Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Mùa xa nhà - Chương X






CHƯƠNG 10



Xung quanh những căn nhà, hoa màu trung đội trồng đã xanh um mơn mởn. Những ngọn rau muống và cải củ ngóc đầu vươn ra đón nắng. Ở bên hông mỗi nhà, mấy giàn mướp, bầu bí đã trổ hoa trắng hoa vàng. Trong ánh nắng mai, lũ bướm bay rập rờn quanh giàn tìm hút mật. Những con đường mòn nối các nhà trung đội và dẫn lên tiểu đoàn đã được dọn sạch cỏ và đắp cao lên, trông xa như những đường chỉ vàng nhạt ngoằn ngoèo đan nổi trên thảm cỏ dày xanh.
Quân đứng bên giàn mướp săm soi mấy chiếc lá tìm bắt sâu. Anh  vuốt nhẹ những chiếc lá non, nét mặt hiền hòa có vẻ rất vui.        
Gần đó, Huy đang ngồi thong thả nhổ những túm cỏ dại mọc lô xô giữa luống rau. Anh ngẩng đầu bảo Quân:
- Chiều nay em sẽ ra phum xin thêm mấy gánh phân chuồng về bón. Rau mọc nhanh ghê há anh  Quân.
Huy đã được nếm trải cảm giác êm đềm khi nhìn những thứ rau màu lớn lên từng ngày một. Lúc mấy giàn bầu bí vừa nhú ra những nụ hoa nhỏ xíu đầu tiên, Huy mừng như bắt được vàng. Anh vừa luôn miệng nghêu ngao những câu hát trẻ con: Tía em hừng đông đi cày bừa, má em hừng đông đi cày bừa. Tía em là một người nông dân, má em là một người nông dân... vừa kê mũi sát vào những nụ hoa hít lấy hít để, xem chúng có thơm không.
Huy tò mò theo dõi những nụ hoa ấy từng ngày, từ khi chúng còn là một chiếc nụ bé xíu, xanh xanh, cho đến khi những cánh hoa rửa tàn đi, và phần cuối cuống hoa hơi phinh phính to ra, lớn dần lên, trở thành một trái bầu, trái mướp tí hon.
Huy vui sướng nhìn những luống rau rậm rạp, dày lên thấy rõ sau mỗi ngày, sau từng cơn mưa hạ.
Những gánh nước tưới hàng ngày;  những gánh phân rác, phân chuồng chăm bón; những giọt mồ hôi đầm đìa rơi trên luống đất; tất cả đã kết thành lá xanh trái ngọt. Bọn rau trái đã được chăm sóc nâng niu bằng những yêu thương, giờ sắp đền trả bao công lao đó của Huy và đồng đội. Niềm vui, niềm hạnh phúc xem ra thật giản dị, bình thường!
Huy liên tưởng tới niềm vui của những bà mẹ khi sinh nở, Huy hình dung tới niềm hạnh phúc của nhà nghệ sĩ khi sáng tạo, và Huy nghĩ: làm cho sinh sôi, nảy nở dù chỉ một ngọn rau, gốc bí, về bản chất đều giống như công việc của những bà mẹ, những nhà sáng tạo nghệ thuật kia. Đó là niềm hạnh phúc được trở thành một thượng đế bé nhỏ, được trở thành người tạo ra sự sống và cái đẹp.
Quân chợt lên tiếng:
- Hôm qua me Sa Rinh vừa mang vào cho anh mớ hạt giống đậu đũa. Chiều nay chúng ta sẽ đánh mấy luống để gieo đậu.
- Me Sa Rinh là bà già của Sa Piên đó phải hôn anh?
- Ừ! – Quân đáp gọn.
Huy trầm trồ:
- Sa Piên đẹp ghê anh há. Lần em gặp cô ấy buổi tối, trông đã đẹp rồi. Nhưng hôm mình ra phum ăn đám cưới, nhìn gần ban ngày trông cô ấy càng đẹp mê hồn. Anh Lý với Sa Piên thật xứng đôi!
- Ừ, họ rất xứng đôi – Quân đáp. Giọng anh có chút gì hơi khác lạ, nhưng Huy vô tình không để ý.
- Sao em ít thấy anh Quân ra phum chơi vậy?
- Anh lười đi quá, với lại anh bận bịu suốt Huy thấy không...
- Nhưng thỉnh thoảng cũng phải đi chơi giải khuây chứ anh. Ở nhà hoài buồn thấy mồ. Anh Quân này, em biết được nhiều tiếng K rồi nghe... Nhưng toàn mấy câu tán gái không hà, đâu có nói chuyện với người già hay con nít được. Anh Quân dạy thêm cho em với.
- Chút nữa anh sẽ cho Huy cuốn Tự học tiếng Khmer.
- Ủa, có cuốn sách đó hả anh! Trời, vậy là hay quá! – Huy mừng cuống lên.
- Một thằng bạn trên Trung đoàn cho anh khá lâu rồi. Nhưng anh cũng ít khi đọc đến. Chủ yếu là anh học từ dân. Huy cứ nói chuyện nhiều với dân là tự khắc sẽ nói giỏi. Dĩ nhiên cũng phải có một số vốn cơ bản trước. Cuốn này đọc dễ hiểu lắm.
Ụ Mối lững thững đi tới, trên vai là con Chíp đang hót chí choé có vẻ rất cao hứng. Huy chúm môi huýt vài tiếng ngắn, con sáo bay vù tới đậu lên cánh tay Huy vừa giơ ra. Nó quẹt quẹt cái mỏ vào tay Huy, kêu líu nhíu như chào mừng, hỏi han sức khỏe của anh. Huy bảo Ụ Mối:
- Ụ Mối, đố ông con Chíp biết tán gái bằng tiếng K không?
- Mình đâu có dạy nó, mà cũng chưa nghe nó nói, ông đã dạy nó câu gì rồi vậy?
- Bây giờ nó không nói đâu, phải gặp đúng đối tượng nó mới phát biểu. Chiều nay đám con gái vào giếng gánh nước ông sẽ biết.
Hồi mới về dựng cứ, anh em đã đào một cái giếng khá sâu kế bên nhà bếp. Nó nằm đúng ngay một mạch nước ngầm lớn nên nước nhiều và cũng khá trong. Dân ở mấy căn nhà gần đội hình trung đội hay vào xin gánh nước, vì từ chỗ họ ra tới hồ nước của phum đường xa gấp mấy lần, mà nước lại không ngọt bằng.
Trong đám này, Huy vui mừng nhận ra có cả cô bé đã gặp hôm đám cưới. Anh đã ngầm dạy con Chíp mấy câu với ý đồ nhờ nó trêu ghẹo cô gái thay mình. Anh huấn luyện nó bằng cách đợi mỗi khi cô gái đang kéo nước, anh vừa nhử nhử trước mặt nó một con cào cào mập ú, vừa lẩm nhẩm mấy câu nói, vừa chỉ về phía cô gái. Cô bé cũng đã phát hiện ra thái độ khả nghi của Huy, nhưng cô không dám nhìn thẳng vào anh, chỉ thỉnh thoảng len lén đưa mắt liếc qua, rồi lại cúi gầm mặt thẹn thùng, trông càng dễ thương hơn. Huy biết cô bé kể cũng đã lâu, nhưng anh vẫn chưa dám nói với cô một câu nào, trừ việc mượn hơi rượu làm càn hôm đó. Thì ra Huy cũng thuộc loại thỏ đế! Vừa đến gần một cô gái lạ, tim anh đã  đánh trống liên hồi, mặt mũi đã đỏ bừng như gấc chín.
Quân chợt đăm đăm nhìn Huy một lúc lâu. Anh nói:
- Lát  nữa em kêu đứa nào cắt tóc cho nghe Huy. Tóc em đã dài quá xá rồi đó.
Huy nhăn mặt, le lưỡi nhìn Ụ Mối. Không biết vì lẽ gì từ nhỏ Huy đã rất ngại việc hớt tóc, nên dù thật sự không thích để tóc dài, nếu không có sự ép buộc thì Huy chẳng bao giờ muốn hớt tóc. Từ hồi sang đây, Huy khoái nhất là chuyện tóc tai. Lính chiến ở đây dù sao cũng có phần tự do, thoải mái hơn. Nếu không muốn cắt tóc thì cứ né tới né lui, kiếm cớ tránh khỏi  những dịp đó là thoát nợ. Huy đã né được mấy đợt hớt tóc rồi, nên mái tóc anh trông thật là kinh dị. Đến nỗi Mợi lác phải kêu lên: “Tóc đỏ quạch như râu bắp mà cũng ham để cho dài! Cắt tóc đi Huy! Nhìn cái đầu mày tao thấy chướng quá.” Giờ thì chính Quân đã lên tiếng rồi. Căng quá! Huy giả vờ gọi con Chíp rồi đánh bài chuồn ra chỗ khác. Anh nghĩ bụng: “Kệ! Cứ kéo dài được ngày nào hay ngày đó.”
Chiều hôm ấy, Huy không thể né được cái chuyện mà anh rất ngại ngùng đó nữa. Vào khoảng hai giờ chiều, tiểu đoàn trưởng Văn xuống đại đội 13 về, đi ngang trung đội, anh gặp Huy đang đứng trước cửa chỉ trỏ, dợt lại ngón nghề tán tỉnh cho con Chíp. Anh trợn mắt:
- Đây có phải là đồng chí Huy của chúng ta không! Hay là một tên thổ phỉ nào đi lạc vào đây vậy! Lại đây, lại đây Huy! Đi lên tiểu đoàn với anh. Anh sẽ hớt tóc cho em. Anh vừa kiếm được một cái tông đơ!
Huy kêu khổ thầm trong bụng. Anh đã sợ nhất ba cái vụ xén tóc xén tai này, giờ lại gặp phải một tay thợ nghiệp dư đem cái đầu của anh ra thí điểm. Đúng là tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa!
Văn nắm tay Huy dung dăng dung dẻ đi về nhà tiểu đoàn. Vừa đi, anh vừa kể cho Huy nghe một hai câu chuyện tiếu lâm ngộ nghĩnh của cánh lính tráng nhà ta. Lên tới nơi, anh vào nhà xách ra một chiếc ghế đẩu tự đóng đặt dưới bóng một cây xoài. Rồi lại vào mang ra ca nước, hộp “đồ nghề”. Chuẩn bị xong mọi thứ, anh trịnh trọng nói, vẻ khôi hài:
- Xin mời thân chủ ngồi vào ghế.  Về tư  thế sẵn sàng!
Huy ngồi xuống ghế, mặt nhăn như khỉ ăn ớt. Văn vừa đẩy tông đơ, vừa cười khà khà bảo:
- Em có nghe cái tông đơ nó rên xiết không Huy! Tóc em cháy nắng, lại cứng còng như rễ tre thế này mà để dài làm chi vậy! Gương mặt em hớt tóc cao lên coi cũng khôi ngô lắm đấy chứ. Nào, cố lên, chỉ còn vài đường nữa. Cố chịu đau một chút, cái tông đơ này hơi lụt, mà lại khô dầu. Để rồi anh đem đi mài lại.
Huy ngồi trân mình, nửa cười nửa mếu mong cho cực hình chóng qua. Cuối cùng, Văn rút trong túi áo ra lưỡi dao lam, cầm ca nước lên dấp một ít nước vào mái tóc Huy, rồi cạo sạch chân tóc, và cả lớp lông măng, râu tơ trên mặt. Xong xuôi, anh xoa tay, lui lại vài bước, ngắm nghía “công trình lao động nghệ thuật”  của mình với vẻ hài lòng đắc ý. Anh bảo Huy:
- Có lẽ tháng sau anh về nhận nhiệm vụ mới ở trung đoàn. Anh Bảo sẽ nắm tiểu đoàn thay anh.
- Thật hả anh? – Huy bật kêu lên.
- Thật chứ.
- Anh mà đi thì cả tiểu đoàn buồn lắm, anh Văn ạ. Anh Bảo nghiêm quá, lại rất khó tính.
- Anh Bảo rất tốt, có điều gia đình anh ấy ở quê có nhiều khó khăn, nên anh ấy buồn bực không vui. Thôi, cố mà thông cảm cho anh ấy nhé Huy.
- Anh Bảo hay đánh lính lắm. Em nghe có lần anh ấy đánh lính bằng cái nắp xoong cơm quân dụng, đến móp cả cái nắp vung đó. Sao ảnh dữ vậy anh Văn?
- Cái đó thì do tính trời sinh, Huy ạ. Anh cũng đã nhiều lần tâm sự với anh ấy, nhắc nhở anh nên kềm chế bớt. Có điều, nếu mình không làm gì sai trái, thì chẳng ai đụng được đến mình đâu em. Thôi, đi về đi Huy.
Huy cám ơn Văn, quay lưng đi về. Anh thật sự cảm động vì sự giản dị, gần gũi vô cùng của Văn. Nghĩ đến việc không bao lâu nữa anh đã rời khỏi tiểu đoàn, Huy chợt thấy buồn buồn. Đi được vài chục bước, Huy ngoái lại. Văn đang lom khom quét mớ tóc rơi vương vải trên nền đất trong ánh nắng chiều vàng lỗ chỗ xuyên qua tàng cây rậm.
Huy đang tắm gội sau cuộc sửa soạn tóc tai thì một đám đàn bà con gái năm sáu người kéo nhau đi tới giếng. Họ trông thấy anh đang đứng xối nước ào ào nên dừng lại, bước tới ngồi chùm nhum dưới một gốc xoài. Huy quýnh quáng dội ào vài gáo nữa, rồi vơ lấy cái khăn và quần máng trên một cành cây gần đó đi như chạy vào nhà. Anh cũng không dám đưa mắt ngó qua thử xem có cái cô bé nhỏ xinh trong đám người đó hay không.
Quần áo chỉnh tề xong, Huy nhón bước tới cửa, nhìn ra. Cô bé có mặt! Cô đang đứng chờ mấy người phụ nữ lớn tuổi hơn kéo nước trước. Huy khoái chí búng tay đánh chóc  một cái, rồi bước hẳn ra ngoài tìm con Chíp. Huy ngó quanh quẩn vẫn chưa thấy nó đâu. Đột nhiên, anh nghe từ lùm cây kề bên giếng, chỗ bọn anh hay máng quần áo để thay, giọng ẽo ợt the thé của con chim:
- Ao so! Ao so! Boòng nức ôn, đek mìn ban! Ao so! Ao so.[1]..
Huy há miệng cười, cố nén không thành tiếng, khoái thầm trong bụng. Thật sự anh cũng không có ý gì đặc biệt với cô gái nhỏ đó. Chỉ vì thấy cô bé cũng hay hay nên anh muốn trêu cho vui. Huy nhìn cô bé coi cô phản ứng ra sao. Cô đang ngạc nhiên nhìn con sáo, có vẻ vừa ngượng ngùng vừa thích thú. Mấy người đàn bà kia cười khúc khích. Họ còn hùa nhau trêu thêm cô bé mấy câu. Con Chíp tung người bay đảo vòng vòng quanh cô bé, miệng vẫn quàng quạc kêu lên: “Ao so... đek mìn ban!...”
Huy khoái quá, không nhịn được nữa bật cười thành tiếng. Anh giật mình, giơ tay bưng miệng cố ngăn tiếng cười. Nhưng cô bé đã nghe thấy. Cô quay lại nhìn anh thật nhanh rồi cúi ngay đầu xuống, mặt đỏ bừng, tay chân luống cuống. Huy thấy tội nghiệp cho cô bé đã quá thẹn thùng, anh huýt sáo mấy tiếng, gọi con Chíp lại. Nó bay tới chỗ Huy, đậu lên vai anh, nghiêng nghiêng đầu, một bên mắt nhìn anh với vẻ vô cùng láu lỉnh và đắc chí. Huy vuốt nhẹ lưng con Chíp, bảo nó:
- Mày giỏi lắm! Chút nữa tao sẽ thưởng cho hai con cào cào bự nghe Chíp.
Ngoài kia, cô bé vẫn còn lính quýnh, đứng ngẩn người bên giếng. Một người phụ nữ bảo cô, đại ý là kéo nước đi rồi cùng gánh về. Huy đi vào nhà, tránh làm cho cô mắc cỡ thêm. Nhưng rồi anh lại nổi máu tò mò, vạch một cái lỗ nhỏ trên vách lá nhìn ra. Cô bé đang vội vàng kéo nước đổ đầy hai chiếc thùng con. Rồi cô nghiêng vai nâng gánh nước, uyển chuyển bước đi. Trên gương mặt ngăm ngăm xinh xắn vẫn còn lưu lại một vệt hồng.           




[1] Áo trắng ! Áo trắng ! Anh nhớ em không ngủ được !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét