CHƯƠNG 16
Đầu
mùa mưa năm ấy, Tiểu đoàn được lệnh chuyển cứ. Tiểu đoàn trưởng Bảo ra chỉ thị
nghiêm cấm không được tháo dỡ bất cứ thứ gì, toàn bộ nhà trại đều phải giữ
nguyên vẹn để bàn giao lại cho một tiểu đoàn của E14. Thế nhưng nơi chuyển đến
lại là một cánh rừng thưa, ở xa dân, phum gần nhất cũng cách đó bảy tám cây số.
Những người lính một lần nữa làm lại từ đầu, nào xây dựng căn cứ nhà trại, nào
đi đốn cây rừng về làm cột kèo, đào đắp giao thông hào, công sự chiến đấu... Ai
cũng buồn. Không phải vì họ sợ vất vả khổ cực. Họ buồn vì đã quá thân quen gắn
bó với địa hình cũ, với dân. Những lối mòn giữa các tiểu đội và từ trung đội
này sang trung đội kia quen thuộc đến nỗi họ có thể nhắm mắt đi lại vẫn chẳng
lạc đường. Hoa mười giờ, hoa sam Thái trồng từ năm ngoái dọc theo các lối đi,
trong những bồn đất trước hiên nhà đang ở thời điểm xum xuê nhất, lá mướt xanh
và hoa nở rộ khắp nơi trong những ngày nắng ấm. Nhà cửa vừa được sửa sang. Cả
những con chim sẻ và sáo rừng cũng trở nên quen người dạn dĩ, chúng đáp xuống
hàng bầy trước hiên nhà mỗi giờ cơm để chờ những người lính ném cho vài nắm cơm
thừa. Ai cũng có những gia đình thân thiết ngoài phum, có những mẹ cha, anh em
kết nghĩa. Tất cả những thứ ấy, lớn hoặc nhỏ, quan trọng hay không, đều đã góp
phần vun đắp nên Tình cảm-Sự thân thương, đã an ủi, giúp họ vơi đi nỗi nhớ quê
nhà. Nhưng biết làm sao, đời lính là một chuỗi những chuyến đi, một chuỗi những
gặp gỡ, chia ly tiếp nối. Có tiếc nuối, vấn vương gì cũng chỉ thêm nặng lòng
thôi.
Các
trung đội khẩn trương đi đốn tre, cắt lá, đưng, đánh tranh, để tới địa bàn mới
là có thể bắt tay dựng nhà ngay.
Sau
hai tuần chuẩn bị, họ lên đường vào một ngày đẹp trời tháng Tư. Mỗi trung đội
đã cố xoay xở mượn được đôi ba chiếc xe bò để chở tranh lá, đồ đạc. Hôm Huy ra
phum mượn xe, gặp me của Soun, anh dừng lại hỏi thăm bà, và báo cho bà biết đơn
vị sắp dời đi nơi khác.
-
Đi đâu nữa? – Bà thảng thốt kêu lên.
-
Tới đóng trại ở gần phum hoang phía Bắc cách đây chừng ba chục cây số me ạ. Còn
ở đây sẽ có một đơn vị khác về ở.
-
Vậy sao không để họ tới đó, còn các con vẫn ở đây?
- Không được me ạ. Đó là nhiệm vụ, là kế hoạch
của cấp trên. Bọn con phải chấp hành thôi.
Me
lắc đầu buồn bã. Huy chào bà, gửi lời thăm Soun rồi vội vã đi tới các nhà có xe
bò để hỏi mượn. Anh tự động viên mình, đừng buồn làm chi vô ích, rồi thỉnh
thoảng khi có điều kiện nhất định anh sẽ về đây chơi thăm mọi người, thăm Soun.
Vậy
nhưng khi đoàn xe bò vừa ra khỏi Cứ, Huy đã nhìn thấy Soun đứng ngong ngóng
giữa hàng chục đàn bà trẻ nhỏ. Họ đứng đó chờ chào từ giã những người lính.
Soun chưa nhìn thấy Huy ngay vì anh lẫn vào giữa đám lính tráng, giữa những xe
cộ chất cao đồ đạc, cô đưa mắt kiếm tìm, vẻ nôn nao, bối rối và buồn bã.
Huy
vẫy tay hét lớn:
-
Soun ơi!
-
Boòng Huy! – Soun kêu to mừng rỡ, rồi im bặt. Cô chợt nghẹn ngào muốn khóc, và
không biết nói gì.
Huy
nhìn đôi mắt đỏ hoe của cô, xúc động. Cả anh bây giờ cũng không biết phải nói
gì. Biết bao nhiêu chuyện dồn dập đến: C13 xoá sổ, Quân chết, me Sa Rinh chết,
Sa Piên bỏ nhà đi, cả con Chíp mà Ụ Mối để lại cho Huy cũng bị cúm và lăn ra
chết từ lâu....Tất cả đã làm Huy như chìm đắm trong nỗi buồn đau. Anh ít ra
phum, ít gặp Soun, và tệ nhất đã quên khuấy đi cả lời hứa sẽ làm một chiếc đèn
dầu tặng cô. “Sao lúc này mình mới chợt nhớ ra!” – Huy thầm kêu lên, thấy giận
mình ghê gớm. Đôi chân Huy vẫn vô thức bước theo đoàn xe, trong lúc anh ngoái
đầu lại, nhìn Soun không chớp mắt. Khi đi được một quãng, Huy mới kịp la lên:
-
Soun ơi, đừng buồn. Anh sẽ về thăm Soun... Anh sẽ làm cho Soun một cây đèn dầu,
đẹp hơn cây đèn kia nữa!
Huy
không thể rời mắt khỏi dáng vóc nhỏ nhắn thân thương của Soun cho đến khi lớp
bụi mù cuộn lên, và những rặng dâu xanh ngắt đã che khuất mất cô. Đôi mắt buồn
rầu hoe đỏ của Soun vẫn còn ám ảnh Huy mãi cho tới khi anh tới điểm dựng cứ
mới.
Khối
trực thuộc Tiểu đoàn đến vị trí vào giữa trưa. Mọi người ngao ngán nhìn những
bụi rậm đầy gai góc, và những dây mắt mèo lủng lẳng trái đầy lông. Chúng đu đưa
theo gió, như thể đang ngấm ngầm đe dọa: “Hãy tránh xa bọn tớ ra, nếu không các
cậu sẽ nếm mùi đau khổ!”
Họ
nhanh chóng tháo dỡ đồ đạc, tranh lá khỏi xe, cám ơn và tiễn mấy người dân đánh
xe về, rồi ngay lập tức bắt tay vào việc.
Họ
làm quần quật đến sẫm tối, trừ lúc nghỉ ăn cơm vào lúc xế trưa. Ai nấy đều đói
như cào, mệt bã người. Gai cào xước những đường dài trên mặt họ. Dù không dám ở
trần để tránh bị lông mắt mèo, nhưng cả người họ vẫn ngứa ran lên. Lúc đang làm
cơn ngứa dịu đi, nhưng giờ đây, chúng tha hồ làm tình làm tội mấy người lính.
Thứ lông mắt mèo không gãi thì còn đỡ, càng gãi, cơn ngứa càng tăng, gãi đến
trầy da tóe máu cũng chả ăn thua. Họ đốt lửa lên hơ cho đỡ ngứa một lúc rồi ra
suối, cách đó chừng hai trăm thước tắm táp, chuẩn bị cho bữa cơm tối.
Ngày
hôm sau, lúc đang phát quang, Thuận phát hiện ra một tổ ong mật rất to. Anh vơ
mấy nhúm cỏ và nhánh cây khô đốt lên để xông tổ ong. Lũ ong bị quấy rối bay tán
loạn, đuổi theo tấn công họ. Mọi người bỏ chạy ra phía suối, nhảy ùm xuống lặn
tránh hồi lâu mới thoát khỏi chúng. Cuối cùng Thuận cũng lấy được gần hai bình
toong mật ong vàng sánh. Lúc Thuận đưa cho Huy bình toong mật, kêu anh nếm thử
thì Tiểu đoàn trưởng Bảo tới.
Dạo
về sau này Bảo có phần nào thay đổi. Anh dịu đi, bớt cáu gắt với anh em, không
còn đánh đập hay chửi lính. Anh cũng bớt uống rượu đi. Thậm chí lúc này trông
Bảo còn có vẻ cởi mở, vui vẻ. Anh mỉm cười khi bước tới gần, bảo Huy:
-
Chà, 12 ly may nhỉ, được bọn ong cho mật và đuổi đốt một trận tưng bừng!
-
Kinh quá anh Bảo! Không có con suối chắc đứa nào cũng mập mình với lũ ong rồi –
Huy chìa cái bình toong cho Bảo:
-
Anh Bảo nếm thử xem sao.
Bảo
cầm lấy, nốc một ngụm nhỏ, rồi khen:
-
Khá lắm – Anh nhìn quanh, nói – Thôi anh em tiếp tục làm đi. Cố cho xong để còn
đào giao thông hào và công sự. Tớ đi sang bên ĐK đây.
Bảo
đi. Huy chuyền chiếc bình toong cho anh em mỗi người nhấp một ngụm. Sau đó, họ
tiếp tục.
Đêm
hôm đó, khoảng giữa khuya, trời đổ mưa như trút. Mọi người chỉ mắc võng dưới
những táng cây chứ không có thì giờ làm lều. Lúc đầu họ còn ngáy ngủ và quá mệt
mỏi nên vội bung tấm nylon ra trùm lên võng rồi ngủ tiếp. Nhưng mưa to quá, mỗi
lúc một nặng hạt hơn. Một lúc sau, nước mưa len lỏi theo dây võng chảy xuống,
làm lưng quần áo của ai cũng ướt sũng, lạnh tê. Không sao ngủ tiếp, họ đành
ngồi dậy cởi quần áo ra, choàng tấm nylon lên người, rồi xúm lại bên nhau tán
dóc chờ trời sáng.
Mưa
luồn qua những tầng lá rơi xuống, chạm vào lớp nylon trên đầu những người lính
tạo thành một chuỗi lốp bốp đều đều. Mưa ngấm vào lớp lá mục dưới đất, gặp hơi
đất ấm nồng, tỏa lên thành sương nghi ngút. Cả trung đội ngồi ghé vai nhau vừa
nhìn hơi sương tỏa quanh mù mịt, vừa chuyện trò khe khẽ, lâu lâu một ai đó chợt
bật cười khúc khích hoặc húng hắng ho. Câu chuyện của họ lan man trên trời dưới
đất, nối dài không dứt như mưa. Đêm tưởng chừng như dài vô tận cuối cùng cũng
qua đi, nhưng mưa vẫn còn dai dẳng.
Mưa
rơi tiếp suốt cả ngày hôm sau, lúc to lúc nhỏ. Mọi người vẫn làm dưới cơn mưa,
nhưng tốc độ giảm đi. May là những ngày sau đó, trời nắng ráo và ấm áp. Nhưng
vì sợ trời lại mưa gây trở ngại, mọi người ráo riết làm quên cả nghỉ ngơi. Huy xoay
như chong chóng, hết đẽo cột quay sang đào công sự, rồi lợp tranh... không còn
biết mệt. Cả người anh giờ hệt như một khối thép dẻo, muốn uốn lượn, muốn đập
dẹp vỗ tròn gì thì chất thép bên trong vẫn không suy suyển. Không chỉ là thép,
mà còn có lửa! Lửa hồng trong anh đang cháy, bừng bừng, mỗi lúc một nóng đỏ hơn
lên. Thỉnh thoảng, trong những lúc dừng tay vấn một điếu thuốc rê, Huy lại thấy
lòng nhói lên nỗi nhớ Quân. Quân chiếm một chỗ quá lớn trong lòng anh. Anh
không nhận ra điều này lúc Quân còn sống, nhưng giờ đây anh đã biết. Mỗi khi
nghĩ đến Quân, Huy buồn không chịu nổi. Một cảm giác mất mát, xót xa gần như là
đau đớn về thể chất làm Huy muốn ngã quỵ xuống, làm Huy muốn gào khóc lên nức
nở, gào khóc như điên như dại, cho cả đất trời, cả nỗi đau của anh cũng tan
thành nước mắt trôi đi. Nhưng cả việc gào khóc đó cũng chỉ diễn ra một cách âm
thầm lặng lẽ trong tim. Nước mắt không chảy ra ngoài, trên khóe mắt. Chúng biến
thành máu đen và mật đắng, chảy ngược về tim.
Cuối
cùng thì đâu cũng vào đấy. Nhà cửa, đường đi lối lại, hầm hào công sự đều khang
trang tươm tất. Đơn vị được nghỉ ngơi an dưỡng ít lâu. Những ngày rảnh rỗi, Huy
cùng mấy anh em khác ra suối câu cá, mò chem chép. Lúc đầu họ còn thong dong
ngồi buông câu như Khương Thượng Tử Nha thả nhợ chờ minh chúa, ít lâu sau đó họ
lấy mùng ra làm lưới kéo, nhưng đi lên đi xuống, quậy đục ngầu cả một quãng
suối dài, cũng chỉ được vài con cá tép nhải nhép chả bỏ dính răng. Chẳng mấy
chốc, cá cua tôm tép hết sạch sành sanh vì hàng trăm con người ngày nào cũng
câu, cũng bắt. Phải trồng trọt chăn nuôi để cải thiện bữa ăn, không thể lạm
dụng thiên nhiên một cách quá đáng như vậy nữa – Huy thầm nghĩ – nhưng từ giờ
đến khi ung dung hưởng thụ thì... muối ớt, mắm kem cái đã!
Mấy
hôm sau, cả trung đội tập trung dẫy cỏ, cuốc đất lên luống trồng rau, dựng giàn
bầu bí. Hạt giống rau muống vẫn còn khá nhiều, đủ để gieo năm luống lớn, lại có
một ít hạt đậu ván của me Sa Rinh cho dạo trước chưa gieo hết. Khoảng nửa tháng
sau, họ bắt đầu có rau xanh thêm vào những bữa cơm.
Dần
dần, trung đội cũng thấy thích thích cái chỗ ở mới này. Mấy căn nhà dựng dọc
ven bờ suối. Phía ngoài là những cụm cây rậm rạp buông những chùm rễ xòa ra mặt
nước. Không khí lúc nào cũng man mác một làn hơi nước ẩm ướt. Sáng sáng, không
gian tràn ngập tiếng chim kêu hót véo von. Thỉnh thoảng, có một con họa mi đến
đậu ngay trước đầu hồi, cất giọng hót suốt đêm. Tiếng hót ngọt ngào làm những
người lính ngồi gác quên đi buồn nhớ, tiếng hót như những khúc ca êm êm dìu dịu
len lén rót vào tai những người đang thiếp ngủ, mang về những giấc mơ đẹp, an
bình. Bỗng dưng những người lính cảm thấy mình giống như những nhà ẩn sĩ, mặc
khách tao nhân, lánh chốn phồn hoa tìm đến đây hưởng cảnh an nhàn.
Một
buổi trưa ra suối tắm, Huy gặp Thái, B phó trinh sát. Hai người trò chuyện vu
vơ một hồi, Thái bảo:
-
Tối nay tụi tui đi bám ở mạn đông phum Chan Đai....
Đang
lơ đễnh, Huy chợt giật mình khi nghe hai tiếng Chan Đai. Bỗng dưng một nỗi nhớ
cồn cào dâng ngập hồn anh. Nhớ me Sa Rinh. Nhớ búc Hô. Nhớ Sa Piên. Nhớ hai anh
em thằng Kan. Nhớ hai chị em Cà Mum, Khla. Nhớ mẹ của Soun... Nhưng nhớ nhất,
nhớ hơn tất cả... là Soun! Huy bỗng nhận ra điều đó. Anh nảy ra một ý, cắt
ngang lời Thái.
-
Nè, ông cho tui đi với. Khi về mình cắt qua đầu phum, mấy ông chờ tui ở ngoài,
tui vào thăm người quen một tí.
Thái
nhe răng cười:
-
Phải con nhỏ Soun "mắt huyền" không? Cả tiểu đoàn ai cũng biết rồi đó
nghe Huy! Được rồi, chiều sang tui ăn cơm uống trà rồi cùng đi.
Suốt
buổi chiều ấy Huy nôn nao mãi. Từ lúc đến đây, ít khi anh nghĩ tới Soun. Nhưng
hình ảnh cô đã gần gũi, thân thương lắm, đã chiếm một góc, nhỏ nhoi khiêm tốn
thôi, mà vô cùng quan trọng trong trái tim, tâm hồn của anh. Mỗi lần nhớ Soun,
lòng Huy lại rộn lên một cảm giác vừa ấm áp, trìu mến, vừa nôn nao xao động lạ
lùng. Lần đầu tiên, Huy nhận ra mình không bao giờ có thể quên được người con
gái ấy. Lần đầu tiên anh ngượng ngùng tự thú với mình: “Vậy là mình thương Soun
thật rồi! Soun ơi, anh thương Soun thật rồi đó, biết không!” Cả buổi trưa anh
không ngủ. Anh lục lọi trong ba lô, lôi ra mấy cái lọ thủy tinh đựng thuốc,
chọn tới chọn lui, rồi ngồi hý hoáy làm một chiếc đèn dầu để tặng Soun như đã
hứa. Đây là chiếc đèn đẹp nhất Huy đã làm từ trước đến nay. Trước kia, đơn giản
anh chỉ làm một chiếc đèn để thắp sáng trong đêm. Còn hôm nay, anh làm nó với
yêu thương và một niềm vui rộn rã.
Toán
trinh sát và Huy đi suốt đêm hôm ấy, cắt một đường zích zắc hướng về điểm tọa
độ ở cánh rừng mạn đông. Khoảng ba giờ sáng họ đến điểm, nghỉ ngơi một lúc, giở
cơm vắt ra ăn, rồi tiếp tục nằm phục cho đến hết ngày hôm sau. Họ không phát
hiện được gì lạ. Một ngày dài dằng dặc trôi qua. Ráng chiều chuyển từ đỏ rực
sang vàng rồi tím mờ dần sau dãy núi. Khi đêm buông xuống được một lúc, họ bắt
đầu cắt xéo về hướng đầu phum. Đến cây gạo cổ thụ nằm ngoài bìa phum, ba người
lính trinh sát dừng lại. Họ tản ra thành ba đỉnh của một hình tam giác, ngồi
núp sau những bụi cây, Huy men theo những gốc cây, bụi rậm tiến vào phum.
Vừa
chập tối không lâu, nhưng không khí trong phum khá tịch mịch im lìm. Anh em E14
vừa mới tới đây, lạ nước lạ cái, chắc hẳn đêm không ra phum chơi như bọn anh
ngày trước. Vài ba nhà mới có một nhà thắp đèn, cả phum tối om, buồn thiu cả
ruột. Huy vừa thận trọng luồn lách qua những lớp rào gỗ thưa vừa lắng nghe động
tĩnh. Thận trọng như thế không phải là vô ích. Ở những phum vùng hẻo lánh như
thế này, hầu như nhà nào cũng có con cháu đi theo địch. Tuy họ vẫn có cảm tình
với bộ đội Việt Nam,
nhưng con cháu họ, những tay chạy theo Pol Pot ấy, tất nhiên là không thể giở
chuyện tình cảm ra để nói nếu như bất ngờ hai bên chạm trán nhau. Huy nhớ có
một lần, anh và Già Hương ra chơi nhà tà Nuốc, nhập nhoạng tối, ông già bảo:
-
Hai con đi về nhà đi, hôm khác ra chơi, bây giờ không tiện đâu.
Huy
hơi thắc mắc khi thấy thái độ khác lạ của ông, ngày thường, ông rất vui khi có
anh em đến chơi, trò chuyện. Khi cả hai đi khỏi nhà ông cụ một đoạn, Già Hương
giải thích:
-
Ổng muốn tránh đụng độ giữa tụi mình và thằng cháu ổng. Cháu ổng theo địch mấy
năm nay. Lâu lâu nó ghé về xin gạo xin tiền ông già.
-
Vậy ổng không sợ mình ra phục bắt cháu ổng sao Già Hương?
-
Ổng biết anh em mình đâu có chơi hèn như vậy. Đụng nhau ngoài chiến trường thì
khác, nhưng những lúc này, nó về không phải là để gây hấn với mình, mình có
biết cũng làm lơ đi là tốt nhất.
Lúc
này, Huy mới hiểu trọn vẹn ý nghĩa câu nói của Già Hương khi anh ở vào một hoàn
cảnh tương tự. Anh lẻn vào phum chỉ để thăm Soun, anh thật sự không muốn chạm
trán, nổ súng hay thậm chí một sự um xùm không cần thiết. Nhưng anh vẫn phải nổ
súng nếu như tình thế bắt buộc. Để khỏi phải rơi vào một tình thế bắt buộc như
vậy, thận trọng một chút chẳng có gì là quá đáng.
Đã
tới chân cầu thang của nhà Soun. Huy đứng im một lúc, ngẩng đầu nhìn lên trên
nhà. Trong nhà đã tắt đèn. Không biết hai mẹ con Soun còn thức hay đã ngủ. Huy
đưa tay vỗ vào túi quần, chiếc đèn dầu vẫn ngoan ngoãn nằm yên ở đó. Anh nhẹ
nhàng bò lên những bậc thang. Tới bậc cuối, anh dừng lại, ép người vào thanh
gỗ, ngồi im như bức tượng một lúc lâu. Thời gian lắng đọng, ngừng trôi. Là mấy
phút, mấy giờ, hay đã mấy thế kỷ trôi qua? Tri giác của Huy đối với thời gian
ngưng hoạt động. Trong đầu anh lúc này chỉ còn những hình ảnh của Soun. Soun,
áo trắng đơn sơ, mắt to ngơ ngác như một thiên thần, len lén nhìn anh lần đầu ở
tiệc cưới. Soun thẹn thùng e ấp khi anh mời ra nhảy. Soun đỏ mặt khi nghe con
Chíp léo nhéo mấy câu anh dạy để chọc cô. Soun cúi mặt mơ màng, mái tóc dài rối
xõa, hàng mi cong chơm chớp hôm vào Cứ với Sa Piên. Soun, đôi mắt đỏ hoe buồn
bã nhìn theo lúc anh dời Cứ... Huy chợt giật mình tỉnh mộng, bên trong có tiếng
trở mình trên lớp ván, rồi giọng Soun, nhỏ nhẹ, trong vắt, dịu hiền, vang lên
giữa màn đêm tĩnh lặng:
-
Me ơi, me đã ngủ chưa?
-
Me còn thức.
-
Ngày mai con ra chợ huyện với boòng My Un, con mua cho me chiếc khăn krama mới.
Khăn me đã rách cả rồi.
-
Thôi đừng con. Con thích gì cứ mua mà dùng, me chẳng cần đâu. Khăn me vẫn còn
dùng được lâu.
-
Con không thích gì cả, con chỉ thích me vui. Me ừ đi me ạ.
-
Ừ, thì con muốn sao cũng được. Thôi, ngủ đi con.
Lại
tiếng trở mình, lần này của cả hai mẹ con. Rồi im lặng. Huy ngồi thêm một lúc
thật lâu nhưng không nghe thấy gì nữa ngoài những tiếng thở nhẹ đều đều. Soun
và me đã ngủ say. Anh nhè nhẹ rút chiếc đèn trong túi ra, đặt bên cạnh cửa.
Sáng ra, Soun sẽ trông thấy nó khi mở cửa. Cô sẽ biết là ai đã mang nó tới để
đó trong đêm. Và chắc là cô vui lắm.
Huy
nhủ thầm: “Tạm biệt Soun!” Anh nhanh chóng, nhưng vẫn rất thận trọng quay ra
bìa phum, chỗ cây gạo già. Chắc là toán trinh sát đã nóng ruột lắm rồi, có khi
còn đang rủa thầm anh ngoài ấy!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét