CHƯƠNG 3
Từ sau Mồng Mười Tết, mưa liên tiếp mấy
hôm liền. Trời thấp, xám màu chì và nặng trĩu. Trong toàn đơn vị, không khí im
lìm, vắng lặng hẳn đi. Mọi người chỉ bước ra ngoài khi có việc cần. Họ chui rúc
trong lều đánh tiến lên, hay nằm bên nhau tâm sự.
Huy ngồi co ro, vừa nghĩ ngợi lan man, vừa
lơ mơ nghe tiếng Phước và Danh trò chuyện lẫn vào tiếng mưa rào rào vỗ trên mái
lá. Danh đang kể một câu chuyện gì đó về miền Mộc Hóa, Long An, quê hương của
anh, Huy nghe loáng thoáng những tình tiết về con Vện, con Vàng... mấy con chó
săn tinh khôn mà Danh rất cưng hồi còn ở nhà.
Trong tiểu đội, Danh là một trong những
lính mới được nể nang nhất. Anh đi hành quân mang vác, đào công sự chiến đấu thật dẻo dai, không thua gì cánh
lính cũ. Thoạt nhìn, Danh không có vẻ gì
là một người mạnh khỏe, anh cao lòng khòng, ốm nhách. So với Minh, Hùng, cũng
lính cuối 84, dân Thành phố, Danh ốm yếu
hơn nhiều.
Theo lời Danh kể, từ nhỏ anh đã làm việc
nặng nhọc, vất vả mà ăn uống thì lại quá thiếu thốn, kham khổ.
Hôm đánh lên Ampil vừa rồi, không có Danh,
thì Huy chắc phải xỉu đi vì quá mệt. Hồi ở Quang Trung, bọn Huy cũng thường đi
hành quân dã ngoại, cũng mang vác nặng. Nhưng so với hành quân thật sự thì thật
khác nhau một trời một vực.
Ở trường, hành quân tà tà như đi dạo. Mệt
thì nghỉ. Chỉ huy đại đội lúc đầu có vẻ
nghiêm khắc nhưng về sau rất dễ, nên bọn Huy được thể cứ làm nũng như con nít. Thật sự, lúc đó cũng
không có gì nặng mấy, chỉ là các bộ phận tách rời của khẩu 12 ly. Còn vừa rồi,
lần đầu tiên Huy đi một mạch năm sáu cây số mới được nghỉ giải lao. Sau lưng là
chiếc ba lô, ngoài quần áo, tư trang là một thùng đạn K.56 và mớ liều phóng,
ngòi nổ cối 82; một can vàng bốn lít nước cột lủng lẳng dưới nắp ba lô; trên
vai là một gánh sáu quả cối 82, chiếc ruột tượng bảy ngày gạo; cộng thêm khẩu
AK quàng qua vai và chiếc bao se ba băng đạn, một bình toong nước xệ xệ bên
hông. Trung bình, mỗi người lính mang trên người khoảng ba mươi ký.
Đi được khoảng ba cây số, đầu Huy đã lùng
bùng. Đôi chân Huy phồng dộp lên từ lúc nãy, giờ những chỗ đó tróc da, cọ xát
vào giầy làm anh đau điếng. Nhất là vì nền cát, mùa khô co cứng lại như bê
tông, cứ dội ngược lại dưới gót giày sau mỗi bước nặng nề. Huy nhìn người phía
trước, Minh cũng không khá gì hơn anh, đang xuýt xoa rên rỉ. Tuy vậy, Huy cũng
cố đi được cho đến chỗ giải lao đầu tiên. Huy ngồi bệt xuống, ngã người ra,
lưng dựa vào chiếc ba lô. Anh nhắm mắt lại một lúc, rồi lại mở ra. Cổ họng Huy
khô rát vì cơn khát. Anh run run mở nắp bi đông. Những ngụm nước mát lạnh đi vì
không khí ban đêm. Không còn là những ngụm nước bình thường nữa: nước lã giờ
như trở thành dưỡng chất, thành rượu quỳnh ngon ngọt khác thường. Trong những
lúc như thế này, Huy nhận ra nhu cầu của con người đến lúc thiết yếu nhất, khi chịu sự thiếu thốn tột cùng nhất, khi gần
kề cái chết nhất, chỉ là rất ít oi: không khí để thở; nước để uống; và cái gì
đó để ăn. Rồi tình yêu cuộc sống lại quay về, và ta lại có thể bình an nghĩ
ngợi, ước mơ. Vâng, chỉ bấy nhiêu đủ để ta thấy trong ta cuộc sống tràn đầy,
rạo rực.
Huy uống rất chậm và dè sẻn. Chí phèo đã
dặn trước với anh khi hành quân không được uống nhiều nước, thậm chí càng ít
càng tốt, vì uống nhiều, mồ hôi toát ra quá mức sẽ làm kiệt sức rất nhanh. Mặt
khác, giữ cho bình toong luôn còn nước là điều cốt tử ở vùng đất khô cằn này.
Đến lúc tiếp tục hành quân, anh chỉ đi
được vài bước đã thấy choáng váng, hai bàn chân đã nguôi đau, giờ lại càng hành
hạ anh tệ hại hơn lúc trước. Huy bước ngày càng có vẻ chập choạng. Danh đi phía
sau vội nói nhỏ:
- Anh đưa cho tui vác phụ gánh cối một lúc
cho.
Huy ngần ngừ, rồi lắc đầu. Danh cũng đâu
có nhẹ gì hơn anh. Là chiến sĩ, Danh không mang AK, nhưng trong ba lô anh là
hai thùng đạn, liều ngòi cối, và trên vai là tám, chứ không phải sáu quả cối
như Huy. Huy cố bước thêm một lúc thì
quị xuống. Danh giằng lấy gánh cối:
- Tui còn khỏe, cứ để tui vác một lúc. Anh
đỡ mệt là tui giao lại liền.
Lần này, Huy không còn đủ sức và ý chí để
từ chối sự giúp đỡ chân thành của Danh. Thế là Danh nghiêng vai còn lại gánh
luôn gánh của Huy. Quả thật, không có gánh cối, anh cảm thấy nhẹ hẳn đi, khỏe
lại. Được một quãng, Huy ngoái lại. Danh
vẫn bước bình thường, nhưng hơi thở đã nghe nặng nề. Mình nhẹ được một
phần, thì Danh lại càng nặng thêm gấp hai ba nữa, Huy nghĩ. Anh bỗng thấy một
sức mạnh không biết từ đâu đến, đánh tan hẳn những nhọc mệt và cơn nhức nhối ở
hai chân. Anh giơ tay đón lấy gánh cối:
- Cám ơn Danh, mình đã khỏe rồi.
Và từ đó, Huy thật sự quên đi những khổ
sở, nhọc nhằn. Anh nghĩ về những kỷ niệm vui, những hình ảnh thân thương êm ái,
rồi thầm cười khẽ một mình. Cuộc hành quân đêm trôi đi một cách nhẹ nhàng,
không còn là cơn ác mộng dài khủng khiếp như lúc nãy với anh.
Buổi chiều cuối cùng trước khi trận địa
dứt hẳn tiếng súng, Huy cùng một nhóm ba người khác cáng thương từ tuyến trước
về trại cấp cứu dã chiến của K.23. Nắng ong ong chiếu xuống làm anh mệt rũ cả
người. Cả nhóm đã liên tục lên xuống suốt hai ngày qua, lên tải đạn, về tải
thương như con thoi không ngừng nghỉ. Chuyến cuối cùng họ cáng một liệt sĩ của D.2
đã hy sinh từ buổi tối qua, nhưng để tại chỗ để ưu tiên cáng các thương binh
trước. Cố gắng về đến một chỗ còn cách K.23 khoảng nửa cây, sau khi giao lại
cáng cho hai người khác, Huy thấy đầu bưng bưng nhức nhối, hai mắt hoa lên. Anh
bảo Danh:
- Danh đi trước đi, mình ngồi nghỉ một lát
đã.
Danh gật đầu, lo âu nhìn Huy:
- Ừ, anh về sau, tui lên đi chung với hai
thằng nó để có gì tiếp tay. Tụi nó cũng phờ phạc lắm rồi.
Huy gieo người xuống, nửa nằm nửa ngồi,
một tay tì lên mặt đất. Anh tháo cái bi đông nước bên hông, đưa lên đôi môi khô
rộp. Chỉ còn không đầy một nắp bi đông đọng dưới đáy. Huy nốc cạn, thấy cơn khát vẫn chẳng bớt
tí nào. Anh mệt nhọc nhắm nghiền đôi mắt lại. Rồi vài giây sau, không gượng được,
anh nằm lăn ra nền cát, kế bên một bụi le cằn cọc, mặc cho những con ong ruồi
nhỏ xíu bu bám vào mặt mũi, mặc cho ánh nắng xiên khoai chói chang đổ xuống.
Khi Huy mở mắt ra, trời đã bắt đầu xế bóng. Anh gượng dậy, tìm đường tắt đi về.
Về đến trại, Huy chui vào lều nằm bất
động. Anh mê man cho đến trưa hôm sau. Nghe tiếng gọi dậy ăn cơm của Phước
nhưng Huy vẫn thấy người rã rời, không biết đói. Phước vào lay lay Huy:
- Nè, gắng dậy ăn một chén cho khỏe. Mệt
mà nằm hoài là bị sốt luôn đó.
Huy lắc đầu, nhắm nghiền mắt, yếu ớt nói:
- Mình không đói. Cứ mặc mình.
Một lúc sau, Danh cầm chén cháo bốc khói
chui vào. Anh đỡ Huy ngồi dậy.
- Tui lấy cơm nấu lại thành cháo cho anh
dễ húp. Ráng đi.
Huy nhìn Danh xúc động. Anh cố húp hết bát
cháo dù miệng lưỡi đều thấy đắng nghét, không muốn ăn uống gì. Danh lại bưng
chén nước nóng vào, tay kia cầm hai viên thuốc giục Huy uống. Sau khi ăn cháo,
uống thuốc, nằm nghỉ khoảng hai tiếng, Huy thức giấc và thấy người khỏe hẳn.
Anh đã có thể ngồi dậy, đi lại được, dù còn hơi run rẩy.
Danh chợt quay sang Huy cất tiếng hỏi:
- Anh còn giấy không cho tui xin một tờ.
Viết thư cho con nhỏ bồ.
Huy gật đầu:
- Còn, chờ chút mình lấy liền đây.
Hôm vừa mới sang, Huy mang theo sổ sách
lỉnh kỉnh rất nhiều. Ba cuốn sổ, trong đó có một cuốn đang ghi dở, mấy cuốn tập
học trò ghi bài giảng hồi học ở H.15,
mấy cuốn sách Anh văn, và vài cuốn truyện. Xui một cái là từ bên nước qua, Huy
bị đưa thẳng vào rừng, nơi đang tạm đóng quân chuẩn bị vào chiến dịch. Anh
không được ghé hậu cứ, nên bao nhiêu hành lý, tư trang đều dồn hết vào ba lô,
cõng hết suốt một mùa chiến dịch. Lúc nghỉ giải lao trong cuộc hành quân đầu tiên, anh đã vứt bỏ hết mấy
cuốn vở ghi bài, sách Anh văn và truyện. Giờ nghĩ lại, Huy tiếc quá chừng. Huy rứt mấy tờ đôi
đưa cho Danh, cười cười:
- Nè , mai mốt về làm đám cưới nhớ đánh
điện tín mời tui xuống dự với nghe ông.
- Yên chí đi!
Phía ngoài lều có tiếng chân bước bì bõm
trên mặt đất ngập nước mưa, tiếng sột soạt của tấm nylon, rồi Minh ló đầu vào:
- Huy ơi, anh Thái kêu anh lên đại đội.
Mang theo toàn bộ ba lô, tư trang để nhận nhiệm vụ mới.
Huy không ngạc nhiên, anh đã biết không
sớm thì muộn anh phải chuyển về đơn vị mới. Hồi mới sang, vì đang chuẩn bị đánh
một trận quá căng, nên người ta không đưa anh về ngay đơn vị trực tiếp chiến
đấu, mà tạm đưa vào đại đội tải của trung đoàn. Bây giờ là thời gian cho các
đơn vị huấn luyện phối hợp quân binh chủng để tiếp tục đánh cứ 201, anh phải về đơn vị hỏa lực để cùng tập
luyện chuẩn bị chiến đấu. Mặt khác, cũng là để bổ sung quân số cho các đơn vị
bị tổn thất thương vong. Dù sao, Huy cũng cảm thấy buồn buồn. Anh đã chia sẻ
với anh em C.22 cái Tết xa nhà đầu tiên, chia sẻ với họ những chén rượu ấm nồng
tình nghĩa, đã có những đêm nằm tâm sự, giờ chia tay sao tránh khỏi nỗi buồn.
Anh gom mấy thứ linh tinh nhét vào túi
cóc, bàn giao khẩu AK cho Phước, rồi nhìn hai người nói:
- Thôi tạm biệt các bạn. Chúc mạnh giỏi,
công tác tốt. Cho mình gửi lời chào anh Hoà, anh Trường, anh Chí và các anh em
khác.
Phước và Danh gật đầu, buồn hiu nhìn Huy:
- Chúc anh về đơn vị mới mạnh giỏi, bình
an.
Huy xốc ba lô lên vai, khoác tấm nylon lên
đầu rồi chui ra khỏi lều, đi về hướng nhà đại đội.
Đại đội trưởng Thái đang ngồi xếp bằng
trên chiếc chiếu trải giữa lều. Đối diện với anh là một tay trẻ tuổi, Huy nhận
ra đó là người đã lên Sư đoàn nhận anh về dạo trước. Thái nói to khi thấy Huy
bước vào:
- A , Huy đây rồi. Cậu vào làm chén trà
cho ấm bụng – Anh giơ tay chỉ sang người đối diện – Đây là cậu Phúc, trợ lý tổ
chức động viên trung đoàn, lát nữa Phúc sẽ đưa cậu về D3.
Huy gật đầu chào Phúc. Anh nói:
- Em đã cùng anh Phúc đi từ Sư về
đây hôm trước chiến dịch.
- A, vậy là người quen cũ rồi, phải không,
tốt, tốt lắm – Thái nghiêng người rót trà vào chén, rồi đưa cho Huy.
- D3 là tiểu đoàn cơ động mấy năm liền của
Trung đoàn đó, anh Huy ạ, đánh nhau cừ lắm – Phúc nói – Ông Văn D trưởng chịu
chơi lắm, nhưng cũng rất nghiêm. Lính ông Văn thì khỏi nói, công tác chiến đấu
một cây, mà quậy cũng bạo có tiếng.
Thái giơ ống thuốc lào lên rít sâu một hơi, phà khói mù mịt, rồi
đưa sang Huy:
- Làm một hơi đi, rồi lên đường. Từ đây
qua D3 cũng mười mấy cây số đó.
Huy cầm chiếc điếu cày, nhón một nhúm
thuốc lào, châm lửa. Anh đã tập tành chút chút cái món này từ hôm về C22. Chí
phèo là đại sư phụ đã huấn luyện cho anh kỹ thuật hút mà không bị sặc. Huy thấy
thuốc lào hay hơn thuốc lá. Nó làm người ta lâng lâng, ngây ngất tê người trong
một thoáng. Chỉ cần hút một hơi thôi, cũng đủ đô bằng cả mấy điếu thuốc vấn
rồi. Ngồi cho tan hẳn cơn say thuốc, Huy đứng lên, chào đại đội trưởng Thái:
- Thôi, em đi nghe anh Thái.
- Về đơn vị mới công tác cho tốt nghe Huy.
Lâu lâu có dịp ghé E bộ thăm anh em.
Huy và Phúc bước ra khỏi căn lều. Trời vẫn còn mưa lất phất. Không
khí thoang thoảng một mùi gì đó, thơm nồng. Hình như là mùi một thứ gỗ thơm
đang bốc cháy đâu đó trong một gian bếp gần đây. Phúc nhìn Huy, cười hỏi:
- Vừa qua, anh đã tham gia đánh nhau rồi
đó, có run không?
- Sợ chết khiếp chứ sao không. Lúc mình
tải đạn lên cho D2, đạn nhọn của địch cứ chiu chíu xé qua tai, còn pháo
thì nổ ầm ầm chung quanh, cách không đầy
chục mét.
- Về bộ binh còn kinh hơn nữa. Đánh nhau
liên miên, chứ không khỏe như ở trung đoàn đâu. Sao anh không xin ở lại công
tác bên nước?
- Lính mà, tổ chức phân công đâu, mình đi
đó. Mình có muốn ở lại cũng không được. Thật tình, mình cũng muốn qua đây cho
biết. Qua rồi mới thấy ngán.
Phúc gật gật đầu, nhưng không nói, như đang vướng bận một suy nghĩ
nào đó. Huy cũng không gợi chuyện thêm. Cả hai cúi mặt, bước nhanh hơn dưới
những làn mưa rơi xeo xéo.
Trời đã ngưng mưa khi hai người tới trại
D3. Lều tiểu đoàn nằm trên một gò đất cao. Xung quanh là những lùm cây lúp xúp.
Ở phía trước, xéo về tay phải là một cây dầu lớn, hình dáng thật lạ lùng. Từ
gốc đến khoảng một phần ba thân đầu tiên của nó nghiêng một góc gần bốn mươi độ
so với mặt đất. Rồi từ cuối đoạn này, thân cây lại trở về tư thế tự nhiên chọc
thẳng lên trời. Huy nhìn nó, thầm nghĩ có lẽ lúc còn non, nó đã bị một con thú
rừng làm gẫy ngang, nhưng vẫn kiên cường vươn dậy. Một người lính trẻ đang ngồi
bên gốc cây dầu này đẽo gọt một cành cây nhỏ, đường kính khoảng bốn phân, chắc
để làm cán cuốc. Anh ta nhìn thấy Huy và Phước, buông con dao và cành cây xuống
đất, đứng lên đi về phía họ. Khoảng cách thu ngắn đủ để Huy nhìn rõ người lính.
Một khuôn mặt rắn rỏi, da ngăm ngăm sạm nắng, đôi mắt đen lanh lợi, vui vẻ, vóc
dáng cao to, khỏe mạnh. Phúc cất tiếng:
- Chào đồng chí, có anh Văn ở nhà không
vậy?
Người lính trẻ gật đầu, đưa mắt nhìn Huy
như đánh giá, rồi lại nhìn sang Phúc, trả lời bằng một giọng đặc sệt đồng bằng Nam bộ:
- Anh “Dăng” ngồi trong lều. Mời hai anh
“dô” trong.
Tiểu đoàn trưởng Văn đang ngồi hý hoáy
viết gì đó bên cái bàn dã chiến trong lều. Bốn chân bàn là bốn thân gỗ chôn sâu
xuống đất, phía trên đầu là một chạc hai để đỡ một thanh ngang. Mặt bàn đan
bằng các thanh tre, được cột lại bằng những sợi dây xanh. Anh ngước lên gật đầu
chào khi thấy người lính trẻ dẫn Huy, Phúc bước vào, rồi tiếp tục cúi đầu viết.
Người lính trẻ kéo Huy, Phúc tới một cái băng dài, thấp, cũng một kiểu dáng như
cái bàn, nhưng bề ngang hẹp vừa đủ để ngồi, anh nói:
- Hai anh ngồi uống nước, nghỉ mệt, chờ
anh “Dăng” một chút.
Anh ta tới bên bàn, nghiêng chiếc can rùa
rót vào hai cái bát một thứ nước xanh xanh, rồi bưng lại.
- Đây là nước hà thủ ô, hai anh uống đi,
mát lắm.
Huy và Phúc đón lấy, uống một hơi cạn
chén, rồi đưa mắt nhìn quanh quẩn. Trong lều trống trơn không có gì ngoài cái
bàn và mấy cái băng ghế. Trên vách lều treo ba cái ba lô, và ở một góc là cái
giá súng với hai khẩu AK. Dù sao cũng là tinh tươm hơn rất nhiều so với nhà đại
đội của Thái, chẳng có bàn ghế gì, chỉ ngồi bệt dưới đất là xong.
Tia mắt Huy xoay trọn một vòng, rồi trở về
điểm xuất phát là tiểu đoàn trưởng Văn. Anh trạc ba mươi, ba mốt gì đó, cao
dong dỏng, vai gầy nhưng rộng. Gương mặt lại có vẻ trắng trẻo, thư sinh, khác xa hình ảnh Huy hình dung về anh
trên đường lúc nãy. Trên mặt anh có một nét gì đó là lạ, vui vui, dù lúc này
Văn đang nghiêm nghị làm việc. Huy để ý quan
sát thêm giây lát, rồi nhận ra
chính vì cái miệng của Văn. Nó hơi méo, chếch lên bên phải, làm Văn lúc nào
cũng như đang nhếch miệng muốn cười.
Khoảng hai phút sau, Văn viết xong. Anh
gấp quyển sổ lại, ngẩng mặt nhìn Huy, Phúc, đôi mắt đen sáng nheo lại, anh cười
ha hả:
- Xin lỗi hai cậu, mai tớ phải lên trung
đoàn báo cáo phương án tác chiến nên cố một tí cho xong. Nào, tớ nhớ không lầm thì hôm qua thông tin trung đoàn
báo cậu sẽ dẫn cậu Huy xuống, có đúng là Huy không Phúc?
Phúc
gật đầu xác nhận:
- Vâng, ảnh tên Huy, tốt nghiệp lớp hạ sĩ
quan ở H.15 bên nước, sang đây hồi tháng Mười hai năm ngoái. Vừa rồi ảnh nằm ở
C22, công tác cũng tốt lắm anh ạ. Hồi nãy trên đường tới đây, em cũng đã giới
thiệu sơ với ảnh về D3 rồi. Nhất là giới thiệu rất xôm về vị tiểu đoàn trưởng
ngon lành là anh. Sao, có gì thưởng công không thủ trưởng?
- Lại còn thế nữa! Cậu đã nói xấu tôi
những gì, chưa phạt thì thôi, còn đòi thưởng. Này, bước tới gần đây, tôi thưởng
cho...
Phúc phá ra cười:
- Thôi, em quá biết cái món điểm huyệt của anh rồi,
dại gì! Nè anh Văn, trưa nay em báo cơm D3 đấy nhé. Lo giết gà vịt đón khách đi
là vừa.
- Ở đây làm gì có, chỉ có món “bò hóc quân
đội” đãi cậu thôi – Văn cười ha hả, rồi quay sang Huy, anh nói – Huy này, cậu
lại đây, để tớ giới thiệu sơ về tiểu đoàn cho cậu biết. Tớ là Thạch Văn, quê ở
Cao Bằng, chắc cậu biết rồi…
Sau
đó, Văn kể cho Huy nghe về tên tuổi của các cán bộ tiểu đoàn và đại đội, các
trung đội trực thuộc, tình hình tổng quát của tiểu đoàn, rồi bảo:
-
Bây giờ, cậu sẽ về trung đội 12 ly bảy, đúng như chuyên môn của cậu. Nhưng tạm
thời, cậu vẫn chỉ là chiến sĩ thôi. Vì cậu mới về mà nắm chức chỉ huy khẩu đội
ngay thì anh em không phục. Với lại, cậu cũng chưa có kinh nghiệm thực tế là
mấy, cũng chưa làm được đâu. Cứ cố gắng công tác, chiến đấu cho tốt, rồi tự
khắc khi anh em trung đội đề xuất lên, tôi sẽ chính thức bổ nhiệm cậu. Vậy nhé,
có thắc mắc gì nữa không?
-
Dạ không. Vậy em xin phép được về B ngay, nghe anh Văn.
-
Vội gì, cứ ở đây, cơm nước xong xuôi, tớ bảo thằng Kiên đưa cậu xuống dưới. Giờ
cậu xuống thì chẳng còn cơm đâu mà ăn. - Văn đảo người tìm Kiên, liên lạc tiểu
đoàn, nhưng Kiên đã đi đâu ra ngoài, anh gọi to:
-
Kiên ơi! Em coi cơm chín chưa dọn lên đây nào.
Ngoài kia, mưa lại bắt đầu rơi lất phất. Từ sau gian lều thoảng ra mùi ruốc cá xào, Kiên
bê mâm cơm và thức ăn lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét