Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Mùa xa nhà - Chương I






Kính tặng những đồng đội Trung đoàn 4,
Sư đoàn 5, MT 479 và những người
dân Khmer yêu dấu của tôi






PHẦN MỘT

__________________

 

CHƯƠNG 1



Những ngày cận Tết ở rừng trôi qua chậm chạp. Buổi sáng kéo dài. Buổi trưa lê thê. Buổi chiều đến uể oải, đi dùng dằng. Và đêm như không bao giờ hết.
Rừng thật vắng và yên tĩnh, ra khỏi khu vực đơn vị dừng chân tập kết vài trăm mét, chỉ còn tiếng gió âm u. Ngự trị toàn bộ không gian là lặng im tuyệt đối. Chỉ đôi khi, tiếng AK điểm xạ hai vọng về từ đâu đó rất xa. Mùa xuân, nhưng cánh rừng quá lặng lẽ buồn rầu. Dường như  những chồi non vẫn còn thiếp ngủ đâu đó trong những nách lá già nua. Dường như chim chóc đã rủ nhau đi chơi xa đâu đó chưa về kịp. Những thân cổ thụ nâu sẫm, xanh mốc rêu, xam xám… kiên nhẫn khoác lớp áo lá úa vàng không sinh khí. Chúng đứng kề bên nhau trong lặng lẽ. Thỉnh thoảng, ở cây này, cây khác, một cành khô chết từ lâu chợt răng rắc vặn người rồi tức tưởi lìa thân trong cơn gió xoáy. Những cành lá trên tầng cao của rừng chợt lao xao một lúc, như  thể cất tiếng thở than tiễn biệt một người bạn mới qua đời.
Đôi khi, trong đêm khuya, chợt một hồi sấm rền rền vọng lại, mưa đã rơi ở đâu đó xa xôi, một cơn mưa giông trái mùa thỉnh thoảng xuất hiện trong những khu rừng nhiệt đới. Ban ngày, không khí oi nồng và khô hạn, cả những cơn gió cũng nóng rãy như hơi nước tỏa ra từ một nồi nước sôi khổng lồ. Chập tối trở đi, nhiệt độ giảm dần. Rồi từ khoảng chín giờ đêm cho tới sáng, cái lạnh đột ngột ùa đến – một cái lạnh tê buốt đến xương. Thời tiết ở đây thay đổi bất thường, nghiệt ngã.  Xuân ấm áp, khoan hòa và dịu dàng chưa đến. Nhưng dường như vẫn có một cái gì không rõ đang âm thầm cựa quậy, đang rạo rực chuyển mình trong từng tảng đá, thân cây, hay bên dưới lòng đất ấm. Dường như mọi sự vật đang chuẩn bị  để chờ ngày ùa ra, nở rộ, khoe bày sức sống, cất lên tiếng hát không lời bất khuất, ngợi ca cuộc sống tươi đẹp vĩnh hằng. 
Đại đội  dựng lều dã chiến rải rác ở một góc khu rừng. Những chiếc lều làm cho  bức tranh phong cảnh buồn thiu tẻ nhạt nơi đây chợt có một chút gì ngộ nghĩnh, vui vui. Chúng như  những nét cọ ngẫu hứng, phá tung bố cục đơn điệu của những cụm cây xanh lướt buồn rầu và bãi cỏ vàng khô cháy. Lều, hay nói đúng hơn chỉ là những cái chòi nhỏ, được dựng rất giản dị xuề xòa. Cột lều là bốn thân cây rừng cỡ bắp tay, hai dài hai ngắn, tạo thành một mái xuôi. Bốn phía lều trống trơn. Mái lều là mấy tấm tăng ghép nối nằm bên dưới, bên trên phủ những cành lá, những túm cỏ tranh. Nhìn xa, trông chúng như  những chiếc nhà chòi của trẻ con làng quê dựng lên để chơi trò bán mua, cưới hỏi... Đôi khi, vài con sẻ rừng lông xám hiếm hoi rong ruổi lang thang qua góc rừng, chợt sững lại ngạc nhiên, tròn xoe đôi mắt. Chúng đậu trên một cành cây rậm rạp, nép thân người sau đám lá um tùm và kêu lên chí chóe. Như thể chúng hỏi han nhau: “Dưới kia, ở giữa đám cỏ tranh vừa xuất hiện cái gì lạ thế?" Chúng xôn xao bàn tán, âu lo không biết giống chim khổng lồ quái dị nào đã tới đây xây những cái tổ kỳ khôi và xấu xí thế kia. Rồi cuối cùng, sau một tràng tiếng kêu rít cao hốt hoảng, chúng bay vù mất, bỏ lại những chiếc lá đung đưa rất khẽ vì  giận dỗi và luyến tiếc những người bạn sao quá đỗi vội vàng.
Những túp lều của Trung đội hai nằm dưới một khóm ba gốc dầu già cỗi mọc gần nhau. Khi gió nổi lên, hoa dầu lại từ trên cao xoay xoay bay xuống, rắc đầy trên lớp cỏ úa vàng những đôi cánh chuồn nâu. Huy ngồi phía ngoài lều, hý hoáy ghi chép. Lâu lâu, một cánh hoa dầu lại tình cờ đáp xuống vai anh.
Chí phèo, trung đội phó, ngồi cách đấy không xa, đang mài dao trên một phiến đá hình bán nguyệt. Chí liếc nhát  cuối cùng qua phiến đá, đưa ngón tay trỏ gạy khẽ lưỡi dao, gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Anh cất tiếng bâng quơ:
- Vậy là sắp tới cái tết xa nhà lần thứ bốn... Mẹ kiếp! Tết với nhất gì ở cái rừng khô này!
Huy ngẩng đầu nhìn Chí phèo. Câu nói của Chí làm anh chợt nao nao. Ngày mai đã là Tết rồi. Huy đưa mắt lướt qua những khóm cây mọc lưa thưa, qua trảng cỏ trống, hướng tới cụm rừng dày  âm u  xanh thẫm phía xa. Chẳng có gì  báo hiệu cho mùa xuân cả!  Mùa xuân ắt là đã lạc đường không tới được nơi đây.
Dạo mới sang, Huy đã từ trạm chỉ huy tiền phương của mặt trận đi thẳng lên tuyến trước theo ngõ Sàm-rông, băng qua một cánh rừng nằm chếch hướng Tây, cách Sàm-rông chừng một buổi hành quân. Quanh bìa rừng mọc đầy những cội mai núi già cỗi, bấy giờ trời lại đang vào tiết lập xuân, hoa mai bừng nở chi chít trên cành, vàng rực lên trong nắng. Màu vàng hoa mai lúc nào cũng nhắc những người con đi xa nhớ những ngày cận tết ở quê hương.
Huy nhét cây viết vào túi áo, ngồi ngẩn người, trong đầu anh một chuỗi ý nghĩ, hình ảnh lướt nhanh qua.
Mùa này, trong những khu vườn ngoại ô, mai đã được bứng lên cho vào chậu, được tỉa tót, uốn sửa lại và chở vào bày bán trên những vỉa hè hay khu chợ trung tâm thành phố. Chợ tết chắc cũng đang vào lúc tưng bừng, nhộn nhịp, với đủ hoa trái, sắc màu.
Nào những bông cúc đại đóa trắng, vàng, tim tím, xanh lơ  nằm chen vai bên thược dược đỏ, hồng. Nào những đoá hồng kiêu sa rung rinh trong nắng sớm kề bên những cụm vạn thọ bình dị, thân quen; và hoa đào đỏ thắm; và mẫu đơn, lay-ơn muôn sắc muôn màu; và huệ trắng, huệ lam... Có đến trăm loài hoa đua nhau khoe sắc khoe hương. Rồi còn bao nhiêu là bánh mứt, bao nhiêu là thứ trái cây đua nhau phô vẻ hấp dẫn, ngon lành...
Ôi, quê nhà! Nhớ làm sao những con đường, những khu chợ hoa chợ tết tràn ngập người qua kẻ lại, hội tụ biết bao nhiêu nàng thiếu nữ  mắt sáng môi hồng, đẹp như tranh vẽ; những ngọn gió đầu xuân nhẹ vờn trên tà áo mỏng, trên những lá non, lộc biếc lao xao; hương thơm của muôn hoa, hương vị ngọt ngào của trái cây, bánh mứt, hương tóc của một ai đó vừa đi qua thoảng lại.
Nhớ làm sao Sài Gòn những ngày cuối năm náo nức rộn ràng; những con người quen lạ với mắt  sáng môi cười ánh lên niềm vui, hy vọng vào một năm mới nhiều may mắn, phúc lành hơn...
Hôm qua, Huy đã đi ngược xuống hướng đông mấy cây số, mong tìm được một cành mai mang về mừng đón giao thừa. Anh đi mãi, lùng đỏ mắt, nhưng chỉ thấy có mỗi màu vàng héo úa của lá khô. Rừng phía trên này không có mai, thật  lạ, rừng mai mà anh đã đi qua chỉ cách đây khoảng ba mươi cây số. Huy tự nhủ: Chả lẽ bây giờ cuốc bộ sáu mươi cây cả đi lẫn về chỉ để kiếm một cành hoa? Vả lại, đại đội trưởng Thái đã có lệnh không được đi xa nơi tập kết quá năm cây. Cuối cùng, Huy đành phải quay về, thất vọng. Anh nghĩ, không có hoa, không có làn khói mỏng manh, thoang thoảng mùi thơm của những nén nhang thắp lên, không  khí của giây phút chuyển tiếp từ năm cũ sang năm mới sẽ kém phần ấm áp, thiêng liêng. Nhưng biết làm sao, lính mà, lại ở tận trong rừng, đang trong thời điểm chuẩn bị cho đợt hành quân cơ động mới, đành phải chấp nhận những cái đang có mà thôi.
Tuy nhiên, đêm giao thừa này, đêm giao thừa đầu tiên xa nhà của Huy, cũng hứa hẹn những điều cực kỳ hấp dẫn. Toàn trung  đoàn đều có rượu, không biết mấy tay lính cũ đã xoay xở cách nào hay vậy! Tiểu đội nào cũng có ít nhất là một can vàng bốn lít. Đêm nay, Huy sẽ được thưởng thức cái thú vui đầy nam tính, hào sảng như những vị anh hùng hảo hán trong truyện Tàu xưa, sẽ được hai tay bưng cái bát B52[1] đưa lên miệng, ngửa cổ uống một hơi dài, để rồi nghe người mình lâng lâng, ngây ngất.
Huy chưa từng uống rượu. Anh chỉ nghe nói về cái cảm giác kỳ lạ do nó gây ra, và thấy cũng hay hay. Đêm nay, đêm nay mình sẽ như người xưa, vừa bưng bát rượu, vừa đọc bài thơ bi tráng, hào hùng của Vương Hàn:
   Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
             Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
            Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

            Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi


            (Tạm dịch:
Rượu đào chung ngọc dạ quang
Chưa vơi đã rộn tiếng đàn xuất quân
Say lăn lóc giữa sa trường
Bạn đừng cất tiếng cười khan lắc đầu
Xưa nay ra chốn binh đao
Mấy ai biết được ngày sau có về)

Lại còn có một cái khác, vô cùng thú vị, mà toàn bộ các tay súng của ba tiểu đoàn bộ binh và các đơn vị trực thuộc trung đoàn đã bí mật giao kết với nhau: đốt pháo hoa đón giao thừa. Pháo hoa ở đây, nơi trận địa này, sẽ được tạo ra bởi các loại đạn lửa khác nhau. Đạn lửa sẽ đan kết thành những bông hoa trên bầu trời chiến địa. Và những người lính sẽ không còn cảm giác xa cách quê hương. Đạn tiểu liên, đạn đại liên K.57, 12.7  là những tràng pháo chuột, pháo trung, và đạn cối 60, cối 82... sẽ là những tiếng pháo đại điểm nhịp cực kỳ ấn tượng! Đây là một sự vụ khá là nghiêm trọng, vì quân lệnh nghiêm cấm bắn súng bừa bãi. Nhưng vừa rồi đánh chiếm Ampil, quân ta thu được rất nhiều đạn dược các thứ. Lính chiến mà, đôi khi cũng phải chơi cho ra trò như  vậy chứ.
Đại đội tải của trung đoàn có quân số tổng cộng lên đến xấp xỉ sáu mươi người. Con số này lớn hơn nhiều so với thực lực của các đại đội chiến đấu, nhất là đang trong mùa chiến dịch. Một phần vì quân số của nó ít biến động. Thêm nữa, đại đội đã được bổ sung quân số hồi cuối năm để đảm bảo thực hiện thật tốt công tác tải đạn cáng thương phục vụ cho các đơn vị trực tiếp tác chiến.
Hôm mới về trung đoàn nhận nhiệm vụ, Huy đã được phân công về đại đội này. Đại đội trưởng Thái vui vẻ tiếp nhận Huy. Anh tạm thời bổ nhiệm Huy làm tiểu đội phó tiểu đội ba, trung đội hai. Anh cũng nói sơ qua về nhiệm vụ vai trò của đại đội trước nét mặt ỉu xìu thất vọng của Huy. Huy chán nản khi biết mình không về một đơn vị trực tiếp chiến đấu, mà là đơn vị phục vụ, trong một trận đánh lớn lao như vậy. Trên đường sang đây, lúc nằm ở quân trạm thị xã Batđomboong, Huy gặp một sĩ  quan người Thanh Hóa đi phép ngược về. Khi nghe Huy nói sẽ về Sư đoàn X, anh bảo đây là một sư đoàn đã hai lần được phong anh hùng, anh cũng nói thêm: “Về đó khá là vất đấy! Tôi từng ở dưới bộ binh tiểu đoàn của sư đó mấy năm…” Huy đã hình dung ra những trận đánh vô cùng kịch liệt hào hùng, tương tự như trong những bộ phim lịch sử nổi tiếng anh từng xem ngày trước. Những trận đánh kinh thiên động địa, đầy máu và hoa, đầy tính anh hùng ca lãng mạn. Huy tưởng tượng, gần như ao ước, mình sẽ lập được một chiến công gì đó, nho nhỏ thôi, và cũng sẽ bị thương qua quýt gì đó, bị thương nhưng vừa phải thôi, đừng mất đứt một chân hay một tay, một mắt… để sau này về còn có vài cái sẹo làm kỷ niệm! Vậy mà bây giờ… Thái đoán được ngay những ý nghĩ của Huy, anh động viên:
- Cậu đừng tưởng đây là công việc nhẹ nhàng đơn giản. Nó cũng khá căng, vất vả và nguy hiểm đấy, và cũng là một công tác vô cùng quan trọng cần thiết. Nếu không có chúng ta, các đơn vị lấy đâu ra đạn dược để chiến đấu, ai là người chuyển các thương binh, tử sĩ về tuyến sau? Thực tình thì nó cũng hơi buồn tẻ hơn là trực tiếp cầm súng, nhưng là lính, chúng ta phải hiểu dù ở bất cứ cương vị, chỗ đứng nào, thì cái đánh giá chúng ta là tinh thần công tác, chứ không phải là hình thức. Với lại, cậu vừa mới sang đây, chưa có kinh nghiệm gì, chưa quen với điều kiện chiến trường, nên trên mới đưa cậu về đây để thử thách, làm quen. Cậu cứ yên chí, sớm muộn gì, cậu cũng sẽ về đơn vị chiến đấu. Lúc đó chỉ sợ cậu lại không đủ can đảm, ý chí mà đứng vững thôi!
Thế là Huy vác ba lô về trung đội hai. Và đã nếm trải trận đánh đầu tiên của đời lính ở đại đội này.
***
Ở lều bên cạnh, Trường, trung đội trưởng, vừa lên xong kế hoạch cho ba ngày Tết. Anh đã sắp xếp, phân bố lại toàn bộ các thức ăn hiện có: vài chục lon cá hộp Thái trung đoàn cấp lại sau khi thu được ở Ampil, thịt heo đóng hộp của ta, khô cá lóc bông, ruốc cá, bánh kẹo, thuốc lá hậu phương gửi sang... để mỗi ngày Tết đều vừa đủ thức ăn thết đãi khách khứa, đồng hương, vừa dành lại một phần nhỏ cho những ngày sau đó. Anh bước ra khỏi lều, cất tiếng gọi Nhu, anh nuôi trung đội, đang ngồi nhặt thóc phía bên kia lại, giao cho Nhu tờ giấy anh đã liệt kê chi tiết. Chí phèo gọi giật Nhu tới, cầm lấy tờ giấy đọc qua, rồi nói như quát với Trường:
- Sao mày lo xa thế. Lính là phải chơi xả láng, hết mình, chơi cho đã rồi mai có chết cũng không còn phải tiếc gì! Thằng Nhu đừng có nghe nó, cứ việc đem ra nấu hết trong ba ngày Tết cho tao!
Nhu nhìn Trường, rồi lại nhìn Chí phèo, không biết phải nghe ai. Anh nghĩ bụng, có phần thiên về phía Chí phèo: “Ông nào cũng có lý. Thôi cứ tới ngày nào tính ngày đó, hơi đâu mà nghĩ  ngợi cho lắm.”
Chí phèo càu nhàu thêm vài câu, rồi gọi to:
- Mấy thằng được phân công lấy củi hôm qua đâu, theo tao!
Theo hội ý hôm qua, bữa nay tới phiên Hòa, Huy, Phước, Danh đi lấy củi để đốt lửa trại đón giao thừa. Mọi người lấy dao rựa rồi tập họp lại trước cửa lều. Chí phèo lại hét:
- Lên đường!
Trường nhìn theo cười khẽ, không có vẻ gì bực tức. Trường đã quá hiểu Chí phèo, ngay cái biệt danh cũng đã nói lên tính cách của anh. Chí phèo nói đó rồi quên đó, ruột để ngoài da, cứ hùng hổ làm như sắp nhảy xổ vào người khác vậy chứ thật ra lại rất đa sầu đa cảm và tốt bụng.
Dạo mới về Phnom S’rok, có một lần Trường và Chí phèo đi xắn măng rừng, chợt Trường bị một viên đạn mồ côi ở đâu rơi xuống xuyên qua bắp chân trái. Vết thương chỉ ở phần mềm, không nguy hiểm, nhưng máu ra khá nhiều. Chí cuống quýt bứt vội mấy cọng dây rừng quanh đó, rồi móc cái khăn tay của người yêu tặng ra, đè lên vết đạn băng bó lại cho anh. Cái khăn này Chí phèo rất quý, chỉ cất trong túi áo chứ không khi nào đem ra lau mặt. Nhưng cái khăn quá mỏng, máu vẫn ứa ra đẫm ướt  ống quần. Lúc đó hai người cách trại khoảng ba cây số, Chí phèo dìu anh đi một đoạn khoảng hai trăm mét, rồi thấy máu cứ rỉ ra, Chí nói: “Thôi để tao cõng mày. Mày đi, động vết thương mất máu nhiều nguy lắm.” Rồi Chí xốc anh lên vai, hì hụi cõng anh từ đó về đơn vị.
Một lần khác, Phước lên cơn sốt ác tính, người cứ co giật thấy thương quá chừng, Chí vừa nằm ôm lấy nó đè xuống, vừa nước mắt nước mũi chèm nhèm. Phải nói trong trung đội, Chí phèo thương nhất là Phước. Cả hai đều mồ côi cha mẹ từ nhỏ, đều chịu nhiều vất vả, nên dễ đồng cảm với nhau. Có những đêm, hai người nằm rì rầm nói chuyện suốt, làm Trường phát bực, phải quát lên: “Hai thằng mày còn sống với nhau dài dài, có phải là một ngày một bữa mà nói cho lắm thế! Ngủ đi, cho người khác ngủ!”
Trường nghĩ tới đó chợt thấy buồn buồn, nhớ những chuyện xa xôi. Đã hai năm rồi anh không biết chút tin gì ở quê nhà. Bố mẹ anh đều đã qua đời. Hai ông anh, người thì lên mạn Cao Bắc Lạng làm rừng, người thì vào tận Tây Nguyên khai khẩn đất hoang, chẳng biết giờ làm ăn, sinh sống ra sao. Còn An, người con gái vùng Thanh có cặp mắt đen lay láy, đôi má cứ ửng hồng lên mỗi lúc gặp anh dạo mới quen nhau, từ sau lá thư cuối cùng, với những câu úp mở, quanh co, ngụ ý khuyên anh hãy quên đi những chuyện ngày xưa cũng đã im lặng, không hồi đáp những lá thư đầy âu lo, ray rứt của anh.
Giờ cô ấy ở nơi đâu, sống ra sao? Có khi nào cô nhìn ra cánh đồng chiêm trổ đòng vàng óng mà nhớ tới buổi chiều cùng anh thề sẽ sống bên nhau mãi mãi?...
Thật ra, Trường không hề giận trách gì An. Cô hẳn phải có những lý do để làm như vậy. Vả chăng, chính Trường cũng có nhiều lúc định nói lời chia tay với cô, ngay trước khi nhận được lá thư đau xót ấy. Đó là những giây phút bàng hoàng, trống vắng sau một trận đánh căng, có người đổ máu và có người ra đi mãi mãi. Những lúc ấy Trường chợt nghĩ  biết đâu lần kế đó sẽ là chính mình. Và anh mường tượng tới sự đau đớn tột cùng của An khi nhận được một tin dữ từ đồng đội của anh. Thế là anh viết những lá thư ngắn, với những câu khô khan, phi lý, có khi còn nặng nề xúc phạm cô, để mong cô sẽ giận, và sẽ quên anh.
Nhưng rồi sau đó bình tĩnh lại, Trường xé nát những lá thư này. An đã trở thành một phần không thể tách rời với vui buồn, với thương yêu tràn ngập trong anh. Anh không thể, không có đủ can đảm để làm cô buồn phiền, đau đớn chỉ vì một điều chưa xảy đến, một điều biết đâu sẽ không bao giờ xảy đến... Trường chỉ thấy lòng đau nhói, và buồn vì An không nói rõ nguyên do, để anh khỏi phải thắc mắc suy diễn lung tung. Anh hiểu cô có những điều khó nói, anh hiểu không nên thắc mắc mà chỉ nên chấp nhận một sự thật vô cùng đơn giản, là đã mất An, và tốt nhất là hãy quên đi mọi chuyện. Nhưng sự mâu thuẫn của tim anh, cũng như sự mâu thuẫn đời đời trong trái tim của loài người, là biết rất rõ cách tốt nhất để chữa trị vết thương lòng, nhưng vẫn cứ hành xử những điều ngược lại, cứ tự mình khoét sâu, chọc mãi vết thương.
Trường thở một hơi dài, lắc mạnh đầu như để xua đi những ý nghĩ nặng nề. Anh vào lều xách con dao bản to để chặt cây rừng ra, bước tới đống cây khô làm củi. Anh vung dao lia lịa, phạt đôi những thân cây khô, cho đến lúc đống cây đã vợi hẳn đi, và mồ hôi đã ròng ròng ướt đẫm chiếc áo xanh bạc phếch.
***
Cả bọn đã chặt được khá nhiều củi khô, toàn là những cành dầu, sao chắc nịch. Họ bó phần của mỗi người lại thành hai bó, cột ràng thật chặt,  rồi chọn một cành thẳng làm đòn gánh xỏ qua, gánh về.
Huy đi chân nam đá chân chiêu như người say rượu. Chí  phèo cứ nhìn dáng bộ của Huy mà cười thầm trong bụng. Anh tự hỏi tại sao người ta lại tuyển mộ một tên nhỏ con ốm yếu, thư  sinh trói gà không chặt như Huy vào quân đội. Lại còn là khẩu đội trưởng hỏa lực nữa chứ! Bộ thằng này mà xiết chừng nửa thùng 12 ly bảy chắc mặt không còn chút máu! Anh cất giọng chế nhạo Huy:
- Tao không hiểu sao họ lại chọn một thằng thư sinh trói gà không chặt như mày cho học hỏa lực đó Huy. Chưa hết, tướng mày đâu phải tướng con nhà lính. Tướng mày chỉ có nước  ngồi bàn cạo giấy mà thôi!
Huy trả đũa:
- Đừng trông mặt bắt hình dong anh Chí ơi. Chứ như anh cũng đâu phải là tướng lính. Nom mặt mày của anh, chỉ có về làng Vũ Đại vạch mặt ăn vạ là hợp thời trang nhất đó!
Hòa chợt cười khe khé như ngựa hí, quay qua hỏi Chí phèo:
- Ông Chí phèo, ông còn nhớ vị nước trà thằng Huy pha hôm nó mới về không… hí hí… Cái đó người ta kêu bằng pha trà kiểu “tướng sĩ một lòng phụ tử ”[2] đó nghe!
Huy bật cười. Cả bọn cũng cười theo hô hố. Hôm đó, Chí phèo đưa cho Huy một gói trà, bảo đem pha. Huy ra bếp nấu một nồi nước to, rồi trút hết gói trà vào. Trên kia đã nghe tiếng Chí la oai oái:
- Huy đâu rồi, có ấm trà mà mày làm gì lâu thế!
Khi thấy Huy lễ mễ bê nồi nước lên, Chí phèo giật mình kinh ngạc:
- Mày bưng nồi nước lên làm gì vậy Huy?
- Thì anh kêu em pha trà mà Huy thản nhiên đáp.
- Có chút xíu trà mà pha nguyên nồi nước vậy sao! – Chí phèo trợn mắt – Trời ơi, đúng là ngu không chịu nổi!
- Vậy chứ làm sao? – Huy nổi cáu.
- Nè, Hòa, mày về huấn luyện lại lính mày cách pha trà nghe. Lần sau mà còn thế này là tao không tha mày đâu. Hừ! Toi mất gói trà rồi – Chí nhăn mặt – Đâu đem cái nồi lại tao xem!
Thì ra, pha trà ở đây khác với ở nhà! Ở đây, lính tráng quen uống thứ "trà quạu" pha thật đặc. Như gói trà của Chí, chỉ pha độ một phần ba bi đông nước. Thế mà Huy tống vào cái nồi cả hai lít nước sôi.
Rõ ràng, trong cuộc sống lính chiến ở đây có biết bao điều mới lạ Huy chưa từng biết đến. Anh ngơ ngác với mấy từ lạ tai cánh lính cũ dùng. Trong đó, có những từ nghiêm chỉnh, cũng có từ  lóng mà mấy tay ma cũ hay lấy nó để trêu mấy con ma mới tò te. Khi Huy mới vừa chân ướt chân ráo về tới nhà trung đội, chưa kịp khô mồ hôi, cả đám lính cũ đã nhao nhao bu lại. Người này nhìn anh như người ta nhìn một con gà giò trong lồng tre ngoài chợ, đánh giá xem nó có dễ bị toi không, có thể thành một con gà trống hiên ngang, đủ tài chăn dắt lãnh đạo cả bầy gà mái hay không. Người khác đưa tay nắn nắn bắp tay, bắp chân Huy rồi bĩu môi lắc đầu khi dễ. Tự ái Huy nổi lên đùng đùng. Dù gì, người ta cũng qua hết chín tháng quân trường, rèn ngày rèn đêm đến da đen cháy như than, thịt săn cứng như củi, chứ đâu là loại bở. Chỉ có cái Huy nhỏ con và hơi ốm thôi mà! Rồi một tay mặt mày bậm trợn, râu tóc bờm xờm, sau này mới biết là anh Chí nhà ta, vừa cười nhe trọn hai hàm răng ám đen khói thuốc lào, vừa ranh mảnh nháy mắt với Huy:
- Trung đoàn có cấp tiền “ xốc lọ” cho mày chưa vậy?
- Tiền xốc lọ là tiền gì? - Huy thực sự ngơ ngác.
Tay bậm trợn giải thích một cách đáng ngờ:
- Đó là một loại trợ cấp cho lính mới sang. Mai mày lên tài vụ trung đoàn hỏi đi nghe – Anh ta vờ vịt – Sao kỳ vậy cà! Lẽ ra họ phải cấp cho mày rồi mới đúng chứ!
Cả bọn cười ầm lên. Huy nhìn họ, hai mắt tròn xoe như  một con nai vàng chính hiệu. Huy hỏi mãi nhưng chẳng ai chịu nói rõ ràng, chỉ hàm hồ ú ớ đó là một món tiền rất ư hấp dẫn, không lấy là uổng cả nửa cuộc đời! Mấy bữa sau, Danh mới chịu cười nắc nẻ giải thích cho Huy. (Xin  độc giả thứ lỗi vì  lời giải thích đưa ra đây có phần hơi bất tiện!)  Chiều hôm đó hội ý, Huy lại thêm một phen ngạc nhiên khi Trường nhắc nhở:
- Các đồng chí nhớ giao ca cho đúng giờ giấc. Đừng có ăn gian nhau dăm mười phút mà anh em xích mích…
Huy nhìn quanh một lượt, chẳng thấy ai có đồng hồ cả. Anh hỏi:
- Ở đây không có đồng hồ, làm sao biết giờ cho đúng?
Trường giải thích:
- Chúng ta sẽ nhìn sao để đoán giờ. Từ từ rồi Huy sẽ quen thôi. Ví dụ như chập tối là sáu giờ rưỡi, thì sao Hôm mọc. Rồi ta sẽ xác định một điểm mốc so với ngôi sao, một ngọn cây chẳng hạn. Một tiếng đồng hồ, thì ngôi sao sẽ di chuyển so với vị trí lúc đầu khoảng một gang tay… 
- Một gang tay?
- Tức là em sẽ duỗi thẳng tay ra, rồi xòe tay trước mắt để ướm khoảng cách đó.
- Ạ , ạ …. – Huy gật gù thú vị.
Lần khác, vài hôm sau đó, Huy cảm thấy trong người tự dưng lừ đừ khó chịu, buồn ngủ lạ lùng. Khi đó, đang ém quân chờ đến ngày tấn công, nên cũng không có công tác gì, Huy nằm ngủ li bì. Chí phèo vội đánh thức Huy, anh bảo:
- Mày không nên ngủ nhiều lúc ban ngày. Nếu thấy khó chịu thì kiếm chuyện làm cho đổ mồ hôi. Ngủ ngày nhiều trong rừng dễ bị sốt lắm đó…
Đại loại những tri thức nhỏ nhoi, đơn giản như vậy làm Huy luôn cảm thấy bất ngờ và thích thú. Mỗi ngày Huy lại học được thêm vài điều mới lạ.
Vừa đi, vừa chuyện trò đùa cợt, chẳng mấy chốc họ đã về tới nơi đóng quân. Mọi người xách mấy cái bi đông ra tắm, chuẩn bị thân người sạch sẽ thoải mái để chào đón giao thừa. Nước này phải tải về từ một nơi khá xa. Do đó, họ tiết kiệm bằng cách tắm “một bi đông”. Nghĩa là chỉ tắm trong phạm vi  giới hạn bao nhiêu đó nước. Trước tiên, họ đặt sát cái bi đông lên đầu, dốc ngược, để cho nước chảy rỉ rả vừa đủ ướt toàn thân. Rồi kỳ cọ. Rồi lấy khăn lau. Rồi lại cho nước rỉ rả qua thêm lần cuối, trở mặt còn sạch của khăn lau lại. Nói cho đúng thì cũng chả khác gì nhúng nước chiếc khăn rồi lau người. Nhưng làm kiểu này khoái hơn và dễ chịu hơn. Sau đó, mọi người trở về tiểu đội ăn cơm tối. Đêm đã bắt đầu buông xuống.
***

Huy bàn giao ca gác cho Vũ rồi quay trở về lều. Sao Cày đã ló ra sau ngọn cây dầu độc mộc, tức là khoảng chín giờ đêm. Trời lành lạnh, một thứ  lạnh nao nao khó tả. Bầu trời đêm xanh đen thăm thẳm trên đầu chi chít những sao. Đêm giao thừa xa nhà xa quê đầu tiên của Huy đang chầm chậm trôi qua, vô tình không biết nó đã mang về cho Huy biết bao suy nghĩ, biết bao cảm xúc vui buồn, nhớ thương lẫn lộn.
Lúc nãy ngồi một mình trong ụ gác, anh đã điểm lại trong đầu bao nhiêu hình ảnh.
Buổi chiều cuối cùng trước lúc đi xa, má Huy đã đứng lặng bên đường khi anh nhảy vội lên chiếc xe đò để quay về đơn vị. Khi xe lăn bánh, anh chồm người ngó ra, vừa kịp thấy người đang giơ tay lên quẹt vội dòng nước mắt. Má đã cố kềm nén tiếng nấc, kềm nén dòng lệ để anh khỏi phải nao lòng, nhưng rồi lúc ấy anh cũng đã nhận ra người buồn đau đến mức nào khi phải xa anh, không biết đến bao giờ...
Huy nhớ bé út với đôi mắt tròn xoe. Ngày anh đi nó vừa tròn bốn tuổi. Có một lần Tường Vân, cô lớp trưởng, tới nhà anh chơi, bắt gặp anh đang bế bé út đùa giỡn đã khen nức nở:  “Trời, con bé có đôi mắt ngộ ghê!  Sau này chắc làm khối anh chết mệt!”…
Huy nhớ con đường đến trường có mấy cây phượng đỏ nở hoa rất sớm. Những buổi chiều đi học về anh đã thả bước thật chậm để ngắm nhìn những cánh phượng đỏ liêu xiêu rơi xuống... Rồi những lần anh và bọn bạn trốn học sang La-san Mai thôn, Thanh Đa để tắm sông. Tụi anh lội qua phía bờ bên kia, nơi có một cái cù lao nhỏ giữa dòng mọc toàn những cây dừa nước để bắt còng. Hồi đó, tụi anh hay uống cà phê buổi tối. Thằng Hà xách túi còng bắt được về nhà nó rang, rồi mang ra quán, tụi anh vừa tán dóc, vừa nhâm nhi còng rang với nước trà...
Huy nhớ những đêm giao thừa, khi bầu trời khuya trở nên xanh nhạt, và những vì sao xa tít tắp hẳn đi, lư hương trên bàn thờ tổ tiên được đốt lên, mùi trầm hương ngan ngát. Má anh sẽ bày thêm một mâm trái cây để mang ra cúng trời đất trước hiên nhà. Nồi bánh tét kê ở góc sân cũng bắt đầu reo lên vui vẻ, báo tin bánh đã sắp chín mềm. Ánh lửa bếp sáng bập bùng, soi lên mặt đất những bóng người to đen sẫm đang cử động lao xao. Bọn trẻ con tụ tập ngồi quanh dây pháo đỏ, khe khẽ tán chuyện, hồi hộp chờ tới lúc những chùm pháo nổ tạch đùng, văng tung toé. Trong đêm mênh mang, một cái gì ấm áp, linh thiêng đang lan tỏa. Nó bay đến, ghé qua khắp mọi ngôi nhà, nối một sợi chỉ mong manh vô hình nhưng bền chặt giữa mọi tâm hồn lại với nhau. Có phải người ta gọi đó là hồn thiêng đất nước?...
Những hình ảnh cứ lần lượt theo dòng liên tưởng ập về, xâm chiếm toàn bộ trí não của Huy, dẫn anh về với những ngày qua, dù Huy vẫn mở mắt trừng trừng nhìn ra cánh trảng trước mặt.
Huy chui vào lều, mở ba lô lấy cuốn sổ nhật ký, định ghi vội vài dòng ý tưởng còn đọng lại sau ca gác. Nhưng rồi không biết nghĩ sao, anh lại cất nó vào. Anh bước ra, đi về phía nhà trung đội.
Khắp các đơn vị, lửa đã đốt lên từ khi chập tối. Những đốm lửa trại cháy chập chờn hắt sáng cả một góc rừng. Tiếng ca hát, la lối, reo hò, tiếng gõ đập vào can nước, vào xoong nồi đánh nhịp theo lời hát văng vẳng khi xa khi gần theo hướng gió. Cả trung đội đang ngồi vây quanh đống lửa, trừ những người trực gác. Trường đang cầm cái can rượu đã vơi phân nửa rót vào bát, chợt ngước lên trông thấy Huy. Anh kêu lên:
- A, vào ngồi đi đồng chí tân A phó A3. Mày đến sau, phải làm luôn ba bát đấy.
Huy len vào ngồi xuống giữa Phước và Chí phèo. Anh đưa tay đỡ lấy bát rượu, mỉm cười nhìn quanh khắp mọi người, nói to:
- Xin mấy anh thông cảm, tôi chưa từng uống rượu bao giờ. Nhưng cũng xin uống cạn một chén này chung vui với các anh.
Nói đoạn, Huy ngửa cổ từ từ trút bát rượu vào miệng. Hơi rượu cay nồng bốc lên mũi làm anh muốn sặc. Hôm qua, anh đã nghe mấy tay bợm nói, khi uống phải nín thở làm một hơi mới không bị sặc, nên đã chuẩn bị tinh thần làm theo thật đúng. Vậy mà suýt chút nữa cũng không tránh khỏi. Tuy nhiên, Huy cũng đã uống hết bát rượu thật ngọt. Xong, anh giao trả cái bát lại cho Trường, chủ xị. Anh nhăn mặt, cảm nhận một luồng hơi nóng đang lan tỏa rừng rực từ bụng ngược trở lên cổ, da thịt chợt nóng ran lên đến muốn toát mồ hôi, dù khí trời khá lạnh. Hòa, A trưởng A3, đang ôm đàn hát những câu do một người lính nào đó của trung đoàn cải biên từ bài Mùa xuân lá khô:
“Tôi trở lại vùng Sầm Bua, vùng xa xôi đóng gần núi Cườm. Sau những ngày lo xây dựng, có những đêm đi phục chốt, tôi lại đi chiến dịch K.5. Ngồi xe ra đến Xi-xô-phôn, an dưỡng ba ngày ăn nhậu thật là vui. Trong lúc say, ai có đâu ngờ, quê hương từng giờ mẹ mong chờ  tin con...”
Huy đưa mắt nhìn quanh. Dưới ánh lửa chập chờn khi mờ khi tỏ, gương mặt ai cũng có một vẻ buồn buồn sâu kín, dù là đang cười nói xôn xao hay ngồi im lặng lẽ. Hòa đã hát xong bài hát. Toàn bộ im lắng trong giây lát. Chỉ còn nghe tiếng lửa reo, tiếng nổ tí tách của những chỗ thân gỗ bị ẩm mục. Những lời hát này thật đơn sơ mộc mạc, nhưng nó như thuật lại cho bọn anh nghe về thời gian vừa mới trôi qua, về cuộc sống, tình cảm, nghĩ  suy chân thật của những tháng ngày này.
Những người lính Việt Nam đang ngồi đây, hay đang ngồi trong một khu trại nằm bên một cánh rừng, bên một bờ sông, con suối, trên một sườn núi, đỉnh đồi chon von heo hút nào đó, trên khắp đất nước Campuchia này, hầu hết đều còn rất trẻ. Những gương mặt xạm đen nắng gió vẫn còn lưu lại chút nét gì đó trẻ con thơ dại trên nét cong vành môi tinh nghịch, lại cũng vừa già giặn ưu tư trong những cặp mắt long lanh. Có người tuổi quân chưa tròn một năm, ngay trước lúc khoác chiếc áo xanh vẫn còn nghịch ngợm giành quà bánh với em mình, vẫn còn vô tư hò reo trong một cuộc đá dế, đá cá lia thia. Vậy mà, trong trận chiến vừa qua, đã có một số người nằm xuống, mãi mãi ra đi; đã có những người khi ngã xuống vẫn còn mở mắt trừng trừng kinh ngạc, như không tin mình lại có thể chết vào lúc tuổi còn xanh, mộng còn đầy, còn chưa biết thế nào là  nụ hôn lên má một người con gái.
Hòa quay qua Huy:
- Huy này, mày hát một bài đi. Ở đây ai cũng đã hát rồi.
- Anh đưa cây đàn cho em – Huy đáp.
Huy ôm cây đàn ghi ta cũ, lớp ván phần lưng thùng đàn đã bị bong ra, còn phía trước thì nứt nẻ loang lổ, anh gảy khẽ vài nốt rồi ngước lên:
- Tôi xin hát một bài hát của Trần Tiến để tưởng niệm tới những đồng đội đã hy sinh của chúng ta.
Trường chuyền bát rượu sang bảo Huy:
- Làm thêm một chén cho có hứng.
Huy uống cạn bát rượu rồi cất tiếng hát. Men rượu ngây ngất, không khí  nồng ấm gắn bó thương yêu và những niềm riêng canh cánh, thoáng chốc cùng trộn lẫn vào nhau bay lên thành tiếng hát. Huy thấy lòng mình cũng tan loãng ra trong những ý tình câu nhạc gần gũi và chân thật.
Bài hát kể về tâm tình của một người lính nào đó; mà cũng là của thật nhiều người lính; trước cái chết của  đồng đội thân thương. Bài hát kể về nụ hôn đầu đời của một chàng lính trẻ. Nụ hôn đó không dành cho một cô gái dịu dàng xinh đẹp. Nó không đặt lên bờ môi trinh nữ ngọt thơm như cỏ non, như hoa sứ hoa quỳnh. Nó đặt lên trên đôi mắt khép hờ còn đầy tiếc nuối ngỡ ngàng của một người bạn vừa ngã xuống. Nụ hôn đầu của người lính không dành cho tình yêu đôi lứa; Nụ hôn đầu của người lính dành cho tình đồng đội. Và người lính hát khúc tình ca bằng những "lời lửa cháy". Đây không là lời tình hát tặng em đâu, người yêu nhỏ. Đây là khúc hành ca tôi dành tặng bạn tôi. Dành ru bạn tôi giấc ngủ cuối cùng... và mãi mãi...
Trong khoảnh khắc này của đêm giao thừa, bài hát nghe ra có một cái gì thật là kỳ dị. Nó không thích hợp chút nào với những giây phút cuối cùng của năm – lúc mà theo lẽ thường mọi người đang náo nức xôn xao, với những hy vọng, niềm tin vào một năm mới nhiều may mắn, với những dự tính ước mơ, những kế hoạch đầy triển vọng. Nhưng nó thật sự gây xúc động. Những người lính của đại đội tải này khi nghe bài hát, thấy nó như nói về chính bản thân mình. Và đôi mắt họ long lanh trong ánh lửa. Có phải là nước mắt? Hay chỉ là do một hạt bụi vô tình theo gió bay vào làm khóe mắt xốn xang?...
Huy đã hát tới khúc cuối của bài hát. “…Hãy hát lời lửa cháy bằng trái tim tình yêu. Hãy hát lời tình yêu  bằng trái tim  lửa cháy. Hãy hát lời lửa cháy bằng trái tim yêu thương. Hãy hát lời yêu thương bằng lửa cháy trong ta.” Lòng Huy cũng đang bừng bừng bốc cháy. Ngọn lửa thương yêu, tiếc nuối và đau đớn sôi lên thiêu đốt trái tim anh.
Sau đó, tới lượt Minh, lính cuối 84, người Thành phố. Anh ôm đàn la lên:
- Thôi, không hát mấy bài buồn nữa nghe, muốn đứt gan đứt ruột rồi. Nhảy đi các bạn! Soul nghe! Giật soul dễ ẹt, cứ tán loạn lên là được.
Tiếng đàn vang lên thôi thúc, tưng bừng. Một vài tay bước ra giữa vòng tròn khơi mào cuộc nhảy múa. Những bước chân quay cuồng bên ánh lửa bập bùng. Rồi cả bọn đều đứng lên vào cuộc. Có người ôm theo cái can hoặc cái xoong vừa nhảy vừa gõ đập. Đêm rung lên trong những âm thanh khuấy động. Trên bầu trời mênh mông thăm thẳm, những vì sao lóng lánh xa xăm dường như cũng đang nối nhau trong một khúc luân vũ yểu điệu nhịp nhàng.        
Đêm đã rất sâu. Có lẽ chỉ còn dăm chục phút nữa là tới thời điểm giao thừa. Trường hý hoáy lắp lại pin vào chiếc máy thu thanh nhỏ xíu hiệu National của anh. Chiếc máy chỉ được nghe mỗi ngày một tiếng, ở những giờ có chương trình ngâm thơ và kể chuyện đêm khuya. Bầu không khí cũng trầm lắng xuống không biết tự lúc nào. Toàn bộ doanh trại khối Trung đoàn bộ lặng im. Mọi người chỉ trò chuyện, tâm sự với nhau một cách khẽ khàng như không dám làm rạn vỡ những giây phút thiêng liêng. Huy ngồi bó gối, gục đầu xuống, cảm thấy thân thể anh đang xoay tròn, rơi rơi mãi xuống một vực sâu mà không tới đáy. Anh đã uống khá nhiều rượu nặng, đã nôn mửa mấy lần từ khi nãy cho tới khi chỉ còn nôn ra được một chút chất lỏng lầy nhầy, đắng nghét. Chí phèo lay lay vai Huy:
- Huy, Huy, mày cố uống tí nước trà cho giã rượu nè.
Huy lúc lắc đầu, rồi ngả vật ra, nằm co người lại. Anh vẫn nghe thấy những tiếng nói lao xao, văng vẳng, nhưng chân tay thì rã rời, mềm như bún. Anh nằm mơ màng, nửa tỉnh nửa mê như vậy không biết bao lâu. Bỗng anh nghe một tràng AK chát chúa. Rồi một tràng nữa. Rồi tiếng súng, tiếng cối pháo nổ rền rền khắp mọi nơi. Huy mở mắt ra, cố gượng chống tay ngồi dậy. Trên trời, màn đêm mênh mông bị rạch nát bởi những đường vạch đỏ rực  đan chéo vào nhau như những  cánh sao. Khói súng tỏa mù như sương và hăng nồng trùm lên bầu không khí. Ở góc chân trời, đạn cầu vồng phát hỏa bùng lên thành những cụm sáng đủ màu, những giải sáng vàng chanh pha đỏ, những giải màu cam tươi, xanh lá thẫm chuyển sang lam, và phía ngoài cùng là màu tím ngát chìm hẳn vào màn đêm thẳm. Âm thanh, sắc màu như cùng cất tiếng hát và đang nhảy múa. Đêm đẹp rực rỡ. Một cái đẹp hoang sơ man dại. Những tràng pháo hoa đón giao thừa Xuân 1985 đã òa vỡ, vang lên ở một góc rừng tây bắc Campuchia như  vậy đó.




[1] Cách gọi hình tượng của lính chỉ  loại chén quân dụng to bằng sắt.
[2] Bình Ngô Đại Cáo của thi hào Nguyễn Trãi:  “…tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét