CHƯƠNG 13
Quân trầm ngâm bước vào nhà, tay cầm một
xấp thư. Anh vừa lên tiểu đoàn bộ giao ban về. Lúc nãy, tiểu đoàn phó Bảo chủ
trì buổi giao ban, Văn chỉ ra phòng họp để thông báo cho các cán bộ đại đội và
trung đội trực thuộc việc anh sẽ về trung đoàn nhận công tác mới, rồi lại lui
vào trong chuẩn bị. Quân nhớ những ngày còn ở đại đội mười hai, khi đó Văn là
đại đội phó của anh. Văn gan lì, dũng cảm, lại thương yêu lính chẳng khác nào
ruột thịt. Chính những tình cảm, những cách hành xử của Quân đối với anh em
trung đội bây giờ anh đã học nó từ Văn. Mà không chỉ ở mỗi một mình Văn, điều
này hình như đã trở thành truyền thống của toàn đơn vị. Từ những người anh đi
trước – những người đã đổ xương máu để tô lên lá cờ quyết thắng của tiểu đoàn,
trung đoàn và sư đoàn ngay thuở đơn vị mới hình thành ở chiến trường Đông Nam
bộ – những người lính trẻ đã học được bao điều không bao giờ ghi chép trong bất
cứ một tài liệu giáo khoa quân sự kinh điển nào. Đó là những bài học trong cuộc
sống mỗi ngày, trong từng trận đánh. Bài học về sức chịu đựng vô bờ bến; về
tình đồng đội ấm áp thương yêu và gắn bó; về tình yêu nước, lòng khao khát độc
lập, tự do; và quan trọng hơn hết, về lòng nhân ái: rất căm thù, rất quyết tâm
chiến đấu, nhưng cũng rất khoan dung, độ lượng. Hết thế hệ này đến thế hệ khác,
những bài học đó dần dần trở thành máu thịt, ăn sâu vào tâm hồn, lắng đọng
xuống trái tim người lính. Nó chính là nguồn sức mạnh thiêng liêng kỳ diệu
nhất, nguồn sức mạnh của toàn dân tộc, tích lũy qua hơn một nghìn năm lịch sử
chiến tranh tang tóc triền miên. Trong một cuộc chiến, những người lính đã trở
thành như một, ít nhất là về hoàn cảnh. Họ đều là những người nghèo và trái tim
trong sáng, chưa bị giàu sang, quyền lực làm tối mắt đảo điên. Họ có những suy
tư, tình cảm chung ngoài những cái khác nhau thuộc về quan điểm, cá tính riêng
biệt của mỗi người. Chính vì vậy, họ rất dễ thương yêu nhau, hy sinh cho nhau.
Quân thấy có một nghịch lý nào đó hiển nhiên tồn tại: chiến tranh là điều kinh
tởm, xấu xa, nhưng cũng chính chiến tranh nâng con người tới một cái gì cao cả.
Nó tạo cho con người một sức sống mãnh liệt, một tình yêu mãnh liệt vào cuộc
sống, nó hiến cho loài người những mẫu mực sáng chói nhất về lòng cao thượng,
danh dự, tình yêu. Nhiều khi Quân cũng không hiểu được chính mình. Anh căm ghét
chiến tranh. Anh không muốn tay mình nhuốm máu người. Anh phần nào đó chịu
nhiều ảnh hưởng của các thuyết lý tôn giáo và triết học – những ánh sáng từ
trên cao vời rọi xuống, xóa nhòa ranh giới thị phi đối đãi. Không có vấn đề màu
da, dân tộc, chủng tộc, quốc gia. Không có cả vấn đề là người hay là sự vật.
Chỉ có vấn đề sự sống và bình an, và cứu rỗi. Thế giới sẽ thanh bình, an lạc
khi không còn những phân biệt đó. Nhưng có lẽ đó mãi mãi chỉ là một thế giới
của hoài vọng ước mơ, của lý tưởng không bao giờ thành hiện thực? Những người
lính, dù là ở phía này hay phía kia chiến tuyến cũng đều là những con người,
cũng sợ hãi, đau đớn, xót xa giống hệt như nhau. Thế nhưng vì những phân biệt,
ngăn chia đã phải tiêu diệt đối phương. Thật là phi lý! Có lẽ chiến tranh là
một trong những hành vi phi lý nhất của loài người. Những loài dã thú giết chóc
là vì bản năng tranh đấu sinh tồn, chúng ăn thịt những loài yếu ớt hơn để sống,
và đến lượt chúng lại bị ăn thịt bởi những con thú hung dữ, to lớn khoẻ mạnh
hơn. Nhưng loài người giết chóc chỉ vì những ý niệm, những ảo tưởng, hoặc bị
người khác áp đặt, hoặc của chính bản thân. Ôi, thật là phi lý!…
Những suy tư này tồn tại trong ý thức
Quân, và cả trong tâm cảm. Nhưng cũng có một điều khác tồn tại song song: niềm
tự hào dân tộc, tình yêu sâu thẳm đất nước, quê hương, dân tộc, đồng bào; và
một điều thật bình thường, đơn giản: tình thương yêu gắn bó giữa bạn bè đồng
đội. Những điếu thuốc vấn chung nhau, những ngụm nước đọng lại dưới đáy bi đông
nhường nhau trong cơn khát ngất… Tình thương và trách nhiệm với bạn bè, đồng
đội, qua từng ngày, càng sâu sắc. Một tình yêu người, lòng bác ái chung chung
không thể tồn tại vì nó không gốc rễ. Linh hồn
của tổ tiên vẫn còn thao thức, âm thầm chảy trong từng mạch máu, lung
linh trong tâm cảm, tiềm thức của Quân. Tinh thần, ý thức tự nó mâu thuẫn với
chính mình. Và không có lời giải đáp. Nhiều lần Quân tự vấn, nhiều đêm anh ngồi
trong đêm tĩnh lặng, cố lắng tâm hồn, ý tưởng xuống, biến nó thành một dòng
sông trong suốt, lặng lẽ, lắng mọi phù sa, khoáng chất xô bồ hỗn độn của cuộc
đời xuống đáy để tìm một lời minh giải. Nhưng ở một điểm nào đó giữa đường suy
ngẫm, tất cả dường như nhòa nhạt, lẫn
lộn mơ hồ. Thế là Quân vẫn vừa là một người lính bình thường đầy sắt đá, vừa là
một kẻ thao thức trở trăn tìm chân lý.
Ụ Mối đang ngồi vá áo ngước lên nhìn Quân,
phát hiện ra xấp thư, vội nhảy nhổm lên, hớn hở:
- A , hay quá! Có thư của em không anh Quân?
- Mày có một lá. Của bé Hiền đó – Quân cười.
Anh nhớ hồi Ụ Mối mới về trung đội. Có một
lần, đơn vị đi truy quét quanh địa bàn năm ngày. Chuyến đó đi xa và vất vả,
nhưng không đụng địch. Khi về tới cầu Thmo, cách Cứ khoảng bốn cây số, tiểu
đoàn trưởng Văn cho giải lao. Ai nấy đều đã mệt ngất ngư. Chuyến đó, đơn
vị đi sâu vào cánh rừng phía Tây, dây
leo bụi rậm chằng chịt không có lối, người đi đầu phải lấy dao phát bớt các
cành nhánh, gai góc để mở đường. Ụ Mối dáng vóc bậm trợn, lại là dân sơn cước,
nên được phân công vác cái “đầu bò”[1].
So với các bộ phận tách rời của súng, đầu bò là món nặng nhất nhì, lại cồng
kềnh khó vác. Đi trên đồng trống còn
khỏe được chút ít, chứ khi luồn vào rừng
bụi, người vác đầu bò rất vất vả. Trên suốt một chặng dài hơn cây số, Ụ Mối hầu
như không vác được cái đầu bò mà phải ôm nó chui qua mấy con đường mới mở. Đó
lại là chuyến hành quân chiến đấu đầu tiên của nó. Bởi vậy, đến chỗ giải lao
thì Ụ Mối đã bèo nhèo như miếng giẻ
rách, quần áo ướt đẫm chẳng khác vừa nhảy xuống mương. Nghỉ giải lao xong, đơn
vị chuẩn bị tiếp tục lên đường. U Mối ngồi cú rủ, không động đậy. Quân bước
tới:
- Mày mệt lắm à? Thôi cố gắng đi, sắp về
tới cứ rồi. Mày vác khẩu AK, đưa cái đầu bò cho anh.
Ụ Mối lắc đầu quầy quậy:
- Không. Anh cho em ngồi nghỉ thêm một
lát, em sẽ về sau.
Quân cau mày:
- Không được. Ở đây không an toàn. Cố gắng
lên!
Quân đặt khẩu AK vào lòng Ụ Mối, rồi ôm
cái đầu bò đặt lên vai. Tay kia anh nắm vai áo
nó lôi mạnh. Ụ Mối lảo đảo đứng lên. Trung đội nối vào đội hình xuất phát.
Khi về tới nhà, Ụ Mối chỉ kịp tháo cái ba
lô quẳng qua một bên là năm lăn ra trên nền nhà nhắm nghiền đôi mắt, trông cứ
như xác chết trôi. Liền ngay sau đó, Già Hương cất tiếng gọi từ nhà bên cạnh,
lần đó anh ở nhà giữ Cứ:
- Ụ Mối! Mày có thư của người yêu nè. Thông tin trung đoàn đã
mang thư xuống ba bốn hôm nay...
Ụ Mối ngồi bật dậy, nhanh như chớp chạy ra
ngoài, rồi ào một cái, nó lại chạy về, tay vung vẩy lá thư, chân nhảy cẩng lên,
reo gào inh ỏi:
- Có thư rồi. Có thư rồi. Anh Quân ơi!
- Ừ thì có thư! – Quân đáp, anh nheo mắt –
Giờ tao mới biết tình yêu có sức mạnh như thế nào. Nó biến một con mèo hen sắp
chết thành một thằng khùng khỏe như trâu
cổ!…
Lần này cũng y chang! Ụ Mối vội vàng đứng lên, nhảy ba bước
tới bên Quân vồ lấy xấp thư lựa lựa, rồi rút ra một lá. Quân nhìn Ụ Mối hớn hở,
thấy lòng mình chợt nao nao. Quân chưa bao giờ có thư nhà. Không bao giờ có.
Anh chỉ được hưởng niềm hạnh phúc chia vui cùng đồng đội. Có khi, người này
người khác đọc cho Quân nghe một lá thư của người yêu, của mẹ già. Rồi sau đó
nhờ anh “cố vấn” để viết thư hồi đáp. Những lần như vậy, Quân rất vui và hào
hứng, tưởng như anh đang viết thư của chính bản thân mình.
Ụ Mối thận trọng xé một đầu bao thư ra, ngồi bệt xuống đất chăm
chú đọc. Dễ chừng anh đọc đi đọc lại ít nhất ba lần. Rồi anh cẩn thận xếp lá
thư, bỏ lại vào phong bì, ngồi ngây người một lát. Bỗng Ụ Mối toét miệng ra
cười tươi rói. Anh ngước lên khoe với Quân:
- Hiền bảo đã dành dụm được hai chỉ vàng,
lại còn đang nuôi một con heo nái sắp đẻ
lứa đầu tiên. Em về tháng trước, là tháng sau tổ chức ngay đó anh Quân.
- Ừ! Cưới vợ phải cưới liền tay. Nó đã chờ
mày mấy năm rồi – Quân đáp. Anh bảo Ụ Mối:
- Mày chạy ra tập họp anh em về đây hội ý.
Thằng Huy đi đâu rồi?
- Nó qua bên nhà đại liên – Ụ Mối đáp chưa
hết câu đã chạy khuất dạng.
Một thoáng sau, mọi người đã nháo nhào chạy tới tề tựu đông
đủ. Ai cũng náo nức vì đã nghe Ụ Mối nói có thư
nhà. Già Hương hỏi:
- Có gì
quan trọng mà phải hội ý toàn trung đội vậy Quân?
Quân mỉm cười. Anh cầm xấp thư giơ lên.
Mọi người nhảy nhót hò reo mừng rỡ và sung sướng.
Sau đó, những người có thư run run xé
phong bì, mấy người không có ghé đầu bên bạn mình cùng háo hức đọc chung những
dòng thư.
Một lúc sau, khi mọi người đã đọc thư xong, Quân nói:
- Anh em chú ý. Hôm nay tôi thông báo cho
anh em hai chuyện. Thứ nhất là tiểu đoàn cho trung đội một suất đi phép, ngày
mốt lên đường. Thứ hai là ngày mai anh Văn về trung đoàn nhận công tác mới…
Trung đội lại nhao nhao lên như ong vỡ tổ.
Trong tiểu đoàn ai cũng thương mến và nể phục Văn. Tin này làm mọi người mất đi
phần nào sự phấn khởi về vụ có thư và suất đi phép.
Quân giơ tay lên, cắt ngang những lời bàn
tán:
- Thôi, anh em yên lặng. Dù sao thì anh
Văn cũng phải đi rồi, có buồn cũng không ích gì. Bây giờ, tôi xin giải thích
một chút: trung đội chúng ta được một suất đi phép trong tổng số ba suất của
toàn tiểu đoàn, do vừa qua đã thắng lợi trong mấy trận liền, diệt địch, bắt tù
binh, thu nhiều vũ khí. Tôi có hai cách giải quyết. Cách thứ nhất là chỉ tiến
hành bốc thăm trong số anh em lính 83 trở đi. Cách thứ hai là mọi người đều
được bốc thăm. Các đồng chí hãy cho ý kiến.
Già Hương nhìn quanh khắp mọi người, mỉm
cười nói:
- Có điều này tôi nghĩ phải nói rõ cho anh
em biết. Thường thì người được đi phép là người trực tiếp bắt sống tù binh. Hôm
đó, trong lúc khẩu đội bắn yểm trợ Quân đã một mình vượt lên trước, khống chế
và bắt được hai tên. Dĩ nhiên công trạng là của toàn đơn vị. Nhưng nếu không có
những người tự mình xông lên như vậy, rất có thể chúng ta rút quân tay trắng
trở về. Phần khác, người thâm niên nhất ở đây là Quân. Vậy tôi đề nghị chính
Quân sẽ đi phép, không cần phải bốc thăm bốc thiết gì cả. Anh em có nhất trí
không?
Mọi người gật đầu tỏ vẻ tán đồng với đề
xuất của Già Hương. Quân đưa tay ra ngăn lại, anh nói:
- Cám ơn anh em. Nhưng tôi mồ côi cha mẹ,
không có họ hàng. Tôi về cũng chẳng ích gì, thật tình là vậy. Giờ xin mọi người
nghĩ xem chúng ta sẽ tiến hành cách nào như tôi vừa nói.
Thiện
nói:
- Thật lòng mà nói, bản thân tôi cũng thèm
được đi phép lắm. Nhưng tôi nghĩ lính 82 cũng đã sắp ra quân rồi. Nên để cho
lính 83, 84 bốc thăm thôi.
Mợi phản đối:
- Chúng ta là lính chiến, đánh trận như
cơm bữa mỗi ngày. Không phải tôi nói chuyện xui xẻo, nhưng hôm nay còn sống,
chứ có thể ngày mai đã đi đoong rồi. Chỉ khi nào mình đặt chân qua cửa khẩu mới
chắc ăn là bình an trở về nhà. Cho nên theo tôi, tất cả đều được bốc thăm mới
thật sự công bằng.
Mợi là lính 83. Nếu thêm những người nhập
ngũ 82 vào số bốc thăm, thì xác suất được trúng thăm của chính anh giảm xuống.
Nhưng Mợi cảm thấy phải làm như vậy. Anh không muốn vì quyền lợi riêng mà quên
đi bạn bè, đồng đội. Mọi người im lặng ngẫm nghĩ, thấy Mợi cũng có lý. Có lẽ
trừ Quân ra, người nào cũng rất mong được về thăm nhà, thăm quê một chuyến… Quê
nhà! Ở đó có mẹ già, em thơ, ở đó có vợ hiền con ngoan, có người tình nhỏ...
Biết bao thương nhớ đã chất chồng lên,
đọng lại trong tim họ trong những tháng ngày qua.
Quân nhìn quanh rồi gật đầu:
- Vậy thì chúng ta sẽ bốc thăm theo cách
thứ hai. Tôi sẽ viết một lá thăm có chữ
“đi”, còn lại tất cả là thăm trắng. Anh em đồng ý chứ?
Mọi người đồng thanh nhất trí.
Quân
lật cuốn sổ ra xé mấy tờ. Anh xé thành những mẩu giấy nhỏ, ghi vào một
mẩu, gấp tất cả lại, bỏ vào cái ca inox lắc một lúc. Quân nói to:
- Nào, bây giờ là lúc anh em thử vận may. Lần lượt từng người!
Mọi người háo hức bước tới bốc thăm. Họ
run run mở ra. Những gương mặt đầy vẻ nôn nao
phấn khích. Lý chợt nhảy nhổm lên, cười rú thét vang:
- Ha ha! Tôi trúng thăm rồi! Má ơi! Con sắp gặp má rồi!
Những người còn lại hơi xìu xuống thất
vọng. Nhưng rồi lập tức họ reo lên nhào tới ôm lấy Lý, nhấc bổng anh tung lên
trời mấy cái.
- Chúc mừng! Chúc mừng Lý ơi!
Lý được buông ra, nhưng mặt vẫn còn đỏ
bừng ngơ ngác. Dường như anh vẫn chưa thật sự tin là mình sắp được về nhà. Rồi
đôi mắt anh chợt đỏ hoe.
Ngay chiều hôm đó, trung đội ra phum mua
gà, trà rượu về tổ chức liên hoan tiễn Lý đi phép. Họ mời thêm một số bạn bè,
đồng hương ở mấy trung đội khác qua chung vui. Tiệc làm tương đối sớm, bắt đầu
từ ba giờ, và khoảng bốn giờ thì kết thúc. Chỉ có một bi đông rượu uống tượng trưng, vì Trung tướng Năm Ngà, Tổng Tư lệnh
mặt trận, đã có chỉ thị cấm rượu từ sau
chiến dịch.
Tiệc tàn, khách khứa lần lượt ra về. Cuối
cùng thì chỉ còn Lý, Mợi, Già Hương, Huy và vài người nữa ngồi nhâm nhi trà tán
chuyện. Số khác thì tản ra cắm cúi viết
thư để nhờ Lý chuyển.
Chuyện mãi cũng cạn, mọi người ngồi im
lặng trầm tư. Ngoài sân, không khí bỗng yên tĩnh lạ lùng. Tiếng luýt chuýt của
mấy con chim sâu đang tìm mồi trên mấy cành xoài chợt nổi lên mồn một. Nắng
chiều vàng rực tràn qua những kẻ lá, luồn
qua kẻ vách rọi lên mặt sân, nền nhà những đốm sáng chao động lung linh.
Lý
ngồi hai tay khoanh gối, mắt nhìn mông lung ra khoảnh sân ngập nắng, như
đang hình dung tới những ngày vui sắp tới ở thành phố. Chợt Lý quay qua Huy:
- Mày viết thư đi Huy, tao sẽ mang tới nhà
mày.
- Em viết rồi. Để em vẽ sơ đồ lên bao thơ
cho anh tìm nhà. Nếu anh rảnh thì ghé nhà em chơi, còn không thì gửi qua bưu
điện cũng được… Nếu anh có ghé, mà má em hỏi về cuộc sống ở đây, anh nhớ nói là
rất vui rất khoẻ nghe, nói là không có gì nguy hiểm, nhớ nha…
- Tao biết, cần gì mày phải dặn dò – Lý
quay sang Mợi – Còn mày…?
Mợi lác nhìn Lý:
- Mày vào chợ Cầu Ông Lãnh, tới khu bán rau cải hỏi bà Năm cao. Gặp má
tao ở đó dễ hơn, đường vô nhà tao khó đi lắm, mà cũng chẳng có số nhà gì đâu. Lý nè, khi sang ráng tìm vài cuốn truyện
cho tao. Kho tàng “phim truyện” của tao cạn khô rồi. Cứ xào đi xào lại hoài mấy
cuốn cũ mất mối hết trơn cho coi!
- Tao nhớ rồi – Lý gật đầu cười. Anh lại quay sang Già Hương.
- Già Hương đã viết thư cho bà xã chưa, để em mang về bỏ bưu điện cho.
Già Hương đứng dậy, anh vừa bước vội về hướng nhà bên vừa
nói:
- Mày chờ chút xíu, tao về lấy cái này.
Lát sau, Già Hương quay lại. Anh ngồi
xuống, xòe tay ra. Gương mặt bậm trợn với hàm râu quay nón rậm rì giãn ra với
một nụ cười khoan khoái. Trong lòng bàn tay nông dân to lớn, chai sần từng cục,
là hai chú lùn gỗ nhỏ xíu, một con khắc bằng gỗ mít vàng, một con bằng gỗ gì
không rõ màu tím sẫm. Cả hai chú lùn đều bóng loáng vì mồ hôi tay chà sát nhiều
lần. Hai con người gỗ này Già Hương đã cặm cụi làm đi làm lại suốt cả tháng
trời mới xong. Chúng là món quà vô giá của một người cha. Chúng chứa đựng bao
nhiêu tình thương và nỗi nhớ trong từng đường vân, nét chạm.
Trong trung đội, Già Hương là người anh
cả, lớn tuổi nhất, và cũng nghiêm trầm, ít nói nhất. Anh thương tụi nhỏ trong
trung đội như lũ em mình. Nhưng lại là một người anh khó tính. Không như Quân
thường an ủi, động viên dịu ngọt, Già Hương dễ nổi nóng rầy la, nhưng cũng rất
mau quên những lỗi lầm, thiếu sót của mọi người. Không hiểu xã đội làm ăn ra
sao, mà lúc còn thanh niên nhông nhổng, tự do, họ không gọi anh nhập ngũ. Mãi
đến năm Già Hương hai mươi sáu, đã vợ con đùm đề, bôn ba xuôi ngược để kiếm
sống thì lại phải lên đường làm nghĩa vụ. Già Hương định trốn không đi, nhưng
vợ anh, một cô gái con nhà cách mạng nòi, đã
động viên thuyết phục anh. Chị thề sẽ cố gắng chung thủy nuôi con chờ
đợi anh về. Chị không muốn có một ông chồng phải trốn chui trốn nhủi, ra ngõ ra
đường cứ mắt la mày lét, sợ từ đứa con
nít sợ đi. Già Hương ra đi chân bước không đành. Nhưng rồi dần dần anh cũng
khuây khỏa. Thư của vợ, của gia đình thường xuyên gửi sang khiến anh an tâm,
vững dạ. Anh tự so sánh với những anh em khác, và nhận ra mình vẫn còn may mắn
hơn nhiều. Có lần Già Hương bảo Huy: “Nhiều khi thấy tao thấy thằng Quân cứ
ngong ngóng đọc ké thư của người này, người khác mà thương nó quá. Tao vậy mà
sướng hơn nó nhiều. Lỡ chết thì cũng đã có vợ, có con…”
Có lẽ vì có con mà Già Hương thích ra phum
chơi. Anh ôm mấy đứa nhỏ tóc khét nắng vào lòng, mua cho chúng những phong kẹo
nhỏ, nựng nịu chúng, đùa nghịch chúng cho đỡ nhớ con.
Già Hương bảo Lý:
- Mày mang về tới thành phố, kiếm một cái
hộp nhỏ bỏ vào, bỏ cả lá thư của tao vào đó rồi gửi bưu điện giùm tao. Tao có
viết trong thư chia phần rồi. Con vàng là của thằng Tí em, con tím thằng Tí
anh… Chắc tụi nó khoái lắm …
Già Hương ngồi ngẩn ra, nhìn hai con người
gỗ một hồi. Rồi anh móc túi lấy lá thư, đưa cả cho Lý. Anh à lên một tiếng, bảo
Lý:
- Có lẽ lát nữa Sa Piên nó vào thăm mày
đó. Hồi nãy ra phum, tao có ghé báo cho nó biết vụ mày đi phép. Trông nó buồn
hiu.
Lý cau mày:
- Em tính mai ra gặp nó. Vào đây làm chi
cho chộn rộn.
Mặt trời đã xuống thấp. Bóng những thân
xoài vươn dài ra sóng soảy trên mặt đất. Khi đốm nắng cuối cùng rọi xuống nền
nhà đã thu lại thành một vệt nhòa nhỏ xíu, mờ dần, Sa Piên và Soun vào tới.
Mặt Sa Piên không giấu nổi vẻ âu lo, buồn
bã, dù cô cố gượng mỉm cười chào mọi người. Huy nhận ra cô còn có một vẻ lo
lắng, sợ sệt khó tả. Hẳn là Sa Piên cố lấy hết can đảm mới dám vào đây, hẳn là
cô rất sợ phải chạm mặt với Quân. Cũng may là Quân đã đi sang nhà bên từ nãy,
Huy thầm nghĩ. Tay Sa Piên xách một chiếc khăn krama căng phồng. Sau lưng cô,
Soun nép người e thẹn. Sa Piên đặt cái
khăn gói lên bàn, nhìn Lý:
- Em có ít quà nhờ anh mang về cho me anh
ở Việt Nam.
Anh về quê nhớ qua cho sớm… Em mong lắm.
Lý đứng lên, anh tới gần Sa Piên, đặt tay
lên bờ vai thon thả của cô:
- Đừng buồn Sa Piên, anh về rồi qua liền
mà. Đi ra ngoài này, Sa Piên.
Lý dìu Sa Piên tới gốc xoài bên đầu hồi.
Hai người ngồi xuống rủ rỉ chuyện trò.
Trong nhà, còn lại Soun đứng ngây ra. Cô
mắc cỡ và sợ chết được vì lần đầu tiên bước vào nhà của mấy người bộ đội, dù
thâm tâm cô vẫn mong sẽ có lần được vào ngồi trò chuyện với Huy. Huy nãy giờ cứ nhìn cô cười tủm tỉm chẳng chịu
nói gì. Soun không biết phải làm sao. Đi ra chỗ Sa Piên thì không được, đứng ở
đây cũng không xong, Soun thấy hai chân mình tự nhiên nhủn ra. Cô ấp úng nhìn
Huy:
- Sa Piên nhờ Soun cùng đi cho có bạn…
Già Hương và Mợi lác nhìn Soun cười thông
hiểu. Họ nhận ra dưới lớp vải của chiếc xà rông, đôi chân cô đang run lẩy bẩy.
Già Hương bảo cô:
- Lại đây ngồi đi cháu. Huy nó nhắc cháu
hoài. Nó khen cháu dễ thương và tốt lắm… À, trái trâm của cháu cho hôm nọ ngon
lắm. Ai cũng thích.
Soun nhoẻn miệng cười, đôi mắt đen lấp
lánh, cô rón rén bước tới cạnh chiếc bàn, ngồi xuống. Huy nháy mắt với Già Hương và Mợi lác:
- Hình như
hai anh tính qua nhà bên làm gì đó phải không?
Mợi lác toét miệng cười, anh phát vào vai
Già Hương một cái:
- Ừ, mình đi Già Hương ơi…hí hí… chắc
thằng quái này nó đang rủa thầm tụi mình
phá đám nãy giờ.
Hai người gật đầu chào Soun rồi bước ra
ngoài.
Soun nhìn theo họ, rồi cúi gầm đầu xuống,
hai tay vân vê nếp váy, đôi má đỏ hây. Huy nhìn cô, lòng ấm áp. Một lúc sau,
Huy cất tiếng:
- Me có khỏe không Soun?
- Dạ khỏe… me nhắc boòng Huy mãi, bảo sao
lâu quá không thấy ra chơi.
- Lúc này anh có nhiều công tác. Thôi để
chiều mai anh ra thăm me.
Soun chợt mỉm cười, sôi nổi:
- Me nói boòng Huy thích ăn “samlo mchu”[2]
trái cà săng nấu với cá lóc. Chiều mai, boòng Huy ra chơi ăn cơm luôn nhé, Soun
sẽ nấu canh cho boòng Huy.
Huy xúc động, anh làm vẻ thản nhiên:
- Ừ, Soun nấu canh thì chắc là ngon lắm.
Lâu rồi chưa ngồi ăn cơm với me và Soun, nhớ samlo mchu quá.
Soun lại quay về với vẻ rụt rè. Lòng cô từ
lâu đã không còn sự hồn nhiên thanh thản nữa. Nó cứ như mặt hồ lộng gió, mãi
gợn những vòng sóng nhỏ. Có lúc là những êm ái ngọt ngào khôn xiết, có lúc lại
là nỗi lo âu, sợ hãi mơ hồ. Boòng Huy như là cơn gió lạ phương xa chợt đến, phá
tan hồn nhiên yên tĩnh lòng cô. Chiều chiều Soun thường ra thơ thẩn giữa lùm
cây dại ven chùa, nơi có chiếc hồ sen. Có khi cô đi lang thang ra mãi tận con
suối xa dưới chân đồi. Cô thích hái mấy cánh hoa dại cài lên mái tóc, rồi náo
nức nhìn bóng mình trên mặt nước biếc xanh. Dưới lòng nước trong vắt lung linh,
một cô bé xinh xắn đang nhìn cô như dò hỏi. Thật sự mày có xinh không vậy?
Mày cười sao mà ngớ ngẩn quá đi thôi! Boòng Huy có thích nụ cười ngớ ngẩn của
mày không, con nhỏ dưới kia? Ừ phải, chắc là boòng Huy có thích, boòng Huy hay
cười và hay nhìn mày lắm… Mày thương boòng Huy rồi đó, Soun ơi! Nhưng boòng Huy
có thương mày đâu, anh hay ghẹo cho mày mắc cở chết người, trêu cho mày lúng
túng chân tay rồi cười vang thích chí… Mà sao lời nào của anh với mày cũng ngọt
cũng hay, cũng làm mày nhớ in vào đầu vậy hở…
Soun ngồi mơ màng suốt những buổi chiều như vậy. Cô nói chuyện với
chính mình. Tự hỏi rồi tự trả lời. Rồi nói với cây cỏ, với con suối, chiếc hồ.
Trong lòng cô, chúng thân thiện, hiền hòa và đầy cảm thông như những người bạn
thiết.
Với cô, và những bạn bè cùng lứa tuổi, mấy
boòng coong tóp Việt Nam
sao thật dễ mến dễ gần. Họ nói tiếng Khmer ngọng ngịu, líu lô chẳng đâu vào đâu
cả, nhưng họ nói nhiều điều mới lạ. Những cách diễn tả lạ lùng của họ đầy màu
sắc, âm thanh. Soun và mấy bạn nghe những câu chuyện của họ một cách say sưa,
và trong óc các cô tràn ngập những hình ảnh xa xôi, lạ lẫm. Soun hay hình dung
ra cảnh tượng những “phum" ở các thành phố Việt Nam. Ở đó có nhiều ngôi nhà cao vút
gấp mấy mái chùa, trông như một cái hộp dựng đứng lên, nằm bên nhau san sát.
Mỗi "phum" có rất nhiều người, đông bằng dân cả mấy “khum”,
sống trong một diện tích nhỏ xíu
bằng nửa phum Chan Đai này. Ở đó có những con đường thật rộng và đẹp,
hai bên lề trồng những cây cao. Ban đêm đèn đuốc sáng trưng, rực rỡ muôn màu,
sáng hơn cả đêm rằm. Soun đã có dịp xem
những ảnh chụp cảnh Phnom Penh
in trong sách, lời họ kể nghe tương tự như trong những bức ảnh in đó. Vậy Việt Nam cũng giống
như Campuchia thôi. Nhưng giống ở các
thành phố lớn, còn ở đây, nơi “s’re s’rok”[3]
này, chỉ có những túp nhà sàn mái tranh thấp bé, những con đường đất nắng bụi
mưa bùn, những ngọn đồi cánh rừng hoang vu vắng lặng. Từ nhỏ đến giờ, và có lẽ
đến tận lúc chết đi, cô và các bạn cũng không bước chân ra xa hơn cái chợ huyện
nghèo nàn, hiu hắt. Và những câu chuyện của mấy coong tóp Việt Nam đã mang vào
giấc mơ nhỏ đêm đêm của các cô gái quê mùa những hương sắc kỳ diệu lạ lùng. Họ
gây cho các cô nhiều ngạc nhiên, làm các cô thêm tò mò, thắc mắc. Cùng với
những câu chuyện kể, họ trở nên bí ẩn và thu hút lạ lùng. Tự nhiên, họ vượt hơn
hẳn cánh thanh niên phum làng về mọi mặt. Trai làng quá quen thuộc, quá bình
thường, họ cũng chỉ có kiến thức, tầm nhìn nhỏ bé ít ỏi như Soun và các bạn. Có lẽ vì vậy mà đa số các cô
đều ao ước có một người yêu là coong tóp Việt Nam. Đã có nhiều lời kể không hay
về những mối tình này: chàng trai về nước không bao giờ quay lại, và cô gái một
mình nuôi con. Thường là như thế. Nhưng vẫn có những ngoại lệ khác ít hơn. Soun
biết một chị trên chợ huyện, chị đã cưới một người coong tóp, và anh ta đã ở
lại không về. Hai người ra chợ Sisophon buôn bán và trở nên giàu có. Vậy thì
đâu phải mối tình nào cũng đều là đau khổ. Vả lại, khi cái bụng thương rồi,
ngại gì những điều trắc trở. Khi gặp boòng Huy lần đầu, Soun đã thấy lòng mình
khác lạ. Và dần dần, cô hiểu mình đã thật sự yêu thương. Không phải là cô muốn
vậy, cô cũng rất sợ hãi, lo âu. Nhưng tình yêu lớn quá, mạnh quá, nó chiếm lấy
cô, xô đẩy cuốn hút cô không còn phương lẫn tránh.
Soun chợt giật mình, thoát khỏi những ý
nghĩ miên man khi nghe Huy hỏi:
- Soun nghĩ gì mà buồn vậy?
- Dạ… – Soun lắc đầu luống cuống.
- Soun này, Huy mang hình búc me và mấy em
của anh cho Soun xem nhé. Me anh vừa gửi cho anh đó.
Soun gật đầu, đôi mắt sáng lên.
- Dạ, boòng Huy lấy đi, Soun muốn xem lắm.
Ngoài sân, bóng chiều đã nhạt nhòa sắp
nhường chỗ cho đêm tới. Huy thắp ngọn đèn để trên bàn, rồi tới đầu chiếc chõng
mở ba lô ra. Anh quay lại, đưa cho Soun tấm ảnh chụp cả gia đình má anh vừa gửi
sang hồi đầu tháng. Trong ảnh, nom ba má Huy đã già đi nhiều, và gầy ốm hơn lúc
trước. Mấy đứa em đứng thành một vòng cung sau lưng hai ông bà, đứa nào cũng cố
nặn một nụ cười trông thật ngộ. Soun nhích tới gần chiếc đèn, cúi đầu nhìn thật
kỹ từng người một. Cứ mỗi lần nhìn xong một người, cô lại tíu tít bình phẩm
hoặc hỏi Huy:
- Me boòng Huy ốm quá, ốm hơn cả me
Soun…
- Búc boòng Huy có khó không, lúc boòng
Huy còn nhỏ có hay bị ông đánh đòn không?
- Em gái kế của boòng Huy là người này
phải không? Đẹp quá! …
- Nhà boòng Huy cũng đông người lắm. Một,
hai… tám người, nếu boòng Huy mà về nữa là có tới chín người. Chắc là vui lắm.
Chẳng như nhà Soun, chỉ có me và Soun, buồn ơi là buồn…
Huy vừa mỉm cười trả lời Soun, vừa thân ái nhìn cô. Nét mặt Soun
lúc này trông thật ngây thơ, trong sáng. Đôi mắt cô lúc lúc lại chớp nhẹ, mái
đầu nghiêng nghiêng và hàng mi dài rợp bóng bên ánh đèn trông càng đẹp lạ
lùng.
Soun nhìn xuống tấm ảnh thêm lần nữa rồi
trao lại cho Huy. Cô nhìn quanh quẩn, ánh mắt cô chợt bắt gặp cây đèn dầu đang
cháy trên bàn. Đó là một cây đèn dã chiến, làm bằng một chiếc lọ thủy tinh đựng
thuốc. Soun cười khúc khích:
-
Ồ, cây đèn ngộ quá! Ai làm vậy hả boòng?
-
Anh làm đó.
-
Boòng Huy khéo quá, làm được cây đèn thật đẹp.
-
Để hôm nào rảnh, anh sẽ làm cho Soun một cái, chịu không.
- Chịu chứ, Soun thích lắm đó – Cô mỉm cười.
Ngồi một lúc nữa, Soun nhìn ra sân rồi hốt hoảng kêu lên:
- Trời ơi, tối mất rồi. Soun phải về thôi
boòng Huy.
- Cứ ngồi chơi thêm tí đi Soun. Sa Piên
còn nói chuyện nhiều với anh Lý mà.
- Không được đâu. Để Soun gọi Sa Piên.
Soun đứng lên, bước ra cửa. Trong bóng tối nhòa nhòa ở góc
sân, dưới táng xoài, hình dáng Sa Piên và Lý nổi lên thành một nét tạc đen sẫm.
Soun kêu khẽ:
- Về thôi boòng Sa Piên, tối lắm rồi.
Hai người đằng kia đứng lên. Họ vẫn còn
lưu luyến chưa muốn rời nhau, bốn bàn tay đan vào nhau tha thiết. Vài phút sau,
họ bước tới gần Soun. Sa Piên quay về phía Huy khi ấy đang đứng dựa vào khung
cửa lóng ngóng nhìn ra, cô nói:
- Chúng tôi về nghe Huy.
Cô quay lại nhìn Lý gật đầu, rồi quay lưng
nắm tay Soun bước theo lối mòn chỉ còn hiện lên một vệt xám mờ trong bóng tối.
Lý bước tới bên Huy, nét mặt trầm ngâm. Huy hỏi:
- Mai anh mấy giờ anh lên tập trung ở E?
- Tám giờ có mặt.
- Anh cố gắng qua sớm nghe. Sa Piên không có anh buồn
lắm đó.
Lý im lìm không nói, anh đặt tay lên vai
Huy bóp nhẹ một cái, rồi quay gót đi về phía nhà A đại liên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét