CHƯƠNG 5
Con Chíp thật là nghịch ngợm. Nó cứ mổ mổ
vào môi Huy làm anh không sao ngủ được yên. Huy bực mình tóm nó, co ngón tay ký
mấy cái nhẹ vào cái đầu bướng bỉnh. Khi Huy buông tay, nó bay vù ra đậu trên
cành cây nghiêng xuống trước cửa lều, chẩu đôi mỏ nhọn nguyền rủa anh: “Cút mẹ
mày đi! Cút mẹ mày đi!”
Ụ Mối toàn dạy cho tên đệ tử của hắn những
câu linh tinh, bậy bạ, và con sáo này cứ cố tình áp dụng bừa bãi tùy hứng,
chẳng ăn khớp hoàn cảnh tí nào. Có khi mọi người đang ngồi vui vẻ trò chuyện,
nó chợt kêu lên, theo cái khẩu âm trọ trẹ nặng nề của Ụ Mối: “Tối rồi ngủ đi!
Tối rồi ngủ đi!” Có khi, giữa buổi trưa vắng lặng, nó buồn tình réo mãi liên
hồi: “Nghỉ cho mát! Nghỉ cho mát! Nghỉ
cho mát!...”
Một lần, tiểu đoàn trưởng Văn ghé trung
đội, nó oang oang thét vào mặt anh: “Mê mai cầm pê, mê mai cầm pê![1]
Chơi mãi quên về, chơi mãi quên về!..”
Huy thường quần mấy bụi cỏ bắt châu chấu,
cào cào cho con Chíp, nên nó rất khoái anh. Trừ Ụ Mối, chỉ có Huy là có thể kêu
nó đậu xuống tay, hay huýt sáo rủ nó đi theo vào rừng.
Có con Chíp, nhiều khi cũng vui vui, khuây
khỏa, nhưng nhiều khi mọi người bực phát điên lên với nó. Nó tha mấy cái muỗng
mà ai đó quên nhét vào túi cóc ra tận ngoài trảng cỏ, quăng ở đó. Nó mổ vào cái
lon đựng thuốc rê, lôi từng nhúm thuốc ra, bỏ vương vải trên nền đất, rồi nhảy
lên thành lon nhún nhún, cho đến khi cái lon nghiêng úp lại, thuốc, giấy đổ
tung toé. Lúc đó, như đã hoàn thành một kỳ công ghê gớm, cu cậu bay lên cây ưỡn
ngực hót lên một tràng đắc thắng.
Nhưng buồn cười nhất, là nó cũng biết trả
đũa ra trò. Trong trung đội, nó ghét nhất là Phái điển, vì anh hay đuổi bắt nó,
vung cành cây quất dọa nó những khi nó phá nghịch. Một lần, canh lúc Phái đang
ngủ, nó len lén bay tới, nghiêng người thả một bãi phân vào mặt anh với sự
chính xác của một phi công tác xạ bậc thầy. Lần ấy, Phái điển nổi khùng, suýt
đập chết nó nếu Ụ Mối không kịp thời ngăn anh lại. Từ đó, Phái không đá động gì
đến con Chíp nữa, mặc cho nó quậy phá cỡ nào, anh cũng cố bịt mắt, lấp tai làm
ngơ đi. Kể ra cũng tội nghiệp cho Phái, đành phải nhịn thua một con chim nhãi
nhép nhưng vô cùng láo xược.
Huy vươn vai, rồi ngồi dậy. Nắng bên ngoài
lấp loáng qua kẻ lá, đổ xuống mặt đất những đốm hoa loang lổ nhỏ to. Từ sau hôm
Huy về trung đội, trời đã dứt hẳn mưa. Cho đến hôm nay, những gì một tuần mưa
dầm mang lại đã biến đi không còn dấu vết gì. Mấy bồn nước lại chỉ còn lưng
lưng nước tải từ hồ về. Mặt cát lại khô rang, nóng bỏng. Không khí lại oi nồng.
Chỉ có những hàng cây là còn giữ lại được phần nào nét xanh mát của mưa, với
những chùm lộc non biên biếc vừa mới nhú.
Ụ Mối nằm xoay trở nãy giờ mà không dỗ
giấc được cũng lồm cồm ngồi lên, bảo Huy:
- Tụi mình đi đào giông đi Huy.
Huy gật đầu, bước tới góc lều, nơi dựng
xẻng cuốc cầm lấy hai cái, vác lên vai. Con Chíp từ ngoài lượn vào, bay vòng
vòng quanh Ụ Mối kêu léo nhéo. Ụ Mối giơ tay lên đe nó:
- Mi chuyên quấy giấc tụi tao. Có bữa ông
cáu tiết lên đem xáo măng bây giờ.
- Đau lòng cò con! Đau lòng cò con! – Con
Chíp quàng quạc kêu lên. Ụ Mối trợn mắt nhìn nó, tự hỏi thầm: “Trời đất! Con
quái này học ở đâu vậy? Làm như nó hiểu được tiếng người!”
Huy nhìn vẻ mặt ngơ ngác của Ụ Mối, bật
cười. Anh giải thích với hắn:
- Không phải nó biết ông nói cái quái gì đâu. Hôm qua, tôi vừa cho
nó ăn vừa đọc mấy câu “Con cò mà đi ăn đêm...”
Bây giờ, nó nghe ông nói xáo măng, nên nó nhớ tới câu kế, đọc tiếp cho
ông nghe đó!
Ụ Mối vỡ lẽ, gật gù cười khà khà, rồi hắn
bước ra cái bồn, múc một chút nước đổ vào cái khăn, đưa lên lau bộ mặt pháo đài
kiên cố của mình.
Hai người đi về hướng đông. Hướng này bọn
Huy chưa khai thác nhiều, có lẽ “tài nguyên-thực phẩm” còn phong phú. Bãi cát ở
sau một khoảng rừng thưa, không có cây to mà chỉ lơ thơ những bụi cây cao ngang
đầu người, đôi chỗ có cả những bụi xương rồng to lớn, lởm chởm những gai. Nó
kéo dài khoảng năm sáu trăm mét, rồi băng qua một ngọn đồi thấp đầy đá cuội,
luồn vào những hàng cây đồ sộ, nơi bắt đầu của cánh rừng già.
Hang giông có đáy nằm cách mặt đất khoảng
nửa mét đến một mét, tùy theo kích thước to nhỏ của “chủ nhân”, và thường là
đâm xéo từ trên xuống một quãng, rồi bẻ ngang song song với mặt đất theo dạng
chữ L.
Đào bắt giông không khó. Điều chủ yếu là
phải xem dấu chân ở miệng hang để khỏi phí công vô ích. Mấy hôm trước chưa có
kinh nghiệm, cứ nhìn thấy hang là Huy hùng hục đào, rốt cuộc chỉ là một cái
hang trống, hoặc có những sinh vật khác đang trú ngụ; đôi lúc là một con cóc
già xụ, to kềnh; đôi lúc là một chú bò cạp núi khổng lồ, đỏ rực như than đang
cháy, giơ hai chiếc càng đồ sộ lên thủ thế. Ụ Mối giảng giải với Huy:
- Ông phải nhìn thật kỹ xem miệng hang nào
có cát xước thành những vệt nhỏ, đó là vết chân giông, thì đào mới có. Hang nào
mà miệng trơn nhẳn thín nỏ có gì đâu.
Có khi, đào tới cuối hang nhưng chận không
kịp, chú giông nhào lên cong đuôi phi sang một cái hang khác gần đó chui xuống,
phải làm lại từ đầu. Huy rút kinh nghiệm nên thủ sẵn một cành cây có nhiều
nhánh nhỏ. Con giông nào vừa xuất hiện tính chạy là anh quất ngay, xem ra rất
có hiệu quả.
Đi vòng vòng một lúc, cả hai đã bắt được
sáu con to, khoảng hai tấc đến hai tấc rưỡi không kể cái đuôi dài. Ụ Mối nói:
- Thôi, bao nhiêu đây đủ cho bữa ni rồi.
Để dành đó cho mấy ngày sau.
Huy kéo Ụ Mối tới ngồi nghỉ dưới bóng một
lùm cây. Anh móc trong túi cái bao đựng thuốc rê ra, vấn một điếu rồi đưa sang
Ụ Mối. Hôm trước, trung đội tải theo xe trung đoàn về cứ, tụi anh đã nhờ họ mua
giùm ít thuốc rê và trà. Cả trung đội được một phen hút thuốc uống trà thỏa
thuê, bù lại những ngày thèm nhớ.
Huy khoan khoái rít một hơi thuốc thật
sâu, rồi chầm chậm nhả khói ra. Anh đưa mắt nhìn lơ mơ về phía ngọn đồi. Dưới
ánh nắng, những hòn cuội trắng, đen, xam xám đủ màu đủ cỡ óng a óng ánh như
những hòn ngọc quí. Cả ngọn đồi rực rỡ, sáng loá lên. Huy hỏi Ụ Mối:
- Anh Quân lính bảy chín sao bây giờ vẫn chưa ra quân
vậy hả Dũng?
- Ông chưa biết sao, anh ấy đâu còn họ hàng thân thuộc
gì nữa mà về. Trước khi vào lính, anh Quân ở trong chùa...
Ụ Mối duỗi hai chân ra, kể cho Huy nghe về
cuộc đời Quân.
Quân là con một của hai vợ chồng làm nghề
buôn chuyến. Trong một chuyến từ Huế trở vào Sài Gòn, chiếc xe bị lật nhào rơi
xuống vực. Cả hai người đều chết tại chỗ. Năm đó, Quân lên bốn, do một người vú
nuôi mẹ anh thuê chăm sóc. Sau tai nạn, bà ngoại Quân đón anh về nuôi. Nhưng
bốn năm sau đó, bà cũng bị bệnh mất đi. Tài sản của ba mẹ và bà đều bị những ông
cậu, bà dì họ giành giật, chia chác tiêu tán hết, nhưng lại chẳng ai buồn nhớ
tới việc nuôi nấng, dạy dỗ đứa trẻ tám tuổi bất hạnh. Nói chính xác hơn, họ rất
quan tâm đến chuyện đó, nhưng ai cũng thành thật tin rằng đó là trách nhiệm,
nghĩa vụ của một người khác chứ không phải của mình. Họ đun đẩy qua lại, trách
móc nhau, cãi cọ nhau, rồi chửi rủa nhau ngày này qua ngày khác về chuyện nuôi
nấng đứa nhỏ, dạy dỗ cho nó nên người, nhưng lại lờ đi chuyện đứa nhỏ cần một
bữa ăn, cần một sự lo lắng, thương yêu bằng hành động.
Quân lần mò về thành phố, đi lang thang
xin ăn một thời gian. Rồi một bữa anh bị mắc mưa, cảm sốt nằm mê man trước cổng
một ngôi chùa nhỏ. Trong chùa, chỉ có một vị sư già trụ trì và một chú tiểu lớn
hơn Quân khoảng năm sáu tuổi. Họ bắt gặp anh đang nằm co quắp, ôm anh vào săn
sóc, chữa bệnh. Sau đó, vị sư già cho Quân ở lại chùa, nuôi dạy anh cho đến lúc
trưởng thành. Quân được nhà sư cho đi học, anh đã có bằng tú tài hai khi Sài
Gòn được giải phóng. Sau đó, anh thi đậu vào đại học, nhưng đang học dở năm thứ
hai, thứ ba gì đó, thì nhà sư mất. Quân buồn lắm. Anh thương mến vị sư già như
cha đẻ. Thêm nữa lúc ấy chiến tranh đang nổ ra ở biên giới, anh liền tình
nguyện vào lính, và kể từ đó coi đơn vị như mái nhà của mình.
Huy ngồi im lắng nghe Ụ Mối kể chuyện.
Ngoài kia, ánh nắng đã bắt đầu dịu dần,
phai đi trên những ngọn cỏ tranh héo vàng bên tay phải. Ở rừng bóng chiều ụp
xuống rất nhanh. Thường thường, vừa mới đó nắng còn chói chang, nhưng chỉ giây
lát sau thôi, những hàng cây đã mờ đi, chìm trong làn sáng mờ mờ vàng nhạt; và
ở phía trong sâu hơn, chỉ còn thấy những khoảng tối âm u, thăm thẳm. Mấy con
sóc bay và bọn dơi quạ bắt đầu tung ra lượn lờ quanh quẩn để săn mồi.
Không ngờ cuộc đời của anh Quân buồn như
vậy, Huy thầm nghĩ.
Qua những ngày sống ở đây, Huy chỉ nhận
thấy Quân là một người trầm ngâm, ít nói. Nhưng đôi lúc, anh cũng đùa giỡn, kể
chuyện tiếu lâm rất nhộn. Anh không hề làm ra vẻ khó khăn, nghiêm khắc, thế mà
mọi người trong trung đội ai cũng có vẻ nể trọng, làm theo răm rắp những lời
anh nói, kể cả người lớn tuổi nhất là Già Hương. Mọi người còn có vẻ rất quí
mến, gần gũi với anh, giữa họ không hề có một khoảng cách nào. Huy thấy Quân có
cái gì đó thật gần, thật giống với mình. Ở chỗ nào, Huy không xác định được, nhưng
anh cảm nhận được nó, dù suốt nửa tháng qua, anh cũng chưa bao giờ có một cuộc
chuyện trò, tâm sự nào thật sự với Quân, ngoài những lời trao đổi thông thường.
- Lần đó, tôi nhận được thư nhà báo tin mẹ
tôi bị bệnh nặng vừa mới chết. Tôi nằm khóc cả ngày, bỏ ăn bỏ uống. Anh Quân đã
an ủi tôi, rồi anh kể cho tôi nghe những chuyện này... – Ụ Mối nói thêm – Thôi
về đi Huy, chiều rồi đó.
Hai người về tới nơi, cả trung đội cũng
đang tập trung lại thành mấy nhóm bên ngoài căn lều nấu bếp.
Ngay trước cửa lều là nhóm sáu người: Phái
điển, Trung gấu, Thiện, Tiến cóc, Bình, Hưng. Bên tay trái là nhóm Mợi, Lý,
Thái, Phú, Trọng, Cường. Nhóm thứ ba là Quân, Thuận kều, Già Hương. Mỗi nhóm
đều ngồi trước một thau cơm, và khẩu phần thức ăn cho sáu người.
Ụ Mối nói:
- Chờ thêm tí nữa các đồng chí thân yêu.
Mỗi mâm được phân phối hai con “gà đất”. Nói đoạn, anh bước vào bếp để nướng giông.
Chỉ nhoáng sau, mùi thịt nướng đã bốc lên thơm nhức mũi. Vài phút sau, Ụ Mối
cầm mấy con giông đã chín, lột bỏ lớp vảy ngoài, để lộ lớp thịt trắng phao,
trông hệt như thịt cá lóc nướng ra, chia cho mỗi nhóm hai con. Rồi anh ngồi
xuống nhóm của mình.
Thức ăn buổi chiều gồm có một thau canh lá
rừng chua, một dĩa muối trộn ớt khô giã nhuyễn, một dĩa thịt heo đóng hộp,
giống hệt như buổi trưa, và cả mấy ngày gần đây. Mọi người ăn thật ngon miệng,
dù chẳng có gì để gọi là ngon lành, trừ món thịt giông nướng chấm muối ớt.
Nhưng hai con xé ra có được là bao, mỗi người chỉ nhón một miếng là hết sạch.
Dạo vừa đánh xong Ampil, trung đội còn lên
đó kiếm được chút rau dền, cải, hay bầu bí, trái đu đủ non mà dân tị nạn trong
cứ trồng về nấu canh. Rau chỉ có hạn, mà biết bao nhiêu đơn vị cùng tập trung
lên hái, nên chỉ vài ngày sau là chẳng còn một cái gốc rau làm thuốc. Trọng có
sáng kiến chặt mấy cái đọt đu đủ về cắt ra mỏng, rửa thật kỹ rồi ngâm muối cho
tan mủ, sau đó đem nấu canh. Nhưng sau khi ăn món đó, hầu như ai cũng bị đau
bụng một trận nên thân, không ai dám nhắc đến món canh đọt đu đủ nữa. Liên tiếp
cả tuần, canh chỉ là nước sôi cho tí bột ngọt và muối vào nêm để dễ nuốt trôi
cơm. Nhưng thiếu chất xanh, cả bọn bị táo bón gần chết. May sao sau đó Già
Hương tình cờ phát hiện được một thứ cây rừng có lá giống như lá mai nhưng mỏng
hơn, có vị chua. Anh nấu thử một ít, tự ăn một mình thí nghiệm, rồi thấy bình
an vô sự nên thông báo cho cả bọn đi lùng món rau trời cho này về nấu canh suốt
từ ấy đến nay. May một cái nữa là khu rừng trước mặt mọc đầy dẫy loại cây này,
nên không còn lo thiếu canh nữa. Có điều, lúc đầu ăn cũng khá ngon, nhưng ròng
rã mấy tuần, cứ một món canh vừa chua vừa chát, ai nấy đều ngán tới cổ.
Trung đội cơm nước xong xuôi thì trời cũng
đã nhá nhem tối. Quân tập hợp cả trung đội lại
hội ý, phân công gác, xong xuôi phần làm việc, anh cười cười bảo:
- Này anh em, tối nay là mười bốn trăng
tròn. Chúng ta sẽ pha trà ngắm trăng. Đề nghị anh Mợi chuẩn bị mấy “bộ phim”mới
hấp dẫn tối nay “quay” cho anh em thưởng thức. Thôi, trung đội giải tán.
Mọi người đứng lên, ai về lều nấy. Ở hướng
đông, vầng trăng mười bốn to như một chiếc mâm vàng sáng rỡ đã nhú ra.
***
Trong lính, những “nghệ sĩ quay phim” là
những người rất mực được anh em sủng ái và chiều chuộng. Anh ta chỉ việc ngồi
xếp bằng chễm chệ, mở mồm ra để tường thuật lại những gì mình đã từng đọc được,
xem được một cách ung dung.
Thuốc hút ư? Anh em đã vấn sẵn cho anh mấy
điếu to kềnh, chỉ cần cất tiếng là lập tức có người đốt lên, đưa tận miệng cho
anh, tha hồ mà rít.
Trà ư? Sẽ có người chuyên từ cái ca inox
ra loại trà hãm nước nhất, còn bốc khói, xanh biếc, đậm đặc ngon lành, và đưa
đến tận tay.
Nếu anh còn chưa vừa ý, còn muốn làm eo
làm nũng, bằng cách vặn cổ, uốn lưng than mỏi cổ, mỏi vai, ngay lập tức sẽ có
hai tay đấm bóp “đẳng cấp quốc tế” thay phiên nhau đấm lưng, xoa bóp cho anh
với đủ bài đủ bản. Những tay đạt được trình độ đại cao thủ trong nghề quay phim
còn được thường xuyên hưởng cái vinh dự là khách mời đặc biệt trong những cuộc
liên hoan tiệc tùng ngọt, mặn của các trung đội, thậm chí đại đội lân cận.
Tuy nhiên, “nghề chơi cũng lắm công phu!”
Chẳng phải dễ gì mà một bước lên ngay cái chức vua không ngai như vậy.
Trước hết, anh phải là một tay biết nhiều
hiểu rộng, là bậc làu thông các tác phẩm nghệ thuật lừng danh kim cổ. Thứ hai,
anh phải có một trí nhớ hoạt động một cách bền bĩ và liên tục trong một câu
chuyện “ma-ra-tông”, có khi phải kể suốt mấy đêm liền mới hết. Thứ ba, anh phải có một năng khiếu bẩm sinh về
nghệ thuật kể chuyện, nghĩa là anh phải biết cách làm cho câu chuyện trở nên ly
kỳ, hấp dẫn lên gấp bội, phải thêm thắt, phịa ra bằng một sự ngẫu hứng thiên
tài những tình tiết nhỏ to, mà chẳng lần nào giống lần nào một câu chuyện; biết
ngưng lại đúng lúc một câu chuyện đang lên đến điểm nút, cao trào, để người
nghe phải nôn nóng, thòm thèm muốn nghe kể tiếp ngay, dù tình thế khách quan bắt
buộc câu chuyện phải tạm dừng ở đó.
Vì những yêu cầu khắt khe như vậy, số
lượng những nhà kể chuyện bậc thầy càng trở nên hạn chế, trong khi giá trị của
họ càng được nâng cao.
Trung đội được cái diễm phúc vô cùng là có
một người như vậy, làm rạng rỡ cả tiếng tăm chung, làm thơm lây cho những anh
em khác. Người đó chính là Mợi lác.
Mợi là lính 83, dân Quận 1, khu chợ Cầu
Ông Lãnh. Đã là lính, không anh nào tránh khỏi cái món lác. Bởi vậy, người ta
mới có cơ sở để tạo ra một danh từ kép đầy hình tượng: “lính lác”. Lính phải có
lác, cũng như sông hồ phải có cá, rừng phải có muông chim, điều đó gần như trở
thành qui luật! Chính bản thân Huy, hồi còn ở Quang Trung cũng đã bị lác, dù
rất vệ sinh, kỷ lưỡng, có ngày tắm tới ba lần! Không riêng gì anh, cả đại đội
lúc bấy giờ đều như vậy. Có lẽ, một tay nào đó có mầm mống vi nấm lác trên
người đã ẩu tả nhảy vào hồ chứa nước, làm lây nhiễm cả tập thể anh em. Báo hại
cứ chiều chiều, sau giờ cơm, toàn đại đội đều tiến hành cuộc “tổng tấn công
tiêu diệt lác!” Mà thuốc thì chả có gì
ngoài nước Iode, hoặc cồn 90o. Chứng lác có một đặc điểm là thường
tập trung ngay tại “cơ quan đầu não,” “bộ tổng hành dinh” của quí vị mày râu.
Vậy nên cái quang cảnh lúc ấy thật là náo nhiệt. Mọi người đồng loạt lúi húi
thoa thoa, xức xức, đồng loạt rú lên những tiếng thét xung phong, và đồng loạt
nhảy disco, hay giật soul cho nguôi cơn nóng rát.
Dù sao, lác không phải là một chứng nan y
hay khó trị, nên sớm muộn gì nó cũng bị tiêu diệt, trừ những ngoại lệ vô cùng
cá biệt, hiếm hoi, ví dụ như trường hợp
của Mợi lác. Lác ở anh lan tràn, bành trướng trên toàn bộ mọi bề mặt có lỗ chân
lông! Và, hình như nó rất quyến luyến anh, nên nếu anh trị được hết ở chỗ này,
thì nó lại chuyển hộ khẩu sang một “địa phương” lân cận. Cuối cùng, Mợi kiệt sức,
đầu hàng trong cuộc chiến không cân sức này, anh bắt tay với lác, “chung sống
hòa bình” với nó. Anh chỉ còn khổ một cái là phải cẩn thận, dè dặt để tránh cho
lác khỏi buồn tình làm một chuyến ngao du qua các cơ thể khác...
***
Đêm. Cả trung đội ngồi thành một vòng tròn
trên mấy chiếc chiếu.
Trăng đã lên cao gần giữa đỉnh đầu, tỏa
xuống một ánh sáng vằng vặc, dịu dàng. Dải cát dưới ánh trăng mịn màng một sắc
trắng lạ lùng, huyền ảo. Dường như nó không còn là một vật thể khô khan, thô
thiển và làm mắt người ta nhức nhối như dưới ánh mặt trời. Dải cát giờ đây mềm
mại, mỏng manh như một chiếc khăn lụa đang nhấp nhô phấp phới, uốn lượn qua
những gò, những lũng, những đồi. Những cây cổ thụ lẻ loi, những lùm bụi thấp
rải rác, và những hàng cây ở phía xa hiện lên dưới ánh trăng có vẻ hư ảo mơ hồ,
như trong một bức tranh thủy mặc. Trên những thân cây mọc gần lều, ở những chỗ
có rêu hay địa y bám sáng lên lấp lánh, những chiếc lá như được tráng một lớp
bạc mỏng. Các chỗ khuất mà ánh trăng không lọt tới tối và sậm màu hơn, nhưng
cũng phát ra một làn phản quang yếu ớt.
Bao giờ ngồi dưới bóng trăng, Huy cũng
thấy bình an, thanh thản dù đang rất buồn lo một điều gì đó. Ánh trăng hình như
có một nguồn sức mạnh kỳ diệu lạ thường, nó vỗ về, xoa dịu, và nâng hồn người
đến một cõi cao xa, hòa vào hồn đất trời, cây cỏ.
Ánh trăng vằng vặc giúp cho người lính gác
đêm có tầm quan sát rộng, dễ dàng phát hiện mọi hiện tượng diễn ra trong tầm
mắt, giúp cho những đêm xa nhà ngắn lại, vui hơn, dễ chịu hơn. Anh em ngồi quây
quần tán gẫu, nghe kể chuyện, hoặc cùng nhau nhảy lăm thôn, khiêu vũ đôi những
điệu slow, tango, bebop dìu dặt, hay điệu chachacha, valse náo nức rộn ràng...
Có lẽ vì vậy, những đêm có trăng với lính là những đêm tuyệt diệu.
Mợi đang kể đến một đoạn hấp dẫn ở phần đầu truyện Đồi
gió hú. Mọi người ngồi im lắng nghe. Thỉnh thoảng, chỉ có tiếng một cơn gió
cuốn qua lay động lá cành. Giọng kể của Mợi sôi nổi, lôi cuốn làm ai cũng quên
đi cả giờ giấc. Bỗng từ xa, cách khoảng ba trăm mét về hướng Nam, có ánh đèn
pin loang loáng tiến dần về lều trung đội. Trọng đang ngồi gác bên ụ súng quát
lên:
- Ai?
- Tâm
cối đây mà! – Bóng người đang đi tới hét lên đáp, và tắt đèn pin.
Tâm đã tới gần hơn, đủ để có thể nhận diện
được dưới ánh trăng. Anh nói một cách ồn ào:
- Chà, 12 ly cũng đang thưởng trăng phải
không. Bên Cối cũng ngồi chơi nãy giờ. Ông Đạt nhớ anh Mợi, bảo tôi qua đây mời
anh qua bển chơi, quay vài khúc. Tôi đã biết thế nào anh cũng có sô ở đây rồi,
mà nói ổng không nghe, cứ một hai bảo tôi cứ đi bằng được. Thôi, giờ cho ngồi
đây tham dự với mấy anh luôn nghe.
Phái điển và Trung gấu ngồi nhích qua chừa
chỗ cho Tâm. Cả ba là đồng hương Quận Tân Bình với nhau, cùng sang đây một
lượt. Tâm rất nghiền nghe kể chuyện. Anh là một trong những người hâm mộ Mợi
còn hơn cả nhỏ bồ ruột của mình. Có lần, Mợi sang B Cối kể chuyện, trung đội
chả ai còn giấy, Tâm lấy cả lá thư nhận được lúc chiều của nhỏ bồ, mà anh cũng
chỉ mới đọc lướt qua, xé ra vấn thuốc cho Mợi.
Một lúc sau, Trung gấu đột nhiên đứng dậy.
Nét mặt Trung có vẻ kỳ lạ, bồn chồn. Anh im lặng bước khỏi vòng tròn. Mợi ngưng
kể, nhìn chằm chặp Trung. Thường ngày, Trung rất thích nghe chuyện, không bao
giờ anh bỏ qua một chuyện ngắn chuyện dài nào. Trung đi chầm chậm về phía ụ
gác, nhưng còn cách chỗ Trọng khoảng vài chục mét thì dừng lại, ngồi bệt xuống
đất. Dáng ngồi của Trung dưới ánh trăng trông thật buồn bã, cô đơn.
Phái điển làu bàu:
- Chắc là nó lại nhớ anh Trung liều, lại
nghĩ ngợi vẩn vơ!
Mọi người im lặng trong giây lát.
Phát điển nhóng người về phía Quân, nói
tiếp:
- Mấy hôm nay nó có vẻ bất thường lắm anh
Quân! Giống như khùng khùng vậy.
Quân nhíu mày. Anh trầm ngâm một lúc, rồi
nói:
- Anh em nên chú ý quan sát Trung, gần gũi
động viên nó. Nhất là Phái đó, nghe không.
Mọi người lại im lặng. Rồi Mợi cất tiếng:
- Thôi, ta tiếp tục câu chuyện...
Đêm trôi nhanh. Vầng trăng đã hơi chếch
trên cao về hướng Tây. Những vì sao khuất dần, chỉ còn lại những ngôi sáng
nhất. Tiếng gà rừng eo óc gáy ở đâu đó rất xa vọng đến mơ hồ.
Câu chuyện ngày càng thu hút hơn qua giọng
kể lúc bổng lúc trầm của Mợi. Đến một lúc, khi Mợi cầm chén trà nhấp một ngụm
lấy giọng, Quân nói:
- Thôi, Mợi kể hết đoạn này nữa là giải
tán. Chúng ta còn phải nghỉ ngơi để mai bắt đầu tập với các đại đội chiến thuật
đánh phối hợp với tăng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét