Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Mùa xa nhà - Chương XV






CHƯƠNG 15


Thấm thoắt, Huy đã trải qua hai năm xa nhà. Từ lâu, Huy không còn cảm giác nhớ nhà da diết nữa, anh không viết thư về nhiều lắm, bốn năm tháng mới gửi một lá về thăm ba má, các em. Và cũng ít nhận được thư nhà hơn. Có những lúc, Huy tưởng chừng như mình sinh ra đã là người lính, tưởng chừng như anh đã sống cuộc sống này từ rất lâu, rồi một lá thư nhà bất chợt nhắc lại cho anh nhớ còn có một gia đình ở xa kia, còn những mối dây vô hình mà bền chặt giữa anh và những người thân ở chốn quê nhà.
Trung đội có nhiều thay đổi. Quân đã hy sinh từ lâu. Lớp lính cũ như Nam Bùi, Qui,Thiện, Mợi, Già Hương, Ụ Mối đã lần lượt phục viên xuất ngũ, có thêm một số lính mới vào như Vũ, Kiên, Quang. Huy đã là người chỉ huy trung đội. Năm tháng qua đi, Huy cũng có nhiều thay đổi. Anh không còn tính nóng nảy bồn chồn, dễ buồn dễ vui như trước. Tính anh trầm lắng lại, dù bản chất vẫn như xưa. Huy là một người nhạy cảm, không phải ở ý nghĩa bình thường, mà là đặc biệt của từ này. Anh đa cảm đa sầu thái quá. Tư tưởng, nhận thức của anh đối với cuộc đời mang một vẻ vừa cổ hủ, xa xưa, vừa ngây thơ ngờ nghệch. Huy thuộc loại người mà mọi người thường gọi một cách châm biếm là "kẻ sống trên mây". Loại người như anh nhìn cuộc đời không phải với những sắc màu, đường nét thực sự của nó, mà với một màn lọc vô hình, qua đó mọi thứ mang một dáng vẻ sắc thái lãng mạn, khác thường, hoặc phức tạp hơn lên, hoặc lại bị đơn sơ hóa tuyệt đối; loại người một cách không ý thức ưa sống trong những giấc mơ  hơn là thực tại.    
Một thời gian dài sau khi Quân hy sinh, Huy mới nguôi ngoai, quen dần với nỗi đớn đau mất mát. Nhiều đêm, Huy nằm thao thức, nước mắt chảy dài trên má khi nghĩ tới Quân. Di vật của Quân mà Chính trị viên tiểu đoàn giao trả lại cho trung đội sau đó có một quyển nhật ký, quyển thơ có lần Huy đã được đọc, và chiếc vòng cẩm thạch. Huy đọc hai quyển sổ nhiều lần, rồi đã đốt chúng theo ý của Quân. Trong quyển nhật ký, ngay ở trang đầu, Quân ghi dòng chữ: "Nếu tôi chết, và ai đó nhặt được cuốn sổ này, xin làm ơn đốt nó giùm tôi."  Đọc quyển nhật ký, Huy cảm thấy Quân vẫn khó hiểu và lạ lùng như những cảm giác đầu tiên mà Huy đã có với anh. Càng biết thêm nhiều về những suy tưởng của Quân, Huy càng thấy con người anh mông lung xa vời như một cái gì đó vượt khỏi tầm nhận thức. Chính bản thân Huy cũng có nhiều suy tưởng, nhưng chúng gần gũi, gắn bó với cuộc sống hàng ngày. Còn ở Quân, chúng là những điều xa xăm, rất đỗi xa xăm. Nhưng dù gì đi nữa, trong đầu Huy, Quân vẫn là một con người đẹp đẽ. Một vì sao rực sáng trong giây lát thôi, nhưng để lại trong ký ức người trông thấy một ánh sáng diệu kỳ và tồn tại mãi.
Còn chiếc vòng, Huy mang nó ra chôn dưới đất, trước nhà mộ me Sa Rinh. Sa Piên không nhận nó, nhưng dù sao thì nó cũng đã vĩnh viễn thuộc về cô. Thôi thì để me giữ nó, và bà sẽ đưa lại cho cô một ngày nào đó, khi hồn hai người gặp nhau ở cõi chết, nếu như thật sự có cõi chết và có linh hồn. Me mất sau Quân chừng hai tháng. Buồn phiền, đau đớn vì Sa Piên, và nhất là cái chết của Quân, đã nhanh chóng cướp đi ở bà chút sức già còn lại. Hôm nghe tin me chết, Huy ngồi lặng đi, cổ họng nghẹn ngào, đầu óc mụ mị hoang mang. Anh không còn có thể khóc lên thành tiếng. Vài hôm sau khi hỏa táng me, Sa Piên bỏ nhà đi đâu không rõ, sau đó ít lâu có người bảo trông thấy cô bán nước giải khát ở một quán nhỏ trên đường liên tỉnh thị xã Batdomboong, cùng một người đàn ông đứng tuổi. Căn nhà ngày xưa êm đềm ấm áp, rộn tiếng cười nói ríu rít của Sa Piên, tiếng xe cửi quay tơ đằm đằm những chiều nắng nhạt, giờ hoang vắng lặng đi như  một chốn nghĩa trang. Một hôm Huy ra thăm búc Hô, anh ngồi nhìn người đàn ông mái tóc mới đó còn đen bóng nay đã gần như bạc trắng, nhìn gương mặt âm thầm và đôi mắt buồn u uất, rướm lệ của ông mà muốn khóc theo ông. Búc ít khi rời nhà, trừ  những khi ông ra ngồi hàng mấy giờ liền bên nhà mồ me. Ông ngồi bệt trên mặt đất, đầu cúi gằm, hai vòng tay ôm gối co ro như ôm nhớ thương, nuối tiếc.
Mãi lâu lắm về sau, Huy vẫn đôi khi tự hỏi lòng, những gì  đã xảy ra trong quãng thời gian đó, liên hệ đến bao nhiêu số phận mà chính anh được biết, có thật sự chỉ là một sự ngẫu nhiên, hay đã được xếp đặt một cách lệch lạc, oái oăm từ một đấng siêu hình không rõ. Cuộc sống hội tụ những con người từ những xuất phát điểm rất khác nhau, kết nối họ lại trong những mối ràng buộc vô hình, rồi lại như một đợt sóng vô tình tàn bạo cuốn phăng, xóa tan đi tất cả. Cái còn lại là hồi ức – có lẽ ở người này nó bám chặt, đâm sâu như rễ của loài hoang mộc trên núi đá, nhưng ở người khác nó chỉ là một thoáng gió lướt qua. Có lúc anh lại nhủ lòng chẳng qua vì mình hay nghĩ  ngợi, thêu dệt quá mà thôi. Anh cố không nghĩ về chúng, không nhớ đến chúng nữa. Nhưng đột nhiên trong một phút giây nào đó, chúng lại như một tia chớp lóe lên trong ý thức Huy, và gây cho anh một cơn đau buốt trong tim, rất chóng qua, nhưng hầu như không chịu nổi.      
Huy vẫn không quên được câu nói của Quân trong buổi trưa nằm trò chuyện với nhau trên vùng biên giới, không bao giờ quên được: "…em đa cảm và mang nhiều ảo tưởng quá… em sẽ vì nó mà chịu nhiều bất hạnh…” Quân đã đoán biết được điều này do suy tưởng, do kinh nghiệm hay chỉ là một trực giác ngẫu nhiên, Huy không thể biết chắc, anh chỉ nhận thấy lời Quân đúng một cách kỳ dị đối với bản thân anh. Càng về sau này, Huy càng có những nhận thức, nghĩ suy sâu sắc hơn đối với mọi người xung quanh, mọi sự việc; phán xét mọi điều chính xác hơn. Nhưng ngoài những gì thuộc về lý trí, trong Huy còn có những chi phối mạnh mẽ về tình cảm, sự xung đột giữa tình cảm và lý trí làm cho anh bối rối, hoang mang. Cuối cùng, thường là Huy hành động không phải theo lý trí mà là theo cảm tính – chúng vạch đường chỉ hướng cho anh, và nếu anh không theo những mệnh lệnh sâu xa của chúng, anh sẽ phải dằn vặt không yên. Lý trí chỉ đóng vai trò của một nhà phê bình lịch sử, nó sẽ phê phán, đánh giá đúng sai, nhưng chỉ là về sau, khi mọi chuyện đã trở thành quá khứ. Nhiều khi Huy tự hỏi không biết có ai giống như trường hợp của anh không. Tệ hại nhất, là anh nhận thức rất rõ về yếu điểm của mình, nhưng không tài nào chối bỏ, vượt qua nó được. Hay đó cũng chỉ là một dạng tự mâu thuẫn với chính mình mà ở bất cứ người nào cũng có, dù dưới hình thức này hay hình thức khác? 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét