Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

Mùa xa nhà - Chương II





CHƯƠNG 2


(Trích nhật ký của Huy)


Ngày… tháng … 1984
Ngày cuối cùng của năm đầu đời trong quân đội... Một cánh rừng lúc chiều hôm. Rừng chiều không đẹp, không êm đềm như trong nhạc. Nó ẩn giấu một cái gì khó hiểu, đè nặng lên tâm tư người lính.
Tiếng lá khô rơi chạm vào nhau tí tách, rất khẽ. Tiếng súng AK vu vơ...
 
Ngày… tháng ... 1985
Hôm nay lẽ ra là ngày mở đầu chiến dịch đánh bứt cứ điểm A. Nhưng kế hoạch phải tạm đình chỉ vì cái chết của vị lãnh đạo nhà nước Campuchia. Sư đoàn tung toàn bộ lực lượng, cộng thêm một trung đoàn quân đội Campuchia phối thuộc. Trung đoàn của mình là trung đoàn chủ công, đánh trực diện vào căn cứ.
Cuộc đời chiến sĩ của tôi sẽ trưởng thành từ những ngày này. Một trận lớn cấp sư, trong toàn bộ chiến dịch tổng tấn công của toàn mặt trận. Một trận mà có lẽ không phải ai cũng có dịp may tham dự.
Hôm nay, trên toàn thế giới người ta xé tờ đầu tiên của quyển lịch mới. Và ở thành phố quê nhà, giờ này mọi người đang vui tươi hớn hở...
Mẹ tôi giờ này có lẽ đang vừa làm một việc gì đó, vừa nheo đôi mắt u buồn nhớ tới đứa con xa...Và có lẽ đôi khi giữa đêm khuya chợt thức người lại khóc âm thầm... Má ơi! Con đã làm được gì cho má vui đâu, chỉ toàn những lo buồn. Biết đến bao giờ con làm được điều con mong cho má – Má ngồi giữa đàn cháu dễ thương, kháu khỉnh kể chuyện ngày xưa, những chuyện ma quỷ, thần tiên mà ngày thơ ấu má đã đưa con vào giấc ngủ êm đềm, má cười không lo âu vì miếng cơm, manh áo, nợ nần giăng mắc...
           
Ngày…  tháng…  năm 1985

Một bài thơ viết vội:

Xuân này nhớ ai

Mùa xuân đến bao giờ tôi chẳng biết
Gió quê hương không đến tận phương này
Tôi chờ mãi trong niềm đau không dứt
Một mai này chinh chiến sẽ tàn phai

Xuân về hay chưa, tôi vẫn ngờ không thật 
Giữa rừng già không én báo tin vui
Không có những cành hoa tươi khoe sắc
Làm sao tôi quên thực trạng quanh người

Giữa rừng chỉ có chúng tôi
Những người đi giữ đất trời quê hương
Bạc rồi những tấm áo xanh
Mà chưa thấy lại mùa xuân quê mình
Nghĩ gì những lúc thâu canh
Sương rơi ướt lạnh một vầng trăng xa
Sao đêm thắp lửa mong chờ
Bâng khuâng người lính xa nhà nhớ thương

Nhớ mẹ hiền tóc bạc với thời gian
Chắc mẹ vẫn chiều chiều ra ngõ đứng
Dõi mắt phương xa mong chờ, trông ngóng
Một dáng hình, một tiếng nói thân thương

Ạ à ơi...
“Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật, như đường mía lau”
Con đi chinh chiến dài lâu
Mẹ ơi! Đừng khóc những chiều nhớ con
Mẹ ơi! Đừng thức thâu canh
Trở trăn vì bước quân hành của con
Con đi xuôi ngược hành quân
Mang theo lòng mẹ, niềm tin trọn đời.

Mẹ ơi, nếu có một ngày
Chợt nghe tin dữ con trai không còn
Mẹ đừng nước mắt trào tuôn
Con yêu mẹ đã làm tròn ước mơ
Mẹ đừng thắp nến, chưng hoa
Chỉ thêm buồn nhớ, xót xa nghẹn ngào...
Giờ con nhớ mẹ biết bao
Giờ thương hơn hẳn lúc nào, mẹ ơi!..
                    ***
Mùa xuân về mọi nơi
Nhưng ở đây mùa xuân không có mặt
Cả bầu trời và mặt đất
Đều khô cằn, ảm đạm, hoang vu...

Ở đây, những người lính nhớ
Thành phố quê nhà những ngày cuối năm
Có chợ tết, chợ hoa xôn xao, lộng lẫy, tưng bừng
Những màu áo, mái tóc dài tha thướt
Những tiếng nói, giọng cười trong vắt
Thân quen vô cùng, mà xa quá là xa...

Những con đường lá đổ ngày xưa
Và những cơn mưa đi về bất chợt
Màu áo học trò ngây thơ, dịu mát
Suối tóc ai dài chảy suốt mùa Ngâu…

Và đôi khi... giữa đêm lắng sâu
Niềm tiếc nuối thời ấu thơ ray rứt
Con nhện giăng tơ  trên cành trước mặt
Tò vò nào cứ vỗ cánh chờ mong...

Bạn bè ơi!  Một mái trường
Bao nhiêu kỷ niệm âm thầm chết đi
Bao nhiêu người hãy còn ghi
Tình yêu, lý tưởng vun từ ngày xưa
Ai còn cháy bỏng ước mơ
Và ai đã chịu đẩy đưa dòng đời

Bâng khuâng người lính đêm dài
Từng khuôn mặt cũ quay về… mông lung…

***
                                                           
Ngày… tháng…  năm 1985

Hôm nay là thứ mấy, ngày mấy? Ý niệm về thời gian chỉ còn là buổi sáng, buổi chiều, là ngày và đêm nối tiếp trôi đi, vô tận.
Tôi buồn vì sao? Tôi không thể tìm ra câu trả lời đích xác. Nhớ ư? Phải! Đôi khi một vật thể nào đó lại gợi cho tôi những liên tưởng về bè bạn, gia đình, và hàng đêm trằn trọc thao thức nhìn qua nóc màn lên bầu trời lung linh vạn ánh sao, trong tiếng lá khô rơi xào xạc, tiếng cây vặn mình theo cơn gió rừng lạnh lẽo đêm khuya, tôi nghe tiếng nức nở âm thầm của lòng mình. Tương lai là một khoảng mơ hồ mù mịt. Hiện tại thì thật đau đớn xé lòng…
Anh hùng là ai? Chỉ có những người lính bình thường, vô danh  kia mới là những anh hùng. Tay họ cầm vũ khí, da thịt họ hứng chịu đau thương và máu họ đổ tuôn. Họ đến với cuộc đời, sống, ước mơ, yêu đương… để rồi ra đi trong phút chốc. Họ không nghĩ đến những chuyện cao xa. Ước mơ, khát khao của họ thật giản dị, bình thường. Đây mới chính là những con người thật sự. Tôi làm sao tìm thấy một con người chỉ tồn tại trong trí tưởng của mình – Một con người vô hình, không thật, xây đắp bằng bao nhiêu mảnh vụn của sách vở, từ chương. Bây giờ tôi đã nhận ra điều đó. Muộn hay chưa, tôi khó mà kết luận.
Phải chăng sinh ra là để chịu đựng những khổ đau, xây những ước mơ, hưởng những hạnh phúc không bao giờ trọn vẹn, để rồi chết?  Ý nghĩa của cuộc sống thật là mông lung, siêu hình.
Ampil! Cái địa danh này sẽ ghi mãi trong tâm khảm của tôi, với những gì tôi đã nhận thức được về cái ranh giới mong manh giữa hai chiều tư tưởng.
Chỉ còn vài ngày nữa là Tết rồi. Thật là mơ hồ!…
                                                                                   
Ngày… tháng… năm 1985

Tết giữa rừng

Bây giờ, tôi viết những dòng chữ ứa ra từ tấm lòng bồi hồi khôn tả về những ngày tôi đang sống, dưới ánh đèn dầu tù mù leo lét cháy. Viết để làm gì? Tôi đã không còn thiết tha đến việc cầm bút nữa, nhưng sao giờ đây một nỗi niềm nào đó cứ thiêu đốt tim tôi... Máu dường như nghẽn lại trong từng huyết mạch...
Không gian bao la đen thẳm phủ quanh người tôi như một tấm màn dày đặc, khổng lồ, với những lỗ thủng li ti, xa xăm – những vì sao. Đêm như quánh lại... Xa xa, những đống lửa của các đơn vị cháy thành từng đóm, chập chờn, chập chờn. Tiếng hát, tiếng la hét, tiếng trống gõ vào can nước cũng chao chao, khi xa khi gần theo hướng gió... Ôi! Cái Tết của những người lính trẻ xa nhà giữa rừng đêm quạnh vắng.
Đêm qua, đêm giao thừa, tôi đã không còn tỉnh táo để chờ đón phút giây thiêng. Những người lính cũ, đi trước tôi, hình như cũng rất buồn. Họ che lấp nỗi buồn bằng cách cười nghiêng ngả, nhảy múa, hò hét và ca hát. Chén rượu cay nồng tình nghĩa đồng đội chuyền tay... Trời ơi! Tôi say mèm trước tất cả mọi người...Các anh ơi, hãy thông cảm cho tôi!... Má ơi! Hãy tha thứ cho con... Rượu làm con say, nhưng chính nỗi buồn sâu thẳm đã quật con ngã gục trước khi con cùng đồng đội, đồng bào hưởng phút giây giao tiếp ấy.
Ngày kia, tôi lại hành quân vào trận đánh mới. Trong số những gương mặt trẻ trung, nhưng đã sớm cằn cỗi quanh tôi, ai sẽ còn, và ai sẽ mãi mãi ra đi? Cười sằng sặc, ca hát và nhảy múa... vui đi để rồi có thể sẽ không bao giờ vui được nữa... Những bà mẹ và những người tình có biết giờ này người thân của mình đang chuẩn bị để ra đi, trở về hoặc vĩnh viễn – với một niềm tin yêu tha thiết và quyết tâm chiến thắng. Máu sẽ đổ, thịt sẽ tan, nhưng không bao giờ người lính Việt Nam chùng bước! Các mẹ ơi, các chị ơi, hãy nguyện cầu cho người con, người yêu lời nguyện trọn lành!...
Con thương nhớ má thật nhiều, thật nhiều... Má yêu dấu ngàn đời!... Không biết mai này con còn có ngày về với má hay không?  Nhưng con sẽ không bao giờ là một người  lính yếu hèn. Má ơi, hãy hiểu cho con!...
Ngọn đèn gần hết dầu đang lụi dần. Nhưng ngày mai trời lại sáng...

Huy vừa đọc lướt lại những gì đã ghi vào nhật ký trong mấy ngày qua. Anh gấp quyển sổ lại, nhìn ra hướng trảng cỏ trống ngoài kia. Gió vẫn thổi hun hút từng cơn, làm ngọn lửa phát ra từ chiếc đèn dầu đốt bằng mỡ trong lon thịt hộp chập chờn muốn tắt. Huy với cái ba lô kề bên, nhét cuốn sổ vào và thổi tắt ngọn đèn. Anh bước ra khỏi chiếc lều dã chiến thấp lè tè, đi tới chiếc võng đã giăng sẵn từ lúc nãy, vén mùng chui vào. Mấy hôm nay, anh mang võng mắc giữa hai cây dầu nhỏ trước lều để ngủ ngoài trời.
Huy thích được nằm nhìn lơ mơ qua chiếc mùng vải mỏng lên bầu trời đêm thăm thẳm. Từ thuở còn bé tí, anh đã yêu mến bầu trời đêm và những vì sao xa xăm trên đó. Truyện Hoàng tử bé của Saint Exupéry, truyện Những vì sao của Alphonse Daudet mà Huy tình cờ đọc được sau này càng làm anh yêu mến chúng hơn. Ngàn sao là giấc mơ kỳ diệu, làm tâm hồn thơ trẻ của anh thấm đẫm bao tưởng tượng, bao ước vọng đẹp đẽ hướng tới cõi trời cao rộng, thánh linh. Bây giờ, tuổi thơ đã trôi qua, những hình ảnh ngây thơ, trong sáng ấy cũng mất đi phần nào huyền diệu. Đêm sao bây giờ với anh chỉ là một bầu trời vật chất, với những thiên thể vật chất, những hành tinh lạnh lẽo, vô hồn. Ngàn sao lấp lánh kia không còn là những sinh vật sống động, đầy cảm tính, y hệt như những con người. Không còn nữa những vì sao của tuổi thơ! Tuy vậy, trời đêm và sao sáng  vẫn làm dịu đi những nỗi buồn phiền, những niềm thương nhớ.
Huy vòng hai cánh tay ra sau đầu, thầm đếm những vì sao rải rác phía trên ngọn cây dầu độc mộc giữa trảng. Một, hai, ba.... một trăm lẻ một, một trăm lẻ hai... Chợt nhiên, một vì sao vì sao thứ một trăm lẻ bốn ngày càng to lên,  to lên... Rồi nó chợt nhoẻn miệng cười với Huy thật dịu dàng. Nó mở đôi mắt đầy âu yếm nhìn Huy. Không phải vì sao, mà là má! Má đang mỉm cười lặng lẽ. Mái tóc của má trôi dài, bay bay giữa trời đêm thênh thang vằng vặc, lóng lánh triệu triệu những tinh cầu bé xíu, li ti...



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét