, để tìm tòi, đặt những dấu hỏi và nêu ra vài phương cách giải đáp cho một vấn đề có ý nghĩa lớn lao hơn. Đó là tính chất không phân hai (bất nhị) của cặp phạm trù Chiến tranh-Hòa bình. Chiến tranh-Phản đề là tàn khốc, là chết chóc, mất mát, khổ đau, dù là chính nghĩa hay phi nghĩa. Nhưng chính từ chiến tranh, từ những thảm họa do nó gây ra, ý nghĩa của Hòa bình-Chính đề càng sâu sắc, càng được tôn vinh. Mâu thuẫn nội tại này, tôi đã cố gắng thể hiện nó rõ nét hơn qua sự phân bố những bối cảnh đối kháng nhau: những trận đánh, những chết chóc, đau thương, những gian lao, mưa gió phũ phàng đan xen vào những chuyện tình, những khoảnh khắc an bình, những tiếng chim, những hoa lá cỏ cây, mặt trời, ánh trăng thơ mộng. Nhưng dù trong chiến tranh vẫn tồn tại an bình, đó cũng chỉ là những an bình tạm bợ, phù du. Tôi muốn thông qua câu chuyện, một lần nữa góp chút giọng nhỏ bé của mình vào tiếng hát chung – tiếng hát ước mơ, ngợi ca và kêu gọi một an bình thật sự, vĩnh viễn cho toàn nhân loại. Tất cả chúng ta, với tư cách và phẩm giá Con Người, ai mà không khát khao mong muốn hòa bình. Vậy nhưng chiến tranh vẫn tồn tại và tiếp diễn. Tác phẩm đặt ra vấn đề, gợi lên cho người đọc, để cùng tìm một giải đáp cho sự phi lý này. Đó là chủ đề chính chi phối toàn bộ câu chuyện. Chương cuối của tác phẩm là một cảnh tử hình bi thảm, và đoạn kết cuối cùng cũng quá buồn rầu, nhưng đó không phải là sự sơ sót của một “cây viết không chuyên” hay là sự sắp xếp vô tình không chủ đích. Đó chính là chỗ dụng tâm của tôi: một “cú nhấn cuối cùng” về tính chất bi kịch của chiến tranh (nói chung) đối với những người trong cuộc và có liên quan tới nó.
Tôi rất cám ơn các anh, các chú đã có nhiều quan tâm và thiện ý tốt dành cho tôi. Và bản thân tôi cũng không phải là quá cố chấp để cứ khăng khăng cho mình là đúng. Vì vậy, tôi xin đồng ý thay đổi, đưa chương cuối vào phần giữa, điều chỉnh đôi chút để mạch truyện vẫn bảo đảm như lúc ban đầu. Chỉ là muốn trao đổi thêm và nói lên quan điểm của mình về vấn đề này.
Ngoài ra, đối với việc cắt bỏ, thay đổi những phần còn lại, tôi đã suy nghĩ nhiều, và rất không yên tâm. Việc biên tập, nếu có, theo tôi biết, chỉ là sửa chữa những sai sót về chính tả, cắt bỏ những từ ngữ, đoạn văn thừa thãi, rườm rà, vô thưởng vô phạt. Tôi chấp nhận việc biên tập như vậy. Tôi chỉ xin thiết tha đề nghị được giữ nguyên các đoạn đối thoại hay độc thoại trọng tâm, không biên tập cắt xén đổi thay gì cả. Vì nếu làm điều này, cũng có nghĩa sẽ làm sai lệch, méo mó ngay những luận đề và luận cứ của tôi (và nó còn trái với Luật về Quyền tác giả). Vậy rất mong các chú, các anh chị thông cảm. Tác phẩm có đoạt giải và nhất là có được in hay không, cũng là một điều rất quan trọng và ý nghĩa. Nhưng điều quan trọng nhất, đối với tôi, là nếu công bố, tác phẩm phải tồn tại nguyên vẹn, đầy đủ, chính xác những gì chính yếu mà tôi muốn thể hiện, muốn nói lên với người đọc. Dù cách thể hiện ấy chưa hay, chưa hoàn chỉnh, nhưng hoàn toàn không ẩn chứa một ý đồ xấu xa, đen tối, cố tình chống đối chế độ hay phê phán lịch sử nào. Bởi vì tôi, khi viết, đã sẵn sàng chịu trách nhiệm đối với từng câu chữ của mình. Bởi vì tôi, nếu có thể sống lại một lần nữa tuổi trẻ của mình, tôi cũng sẽ sống như đã sống. Bởi vì, những tháng ngày mặc chiếc áo lính chính là những tháng ngày đẹp đẽ và có ý nghĩa nhất trong quãng đời tôi đã sống. Mọi ngộ nhận, nếu có, ấy chỉ là do tôi lực bất tòng tâm, vẽ cọp thành mèo. Nhưng tôi tin  tưởng rồi với thời gian và sự công tâm, dư luận sẽ nhận thức được đúng những tâm tư tình cảm ấy, hiểu được lòng tôi.
Cuối cùng, xin chân thành cám ơn sự quan tâm của các chú, các anh chị. Rất mong những tâm sự trên đây tìm được những đồng cảm sẻ chia.
Kính thư.
Nguyễn Thành Nhân





Mùa xa nhà - Chương XX





CHƯƠNG 20


Lại một năm mới đến trong cuộc đời quân ngũ của Huy. Thêm một việc đau lòng đã xảy ra vào một ngày tháng Năm năm ấy, ngay trước lúc Huy quay trở lại quê nhà. Nó làm cho tất cả những người lính tình nguyện đau đớn xót xa, làm cho dân chúng quanh vùng phẫn nộ, sợ hãi và căm oán,  làm cho cả những lượn khói nhạt chiều hôm và ráng trời đỏ rực sau núi Svai chiều chiều giờ đây cũng nhuốm màu tang tóc. Mọi chuyện bắt nguồn từ một thời điểm xa hơn, như sau này một số đồng đội cùng đơn vị của kẻ thủ ác và người thân  của các nạn nhân thuật lại.
Mùa xuân năm trước, tiểu đoàn X dời cứ từ một xã phía nam về trú đóng tại phum Cần Đan, một phum lớn ở hướng Đông Bắc núi Svai, cách phum Chan Đai hơn hai mươi cây số đường chim bay. Đây là một tiểu đoàn dân vận, nhiệm vụ chủ yếu của nó không phải là chiến đấu cơ động, mà như tên gọi, là làm công tác dân vận, nhằm tăng cường mối quan hệ đoàn kết  và sự thông cảm hiểu biết giữa quân dân. Đơn vị gồm những người lính nói rất sỏi tiếng Khmer, một số cán bộ thậm chí còn biết viết chữ Khmer đẹp và đúng hơn cả nhiều người dân nữa. Họ chia ra mỗi tổ ba bốn người, vào cùng ở, cùng ăn, cùng làm với dân, và nhanh chóng chiếm được cảm tình, lòng tin cậy. Trong tiểu đoàn có Z, một hạ sĩ quan tính khí hơi kỳ lạ. Gã hiếm khi cười nói vui vẻ với bất kỳ ai, có tật nghiện rượu, hay lẻn đi uống rượu một mình.
Z rất thích May, một cô gái trẻ trong phum. Gã thường tìm cách lân la tán tỉnh May, nhưng nàng không ưa gã, luôn tìm cách lẫn tránh. Thật sự, cứ trông thấy gã lúc nào cũng ngật ngưỡng say, mặt mày đỏ ké, đôi mắt ngầu đục lờ đờ, nét mặt lầm lì bí hiểm, chẳng cô gái nào lại không e sợ. Gã tấn công, và May lẩn tránh, cứ thế ngày tháng trôi qua. Có lẽ lúc đầu thái độ của cô gái càng kích thích máu chinh phục của Z, làm cho gã thêm quyết tâm. Nhưng rồi thấy bao nhiêu thời giờ, công sức bỏ ra vẫn không giúp gã tiến thêm một bước, gã trở nên thất vọng, chán chường. Trong lòng gã, một cảm giác hận thù, ganh ghét đã nẩy mầm. Gã cay đắng vô cùng, uất nghẹn trào lên cổ khi nhìn thấy May cười nói vui vẻ với các đồng đội của mình. Nhiều lúc gã muốn gào lên câu hỏi: "Tại sao tôi tốt với cô, mến yêu cô, mà cô đối xử với tôi tệ bạc như vậy? Tôi phải làm gì cho vừa lòng mát dạ cô?" Càng thất tình tuyệt vọng, gã càng rượu chè be bét, bất chấp mọi lời khuyên can răn đe của đồng đội, cấp trên. Và không biết từ lúc nào, lòng gã đã manh nha một ý tưởng trả thù đê hèn, man rợ.
Buổi sáng định mệnh ấy đến. Đó là một ngày trời đẹp, nắng chói chang rực rỡ. Hôm trước, dân làng đã hẹn nhau cùng ra cánh trảng bìa rừng để cắt tranh. Họ khởi hành từ tờ mờ sáng, gồm cả các ông già, bà lão, trẻ con, đàn bà con gái, tất cả chừng mười bốn mười lăm người, tay liềm tay hái vừa đi vừa nói cười ríu rít. Một đôi mắt đỏ ngầu hấp háy bắt gặp đám dân làng khi họ vừa đi ra khỏi bìa phum, Z  cười gằn nhìn theo cho đến khi người cuối cùng đã khuất sau rặng cây cao. Gã quay vào phum, tìm rượu uống.
Gần hai tiếng sau, Z chuệnh choạng quay về chỗ ở. Gã vớ khẩu AK, choàng thêm một bao se ba băng đạn, rồi len lén tìm đường cắt vào rừng, đi vòng ra phía sau nơi những người dân đang cắt tranh. Lúc gã rời nhà, mấy người lính ở chung với gã trông thấy, nhưng họ không chú ý, tưởng gã đi công chuyện hay bắn chim đâu đó.
Vào thời gian ấy, rừng đang lúc xanh tươi rực rỡ, cây cỏ đâm chồi nẩy lộc sau những trận mưa rào. Lá non xanh ngắt rung rinh trong gió. Hoa nở khắp nơi, trên những đỉnh cây, trong những bụi lùm thấp nhỏ. Lan thủy tiên trắng tinh khôi, lan ngọc điểm tím ngát, hoàng lan vàng rực rỡ. Cả những khóm địa lan thấp bé mọc dưới những tàng cây rậm, nép bên những chùm rễ cong xù xì và phủ đầy rêu xám cũng trổ nhánh khoe những nụ hoa nho nhỏ màu tím nhạt. Tiếng chim cu, chim cà cưỡng, sáo sậu, sáo đá, sơn ca véo von hót gọi bạn tình, tiếng lá rơi xao xác, tiếng chảy rì rào của những con suối nhỏ, tất cả dệt thành một chuỗi nhạc rừng liên miên vô tận. Rừng thật đẹp, như một thiếu nữ xuân thì. Nhưng Z như một người vừa mù vừa điếc, gã không nghe, không thấy gì khác ngoài những ý nghĩ đen tối trong đầu.
Z xuất hiện trước mắt đám dân đột ngột, nòng súng đen ngòm chỉa thẳng về phía họ. Mọi người giật mình khi nhận ra nét mặt gã thật kỳ lạ khác thường. Họ ngưng làm việc, đứng lặng nhìn gã, lo lắng và sợ sệt.
- Người già, con nít ngồi xuống đó, không được nhúc nhích cho đến khi nào tao cho phép.  Mấy đứa con gái theo tao đi vào rừng – Z nói, gằn giọng từng từ một.
Những người dân nhìn nhau kinh ngạc. Rồi một cụ già, Son Kê, lấy hết can đảm hỏi gã:
-  Mày định làm gì vậy, coong tóp Z?
-  Câm miệng lại  – Z  giận dữ quát – Không hỏi han gì cả. Đứa nào nhúc nhích hay mở miệng tao bắn chết ngay! Ngồi xuống!
Già Son Kê nhìn mọi người, ra hiệu cứ nghe theo lời gã. Trông gã lúc này thật khủng khiếp, như thể đang bị quỷ ám, không ai dám chắc gã chỉ hù dọa hay sẽ bắn thật sự. Họ miễn cưỡng ngồi xuống.
Z có vẻ hài lòng khi thấy mọi người tuân phục, gã quay sang mấy cô gái, tay chỉ vào rừng:
- Đi!
Trong đám dân có ba cô gái, May, Sori và Chun. Ba người lưỡng lự bước, Z đi sau họ, khẩu súng vẫn lăm lăm chỉa thẳng.
Vào sâu chừng chục thước, Z quay lại nhìn ra. Đám người ngoài kia vẫn ngồi im. Gã ra lệnh:
- Con Sori lấy khăn krama trói tay hai đứa kia cho tao.
Sori sợ hãi nhìn gã, lắc đầu. Gã trừng mắt. Cô đành nghe theo gã, run run tháo chiếc khăn choàng trên đầu May và Chun cột tay họ lại. Z bước tới, thô bạo xô hai cô té ngửa trên mặt đất, rồi hắn đeo súng vào người, giật chiếc khăn của Sori, lôi cô tới một gốc dầu nhỏ, ở một chỗ vừa quan sát được đám dân ngồi ngoài bìa rừng, vừa nhìn thấy May và Chun, cột chéo hai tay cô ra sau thân cây. Sori bật khóc, cô van xin hắn :
- Boòng ơi, đừng làm vậy. Đừng boòng ơi, tội cho Sori lắm!
Z nhếch mép cười gằn. Hắn xé toạt chiếc áo, rồi chiếc xà-rông của Sori, bắt đầu cưỡng hiếp cô ngay trước mắt hai người còn lại. May và Chun co rúm người lại, cúi gằm mặt xuống, run bần bật vì mắc cỡ và sợ hãi, rồi họ khóc nấc lên khi nghe thấy tiếng Sori kêu gào rên xiết nghẹn ngào. Chừng hai phút sau, May quyết định bỏ chạy, cô đá nhẹ chân Chun ra hiệu. Cả hai thình lình đứng dậy, loạng choạng chạy ra phía bìa rừng.
Z gầm lên cuồng nộ. Gã vội vàng mặc chiếc quần đùi vào, đuổi theo. Đám dân phía ngoài cũng bắt đầu bỏ chạy tán loạn khi trông thấy May và Chun vùng chạy. Z mở khóa an toàn, xả đạn vào hai cô gái và những ông già bà lão chậm chạp chạy phía sau. Rồi hắn đuổi theo, tiếp tục hạ sát những người còn lại.
Hôm ấy, có tất cả năm người bị Z giết chết, trong đó có May và Chun, và năm sáu người nữa bị thương, Sori may mắn sống sót vì Z mải đuổi bắn những người kia đã bỏ quên cô.  Khi bộ đội tiểu đoàn X nghe thấy tiếng súng, chạy ra đến hiện trường, họ sửng sốt bàng hoàng khi thấy xác những ông bà già, con nít đẫm máu nằm rải rác trên cánh trảng. Z đang điên cuồng  đuổi bắn một thằng bé. Họ nhanh chóng bao vây, kêu gọi gã bỏ súng đầu hàng. Z  giờ đây đã say máu và liều mạng, gã bắn trả lại đồng đội và tìm cách bỏ chạy. Cuối cùng, một phát đạn bắn gảy xương đùi Z mới buộc gã thôi hung hăng chống cự. Sau đó, họ chuyển Z lên quân trạm Đoàn, tạm giam gã để chữa thương và chờ ngày xét xử.
Mọi việc xảy ra bất ngờ và khủng khiếp, ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai. Thế nhưng nó đã xảy ra rồi. Toàn Tiểu đoàn X  đều đau lòng và ân hận, họ không biết phải giải thích sao với những người dân về tội lỗi của một đồng đội. Dân làng vô cùng căm phẫn và đau xót, họ nguyền rủa bộ đội Việt Nam, đòi được tự tay xử tội Z, trả thù cho người thân của họ. Không khí trong phum thật nặng nề, u ám. Bao nhiêu công lao, bao nhiêu mồ hôi và máu của những đơn vị quân tình nguyện đổ ra, trong thoáng chốc trở nên vô nghĩa chỉ vì một cá nhân. Tình cảm gắn bó giờ đây bỗng có một khoảng cánh ngăn chia  không dễ gì hàn gắn lại.
Sự vụ được báo cáo khẩn trương lên cấp trên, lên tới chỉ huy cao nhất của Mặt trận. Bản báo cáo nêu rõ những đòi hỏi của dân chúng, và kiến nghị tổ chức Tòa án quân sự đặc biệt xét xử và thi hành án tại chỗ và ngay lập tức để xoa dịu lòng dân. Hội đồng quân pháp Mặt trận ngay sau đó đã ra quyết định xét xử Z ngay tại phum Cần Đan. Phiên tòa công khai được thông báo đến những đơn vị đóng quân trên các địa bàn lân cận. Mỗi đơn vị được yêu cầu cử đại diện tới dự khán phiên tòa.
Vụ xét xử được tiến hành tại khoảng đất trống trước sân chùa. Ngay từ  mờ sáng, đã có đến hàng trăm dân quanh vùng  tụ họp về, xôn xao bàn tán chuyện trò. Quân nhân các đơn vị lần lượt tới không lâu sau đó.
Vì là đơn vị gần bên, các cán bộ chiến sĩ thuộc tiểu đoàn của Huy đến xem xét xử khá đông. Huy dẫn theo Thuận, Kiên cùng đi. Anh lặng im quan sát. Tuy có rất đông người, nhưng không khí khá im lìm lặng lẽ. Mọi người chỉ khẽ khàng trao đổi với nhau. Họ thì thào nguyền rủa Z, tỏ lòng thương tiếc những nạn nhân, và đều dự đoán, như một lẽ tất nhiên, Z  phải bị xử tử hình. 
Khoảng tám giờ sáng, hai chiếc Zin chở các cán bộ Hội đồng quân pháp Mặt trận, phạm nhân và vài chục tay súng đến nơi. Z được đưa ra khỏi xe với đôi tay bị còng, chân trái gã vẫn còn lớp bột băng. Trông gã ngơ ngác như một kẻ mất hồn, vẻ lầm lì  hung hãn thường ngày biến mất. Giờ đây gã như một đứa bé ngỗ nghịch vừa bị xáng một cú bạt tai như trời giáng, không còn biết gì ngoài cơn sợ hãi điếng hồn.
Đám đông đang lặng lẽ, bỗng nhốn nháo lên khi đoàn xe tới. Ở một góc chợt có tiếng kêu gào khóc lóc nổi lên. Một vài phụ nữ cố giãy giụa, vùng vẫy khỏi  những bàn tay níu kéo để lao tới cào xé Z. Đó là vợ con hoặc chị em của các nạn nhân. Một cán bộ quân pháp lớn tuổi, mái tóc lốm đốm bạc giơ chiếc loa cầm tay lên miệng, nói to bằng tiếng Khmer:
- Bà con hãy bình tĩnh, yên lặng. Tên Z có tội với bà con, quân pháp sẽ xử hắn một cách nghiêm minh. Bây giờ mọi người hãy tìm chỗ ngồi xuống, giữ trật tự  để xem tòa xét xử.
Nói xong, ông cùng năm viên sĩ quan quân pháp khác bước tới ngồi vào chỗ hai chiếc bàn đã được trưởng phum kê sẵn.  Z được hai người lính xốc nách tới ngồi vào một chiếc ghế đặt phía trước, ở giữa vòng người. Một viên sĩ quan đứng tuổi đứng lên, đọc bản cáo trạng. Anh ta đọc từng câu một, ngưng lại, chờ người thông ngôn, một cán bộ của tiểu đoàn X, dịch sang tiếng Khmer cho dân chúng nghe. 
Bản cáo trạng thuật lại diễn biến của hành vi phạm tội, kết thúc bằng đề nghị xử bắn Z, bản án thi hành ngay tại chỗ. Kế đó, vị thẩm phán chủ trì cuộc xét xử, chính là viên sĩ  quan già đầu bạc, bắt đầu việc xét hỏi.
- Bị cáo Z, bản cáo trạng có nêu đúng những hành vi của anh không?
Z  thều thào đáp, gã vẫn cúi gầm mặt xuống đất từ đầu, nét mặt gã nhợt nhạt không còn chút máu.
-  Thưa tòa đúng.
- Anh giết những người dân vô tội vì nguyên nhân, động cơ gì?
-  Thưa tòa tôi không biết.
Vị thẩm phán cau mày:
- Anh bắn giết cả chục người mà không biết tại sao mình làm vậy thật ư!
- Tôi không định giết họ… tôi… tôi chỉ định hãm hiếp mấy đứa con gái cho bỏ ghét. tại họ bỏ chạy nên tôi mới bắn họ.
- Tại sao anh chống cự lại khi các đồng đội ra ngăn cản?
- Dạ… tôi sợ… lúc đó… tôi không còn biết gì… tôi như một thằng điên…
- Anh có ăn năn hối lỗi không?
Z im lặng. Rồi gã bật khóc, lẩm bẩm rên rỉ những tiếng gì đó nghe không rõ.
- Tòa hỏi lại, anh có ăn năn hối lỗi không?
- Tôi… hối hận lắm… hối hận lắm…
- Anh có muốn nói gì với cha mẹ vợ con các nạn nhân không?
Z lắc đầu, vẻ tuyệt vọng. Vị thẩm phán chờ đợi một lúc, rồi nhắc lại câu hỏi. Z ngần ngừ rồi run run nói:
- Tôi có tội. Tôi xin chịu chết để đền tội.
Vị thẩm phán gật đầu, quay sang khoác tay ra hiệu cho viên thư ký. Anh ta mời mọi người đứng lên nghe ông tuyên án: "…Tòa án quân sự Mặt trận tuyên án xử tử  tên Lê Văn Z, sinh năm…, nhập ngũ ngày… tháng … năm…., cấp bậc hạ sĩ, chức vụ tiểu đội phó thuộc Tiểu đoàn X, Đoàn Y vì tội cưỡng hiếp phụ nữ, giết nhiều người dân Khmer vô tội một cách dã man, gây chia rẽ, phá hoại mối đoàn kết quân dân hai nước, làm mất danh dự và uy tín của quân tình nguyện Việt Nam. Án được thi hành ngay tại phum Cần Đan, huyện Svai Chek, tỉnh Bát Đom Boong, và ngay ngày hôm nay, ngày… tháng…năm… Tòa xin thay mặt Quân đội nhân dân Việt Nam nhận lỗi không quản lý giáo dục nghiêm chiến sĩ, để xảy ra việc đau lòng đáng tiếc vừa qua, cầu mong bà con cô bác  tha thứ tội. Bàn tay có ngón dài ngón ngắn, Z  là người xấu, y sẽ phải đền tội. Nhưng quân tình nguyện Việt Nam vẫn còn có nhiều người tốt. Mong bà con cô bác vẫn thương yêu đùm bọc họ. Mất mát của bà con cô bác không có gì bù đắp được, nhưng để an ủi, và giúp đỡ các gia đình nạn nhân trang trải tang ma, chữa trị thương tật, Tòa xin thay mặt Mặt trận gửi cho mỗi gia đình hai tạ gạo và hai ngàn ria. Sau khi thi hành án, mời các bà con ở lại nhận cho."
Ông ngưng một chút, rồi gằn giọng:
- Đội chấp pháp chuẩn bị thi hành án ngay lập tức!
Trong thời gian xét xử, có mấy người lính đã ra phía đồng trống hướng bắc phum chuẩn bị nơi hành hình. Họ chôn một thân cây cao khỏi đầu người. Z được dìu ra, một người lính cột một băng vải đen che mắt gã lại rồi trói vào thân cây. Mọi người đứng quanh im lặng, hồi hộp chờ đợi. Ba người lính chấp pháp xếp thành hàng ngang, ôm súng đứng nghiêm chờ lệnh của viên đội trưởng.
Thân hình Z run bần bật. Gã khóc mếu máo. Không biết sau lớp vải đen, đôi mắt gã vẫn mở to hay nhắm nghiền lại vào giây phút đó.
- Bắn! – Viên đội trưởng quát lớn.
Người Z nẩy lên, giật giật vài cái rồi mềm rũ xuống sau loạt đạn. Viên đội trưởng bước tới gần, kiểm tra xem gã chết hẳn chưa, rồi gật đầu ra hiệu các thuộc cấp thu dọn xác. Cảnh xử tội dường như kết thúc quá nhanh. Mọi người đứng ngẩn ra một lúc. Mặt trời lúc ấy đã lên gần giữa đỉnh đầu. Nắng đỏ như lửa hắt xuống cánh đồng. Bãi xử bắn trong một thoáng lặng im phăng phắc, tiếng những cơn gió rì rào lướt trên ngọn cỏ bỗng nổi lên mồn một âm vang.
Mọi người lần lượt bỏ về. Huy đứng lặng lẽ. Lòng anh không buồn không vui, nhưng nặng trĩu vì một điều mơ hồ không rõ. Ánh mặt trời chói chang rọi xuống làm đôi mắt anh nhức nhối. Bỗng nhiên anh cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Bỗng nhiên anh ước ao được nằm lăn ra mặt đất ngủ vùi một giấc, đầu gối lên trên lớp cỏ mùa xuân thơm và mềm mại. Và khi giật mình thức giấc, anh sẽ vui mừng nhận ra tất cả mọi chuyện trong suốt những tháng năm qua chỉ là một cơn mê sảng, một ác mộng phù du. Nhưng chính ước ao đó giờ đây cũng chỉ là ảo vọng. Những suy nghĩ trong đầu óc Huy như thể không còn chút liên hệ gì với ý chí của anh. Tâm hồn anh dường như bị cắt lìa khỏi xác thân mệt nhoài đòi ngơi nghỉ, nó vẫn đều đặn chuyển động theo một vòng xoay lạ lùng nào đó. Một chuỗi hình ảnh, kỷ niệm xa xôi bỗng lan man quay về trong ký ức  – những trò vui đùa hồi nhỏ, những con người gần như đã biến mất từ lâu khỏi cuộc đời anh. Huy nhớ một cách dửng dưng, như thể chúng chẳng liên quan gì với anh, một người lính giờ đây đang ở một nơi xa lạ. Khi Huy giật mình thoát khỏi những hồi nhớ vẩn vơ đó, nhìn lại xung quanh, tất cả mọi người đã rời bãi hành hình tự lúc nào, cả những người lính trong đội thi hành án cũng đã mang xác của Z đi rồi. Chỉ còn Thuận và Kiên đang ngồi dưới bóng một cây lòng mức chờ anh. Trời đang chuyển mưa, tối sầm, xám ngắt, và gió bắt đầu rít mạnh, tạo thành xoáy lốc, cuốn những cọng rơm cỏ, lá khô  bay tơi tả giữa cánh đồng. 
*****

Trong một trận đánh vào cuối tháng Năm, một quả B nổ tung bên hông công sự của Huy. Huy không trúng mảnh, nhưng sức ép và chấn động quá lớn làm anh ngất xỉu. Khi tỉnh lại, anh thấy mình đã nằm ở quân y viện Sư đoàn. Huy nằm ở đó điều trị gần một tháng. Sau đó, anh được đơn vị giải quyết ra quân. Trước khi về nước, Huy quay lại thăm Chan Đai lần cuối, để từ giã, có thể là vĩnh biệt nơi này mãi mãi.
Những người quen anh gặp lại đều mừng cho anh được trở về, nhưng rất buồn khi phải xa anh. Me của Soun ôm lấy Huy khóc ngất. Anh gục vào vai me, nước mắt tưởng chừng đã khô cạn từ lâu bỗng tràn trề như nước lũ. Vai áo me đẫm ướt nước mắt Huy. Và ngực anh đầm đìa nước mắt của bà. Anh cũng ghé vào thăm búc Hô, ngồi uống với ông một vài ly rượu. Rượu giờ đây có vị đắng vô cùng.
Khi nắng chiều sắp tắt, Huy một mình ra thăm nhà mồ của me Sa Rinh và của Soun. Những người thân yêu nhất trong một mùa giông bão  – mùa xa nhà của anh – đã lần lượt bỏ anh đi mãi. Và giờ đây đến lượt anh cũng rời bỏ những người thân yêu còn lại ở đây, để quay về nơi thân yêu cũ, nơi gắn bó ruột rà máu thịt. Nhưng bạn bè đồng đội của anh vẫn còn ở lại nơi đây, với biết bao khó khăn, gian lao chồng chất. Mồ hôi và máu của những người lính sẽ còn đổ xuống, thấm vào mỗi lá rừng, mỗi hạt cát ở nơi đây. Lòng Huy chợt gợn lên câu hỏi: "Ở đâu là quê hương?" Quê hương anh là miền Nam nước Việt, ở đó anh đã sinh ra, lớn lên với biết bao kỷ niệm êm đềm, ở đó anh có những người thân, bè bạn. Quê hương anh bây giờ có thêm một mảnh đất vùng tây bắc Campuchia, nơi anh đã sống, chiến đấu, và đã yêu, nơi anh đã học những bài học về yêu thương và về cuộc sống. "Rồi mai này xa cách," Huy nhủ thầm trong lòng, khi nhìn những lượn khói hương đang bay lửng lơ trong nắng chiều vàng vọt, "Rồi mai này xa cách. Nhưng quê hương ơi, tôi sẽ giữ hoài trong lòng nỗi nhớ mênh mang".
Còn nỗi buồn của riêng anh? Chỉ là những tiếng thở dài cuốn vào không gian vô tận.
              
Viết xong đêm giao thừa
Xuân Kỷ Mão 1999



Mùa xa nhà - Chương XIX






CHƯƠNG 19


Năm ấy, tiểu đoàn trải qua một mùa khô gian khó. Trời hạn lớn. Cây cỏ xơ xác héo vàng vì thiếu nước. Những giàn bầu giàn mướp, những luống rau đậu họ trồng khô chết cả. Không khí hanh hao nóng bức làm thân thể họ lúc nào cũng nhơm nhớp mồ hôi. Những con suối gần khu vực đóng quân đều khô cạn. Họ phải đi sang phum lân cận cách đó bảy cây số tải về từng can nước. Chiếc hồ sen cạnh chùa chẳng mấy chốc cũng chỉ còn một lớp nước cạn sệt bên trên lớp bùn dưới đáy. Dân phum và những người lính phải lần lượt xếp hàng chờ đợi đến lượt từng người để chắt từng ca nước trong mấy cái hố nhỏ đào sâu xuống đáy hồ. Liên tục gần hai tháng trời, những người lính cách ba bốn ngày mới tẩm ướt chiếc khăn để lau sơ một lượt qua thân thể.
Khoảng  giữa tháng Bảy, tiểu đoàn được lệnh hành quân lên cao điểm 182. Theo quân báo trung đoàn, một lực lượng khoảng hai trăm lính Pol Pot đã tập trung về đó chừng nửa tháng, đóng quân quanh một hồ lớn giữa rừng. Và cao điểm cũng là nơi duy nhất trong vòng bán kính hơn năm mươi cây số có nguồn nước. Trên bản đồ, ký hiệu xanh lơ của chiếc hồ nổi lên thành một vệt dài. Mọi người chuẩn bị cho đợt hành quân mà lòng  ngao ngán. Suốt một thời gian dài khô hạn, thần kinh ai nấy cũng căng thẳng và bực bội, và thân xác họ rã rời bãi hoãi, chỉ cầu mong mưa xuống. Đi đánh nhau trong tình trạng như thế, không mong gì một kết quả khả quan, nhưng quân lệnh như sơn, là lính dù muốn dù không họ cũng phải chấp hành. Họ cố tìm đủ nước để mang theo, nhưng nhiều lắm mỗi người cũng chỉ kiếm được nửa can vàng. Họ chỉ còn hy vọng lên tới cao điểm sẽ nhanh chóng đuổi được địch, chiếm lấy hồ nước để  tha hồ uống cho thỏa thích.
Cao điểm cách Cứ chừng sáu mươi cây số. Tiểu đoàn cố vượt qua khoảng cách đó trong đêm để tránh cái nắng ban ngày, nhưng trời oi bức mà họ lại không dám dùng đủ nước, nên tốc độ càng lúc càng giảm.  Đến sáng, họ còn cách vị trí hơn năm cây số. Tiểu đoàn trưởng Bảo cho đơn vị dừng lại giải lao. Những người lính móc mấy bao gạo sấy ra đổ nước vào rồi nhá nhá cho đỡ  đói. Không ai dám đụng đến lương khô. Thứ đó chỉ để dành cho những buổi tối ngồi nhấm nháp uống trà nói chuyện ở Cứ, đi tác chiến mà ăn lương khô chỉ tổ uống nước nhiều nặng bụng đi không nổi. Sau đó một giờ, họ lên tới hồ. Đội hình chiến đấu được triển khai và áp sát dần vào, nhưng cuối cùng họ phát hiện địch đã rời cao điểm mấy ngày trước đó. Rải rác chỉ còn dấu những bếp đào quanh bờ hồ. Chiếc hồ chỉ còn là một trũng đất rộng, khô như bầu trời và mặt đất. Nó chỉ còn là một xác chết của chiếc hồ có ký hiệu xanh lơ vẫn nằm tươi rói trên mặt bản đồ.   
Tiểu đoàn trưởng Bảo cáu tiết chửi thề ỏm tỏi, nhưng cơn giận của anh nhanh chóng xìu xuống, anh bắt đầu cảm thấy lo âu khi nghĩ tới chặng quay về. Nếu quay trở lại theo đường cũ, họ phải băng một con trảng dài gần năm mươi cây số dưới ánh nắng chói chang. Đó là con đường ngắn nhất. Còn đi vòng xuống hướng tây một chút, khoảng ba mươi cây sau, họ sẽ gặp phum đầu tiên, và có thể tìm được ít nước. Nhưng đường xa gấp rưỡi, và có nhiều khả năng đụng địch, mà lúc này mọi người đều mệt mỏi và đuối sức, không đụng địch cũng đã muốn nhấc chân không lên rồi, còn đánh đấm gì được nữa.
Cuối cùng, Bảo quyết định chọn đường vòng. Tiểu đoàn quay về như một đoàn quân thất trận, tệ hơn cả thất trận. Từng nhóm lính rải rác lê chân trên cánh trảng, không hàng lối trật tự gì. Nhiều người ngất xỉu nằm lăn ra trên đất, nhất là các trung đội hoả lực. Kiên và Vũ, hai lính mới của trung đội không chịu nổi cũng ngã qụy khi còn cách phum chừng năm cây số. Huy rút trong túi cóc ra chiếc bình toong. Sau lần ở biên giới trở về, không bao giờ Huy quên giữ một bình toong nước mỗi lần đi tác chiến. Nhiều khi anh mang theo và lại mang về, không đụng đến suốt một đợt truy quét. Nhưng thói quen ấy bây giờ rõ ràng là có ích. Huy rót ra nắp bi đông, cho Kiên và Vũ nhấp từng ngụm thật nhỏ, và cũng không cho hai đứa uống nhiều, chỉ độ ba nắp bi đông. Sau đó, Kiên, Vũ khá hơn, và họ lại tiếp tục lên đường. Lần lượt, những nhóm lính cũng vào được tới phum. May là họ không gặp địch ở đó.
Đó là một phum lạ, Tiểu đoàn chưa từng ghé qua lần nào. Dọc theo con đường chính giữa phum là hai hàng dừa cao nhiều trái. Những người lính năm lăn ra dưới gốc dừa, thèm thuồng nhìn những trái dừa to xanh ngắt trên đầu. Sau một lúc nghỉ ngơi lại sức, mọi người tản vào nhà dân hỏi xin dừa. Những người dân có vẻ không sẵn lòng vui vẻ. Họ lắc đầu ngoay ngoảy, và đổ là không biết dừa của ai, dù cây dừa mọc ngay trước cửa nhà. Nhà này bảo: "Không biết đâu, chắc đó là dừa của nhà ở hướng bắc". Sang nhà hướng bắc, lại nghe bảo: "Chắc là của nhà hướng tây!" Những người lính nổi cáu, họ giơ AK lên bắn lên đọt dừa, làm dừa non dừa già rớt  lộp độp. Khi đó, mấy bà cụ già mới chạy ra mếu máo: "Mấy con ơi, đừng bắn chết cây mất, thôi leo lên hái đi. Đừng bắn nữa!"
Huy theo dõi cảnh tượng đó, vừa cảm thấy tức cười, vừa xót xa cho thân phận những người lính xa nhà. Bọn Huy dù sao cũng chỉ là những chàng trai trẻ, chịu đựng quá nhiều cực khổ, mà những người dân này lại đối xử  với bọn anh một cách vô tình. Hay là họ cũng có những khổ tâm riêng? Những trái dừa kia là nguồn sống của họ chăng? Có phải thóc gạo của họ, vịt gà, heo chó của họ, cây trái của họ đã nhiều lần bị những đoàn lính tráng, bên này hay bên kia, cướp phá? Đến độ với họ chỉ còn nỗi khiếp sợ và căm ghét? Vậy ai là người có lỗi, và ai là kẻ đáng thương hơn? Những người lính đang ngang ngược bắn phá này, hay những người dân  sống trong thời loạn ly khói lửa kia?   
***
Cơn hạn kéo dài đến cuối tháng Bảy, chừng như đã hả hê với những hoành hành tội tình đã trút xuống đầu dân chúng, nên đột ngột biến đi. Một buổi chiều gió bỗng nổi lên, quất mạnh vào những lũy tre bao bọc quanh các phum, bẻ gãy những cành khô mục to kềnh trên những thân cổ thụ, rồi mây đen nghìn nghịt kéo đến đầy trời. Mưa giông như trút, trong khoảnh khắc đã đổ đầy các con suối, rãnh nước và cả một vùng trảng thấp. Mưa sầm sập suốt đêm. Ngày kế tiếp nắng ráo. Rồi sau đó đều đều cách quãng hai ba ngày lại có một ngày mưa gió.
Sau những cơn mưa đầu mùa, cây cối trong phum, trong đồng cỏ, cánh rừng bắt đầu xum xuê xanh tốt lại. Măng le, măng tre gai nhú lên tua tủa như những chiếc chông bụ bẫm bên gốc những cụm tre già. Nấm mối, nấm hương đua nhau mọc đầy trong các khe suối, trên những thân gỗ mục. Tuy vậy, dân ở phum Chan Đai không rủ nhau lũ lượt vào rừng tỉa măng, hái nấm như mọi năm. Năm đó, các lực lượng địch vừa mới huấn luyện từ biên giới đổ về rất nhiều. Các đơn vị quân Việt Nam lần lượt bị bao vây, đánh úp, có đại đội đã phải bỏ Cứ mở đường máu thoát khỏi vòng vây. Các trận đánh xảy ra như cơm bữa giữa quân Việt Nam và quân Khmer đỏ, cả những đường mòn lối nhỏ trong rừng cũng chăng đầy mìn các loại.  Đã có vài ba người ở phum bên vào rừng vướng phải mìn của địch gài dọc theo những lối mòn, bờ suối.
Một buổi sáng nắng đẹp, Soun một mình đi vào rừng hái nấm. Rừng cây thân thuộc không ngăn cô lại, không kêu lên những lời cảnh báo. Soun đi vào rừng một mình. Và không bao giờ quay về nữa.
Thật ra Soun biết những hiểm nguy đang rình rập trong rừng. Nhưng nghĩ tới những chiếc nấm non tròn xoe mập mạp, cô thấy tiếc quá. Phần nữa, cô rất thích vừa tha thẩn hái nấm, vừa thầm thì nói chuyện với lũ bướm rừng và trêu chọc bọn sóc con hay giương mắt ngơ ngác nhìn người lạ rồi kêu ré lên và bỏ chạy, và vừa nghĩ tới Huy nữa. Hôm Huy lẻn về phum đặt cái đèn trước cửa, sáng ra Soun là người đầu tiên trông thấy nó. Thoạt tiên cô giật mình kinh ngạc, rồi cô hiểu ra ngay mọi chuyện. Soun ôm chiếc đèn vào lòng. Miệng cô tự nhiên bật thốt những câu dân ca tình tứ véo von. Soun vui mừng, sung sướng ngất ngây. Một niềm vui, xúc động lạ lùng và cả nỗi nhớ Huy chợt ùa vào hồn, làm cô như ngạt thở. Soun tíu tít khoe ngay với me, rồi cô rót dầu từ chiếc đèn cũ ở nhà sang chiếc đèn mới, đốt lửa lên, ngồi nhìn ánh lửa và hân hoan trò chuyện với nó, như thể nó biết nghe và biết trả lời, như thể nó chính là Huy vậy. Soun có một thiên tư và sự hồn nhiên của đa số những cô gái sống ở gần thiên nhiên, rừng núi, đó là xem mọi vật như con người, và rất thích chuyện trò trong tưởng tượng với chúng, dù thật ra cũng chỉ tự mình nói, rồi tự mình nghe.
 - Đèn nằm đây suốt đêm buồn lắm, lạnh lắm phải không… Boòng Soun tệ thật, boòng Soun không biết gì hết, thôi đèn đừng giận nhé! Rồi chị sẽ thương em, lau em và lúc nào cũng rót dầu thật đầy cho em nhé, chịu không?
- Tội cho boòng Huy ghê, đèn nhỉ! Boòng Huy đi tới nhà chị đêm qua chắc là vất vả lắm. Thế mà chị chả biết, chả nói chuyện với anh. Chị cứ  ngủ khì ra. Boòng Soun của em tệ ghê, tệ ơi là tệ!
Soun cứ tíu tít nói những câu không đầu không đũa như vậy trước nụ cười và đôi mắt nhìn âu yếm của me. Bà cũng vui không kém.
Phải, Soun muốn đi vào rừng để hái nấm, về phơi khô dành gửi cho boòng Huy. Cô năn nỉ xin me cho đi. Me không đồng ý, bà cũng muốn có cái gì đó gửi cho Huy, nhưng đi vào rừng thì tuyệt đối là không. Soun nài mãi me cũng nhất định lắc đầu. Nhưng sáng hôm đó, me đi sang nhà tà Nuốc giúp làm đám giỗ. Soun ở nhà làm hết mấy chuyện vặt, cô lại lôi chiếc đèn ra trò chuyện với nó một lúc. Rồi một ý muốn mạnh mẽ chợt xâm chiếm lấy Soun, cô không còn cưỡng lại nó được. Soun cầm lấy chiếc giỏ mây rời khỏi nhà.
Rừng như đang mỉm nụ cười hớn hở và cất tiếng hát ca chào đón bước chân Soun. Những bụi cỏ thấp còn đẫm sương và mưa đêm long lanh, xào xạc kêu lên khi chạm nhẹ vào chiếc xà rông của Soun. Chúng như muốn nũng nịu: “Boòng Soun cúi xuống với bọn em tí nào, cười với bọn em một cái!” Và Soun cúi xuống, mỉm cười với chúng thật dịu dàng. Hoa linh lan nhỏ xíu và trắng muốt cố tỏa hương ngào ngạt hơn khi Soun bước chân qua chúng. Những chiếc lá dài mỏng mảnh ve vẩy, và những nụ hoa run khẽ chào cô. Mấy cây dầu già khom lưng xuống nhìn cô, rồi vừa rùng mình buông mấy chiếc lá đỏ hoe cho rơi lên vai lên tóc cô như ve vuốt, vừa lao xao bàn tán với nhau: “Chà! Con bé càng lớn càng kháu khỉnh quá đi thôi!”
Soun tung tăng len lỏi qua những thân cây già cỗi, những bụi rậm xanh rì, nhận những lời chúc tụng, chào hỏi của chúng và thân thiện vui vẻ đáp chào với chúng. Khi những tia nắng xuyên qua táng lá xanh như ngọc hong khô những giọt sương sớm trên cây lá, chiếc giỏ mây đã được lưng lưng những nụ nấm ngọt ngào. Soun bắt đầu lo âu khi sực nhớ ra mình đã cãi lời mẹ vào rừng. Cô nghĩ thầm: “Thôi không hái nữa, phải về ngay kẻo mẹ lo cho mình lắm.”  
Soun quay về, men theo bờ một con suối nhỏ. Khi bước qua một khoảng đất lầy, cô trượt chân xuýt ngã, nhưng rồi lấy lại thăng bằng được. Vừa mới lấy lại  bình tĩnh sau cú trượt, cô đã bật cười một tràng ròn rã để tự chế giễu mình. Tiếng cười vui của Soun còn chưa tắt hẳn, thì cô chợt nghe một tiếng lách tách rất khẽ ngay dưới chân, rồi một vật gì đó bật tung lên trước bụng cô. Một tiếng nổ xé tai vật Soun ngã lăn ra. Soun nằm trên đất, bé nhỏ, lẻ loi, chiếc áo trắng rách bươm, nhuộm máu. Cái giỏ mây lăn ra cách Soun mấy mét, những nụ nấm nhỏ văng tung toé, có nhiều nụ vương đỏ máu Soun.
Cây lá trên đầu, xung quanh Soun vẫn rì rào lao xao trong gió. Nhưng giờ đây chúng trở thành những vật vô tri vô giác, thản nhiên không biết một cô gái nhỏ đã chết gục dưới chân mình. 

Hôm nay là ngày mấy tháng mấy năm nào vũ trụ có còn không bầu trời này mặt đất này có còn không hay đã vỡ tung ra hồn tôi có còn không hay đã vụn nát thành trăm ngàn mảnh thủy tinh sắc nhọn đang cào cấu tim tôi ngoài kia đêm mịt mùng đen tối ngoài kia gió rít gió gào gió  khóc hờn gì  sao cứ gào rú mãi bên tai đêm đã giấu em tôi nơi nào gió đã chở em tôi đi đâu xin làm ơn trả lại cho tôi xin hãy làm ơn trả Soun lại cho tôi  tôi còn tỉnh đây hay đã mất trí rồi mà bỗng nghe trăm tiếng thét gào rên xiết điên dại rú trong đầu Soun ơi em đi đâu mà me ngồi đây khóc ngất nhớ em mà tôi ngồi đây như đá lặng câm nhớ em. có ai ngoài đêm tối kia xin trả lời tôi em đã đi đâu xin đừng nói với tôi cái từ chết xấu xa khủng khiếp chết là gì tôi không muốn biết tôi chỉ muốn có lại Soun tôi chỉ muốn nhìn thấy lại Soun tôi không muốn tin gì nữa hết tôi không muốn nghe gì nữa hết đừng nói với tôi chết chết chết ôi vật gì đang đâm xé tim tôi…
 Không. Soun không chết. Một thiên thần bé nhỏ như em không thể chết đâu. Tôi không bao giờ muốn tin là mình đã mất em.. Tôi tin là em đã bay đi. Em đã bay đi, với đôi cánh nhẹ nhàng trong suốt, với trái tim yêu thương và đầy lòng nhân ái. Em đã bay đi. Đến một nơi không còn thù hận, không có phân chia. Không có súng đạn, chiến tranh. Và từ nơi cao xa yên bình vĩnh viễn đó, em vẫn mỉm cười nhìn theo tôi thật dịu dàng. Chiếc áo của em không còn hoen đỏ máu tươi. Áo em trắng tinh khôi như mây như nắng, như hồn em trong trắng ngây thơ. (trích nhật ký  của Huy)