CHƯƠNG 9
Trung đội đã lợp xong mái mới, thưng lại
vách cho cả mấy căn nhà. Họ đánh tranh bằng lá thốt nốt xin chặt ngoài phum.
Mùi lá mới thơm thơm, màu lá mới xanh dịu, những căn nhà trở nên mới toanh,
tràn ngập một không khí bình yên và tươi mát.
Nhà trung đội đẹp và ấm cúng hơn lên nhờ
mấy “lọ hoa”. Sau giờ công tác, Phái điển đã ra phum, ra đồng lùng một số hoa
về cắm vào mấy cái lọ tự chế bằng can nước cắt ra. Hoa loa kèn xanh biếc. Hoa
phượng vỹ, hoa vông đỏ rực. Hoa cúc dại tím mơ màng. Mấy nhánh hoa được sắp xếp
một cách đơn giản nhưng độc đáo. Không ngờ trông lù khù thế mà Phái có con mắt thẩm
mỹ thật là tinh tế.
Chiều xuống. Sau giờ cơm, Thiện bảo:
- Tối nay, tao sẽ cho mấy đứa bây thưởng
thức một món đặc sản. Bảo đảm không nhà hàng nào có thứ tuyệt chiêu này.
Thiện gom tất cả những thau chậu, mấy cái
nắp xoong để đầy trên bàn, trên mặt đất giữa nhà. Sau đó, anh đổ một ít nước
vào đó. Bọn Huy, Phái, Tiến... tò mò theo dõi Thiện. Họ đoán già đoán non mãi
vẫn không nghĩ ra anh định làm gì.
Chuẩn bị xong, Thiện xoa tay cười bí ẩn.
Huy không nhịn được, cất tiếng hỏi:
- Anh làm gì vậy? Sao bảo đãi tụi em một
món, mà không thấy mồi, cũng không thấy chuẩn bị bếp núc gì hết vậy. Mấy thau
dĩa đựng nước này là nghĩa làm sao?
- Đừng có nóng ruột. Lính nghĩa là phải
biết kiên nhẫn – Thiện vẫn khư khư giữ vẻ bí mật.
Những tay lính cũ như Già Hương, Quân, Ụ mối chắc từng biết rồi,
nhưng cũng chỉ cười cười không nói, làm bọn lính trẻ tức điên vì thắc mắc.
Bóng đêm đã nhạt nhòa ập xuống. Thiện bảo:
- Giờ tụi bây chạy qua bếp lấy thêm mấy
cây đèn dầu qua đây.
Sau đó, Thiện đốt tất cả đèn gom được lên, đặt giữa những thau
nước. Anh hỏi Phái:
- Dầu ăn còn không Phái điển?
- Còn.
- Vậy là xong. Nửa tiếng nữa tụi bây có đồ
nhắm.
Đèn thắp lên không lâu, thì hàng đàn hàng lũ mối rừng đã rủ nhau
đến. Chúng bay vòng quanh ánh lửa, rồi rớt xuống, vùng vẫy loi ngoi trong lớp
nước. Những con mối ở đây rất to, bụng chúng tròn căng múp míp.
Huy trợn mắt hỏi Thiện:
- Anh không định nói là sẽ chế biến mấy
con mối này chứ?
- Chứ còn con gì nữa. Sao mày thông minh
mà chậm hiểu vậy Huy! – Mợi nói.
- Ý trời!
Thiện
khoanh tay trước ngực, cất giọng giảng giải:
- Những con mối, cào cào hay dế cơm... là thứ tráng miệng thanh
lịch nhất của những con người thanh lịch nhất đó, tụi bây có biết không! Đó là
một nền “văn minh-văn hóa- ẩm thực” vô cùng độc đáo của các dân tộc vùng cao!
Đâu có phải tụi bây muốn là có được. Phải có mùa có vụ, có lúc có nơi. Ví dụ,
tụi bây ở thành phố, làm gì có những con mối mập ú chất lượng như vầy!
Khi số lượng mối bay vào đã giảm tới mức
không đáng kể, Thiện thổi tắt bớt, chỉ chừa lại một ngọn đèn. Anh gom tất cả
“mồi” lại trong một thau, rồi bảo Phái:
- Theo tao qua bếp.
Nhoáng sau, không đầy năm phút, họ đã quay
trở lại. Trên tay mỗi người là một cái dĩa đầy ú ụ nhũng con mối tròn quay,
bóng mỡ. Một mùi thơm ngậy tỏa ra thật quyến rũ mấy cái miệng phàm ăn.
Thiện bảo:
- Thôi, nhập tiệc. Tiếc là trà đã hết rồi.
Nếu không, thưởng thức xong món này mà uống trà thì thật là đúng sách đó.
Huy, Phái, Tiến... tròn mắt nhìn những
người khác nhâm nhi mấy con mối rang một cách ngon lành. Quân cười:
- Đừng có sợ. Mấy con mối này sạch lắm.
Tụi em cứ ăn thử xem.
Phái điển hơi ngại ngần nhón lấy một con
đưa lên ngửi ngửi, rồi chắc lưỡi:
- Thơm quá. Hấp dẫn quá! Thôi liều mạng
thử xem.
Phái nhắm mắt, hả to mồm bỏ con mối vào.
Mặt anh nhăn nhó như uống phải thuốc sốt rét bị bóc vỏ ngoài, nó nhúm lại rồi
giãn ra ngay, cái miệng nhóp nhép một cách vô cùng khoan khoái. Phái la lên:
- Hết xẩy! Tuyệt vời cú vọ! Nè, ăn đi Huy,
Tiến. Ngon lắm.
Miệng nói, tay anh đã bốc thêm mấy con nữa
bỏ vào mồm.
Huy bước tới, nhón một con. Anh nhai chậm
rãi. Một vị beo béo, ngầy ngậy như đậu phọng rang tan ra trên đầu lưỡi. Nhưng
ngon hơn đậu rang nhiều! Ăn một con rồi, miệng sẽ thòm thèm muốn ăn tiếp con
thứ hai. Rồi con nữa. Con nữa. Cứ thế, Huy tham gia tích cực vào cuộc khám phá
“nền văn hóa ẩm thực của dân tộc vùng cao” một cách rất là sốt sắng. Chả mấy
chốc, bốn dĩa mối rang đã bay vèo.
Ăn xong món mối rừng độc đáo, dường như
mọi người có phần hưng phấn hẳn lên. Phái điển đột nhiên đề nghị:
- Hôm nay, sao bỗng dưng tui thấy nôn nao
trong lòng quá! Tui sẽ kể cho mấy anh nghe một câu chuyện. Chuyện tình đầu của
chính Phái điển này.
Mọi người vỗ tay hoan hô, cổ vũ tinh thần
tự nguyện cống hiến vô cùng bất chợt của Phái. Huy vừa cười reo, vừa tự hỏi
bằng con đường ngoắt ngoéo nào, bằng mối dây liên tưởng cực kỳ tế nhị nào, mà
từ những con mối rừng rang béo ngậy lại dẫn đến cảm xúc tình yêu trong tâm hồn
Phái điển. Nghĩ mãi, cuối cùng Huy đành chịu không thể hình dung được, anh chỉ
suy ra rằng trường hợp của Phái điển là một ví dụ sinh động về khả năng liên
tưởng phong phú, đa dạng và phức tạp của con người.
Họ đem mấy chiếc chiếu ra trải ngoài sân,
rồi ngồi xuống. Trăng bán nguyệt đổ xuống một thứ ánh sáng bảng lảng mơ màng.
Gió hè ru khe khẽ trên những táng xoài. Không có trà, nhưng Phái cũng đã cất
công đi hái lá hà thủ ô về nấu nước. Khi mọi người đã ngồi yên chỗ, Phái cất
giọng kể:
“Chính xác là mười tháng năm ngày trước
khi nhập ngũ, tui đã gặp nàng lần đầu tiên. Hồi đó, tui theo một ông cậu họ đi
làm hồ lặt vặt để kiếm tiền xài. Hai cậu cháu đang làm tại một căn nhà nằm trên
đường Điện Biên Phủ, gần Ngã Bảy, đối diện với rạp hát Long Vân. Tui lãnh phần
sơn các cánh cửa sổ, cửa cái của ngôi nhà.
Một lần, trong khi đang sơn cái khung cửa
sổ trên lầu một, tui chợt trông thấy ở phía ngoài con hẻm bên dưới có một cô bé
đi ngang. Cô bé đó độ chừng mười bốn, mười lăm tuổi. Chắc chắn là cô ta chưa
qua hết cấp hai, vì trên cổ cô vẫn còn quàng chiếc khăn quàng đỏ. Còn tui lúc
đó vừa qua mười tám tuổi được vài ba tháng. Vừa nhìn thấy cô bé, tui biết sét
ái tình đã giáng cho tui một đòn chí tử! Tui đứng chết trân, nhìn xuống dưới,
dõi theo mãi đến lúc cô ta đã bước vào một ngôi nhà gần đó. Tâm hồn tui đã bay
lên trời, hoặc là chìm xuống biển. Một cảm giác rất lạ lùng, trước đó tui chưa
từng biết...”
Phái ngưng lời, rót một ít nước ra chén,
đưa lên nốc một hơi dài cạn chén. Rồi im lặng. Vẻ mặt Phái chợt sáng bừng, rạng
rỡ, trông lạ hẳn đi, và đẹp nữa! Một lúc sau, anh tiếp tục.
“Tui không rõ nàng đẹp hay xấu như thế nào
theo nhận xét người ngoại cuộc. Ngay từ lúc ấy cho đến bây giờ, tui không tài
nào hình dung được một cách rõ ràng gương mặt hình dáng của nàng. Chỉ biết là
với tui, nàng kỳ diệu như một công chúa nhỏ trong truyện cổ tích. Trong tưởng
tượng của tui, nàng là tất cả những gì đẹp đẽ và thiêng liêng nhất. Thật ra thì
lúc ấy nàng vẫn còn là một cô bé con miệng còn hôi sữa…”
Huy lại một lần nữa ngạc nhiên cực độ.
Phái nói thật văn hoa bóng bẩy và lôi cuốn. Một Phái thường ngày im ỉm bỗng
dưng thoát xác, trở thành một nhà thơ ca tụng một nàng con gái. Tình yêu đã tạo
ra phép lạ!
“…Rồi mấy ngày sau, tui đến chỗ làm thật
sớm, đứng ở đầu ngõ chờ gặp nàng đi học ngang qua. Buổi trưa, tui chờ bên khung
cửa sổ để được trông thấy nàng đi học về. Tui chỉ gặp nàng mỗi ngày đôi lần
ngắn ngủi, nhưng những ngày đó là những ngày hạnh phúc nhất tui từng biết.
Tui phát hiện ra nàng có một thằng em,
khoảng chín mười tuổi. Tui bắt đầu vạch ra kế hoạch chinh phục thằng nhóc. Nó
sẽ là cầu nối tình yêu cho tui đến với nàng. Tui bắt chuyện, làm quen với nó.
Tui phịa ra hàng loạt câu chuyện phiên lưu mạo hiểm ly kỳ để kể cho nó nghe. Và
tui mua cho nó nào cà rem, nào kẹo bánh... Trong hai ngày, tui đã thân với nó
hơn bất kỳ ai khác.
Nó kể về bà chị mình cho tui nghe. Nàng
tên Thu. Nàng học lớp chín. Và nàng rất dữ! Nàng chưa bao giờ tỏ ra là một bà
chị dịu dàng với nó. Nhưng đó là ý kiến riêng của nó! Dù cho nàng như thế nào,
thì trong lòng tui, trong mắt tui, trong giấc mơ tui, nàng vẫn là cô công chúa
số một trên đời.
Việc sửa chữa căn nhà đã sắp xong. Chỉ đôi
ngày nữa là tui phải theo ông cậu đi làm ở một nơi khác, hoặc là lại trở thành
một tên thất nghiệp. Tui quyết định phải gặp gỡ nàng trước khi phải xa nàng
không biết bao giờ gặp lại. Tui suy nghĩ. Tui lục lại mớ truyện tình cảm tâm lý
xã hội của bà chị ở nhà, để tìm một giải pháp tối ưu. Nhưng cái mớ tiểu thuyết
ấy chỉ rặt những cuộc gặp gỡ đầy gượng ép theo ý đồ tác giả. Tui thất vọng quá,
chẳng biết phải làm gì.
Ngày làm việc cuối cùng đã đến. Tui thu
dọn mấy thứ dụng cụ làm việc, lau sạch mấy vệt sơn trên nền gạch, chỉ khoảng
hơn một tiếng là xong hết. Không còn việc gì để làm nữa, tui lại ngồi nghĩ cách
gặp nàng. Đột nhiên tui nảy ra một ý.
Tui tìm thằng nhóc.
May cho tui, hôm ấy là thứ Năm, nó được
nghỉ học. Tui đứng ngóng trước cửa một hồi thì thấy nó lững thững đi ra. Tui
vẫy nó. Nó chạy đến, cười toe toét:
- Anh Sơn!
(Vì lúc đó, tui làm thợ sơn, nên nó kêu bừa như vậy.)
- Nè nhóc, mày vào nhà lấy cho anh một tờ
giấy đôi với một cây bút. Lẹ lẹ nghe hôn!
- Chi vậy anh? – Nó thắc mắc, rồi tự giải
đáp ngay. (Phải công nhận là nó, thằng em vợ tương lai của tui, khá thông minh.
Nàng có thông minh hơn nó không? Tui cầu trời là không!)
- A! Anh tính viết thư cho chị Thu phải
không!
- Cho là vậy đi. Mày đi lấy mau lên.
Nó mang ra cho tôi một tờ giấy. Tui hỏi:
-
Còn viết đâu?
-
Viết em mới bị rớt xuống đất cong ngòi rồi.
-
Trời đất! Sao mày khờ quá vậy. Kiếm cây khác!
-
Em chỉ có một cây hà. Của chị Thu em không dám lấy. Chỉ nhéo đau lắm!
Tui vò đầu chán nản nhìn thằng nhóc.
- Thế có bút chì không? – Tui hỏi.
- Có.
- Vậy thì lấy bút chì. Đi đi!
Hơi trục trặc như vậy, nhưng cuối cùng tui
cũng viết xong lá thư tỏ tình đầu tiên trong đời mình. Nó thật là quái chiêu.
Có lẽ đó là một lá thư tỏ tình có một không hai từ trước đến nay, và cả vài
trăm năm sau nữa! Một lá thư tình viết bằng bút chì! Và chỉ có vẻn vẹn bốn câu
thơ, với hình vẽ nguệch ngoạc một cái miệng đang cười, nhe ra một hàm răng sún!
Bốn câu thơ là do tui đọc được đâu đó
trong mấy quyển lưu bút của bọn bạn gái cùng lớp. Nó như vầy:
Chân có bằng lòng cho chân theo với?
Tóc có bằng lòng cho một sợi thôi?
Mắt có bằng lòng trông nghiêng chờ đợi?
Tim có bằng lòng giữ hộ tình tôi?
Còn cái miệng cười là “tác phẩm” của chính
tui! Tui cũng không biết tại sao mình lại vẽ như vậy nữa. Có lẽ là bốn câu thơ
có vẻ nhỏ nhoi ít ỏi quá trong cả một tờ giấy đôi.
Dù sao thì tui cũng rất hài lòng đắc ý với
lá thư độc đáo của mình. Tui xếp tờ giấy lại làm tư, đưa cho thằng nhóc, dặn
dò:
- Trưa nay Thu đi học về, mày đưa cho nó!
Chờ nó đọc xong, nghe coi nó nói gì. Nhìn xem nó có thái độ ra sao. Sau đó ra
báo cáo tao ngay nhe.
Chưa thật sự an tâm, tui động viên thêm:
- Cố gắng đi. Xong việc, tao sẽ chở mày đi
Sở thú xem mấy con khỉ đột làm trò. Và đãi mày một chầu kem ba màu ngon hết sẩy
luôn!
Từ lúc đó, tui hồi hộp chờ tin. Tui mua
một khúc bánh mì, ngồi gặm ngay tại khung cửa tình yêu, không rời mắt khỏi cánh
cửa nhà nàng.
Mười hai giờ kém mười, nàng đi học về
ngang.
Mười hai giờ kém năm. Cửa nhà nàng mở toang
đột ngột.
Một bà xồn xồn bước ra. Tay
bà lôi xềnh xệch thằng nhóc “em vợ tương lai của anh Sơn!” Bà gầm lên:
- Chỉ cho tao thằng Sơn là thằng nào! Đồ
trời đánh! Con người ta còn con nít mà nó đã bày đặt dụ dỗ rủ rê rồi!...
Có lẽ bà ta còn chửi rất nhiều, nhưng tui
không kịp nghe thấy nữa. Tui phóng xuống thang lầu, chạy vù ra cửa, nhảy lên
chiếc xe đạp, mặt mày xanh lét. Ông cậu tui đang ngồi trước sân ngạc nhiên hỏi:
- Mày đi đâu vậy, chờ chút xíu tao nhận
tiền công rồi về luôn.
Tui lắc đầu:
- Con về trước. Có việc gấp!
Tui đạp xa căn nhà mấy trăm mét rồi vẫn
chưa kịp hoàn hồn, tim vẫn còn nhảy lam-ba-đa trong lồng ngực.
Hôm sau, tui lò dò đến Ngã Bảy. Tui không
dám mò tới gần nhà, mà đứng ở cách đầu hẻm chừng mười mét, chờ mong một cách
tuyệt vọng thằng em vợ hụt của mình.
Cuối cùng, tui cũng tóm được nó. Tui trợn
mắt hỏi:
- Mày làm sao mà như vậy hả, thằng ôn con?
Nó nhăn mặt:
- Đâu phải tại em! Em chờ chị Thu vừa về
tới, là mang thư anh đưa chỉ ngay. Nhưng em mới móc trong túi ra lá thư thì bà
cô em nhìn thấy. Bả hỏi cái gì. Rồi bả tới giật lấy mở ra xem. Rồi bả chửi um
xùm. Em còn bị quất vô mông mấy cái đau điếng nữa đó!
Tui muốn ngất đi. Vậy là Thu của tui vẫn
chưa kịp đọc lá thư. Tui cố lấy bình tĩnh hỏi nó:
- Rồi sau đó, Thu có hỏi mày gì không?
- Chỉ cứ lêu lêu chọc em là bị đòn đáng
đời lắm!
- Trời! – Tui chỉ còn biết kêu lên.”
Phái ngước lên, nhìn về phía vầng trăng, kết luận:
- Chuyện tình đầu của tui vậy đó. Tui đã
thất bại một cách thê thảm ngay từ vòng loại... và chuyện thì chả có gì, thế mà
tui cứ nhớ mãi không quên. Không biết giờ đây nàng có lớn thêm được tí nào
không, cô công chúa nhỏ!
Mọi người im lặng. Họ xúc động vì sự giản
dị, ngây ngô của câu chuyện. Một chuyện tình thật lạ lùng, không đầu không đũa,
không có cả một kết thúc đúng nghĩa. Nhưng vẫn đúng là một chuyện tình. Và rất
dễ thương.
Phái nói thêm sau một hồi trầm ngâm:
- Sau đó, tui không bao giờ trở lại nơi đó
nữa. Tui muốn giữ mãi trong lòng hình ảnh không thể nào phai nhòa được về một
cô bé ngây thơ.
Câu chuyện của Phái làm cho mỗi người chợt
nhớ tới những kỷ niệm của riêng mình. Họ ngồi nghiêng người sát bên nhau dưới
ánh trăng giờ đây nhuộm khắp không gian một màu sữa đục. Ánh trăng chở họ về
miền thơ dại xa xôi, nơi có dòng sông xanh biếc, có những đám cỏ may êm ái ven
bờ, có mây trắng bềnh bồng và tiếng sáo ru dìu dặt.
***
Sáng hôm sau, khi đã làm xong một vài việc
lặt vặt, Huy ngồi viết thư. Anh định viết để sẵn đó rồi có dịp sẽ gửi về nhà.
Sáng nay trời đẹp; và lòng Huy chợt rộn ràng xao động một niềm vui rất lạ.
Đêm qua, Huy đã mơ những giấc mơ đẹp đẽ.
Những giấc mơ không đầu không cuối, tràn ngập những màu sắc ảnh tượng kỳ diệu
lung linh. Mọi người quen lúc ban ngày trong mơ đều xinh đẹp và hạnh phúc. Huy
mang máng nhớ hình như đã gặp một cô gái trẻ có đôi mắt nâu ngơ ngác và một mái
tóc rối xõa như mây, giấc mơ bảo Huy đó chính là Thu. Và một con tàu có cánh
buồm đỏ thắm, Huy đột nhiên trở thành thuyền trưởng của con tàu đó. Và một sa
mạc lạ lùng với những giải cát trong suốt màu lam, trên mọc đầy hoa mua tím
biếc. Rồi chợt có một đám tiệc gì đó rất tưng bừng vui vẻ, với những dây đèn
hoa giăng kín và những dây pháo đỏ dài thòng tới đất. Đang khi hớn hở nhìn dây
pháo đỏ nổ tạch đùng thì Huy chợt giật mình thức giấc. Anh mở mắt ra và bắt gặp
Tiến đang gõ khe khẽ vào thanh ngang đầu giường đánh thức mình để bàn giao ca
gác.
Huy viết một mạch không ngừng hai trang
giấy khổ to. Viết xong, anh chậm rãi đọc lại, gật gù với vẻ hài lòng. Anh cất
lá thư, rồi bước ra ngoài.
Mặt trời đã lên cao. Nắng vàng mênh mông
và ấm áp. Cây cối xanh rì run rẩy xôn xao trong ánh nắng. Hình như không khí
mùa xuân vẫn còn vương lại. Huy chợt nhớ ra hôm qua Ụ Mối có bảo bốn ngày nữa
là mười lăm tháng Tư, ngày tết Chol Snam Thmei, tết cổ truyền của dân tộc Khmer.
Ụ Mối đã trải qua một cái tết này rồi. Huy bỗng thấy nôn nóng muốn ra phum để
xem những người dân chuẩn bị ăn tết. Ắt hẳn là có nhiều điều thú vị, Huy thầm
nghĩ.
Một con quạ đậu trên đỉnh cây giá tỵ đằng
xa chợt kêu lên mấy tiếng, rồi nó vỗ cánh bay về hướng bắc phum, chắc hẳn có ai
đang mổ heo bò gì ngoài đó. Huy dõi theo những nhịp cánh chầm chậm khoan thai
của nó, chợt anh nhớ tới những bài thơ của Quân. Những bài thơ nói lên một sự
kiếm tìm điều tuyệt đối. Điều tuyệt đối ấy như gần gụi trong gang tấc mà lại xa
xôi vời vợi. Nó gợi lên một niềm khao khát sống – sống trọn vẹn, tròn đầy, viên
mãn. Và vì rốt cuộc đó vẫn chỉ là niềm khao khát, nó gợi lên một nỗi buồn thật
vĩ đại, mênh mang, một nỗi buồn vượt lên trên những lo âu, phiền muộn, đau khổ
nhỏ nhoi hèn mọn của cuộc đời thường nhật, của những kiếp phận lẻ loi đơn độc,
hướng về nơi cao rộng, tự do, chan hòa ánh sáng. Y như giờ đây, khi Huy nhìn
theo bóng con quạ đang xoảy rộng đôi cánh lượn lờ giữa trời cao xanh thẳm, lòng
Huy cũng mênh mang một nỗi buồn nhớ khát khao. Quân làm thơ không nhiều. Cuốn
sổ tay anh đưa Huy mượn nhỏ cỡ nửa quyển vở học trò, dày chừng một trăm trang
mà đã bị xé đi gần nửa. Tổng cộng chỉ độ chục bài thơ. Có bài dài mấy chục câu,
có bài chỉ vỏn vẹn bốn câu tứ tuyệt. Nhưng thật sự đó là những tuyệt tác, nếu
như Huy tự coi mình cũng hiểu biết chút
gì đó về thơ! Ở chúng có một sức mạnh khác thường, ở chúng hình thức và nội
dung kết hợp với nhau, quyện chặt vào nhau để tạo nên vẻ đẹp, nói lên những
điều to tát, mà không hề có chút khoa trương hay màu mè giả tạo. Những từ đơn
lẻ là những từ đơn giản và quen thuộc. Thế nhưng khi chúng nằm cạnh nhau trong
các bài thơ của Quân, được sắp xếp theo một trật tự lạ lùng nào đó, dường như
có một phép mầu đã thay hình đổi dạng chúng đi. Như trong chuyện Cô bé lọ
lem, một bà tiên lành đã vung chiếc đũa thần biến mấy con chuột và quả bí
ngô thành một cỗ xe tứ mã lộng lẫy huy hoàng, những từ chợt như sống dậy, lao
xao, cựa quậy, mang những ý nghĩa mới mẻ, gợi lên trăm ngàn âm thanh, màu sắc,
ảnh tượng kỳ hoặc lạ thường. Huy bàng hoàng khi đọc chúng lần đầu, và vẫn bàng
hoàng hệt như vậy, còn hơn nữa, khi đọc lại lần thứ hai, thứ ba… Qua chúng,
tình yêu, khát khao, ước vọng… nói chung là toàn bộ cuộc sống, với những sự
thật trong suốt và đơn giản không ngờ, đã phà hơi thở vào những mẫu tự khô
khan, đông cứng. Huy hổ thẹn khi
nghĩ tới những bài thơ của mình. (Vậy
mới chính là thơ chứ! Thơ thẩn gì mày, hả Huy, từ nay thôi hết bày đặt nghe
chưa!)
Huy còn đang đứng nghĩ lan man thì một bàn
tay bóp nhẹ vai anh. Huy quay lại. Là Quân. Quân nói:
-
Huy muốn đi dự đám cưới không?
-
Hả! Đám cưới? – Huy ngạc nhiên – Đám cưới ai vậy anh?
-
Một người quen. Họ mời anh và Già Hương, nhưng Già Hương đang bị sốt. Đi với
anh cho vui, Huy ạ.
-
Đi chứ anh. Em đang muốn ra phum đây. Tết của dân có vui không anh Quân?
-
Cũng khá vui. Giống như ở miền quê bên mình. Họ cũng nấu bánh tét, bánh ít, rồi
tổ chức nhảy lăm thôn, chơi ném khăn, hát a-dây, đá gà...
- Hát a-dây là sao anh?
-
Nó là một kiểu hát đối đáp qua lại giữa nam và nữ, giống kiểu hò đối đáp Nam bộ của
mình.
-
Chà, hay quá! Đến ngày đó, mình có vào phum chơi được không anh Quân?
- Được chứ. Thôi chúng ta đi. Giờ này có lẽ họ đang làm lễ.
Dàn nhạc đang tấu một điệu khúc lễ nhạc
réo rắc vui vui khi hai người tới ngôi nhà. Trong khoảng sân rộng quanh nhà,
rải rác những cô gái trẻ trong những bộ áo váy xà-rông đủ màu phấp phới. Gió
nhẹ và thơm. Nắng tươi như mật tràn xuống cây lá, phủ lên mái tranh trắng bạc
một màu vàng sánh. Một người đàn ông trông thấy họ, bước tới mỉm cười chào. Anh
ta nói với Quân điều gì đó, rồi lại mỉm cười nghiêng đầu chào cả hai, bước vội
vào phía sau. Huy hỏi:
- Anh ta nói gì vậy anh Quân?
- Anh ta bảo chúng ta đứng chờ giây lát.
Huy gật đầu. Anh kéo tay Quân bước lên phía trước, xen vào hàng
người đang đứng vây thành một vòng tròn trước thang gác căn nhà. Quân bảo:
- Họ đang làm lễ “chon
đai”, nghĩa là cột tay. Người ta dùng một cái khăn cột tượng trưng tay cô dâu
chú rể với nhau. Sau đó cả hai dắt nhau lên nhà, bái lạy cha mẹ họ hàng. Điều
này có ý nghĩa như một sự ràng buộc cả hai mãi mãi, giống như chỉ hồng se duyên
vậy.
Huy thích thú nghe Quân giảng giải. Chợt đám đông giãn ra, cô dâu,
chú rể đã tới. Hai cổ tay của họ nối với nhau bằng một giải lụa vàng thêu kim
tuyến. Chú rể chỉ đơn giản với chiếc quần tây, áo sơ mi. Trái lại, cô dâu trông
thật lộng lẫy trong chiếc xa-rông Thái duyên dáng. Phía trên thân là một kiểu
áo thật lạ, giống như chiếc áo của nàng vũ nữ trên bao thuốc lá Apsara, với
thật nhiều nếp viền đăng ten và kim tuyến đủ màu óng ánh. Vai cô dâu còn choàng
thêm một giải lụa hồng. Trên ngực của cả hai là một bông hoa vải đỏ với nhiều
tua chỉ ngũ sắc phất phơ. Trông cả hai người đều trẻ trung và xinh đẹp.
Họ dắt nhau lên thang, bước vào nhà. Huy
chẳng thấy gì được nữa vì nhiều người đã đứng quanh trước cửa. Huy nhìn quanh
quẩn. Ngoài sân, bàn ghế đã được kê sẵn dưới những tàng cây. Nhìn chung, mọi
cái đều tương tự một đám cưới làng quê Việt Nam, trừ một vài phong tục lễ nghi
đặc biệt. Huy chợt thấy nhồn nhột sau gáy, như thể sau lưng đang có ai đó lén
nhìn anh. Huy quay lại: Một đôi mắt đen láy đang chằm chặp hướng về phía Huy
với vẻ tò mò và thiện cảm. Một cô gái, nói đúng hơn, là một cô bé xinh xinh,
nhỏ nhắn. Chiếc áo trắng cô mặc càng làm nổi bật nước da ngăm đen, nhưng trông
cô thật là duyên dáng. Huy mỉm cười với cô. Cô bé cũng rụt rè nở nụ cười đáp
trả. Rồi cô chợt e thẹn cúi đầu. Huy vẫn dán mắt vào cô bé. Giây lát, cô ngẩng
mặt lên, thoáng liếc qua Huy, nhưng khi vừa bắt gặp đôi mắt của anh, cô lại bối
rối nghiêng người quay lưng đi nhanh ra đầu ngõ.
Huy nhìn theo cô bé, thấy vui vui là lạ.
Lát sau, Huy quay lại, hướng về đám thanh niên nam nữ đứng cười nói trước sân. Các cô gái da ngăm
mặt dầy phấn trắng, cong cớn môi son, đang uốn éo làm duyên trước mấy chàng
thanh niên giương vây tán tỉnh. Nét mặt ai cũng tươi hơn hớn, như thể là đám
cưới của chính họ không bằng. Tiếng cười nói khi lặng lại, khi òa vỡ xôn xao.
Dường như không khí tràn ngập những phân tử vô hình đang va đập, chuyển động
không ngừng. Ánh mắt Huy chợt dừng lại ở một chiếc áo xanh – Sa Piên! Cô đứng
nghiêng người bên chân thang ngó lên nhà, mái tóc mềm mại xõa bay trong gió.
Trông cô thật là khả ái. Huy kéo tay Quân.
- Anh Quân! Bồ của anh Lý kìa!
Quân không đáp. Mặt anh trầm ngâm như đang
suy nghĩ một việc gì quan trọng. Đôi mắt anh lạc đâu đó về một chốn xa xôi. Huy thôi không
quấy rối Quân, anh quay lại nhìn Sa Piên
ngưỡng mộ. Vẻ đẹp bao giờ cũng làm Huy thán phục và kinh ngạc: vẻ đẹp của một
cành khô chơ vơ đơn độc, của một chùm
hoa cúc dại nằm lặng lẽ giữa một bờ cỏ ven sông, của một chiều giông với những
cụm mây xám nặng và sấm chớp kinh hồn, của núi ngàn hùng vĩ tím mờ dần một buổi
hoàng hôn muộn... Mỗi thứ đều làm Huy ngây ngất say sưa hay ngợp đi trong niềm
kính ngưỡng. Nhưng vẻ đẹp cao quí, thanh khiết và bí ẩn của người phụ nữ còn
mạnh mẽ hơn, đầy quyền lực. Nó làm Huy trong một khoảnh khắc nghe tim mình thắt
lại, và một nỗi buồn mênh mang không rõ chợt dâng lên. Trong khoảnh khắc, nỗi
buồn như có tự ngàn xưa – nỗi buồn hẳn đã từng đè nặng xuống tâm hồn bao nhiêu
tổ tiên man rợ xa xôi – khắc khoải vọng về như tiếng chuông ngân rền rĩ âm u
một chiều đông muộn. Ở Sa Piên có một vẻ đẹp ảo huyền như vậy, Huy nhìn cô đăm
đăm không chớp mắt. Một lúc sau, Sa Piên đi lẩn vào phía sau nhà.
Khoảng nửa giờ sau, lễ đã tiến hành xong,
mọi người ngồi vào bàn ăn uống. Quân nói cười vui vẻ với các quan khách trong
khi Huy chỉ biết ngồi ngây ra. Chả nói chuyện được gì, Huy chỉ còn biết thể
hiện sự nhiệt tình của mình bằng cách
uống rượu. Anh cụng chén với họ, mỉm cười với họ và dùng đôi tay, nét mặt để
diễn tả niềm vui.
Uống được vài lượt, Huy đã thấy lâng lâng,
anh hào hứng bảo Quân:
-
Dân họ tốt bụng và chất phác quá anh Quân nhỉ?
-
Đa số đều như vậy.
-
Vậy mà trong đơn vị có người lại không ưa dân. Mấy ổng nói họ chỉ vờ vịt thế
thôi, chứ toàn là dân địch không thôi. Nhà nào cũng có con cái, họ hàng theo
Polpot, làm sao mà ưa chú đội tụi mình được. Ví dụ như ông Thiện nhà mình đó,
ổng làm như dân là kẻ thù không bằng, lúc nào cũng nghi ngờ, ác cảm.
-
Họ là những người nông dân chân chất. Họ thấy chúng ta thành thật và tốt, thì
họ sẽ tốt lại với chúng ta. Còn anh em mình cũng có người vầy người khác. Có
người chân thành yêu mến dân, có người chỉ giao du để lợi dụng, cũng có người
coi dân Campuchia là thấp hèn, ngu dốt, đầu óc mấy người này đầy thành kiến
phân biệt về dân tộc, màu da, dù là ta với người Khmer cũng cùng một giống da
vàng mũi tẹt mà thôi. Dù sao, đó là quan điểm, là bản tính mỗi người. Họ cũng
có cái lý riêng của mình Huy à.
-
Em nghĩ bất kỳ là ai cũng vậy, là người
thuộc dân tộc, quốc gia nào đi nữa, nếu người khác tốt và cảm thông với anh ta,
hẳn nhiên anh ta sẽ phải đối đãi với họ y hệt vậy thôi. Ta cứ cư xử tốt bụng,
chân thành với mọi người chẳng hay hơn sao anh Quân?
- Nói thì đơn
giản vậy! Nhưng sự thực lại không dễ đâu Huy. Em nghĩ thế thì rất tốt. Nhưng
nhiều khi ta làm điều tốt mà chỉ chuốc những khổ đau, chuốc lấy ác cảm và
sự hiểu lầm...
Một thanh niên trẻ bước tới nhe răng cười
chào Quân và Huy. Anh ta chỉ vào Huy hỏi:
- Smuo ei?
Câu hỏi này Huy biết. Nó có nghĩa là “tên
gì vậy?” Huy cười trả lời:
- Huy!
Anh ta chỉ vào ngực mình:
- Su Smak!
Huy chìa tay ra bắt tay Smak. Quân nói:
- Smak vui tính lắm Huy. Nó là người dạy
anh cách quăng chài đó. Nó chài cá giỏi nhất phum này.
Smak nhìn Huy nói một tràng dài. Huy lắc
đầu. Quân lại phải diễn dịch:
- Nó bảo hôm nào em theo anh ra nhà nó
chơi. Nó sẽ cho em xem con gà đá của nó. Đây là con gà đá vô địch trong xã
Punley. Nếu em thích chơi gà đá, nó sẽ cho em một cặp gà con giống mang về
nuôi.
Huy gật đầu lia lịa, giờ thì anh có thể tự
mình nói được một cái gì đó bằng tiếng Khmer:
- O cuun chờ rờn, Smak! (Cám ơn nhiều,
Smak!)
Smak chợt kéo vai Huy, bằng một cái giật
mạnh xoay người anh lại. Đám thanh niên đang gom thành một vòng tròn rộng giữa
sân. Điệu nhạc chuyển sang giai điệu mới, hối hả và thôi thúc. Smak giơ một tay
lên giữa ngực, uốn éo thân người:
- Ruôm vôông! – Anh ta vừa nói vừa lôi Huy
đứng dậy.
Men rượu đã bốc lên , Huy không e dè
bước ra chen vào giữa đám đông. Anh đưa
mắt lướt qua những cô gái đang bụm miệng cười khúc khích. Cái nhìn dừng lại ở
một mái tóc và dáng vóc quen quen: cô bé lúc nãy đang nghiêng người nói cười gì
đó với một cô gái khác. Huy đi nhanh tới chỗ cô. Vừa quay lại, cô bé giật mình
khi thấy Huy đã đứng lù lù trước mặt. Cô hoảng hốt lùi lại một bước, đôi mắt
tròn xoe nhìn Huy không chớp. Huy toét miệng cười, tay chỉ vào giữa vòng nhảy:
-
Ruôm? …với kh’nhum![1]
Cô bé lắc đầu. Người bạn lớn tuổi hơn đẩy
khẽ vào vai cô như khuyến khích. Cô nhìn thật nhanh vào mặt Huy, và bỏ chạy.
Sau lưng cô, một chuỗi cười rớt lại, như tiếng va chạm lanh canh trong vắt của
những chiếc chuông bạc nhỏ xíu. Huy kêu lên:
- Đừng có chạy, bé ơi. Đứng lại đi mà…
Huy dợm chân định chạy theo cô, nhưng vai
anh đã bị một bàn tay khẽ lôi trở lại. Quân. Anh cười khẽ, nói nhỏ vào tai Huy:
- Em nói tiếng Việt , nó có hiểu gì đâu chứ.
Thôi, ta tới ngồi chơi tí nữa rồi
về.
Hai anh em quay lại bàn, uống thêm vài chung rượu nữa
rồi chào từ giã mọi ngưòi. Huy bước chập
chờn lơ lững như thể đang đi trên một lớp bông êm nhũn, một nỗi niềm không rõ
cứ xôn xao. Nỗi xúc động ngọt ngào vì một người con gái? Hay là niềm vui được giao tiếp, có bạn bè,
thân hữu ở một nơi xứ lạ quê người?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét