CHƯƠNG 4
…Mưa. Mưa ròng rã mấy ngày liền. Cả cao
điểm chỉ còn là một chiếc màn nhạt nhòa màu trắng xám.
Mưa tầm tã suốt những ngày, rào rào đập
xuống mái túp lều dã chiến như một tay đàn bass trong cơn cao hứng. Mưa lặng
thầm rỉ rả suốt những đêm, như muốn kể lể một điều gì, than van giùm ai đó.
Con sáo Chíp của Ụ Mối không nhảy loi choi
phá phách như thường lệ. Nó chui vào nép mình trong một góc nắp ba lô nằm im
thin thít, chỉ có hai con mắt tròn xoe tinh nghịch là vẫn láo liêng nhìn ngó
mọi người như dò hỏi, thắc mắc: “Sao lạnh thế? Sao buồn thế? Sao không thấy mặt
trời với những tia nắng vàng tươi ấm áp?”
Dạo đầu tháng Giêng, khi đơn vị vừa lui về
đây dựng trại, nắng đến sẩu cả người. Nắng cứ ong ong chiếu thẳng xuống đầu,
nóng rừng rực như muốn nung đỏ cả giải cát trắng bìa rừng, muốn sấy khô những
cành lá xác xơ, khô cằn đầy bụi của những lùm những bụi, những gốc cổ thụ già
nua. Rồi từ cơn mưa đầu mùa trái nết một
ngày cuối tháng Hai, trời mưa mãi, tối
trời tối đất.
Trận mưa đầu tiên, cả trung đội mừng phát
khóc, khoái chí vô cùng.
Họ mừng vì không khí sẽ mát mẻ, dễ chịu,
đêm không còn phải nằm trăn trở, mồ hôi tươm ra nhớp nhúa; vì lũ ruồi nhặng
đông đúc đến kinh hoàng, không biết từ đâu kéo đến sẽ không còn tác oai tác
quái; vì không còn phải vất vả hằng ngày lên hồ Ampil cách đó bảy tám cây số để
tắm giặt, tải nước về dùng.
Mọi người ùa ra, reo lên khi những giọt
nước ngọt ngào bắt đầu trút xuống liên miên, bắt đầu dệt thành một chuỗi vô tận
trắng mờ mịt những hạt nước mưa to nặng. Mưa!
Mưa rồi! Lạy trời mưa xuống, lấy
nước tôi uống...
Họ lột phăng quần áo ra cầm trên tay quay
tròn vun vút, mình trần như nhộng, như trẻ thơ vừa mới lọt lòng, như những
thiên thần hồn nhiên vô tội. Rồi cả bọn nhảy tung tăng, đứa hát, đứa gào lên
những lời vô nghĩa, đứa nằm lăn ra, ngửa mặt, xoảy tay chân, há hốc miệng, cho
mưa tràn trề rơi xuống vỗ về.
Mưa đi! Cứ mưa đi! Mưa cho quét sạch bụi bặm
trần gian, quét sạch những nỗi buồn lo, quét sạch những suy tư nhớ nhung căng
đầu căng óc. Cho chúng tôi hoá thân, trộn lẫn vào với những giọt nước ngọt mát
trong veo.
Nhưng rồi mưa như muốn thỏa lòng nguyện
ước của họ, nên cứ hào phóng rơi mãi,
tuôn trút dầm dề suốt cả tuần. Mưa trắng trời trắng đất, chẳng có đồ sạch mặc
vì treo phơi mãi mà quần áo chưa chịu khô cho. Cũng chẳng thể kiếm chác cải
thiện gì được với những cơn mưa ào ạt . Chỉ có nước là nhiều, lúc nào cũng tràn
trề mấy cái bồn làm bằng mấy tấm nylon đi mưa trùm lên hố đất. Nắng mãi cầu
mưa, mưa hoài nhớ nắng. Thiên nhiên có
bao giờ ban phát bình quân đều đặn, không thừa không thiếu theo ý muốn con
người…
Quân miệt mài ghi chép. Anh đang viết một
bút ký để gửi cho tạp chí Văn nghệ Quân đội. Không khí lành lạnh, ẩm ướt và
tiếng mưa rơi đều đều bất tận làm anh thấy nao nao. Trong lều tối om om, cả
ngoài trời cũng một màu u ám. Mọi thứ đều xám, lạnh, buồn, nhưng chứa đầy sinh
lực bên trong, khơi dậy niềm cảm hứng.
Có lẽ kỳ này Ban biên tập sẽ không gạt bỏ
bản thảo của anh. Nó đã được viết trong niềm rung động sâu xa. Nó gắn chặt,
quyện vào với những cảm xúc chân thật, đầy sức sống, và toàn là những điều có
thật. Đây không phải là một câu chuyện kể bình thường. Đây chính là những nụ
cười, nước mắt, những giọt mồ hôi rơi xuống ướt đẫm chiếc áo lính bạc màu; là
ánh nắng vàng rực rỡ lúc cuối ngày hắt xuống cánh rừng dầu; là những khoảnh
khắc mong manh, thiêng liêng giữa cuộc sống và cái chết của đồng đội, bạn bè
anh... Nghĩa là toàn bộ cuộc sống của bọn anh ở đây, trong những tháng ngày
này, đã thu gọn, biến hình, chuyển hoá thành con chữ.
Tiểu đoàn đã lui về đây nằm chốt từ sau
đợt tấn công Ampil để huấn luyện phối hợp quân binh chủng với tăng, pháo chuẩn
bị cho trận đánh lớn kế tiếp. Những ngày tháng tương đối nhàn hạ và yên tĩnh
với đơn vị của anh – một trung đoàn cơ động của Sư, một trung đoàn cứ xê dịch,
hành quân di chuyển miệt mài suốt hàng trăm ki lô mét dọc chiều dài biên giới
vùng Tây Bắc, đánh nhau hết trận này tới trận kia, hết trận to sang trận nhỏ
ngay từ khi anh về đơn vị.
Cánh rừng
này nằm cách hồ Ampil khoảng tám cây số đường chim bay về hướng Tây Nam. Một cánh
rừng thưa, chủ yếu là cây dầu cổ thụ, đứng rải rác trên nền cát trắng, hệt như
cát ở vùng Củ Chi quê ngoại của Quân. Ở đây quả là nhàn thật, quá nhàn là đằng
khác. Các đơn vị của Pol Pot và Son Sann giờ nằm dạt đâu đó ở trên đất Thái, đã
mất hồn và kiệt quệ sau đợt tấn công vừa rồi. Chúng còn đang co cụm, củng cố
lực lượng chờ phục hồi sinh lực, nên cũng chẳng hơi sức đâu mà lén lút bò sang
quấy nhiễu. Đây là những tháng ngày bình yên, những tháng ngày hiếm hoi quý báu
cho sự nghỉ ngơi và trở lại với cuộc sống không tiếng súng, không vất vả, không
có những phút giây căng thẳng khi ém quân chờ giờ nổ súng. Nhưng đôi khi, bọn
anh cũng hơi buồn, nhớ những cuộc hành quân đầy phấn khích, nhớ những đợt xung
phong, nhớ mùi thuốc súng tỏa ra khét
lẹt một vùng trận địa.
Quân viết thật sẻn so, với những dòng chữ
li ti, mỏng mảnh.
Giấy ở đây là thứ quá hiếm hoi. Mấy quyển
vở học trò anh mua khi ở Cứ giờ chỉ còn lại có dăm cặp giấy đôi. Có khi ở tòa
soạn tạp chí, người ta đã vứt bỏ những bản thảo trước của anh ngay từ đầu, khi
thấy chúng viết trên cả hai mặt giấy; vứt bỏ một cách bực dọc mà không buồn
liếc qua xem chúng ghi chép những gì, dù anh đã cẩn thận ghi ở đầu mảnh giấy
một dòng chữ to đầy khẩn thiết, van nài: “XIN VUI LÒNG THÔNG CẢM, CHÚNG TÔI
KHÔNG CÓ GIẤY!”.
Quân nghĩ, ở tòa soạn báo Quân đội, dĩ nhiên đa số trong Ban biên
tập phải là con nhà lính, nếu không phải là tất cả. Và đã là lính, tất họ phải
hiểu giấy là thứ quí hiếm đến thế nào ở chiến trường. Họ phải biết nỗi xót xa
phải xé dần, xé dần những lá thư của người yêu ở xa xôi, những dấu tích duy
nhất, thân thương liền khúc ruột ấy của người mình yêu mến để cuộn thuốc rê. Ấy
là vì tình đồng đội.
Có những thằng chẳng bao giờ lưu tâm tới
chuyện giấy má thư từ. Với đứa này thì vì mù chữ, với đứa kia vì bị phụ tình, đứa nọ gia đình ở quê nhà đã
từ lâu không còn liên lạc gì nữa. Nhưng tụi nó cũng cần giấy, dù chỉ là để vấn
thuốc mà thôi. Và những tờ giấy, dù là giấy vở trắng tinh chưa dính chút mực,
hay là trang thư chứa đầy những lời thương nhớ thiết tha, là giấy báo mềm mại
dễ dùng, hay là giấy đen khổ to để viết công văn, báo cáo cứng còng, dòn rụm...
đều cùng với thuốc rê, hay với lá hà thủ ô biến thành khói nhuộm đen buồng phổi
của những kẻ xa nhà.
Bạn có thể nhịn thèm, chờ một dịp may nào
đó, khi có một tờ báo hay một quyển tạp chí chôm được hay xin được ở trung
đoàn. Nhưng nếu bạn là người “giàu có”, là tiểu chủ nắm quyền sở hữu một vài
manh giấy, bất kể giấy gì, bạn đâu thể nhìn bạn bè mình bứt tóc bứt râu vì thèm
thuốc, nhất là khi còn thuốc mà giấy đã hết rồi. Và những điếu thuốc chẳng
giống ai ấy lại rất ngon, ngon hơn bất kỳ thứ thuốc thơm nổi tiếng nào trên trái
đất. Chúng ngon vì sự thiếu thốn, vì sự chia sẻ, vì tình cảm đồng đội thân
thương gắn bó.
Nói đến giấy, mà không nói đến tem, là một
thiếu sót vô cùng trầm trọng. Mỗi người được phát ba con tem quân đội mỗi quý. Thật là chẳng
thấm vào đâu! May mà có những đứa chẳng khi nào dùng đến chúng như đã nói trên.
Vậy là mọi con tem được phát ra cuối cùng đều được sử dụng cho sứ mệnh thiêng
liêng cao quý của chúng. Hoặc là dán lên những cánh thư, hoặc là dán lên những
phong bì đựng bản thảo phụng sự cho văn học.
Nói đến phong bì, lại đẻ ra thêm một
chuyện. Lính làm gì có những phong bì đúng nghĩa. Phong bì, nghĩa là một mảnh
giấy, có khi lem nhem chữ nghĩa, hình vẽ lăng quăng, được gấp lại, dán bằng cơm
nguội một cách lôi thôi. Tuy nhiên, nói đi rồi nói lại, cũng có những khi anh
em ta được một thời phủ phê, giàu có. Nào giấy, nào vở, nào thuốc điếu, thuốc
lào, bánh kẹo, thư từ động viên thăm hỏi của mấy cháu thiếu nhi... Ấy là những
dịp bắt đầu vào mùa chiến dịch, hoặc những dịp lễ lớn ở quê nhà. Nhưng những dịp
đáng yêu như vậy cũng ít oi có thấm vào đâu, và thiếu thốn vẫn hoàn thiếu thốn.
Những trang bản thảo của Quân đã lôi thôi
như vậy về hình thức, nhưng cũng còn dễ chấp nhận được nếu mọi chuyện chỉ dừng
ở đó. Thế nhưng không, bản thảo của anh lại còn mang đủ màu đủ sắc. Mực viết
Bic xanh dương đậm. Mực bơm vào viết máy tim tím, xanh lá mạ non nguyên là
thuốc màu nhuộm vải xin được của dân dạo còn ở Cứ. Rồi có khi là những đoạn ghi
bằng bút chì. Bởi vì một truyện viết ở đây có bao giờ đi một lèo thẳng tắp.
Chúng luôn bị ngắt ngang đột ngột ở một đoạn, một dòng nào đó, vì một ngàn lẻ
một lý do: địch tập kích, hành quân chiến đấu, đi công tác, bị lên cơn sốt...
Và những dòng chữ này còn có khi nhem nhuốc, nhạt nhòa vì thấm nước mưa, đến
không tài nào đọc được. Mỗi khi phải bỏ một trang bản thảo bị sự cố như vậy
lòng Quân đau như muối xát.
Trăm nỗi đoạn trường, trăm điều cay đắng
như vậy đối với từng bản thảo gửi đi – bản thảo duy nhất, không có bản nháp mà
cũng không có bản lưu – thế nhưng những truyện của anh vẫn không được ghé mắt
đến, hoặc cũng có khi chúng được chiếu cố đăng rồi, nhưng Quân không thể biết.
Ở đây, có khi hàng mấy tháng trời chẳng có
gì để đọc. Và những tờ báo, tạp chí rách tươm, nhàu nát kiếm được ở trung đoàn
mang về, thì cũng đã quá lỗi thời, số này số nọ được chăng hay chớ chả có thứ tự gì. Có khi lúc đó là tháng
Mười, tụi Quân kiếm được số của tháng Một, tháng Hai tận hồi năm ngoái. Biết
đâu chúng đã được đăng trong những cuốn mình chưa đọc – Quân tự an ủi, và vẫn
tiếp tục bỏ một phần giấy hiếm hoi của mình để viết, không vì điều gì khác
ngoài một sự thật đơn giản: viết đối với anh là một niềm thôi thúc.
Quân đặt dấu chấm cuối cùng kết thúc câu
chuyện, rồi vươn vai thở phào vô cùng khoan khoái. Nó đã được khởi đầu từ dạo
đơn vị còn nằm ở Cứ chưa hành quân cơ động, nhưng viết giữa chừng thì biết bao
công việc bận rộn để chuẩn bị cho một mùa chiến dịch đã buộc anh phải tạm bỏ
quên nó đi.
Ôi, cái sự viết lách, “văn-nghệ-văn-gừng”
này thật là kỳ lạ! Nó hành hạ người ta, làm người ta quên ăn quên ngủ, làm
người ta đầu óc nóng bừng như muốn nổi điên lên với bao nhiêu câu hỏi: Phải
tiếp tục câu chuyện dở dang như thế nào đây? Phải dùng từ nào để diễn tả những
khoảnh khắc này với bao ý nghĩa? Cây bút này có chịu vâng lời, tuân phục tôi
không? Có run rẩy theo nhịp tim tôi run rẩy, có tuôn trào trên mặt giấy như máu
tôi đang cuộn chảy rạo rực trong người?
Hay là nó cương quyết bướng bỉnh kháng cự lại điều tôi muốn nói? Viết!
Thật là nhẹ nhàng, mà cũng thật là vất vả. Nhưng nó cũng thật diệu kỳ, làm tâm
hồn sung sướng, lâng lâng phơi phới biết bao. Hạnh phúc khi viết rất là giản
dị, nhưng lớn lao không có gì so sánh được, khi có một đoạn, một câu ưng ý, nói
lên đúng những cảm xúc, ý tưởng sâu xa.
Quân quay qua Ụ Mối. Nó đang cặm cụi vót
những nan tre tròn trĩnh, nhỏ xíu để đan một chiếc lồng cho con sáo cưng của
mình. Quả là Ụ Mối rất cưng con sáo. Rừng tre gai cách đây đâu phải gần gì,
mười mấy cây đường rừng. Thật ra, con Chíp không ưa gì những chiếc lồng. Nhưng
khi hành quân di chuyển, Ụ Mối buộc phải nhốt nó vào lồng. Nếu không, khi dừng
lại nghỉ giải lao, con quỷ hiếu kỳ ham chơi này có thể mải mê săn đuổi, tán
tỉnh một nàng sáo xinh xinh nào đó, và không kịp trở về khi đơn vị tiếp tục
hành quân. Chiếc lồng cũ đã bị bẹp rúm lại khi Ụ Mối lăn mấy vòng để tránh một
làn đạn xối xả của địch khi đánh vào cửa mở ở Ampil hồi đầu năm. Ụ Mối tiếc
muốn đứt ruột, nó cứ lầm bầm nguyền rủa
bọn địch ác ôn đã làm hư chiếc lồng quý báu, sườn lồng không phải làm bằng thứ tre
tầm thường mà là những thanh gỗ gõ đỏ đã được nó trau chuốt công phu, cạo vuốt
bóng loáng. Dù sao, Ụ Mối ắt cũng mừng thầm là con Chíp vẫn bình an vô sự.
Hồi chuẩn bị đi, Quân đã ngăn không Ụ Mối
mang theo con Chíp. Nhưng nó cũng lén lút bằng cách nào đó xách theo vì không
muốn xa con chim cưng lâu như vậy.
Quân hỏi:
- Già Hương và thằng Thuận đi đâu mất rồi
Ụ Mối?
Ụ Mối không ngẩng đầu lên, làu bàu nói:
- Hai bọn hắn đi kiếm gì về làm thức ăn
rồi. Em đòi đi, ông già không cho, còn bảo em "xúi quẩy" lắm, đi theo
chỉ tổ trù ẻo cho xui thêm. Anh thấy có bực không! Hừ, hồi còn ở
Tà Cuông, ai đi chém cá, săn dôc về cho trung đội? Ai là tay săn thiện
nghệ nhất của tiểu đoàn ngoài Ụ Mối này?
Quân an ủi Ụ Mối:
- Thôi mày đừng buồn. Ở đây đâu có cá hay
có thú cho mày săn bắt. Mà ông già dị đoan cũng phải, ổng là dân xứ đạo An
Giang mà. Tại mấy lần trước, có mày đi cùng, rạc cả giò nhưng có kiếm được cái
quái gì đâu. Thật ra ở đây chỉ có nước kiếm chút lá rừng chua về nấu canh, đâu
cần gì đi đông. Ông già muốn để mày rảnh rỗi làm cái lồng đó thôi, chứ không phải chê gì mày đâu, Ụ Mối à.
- Phải chi trời nắng, em xách xẻng ra một
loáng là có khối dông về nướng.
Ụ Mối là biệt danh trung đội dành cho nó,
chứ họ tên đầy đủ của nó cũng văn hoa lắm: Phan Quang Dũng. Lý do của cái biệt danh
này là vì tự nhiên đã bố trí gương mặt quá tuổi dậy thì của Dũng một cách vô
cùng quân sự, mang tính phòng ngự cao độ - nghĩa là lỗ chỗ, lồi lõm những mụn
nhỏ, mụt to và sẹo mụn, hệt như một cái ụ mối thứ thượng hảo hạng. Mà ở chiến
trường này, có gì quý báu cho bằng một cái ụ mối hiện ra đâu đó khi đang đánh
nhau long trời lở đất. Ụ mối là một công sự thiên nhiên vững chắc, an toàn hơn
hết. Vậy nên cái biệt danh này không phải là một sự coi thường, mà trái lại, là
một niềm vinh hạnh cho người mang nó. Ụ Mối cũng thừa hiểu điều này, nên nó tỏ
ra khoái trá vô cùng.
Quê Ụ Mối là một huyện miền núi tỉnh Nghệ
Tĩnh, nên nó đánh bắt thú rừng rất giỏi. Những đêm nằm nhớ nhà, Ụ Mối cứ kể cho
tụi Quân nghe về những chuyến đi săn tuyệt thú của nó. Cái giọng trọ trẹ, khó
nghe của Ụ Mối hồi mới về đơn vị chả có ai nghe ra nổi, nhưng sau rồi cũng quen
dần. Ở đây, tụi Quân gọi mấy đứa quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh là con nhà “Bọ”. Bọ
nghĩa là bố. Dân Nghệ Tĩnh có lắm thổ ngữ, nên cũng tạo ra nhiều giai thoại vui
đáo để. Ví dụ như dưới đây là một trong số đó:
Trung đội vừa nhận được mấy thằng Bọ tân
binh,về tới nhà, A trưởng nói:
- Thôi, tụi bây theo thằng A. ra giếng tắm
rửa đi rồi về ăn cơm.
Tắm táp xong, mấy chàng lính mới quay về.
Bữa cơm đã được dọn lên, tinh tươm hơn ngày thường chút đỉnh để chào mừng đồng
đội mới. Mấy tay cũ ngồi quây quần lại bên mâm, bỗng ngạc nhiên khi thấy tụi
tân binh vẫn đứng lóng nga lóng ngóng.
- Nè, ngồi xuống ăn cơm đi chứ, tụi bây
còn mắc cở gì nữa vậy? – A trưởng nói.
Mấy đứa khép nép ngồi, còn một thằng vẫn
đứng lơ láo.
- Ngồi xuống ăn đi chứ mậy, chờ gì
nữa?
- Dạ dạ... em không có đọi!
- Không đói thì cũng ăn thêm một hai chén
cho vui.
- Ơ, em không có đọi...!
- Thôi không đói thì thôi. Lính mà, thấy
ăn là cứ nhào vô, không chờ mời mọc nhiều lời, chừng nào đói mầy qua nhà bếp mà
ăn nghe.
Tên lính mới nhìn mấy đứa đồng hương, rồi nhìn mấy cái miệng đang
nhai nuốt ngồm ngoàm mà nuốt nước bọt, vừa đói vừa tức mình, vừa sợ sệt không
dám nói gì.
“Đọi” thổ ngữ Nghệ Tĩnh có nghĩa là chén.
Nó đã làm rớt cái chén B52 đâu đó trên đường. Thế nhưng do cái giọng địa
phương, dấu sắc thành dấu nặng, mà cánh lính miền Nam cứ nghĩ là nó nói không có đói!
Đến khi, một thằng đồng hương ních hết chén cơm cuối cùng, đưa cho thằng này.
Nó chạy ra bồn nước trước nhà ngoáy mấy cái rồi nhào vào, bới cơm, ăn hùng hục
như đói từ ba đời ba kiếp nào trước những cặp mắt ngạc nhiên. A trưởng hỏi:
- Ủa, sao mày nói không đói mà bây giờ ăn
thấy kinh vậy?
Một thằng ngập ngừng giải thích, nó chỉ
cái chén nói:
- Nó không có đọi, tức là không có cái
này.
Cả A ôm bụng cười nghiêng ngửa. A trưởng
vừa cười sùng sục, vừa cố thốt:
- Điệu này, tao phải lập một bản tự điển
giải thích mấy từ độc đáo của tụi bây rồi.
Dĩ nhiên đây chỉ là giai thoại. Có lẽ nó
ra đời từ những ngày chống Mỹ, hay trước đó nữa cũng nên. Nhưng những giai
thoại như vậy vẫn hay được nhắc đến để trêu ghẹo những chàng lính “quê choa”.
Quân nhớ tới mấy giai thoại đó và bỗng bật
cười hăng hắc. Ụ Mối ngạc nhiên nhìn anh:
- Anh làm gì mà khi không cười một mình vậy?
- Không có gì, tao nhớ mấy chuyện cũ.
Ụ Mối cúi xuống, tiếp tục vót nan. Anh
ngâm nga ư ử trong cổ mấy câu dân ca xứ
Nghệ:
“Đã thương thì thương cho trót. Đã trục
trặc thì trục trặc cho luôn. Chứ đừng như
con thỏ ở đầu truông. Khi vui nó giỡn bóng khi buồn nó đùa trăng...”
Quân bước tới góc lều, nơi balô của anh
treo trên một cây cột chừa một nhánh chạc hai - một kiểu móc quần áo ba lô đặc
trưng “mô-đen-dã-chiến” của cánh lính nhà ta. Anh lấy ba lô xuống, moi cái bọc
nylon đựng sổ sách giấy tờ ra, nhét cẩn thận mấy trang bản thảo vào, rồi gói
ghém lại, treo lên. Anh chép miệng:
- Thèm thuốc quá, giờ mà được rít mấy hơi
thì còn hơn lên thượng giới uống rượu quỳnh tương của Ngọc Hoàng Thượng Đế!
Lều có tổng cộng bốn chạc hai treo ba lô,
nghĩa là có bốn người: Quân, Ụ Mối, Già Hương và Thuận kều. Ở trung đội, Già
Hương, trung đội phó hậu cần, là người lớn tuổi nhất – hai mươi chín. Kế đó là
Quân – hai mươi bảy. Còn lại thì sồn sồn
một lứa từ đứa nhỏ nhất là mười chín, đến đứa lớn nhất khoảng hăm mốt, hăm hai. Trung đội có bốn
lều, tức là có quân số mười sáu tay súng bộ binh. Quân số thực là hai mươi lăm,
nhưng vắng hết bảy người: Ba tay đang lên cơn sốt nặng hồi sắp hành quân cơ
động ở lại giữ Cứ, thứ tư là Trung – A trưởng đã hy sinh trong đợt đánh Ampil
vừa qua, thêm hai tay bị thương đang nằm viện ở Chúp, và cuối cùng là Phương, B
trưởng, đã đào ngũ sau trận đánh chiếm Ampil.
Tạm thời thì Quân nắm quyền chỉ huy trung
đội 12 ly bảy. Thật ra, anh đã là B phó quyền B trưởng từ năm 1982, nhưng đầu
1983, Phương học quân chính ở Sư về,
thay thế anh chỉ huy B. Một con người cơ hội, đầy thủ đoạn, ham hố trèo thật
nhanh thật cao trong nấc thang cấp chức, nhưng không bằng năng lực mà bằng mọi
mánh khóe.
Nói cho công bằng, Phương cũng là người có
tài năng trong việc vạch ra các kế hoạch, phương án huấn luyện hay tác chiến,
hay trong phân công công tác. Nhưng Phương là dạng người mồm mép đỡ tay chân, y
lại chưa từng qua chiến đấu bao nhiêu, vừa sang K. đánh một hai trận lẻ tẻ đã
xin đi học sĩ quan sơ cấp, rồi khi ra
trường về đơn vị chưa bao lâu lại gặp ngay đợt chiến dịch lớn nhất, căng nhất
trong suốt bốn năm qua. Y bỏ trốn, có khi là điều hay. Một chỉ huy hèn nhát có thể
làm anh em đổ máu, hy sinh một cách vô ích và phi lý.
Quân từng có kinh nghiệm xương máu về vấn
đề này. Đó là một trận đánh vào cuối mùa khô năm 1981 ở phía Đông huyện Svai
Chek. Lúc đó, anh còn là xạ thủ B40 của đại đội 12.
Khi ấy, đại đội đang trên đường về Cứ sau
một đợt truy quét mười ngày. Gạo hết, nước hết, nhưng đơn vị chỉ còn cách Cứ
khoảng năm cây số, nghĩa là chưa tới một giờ hành quân. Mùa nắng ở Campuchia,
cái cần yếu nhất chính là nước uống, vì có khi đơn vị đi hàng chục cây số băng
qua những cánh trảng mênh mông của Batdomboong. Trên đầu là mặt trời đỏ rực
bừng bừng, dưới chân là lớp đất ruộng khô nẻ săn cứng lại như bê tông, lỏi chỏi
những gốc rạ đốt cháy nham nhở còn sót lại. Những con suối, con mương dẫn nước
đều chỉ chảy có một mùa – mùa mưa, còn mùa nắng, chúng chỉ là những đường rãnh
thấp ngoằn ngoèo, trơ trọi lớp bùn khô. Và trên suốt hàng mấy chục cây số hành
quân đó, thỉnh thoảng mới có một cây độc mộc đứng lẻ loi, hoặc một lùm cây lè
tè khô héo, không đủ che mát một mái đầu. Hành quân mang vác nặng, mồ hôi ra
nhiều nên cũng cần nước để bù đắp lại cho cơ thể. Những tay lính cũ cẩn trọng
lúc nào hành quân chiến đấu cũng thủ sẵn một bình toong chí cốt trong ba lô,
chỉ khi chết sống mới dùng đến.
Nhưng lần ấy, C đã về gần đến Cứ, và ở
chặng giải lao cuối cùng trước đó, mọi người, dù là người lo xa nhất, cũng đều
dốc hết nước vào bụng cho đã thèm. Người không uống mấy thì cũng nhường chỗ
nước còn lại của mình cho mấy đứa trẻ hơn, đã hết nước từ đời nảo đời nao. Khi
sắp đến một con suối một mùa lớn giữa trảng, chợt đại đội bị phục kích bất ngờ.
Khoảng hơn tám mươi tay súng địch đã phục sẵn dưới lòng suối, ở một khúc vòng
cung hiểm trở. Đại đội nhanh chóng tản ra phản kích. Nhưng ai cũng vừa mệt, vừa
đói, lại khổ nhất là khát khô cả cổ, mà cuộc đọ súng cứ giằng co. Địch đã chuẩn
bị tinh thần, vật chất đầy đủ để kềm chân hòng tiêu diệt đơn vị của ta theo
chiến thuật dĩ dật đãi lao. Và chúng quyết không để cho tụi anh thoát khỏi gọng
kềm. C trưởng khi ấy là Vụ, người Thanh Hóa, rất vui tính nhưng cũng đánh nhau
rất cừ. Anh vẫn thản nhiên, bình tĩnh xếp đặt kế hoạch rút lui, sau đó anh cho
liên lạc bò lên từng bộ phận triển khai kế hoạch. C sẽ cầm cự đến chiều, chờ
khi mặt trời sụp xuống. Khi ấy lợi dụng bóng đêm sẽ từ từ rút. Hỏa lực gồm khẩu
cối sáu và khẩu đại liên sẽ rút ra trước đến vị trí an toàn rồi phát hỏa kềm
chế cho số còn lại rút ra. Trung đội 4 rút sau cùng theo đội hình tổ tam tam.
Kế hoạch lẽ ra đã tiến hành hoàn hảo, nếu không có sự hèn nhát của Dung B trưởng B5. Thay vì chờ phối
hợp rút một cách bình tĩnh, thong thả, an toàn, anh quá sợ sẽ bị cầm chân, và
chết khát nếu không thoát được, nên khi liên lạc vừa mới kịp phổ biến kế hoạch
cho các A trực thuộc và B4, Dung đã ra lệnh cho B5 liều mạng tháo chạy về hướng
Tây, hướng có Cứ của tiểu đoàn hai, không chờ lệnh của C trưởng Vụ. Số lính B5
mở đường máu thoát ra khỏi tầm hỏa lực địch hôm đó chỉ còn vỏn vẹn hơn một phần
ba. Hai phần ba chết hoặc bị thương nặng, mất máu quá nhiều, nên sau đó cũng
chết khi có chi viện của D2 tới.
Lần bị vây hãm ấy đã ăn sâu vào ký ức Quân
như một vết hằn, vì trong số lính hy sinh có Khoa, có Đạt, là những bạn vô cùng
thân thiết của anh.
Từ ngoài căn lều, cách khoảng hơn trăm
mét, chợt nghe thấy tiếng kêu réo ơi ới của Thuận kều:
- Anh Quân ơi, Ụ Mối ơi, qua nhà bếp mau
đi... Có đồ nhậu rồi.
Ụ Mối ló đầu ra, nghiêng ngó, rồi thụt vô
bảo Quân:
- Em thấy thằng Thuận xách con gì như con vịt ấy, anh
Quân ạ!
- Vậy hả, chắc hai tay này ra hồ bắn được vịt trời
rồi.
Ụ Mối lầm bầm:
- Cái hồ chết tiệt này đúng là vô duyên vô
dụng, em nỏ bao giờ thấy có chim cò gì, cá thì nhỏ chút bằng ngón út, đầy
xương, mà cũng nỏ được bao nhiêu.
Quân cười xòa:
- Thôi, tại mày chưa gặp dịp đó. Chứ Già Hương hay thằng Thuận làm gì bá phát bá
trúng như mày. Mày biết tại sao hồ không có cá, mà cũng không có chim chóc gì
không? Tụi Trung đoàn tám ở đây cứ đánh trái hà rầm, cá to nào còn với tụi nó.
Với lại vừa rồi mình đánh chiếm Ampil, đạn pháo ầm ầm, chim cò mất hồn mất vía
trốn sạch hết rồi. Con vịt trời này chắc là loại thương phế binh hạng nặng nên
mới còn lề mề ở lại đây chờ vô nồi đó Ụ Mối ơi.
Quân và Ụ Mối bước vào nhà bếp. Mọi người
đã quân quần ngồi bên những bát nước nóng bốc khói. Bình và Phái điển đang loay
hoay nhổ lông con vịt. Thuận kều quay sang Quân, nói với vẻ quan trọng:
- Anh Quân, lúc nãy về ngang qua Tiểu đoàn
bộ, em gặp thằng Kiên liên lạc. Nó báo cho em một chuyện. Anh biết gì không? – Thuận
ngưng lại, ỡm ờ.
- Thì mày cứ nói đi! Mày lúc nào cũng làm
ra vẻ quan trọng những chuyện nhỏ như cái móng tay – Tiến cóc bực mình quát
Thuận.
- B
mình sắp có thêm một tay súng, tay này nghe nói học hạ sĩ quan ở bên nước mới
qua. Chắc hắn về đây thay cho anh Trung đó.
-
Vậy à! – Quân bình thản nói. Anh là người trầm tĩnh, kín đáo, vui buồn ít khi
lộ ra mặt. Thật ra, cái tin này cũng làm anh rất nôn nao như hầu hết mọi người
khác. Ở chiến trường, có thêm được một
người là rất quí, vì quân số luôn luôn
bị hao hụt, mất mát do bị thương, bị bệnh. Có thêm một người là bớt đi một phần
gánh nặng trong công tác, chiến đấu, và thêm một niềm vui. Chỉ mong sao nó
không phải là một thằng Phương thứ hai – Quân
thầm mong ước, anh nhìn con vịt, hỏi Già Hương :
- Anh hay Thuận bắn được vậy? Con này coi bộ
cũng cỡ tám chục tuổi rồi! Tha hồ mà nhai đó nghe!
- Tao bắn. Kể cũng buồn cười. Đi mãi mà chẳng
thấy thứ gì ăn được, tao nản quá chừng, đã tính quay về. Thằng Thuận cứ nằn nì
bảo tao lên hồ họa may kiếm chác được gì. Thế rồi, lên đó, thấy con vịt này
đang lặc lừ trên bờ hồ. Nó bị thương ở
cánh, bay không nổi. Chắc là bị ai bắn hay trúng mảnh pháo lúc đánh nhau.
- Em bảo Già Hương ráng bắt
sống nó để về lấy tiết đánh tiết canh mà ổng không nghe. Ổng sợ bị sẩy mất uổng nên tỉa luôn. Chà! Nhắc tới
tiết canh mà phát thèm. Phải chi có gừng, cháo vịt chan nước mắm gừng, trời mưa
này ăn đúng là nhức nhối!
Mọi người im lặng. Mưa lại bắt đầu rơi tí tách bên
ngoài. Câu ước ao của Thuận chợt gợi lên một nỗi nhớ không tên về quê hương. Nỗi nhớ thơm mùi cốm dẹp mùa lúa
mới, thơm mùi thịt chuột đồng khìa xả ớt mùa nước nổi, thơm mùi khói rạ đốt
đồng những buổi chiều vàng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét