Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Mùa xa nhà - Chương XVIII





CHƯƠNG 18


Con đường về Angkor Wat, nơi Bình đóng quân băng qua những cánh rừng già, và hầu như chỉ có xe quân sự lưu thông. Hiếm họa lắm, cả hai mới bắt gặp một người dân chạy xe gắn máy, còn đa số đều là những vị sư tăng Khmer đi bộ trên đường.
Suốt ngày hôm đó, sau khi rời khỏi cổng quân y viện, cả hai đã quá giang nhiều chặng ngắn. Những chiếc quân xa chở đạn dược, thuốc men và quân trang tới các đơn vị đóng rải rác trong vùng. Mấy anh chàng hạ sĩ lái xe vui tính rất sẵn lòng cho hai người lên xe. “Có hai ông, thêm được hai tay súng, chắc ăn hơn.” Họ hào hứng nhận lời ngay như thế khi Huy và Bình ngỏ lời. Có điều, khi họ rời con lộ chính để quẹo vào đơn vị của mình, hai người lính lại phải cuốc bộ một hồi.
Khoảng bốn giờ chiều, sau một chặng lội bộ chừng sáu cây số, cả hai tới một ngôi chùa nhỏ. Bình bảo Huy:
- Tối nay mình vào chùa này ngủ trọ. Năm trước đại đội tui đóng quân ở gần đây, tui hay tới chùa này chơi và xin mèo về nuôi. Hai vị sư già trong chùa rất tốt.”
Ngôi chùa nhỏ xíu, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Mái chùa vỡ toang nhiều chỗ, và trên tường còn chi chít những vết đạn. Vị sư trụ trì trong chùa tên Sim, tuổi khoảng bảy mươi, người gầy khẳng khiu nhưng đôi mắt vẫn còn tinh anh lắm. Vị còn lại tên Nasuk trẻ hơn, khoảng năm mươi, nét mặt rất hiền hòa.
Tối hôm đó, sau bữa cơm, hai vị sư già ngồi trò chuyện với hai người lính trong căn phòng nhỏ sau chùa. Trong lúc đối đáp với hai vị sư, thỉnh thoảng Huy lại nhói lên nỗi nhớ Quân. Nhiều lần anh đã nghe Quân giảng giải về đạo Phật, về những triết lý uyên thâm để tìm giải thoát. Anh thả tâm trí theo những dòng suy nghĩ, không chú ý lắm đến câu chuyện giữa Bình và và hai vị sư. Thình lình, một câu hỏi của Bình chợt kéo anh quay về thực tại.
Bình bảo với vị sư trụ trì:
- Lục tà Sim à, hiện nay, theo con biết, dân Campuchia vẫn còn nhiều người kính yêu ông Hoàng Sihanouk. Mấy người dân trong phum kề bên hồi con còn đóng quân ở đây vẫn dấu hình của ông ta trong nhà. Không biết họ giữ lại hình của ông ta bằng cách nào hồi thời Pol Pot?”
- Ta còn nhớ khoảng thời gian cách nay chừng ba mươi năm – lục tà Sim đáp – dưới thời của ông Hoàng, người dân tương đối ấm no. Những người già luôn nhớ tới thời gian đó. Họ giữ hình ông Hoàng bằng cách nào ta cũng không rõ. Có khi đó không phải là hình cũ, mà là hình của ông ta chụp sau này, được chuyển tới đây từ Thái Lan. Các con coongtop Việt Nam à, Campuchia phải chịu vận số đau thương này cũng là duyên nghiệp. Thời đế quốc Khmer hùng mạnh, chúng ta đã xâm lăng, giết chóc, cướp phá quá nhiều. Người dân Khmer luôn tự hào với quá khứ hào hùng oanh liệt đó, nhưng họ không hiểu rằng bạo lực sẽ được đền trả bằng bạo lực. Tai kiếp này người dân Khmer phải gánh, nhưng ngoài việc là một nhà sư, ta cũng là một người dân Khmer, cũng rất đau lòng trước sự dã man của Pol Pot và quân Khmer đỏ. Bản thân ta cũng suýt bị giết chết dưới thời của chúng.”
Huy nhìn vị sư già, ông ta có cách giải thích thật lạ lùng, nhưng không phải không có lý, vì nó đúng với triết lý nhân quả của nhà Phật. Anh chợt nghĩ tới một điều và cất tiếng hỏi nhà sư:
- Thưa lục tà, bộ đội Việt Nam sang đây đánh đuổi bọn Pol Pot, cứu người dân Khmer thoát khỏi cái họa diệt chủng. Nhưng vì sao, ngoài đảng Cách mạng Campuchia, những đảng phái khác, kể cả ông Hoàng Sihanouk, cứ coi chúng con như kẻ thù? Sao họ không bắt tay với nhà nước Campuchia mới để xây dựng lại đất nước mà cứ đánh lẫn nhau, tranh giành thế lực? Đa số những người dân mà con tiếp xúc ở đây đều thương mến bộ đội Việt Nam. Nhưng tại sao những người lãnh đạo các phe phái đó lại cứ chống đối chúng con, coi chúng con là quân xâm lược?”
Vị sư già nhìn Huy trầm ngâm hồi lâu. Cuối cùng, ông ta nói:
- Việc này cũng có căn nguyên của nó. Campuchia và các nước láng giềng hùng mạnh là Việt Nam ở phía đông và Thái Lan ở phía bắc đã có một mối thâm thù truyền kiếp từ lâu. Nếu con rành rẽ hơn về lịch sử, con hẳn biết đế quốc Khmer xưa của chúng ta vô cùng rộng lớn, bao gồm cả miền Nam nước con bây giờ. Người dân thường thì không quan tâm nhiều tới chính trị, nhưng những người có học, những người lãnh đạo Khmer luôn nghĩ Việt Nam và Thái Lan là những mối đe dọa lớn. Luôn nghĩ rằng Việt Nam và Thái Lan là những con hổ dữ sẵn sàng ăn sống nuốt tươi đất nước này. Bộ đội các con sang đây đánh đuổi bọn Pol Pot là một ân đức lớn đối với chúng ta. Nhưng mối thù truyền kiếp thì vẫn là mối thù truyền kiếp. Họ, những kẻ trí thức và những kẻ làm chính trị, luôn khắc sâu trong đầu định kiến đó, và họ sẽ không bao giờ quên nó. Các con à. Các con là những người lính. Các con phải làm tròn bổn phận của mình. Những người lính của các phe phái khác cũng vậy, họ phải làm bổn phận của họ. Trừ phi quân Việt Nam rút về, họ sẽ không bao giờ thôi chống đối các con và chống đối với nhà nước mới mà họ cho là thân Việt.”
Huy gật đầu. Điều mà vị sư già vừa nói với anh quả thật vô cùng mới mẻ. Ra là vậy, mọi việc đều có nguyên do của nó.
Lục tà Na Suk chợt lên tiếng:
- Các con coongtop chắc cũng mệt rồi, thôi hãy đi nghỉ sớm, mai còn lên đường. Chúng ta sẽ cầu nguyện cho tất cả các con luôn được bình an, và đất nước này nhanh chóng thoát khỏi cảnh chiến tranh tang tóc.”
***
Hai người lính mồ hôi đầm đìa, áo quần phủ kín bụi đường bước lên những phiến đá lót cầu bắt qua hào nước bao quanh đền Angkor Wat dưới ánh nắng chiều lay lắt. Năm ngọn tháp đồ sộ như năm ngọn lửa huy hoàng đang bùng cháy dưới ánh nắng chiều. Huy đứng lặng người với một cảm giác không thể tả. Là kinh sợ? Là kính ngưỡng? Là bàng hoàng? Hay là tất cả những cảm giác đó cùng trộn lẫn vào nhau?
Bình kéo tay Huy:
- Thôi chúng ta quay ra ăn cơm đã, đói lắm rồi. Ông cứ ở đây vài hôm, đi vòng vòng mà coi cho đã. Vội vàng gì.”
Hai người đi về phía tiểu đội của Bình. Có hai người lính đang ngồi trò chuyện trước một túp nhà tranh. Họ đứng bật dậy khi nhìn thấy Bình, một trong hai người là một cậu bé Khmer khoảng mười lăm mười sáu tuổi. Người lính kia la to:
- Anh Bình đã xuất viện rồi đó hả? Mấy tháng nay không có anh buồn quá.
Anh ta quay sang nhìn Huy dò hỏi. Bình cười tươi:
- Đây là anh Huy, cùng nằm viện với anh. Huy ghé đơn vị mình chơi vài bữa để tham quan khu đền cổ. Sao, chiều nay có gì ngon ngon để đãi khách không Bằng?” – Bình quay sang Huy, chỉ vào hai người lính kia – Bằng là thằng em nhập ngũ cuối 85, còn thằng nhỏ kia là Rai, trước là lính Pốt, kỳ đó tụi tui bắt được nó rồi cảm hóa nó gia nhập đơn vị luôn. Ở đây, tụi tui là lính giữ chốt nên thiếu quân dữ lắm. Có thêm Rai cũng đỡ cực.”
Bằng và Rai lo chạy vào nhà bếp nấu nướng. Huy và Bình đi ra hồ tắm táp. Khi họ quay về, cơm nước cũng đã chuẩn bị xong xuôi.
Sau bữa cơm chiều, Bình trao đổi với Bằng và Rai một số công việc rồi kéo Huy và hai người kia ra trước sân để uống trà.
Huy nhấp một ngụm trà rồi hỏi Rai:
- Trước khi về với bộ đội Việt Nam, em gia nhập lính Pốt lâu không?           
- Em đã được Angkar dạy cách gài mìn, bắn súng AK và B40 từ năm mười hai tuổi. Năm mười bốn tuổi bắt đầu tham gia lực lượng Khmer đỏ.
- Thế gia đình em còn có ai không?
- Cha mẹ em đều bị giết vì những lỗi rất nhỏ, hồi đó em khoảng năm tuổi, Khmer đỏ nuôi em và em làm việc cho họ. Sau đó họ bắt đầu dạy em cách dùng vũ khí.
Rai kể lại cho Huy nghe cuộc đời của mình. Nó bị cách ly khỏi cha mẹ từ lúc còn là một em bé. Cha của nó là một thầy giáo, cả cha và mẹ nó cũng bị chia cách ở hai phum cách nhau chừng 5km. Rai lớn lên cùng chín mười đứa bé khác do một người lớn chăm lo. Lên sáu bảy tuổi, nó đã bị bắt ra đồng làm việc. Một nhóm trẻ con phải kéo cày thay cho trâu bò. Thức ăn rất ít oi, đa phần là cháo. Mỗi tuần, bọn trẻ con được học một mẫu tự Khmer. Và chúng cho rằng thế giới chung quanh chúng đều tồn tại giống như chúng, chỉ biết bạo lực, lao động nhọc nhằn, luôn thiếu đói và xung quanh toàn là súng ống. Quân Khmer đỏ dạy bọn trẻ rằng kẻ thù chỉ cách chúng một cánh tay và chúng phải học những bài hát như Chiến thắng, Quyền lực, Chính quyền mới quyền lực mới, Đấu tranh tiêu diệt quân thùTất cả mọi người là một. Lần đầu tiên Rai được cấp khẩu AK47 là vào năm nó lên mười. Khẩu súng dài tương đương với chiều cao của nó và nó đã gặp không ít khó khăn trong việc tìm cách vác súng lên vai. Rai tập bắn bằng cách nhắm bắn vào những trái cây, thú vật nhỏ hay cá dưới sông. Quân Khmer đỏ có hàng đống vũ khí các loại và cho phép bọn trẻ được chọn lựa trong số các khẩu AK47, M16, M60, Kalashnikov. 




Rai được dạy bơi bằng một cách vô cùng đơn giản là bị ném xuống sông. Và nó đã suýt chết đuối nếu không được một người bạn khác kéo lên bờ. Đối với Khmer đỏ, mạng sống rẻ như bèo và chúng chẳng quan tâm tới việc sống chết của bất kỳ ai.
Bọn trẻ được cấp đồng phục gồm quần đen và áo đen để mặc và một chiếc khăn krama quàng cổ đỏ sọc trắng. Chúng mang những đôi dép làm từ vỏ xe.
Tới năm 1983 quân đội Việt Nam mới tiến vào Xiêm Riệp. Hai bên chiến đấu giằng co với nhau để giành quyền chiếm giữ các ngôi đền quanh khu vực Angkor. Quân Khmer đỏ chiếm giữ Ta Prahm và Preak Khan, còn quân Việt Nam chiếm Angkor Wat, Angkor Thom và ngọn núi Bakain.
Vào thời gian quân Việt Nam tiến vào Xiêm Riệp, Rai đang sống trong doanh trại của quân Khmer đỏ để học cách gài gỡ mìn. Quân Khmer đỏ đã bảo với bọn trẻ rằng quân Việt Nam là những tên khổng lồ, có những bộ răng to lớn và những bộ râu dài. Bọn trẻ đã vô cùng khiếp sợ. Sau đó, Rai rất vui mừng khi thấy rằng quân Việt Nam cũng có kích thước như mình.
Khi quân Việt Nam vừa tới, lực lượng của hai bên ngang bằng nhau. Nhưng sau vài ngày chiến đấu dữ dội, quân Việt Nam đã sử dụng xe tăng. Quân Khmer đỏ chưa bao giờ nhìn thấy xe tăng nên không biết đánh bằng cách nào, họ cố nổ súng vào những chiếc tăng và thấy chúng nằm im bất động. Quân Khmer đỏ cho rằng những chiếc tăng đã bị phá hủy và tiến tới gần. Ngay khi đó, một người lính Việt Nam nấp trong rừng ra hiệu, và từ chiếc tăng, những loạt đạn dữ dội nã ra đã giết sạch quân Pol Pot. Lần đó, Rai may mắn sống sót vì nó không tới gần những chiếc tăng, nhưng sau đó nó cũng đã bị những người lính Việt nam nằm phục trong rừng bắt được.
Và cuối cùng, những người lính Việt Nam với lòng tốt và sự đối xử chân thành của mình đã thuyết phục được Rai gia nhập vào đơn vị họ.[1]
Huy ngồi im nghe Rai kể lại câu chuyện đời của nó, cảm thấy chế độ Pol Pot thật là một chế độ kinh khủng ngoài sức tưởng tượng. Một chế độ biến con người trở thành con vật chỉ biết ăn và bắn giết.
Huy hỏi Rai:
- Em có yêu mến những người lính đồng đội Việt Nam này không? Có thấy chúng tôi khác xa bọn lính Pot chuyên đe dọa và giết chóc không?
- Có chứ, em rất yêu mến anh Bình, anh Bằng và nhiều anh khác nữa. Họ coi em như em út, chăm sóc lúc em đau ốm và không bao giờ đối xử hung dữ, tàn nhẫn với em như quân Khmer đỏ.
Đêm hôm đó, Huy nằm thao thức không ngủ được, mong cho trời mau sáng để vào tham quan khu đền Angkor Wat. Cuối cùng, anh thiếp ngủ đi vì mệt mỏi lúc trời gần sáng.
*****
Thế là Huy đã ở Angkor Wat được ba ngày, nhưng anh vẫn thấy rằng mình chưa nhìn ngắm đủ. Anh vẫn thấy lòng run lên với cảnh quan kỳ bí của những ngôi đền.
Những nụ cười Bayon bí hiểm ở Angkor Thom mà anh từng thấy trong các bức ảnh phải chăng ẩn chứa một dự cảm về số phận của dân tộc Khmer.  Tiếng gió hú qua những hàng cây cổ thụ kia phải chăng là tiếng khóc than của những linh hồn vĩ đại từng gầy dựng đô thị Angkor cổ? Nắng vàng long lanh như lửa thắp trên từng tầng tháp cổ Angkor Wat phải chăng là những giọt lệ của vua Jayavarman II, Suryvarman II và Jayavarman VII tiếc thương một thời vàng son đã mất, thời kỳ đế quốc Khmer trải rộng mênh mông khắp một vùng Đông Nam Á? Những đàn voi rừng lang thang đi qua khu đền tàn tạ thỉnh thoảng lại rống lên những hồi dài buồn bã, phải chăng cũng than khóc cho những gì đã mất? Khung cảnh điêu tàn nhưng hùng vĩ này phải chăng để chứng minh cho một chân lý: kết tinh của máu và nước mắt của vô số con người phải trường tồn mãi với thời gian. Như Vạn lý trường thành. Như Kim Tự Tháp…
Nền văn minh Angkor bắt đầu từ thế kỷ 9 và kéo dài đến thế kỷ 15. Khu đô thị Khmer cổ Angkor trải dài trên 1.150 dặm vuông Anh, nằm ở hướng bắc biển hồ Tông Lê Sáp, thuộc tỉnh Xiêm Riệp ngày nay. Hơn 100 ngôi đền đá, dù đã rêu phong tàn tạ, vẫn trơ trơ tồn tại dưới gió mưa suốt mấy trăm năm qua là những gì còn sót lại của cả một khu đô thị cổ lớn nhất thời kỳ tiền công nghiệp, bao gồm những dinh thự, công trình công cộng và nhà ở xây dựng bằng gỗ đã hoàn toàn bị hủy hoại bởi thời gian.
Sau khi bị vương quốc Ayutthaya (giờ là Thái Lan) xâm chiếm vào vào khoảng năm 1431, dân cư Angkor đã bỏ đi tứ tán. Khu đô thị cổ suy tàn dần và cũng chìm vào quên lãng. Trong hơn bốn trăm năm, nó đã bị vây bọc bởi những cánh rừng rậm mênh mông. Thỉnh thoảng, những vị du tăng đi hành hương băng qua những cánh rừng này nhìn thấy vết tích của những công trình đã suy tàn khủng khiếp. Họ cảm nhận được sự thiêng liêng huyền bí của những khu đền cổ, nhưng hoàn toàn không biết về nguồn gốc của chúng. Họ sáng tác ra những câu chuyện ngụ ngôn về các khu đền đó, và cho rằng chúng được những thần linh nào đó dựng lên vào một thời đại cổ xưa. Sau mấy trăm năm, những câu chuyện đó đã trở thành truyền thuyết. Và người ta chỉ biết rằng có một khu đô thị nào đó đã bị mất tích giữa những cánh rừng. Cho đến năm 1860, nhà thám hiểm người Pháp Henri Mouhot mới tìm ra nó. Và từ đó, những bí mật bị chôn vùi suốt mấy trăm năm của khu thành phố cổ dần được làm sáng tỏ.
Sau này, khi quay lại quê nhà, với tình yêu sâu nặng đối với đất nước Chùa Tháp, Huy đã tìm tòi và hiểu biết sâu hơn về Angkor, về lịch sử thăng trầm và một quá khứ vinh quang nhưng cũng rất đỗi đau thương của đất nước và dân tộc Khmer. Còn giờ đây, anh chỉ biết bàng hoàng lắng nghe những âm thanh kỳ bí vút lên qua những cửa đền Angkor Wat; nghe tiếng gió vi vu buồn thảm lướt qua những tầng cổ thụ. Anh chỉ biết bàng hoàng đứng lặng nhìn những tầng tháp cổ và cảm thấy một cái gì đó thật u buồn và vĩ đại tràn ngập trên từng nếp đá, tàng cây, nét chạm. Những vũ nữ Apsara trên vách đá dường như đang chuyển động nhịp nhàng với những vũ điệu diệu kỳ. Dường như trên nét mặt họ là những nụ cười buồn bã đầy cam chịu.
Huy còn đang đứng bần thần thì Bình xuất hiện. Nét mặt Bình vô cùng hớn hở. Anh chìa tay ra, trên tay anh là một tờ giấy chi chít chữ. Bình bảo:
- Tui vừa viết thư cho Xuân, ông đọc xem tui viết có cảm động hôn nghe!
Huy đón lá thư từ tay Bình, đến bên một gốc cây thốt nốt và ngồi xuống, chăm chú đọc lá thư. Bình viết những câu sai ngữ pháp, những từ sai chính tả, với sức học của một học sinh lớp năm. Nhưng tràn ngập trong từng câu chữ ấy là một tình yêu trong sáng, đẹp đẽ và sâu sắc. Đọc xong, Huy gấp tờ giấy lại, trao trả cho Bình, lúc đó cũng đang háo hức ngồi cạnh anh, chờ nghe lời nhận xét.
- Ông viết hay lắm, tôi đọc mà còn cảm động nữa, nói chi Xuân. Tôi chân thành chúc cho hai người sớm được ở gần bên nhau mãi mãi.
Bình kéo tay Huy:
- Thôi, vô cất lá thư rồi tụi mình đi một vòng săn bắn. Hôm nay nhất định tui phải đãi ông một món thật ngon để mai ông về đơn vị sẽ nhớ mãi thằng Bình này.
Cả hai xách súng đi vòng vòng cánh rừng ở hướng đông một lúc vẫn chưa phát hiện ra con mồi nào khả dĩ. Có một hai con chim to nhưng Bình lắc đầu, bảo thịt chúng ăn nhạt lắm, phải kiếm một con mễn hay heo rừng gì đó mới bỏ công nổ súng.
Bình chợt khẽ reo lên:
- Có đống phân heo còn mới toanh nè ông ơi. Con heo này chưa đi xa đâu, tụi mình nhất định phải hạ được nó.
Hai người lính đang dò dẫm lần theo những dấu chân mờ nhạt của con heo in trên lớp cát cứng dưới táng khu rừng, Bình đi trước Huy vài bước. Chợt Huy nghe một tràng liên thanh nổ xé tai ở sát gần bên. Anh ngã bật người xuống đất, lăn nhanh tới một gốc cây to và chĩa súng về hướng phát ra tiếng súng quất liên tục mấy tràng. Tiếng súng nổ dội lại vang vang từ phía rừng sâu thẳm bên trong. Bắn xong mấy loạt, Huy liếc nhìn lại chỗ anh và Bình đứng lúc nãy. Bình nằm bất động. Máu từ đầu và cả phần thân trên của Bình vẫn còn chảy ri rỉ, lấp lánh phản chiếu dưới những tia nắng lọt qua tàng cây thưa thớt trên đầu. Huy bật kêu lên: “Bình ơi!”
Bọn địch tập kích không biết chừng bao nhiêu tay súng, hay chỉ có một tên bắn lén, và sau loạt súng thình lình đã chạy trốn mất. Không khí xung quanh im lìm trở lại, chỉ còn tiếng lá cây kêu xào xạc và tiếng chim sâu luýt chuýt mơ hồ. Huy nằm im, thở thật khẽ và cố lắng nghe mọi âm thanh khác lạ. Một lúc lâu sau, hơn nửa tiếng, không gian vẫn im lìm lặng lẽ với bài ca không lời bất tận của rừng. Chợt Huy nghe ba tiếng súng nổ từng phát một, rồi tiếng gọi to ở phía ngoài cánh rừng, cách anh chừng ba trăm mét.
- Anh Bình ơi! Anh Huy ơi! – Giọng của Bằng.
 Huy hét to: “Bằng ơi! Anh ở đây! Bình bị đạn rồi!”
Khoảng vài phút sau, Bằng và Rai xuất hiện. Huy chồm người đứng dậy, chạy tới bên Bình. Anh lật ngửa Bình ra, ngực Bình nát toang, Đôi mắt Bình khép hờ, chỉ nhìn thấy tròng trắng. Huy đưa tay lên mũi Bình. Hơi thở đã ngưng. Nước mắt Huy chợt ứa ra. Anh kêu lên: “Bình ơi! Ông chết thật sao!”
Hai người lính kia chạy tới, quỳ gối bên cạnh xác Bình. Ba người lính nắm lấy đôi bàn tay và cánh tay của Bình, đôi mắt rưng rưng.
Mùa xuân không tới nữa. Và mùa đông này sẽ là mùa đông vĩnh viễn của Bình, Xuân ơi, Xuân có biết không?



[1] Nhân vật Rai dựa theo cuộc đời của Aki Ra - người sáng lập viện bảo tàng Land Mine Museum ở Xiêm Riệp.  Aki Ra đã được bầu chọn là một trong Top 10 CNN Heroes 2010 do thành tích gỡ mìn.
Để biết thêm chi tiết về Aki Ra, xin mời tham khảo website: http://www.talesofasia.com/cambodia-akira.htm.  Hoặc: cambodianselfhelpdemining.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét