CHƯƠNG 19
Năm ấy, tiểu đoàn trải qua một mùa khô
gian khó. Trời hạn lớn. Cây cỏ xơ xác héo vàng vì thiếu nước. Những giàn bầu
giàn mướp, những luống rau đậu họ trồng khô chết cả. Không khí hanh hao nóng
bức làm thân thể họ lúc nào cũng nhơm nhớp mồ hôi. Những con suối gần khu vực
đóng quân đều khô cạn. Họ phải đi sang phum lân cận cách đó bảy cây số tải về
từng can nước. Chiếc hồ sen cạnh chùa chẳng mấy chốc cũng chỉ còn một lớp nước
cạn sệt bên trên lớp bùn dưới đáy. Dân phum và những người lính phải lần lượt
xếp hàng chờ đợi đến lượt từng người để chắt từng ca nước trong mấy cái hố nhỏ
đào sâu xuống đáy hồ. Liên tục gần hai tháng trời, những người lính cách ba bốn
ngày mới tẩm ướt chiếc khăn để lau sơ một lượt qua thân thể.
Khoảng
giữa tháng Bảy, tiểu đoàn được lệnh hành quân lên cao điểm 182. Theo
quân báo trung đoàn, một lực lượng khoảng hai trăm lính Pol Pot đã tập trung về
đó chừng nửa tháng, đóng quân quanh một hồ lớn giữa rừng. Và cao điểm cũng là
nơi duy nhất trong vòng bán kính hơn năm mươi cây số có nguồn nước. Trên bản
đồ, ký hiệu xanh lơ của chiếc hồ nổi lên thành một vệt dài. Mọi người chuẩn bị
cho đợt hành quân mà lòng ngao ngán.
Suốt một thời gian dài khô hạn, thần kinh ai nấy cũng căng thẳng và bực bội, và
thân xác họ rã rời bãi hoãi, chỉ cầu mong mưa xuống. Đi đánh nhau trong tình
trạng như thế, không mong gì một kết quả khả quan, nhưng quân lệnh như sơn, là
lính dù muốn dù không họ cũng phải chấp hành. Họ cố tìm đủ nước để mang theo,
nhưng nhiều lắm mỗi người cũng chỉ kiếm được nửa can vàng. Họ chỉ còn hy vọng
lên tới cao điểm sẽ nhanh chóng đuổi được địch, chiếm lấy hồ nước để tha hồ uống cho thỏa thích.
Cao điểm cách Cứ chừng sáu mươi cây số.
Tiểu đoàn cố vượt qua khoảng cách đó trong đêm để tránh cái nắng ban ngày,
nhưng trời oi bức mà họ lại không dám dùng đủ nước, nên tốc độ càng lúc càng
giảm. Đến sáng, họ còn cách vị trí hơn
năm cây số. Tiểu đoàn trưởng Bảo cho đơn vị dừng lại giải lao. Những người lính
móc mấy bao gạo sấy ra đổ nước vào rồi nhá nhá cho đỡ đói. Không ai dám đụng đến lương khô. Thứ đó
chỉ để dành cho những buổi tối ngồi nhấm nháp uống trà nói chuyện ở Cứ, đi tác
chiến mà ăn lương khô chỉ tổ uống nước nhiều nặng bụng đi không nổi. Sau đó một
giờ, họ lên tới hồ. Đội hình chiến đấu được triển khai và áp sát dần vào, nhưng
cuối cùng họ phát hiện địch đã rời cao điểm mấy ngày trước đó. Rải rác chỉ còn
dấu những bếp đào quanh bờ hồ. Chiếc hồ chỉ còn là một trũng đất rộng, khô như
bầu trời và mặt đất. Nó chỉ còn là một xác chết của chiếc hồ có ký hiệu xanh lơ
vẫn nằm tươi rói trên mặt bản đồ.
Tiểu đoàn trưởng Bảo cáu tiết chửi thề ỏm
tỏi, nhưng cơn giận của anh nhanh chóng xìu xuống, anh bắt đầu cảm thấy lo âu
khi nghĩ tới chặng quay về. Nếu quay trở lại theo đường cũ, họ phải băng một
con trảng dài gần năm mươi cây số dưới ánh nắng chói chang. Đó là con đường
ngắn nhất. Còn đi vòng xuống hướng tây một chút, khoảng ba mươi cây sau, họ sẽ
gặp phum đầu tiên, và có thể tìm được ít nước. Nhưng đường xa gấp rưỡi, và có
nhiều khả năng đụng địch, mà lúc này mọi người đều mệt mỏi và đuối sức, không
đụng địch cũng đã muốn nhấc chân không lên rồi, còn đánh đấm gì được nữa.
Cuối cùng, Bảo quyết định chọn đường vòng.
Tiểu đoàn quay về như một đoàn quân thất trận, tệ hơn cả thất trận. Từng nhóm
lính rải rác lê chân trên cánh trảng, không hàng lối trật tự gì. Nhiều người
ngất xỉu nằm lăn ra trên đất, nhất là các trung đội hoả lực. Kiên và Vũ, hai
lính mới của trung đội không chịu nổi cũng ngã qụy khi còn cách phum chừng năm
cây số. Huy rút trong túi cóc ra chiếc bình toong. Sau lần ở biên giới trở về,
không bao giờ Huy quên giữ một bình toong nước mỗi lần đi tác chiến. Nhiều khi
anh mang theo và lại mang về, không đụng đến suốt một đợt truy quét. Nhưng thói
quen ấy bây giờ rõ ràng là có ích. Huy rót ra nắp bi đông, cho Kiên và Vũ nhấp
từng ngụm thật nhỏ, và cũng không cho hai đứa uống nhiều, chỉ độ ba nắp bi
đông. Sau đó, Kiên, Vũ khá hơn, và họ lại tiếp tục lên đường. Lần lượt, những
nhóm lính cũng vào được tới phum. May là họ không gặp địch ở đó.
Đó là một phum lạ, Tiểu đoàn chưa từng ghé
qua lần nào. Dọc theo con đường chính giữa phum là hai hàng dừa cao nhiều trái.
Những người lính năm lăn ra dưới gốc dừa, thèm thuồng nhìn những trái dừa to
xanh ngắt trên đầu. Sau một lúc nghỉ ngơi lại sức, mọi người tản vào nhà dân
hỏi xin dừa. Những người dân có vẻ không sẵn lòng vui vẻ. Họ lắc đầu ngoay
ngoảy, và đổ là không biết dừa của ai, dù cây dừa mọc ngay trước cửa nhà. Nhà
này bảo: "Không biết đâu, chắc đó là dừa của nhà ở hướng bắc". Sang
nhà hướng bắc, lại nghe bảo: "Chắc là của nhà hướng tây!" Những người
lính nổi cáu, họ giơ AK lên bắn lên đọt dừa, làm dừa non dừa già rớt lộp độp. Khi đó, mấy bà cụ già mới chạy ra
mếu máo: "Mấy con ơi, đừng bắn chết cây mất, thôi leo lên hái đi. Đừng bắn
nữa!"
Huy theo dõi cảnh tượng đó, vừa cảm thấy
tức cười, vừa xót xa cho thân phận những người lính xa nhà. Bọn Huy dù sao cũng
chỉ là những chàng trai trẻ, chịu đựng quá nhiều cực khổ, mà những người dân
này lại đối xử với bọn anh một cách vô
tình. Hay là họ cũng có những khổ tâm riêng? Những trái dừa kia là nguồn sống
của họ chăng? Có phải thóc gạo của họ, vịt gà, heo chó của họ, cây trái của họ
đã nhiều lần bị những đoàn lính tráng, bên này hay bên kia, cướp phá? Đến độ
với họ chỉ còn nỗi khiếp sợ và căm ghét? Vậy ai là người có lỗi, và ai là kẻ
đáng thương hơn? Những người lính đang ngang ngược bắn phá này, hay những người
dân sống trong thời loạn ly khói lửa
kia?
***
Cơn hạn kéo dài đến cuối tháng Bảy, chừng
như đã hả hê với những hoành hành tội tình đã trút xuống đầu dân chúng, nên đột
ngột biến đi. Một buổi chiều gió bỗng nổi lên, quất mạnh vào những lũy tre bao
bọc quanh các phum, bẻ gãy những cành khô mục to kềnh trên những thân cổ thụ,
rồi mây đen nghìn nghịt kéo đến đầy trời. Mưa giông như trút, trong khoảnh khắc
đã đổ đầy các con suối, rãnh nước và cả một vùng trảng thấp. Mưa sầm sập suốt
đêm. Ngày kế tiếp nắng ráo. Rồi sau đó đều đều cách quãng hai ba ngày lại có
một ngày mưa gió.
Sau những cơn mưa đầu mùa, cây cối trong
phum, trong đồng cỏ, cánh rừng bắt đầu xum xuê xanh tốt lại. Măng le, măng tre
gai nhú lên tua tủa như những chiếc chông bụ bẫm bên gốc những cụm tre già. Nấm
mối, nấm hương đua nhau mọc đầy trong các khe suối, trên những thân gỗ mục. Tuy
vậy, dân ở phum Chan Đai không rủ nhau lũ lượt vào rừng tỉa măng, hái nấm như
mọi năm. Năm đó, các lực lượng địch vừa mới huấn luyện từ biên giới đổ về rất
nhiều. Các đơn vị quân Việt Nam
lần lượt bị bao vây, đánh úp, có đại đội đã phải bỏ Cứ mở đường máu thoát khỏi
vòng vây. Các trận đánh xảy ra như cơm bữa giữa quân Việt Nam và quân
Khmer đỏ, cả những đường mòn lối nhỏ trong rừng cũng chăng đầy mìn các
loại. Đã có vài ba người ở phum bên vào
rừng vướng phải mìn của địch gài dọc theo những lối mòn, bờ suối.
Một buổi sáng nắng đẹp, Soun một mình đi
vào rừng hái nấm. Rừng cây thân thuộc không ngăn cô lại, không kêu lên những
lời cảnh báo. Soun đi vào rừng một mình. Và không bao giờ quay về nữa.
Thật ra Soun biết những hiểm nguy đang
rình rập trong rừng. Nhưng nghĩ tới những chiếc nấm non tròn xoe mập mạp, cô
thấy tiếc quá. Phần nữa, cô rất thích vừa tha thẩn hái nấm, vừa thầm thì nói
chuyện với lũ bướm rừng và trêu chọc bọn sóc con hay giương mắt ngơ ngác nhìn
người lạ rồi kêu ré lên và bỏ chạy, và vừa nghĩ tới Huy nữa. Hôm Huy lẻn về
phum đặt cái đèn trước cửa, sáng ra Soun là người đầu tiên trông thấy nó. Thoạt
tiên cô giật mình kinh ngạc, rồi cô hiểu ra ngay mọi chuyện. Soun ôm chiếc đèn
vào lòng. Miệng cô tự nhiên bật thốt những câu dân ca tình tứ véo von. Soun vui
mừng, sung sướng ngất ngây. Một niềm vui, xúc động lạ lùng và cả nỗi nhớ Huy
chợt ùa vào hồn, làm cô như ngạt thở. Soun tíu tít khoe ngay với me, rồi cô rót
dầu từ chiếc đèn cũ ở nhà sang chiếc đèn mới, đốt lửa lên, ngồi nhìn ánh lửa và
hân hoan trò chuyện với nó, như thể nó biết nghe và biết trả lời, như thể nó
chính là Huy vậy. Soun có một thiên tư và sự hồn nhiên của đa số những cô gái
sống ở gần thiên nhiên, rừng núi, đó là xem mọi vật như con người, và rất thích
chuyện trò trong tưởng tượng với chúng, dù thật ra cũng chỉ tự mình nói, rồi tự
mình nghe.
-
Đèn nằm đây suốt đêm buồn lắm, lạnh lắm phải không… Boòng Soun tệ thật, boòng
Soun không biết gì hết, thôi đèn đừng giận nhé! Rồi chị sẽ thương em, lau em và
lúc nào cũng rót dầu thật đầy cho em nhé, chịu không?
- Tội cho boòng Huy ghê, đèn nhỉ! Boòng
Huy đi tới nhà chị đêm qua chắc là vất vả lắm. Thế mà chị chả biết, chả nói
chuyện với anh. Chị cứ ngủ khì ra. Boòng
Soun của em tệ ghê, tệ ơi là tệ!
Soun cứ tíu tít nói những câu không đầu
không đũa như vậy trước nụ cười và đôi mắt nhìn âu yếm của me. Bà cũng vui
không kém.
Phải, Soun muốn đi vào rừng để hái nấm, về
phơi khô dành gửi cho boòng Huy. Cô năn nỉ xin me cho đi. Me không đồng ý, bà
cũng muốn có cái gì đó gửi cho Huy, nhưng đi vào rừng thì tuyệt đối là không.
Soun nài mãi me cũng nhất định lắc đầu. Nhưng sáng hôm đó, me đi sang nhà tà
Nuốc giúp làm đám giỗ. Soun ở nhà làm hết mấy chuyện vặt, cô lại lôi chiếc đèn
ra trò chuyện với nó một lúc. Rồi một ý muốn mạnh mẽ chợt xâm chiếm lấy Soun,
cô không còn cưỡng lại nó được. Soun cầm lấy chiếc giỏ mây rời khỏi nhà.
Rừng như đang mỉm nụ cười hớn hở và cất
tiếng hát ca chào đón bước chân Soun. Những bụi cỏ thấp còn đẫm sương và mưa
đêm long lanh, xào xạc kêu lên khi chạm nhẹ vào chiếc xà rông của Soun. Chúng
như muốn nũng nịu: “Boòng Soun cúi xuống với bọn em tí nào, cười với bọn em
một cái!” Và Soun cúi xuống, mỉm cười với chúng thật dịu dàng. Hoa linh lan
nhỏ xíu và trắng muốt cố tỏa hương ngào ngạt hơn khi Soun bước chân qua chúng.
Những chiếc lá dài mỏng mảnh ve vẩy, và những nụ hoa run khẽ chào cô. Mấy cây
dầu già khom lưng xuống nhìn cô, rồi vừa rùng mình buông mấy chiếc lá đỏ hoe
cho rơi lên vai lên tóc cô như ve vuốt, vừa lao xao bàn tán với nhau: “Chà!
Con bé càng lớn càng kháu khỉnh quá đi thôi!”
Soun tung tăng len lỏi qua những thân cây
già cỗi, những bụi rậm xanh rì, nhận những lời chúc tụng, chào hỏi của chúng và
thân thiện vui vẻ đáp chào với chúng. Khi những tia nắng xuyên qua táng lá xanh
như ngọc hong khô những giọt sương sớm trên cây lá, chiếc giỏ mây đã được lưng
lưng những nụ nấm ngọt ngào. Soun bắt đầu lo âu khi sực nhớ ra mình đã cãi lời
mẹ vào rừng. Cô nghĩ thầm: “Thôi không hái nữa, phải về ngay kẻo mẹ lo cho mình
lắm.”
Soun quay về, men theo bờ một con suối
nhỏ. Khi bước qua một khoảng đất lầy, cô trượt chân xuýt ngã, nhưng rồi lấy lại
thăng bằng được. Vừa mới lấy lại bình
tĩnh sau cú trượt, cô đã bật cười một tràng ròn rã để tự chế giễu mình. Tiếng
cười vui của Soun còn chưa tắt hẳn, thì cô chợt nghe một tiếng lách tách rất
khẽ ngay dưới chân, rồi một vật gì đó bật tung lên trước bụng cô. Một tiếng nổ
xé tai vật Soun ngã lăn ra. Soun nằm trên đất, bé nhỏ, lẻ loi, chiếc áo trắng
rách bươm, nhuộm máu. Cái giỏ mây lăn ra cách Soun mấy mét, những nụ nấm nhỏ
văng tung toé, có nhiều nụ vương đỏ máu Soun.
Cây lá trên đầu, xung quanh Soun vẫn rì
rào lao xao trong gió. Nhưng giờ đây chúng trở thành những vật vô tri vô giác,
thản nhiên không biết một cô gái nhỏ đã chết gục dưới chân mình.
Hôm nay là ngày mấy tháng mấy năm nào vũ
trụ có còn không bầu trời này mặt đất này có còn không hay đã vỡ tung ra hồn
tôi có còn không hay đã vụn nát thành trăm ngàn mảnh thủy tinh sắc nhọn đang
cào cấu tim tôi ngoài kia đêm mịt mùng đen tối ngoài kia gió rít gió gào
gió khóc hờn gì sao cứ gào rú mãi bên tai đêm đã giấu em tôi
nơi nào gió đã chở em tôi đi đâu xin làm ơn trả lại cho tôi xin hãy làm ơn
trả Soun lại cho tôi tôi còn tỉnh
đây hay đã mất trí rồi mà bỗng nghe trăm tiếng thét gào rên xiết điên dại rú
trong đầu Soun ơi em đi đâu mà me ngồi đây khóc ngất nhớ em mà tôi ngồi đây như
đá lặng câm nhớ em. có ai ngoài đêm tối kia xin trả lời tôi em đã đi đâu xin
đừng nói với tôi cái từ chết xấu xa khủng khiếp chết là gì tôi không muốn biết
tôi chỉ muốn có lại Soun tôi chỉ muốn nhìn thấy lại Soun tôi không muốn tin gì
nữa hết tôi không muốn nghe gì nữa hết đừng nói với tôi chết chết chết
ôi vật gì đang đâm xé tim tôi…
Không. Soun không chết. Một thiên thần bé nhỏ
như em không thể chết đâu. Tôi không bao giờ muốn tin là mình đã mất em.. Tôi
tin là em đã bay đi. Em đã bay đi, với đôi cánh nhẹ nhàng trong suốt, với trái
tim yêu thương và đầy lòng nhân ái. Em đã bay đi. Đến một nơi không còn thù
hận, không có phân chia. Không có súng đạn, chiến tranh. Và từ nơi cao xa yên
bình vĩnh viễn đó, em vẫn mỉm cười nhìn theo tôi thật dịu dàng. Chiếc áo của em
không còn hoen đỏ máu tươi. Áo em trắng tinh khôi như mây như nắng, như hồn em
trong trắng ngây thơ.
(trích nhật ký của Huy)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét